Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Thông tư 111/2021/TT-BTC kế toán nghiệp vụ thuế nội địa

Số hiệu: 111/2021/TT-BTC Loại văn bản: Thông tư
Nơi ban hành: Bộ Tài chính Người ký: Trần Xuân Hà
Ngày ban hành: 14/12/2021 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đã biết Số công báo: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

Quy định về chứng từ kế toán thuế nội địa

Đây là nội dung tại Thông tư 111/2021/TT-BTC về hướng dẫn kế toán nghiệp vụ thuế nội địa ban hành ngày 14/12/2021.

Theo đó, chứng từ kế toán thuế (KTT) phải thực hiện theo đúng nội dung, phương pháp lập, ký chứng từ theo quy định của Luật kế toán và có đầy đủ thông tin theo khoản 2 Điều 12 Thông tư 111/2021/TT-BTC .

Chứng từ KTT phản ánh thông tin số phải thu, đã thu, còn phải thu, phải hoàn, đã hoàn, còn phải hoàn, miễn, giảm, khoanh nợ, xóa nợ được lập trong các trường hợp sau:

+ Trường hợp cơ quan thuế phải điều chỉnh số liệu thu NSNN theo đề nghị của KBNN hoặc cơ quan có thẩm quyền mà thông tin điều chỉnh chỉ ảnh hưởng đến dữ liệu báo cáo KTT, không làm thay đổi nghĩa vụ thuế của người nộp thuế (NNT) trên Phân hệ quản lý nghĩa vụ NNT.

+ Trường hợp thay đổi về chính sách dẫn đến phải điều chỉnh dữ liệu báo cáo KTT mà không làm thay đổi nghĩa vụ thuế của NNT.

Danh mục, mẫu và phương pháp lập chứng từ KTT được quy định tại Phụ lục II kèm theo Thông tư 111/2021.

Thông tư 111/2021/TT-BTC có hiệu lực từ 01/7/2022, áp dụng cho kỳ kế toán thuế năm 2022 và thay thế Quyết định 1544/QĐ-BTC ngày 07/7/2014, Quyết định 630/QĐ-BTC ngày 09/4/2015.

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

BỘ TÀI CHÍNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 111/2021/TT-BTC

Hà Nội, ngày 14 tháng 12 năm 2021

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN KẾ TOÁN NGHIỆP VỤ THUẾ NỘI ĐỊA

Căn cứ Luật Kế toán ngày 20 tháng 11 năm 2015;

Căn cứ Luật Quản lý thuế ngày 13 tháng 6 năm 2019;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 06 năm 2015;

Căn cứ Luật Giao dịch điện tử ngày 29 tháng 11 năm 2005;

Căn cứ Nghị định số 174/2016/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Kế toán;

Căn cứ Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế;

Căn cứ Nghị định số 11/2020/NĐ-CP ngày 20/01/2020 của Chính phủ quy định về thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực Kho bạc Nhà nước;

Căn cứ Nghị định số 25/2017/NĐ-CP ngày 14 tháng 3 năm 2017 của Chính phủ về báo cáo tài chính nhà nước;

Căn cứ Nghị định số 165/2018/NĐ-CP ngày 24 tháng 12 năm 2018 của Chính phủ về giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính;

Căn cứ Nghị định số 87/2017/NĐ-CP ngày 26 tháng 7 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế và Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán;

Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư hướng dẫn kế toán nghiệp vụ thuế nội địa như sau:

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Thông tư này hướng dẫn kế toán về tiền thuế và các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước do cơ quan thuế quản lý thu theo quy định tại Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành (sau đây gọi là kế toán thuế) bao gồm:

a) Các quy định chung về kế toán thuế;

b) Ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác kế toán thuế;

c) Thu thập thông tin đầu vào của kế toán thuế, chứng từ kế toán thuế;

d) Tài khoản kế toán thuế;

đ) Sổ kế toán thuế;

e) Báo cáo kế toán thuế;

g) Tổ chức công tác kế toán thuế.

2. Các nội dung khác liên quan đến công tác kế toán thuế không quy định chi tiết tại Thông tư này được thực hiện theo quy định chung của pháp luật kế toán.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Cơ quan thuế: Tổng cục Thuế, Cục Thuế, Chi cục Thuế khu vực, Chi cục Thuế.

2. Cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến kế toán thuế nêu tại Thông tư này.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Thuế bao gồm thuế và các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước do cơ quan thuế quản lý thu quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 3 Luật Quản lý thuế.

2. Kế toán thuế là việc cơ quan thuế các cấp thực hiện thu thập, ghi chép, phản ánh toàn bộ số phát sinh về tiền thuế do cơ quan thuế phải thu, đã thu, còn phải thu, phải hoàn, đã hoàn, còn phải hoàn, miễn, giảm, khoanh nợ, xóa nợ trong quá trình thực hiện hoạt động nghiệp vụ quản lý thuế.

3. Hoạt động nghiệp vụ quản lý thuế là các hoạt động về quản lý thuế do cơ quan thuế các cấp thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và theo quy định của Luật Quản lý thuế, các Luật Thuế, các quy định của pháp luật có liên quan và theo các quy trình nghiệp vụ về quản lý thuế do Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế ban hành.

4. Đơn vị kế toán thuế là Tổng cục Thuế, Cục Thuế, Chi cục Thuế khu vực, Chi cục Thuế.

5. Hệ thống ứng dụng quản lý thuế là hệ thống các ứng dụng công nghệ thông tin do Tổng cục Thuế xây dựng và triển khai để thực hiện các hoạt động nghiệp vụ quản lý thuế.

6. Phân hệ quản lý nghĩa vụ người nộp thuế là một ứng dụng thuộc Hệ thống ứng dụng quản lý thuế có nhiệm vụ quản lý số tiền thuế phải thu, đã thu, còn phải thu, phải hoàn, đã hoàn, còn phải hoàn, miễn, giảm, khoanh nợ, xóa nợ của từng người nộp thuế; đồng thời, thực hiện cung cấp thông tin đầu vào của kế toán thuế theo quy định tại Điều 12 Thông tư này.

7. Phân hệ kế toán thuế là một ứng dụng thuộc Hệ thống ứng dụng quản lý thuế để thực hiện công tác kế toán thuế theo quy định tại Điều 4, Điều 5, Điều 6 Thông tư này.

8. Cơ sở dữ liệu quản lý thuế là tập hợp các thông tin, dữ liệu về quản lý thuế được cập nhật, xử lý, khai thác và sắp xếp lưu trữ trên Hệ thống ứng dụng quản lý thuế theo quy định của pháp luật và theo các quy trình nghiệp vụ về quản lý thuế do Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế ban hành.

9. Cơ sở dữ liệu kế toán thuế là tập hợp các thông tin, dữ liệu về kế toán thuế (bao gồm: các thông tin đầu vào của kế toán thuế, chứng từ kế toán thuế, tài khoản kế toán thuế, sổ kế toán thuế, báo cáo kế toán thuế) được lưu trữ, sắp xếp, tổ chức để truy cập, khai thác, quản lý và cập nhật thông qua phương tiện điện tử trên Phân hệ kế toán thuế.

Điều 4. Đối tượng của kế toán thuế

1. Các khoản phải thu, đã thu, còn phải thu về thuế: Phản ánh số tiền thuế do cơ quan thuế phải thu, đã thu, còn phải thu của người nộp thuế hoặc tổ chức được cơ quan thuế ủy nhiệm thu.

2. Các khoản phải hoàn, đã hoàn, còn phải hoàn thuế: Phản ánh số tiền thuế do cơ quan thuế phải hoàn, đã hoàn, còn phải hoàn cho người nộp thuế hoặc tổ chức được cơ quan thuế ủy nhiệm thu.

3. Các khoản miễn, giảm, khoanh nợ, xóa nợ tiền thuế: Phản ánh số tiền thuế miễn, giảm, khoanh nợ, xóa nợ do cơ quan thuế thực hiện.

Điều 5. Phạm vi, nhiệm vụ của công tác kế toán thuế

1. Phạm vi của công tác kế toán thuế trong tổ chức thực hiện hoạt động quản lý thuế của cơ quan thuế

Công tác kế toán thuế là một trong các chức năng quản lý thuế của cơ quan thuế, sử dụng các kết quả của hoạt động nghiệp vụ quản lý thuế khác đã hoàn thành xử lý để thực hiện công tác kế toán thuế theo các nội dung quy định tại Điều 6 Thông tư này.

2. Nhiệm vụ của công tác kế toán thuế

a) Thực hiện thu thập thông tin đầu vào của kế toán thuế, lập chứng từ kế toán thuế theo quy định tại Mục 1 Chương II Thông tư này để thực hiện ghi sổ kế toán thuế.

b) Đối chiếu, kiểm tra số liệu đã hạch toán đảm bảo khớp đúng với thông tin đầu vào có nguồn gốc phát sinh từ các hồ sơ nghiệp vụ quản lý thuế liên quan đến công tác kế toán thuế.

c) Trường hợp phát hiện sai sót trong quá trình hạch toán kế toán thuế thì phải xác định nguyên nhân và yêu cầu xử lý theo quy định tại Điều 14, Điều 16 Thông tư này.

d) Lưu trữ, quản lý, cung cấp thông tin, tài liệu kế toán thuế theo quy định tại Điều 9 Thông tư này.

đ) Cung cấp thông tin, tài liệu kế toán thuế trung thực, đầy đủ, kịp thời theo quy định của pháp luật về kế toán và quản lý thuế.

e) Các nhiệm vụ của công tác kế toán thuế được Phân hệ kế toán thuế thực hiện tự động hoặc được công chức làm công tác kế toán thuế thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ và theo thẩm quyền trên Phân hệ kế toán thuế.

3. Nhiệm vụ của các bộ phận chức năng quản lý thuế tại cơ quan thuế các cấp khi thực hiện hoạt động nghiệp vụ quản lý thuế

a) Xử lý hồ sơ nghiệp vụ quản lý thuế theo quy định tại các quy trình nghiệp vụ quản lý thuế do Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế ban hành, đảm bảo thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời.

b) Kiểm soát xử lý dữ liệu của hồ sơ nghiệp vụ quản lý thuế trên Hệ thống ứng dụng quản lý thuế của ngành thuế theo quy định tại Quy chế quy định trách nhiệm về kiểm soát xử lý dữ liệu trên Hệ thống ứng dụng quản lý thuế của ngành thuế do Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế ban hành.

c) Chịu trách nhiệm về tính đầy đủ, chính xác, kịp thời của thông tin cung cấp cho thông tin đầu vào của kế toán thuế theo quy định tại Điều 12 Thông tư này.

d) Đối chiếu, rà soát dữ liệu hồ sơ nghiệp vụ quản lý thuế và các thông tin quản lý thuế với người nộp thuế đảm bảo đầy đủ, chính xác, kịp thời.

đ) Trường hợp phát hiện sai, sót hoặc điều chỉnh hồ sơ nghiệp vụ quản lý thuế liên quan đến công tác kế toán thuế làm ảnh hưởng đến thông tin hạch toán kế toán thuế thì phải xử lý, điều chỉnh kịp thời theo quy định.

Điều 6. Nội dung của công tác kế toán thuế

Công tác kế toán thuế là một trong các chức năng quản lý thuế của cơ quan thuế các cấp được thực hiện một cách liên tục và có hệ thống theo các quy trình nghiệp vụ quản lý thuế trên Hệ thống ứng dụng quản lý thuế, trong đó có Phân hệ kế toán thuế. Công tác kế toán thuế bao gồm các công việc sau:

1. Thu thập thông tin đầu vào của kế toán thuế, lập chứng từ kế toán thuế

a) Thu thập thông tin đầu vào của kế toán thuế là công việc của kế toán thuế được thực hiện tự động bởi Phân hệ kế toán thuế kết nối với Phân hệ quản lý nghĩa vụ người nộp thuế theo quy định tại các Điều 12, Điều 13, Điều 14, Điều 15 Thông tư này nhằm xác định đầy đủ các nội dung hạch toán của từng tài khoản kế toán thuế.

b) Trường hợp ghi sổ kế toán thuế không qua quy trình thu thập thông tin đầu vào của Phân hệ kế toán thuế, công chức làm công tác kế toán thuế lập chứng từ kế toán thuế theo quy định tại Điều 16 Thông tư này.

2. Ghi sổ kế toán thuế là công việc của kế toán thuế được thực hiện tự động bởi Phân hệ kế toán thuế nhằm ghi chép các thông tin đầu vào của kế toán thuế và chứng từ kế toán thuế tại khoản 1 Điều này để hạch toán kế toán thuế, phản ánh các hoạt động nghiệp vụ quản lý thuế phát sinh trong kỳ kế toán thuế, bao gồm việc mở sổ, ghi sổ, khóa sổ, sửa chữa sổ kế toán thuế theo các quy định tại Mục 3, Chương II Thông tư này.

3. Lập báo cáo kế toán thuế là công việc của kế toán thuế được thực hiện tự động bởi Phân hệ kế toán thuế hoặc bởi công chức làm công tác kế toán thuế để tổng hợp kết quả hoạt động quản lý thuế của cơ quan thuế các cấp (bao gồm số thuế phải thu, đã thu, còn phải thu, phải hoàn, đã hoàn, còn phải hoàn, miễn, giảm, khoanh nợ, xóa nợ) theo quy định tại Mục 4 Chương II Thông tư này.

4. Lưu trữ và cung cấp thông tin, tài liệu kế toán thuế là công việc của kế toán thuế thực hiện theo quy định tại Điều 9 Thông tư này.

Điều 7. Đơn vị tiền tệ trong kế toán thuế

1. Đơn vị tiền tệ trong kế toán thuế là đồng Việt Nam, được dùng để ghi sổ kế toán thuế, lập và trình bày báo cáo kế toán thuế.

2. Trường hợp cơ quan thuế trong quá trình thực hiện các nghiệp vụ quản lý thuế đối với người nộp thuế khai thuế, nộp thuế bằng ngoại tệ theo quy định của Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật thì phải quy đổi ra đồng Việt Nam khi thu thập thông tin đầu vào của kế toán thuế để ghi sổ kế toán thuế, lập và trình bày báo cáo kế toán thuế bằng đồng Việt Nam. Cụ thể như sau:

a) Tỷ giá quy đổi số phải thu trong trường hợp người nộp thuế khai thuế bằng ngoại tệ là tỷ giá hạch toán do Bộ Tài chính (Kho bạc Nhà nước) quy định tại thời điểm hạch toán.

b) Tỷ giá quy đổi số đã thu trong trường hợp người nộp thuế nộp thuế bằng ngoại tệ là tỷ giá hạch toán trên chứng từ hạch toán thu ngân sách nhà nước của Kho bạc Nhà nước truyền sang cơ quan thuế.

c) Tỷ giá quy đổi số nộp thừa bằng ngoại tệ được xử lý bù trừ thu ngân sách nhà nước hoặc được ngân sách nhà nước hoàn trả ra đồng Việt Nam là tỷ giá quy định tại điểm a.5 khoản 1 Điều 25 và khoản 4 Điều 46 Thông tư số 80/2021/TT-BTC ngày 29/9/2021 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế và Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ.

Điều 8. Kỳ kế toán thuế

1. Kỳ kế toán thuế được xác định theo năm dương lịch, gọi là năm kế toán, bao gồm 4 ký tự, cụ thể:

a) Kỳ kế toán thuế được tính từ đầu ngày 01 tháng 01 đến hết ngày 31 tháng 12 năm dương lịch.

b) Kỳ kế toán thuế năm đầu tiên đối với đơn vị kế toán thuế mới thành lập được xác định từ đầu ngày quyết định thành lập mới, chia, tách, hợp nhất, sáp nhập đơn vị kế toán thuế có hiệu lực đến hết ngày 31 tháng 12 năm dương lịch.

c) Kỳ kế toán thuế cuối cùng của đơn vị kế toán thuế khi bị chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, giải thể tính từ đầu ngày 01 tháng 01 năm dương lịch đến hết ngày trước ngày quyết định chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, giải thể đơn vị kế toán thuế có hiệu lực.

d) Thời gian của kỳ kế toán thuế năm đầu tiên, năm cuối cùng thực hiện theo hướng dẫn của Luật kế toán và các văn bản hướng dẫn thi hành.

2. Nguyên tắc hạch toán theo kỳ

a) Ngày hạch toán kế toán thuế được xác định là ngày hạch toán ghi sổ kế toán thuế vào Phân hệ kế toán thuế.

b) Ngày thu thập thông tin đầu vào của kế toán thuế phải đảm bảo nguyên tắc ngay trong ngày phát sinh nghiệp vụ quản lý thuế hoặc chậm nhất là ngày liền kề tiếp theo ngày phát sinh nghiệp vụ quản lý thuế. Trừ ngày nghỉ theo quy định thì ngày thu thập thông tin là ngày làm việc tiếp theo của ngày nghỉ đó.

c) Trường hợp trong thời gian lập báo cáo kế toán thuế phát sinh điều chỉnh các nghiệp vụ quản lý thuế đã được hạch toán vào kỳ kế toán thuế của năm trước, nếu thực hiện trước thời điểm đóng kỳ kế toán thuế thì được hạch toán điều chỉnh vào kỳ kế toán thuế của năm trước và xác định bằng thông tin năm kế toán quy định tại khoản 1 Điều này.

d) Sau thời điểm đóng kỳ kế toán thuế, việc điều chỉnh số liệu thuộc kỳ kế toán thuế của năm trước chỉ được thực hiện theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và theo quy định tại khoản 3, khoản 4 Điều 27khoản 2, khoản 3 Điều 30 Thông tư này.

3. Mở, đóng kỳ kế toán thuế

a) Mở kỳ kế toán thuế là việc thiết lập trạng thái mở trên Phân hệ kế toán thuế kể từ ngày bắt đầu kỳ kế toán thuế nêu tại khoản 1 Điều này đối với một kỳ kế toán thuế để thực hiện việc cập nhật dữ liệu thông tin đầu vào của kế toán thuế, cập nhật chứng từ kế toán thuế, hạch toán ghi sổ kế toán thuế hoặc sửa, xóa dữ liệu trên sổ kế toán thuế của Phân hệ kế toán thuế.

b) Đóng kỳ kế toán thuế là việc thiết lập trạng thái đóng trên Phân hệ kế toán thuế đối với một kỳ kế toán thuế để không cập nhật dữ liệu thông tin đầu vào của kế toán thuế, không cập nhật chứng từ kế toán thuế, không sửa, xóa dữ liệu trên sổ kế toán thuế của Phân hệ kế toán thuế.

c) Thời điểm đóng kỳ kế toán thuế là ngày cuối cùng của tháng thứ 3 kể từ ngày kết thúc kỳ kế toán. Trường hợp thời điểm đóng kỳ kế toán thuế trùng với ngày nghỉ theo quy định thì ngày đóng kỳ kế toán là ngày làm việc tiếp theo liền kề của ngày nghỉ đó. Trường hợp do nguyên nhân khách quan cần phải lùi thời điểm đóng kỳ kế toán thuế thì phải được sự phê duyệt của Tổng cục Thuế.

Từ thời điểm kết thúc kỳ kế toán thuế đến thời điểm đóng kỳ kế toán thuế, mọi số liệu điều chỉnh kế toán thuế được hạch toán theo thông tin năm kế toán được quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này.

Từ thời điểm đóng kỳ kế toán đến trước khi báo cáo kế toán thuế được phê duyệt của cơ quan có thẩm quyền, cơ quan thuế chỉ được điều chỉnh số liệu năm kế toán theo đề nghị của cơ quan có thẩm quyền hoặc điều chỉnh số liệu do cơ quan thuế phát hiện sai sót nếu được sự phê duyệt của Tổng cục Thuế và hạch toán theo thông tin năm kế toán được quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này.

d) Các trường hợp sai sót số liệu kế toán không được điều chỉnh vào kỳ kế toán thuế theo thông tin năm kế toán nêu trên thì thực hiện hạch toán vào kỳ kế toán thuế của năm hiện tại và bổ sung thông tin năm ngân sách với giá trị “01” để làm cơ sở thuyết minh trên báo cáo kế toán thuế của năm hiện tại.

Điều 9. Lưu trữ và cung cấp thông tin, tài liệu kế toán

1. Tài liệu kế toán thuế bao gồm thông tin đầu vào của kế toán thuế, chứng từ kế toán thuế, sổ kế toán thuế, báo cáo kế toán thuế và các tài liệu khác có liên quan đến công tác kế toán thuế được thể hiện dưới hình thức các thông tin là dữ liệu điện tử được lưu trữ theo quy định của pháp luật về kế toán.

Dữ liệu đầu vào trước khi thu thập vào Phân hệ kế toán thuế được lưu trữ trên Phân hệ quản lý nghĩa vụ người nộp thuế và các phân hệ nghiệp vụ quản lý thuế thuộc Hệ thống ứng dụng quản lý thuế theo quy định của Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế. Tổng cục Thuế có trách nhiệm đảm bảo việc lưu trữ có khả năng truy cập để khai thác nguồn gốc thông tin đầu vào của kế toán thuế.

2. Cung cấp thông tin, tài liệu kế toán thuế

a) Việc cung cấp thông tin, tài liệu kế toán thực hiện theo quy định của pháp luật về kế toán và pháp luật về quản lý thuế.

b) Thông tin, tài liệu cung cấp của kế toán thuế là số phải thu, đã thu, còn phải thu, phải hoàn, đã hoàn, còn phải hoàn, miễn, giảm, khoanh nợ, xóa nợ do cơ quan thuế quản lý và các thông tin khác có liên quan thể hiện trên các chỉ tiêu của báo cáo kế toán thuế quy định tại Thông tư này.

Điều 10. Tổ chức hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý thuế

1. Hệ thống ứng dụng quản lý thuế được quy định tại khoản 5 Điều 3 Thông tư này bao gồm Hệ thống ứng dụng quản lý thuế tích hợp (Hệ thống TMS) và các ứng dụng quản lý thuế ngoài Hệ thống TMS để thực hiện công tác quản lý thuế của cơ quan thuế các cấp và lưu trữ tập trung thông tin quản lý thuế của tất cả các sắc thuế, khoản thu của người nộp thuế do cơ quan thuế quản lý trên phạm vi toàn quốc, được tổ chức thành nhóm các ứng dụng (phân hệ) sau đây:

a) Các phân hệ nghiệp vụ quản lý thuế là các chức năng được thiết lập trên Hệ thống TMS hoặc thiết lập trên các ứng dụng quản lý thuế ngoài hệ thống TMS để xử lý các nghiệp vụ quản lý thuế theo các quy trình nghiệp vụ do Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế ban hành (bao gồm: Quản lý hồ sơ thuế (QHS), Đăng ký thuế (ĐKT), Xử lý Tờ khai thuế (XLTK), Xử lý Quyết định (XLQĐ), Xử lý Hoàn thuế (XLHT), Xử lý Miễn giảm thuế (XLMG), Quản lý nợ thuế (QLN), Thanh tra kiểm tra (TTR), Quản lý trước bạ, nhà đất (TB-NĐ)…).

Kết quả xử lý nghiệp vụ tại các phân hệ nghiệp vụ quản lý thuế của Hệ thống TMS và các ứng dụng quản lý thuế ngoài Hệ thống TMS phải được truyền tự động vào Phân hệ quản lý nghĩa vụ người nộp thuế thuộc Hệ thống TMS để ghi chép, phản ánh, xác định số tiền thuế phải thu, đã thu, còn phải thu, phải hoàn, đã hoàn, còn phải hoàn, miễn, giảm, khoanh nợ, xóa nợ của từng người nộp thuế. Hồ sơ nghiệp vụ quản lý thuế được lưu trữ trên các phân hệ nghiệp vụ quản lý thuế của Hệ thống TMS và các ứng dụng quản lý thuế ngoài hệ thống TMS phải có khả năng truy cập để xác định nguồn gốc thông tin đầu vào của Phân hệ quản lý nghĩa vụ người nộp thuế.

b) Phân hệ quản lý nghĩa vụ người nộp thuế được quy định tại khoản 6 Điều 3 Thông tư này là một ứng dụng được thiết lập trên Hệ thống TMS được tích hợp với các phân hệ nghiệp vụ quản lý thuế khác trong Hệ thống ứng dụng quản lý thuế để ghi chép, phản ánh, xác định số tiền thuế phải thu, đã thu, còn phải thu, phải hoàn, đã hoàn, còn phải hoàn, miễn, giảm, khoanh nợ, xóa nợ của từng người nộp thuế; cung cấp các số liệu này cho các phân hệ nghiệp vụ quản lý thuế trong quá trình thực hiện các nghiệp vụ quản lý thuế theo quy trình nghiệp vụ do Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế ban hành.

Các thông tin ghi chép về nghĩa vụ của người nộp thuế tại Phân hệ quản lý nghĩa vụ người nộp thuế phải bao gồm các nội dung thông tin được quy định tại khoản 2 Điều 12 Thông tư này để đảm bảo có khả năng cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời và truyền tự động thông tin đầu vào của kế toán thuế cho Phân hệ kế toán thuế được quy định tại Thông tư này.

2. Nguyên tắc và trách nhiệm của các bộ phận trong xử lý, kiểm soát dữ liệu trên từng phân hệ của Hệ thống ứng dụng quản lý thuế thực hiện theo các quy trình nghiệp vụ quản lý thuế và Quy chế quy định trách nhiệm về kiểm soát xử lý dữ liệu trên Hệ thống ứng dụng quản lý thuế do Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế ban hành.

Điều 11. Ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác kế toán thuế

1. Công tác kế toán thuế thực hiện trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin và xử lý tự động với cơ sở dữ liệu kế toán thuế tập trung tại Tổng cục Thuế bắt đầu từ khâu thu thập thông tin đầu vào của kế toán thuế, lập chứng từ kế toán thuế, xử lý thông tin đầu vào và chứng từ kế toán thuế, ghi sổ kế toán thuế, báo cáo kế toán thuế; phải đảm bảo thống nhất, phù hợp với các quy trình, quy định nghiệp vụ về quản lý thuế, quản lý thu ngân sách nhà nước; có khả năng tích hợp, trao đổi thông tin với Hệ thống ứng dụng quản lý thuế khác của ngành thuế.

2. Phân hệ kế toán thuế được quy định tại khoản 7 Điều 3 Thông tư này là một ứng dụng được thiết lập trên Hệ thống TMS để thực hiện công tác kế toán thuế của ngành thuế theo quy định tại Thông tư này, bao gồm thu thập thông tin đầu vào của kế toán thuế, xử lý chứng từ kế toán thuế, ghi sổ kế toán thuế và lập báo cáo kế toán thuế của cơ quan thuế.

3. Yêu cầu cụ thể đối với Phân hệ kế toán thuế

a) Phải đảm bảo chấp hành đầy đủ pháp luật kế toán, pháp luật quản lý thuế, pháp luật về ngân sách nhà nước và pháp luật giao dịch điện tử.

b) Phải có khả năng nâng cấp, sửa đổi, bổ sung phù hợp với những thay đổi của pháp luật có liên quan đến nhiệm vụ của kế toán thuế, nội dung kế toán thuế, phương pháp hạch toán kế toán thuế mà không ảnh hưởng đến cơ sở dữ liệu đã có.

c) Tự động xử lý, lưu giữ số liệu trên nguyên tắc tuân thủ các yêu cầu về kế toán cũng như phương pháp tính toán các chỉ tiêu trên báo cáo kế toán thuế theo quy định hiện hành; đảm bảo sự phù hợp, không trùng lắp giữa các số liệu kế toán; có khả năng dự báo, phát hiện, ngăn chặn các sai sót khi cập nhập dữ liệu và quá trình xử lý thông tin kế toán thuế.

d) Phải đảm bảo tính bảo mật thông tin và an toàn dữ liệu, có khả năng phân quyền đến từng người sử dụng theo chức năng, nhiệm vụ được phân công; có khả năng tổ chức theo dõi thời gian truy cập, thao tác của người sử dụng, nội dung cập nhật, sửa đổi, xóa dữ liệu của người truy cập; có khả năng lưu lại các dấu vết trên sổ kế toán thuế về việc sửa chữa sổ kế toán thuế; có khả năng phục hồi được các dữ liệu, thông tin kế toán trong các trường hợp phát sinh sự cố kỹ thuật trong quá trình sử dụng.

đ) Các nguyên tắc xử lý dữ liệu kế toán thuế trên ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác kế toán thuế phải tuân thủ quy định của Thông tư này và quy định theo thẩm quyền bằng văn bản của Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế. Khi có nghiệp vụ kế toán thuế mới phát sinh, phải có văn bản hướng dẫn kịp thời, đầy đủ để thực hiện thống nhất trong toàn ngành thuế; đồng thời, cập nhật các tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ hạch toán kế toán thuế, tài liệu hướng dẫn sử dụng đồng bộ trong Phân hệ kế toán thuế.

e) Tổng cục Thuế quản lý thống nhất hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác kế toán thuế, quản lý việc phân quyền sử dụng, bảo mật thông tin dữ liệu về kế toán thuế theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của bộ máy kế toán thuế tại cơ quan thuế các cấp.

g) Công chức thuế khi thực hiện nhập, tra cứu dữ liệu kế toán thuế từ cơ sở dữ liệu kế toán thuế phải theo đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được phân công hoặc được sự phê duyệt của người có thẩm quyền; phải dùng đúng tên, tài khoản sử dụng và mật mã an ninh đã được cấp để xử lý, tra cứu các dữ liệu kế toán thuế từ cơ sở dữ liệu kế toán thuế; định kỳ hoặc đột xuất phải thay đổi mật mã an ninh. Khi có thay đổi nhiệm vụ phải thông báo cho bộ phận quản trị ứng dụng để thay đổi quyền truy cập dữ liệu phù hợp với chức năng nhiệm vụ mới được phân công. Quản trị ứng dụng phải thu hồi quyền truy cập hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác kế toán thuế đối với công chức không còn nhiệm vụ liên quan đến kế toán thuế.

4. Phân hệ kế toán thuế phải đảm bảo tự động, liên kết với các phân hệ nghiệp vụ quản lý thuế, trực tiếp là Phân hệ quản lý nghĩa vụ người nộp thuế. Phân hệ kế toán thuế phải được tổng hợp toàn vẹn, chính xác, đầy đủ, trung thực các thông tin đầu vào từ thông tin do Phân hệ quản lý nghĩa vụ người nộp thuế cung cấp; có khả năng tra cứu, truy cập nguồn gốc thông tin đầu vào của kế toán thuế liên kết đến các thông tin quản lý nghĩa vụ người nộp thuế, thông tin hồ sơ nghiệp vụ quản lý thuế được lưu trữ trên các phân hệ quản lý nghĩa vụ người nộp thuế và các phân hệ nghiệp vụ quản lý thuế.

