BỘ TÀI CHÍNH-BỘ Y TẾ
-----
|
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------
|
Số: 32/2008/TTLT-BTC-BYT
|
Hà Nội, ngày 17 tháng 4 năm 2008
|
THÔNG TƯ LIÊN TỊCH
HƯỚNG DẪN QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG KINH PHÍ THỰC HIỆN
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA DÂN SỐ VÀ KẾ HOẠCH HOÁ GIA ĐÌNH GIAI ĐOẠN
2006-2010
Căn cứ Nghị định
số 60/2003/NĐ-CP ngày 06/6/2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn
thi hành Luật Ngân sách nhà nước;
Căn cứ Quyết định số 170/2007/QĐ-TTg ngày 08/11/2007 của Thủ tướng Chính phủ
phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia Dân số và Kế hoạch hoá gia đình giai
đoạn 2006-2010;
Liên Bộ Tài chính- Y tế hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện Chương
trình mục tiêu quốc gia Dân số và Kế hoạch hoá gia đình giai đoạn 2006-2010
(sau đây gọi tắt là Chương trình DS-KHHGĐ) như sau:
I. QUY ĐỊNH CHUNG
1. Chương trình
DS-KHHGĐ bao gồm 06 dự án được quy định tại khoản 3 Điều 1 Quyết
định số 170/2007/QĐ-TTg ngày 08/11/2007 của Thủ tướng Chính phủ.
2. Đối tượng áp dụng
Thông tư này là các cơ quan, đơn vị có sử dụng kinh phí Chương trình DS-KHHGĐ.
3. Thông tư này áp
dụng đối với các khoản chi từ ngân sách nhà nước để thực hiện Chương trình
DS-KHHGĐ. Đối với các dự án có sử dụng vốn viện trợ không hoàn lại, áp dụng
theo mức chi của nhà tài trợ quy định tại các thỏa thuận tài trợ hoặc áp dụng
theo mức chi do đại diện nhà tài trợ, Bộ Tài chính và cơ quan chủ quản dự án thống
nhất; trường hợp nhà tài trợ hoặc đại diện nhà tài trợ và Bộ Tài chính chưa có
thoả thuận về mức chi thì áp dụng theo mức chi quy định tại Thông tư này.
4. Kinh phí thực
hiện Chương trình DS-KHHGĐ được huy động từ các nguồn:
- Vốn ngân sách
trung ương, ngân sách địa phương (bao gồm cả vốn đối ứng
trong nước của các dự án ODA đã được quy định trong hiệp định giữa Chính phủ Việt
Nam và Chính phủ các nước hoặc các tổ chức quốc tế);
- Vốn viện trợ quốc
tế;
- Vốn huy động cộng
đồng và các nguồn vốn hợp pháp khác.
5. Ngoài các nội dung
và mức chi quy định tại Thông tư này, tuỳ theo khả năng kinh phí và điều kiện cụ
thể, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm bố
trí kinh phí thực hiện Chương trình từ dự toán chi ngân sách địa phương hàng
năm trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định; cùng với nguồn vốn bổ sung có mục
tiêu từ ngân sách trung ương cho Chương trình và lồng ghép với các nguồn vốn
khác trên địa bàn để chi theo chế độ chung của địa phương nhằm nâng cao hiệu quả
của Chương trình.
II. NỘI DUNG VÀ MỨC CHI CHUNG CỦA CÁC DỰ ÁN
1. Chi viết, biên soạn và dịch tài liệu chuyên môn nghiệp vụ của từng dự
án. Mức chi cụ thể như sau:
a) Viết, biên soạn tài liệu: 50.000 đồng/trang 350 từ.
b) Dịch và hiệu đính tài liệu:
- Từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài: 50.000 đồng/trang 350 từ.
- Từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt: 45.000 đồng/trang 350 từ.
- Từ tiếng Việt sang tiếng các dân tộc thiểu số ở Việt Nam và ngược lại:
70.000 đồng/trang 350 từ.
