ỦY BAN NHÂN DÂN
HUYỆN CỦ CHI
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
06/2017/QĐ-UBND
|
Củ Chi, ngày 14 tháng 8 năm 2017
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ
PHÂN CÔNG QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI CÁC TỔ CHỨC HỘI TRÊN ĐỊA BÀN HUYỆN CỦ CHI
ỦY BAN NHÂN DÂN HUYỆN CỦ CHI
Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương
ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21 tháng
4 năm 2010 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội;
Căn cứ Nghị định số 33/2012/NĐ-CP ngày 13 tháng
4 năm 2012 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số
45/2010/NĐ-CP ngày 21 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt
động và quản lý hội;
Căn cứ Thông tư số 03/2013/TT-BNV ngày 16 tháng
4 năm 2013 của Bộ Nội vụ Quy định chi tiết thi hành Nghị định số 45/2010/NĐ-CP
ngày 21/4/2010 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội và
Nghị định số 33/2012/NĐ-CP ngày 13/4/2012 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số
điều của Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ;
Căn cứ Quyết định số 54/2011/QĐ-UBND ngày 03
tháng 8 năm 2011 của Ủy ban nhân dân Thành phố về phân công quản lý nhà nước đối
với các tổ chức hội trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh;
Xét đề nghị của Trưởng phòng Nội vụ huyện tại Tờ
trình số 1181/TTr-PNV ngày 31 tháng 7 năm 2017,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Những quy định chung
1. Quản lý nhà nước đối với tổ chức hội nhằm bảo đảm
việc thành lập và hoạt động của các tổ chức hội có hiệu quả, đúng pháp luật và
đúng Điều lệ đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, góp phần vào sự nghiệp phát
triển kinh tế - xã hội của huyện và thành phố.
2. Đối tượng quản lý nhà nước quy định trong Quyết
định này bao gồm các hội có phạm vi hoạt động trên địa bàn huyện Củ Chi được Ủy
ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh quyết định cho phép thành lập theo Sắc lệnh
số 102/SL/L004 ngày 20 tháng 5 năm 1957 ban hành Luật quy định quyền lập hội,
Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21 tháng 4 năm 2012 và Nghị định số
33/2012/NĐ-CP ngày 13 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số
điều của Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ quy
định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội.
Điều 2. Giao trách nhiệm quản
lý nhà nước đối với các tổ chức hội
1. Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban
nhân dân huyện thực hiện quản lý nhà nước đối với các tổ chức hội có lĩnh vực
hoạt động thuộc ngành, lĩnh vực mình phụ trách (bao gồm những tổ chức hội được
phân công trong danh sách đính kèm Quyết định này và những hội được Ủy ban nhân
dân thành phố Hồ Chí Minh cho phép thành lập sau thời điểm ban hành quyết định
này).
2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã - thị trấn phối hợp
với các cơ quan chuyên môn cấp huyện thực hiện quản lý nhà nước đối với các tổ
chức hội có phạm vi hoạt động trong địa bàn xã - thị trấn.
