Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Số hiệu: 2992/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Vĩnh Phúc Người ký: Nguyễn Văn Khước
Ngày ban hành: 29/12/2023 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH VĨNH PHÚC
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2992/QĐ-UBND

Vĩnh Phúc, ngày 29 tháng 12 năm 2023

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “BẢO VỆ VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ DI TÍCH KHẢO CỔ HỌC ĐỒNG ĐẬU, THỊ TRẤN YÊN LẠC, HUYỆN YÊN LẠC, GIAI ĐOẠN 2023 -2030”

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH VĨNH PHÚC

Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Luật Di sản văn hóa ngày 29 tháng 6 năm 2001 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa ngày 18 tháng 6 năm 2009;

Căn cứ Nghị định số 98/2010/NĐ-CP ngày 21 tháng 9 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật di sản văn hóa và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật di sản văn hóa;

Căn cứ Nghị định số 166/2018/NĐ-CP ngày 25/12/2018 của Chính phủ Quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh;

Căn cứ Quyết định số 1230/QĐ-TTg ngày 15/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ, về phê duyệt Chương trình Bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa Việt Nam, giai đoạn 2021-2025;

Căn cứ Quyết định số 1909/QĐ-TTg ngày 12/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030;

- Căn cứ Quyết định số 06/2000/QĐ-BVHTT ngày 13 tháng 4 năm 2000 của Bộ Văn hóa và Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) về việc xếp hạng cấp quốc gia di tích khảo cổ học Đồng Đậu;

Căn cứ Nghị quyết số 01-NQ/ĐHXVII ngày 16/11/2020 của Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025;

Căn cứ Nghị quyết số 15-NQ/TU, ngày 12/12/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVII, về xây dựng văn hóa, con người Vĩnh Phúc đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững;

Căn cứ Kế hoạch số 306/KH-UBND ngày 09/12/2021, của UBND tỉnh về Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, giai đoạn 2021- 2025, định hướng 2030;

Căn cứ Quyết định số 640/QĐ-UBND ngày 23/3/2023 của UBND tỉnh về việc phê duyệt đề cương, nhiệm vụ xây dựng Đề án “Bảo vệ và phát huy giá trị di tích khảo cổ học Đồng Đậu, thị trấn Yên Lạc, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc, giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030”;

Theo đề nghị của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại văn bản số 2123/SVHTTDL-BTT, ngày 15/11/2023

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án “Bảo vệ và phát huy giá trị di tích khảo cổ học Đồng Đậu, thị trấn Yên Lạc, huyện Yên Lạc, giai đoạn 2023 -2030” (sau đây gọi tắt là Đề án), với những nội dung chính như sau:

1. Mục tiêu chung:

- Bảo vệ và phát huy giá trị di tích khảo cổ Đồng Đậu, đưa nơi đây thành một trung tâm văn hóa, lịch sử, một quần thể di tích quốc gia đặc biệt quan trọng bậc nhất về lịch sử buổi đầu dựng nước của dân tộc, nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, uống nước nhớ nguồn, lòng tự hào lịch sử dân tộc đối với các tầng lớp nhân dân trong và ngoài tỉnh, gắn với phát triển du lịch.

- Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp uỷ, chính quyền các cấp và cộng đồng dân cư trong việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị di tích Đồng Đậu nói riêng và di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh nói chung góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa xã hội trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.

2. Mục tiêu cụ thể

2.1. Giai đoạn 2023 - 2025

(1) Xây dựng, thẩm định, phê duyệt Đề án bảo vệ và phát huy giá trị di tích khảo cổ học Đồng Đậu, giai đoạn 2023-2030.

(2) Hoàn thành lập quy hoạch (quy hoạch di tích, quy hoạch xây dựng) đối với di tích.

(3) Hoàn thành khoanh vùng, cắm mốc giới các khu vực bảo vệ di tích theo quy định.

(4) Tiến hành nghiên cứu, khai quật làm sáng tỏ địa bàn cư trú, canh tác, mộ táng và tâm linh của người Việt cổ tại di tích Đồng Đậu. Tổ chức 02 cuộc Hội thảo khoa học cấp quốc gia và cấp tỉnh về di tích Đồng Đậu.

(5) Hoàn thành lắp đặt hệ thống cụm, biển chỉ dẫn, tuyên truyền giới thiệu giá trị tại di tích và các điểm trung tâm.

(6) Hoàn thành biên soạn, bổ sung cẩm nang, tài liệu tuyên truyền về giá trị của di tích Đồng Đậu phục vụ giáo dục truyền thống.

(7) Khai thác và đưa vào hoạt động tuyến tham quan du lịch về cội nguồn gắn di tích Đồng Đậu với hệ thống các di tích khảo cổ về thời Hùng vương dựng nước trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.

2.2. Giai đoạn 2026-2030

(1) Hoàn thành xây dựng hạ tầng tại khu vực di tích gồm: công viên cây xanh, nhà trưng bày bổ sung di tích.

(2) Đưa vào sử dụng, bảo quản, khai thác nhà trưng bày bổ sung, các hố khai quật trưng bày ngoài trời tại di tích phục vụ nghiên cứu, tham quan, học tập.

(3) Hoàn thiện việc kiểm kê khoa học, sưu tầm, bổ sung tư liệu, trưng bày, số hoá các sưu tập hiện vật về Đồng Đậu tại Bảo tàng tỉnh, nhà truyền thống huyện Yên Lạc, tích hợp vào chương trình số hóa du lịch của tỉnh.

(4) Liên kết triển khai các tuor, tuyến tham quan, học tập, trải nghiệm khảo cổ học cho công chúng tại di tích Đồng Đậu với các di tích khảo cổ học tiêu biểu tại khu vực trung du Bắc bộ và đồng bằng sông Hồng.

(5) Lập hồ sơ khoa học trình cấp có thẩm quyền đề nghị công nhận di tích khảo cổ học Đồng Đậu là di tích quốc gia đặc biệt.

3. Phạm vi của Đề án:

Khu vực di tích Đồng Đậu và di tích liên quan thuộc thôn Đông, thị trấn Yên Lạc, huyện Yên Lạc, bao gồm các di tích khảo cổ học trên mặt đất và dưới lòng đất thuộc khu di tích Đồng Đậu. Cảnh quan thiên nhiên, cây xanh tại khu vực phân bố của di tích Đồng Đậu.

4. Nhiệm vụ của Đề án:

(1) Phối hợp với các cơ quan chuyên ngành ở Trung ương tiến hành nghiên cứu khai quật làm sáng tỏ về địa bàn cư trú, canh tác, mộ táng và tâm linh của người Việt cổ tại di tích.

(2) Đầu tư xây dựng hạ tầng và các trung tâm dịch vụ văn hóa du lịch gồm: Hệ thống đường giao thông, khu khuôn viên, điện, nước, cây xanh, nhà ban quản lý, bãi đỗ xe, nhà trưng bày bổ sung di tích, nhà bảo vệ các hố khai quật, bia chỉ dẫn tuyến tham quan,… tại di tích tại di tích.

(3) Triển khai thực hiện các phương án bảo vệ di tích: Khoanh vùng, điều chỉnh địa giới các khu vực bảo vệ di tích cho phù hợp và đảm bảo công tác quy hoạch, tôn tạo và phát huy giá trị di tích.

(4) Triển khai các hoạt động nhằm phát huy giá trị di tích phục vụ phát triển du lịch: lắp đặt bia, biển hướng dẫn, trưng bày ngoài trời, trưng bày ảo, giáo dục trải nghiệm, kết nối với các di sản văn hóa tiêu biểu ở trong và ngoài tỉnh.

(5) Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giới thiệu quảng bá di tích Đồng Đậu: Tổ chức các cuộc trưng bày chuyên đề, biên soạn, xuất bản các ấn phẩm, các phóng sự, phim tài liệu, các trang chuyên mục…tuyên truyền, giới thiệu quảng bá về di tích Đồng Đậu trên các phương tiện thông tin đại chúng.

(6) Phối hợp với các nhà khoa học ở trung ương khảo sát, điền dã, lập hồ sơ khoa học trình Thủ tướng Chính phủ xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt.

6. Nội dung và kế hoạch thực hiện:

(Chi tại Đề án kèm theo)

7. Kinh phí thực hiện:

7.1. Dự toán kinh phí dự kiến:

- Các nội dung chi thực hiện đề án được dự toán theo thực tế và định mức chi đã được cơ quan chuyên môn thẩm định đơn giá (nếu có).

- Tổng kinh phí dự kiến: 148.623.000.000 đồng (Một trăm bốn mươi tám tỷ, sáu trăm hai mươi ba triệu đồng)

Trong đó: Nguồn sự nghiệp Ngân sách tỉnh: 9.519.000.000 đồng; Nguồn vốn đầu tư công Ngân sách tỉnh: 139.104.000.000 đồng;

(Chi tiết theo phụ lục 7 tại Đề án đính kèm)

7.2. Nguồn kinh phí thực hiện:

- Đối với các nhiệm vụ chi do cấp tỉnh thực hiện: Kinh phí thực hiện từ nguồn ngân sách tỉnh, được giao trong dự toán chi sự nghiệp văn hóa cấp tỉnh hàng năm và nguồn vốn đầu tư công Ngân sách tỉnh và lồng ghép với nguồn kinh phí của các Nghị quyết, Kế hoạch của tỉnh.

- Đối với nhiệm vụ do cấp huyện thực hiện: Được cân đối từ Ngân sách cấp huyện.

7.3. Phân kỳ thực hiện:

Đề án được thực hiện từ năm 2023 đến năm 2030.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc Sở: Tài chính, Văn hoá, Thể thao và Du lịch; Giám đốc Kho bạc Nhà nước tỉnh; Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và các đơn vị có liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Khước

ĐỀ ÁN

BẢO VỆ VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ DI TÍCH KHẢO CỔ HỌC ĐỒNG ĐẬU, THỊ TRẤN YÊN LẠC, HUYỆN YÊN LẠC, TỈNH VĨNH PHÚC, GIAI ĐOẠN 2023-2030
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2992/QĐ-UBND Ngày 29 tháng 12 năm 2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc)

Phần thứ Nhất

SỰ CẦN THIẾT VÀ CĂN CỨ LẬP ĐỀ ÁN

I. SỰ CẦN THIẾT LẬP ĐỀ ÁN

Di tích Đồng Đậu phân bố trên gò Đồng Đậu, thuộc thôn Đông, thị trấn Yên Lạc, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc. Di tích Đồng Đậu được phát hiện vào tháng 2 năm 1962. Từ khi được phát hiện đến nay, di tích Đồng Đậu đã được các cơ quan, đơn vị ở trung ương và địa phương nghiên cứu, khai quật khảo cổ 7 lần, với tổng diện tích 802 m2.

Kết quả nghiên cứu, khai quật đã cho thấy Đồng Đậu là di tích đạt được nhiều cái “nhất” trong số các di tích khảo cổ đã được phát hiện trên đất nước ta. Trước hết Đồng Đậu là di tích khảo cổ có quy mô rộng lớn hơn cả trong số các di tích khảo cổ thời dựng nước đã biết trên vùng trung du và đồng bằng Bắc Bộ, di tích ước tính rộng 85.000m2. Đồng Đậu là di tích khảo cổ duy nhất trong thời kỳ dựng nước có diễn biến văn hoá lâu dài, hiếm có ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, trải suốt từ thời kỳ văn hoá Phùng Nguyên, qua văn hoá Đồng Đậu, văn hoá Gò Mun đến văn hoá Đông Sơn. Đồng Đậu còn có cả những di tích lò nung gốm cổ của người Việt cổ có niên đại khoảng 10 thế kỷ sau Công nguyên (lò gốm Đồng Đậu) và một số các di tích lịch sử khác. Đồng Đậu là di tích khảo cổ thu được hiện vật phong phú, đa dạng nhất về chất liệu, số lượng và kiểu dáng, hiện vật ở đây có đủ chất liệu đá, gốm, xương, sừng, đồng; riêng đồ xương thì chưa có một di tích khảo cổ nào có số lượng lớn cũng như kiểu dáng như ở Đồng Đậu. Qua đó cho phép chúng ta nghiên cứu một cách toàn diện về đời sống kinh tế, xã hội của người Việt cổ, đồng thời minh chứng cho nguồn gốc văn hóa bản địa và sự lưu tồn dấu tích của bốn giai đoạn văn hóa: Phùng Nguyên - Đồng Đậu - Gò Mun - Đông Sơn. Đồng Đậu là một trung tâm tụ cư lớn vào bậc nhất ở khu vực vùng đất tổ, đồng thời cũng là một trung tâm chế tác đồng thau lớn nhất trong lịch sử luyện kim của người Việt thời dựng nước, tạo nên những bước đột phá cơ bản để thúc đẩy sự phát triển của toàn bộ các cộng đồng cư dân nguyên thuỷ ở khu vực đồng bằng và trung du Bắc Bộ, thúc đẩy quá trình thành lập nhà nước sơ khai đầu tiên trong lịch sử Việt Nam: nhà nước Văn Lang của các vua Hùng.

Các nhà khoa học đã nhận xét: Đồng Đậu như một tấm bia lịch sử ghi lại quá trình tồn tại và vươn lên từ thấp tới cao của người Việt cổ ở buổi đầu dựng nước, minh chứng cho một kiến giải hợp lý trong quá trình dựng nước của dân tộc ta - từ miền núi tiến về đồng bằng, từ du canh du cư đến định canh định cư với những xóm làng, tạo dựng nên đồng bằng sông Hồng với nền văn minh lúa nước nổi tiếng. Hơn nữa, di tích Đồng Đậu nằm trong vùng đất có không gian văn hóa, lịch sử từ lâu đời gắn với đất và người Tam Đái (trong đó Yên Lạc là trung tâm) với sự đa dạng phong phú của các loại hình di sản văn hóa vật thể và phi vật thể mang đậm sắc thái văn hóa xứ Đoài như thành, đền Gia Loan, chùa Biện Sơn, đền Bắc Cung, đền thờ Hai Bà Trưng, làng khoa bảng Vĩnh Mỗ, múa gậy Dịch Đồng, đan lát Trung Kiên, bện thừng Nguyệt Đức…càng làm cho di tích lan toả các giá trị, có lợi thế và tiềm năng về phát triển văn hoá, giáo dục truyền thống, kinh tế du lịch gắn với phát triển bền vững tại địa phương.

Với những giá trị của di tích Đồng Đậu, trong những năm qua, tỉnh Vĩnh Phúc đã phối hợp với các cơ quan nghiên cứu ở trung ương, chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương nghiên cứu, đề xuất, triển khai và tổ chức thực hiện các giải pháp nhằm bảo vệ và phát huy giá trị của di tích. Trong bối cảnh hệ thống di tích khảo cổ học trong cả nước, một số các di tích khảo cổ có giá trị đã và đang bị xâm hại nghiêm trọng, thậm chí bị xóa sổ hoàn toàn bởi hoạt động dò tìm cổ vật, các hoạt động dân sinh và sự hình thành các khu công nghiệp; với di tích Đồng Đậu nhờ có những giải pháp kịp thời, đồng bộ đến nay di tích Đồng Đậu được bảo tồn gần như nguyên vẹn, các hoạt động nghiên cứu, khai quật, trưng bày, hội thảo, lập hồ sơ khoa học đề nghị công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, tuyên truyền quảng bá giá trị di tích không chỉ ở cấp địa phương mà mang tầm quốc gia, quốc tế được chú trọng, tổ chức và phát huy.

Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân mà di tích Đồng Đậu vẫn chưa phát huy được những giá trị to lớn của nó. Kể từ khi được phát hiện đến nay, Đồng Đậu mới chỉ chủ yếu được biết tới trong phạm vi của các nhà nghiên cứu, vẫn chỉ là nơi phục vụ cho các đợt thám sát, khai quật khảo cổ, nghiên cứu lịch sử và các khoa học chuyên ngành, chưa có sức lan tỏa về tầm ảnh hưởng của một nền văn hóa bản địa buổi đầu dựng nước trong các tầng lớp nhân dân và du khách thập phương. Công tác quản lý, bảo vệ di tích chưa chú trọng, quan tâm, các lớp đất văn hóa của di tích bị đào xới do hoạt động canh tác; chân gò bị xói lở do các hiện tượng thiên nhiên và một số hoạt động dân sinh; tình trạng chôn cất mộ hiện đại, trồng cây lâu năm, đào giếng, tạo đường đi, giao đất đấu thầu thuộc phạm vi các thềm bảo vệ đã làm hư hại tới di tích. Công tác bảo quản các hố khai quật, các di vật phát hiện tại di tích chưa được đầu tư để thực hiện bài bản, khoa học. Công tác tuyên truyền, quảng bá phát huy giá trị của di tích chưa được chú trọng. Việc đầu tư, quy hoạch di tích gắn với không gian văn hóa vùng phụ cận, với phát triển kinh tế - xã hội của địa phương chưa hiệu quả; sự phối hợp trong công tác quản lý gắn với bảo tồn và phát huy giá trị di tích giữa các cấp, các ngành, chính quyền địa phương chưa nhịp nhàng, đồng bộ.

Di tích Đồng Đậu còn ẩn chứa trong lòng nó vô vàn điều lý thú, mới lạ về giai đoạn lịch sử mở nước của cha ông ta mà các nhà khảo cổ, các nhà khoa học, các nhà quản lý, các cấp, các ngành, các cơ quan nghiên cứu cần khám phá, giải trình bổ sung làm sáng tỏ hơn biên niên sử của dân tộc buổi đầu dựng nước. Hệ thống di tích khảo cổ học thời kỳ dựng nước và giữ nước đầu tiên ở vùng đất Vĩnh Phúc nói chung và Di tích khảo cổ học Đồng Đậu nói riêng, nếu không có các biện pháp bảo tồn, bảo vệ khẩn cấp thì một ngày nào đó chúng ta sẽ không có các chứng cứ xác thực và thực tiễn để minh chứng cho thời kỳ vẻ vang nhất trong lịch sử dân tộc. Trong khi đó nếu bảo vệ, bảo tồn tốt di chỉ văn hoá Đồng Đậu thì đây sẽ là địa phương đầu tiên làm tốt công tác này và có thể sẽ là một kiểu mẫu về công tác bảo tồn, bảo vệ và phát huy giá trị đối với một di tích khảo cổ học quan trọng của đất nước. Chính vì vậy, việc xây dựng Đề án “Bảo vệ và phát huy giá trị di tích khảo cổ học Đồng Đậu, thị trấn Yên Lạc, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc, giai đoạn 2023-2030” là hết sức cần thiết, từ đó có những nhiệm vụ, giải pháp phù hợp nhằm đưa Đồng Đậu thành một trong di tích đặc biệt giá trị, có tầm ảnh hưởng và sức lan tỏa không chỉ ở tỉnh Vĩnh Phúc mà là của quốc gia dân tộc, góp phần gìn giữ bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa, đậm đà bản sắc dân tộc và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Vĩnh Phúc.

II. CĂN CỨ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

- Đường lối chiến lược về phát triển văn hóa của Đảng được khẳng định tại Nghị quyết TW 5 (khóa VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”; Nghị quyết TW 9 (khoá XI) về “Xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”;

- Kết luận số 76-KL/TW ngày 04/6/2020 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết TW9; Quyết định số 2215/QĐ-TTg ngày 24/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Kết luận số 76- KL/TW ngày 04/6/2020 của Bộ Chính trị;

- Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021;

- Luật Di sản văn hóa ngày 29 tháng 6 năm 2001 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa ngày 18 tháng 6 năm 2009;

- Luật Đất đai ngày 29/11/2013;

- Luật Xây dựng ngày 18/6/2014;

- Luật Du lịch ngày 09/6/2017;

- Luật Quy hoạch ngày 24/11/2017;

- Luật Đầu tư công ngày 13/6/2019;

- Luật Bảo vệ môi trường ngày 17/11/2020;

- Luật sửa đổi, bổ sung Luật Xây dựng ngày 17/6/2020;

- Nghị định số 98/2010/NĐ-CP ngày 21 tháng 9 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật di sản văn hóa và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật di sản văn hóa;

- Nghị định số 166/2018/NĐ-CP ngày 25/12/2018 của Chính phủ Quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh;

- Quyết định số 1230/QĐ-TTg ngày 15/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025;

- Quyết định số 1909/QĐ-TTg ngày 12/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030;

- Quyết định số 2026/QĐ-TTg ngày 02/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình số hóa Di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021-2030.

- Quyết định số 06/2000/QĐ-BVHTT ngày 13 tháng 4 năm 2000 của Bộ Văn hóa và Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) về việc xếp hạng cấp quốc gia di tích khảo cổ học Đồng Đậu;

- Thông tư số 15/2019/TT-BVHTTDL ngày 31/12/2019 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quy định chi tiết một số quy định về bảo quản, tu bổ phục hồi di tích;

- Nghị quyết số 15/NQ-TU ngày 12/12/2022 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc về xây dựng và phát triển văn hóa con người Vĩnh Phúc đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững;

- Kế hoạch số 306/KH-UBND ngày 09/12/2021, của UBND tỉnh về Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, giai đoạn 2021-2025, định hướng 2030.

- Quyết định số 640/QĐ -UBND ngày 23/3/2023 của UBND tỉnh về việc phê duyệt đề cương, nhiệm vụ xây dựng Đề án “Bảo vệ và phát huy giá trị di tích khảo cổ học Đồng Đậu, thị trấn Yên Lạc, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc, giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030”

III. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHẠM VI CỦA ĐỀ ÁN

1. Đối tượng thực hiện

- Di tích khảo cổ học Đồng Đậu, thị trấn Yên Lạc, huyện Yên Lạc.

- Các di tích vùng đệm nằm kề di tích Đồng Đậu gồm chùa Biện Sơn, đền, thành Gia Loan, thị trấn Yên Lạc, huyện Yên Lạc.

2. Phạm vi áp dụng

- Không gian: Khu vực di tích Đồng Đậu và di tích liên quan thuộc thôn Đông, thị trấn Yên Lạc, huyện Yên Lạc, bao gồm các di tích khảo cổ học trên mặt đất và dưới lòng đất thuộc khu di tích Đồng Đậu. Cảnh quan thiên nhiên, cây xanh tại khu vực phân bố của di tích Đồng Đậu.

- Thời gian: Từ năm 2023 đến năm 2030.

Phần thứ Hai

THỰC TRẠNG CÔNG TÁC BẢO VỆ, PHÁT HUY GIÁ TRỊ DI TÍCH KHẢO CỔ ĐỒNG ĐẬU

I. TỔNG QUAN DI TÍCH ĐỒNG ĐẬU

1. Vĩnh Phúc - quê hương người Việt cổ

1.1. Vị trí địa văn hóa Vĩnh Phúc trong tiến trình lịch sử dân tộc

Vĩnh Phúc là tỉnh nằm ở trung tâm Bắc bộ Việt Nam, nằm về tả ngạn, gần đỉnh tam giác châu Sông Hồng, phía bắc giáp tỉnh Tuyên Quang và Thái Nguyên, phía tây giáp tỉnh Phú Thọ, phía nam và phía đông giáp thành phố Hà Nội.

