ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐẮK LẮK
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 11/KH-UBND
|
Đắk Lắk, ngày 16
tháng 01 năm 2025
|
KẾ HOẠCH
CHẤM DỨT HOẠT ĐỘNG ĐỐI VỚI CÁC CƠ SỞ SẢN XUẤT GẠCH ĐẤT SÉT NUNG
VỚI CÔNG NGHỆ LẠC HẬU, KHÔNG HIỆU QUẢ KINH TẾ, GÂY Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG
Căn cứ Quyết định số 897/QĐ-UBND ngày 15/5/2023 của
UBND tỉnh về việc phê duyệt Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng tỉnh Đắk Lắk
thời kỳ 2021- 2030, định hướng đến năm 2050; trên cơ sở rà soát, thống kê số liệu
về tình hình, số lượng các cơ sở sản xuất gạch đất sét nung tại địa phương trên
địa bàn tỉnh(1); UBND tỉnh
ban hành Kế hoạch chấm dứt hoạt động đối với các cơ sở sản xuất gạch đất sét
nung với công nghệ lạc hậu, không hiệu quả kinh tế, gây ô nhiễm môi trường, với
các nội dung cụ thể như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU
CẦU
1. Mục đích
a) Chấm dứt hoạt động của các cơ sở sản xuất gạch đất
sét nung với công nghệ lạc hậu (lò thủ công, thủ công cải tiến, lò đứng liên tục,
lò vòng sử dụng nguyên liệu hoá thạch (than, dầu, khí), lò vòng, lò vòng cải tiến,
không sử dụng nhiên liệu hoá thạch mà sử dụng phế liệu ngành nông nghiệp...),
không hiệu quả kinh tế, gây ô nhiễm môi trường theo đúng lộ trình quy định tại
Quyết định số 1266/QĐ-TTg ngày 18/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản
có liên quan của Bộ Xây dựng và UBND tỉnh nhằm góp phần bảo vệ môi trường; loại
bỏ hoàn toàn công nghệ sản xuất vật liệu xây dựng lạc hậu, tiêu tốn nhiều tài
nguyên, năng lượng.
b) Thực hiện có hiệu quả, chất lượng các mục tiêu,
nhiệm vụ Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng tỉnh Đắk Lắk thời kỳ
2021-2030, định hướng đến năm 2050 ban hành theo Quyết định số 897/QĐ-UBND ngày
15/5/2023 của UBND tỉnh.
c) Khuyến khích áp dụng công nghệ hiện đại, mức độ
tự động hóa cao, tiết kiệm năng lượng, nhiên liệu, giảm phát thải khí nhà kính
trong các dây chuyền mới sản xuất vật liệu xây dựng.
d) Phân công rõ trách nhiệm cho các Sở, ngành và
UBND các huyện tăng cường, chủ động, phối hợp thống nhất giữa các cơ quan, đơn
vị địa phương khi triển khai thực hiện Kế hoạch.
2. Yêu cầu
a) Kiên quyết chấm dứt hoạt động đối với các cơ sở
sản xuất gạch đất sét nung với công nghệ lạc hậu, không hiệu quả kinh tế, gây ô
nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk theo thời gian quy định.
b) Đến ngày 31/12/2025, 100% các cơ sở sản xuất gạch
đất sét nung với công nghệ lạc hậu, không hiệu quả kinh tế, gây ô nhiễm môi trường,
các cơ sở sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công, thủ công cải tiến, lò đứng
liên tục, lò vòng sử dụng nguyên liệu hoá thạch (than, dầu, khí), lò vòng, lò
vòng cải tiến, không sử dụng nhiên liệu hoá thạch mà sử dụng phế liệu ngành
nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phải thực hiện xong việc chuyển đổi công
nghệ hoặc chuyển đổi mục đích đầu tư thành các cơ sở có công nghệ tiên tiến, có
mức độ cơ giới hóa, tự động hóa cao, nhằm tiết kiệm nguyên liệu, nhiên liệu,
năng lượng đáp ứng các chỉ tiêu về công nghệ và môi trường hoặc buộc phải chấm
dứt hoạt động theo quy định (quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Quyết
định số 897/QĐ-UBND ngày 15/5/2023 của UBND tỉnh và các văn bản có liên quan).
