THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------
|
Số: 202/2006/QĐ-TTg
|
Hà Nội, ngày 31 tháng 8 năm 2006
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ QUẢN LÝ TÀI SẢN NHÀ
NƯỚC TẠI ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP CÔNG LẬP
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ
chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 16 tháng 12 năm 2002;
Căn cứ Nghị định số 14/1998/NĐ-CP ngày 06 tháng 3 năm 1998 của Chính phủ về quản
lý tài sản nhà nước;
Căn cứ Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25 tháng 4 năm 2006 của Chính phủ quy định
quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức, bộ máy, biên
chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế quản lý tài sản
nhà nước tại đơn vị sự nghiệp công lập.
Điều 2. Bộ trưởng Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với
các Bộ, cơ quan liên quan có trách nhiệm hướng dẫn thực hiện Quy chế ban hành
kèm theo Quyết định này.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày
đăng Công báo.
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc
Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
và Thủ trưởng các đơn vị sự nghiệp công lập chịu
trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận
- Ban
Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ,
cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Toà án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Cơ quan Trung ương của các
đoàn thể;
- Học viện Hành chính Quốc gia;
- VPCP: BTCN, các PCN,
Website Chính phủ, Ban Điều hành 112,
Người phát ngôn của Thủ tướng Chính phủ,
các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: Văn thư, KTTH (5b).
|
THỦ TƯỚNG
Nguyễn Tấn Dũng
|
QUY CHẾ
QUẢN LÝ TÀI SẢN NHÀ NƯỚC TẠI ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP CÔNG LẬP
(Ban hành kèm theo Quyết định số 202/2006/QĐ-TTg ngày 31 tháng
8 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ)
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi và đối tượng áp dụng
1. Quy chế
này quy định việc quản lý tài sản nhà nước tại đơn vị sự nghiệp công lập (sau
đây gọi tắt là đơn vị sự nghiệp) do cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị,
tổ chức chính trị - xã hội có thẩm quyền quyết định thành lập; gồm:
a) Đơn vị sự
nghiệp tự bảo đảm toàn bộ chi phí hoạt động thường xuyên (sau đây gọi tắt là
đơn vị tự bảo đảm toàn bộ chi phí);
b) Đơn vị sự
nghiệp tự bảo đảm một phần chi phí hoạt động thường xuyên (sau đây gọi tắt là
đơn vị tự bảo đảm một phần chi phí);
c) Đơn vị sự
nghiệp được ngân sách nhà nước bảo đảm toàn bộ chi phí hoạt động thường xuyên
(sau đây gọi tắt là đơn vị do ngân sách nhà nước bảo đảm toàn bộ chi phí).
2. Quy chế này không áp
dụng cho quản lý tài sản nhà nước tại các cơ quan hành chính nhà nước, tổ chức
chính trị, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội
– nghề nghiệp.
Điều 2. Tài sản nhà nước tại đơn vị sự nghiệp
1. Tài sản
nhà nước tại đơn vị sự nghiệp, gồm:
a) Đất, nhà
và công trình xây dựng;
b) Máy móc,
thiết bị;
c) Phương tiện
vận tải, thiết bị truyền dẫn;
d) Công cụ, dụng
cụ quản lý;
đ) Tài sản vô
hình;
e) Các loại
tài sản khác.
2. Tài sản
nhà nước tại đơn vị sự nghiệp là tài sản được hình thành do:
a) Nhà nước
giao tài sản cho đơn vị sự nghiệp quản lý và sử dụng hoặc đơn vị sự nghiệp mua
sắm bằng tiền do ngân sách nhà nước cấp, có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước và
từ Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp, Quỹ phúc lợi của đơn vị;
b) Tài sản được
xác lập sở hữu nhà nước theo quy định của pháp luật giao cho đơn vị sự nghiệp sử
dụng gồm: tài sản tài trợ, viện trợ của các Chính phủ, tổ chức phi Chính phủ nước
ngoài và tổ chức quốc tế khác; tài sản do tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước
biếu, tặng, cho và các tài sản khác được xác lập sở hữu nhà nước.
