Kính
gửi: Cổng thông tin điện tử - Chính Phủ
Ngày 11/07/2020, Cục thuế TP Hà Nội
nhận được Phiếu chuyển số 642/PC-TCT ngày 08/7/2020 của Tổng cục Thuế chuyển
thư hỏi của Độc giả Dương Bình Minh (đơn phản ánh kiến nghị số:
PAKN.20200704.0008 ngày 07/07/2020; địa chỉ: Tầng 7, tòa nhà 3D Center, số 3
Duy Tân, Cầu Giấy, Hà Nội) do Cổng Thông tin điện tử - Chính Phủ chuyển đến
(sau đây gọi là “Độc giả”) hỏi về thực hiện Nghị định 68/2020/NĐ-CP và xác định
đối tượng cư trú. Cục thuế TP Hà Nội có ý kiến như sau:
1. Về việc thực
hiện Nghị định 68/2020/NĐ-CP
- Căn cứ Nghị định 68/2020/NĐ-CP ngày
24/06/2020 về việc sửa đổi, bổ sung Nghị định 20/2017/NĐ-CP về quản lý thuế đối
với doanh nghiệp có giao dịch liên kết:
+ Tại Điều 1 quy định về quản lý thuế
đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết
“Điều 1. Sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều
8 Nghị định số 20/2017/NĐ-CP ngày 24 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ quy định về
quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết như sau:
“3. Tổng chi phí lãi vay được trừ
khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp có
giao dịch liên kết:
a) Tổng chi phí lãi vay (sau khi
trừ lãi tiền gửi và lãi cho vay) phát sinh trong kỳ được trừ khi xác định thu
nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không vượt quá 30% của tổng lợi nhuận thuần
từ hoạt động kinh doanh trong kỳ cộng chi phí lãi vay (sau khi trừ lãi tiền gửi
và lãi cho vay) phát sinh trong kỳ cộng chi phí khấu hao phát sinh trong kỳ.
b) Phần chi phí lãi vay không được
trừ theo quy định tại điểm a khoản này được chuyển sang kỳ tính thuế tiếp theo
khi xác định tổng chi phí lãi vay được trừ trong trường hợp tổng chi phí lãi
vay phát sinh được trừ của kỳ tính thuế tiếp theo thấp hơn mức quy định tại điểm
a khoản này. Thời gian chuyển chi phí lãi vay tính liên tục không quá 05 năm kể
từ năm tiếp sau năm phát sinh chi phí lãi vay không được trừ....
+ Tại Điều 2 quy định về tổ chức thực
hiện và hiệu lực thi hành:
“Điều 2. Tổ chức thực hiện và hiệu
lực thi hành
1. Nghị định này có hiệu lực thi
hành kể từ ngày ký và áp dụng từ kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2019.
2. Đối với kỳ tính thuế thu nhập
doanh nghiệp năm 2017, 2018, các trường hợp thuộc đối tượng áp dụng theo quy định
tại khoản 3 Điều 8 Nghị định số 20/2017/NĐ-CP ngày 24 tháng 02 năm 2017, thì được
áp dụng điểm a khoản 3 Điều 8 Nghị định số 20/2017/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung
tại Điều 1 Nghị định này, cụ thể như sau:
a) Người nộp thuế được khai bổ
sung hồ sơ khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2017; năm 2018 để xác
định chi phí lãi vay, số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp tương ứng (nếu có)
và nộp cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp trước ngày 01 tháng 01 năm 2021. Cơ
quan thuế quản lý trực tiếp có trách nhiệm thực kiện công tác quản lý thuế, kiểm
tra hồ sơ khai thuế tại trụ sở cơ quan thuế theo quy định tại Luật Quản lý thuế
và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Trường hợp sau khi khai bổ sung, số
thuế thu nhập doanh nghiệp giảm thì sẽ được giảm số tiền chậm nộp tương ứng (nếu
có).
b) Trường hợp người nộp thuế có số
tiền thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền chậm nộp đã nộp ngân sách nhà nước lớn
hơn số tiền thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền chậm nộp đã xác định lại thì phần
chênh lệch được bù trừ vào số thuế thu nhập doanh nghiệp trong năm 2020. Trường
hợp số thuế thu nhập doanh nghiệp trong năm 2020 không đủ bù trừ hết thì phần
còn lại được bù trừ vào thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp trong các năm tiếp
theo nhưng tối đa không quá 05 năm kể từ năm 2020. Kết thúc thời hạn trên,
không xử lý số thuế còn lại chưa bù trừ hết....”