II. NHIÊM VỤ, GIẢI
PHÁP CHỦ YẾU
1. Công tác tuyên truyền, vận động:
Tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền các
nội dung chủ trương và quy định của pháp luật về chấm dứt hoạt động sản xuất gạch,
ngói đất sét nung bằng lò thủ công với nhiều hình thức, nhằm nâng cao nhận thức
cho Nhân dân, nhất là các chủ cơ sở còn sản xuất gạch, ngói đất sét nung bằng
lò thủ công để từ đó tự giác chấp hành việc chấm dứt hoạt động theo quy định.
2. Đối với các cơ sở sản xuất gạch
đất sét nung với công nghệ lạc hậu thuộc đối tượng phải chấm dứt hoạt động.
UBND các huyện nơi có các cơ sở sản xuất gạch đất
sét nung tập trung rà soát, thông báo đến các cơ sở sản xuất gạch đất sét nung
đang hoạt động trên địa bàn nhưng không đáp ứng các quy định tại Phụ lục số 01
kèm theo Quyết định số 897/QĐ-UBND ngày 15/5/2023 của UBND tỉnh và các văn bản
có liên quan, yêu cầu chấm dứt hoạt động.
Trường hợp các cơ sở sản xuất không thực hiện, khẩn
trương tiến hành xác lập các hồ sơ để xử lý theo quy định của pháp luật.
3. Thực hiện các chính sách hỗ
trợ cho cơ sở, người lao động từ các cơ sở sản xuất gạch đất sét nung với công
nghệ lạc hậu, không hiệu quả kinh tế, gây ô nhiễm môi trường
a) Các chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp, cơ sở
sản xuất(2):
- Hỗ trợ đào tạo khởi sự kinh doanh và quản trị
kinh doanh cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, khởi nghiệp sáng tạo, thành lập mới;
- Hỗ trợ xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường,
xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, xuất xứ hàng hóa, truy xuất nguồn gốc;
- Hỗ trợ ứng dụng đổi mới công nghệ, áp dụng công
nghệ cao vào sản xuất; hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công
nghệ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu
số giai đoạn 2016 - 2025;
- Hỗ trợ cho vay ưu đãi và hỗ trợ lãi vay vốn;
- Hỗ trợ chi phí đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo
nghề;
- Hỗ trợ theo Chương trình khuyến công tỉnh Đắk Lắk
giai đoạn 2021-2025.
b) Chính sách đối với người lao động (sau khi các
cơ sở dừng hoạt động): Hỗ trợ chi phí đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo nghề
theo quy định tại Quyết định số 23/2023/QĐ-UBND ngày 25/7/2023 của UBND tỉnh về
Quy định mức hỗ trợ chi phí đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng
trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.
4. Xác lập hồ sơ, xử lý và cưỡng
chế chấm dứt hoạt động đối với các cơ sở sản xuất gạch bằng đất sét nung với
công nghệ lạc hậu, không hiệu quả kinh tế, gây ô nhiễm môi trường, không đáp ứng
các quy định
a) Tập trung rà soát, hoàn thiện và
chuẩn bị đầy đủ hồ sơ để thực hiện biện pháp xử lý theo quy định đối với các cơ
sở sản xuất gạch đất sét nung không đáp ứng các quy định nhưng không tự nguyện
chấm dứt hoạt động.
b) Xây dựng phương án và triển khai
thực hiện biện pháp cưỡng chế chấm dứt hoạt động đối với các cơ sở sản xuất gạch
đất sét nung không đáp ứng các quy định trên địa bàn các huyện theo quy định.
III. NGUỒN VỐN
THỰC HIỆN
Nguồn kinh phí thực hiện theo phân
cấp ngân sách hiện hành quy định tại khoản 4 Điều 9 Luật Ngân sách nhà nước
ngày 25/6/2015.
- Quyết định số 23/2023/QĐ-UBND
ngày 25/7/2023 của UBND tỉnh về Quy định mức hỗ trợ chi phí đào tạo trình độ sơ
cấp và đào tạo dưới 3 tháng trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.
- Thông tư số 03/2017/TT-BTNMT ngày
21/3/2017 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc hướng dẫn cho vay với lãi suất
ưu đãi, hỗ trợ lãi suất sau đầu tư từ Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam.
- Quyết định số 1491/QĐ-UBND ngày
17/6/2021 của UBND tỉnh về ban hành Chương trình khuyến công tỉnh Đắk Lắk giai
đoạn 2021-2025.
- Kế hoạch số 107/KH-UBND ngày
13/5/2022 của UBND tỉnh triển khai thực hiện chiến lược phát triển giáo dục nghề
nghiệp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh.