Bao đời nay, Vĩnh Phúc luôn là phên dậu phía tây bắc bảo vệ thủ đô Hà Nội. Theo cách nhìn dân gian, lấy Kinh đô Thăng Long làm trung tâm, thì Vĩnh Phúc là một góc của Xứ Đoài - là một trong tứ trấn xưa (Xứ Bắc, Xứ Nam, Xứ Đông, Xứ Đoài). Xứ Đoài là một vùng khá rộng bao gồm đất tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ và Sơn Tây là vùng đất nằm 2 bên tả hữu ngạn sông Hồng có dãy núi Tam Đảo và Ba Vì bao quanh. Vĩnh Phúc nằm ở góc Đông - Đông Bắc của Xứ Đoài. Qua đó, có thể thấy vị trí trung tâm vô cùng quan trọng của Vĩnh Phúc.

Trong tiến trình lịch sử, vùng đất Vĩnh Phúc đã qua nhiều lần thay đổi và tên gọi. Ngược dòng lịch sử ta thấy:

Thời Hùng Vương, đất Vĩnh Phúc nằm gọn trong bộ Văn Lang.

Thời An Dương Vương, đất Vĩnh Phúc nằm trong bộ Mê Linh.

Từ thế kỷ I đến thế kỷ VIII, do phương Bắc đô hộ nên Vĩnh Phúc phần lớn nằm trong huyện Mê Linh, Chu Diên, Gia Ninh và Tân Xương, Châu Phong.

Thời phong kiến tự chủ, đất Vĩnh Phúc nằm trong các đạo, trấn khác nhau, phần thuộc Sơn Tây, phần thuộc Thái Nguyên, phần thuộc Kinh Bắc.

Thời thuộc Pháp: Ngày 6-1-1890 toàn quyền Pháp ra nghị định thành lập đạo Vĩnh Yên; ngày 12-4-1891, toàn quyền Đông Dương lại ra nghị định giải thể đạo Vĩnh Yên. Ngày 29-12-1899 toàn quyền Pháp lập lại tỉnh Vĩnh Yên.

Ngày 6-10-1901, Chính phủ bảo hộ ra nghị định thành lập tỉnh Phù Lỗ gồm đất huyện Yên Lãng, phủ Đa Phúc một phần huyện Kim Anh và một phần huyện Đông Khê của tỉnh Bắc Ninh.

Ngày 10-12-1903, tỉnh Phù Lỗ đổi thành tỉnh Phúc Yên là tên ghép của 2 phủ Đa Phúc và Yên Lãng, tỉnh lỵ dời về làng Tháp Miếu, thuộc thị xã Phúc Yên ngày nay.

Ngày 12- 2-1950, Quốc hội và Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra quyết định hợp nhất hai tỉnh Vĩnh Yên, và Phúc Yên thành tỉnh Vĩnh Phúc.

Tháng 3-1968, Quốc hội và Chính phủ quyết định sáp nhập 2 tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ thành tỉnh Vĩnh Phú.

Ngày 15-11-1996, Quốc hội lại ra Nghị quyết tách tỉnh Vĩnh Phú thành 2 tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ.

Hiện nay tỉnh Vĩnh Phúc có 9 đơn vị hành chính cấp huyện. Đó là các huyện Bình Xuyên, Lập Thạch, Sông Lô, Tam Dương, Tam Đảo, Vĩnh Tường, Yên Lạc, thành phố Vĩnh Yên và Phúc Yên. Tổng diện tích tự nhiên là 1.236 km2, dân số: 1.197.600 người (năm 2022).

Nằm trọn trong dòng chủ lưu lịch sử phát triển dân tộc từ thời đại Hùng Vương - An Dương Vương đến thời đại Thăng Long - Đại Việt xuyên suốt đến thời đại Hồ Chí Minh lịch sử, Vĩnh Phúc được xem như là vùng “Địa linh nhân kiệt”, in đậm những dấu ấn văn hóa, lịch sử lâu đời đồng hành qua các thời kỳ thăng trầm của quốc gia, dân tộc.

Từ khoảng một, hai vạn năm trước, tại vùng đất Đôn Nhân (Sông Lô), kề sát với vùng đất Phú Thọ, những lớp người đầu tiên từ vùng núi cao xuống khai phá vùng đồi gò gần sông suối, khai phá vùng đồi gò đôi bờ tả hữu ngạn sông Lô, sông Hồng. Dấu tích cuộc sống của họ để lại được các nhà khảo cổ định danh là văn hóa Sơn Vi. Minh chứng là những công cụ vạn năng bằng đá cuội ghè đẽo dùng săn bắn, hái lượm để có lương thực, thực phẩm duy trì cuộc sống và phát triển.

Vào khoảng 4000 năm trước, với sự ra đời của nền kinh tế nông nghiệp trồng lúa nước và nghề luyện kim đồng thau, con người đã tiến dần xuống khai phá vùng đồng bằng phù sa cổ ven sông. Trong hơn một ngàn năm từ khoảng 4000 năm đến 2700 năm, đã hình thành nên những khu cư trú, mộ táng nổi tiếng không chỉ đối với Vĩnh Phúc mà là của cả đất nước như: Gò Hội, Hải Lựu ở huyện Sông Lô; Nghĩa Lập, Lũng Hoà ở huyện Vĩnh Tường; Gò Ngành ở huyện Bình Xuyên; Đồng Đậu, Đinh Xá, Gò Gai ở huyện Yên Lạc, v.v... Đó là minh chứng cụ thể, sâu đậm về cội nguồn tổ tiên người Việt, những chủ nhân đầu tiên của nền văn minh lúa nước - văn minh sông Hồng nổi tiếng, trong tiến trình Phùng Nguyên - Đồng Đậu - Gò Mun, hình thành nên quốc gia Văn Lang thời Hùng Vương dựng nước, đã góp phần xứng đáng của mình trong cuộc dựng xây đất nước thuở ban đầu.

Trên lưu vực sông Hồng này, người Vĩnh Phúc từ ngàn đời đã kết tụ những giá trị văn hóa dân gian "Đất trăm nghề" xứ Đoài xưa: Gốm Hương Canh - Hiển Lễ, Mộc Bích Chu, rắn Vĩnh Sơn, làng công thương kẻ Giang, kẻ Gốm, kẻ Cánh... Hàng trăm làng cổ Vĩnh Phúc còn lưu giữ những giá trị văn hóa mang bản sắc độc đáo người Việt: Hú đáo Lũng Ngoại, múa gậy Dịch Đồng, kéo song Hương Canh, cướp phết Bàn Giản, trống quân Đức Bác, bơi chải Tứ Yên,... Hệ thống 1469 di tích lịch sử văn hoá gồm đình, đền, chùa, miếu, tiêu biểu như: Tháp Bình Sơn, Tây Thiên, đình Thổ Tang, đền Thính, đền đá Phú Đa, cụm đình Hương Canh, đình Bích Chu, Thủ Độ, Cam Giá… là những thông điệp văn hóa đặc sắc, những giá trị di sản văn hoá vô giá của người xưa để lại.

Trên đất Vĩnh Phúc sản sinh ra những hào kiệt, danh nhân, nơi ghi dấu những chiến công oanh liệt, lẫy lừng góp phần tô thắm vẻ vang truyền thống lịch sử dân tộc.

Ngay trong thời dựng nước, trong mây mù huyền thoại đã có người phụ nữ thôn Đông Lộ, xã Đại Đình, quê vùng chân núi Tam Đảo, có tên là Lăng Thị Tiêu giúp Hùng Duệ Vương đánh giặc giữ nước, được sắc phong là “Tam Đảo sơn trụ quốc tối linh đại vương”, nhân dân tôn kính lập nhiều đền miếu thờ phụng, trở thành tín ngưỡng mang bản sắc riêng của Vĩnh Phúc, được ghi danh di sản văn hóa phi vật thể quốc gia - Tín ngưỡng thờ Mẫu Tây Thiên.

Đến khoảng đầu công nguyên, dưới cờ khởi nghĩa của Hai Bà Trưng, nhiều hào kiệt trên đất Vĩnh Phúc đã hưởng ứng đi theo Hai Bà, cầm quân đánh giặc như bà Lê Thị Ngọc Trinh ở Vĩnh Tường, 5 anh em con bà Triệu Thị Khoan Hoà ở Bình Xuyên…nhiều hào kiệt đã hy sinh anh dũng, được nhân dân tôn sùng, lập đền thờ và các triều đại phong kiến phong tặng bằng sắc.

Thế kỷ VI, Lý Bý lập nước Vạn Xuân, khi giặc xâm lăng, ông đã anh dũng chống lại giặc và rút về hồ Điển Triệt (nay thuộc vùng Tứ Yên, huyện Sông Lô) lập căn cứ kháng cự, được nhân dân tôn kính lập đền thờ.

Nửa cuối thế kỷ X, Nguyễn Khắc Khoan (trong thập nhị sứ quân) người Yên Lạc là một hào kiệt được phân phong cát cứ vùng Tam Đái, dựng thành Gia Loan tại vùng Biện Sơn, là người mưu lược, có nhiều việc làm được lòng dân, nên ông được dân suy tôn lên làm minh chủ, sau được nhân dân trong vùng vẫn tôn thờ lập đền trên nền đất của quê nhà.

Thời Trần, trong các cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông, với khí thế Đông A toàn dân ta nhất tề chống giặc. Trên đất Vĩnh Phúc còn lưu truyền câu chuyện 7 anh em con ông Lỗ Trọng đã đánh bại quân Nguyên cố thủ ở làng Nhật Chiêu, Yên Lạc, chém hơn 1000 đầu giặc, được vua Trần Thái Tông phong tước Đại Vương; có trận đánh Bình Lệ Nguyên diễn ra tại Hương Canh, Bình Xuyên đích thân do vua Trần Thái Tông chỉ huy đánh chặn giặc tại cửa ngõ tây bắc kinh thành Thăng Long.

Trong cuộc kháng chiến chống quân Minh, Trần Nguyên Hãn, hậu duệ nhà Trần. Sinh ra và lớn lên ở Sơn Đông - Lập Thạch, sau nhiều năm nung nấu, tìm kế giết giặc, đã tìm về Lam Sơn tụ nghĩa dưới trướng Lê Lợi, là tướng tài trong các chiến thắng Đông Quan, Xương Giang lẫy lừng, ông được phong chức Tả Tướng Quốc. Nhân dân lập đền thờ ông ở quê hương và ông trở thành vị phúc thần của cả vùng Lập Thạch.

Thế kỷ XVIII, người dân Vĩnh Phúc luôn nhắc đến cuộc khởi nghĩa của Nguyễn Danh Phương, chiêu tập những người dân cùng khổ lập căn cứ ở chân Tam Đảo chống lại sự áp bức của triều đình Lê -Trịnh.

Cùng với hào kiệt, các bậc khoa bảng nơi đây đã góp thêm làm cho đất Vĩnh Phúc trở thành "địa linh". Thống kê từ khoa thi thời Lý năm 1124 đến khoa thi 1889 thời Nguyễn, Vĩnh Phúc có 86 bậc đại khoa. Trong đó có những gia đình có 2 đến 3 anh em hoặc cha con cùng đậu tiến sỹ, có nhiều làng xã có truyền thống hiếu học, với nhiều bậc khoa bảng như xã Sơn Đông có tới 13 vị tiến sỹ, xã Phú Xuân có 8 vị tiến sỹ, Minh Tân có 5 vị tiến sĩ...

Trong cuộc đấu tranh chống sự cai trị của thực dân Pháp, Vĩnh Phúc cũng đã có nhiều chí sỹ, chiến sỹ đứng lên tổ chức khởi nghĩa như Nguyễn Thái Học, Trịnh Văn Cấn - tuy bị giặc Pháp dìm trong bể máu nhưng việc làm của họ đã được sử sách ghi danh, nhân dân ghi nhận, tôn vinh. Và người cộng sản kiên trung bất khuất Lê Xoay, người đứng đầu ban cán sự Đảng liên tỉnh Vĩnh Yên - Phúc Yên một thời đã hy sinh anh dũng không lâu trước ngày Cách mạng tháng Tám.

Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ nhiều người con Vĩnh Phúc đã nêu những tấm gương chói lọi cả dân tộc đều biết như liệt sỹ Trần Cừ lấy thân mình lấp lỗ châu mai, liệt sỹ Nguyễn Viết Xuân với lời hô bất hủ “Nhằm thẳng quân thù mà bắn” - và Vĩnh Phúc còn biết bao nhiêu cá nhân anh hùng, tập thể anh hùng, bà mẹ anh hùng cống hiến, hy sinh vì Tổ quốc.

Và trong thời đổi mới hôm nay, với những phẩm chất đặc trưng “tiên phong, sáng tạo, khát vọng, đổi mới Vĩnh Phúc đang có nhiều phong trào thi đua rầm rộ về mọi mặt kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh để quyết tâm xây dựng Vĩnh Phúc thành một tỉnh giàu có và phồn vinh nhất ở miền Bắc nước ta như lời dạy của Hồ Chủ tịch trong dịp Người về thăm tỉnh.

1.2. Dấu tích người Việt cổ định cư lâu dài trên đất Vĩnh Phúc

Vĩnh Phúc còn bảo lưu dấu ấn thời Hậu kỳ Đá cũ, mang đặc trưng văn hoá Sơn Vi và các nền văn hóa thời đại Kim khí sau này.

- Các di tích thuộc Hậu kỳ Đá cũ - văn hóa hóa Sơn Vi. Năm 1983, các nhà khảo cổ đã khảo sát các đồi gò ở phía tả ngạn sông Lô. Tại xã Đôn Nhân tại các đồi gò xã Đôn Nhân, các nhà khảo cổ đã quan sát thấy nhiều bãi cuội quartzit - nguyên liệu chế tác công cụ của người Sơn Vi. Tại xã Hải Lựu, khu vực Gò Đồn, cách bờ sông Lô khoảng chừng 3km đã tìm thấy một công cụ hình núm cuội, đặc trưng cho văn hoá Sơn Vi. Đầu năm 2000, tại xã Đôn Nhân, phát hiện được một số công cụ cuội được gia công từ một mảnh tước cuội lớn, có nhiều vết ghè nhỏ tu chỉnh ở rìa lưỡi.

- Các di tích thời tiền Hùng Vương (gồm các giai đoạn văn hoá Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun). Đây là giai đoạn văn hoá phát triển rực rỡ nhất trên đất Vĩnh Phúc. Di tích phát hiện được không những nhiều, mà hiện vật thu lượm được cũng cực kỳ phong phú đa dạng. Thống kê cho thấy có hơn 20 di tích được phát hiện.

+ Di chỉ Gò Đặng thuộc xã Đôn Nhân, huyện Sông Lô: Di tích có diện tích khoảng 2000 m2, và cách sông Lô khoảng 300m. Di tích phát hiện từ những năm 1960. Tầng văn hoá khoảng 0,50m, là loại đất đồi có nhiều sỏi. Hiện nay, trên di tích đã xây dựng trường học, nhà dân, trồng cây nên tầng văn hoá bị đào xới nghiêm trọng, làm xuất lộ mảnh gốm thô, rìu đá, vòng đá, bàn mài trên mặt đồi.

+ Di chỉ Gò Sỏi thuộc xã Đôn Nhân, huyện Sông Lô, cách Gò Đặng khoảng 200m. Di tích nằm ở sườn một quả đồi thấp rộng khoảng 2000m2, phát hiện trong cuộc điều tra đầu năm 2000. Tầng văn hoá ở đây khoảng 0,50m, phát hiện được một số rìu tứ giác bằng đá bazan, bàn mài và mảnh gốm thô.

+ Di chỉ Gò Hội thuộc thôn Đồng Xoi, xã Hải Lựu, huyện Sông Lô. Di tích nằm trên cánh đồng trồng màu, cách sông Lô khoảng 300m. Di tích được phát hiện đầu năm 2000, rộng khoảng 2ha và đã được thám sát, khai quật năm 2002 và 2003. Tầng văn hoá dày khoảng 0,50m. Qua khai quật đã phát hiện được nhiều mảnh gốm, bàn mài, rìu đá.

+ Di chỉ Nghĩa Lập nằm trên cánh đồng thôn Nghĩa Lập, xã Nghĩa Hưng, huyện Vĩnh Tường, được phát hiện năm 1962, đã qua 4 lần thám sát và khai quật vào các năm 1963, 1967, 1968, 2006. Di chỉ rộng khoảng 26.000m2, nằm trên doi đất cao khoảng l,20m có tên là gò Chùa, cách sông Lô khoảng 4 km. Tầng văn hoá dày khoảng l,50m song không đều, phía bắc tương đối dày, mỏng dần về phía nam, là loại đất màu xám nâu hoặc xám đen. Qua các lần khai quật, đã phát hiện được rất nhiều di tích, di vật, phản ánh một cách sinh động đời sống của cư dân Việt cổ thời kỳ văn hoá Phùng Nguyên. Đặc biệt, năm 2006 đã phát hiện bộ di cốt người văn hoá Phùng Nguyên, hiện đã được đưa về bảo quản, trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Vĩnh Phúc.

+ Di chỉ Lũng Hoà, thuộc xã Lũng Hoà, huyện Vĩnh Tường. Di chỉ cao hơn các ruộng lúa xung quanh khoảng 2m, phát hiện năm 1963 và cũng năm đó đã đào 3 hố thám sát với diện tích 3m2. Từ đó đến nay, di chỉ Lũng Hoà đã qua 4 lần khai quật. Các cuộc khai quật cho thấy Lũng Hoà là một di chỉ cư trú, đồng thời là một khu mộ táng của văn hoá Phùng Nguyên. Tầng văn hoá tương đối mỏng, chỉ khoảng 0,40m, là loại đất sét pha cát có màu xám đen, chứa nhiều gốm thô và hiện vật đá. Ở đây đã phát hiện được một khu mộ táng lớn văn hoá Phùng Nguyên, là những ngôi mộ đất được chôn theo hướng tây bắc - đông nam. Với những gì đã phát hiện được, Lũng Hoà đáng được xem là một di tích quan trọng, có ý nghĩa rất lớn đối với việc tìm hiểu lịch sử dân tộc thời Tiền Đông Sơn.

+ Di chỉ Đồng Hương thuộc thôn Hương Viên, thị trấn Thổ Tang, huyện Vĩnh Tường, được phát hiện năm 1978. Di chỉ chưa qua thám sát và khai quật, quan sát qua các vách mương thấy tầng văn hoá tương đối mỏng, chỉ dày khoảng 0,50m là loại đất sét pha cát màu xám. Những cuộc điều tra ở đây đã thu lượm được một số rìu đá tứ giác và nhiều mảnh gốm thô, rìu và đồ gốm ở đây rất giống với hiện vật ở Lũng Hoà.

+ Di chỉ Ma Cả thuộc thôn Phương Viên, thị trấn Thổ Tang. Di chỉ nằm trên cánh đồng trồng màu bằng phẳng, có diện tích khoảng 1ha. Tầng văn hoá dày khoảng 0,50m - 0,70m nằm sâu dưới lớp đất canh tác khoảng 0,20m - 0,40m. Qua điều tra đã thu lượm được công cụ đá, mảnh gốm và dấu vết mộ táng.

+ Di chỉ Gò Mát ở phía tây bắc thôn Lũng Ngoại, xã Lũng Hoà, huyện Vĩnh Tường, phát hiện năm 1972 và đã đào 1 hố thám sát nhỏ. Tầng văn hoá khoảng 0,25m, nằm dưới lớp đất canh tác dày 0,20m, là loại đất sét pha cát, có nhiều rỉ sỏi màu xám đen, tơi.

+ Di chỉ Đồng Đậu thuộc thị trấn Yên Lạc, huyện Yên Lạc. Di tích nằm trên một gò đất cao có diện tích khoảng 85.000 m2, tầng văn hoá dày trên 3m, nếu tính cả các hố đất đen thì có chỗ sâu tới trên 5m, là loại đất sét pha cát có màu sắc khác nhau như xám đen, xám trắng, xám vàng theo từng lớp. Hiện vật ở Đồng Đậu nhiều, phong phú đa dạng, cho thấy một quá trình biến diễn văn hoá từ khoảng 4000 năm đến 2700 năm trước trên lưu vực sông Hồng với các giai đoạn phát triển tiếp nối nhau: lớp dưới cùng là giai đoạn văn hoá Phùng Nguyên muộn, lớp giữa là giai đoạn văn hoá Đồng Đậu, tiếp đến là giai đoạn văn hoá Gò Mun và lớp trên cùng là văn hoá Đông Sơn.

+ Di chỉ Gò chùa Biện Sơn thuộc thị trấn Yên Lạc, cách Đồng Đậu chỉ vài chục mét về phía đông. Di tích được phát hiện năm 1987 trong dịp khai quật lần thứ 5 di chỉ Đồng Đậu. Hiện vật xuất lộ ở góc tây bắc gò chứa công cụ đá và mảnh gốm.

+ Di chỉ Gò Mả Hòn nằm trên gò đất cao giữa cánh đồng thôn Tri Chỉ, xã Đồng Cương, huyện Yên Lạc. Di tích được phát hiện năm 1979. Tầng văn hoá dày khoảng 0,20m - 0,40m. Tại đây đã thu được một số rìu đá mài tứ giác, mảnh gốm.

+ Di tích Quán Đôi thuộc xã Đồng Cương, huyện Yên Lạc được phát hiện vào năm 1979. Tầng văn hoá ở đây có 2 lớp: lớp trên chứa nhiều gốm vỡ thời phong kiến, lớp dưới là loại đất sét pha cát chứa nhiều mảnh gốm thô và rìu đá.

+ Di chỉ Gò Gai ở thôn Cốc Lâm, xã Bình Định, huyện Yên Lạc, được phát hiện vào năm 1979 và khai quật năm 1981. Tầng văn hoá dày từ 0,20m - 0,70m, khai quật đã thu được hiện vật đá, gốm.

+ Di chỉ Tháp Miếu thuộc xóm Gạo, thôn Tháp Miếu, thành phố Phúc Yên. Di tích được phát hiện từ năm 1967, phân bố trên gò đồi thấp, có diện tích khoảng 1.500m2, do nhân dân làm nhà, đào hào rãnh nên tầng văn hoá bị xáo trộn. Quan sát vách hào thấy tầng văn hoá dày khoảng 0,40m, là loại đất sét pha cát màu xám đen trong chứa nhiều mảnh gốm thô mỏng trang trí hoa văn khắc vạch thời kỳ văn hoá Phùng Nguyên.

