ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 09/2019/QĐ-UBND
|
Hải
Phòng, ngày 18 tháng 03 năm 2019
|
QUYẾT ĐỊNH
QUY ĐỊNH MỨC HỖ TRỢ SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP ĐỂ KHÔI PHỤC SẢN XUẤT VÙNG BỊ
THIỆT HẠI DO THIÊN TAI, DỊCH BỆNH TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa
phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy
phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Phòng, chống thiên tai ngày 19 tháng 6 năm 2013;
Căn cứ Nghị định số 02/2017/NĐ-CP
ngày 09 tháng 01 năm 2017 của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt
hại do thiên tai, dịch bệnh;
Căn cứ Thông tư liên tịch số
43/2015/TTLT-BNNPTNT-BKHĐT ngày 23 tháng 11 năm 2015 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn thống
kê, đánh giá thiệt hại do thiên tai gây ra;
Theo đề nghị của Sở Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 29/TTr-SNN ngày 08 tháng 3 năm 2019, Báo
cáo thẩm định số
04/BCTĐ-STP ngày 28 tháng 01 năm 2019 của Sở Tư pháp,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phạm vi
điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Phạm vi điều chỉnh: Quy định cụ thể
mức hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do
thiên tai, dịch bệnh trên địa bàn thành phố Hải Phòng.
2. Đối tượng áp dụng: Hộ nông dân,
người nuôi trồng thủy sản, chủ trang trại, gia trại, tổ hợp tác, hợp tác xã sản
xuất trong lĩnh vực trồng trọt, lâm nghiệp, chăn nuôi, nuôi trồng thủy, hải sản
bị thiệt hại trực tiếp do thiên tai, dịch bệnh trên địa bàn thành phố Hải
Phòng.
Điều 2. Mức hỗ trợ
cụ thể đối với cây trồng, vật nuôi, thủy sản bị thiệt hại được nêu tại Điều 5
Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 09/01/2017 của Chính phủ
1. Mức hỗ trợ cụ thể đối với cây trồng,
sản xuất lâm nghiệp và sản xuất muối: thực hiện theo quy định tại các Khoản 1,
2 và 5 Điều 5 Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 09/01/2017 của Chính phủ.
2. Hỗ trợ đối với
nuôi thủy, hải sản:
a) Diện tích nuôi tôm quảng canh
(nuôi tôm lúa, tôm sinh thái, tôm rừng, tôm kết hợp) bị
thiệt hại trên 70%, hỗ trợ 6.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30% - 70%, hỗ trợ
4.000.000 đồng/ha;
b) Diện tích nuôi cá truyền thống, các loài cá bản địa bị thiệt hại trên 70%, hỗ trợ
10.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30% - 70%, hỗ trợ 7.000.000 đồng/ha;
c) Diện tích nuôi tôm sú bán thâm
canh, thâm canh bị thiệt hại trên 70%, hỗ trợ 8.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ
30% - 70%, hỗ trợ 6.000.000 đồng/ha;
d) Diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng
bán thâm canh, thâm canh bị thiệt hại trên 70%, hỗ trợ 30.000.000 đồng/ha; thiệt
hại từ 30% - 70%, hỗ trợ 20.000.000 đồng/ha;
đ) Diện tích nuôi nhuyễn thể bị thiệt
hại trên 70%, hỗ trợ 60.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30% - 70%, hỗ trợ
40.000.000 đồng/ha;
e) Diện tích nuôi cá tra thâm canh bị
thiệt hại trên 70%, hỗ trợ 30.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30% - 70%, hỗ trợ 20.000.000 đồng/ha;
g) Lồng, bè nuôi nước ngọt bị thiệt hại
trên 70%, hỗ trợ 10.000.000 đồng/100m3 lồng; thiệt hại từ 30% - 70%,
hỗ trợ 7.000.000 đồng/100m3 lồng;
h) Diện tích nuôi cá rô phi đơn tính
thâm canh bị thiệt hại trên 70%, hỗ trợ 30.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30% -
70%, hỗ trợ 20.000.000 đồng/ha;
i) Diện tích nuôi cá nước lạnh (tầm,
hồi) thâm canh bị thiệt hại trên 70%, hỗ trợ 50.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ
30% - 70%, hỗ trợ 35.000.000 đồng/ha;
k) Lồng, bè nuôi trồng ngoài biển (xa
bờ, ven đảo) bị thiệt hại trên 70%, hỗ trợ 20.000.000 đồng/100m3 lồng;
thiệt hại từ 30% - 70%, hỗ trợ 15.000.000 đồng/100m3 lồng;
l) Diện tích nuôi trồng các loại thủy,
hải sản khác bị thiệt hại trên 70%, hỗ trợ 6.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30%
- 70%, hỗ trợ 4.000.000 đồng/ha.
