THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
1747/QĐ-TTg
|
Hà Nội, ngày 13 tháng 10 năm 2015
|
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH HỖ TRỢ ỨNG DỤNG, CHUYỂN GIAO TIẾN BỘ KHOA HỌC VÀ
CÔNG NGHỆ THÚC ĐẨY PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NÔNG THÔN, MIỀN NÚI, VÙNG DÂN TỘC
THIỂU SỐ GIAI ĐOẠN 2016 - 2025
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày
25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Chuyển giao công nghệ
ngày 29 tháng 11 năm 2006;
Căn cứ Luật Khoa học và công nghệ
ngày 18 tháng 6 năm 2013;
Căn cứ Nghị định số 08/2014/NĐ-CP ngày 27 tháng 01 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết
và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Khoa học và công nghệ;
Căn cứ Quyết định số 418/QĐ-TTg
ngày 11 tháng 4 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển
khoa học và công nghệ giai đoạn 2011 - 2020;
Căn cứ Quyết định số 2356/QĐ-TTg
ngày 04 tháng 12 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình hành động
thực hiện Chiến lược công tác dân tộc đến 2020;
Căn cứ Quyết định số 458/QĐ-TTg ngày 09 tháng 4 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ ban
hành Kế hoạch thực hiện Kết luận số 97-KL/TW ngày 15 tháng 5 năm 2014 của Bộ
Chính trị về một số chủ trương, giải pháp tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7, khóa X về nông nghiệp, nông
dân, nông thôn;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Khoa
học và Công nghệ,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt “Chương trình hỗ trợ ứng dụng, chuyển
giao tiến bộ khoa học và công nghệ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông
thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 - 2025” (viết tắt là
Chương trình) với những nội dung chủ yếu sau:
I. QUAN ĐIỂM
1. Việc hỗ trợ ứng
dụng, chuyển giao các tiến bộ khoa học và công nghệ phù hợp
với năng lực tiếp thu của người dân, phát huy được lợi thế so sánh từng vùng miền, phát huy được các nguồn lực xã hội tham gia thực
hiện Chương trình để góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn,
miền núi, vùng dân tộc thiểu số.
2. Tập trung ưu tiên cho hoạt động ứng
dụng, chuyển giao công nghệ tại các vùng đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu
số; các dự án có sự tham gia của các doanh nghiệp với vai trò là hạt nhân trong
chuỗi giá trị sản xuất hàng hóa, tạo sinh kế cho người dân vùng đặc biệt khó
khăn, vùng dân tộc thiểu số.
3. Chuyển giao tiến bộ khoa học và
công nghệ phải đi đôi với công tác đào tạo phát triển đội ngũ cán bộ cho cơ sở,
nâng cao năng lực ứng dụng khoa học và công nghệ của người dân.
II. MỤC TIÊU
1. Giai đoạn 2016 - 2020:
a) Xây dựng được ít nhất 1.200 mô
hình ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ có hiệu quả, có quy mô
phù hợp với vùng sinh thái của từng địa bàn nông thôn, miền núi, vùng dân tộc
thiểu số, trong đó có ít nhất 30% mô hình thực hiện ở miền núi, vùng dân tộc
thiểu số; xây dựng được ít nhất 20% mô hình liên kết ứng dụng khoa học và công
nghệ theo chuỗi giá trị hàng hóa, tạo sinh kế cho người dân;
b) Chuyển giao được ít nhất 1.500 lượt
công nghệ mới, tiên tiến phù hợp với từng vùng miền, thúc đẩy phát triển kinh tế
- xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số;
c) Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực
quản lý và tổ chức triển khai dự án, năng lực ứng dụng và chuyển giao công nghệ
cho ít nhất 1.500 cán bộ quản lý và khoảng 2.500 kỹ thuật
viên cơ sở ở địa phương, khoảng 80.000 lượt nông dân để có đội ngũ cán bộ kỹ
thuật, quản lý thường xuyên bám sát địa bàn giúp nông dân tiếp tục mở rộng việc
áp dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ đã được chuyển giao.