+ Di chỉ Gò Ngành thuộc thôn Nội Phật, xã Tam Hợp, huyện Bình Xuyên, được phát hiện năm 1978. Hiện nay nhân dân trồng màu và cấy lúa nên phần trên tầng văn hoá bị xáo trộn. Di chỉ rộng khoảng 200m2, tầng văn hoá dày khoảng 0,35m, qua các đợt điều tra ở đây đã thu được rìu đá, mảnh gốm.

+ Di tích Suối Trại thuộc thị trấn Đại Đình, huyện Tam Đảo , được phát hiện năm 1974 trên một gò đất thấp, tầng văn hoá không thật rõ ràng. Ở đây đã thu lượm được một số rìu tứ giác kích thước nhỏ bằng đá bazan và nhiều mảnh gốm thô.

(Phụ lục 1)

- Các Di tích thời Hùng Vương dựng nước (Văn hoá Đông Sơn)

+ Di chỉ Hương Ngọc, xã Hương Sơn, huyện Bình Xuyên phát hiện được các hiện vật: Rìu đá, vòng đá lớn, hoa tai, dao đồng, giáo đồng, nhiều gốm thô.

+ Di chỉ Ngõ Bút, xã Nguyệt Đức, huyện Yên Lạc. Tầng văn hóa dày 0,40-0,50m, phát hiện các hiện vật gốm, dọi xe sợi, rìu đá, 1 rìu đồng xòe cân.

+ Di chỉ Đồng Cốc, xã Nguyệt Đức, huyện Yên Lạc. Tầng văn hóa 0,30 - 0,40m, phát hiện đồ gốm thô kiểu Đông Sơn.

+ Di chỉ Đồng Hai Cày, xã Nguyệt Đức, huyện Yên Lạc. Tầng văn hóa dày 0,30, phát hiện gốm thô kiểu Đông Sơn, rìu xéo gót vuông.

+ Ngoài ra tại các địa điểm: Vĩnh Sơn, Nghĩa Lập (Vĩnh Tường), Đôn Nhân (Sông Lô), Đạo Trù (Tam Đảo) phát hiện một số hiện vật như trống đồng, rìu đồng, đồ gốm thuộc giai đoạn văn hoá Đông Sơn.

(Phụ lục 2)

2. Di tích khảo cổ Đồng Đậu - quá trình phát hiện và nghiên cứu

2.1. Vị trí, địa điểm phân bố di tích Đồng Đậu

Đồng Đậu xưa kia thuộc xã Vĩnh Mỗ, tên Nôm là Kẻ Mỏ, rồi đổi thành xã Minh Tân, ngày nay là thị trấn Yên Lạc. Những ghi chép trong sử sách cũng như những di tích còn lưu lại trên mặt đất và trong lòng đất cho thấy khu vực Đồng Đậu - Yên Lạc cho biết từ xa xưa vùng này đã nằm sát ngay trung tâm kinh tế chính trị của đất nước qua nhiều thời kỳ và cũng là một trung tâm văn hoá rực rỡ. Ngay từ thời dựng nước đầu tiên, khu vực này nằm trong địa bàn gốc của nước Văn Lang. Đến thời thuộc Hán vùng này nằm trong huyện Mê Linh, Hán Vũ Đế đã từng đặt quận trị, đô uý trị, châu trị ở vùng này. Hai Bà Trưng khởi nghĩa thành công đóng đô tại làng Hạ Lôi thuộc huyện Mê Linh thì vùng này nằm sát gần ngay đất đế đô. Đến thời Đường vùng này thuộc đất Phong Châu.

Mở đầu thời kỳ độc lập dân tộc, Nguyễn Khắc Khoan, một sứ quân cuối thời Ngô đã chọn đất quê hương làm căn cứ, đóng quân tại Biện Sơn - chính đất Gò Đậu. Tại đây, nay vẫn còn đền thờ ông với tên “Nguyễn Gia Loan từ”, cách di tích Đồng Đậu chỉ vài chục mét. Có thể nói, Gò Đậu - Biện Sơn - sông Loan là biểu trưng linh khí của địa phương, gắn bó mật thiết với cuộc sống của con người nơi đây.

Vĩnh Mỗ cũng là đất khoa bảng. Qua các đời dưới triều Lê, ngôi làng này đã sản sinh ra 5 vị tiến sĩ. Có gia đình cả hai ông cháu đều đậu tiến sĩ như hai ông cháu Dương Tĩnh và Dương Đôn Cương. Hay cùng khoa thi Đinh Mùi, làng Vĩnh Mỗ có hai ông Phạm Du và Dương Đôn Cương cùng đỗ tiến sĩ.

Vùng đất này vốn là phủ trị của lộ Tam Đái từ thế kỷ XIII, về sau là huyện lỵ Yên Lạc - là vùng đất đai phì nhiêu màu mỡ, dân cư đông đúc, giàu có. Dân gian có câu “nam Châu, bắc Dũng, đông Kỳ, tây Lạc” là ý muốn nói tỉnh Nam Định có huyện Châu Ninh, tỉnh Bắc Giang có huyện Yên Dũng, xứ Đông có huyện Tứ Kỳ, tỉnh Sơn Tây có huyện Yên Lạc là các vùng giàu có trong tứ trấn.

Đồng Đậu, vốn có tên là Gò Đậu, là một gò đất nổi cao nằm ở thôn Đông, thị trấn Yên Lạc, huyện Yên Lạc, ở toạ độ 22°25” vĩ độ Bắc, 114°71’ 88” kinh độ Đông. Di tích Đồng Đậu cách thành phố Vĩnh Yên khoảng 8,5km về phía Nam theo đường chim bay và cách trung tâm thủ đô Hà Nội khoảng 50km. Đường giao thông liên huyện Bình Xuyên (Thanh Lãng) - Yên Lạc - Vĩnh Tường chạy sát phía Nam di tích. Từ Vĩnh Yên và Hương Canh đều có đường cái lớn đến Đồng Đậu. Gò Đồng Đậu có diện tích khoảng 85.000m2, từ Nam đến Bắc rộng khoảng 215m, từ Đông sang Tây dài khoảng 400m. Đỉnh gò cao 13,6m so với mặt nước biển và cao hơn mặt ruộng xung quanh khoảng 10m. Đỉnh gò tương đối bằng phẳng, phía Đông cao, phía Tây mặt gò dốc thoải và thấp dần.

Đây là khu vực có nhiều gò đất tự nhiên. Sát gò Đồng Đậu có gò đất nhỏ và thấp hơn, trên có tầng văn hoá khảo cổ và chùa Biện Sơn, được các nhà khảo cổ gọi là Gò Đậu Nhỏ. Nhìn tổng quan địa thế toàn khu vực, thế đất mạn Tây và Tây Bắc di tích Đồng Đậu cao ráo, nối tiếp với vùng đồi thấp đất đỏ laterit đã được khai phá san ủi hình thành những xóm làng trù phú đông đúc, mạn Đông giáp vùng đồng chiêm trũng quanh năm ngập nước. Vùng đồng trũng này có diện tích khá lớn, về phía Bắc có thể thông với đầm Vạc, về phía Nam xưa kia có thể thông với sông Hồng cách di tích Đồng Đậu khoảng 8,5km theo đường chim bay. Dòng sông này trong thời cổ có vai trò lớn trong quá trình hình thành các đầm hồ, đồng bằng châu thổ khu vực này. Ngay sát chân gò Đồng Đậu, hiện vẫn còn nhiều ao đầm, luồng lạch mà nhân dân địa phương gọi là đầm Đậu, ao Náu, ao Thích, chằm Quan, và có thể là dấu vết của sông Loan xưa. Xa hơn nữa là những đầm Rưng, đầm Yên Phương, đầm Vạc, hồ Đồng Văn, hồ Đồng Cương... Phía Đông và Đông Nam di tích, cách khoảng 4km theo đường chim bay, còn có các chi lưu của dòng sông Cà Lồ, vốn xưa thông với sông Hồng trong địa phận huyện Yên Lạc.

Qua đó có thể thấy Đồng Đậu nằm ở vị trí ven rìa đồng bằng Bắc Bộ, nơi giao tiếp giữa vùng đồi đất đỏ laterit và vùng bồi tụ của phù sa châu thổ sông Hồng. Một số nhận định quá trình hình thành địa hình khu vực Đồng Đậu - Yên Lạc gắn chặt với trầm tích sông hồ đầm lầy. Đối với người Việt cổ đang trên quá trình rời bỏ vùng núi rừng tiến về chinh phục khai phá vùng châu thổ đồng bằng, sông Hồng màu mỡ thì đây là một điểm cư trú lý tưởng, một nơi “đất lành chim đậu”.

2.2. Quá trình phát hiện, khai quật và nghiên cứu di tích Đồng Đậu

* Quá trình phát hiện và khai quật

Di chỉ khảo cổ học được phát hiện vào tháng 2 năm 1962 do các cán bộ của Ty Văn hoá Vĩnh Phú và Đội khảo cổ thuộc Bộ Văn hoá (nay thuộc Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam) theo sự chỉ dẫn của nhân dân. Từ khi được phát hiện tới nay, di tích Đồng Đậu đã được các cơ quan nghiên cứu khảo cổ khai quật 7 lần, trong đó Viện khảo cổ học khai quật 3 lần, Viện Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (nay là Bảo tàng Lịch sử Quốc gia) khai quật 2 lần, Bộ môn Khảo cổ học thuộc Khoa Lịch sử, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn khai quật 1 lần, Hội Khảo cổ học Việt Nam 1 lần. Ngoài ra, cán bộ của các cơ quan nghiên cứu còn tổ chức nhiều đợt điều tra, khảo sát tại di tích.

- Đợt khai quật lần thứ nhất: Tiến hành từ tháng 11 năm 1965 tới tháng 3 năm 1966, do Đội khảo cổ thuộc Bộ Văn hoá tiến hành khai quật di tích Đồng Đậu với tổng diện tích 200m2.

- Đợt khai quật lần thứ hai: Từ cuối tháng 4 tới trung tuần tháng 6 năm 1967 do Viện Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (nay là Bảo tàng Lịch sử Quốc gia) tiến hành. Hố khai quật có diện tích là 50m2.

- Đợt khai quật lần thứ ba: Từ tháng 12 năm 1968 đến tháng 5 năm 1969, do Viện Khảo cổ học Việt Nam tiến hành. Diện tích 300m2.

- Đợt khai quật lần thứ tư: Từ tháng 3 đến tháng 5 năm 1984, do Ban kim khí thuộc Viện Khảo cổ học tiến hành. Diện tích khai quật là 117m2.

- Đợt khai quật lần thứ năm: Khai quật tháng 3 năm 1987, do Bộ môn Khảo cổ học, thuộc Khoa Lịch sử, Đại học Tổng hợp Hà Nội nay là Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn phối hợp với Sở Văn hoá Thông tin, Bảo tàng tỉnh Vĩnh Phú tiến hành. Diện tích 15m2.

- Đợt khai quật lần thứ sáu: Từ tháng 11 tháng 12 năm 1999, do Bảo tàng Lịch sử Việt Nam phối hợp với Sở Văn hoá, Thông tin, Thể thao và Bảo tàng tỉnh Vĩnh Phúc tiến hành. Tổng diện tích khai quật là 70m2.

- Đợt khai quật lần thứ bảy: Tiến hành năm 2010, do Hội Khảo cổ học Việt Nam, Khoa Sử Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội phối hợp với Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tiến hành khai quật. Tổng diện tích khai quật 50 m2.

* Các công trình nghiên cứu về di tích Đồng Đậu

Trên cơ sở khối tư liệu thu thập được từ các đợt khai quật, thám sát, nhiều công trình nghiên cứu về di tích Đồng Đậu đã được công bố cuốn sách Di chỉ khảo cổ học Đồng Đậu do 2 tác giả Lê Xuân Diệm và Hoàng Xuân Chinh viết, xuất bản năm 1983, dày trên 200 trang là công trình nghiên cứu mang tính tổng hợp đầu tiên về di tích khảo cổ học này. Cuốn sách đã tập hợp, sắp xếp, hệ thống tương đối đầy đủ những tư liệu thu thập được chủ yếu từ cuộc khai quật Đồng Đậu lần thứ nhất và lần thứ ba cũng như những kết quả nghiên cứu về di tích Đồng Đậu trong 20 năm kể từ khi di tích này được phát hiện.

Ngoài cuốn sách trên, cho tới nay đã có 62 bài nghiên cứu về di tích Đồng Đậu, trong đó có 10 bài viết đăng trên Những phát hiện mới về Khảo cổ học, 12 bài đăng trên tạp chí Khảo cổ học, 1 bài trong tuyển tập Hùng Vương dựng nước, 24 bài trong Kỷ yếu hội thảo Văn hoá Đồng Đậu - 40 năm phát hiện và nghiên cứu, 15 bài đăng trên các tạp chí chuyên ngành của viện, cơ quan nghiên cứu chuyên ngành ở trung ương và địa phương. Có thể nói, Đồng Đậu là một trong số những di tích có nhiều công trình nghiên cứu nhất. Nội dung các công trình nghiên cứu đề cập tới các vấn đề khác nhau. Bên cạnh các bài viết mang tính tổng hợp nhằm giới thiệu các kết quả khai quật, thám sát, có một số bài chuyên khảo về các vấn đề như địa chất khu vực Đồng Đậu, vết tích động, thực vật, cổ nhân, mộ táng, gốm, nghề đúc đồng, đời sống kinh tế - xã hội, công tác bảo quản di cốt, quy hoạch, bảo tồn di tích Đồng Đậu, công tác trưng bày các di vật ở các bảo tàng... Ngoài các công trình nghiên cứu trên, năm 2009 có 1 luận văn Thạc sĩ về Khảo cổ học đã tổng hợp, hệ thống và phân loại toàn bộ tư liệu về di tích Đồng Đậu.

Do giá trị văn hoá lịch sử đặc biệt của di tích Đồng Đậu, hầu hết các công trình nghiên cứu trong nước và quốc tế viết về thời đại kim khí ở lưu vực sông Hồng và văn hoá Đồng Đậu đều đề cập với các cấp độ thông tin khác nhau đến cấu trúc địa tầng, di tích, di vật... phát hiện được ở di tích này. Nhờ đó, di tích Đồng Đậu đã được nhiều nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế biết đến. Các công trình nghiên cứu đã góp phần làm rõ nhiều vấn đề cơ bản về di tích Đồng Đậu như diễn biến tầng văn hoá, tính chất di tích, đặc trưng di tích di vật, niên đại, chủ nhân, đời sống kinh tế - xã hội của cư dân, môi trường sống...

2.3. Đặc trưng của di tích Đồng Đậu

- Đồng Đậu là di tích khảo cổ có quy mô rộng lớn nhất trong số các di tích khảo cổ thời kỳ dựng nước ở nước ta, đã biết trên vùng trung du và đồng bằng Bắc Bộ. Di tích ước tính rộng 85.000m2, có chiều Đông - Tây dài khoảng 400m, chiều Bắc - Nam rộng khoảng 215m, vùng lõi gần 40.000m2.

- Đồng Đậu là di tích khảo cổ có tầng văn hoá vào loại dày nhất, tầng văn hoá ở đây dày trung bình khoảng 3 - 3,5m. Nếu tính cả độ sâu của những huyệt đất đào sâu xuồng sinh thổ thì có nhiều nơi từ trên mặt xuống tới đáy hố huyệt sâu tới trên dưới 5m. Rõ ràng với độ dày và độ sâu này không mấy di tích khảo cổ ở ta có được.

- Di tích Đồng Đậu là một di tích tiêu biểu nhất của thời kỳ dựng và giữ nước đầu tiên của dân tộc bởi đây là một di tích có lịch sử diễn biến văn hoá lâu đời, hiếm có trải suốt từ thời kỳ văn hoá Phùng Nguyên, qua văn hoá Đồng Đậu, văn hoá Gò Mun đến văn hoá Đông Sơn. Di tích còn có cả những di tích lò nung gốm cổ của người Việt cổ có niên đại khoảng 10 thế kỷ sau Công nguyên và một số các di tích lịch sử khác. Có thể nói đây là một di tích khảo cổ duy nhất trong thời kỳ dựng nước có diễn biến văn hoá lâu dài như vậy ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ (cũng có địa phương có di tích như vậy nhưng quy mô và hiện trạng bảo vệ không được như di tích Đồng Đậu. Đó là di tích Đình Chàng ở Hà Nội).

- Đồng Đậu là di tích khảo cổ phát hiện được nhiều loại hình di tích nhất như bếp lửa, hố đào, lò nấu đồng, nền đất vàng, mộ táng,... Những di tích này không những nhiều về số lượng mà kiểu dáng cũng rất đa dạng, có mặt và thay đổi ở các độ sâu khác nhau. Đây cũng là hiện tượng không mấy di tích khảo cổ có được. Qua các cuộc khai quật ở đây đã phát hiện được nhiều di tích quan trọng. Đó là các nền đất sét vàng mịn dày từ 0,15 đến 0,20m, rộng hẹp to nhỏ khác nhau ở các lớp phía trên, rất có thể đây là các nền nhà. Ớ lớp văn hoá dưới cùng lại có nhiều huyệt đất hình vuông hay chữ nhật có cùng phương hướng, vách thẳng đáy phẳng, có nhiều huyệt cắt xén nhau trong chứa đất đen có nhiều mảnh gốm vỏ. Ở đây cũng phát hiện được nhiều bếp than tro lớn, dày trong đó có nhiều hạt gạo cháy và xương răng thú vật. Thỉnh thoảng ở các lớp trên bắt gặp nhiều cục đất nung xếp thành đống mà một số người cho là có liên quan đến lò luyện đồng. Ở đây cũng đã phát hiện được 3 ngôi mộ, một mộ ở lớp trên thuộc giai đoạn văn hoá Gò Mun, 2 mộ ở lớp dưới cùng, trong đó một mộ xương cốt còn khá nguyên vẹn, tay phải còn đeo một vòng đá mặt cắt ngang hình tam giác, mộ kia không còn xương cốt nhưng tuỳ táng 3 chiếc chạc gốm nguyên vẹn cùng một số nồi, bát bị vỡ.

- Với quy mô to lớn của di tích, trữ lượng văn hoá phong phú, có thể nói đây là một trung tâm tụ cư lớn vào bậc nhất ở khu vực vùng đất tổ. Đồng thời nơi đây cũng là một trung tâm chế tác đồng thau lớn nhất trong lịch sử luyện kim của người Việt thời dựng nước tạo nên những bước đột phá cơ bản để thúc đẩy sự phát triển của toàn bộ các cộng đồng cư dân nguyên thuỷ ở khu vực đồng bằng và trung du Bắc Bộ, thúc đẩy quá trình thành lập nhà nước sơ khai đầu tiên trong lịch sử Việt Nam: nhà nước Văn Lang của các vua Hùng.

- Đồng Đậu là di tích khảo cổ thu được hiện vật phong phú đa dạng nhất về chất liệu, số lượng và kiểu dáng. Hiện nay, tuy mới chỉ khai quật khoảng 800m2 nhưng các di tích, di vật đã xuất hiện vô cùng phong phú như đồ đá, đồ đồng, đồ gốm, đồ xương, bếp lửa, nền đất vàng, lò nấu đồng, mộ táng… riêng đồ xương thì chưa có một di tích khảo cổ nào có số lượng cũng như kiểu dáng có thể so sánh được với Đồng Đậu, phản ánh một cách sinh động lịch sử phát triển của cư dân Đồng Đậu.

Về đồ đá, gồm số lượng lớn rìu bôn, hoa tai, hạt chuỗi, lưỡi qua đá, mảnh khuôn đúc…

(Phụ lục 3)

Về đồ gốm, ngoài các loại đồ đựng như nồi, bình, bát, các loại dọi xe sợi, bi gốm, còn có nhiều loại chạc gốm to nhỏ kiểu dáng khác nhau, nhiều tượng trâu bò, gà, tượng đầu người bằng đất nung độc đáo.

(Phụ lục 4)

Về đồ đồng, gồm rìu xoè cân, rìu chữ nhật, mũi nhọn, lưỡi câu, mũi tên, mũi lao: búa, dũa…

(Phụ lục 5)

Về đồ xương sừng có thể nói Đồng Đậu là di tích phát hiện được nhiều đồ xương sừng nhất nước ta; không những nhiều về số lượng mà còn phong phú về loại hình, gồm các loại mũi tên, mũi nhọn, mũi lao, mũi lao có ngạnh, và đặc biệt có loại được mài nhẵn thành hình chân ngựa, hình tù và.

(Phụ lục 6)

- Di tích Đồng Đậu phản ánh một quá trình biến diễn văn hoá từ khoảng 4000 năm đến 700 năm trước trên lưu vực sông Hồng với 4 giai đoạn phát triển tiếp nối nhau: lớp dưới cùng là giai đoạn văn hoá Phùng Nguyên muộn, lớp giữa là giai đoạn văn hoá Đồng Đậu, văn hoá Gò Mun và lớp trên cùng là giai đoạn văn hoá Đông Sơn. Chính nhờ tầng văn hoá Đồng Đậu mà các nhà khảo cổ có được những tiêu chí để sắp xếp các di tích tiền Hùng Vương trên lưu vực sông Hồng vào một trật tự ổn định.

Với những đặc trưng nêu trên, có thể thấy rằng: Di chỉ Đồng Đậu có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với việc tìm hiểu nguồn gốc dân tộc Việt cũng như quá trình hình thành nhà nước đầu tiên của dân tộc.

2.4. Giá trị của di tích Đồng Đậu

- Giá trị lịch sử - văn hoá

Di tích khảo cổ học Đồng Đậu nằm ở trung tâm của bộ Văn Lang xưa thời các vua Hùng. Cư dân Đồng Đậu cùng với hàng trăm di tích khác trong khu vực là bằng chứng một thời tụ cư đông đúc ở buổi đầu thời dựng nước của dân tộc ta. Trong tâm thức của mỗi người dân đất Việt, đã có nhiều những truyền tích lưu truyền từ đời này sang đời khác về một nhà nước Văn Lang có tuổi 4 ngàn năm. Những truyền tích đó đã được minh chứng cụ thể hơn thông qua các vết tích vật chất trong tầng văn hoá, các mộ táng... của thời kỳ đó, trong đó có di tích Đồng Đậu. Đồng Đậu đã góp phần vô cùng quan trọng để sắp xếp, xác định tiến trình phát triển lịch sử trong giai đoạn tan rã của các công xã nguyên thuỷ tiến tới thành lập nhà nước đầu tiên của người Việt cổ trên lưu vực sông Hồng. Có thể nói, từ đây lịch sử thời dựng nước đầu tiên của dân tộc đã từ dã sử huyền thoại đi vào chính sử.