Chương 2
NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Mục 1: TRANG
CẤP TÀI SẢN NHÀ NƯỚC CHO ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP
Điều 3.
Nguyên tắc trang cấp tài sản
Nhà nước bảo đảm từng bước trang
cấp tài sản cho đơn vị sự nghiệp để thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao. Việc
trang cấp phải căn cứ vào khả năng ngân sách nhà nước, tiêu chuẩn, định mức sử
dụng tài sản do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định và nhu cầu sử dụng tài
sản để phục vụ hoạt động của đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
1. Đối với đơn vị sự
nghiệp mới thành lập, nhà nước trang cấp tài sản cần thiết ban đầu để triển
khai thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao.
2. Đơn vị sự nghiệp tự
bảo đảm toàn bộ chi phí và đơn vị tự bảo đảm một phần chi phí được sử dụng các
nguồn kinh phí của đơn vị theo quy định tại Điều 5 của Quy chế này để đầu tư
xây dựng và mua sắm tài sản theo kế hoạch, dự toán, dự án được cấp có thẩm quyền
phê duyệt.
3. Đơn vị sự
nghiệp do ngân sách nhà nước bảo đảm toàn bộ chi phí được ngân sách nhà nước cấp
kinh phí để đầu tư xây dựng, mua sắm tài sản theo kế hoạch, dự toán và dự án được
cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Điều 4. Phương thức trang cấp tài sản
Việc trang cấp tài sản
nhà nước cho các đơn vị sự nghiệp được thực hiện như sau:
1. Cấp kinh
phí theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước cho đơn vị để đầu tư xây dựng hoặc
mua sắm tài sản.
2. Điều chuyển
tài sản từ các cơ quan, đơn vị hoặc tổ chức khác cho đơn vị để quản lý sử dụng
theo quyết định của cấp có thẩm quyền.
3. Quyết định cho đơn vị
tiếp nhận tài sản hình thành từ các nguồn: viện trợ, dự án đã kết thúc, đã tịch
thu sung quỹ nhà nước, đã xác lập sở hữu nhà nước và của tổ chức, cá nhân trong
và ngoài nước biếu, tặng, cho.
4. Đầu tư xây dựng, mua
sắm từ các quỹ theo quy định của pháp luật, từ nguồn thu sự nghiệp được phép sử
dụng.
Điều 5. Nguồn kinh phí đầu tư xây dựng, mua sắm tài sản
1. Kinh phí
do ngân sách nhà nước cấp.
2. Quỹ phát
triển hoạt động sự nghiệp, Quỹ phúc lợi.
3. Vốn viện
trợ, tài trợ, biếu, tặng, cho và của dự án đơn vị được tiếp nhận theo quy định
của pháp luật.
4. Nguồn thu
từ bán, chuyển nhượng tài sản của đơn vị được phép sử dụng theo quy định của
pháp luật.
5. Các nguồn thu khác từ hoạt động sự nghiệp của
đơn vị được phép sử dụng.
6. Các nguồn vốn huy động, liên doanh, liên kết
theo quy định của pháp luật.
Điều 6. Tiêu chuẩn, định mức, chế độ sử dụng tài sản
1. Đối với tài sản nhà
nước đã có quy định về tiêu chuẩn, định mức sử dụng của cơ quan nhà nước có thẩm
quyền, đơn vị sự nghiệp được trang cấp và sử dụng theo tiêu chuẩn, định mức đó.
Trường hợp
tài sản mà nhà nước chưa có quy định về tiêu chuẩn, định mức sử dụng, đơn vị sự
nghiệp căn cứ vào nhu cầu sử dụng tài sản phục vụ hoạt động sự nghiệp để
xây dựng tiêu chuẩn, định mức sử dụng cho phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được
giao, báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
2. Đối với đơn vị tự bảo
đảm toàn bộ chi phí và đơn vị tự đảm bảo một phần chi phí; căn cứ vào nhu cầu
tài sản phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ và hiệu quả sử dụng tài
sản, đơn vị được phép trang bị thêm tài sản để phục vụ cho hoạt động sản xuất
kinh doanh, dịch vụ của đơn vị từ các nguồn kinh phí quy định tại các khoản 2,
5 và 6 của Điều 5 Quy chế này. Việc đầu tư xây dựng, mua sắm những tài sản
trang bị thêm này không được sử dụng từ nguồn kinh phí do ngân sách nhà nước cấp.
