Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Thông tư 09/2018/TT-BTNMT quy chuẩn môi trường đối với phế liệu nhập khẩu

Số hiệu: 09/2018/TT-BTNMT Loại văn bản: Thông tư
Nơi ban hành: Bộ Tài nguyên và Môi trường Người ký: Võ Tuấn Nhân
Ngày ban hành: 14/09/2018 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đã biết Số công báo: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

BỘ TÀI NGUYÊN VÀ
MÔI TRƯỜNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 09/2018/TT-BTNMT

Hà Nội, ngày 14 tháng 9 năm 2018

 

THÔNG TƯ

BAN HÀNH QUY CHUẨN KỸ THUẬT QUỐC GIA VỀ MÔI TRƯỜNG

Căn cứ Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật ngày 29 tháng 6 năm 2006;

Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 23 tháng 6 năm 2014;

Căn cứ Nghị định số 127/2007/NĐ-CP ngày 01 tháng 8 năm 2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật;

Căn cứ Nghị định số 78/2018/NĐ-CP ngày 16 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 127/2007/NĐ-CP ngày 01 tháng 8 năm 2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật;

Căn cứ Nghị định số 132/2008/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa;

Căn cứ Nghị định số 74/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 132/2008/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa;

Căn cứ Nghị định số 36/2017/NĐ-CP ngày 04 tháng 4 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường;

Căn cứ Quyết định số 73/2014/QĐ-TTg ngày 19 tháng 12 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định Danh mục phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất;

Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ, Vụ trưởng Vụ Pháp chế;

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Thông tư quy định quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường.

Điều 1. Ban hành kèm theo Thông tư này ba (03) quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường, bao gồm:

1. QCVN 65:2018/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường đối với phế liệu thủy tinh nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất;

2. QCVN 66:2018/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường đối với phế liệu kim loại màu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất;

3. QCVN 67:2018/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường đối với phế liệu xỉ hạt lò cao (xỉ hạt nhỏ, xỉ cát từ công nghiệp luyện sắt hoặc thép) nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất.

Điều 2. Phế liệu thủy tinh, kim loại màu và xỉ hạt lò cao quy định tại Danh mục phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất ban hành kèm theo Quyết định số 73/2014/QĐ-TTg ngày 19 tháng 12 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ là hàng hóa có khả năng gây mất an toàn (hàng hóa nhóm 2 nhập khẩu) thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Điều 3. Hiệu lực thi hành và tổ chức thực hiện

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 29 tháng 10 năm 2018.

2. Điều 10 Thông tư số 41/2015/TT-BTNMT ngày 09 tháng 9 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất và Khoản 9 Điều 1 Thông tư số 03/2018/TT-BTNMT ngày 14 tháng 8 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường sửa đổi, bãi bỏ một số quy định về thủ tục hành chính liên quan đến kiểm tra chuyên ngành thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Tài nguyên và Môi trường hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành.

3. Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan có trách nhiệm thi hành Thông tư này./.

 


Nơi nhận:
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Chính phủ;
- Tòa án Nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Cơ quan trung ương của các đoàn thể;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Sở TN&MT các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp);
- Công báo; Cổng TTĐT của Chính phủ;
- Các đơn vị thuộc Bộ TN&MT,
- Cổng TTĐT của Bộ TN&MT;
- Lưu: VT, TCMT, KHCN, PC, TTL(230);

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Võ Tuấn Nhân

 

QCVN 65:2018/BTNMT

QUY CHUẨN KỸ THUẬT QUỐC GIA VỀ MÔI TRƯỜNG ĐỐI VỚI PHẾ LIỆU THỦY TINH NHẬP KHẨU LÀM NGUYÊN LIỆU SẢN XUẤT

National technical regulation on environment for imported glass scrap for production

 

Lời nói đầu

QCVN 65:2018/BTNMT do Tổng cục Môi trường biên soạn, Vụ Khoa học và Công nghệ, Vụ Pháp chế trình duyệt, Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định và được ban hành theo Thông tư số 09/2018/TT-BTNMT ngày 14 tháng 9 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.

 

QUY CHUẨN KỸ THUẬT QUỐC GIA VỀ MÔI TRƯỜNG ĐỐI VỚI PHẾ LIỆU THỦY TINH NHẬP KHẨU LÀM NGUYÊN LIỆU SẢN XUẤT

National technical regulation on environment for imported glass scrap for production

1. QUY ĐỊNH CHUNG

1.1. Phạm vi Điều chỉnh:

1.1.1. Quy chuẩn này quy định về các loại phế liệu thủy tinh được phép nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất; các loại phế liệu thủy tinh không được phép nhập khẩu; tạp chất không được lẫn trong phế liệu thủy tinh nhập khẩu; tạp chất không mong muốn được phép còn lẫn trong phế liệu thủy tinh nhập khẩu; các yêu cầu kỹ thuật khác đối với phế liệu thủy tinh nhập khẩu từ nước ngoài.

1.1.2. Quy chuẩn này không điều chỉnh đối với phế liệu thủy tinh nhập khẩu từ các doanh nghiệp trong khu phi thuế quan trên lãnh thổ Việt Nam.

1.2. Đối tượng áp dụng:

1.2.1. Quy chuẩn này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân nhập khẩu và sử dụng phế liệu thủy tinh nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất; các cơ quan quản lý nhà nước liên quan đến hoạt động nhập khẩu và sử dụng phế liệu thủy tinh nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất; các tổ chức đánh giá sự phù hợp có liên quan đến hoạt động nhập khẩu phế liệu thủy tinh từ nước ngoài.

1.2.2. Quy chuẩn này không áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu thủy tinh phát sinh từ hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp trong khu phi thuế quan trên lãnh thổ Việt Nam.

1.3. Giải thích thuật ngữ:

Trong Quy chuẩn này, các thuật ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1.3.1. Tạp chất là các chất, vật liệu không phải là thủy tinh lẫn trong phế liệu thủy tinh nhập khẩu, bao gồm những vật liệu bám dính hoặc không bám dính vào phế liệu thủy tinh nhập khẩu.

1.3.2. Tạp chất nguy hại là chất thải đã được phân định là chất thải nguy hại theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

1.3.3. Mã HS là mã số phân loại hàng hóa xuất nhập khẩu ghi trong Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu do Bộ Tài chính ban hành và Danh mục phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất do Thủ tướng Chính phủ ban hành.

1.3.4. Lô hàng phế liệu thủy tinh nhập khẩu là lượng phế liệu thủy tinh do một tổ chức, cá nhân nhập khẩu đăng ký kiểm tra nhà nước về chất lượng phế liệu thủy tinh nhập khẩu (sau đây gọi tắt là đăng ký kiểm tra) một lần để được nhập khẩu vào Việt Nam.

1.3.5. Cơ quan kiểm tra nhà nước về chất lượng phế liệu thủy tinh nhập khẩu phù hợp với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường là sở Tài nguyên và Môi trường nơi có nhà máy, cơ sở sản xuất sử dụng phế liệu thủy tinh nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất (sau đây gọi tắt là Cơ quan kiểm tra).

1.3.6. Tổ chức giám định được chỉ định là tổ chức giám định đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giám định theo quy định tại Nghị định số 107/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đánh giá sự phù hợp (sau đây gọi tắt là Nghị định số 107/2016/NĐ-CP) và thuộc danh sách các tổ chức giám định được chỉ định thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định tại Nghị định số 74/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 132/2008/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật chất lượng sản phẩm, hàng hóa (sau đây gọi tắt là Nghị định số 74/2018/NĐ-CP). Việc chỉ định, thừa nhận tổ chức giám định nước ngoài thực hiện giám định chất lượng phế liệu nhập khẩu phù hợp quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường trên lãnh thổ Việt Nam được thực hiện theo quy định của pháp luật.

2. QUY ĐỊNH KỸ THUẬT

2.1. Quy định về phân loại, làm sạch phế liệu:

Phế liệu thủy tinh nhập khẩu phải được loại bỏ các chất, dầu, mỡ, hóa chất, thực phẩm, vật liệu, hàng hóa cấm nhập khẩu theo quy định của pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, bảo đảm đáp ứng quy định tại Mục 2.3 và Mục 2.4.

2.2. Quy định về loại phế liệu thủy tinh được phép nhập khẩu:

2.2.1. Phế liệu thủy tinh ở các hình dạng, kích thước khác nhau có mã HS thuộc Danh mục phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất do Thủ tướng Chính phủ ban hành.

2.2.2. Phế liệu thủy tinh có nguồn gốc, xuất xứ sau đây: là các sản phẩm hỏng từ các quá trình nấu thủy tinh hoặc sản xuất các sản phẩm thủy tinh; được lựa chọn, thu hồi từ các sản phẩm thủy tinh đã qua sử dụng nhưng đã được làm sạch dầu, mỡ, hóa chất, thực phẩm.

2.3. Quy định về loại phế liệu thủy tinh không được phép nhập khẩu:

2.3.1. Các loại thủy tinh có nguồn gốc từ màn hình TV, máy tính và các loại bóng đèn.

2.3.2. Các loại thủy tinh có nguồn gốc từ dụng cụ y tế.

2.4. Tạp chất không được lẫn trong phế liệu thủy tinh nhập khẩu:

2.4.1. Hóa chất, chất dễ cháy, chất dễ nổ, chất thải y tế nguy hại.

2.4.2. Vật liệu chứa hoặc nhiễm chất phóng xạ vượt quá mức miễn trừ quy định tại QCVN 05:2010/BKHCN - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn bức xạ - miễn trừ khai báo, cấp giấy phép ban hành kèm theo Thông tư số 15/2010/TT-BKHCN ngày 14 tháng 9 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ.

2.4.3. Tạp chất nguy hại.

2.5. Tạp chất không mong muốn được phép còn lẫn trong phế liệu thủy tinh nhập khẩu, bao gồm:

2.5.1. Các tạp chất bám dính như: bụi, đất, cát.

2.5.2. Lớp sơn phủ trên bề mặt thủy tinh.

2.5.3. Tạp chất khác còn sót lại không phải là thủy tinh mà còn bám dính hoặc bị rời ra từ phế liệu thủy tinh nhập khẩu (trừ Mục 2.5.1 và Mục 2.5.2) đáp ứng yêu cầu tại Mục 2.4. Trong mỗi lô hàng, tổng khối lượng các loại tạp chất quy định tại Mục 2.5.3 này không vượt quá 2% khối lượng của lô hàng.

3. QUY TRÌNH KIỂM TRA, GIÁM ĐỊNH VÀ PHƯƠNG PHÁP XÁC ĐỊNH

3.1. Quy trình kiểm tra, giám định đối với phế liệu thủy tinh nhập khẩu:

Việc kiểm tra, giám định đối với lô hàng phế liệu thủy tinh nhập khẩu được thực hiện thông qua kiểm tra bằng mắt thường hoặc kiểm tra, lấy mẫu phân tích. Cơ quan kiểm tra và tổ chức giám định được chỉ định theo quy định của pháp luật khi thực hiện hoạt động kiểm tra, giám định phế liệu thủy tinh nhập khẩu phải tuân thủ quy trình kiểm tra, giám định tại Mục 3.1.1 và Mục 3.1.2.

3.1.1. Quy trình kiểm tra, giám định tại hiện trường:

a) Hoạt động kiểm tra, giám định tại hiện trường được thực hiện bằng mắt thường đối với tất cả các công ten nơ hoặc khối hàng rời thuộc lô hàng phế liệu thủy tinh nhập khẩu; ước tính tỷ lệ tạp chất và kết hợp với thiết bị đo nhanh một số thông số đối với lô hàng phế liệu thủy tinh.

b) Quy trình kiểm tra, giám định tại hiện trường được thực hiện như sau:

- Kiểm tra tổng quát lô hàng: chủng loại, khối lượng phế liệu, chất lượng phế liệu nhập khẩu;

- Chụp ảnh các vị trí kiểm tra;

- Kiểm tra một số thông số bằng thiết bị đo nhanh tại hiện trường (đối với trường hợp phải thực hiện đo nhanh tại hiện trường);

- Kiểm tra tỷ lệ tạp chất: xác định loại tạp chất đi kèm, ước lượng tỷ lệ phần trăm (%) khối lượng tạp chất đi kèm.

c) Kết quả kiểm tra, giám định tại hiện trường được xử lý theo một trong các trường hợp sau đây:

- Trường hợp lô hàng phế liệu thủy tinh nhập khẩu được kiểm tra, đánh giá phù hợp với Mục 2 của Quy chuẩn này, thì tổ chức giám định được chỉ định cung cấp văn bản kết quả giám định (chứng thư giám định) lô hàng phế liệu thủy tinh cho tổ chức, cá nhân yêu cầu giám định và Cơ quan kiểm tra, làm căn cứ để Cơ quan kiểm tra ra thông báo kết quả kiểm tra nhà nước về chất lượng của lô hàng phế liệu thủy tinh nhập khẩu để làm thủ tục thông quan theo quy định;

- Trường hợp lô hàng phế liệu nhập khẩu không phù hợp với Mục 2 của Quy chuẩn này, thì tổ chức giám định được chỉ định cung cấp văn bản kết quả giám định (chứng thư giám định) lô hàng phế liệu thủy tinh cho tổ chức, cá nhân yêu cầu giám định và Cơ quan kiểm tra, để tiến hành xử lý theo quy định;

- Trường hợp chưa xác định được lô hàng phế liệu thủy tinh nhập khẩu phù hợp với Mục 2 của Quy chuẩn này thì thực hiện theo Mục 3.1.2.

3.1.2. Quy trình kiểm tra, giám định thông qua lấy mẫu phân tích:

a) Việc lấy mẫu để phân tích, đánh giá chất lượng phế liệu thủy tinh nhập khẩu phù hợp với Mục 2 của Quy chuẩn này được thực hiện như sau:

- Tiến hành lấy mẫu đối với lô hàng phế liệu thủy tinh nhập khẩu theo phương pháp tại Mục 3.2.1. Chụp ảnh tất cả các vị trí kiểm tra và các vị trí lấy mẫu;

- Xác định, đánh giá các yêu cầu kỹ thuật quy định tại Mục 2 của Quy chuẩn này. Trường hợp có sử dụng kết quả phân tích của các tổ chức thử nghiệm thì kết quả này phải được thực hiện bởi tổ chức quy định tại Mục 4.4;

- Đối với lô hàng phế liệu thủy tinh nhập khẩu phải lấy từ 02 mẫu đại diện trở lên theo quy định tại Mục 3.2.1 thì kết quả giám định đối với lô hàng phế liệu thủy tinh nhập khẩu là giá trị trung bình của các kết quả phân tích mẫu đại diện.

b) Kết quả kiểm tra, lấy mẫu phân tích chất lượng phế liệu thủy tinh nhập khẩu được xử lý theo một trong các trường hợp sau đây:

- Trường hợp lô hàng phế liệu thủy tinh nhập khẩu được kiểm tra, đánh giá phù hợp với Mục 2 của Quy chuẩn này, thì tổ chức giám định được chỉ định cung cấp văn bản kết quả giám định (chứng thư giám định) lô hàng phế liệu thủy tinh cho tổ chức, cá nhân yêu cầu giám định và Cơ quan kiểm tra, làm căn cứ để Cơ quan kiểm tra ra thông báo kết quả kiểm tra nhà nước về chất lượng của lô hàng phế liệu thủy tinh nhập khẩu để làm thủ tục thông quan theo quy định;

- Trường hợp lô hàng phế liệu thủy tinh nhập khẩu không phù hợp với Mục 2 của Quy chuẩn này, thì tổ chức giám định được chỉ định cung cấp văn bản kết quả giám định (chứng thư giám định) lô hàng phế liệu thủy tinh cho tổ chức, cá nhân yêu cầu giám định và Cơ quan kiểm tra, để tiến hành xử lý theo quy định.