Điều 3. Nhiệm vụ quản lý nhà nước
đối với các tổ chức hội của Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn và Chủ tịch Ủy
ban nhân dân xã - thị trấn
1. Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn có trách nhiệm
xem xét, quyết định công nhận “Ban vận động thành lập hội” có phạm
vi hoạt động trên địa bàn xã - thị trấn trong trường hợp Chủ tịch Ủy ban nhân
dân huyện được Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ủy quyền cho phép
thành lập; chia, tách; sáp nhập; hợp nhất; giải thể; đổi tên và phê duyệt điều
lệ đối với hội có phạm vi hoạt động trong xã - thị trấn;
2. Có ý kiến bằng văn bản về việc quyết định công
nhận “Ban vận động thành lập hội” và cho phép thành lập; chia, tách; sáp nhập;
hợp nhất; giải thể; đổi tên đối với tổ chức hội thuộc ngành, lĩnh vực, địa
phương mình phụ trách;
3. Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn có trách nhiệm
xem xét, có ý kiến bằng văn bản về việc tổ chức đại hội nhiệm kỳ, phê duyệt Điều
lệ của các tổ chức hội thuộc ngành, lĩnh vực mình phụ trách;
4. Hướng dẫn các tổ chức hội xây dựng, sửa đổi Điều
lệ;
5. Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về hội;
6. Cung cấp các thông tin cần thiết về chính sách,
pháp luật, kế hoạch, chương trình công tác và phương hướng phát triển của
ngành, lĩnh vực hoặc địa phương để hội có cơ sở định hướng và xây dựng kế hoạch
hoạt động; tạo điều kiện để hội tham gia các hoạt động phát triển sự nghiệp y tế,
văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ, thể dục thể thao và khuyến khích hoạt động
của các tổ chức hội gắn với việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã
hội của ngành, lĩnh vực và của địa phương;
7. Lấy ý kiến của các hội để hoàn thiện các quy định
quản lý nhà nước và tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức hội tham gia đóng
góp ý kiến với vai trò phản biện xã hội đối với các chủ trương, chính sách, kế
hoạch, quy hoạch, phương hướng, chương trình công tác sắp tới của huyện, của
ngành và địa phương;
8. Có ý kiến bằng văn bản với các cơ quan chức năng
về việc tiếp nhận tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong, ngoài nước theo quy định
của pháp luật và những vấn đề có liên quan đến tổ chức và hoạt động của các tổ
chức hội;
9. Thanh tra, kiểm tra hoạt động của các tổ chức hội
trong việc chấp hành pháp luật và thực hiện điều lệ hội, đề xuất biện pháp xử
lý đối với các vi phạm của các tổ chức hội;
10. Giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm
pháp luật về hội;
11. Rà soát, lập danh sách những tổ chức hội thuộc
ngành, lĩnh vực và địa phương được thành lập không đúng thẩm quyền hoặc không
đúng quy định, báo cáo Ủy ban nhân dân huyện (thông qua Phòng Nội vụ tổng hợp)
để xem xét có hướng giải quyết theo thẩm quyền;
12. Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn, Chủ tịch Ủy
ban nhân dân các xã - thị trấn định kỳ báo cáo 6 tháng, báo cáo năm và đột xuất
(khi có yêu cầu) về tình hình tổ chức, hoạt động và quản lý đối với các tổ chức
hội thuộc ngành, lĩnh vực, địa phương do mình phụ trách về Ủy ban nhân dân huyện
(thông qua Phòng Nội vụ tổng hợp báo cáo thành phố). Đối với báo cáo 6 tháng chậm
nhất vào ngày 25/6 và báo cáo năm chậm nhất vào ngày 30/11 hàng năm.
Điều 4. Phòng Tài chính - Kế hoạch
huyện có trách nhiệm
1. Thực hiện cấp kinh phí hoạt động theo biên chế
được giao đối với các hội được cơ quan có thẩm quyền quyết định công nhận hội đặc
thù của huyện;
2. Phối hợp với các cơ quan chuyên môn có liên quan
trình Thường trực Ủy ban nhân dân huyện xem xét hỗ trợ đối với tổ chức hội theo
quy định của pháp luật;
3. Phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan
kiểm tra việc sử dụng và quản lý tài chính của các tổ chức hội, bảo đảm việc sử
dụng tài chính đúng mục đích đã đề ra;
4. Định kỳ hàng năm (trước ngày 30/11) và đột xuất
(khi có yêu cầu) báo cáo về Ủy ban nhân dân huyện tình hình cấp kinh phí hoạt động
cho các hội đặc thù và xem xét hỗ trợ đối với các tổ chức hội thuộc ngành, lĩnh
vực và địa phương.