Chương II

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Mục 1. THU THẬP THÔNG TIN ĐẦU VÀO CỦA PHÂN HỆ KẾ TOÁN THUẾ VÀ CHỨNG TỪ KẾ TOÁN THUẾ

Điều 12. Thông tin đầu vào của Phân hệ kế toán thuế

1. Thông tin đầu vào của Phân hệ kế toán thuế bao gồm các thông tin phản ánh số phải thu, đã thu, còn phải thu, phải hoàn, đã hoàn, còn phải hoàn, miễn, giảm, khoanh nợ, xóa nợ của từng cơ quan thuế (cơ quan thuế quản lý trực tiếp người nộp thuế, cơ quan thuế quản lý khoản thu, cơ quan thuế quản lý địa bàn nhận phân bổ) được thu thập từ việc tổng hợp các thông tin về số tiền thuế phải thu, đã thu, còn phải thu, phải hoàn, đã hoàn, còn phải hoàn, miễn, giảm, khoanh nợ, xóa nợ của người nộp thuế trên Phân hệ quản lý nghĩa vụ người nộp thuế để hạch toán vào sổ kế toán thuế trên Phân hệ kế toán thuế.

2. Thông tin đầu vào của Phân hệ kế toán thuế thu thập từ Phân hệ quản lý nghĩa vụ người nộp thuế phải có các thông tin chủ yếu sau:

a) Tính chất nghiệp vụ quản lý thuế: Là thông tin được tạo ra theo từng loại hồ sơ nghiệp vụ quản lý thuế liên quan đến nguồn gốc phát sinh số tiền thuế phải thu, đã thu, còn phải thu, phải hoàn, đã hoàn, còn phải hoàn, miễn, giảm, khoanh nợ, xóa nợ theo quy định của Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành.

b) Các thông tin về đoạn mã của tài khoản kế toán thuế là các thông tin được quy định cụ thể tại các Điều 17, Điều 19, Điều 20, Điều 21, Điều 22, Điều 23, Điều 24 Thông tư này, bao gồm:

b.1) Mã cơ quan thu;

b.2) Mã địa bàn hành chính;

b.3) Mã chương;

b.4) Mã tiểu mục;

b.5) Mã dự phòng;

b.6) Mã tài khoản kế toán.

c) Năm ngân sách sử dụng đối với các nghiệp vụ điều chỉnh số liệu kế toán thuế phát sinh trong năm hiện tại để điều chỉnh cho sai, sót của các năm trước nhưng tổng hợp lên báo cáo kế toán thuế của năm hiện tại theo quy định tại điểm d khoản 3 Điều 8 Thông tư này.

d) Số tiền theo tính chất nghiệp vụ quản lý thuế quy định tại điểm a khoản này.

3. Các thông tin đầu vào do Phân hệ kế toán thuế tạo lập tự động khi hạch toán vào sổ kế toán thuế gồm: ngày tạo bút toán, số hiệu bút toán, ngày hạch toán. Cụ thể:

a) Ngày tạo bút toán, số hiệu bút toán: Do Phân hệ kế toán thuế tự sinh theo trình tự thời gian hoàn thành việc thu thập thông tin đầu vào hoặc hạch toán chứng từ kế toán thuế của Phân hệ kế toán thuế.

b) Ngày hạch toán: Là ngày do Phân hệ kế toán thuế xác định theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 8 Thông tư này.

4. Danh mục thu thập thông tin đầu vào theo Phụ lục I ban hành kèm Thông tư này. Trong quá trình thực hiện, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế được bổ sung danh mục thu thập thông tin đầu vào của kế toán thuế phù hợp với yêu cầu quản lý thuế và yêu cầu quản lý thu ngân sách nhà nước nhưng phải tương ứng với hệ thống tài khoản kế toán thuế quy định tại Mục 2 Chương II Thông tư này.

Điều 13. Quy trình thu thập, xử lý thông tin đầu vào của Phân hệ kế toán thuế

1. Chuẩn bị thông tin đầu vào cho Phân hệ kế toán thuế

Các phân hệ nghiệp vụ quản lý thuế theo quy định tại Điều 10 Thông tư này khi thực hiện xử lý hồ sơ nghiệp vụ theo quy trình nghiệp vụ do Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế quy định phải đồng thời cung cấp thông tin về số tiền thuế phải thu, đã thu, còn phải thu, phải hoàn, đã hoàn, còn phải hoàn, miễn, giảm, khoanh nợ, xóa nợ của người nộp thuế cho Phân hệ quản lý nghĩa vụ người nộp thuế đảm bảo đầy đủ, chính xác, kịp thời theo hướng dẫn bằng văn bản của Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế.

Phân hệ quản lý nghĩa vụ người nộp thuế tự động tạo lập các thông tin về nghĩa vụ thuế tương ứng với các hồ sơ nghiệp vụ quản lý thuế để hạch toán số tiền thuế phải thu, đã thu, còn phải thu, phải hoàn, đã hoàn, còn phải hoàn, miễn, giảm, khoanh nợ, xóa nợ của người nộp thuế vào Phân hệ quản lý nghĩa vụ người nộp thuế, đồng thời xác định các thông tin về các đoạn mã của tài khoản kế toán thuế cho từng thông tin về nghĩa vụ thuế theo tính chất nghiệp vụ quản lý thuế quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.

Thông tin về nghĩa vụ thuế được tạo lập phải có đầy đủ các thông tin đầu vào của kế toán thuế theo quy định tại khoản 2 Điều 12 Thông tư này và các thông tin khác theo quy định tại quy trình nghiệp vụ do Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế ban hành để quản lý nghĩa vụ người nộp thuế; thông tin công chức, bộ phận xử lý hồ sơ nghiệp vụ quản lý thuế theo phân quyền của hệ thống để xác định trách nhiệm kiểm soát, đối chiếu thông tin.

2. Quy trình thu thập, xử lý thông tin đầu vào của Phân hệ kế toán thuế được thực hiện tự động theo trình tự như sau:

a) Trường hợp thông tin đầu vào của kế toán thuế được chuẩn bị trên Phân hệ quản lý nghĩa vụ người nộp thuế đủ điều kiện hạch toán kế toán:

Định kỳ theo thời điểm chốt dữ liệu (COT) tại văn bản hướng dẫn của Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, Phân hệ kế toán thuế tự động thu thập thông tin đầu vào của kế toán thuế đã được chuẩn bị từ Phân hệ quản lý nghĩa vụ người nộp thuế. Thông tin thu thập bao gồm các thông tin chuẩn bị cho thông tin đầu vào của kế toán thuế phát sinh trên Phân hệ quản lý nghĩa vụ người nộp thuế từ sau thời điểm COT trước đến thời điểm COT hiện tại để thực hiện thu thập thông tin.

Phân hệ kế toán thuế tự động đối chiếu, kiểm tra thông tin đầu vào của kế toán thuế trên Phân hệ quản lý nghĩa vụ người nộp thuế đảm bảo đủ điều kiện hạch toán kế toán thuế theo quy định tại khoản 2 Điều 12 Thông tư này; tự động tổng hợp và bổ sung thông tin hạch toán kế toán thuế (ngày tạo bút toán, số hiệu bút toán, ngày hạch toán). Trường hợp thông tin đầu vào của kế toán thuế được chuẩn bị trên Phân hệ quản lý nghĩa vụ người nộp thuế đủ điều kiện hạch toán kế toán, Phân hệ kế toán thuế tự động cập nhật, ghi vào sổ kế toán thuế và thông báo về việc đã hoàn thành thu thập thông tin đầu vào của kế toán thuế cho Phân hệ quản lý nghĩa vụ người nộp thuế.

b) Trường hợp thông tin đầu vào của kế toán thuế được chuẩn bị trên Phân hệ quản lý nghĩa vụ người nộp thuế không đủ điều kiện hạch toán kế toán:

Phân hệ kế toán thuế không thực hiện thu thập và tự động thông báo đến Phân hệ quản lý nghĩa vụ người nộp thuế, trên cơ sở đó, các bộ phận nghiệp vụ quản lý thuế rà soát, điều chỉnh hoàn thiện hồ sơ nghiệp vụ quản lý thuế theo các quy định tại các quy trình quản lý thuế do Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế ban hành cho đến khi đủ cơ sở thu thập thông tin đầu vào của kế toán thuế.

c) Yêu cầu về giao diện (chuyển) từ Phân hệ quản lý nghĩa vụ người nộp thuế sang Phân hệ kế toán thuế:

Giao diện (chuyển) từ Phân hệ quản lý nghĩa vụ người nộp thuế sang Phân hệ kế toán thuế phải có đầy đủ các thông tin phục vụ hạch toán kế toán theo quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 12 Thông tư này; thông tin số tham chiếu đến tính chất nghiệp vụ quản lý thuế của Phân hệ quản lý nghĩa vụ người nộp thuế để tra cứu nguồn gốc phát sinh.

3. Đối chiếu, kiểm soát dữ liệu thông tin đầu vào của Phân hệ kế toán thuế

a) Đối chiếu, kiểm soát dữ liệu giữa Phân hệ quản lý nghĩa vụ người nộp thuế và các phân hệ nghiệp vụ quản lý thuế:

Hàng ngày, Phân hệ quản lý nghĩa vụ người nộp thuế tự động tổng hợp danh sách các hồ sơ nghiệp vụ quản lý thuế đã được tạo lập thông tin nghĩa vụ thuế của người nộp thuế để hạch toán vào Phân hệ quản lý nghĩa vụ người nộp thuế, đối chiếu với danh sách hồ sơ nghiệp vụ quản lý thuế đã hoàn thành xử lý trên các phân hệ xử lý nghiệp vụ để làm cơ sở cho bộ phận quản lý nghĩa vụ người nộp thuế và bộ phận nghiệp vụ quản lý thuế kiểm soát dữ liệu theo chức năng nhiệm vụ được phân công.

Trường hợp các hồ sơ nghiệp vụ quản lý thuế đã được hạch toán vào Phân hệ quản lý nghĩa vụ người nộp thuế có sai, sót thì các bộ phận nghiệp vụ quản lý thuế phải xác định nguyên nhân, thực hiện điều chỉnh theo Điều 14 Thông tư này và các quy trình nghiệp vụ liên quan do Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế ban hành.

b) Đối chiếu, kiểm soát dữ liệu giữa Phân hệ kế toán thuế và Phân hệ quản lý nghĩa vụ người nộp thuế:

Hàng ngày, Phân hệ quản lý nghĩa vụ thuế của người nộp thuế tự động rà soát danh sách các thông tin nghĩa vụ thuế của người nộp thuế chưa được thu thập và hạch toán vào Phân hệ kế toán thuế; đối chiếu với hồ sơ nghiệp vụ trên các phân hệ nghiệp vụ quản lý thuế đã bổ sung thông tin sai, sót theo quy định về trách nhiệm kiểm soát, xử lý dữ liệu trên hệ thống ứng dụng TMS hoặc chuyển thông tin cho các bộ phận nghiệp vụ quản lý thuế thực hiện điều chỉnh thông tin trên các phân hệ nghiệp vụ quản lý thuế theo quy định tại điểm a khoản này.

Trường hợp thông tin đã thu thập hạch toán vào Phân hệ kế toán thuế sai, sót thì các bộ phận phải xác định nguyên nhân và thực hiện điều chỉnh theo quy định tại Điều 14 Thông tư này và các quy trình nghiệp vụ liên quan do Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế ban hành.

Điều 14. Điều chỉnh thông tin đầu vào đã thu thập của Phân hệ kế toán thuế

1. Trường hợp sai, sót tại các phân hệ nghiệp vụ quản lý thuế

Bộ phận nghiệp vụ hồ sơ nghiệp vụ quản lý thuế theo quy trình nghiệp vụ do Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế ban hành, cập nhật hồ sơ nghiệp vụ quản lý thuế điều chỉnh vào phân hệ nghiệp vụ quản lý thuế để làm cơ sở cho Phân hệ quản lý nghĩa vụ người nộp thuế chuẩn bị thông tin đầu vào cho Phân hệ kế toán thuế theo quy định tại Điều 13 Thông tư này. Tùy thuộc vào năm kế toán phát sinh thông tin sai, sót và thời điểm điều chỉnh thông tin tại các phân hệ xử lý nghiệp vụ, Phân hệ kế toán thuế hạch toán điều chỉnh thông tin đầu vào theo kỳ kế toán thuế quy định tại Điều 8 Thông tư này.

2. Trường hợp điều chỉnh số liệu đã hạch toán tại Phân hệ kế toán thuế theo quy định tại khoản 2 Điều 16 Thông tư này, bộ phận kế toán thuế lập chứng từ điều chỉnh theo quy định tại Điều 16 Thông tư này và cập nhật chứng từ điều chỉnh vào Phân hệ kế toán thuế. Phân hệ kế toán thuế hạch toán bút toán điều chỉnh theo phương pháp hạch toán kế toán do Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế quy định. Tùy thuộc vào năm kế toán phát sinh thông tin sai, sót và thời điểm điều chỉnh thông tin, Phân hệ kế toán thuế hạch toán điều chỉnh thông tin đầu vào theo kỳ kế toán thuế quy định tại Điều 8 Thông tư này.

3. Trường hợp điều chỉnh do thay đổi nguyên tắc hạch toán tự động trên Phân hệ quản lý nghĩa vụ người nộp thuế hoặc thay đổi phương pháp thu thập thông tin đầu vào của Phân hệ kế toán thuế thì thực hiện theo hướng dẫn bằng văn bản của Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế.

Điều 15. Trách nhiệm của các bộ phận đối với thông tin đầu vào của Phân hệ kế toán thuế

1. Các bộ phận nghiệp vụ quản lý thuế có trách nhiệm thực hiện xử lý hồ sơ nghiệp vụ quản lý thuế theo các quy trình nghiệp vụ quản lý thuế do Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế ban hành, làm căn cứ thu thập thông tin đầu vào của kế toán thuế.

2. Bộ phận quản lý nghĩa vụ người nộp thuế có trách nhiệm kiểm soát thông tin tại Phân hệ quản lý nghĩa vụ người nộp thuế để đảm bảo chuẩn bị đầy đủ, chính xác thông tin đầu vào cho Phân hệ kế toán thuế.

3. Bộ phận kế toán thuế có trách nhiệm kiểm soát việc thu thập thông tin đầu vào tại Phân hệ kế toán thuế để ghi sổ kế toán thuế theo nguyên tắc kế toán thuế.

Điều 16. Chứng từ kế toán thuế

1. Chứng từ kế toán thuế phải thực hiện theo đúng nội dung, phương pháp lập, ký chứng từ theo quy định của Luật Kế toán và có đầy đủ các thông tin theo hướng dẫn tại khoản 2 Điều 12 Thông tư này. Chứng từ kế toán thuế phản ánh thông tin số phải thu, đã thu, còn phải thu, phải hoàn, đã hoàn, còn phải hoàn, miễn, giảm, khoanh nợ, xóa nợ được lập trong một số trường hợp theo quy định tại khoản 2 Điều này.

2. Các trường hợp lập chứng từ kế toán thuế

a) Trường hợp cơ quan thuế phải điều chỉnh số liệu thu ngân sách nhà nước theo đề nghị của Kho bạc Nhà nước hoặc cơ quan có thẩm quyền mà thông tin điều chỉnh chỉ ảnh hưởng đến dữ liệu báo cáo kế toán thuế, không làm thay đổi nghĩa vụ thuế của người nộp thuế trên Phân hệ quản lý nghĩa vụ người nộp thuế.

b) Trường hợp thay đổi về chính sách dẫn đến phải điều chỉnh dữ liệu báo cáo kế toán thuế mà không làm thay đổi nghĩa vụ thuế của người nộp thuế.

3. Danh mục chứng từ kế toán thuế

Danh mục, mẫu và phương pháp lập chứng từ kế toán thuế quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này.

Mục 2. TÀI KHOẢN KẾ TOÁN THUẾ

Điều 17. Tài khoản kế toán thuế

1. Tài khoản kế toán thuế dùng để ghi chép và hạch toán các nội dung nghiệp vụ quản lý thuế phát sinh, đảm bảo phản ánh và kiểm soát thường xuyên, liên tục và có hệ thống kết quả hoạt động nghiệp vụ quản lý thuế do cơ quan thuế các cấp thực hiện.

2. Tài khoản kế toán thuế được quy định cố định về cấu trúc và thống nhất bao gồm 06 đoạn mã độc lập, mỗi đoạn mã chứa đựng các giá trị tương ứng phục vụ cho việc hạch toán kế toán chi tiết các nghiệp vụ kinh tế phát sinh theo yêu cầu quản lý thuế và yêu cầu quản lý thu ngân sách nhà nước.

Tên của từng đoạn mã được quy định như sau: Mã cơ quan thu, Mã địa bàn hành chính, Mã chương, Mã tiểu mục, Mã dự phòng, Mã tài khoản kế toán. Số lượng ký tự của các đoạn Mã cơ quan thu, Mã địa bàn hành chính, Mã chương, Mã tiểu mục thống nhất theo quy định tại Điều 28 Thông tư số 77/2017/TT-BTC ngày 28/7/2017 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ kế toán ngân sách nhà nước và hoạt động nghiệp vụ Kho bạc Nhà nước.

3. Các giá trị cụ thể của các đoạn mã trong tài khoản kế toán thuế được cấp một lần và duy nhất trong Phân hệ kế toán thuế (không cấp lại giá trị đã sử dụng trong quá khứ), trừ trường hợp đặc biệt theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Đối với mỗi giá trị được thiết lập duy nhất trong suốt thời gian vận hành Phân hệ kế toán thuế.

Giá trị cụ thể của mỗi đoạn mã được quy định tại Điều 19, Điều 20, Điều 21, Điều 22, Điều 23, Điều 24 Thông tư này.

4. Nguyên tắc xác định và hạch toán tài khoản kế toán thuế

a) Căn cứ vào phương pháp xác định các giá trị thông tin đầu vào của Phân hệ kế toán thuế quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này, Phân hệ quản lý nghĩa vụ người nộp thuế tự động bổ sung thông tin các đoạn mã tương ứng với từng nghiệp vụ quản lý thuế theo quy định tại khoản 1 Điều 13 Thông tư này.

b) Đối với từng đoạn mã được xác định, kế toán thực hiện hạch toán theo giá trị chi tiết nhất. Hệ thống sẽ tự động bổ sung thông tin cho các mã tổng hợp tương ứng. Số dư của tài khoản theo mã tổng hợp là tổng số dư của các tài khoản theo mã chi tiết.

Điều 18. Yêu cầu của tài khoản kế toán thuế

1. Nội dung tài khoản được thiết kế phải phù hợp với Luật Ngân sách nhà nước, Luật Kế toán, Luật Quản lý thuế, tổ chức bộ máy kế toán thuế và tổ chức thông tin của cơ quan thuế các cấp.

2. Phản ánh đầy đủ các hoạt động kinh tế, tài chính liên quan đến nghiệp vụ quản lý thuế và thanh toán với ngân sách nhà nước của cơ quan thuế các cấp.

3. Thuận lợi cho việc thu thập, xử lý, khai thác và cung cấp thông tin bằng ứng dụng công nghệ thông tin, đảm bảo khả năng để tự động trao đổi, truyền nhận dữ liệu về quản lý thu ngân sách nhà nước trong ngành Tài chính giữa Phân hệ kế toán thuế với các hệ thống thông tin về quản lý thu ngân sách nhà nước của Bộ Tài chính, Kho bạc Nhà nước.

Điều 19. Mã cơ quan thu

1. Mã cơ quan thu được cấp cho mỗi cơ quan thuế (bao gồm: Cục Thuế doanh nghiệp lớn, Cục Thuế (Văn phòng Cục), Chi cục Thuế khu vực, Chi cục Thuế để ghi chép, phản ánh và hạch toán số phải thu, đã thu, còn phải thu, phải hoàn, đã hoàn, còn phải hoàn, miễn, giảm, khoanh nợ, xóa nợ đối với các khoản thu ngân sách được giao nhiệm vụ tổ chức thu ngân sách nhà nước trên địa bàn được phân công quản lý thuế. Việc cấp mã cơ quan thu theo quy định tại khoản 3 Điều 35 Thông tư số 77/2017/TT-BTC ngày 28/7/2017 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ kế toán ngân sách nhà nước và hoạt động nghiệp vụ Kho bạc Nhà nước và các văn bản sửa đổi, bổ sung.

Ngoài ra, Tổng cục Thuế được cấp một mã để tổng hợp báo cáo kế toán thuế của các đơn vị kế toán thuế trên toàn quốc; Cục Thuế (trừ Cục Thuế Doanh nghiệp lớn) được cấp một mã để tổng hợp báo cáo kế toán thuế của các đơn vị kế toán thuế trên địa bàn toàn tỉnh.

2. Tất cả các nghiệp vụ quản lý thuế phải được xác định mã cơ quan thu tương ứng với cơ quan thuế. Trường hợp một cơ quan thuế được giao nhiệm vụ quản lý trực tiếp người nộp thuế nhưng cơ quan thuế khác được giao nhiệm vụ quản lý khoản thu của người nộp thuế hoặc cơ quan thuế quản lý địa bàn nhận khoản thu được phân bổ theo quy định tại Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thì mã cơ quan thu để hạch toán kế toán thuế là cơ quan thuế quản lý khoản thu ngân sách nhà nước, cơ quan thuế quản lý địa bàn nhận khoản thu được phân bổ.

3. Trường hợp thành lập mới hoặc chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, giải thể cơ quan thuế, mã cơ quan thu được thực hiện như sau:

a) Cấp mới mã cơ quan thu cho cơ quan thuế mới được thành lập, cơ quan thuế được hợp nhất, cơ quan thuế được chia, cơ quan thuế được tách. Mã cơ quan thu có hiệu lực theo Quyết định thành lập, chia, tách, hợp nhất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

b) Chấm dứt hiệu lực của mã cơ quan thu bị chia, bị hợp nhất, bị sáp nhập, bị giải thể. Cơ quan thuế phải thực hiện các thủ tục chấm dứt hiệu lực mã cơ quan thu theo quy định kể từ thời điểm hiệu lực Quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đến khi hoàn thành báo cáo kế toán thuế. Các giá trị tương ứng với mã cơ quan thu đã chấm dứt hiệu lực sẽ được sử dụng để lưu trữ, tra cứu thông tin trong cơ sở dữ liệu của Hệ thống ứng dụng quản lý thuế.

c) Việc đóng, mở kỳ kế toán thuế, bàn giao các tài liệu liên quan đến công tác kế toán thuế, mở sổ, ghi sổ, khóa sổ thực hiện theo quy định của pháp luật kế toán về chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, giải thể đơn vị kế toán.

Điều 20. Mã địa bàn hành chính

1. Mã địa bàn hành chính dùng để ghi chép, phản ánh và hạch toán số phải thu, đã thu, còn phải thu, phải hoàn, đã hoàn, còn phải hoàn, miễn, giảm, khoanh nợ, xóa nợ theo địa bàn phát sinh các hoạt động quản lý thuế được thực hiện theo quy định của Luật Quản lý thuế, Luật Ngân sách nhà nước. Việc xác định mã địa bàn hành chính tương ứng theo danh mục mã địa bàn hành chính quy định tại Quyết định số 124/2004/QĐ-TTg ngày 08/7/2004 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành bảng Danh mục và mã số các đơn vị hành chính Việt Nam, các văn bản bổ sung, sửa đổi và hệ thống danh mục điện tử dùng chung trong lĩnh vực tài chính.

Ngoài ra, Tổng cục Thuế thực hiện cấp mã địa bàn toàn tỉnh để tổng hợp số phải thu, đã thu, còn phải thu, phải hoàn, đã hoàn, còn phải hoàn, miễn, giảm, khoanh nợ, xóa nợ trên địa bàn toàn tỉnh; cấp mã địa bàn toàn quốc để tổng hợp số phải thu, đã thu, còn phải thu, phải hoàn, đã hoàn, còn phải hoàn, miễn, giảm, khoanh nợ, xóa nợ trên toàn quốc.

2. Tất cả các thông tin hạch toán số phải thu, đã thu, còn phải thu, phải hoàn, đã hoàn, còn phải hoàn, miễn, giảm, khoanh nợ, xóa nợ phải được xác định mã địa bàn hành chính tương ứng, cụ thể:

a) Trường hợp mã cơ quan thu là Cục Thuế thì mã địa bàn hành chính được xác định là cấp tỉnh.

b) Trường hợp mã cơ quan thu là Chi cục Thuế khu vực, Chi cục Thuế thì mã địa bàn hành chính được xác định là cấp huyện.

c) Trường hợp mã cơ quan thu là Cục Thuế, Chi cục Thuế khu vực, Chi cục Thuế và khoản thu thuộc danh mục các khoản thu hạch toán cấp xã theo quy định của Kho bạc Nhà nước thì mã địa bàn hành chính được xác định là cấp xã.

d) Trường hợp mã cơ quan thu là Cục Thuế Doanh nghiệp lớn và khoản thu ngân sách nhà nước của nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam thì xác định mã địa bàn hành chính là cấp trung ương.

Điều 21. Mã chương

1. Mã chương dùng để ghi chép, phản ánh và hạch toán số phải thu, đã thu, còn phải thu, phải hoàn, đã hoàn, còn phải hoàn, miễn, giảm, khoanh nợ, xóa nợ đối với các nghiệp vụ quản lý thuế của cơ quan thuế theo hệ thống mục lục ngân sách nhà nước.

2. Tất cả các thông tin hạch toán số phải thu, đã thu, còn phải thu, phải hoàn, đã hoàn, còn phải hoàn, miễn, giảm, khoanh nợ, xóa nợ phải được xác định mã chương theo quy định.

3. Danh mục mã chương để hạch toán kế toán thuế tương ứng theo quy định của Luật ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn mục lục ngân sách nhà nước.

Điều 22. Mã tiểu mục

1. Mã tiểu mục dùng để ghi chép, phản ánh và hạch toán số phải thu, đã thu, còn phải thu, phải hoàn, đã hoàn, còn phải hoàn, miễn, giảm, khoanh nợ, xóa nợ đối với các nghiệp vụ quản lý thuế của cơ quan thuế theo hệ thống mục lục ngân sách nhà nước.

2. Tất cả các thông tin hạch toán số phải thu, đã thu, còn phải thu, phải hoàn, đã hoàn, còn phải hoàn, miễn, giảm, khoanh nợ, xóa nợ phải được xác định mã tiểu mục theo đúng nội dung kinh tế theo quy định.

3. Danh mục mã tiểu mục để hạch toán kế toán thuế tương ứng theo quy định của Luật ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn mục lục ngân sách nhà nước.

Điều 23. Mã dự phòng

1. Mã dự phòng được sử dụng cho các nghiệp vụ quản lý thuế không phát sinh thường xuyên hoặc phục vụ yêu cầu quản lý theo từng thời kỳ ngoài các đoạn mã chính thức theo quy định tại Điều 19, Điều 20, Điều 21, Điều 22, Điều 24 Thông tư này.

2. Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế quy định số lượng ký tự, giá trị của mã dự phòng; trường hợp cơ quan thuế địa phương có nhu cầu thiết lập mã dự phòng để đáp ứng theo đặc thù riêng của từng địa phương thì phải được sự phê duyệt bằng văn bản của Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế và phải đảm bảo thông tin cụ thể từ khâu thu thập thông tin đầu vào của Phân hệ kế toán thuế.

Điều 24. Mã tài khoản kế toán

1. Mã tài khoản kế toán dùng để ghi chép, phản ánh và hạch toán số phải thu, đã thu, còn phải thu, phải hoàn, đã hoàn, còn phải hoàn, miễn, giảm, khoanh nợ, xóa nợ đối với các nghiệp vụ quản lý thuế của cơ quan thuế theo đối tượng của kế toán thuế quy định tại Điều 4 Thông tư này.

2. Phân loại tài khoản kế toán

a) Tài khoản loại 1 - Phải thu: Là các tài khoản phản ánh số thuế phải thu, đã thu, còn phải thu, khoanh nợ của cơ quan thuế các cấp đối với người nộp thuế hoặc tổ chức được cơ quan thuế ủy nhiệm thu.

b) Tài khoản loại 3 - Thanh toán và phải trả: Là các tài khoản phản ánh số thuế mà cơ quan thuế phải hoàn, đã hoàn, còn phải hoàn cho người nộp thuế hoặc tổ chức được cơ quan thuế ủy nhiệm thu; tình hình thanh toán với ngân sách nhà nước về các khoản thu và hoàn của cơ quan thuế.

c) Tài khoản loại 7 - Thu: Là các tài khoản phản ánh số thu thuế của cơ quan thuế các cấp.

d) Tài khoản loại 8 - Hoàn, miễn, giảm, xóa nợ: Là các tài khoản phản ánh số hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT), tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) theo pháp luật thuế; số thuế miễn, giảm và xóa nợ cho người nộp thuế theo quyết định của cơ quan thuế hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

3. Danh mục hệ thống tài khoản kế toán

STT

Số hiệu tài khoản cấp 1

Tên tài khoản

LOẠI 1 - PHẢI THU

1

131

Phải thu từ người nộp thuế

2

132

Phải thu từ vãng lai của người nộp thuế

3

133

Phải thu từ ủy nhiệm thu

4

137

Phải thu từ trực tiếp thu bằng biên lai

5

138

Phải thu từ phân bổ nghĩa vụ thuế của người nộp thuế

6

139

Khoanh nợ

7

142

Phải thu từ thu hồi hoàn thuế giá trị gia tăng, tiêu thụ đặc biệt theo pháp luật thuế

LOẠI 3- THANH TOÁN VÀ PHẢI TRẢ

8

331

Thanh toán với ngân sách nhà nước về các khoản thu

9

332

Thanh toán với ngân sách nhà nước về hoàn thuế giá trị gia tăng, tiêu thụ đặc biệt theo pháp luật thuế

10

338

Khoản thu phân bổ tại các cơ quan thuế khác

11

341

Phải trả người nộp thuế do hoàn nộp thừa

12

342

Phải trả người nộp thuế do hoàn thuế giá trị gia tăng, tiêu thụ đặc biệt theo pháp luật thuế

13

348

Phải trả do hoàn nộp thừa của các khoản thu được nhận phân bổ

LOẠI 7 - THU

14

711

Thu

LOẠI 8 - HOÀN, MIỄN, GIẢM, XÓA NỢ

15

812

Hoàn thuế giá trị gia tăng, tiêu thụ đặc biệt theo pháp luật thuế

16

818

Miễn, giảm

17

819

Xóa nợ

4. Trong quá trình thực hiện kế toán thuế, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế được bổ sung tài khoản kế toán chi tiết từ cấp 2 trở đi cho các tài khoản đã được quy định tại khoản 3 Điều này để phục vụ yêu cầu quản lý thuế. Việc thêm mới, sửa đổi, bổ sung danh mục tài khoản kế toán cấp 1 do Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định trên cơ sở đề xuất của Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế.

