BỘ
TÀI CHÍNH
********
|
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số:
25/2003/TT-BTC
|
Hà
Nội, ngày 28 tháng 3 năm 2003
|
THÔNG TƯ
CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 25/2003/TT-BTC NGÀY 28 THÁNG 3 NĂM 2003
HƯỚNG DẪN VIỆC THU, NỘP, QUẢN LÝ, SỬ DỤNG TIỀN THU TỪ XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH
CHÍNH TRONG LĨNH VỰC TRẬT TỰ AN TOÀN GIAO THÔNG
Căn cứ Pháp lệnh xử lý vi phạm
hành chính số 44/2002/PL-UBTVQH10 ngày 16/7/2002 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội;
Căn cứ Nghị định số 87/CP ngày 19/12/1996 của Chính phủ về phân cấp quản lý,
lập chấp hành và quyết toán ngân sách nhà nước và nghị định số 51/1998/NĐ-CP
ngày 18/7/1998 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số
87/CP ngày 19/12/1996 của Chính phủ về phân cấp quản lý, lập, chấp hành và quyết
toán ngân sách nhà nước;
Căn cứ Nghị định số 15/2003/NĐ-CP ngày 19/02/2003 của Chính phủ quy định xử
phạt vi phạm hành chính về giao thông đường bộ; Nghị định số 39/CP ngày
5/7/1996 của Chính phủ về đảm bảo trật tự ATGT đường sắt; Nghị định số 40/CP
ngày 5/7/1996 của Chính phủ về đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường thủy nội
địa;
Căn cứ Nghị quyết số 13/2002/NQ-CP ngày 19/11/2002 của Chính phủ về các giải
pháp kiềm chế gia tăng và tiến tới giảm dần tai nạn giao thông và ùn tắc giao
thông;
Căn cứ ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công điện số 474/VPCP-NC
ngày 28/01/2003 của Văn phòng Chính phủ: "Bộ Tài chính hướng dẫn việc sử dụng
nguồn tài chính thu được qua xử phạt vi phạm Luật Giao thông theo hướng giao
cho địa phương sử dụng toàn bộ số tiền này cho công tác bảo đảm ATGT và chống
ùn tắc giao thông, trong đó lưu ý chi phù hợp, thiết thực cho lực lượng cảnh
sát giao thông";
Bộ Tài chính hướng dẫn việc thu, nộp, quản lý, sử dụng tiền thu từ xử phạt
vi phạm hành chính trong lĩnh vực trật tự an toàn giao thông (gọi tắt là
TTATGT) như sau:
I. THU, NỘP
TIỀN PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC TTATGT
1. Trường hợp thu tiền phạt tại
chỗ thì quy trình, thủ tục thu, nộp tiền phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực
TTATGT như sau:
a) Theo Điều 54 Pháp lệnh Xử lý
vi phạm hành chính thì các trường hợp phạt tiền từ 5.000 đ-100.000 đ, người có
thẩm quyền xử phạt ra quyết định xử phạt tại chỗ, giao quyết định xử phạt cho
cá nhân, tổ chức bị xử phạt, đồng thời thu tiền phạt tại chỗ;
Khi thu tiền phạt tại chỗ, người
thu tiền phải giao biên lai thu tiền phạt cho người nộp tiền. Trường hợp phạt
tiền theo thủ tục đơn giản nói tại điểm này, không phải lập biên bản xử phạt.
b) Theo quy định tại Điều 58
Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính thì tại những vùng xa xôi hẻo lánh, trên
sông trên biển mà việc đi lại gặp khó khăn hoặc ngoài giờ hành chính và với mức
phạt tiền từ trên 100.000 đ trở lên, người có thẩm quyền xử phạt phải lập biên
bản xử phạt theo đúng quy định tại Điều 55 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính
và chuyển biên bản cho người có thẩm quyền ra quyết định xử phạt. Cá nhân, tổ
chức bị xử phạt có thể nộp tiền phạt tại chỗ cho người có thẩm quyền xử phạt.
Khi thu tiền phạt tại chỗ, người
thu tiền phải giao biên lai thu tiền phạt cho người nộp tiền.
Nộp tiền phạt:
- Người thu tiền phạt nói ở điểm
này có trách nhiệm nộp số tiền thu được vào Kho bạc nhà nước trên địa bàn theo
quy định sau:
+ Tại những vùng xa xôi hẻo lánh
hoặc những vùng mà việc đi lại gặp khó khăn thì thời hạn nộp tiền vào Kho bạc nhà
nước không quá 7 ngày kể từ ngày thu tiền.