Điều 5. Phòng Nội vụ có trách
nhiệm
1. Lấy ý kiến bằng văn bản của các cơ quan chuyên
môn quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực mà hội hoạt động khi cho phép thành lập;
chia, tách; sáp nhập; hợp nhất; đổi tên; giải thể và phê duyệt điều lệ hội;
2. Tham mưu cho Thường trực Ủy ban nhân dân huyện
ban hành quyết định công nhận Ban vận động thành lập hội đối với hội có phạm vi
hoạt động trong huyện, xã- thị trấn;
3. Xem xét, thẩm định và tham mưu cho Thường trực Ủy
ban nhân dân huyện có văn bản trình Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh
(thông qua Sở Nội vụ) hồ sơ xin phép thành lập, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất,
giải thể và đổi tên hội; tham mưu ban hành quyết định phê duyệt Điều lệ hội đối
với các tổ chức hội có phạm vi hoạt động trong huyện, xã - thị trấn (nếu được
Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố ủy quyền phê duyệt);
4. Xem xét, thẩm định và tham mưu cho Thường trực Ủy
ban nhân dân huyện quyết định cho phép thành lập hội có phạm vi hoạt động trong
xã (trong trường hợp Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ủy quyền
cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện thành lập hội có phạm vi hoạt động trong
xã);
5. Theo dõi quản lý và phối hợp với các cơ quan
chuyên môn, các xã - thị trấn có liên quan giải quyết những vấn đề phát sinh
trong quá trình tổ chức và hoạt động của các tổ chức hội có phạm vi hoạt động
trong huyện, xã - thị trấn;
6. Phối hợp với các cơ quan chuyên môn có liên quan
kiểm tra, thanh tra việc thực hiện Điều lệ và chấp hành pháp luật; kiến nghị việc
xử lý vi phạm của các tổ chức hội trên cơ sở đề nghị của các cơ quan chuyên môn
quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực trình Ủy ban nhân dân huyện xem xét quyết định;
7. Tổ chức hướng dẫn nghiệp vụ quản lý nhà nước về
công tác hội cho các cơ quan chuyên môn, Ủy ban nhân dân xã - thị trấn;
8. Báo cáo định kỳ hàng năm và đột xuất (khi có yêu
cầu) về tình hình tổ chức, hoạt động và quản lý các tổ chức hội trên địa bàn
huyện cho Sở Nội vụ.
Điều 6. Đài truyền thanh huyện
có trách nhiệm
1. Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về hội;
2. Giới thiệu các tổ chức hội hoạt động tốt, đúng
điều lệ và quy định của pháp luật, có nhiều thành tích đóng góp cho các phong
trào của huyện;
3. Không đưa tin có liên quan đến hoạt động của các
tổ chức hội không được cấp có thẩm quyền cho phép thành lập.
Điều 7. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày
ký và thay thế Quyết định số 07/2011/QĐ-UBND ngày 08/9/2011 của Ủy ban nhân dân
huyện.
Điều 8. Chánh Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân huyện,
Trưởng phòng Nội vụ huyện, Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn, đơn vị có liên
quan và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã- thị trấn chịu trách nhiệm thi hành Quyết
định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 8;
- Sở Nội vụ;
- Thường trực Huyện ủy;
- Thường trực UBND huyện;
- Các Ban thuộc Huyện ủy;
- UB. MTTQ VN huyện;
- Các tổ chức Đoàn thể chính trị huyện;
- Đài Truyền thanh huyện;
- Lưu: VT, PNV.02.TTMMan.55.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
CHỦ TỊCH
Nguyễn Hữu Hoài Phú
|
DANH SÁCH
PHÂN CÔNG QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI CÁC HỘI CÓ PHẠM VI HOẠT
ĐỘNG TRÊN ĐỊA BÀN HUYỆN, XÃ - THỊ TRẤN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 06/2017/QĐ-UBND ngày 14 tháng 8 năm 2017 của
Ủy ban nhân dân huyện)
1. Phòng Nội vụ:
- Hội Chữ thập đỏ huyện;
- Hội Liên hiệp Thanh niên huyện.
2. Phòng Y tế:
- Hội Đông y huyện.
3. Phòng Kinh tế:
- Hội Doanh nghiệp huyện;
- Hội Làm vườn huyện;
- Hội Sinh vật cảnh huyện.
4. Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội:
- Hội Người mù huyện;
- Hội Người cao tuổi huyện;
- Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin huyện;
- Hội Cựu Thanh niên xung phong huyện;
- Câu Lạc bộ Truyền thống kháng chiến huyện.
5. Phòng Giáo dục và Đào tạo:
- Hội khuyến học huyện;
- Hội Cựu giáo chức huyện.
6. Phòng Tư pháp:
- Hội Luật gia huyện.
7. Ủy ban nhân dân xã - thị trấn:
- Quản lý các tổ chức hội có phạm vi hoạt động
trong xã đã được cơ quan có thẩm quyền cho phép thành lập.