Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Số hiệu: 195/KH-UBND Loại văn bản: Kế hoạch
Nơi ban hành: Tỉnh Lạng Sơn Người ký: Dương Xuân Huyên
Ngày ban hành: 15/09/2022 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LẠNG SƠN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 195/KH-UBND

Lạng Sơn, ngày 15 tháng 9 năm 2022

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN “CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG GIAI ĐOẠN 2021 - 2025” NĂM 2023 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LẠNG SƠN

Thực hiện Công văn số 3009/LĐTBXH-VPQGGN ngày 05/8/2022 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc xây dựng kế hoạch, đề xuất kinh phí năm 2023 thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025; UBND tỉnh Lạng Sơn xây dựng kế hoạch, đề xuất kinh phí thực hiện “Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025” năm 2023 trên địa bàn tỉnh với những nội dung cụ thể như sau:

A. KẾT QUẢ THỰC HIỆN 7 THÁNG VÀ ƯỚC THỰC HIỆN CẢ NĂM 2022

I. CÔNG TÁC CHỈ ĐẠO ĐIỀU HÀNH

Thực hiện Nghị quyết số 24/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025; Nghị định số 07/2021/NĐ-CP ngày 27/01/2021 của Chính phủ quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025; Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 18/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025; Quyết định số 02/2022/QĐ-TTg ngày 18/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ quy định các nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Lạng Sơn đã kịp thời ban hành các Nghị quyết[1], Kế hoạch[2] và các chính sách đặc thù của tỉnh hỗ trợ công tác giảm nghèo nhanh và bền vững, từ đó giải quyết kịp thời các vấn đề cơ bản của hộ nghèo, hộ cận nghèo, thôn, xã và huyện nghèo về nhà ở, đất ở, đất sản xuất, khám, chữa bệnh, học tập, vay vốn, cơ sở hạ tầng…

UBND tỉnh ban hành Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo (BCĐ) các Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2021 - 2025, trên cơ sở đó, BCĐ các Chương trình MTQG tỉnh đã ban hành Quyết định về Quy chế hoạt động của BCĐ các Chương trình MTQG tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2021 - 2025[3] để triển khai thực hiện.

II. KẾT QUẢ THỰC HIỆN MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ CỦA CHƯƠNG TRÌNH

Thực hiện Công văn số 1286/LĐTBXH-VPQGGN ngày 29/4/2022 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo giai đoạn 2022 - 2025; Công văn số 102/CV-VPQGGN ngày 06/5/2022 của Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo về việc rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo phát sinh năm 2022, UBND tỉnh đã chỉ đạo triển khai, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh. Kết quả tính đến thời điểm tháng 5/2022 như sau:

- Số hộ nghèo là 23.648 hộ với 99.834 nhân khẩu, chiếm 12,27% (tăng

138 hộ nghèo và 604 nhân khẩu, số hộ nghèo tăng 0,07% so với năm 2021);

- Số hộ cận nghèo là 23.303 hộ với 103.643 nhân khẩu, chiếm 12,09% (tăng 55 hộ cận nghèo và 354 nhân khẩu, số hộ cận nghèo tăng 0,02% so với năm 2021).

Nguyên nhân phát sinh tăng số hộ nghèo, hộ cận nghèo là do các hộ gặp rủi ro, biến cố như: người lao động tạo thu nhập chính trong gia đình bị mắc bệnh hiểm nghèo, tai nạn giao thông, tai nạn lao động, do tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, ảnh hưởng của thiên tai, lũ lụt… gây mất việc làm, thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp tại địa bàn một số huyện trong tỉnh nên giảm thu nhập.

Tuy số hộ nghèo tính đến giữa năm 2022 phát sinh tăng, nhưng với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở, các giải pháp triển khai thực hiện đồng bộ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2022 trên địa bàn tỉnh thì kết quả giảm tỷ lệ hộ nghèo năm 2022 ước giảm 3% so với năm 2021, đưa tỷ lệ hộ nghèo còn 9,2% tương đương giảm 5.785 hộ nghèo, ước đạt 100% kế hoạch đề ra.

III. KẾT QUẢ THỰC HIỆN CÁC CHÍNH SÁCH, CƠ CHẾ GIẢM NGHÈO

1. Chính sách hỗ trợ y tế cho người nghèo

Trong 7 tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh đã cấp 248.128 thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) cho đối tượng là người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và người dân tộc thiểu số với tổng kinh phí là 99.301 triệu đồng (trong đó 18.754 thẻ hộ nghèo, 23.013 thẻ hộ cận nghèo và 206.361 thẻ người dân tộc thiểu số).

2. Chính sách hỗ trợ giáo dục cho con hộ nghèo

Trong 7 tháng đầu năm 2022, tỉnh thực hiện hỗ trợ học phí, chi phí học tập và miễn giảm học phí học kỳ II năm học 2021 - 2022 theo Nghị định số 81/2021/NĐ-CP của Chính phủ cho 16.653 lượt học sinh với kinh phí là 8.038 triệu đồng. Thực hiện chính sách hỗ trợ gạo cho học sinh theo Nghị định số 116/2016/NĐ-CP của Chính phủ cho 29.551 học sinh với tổng số 1.797 tấn; tặng quà tết, hỗ trợ học sinh nghèo đi học từ Quỹ Vì người nghèo với tổng số tiền là 1.806,5 triệu đồng.

3. Chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm

Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm tiếp tục được quan tâm thực hiện, trong 7 tháng đầu năm 2022, tạo việc làm mới cho trên 11.000 lao động trên địa bàn tỉnh, đạt 68,75% kế hoạch, trong đó: Quỹ quốc gia về việc làm và nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm của tỉnh cho vay 2.364 dự án với doanh số cho vay đạt 105,261 tỷ đồng, tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho khoảng 3.000 lao động; trên 1.000 lao động được tạo việc làm mới từ các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, thương mại, du lịch, phát triển doanh nghiệp của tỉnh; trên 7.000 lao động đi làm việc tại các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp ngoài tỉnh. Tuyển sinh và đào tạo được 3.615 học viên trình độ sơ cấp và thường xuyên. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 57,72%, đạt 18,6% so với kế hoạch.