+ Trường hợp thu tiền phạt trên
sông, trên biển, người thu tiền phạt phải nộp tiền vào Kho bạc Nhà nước trong
thời hạn 2 ngày kể từ ngày vào đến bờ;
+ Đối với các trường hợp khác
thì thời hạn nộp tiền phạt vào Kho bạc nhà nước không quá 2 ngày kể từ ngày thu
tiền;
2. Trường hợp cá nhân, tổ chức bị
xử phạt nộp tiền phạt tại Kho bạc nhà nước thì quy trình thủ tục như sau:
Căn cứ vào Điều 58 Pháp lệnh xử
lý vi phạm hành chính, đối với những trường hợp quy định nộp tiền phạt tại Kho
bạc nhà nước thì người có thẩm quyền xử phạt phải giao Quyết định xử phạt cho
người bị xử phạt (trong đó ghi rõ mức tiền phạt). Trong thời hạn 10 ngày kể từ
ngày được giao Quyết định, cá nhân, tổ chức bị xử phạt phải nộp tiền phạt tại
Kho bạc nhà nước được ghi trong Quyết định xử phạt. Người nộp tiền mang Quyết định
xử phạt và số tiền phạt đến nộp tại Kho bạc Nhà nước. Khi thu tiền phạt, Kho bạc
nhà nước có trách nhiệm giao biên lai thu tiền phạt cho người nộp tiền.
3. Kho bạc nhà
nước hạch toán số thu tiền phạt như sau:
Kho bạc nhà nước nơi thu tiền phạt
(bao gồm cả trực tiếp thu tại Kho bạc NN và từ người thu tiền phạt tại chỗ), định
kỳ 5 ngày, tạm trích số tiền phạt cho các đối tượng thụ hưởng theo tỷ lệ quy định
tại Mục II của Thông tư này, cuối tháng điều chỉnh theo thực tế.
II. PHÂN BỔ
TIỀN THU TỪ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC TTATGT:
Toàn bộ số tiền phạt vi phạm
hành chính trong lĩnh vực TTATGT được để lại 100% cho địa phương để sử dụng cho
công tác đảm bảo TTATGT và chống ùn tắc giao thông, được phân bổ như sau:
1. 30% trích cho lực lượng công
an tham gia giữ gìn TTATGT trên địa bàn.
2. 12% trích cho lực lượng thanh
tra giao thông hoạt động tại địa phương.
3. 10% trích cho các lực lượng
trực tiếp tham gia vào công tác TTATGT tại quận, huyện, xã, phường. Tuỳ theo đặc
điểm của từng địa phương, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hướng dẫn
nội dung chi, mức chi cho từng đối tượng cụ thể phục vụ cho công tác TTATGT tại
quận, huyện, xã, phường.
4. 2% trích cho Kho bạc nhà nước
ở địa phương thực hiện thu tiền phạt.
5. 3% trích cho trạm cân kiểm
tra xe, nhưng tổng mức chi không quá 20% số thực thu tiền phạt của trạm cân đó.
Số chênh lệch giữa tỷ lệ được hưởng
với mức khống chế 20% số thực thu ở những nơi có trạm cân và số trích 3% ở nơi
không có trạm cân được chuyển cho Ban An toàn giao thông địa phương để sử dụng
chung cho công tác TTATGT ở địa phương
6. 13% trích cho Ban An toàn
giao thông của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
7. 30% tổng số thu được để lại địa
phương, bổ sung kinh phí cho công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông tại địa
phương theo quyết định của Uỷ ban nhân dân tỉnh.
III. QUẢN LÝ,
SỬ DỤNG TIỀN THU TỪ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC TTATGT:
1. Việc quản lý, sử dụng tiền phạt
và mức chi cho từng đối tượng thực hiện như sau:
1.1. Đối với lực lượng Công an
(phần kinh phí được sử dụng coi là 100%), chi cho các nội dung:
a) Dành khoảng 20% đến 30% để
mua sắm trang thiết bị phục vụ cho công tác bảo đảm TTATGT. Việc mua sắm trang
thiết bị thực hiện theo định mức, tiêu chuẩn, chế độ hiện hành.
b) Số từ 70% đến 80% còn lại được
sử dụng cho các nội dung sau:
- Tuyên truyền, phổ biến hướng dẫn
việc thực hiện pháp luật về bảo vệ công trình giao thông và an toàn giao thông.
- Chi bồi dưỡng cho lực lượng trực
tiếp tham gia công tác bảo đảm TTATGT:
+ Mức chi không quá 300.000
đ/người/tháng;
+ Cán bộ, chiến sỹ cảnh sát giao
thông trực tiếp tham gia công tác bảo đảm TTATGT ban đêm (bao gồm cả lực lượng
cảnh sát giao thông chống đua xe trái phép ban đêm) được bồi dưỡng thêm không
quá 30.000 đồng/ca;
- Chi đào tạo, tập huấn, sơ kết,
tổng kết công tác bảo đảm TTATGT.