2. Chi hội nghị sơ kết, tổng kết, tập huấn triển khai nhiệm vụ công tác,
hội thảo trao đổi chuyên môn nghiệp vụ. Nội dung và mức chi theo quy định tại Thông tư số 23/2007/TT-BTC ngày 21/3/2007 quy định chế độ công tác phí,
chế độ chi tổ chức các cuộc hội nghị đối với các cơ quan nhà nước và đơn vị sự
nghiệp công lập và Thông tư số 127/2007/TT-BTC ngày 31/10/2007 sửa đổi, bổ sung
Thông tư số 23/2007/TT-BTC ngày 21/3/2007 của Bộ Tài chính.
3. Chi hợp tác, trao đổi kinh nghiệm ở nước ngoài liên quan đến công tác
DS-KHHGĐ do cấp có thẩm quyền quyết định. Nội dung và mức chi theo quy định tại
Thông tư số 91/2005/TT-BTC ngày 18/10/2005 của Bộ Tài chính quy định chế độ
công tác phí cho cán bộ, công chức nhà nước đi công tác ngắn hạn ở nước ngoài
do ngân sách nhà nước đảm bảo kinh phí.
4. Chi mua sắm, sửa chữa, duy tu, bảo dưỡng các trang thiết bị, dụng cụ
dùng cho hoạt động chuyên môn của từng dự án, bảo đảm phù hợp với tuyến chuyên
môn kỹ thuật của đơn vị.
5. Chi các cuộc điều tra, khảo sát theo nội dung chuyên môn của từng dự
án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Nội dung và mức chi theo quy định tại Thông tư số 120/2007/TT-BTC ngày 15/10/2007 của Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí
thực hiện các cuộc điều tra từ nguồn vốn sự nghiệp của ngân sách nhà nước.
6. Chi thuê chuyên
gia trong nước: căn cứ vào mức độ cần thiết triển khai các hoạt động nghiên cứu
và khả năng kinh phí, Thủ trưởng cơ quan, đơn vị quản lý dự án quyết định việc
thuê chuyên gia trong nước theo hình thức ký "Hợp đồng giao khoán công việc,
sản phẩm"; mức chi thực hiện theo hợp đồng thực tế thoả thuận với người nhận
khoán theo yêu cầu về khối lượng công việc, nội dung công việc và thời gian thực
hiện.
7. Chi công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá và hướng dẫn thực hiện các
hoạt động chuyên môn của từng dự án. Nội dung và mức chi theo quy định tại Thông tư số
06/2007/TT-BTC ngày 26/01/2007 của Bộ Tài chính hướng dẫn lập dự toán, quản lý và sử dụng kinh phí bảo đảm cho
công tác kiểm tra việc thực hiện chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch.
Riêng đối với đoàn
công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá liên
ngành, liên cơ quan: cơ quan, đơn vị chủ trì đoàn công tác chịu trách nhiệm chi
tiền công tác phí theo chế độ quy định (tiền tàu xe đi lại, phụ cấp lưu trú, tiền
thuê chỗ ở nơi đến và cước hành lý, tài liệu mang theo để làm việc) cho các
thành viên trong đoàn từ nguồn kinh phí của Chương trình DS-KHHGĐ. Để
tránh chi trùng lắp, cơ quan, đơn vị chủ
trì đoàn công tác cần thông báo rõ trong giấy triệu tập cho cơ quan, đơn
vị cử người đi công tác biết việc không phải thanh toán các khoản chi nêu trên.
8. Chi khác.
III. NỘI DUNG VÀ MỨC CHI ĐẶC THÙ CỦA TỪNG DỰ ÁN
Ngoài những nội
dung và mức chi chung quy định tại mục II Thông tư này, từng dự án được chi những
nội dung đặc thù như sau:
1.