- Quyết định số 1747/QĐ-TTg ngày
13/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hỗ trợ ứng dụng, chuyển
giao tiến bộ khoa học và công nghệ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông
thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 - 2025.
- Và một số quy định khác có liên
quan...
IV. TỔ CHỨC THỰC
HIÊN
Ngoài các nội dung, nhiệm vụ quy định
tại Quyết định số 897/QĐ-UBND ngày 15/5/2023 của UBND tỉnh, các Sở, ngành, địa
phương và các đơn vị có liên quan căn cứ Chỉ thị số 12/CT-UBND ngày 30/9/2022 của
Chủ tịch UBND tỉnh về việc tăng cường sản xuất, sử dụng vật liệu xây không nung
để thay thế gạch đất sét nung trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, các chương trình/chính
sách hỗ trợ liên quan đến các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất gạch bằng đất sét
nung để triển khai các nhiệm vụ và thẩm quyền quy định; đồng thời, tập trung
triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
1. Sở Xây dựng
a) Chủ trì, tổ chức triển khai đến
các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố Quyết định số 897/QĐ-UBND
ngày 15/5/2023 của UBND tỉnh và Kế hoạch này.
b) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị
liên quan nghiên cứu chính sách hỗ trợ kinh phí để khuyến khích các chủ cơ sở mạnh
dạn chuyển đổi công nghệ.
c) Phối hợp với UBND các huyện và
các cơ quan có liên quan tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện chấm dứt
hoạt động của các cơ sở sản xuất gạch đất sét nung không đáp ứng các quy định tại
các địa phương trong tỉnh.
d) Định kỳ hàng Quý (trước ngày 10
của tháng đầu Quý) hoặc đột xuất, tiến hành rà soát, đánh giá tình hình sản xuất
gạch đất sét nung và lộ trình xoá bỏ các cơ sở sản xuất gạch đất sét nung không
đáp ứng các quy định tại các địa phương trên địa bàn tỉnh; tổng hợp các khó
khăn, vướng mắc để tham mưu, báo cáo Bộ Xây dựng và UBND tỉnh theo quy định.
2. Sở Tài
nguyên và Môi trường
a) Tăng cường kiểm tra về môi trường
tại các cơ sở sản xuất gạch đất sét nung đúng theo quy định của pháp luật về
tài nguyên môi trường trên quan điểm bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
b) Chủ trì, rà soát, tổng hợp các
khu vực đất sét làm gạch trên địa bàn tỉnh để thực hiện việc tổ chức đấu giá
quyền khai thác khoáng sản, làm cơ sở cho các cơ sở sản xuất đã có chủ trương
chuyển đổi sang công nghệ sản xuất gạch tuynel thực hiện chuyển đổi công nghệ đảm
bảo điều kiện hoạt động theo quy định pháp luật.
3. Sở Khoa học
và Công nghệ
a) Chủ trì, phối hợp Sở Xây dựng và
các Sở, ngành, địa phương tổ chức nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ,
hướng dẫn triển khai chính sách đầu tư đổi mới công nghệ đối với các cơ sở sản
xuất gạch đất sét nung thực hiện chuyển đổi công nghệ hoặc chuyển đổi mục đích
đầu tư thành các cơ sở có công nghệ tiên tiến, có mức độ cơ giới hóa, tự động
hóa cao, nhằm tiết kiệm nguyên liệu, nhiên liệu, năng lượng đáp ứng các chỉ
tiêu về công nghệ và môi trường.
b) Chủ động, nghiên cứu, tổ chức việc
giới thiệu cho các chủ cơ sở tham quan các mô hình sản xuất gạch có công nghệ
tiên tiến, có mức độ cơ giới, tự động hóa cao.
4. Sở Công
Thương
a) Hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia
các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá, triển lãm hàng hóa và hội chợ vật
liệu xây dựng giúp phát triển và mở rộng thị trường vật liệu xây dựng của tỉnh
đặc biệt là các sản phẩm mới.
b) Hỗ trợ các cơ sở sản xuất gạch đất
sét nung bằng lò thủ công khi thực hiện chuyển đổi công nghệ hoặc chuyển đổi mục
đích đầu tư thành các cơ sở có công nghệ tiên tiến, có mức độ cơ giới hóa, tự động
hóa cao, nhằm tiết kiệm nguyên liệu, nhiên liệu thông qua chính sách khuyến
công.