5. Trên Phân hệ kế toán thuế được phép thiết lập các tài khoản trung gian để hạch toán kế toán nhưng không làm thay đổi tính chất của nghiệp vụ quản lý thuế được hạch toán và phải tuân thủ nguyên tắc chung về hệ thống tài khoản quy định tại Thông tư này. Tài khoản trung gian phải tất toán số dư ngay sau khi nghiệp vụ quản lý thuế đó hoàn thành và không được kết chuyển sang năm kế toán tiếp theo.

6. Nội dung và kết cấu tài khoản kế toán được quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này.

7. Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế quy định phương pháp hạch toán kế toán thuế đối với từng loại nghiệp vụ quản lý thuế phù hợp với yêu cầu quản lý thuế, quy trình nghiệp vụ quản lý thuế, hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác kế toán thuế và theo quy định tại Thông tư này.

Mục 3. SỔ KẾ TOÁN THUẾ

Điều 25. Sổ kế toán thuế

1. Sổ kế toán thuế là một dạng dữ liệu được thiết lập trong Phân hệ kế toán thuế.

2. Sổ kế toán thuế dùng để ghi chép, phản ánh, lưu trữ toàn bộ và có hệ thống số tiền thuế phải thu, đã thu, còn phải thu, phải hoàn, đã hoàn, còn phải hoàn, miễn, giảm, khoanh nợ, xóa nợ trong quá trình thực hiện hoạt động nghiệp vụ quản lý thuế của cơ quan thuế các cấp.

3. Thông tin trên sổ kế toán thuế phải đảm bảo phản ánh đầy đủ, chính xác, kịp thời, trung thực, liên tục và có hệ thống toàn bộ hoạt động nghiệp vụ quản lý thuế của cơ quan thuế. Bộ phận kế toán thuế của cơ quan thuế không được để ngoài sổ kế toán thuế số tiền mà cơ quan thuế phải thu, đã thu, còn phải thu, phải hoàn, đã hoàn, còn phải hoàn, miễn, giảm, khoanh nợ, xóa nợ.

4. Sổ kế toán thuế dưới dạng dữ liệu trong Phân hệ kế toán thuế phản ánh thông tin của kế toán thuế được tạo lập và được lưu trữ bằng phương tiện điện tử trên cơ sở dữ liệu kế toán thuế, được thiết lập theo quy trình chuẩn của Hệ thống ứng dụng quản lý thuế, lưu trữ toàn bộ các hoạt động nghiệp vụ quản lý thuế phát sinh theo từng nội dung nghiệp vụ và theo trình tự thời gian có liên quan đến kế toán thuế. Sổ kế toán thuế dưới dạng dữ liệu điện tử có thể được in ra bản giấy để sử dụng theo yêu cầu của công tác kế toán thuế.

5. Cơ sở dữ liệu kế toán thuế phải được ghi nhận và lưu giữ phù hợp với yêu cầu của Luật Kế toán, Luật giao dịch điện tử, Nghị định số 174/2016/NĐ-CP ngày 30/12/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Kế toán, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Kế toán và phù hợp với quy định tại Thông tư này.

Điều 26. Mở sổ, ghi sổ, khóa sổ kế toán thuế

1. Sổ kế toán thuế phải mở vào đầu kỳ kế toán thuế; đối với đơn vị kế toán thuế mới thành lập, sổ kế toán thuế phải mở từ ngày thành lập.

2. Đơn vị kế toán thuế phải căn cứ vào dữ liệu thu thập thông tin đầu vào của kế toán thuế, chứng từ kế toán thuế để ghi sổ kế toán thuế. Việc ghi sổ kế toán thuế phải kịp thời, rõ ràng, đầy đủ theo các nội dung của từng sổ kế toán thuế. Thông tin, số liệu phản ánh trên sổ kế toán thuế phải chính xác, trung thực, đúng với dữ liệu thu thập thông tin đầu vào của kế toán thuế, chứng từ kế toán thuế về số tiền phải thu, đã thu, còn phải thu, phải hoàn, đã hoàn, còn phải hoàn, miễn, giảm, khoanh nợ, xóa nợ.

3. Sổ kế toán thuế được ghi theo trình tự thời gian thu thập thông tin đầu vào của kế toán thuế, chứng từ kế toán thuế. Nghiêm cấm ghi sổ kế toán thuế đối với mọi thông tin không qua thu thập thông tin đầu vào của kế toán thuế hoặc chứng từ kế toán thuế. Công chức thuế có trách nhiệm liên quan đến việc cập nhật số liệu vào Hệ thống ứng dụng quản lý thuế phải chịu trách nhiệm về tính chính xác của các thông tin đã cập nhật, đảm bảo phản ánh đầy đủ, kịp thời, chính xác, trung thực, liên tục, có hệ thống toàn bộ nghiệp vụ có liên quan đến việc quản lý thuế.

4. Đơn vị kế toán thuế phải thực hiện khóa sổ kế toán thuế vào cuối kỳ kế toán trước khi lập báo cáo kế toán thuế.

Điều 27. Sửa chữa sổ kế toán thuế

1. Trường hợp khi phát hiện sai, sót về số tiền phải thu, đã thu, còn phải thu, phải hoàn, đã hoàn, còn phải hoàn, miễn, giảm, khoanh nợ, xóa nợ trong kỳ kế toán chưa khóa sổ thì bộ phận kế toán thuế phối hợp với các bộ phận nghiệp vụ thực hiện điều chỉnh sai, sót tùy theo nguyên nhân sai, sót.

2. Trường hợp phát hiện sai, sót về số tiền phải thu, đã thu, còn phải thu, phải hoàn, đã hoàn, còn phải hoàn, miễn, giảm, khoanh nợ, xóa nợ của kỳ kế toán của năm trước thì bộ phận kế toán thuế phối hợp với các bộ phận nghiệp vụ quản lý thuế thực hiện điều chỉnh vào sổ kế toán thuế của năm trước tùy theo nguyên nhân sai, sót trước thời điểm đóng kỳ kế toán thuế theo quy định tại Điều 8 Thông tư này.

3. Trường hợp phát hiện sai, sót về số tiền phải thu, đã thu, còn phải thu, phải hoàn, đã hoàn, còn phải hoàn, miễn, giảm, khoanh nợ, xóa nợ sau thời điểm đóng kỳ kế toán thuế đến trước khi báo cáo kế toán thuế được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt thì việc điều chỉnh sổ kế toán thuế thực hiện như sau:

a) Đối với điều chỉnh theo văn bản đề nghị của cơ quan nhà nước có thẩm quyền: Bộ phận kế toán thuế lập chứng từ điều chỉnh sai, sót để ghi dữ liệu điều chỉnh vào sổ kế toán thuế của năm trước theo quy định tại Điều 14 Thông tư này.

b) Đối với điều chỉnh do cơ quan thuế phát hiện sai, sót: Chỉ điều chỉnh số liệu vào sổ kế toán thuế của năm trước nếu được sự phê duyệt của Tổng cục Thuế và có thuyết minh cụ thể. Trường hợp không được sự phê duyệt của Tổng cục Thuế, đơn vị kế toán thực hiện điều chỉnh số liệu vào sổ kế toán thuế của năm hiện tại theo thông tin “năm ngân sách” để làm cơ sở thuyết minh báo cáo kế toán thuế của năm hiện tại theo quy định điểm d khoản 3 Điều 8 Thông tư này.

4. Sau khi báo cáo kế toán thuế được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, nếu phát sinh điều chỉnh số liệu năm trước về số tiền phải thu, đã thu, còn phải thu, phải hoàn, đã hoàn, còn phải hoàn, miễn, giảm, khoanh nợ, xóa nợ thì được thực hiện điều chỉnh vào kỳ hiện tại với thông tin “năm ngân sách” theo quy định điểm d khoản 3 Điều 8 Thông tư này để nhận biết.

Điều 28. Danh mục, mẫu biểu, nội dung, phương pháp lập, in sổ kế toán thuế

1. Sổ kế toán thuế được xây dựng, cài đặt trên Phân hệ kế toán thuế phản ánh về số tiền phải thu, đã thu, còn phải thu, phải hoàn, đã hoàn, còn phải hoàn, miễn, giảm, khoanh nợ, xóa nợ và phải có các nội dung chủ yếu sau đây:

a) Ngày hạch toán;

b) Số hiệu và ngày tạo bút toán hoặc số, ngày của chứng từ kế toán thuế làm căn cứ ghi sổ;

c) Tính chất nghiệp vụ quản lý thuế;

d) Diễn giải nội dung của nghiệp vụ quản lý thuế phát sinh;

đ) Tài khoản kế toán thuế;

e) Số tiền phát sinh ghi vào các tài khoản kế toán thuế;

g) Số dư đầu kỳ, số phát sinh trong kỳ, số dư cuối kỳ.

2. Hàng ngày, sau khi hoàn thành việc thu thập thông tin đầu vào của Phân hệ kế toán thuế để ghi sổ kế toán thuế theo quy định tại Điều 13 Thông tư này, Phân hệ kế toán thuế phải tổng hợp số phát sinh trong ngày, số dư cuối ngày của các tài khoản kế toán thuế để tổng hợp số phải thu, đã thu, còn phải thu, phải hoàn, đã hoàn, còn phải hoàn, miễn, giảm, khoanh nợ, xóa nợ của ngày làm việc đó.

3. Mẫu sổ kế toán thuế được thiết lập và kết xuất từ Phân hệ kế toán thuế và đảm bảo các nội dung nêu tại khoản 1 Điều này. Sau khi đóng kỳ kế toán thuế năm, sổ kế toán thuế được lưu trữ theo quy định của pháp luật về kế toán.

4. Danh mục, mẫu biểu và phương pháp lập sổ kế toán thuế được quy định tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư này.

5. Ngoài sổ kế toán thuế được hệ thống thiết lập theo biểu mẫu quy định tại Thông tư này, cơ quan thuế có thể thiết lập thêm sổ kế toán chi tiết và sử dụng các sổ kế toán thuế được hệ thống thiết lập sẵn trong công tác kế toán thuế.

Mục 4. BÁO CÁO KẾ TOÁN THUẾ

Điều 29. Báo cáo kế toán thuế

1. Báo cáo kế toán thuế để tổng hợp tình hình, kết quả hoạt động nghiệp vụ quản lý thuế của cơ quan thuế các cấp trong một kỳ kế toán thuế.

2. Yêu cầu đối với báo cáo kế toán thuế

a) Báo cáo kế toán thuế phải được lập theo đúng mẫu biểu quy định, các chỉ tiêu trong báo cáo kế toán thuế phải đảm bảo tính nhất quán, liên tục, phản ánh trung thực, khách quan, hợp lý thông tin liên quan đến nghiệp vụ quản lý các khoản thuế và các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước do cơ quan thuế quản lý thu. Các chỉ tiêu tổng hợp trên các báo cáo kế toán thuế phải đảm bảo thống nhất với các quy định có liên quan về tổng hợp thu ngân sách nhà nước.

b) Số liệu báo cáo kế toán thuế phải phản ánh chính xác, trung thực, khách quan và được tổng hợp từ cơ sở dữ liệu kế toán thuế sau khi đã kiểm tra, đối chiếu và khóa sổ kế toán thuế.

c) Báo cáo kế toán thuế phải được lập đúng nội dung, phương pháp và trình bày nhất quán giữa các kỳ kế toán; trường hợp báo cáo kế toán thuế trình bày khác nhau giữa các kỳ kế toán thì phải thuyết minh rõ lý do.

d) Ngoài báo cáo kế toán thuế được quy định tại Thông tư này, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế được quy định các báo cáo khác lập trên cơ sở dữ liệu kế toán thuế phục vụ cho công tác quản lý, điều hành phù hợp với yêu cầu quản lý trong từng thời kỳ.

3. Lập báo cáo kế toán thuế

a) Trước khi đóng kỳ kế toán thuế, bộ phận kế toán thuế có trách nhiệm phối hợp với các bộ phận nghiệp vụ quản lý thuế thực hiện đối chiếu, kiểm tra số liệu đã hạch toán đảm bảo khớp đúng với các hồ sơ nghiệp vụ của các bộ phận nghiệp vụ.

b) Đơn vị kế toán thuế phối hợp với Kho bạc Nhà nước liên quan thực hiện kiểm tra, đối chiếu, điều chỉnh số liệu kế toán liên quan đến thu, nộp ngân sách nhà nước theo quy định.

c) Đơn vị kế toán thuế lập báo cáo kế toán thuế dưới dạng dữ liệu điện tử. Báo cáo được lưu dưới dạng dữ liệu điện tử và giấy tại đơn vị kế toán thuế.

4. Cục Thuế tổng hợp báo cáo kế toán thuế của các đơn vị kế toán thuế trên địa bàn cấp tỉnh, Cục Thuế doanh nghiệp lớn tổng hợp báo cáo kế toán thuế trên các địa bàn do Cục Thuế được giao nhiệm vụ thu, Tổng cục Thuế tổng hợp báo cáo kế toán thuế của các đơn vị kế toán thuế trên toàn quốc.

5. Đơn vị kế toán là Chi cục Thuế khu vực, Chi cục Thuế phê duyệt báo cáo kế toán thuế chậm nhất là 20 ngày sau khi đóng kỳ kế toán thuế; đơn vị kế toán là Cục Thuế phê duyệt báo cáo kế toán thuế chậm nhất là 30 ngày sau khi đóng kỳ kế toán thuế.

6. Danh mục, mẫu biểu và phương pháp lập báo cáo kế toán thuế được quy định chi tiết tại Phụ lục số V ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 30. Thời điểm chốt số liệu để lập báo cáo kế toán thuế

1. Thời điểm chốt số liệu để lập báo cáo kế toán thuế là thời điểm đóng kỳ kế toán thuế quy định tại Điều 8 Thông tư này.

2. Trường hợp phát hiện sai, sót sau thời điểm đóng kỳ kế toán thuế đến trước khi nộp báo cáo kế toán thuế cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì việc điều chỉnh báo cáo kế toán thuế thực hiện như sau:

a) Đối với điều chỉnh theo văn bản đề nghị của cơ quan có thẩm quyền thì thực hiện điều chỉnh số liệu báo cáo năm trước theo đề nghị và phải có thuyết minh cụ thể.

b) Đối với điều chỉnh do cơ quan thuế phát hiện sai sót thì việc điều chỉnh số liệu báo cáo năm trước nếu được phê duyệt bằng văn bản của Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế và có thuyết minh cụ thể.

3. Sau khi báo cáo kế toán thuế đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, nếu phát sinh điều chỉnh thì số liệu năm trước được thực hiện điều chỉnh vào báo cáo của năm hiện tại.

Điều 31. Cung cấp thông tin kế toán thuế

1. Đơn vị kế toán thuế gửi báo cáo cung cấp thông tin tài chính cho Kho bạc Nhà nước theo quy định tại Nghị định số 25/2017/NĐ-CP ngày 14/3/2017 của Chính phủ quy định về báo cáo tài chính nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành.

2. Đơn vị kế toán thuế cung cấp báo cáo kế toán thuế theo yêu cầu của các cơ quan có thẩm quyền khác theo quy định của pháp luật.

Chương III

TỔ CHỨC CÔNG TÁC KẾ TOÁN THUẾ

Điều 32. Tổ chức công tác kế toán thuế

1. Cơ quan thuế các cấp phải tổ chức bộ phận kế toán thuế phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Thuế theo quy định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính và hướng dẫn của Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế.

2. Hoạt động của bộ phận kế toán thuế được tổ chức theo nguyên tắc tập trung, thống nhất dưới sự chỉ đạo của Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế.

3. Thủ trưởng cơ quan thuế chịu trách nhiệm tổ chức và chỉ đạo thực hiện công tác kế toán thuế, bố trí người làm công tác kế toán thuế bảo đảm thực hiện đầy đủ công việc kế toán và tổng hợp báo cáo theo quy định.

4. Việc bố trí kế toán trưởng hoặc người phụ trách kế toán thuế; nhiệm vụ, quyền hạn của kế toán trưởng hoặc người phụ trách kế toán thuế thực hiện theo quy định của pháp luật kế toán và quy định tại Thông tư này.

Điều 33. Nhiệm vụ của bộ phận kế toán thuế

1. Kế toán số thuế phải thu, đã thu, còn phải thu, phải hoàn, đã hoàn, còn phải hoàn, miễn, giảm, khoanh nợ, xóa nợ thuộc phạm vi quản lý của đơn vị kế toán thuế theo quy định tại Điều 4 Thông tư này.

2. Thực hiện phạm vi, nhiệm vụ, nội dung của công tác kế toán thuế theo quy định tại Điều 5, Điều 6 Thông tư này.

3. Tổ chức hướng dẫn, chỉ đạo, triển khai và tổng hợp báo cáo, phân tích tình hình thực hiện kế toán thuế; đánh giá thực trạng, vướng mắc trong quá trình thực hiện để kịp thời đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định về kế toán thuế phù hợp thực tế đáp ứng yêu cầu quản lý.

4. Nhiệm vụ cụ thể của bộ phận kế toán thuế từng cấp thực hiện theo quyết định về chức năng, nhiệm vụ do Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế quy định.

Chương IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 34. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2022, áp dụng từ kỳ kế toán thuế năm 2022.

2. Thông tư này thay thế Quyết định số 1544/QĐ-BTC ngày 07/07/2014 và Quyết định số 630/QĐ-BTC ngày 09/04/2015 của Bộ Tài chính về việc áp dụng thí điểm Chế độ kế toán thuế nội địa.

3. Căn cứ quy định tại Thông tư này, giao Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế:

a) Ban hành quy trình nghiệp vụ kế toán thuế và hướng dẫn phương pháp hạch toán kế toán chi tiết theo nghiệp vụ quản lý thuế, quy định mã dự phòng và cách sử dụng mã dự phòng áp dụng thống nhất trong kế toán thuế.

b) Hướng dẫn đối với việc xử lý kết chuyển số dư từ các tài khoản hạch toán theo Quyết định số 1544/QĐ-BTC ngày 7/7/2014 của Bộ Tài chính về việc áp dụng thí điểm Chế độ kế toán thuế nội địa sang hệ thống tài khoản ban hành theo Thông tư này.

Điều 35. Tổ chức thực hiện

1. Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán; Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra và thi hành Thông tư này.

2. Trường hợp các văn bản được dẫn chiếu tại Thông tư này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế, thì thực hiện theo văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế đó./.

Nơi nhận:
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Kiểm toán nhà nước;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Sở Tài chính, Cục Thuế, Kho bạc Nhà nước các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Công báo;
- Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp);
- Website Chính phủ;
- Website Bộ Tài chính; Website Tổng cục Thuế;
- Các đơn vị thuộc Bộ Tài chính;
- Lưu: VT, TCT (VT, KK10).

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Trần Xuân Hà

PHỤ LỤC I

DANH MỤC THU THẬP THÔNG TIN ĐẦU VÀO
(Ban hành kèm theo Thông tư số 111/2021/TT-BTC ngày 14/12/2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính)

STT

Nguồn gốc thông tin thu thập từ hồ sơ nghiệp vụ quản lý thuế

Tính chất nghiệp vụ quản lý thuế

Nội dung phản ánh

Mã tài khoản kế toán ghi nợ

Mã tài khoản kế toán ghi có

1

Tờ khai thuế trong năm (tháng/quý/năm/lần phát sinh) có phát sinh số thuế phải nộp (trừ tờ khai 05/GTGT).

TK

Phải thu từ người nộp thuế thực hiện khai thuế, tính thuế

131

711

2

Tờ khai bổ sung của tờ khai thuế trong năm (tháng/quý/năm/lần phát sinh) điều chỉnh tăng/giảm số thuế phải nộp (trừ tờ khai bổ sung tờ khai 05/GTGT).

Điều chỉnh tăng/giảm số phải thu từ người nộp thuế thực hiện khai thuế, tính thuế

131

711

3

Phụ lục Bảng phân bổ số thuế phải nộp kèm hồ sơ khai thuế trong năm (tháng/quý/năm/lần phát sinh) có phát sinh số thuế phải nộp.

PK

Phải thu phân bổ tại các cơ quan thuế khác từ người nộp thuế thực hiện khai thuế, tính thuế

131

338

PP

Phải thu từ nhận phân bổ thuế do người nộp thuế thực hiện khai thuế, tính thuế

138

711

4

Tờ khai bổ sung của tờ khai thuế trong năm (tháng/quý/năm/lần phát sinh) điều chỉnh tăng/giảm số thuế phải nộp trên Phụ lục Bảng phân bổ số thuế phải nộp.

PK

Điều chỉnh tăng/giảm số phải thu phân bổ tại các cơ quan thuế khác của người nộp thuế thực hiện khai thuế, tính thuế

131

338

PP

Điều chỉnh tăng/giảm số phải thu từ nhận phân bổ thuế do người nộp thuế thực hiện khai thuế, tính thuế

138

711

5

Tờ khai thuế GTGT áp dụng đối với NNT tính thuế theo phương pháp khấu trừ có hoạt động xây dựng, chuyển nhượng bất động sản tại địa bàn cấp tỉnh khác nơi đóng trụ sở chính có phát sinh số thuế phải nộp (mẫu số 05/GTGT)

VL

Phải thu vãng lai từ người nộp thuế thực hiện khai thuế, tính thuế

132

711

6

Tờ khai bổ sung tăng/giảm số phải nộp của tờ khai thuế GTGT mẫu số 05/GTGT

Điều chỉnh tăng/giảm số phải thu vãng lai từ người nộp thuế thực hiện khai thuế, tính thuế

132

711

7

Tờ khai quyết toán thuế có số phải nộp

TQ

Phải thu từ người nộp thuế thực hiện khai thuế, tính thuế

131

711

8

Tờ khai bổ sung của Tờ khai quyết toán thuế điều chỉnh tăng/giảm số thuế phải nộp.

Điều chỉnh tăng/giảm số phải thu từ người nộp thuế thực hiện khai thuế, tính thuế

131

711

9

Phụ lục thuế TNDN được ưu đãi phát sinh số phải nộp kèm hồ sơ khai quyết toán thuế TNDN phải nộp.

TQ

Phải thu từ người nộp thuế thực hiện khai thuế, tính thuế

131

711

10

Tờ khai bổ sung có khai bổ sung tăng/giảm số thuế phải nộp tại Phụ lục thuế TNDN được ưu đãi.

Điều chỉnh tăng/giảm số phải thu từ người nộp thuế thực hiện khai thuế, tính thuế

131

711

11

Phụ lục Bảng phân bổ số thuế phải nộp kèm hồ sơ khai quyết toán thuế có số phải nộp cho từng địa bàn nhận khoản phân bổ (trừ bảng phân bổ 03-8A/TNDN).

PA

Phải thu phân bổ tại các cơ quan thuế khác từ người nộp thuế thực hiện khai thuế, tính thuế

131

338

PQ

Phải thu từ nhận phân bổ thuế của người nộp thuế thực hiện khai thuế, tính thuế

138

711

12

Tờ khai bổ sung có điều chỉnh tăng/giảm số thuế phải nộp tại Phụ lục Bảng phân bổ số thuế phải nộp kèm hồ sơ khai quyết toán thuế (trừ bảng phân bổ 03-8A/TNDN).

PA

Điều chỉnh tăng/giảm số phải thu phân bổ tại các cơ quan thuế khác của người nộp thuế thực hiện khai thuế, tính thuế

131

338

PQ

Điều chỉnh tăng/giảm số phải thu từ nhận phân bổ thuế của người nộp thuế thực hiện khai thuế, tính thuế

138

711

13

Phụ lục Bảng phân bổ số thuế TNDN phải nộp đối với hoạt động chuyển nhượng BĐS (mẫu số 03-8A/TNDN).

VL

Phải thu vãng lai từ người nộp thuế thực hiện khai thuế, tính thuế

132

711

14

Tờ khai bổ sung có điều chỉnh tăng/giảm số thuế phải nộp chênh lệch theo quyết toán tại Phụ lục (mẫu số 03-8A/TNDN).

Điều chỉnh tăng/giảm số phải thu vãng lai từ người nộp thuế thực hiện khai thuế, tính thuế

132

711

15

Tờ khai bổ sung có phát sinh số tiền thuế GTGT, TTĐB đã được hoàn không đúng quy định phải nộp trả ngân sách nhà nước.

VO

Phải thu hồi hoàn thuế GTGT, TTĐB theo pháp luật thuế từ người nộp thuế thực hiện khai thuế, tính thuế

142

812

16

Thông báo nộp thuế lần đầu về số tiền thuế phải nộp/Thông báo thay thế Thông báo nộp thuế (Cơ quan thuế tính thuế hoặc cơ quan quản lý nhà nước khác tính thuế theo quy định).

TB

Phải thu từ thông báo của cơ quan thuế

131

711

17

Thông báo điều chỉnh, bổ sung thông báo lần đầu có tăng/giảm số thuế phải nộp.

Điều chỉnh tăng/giảm số phải thu từ thông báo của cơ quan thuế

131

711

18

Quyết định về việc ấn định số tiền thuế phải nộp đối với trường hợp người nộp thuế không khai thuế hoặc khai thuế chưa đầy đủ, chưa chính xác các yếu tố làm cơ sở xác định số tiền thuế phải nộp (gọi chung là Quyết định ấn định do kê khai).

QF

Phải thu từ quyết định, văn bản của cơ quan thuế

131

711

QF (A)

Phải thu từ QĐ, văn bản của cơ quan thuế đối với khoản phân bổ tại cơ quan thuế khác

131

338

QF (P)

Phải thu do nhận phân bổ thuế từ quyết định, văn bản của cơ quan thuế

138

711

QF (V)

Phải thu vãng lai của người nộp thuế từ quyết định, văn bản của cơ quan thuế

132

711

19

Quyết định về việc ấn định số tiền thuế phải nộp (trừ Quyết định ấn định do kê khai).

QA

Phải thu từ quyết định, văn bản của cơ quan thuế

131

711

QA (A)

Phải thu từ QĐ, văn bản của CQT đối với khoản thu phân bổ tại CQT khác

131

338

QA (P)

Phải thu do nhận phân bổ thuế từ quyết định, văn bản của cơ quan thuế

138

711

QA (V)

Phải thu vãng lai của người nộp thuế từ quyết định, văn bản của cơ quan thuế

132

711

20

Quyết định về việc xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) về thuế/hóa đơn; Quyết định về việc thi hành một phần quyết định xử phạt VPHC về thuế, hóa đơn; Quyết định về việc áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả; Quyết định về việc hủy Quyết định xử phạt VPHC về thuế/hóa đơn; Quyết định về việc sửa đổi, bổ sung Quyết định xử phạt VPHC về thuế/hóa đơn (trừ nội dung liên quan đến thu hồi hoàn thuế) - Đối với số tiền phạt.

QP

Phải thu từ quyết định, văn bản của cơ quan thuế

131

711

QP (A)

Phải thu từ quyết định, văn bản của cơ quan thuế đối với khoản phân bổ tại CQT khác

131

338

QP (P)

Phải thu từ nhận phân bổ thuế do quyết định, văn bản của cơ quan thuế

138

711

QP (V)

Phải thu vãng lai của người nộp thuế do quyết định, văn bản của cơ quan thuế

132

711

21

Quyết định về việc xử phạt VPHC về thuế/hóa đơn; Quyết định về việc thi hành một phần quyết định xử phạt VPHC về thuế, hóa đơn; Quyết định về việc áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả; Quyết định về việc hủy Quyết định xử phạt VPHC về thuế/hóa đơn; Quyết định về việc sửa đổi, bổ sung Quyết định xử phạt VPHC về thuế/hóa đơn (trừ nội dung liên quan đến thu hồi hoàn thuế) - Đối với số tiền thuế truy thu.

QT

Phải thu từ quyết định, văn bản của cơ quan thuế

131

711

QT (A)

Phải thu từ quyết định, văn bản của cơ quan thuế đối với khoản thu phân bổ tại CQT khác

131

338

QT (P)

Phải thu do nhận phân bổ thuế từ quyết định, văn bản của cơ quan thuế

138

711

QT (V)

Phải thu vãng lai của người nộp thuế từ quyết định, văn bản của cơ quan thuế

132

711

22

Quyết định về việc thu hồi hoàn thuế đối với số tiền thuế GTGT, TTĐB đã hoàn theo pháp luật thuế; Quyết định hủy, điều chỉnh, bổ sung Quyết định về việc thu hồi hoàn thuế đối với số tiền thuế GTGT, TTĐB đã hoàn theo pháp luật thuế.

QO (04)

Phải thu hồi hoàn thuế GTGT, TTĐB theo pháp luật thuế từ quyết định của cơ quan thuế

142

812

23

Quyết định về việc thu hồi hoàn thuế; Quyết định hủy, điều chỉnh, bổ sung Quyết định về việc thu hồi hoàn thuế (trừ thu hồi hoàn thuế GTGT, TTĐB theo pháp luật thuế).

QO

Phải thu hồi hoàn nộp thừa từ quyết định của cơ quan thuế

131

711

QO (A)

Phải thu hồi hoàn từ quyết định của cơ quan thuế đối với khoản thu phân bổ tại CQT khác

131

338

QO (P)

Phải thu hồi hoàn nộp thừa từ quyết định, văn bản của cơ quan thuế đối với khoản thu nhận phân bổ

138

711

QO (V)

Phải thu hồi hoàn nộp thừa từ quyết định, văn bản của cơ quan thuế đối với khoản thu vãng lai nộp nhầm

132

711

24

Quyết định về việc xử lý khiếu nại về Quyết định ấn định do kê khai (QF), xác định tăng/giảm số thuế phải nộp của NNT.