Di tích Đồng Đậu chứa đựng và lưu tồn dấu tích của bốn giai đoạn phát triển văn hóa từ Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun đến Đông Sơn trên cùng một địa điểm. Đây là tư liệu vô cùng quan trọng chứng minh rằng văn hoá Đông Sơn có nguồn gốc bản địa, nó được phát triển trên nền tảng vững chắc từ các nền văn hoá trước đó mà khởi nguồn từ văn hoá Phùng Nguyên qua văn hoá Đồng Đậu (giữa) đến văn hoá Gò Mun và cuối cùng là văn hoá Đông Sơn. Nó như là một "tấm bia" lịch sử ghi lại quá trình tồn tại và vươn lên từ thấp đến đỉnh cao của nó ở buổi đầu thời dựng nước của dân tộc ta. Di tích Đồng Đậu là một minh chứng một cách thuyết phục nhất về quá trình chuyển biến văn hoá 4 giai đoạn trong thời kỳ dựng nước. Vì vậy bảo vệ, bảo tồn di tích văn hoá Đồng Đậu sẽ tạo nên một điểm nhất cơ bản cho việc phát huy các giá trị lịch sử, văn hoá dân tộc trên đất Vĩnh Phúc, tăng cường quảng bá và giới thiệu các giá trị tinh thần vô giá của vùng đất tổ.

- Giá trị khảo cổ học

Những phát hiện ở Đồng Đậu cùng một hệ thống di tích khảo cổ trên vùng trung du và đồng bằng Bắc Bộ có tuổi từ Sơ kỳ thời đại kim khí đến thời sắt sớm được các nhà khảo cổ gọi là văn hoá thời Tiền Đông Sơn và văn hoá Đông Sơn.

Giá trị khảo cổ học được chứng minh Đồng Đậu là một di chỉ cư trú trên gò gần sông hồ ngoài trời. Tầng văn hoá nhiều lớp dày liên tục, không có lớp vô sinh cho thấy nhiều lớp cư dân nhiều đời cùng huyết thống liên tục sinh sống tại đây, chủ yếu sống bằng nông nghiệp lúa nước và cũng làm một số nghề thủ công với tính chất là nghề phụ của nông nghiệp. Song có giai đoạn Đồng Đậu còn là một trung tâm luyện đúc đồng, mà dấu tích để lại là các mảnh nồi nấu đồng, rót đồng, vết tích lò cùng hàng chục mảnh khuôn đúc đồng bằng đá và bằng đất nung. Có thể nói, Đồng Đậu cùng với Thành Dền là hai trung tâm luyện đúc đồng lớn nhất ở trung du và đồng bằng Bắc Bộ. Qua dấu vết để lại có thể thấy trung tâm luyện đúc đồng này cũng được đặt ngay tại Đồng Đậu.

Qua 7 cuộc khai quật đã thu thập được rất nhiều hiện vật như đồ đá, đồ đồng, đồ gốm cũng như những di tích quan trọng khác như hạt gạo cháy cho thấy thời đó đã biết trồng lúa hoặc xương răng động vật thể hiện việc săn bắn, chăn nuôi đã phát triển. Những khối đất vàng dần dần được coi như những nền nhà của cư dân Đồng Đậu đã hé mở. Về nghề luyện kim, đúc đồng, tìm thấy khuôn đúc và hệ thống lò nấu đồng cùng bếp lửa. Bên cạnh đó việc tìm ra ngôi mộ được đặt trên nền sét vàng vuông vắn, chúng ta mới nhận thức rõ hơn táng tục của cư dân Đồng Đậu.

- Giá trị dân tộc học

Di tích Đồng Đậu có giá trị lớn về mặt dân tộc học, còn tiềm ẩn nhiều thông tin quý giá trong lòng nó thuộc mỗi giai đoạn lịch sử. Như chúng ta đều biết, một khu làng từ Đồng Đậu, trải qua bốn thời kỳ lịch sử kéo dài hàng ngàn năm, mỗi dấu tích còn lưu lại trong lòng đất do những hoạt động sống của con người thời đó là vô cùng phong phú và phức tạp, chúng ta chưa thể hiểu hết được. Bởi cho tới nay, với diện tích hàng vạn mét vuông cư trú trong đó có mộ táng, chúng ta chỉ mới khai quật và thám sát chưa đầy một ngàn mét vuông. Tư liệu gần một ngàn mét vuông này mới cho chúng ta phản ánh về quá trình di cư, định cư lâu dài với đời sống văn hoá vật chất, tinh thần của cha ông ta. Trong các lớp văn hoá ở Đồng Đậu còn phát hiện được một số mộ táng sớm muộn khác nhau, nằm ở các độ sâu khác nhau. Đó là 3 ngôi mộ văn hoá Phùng Nguyên nằm ở trên lớp sinh thổ, và 1 ngôi mộ văn hoá Gò Mun nằm ở lớp gần trên mặt, Qua đó có thể thấy, Đồng Đậu cũng có thời được sử dụng làm nơi an nghỉ vĩnh hằng của những người quá cố. Đáng chú ý là lớp mộ văn hoá Phùng Nguyên nằm trên lớp sinh thổ. Như vậy rõ ràng, Đồng Đậu không những vừa là một di chỉ cư trú, vừa là một trung tâm luyện đúc đồng, mà còn có lúc được sử dụng làm nơi chôn cất người chết của cư dân Đồng Đậu.

2.5. Di tích Đồng Đậu và mối quan hệ với các di tích khảo cổ đồng đại ở nước ta

- Di tích Đồng Đậu trong mối quan hệ với các di tích khảo cổ học vùng trung du và đồng bằng Bắc bộ:

Di tích Đồng Đậu phát hiện từ năm 1962 và cuộc khai quật đầu tiên được tiến hành vào năm 1965. Nhưng trước đó, trên vùng trung du và đồng bằng Bắc Bộ đã phát hiện được vài chục di tích chứa đựng nhiều đồ đá và đồ gốm mà chất liệu, kiểu dáng và hoa văn khá gần gũi với Đồng Đậu.

Vào cuối thập kỷ 50 đầu thập kỷ 60, di tích Phùng Nguyên thuộc huyện Lâm Thao. Tiếp đến, trên đất Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bắc Ninh lần lượt phát hiện thêm nhiều di tích văn hoá Phùng Nguyên như: Gò Bông, Xóm Rền, An Đạo, khu Đường (Phú Thọ), Lũng Hoà, Nghĩa Lập, Gò Gai, Gò Hội (Vĩnh Phúc), Tiên Hội, Đồng Vông, Núi Xây, Gò Cây Táo (Hà Nội), Từ Sơn, Bái Tự (Bắc Ninh).

Cùng thời gian này, di tích Gò Mun cũng thuộc Lâm Thao, cách Phùng Nguyên không xa được phát hiện và khai quật. Sau đó, trên vùng trung du và đồng bằng Bắc Bộ lần lượt phát hiện và khai quật các di tích thuộc văn hoá Gò Mun như: Gò Chiền, Gò Tro, Nội Gan (Phú Thọ), Hoàng Ngô, Phượng Cách, Đại Áng, Chùa Thông, Đình Tràng, Thành Vượn (Hà Nội), Đồng Đậu (Vĩnh Phúc)…Các nhà khảo cổ đã xác định ra giai đoạn văn hoá Đồng Đậu là khâu nối giữa giai đoạn văn hoá Phùng Nguyên và văn hoá Gò Mun.

Như vậy qua 60 năm phát hiện và nghiên cứu các nhà khảo cổ đã phác họa ra một quá trình diễn biến văn hoá trên vùng trung du và đồng bằng Bắc Bộ, mở đầu với lớp văn hoá Phùng Nguyên, qua lớp văn hoá Đồng Đậu và lớp văn hoá Gò Mun, cuối cùng là lớp văn hoá Đông Sơn, trước khi đất nước bị phong kiến phương Bắc xâm lược.

- Di tích Đồng Đậu trong mối quan hệ các di tích khảo cổ học ở Vĩnh Phúc

Đồng Đậu nằm trong một quần thể di tích tổng hợp bao gồm gò Đồng Đậu, gò chùa Biện Sơn, đền Gia Loan (thị trấn Yên Lạc) và Đinh Xá (xã Nguyệt Đức). Các di tích này có liên quan với nhau hình thành một truyền thống văn hóa của người dân Việt nơi đây. Trong quá trình phát triển do sự gia tăng về dân số, cư dân ở gò Đồng Đậu đã mở rộng địa bàn cư trú của mình ra khu vực xung quanh. Con cháu của người Đồng Đậu đã di chuyển sang định cư ở Gò Chùa Biện Sơn, xa hơn nữa là Đinh Xá (xã Nguyệt Đức).

Bên cạnh các di tích cùng niên đại nằm kề cận Đồng Đậu, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc còn phát hiện thêm những di tích khảo cổ học thời tiền Hùng Vương như: Lũng Hoà, Nghĩa Lập, Gò Hội, Ma Cả, Gò Gai…

3. Văn hoá Đồng Đậu và sự ảnh hưởng trong tiến trình lịch sử Việt Nam

Năm 1962 được coi là mốc mở đầu cho lịch sử nghiên cứu văn hóa Đồng Đậu - đánh dấu bằng sự phát hiện di chỉ khảo cổ học Đồng Đậu nổi tiếng ở huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc. Từ đó đến nay vừa tròn sáu thập kỷ. Trong thời gian ấy, các nhà khảo cổ học Việt Nam đã làm rõ diện mạo của một trong những văn hóa khảo cổ quan trọng nhất thời đại kim khí ở châu thổ Bắc Bộ. Nhiều cuộc điều tra, thăm dò, khai quật được tiến hành, nhiều địa điểm mới được phát hiện và nghiên cứu. Đã có hàng trăm bài viết dưới dạng công bố tư liệu điều tra, khai quật chuyên khảo, luận văn, luận án bàn về mọi vấn đề cơ bản của văn hóa Đồng Đậu.

3.1. Nguồn gốc, niên đại, phân chia các giai đoạn văn hóa Đồng Đậu

- Nguồn gốc văn hóa Đồng Đậu: Văn hóa Đồng Đậu bắt nguồn từ văn hóa Phùng Nguyên. Điều này được thể hiện rõ qua địa bàn phân bố, đặc trưng di tích, di vật và đặc biệt là qua tài liệu địa tầng tại các địa điểm như Đồng Đậu (Vĩnh Phúc), Thành Dền, Đình Tràng (Hà Nội).

- Về niên đại của văn hóa Đồng Đậu: Thuộc trung kỳ thời đại đồng thau ở Việt Nam, tồn tại trong khoảng 1500 - 900 BC (trước công nguyên)

- Về phân chia các giai đoạn của văn hóa Đồng Đậu: Văn hóa Đồng Đậu có ba giai đoạn phát triển. Giai đoạn thứ nhất là Phùng Nguyên muộn - Đồng Đậu sớm, là giai đoạn hình thành và phát triển sớm nhất của văn hóa Đồng Đậu, trong đó những yếu tố Phùng Nguyên còn khá đậm nét. Giai đoạn thứ hai là giai đoạn Đồng Đậu điển hình, là sự phát triển tiếp nối của giai đoạn trước. Giai đoạn thứ ba là giai đoạn Đồng Đậu muộn - Gò Mun sớm, là giai đoạn phát triển cao nhất.

3.2. Đặc trưng văn hóa Đồng Đậu

- Đặc trưng đầu tiên và nổi bật nhất của văn hóa Đồng Đậu là kỹ thuật luyện kim và chế tác. Di chi Thành Dền (Hà Nội) và Đồng Đậu (Vĩnh Phúc) được coi là hai trung tâm luyện kim lớn nhất vùng đồng bằng và trung du Bắc Bộ. Về loại hình hiện vật, gồm các loại hình đồ đồng khác nhau được người Đồng Đậu chế tác và sử dụng, bao gồm rìu, đục, dùi, mũi nhọn, kim khâu, bàn chải, búa, dao, nạo, lưỡi câu, giáo, lao, mũi tên, qua, vòng khuyên tai…

- Đồ đá vẫn chiếm một vị trí đáng kể trong đời sống của người Đồng Đậu, bên cạnh các loại công cụ sản xuất và vũ khí bằng đá vốn có từ giai đoạn trước, thì trong văn hóa Đồng Đậu bắt đầu xuất hiện một số loại di vật là đồ trang sức.

- Đồ xương để chế tác công cụ và vũ khí, chủ yếu là các loại mũi tên và lao có ngạnh. Đồ xương trong văn hóa Đồng Đậu có sự gia tăng đáng kể về số lượng, và có thể có một số hiện vật mang tính nghi lễ.

- Đồ gốm chiếm một vị trí hết sức quan trọng trong văn hóa Đồng Đậu. Đồ gốm Đồng Đậu nhìn chung có độ nung cao hơn, cứng đanh, ít thấm nước. Về loại hình, giai đoạn này xuất hiện và khá thịnh hành loại đồ đựng đáy bằng có kích thước lớn. Các loại hoa văn trang trí tiêu biểu nhất của Đồng Đậu là văn khuông nhạc, đường tròn đồng tâm, văn in hình hạt thóc hay văn nan đan.

3.3. Phạm vi phân bố và ảnh hưởng văn hóa Đồng Đậu

- Thống kê đến nay, trên cả nước đã có hơn 40 di tích thuộc văn hóa Đồng Đậu được phát hiện và nghiên cứu. Những di tích này phân bố trên địa bàn các tỉnh Phú Thọ (12), Vĩnh Phúc (2), Hà Nội (18), Bắc Ninh (9) Bắc Giang (1). Căn cứ đặc điểm phân bố các di tích thuộc giai đoạn Đồng Đậu, có thể nhận thấy hai khu vực tụ cư chủ yếu, đó là vùng trung du trước núi Phú Thọ và vùng trung du mở xuống đồng bằng gồm Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang.

4. Tiềm năng phát triển du lịch gắn với di tích Đồng Đậu

- Di tích Đồng Đậu và hệ thống di tích khảo cổ học thời tiền sơ sử gắn với phát triển du lịch về cội nguồn: Vĩnh Phúc là vùng đất cổ, có truyền thống văn hoá, lịch sử lâu đời, ngay từ thời tiền sơ sử, trên mảnh đất Vĩnh Phúc còn lưu dấu hàng chục di tích, địa điểm khảo cổ học minh chứng về sự định cư lâu dài của người Việt cổ cách đây hàng nghìn năm, có thể kể đến các di tích khảo cổ học thời tiền sơ sử tiêu biểu trên đất Vĩnh Phúc như: Di chỉ Lũng Hoà, Nghĩa Lập thuộc huyện Vĩnh Tường; di chỉ Gò Hội, xã Hải Lựu, huyện Sông Lô cùng một số địa điểm khảo cổ học phát hiện tại các huyện Yên Lạc, Bình Xuyên.

Với di tích Đồng Đậu, với những giá trị của di tích sẽ là những tiềm năng to lớn cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, của tỉnh, đặc biệt là du lịch cội nguồn. Từ Di tích Đồng Đậu khách tham quan trong hành trình du lịch về cội nguồn có thể tới di tích Lũng Hoà, thuộc xã Lũng Hoà, di tích Nghĩa Lập, xã Nghĩa Hưng của huyện Vĩnh Tường và ngược dòng Lô giang tới di tích Gò Hội xã Hải Lựu, huyện Sông Lô. Với tuyến tham quan du lịch về cội nguồn Đồng Đậu - Lũng Hoà - Nghĩa Lập - Gò Hội du khách sẽ được tận mắt chứng kiến các khu cư trú của người Việt cổ trải dài hàng nghìn năm lịch sử từ văn hoá Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun đến Đông Sơn.

- Di tích Đồng Đậu và hệ thống di tích lịch sử văn hoá, làng nghề, ẩm thực của huyện Yên Lạc gắn với phát triển du lịch: Yên Lạc vùng đất trung tâm của phủ Tam Đới xưa, một góc của xứ Đoài, nơi có truyền thống văn hiến, mang đậm bản sắc của một làng quê Việt. Hệ thống di tích lịch sử - văn hoá phong phú tiêu biểu như đền Bắc Cung, chùa Biện Sơn, đền Gia Loan, đền thờ trạng nguyên Phạm Công Bình, cùng với các làng Việt còn lưu giữ được những nét cổ kính về văn hoá vật thể và phi vật thể với các làn điệu dân ca, các món ăn văn hoá ẩm thực đặc sắc và các lễ hội truyền thống mang đậm bản sắc văn hoá của vùng đồng bằng Bắc bộ như đan lát Trung Kiên, múa gậy Dịch Đồng, lễ hội đền Thính…

Từ di tích Đồng Đậu - đền Gia Loan - chùa Biện Sơn - đền Bắc Cung đến đền thờ trạng nguyên Phạm Công Bình du khách sẽ đến tham quan tìm hiểu về truyền thống lịch sử văn hoá, truyền thống khoa bảng, hiếu học và thưởng thức những nét văn hoá, ẩm thực độc đáo của làng quê đậm bản sắc của vùng châu thổ sông Hồng.

- Di tích Đồng Đậu và các di tích khảo cổ học đồng niên đại tại vùng đồng bằng trung du Bắc Bộ: Đồng bằng Bắc bộ là nơi còn bảo tồn và lưu giữ được nhiều nét văn hoá truyền thống, đặc biệt là hệ thống các di tích khảo cổ học thuộc các giai đoạn văn hoá Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun, Đông Sơn. Các di tích này tập trung phân bố ở các tỉnh Phú Thọ, Hà Nội…

Từ Vĩnh Phúc - nơi có di tích Đồng Đậu du khách có thể tham quan các di tích Phùng Nguyên, Gò Mun tại Phú Thọ, các di tích Vườn Chuối, Thành Dền, Cổ Loa tại Hà Nội để hiểu sâu sắc hơn về quá trình di cư của người Việt từ miền núi tiến về đồng bằng và tạo dựng nên nền đồng bằng sông Hồng với nền văn minh lúa nước nổi tiếng

II. THỰC TRẠNG CÔNG TÁC BẢO VỆ, PHÁT HUY GIÁ TRỊ DI TÍCH ĐỒNG ĐẬU

1. Thực trạng công tác bảo vệ và phát huy giá trị di tích

1.1. Hạ tầng kỹ thuật, thực vật và cảnh quan xung quanh

Di chỉ khảo cổ học Đồng Đậu nằm ở thôn Đông, thị trấn Yên Lạc, huyện Yên Lạc, cách thành phố Vĩnh Yên khoảng 8 km về phía Nam theo đường chim bay. Phía Nam của di chỉ nằm sát đường giao thông liên huyện Bình Xuyên - Yên Lạc - Vĩnh Tường. Toàn bộ di chỉ Đồng Đậu nằm trên gò cao 15m so với mặt biển, tổng diện tích khoảng 85.000 m2.

Hiện nay, hạ tầng kỹ thuật tại khu di tích Đồng Đậu và vùng đệm xung quanh bao gồm hệ thống đường giao thông, hệ thống điện, nước.

- Hệ thống đường giao thông:

Do di tích nằm cạnh đường giao thông liên huyện nên đường giao thông chạy qua được mở rộng, trải nhựa rất thuận tiện cho việc di chuyển đến khu di tích. Các đường dẫn từ đường liên huyện vào di tích gò chùa Biện Sơn kéo dài đến sát gò Đậu đường rộng khoảng 6m, mặt đường đã xâm nhựa xâm nhập, dày 15cm. Đường có chiều dài 500m, ngăn cách giữa đường và di tích là hàng rào sắt.

Đường nối từ gò chùa Biện Sơn sang gò Đồng Đậu dài khoảng 100m, rộng 3m, đường đổ bê tông để tiện đưa khách tham quan, những đường trong khu vực giai đoạn được phát quang, mở rộng tới các hố khai quật. Xung quanh di tích là các đường vành đai, đường ven hồ bao quanh chân gò Đồng Đậu.

- Hệ thống cấp thoát nước:

Hiện nay, hệ thống cấp nước được sử dụng tại khu di tích Đồng Đậu đều sử dụng hệ thống giếng khoan, hoặc lấy nước từ khu vực hồ ven gò Đồng Đậu. Tại di tích Đồng Đậu hiện có 60 giếng khoan của hộ dân phục vụ trồng hoa màu và hầu hết các thửa ruộng đều có ống nhựa dẫn nước và vòi phun tưới; hệ thống cống, rãnh thoát nước nổi để thoát nước mưa, đổ ra ao, hồ xung quanh khu di tích.

- Hệ thống điện:

Nguồn điện tại khu di tích do các hộ dân sinh sống và canh tác lấy từ nguồn điện thị trấn, chủ yếu phục vụ cho sinh hoạt, sản xuất cho các hộ dân tại đây.

- Tình hình quản lý đất đai và khoanh vùng di tích:

+ Đất đai di chỉ Đồng Đậu được dùng vào 4 mục đích: Thổ cư, thổ canh, giao thông khu vực, nơi chôn cất mộ táng. Khoảng những năm 60 của thế kỷ XX, khu vực phía Nam di chỉ bị lấy khá nhiều đất (trong đó có đất tầng văn hoá) để san lấp những chỗ trũng do nhu cầu sản xuất và sinh hoạt. Do vậy, toàn bộ khu vực phía Nam di tích bị phá huỷ, không còn đủ điều kiện nghiên cứu.

Đến năm 1995, xã Minh Tân đã cho phép các hộ tư nhân được đấu thầu sử dụng đất trên cả 2 gò (Đồng Đậu 10 năm, Biện Sơn 20 năm). Để tiến hành canh tác và trồng các loại cây lấy gỗ, cây ăn quả và hoa màu các loại, người dân đã san ủi bề mặt gò thấp xuống khoảng 0,50m, đào các hố (1m x 1m x 1m) thay đất phù sa để trồng cây... ảnh hưởng đến bề mặt di tích. Vì vậy thực trạng bề mặt di tích hiện nay không đồng đều, cao thấp, nhấp nhô.

Hiện nay, tại khu di tích Đồng Đậu đang tồn tại các công trình dân sinh trên bề mặt di tích, gồm: 60 giếng khoan của hộ dân phục vụ trồng hoa màu; 02 nhà cấp 4 xây tường gạch, lợp mái ngói và lợp tấm Ploximang; 03 nhà tạm dựng cọc gỗ và lợp tấm Ploximang; có 30 ngôi mộ hiện đại của người dân nằm rải rác trên gò và dìa gò; mặt Đông Nam của di tích, khu vực tiếp giáp đường liên huyện là hệ thống tường rào sắt bao bọc và có cổng chính để vào khu di tích. Hệ thống tường rào này đã được UBND tỉnh phê duyệt đầu tư năm 2011, hoàn thành năm 2013.

Bên cạnh đó, tại khu vực di tích qua thời gian, nhân dân đã chôn cất nhiều ngôi mộ hiện đại, theo những người đấu thầu đất đai trong khu vực di chỉ cho biết, do nhu cầu canh tác và sinh hoạt, họ đã phải di dời khá nhiều mộ. Song, đến nay vẫn còn một số ngôi mộ lộ thiên, thậm chí có những lăng mộ được xây mới và chắc chắn là còn nhiều ngôi mộ khác nằm sâu trong lòng đất di chỉ.