3. Hỗ trợ đối với nuôi gia súc, gia cầm:
a) Thiệt hại do thiên tai:
Gia cầm (gà, vịt, ngan, ngỗng) đến 28
ngày tuổi, hỗ trợ 15.000 đồng/con; trên 28 ngày tuổi, hỗ trợ 28.000 đồng/con;
Lợn đến 28 ngày tuổi, hỗ trợ 350.000
đồng/con; trên 28 ngày tuổi, hỗ trợ 725.000 đồng/con; lợn nái và lợn đực đang
khai thác, hỗ trợ 2.000.000 đồng/con;
Bê cái hướng sữa đến 6 tháng tuổi, hỗ
trợ 2.000.000 đồng/con; bò sữa trên 6 tháng tuổi, hỗ trợ 6.550.000 đồng/con;
Trâu, bò thịt, ngựa đến 6 tháng tuổi,
hỗ trợ 1.250.000 đồng/con; trên 6 tháng tuổi, hỗ trợ
4.050.000 đồng/con;
Hươu, nai, cừu, dê: Hỗ trợ 1.750.000
đồng/con.
b) Thiệt hại do
dịch bệnh:
Hỗ trợ trực tiếp cho các hộ sản xuất
có gia súc, gia cầm phải tiêu hủy bắt buộc do mắc dịch bệnh hoặc trong vùng có
dịch bắt buộc phải tiêu hủy với mức hỗ trợ cụ thể như sau:
Hỗ trợ 38.000 đồng/kg
hơi đối với lợn;
Hỗ trợ 45.000 đồng/kg
hơi đối với trâu, bò, dê, cừu, hươu, nai;
Hỗ trợ 35.000 đồng/con
đối với gia cầm (gà, vịt, ngan, ngỗng).
Điều 3. Mức hỗ trợ
cụ thể đối với các loại cây trồng, vật nuôi, thủy sản bị thiệt hại chưa được
nêu tại Điều 5 Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 09/01/2017 của Chính phủ
1. Hỗ trợ đối với cây trồng:
a) Diện tích hoa, cây cảnh: Thiệt hại
trên 70% hỗ trợ 4.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30% - 70%, hỗ trợ 2.000.000 đồng/ha.
b) Diện tích cây ăn quả hàng năm: Thiệt
hại trên 70% hỗ trợ 4.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30% - 70%, hỗ trợ 2.000.000 đồng/ha.
c) Diện tích vườn ươm cây rau màu:
Thiệt hại trên 70% hỗ trợ 20.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30% - 70%, hỗ trợ 10.000.000 đồng/ha.
d) Diện tích cây dược liệu: Thiệt hại
trên 70% hỗ trợ 4.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30% - 70%
hỗ trợ 2.000.000 đồng/ha.
2. Hỗ trợ đối với nuôi thủy, hải sản:
Diện tích nuôi cá Vược bán thâm canh, thâm canh bị thiệt hại trên 70%, hỗ trợ 30.000.000
đồng/ha; thiệt hại từ 30% - 70%, hỗ trợ 20.000.000 đồng/ha.
Điều 4. Kinh phí
thực hiện
1. Nguồn lực: Kinh phí hỗ trợ từ nguồn
dự phòng ngân sách trung ương; dự phòng ngân sách địa phương; Quỹ phòng, chống
thiên tai; nguồn dự trữ quốc gia và các nguồn tài chính hợp pháp khác theo quy
định của pháp luật.
2. Cơ chế hỗ trợ từ ngân sách: Các
huyện, quận chủ động sử dụng ngân sách dự phòng địa phương để thực hiện; Trường
hợp địa phương có mức độ thiệt hại lớn, nếu phần ngân sách địa phương bảo đảm
vượt quá 50% nguồn dự phòng ngân sách địa phương được Ủy ban nhân dân thành phố
giao, ngân sách thành phố sẽ bổ sung thêm phần chênh lệch vượt quá 50% dự phòng
ngân sách địa phương để thực hiện hỗ trợ.
