CHÍNH
PHỦ
********
|
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số:
14/1998/NĐ-CP
|
Hà
Nội, ngày 06 tháng 3 năm 1998
|
NGHỊ ĐỊNH
CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 14/1998/NĐ-CP NGÀY 06 THÁNG 3 NĂM 1998 VỀ
QUẢN LÝ TÀI SẢN NHÀ NƯỚC
CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 09 năm
1992;
Để thống nhất quản lý và bảo đảm sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả và tiết
kiệm tài sản nhà nước;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính,
NGHỊ ĐỊNH:
Chương 1:
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1.
1. Tài
sản nhà nước là những tài sản được hình thành từ nguồn ngân sách nhà nước hoặc
có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước, tài sản được xác lập quyền sở hữu của Nhà
nước theo quy định của pháp luật, đất đai, rừng, núi, sông, hồ, nguồn nước, tài
nguyên trong lòng đất, nguồn lợi ở vùng biển, thềm lục địa và vùng trời.
2. Tài sản thuộc sở hữu toàn dân
mà Nhà nước đã chuyển giao quyền sở hữu cho tổ chức chính trị, tổ chức chính trị
- xã hội là tài sản thuộc sở hữu của tổ chức đó.
Điều 2.
Tài sản nhà nước bao gồm:
1. Tài sản nhà
nước khu vực hành chính sự nghiệp là những tài sản Nhà nước giao cho các cơ
quan nhà nước, các đơn vị sự nghiệp, các đơn vị lực lượng vũ trang, tổ chức
chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề
nghiệp quản lý và sử dụng gồm:
a) Đất đai;
b) Nhà, công trình xây dựng khác
gắn liền với đất đai;
c) Các tài sản khác gắn liền với
đất đai;
d) Các phương tiện giao thông vận
tải, trang thiết bị làm việc và các tài sản khác.
2. Tài sản thuộc kết cấu hạ tầng
phục vụ lợi ích công cộng, lợi ích quốc gia bao gồm:
a) Hệ thống các công trình giao
thông vận tải;
b) Hệ thống các công trình thủy
lợi;
c) Hệ thống chiếu sáng, cấp
thoát nước;
d) Các công trình văn hoá;
đ) Các công trình kết cấu hạ tầng
khác.
3. Tài sản nhà nước tại doanh
nghiệp.
4. Tài sản được xác lập sở hữu của
Nhà nước theo qui định của pháp luật, bao gồm:
a) Tài sản là
tang vật, phương tiện vi phạm pháp luật bị tịch thu sung quĩ Nhà nước và tiền
phạt do vi phạm pháp luật;
b) Tài sản bị chôn dấu, chìm đắm
được tìm thấy; tài sản bị đánh rơi, bỏ quên, vắng chủ, vô chủ và các tài sản
khác theo qui định của pháp luật là tài sản nhà nước;
c) Tài sản do tổ chức, cá nhân
trong và ngoài nước biếu, tặng, đóng góp và các hình thức chuyển giao quyền sở
hữu tài sản khác cho Nhà nước, tài sản viện trợ của Chính phủ, tổ chức phi
Chính phủ nước ngoài và các tổ chức quốc tế khác.
5. Tài sản dự trữ nhà nước.
6. Đất đai, rừng, núi, sông, hồ,
nguồn nước, tài nguyên trong lòng đất, nguồn lợi ở vùng biển, thềm lục địa và vùng
trời (sau đây gọi chung là đất đai, tài nguyên thiên nhiên khác).
Điều 3.
1. Phạm
vi quản lý tài sản nhà nước theo Nghị định này được qui định như sau:
a) Đối với tài sản nhà nước khu
vực hành chính sự nghiệp và tài sản được xác lập sở hữu của Nhà nước theo qui định
của pháp luật thì thực hiện chế độ đăng ký, báo cáo tài sản; qui định thẩm quyền
quyết định mua sắm, tiếp nhận tài sản; chế độ quản lý, sử dụng và xử lý tài sản;
b) Đối với tài sản dự trữ nhà nước
thì thực hiện chế độ báo cáo tài sản và chế độ quản lý tài chính trong quá
trình mua vào, bán ra và quản lý vốn ngân sách nhà nước cho dự trữ tài sản. Việc
quản lý tài sản dự trữ bằng hiện vật thực hiện theo quy định hiện hành của
Chính phủ;
c) Đối với tài sản nhà nước thuộc
kết cấu hạ tầng phục vụ lợi ích công cộng, lợi ích quốc gia, đất đai và tài
nguyên thiên nhiên khác thì thực hiện chế độ báo cáo tài sản, chế độ quản lý
tài chính trong quá trình điều tra, qui hoạch, tìm kiếm, đo đạc, xác định tài sản
và chế độ quản lý tài chính trong quá trình bảo dưỡng, sửa chữa, tôn tạo, khai
thác, sử dụng tài sản.