Điều 7. Thẩm quyền quyết định đầu tư xây dựng, mua sắm tài sản
1. Thẩm quyền
quyết định việc đầu tư xây dựng nhà, công trình xây dựng, mua sắm các trang thiết
bị gắn liền với dự án đầu tư xây dựng tại đơn vị sự nghiệp được thực hiện theo
quy định của pháp luật về quản lý đầu tư xây dựng cơ bản và các quy định khác của
pháp luật có liên quan.
2. Việc mua sắm
tài sản không phải là nhà, công trình xây dựng (sau đây gọi tắt là tài sản
khác) từ các nguồn kinh phí quy định tại các khoản: 1, 3 và 4 của Điều 5 Quy chế
này được thực hiện theo kế hoạch, dự toán, dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt
và theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước. Thẩm quyền quyết định việc mua sắm
tài sản khác quy định như sau:
a) Bộ trưởng, Thủ trưởng
cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, người đứng đầu tổ chức chính trị, tổ
chức chính trị - xã hội ở trung ương (gọi tắt là Thủ trưởng cơ quan trung ương)
sau khi thống nhất với Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định chế độ phân cấp về thẩm
quyền quyết định mua sắm tài sản tại các đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ, cơ quan
mình;
b) Ủy ban nhân dân cấp
tỉnh sau khi xin ý kiến Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định việc phân cấp về
thẩm quyền quyết định mua sắm tài sản tại các đơn vị sự nghiệp thuộc địa
phương.
3. Việc mua sắm tài sản từ nguồn Quỹ phát triển hoạt
động sự nghiệp, từ nguồn vốn huy động theo chế độ quy định để phục vụ cho các
hoạt động sự nghiệp hoặc sản xuất kinh doanh, dịch vụ của đơn vị; thủ trưởng
đơn vị sự nghiệp căn cứ vào kế hoạch, dự toán, dự án được cấp có thẩm quyền phê
duyệt, tiêu chuẩn định mức sử dụng và nhu cầu cần thiết phục vụ hoạt động của
đơn vị để quyết định việc mua sắm cho phù hợp, bảo đảm tiết kiệm và hiệu quả.
Điều 8. Tổ chức thực hiện việc đầu tư xây dựng, mua sắm tài sản
Việc đầu tư xây
dựng nhà, công trình xây dựng và mua sắm tài sản tại đơn vị sự nghiệp phải thực
hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng cơ bản, pháp luật về đấu thầu
và các quy định khác có liên quan của Nhà nước.
Mục 2: QUẢN
LÝ, SỬ DỤNG TÀI SẢNNHÀ NƯỚC TẠI ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP
Điều 9. Quản lý, đăng ký tài sản
Tài sản nhà nước tại đơn vị sự nghiệp phải được quản lý theo đúng quy định.
Đối với tài sản theo quy định của pháp luật phải đăng ký quản lý sử dụng, thì
sau khi hoàn thành việc đầu tư xây dựng, mua sắm hoặc tiếp nhận tài sản, đơn vị
phải đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước theo quy định hiện hành.
Điều 10. Sử dụng tài sản
1. Tài sản
nhà nước tại đơn vị sự nghiệp phải được quản lý, sử dụng đúng mục đích, tiêu
chuẩn, chế độ; bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả để phục vụ công tác và các hoạt động
của đơn vị. Nghiêm cấm việc sử dụng tài sản Nhà nước không đúng mục đích được
giao; làm thất thoát, hư hỏng gây thiệt hại về tài sản của Nhà nước.
Việc bán, chuyển nhượng,
thu hồi, điều chuyển, thanh lý tài sản Nhà nước tại các đơn vị phải được cơ
quan có thẩm quyền quyết định và thực hiện theo đúng quy định tại các Điều: 16,
17, 18 của Quy chế này.