QU

Điều chỉnh tăng/giảm số phải thu từ quyết định, văn bản của cơ quan thuế

131

711

QU (A)

Điều chỉnh tăng/giảm số phải thu từ quyết định, văn bản của cơ quan thuế đối với khoản thu phân bổ tại CQT khác

131

338

QU (P)

Điều chỉnh tăng/giảm số phải thu nhận phân bổ từ quyết định, văn bản của cơ quan thuế

138

711

QU (V)

Điều chỉnh tăng/giảm số phải thu vãng lai từ quyết định, văn bản của cơ quan thuế

132

711

25

Quyết định về việc xử lý khiếu nại của cơ quan thuế về Quyết định thu hồi hoàn thuế GTGT, TTĐB theo pháp luật thuế.

QL (04)

Điều chỉnh tăng/giảm số phải thu từ thu hồi hoàn thuế GTGT, TTĐB do quyết định, văn bản của cơ quan thuế

142

812

26

Quyết định xử lý khiếu nại của cơ quan thuế (trừ Quyết định xử lý khiếu nại của cơ quan thuế về Quyết định thu hồi hoàn thuế GTGT, TTĐB theo pháp luật thuế).

QL

Điều chỉnh tăng/giảm số phải thu từ quyết định, văn bản của cơ quan thuế

131

711

QL (A)

Điều chỉnh tăng/giảm số phải thu từ quyết định, văn bản của cơ quan thuế đối với khoản thu phân bổ tại CQT khác

131

338

QL (P)

Điều chỉnh tăng/giảm số phải thu từ quyết định, văn bản của cơ quan thuế đối với khoản nhận phân bổ

138

711

QL (V)

Điều chỉnh tăng/giảm số phải thu từ quyết định, văn bản của cơ quan thuế đối với khoản thu vãng lai

132

711

27

Quyết định, văn bản của cơ quan có thẩm quyền khác về số tiền thu hồi hoàn thuế GTGT, TTĐB theo pháp luật thuế.

QK (04)

Phải thu hồi hoàn thuế GTGT, TTĐB theo pháp luật thuế do quyết định, văn bản của cơ quan có thẩm quyền khác

142

812

28

Quyết định xử lý khiếu nại của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về tăng/giảm số thu hồi hoàn GTGT, TTĐB theo pháp luật thuế.

QG (04)

Điều chỉnh tăng/giảm số phải thu từ thu hồi hoàn thuế GTGT, TTĐB do quyết định, văn bản của cơ quan có thẩm quyền

142

812

29

Quyết định, văn bản của cơ quan có thẩm quyền khác có số tiền thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp phải nộp (trừ Quyết định, văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác về số tiền thu hồi hoàn thuế GTGT, TTĐB theo pháp luật thuế).

QK

Phải thu từ quyết định, văn bản của cơ quan có thẩm quyền khác

131

711

QK (A)

Phải thu từ quyết định, văn bản của cơ quan có thẩm quyền đối với khoản phân bổ tại CQT khác

131

338

QK (P)

Phải thu từ quyết định, văn bản của cơ quan có thẩm quyền khác đối với khoản nhận phân bổ

138

711

QK (V)

Phải thu từ quyết định, văn bản của cơ quan có thẩm quyền khác đối với khoản thu vãng lai

132

711

30

Quyết định xử lý khiếu nại của cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định tăng/giảm số thuế phải nộp của NNT (trừ Quyết định xử lý khiếu nại của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về tăng/giảm số thu hồi hoàn GTGT, TTĐB theo pháp luật thuế).

QG

Điều chỉnh tăng/giảm số phải thu từ quyết định, văn bản của cơ quan có thẩm quyền.

131

711

QG (A)

Điều chỉnh tăng/giảm số phải thu từ quyết định, văn bản của cơ quan có thẩm quyền đối với khoản thu phân bổ tại CQT khác.

131

338

QG (P)

Điều chỉnh tăng/giảm số phải thu từ quyết định, văn bản của cơ quan có thẩm quyền đối với khoản thu nhận phân bổ.

138

711

QG (V)

Điều chỉnh tăng/giảm số phải thu từ quyết định, văn bản của cơ quan có thẩm quyền đối với khoản thu nhận vãng lai.

132

711

31

Tiền chậm nộp, điều chỉnh tăng/giảm tiền chậm nộp của người nộp thuế.

NC

Phải thu khác (từ tiền chậm nộp)

131

711

32

Lệnh thu ngân sách nhà nước (NSNN).

C1

Đã thu NSNN của người nộp thuế trực tiếp nộp tiền

331

131

33

Giấy nộp tiền vào NSNN, Giấy rút dự toán NSNN, Giấy rút dự toán kiêm thu NSNN (của Bộ Ngoại giao, dùng trong trường hợp chi từ tài khoản tạm giữ ngoại tệ), Giấy rút vốn đầu tư, Giấy rút vốn đầu tư kiêm thu NSNN (của Bộ Ngoại giao, dùng trong trường hợp chi từ tài khoản tạm giữ ngoại tệ), Ủy nhiệm chi do NNT lập để nộp tiền vào NSNN

C2

Đã thu NSNN của người nộp thuế trực tiếp nộp tiền.

331

131

34

Chứng từ nộp tiền vào NSNN cho khoản thu hồi hoàn thuế GTGT, TTĐB theo pháp luật thuế.

C3

Đã thu NSNN về thu hồi hoàn thuế giá trị gia tăng, tiêu thụ đặc biệt

332

142

35

Chứng từ nộp tiền vào NSNN do KBNN khấu trừ thuế GTGT trong cùng tỉnh với nơi nhà thầu đóng trụ sở chính; Chứng từ nộp tiền vào NSNN về thuế GTGT đối với NNT có hoạt động xây dựng, chuyển nhượng bất động sản tại địa bàn cấp tỉnh khác nơi đóng trụ sở chính.

P3

Đã thu NSNN của người nộp thuế vãng lai trực tiếp nộp tiền.

331

132

P4

Đã thu NSNN của người nộp thuế theo chứng từ nộp vãng lai tại cơ quan thuế khác.

711

131

36

Chứng từ nộp tiền vào NSNN của NNT đối với khoản thu phân bổ.

P5

Đã thu NSNN của người nộp thuế có khoản thu phân bổ trực tiếp nộp tiền.

331

138

P6

Đã thu NSNN của người nộp thuế có khoản thu phân bổ theo chứng từ nộp tại cơ quan thuế khác

338

131

37

Chứng từ nộp tiền vào NSNN đối với khoản thu không do cơ quan thuế quản lý hoặc chưa đủ thông tin xác định người nộp thuế.

P7

Đã thu NSNN (do chưa đủ thông tin xác định NNT)

331

131

TA

Phải thu khác (do chưa đủ thông tin xác định NNT)

131

711

38

Chứng từ nộp tiền vào NSNN của tổ chức, cá nhân được cơ quan thuế ủy nhiệm thu thể hiện số đã nộp NSNN về số thuế đã thu của NNT theo hợp đồng ủy nhiệm thu.

P9

Đã thu NSNN của tổ chức, cá nhân được UNT

331

133

39

Biên lai hoặc chứng từ thu thuế, phí, lệ phí do tổ chức, cá nhân nhận ủy nhiệm thu cấp cho người nộp thuế khi thu tiền.

BU

Đã thu theo biên lai từ người nộp thuế nộp qua UNT

TK trung gian

131

PU

Đã thu theo biên lai của tổ chức, cá nhân UNT

133

TK trung gian

40

Chứng từ nộp tiền vào NSNN của cơ quan thuế đối với số đã nộp NSNN về số thuế đã thu trực tiếp của người nộp thuế.

B9

Đã thu NSNN của cơ quan thuế trực tiếp thu của NNT

331

137

41

Biên lai thu của cơ quan thuế khi thu tiền của người nộp thuế.

BL

Đã thu theo biên lai từ người nộp thuế nộp trực tiếp tại cơ quan thuế

TK trung gian

131

BC

Đã thu theo biên lai của cơ quan thuế

137

TK trung gian

42

Quyết định hoàn thuế, Quyết định hoàn kiêm bù trừ thu NSNN có số tiền thuế GTGT, TTĐB được hoàn trả theo pháp luật thuế.

PT (04)

Phải hoàn GTGT, TTĐB từ NSNN

812

342

43

Lệnh hoàn trả khoản thu NSNN/Lệnh hoàn trả kiêm bù trừ thu NSNN đối với thuế GTGT, TTĐB theo pháp luật thuế (số hoàn, tiền lãi do hoàn chậm).

C4

Đã hoàn thuế GTGT, TTĐB từ NSNN

332

342

44

Lệnh hoàn trả kiêm bù trừ thu NSNN đối với khoản nộp thừa (số bù trừ với QĐ thu hồi hoàn thuế GTGT, TTĐB theo pháp luật thuế).

C3

Đã thu NSNN về thu hồi hoàn thuế GTGT, TTĐB theo pháp luật thuế

332

142

45

Quyết định hoàn thuế, Quyết định hoàn kiêm bù trừ thu NSNN có số tiền thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp do NNT nộp nhầm, nộp thừa được hoàn trả (Toàn bộ phần hoàn thuế trên QĐ hoàn do cơ quan thuế ban hành).

QH

Số phải hoàn nộp thừa theo Quyết định hoàn thuế

131

TK trung gian

46

Quyết định hoàn thuế, Quyết định hoàn kiêm bù trừ thu NSNN có số tiền thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp do NNT nộp nhầm, nộp thừa được hoàn trả (Phần hoàn thuế đối với khoản thu phân bổ).

BP

Số phải hoàn nộp thừa theo Quyết định hoàn thuế đối khoản thu phân bổ tại cơ quan thuế khác

341

338

QH (P)

Số phải hoàn nộp thừa theo Quyết định hoàn thuế đối với khoản thu nhận phân bổ

138

TK trung gian

47

Quyết định hoàn thuế, Quyết định hoàn kiêm bù trừ thu NSNN có số tiền thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp do NNT nộp nhầm, nộp thừa được hoàn trả (Phần bù trừ lệnh hoàn với toàn bộ phần hoàn thuế trên QĐ hoàn do cơ quan thuế ban hành).

PT

Phải hoàn nộp thừa từ NSNN

TK trung gian

341

48

Quyết định hoàn thuế, Quyết định hoàn kiêm bù trừ thu NSNN có số tiền thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp do NNT nộp nhầm, nộp thừa được hoàn trả (Phần bù trừ lệnh hoàn tại CQT nhận khoản thu phân bổ).

PT(P)

Phải hoàn nộp thừa từ NSNN đối với khoản nhận phân bổ

TK trung gian

348

49

Lệnh hoàn trả khoản thu NSNN/Lệnh hoàn trả kiêm bù trừ thu NSNN đối với khoản nộp thừa (số hoàn, tiền lãi do hoàn chậm).

C5

Đã hoàn nộp thừa từ NSNN (đối với khoản nộp thừa tại cơ quan thuế)

341

331

C5 (P)

Đã hoàn nộp thừa từ NSNN đối với khoản nhận phân bổ

348

331

50

Lệnh hoàn trả kiêm bù trừ thu NSNN đối với khoản nộp thừa (số bù trừ thu nộp vào NSNN).

C2

Đã thu NSNN theo lệnh hoàn trả kiêm bù trừ

331

131

51

Lệnh hoàn trả kiêm bù trừ thu NSNN đối với khoản nộp thừa (số bù trừ thu nộp vào NSNN đối với khoản phân bổ).

P5

Đã thu NSNN theo lệnh hoàn trả kiêm bù trừ đối với khoản nhận phân bổ

331

138

P6

Đã thu NSNN theo lệnh hoàn trả kiêm bù trừ đối với khoản phân bổ tại cơ quan thuế khác

338

131

52

Quyết định hoàn thuế, Quyết định hoàn kiêm bù trừ thu NSNN có số tiền thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp do NNT nộp nhầm đối với khoản nộp thừa (do cơ quan thuế nhận khoản thu vãng lai ban hành QĐ hoàn thuế do nộp nhầm)- toàn bộ số hoàn nộp thừa theo Quyết định.

QH (V)

Số phải hoàn nộp thừa theo Quyết định hoàn thuế đối với khoản thu vãng lai

132

TK trung gian

53

Quyết định hoàn thuế, Quyết định hoàn kiêm bù trừ thu NSNN có số tiền thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp do NNT nộp nhầm đối với khoản nộp thừa (do cơ quan thuế nhận khoản thu vãng lai ban hành QĐ hoàn thuế do nộp nhầm) - số tiền đã được bù trừ với số thuế phải nộp tại trụ sở chính.

BN

Số phải hoàn nộp thừa theo Quyết định hoàn thuế đối với khoản thu vãng lai tại CQT khác

131

711

54

Lệnh hoàn trả kiêm bù trừ thu NSNN đối với khoản nộp thừa (số bù trừ thu nộp vào NSNN đối với khoản thu vãng lai).

P3

Đã thu NSNN theo lệnh hoàn trả kiêm bù trừ đối với khoản thu vãng lai

331

132

P4

Đã thu NSNN theo lệnh hoàn trả kiêm bù trừ đối với khoản thu vãng lai tại cơ quan thuế khác

711

131

55

Quyết định về việc không hoàn trả khoản nộp thừa (đối với khoản thu tại CQT quản lý trực tiếp/CQT quản lý khoản thu).

KT

Phải thu do QĐ không hoàn nộp thừa của cơ quan thuế

131

711

56

Quyết định về việc không hoàn trả khoản nộp thừa (đối với khoản thu phân bổ).

KT (A)

Phải thu do QĐ không hoàn nộp thừa của cơ quan thuế đối với khoản thu phân bổ tại cơ quan thuế khác

131

338

KT (P)

Phải thu do QĐ không hoàn nộp thừa của cơ quan thuế đối với khoản thu nhận phân bổ

138

711

57

Quyết định về việc không hoàn trả khoản nộp thừa (tại CQT quản lý địa bàn vãng lai).

KT (V)

Phải thu do QĐ không hoàn nộp thừa của cơ quan thuế đối với khoản thu vãng lai

132

711

58

Quyết định miễn, giảm tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt của NNT; Thông báo nộp thuế có tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt được miễn, giảm do CQT, cơ quan có thẩm quyền ban hành.

QM

Miễn, giảm theo QĐ của cơ quan thuế, cơ quan có thẩm quyền.

818

131

59

Quyết định miễn, giảm tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt của NNT; Thông báo nộp thuế có tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt được miễn, giảm do CQT, cơ quan có thẩm quyền ban hành (đối với khoản phân bổ).

QM (A)

Miễn, giảm theo QĐ của cơ quan thuế, cơ quan có thẩm quyền đối với khoản thu phân bổ tại cơ quan thế khác

338

818

QM (P)

Miễn, giảm theo QĐ của cơ quan thuế, cơ quan có thẩm quyền đối với khoản thu nhận phân bổ.

818

138

60

Quyết định miễn, giảm tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt của NNT; Thông báo nộp thuế có tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt được miễn, giảm do CQT, cơ quan có thẩm quyền ban hành (đối với khoản vãng lai).

QM (V)

Miễn, giảm theo QĐ của cơ quan thuế, cơ quan có thẩm quyền đối với khoản thu vãng lai.

818

132

61

Quyết định xóa nợ tiền thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp của NNT do CQT, cơ quan có thẩm quyền ban hành.

QX

Xóa nợ theo QĐ của cơ quan thuế, cơ quan có thẩm quyền

819

131

62

Quyết định xóa nợ tiền thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp của NNT do CQT, cơ quan có thẩm quyền ban hành (đối với khoản phân bổ).

QX (A)

Xóa nợ theo QĐ của cơ quan thuế, cơ quan có thẩm quyền đối với khoản phân bổ tại CQT khác

338

819

QX (P)

Xóa nợ theo QĐ của cơ quan thuế, cơ quan có thẩm quyền đối với khoản thu nhận phân bổ.

819

138

63

Quyết định xóa nợ tiền thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp của NNT do CQT, cơ quan có thẩm quyền ban hành đối với khoản vãng lai.

QX (V)

Xóa nợ theo QĐ của cơ quan thuế, cơ quan có thẩm quyền đối với khoản thu vãng lai.

819

132

64

Quyết định khoanh tiền thuế nợ (khoản nợ tại cơ quan thuế quản lý trực tiếp NNT/CQT quản lý khoản thu NSNN).

QD

Khoanh nợ theo QĐ của cơ quan thuế

139

TK trung gian

QE

Giảm số phải thu theo QĐ khoanh nợ của cơ quan thuế

TK trung gian

131

65

Quyết định khoanh tiền thuế nợ (khoản thu phân bổ).

QD (A)

Khoản nợ theo QĐ của cơ quan thuế đối với khoản phân bổ tại CQT khác

338

139

QD (P)

Khoanh nợ theo QĐ của cơ quan thuế đối với khoản thu nhận phân bổ

139

TK trung gian

QE (P)

Giảm số phải thu theo QĐ khoanh nợ của cơ quan thuế đối với khoản thu nhận phân bổ

TK trung gian

138

66

Quyết định khoanh nợ tiền thuế nợ (khoản thu vãng lai).

QD (V)

Khoanh nợ theo QĐ của cơ quan thuế đối với khoản thu vãng lai

139

TK trung gian

QE (V)

Giảm số phải thu theo QĐ khoanh nợ của cơ quan thuế đối với khoản thu vãng lai

TK trung gian

132

67

Quyết định chấm dứt hiệu lực của Quyết định khoanh tiền thuế nợ (khoản nợ tại cơ quan thuế quản lý trực tiếp NNT/CQT quản lý khoản thu NSNN).

QE

Phải thu theo QĐ chấm dứt hiệu lực QĐ khoanh nợ

131

TK trung gian

QD

Giảm số khoanh nợ theo QĐ thu hồi QĐ khoanh nợ

TK trung gian

139

68

Quyết định chấm dứt hiệu lực của Quyết định khoanh tiền thuế nợ (khoản thu phân bổ).

QD (A)

Giảm số khoanh nợ theo QĐ thu hồi QĐ khoanh nợ đối với khoản thu phân bổ tại CQT khác

139

338

QE (P)

Phải thu theo QĐ chấm dứt hiệu lực QĐ khoanh nợ đối với khoản thu nhận phân bổ

138

TK trung gian

QD (P)

Giảm số khoanh nợ theo QĐ chấm dứt hiệu lực QĐ khoanh nợ đối với khoản thu nhận phân bổ

TK trung gian

139

69

Quyết định chấm dứt hiệu lực của Quyết định khoanh tiền thuế nợ (khoản thu vãng lai).

QE (V)

Phải thu theo QĐ chấm dứt hiệu lực QĐ khoanh nợ đối với khoản thu vãng lai

132

TK trung gian

QD (V)

Giảm số khoanh nợ theo QĐ chấm dứt hiệu lực QĐ khoanh nợ đối với khoản thu vãng lai

TK trung gian

139

70

Thông báo chuyển địa điểm chuyển số còn phải thu từ CQT chuyển đi sang CQT chuyển đến.

NP

Giảm phải thu do người nộp thuế chuyển đi

TK chứng từ gốc

TK chứng từ gốc

CN

Tăng phải thu do người nộp thuế chuyển đến

TK chứng từ gốc

TK chứng từ gốc

71

Thông báo chuyển địa điểm chuyển số đã thu từ CQT chuyển đi sang CQT chuyển đến (khoản nộp thừa tại trụ sở chính).

CP

Giảm đã thu do người nộp thuế chuyển đi

131

711

NM

Tăng đã thu do người nộp thuế chuyển đến

711

131

72

Thông báo chuyển địa điểm chuyển số đã thu từ CQT chuyển đi sang CQT chuyển đến (khoản nộp thừa tại cơ quan thuế nhận phân bổ).

CP

Giảm đã thu đối với khoản thu phân bổ tại cơ quan thuế khác của nơi chuyển đi

TK chứng từ gốc

TK chứng từ gốc

NM

Tăng đã thu đối với khoản thu phân bổ tại cơ quan thuế khác của nơi chuyển đến

TK chứng từ gốc

TK chứng từ gốc

73

Chứng từ điều chỉnh nội bộ số phải thu.

DP

Điều chỉnh tăng/giảm số phải thu

131

711

DP (A)

Điều chỉnh tăng/giảm số phải thu đối với khoản phân bổ tại cơ quan thuế khác

131

338

DP (P)

Điều chỉnh tăng/giảm số phải thu đối với khoản nhận phân bổ

138

711

DP (V)

Điều chỉnh tăng/giảm số phải thu đối với khoản thu vãng lai

132

711

74

Chứng từ điều chỉnh nội bộ đã thu.

NT

Điều chỉnh tăng/giảm số đã thu

TK chứng từ gốc

TK chứng từ gốc

75

Chứng từ điều chỉnh nội bộ số thu hồi hoàn.

CT

Điều chỉnh tăng/giảm số phải thu hồi hoàn

TK chứng từ gốc

TK chứng từ gốc

76

Thông báo về xử lý số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa

Giao dịch gốc bù trừ

Điều chỉnh tăng/giảm số đã thu

TK chứng từ gốc

TK chứng từ gốc

77

Phiếu điều chỉnh nội bộ có phê duyệt của Lãnh đạo cơ quan thuế để kết chuyển số dư từ “Tài khoản quản lý khoản thu thiếu thông tin chờ xử lý của cơ quan thuế” sang “Tài khoản quản lý khoản thu không xác định người nộp thuế của cơ quan thuế” đối với trường hợp không xác định được mã số thuế của người nộp thuế trước thời điểm khóa sổ tháng 12 hàng năm đối với các chứng từ nộp tiền đã hạch toán vào tài khoản loại 1 trong năm (Điều chỉnh tăng tài khoản quản lý khoản thu không xác định người nộp thuế của cơ quan thuế).

P8

Điều chỉnh tăng/giảm số đã thu đối với trường hợp không xác định được NNT

331

131

TA

Phải thu khác (đối với trường hợp không xác định được NNT)

131

331

Ghi chú:

Các từ viết tắt:

- NNT: Người nộp thuế

- CQT: Cơ quan thuế

- GTGT: Giá trị gia tăng

- TNDN: Thu nhập doanh nghiệp

- TTĐB: Tiêu thụ đặc biệt

- NSNN: Ngân sách nhà nước

- QĐ: Quyết định

- VPHC: Vi phạm hành chính

- BĐS: Bất động sản

- KBNN: Kho bạc Nhà nước

PHỤ LỤC II

CHỨNG TỪ KẾ TOÁN THUẾ
(Ban hành kèm theo Thông tư số 111/2021/TT-BTC ngày 14/12/2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính)

I. DANH MỤC CHỨNG TỪ KẾ TOÁN THUẾ

STT

TÊN CHỨNG TỪ

MẪU SỐ

1

Chứng từ điều chỉnh thông tin ghi Sổ kế toán thuế

01/CT-KTT

II. MẪU CHỨNG TỪ KẾ TOÁN THUẾ

Mẫu số: 01/CT-KTT
(Ban hành kèm theo Thông tư số /2021/TT-BTC ngày / /2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính)

TÊN CƠ QUAN THUẾ CẤP TRÊN
TÊN CƠ QUAN THUẾ LẬP CHỨNG TỪ
---------

Số:…………………….

Ngày hạch toán:………

CHỨNG TỪ ĐIỀU CHỈNH THÔNG TIN GHI SỔ KẾ TOÁN THUẾ

Ngày… tháng… năm….

Căn cứ: <chứng từ điều chỉnh của Kho bạc Nhà nước, văn bản yêu cầu điều chỉnh của cơ quan có thẩm quyền>

Nội dung điều chỉnh:……………………………………………………….

Lý do điều chỉnh:…………………………………………………………..

Năm kế toán: Năm …

Năm ngân sách: .......

Thông tin ghi sổ kế toán thuế như sau:

STT

Mã cơ quan thu

Mã địa bàn hành chính

Mã chương

Mã tiểu mục

Mã dự phòng

Mã tài khoản kế toán ghi nợ

Mã tài khoản kế toán ghi có

Số tiền (VNĐ)

1

2

3

4

5

6

7

8

9

Tổng cộng:

NGƯỜI LẬP
(Ký, ghi rõ họ tên)

KẾ TOÁN TRƯỞNG/PHỤ TRÁCH KẾ TOÁN
(Ký, ghi rõ họ tên và chức vụ)

III. NỘI DUNG PHƯƠNG PHÁP LẬP CHỨNG TỪ KẾ TOÁN THUẾ (Mẫu số 01/CT-KTT)

1. Mục đích

Chứng từ điều chỉnh thông tin ghi sổ kế toán thuế do Bộ phận kế toán thuế lập để ghi Sổ kế toán thuế trong trường hợp cần điều chỉnh số liệu trên báo cáo kế toán thuế cho phù hợp với thông tin hạch toán thu ngân sách nhà nước của Kho bạc Nhà nước theo quy định hoặc theo đề nghị của cơ quan có thẩm quyền hoặc do cơ quan thuế phát hiện sai, sót và được Tổng cục Thuế phê duyệt về việc điều chỉnh sổ kế toán thuế.

2. Căn cứ lập

Căn cứ văn bản đề nghị điều chỉnh thu ngân sách nhà nước do Kho bạc Nhà nước gửi hoặc văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc phê duyệt của Tổng cục Thuế về việc điều chỉnh thông tin ghi sổ kế toán thuế.

3. Phương pháp lập

a) Số: Ghi số chứng từ do bộ phận kế toán lập, số này do Phân hệ kế toán thuế hỗ trợ tạo khi thực hiện lập chứng từ trên ứng dụng.

b) Ngày hạch toán: Xác định theo quy định tại khoản 2 Điều 8 Thông tư này.

c) Ngày...tháng...năm...: Ghi ngày, tháng, năm lập chứng từ kế toán thuế.

d) Căn cứ: Ghi rõ số, ngày chứng từ điều chỉnh của Kho bạc Nhà nước hoặc văn bản của cơ quan có thẩm quyền.

đ) Nội dung, lý do điều chỉnh: Ghi nội dung, lý do điều chỉnh theo chứng từ điều chỉnh của Kho bạc Nhà nước hoặc văn bản của cơ quan có thẩm quyền hoặc phê duyệt của Tổng cục Thuế.

e) Năm kế toán: Ghi năm phát sinh sai sót cần điều chỉnh, chỉ ghi trong trường hợp sai sót số liệu kế toán của các năm trước, điều chỉnh trong năm nay và lên báo cáo kế toán của năm cần điều chỉnh.

g) Năm ngân sách: Chỉ ghi trong trường hợp sai sót số liệu kế toán của các năm trước, điều chỉnh trong năm nay và lên báo cáo kế toán thuế của năm nay với giá trị “01”.

h) Thông tin điều chỉnh:

Cột 1: Số thứ tự.

Cột 2,3,4,5,6,7: Mã cơ quan thu, mã địa bàn hành chính, mã chương, mã tiểu mục, mã tài khoản kế toán ghi nợ, mã tài khoản kế toán ghi có của khoản điều chỉnh.

Cột 8: Số tiền tương ứng với mã cơ quan thu, mã địa bàn hành chính, mã chương, mã tiểu mục, mã tài khoản kế toán ghi nợ, mã tài khoản kế toán ghi có của khoản điều chỉnh.

k) Chứng từ ghi sổ kế toán thuế do Bộ phận kế toán thuế lập trên hệ thống và Kế toán trưởng/Phụ trách kế toán thuế có trách nhiệm ký trên chứng từ, ghi rõ căn cứ điều chỉnh, hồ sơ được phép điều chỉnh kèm theo.

PHỤ LỤC III

NỘI DUNG, KẾT CẤU TÀI KHOẢN KẾ TOÁN
(Ban hành kèm theo Thông tư số 111/2021/TT-BTC ngày 14/12/2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính)

1. Tài khoản 131- Phải thu từ người nộp thuế

1.1. Nguyên tắc kế toán

a) Tài khoản này phản ánh số thuế cơ quan thuế phải thu, đã thu, còn phải thu và các khoản giảm số phải thu từ người nộp thuế.

b) Số phải thu từ người nộp thuế (trừ phải thu vãng lai từ người nộp thuế và phải thu từ nhận phân bổ) được thu thập theo danh mục tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.

1.2. Kết cấu và nội dung phản ánh của tài khoản 131- Phải thu từ người nộp thuế

a) Bên Nợ:

a.1) Số phải thu từ tờ khai thuế người nộp thuế thực hiện khai thuế, tính thuế; người nộp thuế nộp theo thông báo nộp thuế của cơ quan thuế; phải thu theo quyết định, văn bản của cơ quan thuế; quyết định, văn bản của cơ quan có thẩm quyền;

a.2) Số phải hoàn nộp thừa từ quyết định hoàn nộp thừa của cơ quan thuế (giảm số phải thu);

a.3) Số thu do quyết định không hoàn trả khoản nộp thừa của cơ quan thuế;

a.4) Nhận số còn phải thu từ thông báo người nộp thuế chuyển địa điểm đến; Chuyển số nộp thừa theo thông báo người nộp thuế chuyển địa điểm đi;

a.5) Chuyển số khoanh nợ sang số phải thu do quyết định chấm dứt hiệu lực quyết định khoanh tiền thuế nợ;

a.6) Điều chỉnh tăng/giảm số đã hạch toán tại điểm a.1, a.2, a.3, a.4, a.5 khoản này do người nộp thuế khai bổ sung; cơ quan thuế điều chỉnh, bổ sung thông báo nộp thuế; cơ quan thuế, cơ quan nhà nước có thẩm quyền điều chỉnh, bổ sung quyết định, văn bản đã ban hành;

a.7) Điều chỉnh tăng/giảm số phải thu do chênh lệch tỷ giá:

- Chênh lệch tỷ giá tại thời điểm hạch toán số đã nộp và số phải nộp bằng ngoại tệ quy đổi sang Đồng Việt Nam.