2. Giai đoạn 2021 - 2025:
a) Xây dựng được ít nhất 1.000 mô
hình ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ có hiệu quả, trong đó
có ít nhất 30% mô hình thực hiện ở miền núi, vùng dân tộc
thiểu số; tăng tỷ lệ các mô hình liên kết ứng dụng khoa học
và công nghệ theo chuỗi giá trị hàng hóa, các mô hình có quy mô sản xuất lớn,
quy mô công nghiệp, gắn sản xuất nông nghiệp với công nghiệp chế biến;
b) Chuyển giao được ít nhất 1.500 lượt
công nghệ mới, tiên tiến ở các lĩnh vực khoa học và công nghệ, trong đó có ít
nhất 20% công nghệ cao;
c) Đào tạo ít nhất 1.500 kỹ thuật
viên cơ sở, tập huấn kỹ thuật cho ít nhất 60.000 lượt nông
dân;
d) Có ít nhất 10 doanh nghiệp khoa học
và công nghệ hoạt động chuyển giao khoa học và công nghệ phục vụ phát triển
nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số được hình thành
từ Chương trình.
III. NỘI DUNG
1. Ứng dụng,
chuyển giao các tiến bộ khoa học và công nghệ thông qua các mô hình cụ thể phù
hợp với từng vùng nông thôn, miền núi, dân tộc thiểu số:
a) Xây dựng mô hình ứng dụng, chuyển
giao các tiến bộ khoa học và công nghệ phù hợp với điều kiện thực tế, trình độ
phát triển của từng vùng miền, địa
phương:
- Tiến bộ khoa học
và công nghệ về giống mới và công nghệ nhân giống cây trồng, giống vật nuôi, giống thủy sản, giống nấm;
- Quy trình công nghệ sản xuất tiên tiến, nhằm nâng cao
năng suất, chất lượng bảo đảm an toàn
thực phẩm, tăng hiệu quả kinh tế, an toàn với môi trường công nghệ sản xuất
theo tiêu chuẩn quản lý chất lượng tiên tiến;
- Công nghệ tiên tiến và thiết bị đồng
bộ trong thu hoạch, bảo quản, chế biến nông sản, thực phẩm nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch, nâng cao giá trị sản phẩm. Chú trọng
công nghệ, thiết bị chế biến sâu, công nghệ tạo giá trị gia tăng trong sản xuất
nông nghiệp; công nghệ sơ chế nông - lâm - thủy sản, dược liệu cho vùng khó
khăn, vùng dân tộc thiểu số;
- Công nghệ sinh học trong sản xuất
các chế phẩm sinh học dùng để sản xuất thức ăn chăn nuôi, thủy sản; phân vi
sinh; xử lý môi trường; phòng trừ dịch bệnh;
- Công nghệ tưới, tiêu cho các loại
cây trồng, các giải pháp kỹ thuật cung cấp nước ngọt, nước sạch cho các vùng
khan hiếm nước;
- Quy trình, thiết bị máy móc trong sản
xuất nông nghiệp; công nghệ phục vụ phát triển công nghiệp nông thôn;
- Tiến bộ khoa học và công nghệ trong
sản xuất nguyên liệu, vật liệu dùng trong công nghiệp chế biến, xây dựng, dược
phẩm;
- Công nghệ, thiết bị xử lý nước thải,
rác thải sinh hoạt; công nghệ, thiết bị đồng bộ sử dụng năng lượng tái tạo;
- Công nghệ thông tin, truyền thông để
phổ biến kiến thức khoa học và công nghệ, thông tin thị trường cho nông dân;
- Kết hợp khoa học và công nghệ tiên
tiến với tri thức truyền thống trong khai thác, phát triển nâng cao hiệu quả
kinh tế của các cây trồng, vật nuôi đặc sản của địa phương;
- Công nghệ, thiết bị phục vụ phát
triển sản xuất gắn với du lịch sinh thái.
b) Xây dựng mô hình sản xuất theo chuỗi
giá trị, liên kết giữa người dân và doanh nghiệp trong việc ứng dụng, chuyển
giao khoa học và công nghệ:
Xây dựng mô hình ứng dụng, chuyển
giao đồng bộ các tiến bộ khoa học và công nghệ, tổ chức quản lý, phát triển thị
trường theo chuỗi giá trị hàng hóa có sự tham gia, liên kết giữa nhà khoa học,
doanh nghiệp và người dân, trong đó doanh nghiệp là nòng cốt.