2. Trong quá trình sử dụng
tài sản, đơn vị sự nghiệp phải thực hiện bảo dưỡng, sửa chữa theo đúng chế độ
và tiêu chuẩn kỹ thuật do Nhà nước quy định. Chi phí bảo dưỡng, sửa chữa thường
xuyên tài sản sử dụng từ nguồn kinh phí hoạt động thường xuyên hàng năm hoặc
tính vào chi phí sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của đơn vị nếu tài sản đó dùng
vào sản xuất, kinh doanh theo chế độ quy định.
3. Đơn vị sự nghiệp được
sử dụng tài sản cho hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ khi các hoạt động đó
phù hợp với lĩnh vực chuyên môn, khả năng của đơn vị và đúng với quy định của
pháp luật, đồng thời phải thực hiện việc bảo quản, bảo dưỡng, sửa chữa, tính khấu
hao theo quy định hiện hành.
1. Thủ trưởng
đơn vị sự nghiệp tự bảo đảm toàn bộ chi phí và đơn vị tự bảo đảm một phần chi
phí được quyết định dùng tài sản đã đầu tư, mua sắm từ Quỹ phát triển hoạt động
sự nghiệp, từ các nguồn vốn huy động để góp vốn liên doanh, liên kết với tổ chức,
cá nhân trong và ngoài nước theo kế hoạch, dự toán, dự án liên doanh, liên kết
đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Trường hợp đơn vị sự nghiệp dùng tài sản
được đầu tư, mua sắm từ các nguồn kinh phí quy định tại các khoản 1, 3, 4 và
khoản 5 Điều 5 Quy chế này hoặc tài sản được
điều chuyển đến theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để góp vốn
liên doanh, liên kết thì phải được Thủ trưởng cơ quan trung ương quyết định
(sau khí có ý kiến thống nhất bằng văn bản của Bộ tài chính) đối với đơn vị sự
nghiệp thuộc trung ương quản lý, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (đối với đơn
vị sự nghiệp thuộc địa phương quản lý) quyết định.
2. Việc sử dụng
tài sản để góp vốn liên doanh, liên kết phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh,
dịch vụ phải phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, khả năng của đơn vị và hỗ trợ cho
hoạt động sự nghiệp, không làm ảnh hưởng đến chức năng, nhiệm vụ do cơ quan nhà
nước có thẩm quyền giao cho đơn vị và phải thực hiện theo đúng quy định của
pháp luật.
3. Việc dùng giá trị
quyền sử dụng đất để liên doanh, liên kết thực hiện theo quy định của pháp luật
về đất đai hiện hành.
Điều
12. Thế chấp tài sản
1. Đơn vị sự
nghiệp được dùng tài sản mua sắm từ nguồn Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp và
từ nguồn vốn huy động, để thế chấp vay vốn phục vụ cho các hoạt động sự nghiệp
hoặc hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ của đơn vị.
2. Việc thế
chấp tài sản và việc xử lý tài sản thế chấp phải thực hiện theo quy định của
pháp luật hiện hành.
3. Đơn vị sự
nghiệp không được dùng tài sản được Nhà nước đầu tư để thế chấp vay vốn, huy động
vốn dưới mọi hình thức.
Điều 13. Khấu hao tài sản cố định
1. Tài sản cố
định sử dụng cho hoạt động sự nghiệp được tính hao mòn theo chế độ quản lý, sử
dụng và tính hao mòn tài sản cố định trong đơn vị hành chính sự nghiệp.
2. Tài sản cố định sử dụng
cho sản xuất kinh doanh, dịch vụ được trích khấu hao tài sản cố định theo chế độ
quản lý, sử dụng và trích khấu hao tài sản cố định theo quy định áp dụng cho
các doanh nghiệp nhà nước.
3. Tài sản cố
định được dùng góp vốn liên doanh, liên kết theo quyết định của cơ quan nhà nước
có thẩm quyền, thì thực hiện trích khấu hao theo quy định hiện hành.
4. Toàn bộ tiền trích khấu hao tài sản của nhà nước dùng vào hoạt động sản
xuất kinh doanh, dịch vụ, liên doanh, liên kết, đơn vị được giữ lại bổ sung vào
Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp để sử dụng tái tạo lại tài sản, đầu tư xây dựng
cơ sở vật chất, đổi mới trang thiết bị. Số tiền trích khấu hao tài sản đầu tư,
mua sắm từ nguồn vốn huy động được dùng để trả nợ vay; trường hợp đã trả đủ nợ
vay, được bổ sung vào Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp của đơn vị.
