ỦY BAN NHÂN
DÂN
TỈNH AN GIANG
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
48/2018/QĐ-UBND
|
An Giang, ngày
27 tháng 11 năm 2018
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ NUÔI CHIM YẾN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
AN GIANG
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương
ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Xây dựng ngày 18 tháng 6 năm
2014;
Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 23 tháng 6
năm 2014;
Căn cứ Luật Thú y ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Nghị định số 18/2015/NĐ-CP ngày 14
tháng 02 năm 2015 của Chính phủ quy định về Quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh
giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi
trường;
Căn cứ Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18
tháng 11 năm 2016 của Chính phủ Quy định về xử phạt trong vi phạm hành chính
trong lĩnh vực bảo vệ môi trường;
Căn cứ Nghị định số 90/2017/NĐ-CP ngày 31
tháng 7 năm 2017 của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực
thú y;
Căn cứ Nghị định số 139/2017/NĐ-CP ngày 27
tháng 11 năm 2017 của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt
động đầu tư xây dựng; khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu
xây dựng, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ
thuật; kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà công sở;
Căn cứ Nghị định số 123/2018/NĐ-CP ngày 17
tháng 9 năm 2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số Nghị định quy định về điều
kiện đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp;
Căn cứ Thông tư số 39/2010/TT-BTNMT ngày 16
tháng 12 năm 2010 của Bộ Tài nguyên và Môi trường Quy định quy chuẩn kỹ thuật
quốc gia về môi trường;
Căn cứ Thông tư số 35/2013/TT-BNNPTNT ngày 22
tháng 7 năm 2013 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quy định tạm thời về
quản lý nuôi chim yến;
Căn cứ Quyết định số 80/2016/QĐ-UBND ngày 09
tháng 12 năm 2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang ban hành Quy định bảo vệ
môi trường trên địa bàn tỉnh An Giang;
Căn cứ Quyết định số 106/2016/QĐ-UBND ngày 30
tháng 12 năm 2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang ban hành Quy định về cấp
phép xây dựng và quản lý trật tự xây dựng theo giấy phép trên địa bàn tỉnh An
Giang;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 272/TTr-SNN&PTNT ngày 26 tháng 11 năm
2018.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1.
Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về quản lý
nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh An Giang.
Điều 2.
Quyết định này có hiệu lực từ ngày 10 tháng 12 năm
2018.
Điều 3.
Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc: Sở
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng;
Thủ trưởng các Sở, ngành có liên quan; Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thị xã,
thành phố, các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định
này./.
Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ;
- Website Chính phủ;
- Bộ Nông nghiệp và PTNT;
- Cục Kiểm tra văn bản QPPL-Bộ Tư pháp;
- Cục Chăn nuôi, Cục Thú y – Bộ NN&PTNT;
- TT. TU; TT. HĐND tỉnh; TT. UBND tỉnh;
- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh;
- UBMTTQ VN tỉnh;
- Các Sở, ban, ngành tỉnh;
- UBND huyện, thị xã, thành phố;
- Công báo tỉnh AG;
- Lãnh đạo VPUBND tỉnh;
- Website tỉnh An Giang;
- Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh;
- Các phòng chuyên môn của VPUBND tỉnh;
- Lưu: VT, P.HCTC.
|
TM. ỦY BAN
NHÂN DÂN
KT.CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Trần Anh Thư
|
QUY ĐỊNH
VỀ QUẢN LÝ NUÔI CHIM YẾN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH AN GIANG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 48/2018/QĐ-UBND ngày 27 tháng 11 năm 2018 của
Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang)
Chương
I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều
1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Phạm vi điều chỉnh: Quy định
này nhằm thực hiện việc quản lý các hoạt động có liên quan đến lĩnh vực nuôi
chim yến trên địa bàn tỉnh An Giang.
2. Đối tượng áp dụng: Các cơ
quan quản lý nhà nước có thẩm quyền và các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt
động nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh An Giang.
Điều
2. Giải thích từ ngữ
Trong Quy định này, các từ
ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Nuôi chim yến là các hoạt
động bao gồm ấp trứng, chăm sóc nuôi dưỡng, dẫn dụ chim yến và khai thác tổ của
chim yến (tổ yến).