4. Chính sách hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo

Hiện nay, nguồn kinh phí hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở giai đoạn 2021 - 2025 chưa được Trung ương phân bổ, do đó UBND tỉnh Lạng Sơn tiếp tục triển khai thực hiện trong những năm tiếp theo. Trong 7 tháng đầu năm 2022, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Ban Vận động Quỹ “Vì người nghèo” tỉnh phối hợp với Ban Vận động Quỹ “Vì người nghèo” Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tổng Công ty Lâm nghiệp Việt Nam, Ban đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Lạng Sơn, Ban Vận động Quỹ “Vì người nghèo” tỉnh triển khai hỗ trợ xây dựng được 41 nhà đại đoàn kết cho các hộ nghèo, tổng giá trị 1.830 triệu đồng.

5. Chính sách trợ giúp pháp lý cho người nghèo

Trong 7 tháng đầu năm 2022, tỉnh chỉ đạo Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước trực thuộc Sở Tư pháp tiến hành thụ lý tổng số 174 vụ việc trợ giúp pháp lý (10 vụ việc tư vấn; 164 vụ việc tham gia tố tụng), trong đó số vụ việc trợ giúp pháp lý cho người thuộc hộ nghèo, người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, nhóm người thuộc diện được trợ giúp pháp lý có khó khăn về tài chính là 132 vụ việc (chiếm 75,8% tổng số vụ việc). Đặt gia công, in 72 bảng thông tin về trợ giúp pháp lý, 30.000 tờ gấp “Tìm hiểu một số quy định pháp luật về trợ giúp pháp lý” và 10.000 tờ gấp “Quy định pháp luật về quyền trợ giúp pháp lý của người khuyết tật có khó khăn về tài chính” phục vụ công tác truyền thông, thông tin về trợ giúp pháp lý. Duy trì việc viết tin, bài trên Trang thông tin điện tử của Cục Trợ giúp pháp lý, Trang thông tin điện tử phổ biến, giáo dục pháp luật của tỉnh và Trang thông tin điện tử của Sở Tư pháp, Báo Lạng Sơn, duy trì đường dây nóng về trợ giúp pháp lý.

Các hình thức tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật đã kịp thời cung cấp kiến thức, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với người dân ở các xã nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của Nhân dân nói chung và người dân ở các xã nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng, giúp Nhân dân yên tâm lao động sản xuất, vươn lên thoát nghèo.

6. Chính sách hỗ trợ vay vốn tín dụng ưu đãi

Tiếp tục chỉ đạo triển khai đầy đủ các chương trình tín dụng ưu đãi. Tổng dư nợ cho vay đối với hộ nghèo đến ngày 31/7/2022 là 798,6 tỷ đồng với 14.366 hộ còn dư nợ. Nguồn vốn cho vay đối với hộ nghèo chủ yếu được đầu tư vào phát triển sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp như trồng cây ăn quả, cây công nghiệp (Thông, Keo, Bạch đàn, Hồi…), hoa màu, chăn nuôi gia súc, gia cầm, chế biến nông - lâm sản, kinh doanh dịch vụ nhỏ,… Việc đảm bảo vốn vay chính sách hỗ trợ tín dụng ưu đãi đã góp phần đồng hành, giúp đỡ hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên trong cuộc sống.

7. Chính sách hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo, chính sách hỗ trợ thiếu đói giáp hạt

Thực hiện Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg ngày 07/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện, Quyết định số 60/2014/QĐ-TTg ngày 30/10/2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định tiêu chí hộ chính sách xã hội được hỗ trợ tiền điện, trong năm 2022, kinh phí thực hiện hỗ trợ tiền điện hộ nghèo và hộ chính sách là 11.933 triệu đồng. Hiện nay các huyện, thành phố đang tiếp tục triển khai thực hiện hỗ trợ tiền điện cho 23.648 hộ nghèo.

Trong 7 tháng đầu năm 2022, thực hiện cứu đói cho các hộ gia đình trên địa bàn, tổng số 4.683 hộ, 15.572 nhân khẩu với 233.580 kg gạo, tổng kinh phí: 3.572,813 triệu đồng.

8. Chính sách đặc thù của tỉnh

Chương trình số 40/CTr-BCĐ ngày 21/3/2014 của BCĐ giảm nghèo tỉnh về Chương trình vận động giúp đỡ hộ nghèo theo địa chỉ giai đoạn 2014 - 2020 tiếp tục được các cơ quan, đoàn thể duy trì và thực hiện hỗ trợ[4], đã giúp cho các hộ có điều kiện phát triển sản xuất, thoát nghèo.

IV. KẾT QUẢ HUY ĐỘNG NGUỒN LỰC THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH, CHƯƠNG TRÌNH GIẢM NGHÈO

Thực hiện các Quyết định của Thủ tướng: số 652/QĐ-TTg về việc giao kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025 cho các địa phương thực hiện 03 Chương trình MTQG; số 653/QĐ-TTg về việc giao dự toán ngân sách trung ương năm 2022 thực hiện 03 Chương trình MTQG, UBND tỉnh đã trình HĐND tỉnh phê duyệt và UBND tỉnh giao mục tiêu, nhiệm vụ, kế hoạch vốn các Chương trình MTQG giai đoạn 2021 - 2025 và năm 2022, cụ thể như sau:

- Tổng kế hoạch vốn đầu tư phát triển Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025: 488.743 triệu đồng, trong đó: ngân sách trung ương 474.508 triệu đồng; ngân sách địa phương đối ứng 14.235 triệu đồng (gồm: ngân sách tỉnh là 2.613 triệu đồng; ngân sách huyện là 11.622 triệu đồng).

- Kế hoạch vốn ngân sách nhà nước Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững năm 2022: 226.111 triệu đồng (gồm: vốn đầu tư phát triển: 161.686 triệu đồng; vốn sự nghiệp là 64.425 triệu đồng), trong đó:

+ Ngân sách trung ương: 219.526 triệu đồng, gồm: vốn đầu tư phát triển là 156.977 triệu đồng; vốn sự nghiệp 62.549 triệu đồng.

+ Ngân sách địa phương đối ứng: 6.585 triệu đồng, gồm: vốn đầu tư phát triển là 4.709 triệu đồng; vốn sự nghiệp 1.876 triệu đồng.