Điều
14. Hạch toán, báo cáo tài sản
1. Đơn vị sự nghiệp phải
thực hiện việc hạch toán tài sản theo chế độ hiện hành về hạch toán tài sản tại
đơn vị hành chính sự nghiệp.
Tài sản được phép sử dụng
vào hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ hoặc góp vốn liên doanh, liên kết
thì phải thực hiện hạch toán theo dõi riêng cả về số lượng, giá trị theo hướng
dẫn của Bộ Tài chính.
2. Đơn vị sự nghiệp được
giao quản lý sử dụng tài sản nhà nước phải thực hiện chế độ thống kê, báo cáo
tình hình quản lý, sử dụng, xử lý tài sản định kỳ hàng năm hoặc báo cáo đột xuất
khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu theo quy định sau:
a) Đơn vị sự nghiệp thuộc
trung ương quản lý báo cáo với cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp để tổng hợp,
báo cáo Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ tổng hợp báo cáo Bộ Tài
chính;
b) Đơn vị sự nghiệp thuộc
địa phương quản lý báo cáo với cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp để sở, ban, Ủy
ban nhân dân cấp huyện tổng hợp báo cáo Sở Tài chính. Sở Tài chính tổng hợp
toàn bộ tình hình quản lý, sử dụng, xử lý tài sản nhà nước tại các đơn vị sự
nghiệp thuộc địa phương quản lý, để báo cáo với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, đồng
gửi Bộ Tài chính.
3. Hàng năm cùng với thời
gian lập báo cáo quyết toán, đơn vị sự nghiệp phải lập báo cáo về tài sản hiện
có, tình hình biến động tài sản tại đơn vị đến ngày 31 tháng 12 của năm trước.
Cùng với thời gian lập báo cáo dự toán thu, chi ngân sách, đơn vị sự nghiệp phải
lập báo cáo về nhu cầu đầu tư xây dựng, mua sắm, sửa chữa lớn tài sản năm kế hoạch
của đơn vị, để báo cáo với cơ quan quản lý cấp trên xem xét, tổng hợp vào dự
toán thu, chi ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật.
Điều 15. Quản lý, sử dụng đất tại đơn vị sự nghiệp
1. Việc quản
lý, sử dụng đất tại đơn vị sự nghiệp phải thực hiện theo quy định của pháp luật
về đất đai.
a) Việc sử dụng
đất phải phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng đô thị,
quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền
phê duyệt;
b) Người đứng
đầu đơn vị sự nghiệp có trách nhiệm quản lý, bảo toàn diện tích đất được giao,
sử dụng đất đúng mục đích.
Nghiêm cấm sử
dụng đất được giao để xây dựng trụ sở cơ quan, xây dựng công trình sự nghiệp
vào mục đích khác.
2. Bộ Tài
nguyên và Môi trường quy định rõ phương thức xác định diện tích đất sử dụng cho
từng mục đích, đồng thời chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên
quan hướng dẫn việc thực hiện nghĩa vụ của người sử dụng đất đối với đơn vị sự
nghiệp vừa có hoạt động sự nghiệp, vừa có hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ
nhưng hiện đang sử dụng chung một thửa đất theo quy định của pháp luật.
Mục
3: XỬ LÝ TÀI SẢN NHÀ NƯỚC TẠI ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP
Điều 16. Bán, chuyển nhượng tài sản
1. Đơn vị sự nghiệp được
phép bán, chuyển nhượng tài sản nhà nước tại đơn vị để đầu tư xây dựng, mua sắm
tài sản trong các trường hợp sau:
a) Khi thực
hiện di dời theo quy hoạch, sắp xếp lại cơ sở theo quyết định của cơ quan nhà
nước có thẩm quyền;
b) Khi phải đổi
mới theo yêu cầu kỹ thuật, dư thừa, không còn nhu cầu sử dụng hoặc đã hư hỏng,
xuống cấp không bảo đảm để phục vụ hoạt động của đơn vị.