2. Nhà nuôi chim yến là công
trình xây dựng được cải tạo hoặc xây mới nhằm mục đích là nơi ấp trứng, chăm
sóc nuôi dưỡng, dẫn dụ để chim yến trú ngụ và làm tổ.
3. Cơ sở nuôi chim yến là
công trình xây dựng để phục vụ hoạt động nuôi chim yến mang tính chất thương mại
thuộc sở hữu của tổ chức, cá nhân như: nhà nuôi chim yến, nhà kho, cơ sở chế biến
và các trang thiết bị kèm theo.
4. Dẫn dụ chim yến là việc sử
dụng các biện pháp kỹ thuật để thu hút chim yến về làm tổ trong nhà nuôi chim yến.
5. Dự án nuôi chim yến là công
trình được cấp có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư.
Chương
II
QUY ĐỊNH NUÔI
CHIM YẾN
Điều
3. Các vùng không được phép xây dựng mới nhà nuôi chim yến
1. Đối với thành phố, thị
xã:
a) Thành phố Long Xuyên:
- Toàn bộ diện tích các phường:
Mỹ Bình, Mỹ Long, Mỹ Xuyên, Đông Xuyên, Bình Khánh.
- Các phường: Mỹ Quý, Mỹ Phước,
Mỹ Thới, Mỹ Thạnh và Bình Đức tính từ khu vực bờ Tây sông Hậu đến đường vành
đai trong.
- Phường Mỹ Hòa: Khu vực
phía Bắc đường vành đai ngoài 100 mét và khu vực cách tỉnh lộ 943 tính từ tim
đường hiện hữu là 01 kí lô mét.
b) Thành phố Châu Đốc:
- Toàn bộ diện tích các phường:
Châu Phú A, Châu Phú B, Vĩnh Mỹ.
- Phường Núi Sam: Trong phạm
vi 01 kí lô mét tính từ Chùa Bà.
c) Thị xã Tân Châu:
Toàn bộ diện tích các phường:
Long Châu; Long Hưng; Long Thạnh; Long Phú và Long Sơn.
2. Đối với các huyện: Khu vực
trung tâm thị trấn.
3. Đối với các khu đô thị mới
đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết.
4. Đối với tuyến Quốc lộ
trong phạm vi 200 mét, tính từ chỉ giới xây dựng theo quy định.
5. Trong phạm 200 mét, tính
từ vành đai của các khu vực, như: Nơi du lịch đặc biệt, nơi danh lam thắng cảnh,
nơi tôn nghiêm tín ngưỡng, cơ sở y tế, trường học, công sở, chợ, khu dân cư,
khu công nghiệp, cụm công nghiệp và công trình công cộng khác.
6. Trường hợp đặc biệt, cần
đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, Ủy ban nhân dân tỉnh
xem xét và quyết định từng trường hợp cụ thể.
Điều 4.
Các vùng hạn chế và được phép xây dựng
1. Các vùng hạn chế xây dựng:
Là khu vực được tính từ vành đai vùng không được phép xây dựng với khoảng cách
100 mét.
a) Đáp ứng các nội dung theo
quy định tại Điều 5, Điều 6, Điều 7 của Quy định này. Đặc biệt, thực hiện
nghiêm việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật hiện đại trong việc nuôi chim yến
không gây ảnh hưởng đến cộng đồng.
b) Thiết kế xây dựng phải được
sự đồng thuận của cộng đồng dân cư chung quanh trong bán kính 50 mét.
2. Các vùng được phép xây dựng
Ngoại trừ các vùng được quy
định tại Điều 3 và Khoản 1 Điều 4 thì được phép xây dựng nhà nuôi chim yến
nhưng phải đảm bảo thực hiện các thủ tục về xây dựng, về môi trường và phòng chống
dịch bệnh theo Quy định này.