V. ĐÁNH GIÁ CHUNG

1. Mặt đạt được

- Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Lạng Sơn đã kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo ban hành các Nghị quyết, Kế hoạch và các chính sách đặc thù của tỉnh hỗ trợ công tác giảm nghèo nhanh và bền vững. BCĐ các Chương trình MTQG các cấp đã phát huy được vai trò tham mưu giúp UBND các cấp chỉ đạo điều hành triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, mục tiêu và giải pháp về Chương trình giảm nghèo theo đúng chương trình, kế hoạch đã đề ra. Công tác tuyên truyền vận động được các cơ quan chức năng, UBND các huyện, thành phố quan tâm triển khai thực hiện, trong đó đã chú trọng đến việc nhân rộng, giới thiệu các cá nhân, tập thể, hộ gia đình tiêu biểu có ý chí vươn lên thoát nghèo. Các chính sách hỗ trợ người nghèo được thực hiện kịp thời, đầy đủ như: hỗ trợ về cấp thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo và người dân tộc thiểu số, hỗ trợ tiền điện,… công tác cứu đói giáp hạt được thực hiện kịp thời, có hiệu quả góp phần giúp người nghèo ổn định cuộc sống, an tâm đẩy mạnh sản xuất, tăng thu nhập, giảm nghèo.

- Việc thực hiện hiệu quả các chính sách giảm nghèo góp phần tạo niềm tin của Nhân dân với các cấp ủy Đảng, chính quyền, góp phần ổn định xã hội, quốc phòng, an ninh được bảo đảm. Công tác kiểm tra, giám sát được thực hiện nghiêm túc; 100% các chính sách giảm nghèo đều đến tay đối tượng và phát huy hiệu quả; những trường hợp phát hiện sai sót trong rà soát hộ nghèo đều có chỉ đạo chấn chỉnh phù hợp.

2. Hạn chế

- Tỷ lệ giảm nghèo hằng năm chưa bền vững, tiềm ẩn nguy cơ tái nghèo cao, tỷ lệ giảm nghèo chưa đồng đều giữa các xã, thị trấn.

- Việc sử dụng các nguồn vốn ưu đãi hỗ trợ phát triển sản xuất, tín dụng, giải quyết việc làm, nhân rộng mô hình giảm nghèo… còn dàn trải, thiếu tập trung, chưa phát huy hết hiệu quả. Sự phối hợp, huy động và lồng ghép các chương trình, dự án và nguồn lực chưa nhiều, chưa khai thác được nội lực để thực hiện có hiệu quả chương trình, dự án tại địa phương.

- Công tác tuyên truyền còn chưa trọng tâm, trọng điểm, chưa linh hoạt trong nội dung tuyên truyền, chưa làm chuyển biến nhận thức của Nhân dân trong công tác giảm nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng. Việc chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ, giải pháp giảm nghèo ở cơ sở tại một số nơi, một số thời điểm còn thiếu quyết liệt, chưa sâu sát.

3. Nguyên nhân

- Chương trình MTQG giảm nghèo giai đoạn 2021 - 2025 chưa được ban hành trong năm 2021, kinh phí ít và được phân bổ vào cuối năm nên triển khai thực hiện chậm; một số chương trình, dự án hỗ trợ đã kết thúc giai đoạn chưa có hướng dẫn và bố trí kinh phí.

- Do tác động của Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 612/QĐ-UBDT ngày 16/9/2021 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, trong đó có một số xã chuyển từ xã vùng III sang xã vùng I và các chính sách thực hiện ngay từ khi Quyết định có hiệu lực nên một số hộ dân chưa kịp thích ứng.

- Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc của một số cấp ủy đảng, chính quyền cơ sở về Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững có lúc chưa chủ động và kịp thời; nhận thức của một số cấp uỷ, chính quyền, cán bộ, đảng viên về công tác giảm nghèo chưa được sâu sắc, toàn diện.

- Khả năng tiếp nhận chính sách hỗ trợ của đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế, nhất là khó khăn về ngôn ngữ, giao tiếp; nhận thức của người dân trong việc thay đổi tư duy sản xuất, tiếp thu, ứng dụng các tiến bộ về khoa học - công nghệ vào sản xuất còn hạn chế, chưa thoát khỏi tập quán sản xuất nhỏ lẻ, thuần nông trong phát triển sản xuất; do ảnh hưởng của thời tiết, tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi tiếp tục có những diễn biến phức tạp, nhất là dịch bệnh Covid-19,... ảnh hưởng đến kết quả triển khai thực hiện chương trình giảm nghèo trên địa bàn tỉnh. Người dân chưa thực sự thay đổi về nhận thức (cách nghĩ và cách làm) một bộ phận người nghèo vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của nhà nước, chưa nỗ lực, chủ động vươn lên thoát nghèo.

B. KẾ HOẠCH NĂM 2023

I. BỐI CẢNH XÂY DỰNG KẾ HOẠCH NĂM 2023

Công tác giảm nghèo được các cấp ủy đảng, chính quyền, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và toàn xã hội quan tâm, được thực hiện đồng bộ, kịp thời góp phần thúc đẩy giảm nghèo nhanh và bền vững, trong đó triển khai đầy đủ chính sách của trung ương và tỉnh đã kịp thời ban hành cơ chế, chính sách, dự án hỗ trợ giảm nghèo. Theo Quyết định số 353/QĐ-TTg ngày 15/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo giai đoạn 2022 - 2025, tỉnh Lạng Sơn có 02 huyện nghèo là huyện Bình Gia và huyện Văn Quan. Tại các huyện nghèo cơ sở hạ tầng còn thiếu, trình độ dân trí thấp hơn các huyện khác trong tỉnh, điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, hàng năm thiên tai, hạn hán, mất mùa thường xuyên xảy ra, cuộc sống của người thuộc hộ nghèo, người thuộc hộ cận nghèo còn nhiều khó khăn và ở mức thấp.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo phát sinh năm 2022, tỉnh Lạng Sơn đã chỉ đạo rà soát và có số phát sinh như sau: số hộ nghèo là 23.648 hộ với 99.834 nhân khẩu, chiếm 12,27% (tăng 138 hộ nghèo và 604 nhân khẩu, tăng 0,07% so với năm 2021); số hộ cận nghèo là 23.303 hộ với 103.643 nhân khẩu, chiếm 12,09% (tăng 55 hộ cận nghèo và 354 nhân khẩu, tăng 0,02% so với năm 2021).

Thực hiện Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 và Quyết định số 612/QĐ-UBDT ngày 16/9/2021 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc phê duyệt danh sách thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025, số xã đặc biệt khó khăn và thôn đặc biệt khó khăn của tỉnh giảm đã ảnh hưởng đến việc thụ hưởng chính sách BHYT cho các nhóm đối tượng người dân tộc thiểu số, dẫn đến thiếu hụt BHYT trong nhóm đối tượng này.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

Đẩy nhanh tốc độ giảm nghèo, hạn chế tái nghèo, góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống, tăng thu nhập của người dân, nhất là ở các địa bàn nghèo; tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo tiếp cận tốt nhất các dịch vụ xã hội cơ bản (y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, dinh dưỡng, thông tin, việc làm và trợ giúp xã hội…).