2. Thẩm quyền
quyết định bán, chuyển nhượng tài sản:
a) Cơ quan
quyết định đầu tư theo quy định tại khoản 1 Điều 7 Quy chế này quyết định bán,
chuyển nhượng nhà, công trình xây dựng sau khi có ý kiến thống nhất bằng văn bản
của Bộ trưởng Bộ Tài chính (đối với đơn vị sự nghiệp thuộc Trung ương quản lý)
hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (đối với đơn vị sự nghiệp thuộc địa
phương quản lý);
b) Cơ quan quyết định
mua sắm tài sản khác theo quy định tại khoản 2 Điều 7 của Quy chế này quyết định
bán, chuyển nhượng tài sản thuộc thẩm quyền quyết định mua sắm của mình.
3. Việc chuyển nhượng
quyền sử dụng đất do đơn vị sự nghiệp đang quản lý sử dụng được thực hiện theo
quy định của Luật Đất đai và hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
4. Số tiền thu được từ
bán chuyển nhượng tài sản khác sau khi trừ đi các chi phí hợp lý, hợp lệ có
liên quan (nếu có) đơn vị sự nghiệp sử dụng để trả nợ vay (đối với tài sản được
hình thành từ nguồn vốn vay), sử dụng để đầu tư, mua sắm tài sản theo dự án, dự
toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt, số còn lại (nếu có), đơn vị nộp ngân
sách nhà nước theo đúng quy định.
5. Số tiền thu được từ
bán, chuyển nhượng nhà, công trình xây dựng và giá trị quyền sử dụng đất, thực
hiện theo quy định của pháp luật về đất đai và các quy định khác có liên quan của
Nhà nước.
1. Tài sản nhà nước tại
các đơn vị sự nghiệp thực hiện điều chuyển, thu hồi trong các trường hợp sau:
a) Tài sản đầu
tư xây dựng, mua sắm hoặc bán, chuyển nhượng, cho tặng, liên doanh, liên kết,
thế chấp hoặc tài sản sử dụng không đúng quy định của nhà nước;
b) Tài sản dư
thừa, không còn nhu cầu sử dụng khi thực hiện sắp xếp, giải thể, sáp nhập, hợp
nhất hoặc thay đổi chức năng, nhiệm vụ;
c) Tài sản sử
dụng vượt so với tiêu chuẩn, định mức theo quy định của cơ quan có thẩm quyền
và quy định tại Quy chế này;
d) Tài sản phục
vụ hoạt động của dự án khi dự án kết thúc.
2. Thẩm quyền quyết định
điều chuyển, thu hồi tài sản
a) Thẩm quyền điều chuyển
tài sản:
- Thủ tướng
Chính phủ quyết định điều chuyển nhà và các công trình xây dựng có tổng nguyên
giá theo sổ sách kế toán từ 100 tỷ đồng trở lên giữa các đơn vị sự nghiệp thuộc
các cơ quan trung ương quản lý, giữa đơn vị sự nghiệp thuộc trung ương quản lý
với đơn vị sự nghiệp thuộc địa phương quản lý, giữa đơn vị sự nghiệp thuộc
trung ương quản lý với cơ quan hành chính hoặc tổ chức khác theo đề nghị của Thủ
trưởng cơ quan trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Bộ trưởng Bộ Tài chính;
- Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định điều chuyển
nhà, công trình xây dựng có tổng nguyên giá trên sổ sách kế toán dưới 100 tỷ đồng
giữa các đơn vị sự nghiệp thuộc các cơ quan trung ương quản lý, giữa đơn vị sự
nghiệp thuộc trung ương quản lý với đơn vị sự nghiệp thuộc địa phương quản lý,
giữa đơn vị sự nghiệp thuộc trung ương quản lý với cơ quan hành chính hoặc tổ
chức khác theo đề nghị của Thủ trưởng cơ quan trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Bộ trưởng Bộ
Tài chính quyết định điều chuyển các tài sản khác giữa các đơn vị sự nghiệp thuộc
các cơ quan trung ương quản lý, giữa đơn vị sự nghiệp thuộc trung ương quản lý