3.2. Phương pháp lấy mẫu và xác định tỷ lệ khối lượng, thành phần tạp chất:

3.2.1. Phương pháp lấy mẫu để xác định tỷ lệ khối lượng, thành phần tạp chất:

a) Đối với lô hàng phế liệu thủy tinh nhập khẩu là hàng rời (không chứa trong công ten nơ)

Mẫu đại diện là mẫu được lấy ngẫu nhiên tại 5 vị trí bất kỳ ở các điểm khác nhau của lô hàng phế liệu thủy tinh nhập khẩu (với khoảng cách giữa các điểm lấy mẫu tương đối đồng đều bảo đảm tính đại diện, theo một trong các hình: hình chữ nhật, hình vuông, hình chóp tam giác, hình chữ z,...). Tổng khối lượng mẫu đại diện là 10 kg. Trường hợp nghi ngờ lô hàng phế liệu thủy tinh nhập khẩu không đảm bảo yêu cầu quy định tại Mục 2 của Quy chuẩn này, Cơ quan kiểm tra quyết định bổ sung mẫu đại diện của lô hàng theo phương pháp lấy mẫu quy định tại mục này, nhưng không quá 03 mẫu đại diện.

b) Đối với lô hàng phế liệu thủy tinh nhập khẩu chứa trong các công ten nơ

Việc giám định chất lượng phế liệu thủy tinh nhập khẩu được thực hiện trên cơ sở lấy và phân tích mẫu đại diện. Một mẫu đại diện bao gồm một hoặc một số mẫu ngẫu nhiên được trộn đều với nhau, sau đó lấy ra 10 kg từ khối mẫu đã được trộn đều để làm mẫu đại diện (có khối lượng là 10 kg).

- Mẫu ngẫu nhiên là mẫu được lấy tại 5 vị trí bất kỳ ở các điểm khác nhau của một công ten nơ được lựa chọn (với khoảng cách giữa các vị trí lấy mẫu tương đối đồng đều bảo đảm tính đại diện, theo một trong các hình: hình chữ nhật, hình vuông, hình chóp tam giác, hình chữ Khối lượng một mẫu ngẫu nhiên là 10 kg.

- Đối với lô hàng phế liệu thủy tinh nhập khẩu có dưới 05 công ten nơ, lựa chọn 01 công ten nơ để lấy mẫu ngẫu nhiên và là mẫu đại diện cho lô hàng phế liệu thủy tinh nhập khẩu.

- Đối với lô hàng phế liệu thủy tinh nhập khẩu có từ 05 đến dưới 20 công ten nơ, lựa chọn 02 công ten nơ để lấy mẫu ngẫu nhiên. Mẫu đại diện là mẫu trộn đều của 02 mẫu ngẫu nhiên.

- Đối với lô hàng phế liệu thủy tinh nhập khẩu có từ 20 công ten nơ trở lên thì lựa chọn 10 % số công ten nơ để lấy các mẫu ngẫu nhiên (số lượng mẫu ngẫu nhiên được làm tròn số). Trường hợp số mẫu ngẫu nhiên nhỏ hơn 10 mẫu thì các mẫu này được trộn đều với nhau thành một mẫu đại diện. Trường hợp số mẫu ngẫu nhiên lớn hơn 10 mẫu thì cứ mỗi 10 mẫu ngẫu nhiên được trộn đều thành một mẫu đại diện; số mẫu ngẫu nhiên lẻ còn lại (nếu có) được trộn đều thành một mẫu đại diện. Một lô hàng phế liệu thủy tinh nhập khẩu có thể có một hoặc một số mẫu đại diện.

3.2.2. Phương pháp xác định tỷ lệ tạp chất:

Tiến hành tách, phân loại các tạp chất bằng các phương pháp cơ, lý để tách riêng tạp chất khỏi thủy tinh và cân khối lượng của các tạp chất này.

Tỷ lệ tạp chất là tỷ lệ khối lượng các tạp chất so với tổng khối lượng mẫu thử, được tính bằng đơn vị phần trăm (%).

3.2.3. Phương pháp xác định thành phần tạp chất:

a) Xác định nồng độ hoạt độ phóng xạ lô phế liệu thủy tinh nhập khẩu thực hiện theo TCVN 7469:2005 (ISO 11932:1996) - Tiêu chuẩn quốc gia về An toàn bức xạ - Đo hoạt độ vật liệu rắn được coi như chất thải không phóng xạ để tái chế, tái sử dụng hoặc chôn cất.

b) Việc xác định ngưỡng chất thải nguy hại trong lượng tạp chất tách ra từ phế liệu thủy tinh nhập khẩu thực hiện theo QCVN 07:2009/BTNMT- Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về ngưỡng chất thải nguy hại ban hành kèm theo Thông tư số 25/2009/TT-BTNMT ngày 16 tháng 11 năm 2009 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường và Danh mục chi tiết của các chất thải nguy hại và chất thải có khả năng là chất thải nguy hại quy định tại Phụ lục 1 Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT ngày 30 tháng 6 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về quản lý chất thải nguy hại.

4. QUY ĐỊNH QUẢN LÝ

4.1. Phế liệu thủy tinh nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất là hàng hóa nhóm 2 nhập khẩu, phải thực hiện kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hóa nhập khẩu theo quy định tại Nghị định số 132/2008/NĐ-QP ngày 31 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật chất lượng sản phẩm, hàng hóa (sau đây gọi tắt là Nghị định số 132/2008/NĐ-CP), Nghị định số 74/2018/NĐ-CP và pháp luật có liên quan.

4.1.1. Tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu thủy tinh làm nguyên liệu sản xuất phải thực hiện các thủ tục đăng ký kiểm tra nhà nước về chất lượng phế liệu thủy tinh nhập khẩu theo quy định pháp luật, cụ thể như sau:

a) Đăng ký kiểm tra nhà nước về chất lượng phế liệu thủy tinh nhập khẩu tại Cơ quan kiểm tra. Hồ sơ đăng ký kiểm tra nhà nước bao gồm: các tài liệu quy định tại Điểm a Khoản 2c Điều 7 Nghị định số 132/2008/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 3 Điều 1 Nghị định số 74/2018/NĐ-CP và các giấy tờ khác có liên quan đến hoạt động nhập khẩu phế liệu theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường;

b) Thông báo bằng văn bản cho cơ quan hải quan, Cơ quan kiểm tra và tổ chức giám định được chỉ định về thời gian, địa điểm kiểm tra, lấy mẫu để đánh giá chất lượng phế liệu thủy tinh nhập khẩu theo quy định của pháp luật;

c) Phối hợp với Cơ quan kiểm tra và cơ quan liên quan trong quá trình kiểm tra, giám định chất lượng phế liệu thủy tinh nhập khẩu.

4.1.2. Cơ quan kiểm tra tiếp nhận, kiểm tra và xử lý hồ sơ đăng ký kiểm tra nhà nước về chất lượng phế liệu thủy tinh nhập khẩu theo quy định tại Khoản 2c Điều 7 Nghị định số 132/2008/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 3 Điều 1 Nghị định số 74/2018/NĐ-CP, cụ thể như sau:

a) Tiếp nhận hồ sơ đăng ký kiểm tra nhà nước về chất lượng phế liệu thủy tinh nhập khẩu;

b) Chủ trì, phối hợp với cơ quan hải quan, tổ chức giám định được chỉ định và cơ quan liên quan tổ chức thực hiện kiểm tra, lấy mẫu (đối với trường hợp phải lấy mẫu) để đánh giá chất lượng lô hàng phế liệu thủy tinh nhập khẩu theo quy định của pháp luật;

c) Thông báo kết quả kiểm tra nhà nước về chất lượng phế liệu thủy tinh nhập khẩu cho tổ chức, cá nhân đăng ký kiểm tra theo quy định của pháp luật.

4.2. Lô hàng phế liệu thủy tinh nhập khẩu vào Việt Nam phải được kiểm tra, giám định, đánh giá sự phù hợp với các quy định kỹ thuật tại Mục 2 của Quy chuẩn này, làm cơ sở để Cơ quan kiểm tra xử lý theo quy định của pháp luật.

4.3. Việc giám định phế liệu thủy tinh nhập khẩu được thực hiện bởi tổ chức giám định được chỉ định hoặc thừa nhận theo quy định của pháp luật.

4.4. Việc xác định hàm lượng, nồng độ các thông số môi trường phải được thực hiện bởi các tổ chức đã được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường theo quy định tại Nghị định số 127/2014/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2014 của Chính phủ quy định điều kiện của tổ chức hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường. Việc xác định tỷ lệ, khối lượng, thành phần tạp chất và các thông số khác được thực hiện bởi tổ chức đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động thử nghiệm theo quy định tại Nghị định số 107/2016/NĐ-CP.

4.5. Tổ chức giám định được chỉ định cung cấp văn bản về kết quả giám định lô hàng phế liệu thủy tinh (chứng thư giám định) cho tổ chức, cá nhân yêu cầu giám định và Cơ quan kiểm tra. Trong đó, nội dung chứng thư giám định phải thể hiện đầy đủ các kết quả về tỷ lệ khối lượng, thành phần tạp chất và các quy định kỹ thuật khác tại Mục 2 của Quy chuẩn này (gửi kèm theo: ảnh chụp các vị trí kiểm tra và các vị trí lấy mẫu được lưu trữ trong đĩa CD/DVD; phiếu trả kết quả phân tích, thử nghiệm của các mẫu đại diện được cung cấp bởi tổ chức đã được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường hoặc Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động thử nghiệm).

5. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

5.1. Cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường và tổ chức, cá nhân liên quan đến việc nhập khẩu phế liệu thủy tinh từ nước ngoài phải tuân thủ quy định tại Quy chuẩn này.

5.2. Cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện Quy chuẩn này.

5.3. Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật viện dẫn tại Quy chuẩn này có sửa đổi, bổ sung hoặc được thay thế thì thực hiện theo quy định tại văn bản mới. Trường hợp các tiêu chuẩn viện dẫn tại Quy chuẩn này có sửa đổi, bổ sung hoặc được thay thế thì thực hiện theo văn bản mới./.

 

QCVN 66:2018/BTNMT

QUY CHUẨN KỸ THUẬT QUỐC GIA VỀ MÔI TRƯỜNG ĐỐI VỚI PHẾ LIỆU KIM LOẠI MÀU NHẬP KHẨU LÀM NGUYÊN LIỆU SẢN XUẤT

National technical regulation on environment for imported non-ferrous metal scraps for production

 

Lời nói đầu

QCVN 66:2018/BTNMT do Tổng cục Môi trường biên soạn, Vụ Khoa học và Công nghệ, Vụ Pháp chế trình duyệt; Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định và được ban hành theo Thông tư số 09/2018/TT-BTNMT ngày 14 tháng 9 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.

 

QUY CHUẨN KỸ THUẬT QUỐC GIA VỀ MÔI TRƯỜNG ĐỐI VỚI PHẾ LIỆU KIM LOẠI MÀU NHẬP KHẨU LÀM NGUYÊN LIỆU SẢN XUẤT

National technical regulation on environment for imported non-ferrous metal scraps for production

1. QUY ĐỊNH CHUNG

1.1. Phạm vi điều chỉnh:

1.1.1. Quy chuẩn này quy định về các loại phế liệu kim loại màu được phép nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất; các loại phế liệu kim loại màu không được phép nhập khẩu; tạp chất không được lẫn trong phế liệu kim loại màu nhập khẩu; tạp chất không mong muốn được phép còn lẫn trong phế liệu kim loại màu nhập khẩu; các yêu cầu kỹ thuật khác đối với phế liệu kim loại màu nhập khẩu từ nước ngoài.

1.1.2. Quy chuẩn này không điều chỉnh đối với phế liệu kim loại màu nhập khẩu từ các doanh nghiệp trong khu phi thuế quan trên lãnh thổ Việt Nam.

1.2. Đối tượng áp dụng:

1.2.1. Quy chuẩn này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân nhập khẩu và sử dụng phế liệu kim loại màu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất; các cơ quan quản lý nhà nước liên quan đến hoạt động nhập khẩu và sử dụng phế liệu kim loại màu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất; các tổ chức đánh giá sự phù hợp có liên quan đến hoạt động nhập khẩu phế liệu kim loại màu từ nước ngoài.

1.2.2. Quy chuẩn này không áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu kim loại màu phát sinh từ hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp trong khu phi thuế quan trên lãnh thổ Việt Nam.

1.3. Giải thích thuật ngữ:

Trong Quy chuẩn này, các thuật ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1.3.1. Phế liệu kim loại màu trong Quy chuẩn này bao gồm các loại phế liệu sau: đồng, nhôm, niken, kẽm, thiếc, vonfram, molypden, magie, titan, zircon, antimony, mangan, crom được quy định thuộc Danh mục phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất do Thủ tướng Chính phủ ban hành.

1.3.2. Tạp chất là các chất, vật liệu không phải là loại kim loại màu nhập khẩu, bao gồm những vật liệu bám dính hoặc không bám dính vào phế liệu loại kim loại màu đó. Ví dụ: tất cả những loại vật liệu không phải là đồng (Cu) hay hợp kim đồng, nếu có lẫn trong phế liệu đồng nhập khẩu thì đều được coi là tạp chất.

1.3.3. Tạp chất nguy hại là chất thải đã được phân định là chất thải nguy hại theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

1.3.4. Mã HS là mã số phân loại hàng hóa xuất nhập khẩu ghi trong Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu do Bộ Tài chính ban hành và Danh mục phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất do Thủ tướng Chính phủ ban hành.

1.3.5. Lô hàng phế liệu kim loại màu nhập khẩu là lượng phế liệu kim loại màu tương ứng với một mã HS nhất định, do một tổ chức, cá nhân nhập khẩu đăng ký kiểm tra nhà nước về chất lượng phế liệu nhập khẩu (sau đây gọi tắt là đăng ký kiểm tra) một lần để được nhập khẩu vào Việt Nam. Trong một lô hàng phế liệu kim loại màu nhập khẩu, một tổ chức, cá nhân nhập khẩu không được đăng ký kiểm tra nhiều hơn một loại phế liệu kim loại màu.

1.3.6. Cơ quan kiểm tra nhà nước về chất lượng phế liệu kim loại màu nhập khẩu phù hợp với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường là Sở Tài nguyên và Môi trường nơi có nhà máy, cơ sở sản xuất sử dụng phế liệu kim loại màu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất (sau đây gọi tắt là Cơ quan kiểm tra).