Dự án Tuyên truyền, giáo dục chuyển đổi hành vi:
a) Chi công tác
giáo dục, tuyên truyền, phổ biến kiến thức về chính sách DS-KHHGĐ trên các
phương tiện thông tin đại chúng ở trung ương, địa phương.
b) Chi xây dựng, sản xuất, nhân bản và phát hành các ấn
phẩm, sản phẩm truyền thông, các tài liệu phục vụ cho hoạt động truyền thông:
mức chi theo chế độ, định mức, đơn giá của
các ngành có công việc tương tự.
c) Chi tổ chức các
buổi giao lưu, các lớp giáo dục truyền thông, nói chuyện chuyên đề về chính
sách DS-KHHGĐ: nội dung và mức chi thực hiện
theo quy định hiện hành về chế
độ chi tổ chức các cuộc hội nghị.
d) Chi bồi dưỡng
cho cán bộ làm công tác DS-KHHGĐ thực hiện:
- Vận động và tư vấn
cho đối tượng chấp nhận đặt dụng cụ tử cung: mức chi 5.000 đồng/trường hợp chấp
nhận.
- Vận động và tư vấn
cho đối tượng chấp nhận triệt sản: mức chi 10.000 đồng/trường hợp chấp nhận.
đ) Chi hỗ trợ cho
cán bộ thuộc Trung tâm Tư vấn, dịch vụ kế hoạch hoá gia đình thực hiện tư vấn về
sức khoẻ sinh sản, kế hoạch hoá gia đình cho các đối tượng: 20.000 đồng/người/buổi
tư vấn, nhưng tối đa không quá 300.000 đồng/người/tháng.
e) Chi hỗ trợ các
hoạt động truyền thông tại các xã, phường, bao gồm:
- Hỗ trợ tài liệu
truyền thông.
- Truyền thanh xã
(biên tập, phát thanh): Biên tập: 50.000 đồng/trang
350 từ; phát thanh: 10.000 đồng/lần.
- Làm mới, sửa chữa
pa nô, khẩu hiệu: theo giá thị trường tại địa phương.
g) Chi chiến dịch
tuyên truyền, vận động gắn với cung cấp dịch vụ kế hoạch hoá gia đình/sức khoẻ
sinh sản ở vùng nông thôn đông dân có mức sinh chưa ổn định, vùng có mức sinh cao,
vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn, bao gồm:
- Chi các hoạt động
thông tin tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng tại địa phương
trước và trong thời gian thực hiện chiến dịch.
- Chi phí trang
trí, ảnh tư liệu, xăng xe hoặc thuê phương tiện vận chuyển và các hoạt động
khác.
- Chi thuê người
phiên dịch, phát thanh bằng tiếng dân tộc: tối đa 70.000 đồng/người/ngày.
- Chi bồi dưỡng
cho những người trực tiếp tham gia giám sát thực hiện chiến dịch, vận động và tư
vấn cho đối tượng chấp nhận sử dụng các biện pháp tránh thai (ngoài chế độ công
tác phí hiện hành): 25.000 đồng/người/ngày.
h) Chi tổ chức các
cuộc thi tìm hiểu về chính sách DS-KHHGĐ, bao gồm:
- Biên soạn đề thi
và đáp án: tối đa không quá 500.000 đồng/cuộc thi.
- Bồi dưỡng chấm
thi, Ban giám khảo cuộc thi, xét công bố kết quả thi: mức tối đa không quá
200.000 đồng/người/ngày.
- Bồi dưỡng thành
viên Ban tổ chức: mức tối đa không quá 150.000 đồng/ người/ngày.
- Chi giải thưởng:
+ Giải tập thể: từ
200.000 đồng đến 2.000.000 đồng/giải thưởng.
+ Giải cá nhân: từ
100.000 đồng đến 1.000.000 đồng/giải thưởng.
Tuỳ theo quy mô tổ
chức cuộc thi (cấp Trung ương, cấp tỉnh, cấp cơ sở), Thủ trưởng cơ quan, đơn vị
tổ chức cuộc thi quyết định mức chi giải thưởng cụ thể trong khung mức chi nêu
trên trong phạm vi dự toán ngân sách được giao.
- Các khoản chi
khác phục vụ cuộc thi (nếu có) như: thuê sân khấu, âm thanh, ánh sáng, đạo cụ,
trang trí; bồi dưỡng cho người phục vụ, người dẫn chương trình (MC); chi hỗ trợ
tiền tàu xe, tiền ăn, nghỉ cho người dự thi ở xa nơi tổ chức; chi văn phòng phẩm,
khánh tiết; xăng xe hoặc thuê phương tiện vận chuyển,... Mức chi thực hiện theo
chế độ hiện hành; trường hợp chưa có quy định mức chi, Thủ trưởng cơ quan tổ chức
cuộc thi quyết định mức chi trong phạm vi dự toán được giao.