- Chênh lệch tỷ giá tại thời điểm hạch toán số đã nộp bằng ngoại tệ quy đổi sang Đồng Việt Nam và số phải hoàn nộp thừa.

b) Bên Có:

b.1) Số đã thu từ số tiền thuế người nộp thuế đã nộp hoặc lệnh hoàn trả kiêm bù trừ thu ngân sách nhà nước trên Bảng kê chứng từ nộp ngân sách nhà nước; từ chứng từ nộp ngân sách nhà nước của người nộp thuế có khoản thu phân bổ tại cơ quan thu khác; từ biên lai hoặc chứng từ thu của tổ chức ủy nhiệm thu/cơ quan thuế thu trực tiếp;

b.2) Nhận số nộp thừa từ thông báo người nộp thuế chuyển địa điểm đến; chuyển số còn phải thu theo thông báo người nộp thuế chuyển địa điểm đi;

b.3) Chuyển số phải thu sang số khoanh nợ do quyết định khoanh tiền thuế nợ của cơ quan thuế;

b.4) Giảm số phải thu do miễn, giảm, xóa nợ theo quyết định, thông báo của cơ quan thuế, cơ quan có thẩm quyền;

b.5) Điều chỉnh tăng/giảm số đã hạch toán tại điểm b.1, b.2, b.3, b.4 khoản này.

c) Số dư bên Nợ: Phản ánh số tiền thuế còn phải thu từ người nộp thuế.

Trường hợp có số dư bên Có: Phản ánh số tiền thuế người nộp thuế nộp thừa.

2. Tài khoản 132- Phải thu từ vãng lai của người nộp thuế

2.1. Nguyên tắc kế toán

a) Tài khoản này dùng cho cơ quan thuế quản lý khoản thu vãng lai, phản ánh số thuế cơ quan thuế phải thu, đã thu, còn phải thu từ vãng lai của người nộp thuế.

b) Số phải thu từ người nộp thuế không do cơ quan thuế quản lý trực tiếp đối với người nộp thuế phát sinh khai, nộp thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với hoạt động xây dựng, chuyển nhượng bất động sản; thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản tại địa bàn khác với nơi người nộp thuế có trụ sở (số phải thu vãng lai), thu thập theo danh mục tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.

2.2. Kết cấu và nội dung phản ánh của tài khoản 132- Phải thu từ vãng lai của người nộp thuế

a) Bên Nợ:

a.1) Số phải thu vãng lai phát sinh từ người nộp thuế thực hiện khai thuế, tính thuế; quyết định, văn bản của cơ quan thuế;

a.2) Giảm số vãng lai phải hoàn nộp thừa theo quyết định hoàn trả khoản nộp thừa của cơ quan thuế;

a.3) Số thu vãng lai theo quyết định không hoàn nộp thừa của cơ quan thuế đối với số thu vãng lai;

a.4) Chuyển số khoanh nợ sang phải thu vãng lai do quyết định chấm dứt hiệu lực quyết định khoanh tiền thuế nợ;

a.5) Điều chỉnh tăng/giảm số đã hạch toán tại điểm a.1, a.2, a.3, a.4 khoản này do người nộp thuế khai bổ sung; cơ quan thuế điều chỉnh, bổ sung thông báo nộp thuế; cơ quan thuế, cơ quan nhà nước có thẩm quyền điều chỉnh, bổ sung quyết định, văn bản đã ban hành.

b) Bên Có:

b.1) Số đã thu ngân sách nhà nước đối với số vãng lai từ số tiền thuế người nộp thuế đã nộp hoặc lệnh hoàn trả kiêm bù trừ thu ngân sách nhà nước trên Bảng kê chứng từ nộp ngân sách nhà nước;

b.2) Chuyển số phải thu vãng lai sang số khoanh nợ do quyết định khoanh tiền thuế nợ của cơ quan thuế;

b.3) Giảm số phải thu vãng lai do miễn, giảm, xóa nợ theo quyết định, thông báo của cơ quan thuế hoặc cơ quan có thẩm quyền;

b.4) Điều chỉnh tăng/giảm số đã hạch toán tại điểm b.1, b.2, b.3 khoản này.

c) Số dư bên Nợ: Phản ánh số tiền thuế còn phải thu từ vãng lai của người nộp thuế.

Trường hợp có số dư bên Có: Phản ánh số tiền thuế người nộp thuế nộp thừa tại nơi phát sinh khoản thu vãng lai.

3. Tài khoản 133- Phải thu từ ủy nhiệm thu

3.1. Nguyên tắc kế toán

Tài khoản này phản ánh số phải thu, đã thu, còn phải thu vào ngân sách nhà nước đối với tổ chức được cơ quan thuế ủy nhiệm thu thuế được thu thập theo danh mục tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.

3.2. Kết cấu và nội dung phản ánh của tài khoản 133- Phải thu từ ủy nhiệm thu

a) Bên Nợ:

a.1) Số phải thu từ biên lai, chứng từ do ủy nhiệm thu cấp cho người nộp thuế;

a.2) Điều chỉnh tăng/giảm số đã hạch toán tại điểm a.1 khoản này.

b) Bên Có:

b.1) Số đã thu theo chứng từ nộp ngân sách nhà nước của tổ chức ủy nhiệm thu trên Bảng kê chứng từ nộp ngân sách nhà nước;

b.2) Điều chỉnh tăng/giảm số đã hạch toán tại điểm b.1 khoản này.

c) Số dư bên Nợ: Phản ánh số còn phải thu vào ngân sách nhà nước từ tổ chức ủy nhiệm thu.

Tài khoản này không có số dư bên Có.

4. Tài khoản 137- Phải thu từ trực tiếp thu bằng biên lai

4.1. Nguyên tắc kế toán

Tài khoản này phản ánh số phải thu, đã thu, còn phải thu vào ngân sách nhà nước trong trường hợp cơ quan thuế thu tiền trực tiếp của người nộp thuế bằng biên lai được thu thập theo danh mục tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.

4.2. Kết cấu và nội dung phản ánh của tài khoản 137- Phải thu từ trực tiếp thu bằng biên lai

a) Bên Nợ:

a.1) Số phải thu từ biên lai do cơ quan thuế cấp cho người nộp thuế;

a.2) Điều chỉnh tăng/giảm số đã hạch toán tại điểm a.1 khoản này.

b) Bên Có:

b.1) Số đã thu theo chứng từ nộp ngân sách nhà nước của cơ quan thuế trên Bảng kê chứng từ nộp ngân sách nhà nước;

b.2) Điều chỉnh tăng/giảm số đã hạch toán tại điểm b.1 khoản này.

c) Số dư bên Nợ: Phản ánh số tiền thuế cơ quan thuế đã thu trực tiếp của người nộp thuế nhưng chưa nộp vào ngân sách nhà nước.

Tài khoản này không có số dư bên Có.

5. Tài khoản 138- Phải thu từ phân bổ nghĩa vụ thuế của người nộp thuế

5.1. Nguyên tắc kế toán

a) Tài khoản này dùng cho cơ quan thuế nhận khoản thu phân bổ để phản ánh số thuế cơ quan thuế phải thu, đã thu, còn phải thu và các khoản giảm số phải thu đối với khoản thu được nhận phân bổ.

b) Số phải thu từ người nộp thuế không do cơ quan thuế quản lý trực tiếp, người nộp thuế phát sinh hoạt động kinh doanh tại địa bàn do cơ quan thuế quản lý thuế, thuộc trường hợp được nhận phân bổ nghĩa vụ thuế được thu thập theo danh mục tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.

5.2. Kết cấu và nội dung phản ánh của tài khoản 138- Phải thu từ phân bổ nghĩa vụ thuế của người nộp thuế

a) Bên Nợ:

a.1) Số phải thu từ nhận phân bổ thuế do người nộp thuế thực hiện khai thuế, tính thuế theo Bảng phân bổ số thuế phải nộp tại nơi có hoạt động sản xuất kinh doanh đối với thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế tài nguyên, thuế thu nhập doanh nghiệp, lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập các quỹ, thuế thu nhập cá nhân; từ quyết định, văn bản của cơ quan thuế; quyết định, văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

a.2) Số phải hoàn nộp thừa theo quyết định hoàn trả khoản nộp thừa của cơ quan thuế;

a.3) Số phải thu từ nhận phân bổ do quyết định không hoàn trả khoản nộp thừa của cơ quan thuế;

a.4) Chuyển số khoanh nợ sang số phải thu từ nhận phân bổ do quyết định chấm dứt hiệu lực quyết định khoanh tiền thuế nợ;

a.5) Điều chỉnh tăng/giảm số đã hạch toán tại điểm a.1, a.2, a.3, a.4 khoản này.

b) Bên Có:

b.1) Số đã thu từ nhận phân bổ do người nộp thuế nộp ngân sách nhà nước hoặc lệnh hoàn trả kiêm bù trừ thu ngân sách nhà nước trên Bảng kê chứng từ nộp ngân sách nhà nước;

b.2) Chuyển số phải thu từ nhận phân bổ sang số khoanh nợ do quyết định khoanh tiền thuế nợ của cơ quan thuế;

b.3) Giảm số phải thu từ nhận phân bổ do miễn, giảm, xóa nợ theo quyết định, thông báo của cơ quan thuế, cơ quan có thẩm quyền;

b.4) Điều chỉnh tăng/giảm số đã hạch toán tại điểm b.1, b.2, b.3 khoản này.

c) Số dư bên Nợ: Phản ánh số phải thu từ phân bổ nghĩa vụ thuế của người nộp thuế còn phải thu.

Trường hợp có số dư bên Có: Phản ánh số thuế được nhận phân bổ người nộp thuế đã nộp thừa.

6. Tài khoản 139- Khoanh nợ

6.1. Nguyên tắc kế toán

Tài khoản này phản ánh số tiền thuế nợ được khoanh nợ theo quyết định của cơ quan thuế bao gồm số nợ thuộc khoản phải thu từ người nộp thuế tại cơ quan thuế quản lý trực tiếp, phải thu vãng lai, phải thu từ nhận phân bổ, được thu thập theo danh mục tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.

6.2. Kết cấu và nội dung phản ánh của tài khoản 139- Khoanh nợ

a) Bên Nợ:

a.1) Số khoanh nợ theo quyết định khoanh tiền thuế nợ của cơ quan thuế;

a.2) Điều chỉnh tăng/giảm số đã hạch toán tại điểm a.1 khoản này.

b) Bên Có:

b.1) Số khoanh nợ theo Quyết định chấm dứt hiệu lực quyết định khoanh tiền thuế nợ của cơ quan thuế;

b.2) Điều chỉnh tăng/giảm đã hạch toán tại điểm b.1 khoản này.

c) Số dư bên Nợ: Phản ánh số tiền thuế nợ còn được khoanh nợ.

Tài khoản này không có số dư bên Có.

7. Tài khoản 142 - Phải thu từ thu hồi hoàn thuế giá trị gia tăng, tiêu thụ đặc biệt theo pháp luật thuế

7.1. Nguyên tắc kế toán

a) Tài khoản này phản ánh số thuế cơ quan thuế phải thu, đã thu, còn phải từ thu hồi hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT), tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) theo pháp luật thuế được thu thập theo danh mục tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.

b) Trường hợp cơ quan thuế, cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành quyết định thu hồi hoàn thuế giá trị gia tăng, tiêu thụ đặc biệt theo pháp luật thuế thì thực hiện hạch toán riêng số thuế thu hồi hoàn để theo dõi tăng/giảm quỹ hoàn thuế.

7.2. Kết cấu và nội dung phản ánh của tài khoản 142 - Phải thu từ thu hồi hoàn thuế giá trị gia tăng, tiêu thụ đặc biệt theo pháp luật thuế

a) Bên Nợ:

a.1) Số phải thu hồi hoàn thuế GTGT, TTĐB theo pháp luật thuế do người nộp thuế kê khai hoặc theo quyết định thu hồi hoàn thuế của cơ quan thuế, cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

a.2) Điều chỉnh tăng/giảm số đã hạch toán tại điểm a.1 khoản này.

b) Bên Có:

b.1) Số đã thu ngân sách nhà nước về thu hồi hoàn thuế GTGT, TTĐB theo pháp luật thuế trên Bảng kê chứng từ nộp ngân sách nhà nước;

b.2) Điều chỉnh tăng/giảm số đã hạch toán tại điểm b.1 khoản này.

c) Số dư bên Nợ: Phản ánh số tiền còn phải thu hồi hoàn thuế GTGT, TTĐB theo pháp luật thuế.

Trường hợp có số dư bên Có: Phản ánh số tiền thu hồi hoàn thuế GTGT, TTĐB theo pháp luật thuế người nộp thuế nộp thừa.

8. Tài khoản 331- Thanh toán với NSNN về các khoản thu

8.1. Nguyên tắc kế toán

Tài khoản này phản ánh tình hình thu nộp thuế vào ngân sách nhà nước được thu thập theo danh mục tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.

8.2. Kết cấu và nội dung phản ánh của tài khoản 331- Thanh toán với NSNN về các khoản thu

a) Bên Nợ:

a.1) Số đã thu ngân sách nhà nước theo số tiền thuế người nộp thuế nộp ngân sách nhà nước trên Bảng kê chứng từ nộp ngân sách nhà nước;

a.2) Điều chỉnh tăng/giảm số đã hạch toán tại điểm a.1 khoản này;

b) Bên Có:

b.1) Số đã hoàn theo lệnh hoàn trả khoản thu ngân sách nhà nước trên Bảng kê chứng từ hoàn trả ngân sách nhà nước;

b.2) Điều chỉnh tăng/giảm số đã hạch toán tại điểm b.1 khoản này;

b.3) Nhận kết chuyển cuối kỳ từ tài khoản 711 “Thu”.

c) Số dư bên Có: Phản ánh số tiền thuế còn phải thu nộp vào ngân sách nhà nước.

Trường hợp có số dư bên Nợ: Phản ánh số tiền thuế nộp thừa vào ngân sách nhà nước.

9. Tài khoản 332- Thanh toán với ngân sách nhà nước về hoàn thuế giá trị gia tăng, tiêu thụ đặc biệt theo pháp luật thuế

9.1. Nguyên tắc kế toán

Tài khoản này phản ánh tình hình hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT), tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) theo pháp luật thuế và tiền lãi phải trả người nộp thuế của ngân sách nhà nước được thu thập theo danh mục tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.

9.2. Kết cấu và nội dung phản ánh của tài khoản 332- Thanh toán với ngân sách nhà nước về hoàn thuế giá trị gia tăng, tiêu thụ đặc biệt theo pháp luật thuế.

a) Bên Nợ:

a.1) Số đã thu về thu hồi hoàn thuế GTGT, TTĐB theo pháp luật thuế trên Bảng kê chứng từ nộp ngân sách nhà nước;

a.2) Điều chỉnh tăng/giảm số đã hạch toán tại điểm a.1 khoản này;

a.3) Nhận kết chuyển cuối kỳ từ tài khoản 812 “Hoàn thuế giá trị gia tăng, tiêu thụ đặc biệt theo pháp luật thuế” trường hợp phát sinh Nợ lớn hơn phát sinh Có của tài khoản.

b) Bên Có:

b.1) Tăng số đã hoàn theo lệnh hoàn trả khoản thu ngân sách trên Bảng kê chứng từ hoàn trả khoản thu ngân sách nhà nước;

b.2) Điều chỉnh tăng/giảm số đã hạch toán tại điểm b.1 khoản này;

b.3) Nhận kết chuyển cuối kỳ từ tài khoản 812 “Hoàn thuế giá trị gia tăng, tiêu thụ đặc biệt theo pháp luật thuế” trường hợp phát sinh Có lớn hơn phát sinh Nợ của tài khoản.

c) Số dư bên Có: Số tiền thuế GTGT, TTĐB còn phải thu hồi hoàn sau khi bù trừ với số đã hoàn.

Trường hợp có số dư bên Nợ: Số tiền hoàn thuế GTGT, TTĐB (bao gồm tiền lãi do hoàn chậm) còn phải trả cho người nộp thuế sau khi bù trừ với số đã thu hồi hoàn.

10. Tài khoản 338- Khoản thu phân bổ cho các cơ quan thuế khác

10.1. Nguyên tắc kế toán

Tài khoản này dùng cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp người nộp thuế, phản ánh các khoản thu mà cơ quan thuế quản lý trực tiếp người nộp thuế phải phân bổ cho cơ quan thuế khác đối với trường hợp hồ sơ khai thuế của người nộp thuế nộp tại cơ quan thuế, Quyết định của cơ quan thuế, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có số thuế phân bổ cho cơ quan thuế khác được thu thập theo danh mục tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.

10.2. Kết cấu và nội dung phản ánh của tài khoản 338- Khoản thu phân bổ cho các cơ quan thuế khác

a) Bên Nợ:

a.1) Số đã thu phân bổ theo chứng từ nộp ngân sách nhà nước tại cơ quan thuế nhận khoản thu phân bổ;

a.2) Chuyển số khoanh nợ sang số phải thu đối với khoản phân bổ tại cơ quan thuế khác theo quyết định khoanh tiền thuế nợ của cơ quan thuế;

a.3) Giảm số phải thu phân bổ tại cơ quan thuế khác do miễn, giảm, xóa nợ theo quyết định, thông báo của cơ quan thuế, cơ quan có thẩm quyền;

a.4) Điều chỉnh tăng/giảm số đã hạch toán tại điểm a.1, a.2, a.3 khoản này.

b) Bên Có:

b.1) Số phải thu phân bổ tại cơ quan thuế khác theo bảng kê phân bổ kèm tờ khai thuế của người nộp thuế; quyết định, văn bản về số thuế phải nộp của cơ quan thuế hoặc cơ quan có thẩm quyền;

b.2) Số phải hoàn thuế nộp thừa từ ngân sách nhà nước đối với khoản phân bổ cho cơ quan thuế khác theo quyết định hoàn thuế nộp thừa của cơ quan thuế;

b.3) Số thu phân bổ tại cơ quan thuế khác theo quyết định không hoàn trả khoản nộp thừa của cơ quan thuế;

b.4) Chuyển số khoanh nợ sang số phải thu phân bổ tại cơ quan thuế khác do quyết định thu hồi quyết định khoanh tiền thuế nợ;

b.5) Điều chỉnh tăng/giảm số đã hạch toán tại điểm b.1, b.2, b.3, b.4 khoản này.

c) Số dư bên Có: Phản ánh số thuế Phải thu phân bổ tại cơ quan thuế khác.

Trường hợp có số dư bên Nợ: Phản ánh số thuế nộp thừa phân bổ tại cơ quan thuế khác.

11. Tài khoản 341- Phải trả người nộp thuế do hoàn nộp thừa

11.1. Nguyên tắc kế toán

Tài khoản này phản ánh số tiền thuế phải hoàn, đã hoàn, còn phải hoàn trả cho người nộp thuế theo quyết định hoàn nộp thừa được thu thập theo danh mục tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.

11.2. Kết cấu, nội dung phản ánh của tài khoản 341- Phải trả người nộp thuế do hoàn nộp thừa

a) Bên Nợ:

a.1) Số đã hoàn nộp thừa từ ngân sách nhà nước theo lệnh hoàn trả khoản thu ngân sách nhà nước từ Bảng kê chứng từ hoàn trả khoản thu ngân sách nhà nước;

a.2) Số phải hoàn thuế đối với khoản phân bổ cho cơ quan thuế khác theo quyết định hoàn thuế nộp thừa của cơ quan thuế;

a.3) Điều chỉnh tăng/giảm số đã hạch toán tại điểm a.1, a.2 khoản này.

b) Bên Có:

b.1) Số phải hoàn nộp thừa từ ngân sách nhà nước theo quyết định hoàn trả khoản thu ngân sách nhà nước nộp thừa;

b.2) Điều chỉnh tăng/giảm số đã hạch toán tại điểm b.1 khoản này.

c) Số dư bên Có: Số tiền thuế còn phải hoàn trả cho người nộp thuế do nộp thừa theo quyết định của cơ quan thuế.

Tài khoản này không có số dư bên Nợ

12. Tài khoản 342- Phải trả người nộp thuế do hoàn thuế giá trị gia tăng, tiêu thụ đặc biệt theo pháp luật thuế

12.1. Nguyên tắc kế toán

Tài khoản này phản ánh số tiền thuế giá trị gia tăng, tiêu thụ đặc biệt phải hoàn, đã hoàn, còn phải hoàn trả cho người nộp thuế theo quy định của pháp luật thuế được thu thập theo danh mục tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.

12.2. Kết cấu, nội dung phản ánh của tài khoản 342- Phải trả người nộp thuế do hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT), tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) theo pháp luật thuế

a) Bên Nợ:

a.1) Số đã hoàn GTGT, TTĐB theo pháp luật thuế tại lệnh hoàn trả khoản thu ngân sách nhà nước trên Bảng kê lệnh hoàn trả khoản thu ngân sách nhà nước;

a.2) Điều chỉnh tăng/giảm số đã hạch toán tại điểm a.1 khoản này.

b) Bên Có:

b.1) Số phải hoàn GTGT, TTĐB theo pháp luật thuế trên quyết định hoàn trả khoản thu ngân sách nhà nước của cơ quan thuế;

b.2) Điều chỉnh tăng/giảm số đã hạch toán tại điểm b.1 khoản này.

c) Số dư bên Có: Số tiền thuế còn phải hoàn trả cho người nộp thuế theo pháp luật thuế.

Tài khoản này không có số dư bên Nợ

13. Tài khoản 348- Phải trả do hoàn nộp thừa các khoản thu được nhận phân bổ

13.1. Nguyên tắc kế toán

Tài khoản này dùng cho cơ quan thuế nhận phân bổ để phản ánh số tiền thuế phải hoàn, đã hoàn, còn phải hoàn trả đối với khoản thu được nhận phân bổ người nộp thuế đã nộp thừa vào ngân sách nhà nước theo quyết định hoàn nộp thừa của cơ quan thuế quản lý trực tiếp người nộp thuế được thu thập theo danh mục tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.

13.2. Kết cấu, nội dung phản ánh của tài khoản 348- Phải trả do hoàn nộp thừa các khoản thu được nhận phân bổ

a) Bên Nợ:

a.1) Số đã hoàn nộp thừa của khoản nhận phân bổ theo lệnh hoàn trả khoản thu ngân sách nhà nước theo Bảng kê chứng từ hoàn trả khoản thu ngân sách nhà nước;

a.2) Điều chỉnh tăng/giảm số đã hạch toán tại điểm a.1 khoản này.

b) Bên Có:

b.1) Số phải hoàn nộp thừa của khoản nhận phân bổ theo quyết định hoàn trả khoản thu ngân sách nhà nước của cơ quan thuế;

b.2) Điều chỉnh tăng/giảm số đã hạch toán tại điểm b.1 khoản này.

c) Số dư bên Có: Số tiền thuế còn phải hoàn trả đối với khoản thu phân bổ nộp thừa.

Tài khoản này không có số dư bên Nợ

14. Tài khoản 711- Thu

14.1. Nguyên tắc kế toán

Tài khoản này phản ánh số thu thuế trong kỳ.

14.2. Kết cấu và nội dung phản ánh của tài khoản 711- Thu

a) Bên Nợ:

a.1) Giảm số thu ngân sách nhà nước theo chứng từ nộp vãng lai tại cơ quan thuế khác;

a.2) Chuyển số còn phải thu theo thông báo chuyển địa điểm đi; Chuyển số nộp thừa theo thông báo chuyển địa điểm đến;

a.3) Điều chỉnh tăng/giảm số đã hạch toán tại điểm a.1, a.2 khoản này;

a.4) Nhận kết chuyển cuối kỳ số tiền thuế được miễn, giảm, xóa nợ theo quyết định của cơ quan thuế, cơ quan có thẩm quyền từ tài khoản 818- “Miễn, giảm” và tài khoản 819- “Xóa nợ” để phản ánh giảm thu trong kỳ;

a.5) Kết chuyển số tổng phát sinh Có lớn hơn tổng phát sinh Nợ sang 331- “Thanh toán với ngân sách nhà nước về các khoản thu” để phản ánh số cơ quan thuế phải thu nộp ngân sách nhà nước.

b) Bên Có:

b.1) Số thu từ người nộp thuế thực hiện khai thuế, tính thuế; thông báo của cơ quan thuế; quyết định, văn bản của cơ quan thuế; quyết định, văn bản của cơ quan có thẩm quyền; tiền chậm nộp của người nộp thuế;

b.2) Số thu vãng lai thừa theo quyết định hoàn trả khoản nộp thừa của cơ quan thuế;

b.3) Nhận số phải thu theo thông báo chuyển địa điểm đến; chuyển số nộp thừa theo thông báo chuyển địa điểm đi;

b.4) Điều chỉnh tăng/giảm số phải thu đã hạch toán tại điểm b.1, b.2, b.3 khoản này;

b.5) Điều chỉnh tăng/giảm số phải thu do chênh lệch tỷ giá:

- Chênh lệch tỷ giá tại thời điểm hạch toán số đã nộp và số phải nộp bằng ngoại tệ quy đổi sang Đồng Việt Nam.

- Chênh lệch tỷ giá tại thời điểm hạch toán số đã nộp bằng ngoại tệ quy đổi sang Đồng Việt Nam và số phải hoàn nộp thừa.

b.5) Kết chuyển số tổng phát sinh Nợ lớn hơn tổng phát sinh Có thì kết chuyển sang 331- “Thanh toán với ngân sách nhà nước về các khoản thu” để phản ánh số cơ quan thuế phải thu nộp ngân sách nhà nước.

c) Tài khoản này không có số dư cuối kỳ.

15. Tài khoản 812- Hoàn thuế giá trị gia tăng, tiêu thụ đặc biệt theo pháp luật thuế

15.1. Nguyên tắc kế toán

Tài khoản này phản ánh số hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT), tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) theo pháp luật thuế trong kỳ được thu thập theo danh mục tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.

15.2. Kết cấu và nội dung phản ánh của tài khoản 812- Hoàn thuế giá trị gia tăng, tiêu thụ đặc biệt theo pháp luật thuế

a) Bên Nợ:

a.1) Số phải hoàn GTGT, TTĐB theo pháp luật thuế từ ngân sách nhà nước theo Quyết định hoàn trả khoản thu ngân sách nhà nước;

a.2) Điều chỉnh tăng/giảm số đã hạch toán tại điểm a.1 khoản này;

a.3) Kết chuyển cuối kỳ từ tài khoản 812 “Hoàn thuế giá trị gia tăng, tiêu thụ đặc biệt theo pháp luật thuế” trường hợp phát sinh Có lớn hơn phát sinh Nợ của tài khoản.

b) Bên Có:

b.1) Số phải thu hồi hoàn thuế GTGT, TTĐB theo pháp luật thuế do người nộp thuế tự phát hiện và tự kê khai hoặc theo quyết định thu hồi hoàn thuế của cơ quan thuế, cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

b.2) Điều chỉnh tăng/giảm số đã hạch toán tại điểm b.1 khoản này;

b.3) Kết chuyển cuối kỳ từ tài khoản 812 “Hoàn thuế giá trị gia tăng, tiêu thụ đặc biệt theo pháp luật thuế trường hợp phát sinh Nợ lớn hơn phát sinh Có của tài khoản.

c) Tài khoản này không có số dư cuối kỳ.

16. Tài khoản 818 - Miễn, giảm

16.1. Nguyên tắc kế toán

Tài khoản này phản ánh số thuế của người nộp thuế được miễn, giảm theo quyết định của cơ quan thuế, cơ quan có thẩm quyền được thu thập theo danh mục tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.

16.2. Kết cấu nội dung phản ánh của tài khoản 818- Miễn, giảm

a) Bên Nợ:

a.1) Số miễn, giảm theo quyết định, thông báo của cơ quan thuế và cơ quan có thẩm quyền;

a.2) Điều chỉnh tăng/giảm số đã hạch toán tại điểm a.1 khoản này.

b) Bên Có:

b.1) Số miễn, giảm đối với khoản thu phân bổ theo quyết định của cơ quan thuế hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

b.2) Điều chỉnh tăng/giảm số đã hạch toán tại điểm b.1 khoản này;

b.3) Kết chuyển cuối kỳ số chênh lệch phát sinh Nợ và phát sinh Có sang tài khoản 711 “Thu” để tính giảm số thu thuế của cơ quan thuế trong kỳ.

c) Tài khoản này không có số dư cuối kỳ.

17. Tài khoản 819- Xóa nợ

17.1. Nguyên tắc kế toán

Tài khoản này phản ánh số thuế của người nộp thuế được xóa nợ theo quyết định xóa nợ của cơ quan thuế, cơ quan có thẩm quyền được thu thập từ danh mục tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.

17.2. Kết cấu nội dung phản ánh của tài khoản 819- Xóa nợ

a) Bên Nợ:

a.1) Số thuế xóa nợ theo quyết định, thông báo của cơ quan thuế hoặc cơ quan có thẩm quyền;

a.2) Điều chỉnh tăng/giảm số đã hạch toán tại điểm a.1 khoản này.

b) Bên Có:

b.1) Số xóa nợ đối với khoản thu phân bổ theo Quyết định của cơ quan thuế hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

b.2) Điều chỉnh tăng/giảm số đã hạch toán tại điểm b.1 khoản này

b.3) Kết chuyển cuối kỳ số chênh lệch phát sinh Nợ và phát sinh Có sang tài khoản 711 “Thu” để tính giảm số thu thuế của cơ quan thuế trong kỳ.

c) Tài khoản này không có số dư cuối kỳ.

PHỤ LỤC IV

SỔ KẾ TOÁN THUẾ
(Ban hành kèm theo Thông tư số 111/2021/TT-BTC ngày 14/12/2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính)

I. DANH MỤC SỔ KẾ TOÁN THUẾ

STT

TÊN SỔ KẾ TOÁN THUẾ

MẪU SỐ

1

Sổ Kế toán thuế

01/SO-KTT

2

Bảng cân đối tài khoản kế toán

02/SO-KTT

II. MẪU SỔ KẾ TOÁN THUẾ

Mẫu số: 01/SO-KTT
(Ban hành kèm theo Thông tư số 111/2021/TT-BTC ngày 14/12/2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính)

TÊN CƠ QUAN THUẾ CẤP TRÊN
TÊN CƠ QUAN THUẾ LẬP SỔ
--------

SỔ KẾ TOÁN THUẾ

Năm… (Từ ngày ….. đến ngày…..)