1.3.7. Tổ chức giám định được chỉ định là tổ chức giám định đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giám định theo quy định tại Nghị định số 107/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đánh giá sự phù hợp (sau đây gọi tắt là Nghị định số 107/2016/NĐ-CP) và thuộc danh sách các tổ chức giám định được chỉ định thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định tại Nghị định số 74/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 132/2008/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật chất lượng sản phẩm, hàng hóa (sau đây gọi tắt là Nghị định số 74/2018/NĐ-CP). Việc chỉ định, thừa nhận tổ chức giám định nước ngoài thực hiện giám định chất lượng phế liệu nhập khẩu phù hợp quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường trên lãnh thổ Việt Nam được thực hiện theo quy định của pháp luật.

2. QUY ĐỊNH KỸ THUẬT

2.1. Quy định về phân loại, làm sạch phế liệu:

2.1.1. Phế liệu kim loại màu nhập khẩu phải được loại các chất, vật liệu, hàng hóa cấm nhập khẩu theo quy định của pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, bảo đảm đáp ứng các yêu cầu cụ thể tại Mục 2.3 và Mục 2.4.

2.1.2. Phế liệu kim loại màu ở dạng rời hoặc được buộc thành bó; ép thành khối, cục hay đóng thành kiện và bánh, trừ các loại quy định tại Mục 2.3.1.

2.2. Quy định về loại phế liệu kim loại màu được phép nhập khẩu:

2.2.1. Phế liệu kim loại màu nhập khẩu có mã HS thuộc Danh mục phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất do Thủ tướng Chính phủ ban hành.

2.2.2. Phế liệu kim loại màu nhập khẩu có hình dạng, kích thước khác nhau, như: đoạn thanh, đoạn ống, đầu mẩu, đầu tấm, đầu cắt, lưới, dây, phoi, sợi, hình khối, thỏi, mảnh vụn. Lõi dây điện, lõi cáp điện bằng kim loại màu phải được loại bỏ vỏ bọc cách điện bằng nhựa, cao su hoặc bằng các loại vật liệu cách điện khác trước khi vận chuyển đến Việt Nam; riêng dây điện từ (dây kim loại màu có lớp bọc cách điện bằng sơn men, sợi bông hoặc giấy) thì không bắt buộc phải loại bỏ lớp cách điện này.

2.2.3. Phế liệu kim loại màu nhập khẩu có nguồn gốc xuất xứ sau đây: được loại ra từ các quá trình gia công kim loại hoặc các quá trình sản xuất khác; được lựa chọn, thu hồi từ công trình xây dựng, phương tiện vận tải, máy móc, thiết bị và các sản phẩm khác sau khi đã cắt phá, tháo dỡ tại nước ngoài hoặc lãnh thổ xuất khẩu để loại bỏ các tạp chất, vật liệu cấm nhập khẩu theo quy định của pháp luật Việt Nam.

2.2.4. Phế liệu kim loại màu nhập khẩu còn bám dính một số tạp chất không mong muốn như quy định tại Mục 2.5.

2.3. Quy định về loại phế liệu kim loại màu không được phép nhập khẩu:

2.3.1. Vỏ bao bì, thùng, lon, hộp và đồ chứa khác bằng kim loại màu hoặc hợp kim của kim loại màu đã sử dụng được ép thành khối, cục hay đóng thành kiện và bánh.

2.3.2. Vỏ bao bì, thùng, lon, hộp và đồ chứa khác bằng kim loại màu hoặc hợp kim của kim loại màu đã sử dụng để chứa dầu, nhớt, mỡ, hóa chất, thực phẩm mà chưa được làm sạch để đáp ứng các quy định tại Mục 2.4 và Mục 2.5.

2.3.3. Phế liệu kim loại màu nhập khẩu có mức nồng độ hoạt độ phóng xạ và mức nhiễm xạ bề mặt của kim loại vượt quá mức quy định tại Thông tư số 22/2014/TT-BKHCN ngày 25 tháng 8 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về quản lý chất thải phóng xạ và nguồn phóng xạ đã qua sử dụng (Phụ lục IV - Mức nồng độ hoạt độ phóng xạ và nhiễm bẩn phóng xạ bề mặt của kim loại cho phép được tái chế).

2.4. Tạp chất không được lẫn trong phế liệu kim loại màu nhập khẩu:

2.4.1. Hóa chất, chất dễ cháy, chất dễ nổ, chất thải y tế nguy hại.

2.4.2. Vũ khí, bom, mìn, đạn, bình kín, bình ga mà chưa được cắt phá, tháo dỡ tại nước ngoài hoặc lãnh thổ xuất khẩu để loại bỏ nguy cơ về an toàn cháy, nổ.

2.4.3. Vật liệu chứa hoặc nhiễm chất phóng xạ vượt quá mức miễn trừ quy định tại QCVN 05:2010/BKHCN - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn bức xạ - miễn trừ khai báo, cấp giấy phép ban hành kèm theo Thông tư số 15/2010/TT-BKHCN ngày 14 tháng 9 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ.

2.4.4. Tạp chất nguy hại.

2.5. Tạp chất không mong muốn được phép còn lẫn trong phế liệu kim loại màu nhập khẩu:

2.5.1. Các tạp chất bám dính như: lớp gỉ sét, bụi, đất, cát.

2.5.2. Các vật liệu còn sót lại sau khi sử dụng, còn bám dính vào kim loại màu như: dầu, mỡ, sơn, lớp mạ, vật liệu khác không phải là kim loại màu.

2.5.3. Tạp chất khác còn sót lại không phải là loại kim loại màu đăng ký nhập khẩu hoặc hợp kim của kim loại màu đó mà còn bám dính hoặc bị rời ra từ phế liệu kim loại màu nhập khẩu (trừ Mục 2.5.1 và Mục 2.5.2) đáp ứng yêu cầu tại Mục 2.4. Trong mỗi lô hàng, tổng khối lượng các loại tạp chất quy định tại Mục 2.5.3 này không vượt quá 2% khối lượng của lô hàng.

3. QUY TRÌNH KIỂM TRA, GIÁM ĐỊNH VÀ PHƯƠNG PHÁP XÁC ĐỊNH

3.1. Quy trình kiểm tra, giám định đối với phế liệu nhập khẩu:

Việc kiểm tra, giám định đối với lô hàng phế liệu kim loại màu nhập khẩu được thực hiện thông qua kiểm tra bằng mắt thường hoặc kiểm tra, lấy mẫu phân tích. Cơ quan kiểm tra và tổ chức giám định được chỉ định theo quy định của pháp luật khi thực hiện hoạt động kiểm tra, giám định phế liệu kim loại màu nhập khẩu phải tuân thủ quy trình kiểm tra, giám định tại Mục 3.1.1 và Mục 3.1.2.

3.1.1. Quy trình kiểm tra, giám định tại hiện trường:

a) Hoạt động kiểm tra, giám định tại hiện trường được thực hiện bằng mắt thường đối với tất cả các công ten nơ hoặc khối hàng rời thuộc lô hàng phế liệu kim loại màu nhập khẩu; ước tính tỷ lệ tạp chất và kết hợp với thiết bị đo nhanh một số thông số đối với lô hàng phế liệu kim loại màu.

b) Quy trình kiểm tra, giám định tại hiện trường được thực hiện như sau:

- Kiểm tra tổng quát lô hàng: chủng loại, khối lượng phế liệu, chất lượng phế liệu nhập khẩu;

- Chụp ảnh các vị trí kiểm tra;

- Kiểm tra một số thông số bằng thiết bị đo nhanh tại hiện trường (đối với trường hợp phải thực hiện đo nhanh tại hiện trường);

- Kiểm tra tỷ lệ tạp chất: xác định loại tạp chất đi kèm, ước lượng tỷ lệ phần trăm (%) khối lượng tạp chất đi kèm.

c) Kết quả kiểm tra, giám định tại hiện trường được xử lý theo một trong các trường hợp sau đây:

- Trường hợp lô hàng phế liệu kim loại màu nhập khẩu được kiểm tra, đánh giá phù hợp với Mục 2 của Quy chuẩn này, thì tổ chức giám định được chỉ định cung cấp văn bản kết quả giám định (chứng thư giám định) lô hàng phế liệu kim loại màu cho tổ chức, cá nhân yêu cầu giám định và Cơ quan kiểm tra, làm căn cứ để Cơ quan kiểm tra ra thông báo kết quả kiểm tra nhà nước về chất lượng của lô hàng phế liệu kim loại màu nhập khẩu để làm thủ tục thông quan theo quy định;

- Trường hợp lô hàng phế liệu nhập khẩu không phù hợp với Mục 2 của Quy chuẩn này, thì tổ chức giám định được chỉ định cung cấp văn bản kết quả giám định (chứng thư giám định) lô hàng phế liệu kim loại màu cho tổ chức, cá nhân yêu cầu giám định và Cơ quan kiểm tra, để tiến hành xử lý theo quy định;

- Trường hợp chưa xác định được lô hàng phế liệu kim loại màu nhập khẩu phù hợp với Mục 2 của Quy chuẩn này thì thực hiện theo Mục 3.1.2.

3.1.2. Quy trình kiểm tra, giám định thông qua lấy mẫu phân tích:

a) Việc lấy mẫu để phân tích, đánh giá chất lượng phế liệu kim loại màu nhập khẩu phù hợp với Mục 2 của Quy chuẩn này được thực hiện như sau:

- Tiến hành lấy mẫu đối với lô hàng phế liệu kim loại màu nhập khẩu theo phương pháp tại Mục 3.2.1. Chụp ảnh tất cả các vị trí kiểm tra và các vị trí lấy mẫu;

- Xác định, đánh giá các yêu cầu kỹ thuật quy định tại Mục 2 của Quy chuẩn này. Trường hợp có sử dụng kết quả phân tích của các tổ chức thử nghiệm thì kết quả này phải được thực hiện bởi tổ chức quy định tại Mục 4.4;

- Đối với lô hàng phế liệu kim loại màu nhập khẩu phải lấy từ 02 mẫu đại diện trở lên theo quy định tại Mục 3.2.1 thì kết quả giám định đối với lô hàng phế liệu kim loại màu nhập khẩu là giá trị trung bình của các kết quả phân tích mẫu đại diện.

b) Kết quả kiểm tra, lấy mẫu phân tích chất lượng phế liệu kim loại màu nhập khẩu được xử lý theo một trong các trường hợp sau đây:

- Trường hợp lô hàng phế liệu kim loại màu nhập khẩu được kiểm tra, đánh giá phù hợp với Mục 2 của Quy chuẩn này, thì tổ chức giám định được chỉ định cung cấp văn bản kết quả giám định (chứng thư giám định) lô hàng phế liệu kim loại màu cho tổ chức, cá nhân yêu cầu giám định và Cơ quan kiểm tra, làm căn cứ để Cơ quan kiểm tra ra thông báo kết quả kiểm tra nhà nước về chất lượng của lô hàng phế liệu kim loại màu nhập khẩu để làm thủ tục thông quan theo quy định;

- Trường hợp lô hàng phế liệu kim loại màu nhập khẩu không phù hợp với Mục 2 của Quy chuẩn này, thì tổ chức giám định được chỉ định cung cấp văn bản kết quả giám định (chứng thư giám định) lô hàng phế liệu kim loại màu cho tổ chức, cá nhân yêu cầu giám định và Cơ quan kiểm tra, để tiến hành xử lý theo quy định.

3.2. Phương pháp lấy mẫu và xác định tỷ lệ khối lượng, thành phần tạp chất:

3.2.1. Phương pháp lấy mẫu để xác định tỷ lệ khối lượng, thành phần tạp chất:

a) Đối với lô hàng phế liệu kim loại màu nhập khẩu là hàng rời (không chứa trong công ten nơ)

Mẫu đại diện là mẫu được lấy ngẫu nhiên tại 5 vị trí bất kỳ ở các điểm khác nhau của lô hàng phế liệu kim loại màu nhập khẩu (với khoảng cách giữa các điểm lấy mẫu tương đối đồng đều bảo đảm tính đại diện, theo một trong các hình: hình chữ nhật, hình vuông, hình chóp tam giác, hình chữ Z,...) Tổng khối lượng mẫu đại diện là 50 kg. Trường hợp nghi ngờ lô hàng phế liệu kim loại màu nhập khẩu không đảm bảo yêu cầu quy định tại Mục 2 của Quy chuẩn này, Cơ quan kiểm tra quyết định bổ sung mẫu đại diện của lô hàng theo phương pháp lấy mẫu quy định tại mục này, nhưng không quá 03 mẫu đại diện.

b) Đối với lô hàng phế liệu kim loại màu nhập khẩu chứa trong các công ten nơ

Việc giám định chất lượng phế liệu kim loại màu nhập khẩu được thực hiện trên cơ sở lấy và phân tích mẫu đại diện. Một mẫu đại diện bao gồm một hoặc một số mẫu ngẫu nhiên được trộn đều với nhau, sau đó lấy ra 50 kg từ khối mẫu đã được trộn đều để làm mẫu đại diện (có khối lượng là 50 kg).

- Mẫu ngẫu nhiên là mẫu được lấy tại 5 vị trí bất kỳ ở các điểm khác nhau của một công ten nơ được lựa chọn (với khoảng cách giữa các vị trí lấy mẫu tương đối đồng đều bảo đảm tính đại diện, theo một trong các hình: hình chữ nhật, hình vuông, hình chóp tam giác, hình chữ Z,…). Khối lượng một mẫu ngẫu nhiên là 50 kg;

- Đối với lô hàng phế liệu kim loại màu nhập khẩu có dưới 05 công ten nơ, lựa chọn 01 công ten nơ để lấy mẫu ngẫu nhiên và là mẫu đại diện cho lô hàng phế liệu kim loại màu nhập khẩu;

- Đối với lô hàng phế liệu kim loại màu nhập khẩu có từ 05 đến dưới 20 công ten nơ, lựa chọn 02 công ten nơ để lấy mẫu ngẫu nhiên. Mẫu đại diện là mẫu trộn đều của 02 mẫu ngẫu nhiên;

- Đối với lô hàng phế liệu kim loại màu nhập khẩu có từ 20 công ten nơ trở lên thì lựa chọn 10 % số công ten nơ để lấy các mẫu ngẫu nhiên (số lượng mẫu ngẫu nhiên được làm tròn số). Trường hợp số mẫu ngẫu nhiên nhỏ hơn 10 mẫu thì các mẫu này được trộn đều với nhau thành một mẫu đại diện. Trường hợp số mẫu ngẫu nhiên lớn hơn 10 mẫu thì cứ mỗi 10 mẫu ngẫu nhiên được trộn đều thành một mẫu đại diện; số mẫu ngẫu nhiên lẻ còn lại (nếu có) được trộn đều thành một mẫu đại diện. Một lô hàng phế liệu kim loại màu nhập khẩu có thể có một hoặc một số mẫu đại diện.

3.2.2. Phương pháp xác định tỷ lệ tạp chất:

Tiến hành tách, phân loại các tạp chất bằng các phương pháp cơ, lý để tách riêng tạp chất khỏi kim loại màu và cân khối lượng của các tạp chất này.