- Chi tổng hợp,
báo cáo kết quả cuộc thi: mức chi đối với cấp Trung ương là 500.000 đồng/báo
cáo, đối với cấp tỉnh là 300.000 đồng/báo cáo, đối với cấp huyện là 200.000 đồng/báo
cáo, đối với cấp xã là 100.000 đồng/báo cáo.
2.
Dự án Nâng cao chất lượng dịch vụ kế hoạch hóa gia đình:
a) Chi mua, tiếp
nhận, bảo quản và vận chuyển thuốc thiết yếu và các vật tư tiêu hao trong các
thủ thuật, phẫu thuật kế hoạch hoá gia đình và phá thai an toàn theo định mức
do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành.
b) Chi phí kỹ thuật
và quản lý (sổ khách hàng, phiếu theo dõi, biểu mẫu thống kê, xà phòng, điện, dầu,...):
theo mức chi thực tế phản ánh trong các chứng từ thanh toán liên quan.
c) Chi làm phiến đồ
âm đạo: 10.000 đồng/phiến đồ.
d) Chi xét nghiệm
soi tươi: 5.000 đồng/tiêu bản.
đ) Chi phụ cấp phẫu
thuật, thủ thuật KHHGĐ và phá thai an toàn. Mức chi theo quy định tại Thông tư
liên tịch số 09/2003/TTLT-BYT-BTC-BNV ngày 29/9/2003 của Bộ Y tế - Bộ Tài chính
- Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện Quyết định số 155/2003/QĐ-TTg ngày 30/7/2003 của
Thủ tướng Chính phủ quy định sửa đổi, bổ sung một số chế độ phụ cấp đặc thù đối
với công chức, viên chức ngành Y tế. Trường hợp cán bộ làm phẫu thuật, thủ thuật
đã được hưởng phụ cấp từ nguồn kinh phí thường xuyên của cơ sở y tế thì không
được hưởng phụ cấp từ nguồn kinh phí Chương trình DS-KHHGĐ và ngược lại.
e) Chi hỗ trợ cho
cán bộ quản lý và theo dõi đối với người sử dụng biện pháp tránh thai lâm sàng
trong 12 tháng đầu: 2.000 đồng/người được theo dõi.
g) Chi xây dựng
các mô hình về cung cấp dịch vụ KHHGĐ, quản lý đối tượng KHHGĐ và cung cấp dịch
vụ KHHGĐ theo quyết định phê duyệt của Chủ nhiệm Chương trình: nội dung và mức chi cho từng hoạt động thuộc
mô hình thực hiện theo quy định hiện hành của Nhà nước.
h) Chi hỗ trợ cho
cán bộ y tế thuộc các xã miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo khi đi khám lưu động
(ngoài chế độ công tác phí hiện hành), bao gồm:
- Khám thai và
khám viêm nhiễm đường sinh dục: 3.000 đồng/người/ca.
- Tiêm thuốc tránh
thai: 1.500 đồng/mũi.
i) Chi chiến dịch
cung cấp dịch vụ kế hoạch hoá gia đình/sức khoẻ sinh sản ở vùng nông thôn đông
dân có mức sinh chưa ổn định, vùng có mức sinh cao, vùng có điều kiện kinh tế -
xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn (số lượng xã lựa chọn để triển khai chiến
dịch do Giám đốc Sở Y tế quyết định trong phạm vi dự toán ngân sách được giao),
bao gồm:
- Chi xăng xe hoặc
thuê phương tiện vận chuyển (kể cả vận chuyển đối tượng bệnh nặng, đối tượng có
hoàn cảnh khó khăn thuộc diện chính sách và hộ nghèo): mức chi theo giá thị trường
tại địa phương.