với đơn vị sự nghiệp thuộc địa phương quản lý, giữa đơn vị sự nghiệp thuộc
trung ương quản lý với cơ quan hành chính hoặc tổ chức khác; điều chuyển tài sản
của dự án do đơn vị sự nghiệp thuộc trung ương quản lý đã kết thúc cho cơ quan,
đơn vị sự nghiệp, tổ chức khác theo đề nghị của Thủ trưởng cơ quan trung ương, Ủy
ban nhân dân cấp tỉnh;
- Thủ trưởng
cơ quan trung ương quyết định điều chuyển tài sản giữa các đơn vị sự nghiệp, giữa
đơn vị sự nghiệp với cơ quan hành chính thuộc phạm vi quản lý theo đề nghị của
Thủ trưởng đơn vị sự nghiệp, cơ quan hành chính. Riêng việc điều chuyển tài sản
là nhà, công trình xây dựng phải có ý kiến thống nhất bằng văn bản của Bộ Tài
chính;
- Ủy ban nhân
dân cấp tỉnh quyết định điều chuyển tài sản giữa các đơn vị sự nghiệp, giữa đơn
vị sự nghiệp với cơ quan hành chính hoặc tổ chức khác thuộc địa phương quản lý;
điều chuyển tài sản của dự án đã kết thúc do đơn vị sự nghiệp thuộc địa phương
quản lý cho cơ quan, đơn vị, tổ chức khác theo đề nghị của Giám đốc Sở Tài
chính và Giám đốc các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện;
- Thủ trưởng
đơn vị sự nghiệp quyết định điều chuyển tài sản giữa các đơn vị, bộ phận thuộc
phạm vi quản lý theo nguyên tắc bảo đảm sử dụng đúng mục đích phục vụ hoạt động
của đơn vị, có hiệu quả và theo đúng quy định tại Quy chế này.
b) Thẩm quyền thu hồi
tài sản:
- Thủ tướng
Chính phủ quyết định thu hồi:
+ Nhà và các công trình xây dựng có tổng nguyên
giá theo sổ sách kế toán từ 100 tỷ đồng trở lên của các đơn vị sự nghiệp thuộc
trung ương quản lý;
+ Nhà và các
công trình xây dựng của đơn vị sự nghiệp do địa phương quản lý bị sử dụng không
đúng mục đích mà địa phương không xử lý, theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài
chính.
- Bộ trưởng Bộ Tài
chính quyết định thu hồi nhà, công trình xây dựng có tổng nguyên giá theo sổ
sách kế toán dưới 100 tỷ đồng của các đơn vị sự nghiệp thuộc trung ương quản lý
theo đề nghị của Thủ trưởng cơ quan trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc
theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Bộ trưởng Bộ Tài chính
quyết định thu hồi tài sản khác, tài sản của các dự án đã kết thúc do
đơn vị sự nghiệp thuộc trung ương quản lý, để giao cho đơn vị có chức năng quản
lý, sử dụng hoặc xử lý bán thu tiền về ngân sách nhà nước.
- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh
quyết định thu hồi tài sản của các đơn vị sự nghiệp thuộc địa phương quản
lý; thu hồi tài sản của các dự án đã kết thúc do đơn vị sự nghiệp thuộc
địa phương quản lý, để giao cho đơn vị có chức năng quản lý, sử dụng hoặc xử lý
bán thu tiền về ngân sách nhà nước.
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh
thực hiện phân cấp cho Giám đốc Sở Tài chính hoặc cho Ủy ban nhân dân cấp huyện
quyết định thu hồi, điều chuyển đối với một số loại tài sản khác của các đơn vị
sự nghiệp thuộc địa phương quản lý.
- Thủ trưởng đơn vị sự
nghiệp quyết định thu hồi tài sản của đơn vị, bộ phận trực thuộc đã sử dụng sai
quy định để điều chuyển, bố trí sử dụng có hiệu quả trong phạm vi nội bộ đơn vị
mình hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định tại Quy chế này.