- Căn cứ công văn 2835/TCT-TTKT của Tổng
cục Thuế ngày 14/7/2020 về việc hướng dẫn tổ chức thực hiện Nghị định số
68/2020/NĐ-CP
“1/ Đối với kỳ quyết toán thuế năm
2019:
Nghị định số 68/2020/NĐ-CP quy định:
“1. Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và áp dụng từ kỳ tính thuế thu
nhập doanh nghiệp năm 2019.”
- Như vậy, đối với các doanh nghiệp
đã kê khai quyết toán thuế năm 2019 theo kỳ tính thuế đến hạn trước ngày
31/3/2020 thì thực hiện khai bổ sung hồ sơ khai quyết toán thuế thu nhập doanh
nghiệp (TNDN) theo quy định tại Nghị định số 68/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung khoản
3 Điều 8 Nghị định số 20/2017/NĐ-CP .
- Đối với các doanh nghiệp chưa đến
kỳ kê khai quyết toán thuế năm 2019 thì thực hiện theo quy định sửa đổi, bổ
sung tại Nghị định số 68/2020/NĐ-CP .
2/ Đối với việc xử lý hồi tố cho kỳ
tính thuế TNDN năm 2017, 2018:
a/ Về phạm vi áp dụng:
Việc xử lý hồi tố chi phí lãi vay
khống chế theo quy định tại khoản 3 Điều 8 Nghị định số 20/2017/NĐ-CP cho các
năm 2017, 2018 chỉ áp dụng đối với quy định tại điểm a khoản 3 Điều 8 Nghị định
số 20/2017/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại Điều 1 Nghị định số 68/2020/NĐ-CP , cụ
thể:
- Nâng ngưỡng khống chế chi phí
lãi vay từ 20% lên 30%;
- Áp dụng phương pháp tính chi phí
lãi vay thuần (lãi đi vay trừ (-) lãi tiền gửi, lãi cho vay);
- Không áp dụng hồi tố đối với
quy định sửa đổi, bổ sung tại điểm (b) (chuyển tiếp chi phí) và (c) (mở rộng đối
tượng; miễn áp dụng) tại Nghị định số 68/2020/NĐ-CP cho các năm 2017, 2018.
b/ Về việc thực hiện bù trừ số thuế
TNDN đã nộp trong các năm 2017 và 2018:
Trường hợp áp dụng tính toán lại
phạm vi theo quy định tại Nghị định số 68/2020/NĐ-CP , nếu số thuế TNDN giảm thì
sẽ được giảm số tiền chậm nộp tương ứng (nếu có), cụ thể:
- Trường hợp chưa qua thanh tra,
kiểm tra:
Người nộp thuế thực hiện bù trừ phần
chênh lệch số tiền thuế TNDN và tiền chậm nộp tương ứng vào số thuế TNDN năm
2020. Nếu năm 2020 không đủ bù trừ hết thì được bù trừ vào thuế TNDN phải nộp
05 năm tiếp theo kể từ năm 2020. Kết thúc thời hạn trên, không xử lý số thuế
TNDN còn lại chưa bù trừ hết.
- Trường hợp đã thanh tra, kiểm
tra và đã có kết luận, quyết định xử lý:
Người nộp thuế đề nghị Cục thuế,
Chi Cục thuế quản lý trực tiếp xác định lại số thuế TNDN phải nộp. Căn cứ đề
nghị của người nộp thuế; các hồ sơ liên quan, bao gồm tài liệu của doanh nghiệp
và tài liệu, biên bản của Đoàn thanh tra, kiểm tra, cơ quan thuế quản lý trực
tiếp xác định lại số thuế TNDN phải nộp, tiền chậm nộp tương ứng để thực hiện
bù trừ phần chênh lệch vào số thuế TNDN năm 2020.