- Chi bồi dưỡng
cho những người trực tiếp tham gia giám sát thực hiện chiến dịch (ngoài chế độ
công tác phí hiện hành): 25.000 đồng/người/ngày.
k) Chi thuốc thiết
yếu, chi phí kỹ thuật xử lý tai biến cho người triệt sản bị tai biến sau khi hết
thời gian bảo hiểm (quy định tại điểm d khoản 4 mục III Thông tư này) và người
thực hiện các biện pháp tránh thai lâm sàng khác nếu bị tai biến: theo mức chi
thực tế phản ánh trong các chứng từ thanh toán liên quan.
l) Đối với trường
hợp cơ quan, đơn vị quản lý Chương trình DS-KHHGĐ thực hiện
theo phương thức ký hợp đồng với các cơ sở y tế để thực hiện việc xét nghiệm, phẫu thuật, thủ thuật KHHGĐ và các dịch vụ khác theo quy định:
mức chi thực hiện theo quy định về mức thu viện phí hiện hành.
3.
Dự án Bảo đảm hậu cần và đẩy mạnh tiếp thị xã hội các phương tiện tránh thai:
a) Chi mua các
phương tiện tránh thai chủ yếu (dụng cụ tử cung, thuốc tiêm tránh thai, thuốc cấy
tránh thai, thuốc uống tránh thai, bao cao su) để phục vụ cho các hoạt động sau
đây:
- Cấp miễn phí cho
các đối tượng theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Cộng tác viên DS-KHHGĐ hoặc cán bộ y
tế khi thực hiện cung cấp phương tiện tránh thai có trách nhiệm thống kê, ghi
chép đầy đủ danh sách đối tượng được cấp miễn phí phương tiện tránh thai theo
đúng hướng dẫn của Bộ Y tế.
- Bán cho các đối
tượng có nhu cầu sử dụng thông qua hệ thống tiếp thị xã hội. Cơ chế quản lý tài
chính đối với hoạt động tiếp thị xã hội phương tiện tránh thai thực hiện theo
quy định hiện hành của Bộ Tài chính.
b) Chi hỗ trợ cán
bộ quản lý và theo dõi đối với người sử dụng thuốc tránh thai và bao cao su
trong 12 tháng đầu: 2.000 đồng/người được theo dõi.
c) Chi công tác quản
lý các phương tiện tránh thai, bao gồm:
- Chi phí tiếp nhận,
bảo quản và vận chuyển các phương tiện tránh thai hoặc
thuê kho chứa phương tiện tránh thai (nếu có).
- Chi mua, in ấn
các ấn chỉ (sổ kho, phiếu xuất kho, phiếu nhập kho,...).
d) Chi hỗ trợ công
tác tổng hợp số liệu, viết báo cáo tình hình nhập, xuất, tồn kho các phương tiện
tránh thai theo chế độ báo cáo do Bộ Y tế quy định: mức chi đối với cấp Trung
ương là 200.000 đồng/tháng; đối với cấp tỉnh là 100.000 đồng/tỉnh/tháng; đối với
cấp huyện là 50.000 đồng/huyện/tháng.
4.
Dự án Nâng cao năng lực quản lý, điều hành và tổ chức thực hiện Chương trình:
a) Chi hỗ trợ mua
bảo hiểm y tế tự nguyện cho cán bộ làm công tác DS-KHHGĐ cấp xã trong thời gian
đương nhiệm có nhu cầu tham gia bảo hiểm y tế tự nguyện: mức hỗ trợ theo quyết
định của Thủ tướng Chính phủ.
b) Chi hỗ trợ cho
cán bộ làm công tác DS-KHHGĐ ở cấp xã (ngoài chế độ phụ cấp được hưởng hàng
tháng từ nguồn ngân sách địa phương theo quy định tại Nghị định số
121/2003/NĐ-CP ngày 21/10/2003 của Chính phủ về chế độ, chính sách đối với cán
bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và các văn bản hướng dẫn có liên quan), mức
chi:
- Đối với các xã
thuộc vùng đông dân có mức sinh chưa ổn định, vùng có mức sinh cao, vùng có điều
kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn: 200.000 đồng/người/tháng.