+ Việc khoanh vùng bảo vệ di tích được triển khai: Năm 2000, di tích được xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia, chính quyền địa phương đã phối hợp với các cơ quan liên quan tiến hành khoanh vùng, cắm mốc bảo vệ di tích theo các khu vực 1, và khu vực 2 theo quy định của Luật Di sản văn hóa. Đây là một trong những địa phương đi đầu trong việc khoanh vùng và bảo vệ một cách tốt nhất một di tích khảo cổ học quan trọng.

- Thực vật và cảnh quan xung quanh:

Hiện nay tại di tích Đồng Đậu trồng chủ yếu trồng các loại rau màu như rau thơm húng, kinh giới, tía tô; rau cải, rau muống, mùng tơi, rau dền… Cây ăn quả: chuối, cam, bưởi, ổi, đu đủ, hồng… Cây lấy gỗ: Bạch đàn, cây hoa: hoa hồng, cúc, đồng tiền… Cây lấy lá: dâu tằm.

Riêng một phần phía Tây và phía Nam cạnh gò là công viên Đồng Đậu. Hiện nay, UBND huyện Yên Lạc đã triển khai Dự án xây dựng Công viên Đồng Đậu có tổng mức đầu tư 90 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách cấp huyện và nguồn vốn ngân sách cấp tỉnh bổ sung có mục tiêu cho huyện Yên Lạc. Đây là công trình hạ tầng kỹ thuật cấp III, dự án nhóm B, được xây dựng trên phạm vi đất quy hoạch hơn 5,4 ha do UBND huyện Yên Lạc làm chủ đầu tư. Dự án được đầu tư mới, tạo lòng hồ, xây dựng công viên cây xanh, cùng các hạ tầng hạng mục đồng bộ, như kè xung quanh hồ, khuôn viên, đường dạo, bãi tập thể dục cộng đồng, hệ thống chiếu sáng, cấp nước sạch, thoát nước thải ngăn không cho nguồn thải trong khu dân cư và các điểm kinh doanh dịch vụ chảy vào hồ…thời gian triển khai và hoàn thành dự án trong giai đoạn 2021-2025.

Đây là một trong những dự án trọng điểm của huyện mang nhiều ý nghĩa cả về tâm linh, kiến tạo kiến trúc cảnh quan, cũng như đáp ứng nhu cầu của người dân. Dự kiến sau khi hoàn thành đây sẽ là điểm nhấn về kiến trúc cảnh quan, bảo vệ môi trường, không gian xanh phục vụ các hoạt động thể dục, thể thao rèn luyện sức khỏe, nâng cao đời sống tinh thần, thể chất cho người dân. Đặc biệt, dự án sẽ góp phần quan trọng nâng tầm, phát huy giá trị lịch sử văn hóa của Khu di tích khảo cổ Đồng Đậu, kết hợp cùng di tích đền Gia Loan, chùa Biện Sơn, tạo điểm đến du lịch tâm linh hấp dẫn, tiêu biểu của huyện Yên Lạc nói riêng và tỉnh Vĩnh Phúc nói chung trong tương lai.

1.2. Công tác bảo tồn di tích

* Công tác nghiên cứu, khai quật bảo tồn di tích

Từ khi phát hiện (1962) đến nay, di tích Đồng Đậu đã qua 7 lần khai quật, cùng nhiều đợt thám sát.

- Đợt khai quật thứ nhất: Do Viện Khảo cổ học tiến hành từ tháng 11 năm 1965 tới tháng 3 năm 1966, diện tích 200m2, chia làm hai hố đào, mỗi hố 100m2.

Trong tầng văn hoá dày từ 2,6 - 3,2m, các nhà khảo cổ đã phát hiện nhiều di tích như bếp, nền đất đắp, mộ cổ, hố đào... Đặc biệt đã thu được một sưu tập di vật gồm trên 800 hiện vật. Đồ đá có các loại hình như rìu, bôn, đục, dao, chày, bàn nghiền, bàn đập, bàn mài, vòng trang sức, hạt chuỗi... Đồ đồng có rìu, đục, dùi, cán dao, mũi tên, lưỡi câu, dây, kim... cùng nhiều xỉ đồng. Đồ xương có mũi nhọn, mũi tên, móc, dao... Đồ gốm có nồi, vò, chậu, bát, bình, chân chạc, dọi xe chỉ, bi, tượng động vật... Ngoài ra, còn phát hiện hơn 20.000 mảnh gốm mang những đặc trưng văn hoá khác nhau cùng nhiều tàn tích động, thực vật của người xưa để lại.

Từ kết quả khai quật, các nhà nghiên cứu đã nhận thấy tầng văn hoá có những diễn biến khác nhau, trong đó lớp văn hoá 1 có vết tích của thời đại Bắc thuộc, lớp 2, 3, 4 có thể thuộc về thời đại đồng thau, lớp 5 có thể thuộc hậu kỳ đá mới hoặc sơ kỳ đồng thau. Có thể nói, kết quả của đợt khai quật lần thứ nhất một mặt đã giúp chúng ta hiểu bước đầu về di tích này, mặt khác đóng góp một khối tư liệu quan trọng để nghiên cứu về thời đại kim khí.

- Đợt khai quật thứ hai: Từ cuối tháng 4 tới trung tuần tháng 6 năm 1967 do Viện Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (nay là Bảo tàng Lịch sử Quốc gia) tiến hành. Hố khai quật có diện tích là 50m2.

Trong tầng văn hoá, các nhà khảo cổ học đã phát hiện được nhiều hiện vật và các dấu tích hoạt động khác của con người. Đặc biệt lần đầu tiên thấy dấu vết lò đúc đồng. Bên cạnh lò đúc phát hiện 3 khuôn đúc rìu khá nguyên vẹn. Hiện vật thu được trong đợt khai quật rất phong phú. Đồ đá có rìu, bôn, đao, qua, hạt chuỗi và vòng. Đồ xương có dao, mũi nhọn. Đồ đồng có đục, dùi và mũi tên. Đồ gốm có dọi xe chỉ và hàng vạn mảnh gốm các loại.

Đợt khai quật lần hai đã xác nhận sự phong phú của các vết tích khảo cổ học nơi đây. So sánh với đợt khai quật lần thứ nhất, đợt khai quật lần này đã phát hiện thêm một số di tích, di vật mới như vết tích lò nấu đồng, qua đá, dao đá...

- Đợt khai quật lần thứ ba: Từ tháng 12 năm 1968 đến tháng 5 năm 1969, do Viện Khảo cổ học Việt Nam tiến hành. Đây là đợt khai quật có quy mô lớn nhất với diện tích lên tới 300m2, chia thành 4 hố.

Trong quá trình khai quật, nhiều cán bộ văn hoá, khoa học, giáo dục, hoạt động chính trị ở trung ương và địa phương đã đến hiện trường tham quan, nghiên cứu. Đặc biệt, Thủ tướng Phạm Văn Đồng cùng nhiều đồng chí lãnh đạo khác đã đến tham quan vào những ngày có phát hiện khảo cổ học quan trọng.

Trong đợt khai quật này nhiều di tích được phát hiện như nền đất sét vàng, bếp, hố đào, đặc biệt lần đầu tiên phát hiện được mộ táng tại di tích Đồng Đậu. Mộ được chôn trong khu vực cư trú, sát bề mặt sinh thổ.

Di vật phát hiện được không chỉ nhiều về số lượng mà còn rất phong phú, đa dạng về chất liệu và loại hình. Ngoài số lượng gốm đồ sộ vượt xa hai lần khai quật trước, đợt khai quật này đã phát hiện thêm nhiều loại hình hiện vật mới làm phong phú hơn nữa bộ sưu tập hiện vật đã có với hàng loạt khuôn đúc, đồ đồng thau, di vật làm bằng xương, sừng cùng nhiều vết tích động, thực vật. Đặc biệt đợt khai quật đã ghi nhận nhiều hiện tượng văn hoá khá gần gũi 2 đợt khai quật trước, đã xác định rõ ràng sự phát triển liên tục của 3 tổ hợp văn hoá, khởi đầu từ Phùng Nguyên, qua Đồng Đậu đến Gò Mun theo những lớp đất từ sớm đến muộn. Nhờ những phát hiện này, chúng ta có thêm những căn cứ chắc chắn chứng minh cho nền văn hoá dân tộc ta là một nền văn minh có nguồn gốc lâu đời và mang tính bản địa.

- Đợt khai quật lần thứ tư: Khai quật từ trung tuần tháng 3 đến trung tuần tháng 5 năm 1984, do Ban kim khí thuộc Viện Khảo cổ học tiến hành. Diện tích khai quật là 117m2.

Trong tầng văn hoá đã phát hiện được nhiều di tích như hố cột, nền nhà, hố đào, bếp, lò đúc đồng, mộ táng. Trong đợt khai quật này phát hiện được 2 mộ, trong đó 1 mộ thuộc giai đoạn Gò Mun, 1 mộ thuộc giai đoạn Đông Sơn. Di vật chứa trong tầng văn hoá khá phong phú. Đồ đá có 160 hiện vật, gồm các loại hình như bàn mài, hòn ghè, dao cưa, khuôn đúc, đe, rìu, bôn, đục, bàn đập, mũi tên, chày, vòng, hạt chuỗi, khuyên tai.. Đồ đồng có 50 hiện vật với đủ các loại hình như rìu, bôn, đục, mũi nhọn, búa, dùi, dao, bàn chải, lưỡi câu, mũi tên, kim, vòng... Đồ xương, sừng có 55 hiện vật, gồm dùi, đục, lao, mũi nhọn, dao, lao, mũi tên... Đồ gốm có nồi nấu đồng, khuôn đúc, dọi xe chỉ, chì lưới, bi gốm, tượng bò, đèn hình vịt và hàng vạn mảnh gốm các loại.

Những tư liệu thu thập được qua đợt khai quật thứ tư và các đợt khai quật trước đó đã chứng minh thuyết phục nghề luyện kim thực sự mang tính bản địa. Ngoài ra, lần khai quật này còn tìm thấy chứng tích xác thực của nông nghiệp trồng lúa, chăn nuôi và nghề làm vườn với hàng trăm hạt thóc cháy, xương động vật các loại, hạt của các loại cây ăn quả như trám, mơ, na, đậu cho thấy sự định cư của cư dân Đồng Đậu ở phía Đông Nam của gò Đồng Đậu là liên tục và khá lâu dài.

- Đợt khai quật lần thứ năm: Khai quật tháng 3 năm 1987, do Bộ môn Khảo cổ học, thuộc Khoa Lịch sử, Đại học Tổng hợp Hà Nội nay là Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn phối hợp với Sở Văn hoá Thông tin, Bảo tàng tỉnh Vĩnh Phú tiến hành. Diện tích 15m2.

Trong tầng văn hoá dày từ 3 - 4,4m đã phát hiện được một số bếp lửa. Bếp chứa nhiều than tro, xương thú, vỏ ốc, trai và mảnh tre cháy dang dở. Đồ đá có 38 chiếc, gồm các loại hình như rìu, bôn, qua, dao, bàn mài, mảnh vòng, hạt chuỗi, khuyên tai, bùa đeo, cuội có vết cưa, lõi vòng. Đồ đồng có hiện vật gồm rìu, lao, mũi tên, mũi nhọn, dây, vòng, mảnh đồng... Đồ xương, sừng có 43 hiện vật gồm có giáo, mũi nhọn, đục... Đồ gốm có 11 hiện vật gồm bi gốm, lõi khuôn đúc, chì lưới, dọi xe chỉ, mảnh nồi nấu đồng, tượng gốm và 12010 mảnh gốm vỡ các loại.

Đợt khai quật lần thứ năm đã làm rõ hơn diễn biến tầng văn hoá ở Đồng Đậu. Kết quả phân tích tài liệu gốm của đợt khai quật này đã cho thấy 2 lớp trung gian chuyển tiếp từ Phùng Nguyên sang Đồng Đậu và từ Đồng Đậu sang Gò Mun. Ngoài ra, đợt khai quật đã cung cấp thêm bằng chứng cho thấy nghề đúc đồng đã xuất hiện từ lớp văn hoá sớm nhất.

- Đợt khai quật lần thứ sáu: Khai quật từ ngày 12 tháng 11 tới ngày 30 tháng 12 năm 1999, do Viện Bảo tàng Lịch sử Việt Nam phối hợp với Sở Văn hoá, Thông tin, Thể thao và Bảo tàng tỉnh Vĩnh Phúc tiến hành. Tổng diện tích khai quật là 70m2, chia làm 4 hố, trong đó có 2 hố khai quật và 2 hố thám sát.

Kết quả khai quật và thám sát cho thấy kết cấu địa tầng của các hố ở gò Đồng Đậu khá giống nhau. Độ dày của tầng văn hoá từ 3m đến 5m (kể cả hố đất đen), được chia làm 3 lớp: lớp sớm, lớp giữa và lớp muộn.

Trong tầng văn hoá của 4 hố khai quật và thám sát đã phát hiện được nhiều di tích của người xưa để lại bao gồm các hố đất đen, hố đào, nền đất vàng, bếp, khối đất nung, đặc biệt trong lớp văn hoá sát sinh thổ của hai hố thám sát đã phát hiện 2 mộ táng, trong đó có 1 mộ di cốt còn khá nguyên. Di vật thu được rất phong phú. Đồ đá có 197 tiêu bản, gồm các loại hình như rìu, bôn, đục, công cụ chặt rìu lưỡi dọc, dao, bàn đập, bàn mài, mảnh khuôn đúc, mũi tên, hòn kê, vòng, khuyên tai, hạt chuỗi, mảnh tước, lõi vòng, phác vật. Về đồ đồng ngoài 6 đồng tiền có niên hiệu “Khai nguyên thông bảo” phát hiện được trong hố thám sát, đã phát hiện được 48 hiện vật gồm nhiều loại hình như: mũi dùi, mũi tên, lao, lưỡi câu, kim khâu, chuôi, dây, quai, mảnh vỡ. Đồ xương sừng có 36 hiện vật gồm mũi tên, lao, mũi nhọn, kim, mảnh vòng, bùa, phác vật mũi nhọn, răng có vết mài, hiện vật sừng hình linga, hiện vật sừng hình chữ Y. Đồ gốm có 86.475 mảnh gốm vỡ các loại và 74 hiện vật nguyên và gần nguyên gồm nồi, bát, bình, dọi xe chỉ, bàn dập hoa văn gốm, bi gốm, khuyên tai, tượng động vật, thỏi đất nung, lõi khuôn, chạc gốm... Dấu tích động thực vật phát hiện được trong đợt khai quật lần này rất đa dạng về chủng loại. Kết quả giám định các dấu tích động vật bước đầu đã ghi nhận sự có mặt của các loại động vật có xương sống và động vật không xương sống. Dấu tích thực vật hầu hết bị cháy thành than như tre, nứa, hạt gạo và một số hạt quả. Kết quả phân tích các mẫu bào tử phấn hoa đã xác định được khá nhiều loại bào tử thuộc nhiều họ khác nhau, trong đó có bào tử của họ hoà thảo, cúc, dền, bông, bìm bìm, rau muối...

Có thể nói, kết quả khai quật và thám sát lần thứ sáu đã giúp chúng ta hiểu toàn diện hơn về di tích khảo cổ học Đồng Đậu. Đặc biệt, việc phát hiện, nghiên cứu những mộ táng, các dấu tích động, thực vật, cũng như việc xác định niên đại C14 đã làm rõ hơn các vấn đề về chủ nhân, môi trường sống và niên đại của di tích.

- Đợt khai quật lần thứ bảy: Tiến hành năm 2010, do Hội Khảo cổ học Việt Nam, Khoa Sử, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội phối hợp với Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tiến hành khai quật. Tổng diện tích khai quật 50 m2. Kết quả khai quật đã phát hiện được nhiều mảnh gồm, đồ đá, đồ xương, và một mộ táng thuộc lớp văn hoá Phùng Nguyên.

- Những phát hiện đơn lẻ:

Năm 1984, đoàn khai quật đã sưu tầm được 1 giáo đồng Đông Sơn. Chiếc giáo này do nhân dân thu lượm được trong lúc làm vườn ở di tích Đồng Đậu.

Năm 1999, trong quá trình nghiên cứu thực địa tại di tích Đồng Đậu, cán bộ của Viện Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, Bảo tàng Vĩnh Phúc đã sưu tầm được một số hiện vật làm bằng đá, đồng do nhân dân phát hiện trong quá trình lao động. Đa số những hiện vật này là công cụ lao động, vũ khí, đồ trang sức.

Một số hiện vật do nhân dân phát hiện được gồm các rìu, lao, khuyên ta bằng đá, đồng mang phong cách của các văn hoá Tiền Đông Sơn và đặc trưng của văn hoá Đông Sơn.

Để triển khai công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích Đồng Đậu, tháng 10 năm 2001, Viện Khảo cổ học phối hợp với Bảo tàng Vĩnh Phúc tiến hành điều tra lại toàn bộ khu vực (di chỉ Đồng Đậu, gò chùa Biện Sơn...), khoan thăm dò 36 vị trí (gò Đồng Đậu theo 7 tuyến với 27 mũi, gò Biện Sơn 9 mũi phân bố đều trên mặt gò) và đào 6 hố thám sát xung quanh gò Đồng Đậu, 1 hố ở gò Biện Sơn (mỗi hố 1m), nhằm xác định chính xác diện tích phân bố của di chỉ để giúp cho việc xác định diện tích bảo vệ và phát huy di tích.

Như vậy, được phát hiện từ năm 1962 đến nay, di tích Đồng Đậu đã được nhiều cơ quan, đơn vị chuyên ngành khảo cổ học đã tiến hành 7 lần khai quật với tổng diện tích là 802m2. Qua những lần khai quật nhiều loại hình di tích và hàng ngàn hiện vật đã được tìm thấy bao gồm đồ gốm, đồ đá, xương, sừng và đồng. Các sưu tập hiện vật qua 7 lần khai quật tại Di tích khảo cổ học Đồng Đậu đã trở thành nguồn sử liệu quan trọng về thời kỳ dựng nước, minh chứng cho một kiến giải hợp lý trong quá trình dựng nước của dân tộc ta - từ miền núi tiến về đồng bằng, từ du canh du cư của từng bộ lạc đến định canh, định cư với những xóm làng. Với 4 tầng văn hoá nối tiếp nhau từ Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun, Đông Sơn, hiện vật khai quật tại đây vô cùng phong phú về số lượng, đa dạng về loại hình với đủ các chất liệu đã cho thấy Đồng Đậu tiêu biểu cho các bước phát triển để tiến vào ngưỡng cửa văn minh của người Việt cổ trên lưu vực sông Hồng, để cùng cư dân lưu vực sông Mã, sông Cả hình thành nên nước Văn Lang - nhà nước đầu tiên của dân tộc.

Với những giá trị của di tích, năm 1999, Bảo tàng tỉnh Vĩnh Phúc đã tiến hành lập hồ sơ khoa học đề nghị công nhận Di tích Đồng Đậu là Di tích cấp quốc gia. Năm 2000, Di tích khảo cổ học Đồng Đậu đã được Bộ Văn hoá Thông tin công nhận là Di tích cấp quốc gia.

* Công tác bảo quản di vật, hiện vật của di tích

Theo thống kê, từ khi phát hiện (1962) đến nay, qua quá trình nghiên cứu khai quật di chỉ Đồng Đậu đã phát hiện hàng vạn hiện vật gồm các chất liệu đá, gốm, xương, đồng với nhiều loại hình phong phú gồm công cụ lao động sản xuất, đồ dùng sinh hoạt hàng ngày, đồ trang sức, xương răng động vật, di cốt người…phản ánh quá trình định cư lâu dài của người Việt cổ đã dừng chân và sinh sống tại Đồng Đậu suốt gần 2 thiên niên kỷ.

Trong quá trình nghiên cứu và khai quật, các cơ quan chuyên môn đã lựa chọn gần 10.000 hiện vật đưa về Bảo tàng ở trung ương, địa phương, các cơ quan chuyên ngành để phục vụ công tác nghiên cứu và phát huy giá trị, trong đó: Bảo tàng tỉnh Vĩnh Phúc có 4.996 hiện vật; Bảo tàng Đền Hùng (Phú Thọ) lưu giữ 815 hiện vật; Bảo tàng Lịch sử quốc gia lưu giữ 1.500 hiện vật, Viện Khảo cổ học Việt Nam, Bảo tàng nhân học (Đại học KHXH và nhân văn Hà Nội) 500 hiện vật.

Tại Bảo tàng tỉnh Vĩnh Phúc hiện vật khai quật tại di tích Đồng Đậu được lưu giữ và bảo quản chiếm số lượng lớn nhất 4.996 hiện vật trong đó hiện vật có chất liệu đá 289; hiện vật có chất liệu xương 136; hiện vật có chất liệu đồng 132, còn lại hiện vật có chất liệu gốm chiếm số lượng lớn nhất. Hiện vật được kiểm kê phân loại, đánh số vào sổ đăng ký hiện vật Bảo tàng một cách khoa học, bảo quản thường xuyên, bảo vệ một cách an toàn, lâu dài và bền vững tại phòng trưng bày và kho hiện vật gốc của Bảo tàng. Đặc biệt, đối với nhóm hiện vật là chất hữu cơ như xương, sừng thì phương pháp bảo quản vừa bảo quản phòng ngừa vừa phải bảo quản trị liệu để duy trì sự lâu dài tránh nấm mốc xâm hại. Lần khai quật thứ sáu (năm 1999), thứ 7 (năm 2012) đã phát hiện hai di cốt người thuộc giai đoạn văn hóa Phùng Nguyên (cách ngày nay 3300-4000 năm) và đưa về Bảo tàng tỉnh Vĩnh Phúc bảo vệ, bảo quản và trưng bày. Hiện nay di cốt người cổ Đồng Đậu đang được Bảo tàng tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với Viện 69 (thuộc Bộ Tư lệnh bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh) bảo quản định kỳ hàng năm trong không gian trưng bày “Vĩnh Phúc - cảnh quan thiên nhiên, quê hương người Việt cổ”. Để bảo quản cả khối mẫu vật này, các chuyên gia đã tạo môi trường có khả năng sát trùng bằng hóa chất chống nấm bay hơi, sau đó tạo môi trường kìm hãm hoạt động của vi sinh vật bằng cách hạ độ ẩm cân bằng bên trong tủ kính trưng bày chuyên dụng ở mức độ thấp ổn định (ERH = 70 - 75%). Đây là phương pháp bảo quản hiệu quả, ngăn ngừa lâu dài khả năng xâm nhiễm và gây hư hại của nấm mốc, bảo toàn nguyên trạng hiện vật trong điều kiện khí hậu nóng ẩm như ở miền Bắc Việt Nam. Kết quả bảo quản và kiểm tra định kỳ cho thấy rằng tình trạng bảo quản của hiện vật rất tốt, với độ bền vững được đảm bảo lên tới hàng trăm năm.