2. Mục tiêu cụ thể, kết quả chủ yếu

a) Phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo năm 2023 từ 3% trở lên (riêng các huyện nghèo, các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao phấn đấu giảm từ 5% trở lên); tập trung giảm hộ nghèo tại các xã xây dựng nông thôn mới;

b) Thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các chính sách giảm nghèo để cải thiện điều kiện sống, giúp người nghèo tiếp cận ngày càng thuận lợi hơn với các dịch vụ xã hội trước hết là về y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt, vệ sinh, thông tin, việc làm... để cải thiện điều kiện sống, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo do thiếu hụt các chiều tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản;

c) Cải thiện tốt hơn hệ thống hạ tầng thiết yếu ở các xã, thôn đặc biệt khó khăn theo tiêu chí nông thôn mới;

d) Hỗ trợ trên 10.000 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được vay vốn tín dụng ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội;

đ) 100% người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; người đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được cấp thẻ bảo hiểm y tế; triển khai hoạt động cải thiện chất lượng bữa ăn học đường và giáo dục chăm sóc dinh dưỡng; can thiệp phòng, chống thiếu vi chất dinh dưỡng; triển khai thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ học đường (trẻ từ 5 đến dưới 16 tuổi) đến 100% trường tiểu học và trung học cơ sở trên địa bàn tỉnh để giảm chiều thiếu hụt dịch vụ về y tế;

e) 100% học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, học sinh, sinh viên thuộc các đối tượng chính sách được miễn giảm học phí, hỗ trợ gạo và hỗ trợ chi phí học tập; thực hiện đồng bộ các chính sách khác về giáo dục và đào tạo theo quy định để giảm chiều thiếu hụt về giáo dục;

g) Bảo đảm 100% hộ nghèo, người nghèo có nhu cầu được trợ giúp pháp lý miễn phí, tạo điều kiện cho người nghèo hiểu biết quyền, nghĩa vụ của mình, chủ động tiếp cận các chính sách trợ giúp của Nhà nước để vươn lên thoát nghèo;

h) Hỗ trợ dạy nghề gắn với tư vấn, giới thiệu việc làm cho 1.000 lao động nông thôn, đặc biệt là lao động thuộc hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số để giảm chiều thiếu hụt về giáo dục và việc làm;

i) Xây dựng và triển khai dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo có hiệu quả;

k Tiếp tục hỗ trợ các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ gia đình chính sách xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh và tăng số hộ được sử dụng nước sạch để giảm chiều thiếu hụt về nước sinh hoạt và vệ sinh;

l) Các hộ dân được tiếp cận thông tin về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; kinh nghiệm sản xuất; tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước thông qua báo chí, các xuất bản phẩm và các sản phẩm truyền thông; thực hiện hỗ trợ phương tiện phục vụ tiếp cận thông tin và hỗ trợ sử dụng dịch vụ viễn thông cho hộ nghèo, hộ cận nghèo theo quy định của Nhà nước để giảm chiều thiếu hụt về tiếp cận thông tin;

m) Bảo đảm 100% công chức phụ trách công tác giảm nghèo cấp xã, trưởng thôn, người có uy tín tại cộng đồng, cán bộ đoàn thể xã được tập huấn kiến thức, kỹ năng quản lý và tổ chức thực hiện Chương trình MTQG về giảm nghèo bền vững; lập kế hoạch có sự tham gia của người dân để giúp phát triển cộng đồng.

III. NỘI DUNG HOẠT ĐỘNG VÀ ĐỀ XUẤT KINH PHÍ THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH

1. Dự án 1: Hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội các huyện nghèo

a) Tiểu dự án 1- Đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu trên địa bàn huyện nghèo: đầu tư 30 công trình cấp huyện, liên xã về cầu, đường, trường, trạm y tế, công trình nước sinh hoạt… tại 02 huyện nghèo (Bình Gia, Văn Quan); kinh phí: 87.254,39 triệu đồng (trong đó: vốn ngân sách trung ương là 84.713 triệu đồng; vốn ngân sách địa phương là 2.541,39 triệu đồng).

b) Tiểu dự án 2: Triển khai Đề án hỗ trợ một số huyện nghèo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn giai đoạn 2022 - 2025 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Đầu tư 05 công trình cấp huyện, liên xã về cầu, đường tại huyện Văn Quan; kinh phí: 62.200,67 triệu đồng (trong đó: vốn ngân sách trung ương là 60.389 triệu đồng; vốn ngân sách địa phương là 1.811,67 triệu đồng).

- Hỗ trợ duy tu và bảo dưỡng: các công trình phục vụ dân sinh, sản xuất, thiết yếu trên địa bàn các huyện nghèo. Kinh phí là 24.671,59 triệu đồng (vốn sự nghiệp).

Tổng kinh phí thực hiện dự án 1 là: 174.126,65 triệu đồng (trong đó: vốn ngân sách trung ương là 169.055 triệu đồng; vốn ngân sách địa phương là 5.071,65 triệu đồng).

2. Dự án 2: Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo

Xây dựng, phát triển, nhân rộng 40 mô hình giảm nghèo, dự án giảm nghèo tổ chức sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, thương mại, du lịch (thông qua các hình thức như hợp tác xã, tổ hợp tác, tổ tự quản, tổ thoát nghèo, doanh nghiệp, cơ sở đào tạo, cơ sở giáo dục nghề nghiệp hoặc mô hình khác) để tạo việc làm, sinh kế bền vững, có thu nhập tốt cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người khuyết tật.

Kinh phí: 52.600,04 triệu đồng (trong đó: vốn ngân sách trung ương là 51.068 triệu đồng; vốn ngân sách địa phương là 1.532,04 triệu đồng).

3. Dự án 3: Hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng

a) Tiểu dự án 1: Hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp

- Hỗ trợ một phần giống cây trồng, vật nuôi; thiết bị, vật tư, dụng cụ sản xuất; phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật, thú y; tập huấn kỹ thuật, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi.

- Tập huấn, tư vấn chuyển giao kỹ thuật cho người nghèo.