2. Đối với tài sản nhà nước đầu
tư vào doanh nghiệp thì thực hiện quản lý theo qui định của pháp luật về doanh
nghiệp;
Đối với tài sản thuộc lĩnh vực
an ninh, quốc phòng thực hiện việc quản lý theo qui định riêng của Chính phủ.
Đối với nhà ở thuộc sở hữu nhà
nước thực hiện việc quản lý theo quy định của pháp luật về nhà ở.
Điều 4.
Tài sản nhà nước được kiểm tra, kiểm kê, đăng ký,
theo dõi về hiện vật và giá trị theo quy định của pháp luật.
Điều 5.
1.Các Bộ,
cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ (sau đây gọi chung là cấp Bộ), ủy ban
nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh)
có trách nhiệm quản lý, kiểm tra việc sử dụng tài sản nhà nước tại ngành mình,
địa phương mình theo qui định của Nghị định này và các văn bản pháp luật khác
có liên quan.
2. Cơ quan nhà nước khác ở Trung
ương; tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã
hội - nghề nghiệp ở trung ương (sau đây gọi chung là các tổ chức ở trung ương)
có trách nhiệm quản lý, kiểm tra việc sử dụng tài sản nhà nước tại tổ chức mình
theo qui định của pháp luật.
Điều 6.
Các đơn vị, cá nhân được giao trực tiếp quản lý và sử dụng
tài sản nhà nước có trách nhiệm:
1. Quản lý và sử dụng tài sản
nhà nước theo đúng qui định của Nghị định này và các văn bản pháp luật khác có
liên quan;
2. Lập và thực hiện kế hoạch xây
dựng, mua sắm, sửa chữa, cải tạo, thanh lý tài sản nhà nước giao cho đơn vị
theo đúng qui định của Nhà nước. Sử dụng tài sản nhà nước đúng mục đích, chế độ,
tiêu chuẩn, định mức;
3. Bảo vệ, giữ gìn tài sản nhà
nước.
Điều 7.
Nghiêm cấm việc sử dụng tài sản nhà nước không đúng mục
đích, chế độ, tiêu chuẩn, định mức được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định.
Chương 2:
QUẢN LÝ TÀI SẢN NHÀ NƯỚC
MỤC I: QUẢN LÝ
TÀI SẢN NHÀ NƯỚC KHU VỰC HÀNH CHÍNH SỰ NGHIỆP
Điều 8.
1.Tài sản
nhà nước trong khu vực hành chính sự nghiệp phải được sử dụng đúng mục đích, chế
độ, tiêu chuẩn, định mức; không được sử dụng vào mục đích cá nhân, kinh doanh
và các mục đích khác, trừ trường hợp pháp luật có qui định khác.
2. Thủ tướng Chính phủ qui định
tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ôtô, nhà làm việc và công trình xây dựng khác
trong khu vực hành chính sự nghiệp.
Điều 9.
Cơ quan trực tiếp quản lý, sử dụng tài sản nhà nước có
trách nhiệm:
1. Đăng ký tài
sản với cơ quan tài chính nhà nước có thẩm quyền:
a) Tài sản phải đăng ký gồm:
nhà, đất đai và các công trình xây dựng khác gắn liền với đất đai, các phương
tiện vận tải và các tài sản khác có giá trị lớn;
b) Nội dung đăng ký gồm: Tên, đặc
điểm, ký hiệu tài sản, diện tích (nhà, đất), đặc điểm kỹ thuật, giá trị, mục
đích sử dụng, thời gian bắt đầu đưa vào sử dụng;
c) Đối với tài sản nhà nước được
qui định tại Điểm a, Khoản 1, Điều này thì cơ quan trực tiếp sử dụng tài sản phải
làm thủ tục đăng ký theo qui định của Bộ Tài chính ngay sau khi hoàn thành việc
mua sắm hoặc sau khi hoàn tất thủ tục tiếp nhận tài sản nhà nước theo quyết định
của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc công trình xây dựng được quyết toán bàn
giao đưa vào sử dụng.
2. Mở sổ sách theo dõi cả về hiện
vật và giá trị đối với mọi tài sản nhà nước.