Điều
18. Thanh lý tài sản
1. Đơn vị sự
nghiệp được phép thanh lý tài sản trong các trường hợp sau:
a) Nhà, công
trình xây dựng phải phá dỡ để thực hiện dự án đầu tư xây dựng, giải phóng mặt bằng
theo quy hoạch, dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt hoặc hư hỏng không
còn sử dụng được;
b) Tài sản dư
thừa, hết hạn sử dụng, không có nhu cầu sử dụng nhưng không thể điều chuyển cho
đơn vị khác sử dụng, tài sản đã hư hỏng không thể sử dụng được hoặc chi phí sửa
chữa không bảo đảm hiệu quả.
2. Thẩm quyền
quyết định thanh lý tài sản:
a) Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định thanh lý tài
sản là nhà, công trình xây dựng tại các đơn vị sự nghiệp thuộc trung ương quản
lý (trừ trường hợp phải phá dỡ để giải phóng mặt bằng thực hiện dự án đầu tư
xây dựng đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt);
b) Thủ trưởng
cơ quan trung ương quyết định thanh lý tài sản là nhà, công trình xây dựng tại
các đơn vị sự nghiệp thuộc phạm vi quản lý khi phải phá dỡ để giải phóng mặt bằng
thực hiện dự án đầu tư xây dựng và thanh lý tài sản thuộc thẩm quyền quyết định
mua sắm theo phân cấp về thẩm quyền quyết định mua sắm tài sản của Bộ, cơ quan
mình đã quy định theo khoản 1 và khoản 2 Điều 7 của Quy chế này;
c) Thủ trưởng
đơn vị sự nghiệp quyết định thanh lý tài sản thuộc thẩm quyền quyết định mua sắm
theo phân cấp về thẩm quyền quyết định mua sắm tài sản đã được quy định theo
khoản 1 và khoản 2 Điều 7 của Quy chế này;
d) Ủy ban
nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện và Thủ trưởng đơn vị sự nghiệp quyết
định thanh lý tài sản theo phân cấp về thẩm quyền đầu tư xây dựng và mua sắm
tài sản đã được quy định theo khoản 1, khoản 2 Điều 7 của Quy chế này.
3. Tiền thu từ
thanh lý tài sản sau khi trừ đi các chi phí có liên quan đến việc thanh lý tài
sản (nếu có), được bổ sung vào Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp của đơn vị.
Tiền thu thanh lý tài sản từ nguồn vốn vay được dùng để trả nợ vay; trường hợp
đã trả đủ nợ vay, đơn vị được để lại bổ sung vào Quỹ phát triển hoạt động sự
nghiệp đối với số còn lại (nếu có).
Điều 19. Xử lý đất đai
Việc xử lý đất
đai liên quan đến việc xử lý tài sản tại đơn vị sự nghiệp quy định tại Điều 16,
17, 18 của Quy chế này thực hiện theo những quy định của Luật Đất đai và các
văn bản pháp luật có liên quan.
Chương 3
Điều 20. Tổ chức thực hiện
Thủ trưởng các đơn vị sự nghiệp có trách nhiệm xây
dựng Quy chế quản lý sử dụng đối với tài sản nhà nước tại đơn vị, trong đó quy
định rõ trách nhiệm của bộ phận, cá nhân được giao quản lý sử dụng tài sản; chỉ
đạo, tổ chức việc quản lý, sử dụng tài sản nhà nước một cách tiết kiệm và hiệu
quả; thực hiện việc đầu tư xây dựng, mua sắm và xử lý tài sản nhà nước tại đơn
vị theo đúng các quy định của Quy chế này và các quy định khác của pháp luật có
liên quan.
Điều 21. Điều khoản thi hành
Các Bộ trưởng,
Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy
ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm chỉ đạo, hướng
dẫn, kiểm tra các đơn vị sự nghiệp thuộc phạm
vi quản lý thực hiện việc quản lý tài sản nhà nước theo đúng quy định tại Quy
chế này.
Cơ quan, tổ
chức, đơn vị và cá nhân vi phạm các quy định tại Quy chế này, gây thất thoát,
thiệt hại về tài sản nhà nước thì phải bồi thường, tùy theo tính chất và mức độ
vi phạm sẽ bị xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định
của pháp luật./.
|
THỦ TƯỚNG
Nguyễn Tấn Dũng
|