1.3. Công tác phát huy giá trị di tích

Trải qua 60 năm nghiên cứu và phát hiện di tích khảo cổ học Đồng Đậu, công tác phát huy tại di tích đạt được một số kết quả như: Trên cơ sở các kết quả nghiên cứu khoa học đã lập được hệ thống dựng các tấm bia trên đó có ghi nội dung bằng Tiếng Việt giới thiệu khái quát về từng đợt khai quật tại di tích; công tác tuyên truyền, giáo dục về bảo tồn và phát huy giá trị di tích đã chú trọng tới đối tượng thanh thiếu niên, người dân trực tiếp canh tác trên Gò Đồng Đậu triển khai có hiệu quả không làm xáo trộn, đào bới và xâm lấn trái phép di tích. Hàng năm học sinh trên địa bàn thị trấn được giáo viên trực tiếp hướng dẫn đến tham quan các địa điểm hố khai quật tại Gò Đồng Đậu trong tiết học lịch sử địa phương- Đây là hoạt động rất thiết thực giúp cho học sinh có được cái nhìn trực quan, sinh động.

Bên cạnh công tác phát huy giá trị tại di tích, công tác phát huy giá trị ngoài di tích cũng thường xuyên được quan tâm, chú trọng tổ chức tại các bảo tàng ở địa phương và trung ương.

- Tại Bảo tàng tỉnh Vĩnh Phúc: Đồng Đậu có một vị trí vô cùng xứng đáng trong trưng bày Bảo tàng tỉnh Vĩnh Phúc. Hiện nay, Bảo tàng tỉnh Vĩnh Phúc đang lưu giữ, bảo quản và trưng bày gần 5000 hiện vật gồm đá, xương, gốm với các loại hình từ công cụ sản xuất, đồ dùng sinh hoạt, đồ trang sức, vũ khí, xương động vật, di cốt người Đồng Đậu…Tại gian long trọng của Bảo tàng với chủ đề “Vĩnh Phúc cảnh quan thiên nhiên- Quê hương người Việt Cổ” đã trưng bày tổ hợp Đồng Đậu bao gồm các sưu tập hiện vật gốc khai quật, phát hiện tại Di tích Đồng Đậu kết hợp với hình thức và giải pháp mỹ thuật trưng bày tái hiện lại cuộc sống sinh hoạt, đời sống kinh tế, tâm linh của cư dân Đồng Đậu cách đây gần 4000 năm.

Thông qua trưng bày khẳng định rằng Đồng Đậu là một di tích quý hiếm, với những giá trị lịch sử, văn hoá, khoa học, trong tiến trình trình lịch sử dân tộc từ miền núi tiến về đồng bằng, người Việt cổ đã dừng lại và định cư ở Đồng Đậu suốt hai thiên niên kỷ, tạo dựng nên đồng bằng Bắc Bộ với nền văn minh sông Hồng, văn minh lúa nước nổi tiếng. Di tích không chỉ là niềm tự hào của nhân dân Vĩnh Phúc mà của cả dân tộc Việt Nam.

- Tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia hiện nay lưu giữ khoảng 1500 hiện vật được khai quật tại di tích khảo cổ học Đồng Đậu. Trong diện tích trưng bày 40m2 giới thiệu phổ hệ các giai đoạn trước Đông Sơn đã giành 1 tủ trưng bày các hiện vật có chất liệu đá và gốm thuộc văn hóa Đồng Đậu (3300- 3000 năm cách ngày nay)- Đại diện cho một giai đoạn văn hóa trong thời đại kim khí ở Việt Nam. Điều này cũng khẳng định Đồng Đậu có một vị trí quan trọng và không thể thiếu được đối với trưng bày giai đoạn thời dựng nước đầu tiên của các Vua Hùng và để khách tham quan trong nước và nước ngoài hình dung được mối liên hệ của Đồng Đậu với quá trình hình thành và phát triển chung của quốc gia dân tộc.

- Tại Bảo tàng Hùng Vương, Khu di tích lịch sử Đền Hùng tỉnh Phú Thọ: Hiện nay có 815 hiện vật khai quật tại di tích khảo cổ học Đồng Đậu được lưu giữ và trưng bày tại Bảo tàng Hùng Vương trong khu di tích lịch sử đền Hùng có đủ chất liệu từ đồ đá, xương, sừng, gốm, đồ đồng ở các loại hình công cụ lao động sản xuất, vũ khí săn bắn, đồ trang sức, đồ dùng sinh hoạt,…Với các hiện vật tiêu biểu được lựa chọn để trưng bày phần nào giới thiệu khái quát văn hóa Đồng Đậu là một thời kỳ phát triển toàn diện trong xã hội thời Hùng Vương dựng nước.

Ngoài công tác trưng bày các loại sách, báo, tạp chí chuyên đề về Đồng Đậu được Bảo tàng tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với các cơ quan Trung ương, các sở, ngành liên quan xuất bản: Tạp chí Khảo cổ học (xuất bản năm 2000), Tạp chí chuyên đề về Bảo tàng (xuất bản năm 2005); Kỷ yếu hội thảo khoa học “40 năm nghiên cứu và phát hiện văn hóa Đồng Đậu”; “Gốm và nghề gốm Vĩnh Phúc”; Vĩnh Phúc thời tiền sử, sơ sử; Đồng Đậu di tích tiêu biểu thời tiền sơ sử (đã tái bản lần thứ nhất). UBND huyện Yên Lạc đang tiến hành triển khai xây dựng công viên Đồng Đậu, việc đầu tư Công viên Đồng Đậu để bảo tồn giữ gìn, bảo vệ và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử của Khu di tích khảo cổ Đồng Đậu.

- Các phòng, ban, ngành, đoàn thể, đặc biệt là các trường học ở địa phương tổ chức nhiều hoạt động như giáo dục truyền thống lịch sử tại di tích với các chương trình về nguồn, giao lưu, dã ngoại, nói chuyện truyền thống nhằm giới thiệu các di tích văn hóa, lịch sử trên địa bàn và giáo dục truyền thống anh hùng, lý tưởng cách mạng, lòng yêu nước, yêu quê hương trong các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ thanh, thiếu niên; giới thiệu các di tích văn hóa lịch sử, các danh lam thắng cảnh trên địa bàn giúp cho nhân dân hiểu được truyền thống và giá trị di tích nói chung và di tích Đồng Đậu nói riêng, coi đó là niềm tự hào không chỉ của quê hương Yên Lạc, Vĩnh Phúc mà của cả quốc gia dân tộc.

1.4. Công tác quản lý di tích

Những năm qua, công tác quản lý di tích đã được các ban, ngành, chính quyền địa phương quan tâm.

- UBND thị trấn Yên Lạc đã thành lập Ban Quản lý di tích Đồng Đậu. Trong đó đồng chí Chủ tịch UBND thị trấn trực tiếp làm Trưởng ban; xây dựng quy chế phối hợp, đưa các nội dung về bảo vệ, phát huy các di tích vào quy ước, hương ước để nhân dân cùng thực hiện.

- UBND thị trấn Yên Lạc giao cho người trực tiếp trông coi di tích, hỗ trợ 0,2 mức lương tối thiểu hàng tháng theo Quyết định số 17/2014/QĐ-UBND ngày 18/4/2014 về việc hỗ trợ kinh phí cho người trực tiếp trông coi di tích đã xếp hạng trên địa bàn tỉnh.

- UBND thị trấn giao Công an thị trấn hàng tuần, hàng tháng tuần tra, kiểm tra đôn đốc và đã có biện pháp xử lý các hộ xung quanh không được xâm lấn vào diện tích khu di chỉ khảo cổ.

- Công tác tuyên truyền, giáo dục nhận thức của cộng đồng xã hội tham gia gìn giữ, bảo vệ di tích được quan tâm chú trọng trong những năm gần đây. Các cấp, các ngành trong tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến về pháp luật di sản văn hóa, về lịch sử của địa phương đến cán bộ và nhân dân. Từ đó, nhận thức của cán bộ và nhân dân địa phương đã có những chuyển biến tích cực tham gia gìn giữ, bảo vệ di tích, đặc biệt là nâng cao nhận thức, trách nhiệm của thế hệ trẻ, nhất là sau khi UBND tỉnh ban hành Quy định về phân cấp quản lý di tích.

2. Những khó khăn, tồn tại và nguyên nhân

2.1. Những khó khăn, tồn tại

- Công tác bảo vệ và phát huy giá trị di tích chưa được quan tâm đúng mức, nhất là sau khi được xếp hạng như cấp sổ đỏ, khoanh vùng, cắm mốc giới, dựng bia bảng di tích, đầu tư tôn tạo, phát huy, nên dẫn đến có sự mâu thuẫn, bất cập giữa lập hồ sơ và việc gìn giữ, phát huy di tích. Hồ sơ di tích được xếp hạng trước đó, chỉ khoanh vùng trên sơ đồ mà không xác định được ranh giới, có nhiều sự sai lệch, di tích bị xâm lấn vẫn đang xảy ra, đã tổ chức khoanh vùng nhưng chủ yếu lại khoanh vùng trên hồ sơ và không có quy hoạch thực tế sử dụng.

- Việc đầu tư kinh phí để bảo quản, tôn tạo di tích còn nhiều khó khăn nên quy mô và nguồn lực đầu tư cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích còn hạn chế chưa tương xứng với giá trị của di tích. Một số hố khai quật có nhiều giá trị, sau khi khai quật đã tiến hành bảo quản, gìn giữ phục vụ trưng bày nhưng do kinh phí hạn hẹp nên việc bảo quản gìn giữ không duy trì lâu dài, dẫn đến các hố khai quật bị hủy hoại. Một số công trình phụ trợ bổ sung cho di tích chưa được quan tâm quy hoạch đầu tư.

- Công tác quản lý di tích chưa được chú trọng. Việc phối hợp trong công tác quản lý di tích từ tỉnh đến địa phương chưa đồng bộ, thống nhất, sự phối hợp giữa các ngành chức năng, chính quyền các cấp trong công tác quản lý di tích tại cơ sở còn chồng chéo, chưa chặt chẽ. Đội ngũ quản lý về di tích còn kiêm nhiệm, phụ trách nhiều lĩnh vực, chưa có chuyên môn.

- Di tích Đồng Đậu là sự phân bố trên một phạm vi rộng, đã và đang là đối tượng lao động, là địa bàn cư trú và địa bàn sản xuất nông nghiệp. Chính vì vậy, việc xây dựng nhà ở, trồng cây lưu niên, làm đường, đào giếng… để phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt và sản xuất của nhân dân địa phương đã và đang diễn ra một cách tự phát, chưa được kiểm soát dẫn đến nguy cơ xâm phạm đến tầng văn hóa của di tích.

- Việc nghiên cứu khai quật, tổ chức quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị khu Đồng Đậu chưa được triển khai một cách liên tục, mạnh mẽ và theo quy hoạch tổng thể, thống nhất và có hiệu quả.

- Công tác giáo dục truyền thống văn hoá, lịch sử của địa phương gắn với giá trị di tích Đồng Đậu chưa được chú trọng, chưa có những hoạt động giáo dục trải nghiệm thường xuyên tại di tích.

- Nguồn nhân lực làm công tác quản lý văn hoá nói chung và kiến thức chuyên môn về Đồng Đậu còn thiếu về số lượng, yếu về chất lượng.

- Công tác phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch chưa xứng với tiềm năng và giá trị các di tích trên địa bàn tỉnh. Hiệu quả kinh tế của các di tích mang lại cho nhân dân địa phương chưa có.

2.2. Nguyên nhân

- Do những tác động của các yếu tố khí hậu nhiệt đới như nắng gắt, mưa nhiều, bão lụt…dẫn đến một số rìa gò phía nam di tích bị sạt lở.

- Di tích phân bố trên không gian rộng, loại di tích khảo cổ học nên các di tích nằm sâu dưới lòng đất nên gặp khó khăn trong công tác bảo vệ.

- Do nhận thức của con người chưa sâu sắc dẫn đến ý thức bảo vệ di tích chưa cao.

- Do quá trình canh tác, cư trú của người dân tại di tích như trồng cây lâu niên, chôn cất, xây lăng mộ dẫn đến không ít những thành phần nguyên gốc của khu di tích, đặc biệt là những yếu tố thiên nhiên vốn có và cảnh quan thiên nhiên của quần thể di tích đã bị thay đổi.

- Đội ngũ cán bộ quản lý văn hóa còn mỏng, trình độ chuyên môn hạn chế, nghiệp vụ chưa được nâng cao.

- Công tác tuyên truyền, quảng bá, giáo dục lịch sử và giá trị của di tích chưa được chú trọng.

- Sự phối hợp liên ngành giữa các cơ quan trong hoạt động quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di tích chưa chặt chẽ và có hiệu quả.

- Chưa có những định hướng, chính sách, chế tài cụ thể nhằm khuyến khích, kêu gọi sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động bảo vệ, phát huy giá trị di tích.

3. Đánh giá chung

Trong những năm qua, việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích Đồng Đậu luôn được tỉnh và các cơ quan chuyên môn ở trung ương quan tâm, là một trong di tích khảo cổ học thời tiền sơ sử còn bảo vệ được gần như nguyên vẹn diện tích của di tích. Công tác quản lý, bảo vệ và phát huy di tích được chú trọng thông qua các hoạt động phối hợp có hiệu quả trong công tác nghiên cứu, khai quật giữa tỉnh và các cơ quan nghiên cứu ở trung ương. Công tác tuyên truyền, quảng bá giá trị di tích tới các tầng lớp nhân dân và du khách trong và ngoài nước kịp thời, cập nhật với nhiều hình thức đa dạng và phong phú. Việc bảo quản, trưng bày, lập hồ khoa học các sưu tập hiện vật khoa học theo quy trình, phát huy giá trị tốt tại các bảo tàng ở trung ương, bảo tàng các tỉnh và địa phương.

Tuy nhiên, trước yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa thì công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích Đồng Đậu còn nhiều khó khăn, tồn tại và hạn chế. Công tác quản lý di tích vẫn còn một số bất cập trong khoanh vùng bảo vệ di tích, việc xây dựng và xâm hại đến tầng văn hoá của di tích vẫn còn. Công tác bảo quản các hố khai quật chưa được khoa học. Công tác phát huy giá trị di tích chưa được các cấp, các ngành, địa phương quan tâm đúng mức. Nguồn lực đầu tư cho công tác quản lý, bảo quản và phát huy di tích chưa tương xứng với giá trị di tích, đội ngũ cán bộ chuyên môn tại địa phương nơi có di tích còn thiếu và yếu về chất lượng. Các hoạt động giáo dục, trải nghiệm về văn hoá, lịch sử địa phương gắn với giá trị di tích chưa thường xuyên…Vì vây, trong thời gian tới cần phải có những giải pháp thực hiện đồng bộ nhằm bảo vệ và phát huy giá trị di tích Đồng Đậu tương xứng với giá trị của di tích.

Phần thứ Ba

QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP BẢO VỆ VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ DI TÍCH KHẢO CỔ ĐỒNG ĐẬU

I. QUAN ĐIỂM

- Đánh giá thực trạng của di tích một cách khoa học, chi tiết nhằm đề ra các giải pháp cụ thể bảo đảm phù hợp, khả thi, có trọng tâm, trọng điểm theo từng giai đoạn.

- Ưu tiên đầu tư công tác nghiên cứu, thám sát, khai quật; phát huy nguồn lực xã hội để phát triển du lịch, đầu tư hệ thống hạ tầng, các hạng mục phụ trợ trong di tích.

- Thực hiện đồng thời và tạo lập sự hài hòa việc bảo tồn, tôn tạo với việc phát huy giá trị di tích. Bảo tồn và phát huy giá trị di tích phải gắn liền các yếu tố vật thể, phi vật thể của địa phương.

- Bảo tồn, phát huy di tích phải tôn trọng lịch sử, khoa học và gắn với cảnh quan môi trường, sinh thái; ngăn chặn tình trạng lấn chiếm đất đai và xây dựng các công trình không phù hợp trong các khu vực bảo vệ của di tích

- Bảo vệ di sản cần phải dựa trên quan điểm cân bằng với mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, trong đó cần lấy giá trị văn hóa, lịch sử làm động lực để phát triển kinh tế xã hội và ngược lại phát triển kinh tế xã hội là nguồn lực để bảo tồn, tôn tạo các di sản văn hóa.

- Nâng cao vai trò quản lý của nhà nước, đẩy mạnh xã hội hóa việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích, có sự phối hợp của nhiều ngành, nhiều cấp, sự tham gia của cộng đồng địa phương.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

- Bảo vệ và phát huy giá trị di tích khảo cổ Đồng Đậu, đưa nơi đây thành một trung tâm văn hóa, lịch sử, một quần thể di tích quốc gia đặc biệt quan trọng bậc nhất về lịch sử buổi đầu dựng nước của dân tộc, nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, uống nước nhớ nguồn, lòng tự hào lịch sử dân tộc đối với các tầng lớp nhân dân trong và ngoài tỉnh, gắn với phát triển du lịch.

- Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp uỷ, chính quyền các cấp và cộng đồng dân cư trong việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị di tích Đồng Đậu nói riêng và di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh nói chung góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa xã hội trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.

- Cụ thể hóa đường lối chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển văn hóa, Nghị quyết số 15/NQ-TU ngày 12/12/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc về Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Vĩnh Phúc đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững.

2. Mục tiêu cụ thể

2.1. Giai đoạn 2023 - 2025

(1) Xây dựng, thẩm định, phê duyệt Đề án bảo vệ và phát huy giá trị di tích khảo cổ học Đồng Đậu, giai đoạn 2023-2030.

(2) Hoàn thành lập quy hoạch (quy hoạch di tích, quy hoạch xây dựng) đối với di tích.

(3) Hoàn thành khoanh vùng, cắm mốc giới các khu vực bảo vệ di tích theo quy định.

(4) Tiến hành nghiên cứu, khai quật làm sáng tỏ địa bàn cư trú, canh tác, mộ táng và tâm linh của người Việt cổ tại di tích Đồng Đậu. Tổ chức 02 cuộc Hội thảo khoa học cấp quốc gia và cấp tỉnh về di tích Đồng Đậu.

(5) Hoàn thành lắp đặt hệ thống cụm, biển chỉ dẫn, tuyên truyền giới thiệu giá trị tại di tích và các điểm trung tâm.

(6) Hoàn thành biên soạn, bổ sung cẩm nang, tài liệu tuyên truyền về giá trị của di tích Đồng Đậu phục vụ giáo dục truyền thống.

(7) Khai thác và đưa vào hoạt động tuyến tham quan du lịch về cội nguồn gắn di tích Đồng Đậu với hệ thống các di tích khảo cổ về thời Hùng vương dựng nước trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.

2.2. Giai đoạn 2026-2030

(1) Hoàn thành xây dựng hạ tầng tại khu vực di tích gồm: công viên cây xanh, nhà trưng bày bổ sung di tích.

(2) Đưa vào sử dụng, bảo quản, khai thác nhà trưng bày bổ sung, các hố khai quật trưng bày ngoài trời tại di tích phục vụ nghiên cứu, tham quan, học tập.

(3) Hoàn thiện việc kiểm kê khoa học, sưu tầm, bổ sung tư liệu, trưng bày, số hoá các sưu tập hiện vật về Đồng Đậu tại Bảo tàng tỉnh, nhà truyền thống huyện Yên Lạc, tích hợp vào chương trình số hóa du lịch của tỉnh.

(4) Liên kết triển khai các tuor, tuyến tham quan, học tập, trải nghiệm khảo cổ học cho công chúng tại di tích Đồng Đậu với các di tích khảo cổ học tiêu biểu tại khu vực trung du Bắc bộ và đồng bằng sông Hồng.

(5) Lập hồ sơ khoa học trình cấp có thẩm quyền đề nghị công nhận di tích khảo cổ học Đồng Đậu là di tích quốc gia đặc biệt.

III. NHIỆM VỤ

1. Nội dung nhiệm vụ

1.1. Phối hợp với các cơ quan chuyên ngành ở Trung ương tiến hành nghiên cứu làm sáng tỏ một cách khoa học sâu sắc, minh chứng sinh động, phong phú về giá trị về dân tộc học qua địa bàn cư trú, canh tác, mộ táng và tâm linh của người Việt cổ tại di tích Đồng Đậu, đồng thời bổ sung các sưu tập hiện vật phục vụ trưng bày tại bảo tàng tỉnh, nhà truyền thống huyện Yên Lạc, nhà trưng bày bổ sung di tích Đồng Đậu.

- Tiến hành khai quật (lần thứ 8) nhằm nghiên cứu phát hiện các địa điểm về đời sống cư trú, môi trường của người Việt cổ tại di tích Đồng Đậu.

- Tiến hành khai quật (lần thứ 9) di tích Đồng Đậu nhằm nghiên cứu, phát hiện và làm sáng tỏ các khu vực mộ táng và khu vực canh tác của người Việt cổ tại Đồng Đậu.

- Tổ chức họp báo, trưng bày chuyên đề công bố kết quả nghiên cứu, khai quật thu được gắn với công tác bảo vệ và phát huy giá trị di tích Đồng Đậu.

- Tổ chức một đoàn cán bộ chủ chốt liên quan đến việc chỉ đạo, xây dựng và thực hiện đề án thăm quan, rút kinh nghiệm đối với việc bảo vệ, bảo tồn các đề án tương tự ở các nước khác trên thế giới như: Di sản Khảo cổ học thế giới Bản Chiềng (Thái Lan) có niên đại gần tương tự như di tích Đồng Đậu, di tích Hà Mẫu Độn (ở tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc) có niên đại tương tự như văn hoá Phùng Nguyên (lớp dưới cùng của Đồng Đậu), di tích Lương Chử (tỉnh Chiết Giang, Tủng Quốc), di sản văn hoá thế giới tiêu biểu cho nền văn minh đô thị có niên đại khoảng 5000 năm cách ngày nay.

- Tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Đồng Đậu - 65 năm phát hiện và nghiên cứu, (1962-2027)” với sự tham gia của các nhà khoa học trong và ngoài nước, nội dung hội thảo tập trung đánh giá về quá trình nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị, định hướng bảo vệ và phát huy giá trị di tích khảo cổ Đồng Đậu gắn với phát triển bền vững.

- Hệ thống hóa dữ liệu, lựa chọn các sưu tập hiện vật điển hình qua các cuộc khai quật bổ sung hiện vật trưng bày tại hệ thống trưng bày thường trực Bảo tàng tỉnh, trưng bày Nhà truyền thống huyện Yên Lạc, trưng bày tại nhà trưng bày bổ sung di tích Đồng Đậu phục vụ công chúng.

1.2. Đầu tư xây dựng hạ tầng và các trung tâm dịch vụ văn hóa du lịch với những công trình chức năng phù hợp gồm: Hệ thống đường giao thông, khu khuôn viên, điện, nước, cây xanh và các công trình gồm: Nhà ban quản lý, bãi đỗ xe, nhà trưng bày bổ sung di tích, nhà bảo vệ các hố khai quật, bia chỉ dẫn tuyến tham quan, các nhà trưng bày và bán vật phẩm lưu niệm… tại di tích tại di tích khảo cổ học Đồng Đậu.