3. Báo cáo định kỳ hàng năm và
báo cáo đột xuất về tài sản nhà nước theo qui định sau đây:
a) Đối với cơ quan trực tiếp quản
lý, sử dụng tài sản nhà nước thuộc trung ương quản lý thì báo cáo cơ quan quản
lý cấp trên trực tiếp để Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ;
các cơ quan nhà nước khác và tổ chức ở trung ương tổng hợp báo cáo tài sản nhà
nước của Bộ, cơ quan, đơn vị mình với Bộ Tài chính;
b) Đối với cơ quan trực tiếp quản
lý, sử dụng tài sản nhà nước thuộc địa phương thì báo cáo cơ quan quản lý cấp
trên trực tiếp để các sở, ban, cơ quan, đơn vị trực thuộc ủy ban nhân dân cấp tỉnh;
ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là
cấp huyện) tổng hợp báo cáo tài sản của cơ quan, đơn vị mình với Sở Tài chính -
Vật giá. Sở Tài chính - Vật giá tổng hợp báo cáo tài sản do địa phương quản lý
với ủy ban nhân dân cấp tỉnh và đồng gửi báo cáo Bộ Tài chính;
c) Bộ Tài chính có trách nhiệm
kiểm tra, phân tích và tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình quản
lý và sử dụng tài sản nhà nước khu vực hành chính sự nghiệp trong phạm vi cả nước.
Điều 10.
Đầu tư xây dựng nhà, công trình xây dựng khác và tài
sản gắn liền với đất đai khu vực hành chính sự nghiệp được thực hiện như sau:
1. Hàng năm các đơn vị thụ hưởng
ngân sách nhà nước lập báo cáo với ngành chủ quản cấp trên về nhu cầu xây dựng
mới hoặc xây dựng thêm nhà, công trình xây dựng khác và tài sản gắn liền với đất
đai để:
a) Các Bộ, cơ quan, tổ chức ở
trung ương tổng hợp báo cáo với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và đầu tư;
b) Sở, Ban, cơ quan ở địa phương
và ủy ban nhân dân cấp huyện tổng hợp báo cáo với Sở Tài chính - Vật giá, Sở Kế
hoạch và Đầu tư.
2. Cơ quan tài chính nhà nước phối
hợp với cơ quan kế hoạch và đầu tư căn cứ vào thực trạng về nhà, công trình xây
dựng khác của các cơ quan hành chính sự nghiệp; căn cứ vào tiêu chuẩn, định mức
sử dụng nhà, công trình xây dựng của từng cơ quan để thẩm định nhu cầu cần đầu
tư xây dựng để quyết định hoặc trình cấp có thẩm quyền quyết định danh mục dự
án và vốn đầu tư xây dựng ghi vào dự toán ngân sách nhà nước hàng năm theo qui
định của pháp luật về ngân sách nhà nước.
3. Thẩm quyền quyết định đầu tư
xây dựng theo quy định hiện hành về quản lý đầu tư và xây dựng của Nhà nước.
4. Sau khi được phép xây dựng,
chủ dự án có trách nhiệm tổ chức thực hiện và quản lý theo quy định hiện hành của
Nhà nước về xây dựng cơ bản.
Điều 11.
Mua sắm phương tiện vận tải và trang thiết bị làm việc
cho các cơ quan hành chính sự nghiệp được thực hiện như sau:
1. Hàng năm, đơn vị thụ hưởng
ngân sách nhà nước căn cứ vào thực trạng phương tiện, trang thiết bị hiện có;
căn cứ vào tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ôtô do Thủ tướng Chính phủ quy định
và tiêu chuẩn, định mức sử dụng của từng loại tài sản khác do cơ quan nhà nước
có thẩm quyền qui định để xác định nhu cầu mua sắm phương tiện vận tải và trang
thiết bị làm việc, lập dự toán báo cáo cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp để:
a) Bộ, cơ quan, tổ chức ở trung
ương tổng hợp báo cáo Bộ Tài chính;
b) Sở, Ban, cơ quan ở địa phương
và ủy ban nhân dân cấp huyện tổng hợp, báo cáo Sở Tài chính - Vật giá.
2. Thẩm quyền quyết định mua sắm
phương tiện vận tải và trang thiết bị làm việc quy định như sau:
a) Bộ trưởng Bộ Tài chính thẩm định
đưa vào dự toán chi ngân sách trung ương hàng năm về mua sắm phương tiện vận tải,
trang thiết bị làm việc cho các cơ quan hành chính sự nghiệp thuộc trung ương
trình cấp có thẩm quyền quyết định theo qui định của pháp luật về ngân sách nhà
nước;
b) Giám đốc Sở Tài chính - Vật
giá thẩm định trình Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định đưa
vào dự toán chi ngân sách địa phương hàng năm về mua sắm phương tiện vận tải,
trang thiết bị làm việc cho các cơ quan hành chính sự nghiệp thuộc địa phương
và trình cấp có thẩm quyền quyết định theo qui định của pháp luật về ngân sách
nhà nước.