(Tài khoản:…) (*)

Đơn vị tiền: Việt Nam đồng

STT

Ngày lập chứng từ/Ngày tạo bút toán

Số chứng từ/Số bút toán

Ngày hạch toán

Mã tính chất nghiệp vụ quản lý thuế

Diễn giải

Tài khoản

Số tiền

Năm ngân sách

Mã cơ quan thu

Mã địa bàn hành chính

Mã chương

Mã tiểu mục

Mã tài khoản kế toán

Nợ

Nợ

1

2

3

4

5

6

7

8

9

10

11

12

13

14

15

Số dư đầu kỳ

Số phát sinh trong kỳ

Cộng phát sinh trong kỳ

Số dư cuối kỳ


NGƯỜI IN
(Ký, ghi rõ họ tên)


KẾ TOÁN TRƯỞNG/PHỤ TRÁCH KẾ TOÁN
(Ký, ghi rõ họ tên và chức vụ)

…, ngày ........ tháng ...... năm....
THỦ TRƯỞNG CƠ QUAN THUẾ
(Ký, ghi rõ họ tên và chức vụ)

Ghi chú:

- (*) Trường hợp in sổ theo từng tài khoản sẽ có thông tin số dư đầu kỳ, số dư cuối kỳ. Nếu in sổ theo nhiều tài khoản thì chỉ có số phát sinh trong kỳ

- Sổ kế toán thuế lưu trữ điện tử không phải ký. Chữ ký của người lập biểu, kế toán trưởng hoặc người phụ trách kế toán thuế và thủ trưởng cơ quan thuế chỉ ký khi in sổ để phục vụ yêu cầu lưu trữ khi đóng kỳ kế toán hoặc cung cấp theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Mẫu số: 02/SO-KTT
(Ban hành kèm theo Thông tư số 111/2021/TT-BTC ngày 14/12/2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính)

TÊN CƠ QUAN THUẾ CẤP TRÊN
TÊN CƠ QUAN THUẾ LẬP SỔ
--------

BẢNG CÂN ĐỐI TÀI KHOẢN KẾ TOÁN

Năm…

Đơn vị tiền: Việt Nam đồng

Số hiệu tài khoản

Tên tài khoản

Số dư đầu kỳ

Số phát sinh trong kỳ

Số dư cuối kỳ

Nợ

Nợ

Nợ

1

2

3

4

5

6

7

8

131

Phải thu từ người nộp thuế

132

Phải thu từ vãng lai của người nộp thuế

133

Phải thu từ ủy nhiệm thu

137

Phải thu từ trực tiếp thu bằng biên lai

138

Phải thu từ phân bổ nghĩa vụ thuế của người nộp thuế

139

Khoanh nợ

142

Phải thu từ thu hồi hoàn thuế giá trị gia tăng, tiêu thụ đặc biệt theo pháp luật thuế

331

Thanh toán với ngân sách nhà nước về các khoản thu

332

Thanh toán với ngân sách nhà nước về hoàn thuế giá trị gia tăng, tiêu thụ đặc biệt theo pháp luật thuế

338

Khoản thu phân bổ tại các cơ quan thuế khác

341

Phải trả người nộp thuế do hoàn nộp thừa

342

Phải trả người nộp thuế do hoàn thuế giá trị gia tăng, tiêu thụ đặc biệt theo pháp luật thuế

348

Phải trả do hoàn nộp thừa của các khoản thu được nhận phân bổ

711

Thu

812

Hoàn thuế giá trị gia tăng, tiêu thụ đặc biệt theo pháp luật thuế

818

Miễn, giảm

819

Xóa nợ

Tổng cộng


NGƯỜI IN
(Ký, ghi rõ họ tên)


KẾ TOÁN TRƯỞNG/PHỤ TRÁCH KẾ TOÁN
(Ký, ghi rõ họ tên và chức vụ)

…., ngày ...... tháng ..... năm....
THỦ TRƯỞNG CƠ QUAN THUẾ
(Ký, ghi rõ họ tên và chức vụ)

Ghi chú: Sổ kế toán thuế lưu trữ điện tử không phải ký. Chữ ký của người lập biểu, kế toán trưởng hoặc người phụ trách kế toán thuế và thủ trưởng cơ quan thuế chỉ ký khi in sổ để phục vụ yêu cầu lưu trữ khi đóng kỳ kế toán thuế hoặc cung cấp theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

III. NỘI DUNG VÀ PHƯƠNG PHÁP GHI SỔ KẾ TOÁN THUẾ

(Mẫu số 01/SO-KTT)

1. Mục đích:

- Sổ Kế toán thuế dùng để ghi chép nội dung các hoạt động nghiệp vụ quản lý thuế phát sinh của hệ thống tài khoản kế toán quy định tại Điều 24 Thông tư này.

- Số liệu trên Sổ Kế toán thuế dùng để lập Bảng Cân đối tài khoản kế toán và các báo cáo kế toán thuế.

2. Nội dung và cách ghi:

a) Nội dung:

a.1) Căn cứ vào các bút toán hạch toán được tạo lập tự động theo quy trình thu thập thông tin đầu vào của kế toán thuế quy định tại Điều 12 Thông tư này phát sinh theo trình tự thời gian và được hạch toán trong kỳ.

a.2) Căn cứ vào các chứng từ kế toán thuế do bộ phận kế toán thuế lập và hạch toán trong kỳ.

b) Cách ghi:

b.1) Cột 1: Số thứ tự ghi sổ Kế toán thuế.

b.2) Cột 2, 3: Ngày tạo bút toán và số bút toán do hệ thống tự động tạo lập khi ghi Sổ Kế toán thuế hoặc ngày lập chứng từ kế toán, số chứng từ kế toán do bộ phận kế toán lập theo quy định tại Thông tư này.

b.3) Cột 4: Ngày hạch toán xác định theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 8 Thông tư này.

b.4) Cột 5: Mã tính chất nghiệp vụ quản lý thuế theo quy định tại khoản 1 Điều 13 và Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này. Cột này được phép ghi một hoặc nhiều mã có cùng tính chất nghiệp vụ.

b.5) Cột 6: Ghi diễn giải nội dung của từng bút toán/chứng từ ghi sổ Kế toán thuế được lấy theo cột “Nội dung phản ánh” tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.

b.6) Cột 7,8,9,10,11,12: Mã cơ quan thu, mã địa bàn hành chính, mã chương, mã tiểu mục, mã tài khoản kế toán ghi nợ, mã tài khoản kế toán ghi có tương ứng với từng bút toán/chứng từ ghi Sổ Kế toán thuế.

b.7) Cột 13,14: Số tiền tương ứng với từng bút toán/chứng từ.

b.8) Cột 15: Năm ngân sách với giá trị “01”, chỉ ghi trong trường hợp sai sót số liệu kế toán của các năm trước, điều chỉnh trong năm nay quy định tại điểm d, khoản 3 Điều 8 Thông tư này.

b.9) Trường hợp chọn in Sổ kế toán thuế theo tài khoản của hệ thống tài khoản kế toán quy định tại Điều 24 Thông tư này, Sổ kế toán thuế lập thêm các dòng như sau:

Dòng “Dư đầu kỳ”: Số dư đầu kỳ của tài khoản kế toán ghi sổ Kế toán thuế.

Dòng “Số phát sinh trong kỳ”: Liệt kê số phát sinh trên tài khoản kế toán ghi sổ Kế toán thuế theo từng mã cơ quan thu, mã địa bàn hành chính, mã chương, mã tiểu mục và tài khoản kế toán đối ứng trong kỳ.

Dòng “Cộng số phát sinh trong kỳ”: Cộng số phát sinh trong kỳ của tài khoản kế toán ghi Sổ Kế toán thuế.

Dòng “Dư cuối kỳ”: Số dư cuối kỳ của tài khoản kế toán ghi Sổ Kế toán thuế.

b.10) Trường hợp không chọn in Sổ kế toán thuế theo tài khoản của hệ thống tài khoản kế toán quy định tại Điều 24 Thông tư này, Sổ Kế toán thuế chỉ ghi chép nội dung các hoạt động nghiệp vụ quản lý thuế phát sinh của tất cả các tài khoản kế toán theo trình tự thời gian.

BẢNG CÂN ĐỐI TÀI KHOẢN KẾ TOÁN

(Mẫu số 02/SO-KTT)

1. Mục đích:

Bảng cân đối tài khoản kế toán ghi chép một cách khái quát số hiện có đầu kỳ, tăng, giảm trong kỳ và số cuối kỳ của các tài khoản kế toán phản ánh số thuế phải thu, đã thu, còn phải thu, phải hoàn, đã hoàn, còn phải hoàn, miễn, giảm, khoanh nợ, xóa nợ của cơ quan thuế.

2. Căn cứ lập:

a) Sổ Kế toán thuế theo tài khoản kế toán.

b) Bảng Cân đối tài khoản kế toán năm trước.

Trước khi lập Bảng cân đối tài khoản kế toán phải hoàn thành việc ghi chép, khóa Sổ Kế toán thuế theo quy định, đồng thời, phải kiểm tra, đối chiếu khớp đúng giữa các số liệu có liên quan trên các sổ.

3. Nội dung và phương pháp lập:

a) Cột 1, 2 - Số hiệu tài khoản, tên tài khoản: Ghi số hiệu tài khoản, ghi tên tất cả tài khoản cấp 1 và tài khoản cấp 2, cấp 3 (nếu có).

b) Cột 3, 4 - Số dư đầu kỳ: Phản ánh số dư đầu năm báo cáo. Số liệu để ghi vào các cột này được căn cứ vào dòng số dư đầu kỳ trên Sổ kế toán thuế hoặc số dư cuối kỳ của Bảng cân đối tài khoản năm trước. Trong đó, các tài khoản có số dư Nợ được phản ánh vào cột “Nợ”, các tài khoản có số dư Có được phản ánh vào cột “Có”.

c) Cột 5, 6 - Số phát sinh trong kỳ: Phản ánh tổng số phát sinh Nợ và tổng số phát sinh Có của các tài khoản trong kỳ báo cáo. Số liệu ghi vào các cột này được căn cứ vào dòng cộng phát sinh trong kỳ của từng tài khoản tương ứng trên Sổ kế toán thuế. Trong đó, tổng số phát sinh “Nợ” của các tài khoản được tổng hợp vào cột “Nợ”, tổng số phát sinh “Có” của các tài khoản được tổng hợp vào cột “Có”

d) Cột 7, 8 - Số dư cuối kỳ: Phản ánh số dư tại thời điểm cuối năm báo cáo. Số liệu để ghi vào các cột này được căn cứ vào dòng số dư cuối kỳ trên Sổ kế toán thuế hoặc được tính căn cứ vào các cột số dư đầu kỳ (cột 3, 4), số phát sinh trong kỳ (cột 5, 6) trên Bảng cân đối tài khoản năm nay. Số liệu ở cột 7, 8 được dùng để lập Bảng cân đối tài khoản năm sau.

đ) Sau khi ghi đầy đủ các số liệu có liên quan đến các tài khoản, phải thực hiện tổng cộng Bảng cân đối tài khoản. Số liệu trong Bảng cân đối tài khoản phải đảm bảo:

- Tổng số dư Nợ đầu kỳ (Cột 3) = Tổng số dư Có đầu kỳ (Cột 4)

- Tổng số phát sinh Nợ trong kỳ (Cột 5) = Tổng số phát sinh Có trong kỳ (Cột 6)

- Tổng số dư Nợ cuối kỳ (Cột 7) = Tổng số dư Có cuối kỳ (Cột 8)

PHỤ LỤC V

BÁO CÁO KẾ TOÁN THUẾ
(Ban hành kèm theo Thông tư số 111/2021/TT-BTC ngày 14/12/2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính)

I. DANH MỤC BÁO CÁO KẾ TOÁN THUẾ

STT

Tên báo cáo

Mẫu số

1

Báo cáo kết quả phải thu, đã thu, còn phải thu

Mẫu số 01/BC-KTT

2

Báo cáo kết quả phải hoàn, đã hoàn, còn phải hoàn

Mẫu số 02/BC-KTT

3

Báo cáo kết quả miễn, giảm, khoanh nợ, xóa nợ

Mẫu số 03/BC-KTT

4

Báo cáo cung cấp thông tin tài chính

Mẫu số 04/BC-CCTT

II. MẪU BIỂU BÁO CÁO KẾ TOÁN THUẾ

Mẫu số: 01/BC-KTT
(Ban hành kèm theo Thông tư số 111/2021/TT-BTC ngày 14/12/2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính)

TÊN CƠ QUAN THUẾ CẤP TRÊN
TÊN CƠ QUAN THUẾ LẬP BÁO CÁO
--------

BÁO CÁO KẾT QUẢ PHẢI THU, ĐÃ THU, CÒN PHẢI THU

Năm…

Đơn vị tiền: Việt Nam đồng

STT

Chỉ tiêu

Số phải thu đầu kỳ

Số phải thu phát sinh trong kỳ

Số đã thu trong kỳ

Số còn phải thu cuối kỳ

1

2

3

4

5

6=(3)+(4)-(5)

TỔNG CỘNG:

I

Thuế và các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước do cơ quan thuế quản lý thu

1

1.1

1.2

2

2.1

2.2

II

Thu hồi hoàn thuế giá trị gia tăng, tiêu thụ đặc biệt theo pháp luật thuế


NGƯỜI LẬP BIỂU
(Ký, ghi rõ họ tên)


KẾ TOÁN TRƯỞNG/PHỤ TRÁCH KẾ TOÁN
(Ký, ghi rõ họ tên)

…, ngày ... tháng ... năm ...
THỦ TRƯỞNG CƠ QUAN THUẾ
(Ký, ghi rõ họ tên và chức vụ)

Ghi chú: Chữ ký của người lập biểu, kế toán trưởng hoặc người phụ trách kế toán thuế và thủ trưởng cơ quan thuế chỉ ký khi in báo cáo để lưu trữ khi đóng kỳ kế toán hoặc cung cấp cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Báo cáo lưu trữ điện tử không phải ký trên báo cáo.

Mẫu số: 02/BC-KTT
(Ban hành kèm theo Thông tư số 111/2021/TT-BTC ngày 14/12/2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính)

TÊN CƠ QUAN THUẾ CẤP TRÊN
TÊN CƠ QUAN THUẾ LẬP BÁO CÁO
--------

BÁO CÁO KẾT QUẢ PHẢI HOÀN, ĐÃ HOÀN, CÒN PHẢI HOÀN

Năm…

Đơn vị tiền: Việt Nam đồng

STT

Chỉ tiêu

Số phải hoàn đầu kỳ

Số phải hoàn phát sinh trong kỳ

Số đã hoàn trong kỳ

Số còn phải hoàn cuối kỳ

1

2

3

4

5

6 =(3)+(4)-(5)

TỔNG CỘNG:

I

1

1.1

1.2

2

2.1

2.2

II

III


NGƯỜI LẬP BIỂU
(Ký, ghi rõ họ tên)


KẾ TOÁN TRƯỞNG/PHỤ TRÁCH KẾ TOÁN
(Ký, ghi rõ họ tên)

…, ngày ... tháng ... năm ...
THỦ TRƯỞNG CƠ QUAN THUẾ
(Ký, ghi rõ họ tên và chức vụ)

Ghi chú: Chữ ký của người lập biểu, kế toán trưởng hoặc người phụ trách kế toán thuế và thủ trưởng cơ quan thuế chỉ ký khi in báo cáo để lưu trữ khi đóng kỳ kế toán hoặc cung cấp cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Báo cáo lưu trữ điện tử không phải ký trên báo cáo.

Mẫu số: 03/BC-KTT
(Ban hành kèm theo Thông tư số 111/2021/TT-BTC ngày 14/12/2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính)

TÊN CƠ QUAN THUẾ CẤP TRÊN
TÊN CƠ QUAN THUẾ LẬP BÁO CÁO
--------

BÁO CÁO KẾT QUẢ MIỄN, GIẢM, KHOANH NỢ, XÓA NỢ

Năm…

Đơn vị tiền: Việt Nam đồng

STT

Chỉ tiêu

Số miễn, giảm phát sinh trong kỳ

Số khoanh nợ phát sinh trong kỳ

Số xóa nợ phát sinh trong kỳ

Tổng số

1

2

3

4

5

6=(3)+(4)+(5)

TỔNG CỘNG:

I

1

1.1

1.2

2

2.1

2.2

II

III


NGƯỜI LẬP BIỂU
(Ký, ghi rõ họ tên)


KẾ TOÁN TRƯỞNG/PHỤ TRÁCH KẾ TOÁN
(Ký, ghi rõ họ tên)

…, ngày ... tháng ... năm ...
THỦ TRƯỞNG CƠ QUAN THUẾ
(Ký, ghi rõ họ tên và chức vụ)

Ghi chú: Chữ ký của người lập biểu, kế toán trưởng hoặc người phụ trách kế toán thuế và thủ trưởng cơ quan thuế chỉ ký khi in báo cáo để lưu trữ khi đóng kỳ kế toán hoặc cung cấp cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Báo cáo lưu trữ điện tử không phải ký trên báo cáo.

Mẫu số: 04/BC-KTT
(Ban hành kèm theo Thông tư số 111/2021/TT-BTC ngày 14/12/2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính)

TÊN CƠ QUAN THUẾ CẤP TRÊN
TÊN CƠ QUAN THUẾ LẬP BÁO CÁO
---------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------------

Số: /BC-....

….., ngày….. tháng…. năm….

BÁO CÁO

Cung cấp thông tin tài chính năm .....

Mã cơ quan thu:

Phần I: Số liệu

A. Số liệu Thu, Phải thu, Phải trả người nộp thuế

Đơn vị tiền: Việt Nam đồng

TT

Chỉ tiêu

Mã số

Mã địa bàn hành chính

Mã chương

Mã Mục

Mã Tiểu mục

Thu

Phải thu

Phải trả

I

Thuế nội địa (không bao gồm các khoản tiền chậm nộp thuế)

1

Thuế thu nhập cá nhân

1000

557

1001

………

2

Thuế thu nhập doanh nghiệp

1050

018

1052

….

….

3

Thuế sử dụng đất nông nghiệp

1300

1301

….

….

4

Thuế tài nguyên

1550

1551

……

………

5

Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp

1600

1601

…..

….

6

Thuế giá trị gia tăng

1700

1701

….

….

….

7

Thuế tiêu thụ đặc biệt

1750

….

1753

….

…..

8

Thuế bảo vệ môi trường

2000

2001

……

….

….

II

Phí, lệ phí (không bao gồm các khoản tiền chậm nộp)

1

Phí

1.1

Phí trong lĩnh vực khác

2100

2106

……

……

1.2

Phí thuộc lĩnh vực Nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản

2150

2151

……

…….

1.3

Phí thuộc lĩnh vực Ngoại giao

2200

2206

……..

……..

1.4

Phí trong lĩnh vực Công nghiệp, thương mại, đầu tư, xây dựng

2250

….

2251

……….

……….

1.5

Phí trong lĩnh vực Giao thông vận tải

2300

2301

……….

……

1.6

Phí thuộc lĩnh vực Thông tin và truyền thông

2350

…..

2351

…….

…….

1.7

Phí thuộc lĩnh vực An ninh quốc phòng

2400

….

2404

….

….

1.8

Phí thuộc lĩnh vực Văn hóa, thể thao, du lịch

2450

2452

….

….

1.9

Phí thuộc lĩnh vực Khoa học và công nghệ

2500

….

2504

….

1.10

Phí thuộc lĩnh vực Y tế

2550

2561

….

1.11

Phí thuộc lĩnh vực Tài nguyên, môi trường

2600

2618

….

….

1.12

Phí thuộc lĩnh vực Tài chính, ngân hàng, bảo hiểm

2650

2652

…..

1.13

Phí thuộc lĩnh vực Tư pháp

2700

2701

….

….

2

Lệ phí

2.1

Lệ phí quản lý nhà nước liên quan đến quyền và nghĩa vụ của công dân

2750

2751

….

….

2.2

Lệ phí quản lý nhà nước liên quan đến quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản

2800

….

2801

….

….

2.3

Lệ phí quản lý nhà nước liên quan đến sản xuất, kinh doanh

2850

….

2852

….

….

2.4

Lệ phí quản lý đặc biệt về chủ quyền quốc gia

3000

3001

2.5

Lệ phí quản lý nhà nước trong lĩnh vực khác

3050

3064

….

…..

III

Dầu thô và khí thiên nhiên (không bao gồm các khoản tiền chậm nộp)

3.1

Dầu thô (trừ phụ thu về dầu)

3750

3751

…..

3.2

Thu từ khí thiên nhiên (trừ phụ thu về khí)

3800

….

3801

….

….

3.3

Thu từ Condensate (trừ phụ thu về Condensate)

3950

….

3951

….

….

3.4

Phụ thu dầu phí (Phụ thu đối với phần dầu lãi được chia của nhà thầu dầu khí)

….

3756

….

3806

….

3956

IV

Cổ tức, lợi nhuận được chia, lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập các quỹ (Không bao gồm các khoản tiền chậm nộp)

1150

1151

….

…..

V

Thu khác (Bao gồm các khoản tiền chậm nộp)

5.1

Thu cấp quyền khai thác tài nguyên, khoáng sản, vùng trời, vùng biển

1250

1251

….

…..

5.2

Tiền sử dụng đất

1400

1401

5.3

Tiền cho thuê mặt đất, mặt nước

3600

3601

….

….

5.4

Phạt do cơ quan thuế quản lý

4250

4254

….

5.5

Tịch thu

4300

4301

….

5.6

Tiền chậm nộp do cơ quan thuế quản lý

4900

4917

….

5.7

Khoản khác

…..

4904

4908

4949

5.8

Phải trả về hoàn thuế GTGT, thuế TTĐB theo pháp luật thuế

7550

7551

7552

7553

7599

B. Hoàn thuế GTGT, thuế TTĐB theo pháp luật thuế

TT

Chỉ tiêu

Mã số

Số tiền

1

Hoàn thuế GTGT

2

Hoàn thuế TTĐB

Phần II: Phân tích, đánh giá

……………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………….

Nơi nhận:
- KBNN;
- ............;

- Lưu: VT,..... ( bản).

THỦ TRƯỞNG CƠ QUAN THUẾ
(Ký, ghi rõ họ tên và chức vụ)

III. NỘI DUNG VÀ PHƯƠNG PHÁP LẬP BÁO CÁO KẾ TOÁN THUẾ

1. Báo cáo kết quả phải thu, đã thu, còn phải thu (Mẫu số 01/BC-KTT)

1.1. Mục đích

Báo cáo kết quả phải thu, đã thu, còn phải thu trong một kỳ kế toán thuế phản ánh số tiền thuế do cơ quan thuế phải thu, đã thu, còn phải thu của người nộp thuế hoặc tổ chức được cơ quan thuế ủy nhiệm thu.

1.2. Căn cứ lập

- Báo cáo kết quả phải thu, đã thu, còn phải thu kỳ trước.

- Số dư, số phát sinh các tài khoản: 131, 132, 133, 137,138, 139, 331, 338, 711, 818, 819.

1.3. Phương pháp lập

a) Cột 1: Số thứ tự các chỉ tiêu.

b) Cột 2: Theo nhóm chỉ tiêu quy định tại điểm 5.1, 5.2, 5.3, 5.4 Phụ lục này.

c) Cột 3: Phản ánh số còn phải thu đầu kỳ, số liệu trên cột này tổng hợp từ số còn phải thu cuối kỳ trước chuyển sang:

Còn phải thu đầu kỳ

=

Tổng số dư cuối kỳ trước chuyển sang của các TK 131, TK 132, TK 133, TK 137, TK 138, TK 139 (dư Nợ ghi (+), dư Có ghi (-))

-

Số dư cuối kỳ TK 338 kỳ trước chuyển sang (dư Nợ ghi (-), dư Có ghi (+))

Còn phải thu hồi hoàn GTGT, TTĐB đầu kỳ

=

Số dư cuối kỳ trước chuyển sang của TK 142 (dư Nợ ghi (+), dư Có ghi (-))

d) Cột 4: Phản ánh số phải thu phát sinh trong kỳ, cụ thể:

Số phải thu phát sinh trong kỳ

=

(Tổng số phát sinh bên Có TK 711 - Số phát sinh bên Nợ TK 711 đối ứng với TK 131)

(Tổng nghĩa vụ thuế phát sinh trong năm, không bao gồm số kết chuyển cuối kỳ)

-

(Tổng số phát sinh bên Có TK 818, 819 đối ứng với TK 711)

(Tổng các khoản giảm thu trong năm)

Số phải thu hồi hoàn GTGT, TTĐB phát sinh trong kỳ

=

Tổng số phát sinh bên Nợ TK 142

đ) Cột 5: Phản ánh số thuế đã thu trong kỳ, cụ thể:

Số đã thu trong kỳ

=

Tổng số phát sinh bên Nợ TK 331

(Tổng số thuế đã thực nộp trong kỳ, không bao gồm số kết chuyển cuối kỳ)

-

(Số phát sinh bên Nợ TK 341 đối ứng với TK 331 + Số phát sinh bên Nợ TK 348)

(Số thuế nộp thừa đã được hoàn theo phương thức giảm thu ngân sách nhà nước)

Số đã thu hồi hoàn GTGT, TTĐB trong kỳ

=

Tổng số phát sinh bên Có TK 142

e) Cột 6: Phản ánh số cơ quan thuế còn phải thu cuối kỳ, cụ thể:

Số còn phải thu cuối kỳ

=

Tổng số dư cuối kỳ của các TK 131, TK 132, TK 133, TK 137, TK 138, TK 139 (dư Nợ ghi (+), dư Có ghi (-))

-

Số dư cuối kỳ bên Có TK 338 (dư Nợ ghi (-), dư Có ghi (+))

Còn phải thu hồi hoàn GTGT, TTĐB cuối kỳ

=

Số dư cuối kỳ của TK 142

(dư Nợ ghi (+), dư Có ghi (-))

Số liệu tại Cột 6 = Cột 3 + Cột 4 - Cột 5

2. Báo cáo kết quả phải hoàn, đã hoàn, còn phải hoàn (Mẫu số 02/BC-KTT)

2.1. Mục đích

Báo cáo kết quả phải hoàn, đã hoàn, còn phải hoàn trong một kỳ kế toán thuế phản ánh số tiền thuế do cơ quan thuế phải hoàn, đã hoàn, còn phải hoàn cho người nộp thuế hoặc tổ chức được cơ quan thuế ủy nhiệm thu.

2.2. Căn cứ lập

- Căn cứ Báo cáo kết quả phải hoàn, đã hoàn, còn phải hoàn kỳ trước.

- Căn cứ vào số dư, số phát sinh các tài khoản 338, 341, 342, 348.

2.3. Phương pháp lập

a) Cột 1: Số thứ tự các chỉ tiêu.

b) Cột 2: Theo nhóm chỉ tiêu quy định tại điểm 5.1, 5.2, 5.3, 5.4 và 5.5 Phụ lục này.

c) Cột 3: Phản ánh số phải hoàn đầu kỳ, phản ánh giá trị của khoản hoàn trả tại thời điểm đầu năm báo cáo chưa hoàn trả cho người nộp thuế hoặc tổ chức được cơ quan thuế ủy nhiệm thu. Số liệu trên cột này lấy từ số còn phải hoàn cuối kỳ trước chuyển sang

- Đối với hoàn nộp thừa:

Số còn phải hoàn đầu kỳ

=

Tổng số dư bên Có cuối kỳ trước chuyển sang của các TK 341, TK 348

- Đối với hoàn GTGT/TTĐB:

Số còn phải hoàn đầu kỳ

=

Số dư bên Có cuối kỳ trước chuyển sang của TK 342

d) Cột 4: Phản ánh số phải hoàn phát sinh trong kỳ

- Đối với hoàn nộp thừa:

Số phải hoàn phát sinh trong kỳ

=

Tổng số phát sinh bên Có của các TK 341, TK 348

-

Tổng số phát sinh bên Nợ của TK 341 đối ứng với TK 338

- Đối với hoàn GTGT/TTĐB:

Số phải hoàn phát sinh trong kỳ

=

Tổng số phát sinh bên Có của TK 342

đ) Cột 5: Phản ánh số đã hoàn thuế trong kỳ

- Đối với hoàn nộp thừa:

Số đã hoàn trong kỳ

=

Tổng số phát sinh Nợ TK 341 đối ứng với TK 331

+

Tổng số phát sinh Nợ TK 348

- Đối với hoàn GTGT/TTĐB:

Số đã hoàn trong kỳ

=

Tổng số phát sinh Nợ TK 342

e) Cột 6: Phản ánh số còn phải hoàn cuối kỳ

- Đối với hoàn nộp thừa:

Số còn phải hoàn cuối kỳ

=

Tổng số dư cuối kỳ bên Có của các TK 341, TK 348

- Đối với hoàn GTGT/TTĐB:

Số còn phải hoàn cuối kỳ

=

Số dư cuối kỳ bên Có của các TK 342

Số liệu tại Cột 6 = Cột 3 + Cột 4 - Cột 5

3. Báo cáo kết quả miễn, giảm, khoanh nợ, xóa nợ (Mẫu số 03/BC-KTT)

3.1. Mục đích

Báo cáo kết quả miễn, giảm, khoanh nợ, xóa nợ trong một kỳ kế toán thuế phản ánh số liệu tổng hợp kết quả miễn, giảm, khoanh nợ, xóa nợ thuế của cơ quan thuế phát sinh trong kỳ.

3.2. Căn cứ lập

Căn cứ vào số phát sinh các tài khoản 139, 818, 819.

3.3. Phương pháp lập

a) Cột 1: Số thứ tự các chỉ tiêu.

b) Cột 2: Theo một hoặc một số nhóm chỉ tiêu theo quy định tại điểm 5.1, 5.2, 5.3, 5.4 Phụ lục này.

c) Cột 3: Phản ánh số miễn, giảm phát sinh trong kỳ

Số miễn, giảm phát sinh trong kỳ

=

Tổng số phát sinh

Nợ TK 818

-

Tổng số phát sinh Có TK 818 đối ứng với TK 338

d) Cột 4: Phản ánh số khoanh nợ phát sinh trong kỳ

Số khoanh nợ phát sinh trong kỳ

=

Tổng số phát sinh

Nợ TK 139

-

Tổng số phát sinh Có TK 139 đối ứng với TK 338

đ) Cột 5: Phản ánh số xóa nợ phát sinh trong kỳ

Số xóa nợ phát sinh trong kỳ

=

Tổng số phát sinh

Nợ TK 819

-

Tổng số phát sinh Có TK 819 đối ứng với TK 338

e) Cột 4: Phản ánh tổng số miễn, giảm, khoanh nợ, xóa nợ phát sinh trong kỳ: Cột 6 = Cột 3 + Cột 4 + Cột 5

4. Báo cáo cung cấp thông tin tài chính (Mẫu số 04/BC-CCTT)

4.1. Mục đích

Báo cáo cung cấp thông tin tài chính trong một kỳ kế toán thuế phản ánh số tiền thuế do cơ quan thuế phải thu, còn phải thu, còn phải hoàn thuế và các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước do cơ quan thuế quản lý thu; số phải hoàn thuế giá trị gia tăng, tiêu thụ đặc biệt theo pháp luật thuế.