1.3. Triển khai thực hiện các phương án bảo vệ di tích Đồng Đậu

- Xây dựng “Quy chế quản lý bảo vệ khu di tích khảo cổ học Đồng Đậu” quy định những nội dung cụ thể như: Cấm đào bới trái phép, xây dựng nhà ở, các công trình, trồng cây lưu niên, lợi dụng các hoạt động canh tác làm ảnh hưởng đến di tích.

- Nghiên cứu điều chỉnh địa giới, khu vực bảo vệ. Khu vực bảo vệ hiện nay có tổng diện tích là 30.909m2. Tuy nhiên với giá trị và phạm vi phân bố của di tích rộng cần điều chỉnh cho phù hợp và đảm bảo công tác quy hoạch, tôn tạo và phát huy giá trị di tích.

- Xây dựng các phương án bảo quản những địa điểm đã khai quật qua các lần, bảo vệ các thảm thực vật, cây xanh để tạo địa giới bảo vệ, chống sự xói lở của thiên nhiên và sự xâm chiếm của con người tại khu di tích.

1.4. Triển khai các hoạt động nhằm phát huy giá trị di tích phục vụ phát triển du lịch

- Nghiên cứu, biên soạn hệ thống bia, biển thuyết minh, hướng dẫn bằng chất liệu đẹp, bền vững, nội dung ngắn gọn, xúc tích, dễ hiểu và chính xác viết bằng tiếng Việt và tiếng Anh đặt tại các khu trung tâm huyện Yên Lạc, thị trấn Yên Lạc và khu vực di tích Đồng Đậu.

- Xây dựng nhà trưng bày bổ sung về khu di tích với quy mô và tại vị trí thích hợp trong khu di tích với các sưu tập hiện vật, tư liệu phong phú, đa dạng, đặc sắc nhằm giới thiệu đầy đủ và có hệ thống về vị trí địa lý, sự phân bố, các thành tựu nghiên cứu, bảo vệ và phát huy giá trị di tích Đồng Đậu.

- Tổ chức trưng bày ngoài trời tại di tích: Tổ chức trưng bày các hố khai quật khảo cổ với sự hiện diện của các mặt cắt tầng văn hoá khảo cổ, trong đó hiển thị những dấu tích vật chất của 4 giai đoạn văn hoá khảo cổ liên tục là Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun và Đông Sơn phản ánh sinh động về đời sống sinh hoạt, canh tác, tâm linh của người Việt cổ khi cư trú tại Đồng Đậu.

- Ứng dụng cộng nghệ thông tin, để xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu đồng bộ phục vụ cho nghiên cứu, trưng bày số, bảo tàng ảo, tích hợp trong các hoạt động văn hoá, du lịch ở trong tỉnh, kết nối với các hoạt động chuyên ngành ở trong nước và quốc tế để bảo vệ và phát huy giá trị di tích.

- Tổ chức khu khảo cổ học thực nghiệm và hướng dẫn thực hành khảo cổ học thông qua các hoạt động trình diễn thực nghiệm chế tác và sử dụng công cụ, thực hành khai quật và thể nghiệm tái hiện cuộc sống thời Hùng Vương cho khách tham quan, đặc biệt là đối tượng khách là học sinh, sinh viên, các nhà nghiên cứu.

- Tổ chức các chương trình giáo dục, văn hoá, lịch sử tại di tích Đồng Đậu, thành, đền Gia Loan, chùa Biện Sơn nhằm giới thiệu, quảng bá, tôn vinh và lan toả giá trị di sản văn hoá vật thể và phi vật thể vùng đất Yên Lạc - Tam Đái - Xứ Đoài - Vĩnh Phúc trong nền văn minh sông Hồng và văn hoá Việt Nam thông qua các chương trình biểu diễn văn hoá nghệ thuật kết hợp với khu trưng bày giới thiệu và bán vật phẩm lưu niệm, sách báo, sản phẩm đặc trưng văn hoá ẩm thực của địa phương… phục vụ khách tham quan.

- Tổ chức các tuyến, điểm tham quan các di tích lịch sử- văn hoá về thời tiền sơ sử của tỉnh gồm: Đồng Đậu (Yên Lạc) - Lũng Hoà (Vĩnh Tường) - Nghĩa Lập (Vĩnh Tường) - Gò Hội (Sông Lô) với các di tích lịch sử văn hoá tiêu biểu của tỉnh, vùng đồng bằng, trung du Bắc Bộ.

- Chỉnh lý, trưng bày tổ hợp giới thiệu di tích Đồng Đậu, nơi khởi nguồn của nền văn minh người Việt cổ trên đất Vĩnh Phúc tại Bảo tàng tỉnh, nhà truyền thống huyện Yên Lạc, nhà trưng bày bổ sung di tích Đồng Đậu phục vụ tốt nhu cầu tham quan, hưởng thụ văn hoá của nhân dân.

1.5. Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giới thiệu quảng bá di tích Đồng Đậu.

- Tổ chức các cuộc trưng bày chuyên đề giới thiệu, tuyên truyền, quảng bá về giá trị di tích Đồng Đậu và di sản văn hoá Vĩnh Phúc tại các địa phương trong và ngoài tỉnh.

- Nghiên cứu, biên soạn, xuất bản các ấn phẩm về di tích Đồng Đậu gồm sách, báo, tờ gấp, các sản phẩm lưu niệm…giới thiệu những giá trị đặc trưng tiêu biểu của di tích Đồng Đậu phục vụ tham quan, nghiên cứu.

- Xây dựng các phóng sự, phim tài liệu, các trang chuyên mục…tuyên truyền, giới thiệu quảng bá về di tích Đồng Đậu trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội.

1.6. Khảo sát, điền dã, lập hồ sơ khoa học trình Thủ tướng Chính phủ xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt.

- Phối hợp với các nhà khoa học ở trung ương khảo sát đánh giá sâu sắc những giá trị về di tích Đồng Đậu làm cơ sở khoa học cho việc xây dựng hồ sơ di tích.

- Tập hợp các tư liệu, bản vẽ, những kết quả khai quật và thành tựu nghiên cứu di tích Đồng Đậu xây dựng hồ sơ di tích.

- Căn cứ các quy định của Luật di sản văn hoá lập hồ sơ đề nghị Thủ tướng Chính phủ xếp hạng di tích cấp quốc gia đặc biệt đối với di tích Đồng Đậu.

2. Kế hoạch triển khai các nhiêm vụ

2.1. Hoàn thành việc lập quy hoạch di tích, quy hoạch xây dựng.

- Thời gian thực hiện: Năm 2023-2025

- Đơn vị chủ trì: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

- Đơn vị phối hợp: Cơ quan nghiên cứu trung ương, UBND huyện Yên Lạc, UBND thị trấn Yên Lạc và các cơ quan, đơn vị liên quan.

- Kết quả dự kiến: Các hồ sơ bản vẽ quy hoạch

2.2. Tổ chức khảo sát, thực hiện điều chỉnh cắm mốc giới các khu vực bảo vệ di tích Đồng Đậu

- Thời gian thực hiện: Năm 2024

- Đơn vị chủ trì: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

- Đơn vị phối hợp: cơ quan nghiên cứu trung ương, UBND huyện Yên Lạc, UBND thị trấn Yên Lạc và các cơ quan, đơn vị liên quan.

- Kết quả dự kiến: Bản đồ khoanh vùng các khu vực bảo vệ di tích.

2.3. Giải tỏa, thu hồi đất, di dời toàn bộ các hộ dân đang sinh sống bên trong đất di tích; di rời các mộ chí hiện có trên bề mặt di tích; chặt các cây lâu năm ảnh hưởng đến tầng văn hóa di tích… Triển khai đầu tư hạ tầng khu di tích.

- Thời gian thực hiện: Năm 2024-2025

- Đơn vị chủ trì: UBND huyện Yên Lạc

- Đơn vị phối hợp: Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND thị trấn Yên Lạc và các cơ quan, đơn vị liên quan

- Kết quả dự kiến: Mặt bằng khu di tích với các lớp đất văn hóa không bị xâm hại của con người ảnh hưởng đến yếu tố gốc di tích. Hệ thống cây xanh, đường đi, điện, nước…

2.4. Tiến hành khai quật khảo cổ tại di tích Đồng Đậu để bổ sung tư liệu, xây dựng nhà trưng bày ngoài trời tại di tích.

- Thời gian thực hiện: Năm 2024-2030

- Đơn vị chủ trì: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

- Đơn vị phối hợp: Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Viện Khảo cổ học và cơ quan chuyên ngành trung ương, UBND huyện Yên Lạc, UBND thị trấn Yên Lạc và các cơ quan, đơn vị liên quan.

- Kết quả dự kiến: Các hố khai quật về nơi cư trú, canh tác, mộ táng của người Việt cổ, các sưu tập hiện vật, Báo cáo kết quả khai quật.

2.5. Tiến hành bảo quản các hố khai quật minh chứng là địa điểm cư trú, khu vực canh tác và khu vực mộ táng của người Việt cổ tại Đồng Đậu trong gần 2 thiên niên kỷ.

- Thời gian thực hiện: Năm 2023 -2030

- Đơn vị chủ trì: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

- Đơn vị phối hợp: Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Viện Khảo cổ học và cơ quan chuyên ngành trung ương, UBND huyện Yên Lạc, UBND thị trấn Yên Lạc và các cơ quan, đơn vị liên quan.

- Kết quả dự kiến: Các hố khai quật được giữ nguyên, bảo quản bằng hóa chất, mái che gồm khu cư trú, khu canh tác, khu mộ táng.

2.6. Xây dựng Nhà trưng bày bổ sung khu di tích khảo cổ Đồng Đậu với quy mô và vị trí phù hợp trong khu di tích, nhằm giới thiệu về di tích và quá trình nghiên cứu, bảo vệ, phát huy khu di tích.

- Thời gian thực hiện: từ năm 2026-2030

- Đơn vị chủ trì: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

- Đơn vị phối hợp: Sở Xây dựng, UBND huyện Yên Lạc; các đơn vị liên quan

- Kết quả dự kiến: Công trình nhà trưng bày và hệ thống trưng bày nội thất giới thiệu di tích Đồng Đậu

2.7. Xây dựng trung tâm dịch vụ văn hóa du lịch với những công trình chức năng: Công viên cây xanh, khu trải nghiệm khảo cổ học, khu trình diễn văn hóa vật thể và phi vật thể gắn với sắc thái văn hóa địa phương…

- Thời gian thực hiện: từ năm 2026-2030

- Đơn vị chủ trì: UBND huyện Yên Lạc

- Đơn vị phối hợp: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Xây dựng, các đơn vị liên quan

- Kết quả dự kiến: Hệ thống cây xanh, các hạng mục công trình trải nghiệm

2.8. Triển khai các giải pháp khai thác di tích phục vụ du lịch: các hoạt động văn hóa, thể thao, biểu diễn nghệ thuật truyền thống…thu hút khách đến với di tích.

- Thời gian thực hiện: từ năm 2024-2030

- Đơn vị chủ trì: Ủy ban nhân dân huyện Yên Lạc

- Đơn vị phối hợp: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; các đơn vị liên quan

- Kết quả dự kiến: Các hoạt động, chương trình nghệ thuật

2.9. Trưng bày hiện vật tài liệu giới thiệu di tích Đồng Đậu tại Bảo tàng tỉnh; Khu du lịch quốc gia Tam Đảo; Khu du lịch Tây Thiên, Đại Lải.

- Thời gian thực hiện: Hằng năm, từ năm 2023-2030

- Đơn vị chủ trì: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

- Đơn vị phối hợp: UBND các huyện Tam Đảo, UBND thành phố Phúc Yên; các đơn vị liên quan.

- Kết quả dự kiến: Không gian giới thiệu, quảng bá về di tích Đồng Đậu.

2.9. Tiến hành số hóa và tích hợp các sưu tập hiện vật tài liệu khu di tích khảo cổ học Đồng Đậu tại nhà truyền thống huyện Yên Lạc, Bảo tàng tỉnh, và chương trình số hóa du lịch.

- Thời gian thực hiện: từ năm 2026-2030

- Đơn vị chủ trì: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

- Đơn vị phối hợp: Sở Thông tin và Truyền thông, UBND huyện Yên Lạc; các đơn vị liên quan

- Kết quả dự kiến: Phần mềm số hóa hiện vật, các trang thông tin điện tử công nghệ 3D, 4D.

2.10. Lắp dựng hệ thống bia, biển thuyết minh, hướng dẫn tại di tích

- Thời gian thực hiện: Năm 2024

- Đơn vị chủ trì: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

- Đơn vị phối hợp: UBND huyện Yên Lạc, UBND thị trấn Yên Lạc và các cơ quan, đơn vị liên quan.

- Kết quả dự kiến: Bia, biển chỉ dẫn tại khu di tích, trung tâm huyện Yên Lạc, các tuyến đường chính dẫn vào khu di tích.

2.11. Tổ chức Hội thảo khoa học cấp tỉnh về di tích khảo cổ Đồng Đậu

- Thời gian thực hiện: Năm 2025

- Đơn vị chủ trì: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

- Đơn vị phối hợp: Các cơ quan nghiên cứu trung ương, địa phương; UBND huyện Yên Lạc, UBND thị trấn Yên Lạc; các đơn vị liên quan.

- Kết quả dự kiến: Lập Kỷ yếu, kết luận hội thảo

2.12. Tuyên truyền quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng ở tỉnh, trung ương

- Thời gian thực hiện: Hằng năm, từ năm 2023-2030.

- Đơn vị chủ trì: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

- Đơn vị phối hợp: Báo Vĩnh Phúc, Đài Phát thanh truyền hình tỉnh; các đơn vị liên quan

- Kết quả dự kiến: Các chương trình giới thiệu, quảng bá

2.13. Chỉnh lý, biên soạn, xuất bản sách, phim tài liệu, băng đĩa hình về di tích Đồng Đậu bằng tiếng Việt và tiếng Anh để tuyên truyền, quảng bá, giáo dục về giá trị di tích.

- Thời gian thực hiện: Hằng năm, từ năm 2023-2030

- Đơn vị chủ trì: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

- Đơn vị phối hợp: Các nhà nghiên cứu trung ương, địa phương; các đơn vị liên quan

- Kết quả dự kiến: Các công trình nghiên cứu, sách, phim, băng đĩa hình, tờ rơi…

2.14. Biên soạn các tài liệu, cẩm nang giới thiệu di tích khảo cổ học Đồng Đậu trong giáo dục về lịch sử địa phương đối với các cấp học phổ thông của tỉnh.

- Thời gian thực hiện: Từ năm 2024-2030.

- Đơn vị chủ trì: Sở Giáo dục và Đào tạo.

- Đơn vị phối hợp: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; UBND các huyện thành phố; các đơn vị liên quan.

- Kết quả dự kiến: Chương trình giáo dục lịch sử văn hóa địa phương cho học sinh các cấp học phổ thông trên địa bàn tỉnh.

2.15. Quảng bá về di tích Đồng Đậu gắn với chương trình xúc tiến du lịch tỉnh Vĩnh Phúc (xúc tiến trong nước và nước ngoài).

- Thời gian thực hiện: Hằng năm, từ năm 2023-2030

- Đơn vị chủ trì: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

- Đơn vị phối hợp: UBND huyện Yên Lạc; các đơn vị liên quan

- Kết quả dự kiến: Các chương trình giới thiệu, quảng bá trong nước, quốc tế.

2.16. Xây dựng đề án, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ quản lý, chuyên môn cho đội ngũ cán bộ nhân viên tại khu di tích

- Thời gian thực hiện: Năm 2026-2027

- Đơn vị chủ trì: UBND huyện Yên Lạc

- Đơn vị phối hợp: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

- Kết quả dự kiến: Thành lập Ban quản lý di tích trực thuộc UBND huyện

2.17. Xây dựng hồ sơ khoa học đề nghị Thủ tướng Chính phủ xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt

- Thời gian thực hiện: Năm 2026-2027

- Đơn vị chủ trì: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

- Đơn vị phối hợp: Các cơ quan nghiên cứu trung ương, địa phương; UBND huyện Yên Lạc, UBND thị trấn Yên Lạc; các đơn vị liên quan

- Kết quả dự kiến: Hồ sơ xếp hạng, Quyết định, Bằng xếp hạng di tích

IV. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo và sự phối hợp giữa các cấp, các ngành

- Tăng cường và nâng cao hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di tích.

- Thực hiện hiệu quả Luật Di sản văn hóa, các Nghị định của Chính phủ, Thông tư của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong việc triển khai thực hiện các hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị di tích Đồng Đậu.

- Ngành văn hóa, thể thao và du lịch các cấp phối hợp với các sở, ban ngành, hội đoàn thể và địa phương triển khai nhiệm vụ bảo tồn, phát huy di tích Đồng Đậu gắn với bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa tại địa phương.

- Thường xuyên kiểm tra, xử lý các hành vi phạm pháp luật về di sản văn hóa, đặc biệt là các hành vi xâm chiếm và phá hủy các yếu tố cấu thành di tích.

- Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền, sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý Nhà nước với các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, các doanh nghiệp trong việc đầu tư bảo tồn, tu bổ di tích. Trên cơ sở các mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án xem xét đưa các chỉ tiêu thực hiện cụ thể vào nghị quyết của các cấp ủy đảng, kế hoạch nhà nước của các cấp chính quyền để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo.

- Căn cứ đặc điểm, tình hình của địa phương, trên cơ sở đảm bảo hài hòa, tương thích với Luật Di sản văn hóa, các quy định của pháp luật có liên quan đến hoạt động quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị di tích để xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách về đầu tư, huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực xã hội hóa trong và ngoài nước tham gia đầu tư, hỗ trợ các dự án đầu tư bảo tồn, tu bổ di tích.

2. Tuyên truyền, nâng cao nhận thức về di sản văn hóa

- Thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục về các giá trị của di tích lịch sử văn hóa. Tập trung tăng cường công tác quảng bá, giới thiệu rộng rãi các di tích cho du khách trong và ngoài nước thông qua ấn phẩm quảng cáo, tập gấp, sách hướng dẫn, mạng Internet, các cuộc hội thảo, hội chợ...

- Tổ chức các lớp tuyên truyền, tập huấn về di sản văn hóa nói chung và di tích Đồng Đậu nói riêng, chú trọng đến cộng đồng xã hội có di tích để công tác gìn giữ, bảo vệ và phát huy giá trị di tích có sự tham gia tích cực của nhân dân địa phương.

- Tuyên truyền sâu rộng chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước trong lĩnh vực di sản văn hóa bằng nội dung nội dung và hình thức phù hợp với từng địa bàn, dân tộc. Thực hiện có hiệu quả công tác phối hợp với các cơ quan báo chí, phát thanh truyền hình ở trung ương, địa phương; khai thác, tận dụng hiệu quả, đúng quy định các phương tiện thông tin, đại chúng, các trang mạng xã hội nhằm tuyên truyền, giáo dục, quảng bá các giá trị di tích.

- Chú trọng tuyên truyền, giáo dục cho học sinh, sinh viên, các thế hệ trẻ của tỉnh về truyền thống yêu nước, tinh thần cách mạng, giá trị di tích lịch sử... để có trách nhiệm hơn trong sự nghiệp bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích.

- Tăng cường hợp tác với các cơ quan, đơn vị truyền thông trong việc quảng bá, tiếp thị, tập trung giới thiệu rộng rãi hệ thống di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh của tỉnh dưới góc độ tài nguyên du lịch văn hóa cho du khách trong và ngoài tỉnh thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, các ấn phẩm quảng cáo, tập gấp, sách hướng dẫn, các cuộc hội chợ, triển lãm... nhằm tìm kiếm các cơ hội giao lưu, hợp tác về văn hóa, xúc tiến quảng bá, đào tạo nhân lực, hỗ trợ tài chính và kinh nghiệm bảo tồn và phát huy di tích từ hợp tác trong và ngoài nước.

3. Đầu tư, huy động các nguồn lực bảo vệ và phát huy giá trị di tích

- Đầu tư xây dựng đồng bộ, hệ thống các điểm, khu di tích đặc trưng, tiêu biểu thành "bảo tàng ngoài trời", quần thể công trình quy mô lớn để hình thành Di tích Đồng Đậu là sản phẩm văn hóa - du lịch mang tính đặc trưng, thương hiệu về du lịch văn hoá cội nguồn, tâm linh, tạo sự đột phá, sức hấp dẫn nhân dân và du khách trong và ngoài nước…

- Đầu tư phục dựng, bảo tồn phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể và không gian văn hóa gắn liền với di tích.

- Mở rộng mối quan hệ quốc tế trong lĩnh vực bảo vệ và khai thác di sản; kêu gọi sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.

- Huy động, quản lý, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực xã hội hóa để bảo tồn, phát huy giá trị di tích nói riêng, hệ thống di sản văn hóa nói chung trên cơ sở định hướng của Nhà nước.

- Tăng cường hợp tác, nghiên cứu khoa học, phối hợp với các cơ quan nghiên cứu trung ương nghiên cứu, khai quật, tổ chức hội thảo khoa học về di tích.

- Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nhân lực, đặc biệt tập trung vào đội ngũ quản lý, hướng dẫn viên, lao động nghiệp vụ; chú trọng nâng cao nhận thức về văn hóa lịch sử, bảo vệ môi trường, kỹ năng giao tiếp đối với đội ngũ lao động trực tiếp phục vụ khách du lịch.

V. KINH PHÍ THỰC HIỆN

- Kinh phí thực hiện Đề án được bố trí từ nguồn ngân sách nhà nước

- Tổng kinh phí: 148.623.000.000 đồng (Phụ lục 7)

Phần thứ Tư

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

I. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ban ngành và UBND huyện Yên Lạc rà soát, khảo sát, đánh giá thực trạng cụ thể các di tích tiến hành tu bổ, bảo vệ và phát huy giá trị các di tích.

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ban ngành có liên quan, xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành các chính sách quản lý, hỗ trợ cho người dân và các tổ chức cá nhân trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích, phục vụ cho phát triển du lịch và bảo tồn các giá trị văn hóa chung của dân tộc.

- Hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện công tác bảo tồn phát huy giá trị di tích.

- Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và UBND huyện Yên Lạc xác định mốc giới, vẽ bản đồ số hóa di tích, lập thủ tục cấp quyền sử dụng đất, trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt theo đúng quy định.

- Tổ chức thực hiện việc bảo tồn di tích theo đúng các quy định của pháp luật.

- Thường xuyên tổ chức kiểm tra việc quản lý, hoạt động, hiện trạng của các di tích để kịp thời khắc phục tồn tại.