3. Sau khi dự toán chi về mua sắm
phương tiện vận tải, trang thiết bị làm việc được cơ quan có thẩm quyền duyệt
thì:
a) Cơ quan tài chính nhà nước tổ
chức cấp phát kinh phí mua sắm cho từng cơ quan hành chính sự nghiệp theo dự
toán ngân sách được duyệt;
b) Cơ quan hành chính sự nghiệp
có trách nhiệm sử dụng kinh phí đúng mục đích và thực hiện mua sắm tài sản theo
đúng quy định của Bộ Tài chính, thực hiện chế độ đăng ký, báo cáo tài sản theo
qui định tại Điều 9 Nghị định này;
c) Kết thúc năm ngân sách, cơ
quan hành chính sự nghiệp phải quyết toán đầy đủ, kịp thời kinh phí mua sắm tài
sản theo qui định của Pháp luật về ngân sách nhà nước.
Điều 12.
Việc bảo dưỡng, sửa chữa tài sản khu vực hành chính sự
nghiệp được thực hiện như sau:
1. Mọi tài sản nhà nước trong cơ
quan hành chính sự nghiệp đều phải được bảo dưỡng, sửa chữa theo đúng chế độ,
tiêu chuẩn kỹ thuật về bảo quản, sử dụng tài sản theo qui định của cơ quan nhà
nước có thẩm quyền và dự toán ngân sách được duyệt.
2. Hàng năm, đơn vị thụ hưởng
ngân sách nhà nước căn cứ vào thực trạng tài sản và chế độ, tiêu chuẩn kỹ thuật
về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, lập dự toán chi về bảo dưỡng, sửa chữa
tài sản báo cáo cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp để:
a) Bộ, cơ quan, tổ chức ở trung
ương tổng hợp báo cáo Bộ Tài chính thẩm định, xem xét đưa vào dự toán ngân sách
trình cấp có thẩm quyền quyết định theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà
nước;
b) Sở, ban, cơ quan ở địa phương
và ủy ban nhân dân cấp huyện tổng hợp báo cáo Sở Tài chính - Vật giá thẩm định,
xem xét đưa vào dự toán ngân sách trình cấp có thẩm quyền quyết định theo quy định
của pháp luật về ngân sách nhà nước.
3) Sau khi dự toán chi về bảo dưỡng,
sửa chữa tài sản được duyệt, các cơ quan hành chính sự nghiệp phải sử dụng kinh
phí theo đúng mục đích và có hiệu quả, kết thúc năm ngân sách phải quyết toán số
kinh phí được cấp và báo cáo kết quả bảo dưỡng, sửa chữa tài sản cho cơ quan
tài chính nhà nước trực tiếp cấp kinh phí.
Điều 13.
Việc điều chuyển tài sản nhà nước khu vực hành chính sự
nghiệp được thực hiện theo qui định sau:
1. Tài sản nhà nước do cơ quan
hành chính sự nghiệp đang quản lý, sử dụng chỉ được điều chuyển cho cơ quan
hành chính sự nghiệp hoặc cơ quan, tổ chức khác khi có quyết định của cơ quan
nhà nước có thẩm quyền, trừ trường hợp đặc biệt có lệnh của cơ quan nhà nước có
thẩm quyền điều động tài sản để khắc phục thiên tai, địch họa.
2. Thẩm quyền điều chuyển tài sản
nhà nước được qui định như sau:
a) Thủ tướng Chính phủ quyết định
điều chuyển tài sản nhà nước là đất đai và nhà, công trình xây dựng khác gắn liền
với đất đai giữa các Bộ, cơ quan, tổ chức ở trung ương với nhau, giữa các cơ
quan hành chính sự nghiệp trung ương với các tổ chức khác theo đề nghị của Bộ
trưởng Bộ Tài chính và Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan liên quan.
Trong trường hợp cần thiết Thủ
tướng Chính phủ quyết định điều chuyển tài sản là nhà, đất đai, công trình xây
dựng khác gắn liền với đất đai và các tài sản quan trọng khác giữa cơ quan hành
chính sự nghiệp trung ương với cơ quan hành chính sự nghiệp địa phương theo đề
nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan liên quan ở
Trung ương và Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh;
b) Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết
định điều chuyển các loại tài sản nhà nước còn lại giữa các Bộ, cơ quan, tổ chức
ở trung ương với nhau, giữa cơ quan hành chính sự nghiệp trung ương với các tổ
chức khác theo đề nghị của Bộ, cơ quan liên quan.