- Đối với các xã
còn lại: 150.000 đồng/người/tháng.
c) Chi thù lao cho
các cộng tác viên DS-KHHGĐ ở các thôn, xóm, ấp, bản, làng và cụm dân cư: mức
chi 50.000 đồng/người/tháng.
Số lượng cộng tác
viên ở từng thôn, xóm, ấp, bản, làng và cụm dân cư được xác định theo số hộ gia
đình, cụ thể: Đối với các thôn, xóm, ấp, bản, làng, cụm dân cư thuộc xã miền
núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo: từ 30 đến 50 hộ gia đình bố trí 01 cộng tác
viên; đối với các thôn, xóm, ấp, bản, làng, cụm dân cư thuộc các xã còn lại: từ
100 đến 150 hộ gia đình bố trí 01 cộng tác viên.
d) Chi thực hiện
chính sách triệt sản, bao gồm:
- Chi bồi dưỡng
cho người tự nguyện triệt sản: 200.000 đồng/người.
- Mua bảo hiểm
chăm sóc sức khoẻ cho người tự nguyện triệt sản, thời hạn 2 năm: 70.000 đồng/người.
- Chi xăng xe hoặc
thuê phương tiện vận chuyển người tự nguyện triệt sản đến trung tâm làm kỹ thuật
triệt sản hoặc vận chuyển đội dịch vụ xuống xã làm phẫu thuật: thực hiện theo
quy định hiện hành.
- Chi hỗ trợ cho
cán bộ y tế cấp xã thực hiện chăm sóc người tự nguyện triệt sản tại nhà sau phẫu
thuật: 10.000 đồng/ca triệt sản.
đ) Chi khen thưởng
đối với tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác DS-KHHGĐ theo
quyết định của cấp có thẩm quyền: thực hiện theo quy định tại Nghị định số
121/2005/NĐ-CP ngày 30/9/2005 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi
hành một số điều của Luật Thi đua Khen thưởng và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều
của Luật Thi đua, Khen thưởng và các văn bản hướng dẫn có liên quan.
Ngoài ra, để khuyến
khích các xã có thành tích xuất sắc trong công tác DS-KHHGĐ, kinh phí Chương
trình DS-KHHGĐ hỗ trợ cho các hoạt động phúc lợi của xã để lồng ghép các hoạt động
văn hoá - giáo dục - thể thao với dân số và kế hoạch hoá gia đình: mức tối đa
3.000.000 đồng/xã/năm. Số lượng xã được hỗ trợ hàng năm do Chủ tịch Uỷ ban nhân
dân cấp huyện quyết định trong phạm vi dự toán ngân sách được giao.
e) Chi hỗ trợ công
tác quản lý DS-KHHGĐ ở cấp xã (bao gồm: giao ban, văn phòng phẩm, thông tin
liên lạc): 50.000 đồng/xã/tháng.
g) Chi đào tạo, bồi
dưỡng nâng cao năng lực quản lý cho đội ngũ cán bộ làm công tác DS-KHHGĐ ở các
cấp. Nội dung và mức chi cụ thể theo quy định tại Thông tư hướng dẫn của Bộ Tài
chính về quản lý và sử dụng kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức Nhà nước.
h) Chi hỗ trợ công
tác đưa chính sách DS-KHHGĐ vào hương ước, quy ước của thôn, xóm, ấp, bản, làng
(bao gồm: xây dựng hương ước, quy ước; hội thảo lấy ý kiến tham gia của nhân
dân; hoàn chỉnh dự thảo trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; tuyên truyền, phổ biến
hương ước, quy ước đến hộ gia đình): mức chi cụ thể cho từng hoạt động do Thủ
trưởng cơ quan quản lý Chương trình quyết định sau khi có sự thoả thuận của cơ
quan tài chính cùng cấp, bảo đảm phù hợp với thực tế của địa phương.
5.
Dự án Nâng cao chất lượng thông tin quản lý chuyên ngành dân số và kế hoạch hóa
gia đình:
a) Chi thu thập, cập
nhật thông tin mới và thông tin biến động về dân số và kế hoạch hoá gia đình của
hộ gia đình vào Sổ hộ gia đình của cộng tác viên, cán bộ làm công tác DS-KHHGĐ
cấp xã, mức chi:
- Thu thập, cập nhật
thông tin biến động: 500 đồng/hộ gia đình.