Tỷ lệ tạp chất là tỷ lệ khối lượng các tạp chất so với tổng khối lượng mẫu thử, được tính bằng đơn vị phần trăm (%).

3.2.3. Phương pháp xác định thành phần tạp chất:

a) Phương pháp lấy mẫu và phân tích xác định hoạt độ phóng xạ: TCVN 7469:2005 (ISO 11932:1996) - Tiêu chuẩn quốc gia về An toàn bức xạ - Đo hoạt độ vật liệu rắn được coi như chất thải không phóng xạ để tái chế, tái sử dụng hoặc chôn cất; TCVN 7078-1:2002 (ISO 7503-1:1988); Tiêu chuẩn quốc gia về An toàn bức xạ - Đánh giá nhiễm xạ bề mặt - Phần 1: Nguồn phát bêta (năng lượng bêta cực đại lớn hơn 0,15 MeV) và nguồn phát alpha; TCVN 7078-2:2007 (ISO 7503-2:1988) - Tiêu chuẩn quốc gia về An toàn bức xạ - Đánh giá nhiễm xạ bề mặt - Phần 2: Nhiễm xạ triti trên bề mặt; ISO 7503- 3:2016, Measurement of radioactivity - Measurement and evaluation of surface contamination - Part 3: Apparatus calibration.

b) Việc xác định ngưỡng chất thải nguy hại trong lượng tạp chất tách ra từ phế liệu kim loại màu nhập khẩu thực hiện theo QCVN 07:2009/BTNMT- Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về ngưỡng chất thải nguy hại ban hành kèm theo Thông tư số 25/2009/TT-BTNMT ngày 16 tháng 11 năm 2009 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường và Danh mục chi tiết của các chất thải nguy hại và chất thải có khả năng là chất thải nguy hại quy định tại Phụ lục 1 Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT ngày 30 tháng 6 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về quản lý chất thải nguy hại.

4. QUY ĐỊNH QUẢN LÝ

4.1. Phế liệu kim loại màu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất là hàng hóa nhóm 2 nhập khẩu, phải thực hiện kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hóa nhập khẩu theo quy định tại Nghị định số 132/2008/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật chất lượng sản phẩm, hàng hóa (sau đây gọi tắt là Nghị định số 132/2008/NĐ-CP), Nghị định số 74/2018/NĐ-CP và pháp luật có liên quan.

4.1.1. Tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu kim loại màu làm nguyên liệu sản xuất phải thực hiện các thủ tục đăng ký kiểm tra nhà nước về chất lượng phế liệu kim loại màu nhập khẩu theo quy định pháp luật, cụ thể như sau:

a) Đăng ký kiểm tra nhà nước về chất lượng phế liệu kim loại màu nhập khẩu tại Cơ quan kiểm tra. Hồ sơ đăng ký kiểm tra nhà nước bao gồm: các tài liệu quy định tại Điểm a Khoản 2c Điều 7 Nghị định số 132/2008/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 3 Điều 1 Nghị định số 74/2018/NĐ-CP và các giấy tờ khác có liên quan đến hoạt động nhập khẩu phế liệu theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường;

b) Thông báo bằng văn bản cho cơ quan hải quan, Cơ quan kiểm tra và tổ chức giám định được chỉ định về thời gian, địa điểm kiểm tra, lấy mẫu để đánh giá chất lượng phế liệu kim loại màu nhập khẩu theo quy định của pháp luật;

c) Phối hợp với Cơ quan kiểm tra và cơ quan liên quan trong quá trình kiểm tra, giám định chất lượng phế liệu kim loại màu nhập khẩu.

4.1.2. Cơ quan kiểm tra tiếp nhận, kiểm tra và xử lý hồ sơ đăng ký kiểm tra nhà nước về chất lượng phế liệu kim loại màu nhập khẩu theo quy định tại Khoản 2c Điều 7 Nghị định số 132/2008/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 3 Điều 1 Nghị định số 74/2018/NĐ-CP, cụ thể như sau:

a) Tiếp nhận hồ sơ đăng ký kiểm tra nhà nước về chất lượng phế liệu kim loại màu nhập khẩu;

b) Chủ trì, phối hợp với cơ quan hải quan, tổ chức giám định được chỉ định và cơ quan liên quan tổ chức thực hiện kiểm tra, lấy mẫu (đối với trường hợp phải lấy mẫu) để đánh giá chất lượng lô hàng phế liệu kim loại màu nhập khẩu theo quy định của pháp luật;

c) Thông báo kết quả kiểm tra nhà nước về chất lượng phế liệu kim loại màu nhập khẩu cho tổ chức, cá nhân đăng ký kiểm tra theo quy định của pháp luật.

4.2. Lô hàng phế liệu kim loại màu nhập khẩu vào Việt Nam phải được kiểm tra, giám định, đánh giá sự phù hợp với các quy định kỹ thuật tại Mục 2 của Quy chuẩn này, làm cơ sở để Cơ quan kiểm tra xử lý theo quy định của pháp luật.

4.3. Việc giám định phế liệu kim loại màu nhập khẩu được thực hiện bởi tổ chức giám định được chỉ định hoặc thừa nhận theo quy định của pháp luật.

4.4. Việc xác định hàm lượng, nồng độ các thông số môi trường phải được thực hiện bởi các tổ chức đã được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường theo quy định tại Nghị định số 127/2014/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2014 của Chính phủ quy định điều kiện của tổ chức hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường. Việc xác định tỷ lệ khối lượng, thành phần tạp chất và các thông số khác được thực hiện bởi tổ chức đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động thử nghiệm theo quy định tại Nghị định số 107/2016/NĐ-CP.

4.5. Tổ chức giám định được chỉ định cung cấp văn bản về kết quả giám định lô hàng phế liệu kim loại màu (chứng thư giám định) cho tổ chức, cá nhân yêu cầu giám định và Cơ quan kiểm tra. Trong đó, nội dung chứng thư giám định phải thể hiện đầy đủ các kết quả về tỷ lệ khối lượng, thành phần tạp chất và các quy định kỹ thuật khác tại Mục 2 của Quy chuẩn này (gửi kèm theo: ảnh chụp các vị trí kiểm tra và các vị trí lấy mẫu được lưu trữ trong đĩa CD/DVD; phiếu trả kết quả phân tích, thử nghiệm của các mẫu đại diện được cung cấp bởi tổ chức đã được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường hoặc Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động thử nghiệm).

5. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

5.1. Cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường và tổ chức, cá nhân liên quan đến việc nhập khẩu phế liệu kim loại màu từ nước ngoài phải tuân thủ quy định tại Quy chuẩn này.

5.2. Cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện Quy chuẩn này.

5.3. Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật viện dẫn tại Quy chuẩn này có sửa đổi, bổ sung hoặc được thay thế thì thực hiện theo quy định tại văn bản mới. Trường hợp các tiêu chuẩn viện dẫn tại Quy chuẩn này có sửa đổi, bổ sung hoặc được thay thế thì thực hiện theo văn bản mới./.

 

QCVN 67:2018/BTNMT

QUY CHUẨN KỸ THUẬT QUỐC GIA VỀ MÔI TRƯỜNG ĐỐI VỚI PHẾ LIỆU XỈ HẠT LÒ CAO (XỈ HẠT NHỎ, XỈ CÁT TỪ CÔNG NGHIỆP LUYỆN SẮT HOẶC THÉP) NHẬP KHẨU LÀM NGUYÊN LIỆU SẢN XUẤT

National technical regulation on environment for imported slag from iron or steel industry for production

 

Lời nói đầu

QCVN 67:2018/BTNMT do Tổng cục Môi trường biên soạn, Vụ Khoa học và Công nghệ, Vụ Pháp chế trình duyệt, Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định và được ban hành theo Thông tư số 09/2018/TT-BTNMT ngày 14 tháng 9 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.

 

QUY CHUẨN KỸ THUẬT QUỐC GIA VỀ MÔI TRƯỜNG ĐỐI VỚI PHẾ LIỆU XỈ HẠT LÒ CAO (XỈ HẠT NHỎ, XỈ CÁT TỪ CÔNG NGHIỆP LUYỆN SẮT HOẶC THÉP) NHẬP KHẨU LÀM NGUYÊN LIỆU SẢN XUẤT

National technical regulation on environment for imported slag from iron or steel industry for production

1. QUY ĐỊNH CHUNG

1.1. Phạm vi điều chỉnh:

1.1.1. Quy chuẩn này quy định về phế liệu xỉ hạt lò cao (xỉ hạt nhỏ, xỉ cát từ công nghiệp luyện gang, sắt, thép) nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất xi măng; tạp chất không được lẫn trong phế liệu xỉ hạt lò cao nhập khẩu; các yêu cầu kỹ thuật khác đối với phế liệu xỉ hạt lò cao nhập khẩu từ nước ngoài.

1.1.2. Quy chuẩn này không điều chỉnh đối với phế liệu xỉ hạt lò cao nhập khẩu từ các doanh nghiệp trong khu phi thuế quan trên lãnh thổ Việt Nam.

1.2. Đối tượng áp dụng:

1.2.1. Quy chuẩn này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân nhập khẩu và sử dụng phế liệu xỉ hạt lò cao nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất xi măng; các cơ quan quản lý nhà nước liên quan đến hoạt động nhập khẩu và sử dụng phế liệu xỉ hạt lò cao nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất; các tổ chức đánh giá sự phù hợp có liên quan đến hoạt động nhập khẩu phế liệu xỉ hạt lò cao từ nước ngoài.

1.2.2. Quy chuẩn này không áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu xỉ hạt lò cao phát sinh từ hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp trong khu phi thuế quan trên lãnh thổ Việt Nam.

1.3. Giải thích thuật ngữ:

Trong Quy chuẩn này, các thuật ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1.3.1. Tạp chất là các chất, vật liệu không phải là xỉ hạt lò cao lẫn trong phế liệu xỉ hạt lò cao nhập khẩu.

1.3.2. Tạp chất nguy hại là chất thải đã được phân định là chất thải nguy hại theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

1.3.3. Mã HS là mã số phân loại hàng hóa xuất nhập khẩu ghi trong Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu do Bộ Tài chính ban hành và Danh mục phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất do Thủ tướng Chính phủ ban hành.

1.3.4. Lô hàng phế liệu xỉ hạt lò cao nhập khẩu là lượng phế liệu xỉ hạt lò cao do một tổ chức, cá nhân nhập khẩu đăng ký kiểm tra nhà nước về chất lượng phế liệu xỉ hạt lò cao nhập khẩu (sau đây gọi tắt là đăng ký kiểm tra) một lần để được nhập khẩu vào Việt Nam.

1.3.5. Cơ quan kiểm tra nhà nước về chất lượng phế liệu xỉ hạt lò cao nhập khẩu phù hợp với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường là Sở Tài nguyên và Môi trường nơi có nhà máy, cơ sở sản xuất sử dụng phế liệu xỉ hạt lò cao nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất (sau đây gọi tắt là Cơ quan kiểm tra).

1.3.6. Tổ chức giám định được chỉ định là tổ chức giám định đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giám định theo quy định tại Nghị định số 107/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đánh giá sự phù hợp (sau đây gọi tắt là Nghị định số 107/2016/NĐ-CP) và thuộc danh sách các tổ chức giám định được chỉ định thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định tại Nghị định số 74/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 132/2008/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật chất lượng sản phẩm, hàng hóa (sau đây gọi tắt là Nghị định số 74/2018/NĐ-CP). Việc chỉ định, thừa nhận tổ chức giám định nước ngoài thực hiện giám định chất lượng phế liệu nhập khẩu phù hợp quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường trên lãnh thổ Việt Nam được thực hiện theo quy định của pháp luật.

2. QUY ĐỊNH KỸ THUẬT

2.1. Quy định về phân loại, làm sạch phế liệu:

Phế liệu xỉ hạt lò cao nhập khẩu phải được loại bỏ các chất, vật liệu, hàng hóa cấm nhập khẩu theo quy định của pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, bảo đảm đáp ứng các yêu cầu cụ thể tại Mục 2.2 và Mục 2.3.

2.2. Quy định về loại phế liệu xỉ hạt lò cao được phép nhập khẩu:

2.2.1. Phế liệu xỉ hạt lò cao nhập khẩu ở dạng bột hoặc dạng hạt có mã HS thuộc Danh mục phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất do Thủ tướng Chính phủ ban hành.

2.2.2. Phế liệu xỉ hạt lò cao nhập khẩu phải có chất lượng phù hợp với quy định tại QCVN 16:2017/BXD - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng - xỉ hạt lò cao dùng để sản xuất xi măng.

2.3. Tạp chất không được lẫn trong phế liệu xỉ hạt lò cao nhập khẩu:

2.3.1. Hóa chất, chất dễ cháy, chất dễ nổ, chất thải y tế nguy hại.

2.3.2. Vũ khí, bom, mìn, đạn, bình kín, bình ga mà chưa được cắt phá, tháo dỡ tại nước ngoài hoặc lãnh thổ xuất khẩu để loại bỏ nguy cơ về an toàn cháy, nổ.

2.3.3. Vật liệu chứa hoặc nhiễm chất phóng xạ vượt quá mức miễn trừ quy định tại QCVN 05:2010/BKHCN - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn bức xạ - miễn trừ khai báo, cấp giấy phép ban hành kèm theo Thông tư số 15/2010/TT-BKHCN ngày 14 tháng 9 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ.

2.3.4. Tạp chất nguy hại.

3. QUY TRÌNH KIỂM TRA, GIÁM ĐỊNH VÀ PHƯƠNG PHÁP XÁC ĐỊNH

3.1. Quy trình kiểm tra, giám định đối với phế liệu xỉ hạt lò cao nhập khẩu:

Việc kiểm tra, giám định đối với lô hàng phế liệu xỉ hạt lò cao nhập khẩu được thực hiện thông qua kiểm tra bằng mắt thường hoặc kiểm tra, lấy mẫu phân tích. Cơ quan kiểm tra và tổ chức giám định được chỉ định theo quy định của pháp luật khi thực hiện hoạt động kiểm tra, giám định phế liệu xỉ hạt lò cao nhập khẩu phải tuân thủ quy trình kiểm tra, giám định tại Mục 3.1.1 và Mục 3.1.2.