2. Đào tạo, bồi dưỡng, phát triển đội
ngũ cán bộ phục vụ hoạt động ứng dụng, chuyển giao khoa học và công nghệ tại các
vùng nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số:
a) Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực
cán bộ quản lý dự án và cán bộ chuyển giao công nghệ;
b) Đào tạo cán bộ kỹ thuật cho địa
phương, tập huấn kỹ thuật cho nông dân để hình thành mạng lưới cán bộ kỹ thuật
và cộng tác viên, tình nguyện viên trực tiếp ở địa phương;
c) Thu hút cán bộ khoa học trẻ, cán bộ
tình nguyện đến làm việc thường xuyên tại các vùng nông thôn, miền núi, vùng
dân tộc thiểu số để hướng dẫn, chuyển giao công nghệ trong quá trình thực hiện
dự án thuộc Chương trình.
3. Xây dựng tài liệu, dữ liệu về các
tiến bộ khoa học và công nghệ, thực hiện các hoạt động truyền thông phổ biến kiến
thức khoa học và công nghệ:
a) Xây dựng tài liệu, dữ liệu điện tử
về quy trình kỹ thuật, công nghệ phù hợp với từng vùng, từng địa phương;
b) Phát hành các ấn phẩm (bản giấy,
điện tử) về kinh nghiệm, quy trình công nghệ đã chuyển giao để phổ biến, nhân rộng
kết quả của Chương trình;
c) Thực hiện các hoạt động truyền
thông phổ biến kiến thức khoa học, kỹ thuật trên các phương tiện thông tin đại
chúng của Trung ương, địa phương;
d) Biên tập tài liệu bằng tiếng dân tộc
phục vụ truyền thông, phổ biến kiến thức khoa học và công nghệ cho đồng bào dân
tộc thiểu số.
IV. GIẢI PHÁP
1. Về khoa học và công nghệ:
a) Lựa chọn những tiến bộ khoa học và
công nghệ trong nước hoặc từ nước ngoài có hiệu quả, phù hợp với nhu cầu phát
triển và điều kiện thực tế từng vùng miền, địa phương để triển khai ứng dụng,
chuyển giao. Chú trọng công nghệ bảo quản, chế biến cho các vùng khó khăn;
b) Lựa chọn địa bàn phù hợp, có điều
kiện thuận lợi cho việc tham quan, học hỏi và nhân rộng;
c) Lựa chọn đối tượng tiếp nhận công
nghệ có đủ điều kiện để triển khai ứng dụng tại địa phương;
d) Lựa chọn cách thức chuyển giao phù
hợp với tính chất và loại hình công nghệ;
đ) Tăng cường hoạt động dịch vụ chuyển
giao, kết nối cung - cầu công nghệ hỗ trợ các cá nhân, tổ chức xây dựng và thực
hiện các dự án khoa học và công nghệ;
e) Xây dựng và phát hành các tài liệu,
ấn phẩm để phổ cập kiến thức, chia sẻ thông tin khoa học và công nghệ, kết quả
thực hiện mô hình tại các địa phương cho vùng nông thôn, miền núi và vùng dân tộc
thiểu số.
2. Về nguồn nhân lực:
a) Khuyến khích cán bộ khoa học tham
gia công tác chuyển giao công nghệ; tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức
nghiên cứu, chuyển giao, các doanh nghiệp tham gia Chương trình;
b) Khuyến khích cán bộ khoa học trẻ,
cán bộ tình nguyện đến làm việc thường xuyên tại vùng đặc biệt khó khăn, vùng
dân tộc thiểu số;
c) Chú trọng bồi dưỡng nâng cao năng
lực quản lý, kiến thức khoa học và công nghệ cho đội ngũ cán bộ cơ sở; tập huấn
kỹ thuật cho nông dân, ưu tiên người trực tiếp tham gia thực hiện dự án là phụ
nữ.