- Chi sửa chữa phương tiện, xăng
dầu phục vụ tuần tra kiểm soát.
- Chi khác phục vụ công tác bảo
đảm TTATGT.
1.2. Đối với lực lượng Thanh tra
giao thông (phần kinh phí được sử dụng coi là 100%), chi cho các nội dung:
a) Dành 30% để mua sắm trang thiết
bị phục vụ cho công tác TTATGT. Việc mua sắm trang thiết bị thực hiện theo định
mức, tiêu chuẩn, chế độ hiện hành.
b) Phần còn lại chi cho các nội
dung sau:
- Tuyên truyền, phổ biến hướng dẫn
việc thực hiện pháp luật về bảo vệ công trình giao thông và an toàn giao thông.
- Chi bồi dưỡng cho lực lượng trực
tiếp tham gia công tác bảo đảm TTATGT (bao gồm cả lực lượng Thanh tra giao
thông của trung ương đặt tại địa phương): Mức chi không quá 300.000 đ/người/tháng.
- Chi đào tạo, tập huấn, sơ kết,
tổng kết công tác bảo đảm TTATGT.
- Chi sửa chữa phương tiện, xăng
dầu phục vụ tuần tra kiểm soát.
- Chi khác phục vụ công tác bảo
đảm TTATGT.
1.3. Đối với trạm cân kiểm tra
xe được dùng chi cho các nội dung:
- Chi bồi dưỡng cho lực lượng
tham gia trực tiếp tại các trạm cân và các lực lượng hỗ trợ hoạt động của trạm
cân.
- Chi hỗ trợ cho việc bảo dưỡng,
sửa chữa thiết bị trạm cân
- Chi hỗ trợ đào tạo chuyên môn
nghiệp vụ
- Chi khác phục vụ công tác bảo
đảm TTATGT.
1.4. Đối với Kho bạc nhà nước
- Chi thực hiện việc thu tiền phạt;
- Chi cho cơ quan được Kho bạc
nhà nước uỷ quyền thu phạt theo quy định;
- Chi in, ấn, mua sắm, sửa chữa
trang, thiết bị phục vụ công tác thu tiền phạt;
- Chi khác phục vụ công tác bảo
đảm TTATGT.
1.5. Đối với Ban An toàn giao
thông của tỉnh, thành phố trực thuộc TW dùng để chi cho các nội dung:
- Chi bộ máy hoạt động của Ban
An toàn giao thông;
- Chi hoạt động, kiểm tra liên
ngành của Ban An toàn giao thông tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Chi cho công tác phổ biến,
tuyên truyền TTATGT của địa phương;
- Chi tổ chức đào tạo các nghiệp
vụ về an toàn giao thông cho các đối tượng trực tiếp tham gia giữ gìn trật tự
an toàn giao thông của địa phương;
- Chi cho sơ kết, tổng kết công
tác giữ gìn TTATGT;
- Chi hỗ trợ khắc phục hậu quả
tai nạn giao thông, hỗ trợ phục vụ công tác giải tỏa hành lang an toàn giao
thông theo quyết định của UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW);
- Chi cho giáo dục pháp luật
TTATGT trong trường học;
- Chi khác phục vụ công tác bảo
đảm TTATGT.
Mức chi bồi dưỡng đối với những
người trực tiếp tham gia công tác bảo đảm TTATGT của các lực lượng khác (ngoài
Công an và Thanh tra giao thông) do UBND tỉnh, thành phố trực thuộc TW quyết định
theo đề nghị của Sở Tài chính -Vật giá.
2. Đối với 30% tổng số thu để lại
địa phương để bổ sung kinh phí cho công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông
được sử dụng cho các nội dung sau:
2.1. Bổ sung, hỗ trợ kinh phí mua
sắm phương tiện, trang, thiết bị phục vụ cho công tác bảo đảm TTATGT ở địa
phương;
2.2. Bổ sung, hỗ trợ bồi dưỡng
cho các lực lượng trực tiếp tham gia giữ gìn TTATGT;
2.3. Chi bồi dưỡng cho các lực
lượng khác huy động tham gia công tác giữ gìn TTATGT.
Việc sử dụng 30% tổng số thu để
lại địa phương cho các nội dung chi quy định tại điểm này do Ban An toàn giao
thông đề nghị và UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định.