3.1.1. Quy trình kiểm tra, giám định tại hiện trường:

a) Hoạt động kiểm tra, giám định tại hiện trường được thực hiện bằng mắt thường đối với tất cả các công ten nơ hoặc khối hàng rời thuộc lô hàng phế liệu xỉ hạt lò cao nhập khẩu; sử dụng thiết bị đo nhanh xác định một số thông số đối với lô hàng phế liệu xỉ hạt lò cao.

b) Quy trình kiểm tra, giám định tại hiện trường được thực hiện như sau:

- Kiểm tra tổng quát lô hàng: chủng loại, khối lượng phế liệu, chất lượng phế liệu nhập khẩu;

- Chụp ảnh các vị trí kiểm tra;

- Kiểm tra một số thông số bằng thiết bị đo nhanh tại hiện trường (đối với trường hợp phải thực hiện đo nhanh tại hiện trường).

c) Kết quả kiểm tra, giám định tại hiện trường được xử lý theo một trong các trường hợp sau đây:

- Trường hợp lô hàng phế liệu xỉ hạt lò cao nhập khẩu được kiểm tra, đánh giá phù hợp với Mục 2 của Quy chuẩn này, thì tổ chức giám định được chỉ định cung cấp văn bản kết quả giám định (chứng thư giám định) lô hàng phế liệu xỉ hạt lò cao cho tổ chức, cá nhân yêu cầu giám định và Cơ quan kiểm tra, làm căn cứ để Cơ quan kiểm tra ra thông báo kết quả kiểm tra nhà nước về chất lượng của lô hàng phế liệu xỉ hạt lò cao nhập khẩu để làm thủ tục thông quan theo quy định;

- Trường hợp lô hàng phế liệu nhập khẩu không phù hợp với Mục 2 của Quy chuẩn này, thì tổ chức giám định được chỉ định cung cấp văn bản kết quả giám định (chứng thư giám định) lô hàng phế liệu xỉ hạt lò cao cho tổ chức, cá nhân yêu cầu giám định và Cơ quan kiểm tra, để tiến hành xử lý theo quy định;

- Trường hợp chưa xác định được lô hàng phế liệu xỉ hạt lò cao nhập khẩu phù hợp với Mục 2 của Quy chuẩn này thì thực hiện theo Mục 3.1.2.

3.1.2. Quy trình kiểm tra, giám định thông qua lấy mẫu phân tích:

a) Việc lấy mẫu để phân tích, đánh giá chất lượng phế liệu xỉ hạt lò cao nhập khẩu phù hợp với Mục 2 của Quy chuẩn này được thực hiện như sau:

- Tiến hành lấy mẫu đối với lô hàng phế liệu xỉ hạt lò cao nhập khẩu theo phương pháp tại Mục 3.2.1. Chụp ảnh tất cả các vị trí kiểm tra và các vị trí lấy mẫu;

- Xác định, đánh giá các yêu cầu kỹ thuật quy định tại Mục 2 của Quy chuẩn này. Trường hợp có sử dụng kết quả phân tích của các tổ chức thử nghiệm thì kết quả này phải được thực hiện bởi tổ chức quy định tại Mục 4.4;

- Đối với lô hàng phế liệu xỉ hạt lò cao nhập khẩu phải lấy từ 02 mẫu đại diện trở lên theo quy định tại Mục 3.2.1 thì kết quả giám định đối với lô hàng phế liệu xỉ hạt lò cao nhập khẩu là giá trị trung bình của các kết quả phân tích mẫu đại diện.

b) Kết quả kiểm tra, lấy mẫu phân tích chất lượng phế liệu xỉ hạt lò cao nhập khẩu được xử lý theo một trong các trường hợp sau đây:

- Trường hợp lô hàng phế liệu xỉ hạt lò cao nhập khẩu được kiểm tra, đánh giá phù hợp với Mục 2 của Quy chuẩn này, thì tổ chức giám định được chỉ định cung cấp văn bản kết quả giám định (chứng thư giám định) lô hàng phế liệu xỉ hạt lò cao cho tổ chức, cá nhân yêu cầu giám định và Cơ quan kiểm tra, làm căn cứ để Cơ quan kiểm tra ra thông báo kết quả kiểm tra nhà nước về chất lượng của lô hàng phế liệu xỉ hạt lò cao nhập khẩu để làm thủ tục thông quan theo quy định;

- Trường hợp lô hàng phế liệu xỉ hạt lò cao nhập khẩu không phù hợp với Mục 2 của Quy chuẩn này, thì tổ chức giám định được chỉ định cung cấp văn bản kết quả giám định (chứng thư giám định) lô hàng phế liệu xỉ hạt lò cao cho tổ chức, cá nhân yêu cầu giám định và Cơ quan kiểm tra, để tiến hành xử lý theo quy định.

3.2. Phương pháp lấy mẫu, xác định tạp chất và chất lượng phế liệu:

3.2.1. Phương pháp lấy mẫu:

a) Phương pháp lấy mẫu để xác định thành phần tạp chất:

a1. Đối với lô hàng phế liệu xỉ hạt lò cao nhập khẩu là hàng rời (không chứa trong công ten nơ)

Mẫu đại diện là mẫu được lấy ngẫu nhiên tại 5 vị trí bất kỳ ở các điểm khác nhau của lô hàng phế liệu xỉ hạt lò cao nhập khẩu (với khoảng cách giữa các điểm lấy mẫu tương đối đồng đều bảo đảm tính đại diện, theo một trong các hình: hình chữ nhật, hình vuông, hình chóp tam giác, hình chữ Z,...). Tổng khối lượng mẫu đại diện là 10 kg. Trường hợp nghi ngờ lô hàng phế liệu xỉ hạt lò cao nhập khẩu không đảm bảo yêu cầu quy định tại Mục 2 của Quy chuẩn này, Cơ quan kiểm tra quyết định bổ sung mẫu đại diện của lô hàng theo phương pháp lấy mẫu quy định tại mục này, nhưng không quá 03 mẫu đại diện.

a2. Đối với lô hàng phế liệu xỉ hạt lò cao nhập khẩu chứa trong các công ten nơ

Việc giám định chất lượng phế liệu xỉ hạt lò cao nhập khẩu được thực hiện trên cơ sở lấy và phân tích mẫu đại diện. Một mẫu đại diện bao gồm một hoặc một số mẫu ngẫu nhiên được trộn đều với nhau, sau đó lấy ra 10 kg từ khối mẫu đã được trộn đều để làm mẫu đại diện (có khối lượng là 10 kg).

- Mẫu ngẫu nhiên là mẫu được lấy tại 5 vị trí bất kỳ ở các điểm khác nhau của một công ten nơ được lựa chọn (với khoảng cách giữa các vị trí lấy mẫu tương đối đồng đều bảo đảm tính đại diện, theo một trong các hình: hình chữ nhật, hình vuông, hình chóp tam giác, hình chữ Z,...). Khối lượng một mẫu ngẫu nhiên là 10 kg;

- Đối với lô hàng phế liệu xỉ hạt lò cao nhập khẩu có dưới 05 công ten nơ, lựa chọn 01 công ten nơ để lấy mẫu ngẫu nhiên và là mẫu đại diện cho lô hàng phế liệu xỉ hạt lò cao nhập khẩu;

- Đối với lô hàng phế liệu xỉ hạt lò cao nhập khẩu có từ 05 đến dưới 20 công ten nơ, lựa chọn 02 công ten nơ để lấy mẫu ngẫu nhiên. Mẫu đại diện là mẫu trộn đều của 02 mẫu ngẫu nhiên;

- Đối với lô hàng phế liệu xỉ hạt lò cao nhập khẩu có từ 20 công ten nơ trở lên thì lựa chọn 10 % số công ten nơ để lấy các mẫu ngẫu nhiên (số lượng mẫu ngẫu nhiên được làm tròn số). Trường hợp số mẫu ngẫu nhiên nhỏ hơn 10 mẫu thì các mẫu này được trộn đều với nhau thành một mẫu đại diện. Trường hợp số mẫu ngẫu nhiên lớn hơn 10 mẫu thì cứ mỗi 10 mẫu ngẫu nhiên được trộn đều thành một mẫu đại diện; số mẫu ngẫu nhiên lẻ còn lại (nếu có) được trộn đều thành một mẫu đại diện. Một lô hàng phế liệu xỉ hạt lò cao nhập khẩu có thể có một hoặc một số mẫu đại diện.

b) Phương pháp lấy mẫu để xác định chất lượng lô hàng phế liệu xỉ hạt lò cao nhập khẩu thực hiện theo TCVN 4315:2007 - Tiêu chuẩn quốc gia về xỉ hạt lò cao dùng để sản xuất xi măng.

3.2.2. Phương pháp xác định thành phần tạp chất:

a) Việc xác định nồng độ hoạt độ phóng xạ của lô hàng phế liệu xỉ hạt lò cao từ công nghiệp luyện sắt hoặc thép thực hiện theo TCVN 7469:2005 (ISO 11932:1996) - Tiêu chuẩn quốc gia về An toàn bức xạ - Đo hoạt độ vật liệu rắn được coi như chất thải không phóng xạ để tái chế, tái sử dụng hoặc chôn cất.

b) Việc xác định ngưỡng chất thải nguy hại trong lượng tạp chất tách ra từ phế liệu xỉ hạt lò cao nhập khẩu (nếu có) thực hiện theo QCVN 07:2009/BTNMT- Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về ngưỡng chất thải nguy hại ban hành kèm theo Thông tư số 25/2009/TT-BTNMT ngày 16 tháng 11 năm 2009 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường và Danh mục chất thải nguy hại và chất có khả năng là chất thải nguy hại quy định tại Phụ lục 1 Thông tư số 36/2015/TT- BTNMT ngày 30 tháng 6 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về quản lý chất thải nguy hại.

3.2.3. Phương pháp xác định chất lượng phế liệu xỉ hạt lò cao:

a) Việc xác định hệ số kiềm tính K và chỉ số hoạt tính cường độ trong lô hàng phế liệu xỉ hạt lò cao nhập khẩu thực hiện theo TCVN 4315:2007 - Tiêu chuẩn quốc gia về Xỉ hạt lò cao dùng để sản xuất xi măng.

b) Việc xác định hàm lượng magiê oxit (MgO) trong lô hàng phế liệu xỉ hạt lò cao nhập khẩu thực hiện theo TCVN 141:2008 - Tiêu chuẩn quốc gia về Xi măng poóc lăng - Phương pháp phân tích hóa học.

4. QUY ĐỊNH QUẢN LÝ

4.1. Phế liệu xỉ hạt lò cao nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất là hàng hóa nhóm 2 nhập khẩu, phải thực hiện kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hóa nhập khẩu theo quy định tại Nghị định số 132/2008/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật chất lượng sản phẩm, hàng hóa (sau đây gọi tắt là Nghị định số 132/2008/NĐ-CP), Nghị định số 74/2018/NĐ-CP và pháp luật có liên quan.

4.1.1. Tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu xỉ hạt lò cao làm nguyên liệu sản xuất phải thực hiện các thủ tục đăng ký kiểm tra nhà nước về chất lượng phế liệu xỉ hạt lò cao nhập khẩu theo quy định pháp luật, cụ thể như sau:

a) Đăng ký kiểm tra nhà nước về chất lượng phế liệu xỉ hạt lò cao nhập khẩu tại Cơ quan kiểm tra. Hồ sơ đăng ký kiểm tra nhà nước bao gồm: các tài liệu quy định tại Điểm a Khoản 2c Điều 7 Nghị định số 132/2008/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 3 Điều 1 Nghị định số 74/2018/NĐ-CP và các giấy tờ khác có liên quan đến hoạt động nhập khẩu phế liệu theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường;

b) Thông báo bằng văn bản cho cơ quan hải quan, Cơ quan kiểm tra và tổ chức giám định được chỉ định về thời gian, địa điểm kiểm tra, lấy mẫu để đánh giá chất lượng phế liệu xỉ hạt lò cao nhập khẩu theo quy định của pháp luật;

c) Phối hợp với Cơ quan kiểm tra và cơ quan liên quan trong quá trình kiểm tra, giám định chất lượng phế liệu xỉ hạt lò cao nhập khẩu.

4.1.2. Cơ quan kiểm tra tiếp nhận, kiểm tra và xử lý hồ sơ đăng ký kiểm tra nhà nước về chất lượng phế liệu xỉ hạt lò cao nhập khẩu theo quy định tại Khoản 2c Điều 7 Nghị định số 132/2008/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 3 Điều 1 Nghị định số 74/2018/NĐ-CP, cụ thể như sau:

a) Tiếp nhận hồ sơ đăng ký kiểm tra nhà nước về chất lượng phế liệu xỉ hạt lò cao nhập khẩu;

b) Chủ trì, phối hợp với cơ quan hải quan, tổ chức giám định được chỉ định và cơ quan liên quan tổ chức thực hiện kiểm tra, lấy mẫu (đối với trường hợp phải lấy mẫu) để đánh giá chất lượng lô hàng phế liệu xỉ hạt lò cao nhập khẩu theo quy định của pháp luật;

c) Thông báo kết quả kiểm tra nhà nước về chất lượng phế liệu xỉ hạt lò cao nhập khẩu cho tổ chức, cá nhân đăng ký kiểm tra theo quy định của pháp luật.

4.2. Lô hàng phế liệu xỉ hạt lò cao nhập khẩu vào Việt Nam phải được kiểm tra, giám định, đánh giá sự phù hợp với các quy định kỹ thuật tại Mục 2 của Quy chuẩn này, làm cơ sở để Cơ quan kiểm tra xử lý theo quy định của pháp luật.

4.3. Việc giám định phế liệu xỉ hạt lò cao nhập khẩu được thực hiện bởi tổ chức giám định được chỉ định hoặc thừa nhận theo quy định của pháp luật.

4.4. Việc xác định hàm lượng, nồng độ các thông số môi trường phải được thực hiện bởi các tổ chức đã được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường theo quy định tại  Nghị định số 127/2014/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2014 của Chính phủ quy định điều kiện của tổ chức hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường. Việc xác định thành phần tạp chất và các thông số khác được thực hiện bởi tổ chức đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động thử nghiệm theo quy định tại Nghị định số 107/2016/NĐ-CP.

4.5. Tổ chức giám định được chỉ định cung cấp văn bản về kết quả giám định lô hàng phế liệu xỉ hạt lò cao (chứng thư giám định) cho tổ chức, cá nhân yêu cầu giám định và Cơ quan kiểm tra. Trong đó, nội dung chứng thư giám định phải thể hiện đầy đủ các kết quả về thành phần tạp chất và các quy định kỹ thuật khác tại Mục 2 của Quy chuẩn này (gửi kèm theo: ảnh chụp các vị trí kiểm tra và các vị trí lấy mẫu được lưu trữ trong dĩa CD/DVD; phiếu trả kết quả phân tích, thử nghiệm của các mẫu đại diện được cung cấp bởi tổ chức đã được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường hoặc Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động thử nghiệm).

5. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

5.1. Cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường và tổ chức, cá nhân liên quan đến việc nhập khẩu phế liệu xỉ hạt lò cao từ nước ngoài phải tuân thủ quy định tại Quy chuẩn này.

5.2. Cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện Quy chuẩn này.

5.3. Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật viện dẫn tại Quy chuẩn này có sửa đổi, bổ sung hoặc được thay thế thì thực hiện theo quy định tại văn bản mới. Trường hợp các tiêu chuẩn viện dẫn tại Quy chuẩn này có sửa đổi, bổ sung hoặc được thay thế thì thực hiện theo văn bản mới./.