- Hỗ trợ việc phát hiện, đánh giá, thí điểm các mô hình, giải pháp về phát triển sản xuất nông nghiệp và phát triển chuỗi giá trị mang tính sáng tạo, hiệu quả tại các địa bàn cụ thể vùng và hỗ trợ nhân rộng, thể chế hóa các mô hình, giải pháp ở quy mô lớn hơn, ở các địa bàn khác.

- Hỗ trợ phát triển hệ thống lương thực, thực phẩm đảm bảo đủ dinh dưỡng.

Kinh phí: 22.726,95 triệu đồng (trong đó: vốn ngân sách trung ương là 22.065 triệu đồng; vốn ngân sách địa phương là 661,95 triệu đồng).

b) Tiểu dự án 2: Cải thiện dinh dưỡng

- Tăng cường việc tiếp cận với các can thiệp trực tiếp phòng, chống suy dinh dưỡng, thiếu vi chất dinh dưỡng cho bà mẹ, trẻ em dưới 5 tuổi thuộc hộ gia đình nghèo và cận nghèo, vùng đặc biệt khó khăn.

- Tăng cường hoạt động chất lượng bữa ăn học đường và giáo dục chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ học đường (trẻ 5-16 tuổi).

Kinh phí: 6.578,61 triệu đồng (trong đó: vốn ngân sách trung ương là: 6.387 triệu đồng; vốn ngân sách địa phương là 191,61 triệu đồng).

4. Dự án 4: Phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững

a) Tiểu dự án 1: Phát triển giáo dục nghề nghiệp vùng nghèo, vùng khó khăn

- Hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị, phương tiện đào tạo cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp: 25.639,79 triệu đồng.

- Xây dựng các chuẩn, phát triển chương trình, học liệu; phát triển nhà giáo và cán bộ quản lý phù hợp với đối tượng, trình độ phát triển kinh tế - xã hội tại vùng nghèo, vùng khó khăn: 4.120 triệu đồng.

- Điều tra, khảo sát, thống kê, dự báo nhu cầu học nghề; truyền thông, hướng nghiệp, hỗ trợ khởi nghiệp và tạo việc làm vùng nghèo, vùng khó khăn: 5.466,21 triệu đồng.

- Phát triển mô hình gắn kết giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp vùng nghèo, vùng khó khăn: 8.407,89 triệu đồng.

- Đào tạo nghề cho người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người lao động có thu nhập thấp: 7.416 triệu đồng.

Kinh phí: 51.049,89 triệu đồng (trong đó: vốn ngân sách trung ương là 49.563 triệu đồng; vốn ngân sách địa phương là 1.486,89 triệu đồng).

b) Tiểu dự án 2: Hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng

- Hỗ trợ 120 người lao động thuộc các huyện nghèo học nghề, ngoại ngữ và giáo dục định hướng để đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; hỗ trợ tiền ăn, sinh hoạt phí, tiền ở trong thời gian tham gia đào tạo; hỗ trợ tiền đi lại trong thời gian tham gia đào tạo, trang cấp đồ dùng cá nhân thiết yếu; hỗ trợ chi phí khám sức khỏe; làm hộ chiếu, thị thực và lý lịch tư pháp để đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.

- Tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho 600 cán bộ làm công tác xuất khẩu lao động, tuyên truyền viên ở cơ sở, hỗ trợ tuyên truyền viên cơ sở hoạt động tư vấn người lao động, hỗ trợ, tư vấn giới thiệu việc làm cho người lao động đi xuất khẩu về nước.

Kinh phí: 1.654,18 triệu đồng (trong đó: vốn ngân sách trung ương là 1.606 triệu đồng; vốn ngân sách địa phương là 48,18 triệu đồng).

c) Tiểu dự án 3: Hỗ trợ việc làm bền vững

- Hiện đại hóa hệ thống thông tin thị trường lao động: đầu tư 01 hệ thống mạng, đường truyền, hệ thống máy chủ, máy tính, hệ thống trang thiết bị phục vụ lưu trữ, hệ thống an ninh bảo mật… (phục vụ thu thập, xử lý, phân tích thông tin và dự báo thị trường lao động) cho Trung tâm Dịch vụ việc làm thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đảm bảo đồng bộ, hiện đại, kết nối toàn quốc.

- Hỗ trợ giao dịch việc làm, kết nối cung - cầu lao động: tổ chức 10 sàn giao dịch việc làm, tạo cơ hội cho 500 người lao động, nhất là lao động phi chính thức, lao động nghèo, vùng sâu, vùng xa tiếp cận được thông tin về chính sách lao động, việc làm và tìm kiếm các cơ hội việc làm phù hợp khả năng, nguyện vọng của bản thân.

- Quản lý lao động gắn với cơ sở dữ liệu về dân cư: hệ thống trang thiết bị máy chủ, đường truyền, thiết bị để nhập tin, lưu trữ, cập nhật dữ liệu; quản trị, vận hành hệ thống phần mềm.

- Thu thập, phân tích, dự báo thị trường lao động trên địa bàn tỉnh; phổ biến các ấn phẩm phân tích, dự báo thị trường lao động.

- Hỗ trợ kết nối việc làm: đầu tư cơ sở vật chất, bố trí nguồn nhân lực và tài chính để tổ chức vận hành có hiệu quả đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động đối với Trung tâm Dịch vụ việc làm. Hỗ trợ tạo việc làm cho người lao động thuộc huyện nghèo, hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo.

Kinh phí: 10.813,97 triệu đồng (trong đó: vốn ngân sách trung ương là 10.499 triệu đồng; vốn ngân sách địa phương là 314,97 triệu đồng).

5. Dự án 5: Hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo

Thực hiện hỗ trợ xây mới hoặc sửa chữa, nâng cấp nhà ở hiện có cho 450 hộ nghèo, hộ cận nghèo tại các huyện nghèo.

Kinh phí: 16.418,20 triệu đồng (trong đó: vốn ngân sách trung ương là 15.940 triệu đồng; vốn ngân sách địa phương là 478,20 triệu đồng).

6. Dự án 6: Truyền thông và giảm nghèo về thông tin

a) Tiểu dự án 1: Giảm nghèo về thông tin

Trang bị phương tiện tác nghiệp phục vụ thông tin cổ động tại huyện miền núi chưa có hoặc đã có trang thiết bị, phương tiện tác nghiệp phục vụ thông tin cổ động nhưng thiết bị đã lạc hậu, không đáp ứng yêu cầu hoạt động, các xã đặc biệt khó khăn, xã miền núi, xã thuộc huyện nghèo, xã thuộc các huyện được hưởng cơ chế, chính sách hỗ trợ như huyện nghèo; thiết lập cụm thông tin cơ sở tại khu vực cửa khẩu, biên giới, trung tâm giao thương để cập nhật, quảng bá kịp thời đến cộng đồng dân cư, khách nước ngoài các thông tin phục vụ nhiệm vụ chính trị, giới thiệu các giá trị văn hóa truyền thống, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia và địa phương; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ thông tin và truyền thông, xây dựng phóng sự phát thanh tuyên truyền về giảm nghèo thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững.