Ưu tiên phát triển tại các
vùng nông thôn nơi có quần đàn chim yến đang phát triển, khu vực ven hai bên
nhánh sông Tiền và sông Hậu nhưng phải đảm bảo không được bố trí trong phạm vi
hành lang bảo vệ nguồn nước.
3. Không được cơi nới, mở rộng,
nâng tầng nhà ở để làm nơi nuôi chim yến, khi chưa được cấp phép của cơ quan có
thẩm quyền.
Điều 5.
Quy định về xây dựng
Các tổ chức, cá nhân xây dựng
nhà nuôi chim yến kể từ thời điểm Quyết định này có hiệu lực phải có giấy phép
xây dựng theo quy định trước khi khởi công xây dựng công trình.
Điều 6.
Quy định về môi trường trong việc nuôi chim yến
1. Thủ tục môi trường
a) Các tổ chức, cá nhân xây
dựng nhà nuôi chim yến có quy mô diện tích nhà nuôi từ 500 mét vuông (m2) sàn
trở lên phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường trình Sở Tài nguyên và
Môi trường thẩm định phê duyệt. Dự án có quy mô diện tích từ 50 mét vuông (m2)
đến dưới 500 mét vuông (m2) sàn phải lập kế hoạch bảo vệ môi trường trình Ủy
ban nhân dân cấp huyện thẩm định, xác nhận trước khi triển khai thực hiện xây dựng.
b) Các tổ chức, cá nhân nuôi
chim yến xây dựng nhà nuôi chim yến có quy mô diện tích nhỏ hơn 50 mét vuông
(m2) sàn thì không phải đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường.
c) Điều kiện bảo vệ môi trường
đối với dự án xây dựng nhà nuôi chim yến
- Thực hiện điều kiện vệ
sinh thú y và phòng chống dịch bệnh.
- Có biện pháp, công trình
thu gom, xử lý các chất thải phát sinh trong quá trình xây dựng, hoạt động theo
quy định.
2. Âm thanh dẫn dụ
Các tổ chức, cá nhân xây dựng
nhà nuôi chim yến sử dụng âm thanh với các thiết bị hiện đại để việc dẫn dụ cường
độ không vượt quá 70 dBA (Đề xi ben A) trong thời gian từ 06 giờ đến 21 giờ và
không được sử dụng âm thanh dẫn dụ trong thời gian từ 21 giờ đến 06 giờ hôm
sau.
Điều 7.
Vệ sinh thú y, phòng chống dịch, khai thác và sơ chế tổ yến
1. Vệ sinh thú y, khai thác
và sơ chế tổ yến thực hiện theo quy định tại Điều 5, Điều 6 của Thông tư số
35/2013/TT-BNNPTNT ngày 22 tháng 7 năm 2013 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn Quy định tạm thời về quản lý nuôi chim yến.
2. Thực hiện các quy định về
phòng, chống dịch bệnh đối với bệnh động vật trên cạn được quy định tại Điều
25, Điều 26, Điều 27, Điều 28, Điều 29, Điều 30 và Điều 31; Mục 2, Chương II của
Luật Thú y 2015.
Điều 8.
Quy định đối với tổ chức, cá nhân nuôi chim yến đã hoạt động trước khi Quyết định
này có hiệu lực
Tổ chức, cá nhân nuôi chim yến
đã hoạt động trước ngày Quyết định này có hiệu lực nhưng không có giấy chứng nhận
về môi trường, giấy phép xây dựng theo quy định, chủ đầu tư phải lập hồ sơ
trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt trong thời hạn 09 tháng kể từ ngày Quyết
định này có hiệu lực. Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các
phòng chuyên môn phối hợp với Ủy ban nhân dân phường, xã, thị trấn tiến hành khảo
sát, kiểm tra thực tế các nhà nuôi chim yến hiện có trên địa bàn.
1. Nếu cơ sở hoặc nhà nuôi
chim yến đảm bảo các quy định tại Điều 3, Điều 5, Điều 6 và Điều 7 của quy định
này thì tiếp tục được hoạt động, cơ quan chuyên môn hướng dẫn chủ đầu tư hoàn
chỉnh các thủ tục theo quy định.