 

 

 

MINISTRY OF NATURAL RESOURCES AND ENVIRONMENT
--------

 SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM
Independence – Freedom – Happiness
--------------

No.: 09/2018/TT-BTNMT

Hanoi, September 14, 2018

 

CIRCULAR

PROMULGATION OF NATIONAL TECHNICAL REGULATIONS ON ENVIRONMENT

Pursuant to the Law on technical regulations and standards dated June 29, 2006;

Pursuant to the Law on environmental protection dated June 23, 2014;

Pursuant to the Government's Decree No. 127/2007/ND-CP dated August 01, 2007 detailing the implementation of a number of articles of the Law on technical regulations and standards;

Pursuant to the Government’s Decree No. 78/2018/ND-CP dated May 16, 2018 on amendments to the Government’s Decree No. 127/2007/ND-CP dated August 01, 2007 detailing the implementation of a number of articles of the Law on technical regulations and standards;

Pursuant to the Government’s Decree No. 132/2008/ND-CP dated December 31, 2008 on detailing the implementation of a number of articles of the Law on products and goods quality;

Pursuant to the Government’s Decree No. 74/2018/ND-CP dated May 15, 2018 providing amendments and supplements to a number of articles of Decree No.&fA132/2008/ND-CP; dated December 31, 2008, detailing the implementation of a number of articles of the Law on products and goods quality;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Pursuant to the Decision No. 73/2014/QD-TTg dated December 19, 2014 by the Prime Minister on the List of imported scraps for production;

At the request of the Director General of the Vietnam Environment Administration, the Director of the Department of Science and Technology, and the Director of the Legal Department;

The Minister of Natural Resources and Environment promulgates this Circular to introduce the national technical regulations on environment.

Article 1. The following three national technical regulations on environment are promulgated together with this Circular, including:

1. QCVN 65:2018/BTNMT - National technical regulation on environment for imported glass scrap for production.

2. QCVN 66:2018/BTNMT - National technical regulation on environment for imported non-ferrous metal scraps for production.

3. QCVN 67:2018/BTNMT - National technical regulation on environment for imported slag from iron or steel industry for production.

Article 2. Glass scraps, non-ferrous metal scraps and granulated slag from iron or steel industry specified on the List of imported scraps for production enclosed with the Prime Minister’s Decision No. 73/2014/QD-TTg dated December 19, 2014 are potentially unsafe commodities (group-2 imports) under the management of the Ministry of Natural Resources and Environment.

Article 3. Effect and implementation

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. Regulations in Article 10 of the Circular No. 41/2015/TT-BTNMT dated September 09, 2015 by the Minister of Natural Resources and Environment and Clause 9 Article 1 of the Circular No. 03/2018/TT-BTNMT dated August 14, 2018 by the Minister of Natural Resources and Environment shall be null and void from the date of entry into force of this Circular.

3. The Director General of the Vietnam Environment Administration, heads of agencies affiliated to the Ministry of Natural Resources and Environment, Directors of Departments of Natural Resources and Environment of provinces and central-affiliated cities, and relevant authorities, organizations and individuals shall implement this Circular./.

 

 

PP. MINISTER
DEPUTY MINISTER




Vo Tuan Nhan

 

QCVN 65:2018/BTNMT

NATIONAL TECHNICAL REGULATION ON ENVIRONMENT FOR IMPORTED GLASS SCRAP FOR PRODUCTION

Foreword

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

 

NATIONAL TECHNICAL REGULATION ON ENVIRONMENT FOR IMPORTED GLASS SCRAP FOR PRODUCTION

1. GENERAL PROVISIONS

1.1. Scope:

1.1.1. This Regulation stipulates the types of glass scrap to be imported for production purpose, the types of glass scrap banned from import, the prohibited impurities and undesirable impurities in imported glass scrap, and other technical requirements concerning imported glass scrap.

1.1.2. Glass scrap imported from enterprises located in free trade zones within the territory of Vietnam shall not be governed by this Regulation.

1.2. Regulated entities:   

1.2.1. This Regulation applies to organizations and individuals importing and using imported glass scrap as raw materials in production, regulatory authorities in charge of managing the importation and use of imported glass scrap for production, and providers of conformity assessment services serving the importation of glass scrap.

1.2.2. This Regulation shall not apply to organizations and individuals that import glass scrap generated from the production of enterprises located in free trade zones within the territory of Vietnam.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

For the purposes of this Regulation, terms herein shall be construed as follows:

1.3.1. “impurities“ refers to substances or materials which are not glass materials and mixed with the imported glass scrap, whether or not adhering to imported glass scrap.

1.3.2. “harmful impurities” refers to waste which is classified as hazardous waste in conformity with applicable regulations of the Law on environmental protection.

1.3.3. “HS codes” refers to classifying codes of imports on the List of imports and exports promulgated by the Ministry of Finance and the List of imported scraps for production promulgated by the Prime Minister.

1.3.4. “imported glass scrap shipment” refers to the quantity of glass scrap registered for state inspection of quality of imported glass scrap by the importer before they are imported to Vietnam.

1.3.5. “state inspecting agency” refers to the authority that takes charge of inspecting the conformity of imported glass scrap with quality standards set forth in relevant national technical regulations on environment; state inspecting agency is the Department of Natural Resources and Environment of province where the factory or manufacturing plant that uses imported glass scrap as production materials is located.

1.3.6. “designated inspection body” refers to an inspection body that has obtained the Certificate of accredited inspection body in accordance with regulations of the Government’s Decree No. 107/2016/ND-CP dated July 01, 2016 and has its name on the List of designated inspection bodies within the authority of the Minister of Natural Resources and Environment, which is promulgated under the Government’s Decree No. 74/2018/ND-CP dated May 15, 2018.    Designation and accreditation of a foreign inspection body to conduct the inspection of quality of imported glass scrap in conformity with national technical regulations on environment within the territory of Vietnam must comply with applicable laws.

2. TECHNICAL REQUIREMENTS

2.1. Classifying and cleaning glass scrap

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2.2. Types of glass scrap to be imported

2.2.1. Imported glass scrap is of various shapes and dimensions with HS codes on the List of imported scraps for production promulgated by the Prime Minister.

2.2.2. Origin of glass scrap: imported glass scrap includes broken or damaged items discarded from the glass melting process or the production of glass products; or they are the used glass products which have been selected, collected and cleaned to remove oil, lubricants, chemicals and/or foods.2.3. Types of glass scrap banned from import

2.3.1. Glass scrap originated from TV displays, computer monitors, lamps and bulbs of various kinds.

2.3.2. Types of glass scrap originated from medical devices.

2.4. Prohibited impurities in imported glass scrap

2.4.1. Chemicals, combustible substances, explosive substances, and hazardous medical waste.

2.4.2. Materials containing or affected by radioactive substances at a level exceeding the exemption levels prescribed in the QCVN 05:2010/BKHCN – National technical regulation on Radiation protection – Exemption from requirements of notification and licencing promulgated under the Circular No. 15/2010/TT-BKHCN dated September 14, 2010 by the Minister of Science and Technology.

2.4.3. Harmful impurities.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2.5.1. Impurities adhering to the scrap surface such as dust, soil and sand.2.5.2. Glass surface coatings.

2.5.3. Residual impurities that are other than glass, adhering to or broken and left from the imported glass scrap (except for Section 2.5.1 and Section 2.5.2), and meet the requirements in Section 2.4. Total quantity of impurities prescribed in Section 2.5.3 in an imported glass scrap shipment shall not exceed 2% of total quantity of the shipment.

3. INSPECTION PROCEDURES AND DETERMINATION METHODS

3.1. Procedures for inspection of imported glass scrap

The imported glass scrap shipment shall be inspected by means of visual inspection or inspection of analytical samples. When conducting the inspection of imported glass scrap, both state inspecting agency and designated inspection body must comply with the inspection procedures set forth in Section 3.1.1 and Section 3.1.2 hereof.

3.1.1. Site inspection procedures:

a) The site inspection includes the visual examination of all containers or categories of imported glass scrap in bulk of the shipment, estimation of the quantity of impurities and measurement of certain parameters of the imported glass scrap shipment.

b) The site inspection is conducted as follows:

- Carry out a general examination of the shipment:  Determine types, quantity and quality of the imported glass scrap;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

- Measure some parameters by using quick measuring devices at the site (in case where quick measurements are required);

- Examine impurities:  Determine types of impurities mixed with the imported glass scrap and percentage thereof.

c) Site inspection results shall be handled as follows:

- If inspection results indicate that the inspected shipment is conformable with provisions of Section 2 hereof, the designated inspection body shall issue the written record of inspection (or the certificate of inspection) of the imported glass scrap shipment to the importer and send a copy thereof to the state inspecting agency; the state inspecting agency shall use this document as the basis for issuance of the notice of state inspection results of quality of imported glass scrap shipment to the importer for carrying out customs clearance procedures as regulated;

- If inspection results indicate that the inspected shipment is unconformable with provisions of Section 2 hereof, the designated inspection body shall issue the written record of inspection (or the certificate of inspection) of the imported glass scrap shipment to the importer and send a copy thereof to the state inspecting agency for taking appropriate measures against the shipment as regulated;

- If site inspection results indicate that it’s unable to conclude whether the imported glass scrap shipment is conformable with provisions of Section 2 hereof or not, regulations in Section 3.1.2 shall apply.

3.1.2. Procedures for inspection of analytical samples:

a) Sampling serving the analysis and evaluation of the quality of imported glass scrap in conformity with provisions of Section 2 hereof is carried out as follows:

- Take samples from the imported glass scrap shipment by adopting the sampling method prescribed in Section 3.2.1. Take photographs of the inspected positions and sampling points;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

- Where at least 02 representative samples are taken from the imported glass scrap shipment as regulated in Section 3.2.1, the mean value of analytical results of representative samples taken shall be considered as the inspection result of the shipment.

b) Inspection results obtained from the analysis of samples of the imported glass scrap shall be handled as follows:

- If inspection results indicate that the inspected glass scrap shipment is conformable with provisions of Section 2 hereof, the designated inspection body shall issue the written record of inspection (or the certificate of inspection) of the imported glass scrap shipment to the importer and send a copy thereof to the state inspecting agency; the state inspecting agency shall use this document as the basis for issuance of the notice of state inspection results of quality of imported glass scrap shipment to the importer for carrying out customs clearance procedures as regulated;

- If inspection results indicate that the inspected shipment is unconformable with provisions of Section 2 hereof, the designated inspection body shall issue the written record of inspection (or the certificate of inspection) of the imported glass scrap shipment to the importer and send a copy thereof to the state inspecting agency for taking appropriate measures against the shipment as regulated.

3.2. Methods of sampling and determining impurities

3.2.1. Sampling serving the determination of impurities:

a) For the glass scrap imported in bulk (not in containers):

A representative sample shall be randomly taken from five different positions of the imported glass scrap shipment (distances between sampling points are relatively equal to ensure the characteristics of a representative sample according to a rectangle, square, triangular pyramid or Z shape, etc.). The weight of a representative sample is 10 kg. If the shipment is suspected of being unconformable with the provisions of Section 2 hereof, additional representative samples may be taken by adopting the sampling method prescribed in this section provided that not more than 03 representative samples are taken.

b) For the imported glass scrap packed in containers:

The quality of imported glass scrap shall be inspected by sampling and analyzing representative samples.  A representative sample is comprised of one or some random samples mixed up thoroughly. The weight of a representative sample is 10 kg.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

- If an imported glass scrap shipment consists of less than 05 containers, 01 container shall be selected to take a random sample which is also the representative sample of the shipment;

- If an imported glass scrap shipment consists of from 05 containers to fewer than 20 containers, 02 containers shall be selected to take random samples.  The representative sample of the shipment shall be taken from the mixture of 02 random samples.

- If an imported glass scrap shipment consists of 20 containers or more, 10% of total number of containers shall be selected to take random samples (the number of random samples shall be rounded).  If less than 10 random samples are taken, they shall be thoroughly mixed up to constitute a representative sample.  If more than 10 random samples are taken, every 10 random samples shall be mixed up to constitute a representative sample; the remaining odd number of random samples (if any) shall make up a representative sample.  One or several representative samples may be taken from an imported glass scrap shipment.

3.2.2. Methods of calculating ratio of impurities:

Impurities shall be removed from glass scrap, classified and weighed by adopting mechanical and physical methods.

Ratio of impurities is the ratio of the weight of impurities to total weight of test samples and expressed in percentage (%).

3.2.3. Methods of determining impurity components:

a) The activity concentration of the imported glass scrap shipment shall be measured in conformity with TCVN 7469:2005 (ISO 11932:1996) – National technical regulation on Radiation protection – Activity measurements of solid materials considered for recycling, re-use, or disposal as non-radioactive waste.

b) Thresholds of hazardous waste included in impurities removed from the imported glass scrap shall be determined in conformity with QCVN 07:2009/BTNMT – National technical regulation on Hazardous waste thresholds promulgated under the Circular No. 25/2009/TT-BTNMT dated November 16, 2009 of the Minister of Natural Resources and Environment and the list of hazardous wastes and potentially hazardous wastes provided in the Appendix 1 enclosed with the Circular No. 36/2015/TT-BTNMT dated June 30, 2015 of the Minister of Natural Resources and Environment.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

4.1. Glass scrap imported for use as production materials are group-2 imports and must bear the state inspection of quality of imported goods in accordance with regulations in the Government’s Decree No. 132/2008/ND-CP dated December 31, 2008, the Decree No. 74/2018/ND-CP and relevant laws. 

4.1.1. Importers of glass scrap for production must carry out procedures for state inspection of quality of imported glass scrap in accordance with applicable laws. To be specific:

a) Apply for state inspection of quality of imported glass scrap at the state inspecting agency.  The application for state inspection includes the documents prescribed in Point a Clause 2c Article 7 of the Decree No. 132/2008/ND-CP, as amended in Clause 3 Article 1 of the Decree No. 74/2018/ND-CP and other documents concerning the importation of scraps as regulated by the Law on environment;

b) Inform the customs agency, the state inspecting agency and the designated inspection body in writing of the time and location of inspection and sampling serving the assessment of quality of imported glass scrap in accordance with applicable laws;

c) Cooperate with the state inspecting agency and relevant agencies during the inspection of quality of imported glass scrap.

4.1.2. The state inspecting agency shall receive and check the application documentation for state inspection of quality of imported glass scrap in conformity with the provisions of Clause 2c Article 7 of the Decree No. 132/2008/ND-CP, as amended in Clause 3 Article 1 of the Decree No. 74/2018/ND-CP. To be specific:

a) Receive the application for state inspection of quality of imported glass scrap;  

b) Play the leading role and cooperate with customs agency, the designated inspection body and relevant agencies in conducting inspection and sampling (where sampling is required) in order to evaluate the quality of the imported glass scrap shipment in accordance with applicable laws;

c) Give the notice of state inspection results of quality of imported glass scrap shipment to the importer in accordance with applicable laws.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

4.3. The inspection of imported glass scrap must be conducted by a legally designated or accredited inspection body.

4.4. Contents and concentrations of environmental parameters must be determined by the organizations granted the certificate of eligibility to provide environmental monitoring services in accordance with the Government’s Decree No. 127/2014/ND-CP dated December 31, 2014. Quantities, ratios and composition of impurities and other parameters shall be determined by the organizations granted the certificate of registered testing laboratory in accordance with regulations in the Decree No. 107/2016/ND-CP.