Trong trường hợp cần thiết, Bộ
Tài chính quyết định điều chuyển tài sản Nhà nước còn lại giữa các cơ quan hành
chính sự nghiệp trung ương với cơ quan hành chính sự nghiệp địa phương theo đề
nghị của Bộ, cơ quan liên quan ở Trung ương và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh;
c) Bộ trưởng các Bộ, thủ trưởng
các cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ quyết định điều chuyển tài sản
nhà nước giữa các đơn vị hành chính sự nghiệp thụ hưởng ngân sách thuộc nội bộ
ngành trực tiếp quản lý, đồng thời báo cáo Bộ Tài chính theo qui định tại Nghị
định này;
d) Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp
tỉnh quyết định điều chuyển tài sản nhà nước giữa các cơ quan hành chính sự
nghiệp của địa phương theo đề nghị của Giám đốc Sở Tài chính - Vật giá và thủ
trưởng các cơ quan, đơn vị có tài sản điều chuyển, tiếp nhận.
3. Mọi tài sản nhà nước khi điều
chuyển từ cơ quan này sang cơ quan khác phải được kiểm kê, xác định giá trị còn
lại, ghi tăng, giảm tài sản và giá trị tài sản, đăng ký lại tài sản đối với tài
sản phải đăng ký.
4. Bộ Tài chính qui định điều kiện,
trình tự, thủ tục điều chuyển tài sản nhà nước giữa các cơ quan hành chính sự
nghiệp.
Điều 14.
Thu hồi tài sản nhà nước khu vực hành chính sự nghiệp:
1. Tài sản nhà nước bị thu hồi
trong các trường hợp sau:
a) Đơn vị được giao trực tiếp sử
dụng tài sản nhà nước không còn nhu cầu sử dụng hoặc giảm nhu cầu sử dụng do
sáp nhập, hợp nhất, thay đổi chức năng, nhiệm vụ và các nguyên nhân khác;
b) Tài sản nhà nước thừa so với
tiêu chuẩn, định mức được phép sử dụng.
2. Thẩm quyền
thu hồi tài sản nhà nước:
a) Thủ tướng Chính phủ quyết định
thu hồi đất đai, nhà, công trình xây dựng khác gắn liền với đất đai; Bộ trưởng
Bộ Tài chính quyết định thu hồi các tài sản còn lại do các Bộ, cơ quan, tổ chức
ở trung ương quản lý;
b) Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp
tỉnh quyết định thu hồi đất đai, nhà, công trình xây dựng khác gắn liền với đất
đai và phương tiện vận tải; Giám đốc Sở Tài chính - Vật giá quyết định thu hồi
các tài sản còn lại do địa phương quản lý.
3. Cơ quan hành chính sự nghiệp
trực tiếp quản lý, sử dụng tài sản nhà nước bị thu hồi phải thực hiện chuyển
giao đầy đủ tài sản nhà nước theo đúng quyết định thu hồi.
4. Cơ quan tài chính nhà nước có
trách nhiệm tiếp nhận, quản lý tài sản thu hồi và lập phương án sử dụng tài sản
đó để trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền điều chuyển tài sản nhà nước theo
qui định tại Điều 13 của Nghị định này quyết định.
Điều 15.
Xử lý tài sản nhà nước không cần dùng, không còn sử dụng
được:
1. Tài sản không cần dùng, không
còn sử dụng được tại các cơ quan hành chính sự nghiệp phải được xử lý, thanh lý
kịp thời theo đúng qui định của Bộ Tài chính.
2. Toàn bộ tiền thanh lý tài sản
nhà nước sau khi trừ đi các chi phí bảo quản và thanh lý tài sản phải nộp vào
ngân sách nhà nước theo chế độ qui định.
Điều 16.
Tài sản nhà nước giao cho các tổ chức xã hội, tổ chức xã
hội - nghề nghiệp trực tiếp quản lý sử dụng, được điều chuyển, thu hồi hoặc xử
lý theo quy định tại các Điều 13, 14 và 15 của Nghị định này. Riêng đối với trụ
sở làm việc của các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp được Nhà nước
cho thuê.
MỤC II: QUẢN LÝ
TÀI SẢN NHÀ NƯỚC THUỘC KẾT CẤU HẠ TẦNG PHỤC VỤ LỢI ÍCH CÔNG CỘNG, LỢI ÍCH QUỐC
GIA
Điều 17.
1. Tổ chức
được giao quản lý, khai thác, sử dụng tài sản nhà nước thuộc kết cấu hạ tầng có
trách nhiệm đăng ký tài sản nhà nước thuộc kết cấu hạ tầng phục vụ lợi ích công
cộng, lợi ích quốc gia với cơ quan tài chính nhà nước, mở sổ sách theo dõi về
hiện vật và giá trị, báo cáo cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp để tổng hợp báo
cáo cơ quan tài chính nhà nước.