Điều 5. Tổ chức
thực hiện
1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn (Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành
phố) chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành hướng dẫn xác định thiệt hại, kiểm tra
việc thực hiện chính sách, tổng hợp, báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn, Bộ Tài chính, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai.
2. Sở Tài chính phối hợp với Sở Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn (Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai
và Tìm kiếm cứu nạn thành phố) hướng dẫn thủ tục thanh toán; thẩm định, trình Ủy
ban nhân dân thành phố phê duyệt kinh phí, bố trí ngân
sách và các nguồn tài chính hợp pháp khác để đáp ứng kịp thời nhu cầu hỗ trợ
khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh theo quy định.
3. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp
huyện
a) Chỉ đạo các cơ quan thông tin truyền
thông, đoàn thể tuyên truyền, phổ biến rộng rãi đến hộ sản xuất về chính sách hỗ
trợ tại Quyết định này;
b) Chỉ đạo các phòng chuyên môn (có sự
tham gia của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cấp huyện đối với hỗ trợ do thiên tai) tổng hợp thiệt hại,
thẩm định trình Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định hỗ trợ theo
thẩm quyền hoặc tổng hợp đề xuất, báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố
và các sở, ngành có liên quan; đảm bảo
công khai, minh bạch, chính xác, đúng đối tượng; kinh phí hỗ trợ đúng mục đích,
có hiệu quả, tránh thất thoát, lãng phí và xảy ra tiêu cực;
c) Sau đợt thiên tai, dịch bệnh hoặc
cuối năm, Ủy ban nhân dân cấp huyện báo cáo tiến độ, kết quả triển khai thực hiện
chính sách về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Thường trực Ban Chỉ huy
Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố), Sở Tài chính để tổng hợp,
báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ
Tài chính, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai.
4. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp
xã
a) Phổ biến chính sách; hướng dẫn hộ
sản xuất kê khai ban đầu theo mẫu quy định tại Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày
09/01/2017 của Chính phủ; kiểm tra và xác nhận vào bản kê khai,
b) Thành lập hội đồng kiểm tra thiệt
hại gồm: Ủy ban nhân dân cấp xã (có sự tham gia của Ban Chỉ huy Phòng chống
thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp xã đối với hỗ trợ thiệt hại do thiên tai),
cán bộ chuyên môn của huyện, đại diện các tổ chức xã hội, đại diện thôn, tổ dân
phố để lập biên bản kiểm tra, xác minh mức độ thiệt hại, nhu cầu hỗ trợ cụ thể
của từng hộ sản xuất; niêm yết công khai phương án hỗ trợ tại nhà văn hóa thôn,
tổ dân phố, Ủy ban nhân dân cấp xã theo quy định để người dân giám sát; tổng hợp
báo cáo Ủy ban nhân dân cấp huyện và chịu trách nhiệm về
tính chính xác của số liệu báo cáo.
c) Triển khai thực hiện việc hỗ trợ trực tiếp đến các hộ sản xuất bị thiệt hại đảm bảo công khai,
minh bạch, đúng mục đích, đúng chính sách và mức quy định; không để thất thoát,
lãng phí và xảy ra tiêu cực.
Điều 6. Quyết định có hiệu lực từ ngày 05 tháng 4 năm
2019.
Điều 7. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố; Giám
đốc các Sở, ngành, cơ quan: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Tư
pháp, Kho bạc Nhà nước Hải Phòng, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm
cứu nạn thành phố, Quỹ Phòng chống thiên tai thành phố; Chủ tịch Ủy ban nhân
dân các quận, huyện, xã, phường, thị trấn; các cơ quan, tổ chức, cá nhân có
liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Chính phủ;
- Tổng cục PCTT;
- Vụ Pháp chế - Bộ NN&PT;
- Cục Kiểm tra văn bản QPPL - Bộ Tư pháp;
- TT TU, TT HĐND TP;
- Đoàn ĐBQH Hải Phòng
- CT, các PCT UBND TP;
- CVP, các PCVP UBND TP;
- Công báo thành phố;
- Cổng TTĐT thành phố;
- Báo HP, Đài PTTH HP;
- Như Điều 7;
- Phòng NNTN&MT;
- CV: TL, NN;
- Lưu: VT.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
CHỦ TỊCH
Nguyễn Văn Tùng
|