Đơn vị kế toán thuế gửi báo cáo cung cấp thông tin tài chính cho Kho bạc Nhà nước theo quy định tại Nghị định số 25/2017/NĐ-CP ngày 14/3/2017 của Chính phủ quy định về báo cáo tài chính nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành.

4.2. Căn cứ lập

- Căn cứ Báo cáo cung cấp thông tin tài chính kỳ trước.

- Căn cứ vào số dư, số phát sinh các tài khoản: 131, 132, 133, 137, 138, 139, 331, 341, 342, 338, 348, 711, 812, 818, 819.

4.3. Phương pháp lập

a) Năm: Là năm báo cáo.

b) Mục A Phần I: Số liệu Thu, Phải thu, Phải trả người nộp thuế

b.1) Cột "Chỉ tiêu” được chi tiết theo “Mã chương” và “Tiểu mục”, riêng các nội dung các chỉ tiêu tại chỉ tiêu III (3.4), V(5.7), Mục A báo cáo chỉ yêu cầu chi tiết theo “Mã chương”.

b.2) Cột “Mã số”: Để trống, cột này là mã chỉ tiêu do Kho bạc Nhà nước cập nhật khi tổng hợp báo cáo tài chính nhà nước.

b.3) Cột “Mã địa bàn hành chính”: Xác định theo quy định tại Điều 20 Thông tư này.

b.4) Cột “Mã chương”: Xác định theo quy định tại Điều 21 Thông tư này.

b.5) Cột “Mục”: Xác định theo quy định về Hệ thống Mục lục ngân sách nhà nước do Bộ Tài chính ban hành.

b.6) “Tiểu mục”: Xác định theo quy định tại Điều 22 Thông tư này;

b.7) Cột “Thu”: Phản ánh số tiền thuế do cơ quan thuế phải thu phát sinh trong năm báo cáo, cụ thể:

Thu

=

(Tổng số phát sinh bên Có TK 711 - Số phát sinh bên Nợ TK 711 đối ứng với TK 131)

(Tổng nghĩa vụ thuế phát sinh trong năm, không bao gồm số kết chuyển cuối kỳ)

-

(Tổng số phát sinh bên Có TK 818, 819 đối ứng với TK 711)

(Tổng các khoản giảm thu trong năm)

Tổng số liệu tại cột “Thu” (=) Tổng số liệu tại cột (4) Mục I trên Báo cáo kế toán Mẫu số 01/BC-KTT.

b.8) Cột “Phải thu”: Phản ánh số tiền thuế do cơ quan thuế còn phải thu tại thời điểm kết thúc năm báo cáo.

Phải thu

=

Tổng số dư cuối kỳ của các TK 131, TK 132, TK 133, TK 137, TK 138, TK 139 (dư Nợ ghi (+), dư Có ghi (-))

-

Số dư cuối kỳ bên Có TK 338

(dư Nợ ghi (-), dư Có ghi (+))

Tổng số liệu tại cột “Phải thu” (=) Tổng số liệu tại cột (6) Mục I trên Báo cáo kế toán Mẫu số 01/BC-KTT.

b.9) Cột “Phải trả”: phản ánh số tiền thuế do cơ quan thuế còn phải hoàn trả đến thời điểm kết thúc năm báo cáo.

- Đối với hoàn nộp thừa:

Phải trả

(đối với hoàn nộp thừa)

=

Tổng số dư cuối kỳ bên Có của các TK 341, TK 348

- Đối với hoàn GTGT/TTĐB:

Phải trả (đối với hoàn GTGT/TTĐB)

=

Số dư cuối kỳ bên Có của TK 342

Tổng số liệu tại Cột “Phải trả” (=) Tổng số liệu tại cột (6) trên Báo cáo kế toán Mẫu số 02/BC-KTT.

c) Mục B Phần I: Hoàn thuế GTGT, thuế TTĐB theo pháp luật thuế

Phản ánh số phải hoàn thuế GTGT, thuế TTĐB theo pháp luật thuế của cơ quan thuế phát sinh trong năm báo cáo. Số tiền phải hoàn trả thuế GTGT, thuế TTĐB theo pháp luật thuế

=

Tổng số phát sinh Có TK 342

d) Phần II. Phân tích, đánh giá: Phần này phân tích, đánh giá chi tiết về các số liệu về thu thuế và các khoản thu nội địa khác thuộc ngân sách nhà nước, đặc biệt là những biến động (tăng, giảm) lớn, đột biến của năm báo cáo so với năm trước; phân tích nguyên nhân khách quan, chủ quan nhằm giúp người dùng báo cáo hiểu rõ hơn về các thông tin phải thu, còn phải thu, còn phải hoàn thuế và các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước do cơ quan thuế quản lý thu; số phải hoàn thuế giá trị gia tăng, tiêu thụ đặc biệt theo pháp luật thuế.

5. Chỉ tiêu báo cáo kế toán thuế

Căn cứ mục đích của từng loại báo cáo kế toán, cơ quan thuế sử dụng một hoặc nhiều các nhóm chỉ tiêu sau để tổng hợp dữ liệu báo cáo:

5.1. Nhóm chỉ tiêu tổng hợp theo cơ quan thuế

a) Thành phần:

- Tổng cục Thuế;

- Cục Thuế các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương; Cục Thuế Doanh nghiệp lớn;

- Văn phòng Cục Thuế các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương, Chi cục Thuế các quận/huyện/thị xã/thành phố; Chi cục Thuế khu vực.

b) Phương pháp xác định: Theo quy định về phân cấp tổ chức bộ máy quản lý thuế của ngành thuế và xác định theo mã cơ quan thu quy định tại Điều 19 Thông tư này.

5.2. Nhóm chỉ tiêu tổng hợp theo khu vực kinh tế

a) Thành phần:

- Khu vực kinh tế nhà nước;

- Khu vực kinh tế đầu tư nước ngoài;

- Khu vực kinh tế ngoài quốc doanh;

- Khu vực kinh tế khác;

b) Phương pháp xác định: Tổng hợp theo mã chương dùng để ghi chép, phản ánh và hạch toán số phải thu, đã thu, còn phải thu, phải hoàn, đã hoàn, còn phải hoàn, miễn, giảm, khoanh nợ, xóa nợ đối với các nghiệp vụ quản lý thuế của cơ quan thuế theo hệ thống mục lục ngân sách nhà nước. Mã Chương được xác định theo quy định tại Điều 21 Thông tư này.

5.3. Nhóm chỉ tiêu tổng hợp theo sắc thuế

a) Thành phần:

- Thu từ dầu thô, condensate: Chi tiết theo loại thu;

- Thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh: Chi tiết theo loại thu;

- Thu từ phí, lệ phí: Chi tiết theo loại phí, lệ phí;

- Thu từ đất: Chi tiết theo loại thu, khoản thu;

- Thu nhập từ thu nhập sau thuế thu nhập: Chi tiết theo khoản thu;

- Thu khác thuộc ngân sách nhà nước do cơ quan thuế quản lý: Chi tiết theo khoản thu.

b) Phương pháp xác định: Tổng hợp theo nội dung kinh tế (tiểu mục). Mã tiểu mục được xác định theo quy định tại Điều 22 Thông tư này.

5.4. Nhóm chỉ tiêu tổng hợp theo địa bàn hành chính

a) Thành phần:

- Địa bàn hành chính cấp trung ương;

- Địa bàn hành chính cấp tỉnh;

- Địa bàn hành chính cấp huyện;

- Địa bàn hành chính cấp xã.

b) Phương pháp xác định: Tổng hợp theo danh mục mã địa bàn hành chính theo quy định tại Điều 20 Thông tư này.

5.5. Nhóm chỉ tiêu tổng hợp theo trường hợp hoàn thuế

a) Thành phần:

- Hoàn thuế giá trị gia tăng theo quy định của Luật Thuế giá trị gia tăng;

- Hoàn thuế tiêu thụ đặc biệt theo quy định của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt;

- Hoàn thuế theo Hiệp định tránh đánh thuế hai lần và Điều ước quốc tế khác;

- Hoàn thuế thu nhập cá nhân theo quy định của Luật Thuế thu nhập cá nhân;

- Hoàn các loại thuế, phí, lệ phí và các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước nộp thừa theo quy định của Luật Quản lý thuế.

b) Phương pháp xác định: Tổng hợp theo nội dung kinh tế (tiểu mục). Mã tiểu mục được xác định theo quy định tại Điều 22 Thông tư này. Nhóm chỉ tiêu này chỉ tổng hợp tại báo cáo kết quả phải hoàn, đã hoàn, còn phải hoàn.

6. Kết xuất và gửi báo cáo kế toán theo nhóm chỉ tiêu

Việc kết xuất và gửi báo cáo kế toán thuế thực hiện theo quy định tại Mục 4 Chương II Thông tư này, cụ thể:

a) Đối với các báo cáo kế toán tổng hợp theo nhóm chỉ tiêu tại điểm 5.2, điểm 5.3, điểm 5.5 Phụ lục này, đơn vị kế toán thuế lập và gửi cơ quan thuế cấp trên tổng hợp, theo dõi khi đóng kỳ kế toán thuế.

b) Đối với các báo kế toán tổng hợp theo các nhóm chỉ tiêu tại điểm 5 Phụ lục này, cơ quan thuế có thể kết xuất theo nhu cầu quản lý hoặc đề nghị cung cấp của cơ quan có thẩm quyền theo quy định.

VIETNAM MINISTRY OF FINANCE
-------

SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM
Independence - Freedom - Happiness
---------------

No. 111/2021/TT-BTC

Hanoi, December 14, 2021

 

CIRCULAR

GUIDANCE ON DOMESTIC TAX ACCOUNTING

Pursuant to the Law on Accounting dated November 20, 2015;

Pursuant to the Law on Tax Administration dated June 13, 2019;

Pursuant to the Law on State Budget dated June 25, 2015;

Pursuant to the Law on Electronic Transactions dated November 29, 2005;

Pursuant to the Government’s Decree No.174/2016/ND-CP dated December 30, 2016 elaborating certain articles of the Law on Accounting;

Pursuant to the Government's Decree No. 126/2020/ND-CP dated October 19, 2020, elaborating on certain articles of the Law on Tax Administration;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Pursuant to the Government’s Decree No. 25/2017/ND-CP dated March 14, 2017 regarding government financial reporting;

Pursuant to the Government’s Decree No. 165/2018/ND-CP dated December 24, 2018 on electronic transactions in financial activities;

Pursuant to the Government's Decree No. 87/2017/ND-CP dated July 26, 2017, defining the functions, tasks, powers and organizational structure of the Ministry of Finance;

Upon the request of the Director of the General Department of Taxation and the Director of the Department of Accounting and Auditing Regulations;

The Minister of Finance hereunder promulgates the Circular providing guidance on domestic tax accounting.

Chapter I

GENERAL PROVISIONS

Article 1. Scope of application

1. This Circular provides for accounting for taxation and other state budget receipts falling within the collection jurisdiction of tax authorities as prescribed in the Law on Tax Administration and other written documents on guidance on implementation thereof (hereinafter referred to as tax accounting), including:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) Application of information technology in tax accounting activities;

c) Collection of input data or information and evidencing documents or vouchers;

d) Accounts;

dd) Accounting books or records;

e) Accounting reports;

g) Conduct of accounting work.

2. Other matters related to tax accounting activities that are not detailed herein shall be subject to general regulatory provisions of accounting legislation.

Article 2. Subjects of application

1. Tax authorities: General Department of Taxation; Departments of Taxation; Regional Sub-departments of Taxation; Departments of Taxation.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 3.Interpretation

For the purposes of this Circular, terms used herein shall be construed as follows:

1. Tax is composed of taxes and other state budget receipts falling within the collection jurisdiction of tax authorities according to clause 1 and 2 of Article 3 in the Law on Tax Administration.

2. Tax accounting refers to a tax authority-at-any-level’s practice of collecting, reporting, recording and recognizing all tax-related amounts arising from carrying out its tax administration operations, including tax liabilities or tax-related payments that need to be collected, have already been collected, and remain to be collected; tax refunds or tax-related reimbursements that need to be paid, have already been paid; remain to be paid; tax debts that are exempt, reduced, charged off, cancelled or forgiven.

3. Tax administration operations refers to activities related to tax administration that are carried out tax authorities at any level according to the functions, duties, entitlements and the Law on Tax Administration, Tax Laws, relevant legislation, and professional tax administration procedures promulgated by the General Department of Taxation.

4. Tax accounting unit may be the General Department of Taxation; Department of Taxation; Regional Sub-department of Taxation; or Department of Taxation.

5. System of tax administration apps refers to a collection of information technology applications developed, launched and put to use by the General Department of Taxation to carry out tax administration operations.

6. Taxpayer obligation management subsystem refers to an application belonging to the System of tax administration apps that serves the function of managing tax liabilities that need to be collected; have already been collected; remain to be collected from; tax refunds that need to be paid; have already been paid; remain to be paid to each taxpayer; tax exemptions, deductions or debt charge-off or cancellation that each taxpayer enjoys; concurrently, providing tax-accounting input data or information as prescribed in Article 12 herein.

7. Tax accounting subsystem refers to an application belonging to the System of tax administration apps that is designed for tax accountancy in accordance with Article 4, 5 and 6 herein.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



9. Tax accounting database refers to a collection of tax-accounting data and information (including input information, evidencing documents, accounts, books and reports) that are stored, arranged and organized in order for them to be accessed, used, managed and updated by electronic means on the tax accounting subsystem.

Article 4. Objects of tax accounting operation

1. Tax liabilities and tax-related payments that need to be collected; have already been collected; remain to be collected: Representing tax amounts that tax authorities are liable to collect; have already collected; will collect from taxpayers, or their authorized collection agencies.

2. Tax refunds and tax-related reimbursements that need to be paid; have already been paid; remain to be paid: Representing tax amounts that tax authorities are liable to collect; have already paid; will pay to taxpayers, or their authorized collection agencies.

3. Tax exemptions, deductions, charged-off, forgiven or cancelled tax debts: Representing tax amounts that are exempt, reduced, charged-off, forgiven or cancelled by tax authorities.

Article 5. Range of tax accounting activities and tax accounting duties

1. Range of activities involved in tax authorities’ conduct of its tax accounting work

Tax accounting work is defined as one of the tax administration functions of tax authorities, using results obtained from other tax accounting operations that have been completely processed for carrying out specific activities involved in the tax accounting work as per Article 6 herein.

2. Tax accounting duties

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) Conduct the reconciliation and examination process to ensure that recorded data correspond to inputs generated from tax administration records and documents related to the tax accounting work.

c) Where there is any error arising from the tax accounting process, it is mandatory to identify causes and recommend actions as stipulated in Article 14 and 16 herein.

d) Store, manage and provide tax accounting data, information and documents in accordance with Article 9 herein.

dd) Provide tax accounting data, information and documents in an honest, adequate and timely manner in accordance with law on tax accounting and tax administration.

e) Tax accounting duties are automatically performed by the tax accounting Subsystem or government accountants according to their functions, duties and rights of access granted on the tax accounting subsystem.

3. Specialized departments of a tax authority at any level Tax shall perform the following duties involved in its tax administration operations

a) Process and handle professional tax administration documents and records according to tax administration procedures adopted by the Director of the General Department of Taxation with a view to obtaining full, accurate and timely data and information.

b) Take control of processing data included in professional tax administration documents and records available on the tax regulatory authority’s System of tax administration apps administered by the tax regulator in accordance with Regulations on responsibilities for data processing controls on the tax regulatory authority’s System of tax administration apps that are approved for use by the Director of the General Department of Taxation.

c) Bear responsibility for adequacy, accuracy and timeliness of information provided information as feeders to tax accounting inputs according to Article 12 herein.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



dd) Where it is discovered that any defect, omission or change in professional tax administration documents and records related to the tax accounting affects recorded data and information, prompt actions and adjustments required by law must be used.

Article 6. Tax accounting activities

Tax accounting work is defined as one of the tax administration functions of all tax authorities that are performed in a continuous and systematic manner according to tax administration procedures available on the System of tax administration apps, including the tax accounting Subsystem. The tax accounting work is composed of the following activities:

1. Collecting tax accounting inputs and issuing tax accounting documents

a) Collecting tax accounting inputs is defined as the work of tax accounting automatically carried out by the tax accounting Subsystem connected to the Subsystem of management of taxpayer obligations in accordance with Article 12, 13, 14 and 15 herein in order to fully determine items of specific accounts.

b) Where procedures for collection of inputs available on the tax accounting Subsystem are not used for recording entries into tax accounting books, government accountants in charge of tax accounting activities can generate documents and records in accordance with Article 16 herein.

2. Recording entries into an accounting book refers to the tax accounting work automatically carried out by the tax accounting Subsystem in order to record tax accounting inputs and documents specified in clause 1 of this Article to keep account of and report tax accounting activities arising during the accounting period, including tax accounting book creation, data recording, cutoff and repair, in accordance with Section 3 of Chapter II herein.

3. Preparing a tax accounting report refers to the tax accounting work carried out automatically by the tax accounting Subsystem or a government accountant in charge of tax accounting activities in order to combine tax administration performance outcomes from tax authorities at any level (including tax liabilities and tax-related payments that need to be collected, have already been collected, or remain to be collected; tax refunds and tax-related reimbursements that need to be paid, have already been paid, or remain to be paid; tax exemptions, deductions, charged-off, forgiven or cancelled tax debts) in accordance with Section 4 of Chapter II herein.

4. Storing and providing tax accounting information and documents refers to the tax accounting work carried out in accordance with Article 9 herein.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. The unit of account used in tax accounting operations is Vietnamese dong, used for recording entries into accounting books, preparing and representing tax accounting reports.

2. During their tax administration process, if tax authorities discover that any taxpayer completes tax declaration forms or pays taxes in foreign currencies as per the Law on Tax Administration and other written documents providing guidance on implementation of this Law, they must convert these foreign currencies into Vietnamese dong when collecting tax accounting inputs for use in creating tax accounting books, preparing and presenting tax accounting reports in Vietnamese dong. This action is specified as follows:

a) The exchange rate applied to conversion of tax liabilities that need to be collected from taxpayers completing tax declaration forms in foreign currencies is defined as the accounting exchange rate regulated by the Ministry of Finance (State Treasury) at the accounting time.

b) The exchange rate applied to conversion of tax liabilities that have already been collected from taxpayers paying taxes in foreign currencies is defined as the accounting exchange rate specified in accounting documents on state budget collections that State Treasuries transfer to tax authorities.

c) The exchange rate applied to conversion of overpayments in foreign currencies that can be used for offsetting state budget collections or repaid by the state budget into Vietnamese dong is defined as the exchange rate prescribed in point a.5 of clause 1 of Article 25 and clause 4 of Article 46 in the Circular No. 80/2021/TT-BTC dated September 29, 2021 of the Ministry of Finance, providing guidance on implementation of several Articles of the Law on Tax Administration, and the Government’s Decree No. 126/2020/ND-CP dated October 19, 2020.

Article 8. Accounting period

1. The accounting period coincides with the calendar year which is denominated as the accounting year composed of 4 numerals according to the following specific regulations:

a) The accounting period starts on January 1 and ends on December 31 of a calendar year.

b) The first accounting period of a newly-founded accounting unit is determined as the period from the beginning of the effective date of the decision on incorporation, split-up, split-off, amalgamation and merger of that accounting unit to end of December 31 in the calendar year.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



d) The time length of the first or final accounting period shall be subject to the instructions given in the Law on Accounting and other instructional documents thereof.

2. Period-based accounting principles

a) The tax accounting day is defined as the day on which entries on accounting books or records are imported into the tax accounting Subsystem.

b) The day of collection of tax accounting inputs must is accepted according to the principle that it is the day on which any tax accounting activity arises, or is not later than the day following the aforesaid day. Except statutory days-off, the information collection day is the working day following these days-off.

c) Where any adjustment in tax administration activities already recorded in the prior accounting period's report during the period of preparing that report is made by the closing day of that accounting period, such adjustment shall be recorded in the prior accounting period and identified by the information about the accounting year specified in clause 1 of this Article.

d) After the closing day of an accounting period, any adjustment in data belonging to the prior accounting period can be made only at the request of a competent regulatory authority and according to clause 3 and 4 of Article 27, as well as clause 2 and 3 of Article 30 herein.

3. Opening or closing an accounting period

a) Opening an accounting period is the act of setting an open status on the tax accounting Subsystem from the start date of any accounting period specified in clause 1 of this Article to enable the act of updating tax accounting inputs, documents; recording entries in accounting books; revising or deleting data available on tax accounting books by the tax accounting Subsystem.

b) Closing an accounting period is the act of setting a close status of that accounting period on the tax accounting Subsystem to prevent the act of updating tax accounting inputs; updating tax accounting documents; revising or deleting data available on accounting books by the tax accounting Subsystem.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



During the period from the ending day of the accounting period to the close day of the accounting period, all adjusted tax-accounting data can be recorded according to the accounting year information specified in clause 1 and 2 herein.

During the period from the close day of the accounting period to the day before the day of approval an accounting report by a competent authority, the tax authority submitting that accounting report is authorized to adjust the accounting year information only when being requested by the competent authority, or adjust data if the tax authority detects any error in such data with the General Department of Taxation’s approval; and then record adjusted data according to the accounting year information specified in clause 1 and 2 of this Article.

d) If not doing as mentioned above, adjusted data must be recorded in the accounting period of the current year and the budget year information is supplemented with the value "01" as a basis for an interpretation to be made in the tax accounting report of the current year.

Article 9. Storage and supply of accounting information and documents

1. Tax accounting documents, including tax accounting inputs, documents, records, books, reports or statements and others related to tax accounting activities, may be represented in the form of electronic data and information stored under law on accountancy.

Before being imported into the tax accounting Subsystem, tax accounting inputs are stored on the taxpayer obligation management Subsystem and other tax administration Subsystems belonging to the System of tax administration apps in accordance with the instructions of the Director of the General Department of Taxation. The General Department of Taxation shall ensure that stored data can be accessible to track the origin of tax accounting inputs.

2. Supplying tax accounting information and documents

a) Supplying tax accounting information and documents shall be subject to law on accountancy and law on tax administration.

b) Tax accounting information or documents to be supplied must be tax liabilities or payments that need to be collected; have already been collected; remain to be collected; tax refunds or reimbursements that need to be paid; have already been paid; remain to be paid; tax exemptions, deductions or debt charge-off or cancellation under the management of a tax authority; and other relevant information given in data fields included in tax accounting reports as required herein.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. The System of tax administration apps mentioned in clause 5 of Article 3 herein is composed of the integrated tax management system (TMS) and non-TMS tax management apps that are used for facilitation for tax administration operations of tax authorities at all levels and centralized storage of tax management information about all tax lines and payments of taxpayers under the management of tax authorities nationwide; are grouped into the following subsystems:

a) Tax administration subsystems refer to the functions set up on TMS or non-TMS tax management apps that are available for use in carrying out tax administration operations according to professional procedures adopted by the Director of the General Department of Taxation (including Tax Dossier Management; Tax Registration; Tax Declaration Processing; Tax Decision Processing; Tax Refund Claim Processing; Tax Exemption or Deduction Processing; Tax Debt Management; Tax Inspection; Registration and Real Property Management, etc.).

Results of professional operations of tax administration Subsystems under TMS and other non-TMS tax management apps must be automatically transferred to the Subsystem of taxpayer obligation management under TMS to serve the purposes of recording, representing and determining tax liabilities or payments that need to be collected; have already been collected; remain to be collected; tax refunds or reimbursements that need to be paid; have already been paid; remain to be paid; tax exemptions, deductions or charge-off, forgiven or cancelled debts of specific taxpayers. Tax administration-related dossiers stored on tax administration Subsystems under TMS and other non-TMS tax administration apps must be accessible in order for the origin of inputs in the taxpayer obligation management Subsystem to be tracked.

b) The Taxpayer obligation management subsystem mentioned in clause 6 of Article 3 herein is a TMS application set up on TMS that is integrated with other tax administration subsystems under the System of tax administration apps to record, report and determine tax liabilities that need to be collected; have already been collected; remain to be collected from; tax refunds that need to be paid; have already been paid; remain to be paid to each taxpayer; tax exemptions, deductions or debt charge-off or cancellation that each taxpayer enjoys; feed these data into tax administration subsystems during the process of carrying out tax administration operations according to the professional procedures adopted by the Director of the General Department of Taxation.

Records of taxpayers’ obligations on the taxpayer obligation administration Subsystem must include pieces of information specified in clause 2 of Article 12 herein, ensuring that tax accounting inputs are sufficient, accurate, timely and automatically transmitted to the tax accounting subsystem prescribed herein.

2. Principles and responsibilities of departments for processing and controlling data on each subsystem of the System of tax administration apps shall be subject to the professional tax administration procedures and regulations on responsibilities related to the practice of data processing control carried out on the System of tax administration apps that are approved for use by the Director of the General Department of Taxation.

Article 11. Application of information technology in the tax accounting work

1. The tax accounting work carried out by using IT apps and automatically handling concentrated tax-accounting databases at the General Department of Taxation goes through the following stages: collecting tax accounting inputs; preparing tax accounting documents; processing tax accounting inputs and documents; recording entries into tax accounting books; is required to ensure consistency with and relevance to professional procedures and regulations related to tax administration and state budget collection management; must be capable of integrating and exchanging information with other Systems of tax administration apps in the tax sector.

2. Tax accounting Subsystem mentioned in clause 7 of Article 3 herein is an application set up on TMS to carry out the tax accounting work by tax authorities in accordance with this Circular, including such activities as collecting tax accounting inputs; processing tax accounting documents; recording entries in tax accounting books; and preparing tax accounting reports of tax authorities.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) Each Subsystem must strictly comply with law on accountancy, law on tax administration, law on state budget and law on electronic transactions.

b) Each Subsystem must be upgradable, amendable and adaptable to any change in law related to tax accounting tasks, requirements and record-keeping approaches without prejudice to the existing database.

c) Each Subsystem must be capable of automatically processing and storing data according to the principle of compliance with accounting requirements and the method of calculating indicators available on the tax accounting report according to current regulations; must ensure that accounting data are appropriate and do not overlap; must be capable of forecasting, detecting and preventing any defect or omission arising from inputting updated data and processing tax accounting information.

d) Each Subsystem must ensure information and data confidentiality and security; may grant authority to each user according to the assigned functions and duties; can monitor users’ access time and actions, updated, revised or deleted data of authorized users; can remember any change to accounting books; can restore accounting data and information in case of technical failure occurring during use.

dd) Principles of processing tax accounting data on tax-accounting IT apps must conform to regulations of this Circular and regulations that the Director of the General Department of Taxation issues in writing under his delegated authority. Whenever any tax accounting operation arises, a timely and comprehensive written manual for such operation must be available for use in the entire tax community; concurrently, tax accounting guides must be updated and synced for consistent use in the tax accounting Subsystem.

e) The General Department of Taxation must manage the uniform use of IT apps in the tax accounting domain; manage grant of authority to access to and security for tax accounting data and information according to the functions, duties and entitlements of the tax accounting machinery at tax authorities at all levels.

g) Government tax accountants must input and search for tax accounting data from the accounting database according to the functions, duties and entitlements assigned or approved by competent persons; must use correct usernames, passwords and passcodes that they are granted in order to process and search for tax accounting data from the tax accounting database; must change their passcodes at regular or irregular intervals. In case of moving to other positions, they must inform app administrators to request change in the data access authority according to requirements of their newly assigned positions. App administrators must remove authority to access tax-accounting IT apps from government officers who are no longer in charge of tax accounting duties.

4. Each tax accounting Subsystem must run automatically and be connected to other tax administration subsystems, especially directly to the taxpayer obligation management subsystem. The tax accounting subsystem must allow the integral, accurate, full and authentic synthesis of inputs coming from data and information provided by the taxpayer obligation management Subsystem; can help search and access the origin of tax accounting inputs connected to information and data about management of taxpayer obligations and information and data about professional tax administration dossiers stored on taxpayer obligation management subsystems and other tax administration subsystems.

Chapter II

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Section 1. COLLECTION OF INPUTS OF TAX ACCOUNTING SUBSYSTEMS AND TAX ACCOUNTING DOCUMENTS

Article 12. Inputs of tax accounting subsystems

1. Inputs of a tax accounting system shall include data and information about tax liabilities and payments that need to be collected; have already been collected; remain to be collected; tax refunds and reimbursements that need to be paid; have already been paid; remain to be paid; tax exemptions; tax deductions; charged-off tax debts; forgiven or cancelled tax debts, of each tax authority (tax authorities directly supervising taxpayers; tax authorities supervising tax liabilities or payments that need to be collected; tax authorities supervising authorized regions) when they are collected from the synthesis of data and information about tax liabilities and payments that need to be collected; have already been collected; remain to be collected; tax refunds and reimbursements that need to be paid; have already been paid; remain to be paid; tax exemptions; tax deductions; charged-off tax debts; forgiven or cancelled tax debts on the taxpayer obligation management subsystem in order for them to be recorded into tax accounting books on the tax accounting subsystem.

2. Inputs of the tax accounting subsystem collected from the taxpayer obligation management subsystem must include the following main information:

a) Information about the type of the tax administration operation which is a piece of information created according to specific types of tax administration dossier related to the origin of tax liabilities and payments that need to be collected; have already been collected; remain to be collected; tax refunds and reimbursements that need to be paid; have already been paid; remain to be paid; tax exemptions; tax deductions; charged-off tax debts; forgiven or cancelled tax debts in accordance with the Law on Tax Administration and other written documents providing guidance on implementation thereof.

b) Bodies of information about codes of accounts used in the tax accounting activities are specified in Article 17, 19, 20, 21, 22, 23 and 24 herein, including:

b.1) Collection agency’s code;

b.2) Administrative division’s code;

b.3) Chapter code;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b.5) Standby code;

b.6) Account code.

c) Information about the budget year that is required in case of adjusting tax accounting data arising in the current year against any error or shortcoming occurring in the prior year when these data are integrated into the current year's tax accounting report in accordance with point d of clause 3 of Article 8 herein.

d) Amounts varying according to the substance of the tax administration operation specified in point a of this clause.