2. Nội dung và thủ tục đăng ký
tài sản nhà nước, trình tự báo cáo thực hiện theo qui định tại Điều
9 của Nghị định này.
Điều 18.
Việc đầu tư xây dựng mới tài sản nhà nước thuộc kết
cấu hạ tầng phục vụ lợi ích công cộng, lợi ích quốc gia thuộc nguồn vốn ngân
sách nhà nước được thực hiện như sau:
1. Căn cứ vào định hướng phát
triển cơ sở hạ tầng phục vụ lợi ích công cộng, lợi ích quốc gia, hàng năm và
dài hạn của Bộ, cơ quan nhà nước, các tổ chức ở Trung ương và địa phương; Bộ,
cơ quan, ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm xây dựng các dự án đầu tư phát
triển cơ sở hạ tầng trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định theo quy định
hiện hành về quản lý đầu tư và xây dựng của Nhà nước.
2. Sau khi dự án hoàn thành đưa
vào khai thác, sử dụng, cơ quan trực tiếp quản lý, sử dụng tài sản phải thực hiện
đăng ký tài sản, mở sổ sách theo dõi cả về giá trị và hiện vật, thực hiện chế độ
báo cáo theo quy định tại Điều 17 của Nghị định này.
Điều 19.
Việc bảo dưỡng, sửa chữa, tôn tạo tài sản nhà nước thuộc
kết cấu hạ tầng phục vụ lợi ích công cộng, lợi ích quốc gia được thực hiện như
sau:
1.Căn cứ vào chế độ quy định về
sử dụng, bảo dưỡng, sửa chữa, tôn tạo và thực trạng của tài sản, hàng năm tổ chức
trực tiếp quản lý, khai thác, sử dụng tài sản nhà nước lập dự toán chi về bảo
dưỡng, sửa chữa, tôn tạo tài sản báo cáo cơ quan chủ quản xem xét, tổng hợp gửi
cơ quan tài chính nhà nước cùng cấp.
2. Cơ quan tài chính nhà nước phối
hợp với các ngành có liên quan, căn cứ vào kế hoạch bảo dưỡng, sửa chữa, tôn tạo
của các đơn vị và khả năng cân đối của ngân sách nhà nước để thẩm định và trình
cấp có thẩm quyền phê duyệt và ghi vào dự toán ngân sách nhà nước hàng năm.
3. Căn cứ vào dự toán được duyệt,
cơ quan tài chính nhà nước tổ chức cấp phát, theo dõi, quản lý, kiểm tra sử dụng
vốn, tham gia nghiệm thu, quyết toán khi công trình hoàn thành.
4. Cơ quan trực tiếp quản lý,
khai thác tài sản có trách nhiệm sử dụng kinh phí đúng mục đích theo dự toán đã
được duyệt.
MỤC III: QUẢN LÝ
MỘT SỐ TÀI SẢN ĐƯỢC XÁC LẬP SỞ HỮU CỦA NHÀ NƯỚC
Điều 20. Việc
xử lý tài sản vô chủ, tài sản bị chôn dấu, chìm đắm được tìm thấy, tài sản bị
đánh rơi, bỏ quên được xác lập sở hữu Nhà nước theo quy định của pháp luật dân
sự; tài sản bị tịch thu sung qũy Nhà nước được qui định như sau:
1. Đối với tài sản có quyết định
bán sung qũy Nhà nước, cơ quan tài chính nhà nước làm thủ tục tiếp nhận tài sản
và tổ chức bán đấu giá theo qui định của pháp luật.
2. Đối với những tài sản là hàng
hoá, vật phẩm dễ bị hư hỏng thì cơ quan ra quyết định tịch thu hoặc cơ quan thi
hành án đối với tài sản có quyết định tịch thu của tòa án hoặc cơ quan đang trực
tiếp quản lý phải tiến hành lập biên bản và tổ chức bán ngay theo qui định của
pháp luật.
3. Đối với tài sản có quyết định
chuyển giao cho các tổ chức quản lý, sử dụng thì cơ quan tài chính nhà nước
cùng với cơ quan hiện đang bảo quản tài sản đó xác định giá trị tài sản để ghi
thu, ghi chi ngân sách, ghi tăng tài sản và làm thủ tục chuyển giao tài sản cho
cơ quan, đơn vị tiếp nhận quản lý, sử dụng.