Kinh phí: 2.401,96 triệu đồng (trong đó: vốn ngân sách trung ương là 2.332 triệu đồng; vốn ngân sách địa phương là 69,96 triệu đồng).

b) Truyền thông về giảm nghèo đa chiều

Truyền thông, nâng cao nhận thức, trách nhiệm người nghèo, người dân tại các địa bàn thực hiện Chương trình; các tổ chức và cá nhân có liên quan về công tác giảm nghèo đa chiều, giáo dục nghề nghiệp, việc làm nhằm khơi dậy tinh thần tự lực vươn lên thoát nghèo và huy động nguồn lực để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững; tăng cường tuyên truyền các gương điển hình về giảm nghèo để thúc đẩy nhân rộng và lan tỏa, đồng thời phát hiện ra các hành vi trục lợi chính sách giảm nghèo để có biện pháp đẩy lùi, ngăn chặn.

Kinh phí: 3.220,81 triệu đồng (trong đó: vốn ngân sách trung ương là 3.127 triệu đồng; vốn ngân sách địa phương là 93,81 triệu đồng).

7. Dự án 7: Nâng cao năng lực thực hiện Chương trình

a) Tiểu dự án 1: Nâng cao năng lực và giám sát đánh giá Chương trình

- Nâng cao năng lực, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ những người làm công tác giảm nghèo để hỗ trợ người nghèo vươn lên thoát nghèo, hỗ trợ các nhóm đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương không rơi vào tình trạng nghèo đói; bảo đảm đội ngũ cán bộ đủ năng lực thực hiện Chương trình đúng mục tiêu, đúng đối tượng, hiệu quả, bền vững.

Kinh phí: 8.320,34 triệu đồng (trong đó: vốn ngân sách trung ương là 8.078 triệu đồng; vốn ngân sách địa phương là 242,34 triệu đồng).

b) Tiểu dự án 2: Giám sát, đánh giá

- Thiết lập quy trình, hệ thống kiểm tra và giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 đồng bộ, toàn diện đáp ứng yêu cầu quản lý Chương trình. Tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá việc tổ chức thực hiện Chương trình, đảm bảo Chương trình thực hiện đạt được mục tiêu đề ra.

Kinh phí: 4.416,64 triệu đồng (trong đó: vốn ngân sách trung ương là 4.288 triệu đồng; vốn ngân sách địa phương là 128,64 triệu đồng).

- Đối với vốn và nguồn vốn

Tổng nhu cầu vốn thực hiện: 354.328,24 triệu đồng (vốn đầu tư phát triển: 171.221,02 triệu đồng, vốn sự nghiệp: 183.107,22 triệu đồng), trong đó:

+ Ngân sách trung ương: 344.008 triệu đồng.

+ Ngân sách địa phương: 10.320,24 triệu đồng.

+ Vốn huy động hợp pháp khác: 0.

(Cụ thể từng dự án, tiểu dự án theo phụ lục II đính kèm).

IV. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Tổ chức thực hiện có hiệu quả các Dự án liên quan đến thực hiện giảm nghèo được ngân sách trung ương bố trí vốn năm 2023, bao gồm các dự án thành phần thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo năm 2023, gồm Dự án hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội các huyện nghèo; Dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng; Dự án phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững; Dự án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo; Dự án truyền thông và giảm nghèo về thông tin; Dự án nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá Chương trình MTQG giảm nghèo.

2. Tập trung nguồn lực ưu tiên đầu tư công trình giao thông, cầu, nhà ở, nước sạch, nhà vệ sinh cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo… tại địa bàn 02 huyện Bình Gia, Văn Quan để giảm chiều thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản của các hộ dân, tăng khả năng tiếp cận với các nhu cầu xã hội cơ bản.

3. Đẩy mạnh tuyên truyền mục tiêu giảm nghèo sâu rộng đến các cấp, các ngành, các tầng lớp dân cư và người nghèo nhằm tạo chuyển biến tích cực về nhận thức trong công tác giảm nghèo, khơi dậy ý chí chủ động, vươn lên của người nghèo; vận động các doanh nghiệp, tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân cùng góp sức thực hiện công tác giảm nghèo; tiếp nhận và sử dụng có hiệu quả chính sách và nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, của cộng đồng để vươn lên thoát nghèo bền vững.

4. Lồng ghép việc thực hiện các chính sách hỗ trợ giảm nghèo nói chung và các chính sách giảm nghèo đặc thù với các dự án thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững ở các xã, thôn đặc biệt khó khăn với Chương trình xây dựng nông thôn mới; Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 và các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội.

5. Mở rộng và tạo điều kiện tăng cường sự tham gia của người dân đối với các hoạt động của Chương trình từ việc xác định đối tượng thụ hưởng đến việc lập kế hoạch, triển khai, giám sát và đánh giá kết quả thực hiện bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch trong suốt quá trình thực hiện Chương trình; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thực hiện Chương trình giảm nghèo ở các cấp, phát huy quyền giám sát của người dân ở các vùng được hưởng lợi chương trình, dự án.

6. Trợ cấp thường xuyên cho đối tượng bảo trợ xã hội thuộc hộ nghèo như người già cô đơn, trẻ mồ côi, người tàn tật, người đơn thân nuôi con nhỏ... theo quy định của Chính phủ. Trợ cấp đột xuất cho các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn do thiên tai, bệnh hiểm nghèo.

7. Thực hiện có hiệu quả các chính sách giảm nghèo chung, bao gồm:

a) Hỗ trợ sản xuất, dạy nghề, tạo việc làm cho người nghèo

- Tạo điều kiện thuận lợi cho người nghèo tiếp cận các nguồn vốn, gắn với việc hướng dẫn cách làm ăn, khuyến nông, khuyến công và chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất; hỗ trợ đất ở, đất sản xuất đối với hộ nghèo theo quy định; thực hiện có hiệu quả chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, nhất là hộ có người khuyết tật, chủ hộ là phụ nữ; xây dựng và triển khai dự án hỗ trợ đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo bền vững gắn với Chương trình mỗi xã một sản phẩm tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến năm 2030.