- Thu thập, cập nhật
thông tin mới: 1.000 đồng/hộ gia đình.
b) Chi thu thập, cập
nhật thông tin đầu vào của hệ thông tin quản lý các chỉ tiêu chuyên ngành
DS-KHHGĐ: 2.000 đồng/phiếu thu tin.
c) Chi tạo lập
thông tin điện tử trên mạng máy tính: nội dung và mức chi theo quy định tại
Thông tư số 137/2007/TT-BTC ngày 28/11/2007 của Bộ Tài chính hướng dẫn mức chi
tạo lập thông tin điện tử.
d) Chi hoạt động
truyền tin về DS-KHHGĐ: nội dung và mức chi theo mức giá quy định của Bộ Thông
tin và Truyền thông.
đ) Chi mua bản quyền
phần mềm và bản quyền phòng chống vi rút.
e) Chi phí in ấn
các biểu mẫu báo cáo thống kê chuyên ngành theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
g) Chi công tác tổng
hợp số liệu, viết báo cáo theo quy định, mức chi:
- Đối với cộng tác
viên DS-KHHGĐ: 70.000 đồng/người/năm.
- Đối với cán bộ
DS-KHHGĐ cấp xã: 180.000 đồng/người/năm.
6.
Dự án Thử nghiệm, mở rộng một số mô hình, giải pháp can thiệp, góp phần nâng
cao chất lượng dân số Việt Nam:
a) Chi các đề tài nghiên cứu khoa học gắn với nội dung của dự án theo đề
cương nghiên cứu đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt: nội
dung và mức chi thực hiện theo quy định hiện hành về chế độ chi tiêu đối với
các nhiệm vụ khoa học và công nghệ.
b) Chi mua vật tư,
hoá chất phục vụ cho các hoạt động nghiên cứu của đề tài và các mô hình thí điểm.
c) Chi xây dựng các
mô hình về nâng cao chất lượng dân số theo quyết định phê duyệt của Chủ nhiệm Chương
trình: nội dung và mức chi cho từng
hoạt động thuộc mô hình do Thủ trưởng cơ quan quản lý dự án ở địa phương quyết
định sau khi có sự thoả thuận của cơ quan tài chính cùng cấp và phù hợp với các
quy định hiện hành của nhà nước.
IV. LẬP, PHÂN BỔ DỰ TOÁN, QUẢN LÝ VÀ QUYẾT TOÁN
1. Việc lập, tổng
hợp, giao dự toán, phân bổ, quản lý sử dụng, thanh quyết toán kinh phí thực hiện
Chương trình DS-KHHGĐ theo các quy định của Luật Ngân sách nhà nước, các văn bản
hướng dẫn Luật, các văn bản quy định về cơ chế quản lý và điều hành các chương
trình mục tiêu quốc gia và các quy định liên quan hiện hành.
Cơ quan quản lý dự
án ở Trung ương khi phân bổ dự toán cho các Bộ, ngành liên quan và các địa
phương phải căn cứ vào khả năng triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao và định
mức chi quy định tại Thông tư này; trong đó cần thực hiện phân cấp cho các địa
phương trong việc mua sắm các trang thiết bị, dụng cụ, thuốc thiết yếu, vật tư
y tế, phương tiện tránh thai phục vụ hoạt động của Chương trình DS-KHHGĐ.
Trường hợp trang
thiết bị, dụng cụ, thuốc thiết yếu, vật tư y tế, phương tiện tránh thai mà địa
phương không có khả năng mua sắm thì cơ quan quản lý dự án ở Trung ương mới thực
hiện mua sắm. Thủ tục bàn giao tài sản, hiện vật thực hiện theo quy định hiện
hành.
Đối với các khoản mua sắm trang thiết bị, dụng cụ,
thuốc thiết yếu, vật tư y tế, phương tiện tránh thai, dịch vụ bảo hiểm triệt sản,...
thực hiện theo đúng quy định của pháp luật
về đấu thầu mua sắm hàng hoá bằng kinh phí ngân sách nhà nước.