2. Nếu cơ sở hoặc nhà nuôi
chim yến không đảm bảo các quy định tại Điều 3 nhưng đảm bảo các quy định tại
Điều 5, Điều 6 và Điều 7 của quy định này thì được tiếp tục được hoạt động; tuy
nhiên không phát triển thêm diện tích nuôi. Cơ quan chuyên môn hướng dẫn chủ đầu
tư hoàn chỉnh các thủ tục theo quy định về xây dựng, môi trường, phòng chống dịch
bệnh và được ý kiến đồng thuận của cộng đồng dân cư xung quanh cơ sở hoặc nhà
nuôi chim yến trong phạm vi bán kính tối thiểu 50 mét.
3. Nếu cơ sở hoặc nhà nuôi
chim yến không đảm bảo các quy định tại Điều 5, Điều 6 nhưng đảm bảo các quy định
tại Điều 3 của Quy định này thì đề nghị chủ đầu tư khắc phục và cơ quan chuyên
môn hướng dẫn chủ đầu tư hoàn chỉnh các thủ tục theo quy định trong thời gian
12 tháng.
4. Nếu cơ sở hoặc nhà nuôi
chim yến không đảm bảo các quy định tại Điều 3, Điều 5, Điều 6 và Điều 7: Giao
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành có
liên quan thống nhất về việc xây dựng lộ trình di dời theo từng trường hợp cụ
thể.
Chương
III
TRÁCH NHIỆM CỦA
TỔ CHỨC, CÁ NHÂN
Điều 9.
Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân nuôi chim yến
1. Thực hiện các thủ tục về
xây dựng, môi trường, đất đai với cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành.
2. Phải thực hiện việc khai
báo với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các huyện hoặc Phòng Kinh tế
thị xã, thành phố nơi có hoạt động nuôi chim yến theo hướng dẫn của ngành nông
nghiệp.
3. Phối hợp với cơ quan
chuyên môn trong việc lấy mẫu định kỳ hoặc đột xuất khi có yêu cầu.
4. Chịu trách nhiệm chi trả
phí, lệ phí xét nghiệm dịch bệnh trên đàn chim yến theo quy định hiện hành.
5. Tuân thủ các quy định tại
Điều 3, Điều 5, Điều 6, Điều 7 của Quy định này.
Điều
10. Trách nhiệm của các sở, ngành
1. Sở Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn.
a) Cấp giấy chứng nhận an
toàn thực phẩm cho cơ sở nuôi, sơ chế, chế biến sản phẩm từ tổ yến.
b) Cung cấp thông tin thuộc
chuyên ngành cho công tác tuyên truyền trên thông tin đại chúng.
c) Chỉ đạo và tổ chức lấy mẫu
kiểm tra mầm bệnh, xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch bệnh đối với chim yến
theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
d) Tổ chức kiểm tra, xử lý vi
phạm thuộc phạm vi quản lý của ngành. Đồng thời, chỉ đạo Phòng Kinh tế/Phòng
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, thị xã, thành phố thực hiện việc quản
lý, hướng dẫn tiếp nhận việc khai báo nuôi chim yến của các tổ chức, cá nhân.
đ) Tổng hợp những khó khăn,
vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xử
lý theo quy định
e) Hàng năm, tổng hợp và báo
cáo Ủy ban nhân dân tỉnh về tình hình thực hiện Quy định này.
2. Sở Kế hoạch và Đầu tư
a) Thẩm định, tham mưu UBND
tỉnh chủ trương đầu tư về dự án nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh.
b) Không bố trí dự án nuôi
chim yến trong vùng hạn chế xây dựng.
c) Không bố trí dự án nuôi
chim yến tại các vùng sạt lở, phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước và khu vực được
cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định là khu vực cấm do mức độ đặc biệt nguy
hiểm về môi trường đối với con người; vùng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; quá
sức chịu tải môi trường và các khu vực khác theo quy định.