- Gắn kết chặt chẽ giáo dục nghề nghiệp với giải quyết việc làm, sinh kế bền vững, tăng thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống. Thực hiện tốt chính sách đào tạo nghề, tư vấn giới thiệu việc làm cho lao động nông thôn, nhất là lao động nghèo; ưu tiên nguồn lực đầu tư cơ sở trường, lớp học, thiết bị, đào tạo giáo viên dạy nghề; gắn dạy nghề với tạo việc làm đối với lao động nghèo. Các địa phương, đoàn thể vận động doanh nghiệp bảo trợ, nhận người nghèo vào làm việc để có thu nhập ổn định và thực hiện hỗ trợ đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Cung cấp thông tin thị trường lao động, đa dạng hóa các hoạt động giao dịch việc làm, kết nối cung cầu lao động, hỗ trợ tạo việc làm bền vững cho người lao động, ưu tiên người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo.

b) Hỗ trợ giáo dục và đào tạo

- Thực hiện có hiệu quả chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập đối với học sinh nghèo ở các cấp học theo quy định hiện hành; tiếp tục thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi đối với học sinh, sinh viên và các chính sách khác, nhất là sinh viên thuộc hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

- Khuyến khích xây dựng, mở rộng và nâng cao hiệu quả của “Quỹ Khuyến học”; ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, hoàn thiện mạng lưới trường, lớp học theo hướng đạt chuẩn ở các xã đặc biệt khó khăn.

c) Hỗ trợ y tế

- Thực hiện có hiệu quả chính sách cấp thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo, người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; người đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

- Hỗ trợ mua bảo hiểm y tế đối với người thuộc hộ cận nghèo, hộ nông, lâm, ngư nghiệp có mức sống trung bình.

- Thực hiện có hiệu quả chính sách hỗ trợ khám, chữa bệnh cho người nghèo, chính sách kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em, phòng, chống dịch bệnh.

- Thực hiện hỗ trợ tiếp cận, can thiệp trực tiếp phòng, chống suy dinh dưỡng, thiếu vi chất dinh dưỡng cho bà mẹ, trẻ em dưới 5 tuổi thuộc hộ gia đình nghèo và cận nghèo; người dân sinh sống trên địa bàn huyện nghèo; tăng cường hoạt động cải thiện chất lượng bữa ăn học đường và giáo dục chăm sóc dinh dưỡng; can thiệp phòng, chống thiếu vi chất dinh dưỡng; bảo vệ, chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ học đường (trẻ từ 5 đến dưới 16 tuổi).

d) Hỗ trợ nhà ở

Thực hiện có hiệu quả chính sách hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo ở huyện nghèo theo quy định.

đ) Thực hiện có hiệu quả chính sách trợ giúp pháp lý

Tiếp tục thực hiện và triển khai hiệu quả chính sách trợ giúp pháp lý cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện nghèo, xã nghèo, thôn đặc biệt khó khăn và hỗ trợ việc tham gia tố tụng có tính chất phức tạp hoặc điển hình. Tạo điều kiện cho người nghèo hiểu biết quyền, nghĩa vụ của mình, chủ động tiếp cận các chính sách trợ giúp của Nhà nước, vươn lên thoát nghèo bền vững.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

Là cơ quan chủ trì Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững có trách nhiệm:

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố tham mưu UBND tỉnh tổ chức triển khai thực hiện Chương trình theo quy định.

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh phân bổ nguồn vốn Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững cho các đơn vị và các huyện, thành phố thực hiện.

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan hướng dẫn các huyện, thành phố triển khai thực hiện các dự án hợp phần của Chương trình.

- Chủ trì thực hiện các dự án: Dự án 1; Dự án 2; Dự án 4; Tiểu dự án 2 - Dự án 6; Dự án 7; theo dõi, giám sát, tổng hợp kết quả thực hiện Chương trình, báo cáo kết quả định kỳ, đột xuất gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp báo cáo UBND tỉnh và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư

- Tham mưu xây dựng Nghị quyết của HĐND tỉnh quy định cơ chế lồng ghép nguồn vốn giữa các Chương trình MTQG, giữa các Chương trình MTQG và các chương trình, dự án khác; cơ chế huy động các nguồn lực khác thực hiện các Chương trình MTQG trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn;

- Tham mưu xây dựng Quyết định của UBND tỉnh quy định về phân cấp quản lý, tổ chức thực hiện các Chương trình MTQG trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn;

- Tổng hợp phần vốn Đầu tư công (Đầu tư phát triển) nguồn ngân sách nhà nước (Ngân sách trung ương, ngân sách địa phương) thực hiện 03 Chương trình MTQG, tổng hợp chung Kế hoạch (mục tiêu, nhiệm vụ và phương án phân bổ, giao kế hoạch) thực hiện 03 Chương trình MTQG năm 2022 trên địa bàn tỉnh, trình UBND tỉnh trình HĐND tỉnh phê duyệt;

- Tổ chức thực hiện giám sát, đánh giá của cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư công quy định tại Điều 71 Luật Đầu tư công và khoản 5 Điều 30 Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ;

- Tổng hợp, báo cáo của UBND tỉnh về tình hình thực hiện các Chương trình MTQG định kỳ hoặc đột xuất, thực hiện nhập Hệ thống giám sát, đánh giá Chương trình MTQG theo thời hạn yêu cầu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

3. Sở Tài chính

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu UBND tỉnh phân bổ kinh phí sự nghiệp nguồn vốn ngân sách trung ương và cân đối, bố trí vốn đối ứng kinh phí sự nghiệp từ ngân sách địa phương cho Chương trình, đảm bảo phù hợp với Luật Ngân sách nhà nước, các văn bản hướng dẫn của trung ương.

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên quan hướng dẫn việc quản lý, sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình.

- Tổng hợp quyết toán kinh phí thực hiện Chương trình trong tổng quyết toán ngân sách hàng năm theo quy định.

4. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: chủ trì Tiểu dự án 1 - Dự án 3; theo dõi, giám sát, tổng hợp kết quả thực hiện dự án và báo cáo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

5. Sở Thông tin và truyền thông: chủ trì Tiểu dự án 1- Dự án 6; theo dõi, giám sát, tổng hợp kết quả thực hiện dự án và báo cáo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

6. Sở Y tế: chủ trì Tiểu dự án 2 - Dự án 3; theo dõi, giám sát, tổng hợp kết quả thực hiện dự án và báo cáo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

7. Sở Xây dựng: chủ trì Dự án 5; theo dõi, giám sát, tổng hợp kết quả thực hiện dự án và báo cáo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

8. Ban Dân tộc tỉnh

- Chủ trì rà soát, trình UBND tỉnh danh sách xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu thuộc diện đầu tư của Chương trình.

- Phối hợp với các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố triển khai thực hiện các Dự án của Chương trình.

9. Trách nhiệm của các sở, ban, ngành liên quan

- Tham gia triển khai nội dung Chương trình trong phạm vi và nội dung, nhiệm vụ có liên quan đến lĩnh vực do sở, ban, ngành quản lý;

- Các sở, ban, ngành được phân công thực hiện các chính sách giảm nghèo chịu trách nhiệm rà soát, xây dựng, hướng dẫn thực hiện cơ chế, chính sách giảm nghèo gắn với chính sách, chương trình và kế hoạch phát triển của Sở, ban, ngành; đồng thời chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, thực hiện ở cơ sở.

10. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh: theo chức năng nhiệm vụ của từng đơn vị, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh phối hợp tổ chức vận động đoàn viên, hội viên và các tầng lớp Nhân dân tích cực tham gia thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững năm 2023; phối hợp thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, thực hiện các mô hình hỗ trợ giúp đỡ người nghèo, hộ nghèo về hỗ trợ làm nhà ở, phát triển sản xuất... và đẩy mạnh các hoạt động chăm lo cho người nghèo.

11. UBND các huyện, thành phố

- Xây dựng Kế hoạch triển khai Chương trình giảm nghèo bền vững, gắn với xây dựng nông thôn mới có hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tế.

- Chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành của tỉnh (các cơ quan chủ trì dự án, chủ trì tiểu dự án), hướng dẫn, chỉ đạo cơ sở triển khai thực hiện dự án đạt hiệu quả.

- Thực hiện rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo theo hướng dẫn của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, cập nhật thường xuyên các nguyên nhân của hộ nghèo, hộ cận nghèo để làm cơ sở cho việc lập kế hoạch giải quyết các chiều thiếu hụt.

- Lồng ghép nguồn vốn Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững với các nguồn vốn của các Chương trình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn để giải quyết các chiều thiếu hụt của hộ nghèo, hộ cận nghèo như: nước sạch, vệ sinh môi trường, tiếp cận thông tin…

- Thường xuyên thực hiện kiểm tra giám sát đánh giá tại cơ sở và tại các hộ nghèo, hộ cận nghèo nhằm phát hiện các sai sót uốn nắn kịp thời.

- Chấp hành chế độ báo cáo định kỳ hoặc đột xuất (khi cần thiết) về tình hình triển khai thực hiện Chương trình về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

- Chịu trách nhiệm về việc sử dụng các nguồn vốn đúng mục tiêu, đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm và tránh thất thoát. Chủ động cân đối bố trí nguồn vốn đối ứng từ ngân sách huyện, nguồn vốn lồng ghép từ các Chương trình, dự án khác và các nguồn lực hợp pháp khác ngoài ngân sách để thực hiện Chương trình.

12. Các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh

Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh chỉ đạo các doanh nghiệp tham gia hỗ trợ, giúp đỡ huyện, xã nghèo tăng cường cơ sở hạ tầng thiết yếu, hỗ trợ liên kết phát triển sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, chuyển giao kỹ thuật đào tạo nghề và nhận lao động nghèo vào làm việc để tăng thu nhập cho hộ nghèo, góp phần giảm nghèo bền vững.

UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố; đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh nghiêm túc triển khai thực hiện Kế hoạch; trong quá trình thực hiện phát sinh vướng mắc liên hệ với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo./.


Nơi nhận:
- Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; (B/C)
- Thường trực Tỉnh ủy; (B/C)
- Thường trực HĐND tỉnh; (B/C)
- Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- Các cơ quan thành viên BCĐ các CTMTQG (QĐ số 499/QĐ-UBND);
- UBND các huyện, thành phố;
- C, PCVP UBND tỉnh, các Phòng: KGVX, THNC, KT, TT THCB;
- Lưu: VT, KGVX(NCD).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH

PHÓ CHỦ TỊCH




Dương Xuân Huyên



[1] Nghị quyết số 04/2022/NQ-HĐND ngày 07/7/2022 của HĐND tỉnh quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.

[2] Kế hoạch số 162/KH-UBND ngày 19/7/2022 của UBND tỉnh về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2021 - 2025.

[3] Quyết định số 499/QĐ-UBND ngày 23/3/2022 và Quyết định số 95/QĐ-BCĐCTMTQG ngày 13/6/2022.s

[4] Từ năm 2021 đến nay, phong trào “Phụ nữ giúp nhau giảm nghèo có địa chỉ” đã giúp 230 hộ nghèo có chủ hộ là phụ nữ thoát nghèo, tiếp tục giúp 1.031 hội viên phụ nữ nghèo bằng các hình thức như cho vay không lấy lãi 265 triệu đồng tiền mặt, 2.225 ngày công, giúp 5.895 kg gạo, phân bón, cây giống trị giá 30 triệu đồng, hỗ trợ thu mua nông sản, hoa quả cho gia đình các hội viên phụ nữ gặp khó khăn trong dịp phòng chống dịch Covid - 19; vận động hội viên phụ nữ chuyển đổi cơ cấu kinh tế, tổ chức sản xuất kinh doanh có hiệu quả. Tỉnh Đoàn đã thực hiện hỗ trợ thanh niên phát triển mô hình kinh tế trồng cây ăn quả với quy mô 350 cây bưởi da xanh và bưởi Diễn; 6 tháng đầu năm 2022, các cấp bộ Đoàn toàn tỉnh đã đăng ký giúp đỡ 119 hộ nghèo, hộ cận nghèo thanh niên làm chủ hộ bằng nhiều hình thức như giúp đỡ ngày công, tặng quà, hỗ trợ con giống, cây giống, hỗ trợ về nhà ở, tư vấn hỗ trợ vay vốn phát triển sản xuất, giới thiệu việc làm cho thanh niên hộ nghèo, hộ cận nghèo…

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Kế hoạch 195/KH-UBND ngày 15/09/2022 thực hiện “Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025” năm 2023 trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


109

DMCA.com Protection Status
IP: 3.144.93.34
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!