- Căn cứ nội dung Đề án, hàng năm xây dựng kế hoạch và lập dự toán ngân sách có trách nhiệm xây dựng kế hoạch và xác định nhu cầu kinh phí gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

II. Sở Kế hoạch và Đầu tư

Chủ trì tham mưu cấp có thẩm quyền cân đối, bố trí nguồn vốn đầu tư công ngân sách tỉnh triển khai các nhiệm vụ liên quan đến công tác đầu tư xây dựng cơ bản để thực hiện Đề án, đảm bảo đúng quy định.

III. Sở Tài chính

Chủ trì, thẩm định dự toán chi thường xuyên để trình cấp có thẩm quyền xem xét, bố trí kinh phí trong dự toán hàng năm theo khả năng cân đối ngân sách địa phương để thực hiện Đề án theo quy định.

VI. Sở Tài nguyên và Môi trường

- Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các sở, ngành liên quan, UBND huyện Yên Lạc cập nhật ranh giới và diện tích bảo vệ di tích vào quy hoạch sử dụng đất và cơ sở dữ liệu đất đai theo quy định, tham mưu việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho di tích đảm bảo yêu cầu bảo vệ và phát huy giá trị di tích.

- Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND huyện Yên Lạc trình Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành các quy định đối với việc xác định ranh giới và cắm mốc ranh giới các khu vực bảo vệ di tích, hướng dẫn việc lập và xác nhận vào bản đồ khoanh vùng bảo vệ di tích.

V. Sở Xây dựng

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành và địa phương có liên quan thẩm định các dự án về xây dựng, cải tạo các công trình di tích và khu vực liên quan theo quy định của pháp luật.

- Thẩm định quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch xây dựng theo chức năng và nhiệm vụ được giao.

VI. Công an tỉnh

Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban nhân dân huyện Yên Lạc giữ gìn an ninh trật tự trong các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di tích, ngăn chặn và xử lý các hành vi mua bán, trao đổi, vận chuyển trái phép di vật, cổ vật thuộc di tích; các hành vi xâm phạm di tích.

VII. Sở Giáo dục và Đào tạo, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh

- Có trách nhiệm phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND huyện Yên Lạc tiếp tục triển khai các hoạt động chăm sóc, tôn tạo, phát huy giá trị di tích trong học sinh, đoàn viên thanh niên.

- Chủ trì phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch , UBND huyện Yên Lạc tổ chức giáo dục cho học sinh, sinh viên và đoàn viên thanh niên về bảo vệ và phát huy giá trị di tích; đưa việc học tập, tham quan, nghiên cứu di tích vào chương trình giáo dục ngoại khóa hàng năm của các cấp học, trường học; huy động lực lượng đoàn viên thanh niên các cấp tham quan tìm hiểu về lịch sử văn hóa tại di tích.

VIII. Sở Thông tin và Truyền thông, Báo Vĩnh Phúc, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh

- Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND huyện Yên Lạc tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan thông tin đại chúng trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh và đổi mới các hoạt động truyền thông, tuyên truyền sâu rộng về mục đích, ý nghĩa của việc bảo vệ và phát huy giá trị của di tích.

- Báo Vĩnh Phúc, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh dành diện tích báo, thời lượng đăng tải, phát sóng các tác phẩm viết, hình ảnh, tư liệu về giá trị di tích nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của công dân và toàn xã hội trong việc trùng tu, tôn tạo và phát huy giá trị của các di tích.

IX. UBND huyện Yên Lạc

- Tăng cường tổ chức tuyên truyền, phổ biến những quy định pháp luật về bảo tồn, phát huy giá trị di tích tại địa phương. Vận động, tuyên truyền, giáo dục nhân dân thị trấn Yên Lạc có ý thức, trách nhiệm bảo vệ, gìn giữ di tích, coi đây là di sản quý báu, niềm tự hào của nhân dân địa phương.

- Xây dựng kế hoạch bảo vệ, bảo quản, tu bổ, phát huy giá trị di tích hàng năm, cân đối, bố trí kinh phí đảm bảo triển khai thực hiện tại địa phương.

- Cập nhật quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất gửi Sở Tài nguyên và Môi trường thẩm định trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt, làm cơ sở và triển khai các bước tiếp theo.

- Chỉ đạo UBND thị trấn Yên Lạc tiến hành giải phóng mặt bằng, di dời, giải toả, xử lý các công trình vi phạm di tích; thành lập Ban Quản lý di tích Đồng Đậu. Cơ cấu thành viên Ban Quản lý các di tích theo đúng quy định phân cấp di tích.

- Hằng năm, bố trí kinh phí từ nguồn ngân sách nhà nước đã được phân cấp và tổ chức huy động kinh phí từ các nguồn lực xã hội để bảo vệ, làm vệ sinh môi trường và sửa chữa nhỏ di tích, đảm bảo không phá vỡ những bộ phận cấu thành di tích gốc.

- Thường xuyên kiểm tra, thanh tra và kịp thời xử lý các hành vi phạm di tích trên địa bàn hoặc đề nghị các cơ quan chức năng xử lý theo thẩm quyền; định kỳ sơ kết, đánh giá tình hình và báo cáo kết quả thực hiện về UBND tỉnh (qua Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) để chỉ đạo./.

PHỤ LỤC 1

DANH SÁCH DI TÍCH THỜI TIỀN HÙNG VƯƠNG TRÊN ĐẤT VĨNH PHÚC

TT

Di tích

Vị trí xã, huyện

Giai đoạn văn hóa

Đặc trưng di tích và di vật

1

Gò Đặng

Đôn Nhân, Lập Thạch

Văn hóa Phùng Nguyên

Gò đồi, Có rìu đá gốm thô

2

Gò Sỏi

Đôn Nhân, Lập Thạch

Văn hóa Phùng Nguyên

Gò đồi, có rìu đã, bàn mài gốm thô

3

Gò Hội

Hải Lựu, Lập Thạch

Văn hóa Phùng Nguyên

Rìu đã, chạc gốm, gốm thô

4

Nghĩa Lập

Nghĩa Hưng, Vĩnh Tường

Văn hóa Phùng Nguyên

Rìu bôn, đục, bàn mài, vòng, hoa tai, có nhiều hố đất đen

5

Lũng Hòa

Lũng Hòa, Vĩnh Tường

Văn hóa Phùng Nguyên

Di chỉ cư trú và mộ địa lớn. Rìu bôn, đục, hoa tai, qua đá. Nhiều gốm nguyên

6

Đồng Hương

Thổ Tang, Vĩnh Tường

Văn hóa Phùng Nguyên

Có rìu tứ giác, gốm thô

7

Ma Cả

Thổ Tang, Vĩnh Tường

Văn hóa Phùng Nguyên

Di chỉ cư trú, có 1 mộ Phùng Nguyên. Có rìu tứ giác, đục, bàn mài, gốm thô.

8

Mò Mát

Lũng Hòa, Vĩnh Tường

Văn hóa Phùng Nguyên

Gốm thô, chày đá

9

Gò Đồng Củ

Lũng Hòa, Vĩnh Tường

Văn hóa Phùng Nguyên

Gốm, rìu tứ giác - tầng văn hóa không rõ

10

Gò Đuông

Bồ Sao, Vĩnh Tường

Văn hóa Phùng Nguyên

Gốm, rìu tứ giác - tầng văn hóa không rõ.

11

Đồng Đậu

Thị Trấn Yên Lạc, Yên Lạc (trước kia là xã Minh Tân)

3 Giai đoạn văn hóa:

- Phùng Nguyên

- Đồng Đậu

- Gò Mun

Di chỉ cư trú, luyện đúc đồng, có 1 mộ Gò Mun và 2 mộ Phùng Nguyên. có nhiều khuôn đúc đồng, nhiều đồ xương, đồ đồng có rìu xòe cân, mũi tên, mũi lao lưỡi câu, dũa v.v... có Tượng bò, gà, đầu người bằng đất nung.

12

Gò Chùa Biện Sơn

Thị Trấn Yên Lạc

Văn hóa Phùng Nguyên và sau Phùng Nguyên

Rìu đá tứ giác, gốm thô. Lớp trên có rìu đồng xòe cân

13

Gò Mã Hòn

Đồng Cương, Yên Lạc

Văn hóa Phùng Nguyên

Rìu đá, tứ giác, gốm thô

14

Quán Đôi

Đồng Cương, Yên Lạc

Văn hóa Phùng Nguyên

Rìu tứ giác, bàn mài gốm thô

15

Gò Gai

Bình Định, Yên Lạc

Văn hóa Phùng Nguyên

Rìu tứ giác, có rìu vai, bàn đập có rãnh song song, gốm mịn nhiều hơn gốm thô.

16

Tháp Miếu

Thị xã Phúc Yên, Mê Linh

Văn hóa Phùng Nguyên

Gò đồi - Rìu tứ giác, mảnh vòng, gốm thô

17

Gò Ngành

Tam Hợp, Bình Xuyên

Văn hóa Phùng Nguyên

Rìu tứ giác, mảnh vòng, gốm thô

18

Suối Trại

Đại Đình, Tam Dương

Văn hóa Phùng Nguyên

Rìu tứ giác, gốm thô

19

Đinh Xá

Nguyệt Đức, Yên Lạc

Văn hóa Đồng Đậu

Rìu đá, vòng mặt cắt hình chữ nhật lớn, gốm thô

20

Thành Dền

Tự Lập, Mê Linh

Văn hóa Đồng Đậu

Di chỉ cư trú, luyện đúc đồng và 2 mộ Đồng Đậu, có 46 khuôn đúc, rìu xòe cân, lưỡi câu, mũi tên, có 1 số tượng bò, gà bằng đất nung.

21

Núi Cả

Thị Xã Phúc Yên, Mê Linh

Văn hóa Gò Mun

Gốm mô hoa văn kiểu Gò Mun Gò đồi

22

Thành Vượn

Tam Đồng, Mê Linh

Văn hóa Gò Mun

Nhiều gốm hoa văn kiểu Gò Mun

23

Yên Lập

Yên Lập, Vĩnh Tường

Thời đại Kim khí

Phát hiện 2 mai đã kích thước lớn

24

Đồng Chăm

Quang Yên, Lập Thạch

Thời đại Kim khí

Phát hiện cuốc đá có vai

PHỤ LỤC 2

DANH SÁCH DI TÍCH, DI VẬT VĂN HOÁ ĐÔNG SƠN PHÁT HIỆN TRÊN ĐẤT VĨNH PHÚC

TT

Di tích nơi phát hiện

Vị trí xã, huyện

Giai đoạn văn hóa

Đặc trưng di tích và di vật

1

Hương Ngọc

Xã Hương Sơn, huyện Bình Xuyên

Văn hóa Đông Sơn

Rìu đá, vòng đá lớn, hoa tai, dao đồng, giáo đồng, nhiều gốm thô.

2

Ngõ Bút

Nguyệt Đức, Yên Lạc

Văn hóa Đông Sơn

Tầng văn hóa dày 0,40-0,50m, dọi xe sợi rìu đá, 1 rìu đồng xòe cân, gốm kiểu đường Cồ

3

Đồng Cốc

Nguyệt Đức, Yên Lạc

Văn hóa Đông Sơn

Tầng văn hóa 0,30 - 0,40m, gốm trắng mốc kiểu Đường Cồ.

4

Đồng Hai Cày

Nguyệt Đức Yên Lạc

Văn hóa Đông Sơn

Tầng văn hóa dày 0,30, gốm thô kiểu Đông Sơn, 1 rìu xéo gót vuông

5

Vĩnh Sơn

Vĩnh Sơn, Vĩnh Tường

Văn hóa Đông Sơn

6

Đồng Ba Bậc

Đôn Nhân, Lập Thạch

Văn hóa Đông Sơn

1 lưỡi rìu xòe cân

7

Đôn Mục

Đôn Nhân, Lập Thạch

Văn hóa Đông Sơn

1 rìu xéo gót vuông, 2 mũi giáo.

8

Nghĩa Lập

Nghĩa Hưng, Vĩnh Tường

Văn hóa Đông Sơn

6 mũi giáo, 3 rìu xéo gót vuông, 1 rìu xòe cân, 1 mũi tên đồng, 1 hiện vật đồng lạ, 1 móc.

9

Đồng Đậu

Thị trấn Yên Lạc

11 rìu xòe cân, nhiều gốm thô.

10

Gò Chùa Biện Sơn

Thị Trấn Yên Lạc

Văn hóa Đông Sơn

1 rìu xòe cân, nhiều gốm thô.

11

Minh Quang

Minh Quang, Bình Xuyên

Văn hóa Đông Sơn

1 trống đồng loại I Hegô muộn thuộc nhóm Đ1.

12

Đạo Trù

Đạo Trù, Bình Xuyên

Văn hóa Đông Sơn hoặc muộn hơn

1 trống đồng loại I ghegơ muộn thuộc nhóm Đ1.

13

Các nơi trong tỉnh

Chưa xác định

Văn hóa Đông Sơn

Gồm 1 rìu đồng hình thang, 1 rìu xòe cân, 2 rìu xòe, 2 mũi giáo, 4 mũi lao.

PHỤ LỤC 3

THỐNG KÊ ĐỒ ĐÁ PHÁT HIỆN TẠI DI TÍCH ĐỒNG ĐẬU QUA CÁC LẦN KHAI QUẬT

Tên hiện vật

1965

1969

1984

1987

1999

Tổng

Tỷ lệ

Công cụ sản xuất

330

285

84

15

135

849

57.05

Rìu

58

96

6

3

28

201

13.51

Bôn

111

93

25

3

15

247

16.60

Đục

7

14

9

7

37

2.49

Dao

1

7

5

1

1

15

1.01

Bàn mài

139

66

33

3

55

297

19.96

Bàn dập

1

3

1

2

7

0.47

Hòn ghè

1

2

3

0.20

Đe

2

1

1

1

3

0.20

Khuôn đúc

5

2

1

10

0.67

Mảnh rìu bôn

5

23

28

1,88

Công cụ chặt rìa lưỡi dọc

1

1

0.07

Vũ khí

7

11

1

1

25

1.68

Qua

2

3

3

1

9

0.60

Lao

1

2

3

020

Giáo

4

4

8

054

Mũi tên

2

2

1

5

0.34

Đồ dùng sinh hoạt

35

l

1

37

2.49

Chày

32

1

33

222

Bàn nghiền

3

1

4

027

Đổ trang sức

225

188

67

18

45

543

36.49

Vòng

195

157

48

13

39

453

30.44

Hạt chuỗi

4

1

1

2

14

0.94

Hoa tai

6

22

18

2

4

52

3.49

Nhẫn

17

1

2

1

0.07

Đồ trang sức hình răng thú

4

2

0.13

Đồ trang sức khác

21

1.42

Hiện vật khác

7

4

3

4

16

34

2.28

Phác vật

6

2

3

1

10

22

1.48

Mảnh đá hình tròn

1

1

0.07

Lõi vòng

1

1

1

2

5

0.34

Phiến cuội có vết mài

1

2

2

0.13

Mảnh tước

1

4

4

0.27

Tổng

604

489

160

38

197

1488

100

PHỤ LỤC 4

THỐNG KÊ ĐỒ GỐM PHÁT HIỆN TẠI DI TÍCH ĐỒNG ĐẬU QUA CÁC LẦN KHAI QUẬT

Loại hình

1965

1969

1984

1987

1999

Tổng

Đổ dùng sinh hoạt

13

7

1

6

Nồi

8

3

3

Bát

2

1

1

Bình

3

2

2

Chén

1

Đèn hình vịt

1

Công cụ sản xuất

116

70

59

9

60

Bàn dập

1

Dọi xe chỉ

26

28

14

2

22

92

Chì lưới

1

2

Nổi nấu đồng

3

2

17

Dụng cụ rót đổng

1

Khuôn đúc

Lõi khuôn

1

4

1

2

5

3

Bi gốm

90

40

37

2

18

187

Đồ trang sức

1

1

Hoa tai

1

1

Tượng gốm

7

4

4

1

3

19

Tượng người

1

1

Tượng động vật

7

3

4

1

3

18

Hiện vật khác

2

4

1

6

13

Thỏi đất nung

9

1

3

4

Đầu rau

1

1

Chân chạc

1

2

3

6

Mảnh gốm ghè tròn

2

2

Mảnh chân chạc

59

2985

193

1733

4970

Mảnh chõ

15

15

Mảnh gốm

19.992

109.508

22.436

12.040

88.475

25.2451

PHỤ LỤC 5

THỐNG KÊ ĐỒ ĐỒNG PHÁT HIỆN TẠI DI TÍCH ĐỒNG ĐẬU QUA CÁC LẦN KHAI QUẬT

Tên hiện vật

1965

1969

1984

1987

1999

Tổng

Tỷ lệ

Công cụ sản xuất

32

57

26

5

19

140

46.20

Rìu

4

1

1

1

7

2.31

Mảnh rìu

2

2

0.66

Đục

2

2

4

1.32

Thuổng

2

2

0.66

Bàn chải

6

1

7

2.31

Dao

2

5

2

9

2.97

Nạo

1

1

0.33

Búa

7

7

1

15

4.95

Lưỡi câu

20

11

6

43

14.19

Dùi

10

15

6

4

15

50

16.50

Vũ khi

15

51

11

7

12

96

31.68

Lao

12

1

1

4

18

5.94

Giáo Mũi tên

15

3 36

1 9

6

8

4 74

1.32 24.42

Đồ dùng sinh hoạt

3

2

2

0

5

12

3.96

Kim khâu

3

2

2

5

12

3.96

Đố trang sức

1

1

2

0.66

Vòng

1

1

2

0.66

Hiện vật khác

6

18

10

7

12

53

17.49

Dây đồng

6

9

3

18

5.94

Thanh đồng

3

3

0.99

Phác vật lưỡi câu

1

5

6

1.98

Không xác định

5

5

10

3.30

Mảnh hiện vật đồng

4

12

16

5.28

Tổng

55

128

50

20

48

303

100

PHỤ LỤC 6

THỐNG KÊ ĐỒ XƯƠNG , SỪNG PHÁT HIỆN TẠI DI TÍCH ĐỒNG ĐẬU QUA CÁC LẦN KHAI QUẬT

Tên hiện vật

1965

1969

1984

1987

1999

Tổng

Tỷ lệ

Công cụ sản xuất

4

15

13

4

13

49

20.94

Đục

1

1

1

3

1:28

Dọi xe chỉ

1

1

0.43

Dao

1

6

7

2.99

Mũi nhọn

3

13

6

3

13

38

16.24

Vũ khí

8

64

38

30

10

150

64.10

Giáo

2

2

0.85

Lao

25

19

1

1

46

19.66

Mũi tên

25

19

27

9

101

43.16

Móc câu

1

1

0.43

Đồ dùng sinh hoạt

1

1

0.43

Kim khâu

1

1

0.43

Đồ trang sức

4

4

7

15

6.41

Vòng

2

3

5

2.14

Hiện vật xương sừng có lỗ sâu

1

1

2

0.85

Bùa (răng nanh có lỗ xuyên)

1

4

3

8

3.42

Hiện vật khác

1

6

7

5

19

8.12

Phác vật mũi nhọn

2

2

0.85

Xương, răng có vết mài, cắt gọt, cưa

1

3

7

1

12

5.13

Hiện vật chưa xác định

3

2

5

2.14

Tổng

13

89

55

41

36

234

100

PHỤ LỤC 7

KHÁI TOÁN KINH PHÍ BẢO VỆ VÀ PHÁT HUY DI CHỈ KHẢO CỔ HỌC ĐỒNG ĐẬU THỊ TRẤN YÊN LẠC HUYỆN YÊN LẠC, TỈNH VĨNH PHÚC
(Giai đoạn 2023- 2030)

TT

Nội dung công việc

PHÂN KÝ KINH PHÍ (Triệu đồng)

Cộng

Giai đoạn 2023-2025

Giai đoạn 2026-2030

2023

2024

2025

2026

2027

2028

2029

2030

I

NGUỒN VỐN SỰ NGHIỆP VĂN HÓA

9.519

1

Xây dựng Đề án bảo vệ và phát huy giá trị di tích khảo cổ học Đồng Đậu, giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030

540

540

2

Lắp dựng hệ thống bia, biển thuyết minh, hướng dẫn tại di tích

734

734

3

Tuyên truyền, quảng bá di tích khảo cổ học

648

642

726

450

450

500

3.415

4

Trưng bày hiện vật, tài liệu giới thiệu về di tích đồng đậu tại Bảo tàng tỉnh, KDL Tam Đảo, KDL Tây thiên, KDL Đại Lải

450

300

300

420

350

367

450

2.637

5

Quảng bá về di tích đồng đậu gắn với chương trình xúc tiến du lịch tỉnh vĩnh phúc (xúc tiến trong và ngoài nước)

200

200

200

200

200

200

200

1.400

6

Xây dựng hồ sơ xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt

793

793

II

NGUỒN VỐN ĐẦU TƯ CÔNG

139.104

1

Khai quật khảo cổ tại di tích đồng đậu để bổ sung tư liệu

5.000

4.200

9.200

2

Hoàn thành lập quy hoạch (quy hoạch di tích, quy hoạch xây dựng), triển khai đầu tư hạ tầng khu di tích

2.000

2.000

4.000

3

Tổ chức khảo sát, điều chỉnh cắm mốc giới

1.752

1.752

4

Giải tỏa, thu hồi đất, di dời toàn bộ các hộ dân đang sinh sống bên trong đất di tích; di rời các mộ chí hiện có trên bề mặt di tích; chặt các cây lâu năm ảnh hưởng đến tầng văn hóa di tích…

30.000

36.000

66.000

5

Bảo quản các hố khai quật minh chứng là địa điểm cư trú, khu vực canh tác và khu vực mộ táng của người việt cổ

300

300

300

452

1.352

6

Xây dựng trung tâm dịch vụ văn hóa du lịch gắn với những công trình chức năng

10.000

10.000

10.600

30.600

7

Xây dựng nhà trưng bày bổ sung khu di tích khảo cổ học đồng đậu

6.200

6.200

8

Triển khai các giải pháp khai thác di tích phục vụ du lịch, bồi dưỡng nguồn nhân lực

1.000

2.000

2.000

2.000

1.000

1.000

1.000

10.000

9

Tiến hành số hóa và tích hợp các sưu tập hiện vật, tài liệu khu di tích khảo cổ học đồng đậu tại nhà truyền thống yên lạc, bảo tàng tỉnh và chương trình số hóa du lịch

2.000

2.000

2.000

2.000

2.000

10.000

Tổng cộng (I+II)

148.623

Bằng chữ: Một trăm bốn mươi tám tỷ, sáu trăm hai mươi ba triệu đồng

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Quyết định 2992/QĐ-UBND ngày 29/12/2023 phê duyệt Đề án "Bảo vệ và phát huy giá trị di tích khảo cổ học Đồng Đậu, thị trấn Yên Lạc, huyện Yên Lạc, giai đoạn 2023 -2030" do tỉnh Vĩnh Phúc ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


186

DMCA.com Protection Status
IP: 3.141.19.235
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!