4.5. The designated inspection body shall issue the written record of inspection (or the certificate of inspection) of the imported glass scrap shipment to the importer and send a copy thereof to the state inspecting agency. The certificate of inspection must include information concerning impurities and other technical requirements as set forth in Section 2 hereof (accompanied by photographs of inspected positions and sampling points stored on CDs/DVDs; reports on analysis or testing for representative samples provided by organizations granted the certificate of eligibility to provide environmental monitoring services or the certificate of registered testing laboratory).

5. IMPLEMENTION

5.1. Environment protection authorities and other organizations and individuals relevant to the importation of glass scrap must comply with regulations herein.

5.2. Environment protection authorities shall instruct and inspect the implementation of this Regulation.

5.3. If legislative documents referred to in this Regulation are amended, supplemented or superseded, the new ones shall apply. If standards referred to in this Regulation are amended, supplemented or superseded, the new ones shall apply./.

 

QCVN 66:2018/BTNMT

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Foreword

QCVN 66:2018/BTNMT is compiled by the Vietnam Environment Administration, presented by the Department of Science and Technology and the Legal Department for approval, appraised by the Ministry of Science and Technology and promulgated under the Circular No. 09/2018/TT-BTNMT dated September 14, 2018 by the Minister of Natural Resources and Environment.

 

NATIONAL TECHNICAL REGULATION ON ENVIRONMENT FOR IMPORTED NON-FERROUS METAL SCRAPS FOR PRODUCTION

1. GENERAL PROVISIONS

1.1. Scope:

1.1.1. This Regulation stipulates the types of non-ferrous metal scraps to be imported for production purpose, the types of non-ferrous metal scraps banned from import, the prohibited impurities and undesirable impurities in imported non-ferrous metal scraps, and other technical requirements concerning the imported non-ferrous metal scraps.

1.1.2. Non-ferrous metal scraps imported from enterprises located in free trade zones within the territory of Vietnam shall not be governed by this Regulation.

1.2. Regulated entities:   

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1.2.2. This Regulation shall not apply to organizations and individuals that import non-ferrous metal scraps generated from the production of enterprises located in free trade zones within the territory of Vietnam.

1.3. Interpretation of terms:

For the purposes of this Regulation, terms herein shall be construed as follows:

1.3.1. “non-ferrous metal scraps referred to in this Regulation” include copper, aluminum, nickel, zinc, tin, tungsten (wolfram), molybdenum, magnesium, titanium, zirconium, antimony, manganese and chromium scraps which are on the List of imported scraps for production promulgated by the Prime Minister.  

1.3.2. “impurities“ refers to substances or materials other than the imported non-ferrous metal scraps, whether or not adhering to imported non-ferrous metal scraps. E.g.: any materials which are other than copper (Cu) or copper alloys and mixed with the imported non-ferrous metal scraps are considered impurities. 1.3.3. “harmful impurities” refers to waste which is classified as hazardous waste in conformity with applicable regulations of the Law on environmental protection.

1.3.4. “HS codes” refers to classifying codes of imports on the List of imports and exports promulgated by the Ministry of Finance and the List of imported scraps for production promulgated by the Prime Minister.

1.3.5. “shipment of imported non-ferrous metal scraps” refers to the quantity of non-ferrous metal scraps of a specific HS code registered for state inspection of quality of imported scrap by the importer before they are imported to Vietnam. A shipment of imported non-ferrous metal scraps may only include one type of non-ferrous metal scraps registered for state inspection.

1.3.6. “state inspecting agency” refers to the authority that takes charge of inspecting the conformity of imported non-ferrous metal scraps with quality standards set forth in relevant national technical regulations on environment; state inspecting agency is the Department of Natural Resources and Environment of province where the factory or manufacturing plant that uses imported non-ferrous metal scraps as production materials is located.  

1.3.7. “designated inspection body” refers to an inspection body that has obtained the Certificate of accredited inspection body in accordance with regulations of the Government’s Decree No. 107/2016/ND-CP dated July 01, 2016 and has its name on the List of designated inspection bodies within the authority of the Minister of Natural Resources and Environment, which is promulgated under the Government’s Decree No. 74/2018/ND-CP dated May 15, 2018.    Designation and accreditation of a foreign inspection body to conduct the inspection of quality of imported non-ferrous metal scraps in conformity with national technical regulations on environment within the territory of Vietnam must comply with applicable laws.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2.1. Classifying and cleaning non-ferrous metal scraps

2.1.1. Substances, materials and/or products that are banned from import as regulated by the law of Vietnam and international treaties of which the Socialist Republic of Vietnam is a signatory must be removed from the imported non-ferrous metal scraps so as to ensure that the imported non-ferrous metal scraps meet specific requirements set forth in Section 2.3 and Section 2.4.

2.1.2. Non-ferrous metal scraps may be imported in bulk or securely tired into bundles, or pressed and compacted into blocks, briquettes or bales, except for types of non-ferrous metal scraps prescribed in Section 2.3.1 hereof.

2.2. Types of non-ferrous metal scraps to be imported

2.2.1. Imported non-ferrous metal scraps have HS codes on the List of imported scraps for production promulgated by the Prime Minister.

2.2.2. Imported non-ferrous metal scraps have various shapes and dimensions, including: bar sections, tube sections, nodes, tips, trimmings, nets, strings, turnings, shavings, blocks, ingots, parings or pieces. Insulation coatings of plastic, rubber or another insulating material must be removed from the imported cores of electric wires and cables before they are transported to Vietnam; the removal of these insulated covers from electromagnetic wires (non-ferrous metal wires insulated with a coating of enamel, cotton fiber or paper) is not compulsory.

2.2.3. Imported non-ferrous metal scraps are originated from the working of metals or other manufacturing; they may be selected and collected from construction works, vehicles, machinery, equipment and other products which have been cut up or disassembled in the exporting country or territory for removing banned impurities and materials as regulated by the law of Vietnam.  

2.2.4. Imported non-ferrous metal scraps may contain certain undesirable impurities as defined in Section 2.5.

2.3. Types of non-ferrous metal scraps banned from import

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2.3.2. Packings, drums, cans, boxes and other containers of non-ferrous metal scraps or alloys thereof  which have been used for containing oil, lubricants, grease, chemicals or foods but not yet cleaned to meet the requirements set forth in Section 2.4 and Section 2.5.

2.3.3. Imported non-ferrous metal scraps having an activity concentration and surface contamination levels exceeding the permissible levels prescribed in the Circular No. 22/2014/TT-BKHCN dated August 25, 2014 by the Minister of Science and Technology on management of radioactive waste and used radioactive sources (Appendix IV – Permissible levels of activity concentration and surface contamination of metals considered for recycling).

2.4. Prohibited impurities in imported non-ferrous metal scraps

2.4.1. Chemicals, combustible substances, explosive substances, and hazardous medical waste.

2.4.2. Arms, bombs, mines, munitions, pressure-tight vessels and gas containers which are not yet cut or disassembled in exporting countries or territories for removing fire and explosion risk factors.

2.4.3. Materials containing or affected by radioactive substances at a level exceeding the exemption levels prescribed in the QCVN 05:2010/BKHCN – National technical regulation on Radiation protection – Exemption from requirements of notification and licencing promulgated under the Circular No. 15/2010/TT-BKHCN dated September 14, 2010 by the Minister of Science and Technology.

2.4.4. Harmful impurities.

2.5. Undesirable impurities in imported non-ferrous metal scraps

2.5.1. Impurities adhering to the scrap surface such as rust, dust, soil and sand.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

3. INSPECTION PROCEDURES AND DETERMINATION METHODS

3.1. Procedures for inspection of imported non-ferrous metal scraps

The shipment of imported non-ferrous metal scraps shall be inspected by means of visual inspection or inspection of analytical samples. When conducting the inspection of imported non-ferrous metal scraps, both state inspecting agency and designated inspection body must comply with the inspection procedures set forth in Section 3.1.1 and Section 3.1.2 hereof.

3.1.1. Site inspection procedures:

a) The site inspection includes the visual examination of all containers or categories of imported non-ferrous metal scraps in bulk of the shipment, estimation of the quantity of impurities and measurement of certain parameters of the shipment of imported non-ferrous metal scraps.

b) The site inspection is conducted as follows:

- Carry out a general examination of the shipment:  Determine types, quantity and quality of the imported non-ferrous metal scraps;

- Take photographs of the inspected positions;

- Measure some parameters by using quick measuring devices at the inspection site (in case where quick measurements are required);

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

c) Site inspection results shall be handled as follows:

- If inspection results indicate that the inspected shipment of imported non-ferrous metal scraps is conformable with the provisions of Section 2 hereof, the designated inspection body shall issue the written record of inspection (or the certificate of inspection) of the shipment of imported non-ferrous metal scraps to the importer and send a copy thereof to the state inspecting agency; the state inspecting agency shall use this document as the basis for issuance of the notice of state inspection results of quality of the shipment of imported non-ferrous metal scraps to the importer for carrying out customs clearance procedures as regulated;

- If inspection results indicate that the inspected shipment is unconformable with the provisions of Section 2 hereof, the designated inspection body shall issue the written record of inspection (or the certificate of inspection) of the shipment of imported non-ferrous metal scraps to the importer and send a copy thereof to the state inspecting agency for taking appropriate measures against the shipment as regulated;

- If site inspection results indicate that it’s unable to conclude whether the shipment of imported non-ferrous metal scraps is conformable with the provisions of Section 2 hereof or not, the regulations in Section 3.1.2 shall apply.

3.1.2. Procedures for inspection of analytical samples:

a) Sampling serving the analysis and evaluation of the quality of imported non-ferrous metal scraps in conformity with the provisions of Section 2 hereof is carried out as follows:

- Take samples from the shipment of imported non-ferrous metal scraps by adopting the sampling method prescribed in Section 3.2.1. Take photographs of the inspected positions and sampling points;

- Determine and evaluate the conformity of the shipment with the technical requirements set forth in Section 2 hereof.  If testing bodies are employed to provide analytical results, only testing bodies that meet the requirements in Section 4.4 are eligible;

- Where at least 02 representative samples must be taken from the shipment of imported non-ferrous metal scraps as regulated in Section 3.2.1, the inspection result of the shipment is the mean value of analytical results of representative samples.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

- If inspection results indicate that the inspected shipment of imported non-ferrous metal scraps is conformable with the provisions of Section 2 hereof, the designated inspection body shall issue the written record of inspection (or the certificate of inspection) of the shipment of imported non-ferrous metal scraps to the importer and send a copy thereof to the state inspecting agency; the state inspecting agency shall use this document as the basis for issuance of the notice of state inspection results of quality of the shipment of imported non-ferrous metal scraps to the importer for carrying out customs clearance procedures as regulated;

- If inspection results indicate that the inspected shipment is unconformable with the provisions of Section 2 hereof, the designated inspection body shall issue the written record of inspection (or the certificate of inspection) of the shipment of imported non-ferrous metal scraps to the importer and send a copy thereof to the state inspecting agency for taking appropriate measures against the shipment as regulated.

3.2. Methods of sampling and determining impurities

3.2.1. Sampling serving the determination of impurities:

a) For the non-ferrous metal scraps imported in bulk (not in containers):

A representative sample shall be randomly taken from five different positions of the shipment of imported non-ferrous metal scraps (distances between sampling points are relatively equal to ensure the characteristics of a representative sample according to a rectangle, square, triangular pyramid or Z shape, etc.). The weight of a representative sample is 50 kg. If the shipment is suspected of being unconformable with the provisions of Section 2 hereof, additional representative samples may be taken by adopting the sampling method prescribed in this section provided that not more than 03 representative samples are taken.

b) For the imported non-ferrous metal scraps packed in containers:

The quality of imported non-ferrous metal scraps shall be inspected by sampling and analyzing representative samples.  A representative sample is comprised of one or several random samples mixed up thoroughly. The weight of a representative sample is 50 kg.

- Random sample is a sample taken from 05 different positions of the selected container (distances between sampling points are relatively equal to ensure the characteristics of a representative sample according to a rectangle, square, triangular pyramid or Z shape, etc.). The weight of a random sample is 50 kg.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

- If a shipment of imported non-ferrous metal scraps consists of from 05 to fewer than 20 containers, 02 containers shall be selected to take random samples. The representative sample of the shipment shall be taken from the mixture of 02 random samples;

- If a shipment of imported non-ferrous metal scraps consists of 20 containers or more, 10% of total number of containers shall be selected to take random samples (the number of random samples shall be rounded).  If less than 10 random samples are taken, they shall be thoroughly mixed up to constitute a representative sample.  If more than 10 random samples are taken, every 10 random samples shall be mixed up to constitute a representative sample; the remaining odd number of random samples (if any) shall make up a representative sample.  One or several representative samples may be taken from a shipment of imported non-ferrous metal scraps.

3.2.2. Methods of calculating ratio of impurities:

Impurities shall be removed from non-ferrous metal scraps, classified and weighed by adopting mechanical and physical methods.

Ratio of impurities is the ratio of the weight of impurities to total weight of test samples and expressed in percentage (%).

3.2.3. Methods of determining impurity components:

a) Sampling and analytical methods for determining radioactivity:  TCVN 7469:2005 (ISO 11932:1996) – National technical regulation on Radiation protection – Activity measurements of solid materials considered for recycling, re-use, or disposal as non-radioactive waste; TCVN 7078-1:2002 (ISO 7503-1:1988) - National technical regulation on Radiation protection - Evaluation of surface contamination - Part 1: Beta-emitters (maximum beta energy greater than 0,15 MeV) and alpha-emitters; TCVN 7078-2:2007 (ISO 7503-2:1988) -  National technical regulation on Radiation protection - Evaluation of surface contamination - Part 2: Tritium surface contamination; ISO 7503- 3:2016, Measurement of radioactivity - Measurement and evaluation of surface contamination - Part 3: Apparatus calibration.  

b) Thresholds of hazardous waste included in impurities removed from the imported non-ferrous metal scraps shall be determined in conformity with QCVN 07:2009/BTNMT – National technical regulation on Hazardous waste thresholds promulgated under the Circular No. 25/2009/TT-BTNMT dated November 16, 2009 of the Minister of Natural Resources and Environment and the list of hazardous wastes and potentially hazardous wastes provided in the Appendix 1 enclosed with the Circular No. 36/2015/TT-BTNMT dated June 30, 2015 of the Minister of Natural Resources and Environment.

4. MANAGEMENT REQUIREMENTS

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

4.1.1. Importers of non-ferrous metal scraps for production must carry out the procedures for state inspection of quality of imported non-ferrous metal scraps in accordance with applicable laws. To be specific:

a) Apply for state inspection of quality of imported non-ferrous metal scraps at the state inspecting agency.  The application for state inspection includes the documents prescribed in Point a Clause 2c Article 7 of the Decree No. 132/2008/ND-CP, as amended in Clause 3 Article 1 of the Decree No. 74/2018/ND-CP and other documents concerning the importation of scraps as regulated by the Law on environmental protection;

b) Inform the customs agency, the state inspecting agency and the designated inspection body in writing of the time and location of inspection and sampling serving the assessment of quality of imported non-ferrous metal scraps in accordance with applicable laws;

c) Cooperate with the state inspecting agency and relevant agencies during the inspection of quality of imported non-ferrous metal scraps.