5. Sở Tài chính
a) Phối hợp với các Sở, ngành liên
quan nghiên cứu cơ chế chính sách hỗ trợ các cơ sở sản xuất gạch đất sét nung bằng
lò thủ công khi thực hiện chuyển đổi công nghệ hoặc chuyển đổi mục đích đầu tư
thành các cơ sở có công nghệ tiên tiến, có mức độ cơ giới hóa, tự động hóa cao,
nhằm tiết kiệm nguyên liệu, nhiên liệu, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
b) Phối hợp với Sở Khoa học và Công
nghệ tham mưu UBND tỉnh về nguồn vốn để thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học,
phát triển công nghệ, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật và công
nghệ trong sản xuất vật liệu xây dựng.
6. Sở Kế hoạch và
Đầu tư.
Yêu cầu doanh nghiệp tạm ngừng, chấm
dứt kinh doanh ngành, nghề sản xuất gạch đất sét nung với công nghệ lạc hậu
trên địa bàn tỉnh khi nhận được văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về
việc doanh nghiệp hoạt động không đáp ứng các quy định, không thực hiện chuyển
đổi thành sản xuất có công nghệ tiên tiến, mức độ cơ giới hóa, tự động hóa cao
nhằm tiết kiệm nguyên liệu, nhiên liệu, năng lượng đáp ứng các chỉ tiêu về công
nghệ và môi trường theo thời gian quy định tại Kế hoạch này hoặc thu hồi Giấy
chứng nhận đăng ký doanh nghiệp theo đề nghị của cơ quan có thẩm quyền theo quy
định của pháp luật.
7. Sở Lao động
Thương binh và Xã hội
Chủ trì, phối hợp với UBND các huyện
nơi có lò gạch thủ công triển khai thực hiện các chương trình đào tạo nghề cho
lao động nông thôn (tư vấn chuyển đổi nghề nghiệp, đào tạo nghề mới), ưu tiên
cho lao động từ các cơ sở sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công theo quy
định của Chính phủ và UBND tỉnh.
8. Trách nhiệm
của UBND các huyện
a) Tổ chức tuyên truyền, triển khai
phổ biến Kế hoạch này tới các cơ sở sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công
và Nhân dân trên địa bàn bằng nhiều hình thức như: Tuyên truyền trên hệ thống Cổng
thông tin điện tử của huyện, Đài truyền thanh và các nền tảng mạng xã hội
(Zalo, Facebook…), đặc biệt là các hình thức trực quan bằng pano tại các khu vực
khai thác đất sét.
b) Chỉ đạo các đơn vị có liên quan
thống kê đầy đủ, chính xác số lượng các cơ sở sản xuất gạch đất sét nung hoạt động
không đáp ứng các quy định trên địa bàn, trên cơ sở đó triển khai việc chấm dứt
hoạt động các cơ sở theo Kế hoạch này.
c) Xây dựng phương án, lộ trình cụ
thể phù hợp với tình hình địa phương để triển khai thực hiện việc chấm dứt hoạt
động đối với các cơ sở sản xuất gạch đất sét nung hoạt động không đáp ứng các
quy định trên địa bàn đảm bảo đúng thời gian theo Kế hoạch này.
d) Chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm
tra, phát hiện, xử lý triệt để, chấm dứt tình trạng khai thác, vận chuyển, sử dụng
đất sét trái phép để sản xuất gạch nung; đồng thời, xử lý nghiêm tổ chức, người
đứng đầu cơ quan, đơn vị nếu để xảy ra tình trạng khai thác đất sét trái phép
thuộc trách nhiệm, thẩm quyền quản lý. Trên cơ sở đó, chỉ đạo hoặc đề nghị các
cơ quan chức năng thực hiện thu hồi Giấy phép đăng ký kinh doanh (Hợp tác xã,
Doanh nghiệp, Hộ kinh doanh) và đề nghị ngành điện lực chấm dứt cấp điện đối với
các cơ sở sản xuất gạch đất sét nung không đảm bảo điều kiện để tiếp tục hoạt động
theo quy định tại Quyết định số 897/QĐ-UBND ngày 15/5/2023 của UBND tỉnh.