+ Trường hợp cần thiết; cơ quan
thuế quản lý trực tiếp phối hợp với các Đoàn thanh tra, kiểm tra rà soát, xác định
số liệu của người nộp thuế tại trụ sở cơ quan thuế.
+ Tương tự trường hợp chưa qua
thanh tra, kiểm tra, nếu năm 2020 không đủ bù trừ hết thì được bù trừ vào thuế
TNDN phải nộp 05 năm tiếp theo kể từ năm 2020. Kết thúc thời hạn trên, không xử
lý số thuế TNDN còn lại chưa bù trừ hết....”
Căn cứ các quy định trên, Cục Thuế TP
Hà Nội hướng dẫn như sau:
- Trường hợp Công ty của Độc giả đã
kê khai quyết toán thuế năm 2019 theo kỳ tính thuế đến hạn trước ngày 31/3/2020
thì thực hiện khai bổ sung hồ sơ khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp
(TNDN) theo quy định tại Nghị định số 68/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều
8 Nghị định số 20/2017/NĐ-CP theo hướng dẫn tại Mục 1 công văn 2835/TCT-TTKT của
Tổng cục Thuế nêu trên, không thuộc trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều 2 Nghị
định số 68/2020/NĐ-CP (áp dụng đối với kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm
2017, 2018)
Chỉ tiêu 15 “Chi phí lãi vay kỳ trước
chuyển sang” trên phụ lục 01 Nghị định 68/2020/NĐ-CP là chi tiêu ghi nhận phần
chi phí lãi vay không được trừ theo quy định tại điểm a Khoản 3 Điều 1 Nghị định
số 68/2020/NĐ-CP phát sinh từ kỳ tính thuế năm 2019 được phép chuyển sang các
năm tiếp theo theo quy định tại điểm b Khoản 3 Điều 1 Nghị định số
68/2020/NĐ-CP .
2. Về thuế TNCN
- Căn cứ Thông tư số 111/2013/TT-BTC
ngày 15/08/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Luật Thuế thu nhập cá
nhân, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân và Nghị
định số 65/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thuế
thu nhập cá nhân và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập cá
nhân, hướng dẫn như sau:
+ Tại Điều 1 (đã được sửa đổi, bổ
sung tại Điều 2 Thông tư số 119/2014/TT-BTC ngày 25/8/2014 của Bộ Tài chính)
quy định về người nộp thuế:
“Điều 1. Người nộp thuế
...1. Cá nhân cư trú là người đáp ứng
một trong các điều kiện sau đây:
a) Có mặt tại Việt Nam từ 183 ngày
trở lên tính trong một năm dương lịch hoặc trong 12 tháng liên tục kể từ ngày đầu
tiên có mặt tại Việt Nam, trong đó ngày đến và ngày đi được tính là một (01)
ngày. Ngày đến và ngày đi được căn cứ vào chứng thực của cơ quan quản lý xuất
nhập cảnh trên hộ chiếu (hoặc giấy thông hành) của cá nhân khi đến và khi rời
Việt Nam. Trường hợp nhập cảnh và xuất cảnh trong cùng một ngày thì được tính
chung là một ngày cư trú.
Cá nhân có mặt tại Việt Nam theo
hướng dẫn tại điểm này là sự hiện diện của cá nhân đó trên lãnh thổ Việt Nam.
b) Có nơi ở thường xuyên tại Việt
Nam theo một trong hai trường hợp sau:
b.1) Có nơi ở thường xuyên theo
quy định của pháp luật về cư trú:
b.1.1) Đối với công dân Việt Nam:
nơi ở thường xuyên là nơi cá nhân sinh sống thường xuyên, ổn định không có thời
hạn tại một chỗ ở nhất định và đã đăng ký thường trú theo quy định của pháp luật
về cư trú.
b.1.2) Đối với người nước ngoài:
nơi ở thường xuyên là nơi ở thường trú ghi trong Thẻ thường trú hoặc nơi ở tạm
trú khi đăng ký cấp Thẻ tạm trú do cơ quan có thẩm quyền thuộc Bộ Công an cấp.
b.2) Có nhà thuê để ở tại Việt Nam
theo quy định của pháp luật về nhà ở, với thời hạn của các hợp đồng thuê từ 183
ngày trở lên trong năm tính thuế, cụ thể như sau:...