3. Sở Tài nguyên và Môi trường.
a) Hướng dẫn việc thực hiện các
quy định về môi trường, đặc biệt hướng dẫn việc áp dụng biện pháp kỹ thuật hiện
đại về âm thanh để dẫn dụ chim yến không gây ảnh hưởng trong cộng đồng, thủ tục
đất đai đối với các cơ sở, nhà nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh.
b) Tổ chức thanh tra, kiểm tra
và xử lý trường hợp vi phạm về bảo vệ môi trường đối với hoạt động nuôi chim yến
thuộc phạm vi quản lý của ngành.
4. Sở Xây dựng.
a) Hướng dẫn các quy định về
cấp phép xây dựng đối với các cơ sở, nhà nuôi chim yến.
b) Tổ chức thanh tra, kiểm
tra và xử lý các trường hợp vi phạm về xây dựng thuộc phạm vi quản lý của
ngành.
5. Sở Y tế.
a) Phối hợp với Sở Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn các biện pháp phòng, chống
các bệnh lây nhiễm từ động vật sang người.
b) Kết hợp với Sở Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn và Ủy ban nhân dân địa phương để quản lý, kiểm tra phù
hợp quy định an toàn thực phẩm đối với các cơ sở có sơ chế, bảo quản và chế biến
tổ yến theo quy định của pháp luật.
6. Sở Khoa học và Công nghệ.
a) Phối hợp với các đơn vị
có liên quan đặt hàng các chương trình, đề tài, dự án về lĩnh vực nuôi, thu hoạch
và chế biến tổ yến.
b) Cập nhật, giới thiệu các
trang thiết bị, công nghệ phù hợp trong dẫn dụ, khai thác tổ của chim yến.
7. Sở Tài chính.
Căn cứ khả năng cân đối ngân
sách địa phương, thẩm định và trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt dự toán kinh
phí của các sở, ngành, địa phương có liên quan đến công tác triển khai và tổ chức
thực hiện Quy định này.
8. Cục Thống kê.
Hàng năm tổ chức điều tra, thống
kê tình hình biến động về số lượng và sản lượng ngành hàng yến để bổ sung vào
giá trị tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
Điều
11. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân huyện, thị, thành
1. Chỉ đạo, tổ chức triển
khai thực hiện và kiểm tra, đôn đốc, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm Quy định
này trên địa bàn quản lý.
2. Chỉ đạo các ngành chuyên
môn: Tiếp nhận khai báo nuôi chim yến; hướng dẫn các tổ chức, cá nhân đăng ký,
lập hồ sơ về đất đai, xây dựng, môi trường theo quy định pháp luật.
3. Hướng dẫn và cấp giấy
phép xây dựng đối với các công trình xây dựng nhà nuôi chim yến theo thẩm quyền
quản lý.
4. Kiểm tra trách nhiệm của
Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nếu để xảy ra vi phạm. 8
5. Định kỳ hàng năm hoặc đột
xuất báo cáo kết quả thực hiện Quy định này về Sở Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.
6. Chịu trách nhiệm tổ chức
xử lý theo quy định của pháp luật đối với các cơ sở, nhà nuôi chim yến không đảm
bảo các điều kiện theo Quy định này.
7. Trường hợp địa phương nào
để phát sinh mới nhà nuôi chim yến mà không đảm bảo theo quy định tại Điều 3 của
Quy định này, thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố nơi đó chịu
trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh.
Chương
IV
ĐIỀU KHOẢN THI
HÀNH
Điều
12. Trong thời gian Quyết định này có hiệu
lực, tất cả các tổ chức, cá nhân không được đầu tư xây dựng mới nhà nuôi chim yến
kể từ ngày 27/11/2018 theo Điều 3 của quy định này
Điều
13. Xử lý vi phạm
Tổ chức, cá nhân vi phạm các
quy định về nuôi chim yến tại Quy định này sẽ bị xử lý theo quy định của pháp
luật.
Điều
14. Tổ chức thực hiện
Trong quá trình tổ chức thực
hiện, nếu gặp khó khăn vướng mắc, các sở, ngành và địa phương phản ánh, đề xuất
về Ủy ban nhân dân tỉnh thông qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để có
chỉ đạo giải quyết kịp thời./.