đ) Chủ động phối hợp với các ngành,
đơn vị liên quan xây dựng phương án và lộ trình triển khai thực hiện biện pháp
cưỡng chế chấm dứt hoạt động đối với các cơ sở sản xuất gạch đất sét nung không
chấp hành chấm dứt hoạt động trên địa bàn theo quy định (sau ngày 31/12/2025, nếu
chưa thực hiện đúng cam kết).
e) Xác định trong quy hoạch, kế hoạch
sử dụng đất hàng năm diện tích khu vực phục vụ sản xuất vật liệu xây dựng phù hợp
với quy hoạch các vùng nguyên liệu cho sản xuất gạch đất sét nung.
g) Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi
trường trong việc rà soát, tổng hợp các khu vực đất sét làm gạch trên địa bàn
huyện để thực hiện việc tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản.
h) Tăng cường xúc tiến, kêu gọi các
dự án đầu tư vào địa bàn huyện nhằm giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho
người lao động, trong đó có lao động từ các cơ sở sản xuất gạch đất sét nung bằng
lò thủ công.
i) Định kỳ hàng Quý (trước ngày 05
của tháng đầu Quý) hoặc đột xuất theo yêu cầu, báo cáo kết quả chấm dứt hoạt động
của các cơ sở sản xuất gạch đất sét nung hoạt động không đáp ứng các quy định
trên địa bàn về Sở Xây dựng để tổng hợp, báo cáo Bộ Xây dựng và UBND tỉnh.
9. Trách nhiệm
của các cơ sở sản xuất gạch đất sét nung với công nghệ lạc hậu.
a) Chấp hành nghiêm và chịu trách nhiệm trước pháp
luật về khai thác, sử dụng đất sét làm nguyên liệu để sản xuất gạch đất sét
nung theo quy định về quản lý tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk
được ban hành kèm theo Quyết định số 05/2022/QĐ-UBND ngày 10/01/2022 của UBND tỉnh
và các văn bản pháp luật khác có liên quan trong thời gian còn hoạt động sản xuất.
b) Cam kết chấm dứt hoạt động sản xuất gạch đất sét
nung không đáp ứng các quy định hoặc chuyển đổi công nghệ theo lộ trình quy định.
Sau ngày 31/12/2025, nếu các cơ sở sản xuất gạch đất sét nung không thực hiện
đúng cam kết sẽ bị cưỡng chế theo quy định.
Trên đây là Kế hoạch chấm dứt hoạt động đối với các
cơ sở sản xuất gạch đất sét nung với công nghệ lạc hậu, không hiệu quả kinh tế,
gây ô nhiễm môi trường, đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai thực
hiện. Trong quá trình thực hiên nếu có khó khăn, vướng mắc, kịp thời báo cáo
UBND tỉnh (thông qua Sở Xây dựng) để xem xét, giải quyết./.
Nơi nhận:
- Bộ Xây dựng (b/c);
- Thường trực Tỉnh ủy (b/c);
- Thường trực HĐND tỉnh (b/c);
- UBMTTQVN tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Các Sở, ban, ngành thuộc tỉnh;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Báo Đắk Lắk, Đài PT-TH tỉnh;
- Trung tâm CN và Cổng TTĐT tỉnh (đăng tải);
- Lưu: VT, CN (VTC-07).
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Trương Công Thái
|
(1)
Trên địa bàn toàn tỉnh, hiện nay có 116 cơ sở sản xuất gạch bằng đất sét nung,
trong đó có 111 cơ sở đang hoạt động, 05 cơ sở đã dừng hoạt động, cụ thể: Krông
Ana 59 cơ sở, Krông Pắc 47 cơ sở, Ea Kar 06 cơ sở, M'Drắk 01 cơ sở, Ea Súp 03
cơ sở.
a) Số lượng các cơ sở sản xuất gạch đất sét nung
đang hoạt động, đáp ứng các quy định tại Phụ lục số 01 kèm theo Quyết định số
897: 03 cơ sở.
b) Số lượng các cơ sở sản xuất gạch đất sét nung
đang hoạt động không đáp ứng các quy định tại Phụ lục số 01 kèm theo Quyết định
số 897: 109 cơ sở.
(2)
- Nghị quyết số 10/2020/NQ-HĐND ngày 09/12/2020 của HĐND tỉnh về một số chính
sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, giai đoạn 2021 -
2025.
- Nghị quyết số 19/2021/NQ-HĐND ngày 21/12/2021 của
HĐND tỉnh về hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2021 -
2025.
- Quyết định số 09/2017/QĐ-UBND ngày 09/3/2017 của
UBND tỉnh về ban hành Quy định hỗ trợ, cho vay ưu đãi hỗ trợ lãi vay vốn của Quỹ
phát triển Khoa học và Công nghệ tỉnh Đắk Lắk.