2. Cá nhân không cư trú là người không
đáp ứng điều kiện nêu tại khoản 1, Điều này...”
+ Tại Điều 6 quy định về kỳ tính thuế
“1. Đối với cá nhân cư trú
a) Kỳ tính thuế theo năm: áp dụng
đối với thu nhập từ kinh doanh và thu nhập từ tiền lương, tiền công.
Trường hợp trong năm dương lịch, cá
nhân có mặt tại Việt Nam từ 183 ngày trở lên thì kỳ tính thuế được tính theo
năm dương lịch.
Trường hợp trong năm dương lịch,
cá nhân có mặt tại Việt Nam dưới 183 ngày nhưng tính trong 12 tháng liên tục kể
từ ngày đầu tiên có mặt tại Việt Nam là từ 183 ngày trở lên thì kỳ tính thuế đầu
tiên được xác định là 12 tháng liên tục kể từ ngày đầu tiên có mặt tại Việt
Nam. Từ năm thứ hai, kỳ tính thuế căn cứ theo năm dương lịch.
Ví dụ 3: Ông B là người nước ngoài
lần đầu tiên đến Việt Nam từ ngày 20/4/2014. Trong năm 2014 tính đến ngày
31/12/2014, ông B có mặt tại Việt Nam tổng cộng 130 ngày. Trong năm 2015, tính
đến 19/4/2015 ông B có mặt tại Việt Nam tổng cộng 65 ngày. Kỳ tính thuế đầu
tiên của ông B được xác định từ ngày 20/4/2014 đến hết ngày 19/4/2015. Kỳ tính
thuế thứ hai được xác định từ ngày 01/01/2015 đến hết ngày 31/12/2015.”
+ Tại Điều 25 quy định về khấu trừ
thuế và chứng từ khấu trừ thuế:
“...b.3) Đối với cá nhân là người
nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam thì tổ chức, cá nhân trả thu nhập căn cứ
vào thời gian làm việc tại Việt Nam của người nộp thuế ghi trên Hợp đồng hoặc
văn bản cử sang làm việc tại Việt Nam để tạm khấu trừ thuế theo Biểu lũy tiến từng
phần (đối với cá nhân có thời gian làm việc tại Việt Nam từ 183 ngày trong năm
tính thuế) hoặc theo Biểu thuế toàn phần (đối với cá nhân có thời gian làm việc
tại Việt Nam dưới 183 ngày trong năm tính thuế)....”
Căn cứ quy định trên, trường hợp nếu
Công ty TNHH Manabox Việt Nam có người lao động là cá nhân người Nhật Bản nếu
đáp ứng một trong các điều kiện có mặt tại Việt Nam từ 183 ngày trở lên tính
trong một năm dương lịch hoặc trong 12 tháng liên tục kể từ ngày đầu tiên có mặt
tại Việt Nam hoặc có noi ở thường xuyên tại Việt Nam theo quy định tại Khoản 1
Điều 1 Thông tư 111/2013/TT-BTC thì cá nhân thuộc đối tượng cư trú tại Việt
Nam. Trường hợp nếu cá nhân người Nhật Bản nêu trên không đáp ứng điều kiện nêu
tại Khoản 1 Điều 1 Thông tư 111/2013/TT-BTC thì cá nhân thuộc đối tượng không
cư trú tại Việt Nam.
Đề nghị Độc giả căn cứ vào tình hình
thực tế và đối chiếu với các quy định tại văn bản pháp luật nêu trên để thực hiện
đúng quy định.
Trong quá trình thực hiện, nếu còn vướng
mắc đề nghị Độc giả liên hệ với cơ quan thuế quản lý trực tiếp để được hướng dẫn
cụ thể.
Cục thuế TP Hà Nội trả lời để Cổng
Thông tin điện tử - Bộ Tài chính được biết và hướng dẫn Độc giả thực hiện./.
Nơi nhận:
- Như trên;
- Tổng cục Thuế (để báo cáo)
- Phòng DTPC;
- Lưu: VT, TTHT(2).
|
KT.
CỤC TRƯỞNG
PHÓ CỤC TRƯỞNG
Nguyễn Tiến Trường
|