3. When being recorded into tax accounting books, inputs automatically created by the tax accounting subsystem shall include entry creation date, entry numbers and record-keeping date. Specifically as follows:

a) Entry creation date, entry numbers: These are automatically created based on the chronological order of completion of the task of collection of inputs or recording of tax accounting documents by the tax accounting Subsystem.

b) Record-keeping date is the day determined by the tax accounting subsystem according to point a of clause 2 of Article 8 herein.

4. The List of inputs to be collected is given in the Appendix I hereto. In the course of implementation thereof, the Director of the General Department of Taxation can supplement the list of tax accounting inputs to be collected according to tax administration requirements and requirements for management of state budget collection provided that the supplemented list is corresponding to the account system specified in Section 2 of Chapter II herein.

Article 13. Steps in collection and processing of inputs of the tax accounting subsystem

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



When processing professional tax accounting dossiers according to the instructions of the Director of the General Department of Taxation, any tax accounting subsystem specified in Article 10 herein must provide the taxpayer obligation management subsystem with information about tax liabilities and payments that need to be collected; have already been collected; remain to be collected from taxpayers; tax refunds and reimbursements that need to be paid; have already been paid; remain to be paid to taxpayers; tax exemptions; tax deductions; debt relief and cancellation to which taxpayers are entitled, ensuring adequate, accurate and timely information according to the written instructions of the Director of the General Department of Taxation.

The taxpayer obligation management subsystem automatically creates information about tax obligations relative to tax administration dossiers in order to keep records of tax liabilities or payments that need to be collected; have already been collected; remain to be collected from taxpayers; tax refunds or reimbursements that need to be paid; have already been paid; remain to be paid to taxpayers; tax exemptions, deductions or debt charge-off or cancellation that taxpayers enjoy; concurrently, identifies information about account codes corresponding to specific information about tax obligations according to the substance of the tax administration operation prescribed in Appendix I hereto.

Once created, information about tax obligations must contain a full amount of tax accounting inputs according to clause 2 of Article 12 herein and others according to the prescribed procedures approved for use by the Director of the General Department of Taxation in order to manage taxpayer obligations; information about government staff members and departments in charge of processing tax administration dossiers according to authorization granted by the system, which help in identifying information control and checking responsibilities.

2. Steps in automatic collection and processing of inputs of the tax accounting subsystem are as follows:

a) If tax accounting inputs prepared on the taxpayer obligation management subsystem are fully qualified to be recorded:

At regular intervals, depending on the cut-off time (COT) defined in the written directive of the Director of the General Department of Taxation, the tax accounting subsystem automatically collects tax accounting inputs prepared by the taxpayer obligation management subsystem.

Collected information is composed of pieces of information prepared for use as tax accounting inputs arising on the taxpayer obligation management subsystem during the period from the prior post-COT to the current COT for information collection purposes.

The tax accounting subsystem automatically reconciles and examines tax accounting inputs available on the taxpayer obligation management subsystem in order to ensure compliance with tax accounting conditions set out in clause 2 of Article 12 herein; automatically synthesizes and adds tax accounting information (e.g. entry creation date, entry number, record-keeping date). Where tax accounting inputs prepared on the taxpayer obligation management subsystem are fully qualified to be recorded, the tax accounting subsystem can automatically record updated ones in the tax accounting book and sends notification of completion of collection of tax accounting inputs to the taxpayer obligation management subsystem.

b) If tax accounting inputs prepared on the taxpayer obligation management subsystem are not qualified to be recorded:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



c) Interface requirements for transfer of inputs from the taxpayer obligation management subsystem to the tax accounting subsystem:

The interface displaying the transfer of inputs from the taxpayer obligation management subsystem to the tax accounting subsystem must have all information needed for record-keeping activities according to clause 2 and 3 of Article 12 herein; information about numbers of reference to the type of tax accounting operation shown on the taxpayer obligation management subsystem for search for the origin of inputs.

3. Examining and managing inputs for the tax accounting subsystem

a) Examining and managing data between the taxpayer obligation management subsystem and the tax accounting subsystem:

Each day, the taxpayer obligation management subsystem automatically compiles the list of tax administration dossiers filled in with information about taxpayers' tax obligations in order to record them in the taxpayer obligation management subsystem; checks them with those available on the list of tax administration dossiers completely handled on respective professional subsystems in order for taxpayer obligation management and tax administration departments to control data according to their assigned tasks.

Where there is any error or omission in tax administration dossiers already recorded in the taxpayer obligation management subsystem, tax administration departments are obligated to find out causes and make any adjustment specified in Article 14 herein and according to the relevant regulatory procedures issued by the Director of the General Department of Taxation.

b) Examining and managing data between the tax accounting subsystem and the taxpayer obligation subsystem:

Each day, the taxpayer obligation management subsystem automatically reviews the list of information about tax payment obligations of taxpayers that have not yet been collected and recorded in the tax accounting subsystem; checks it against tax administration dossiers available on tax administration subsystems that are already corrected or improved according to regulations on responsibilities for control and processing of data available on TMS apps or transfers information to tax administration departments in order to request them to edit information on tax administration subsystems according to point a of this clause.

Where there is any error or omission in collected information already recorded in the tax accounting subsystem, these tax administration departments are obligated to find out causes and make any adjustment specified in Article 14 herein and according to the relevant regulatory procedures issued by the Director of the General Department of Taxation.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. Where there is any error or omission existing in any tax administration subsystem

According to the procedures issued by the Director of the General Department of Taxation, the department in charge of tax administration dossiers provides the tax accounting subsystem with updated tax administration dossiers as a basis for the taxpayer obligation management subsystem's preparation of inputs for the tax accounting subsystem as per Article 13 herein. Depending on the accounting year when such error or omission occurs; and the time of adjustment in information available on respective subsystems, the tax accounting subsystem records adjusted inputs according to the tax accounting period specified in Article 8 herein.

2. When adjusting recorded data of the tax accounting subsystem according to clause 2 of Article 16 herein, the tax accounting department issues the document evidencing such adjustment in accordance with Article 16 herein and inputs data shown on such document in the tax accounting subsystem. The tax accounting subsystem records adjusting entries according to the record-keeping method regulated by the Director of the General Department of Taxation. Depending on the accounting year when any error or omission occurs; and the time of adjustment in information, the tax accounting subsystem records adjusted inputs according to the tax accounting period specified in Article 8 herein.

3. Where any adjustment is made due to any change in the automatic record-keeping principle on the taxpayer obligation management subsystem or due to any change in the method of collecting inputs for the tax accounting subsystem, the written directive issued by the Director of the General Department of Taxation shall be applied.

Article 15. Responsibilities of departments for inputs for the tax accounting subsystem

1. Tax administration departments shall process tax administration dossiers according to the tax administration procedures issued by the Director of the General Department of Taxation as a basis for collection of tax accounting inputs.

2. The department in charge of taxpayers' obligations shall manage information available in the taxpayer obligation management subsystem in order to ensure that inputs for the tax accounting subsystem are prepared in full and in an accurate manner.

3. The tax accounting department shall take control of collection of inputs at the tax accounting subsystem in order to record them in accounting books according to the tax accounting principles.

Article 16. Tax accounting documents or vouchers

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. Tax accounting documents or vouchers must be prepared or issued in the following cases:

a) The tax authority needs to adjust the state budget collection data at the request of the State Treasury or competent authority, resulting in any impact on tax accounting report data only but not leading to any change in taxpayers’ obligations on the taxpayer obligation management subsystem.

b) There is any change in policies that results in any adjustment in tax accounting data without prejudice to tax obligations of taxpayers.

3. List of tax accounting documents or vouchers

List, samples and methods of preparation and issuance of tax accounting documents and vouchers are specified in Appendix II hereto.

Section 2. BOOKKEEPING ACCOUNTS

Article 17. Accounts

1. Accounts are used for reflecting and recording tax administration activities that arise, ensuring regular, continuous and systematic representation and control of outcomes of tax administration activities carried out by tax authorities at all levels.

2. Accounts must have the fixed and uniform structure, including 06 different codes, each of which has the corresponding effect on recording detailed entries of economic activities that arise subject to tax administration and state budget collection management requirements.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



3. Particular value of an account code shall occur only once and without repetition in the tax accounting subsystem (value in the past does not recur), except in special cases regulated by competent regulatory authorities. Each value is set exclusively for use during the operational period of the tax accounting subsystem.

Specific values of codes shall be subject to regulatory provisions of Article 19, 20, 21, 22, 23 and 24 herein.

4. Account identification and recording principles

a) Based on the methods of determining inputs of tax accounting subsystems specified in Appendix I hereto, taxpayer obligation management subsystems can automatically add information to respective codes assigned to tax administration activities in accordance with clause 1 of Article 13 herein.

b) For specific codes that are identified, accountants can keep records according to the most specific values. The system will automatically add more information to respective general codes. Balance of an account assigned a general code is total balance of accounts assigned specific codes.

Article 18. Account requirements

1. Once being created, content of an account must conform to the Law on State Budget, the Law on Accounting, the Law on Tax Administration; must be relevant to tax accounting machinery and information organization structures of tax authorities at all levels.

2. Each account must fully represent economic and financial activities related tax administration activities and payment transactions with the state budget of tax authorities at all levels.

3. Each account must enable collection, processing, use and provision of information by applying information technology, and facilitate automatic exchange, transmission and reception of data regarding management of state budget collections in the financial sector between the tax accounting subsystem and state budget collection information systems of the Ministry of Finance and the State Treasury.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. Collection agency’s code is assigned to each tax authority (e.g. Tax Departments of major businesses; Tax Departments (offices); Regional Tax Sub-departments, Tax Sub-departments) to record, reflect and account for tax liabilities and tax-related payments that need to be collected; have already been collected; remain to be collected; tax refunds and tax-related reimbursements that need to be paid; have already been paid; remain to be paid; tax debts that are exempt, reduced, charged off, cancelled or forgiven as state budget receipts in areas falling under their delegated tax management. Granting the collection agency’s code shall be subject to clause 3 of Article 35 the Circular No. 77/2017/TT-BTC dated July 28, 2017 of the Ministry of Finance, providing guidance on the accounting regime of state budget receipts and expenditures and operations of the State Treasury, as well as written documents stating amendments or supplements thereto.

In addition, the General Department of Taxation is granted a code used for synthesizing tax finalization reports from accounting units nationwide; each Tax Department (except Tax Department supervising large businesses) is granted a code used for synthesizing tax accounting reports from accounting units throughout a province.

2. For all of the tax administration operations, each tax authority must be assigned a collection agency’s code correspondingly. In the case where a tax authority is mandated to directly supervise taxpayers while another tax authority is mandated to supervise tax liabilities or payments collected from taxpayers or local tax authorities receiving tax payments that they are permitted to collect under the provisions of the Law on Tax Administration and other written documents providing guidance on implementation thereof, the collection agency’s code used for record-keeping purposes must refer to the tax authority supervising state budget collections; the local tax authority receiving amounts under their assigned duties to collect.

3. In case of establishment, split-up, split-off, amalgamation, merger or dissolution of a tax authority, the collection agency’s code shall be treated as follows:

a) The tax authority newly formed after the establishment, amalgamation, split-up or split-off process is granted a new collection agency’s code. This code is in effect according to the establishment, split-up, split-off or amalgamation decision issued by a competent state agency.

b) The collection agency’s code assigned to the parent or original tax authority existing before the split-off, amalgamation, merger or dissolution process is invalidated. The tax authority must carry out regulatory procedures for invalidation of the collection agency’s code during the period from the effective date of the decision issued by the competent state agency to the date of completion of the tax accounting report. Respective values of the collection agency’s code that is invalidated can be used to serve the purposes of storing and searching for information available in the database of the System of tax administration apps.

c) Closing, opening a tax accounting period; transferring documents related to tax accounting activities; creating, recording entries in or closing an accounting book shall be subject to law on accounting regarding the act of split-up, split-off, amalgamation and dissolution of accounting units.

Article 20. Administrative division’s code

1. Administrative division’s code used for recording, representing and accounting for tax liabilities and payments that need to be collected; have already been collected; remain to be collected; tax refunds and reimbursements that need to be paid; have already been paid; remain to be paid; tax exemptions; tax deductions; charged-off, forgiven or cancelled tax debts by areas where tax administration activities arise shall be subject to the regulatory provisions of the Law on Tax Administration and the Law on State Budget. Identifying the corresponding administrative division’s code shall conform to the taxonomy of administrative division’s codes specified in the Prime Minister’s Decision No. 124/2004/QD-TTg dated July 8, 2004 on issuing the taxonomy and codes of Vietnam’s administrative divisions; written documents prescribing supplements and amendments; and the system of electronic portfolios jointly used in the financial sector.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. All information on accounting for tax liabilities and payments that need to be collected; have already been collected; remain to be collected; tax refunds and reimbursements that need to be paid; have already been paid; remain to be paid; tax exemptions; tax deductions; charged-off, forgiven or cancelled tax debts must carry administrative division's code respectively, including:

a) Where the collection agency’s code indicates a Tax Department, the administrative division's code must be the provincial code.

b) Where the collection agency’s code indicates a Tax Sub-Department, the administrative division's code must be the district code.

c) Where the collection agency’s code indicates a Tax Department, regional Tax Sub-department, Tax Sub-department or a collection on the list of collections recorded in commune-level accounting books in accordance with regulations of the State Treasury, the administrative division's code must be a commune-level one.

d) If the collection agency’s code indicates a Tax Department for large businesses and a state budget collection from a foreign supplier that does not have any resident establishment in Vietnam, the administrative division's code must be the central one.

Article 21. Chapter code

1. The chapter code is used for recording, representing and accounting for tax liabilities and payments that need to be collected; have already been collected; remain to be collected; tax refunds and reimbursements that need to be paid; have already been paid; remain to be paid; tax exemptions; tax deductions; charged-off, forgiven or cancelled tax debts with respect to tax administration operations of tax authorities according to the state budget index.

2. All information on accounting for tax liabilities and payments that need to be collected; have already been collected; remain to be collected; tax refunds and reimbursements that need to be paid; have already been paid; remain to be paid; tax exemptions; tax deductions; charged-off, forgiven or cancelled tax debts must carry chapter codes by operation of law.

3. The list of chapter codes is used for record-keeping purposes correspondingly in accordance with the Law of State Budget and other written documents providing guidance on implementation of the state budget index.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. The sub-item code is used for recording, representing and accounting for tax liabilities and payments that need to be collected; have already been collected; remain to be collected; tax refunds and reimbursements that need to be paid; have already been paid; remain to be paid; tax exemptions; tax deductions; charged-off, forgiven or cancelled tax debts with respect to tax administration operations of tax authorities according to the state budget index.

2. All information on accounting for tax liabilities and payments that need to be collected; have already been collected; remain to be collected; tax refunds and reimbursements that need to be paid; have already been paid; remain to be paid; tax exemptions; tax deductions; charged-off, forgiven or cancelled tax debts must carry sub-item codes by operation of law.

3. The list of sub-item codes is used for record-keeping purposes correspondingly in accordance with the Law of State Budget and other written documents providing guidance on implementation of the state budget index.

Article 23. Standby code

1. Standby codes are used for tax administration activities that do not arise regularly or for managerial purposes over periods of time, except official codes specified in Article 19, 20, 21, 22 and 24 herein.

2. Director of the General Department of Taxation shall take control of the number of characters and values of standby codes; where any local tax authority wishes to set up a standby code to meet respective requirements, the consent to this must be sought from the Director of the General Department of Taxation and specific information requirements imposed from the stage of collection of inputs for the tax accounting subsystem must be fully satisfied.

Article 24. Bookkeeping account code

1. Bookkeeping account codes are used for recording, representing and accounting for tax liabilities and payments that need to be collected; have already been collected; remain to be collected; tax refunds and reimbursements that need to be paid; have already been paid; remain to be paid; tax exemptions; tax deductions; charged-off, forgiven or cancelled tax debts with respect to tax administration operations of tax authorities according to subject matters of tax accounting prescribed in Article 4 herein.

2. Classification of bookkeeping accounts

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) Type-3 Account – Payments and payables: Refers to accounts reflecting tax refunds and reimbursements that need to be paid; have already been paid; remain to be paid by tax authorities to taxpayers or their authorized collection agencies; payment of collections and refunds made by tax authorities to the state budget.

c) Type-7 Account – Collections: Refers to accounts reflecting tax amounts collected by tax authorities at all levels.

d) Type-8 Account – Tax refunds, exemptions, deductions or cancelled or forgiven tax debts: Refers to accounts reflecting value-added tax or special consumption tax refunds prescribed in law on taxes that are paid to taxpayers; tax exemption, deduction or tax debt charge-off that taxpayers enjoy according to the decisions of tax authorities or competent government bodies.

3. Chart of bookkeeping accounts

No.

Tier-1 Account Codes

Account Titles

 

 

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1

131

Receivables from taxpayers

2

132

Current receivables from taxpayers

3

133

Receivables from authorized collection operations

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



137

Receivables from direct collection via receipts

5

138

Receivables from distribution of taxpayers’ tax obligations

6

139

Debt charge-offs

7

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Receivables from recovering VAT and special consumption tax refunds in accordance with tax law

 

 

TYPE 3 - PAYMENTS AND PAYABLES

8

331

Payments of collections with the state budget

9

332

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



10

338

Collections assigned at other tax authorities

11

341

Payables on surplus reimbursements to taxpayers

12

342

Payables on VAT and special consumption tax refunds required by tax law to taxpayers

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



348

Payables on surplus reimbursements of assigned collections

 

 

TYPE 7 - COLLECTIONS

14

711

Collections

 

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



TYPE 8 – TAX REFUNDS, EXEMPTIONS, DEDUCTIONS OR CANCELLED OR FOGIVEN TAX DEBTS

15

812

VAT and special consumption tax refunds prescribed in tax law

16

818

Tax exemptions or deductions

17

819

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



4. During the tax accounting period, the Director of the General Department of Taxation can decide to add tier-2 accounts to those accounts specified in clause 3 of this Article to meet managerial needs. Adding any account to, revising or supplementing the chart of tier-1 accounts shall be subject to the decision of the Minister of Finance at the request of the Director of the General Department of Taxation.

5. On the tax accounting subsystem, it is permissible to set up intermediate accounts for tax accounting purposes without changing the substance of tax administration operation and it is obliged to comply with general principles pertaining to the chart of accounts specified herein. Intermediate accounts must have balance paid off right after that tax administration operation is completed and cannot be carried forward in the next accounting year.

6. Content and structure of bookkeeping accounts are prescribed in Appendix III hereto.

7. Director of the General Department of Taxation shall prescribe tax accounting methods applied to specific tax administration operations to ensure that they conform to tax administration requirements and procedures; fit into the information technology system available for use in tax accounting operations; and comply with regulatory provisions of this Circular.

Section 3. TAX ACCOUNTING BOOKS

Article 25. Tax accounting books

1. A tax accounting book is a type of data set up in the tax accounting subsystem.

2. Tax accounting books are used for fully and systematically recording, reporting, and storing tax liabilities or tax-related payments that need to be collected, have already been collected, and remain to be collected; tax refunds or tax-related reimbursements that need to be paid, have already been paid; remain to be paid; tax debts that are exempt, reduced, charged off, cancelled or forgiven during the period of carrying out tax administration operations by all-level tax authorities.

3. Information shown in tax accounting books must reflect all tax administration operations of tax authorities in a full, accurate, timely, authentic, continuous and systematic manner. Tax accounting departments of tax authorities are not allowed to keep storing tax liabilities or tax-related payments that need to be collected, have already been collected, and remain to be collected; tax refunds or tax-related reimbursements that need to be paid, have already been paid; remain to be paid; tax debts that are exempt, reduced, charged off, cancelled or forgiven out of accounting books.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



5. Tax accounting data set must be recorded and stored in accordance with requirements of the Law on Accounting, the Law on Electronic Transactions, the Government’s Decree No. 174/2016/ND-CP dated December 30, 2016 elaborating on certain articles of the Law on Accounting, written documents providing instructions on implementation of the Law on Accounting, and other regulations laid down herein.

Article 26. Setting up accounting books; bookkeeping or recording business transaction in accounting books; closing accounting books

1. Accounting books must be created or set up at the beginning of each tax period; As for newly-established accounting units, accounting books must be created or set up as from the establishment date.

2. Tax accounting units must, based on tax-accounting input data, documents, vouchers or records, set up a tax accounting book. Content of each accounting book shall be provided in a timely, clear and sufficient manner. Information and data entered in accounting books must be accurate, authentic and consistent with input data collected from tax accounting activities, records and documents concerning tax liabilities or tax-related payments that need to be collected, have already been collected, and remain to be collected; tax refunds or tax-related reimbursements that need to be paid, have already been paid; remain to be paid; tax debts that are exempt, reduced, charged off, cancelled or forgiven.

3. Accounting books shall present data in chronological order based on tax-accounting input data, documents and records. Entering all data and information not based on tax-accounting input data or documents or records in accounting books shall be prohibited. Tax officers incurring responsibility related to entry of updated input data in the System of tax administration apps shall be accountable for accuracy of updated information, ensuring that such information reflects all operations related to tax administration in an adequate, timely, accurate, authentic, continuous and systematic manner.

4. Tax accounting units shall close accounting books at end of an accounting period before preparing tax accounting reports.

Article 27. Revision of accounting books

1. Where there is any error or omission arising from tax liabilities or tax-related payments that need to be collected, have already been collected, and remain to be collected; tax refunds or tax-related reimbursements that need to be paid, have already been paid; remain to be paid; tax debts that are exempt, reduced, charged off, cancelled or forgiven in the accounting period where an accounting book is not closed, tax accounting departments shall work with other relevant professional departments to correct any error or omission, depending on causes thereof.

2. Where there is any error or omission arising from tax liabilities or tax-related payments that need to be collected, have already been collected, and remain to be collected; tax refunds or tax-related reimbursements that need to be paid, have already been paid; remain to be paid; tax debts that are exempt, reduced, charged off, cancelled or forgiven in the accounting book in the previous year, tax administration departments shall enter corrected data in the previous year’s accounting book, depending on causes of such error or omission occurring before the closing time in accordance with Article 8 herein.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) For any revisions made at the written request of a competent state agency: The tax accounting department creates documents evidencing correction of any errors or omissions to record corrected data into the tax accounting book in the previous year in accordance with Article 14 herein.

b) For any revisions of errors or omissions made when a tax authority detects these errors or omissions: Data entered into the tax accounting book in the previous year shall be revised only if such revisions are approved by the General Department of Taxation and are supported by explanatory notes. If not approved by the General Department of Taxation, the tax accounting unit shall enter revised data into the current year’s tax accounting book according to “budget year” information as a basis to provide explanatory notes to the current year’s tax accounting report in accordance with point d of clause 3 of Article 8 herein.

4. After receipt of approval for a tax accounting report from the competent authority, if there is any need to make revision of data in the previous year regarding tax liabilities or tax-related payments that need to be collected, have already been collected, and remain to be collected; tax refunds or tax-related reimbursements that need to be paid, have already been paid; remain to be paid; tax debts that are exempt, reduced, charged off, cancelled or forgiven, such revision shall be made in the current period with the “budget year” information specified in point d of clause 3 of Article 8 herein that are provided to serve identification purposes.

Article 28. Lists; forms and charts used in accounting books; content of accounting books; methods of setting up and printing accounting books

1. Tax accounting books shall be developed and installed on the tax accounting Subsystem to reflect tax liabilities or tax-related payments that need to be collected, have already been collected, and remain to be collected; tax refunds or tax-related reimbursements that need to be paid, have already been paid; remain to be paid; tax debts that are exempt, reduced, charged off, cancelled or forgiven with the following main content:

a) Accounting date;

b) Number and date of creation of entries; or number and date of tax accounting proofs used as a basis to enter accounting data in an accounting book;

c) Substance of tax administration operation;

d) Representation of tax administration operations that arise;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



e) Amounts recorded in accounts;

g) Opening, movements and closing balance.

2. Every day, after completing collection input tax accounting data from the tax accounting Subsystem to record them in accounting books as prescribed in Article 13 of this Circular, the tax accounting Subsystem must sum up the amounts arising during the day, day-end balances of tax accounting accounts to finalize tax liabilities or tax-related payments that need to be collected, have already been collected, and remain to be collected; tax refunds or tax-related reimbursements that need to be paid, have already been paid; remain to be paid; tax debts that are exempt, reduced, charged off, cancelled or forgiven of that working day.

3. Sample accounting books shall be set up and extracted from the tax accounting Subsystem, and provide the information specified in clause 1 of this Article. After closing the full-year accounting period, tax accounting books shall be filed in accordance with law on accounting.

4. Lists, forms and charts included in tax accounting books, and methods of setting up tax accounting books shall be prescribed in Appendix IV hereto.

5. In addition to tax accounting books that the system sets up according to forms specified herein, tax authorities may additionally set up detailed accounting books and use tax accounting books that the system makes ready for use in the tax accounting operation.

Section 4. TAX ACCOUNTING REPORTS

Article 29. Tax accounting reports

1. Tax accounting reports are used for reviewing performance and results of tax administration of tax authorities at all levels within a tax accounting period.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) Tax accounting reports must be made according to the prescribed forms and field data included in each tax accounting report, ensuring consistency, continuity, truthful, objective and reasonable posting of information related to management of taxes and other state budget revenues collected by tax authorities. Data provided in tax accounting reports must conform to relevant regulations on collection of state budget revenues.

b) Tax accounting report data must accurately, honestly and objectively reflect tax transactions, and be obtained from the tax accounting database after inspection, reconciliation and closing of tax accounting books.

c) Tax accounting reports must contain correct information, be prepared according to the prescribed method and presented in a consistent manner in all accounting periods. If there is any discrepancy between these reports in accounting periods, reasons for such discrepancy must be clearly stated.

d) In addition to the tax accounting report specified in this Circular, the Director of the General Department of Taxation may regulate other reports to be made on the tax accounting database for use in management and governance activities to meet managerial needs from time to time.

3. Preparation of accounting reports

a) Before terminating a tax accounting period, the tax accounting departments shall be responsible for cooperating with tax administration professional divisions to compare and check the recorded data to ensure that they correspond with the professional records of in-charge departments.

b) Tax accounting units shall cooperate with relevant State Treasuries in inspecting, comparing and adjusting accounting data related to state budget collection and payment according to regulations.

c) Tax accounting units shall prepare electronic tax accounting reports. The report shall be filed electronically and physically at a tax accounting unit.

4. General Department of Taxation shall synthesize local tax accounting reports in provinces; Tax Department for major enterprises shall synthesize tax accounting reports in localities under Tax Department’s tax collection jurisdiction; General Department of Taxation shall synthesize tax accounting reports from tax accounting units nationwide.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



6. Lists, forms and charts in tax accounting reports; methods for preparation of tax accounting reports shall be specified in Appendix V hereto.

Article 30. Data cutoff time

1. Data cutoff time shall be the time of termination of the tax accounting period under Article 8 herein.

2. Where any error or omission arising after the accounting period termination time and before submission of tax accounting reports to state agencies having jurisdiction, revision of tax accounting reports shall be made as follows:

a) For any revision or correction made according to the written request of a competent authority, revision and correction of the data shown in the previous year's report shall be permitted and accompany clear explanations.

b) If revision or correction is required after the tax authority’s detection of errors or omissions, such revision or correction of data included in the previous year’s report shall be subject to the written approval from the General Department of Taxation and shall accompany clear explanations.

3. After the tax accounting report has been approved by a competent state agency, and if any revision or correction is required, the previous year's report data shall be revised or corrected in the current year's report.

Article 31. Provisions of tax accounting information

1. Tax accounting units shall report on provision of financial information to the State Treasury in accordance with the Government's Decree No. 25/2017/ND-CP dated March 14, 2017, prescribing the Government’s financial statements and instructional documents thereof.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Chapter III

ORGANIZATION OF TAX ACCOUNTING WORK

Article 32. Organization of tax accounting work

1. Tax authorities at all levels shall organize tax accounting departments aligned with the functions, tasks and organizational structure of the General Department of Taxation in accordance with the regulations of the Prime Minister, the Ministry of Finance and the guidance of the Director of the General Department of Taxation.

2. Activities of a tax accounting department shall be organized on the principle of centralization and unity under the direction of the Director of the General Department of Taxation.

3. Heads of tax authorities shall be responsible for organizing and directing the implementation of tax accounting work; hiring tax accountants to ensure the full implementation of accounting work; and synthesizing reports according to regulations.

4. Appointment of a chief accountant or the persons in charge of tax accounting; duties and powers of a chief accountant or the persons in charge of tax accounting shall comply with the provisions of accounting law and this Circular.

Article 33. Duties of tax accounting departments

1. Accounting for tax liabilities and payments that need to be collected; have already been collected; remain to be collected; tax refunds and reimbursements that need to be paid; have already been paid; remain to be paid; tax exemptions; tax deductions; charged-off, forgiven or cancelled tax debts under jurisdiction of tax accounting units shall be subject to Article 4 herein.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



3. Organizing, guiding, directing, deploying and synthesizing reports and analyzing the implementation of tax accounting work; assessing the current situation and problems in the implementation process shall be carried out to promptly propose amendments and supplements to regulations on tax accounting to meet managerial needs arising in the present context.

4. Specific tasks of a tax accounting department shall comply with the decision on functions and tasks prescribed by the Director of the General Department of Taxation.

Chapter IV

IMPLEMENTATION

Article 34. Entry into force

1. This Circular is entering into force as of July 1, 2022, and shall apply to the tax accounting period of 2022.

2. This Circular shall replace the Decision No. 1544/QD-BTC dated July 7, 2014 and the Decision No. 630/QD-BTC dated April 9, 2015 of the Ministry of Finance on piloting of domestic tax accounting regime.

3. As prescribed in this Circular, the Director of the General Department of Taxation shall be assigned to:

a) Promulgate tax accounting professional procedures and detailed instructions for tax accounting methods conforming to the tax management practice; regulate backup codes and use of backup codes for uniform application to tax accounting activities.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 35. Implementation responsibilities

1. The Director of the Accounting and Audit Management and Supervision Department; the Director of the General Department of Taxation; and Heads of relevant units shall be responsible for providing guidance on, inspecting implementation of and enforcing this Circular.

2. If written documents referenced herein are revised or superseded, new versions thereof shall prevail./.

 

 

PP. MINISTER
DEPUTY MINISTER




Tran Xuan Ha

 

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Thông tư 111/2021/TT-BTC ngày 14/12/2021 hướng dẫn kế toán nghiệp vụ thuế nội địa do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


31.139

DMCA.com Protection Status
IP: 3.140.186.218
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!