2. Về hạch toán kế
toán:
Việc hạch toán
kinh phí thực hiện Chương trình DS-KHHGĐ theo mục lục ngân sách nhà nước hiện
hành. Các cơ quan, đơn vị sử dụng kinh phí của Chương trình phải mở sổ kế toán
để ghi chép, hạch toán và quyết toán theo đúng quy định của Chế độ kế toán hành
chính sự nghiệp hiện hành. Riêng đối với các dự án có sử dụng vốn viện trợ
không hoàn lại, các cơ quan, đơn vị sử dụng kinh phí thực hiện theo dõi, hạch
toán và quyết toán theo đúng các quy định hiện hành của Nhà nước về việc tiếp
nhận, quản lý, sử dụng các nguồn viện trợ.
3. Kinh phí thực
hiện Chương trình DS-KHHGĐ phân bổ và giao cho cơ quan, đơn vị nào thì cơ quan,
đơn vị đó chịu trách nhiệm quản lý, sử dụng và quyết toán theo chế độ quy định.
Trường hợp cần thiết phải có sự tham gia triển khai thực hiện của các cơ quan,
đơn vị liên quan để đẩy nhanh việc thực hiện các mục tiêu của các dự án thuộc Chương
trình; cơ quan, đơn vị quản lý dự án chuyển kinh phí cho cơ quan, đơn vị liên
quan để thực hiện hợp đồng về công việc chuyên môn. Thủ trưởng cơ quan, đơn vị
quản lý dự án phải duyệt dự toán chi theo đúng các tiêu chuẩn, định mức chi hiện
hành của Nhà nước.
Cơ quan, đơn vị
thực hiện hợp đồng có trách nhiệm triển khai thực hiện các
nhiệm vụ của Chương trình DS-KHHGĐ đã ký kết, trực tiếp sử dụng kinh phí theo
chế độ chi tiêu tài chính hiện hành (không phải quyết toán với ngân sách cơ
quan, đơn vị mình nhưng phải mở sổ kế toán riêng để theo dõi); ngay sau khi kết
thúc hợp đồng, có trách nhiệm lập báo cáo quyết toán số
kinh phí được cấp theo quy định, gửi cơ quan, đơn vị quản lý dự án. Cơ quan,
đơn vị quản lý dự án có trách nhiệm thanh lý hợp đồng chuyên môn, xét duyệt quyết
toán và tổng hợp chung vào quyết toán của cơ quan, đơn vị quản lý dự án.
4. Chế độ báo cáo: Định kỳ hàng quý, năm, các Bộ, cơ quan Trung ương và Uỷ ban nhân dân
các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm báo cáo tình hình và kết
quả thực hiện Chương trình DS-KHHGĐ (cả kinh phí và chỉ tiêu chuyên môn) theo
quy định hiện hành.
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Thông tư này có
hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo và thay thế Thông tư
liên tịch số 95/2002/TTLT-BTC-UBDSGĐTE ngày 22/10/2002 của Bộ Tài chính- Uỷ ban
Dân số, Gia đình và Trẻ em hướng dẫn nội dung và mức chi Chương trình mục tiêu
quốc gia DS-KHHGĐ.
Trong quá trình thực
hiện nếu có vướng mắc, đề nghị phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính, Bộ Y tế để
nghiên cứu giải quyết./.
KT. BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ
THỨ TRƯỞNG
Nguyễn Bá Thuỷ
|
KT. BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH
THỨ TRƯỞNG
Đỗ Hoàng Anh Tuấn
|
Nơi nhận:
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Toà án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Sở Tài chính, KBNN, Sở Y tế các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Công báo, Website Chính phủ;
- Cục Kiểm tra văn bản QPPL (Bộ Tư pháp);
- Các đơn vị thuộc Bộ Tài chính, Bộ Y tế;
- Website Bộ Tài chính, Bộ Y tế;
- Lưu VT: Bộ Tài chính, Bộ Y tế.
|
|