4.1.2. The state inspecting agency shall receive and check the application documentation for state inspection of quality of imported non-ferrous metal scraps in conformity with the provisions of Clause 2c Article 7 of the Decree No. 132/2008/ND-CP, as amended in Clause 3 Article 1 of the Decree No. 74/2018/ND-CP. To be specific:

a) Receive the application for state inspection of quality of imported non-ferrous metal scraps;  

b) Play the leading role and cooperate with customs agency, the designated inspection body and relevant agencies in conducting inspection and sampling (where sampling is required) in order to evaluate the quality of the shipment of imported non-ferrous metal scraps in accordance with applicable laws;

c) Give the notice of state inspection results of quality of the shipment of imported non-ferrous metal scraps to the importer in accordance with applicable laws.

4.2. Shipments of non-ferrous metal scraps imported to Vietnam must bear the inspection, evaluation and assessment of their conformity with technical requirements set forth in Section 2 hereof to facilitate the state inspection as regulated by laws.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

4.4. Contents and concentrations of environmental parameters must be determined by the organizations granted the certificate of eligibility to provide environmental monitoring services in accordance with the Government’s Decree No. 127/2014/ND-CP dated December 31, 2014. Quantities and composition of impurities and other parameters shall be determined by the organizations granted the certificate of registered testing laboratory in accordance with regulations of the Decree No. 107/2016/ND-CP.

4.5. The designated inspection body shall issue the written record of inspection (or the certificate of inspection) of the shipment of imported non-ferrous metal scraps to the importer and send a copy thereof to the state inspecting agency. The certificate of inspection must include information concerning impurities and other technical requirements as set forth in Section 2 hereof (accompanied by photographs of inspected positions and sampling points stored on CDs/DVDs; reports on analysis or testing for representative samples provided by the organizations having the certificate of eligibility to provide environmental monitoring services or the certificate of registered testing laboratory).

5. IMPLEMENTION

5.1. Environment protection authorities and other organizations and individuals relevant to the importation of non-ferrous metal scraps must comply with regulations herein.

5.2. Environment protection authorities shall instruct and inspect the implementation of this Regulation.

5.3. If legislative documents referred to in this Regulation are amended, supplemented or superseded, the new ones shall apply. If standards referred to in this Regulation are amended, supplemented or superseded, the new ones shall apply./.

 

QCVN 67:2018/BTNMT

NATIONAL TECHNICAL REGULATION ON ENVIRONMENT FOR IMPORTED SLAG FROM IRON OR STEEL INDUSTRY FOR PRODUCTION

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

QCVN 67:2018/BTNMT is compiled by the Vietnam Environment Administration, presented by the Department of Science and Technology and the Legal Department for approval, appraised by the Ministry of Science and Technology and promulgated under the Circular No. 09/2018/TT-BTNMT dated September 14, 2018 by the Minister of Natural Resources and Environment.

 

NATIONAL TECHNICAL REGULATION ON ENVIRONMENT FOR IMPORTED SLAG FROM IRON OR STEEL INDUSTRY FOR PRODUCTION

1. GENERAL PROVISIONS

1.1. Scope:

1.1.1. This Regulation stipulates granulated blast furnace slag (slag sand from iron or steel industry) (hereinafter referred to as “GBFS”) to be imported for use as raw materials in production, prohibited impurities in imported GBFS and other technical requirements concerning imported GBFS.

1.1.2. GBFS imported from enterprises located in free trade zones within the territory of Vietnam shall not be governed by this Regulation.

1.2. Regulated entities:   

1.2.1. This Regulation applies to organizations and individuals importing and using imported GBFS as raw materials in production, regulatory authorities in charge of managing the importation and use of imported GBFS for production, and providers of conformity assessment services serving the importation of GBFS.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1.3. Interpretation of terms:

For the purposes of this Regulation, terms herein shall be construed as follows:

1.3.1. “impurities“ refers to substances or materials, other than GBFS, mixed with the imported GBFS.

1.3.2. “harmful impurities” refers to waste which is classified as hazardous waste in conformity with applicable regulations of the Law on environmental protection.

1.3.3. “HS codes” refers to classifying codes of imports on the List of imports and exports promulgated by the Ministry of Finance and the List of imported scraps for production promulgated by the Prime Minister.

1.3.4. “imported GBFS shipment” refers to the quantity of GBFS registered for state inspection of quality of imported GBFS by the importer before they are imported to Vietnam.

1.3.5. “state inspecting agency” refers to the authority that takes charge of inspecting the conformity of imported GBFS with quality standards set forth in national technical regulations on environment; state inspecting agency is the Department of Natural Resources and Environment of province where the factory or manufacturing plant that uses imported GBFS as production materials is located.

1.3.6. “designated inspection body” refers to an inspection body that has obtained the Certificate of accredited inspection body in accordance with regulations of the Government’s Decree No. 107/2016/ND-CP dated July 01, 2016 and has its name on the List of designated inspection bodies within the authority of the Minister of Natural Resources and Environment, which is promulgated under the Government’s Decree No. 74/2018/ND-CP dated May 15, 2018.    Designation and accreditation of a foreign inspection body to conduct the inspection of quality of imported GBFS in conformity with national technical regulations on environment within the territory of Vietnam must comply with applicable laws.

2. TECHNICAL REQUIREMENTS

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Substances, materials and/or products that are banned from import as regulated by the law of Vietnam and international treaties of which the Socialist Republic of Vietnam is a signatory must be removed from the imported GBFS so as to ensure that the imported GBFS meets specific requirements set forth in Section 2.2 and Section 2.3.

2.2. Types of GBFS to be imported

2.2.1. GBFS shall be imported in the form of powder or granules and have HS codes on the List of imported scraps for production promulgated by the Prime Minister.

2.2.2. Quality of GBFS must be conformable with quality standards set forth in the QCVN 16:2017/BXD - National technical regulations on products, goods of building materials - Granulated blast furnace slag for cement production.

2.3. Prohibited impurities in imported GBFS

2.3.1. Chemicals, combustible substances, explosive substances, and hazardous medical waste.

2.3.2. Arms, bombs, mines, munitions, pressure-tight vessels and gas containers which are not yet cut or disassembled in exporting countries or territories for removing fire and explosion risk factors.

2.3.3. Materials containing or affected by radioactive substances at a level exceeding the exemption levels prescribed in the QCVN 05:2010/BKHCN – National technical regulation on Radiation protection – Exemption from requirements of notification and licencing promulgated under the Circular No. 15/2010/TT-BKHCN dated September 14, 2010 by the Minister of Science and Technology.

2.3.4. Harmful impurities.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

3.1. Procedures for inspection of imported GBFS

The imported GBFS shipment shall be inspected by means of visual inspection or inspection of analytical samples. When conducting the inspection of imported GBFS, both state inspecting agency and designated inspection body must comply with the inspection procedures set forth in Section 3.1.1 and Section 3.1.2 hereof.

3.1.1. Site inspection procedures:

a) The site inspection includes the visual examination of all containers or categories of imported GBFS in bulk of the shipment and the measurement of certain parameters of the imported GBFS shipment.

b) The site inspection is conducted as follows:

- Carry out a general examination of the shipment:  Determine types, quantity and quality of the imported GBFS;

- Take photographs of the inspected positions;

- Measure some parameters by using quick measuring devices at the inspection site (in case where quick measurements are required).

c) Site inspection results shall be handled as follows:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

- If inspection results indicate that the inspected shipment is unconformable with the provisions of Section 2 hereof, the designated inspection body shall issue the written record of inspection (or the certificate of inspection) of the imported GBFS shipment to the importer and send a copy thereof to the state inspecting agency for taking appropriate measures against the shipment as regulated;

- If site inspection results indicate that it’s unable to conclude whether the imported GBFS shipment is conformable with the provisions of Section 2 hereof or not, the regulations in Section 3.1.2 shall apply.

3.1.2. Procedures for inspection of analytical samples:

a) Sampling serving the analysis and evaluation of the quality of imported GBFS in conformity with the provisions of Section 2 hereof is carried out as follows:

- Take samples from the imported GBFS shipment by adopting the sampling method prescribed in Section 3.2.1. Take photographs of all of the inspected positions and sampling points;

- Determine and evaluate the conformity of the GBFS shipment with the technical requirements set forth in Section 2 hereof.  If testing bodies are employed to provide analytical results, only testing bodies that meet the requirements in Section 4.4 are eligible;

- Where at least 02 representative samples must be taken from the imported GBFS shipment as regulated in Section 3.2.1, the inspection result is the mean value of analytical results of representative samples.

b) Inspection results obtained from the analysis of samples of the imported GBFS shall be handled as follows:

- If inspection results indicate that the inspected GBFS shipment is conformable with the provisions of Section 2 hereof, the designated inspection body shall issue the written record of inspection (or the certificate of inspection) of the imported GBFS shipment to the importer and send a copy thereof to the state inspecting agency; the state inspecting agency shall use this document as the basis for issuance of the notice of state inspection results of quality of the imported GBFS shipment to the importer for carrying out customs clearance procedures as regulated;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

3.2. Methods of sampling and determining impurities and quality of GBFS

3.2.1. Sampling methods:

a) Sampling serving the determination of impurities:

a1. For GBFS imported in bulk (not in containers):

A representative sample shall be randomly taken from five different positions of the imported GBFS shipment (distances between sampling points are relatively equal to ensure the characteristics of a representative sample according to a rectangle, square, triangular pyramid or Z shape, etc.). The weight of a representative sample is 10 kg. If the shipment is suspected of being unconformable with the provisions of Section 2 hereof, additional representative samples may be taken by adopting the sampling method prescribed in this section provided that not more than 03 representative samples shall be taken.

a2. For the imported GBFS packed in containers:

The quality of imported GBFS shall be inspected by sampling and analyzing representative samples.  A representative sample is comprised of one or several random samples mixed up thoroughly. The weight of a representative sample is 10 kg.

- Random sample is a sample taken from 05 different positions of the selected container (distances between sampling points are relatively equal to ensure the characteristics of a representative sample according to a rectangle, square, triangular pyramid or Z shape, etc.). The weight of a random sample is 10 kg;

- If an imported GBFS shipment consists of less than 05 containers, 01 container shall be selected to take a random sample which is also the representative sample of the shipment;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

- If an imported GBFS shipment consists of 20 containers or more, 10% of total number of containers shall be selected to take random samples (the number of random samples shall be rounded).  If less than 10 random samples are taken, they shall be thoroughly mixed up to constitute a representative sample.  If more than 10 random samples are taken, every 10 random samples shall be mixed up to constitute a representative sample; the remaining odd number of random samples (if any) shall make up a representative sample.  One or several representative samples may be taken from an imported GBFS shipment.

b) Sampling serving the determination of quality of the imported GBFS shipment must conform to the sampling method prescribed in the TCVN 4315:2007 - Granulated blast furnace slag for cement production.

3.2.2. Methods of determining impurity components:

a) The activity concentration of the imported GBFS shipment shall be measured in conformity with TCVN 7469:2005 (ISO 11932:1996) – National technical regulation on Radiation protection – Activity measurements of solid materials considered for recycling, re-use, or disposal as non-radioactive waste.

b) Thresholds of hazardous waste included in impurities removed from the imported GBFS (if any) shall be determined in conformity with QCVN 07:2009/BTNMT – National technical regulation on Hazardous waste thresholds promulgated under the Circular No. 25/2009/TT-BTNMT dated November 16, 2009 of the Minister of Natural Resources and Environment and the list of hazardous wastes and potentially hazardous wastes provided in the Appendix 1 enclosed with the Circular No. 36/2015/TT-BTNMT dated June 30, 2015 of the Minister of Natural Resources and Environment.

3.2.3. Methods of determining the quality of GBFS:

a) Alkali factor (K) and strength activity index of the imported GBFS shipment shall be determined in conformity with guidelines provided in TCVN 4315:2007 - Granulated blast furnace slag for cement production.

b) Magnesium oxide (MgO) content of the imported GBFS shipment shall be determined in conformity with guidelines provided in TCVN 141:2008 - Portland cement - Methods of chemical analysis.

4. MANAGEMENT REQUIREMENTS

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

4.1.1. Importers of GBFS for production must carry out the procedures for state inspection of quality of imported GBFS in accordance with applicable laws. To be specific:

a) Apply for state inspection of quality of imported GBFS at the state inspecting agency.  The application for state inspection includes the documents prescribed in Point a Clause 2c Article 7 of the Decree No. 132/2008/ND-CP, as amended in Clause 3 Article 1 of the Decree No. 74/2018/ND-CP and other documents concerning the importation of scraps as regulated by the Law on environmental protection;  

b) Inform the customs agency, the state inspecting agency and the designated inspection body in writing of the time and location of inspection and sampling serving the assessment of quality of imported GBFS in accordance with applicable laws;

c) Cooperate with the state inspecting agency and relevant agencies during the inspection of quality of imported GBFS.

4.1.2. The state inspecting agency shall receive and check the application documentation for state inspection of quality of imported GBFS in conformity with the provisions of Clause 2c Article 7 of the Decree No. 132/2008/ND-CP, as amended in Clause 3 Article 1 of the Decree No. 74/2018/ND-CP. To be specific:

a) Receive the application for state inspection of quality of imported GBFS;  

b) Play the leading role and cooperate with customs agency, the designated inspection body and relevant agencies in conducting inspection and sampling (where sampling is required) in order to evaluate the quality of the imported GBFS shipment in accordance with applicable laws;

c) Give the notice of state inspection results of quality of imported GBFS shipment to the importer in accordance with applicable laws.

4.2. Shipments of GBFS imported to Vietnam must bear the inspection, evaluation and assessment of their conformity with technical requirements set forth in Section 2 hereof to facilitate the state inspection as regulated by laws.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

4.4. Contents and concentrations of environmental parameters must be determined by the organizations having the certificate of eligibility to provide environmental monitoring services in accordance with the Government’s Decree No. 127/2014/ND-CP dated December 31, 2014. Impurities and other parameters shall be determined by the organizations having the certificate of registered testing laboratory in accordance with regulations of the Decree No. 107/2016/ND-CP.

4.5. The designated inspection body shall issue the written record of inspection (or the certificate of inspection) of the imported GBFS shipment to the importer and send a copy thereof to the state inspecting agency. The certificate of inspection must include information concerning impurities and other technical requirements as set forth in Section 2 hereof (accompanied by photographs of inspected positions and sampling points stored on CDs/DVDs; reports on analysis or testing for representative samples provided by the organizations having the certificate of eligibility to provide environmental monitoring services or the certificate of registered testing laboratory).

5. IMPLEMENTION

5.1. Environment protection authorities and other organizations and individuals relevant to the importation of GBFS must comply with regulations herein.

5.2. Environment protection authorities shall instruct and inspect the implementation of this Regulation.

5.3. If legislative documents referred to in this Regulation are amended, supplemented or superseded, the new ones shall apply. If standards referred to in this Regulation are amended, supplemented or superseded, the new ones shall apply./.

 

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Thông tư 09/2018/TT-BTNMT ngày 14/09/2018 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường đối với phế liệu thủy tinh, kim loại màu, xỉ hạt lò cao nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


15.119

DMCA.com Protection Status
IP: 17.241.75.102
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!