4. Đối với tài sản là cổ vật, di
tích lịch sử, tổ chức tiếp nhận tài sản phải thông báo cho cơ quan tài chính
nhà nước để cơ quan tài chính nhà nước tổ chức xác định giá trị tài sản, làm thủ
tục bàn giao và thực hiện ghi tăng tài sản nhà nước cho cơ quan nhà nước được
quản lý, sử dụng tài sản.
5. Đối với tài sản là bất động sản
thì tổ chức, cá nhân đang trực tiếp quản lý làm thủ tục bàn giao cho cơ quan
tài chính nhà nước; cơ quan tài chính nhà nước chủ trì phối hợp với các cơ quan
có liên quan lập phương án sử dụng trình Thủ tướng Chính phủ quyết định đối với
bất động sản do cơ quan trung ương quản lý, trình Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp
tỉnh quyết định đối với bất động sản do cơ quan địa phương quản lý và tổ chức
thực hiện các phương án đã được Thủ tướng Chính phủ hoặc Chủ tịch ủy ban nhân
dân tỉnh quyết định.
Trường hợp bất động sản đang được
cơ quan tài chính nhà nước quản lý bao gồm cả tài sản thu hồi theo qui định tại
Điều 14 và Điều 34 của Nghị định này mà chưa có quyết định sử
dụng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì, cơ quan tài chính nhà nước có thể
cho thuê bất động sản để tận thu cho ngân sách và bù đắp chi phí bảo quản. Khi
có quyết định của cơ quan nhà nước về việc sử dụng bất động sản này, thì cơ
quan tài chính nhà nước phải có trách nhiệm thu hồi tài sản cho thuê và thực hiện
theo quyết định đó.
Điều 21.
Toàn bộ tiền thu được từ bán tài sản được xác lập sở hữu nhà nước phải nộp vào
ngân sách nhà nước sau khi trừ đi các chi phí liên quan đến công việc: tìm kiếm,
xác minh, khai quật, trục vớt hoặc điều tra, bắt giữ, vận chuyển, giao nhận, bảo
quản, chi thưởng, tổ chức bán đấu giá và tiền chi trả cho người được hưởng một
phần của giá trị tài sản theo qui định của pháp luật và các khoản chi khác có
liên quan.
Điều 22. Tổ
chức, cơ quan nhà nước được các tổ chức, cá nhân trong nước hoặc nước ngoài hiến,
tặng, để lại, thừa kế, đóng góp hoặc chuyển giao tài sản dưới các hình thức
khác có trách nhiệm thông báo cho cơ quan tài chính nhà nước cùng cấp và có
trách nhiệm quản lý, sử dụng các tài sản này theo đúng qui định của Nhà nước.
Cơ quan tài chính nhà nước có
trách nhiệm tổ chức việc định giá tài sản để ghi thu, ghi chi ngân sách nhà nước;
đồng thời ghi tăng tài sản cho đơn vị sử dụng tài sản.
Điều 23.
Tài sản viện trợ không hoàn lại được quản lý như sau:
1. Cơ quan, đơn vị nhận tài sản
viện trợ phải báo cáo cơ quan tài chính nhà nước để ghi thu, ghi chi ngân sách
nhà nước; đồng thời ghi tăng hàng hoá, vật tư tài sản nhà nước cho đơn vị để quản
lý và sử dụng theo đúng qui định của Nhà nước. Riêng tài sản viện trợ dưới hình
thức hiện vật phải định giá trước khi ghi thu, ghi chi ngân sách nhà nước.
2. Tài sản viện trợ cho dự án hoặc
phục vụ cho hoạt động của Ban quản lý dự án được xác lập là tài sản nhà nước,
sau khi dự án kết thúc thì Ban quản lý dự án phải báo cáo cơ quan tài chính nhà
nước để xác định số lượng, giá trị tài sản và thực hiện chuyển giao cho cơ quan
sử dụng theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Đơn vị tiếp nhận
tài sản phải thực hiện quản lý và sử dụng tài sản theo qui định tại Nghị định
này và các văn bản pháp luật khác có liên quan.
MỤC IV: QUẢN LÝ
TÀI SẢN DỰ TRỮ NHÀ NƯỚC
Điều 24.
Tổ chức được Chính phủ giao quản lý tài sản dự trữ nhà
nước phải kiểm tra, đánh giá lại chất lượng, số lượng tài sản hiện có, xác định
mức dự trữ nhà nước, theo định kỳ hoặc đột xuất báo cáo Cục Dự trữ quốc gia để
tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ và đồng gửi Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu
tư.
Điều 25.
Cục Dự trữ quốc gia có trách nhiệm tổng hợp nhu cầu hàng
hoá, vật tư dự trữ, thống nhất với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để lập kế
hoạch dự trữ hàng hoá, vật tư trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Bộ Tài chính thẩm định nhu cầu bổ
sung vốn cho dự trữ hàng hoá, vật tư để ghi vào dự toán ngân sách nhà nước theo
qui định của pháp luật về ngân sách nhà nước.