IV. LẬP KẾ HOẠCH
SỬ DỤNG VÀ QUYẾT TOÁN VIỆC SỬ DỤNG TIỀN PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC
TTATGT:
Việc lập kế hoạch chi tiêu và
quyết toán tiền thu từ xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực TTATGT như
sau:
1. Lập kế hoạch sử dụng:
Đối với các đơn vị được thụ hưởng
tiền thu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực TTATGT được qui định tại
thông tư này, căn cứ vào tình hình sử dụng tiền thu phạt của năm trước và tình
hình thực tế thu phạt trong năm để lập kế hoạch sử dụng theo định mức, chế độ
hiện hành gửi Sở Tài chính-Vật giá để thẩm định, tổng hợp trình Uỷ ban nhân dân
các tỉnh, thành phố quyết định kế hoạch chi từ nguồn thu phạt.
2. Thực hiện kế hoạch:
2.1. Định kỳ 5
ngày, Kho bạc nhà nước tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách
nhiệm tạm trích chuyển vào tài khoản của lực lượng công an, Thanh tra giao
thông và các lực lượng trực tiếp tham gia vào công tác bảo đảm TTATGT tại quận,
huyện, xã, phường số tiền thu phạt được để lại theo tỷ lệ phân bổ tại Mục II,
điểm 1, 2, 3 Thông tư này. Lực lượng Công an, Thanh tra giao thông và các lực
lượng trực tiếp tham gia vào công tác bảo đảm TTATGT tại quận, huyện, xã, phường
được tạm ứng từ tài khoản của mình để sử dụng theo quy định tại Thông tư này.
2.2. Vào ngày
5 hàng tháng, Kho bạc nhà nước tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có
trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho Sở Tài chính -Vật giá về tổng số thu của
địa phương từ xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực TTATGT của tháng trước;
số tạm trích cho lực lượng Công an, Thanh tra giao thông và các lực lượng trực
tiếp tham gia vào công tác bảo đảm TTATGT tại quận, huyện, xã, phường;
Căn cứ vào tổng số thu của địa
phương từ xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực TTATGT và quy định về tỷ lệ
phân bổ tại Mục II, điểm 4, 5, 6 của Thông tư này, Sở Tài chính -Vật giá phân bổ
và cấp phát kịp thời cho Kho bạc nhà nước ở địa phương thu tiền phạt; Trạm cân
kiểm tra xe; Ban An toàn giao thông tỉnh, thành phố trực thuộc TW.
3. Quyết toán tiền thu phạt:
Cuối năm, các đơn vị thụ hưởng
tiền thu từ xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực TTATGT làm quyết toán gửi
Sở Tài chính-Vật giá, Ban ATGT để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh phê duyệt.
Số tiền thu phạt sử dụng không hết
trong năm được chuyển sang năm sau sử dụng cho công tác bảo đảm TTATGT và bổ
sung cho việc đầu tư cơ sở vật chất bảo đảm TTATGT trên địa bàn.
V. KHOẢN THU
KHÁC:
Ngoài những khoản thu tiền phạt
trong lĩnh vực TTATGT nêu trên, trong quá trình thực hiện chủ trương của Hội đồng
nhân dân cấp tỉnh về các biện pháp cấp bách bảo đảm trật tự an toàn giao thông,
nếu có phát sinh các khoản thu khác thì được để lại 100% cho địa phương sử dụng
phục vụ công tác TTATGT. Việc phân bổ, sử dụng và mức chi cụ thể do Ban An toàn
giao thông tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề xuất và UBND tỉnh, thành phố
trực thuộc Trung ương quyết định.
VI. TỔ CHỨC
THỰC HIỆN:
- Thông tư này có hiệu lực kể từ
ngày Nghị định số 15/2003/NĐ-CP ngày 19/2/2003 của Chính phủ quy định xử phạt
vi phạm hành chính về giao thông đường bộ có hiệu lực và thay thế Thông tư số
24/2001/TT-BTC ngày 16/4/2001 của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn việc sử dụng
tiền thu từ xử phạt hành chính đối với các hành vi vi phạm hành chính trong
lĩnh vực TTATGT.
- Đối với các Bộ, cơ quan TW
tham gia trực tiếp vào công tác bảo đảm TTATGT, sửa đổi Thông tư số
12/2002/TT-BTC ngày 4/2/2002 của Bộ Tài chính như sau: Tại Mục II, điểm 1:
+ Tiết 1.1: Dành tối thiểu 50% để
mua sắm trang, thiết bị, phương tiện, xăng dầu phục vụ công tác bảo đảm TTATGT.
Việc mua sắm thực hiện theo đúng các quy định hiện hành.
+ Tiết 1.2: Mức chi bồi dưỡng
cho lực lượng trực tiếp tham gia công tác bảo đảm TTATGT thực hiện theo quy định
tại Mục III, điểm 1, tiết 1.1,b của Thông tư hướng dẫn việc thu, nộp, quản lý,
sử dụng tiền thu từ xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực trật tự an toàn
giao thông.
Trong quá trình thực hiện nếu có
khó khăn vướng mắc, các địa phương cần phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính để xem
xét giải quyết.