3. Về tổ chức quản lý:
a) Phân cấp việc quản lý các dự án của
Chương trình theo nguyên tắc: các dự án trọng điểm quy mô lớn, có tính chất tác
động liên vùng do Bộ Khoa học và Công nghệ trực tiếp quản lý; các dự án có quy
mô nhỏ, không có tính chất tác động liên vùng thì ủy quyền cho Ủy ban nhân dân
các tỉnh, thành phố quản lý;
b) Xây dựng cơ chế khuyến khích doanh
nghiệp liên kết với người dân trong thực hiện các dự án ứng dụng, chuyển giao
công nghệ mới, tiên tiến ở khu vực nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số;
c) Xây dựng cơ chế về hỗ trợ kinh
phí; về ưu tiên, ưu đãi trong thực hiện các nhiệm vụ tại vùng đặc biệt khó
khăn, vùng dân tộc thiểu số; về chuyển giao tài sản không bồi hoàn khi kết thúc
nhiệm vụ thuộc Chương trình;
d) Phối hợp, lồng ghép trong lựa chọn,
tổ chức thực hiện các nhiệm vụ thuộc Chương trình với các chương trình phát triển
kinh tế - xã hội trên địa bàn để phát huy hiệu quả của các dự án.
V. KINH PHÍ THỰC
HIỆN
Kinh phí thực hiện
Chương trình bao gồm:
- Kinh phí sự nghiệp khoa học và công
nghệ của ngân sách trung ương được giao hàng năm về Bộ Khoa học và Công nghệ để
thực hiện các nhiệm vụ của Chương trình;
- Kinh phí từ ngân sách địa phương hỗ
trợ thực hiện các dự án tại địa phương;
- Kinh phí của các tổ chức, cá nhân
tham gia thực hiện các dự án thuộc Chương trình.
Điều 2. Tổ chức
thực hiện
1. Bộ Khoa học và Công nghệ:
a) Chủ trì, điều phối tổ chức thực hiện
Chương trình;
b) Xây dựng và ban hành quy định quản
lý Chương trình trong năm 2015;
c) Tổ chức lựa chọn tiến bộ khoa học
và công nghệ phù hợp với từng vùng, miền;
d) Trực tiếp quản lý các dự án quy định
tại điểm a khoản 3 Mục IV Điều 1;
đ) Đôn đốc, kiểm tra, đánh giá, tổng
hợp kết quả hằng năm việc thực hiện các nhiệm vụ thuộc Chương trình;
e) Tổ chức sơ kết 5 năm, tổng kết 10
năm về tình hình, kết quả triển khai thực hiện Chương trình và báo cáo Thủ tướng
Chính phủ.
2. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với
Bộ Khoa học và Công nghệ:
a) Xây dựng và
ban hành quy định quản lý tài chính của Chương trình trong quý I năm 2016;
b) Bố trí kinh phí sự nghiệp khoa học
và công nghệ để thực hiện các nhiệm vụ của Chương trình theo đề xuất của Bộ
Khoa học và Công nghệ.
3. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn, Bộ Công Thương, Ủy ban Dân tộc Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và các cơ
quan liên quan có trách nhiệm phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức thực
hiện Chương trình.
4. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố
trực thuộc Trung ương có trách nhiệm:
a) Chủ trì đề xuất đặt hàng các dự án
ứng dụng chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ thực hiện trên địa bàn;
b) Chủ trì tổ chức thực hiện các dự án
được ủy quyền cho địa phương quản lý phối hợp thực hiện các dự án do Bộ Khoa học
và Công nghệ quản lý;
c) Tổ chức và huy động các nguồn lực
để thực hiện Chương trình; lồng ghép nội dung các dự án thuộc Chương trình với
các dự án phát triển kinh tế - xã hội khác ở địa phương; chủ động tổ chức hỗ trợ
để nhân rộng các công nghệ được chuyển giao có hiệu quả tại địa bàn.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày
ký.
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, các
Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ
tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ trưởng các cơ
quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng
Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Văn phòng Trung ương Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN; các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ: KTN, KTTH, V.III,
TKBT, TH;
- Lưu: VT, KGVX (3b). M
|
THỦ TƯỚNG
Nguyễn Tấn Dũng
|