Điều 26.
Bộ Tài chính phối hợp với Cục Dự trữ quốc gia và các
Bộ, ngành liên quan thực hiện:
1. Kiểm tra hàng hoá, vật tư dự
trữ bị hư hỏng, giảm phẩm chất, hao hụt hoặc dôi thừa trình Thủ tướng Chính phủ
xem xét, quyết định xử lý.
2. Kiểm tra quyết toán nguồn vốn
ngân sách nhà nước cấp bao gồm: vốn mua hàng hoá, vật tư dự trữ; vốn bù đắp hao
hụt tự nhiên trong quá trình dự trữ và kinh phí bảo quản hàng hoá vật tư dự trữ.
MỤC V: QUẢN LÝ ĐẤT
ĐAI VÀ TÀI NGUYÊN THIÊN NHIÊN KHÁC
Điều 27.
Đối với đất đai, tài nguyên thiên nhiên khác, cơ
quan chuyên ngành quản lý đất đai, tài nguyên thiên nhiên phải báo cáo định kỳ
hàng năm hoặc đột xuất về qũy đất, trữ lượng tài nguyên thiên nhiên, số liệu,
thông tin về kết quả điều tra, khảo sát, thăm dò tài nguyên thiên nhiên cho cơ
quan nhà nước có thẩm quyền và Bộ Tài chính.
Điều 28.
Việc quản lý kinh phí về điều tra, quy hoạch, đo đạc
và lập bản đồ địa chính; điều tra, khảo sát, thăm dò tài nguyên thiên nhiên (trừ
dầu khí) được quy định như sau:
1. Căn cứ vào khối lượng công
tác điều tra, quy hoạch, đo đạc lập bản đồ địa chính; điều tra, khảo sát, thăm
dò tài nguyên khoáng sản; điều tra bảo vệ tài nguyên rừng, nguồn lợi thuỷ sản
(dưới đây gọi chung là công tác điều tra cơ bản và bảo vệ tài nguyên) được cơ
quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, cơ quan được giao nhiệm vụ điều tra cơ bản
và bảo vệ tài nguyên lập dự toán báo cáo cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp và
gửi cơ quan tài chính nhà nước, cơ quan kế hoạch và đầu tư thẩm tra để ghi vào
dự toán ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.
2. Căn cứ vào dự toán ngân sách
nhà nước đã được phê duyệt, cơ quan tài chính nhà nước tổ chức cấp phát kinh
phí, kiểm tra việc sử dụng, kiểm tra quyết toán kinh phí theo chế độ quản lý
tài chính hiện hành.
Điều 29.
1. Cơ
quan tài chính nhà nước trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định phương
án xác định nguồn thu và các khoản chi trước khi quyết định thu hồi đất, giao đất
hoặc cho thuê đất.
2. Cơ quan tài chính nhà nước chủ
trì phối hợp với các ngành liên quan xác định giá đất trình cơ quan nhà nước có
thẩm quyền quyết định để: đền bù thiệt hại về đất khi thu hồi, thu tiền sử dụng
đất khi giao đất có thu tiền sử dụng đất, tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất,
xác định giá trị quyền sử dụng đất để góp vốn liên doanh, xác định giá trị tài
sản khi giao đất, xác định tiền thuê đất.
3. Việc khai thác, sử dụng các
nguồn tài nguyên thiên nhiên được thực hiện theo phương thức đấu thầu hoặc hợp
đồng khai thác. Bộ Tài chính phối hợp với các Bộ, ngành quản lý chuyên ngành định
giá đấu thầu, giá hợp đồng khai thác, qui định thể thức đấu thầu cho từng trường
hợp cụ thể, xây dựng chế độ quản lý tài chính đối với các hoạt động điều tra,
khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên.
4. Tổ chức, cá nhân sử dụng tài
liệu, thông tin của Nhà nước về kết quả điều tra, khảo sát, thăm dò tài nguyên
thiên nhiên nhằm mục đích khai thác mỏ hoặc thăm dò tiếp để khai thác mỏ phải
trả tiền theo quy định của pháp luật.
Chương 3:
NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN VỀ
QUẢN LÝ TÀI SẢN NHÀ NƯỚC
Điều 30.
Chính phủ thống nhất quản lý tài sản nhà nước.
Điều 31.
Nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tài chính:
1. Lập phương án và trình Chính
phủ quyết định phương hướng phát triển và sử dụng tài sản nhà nước trong khu vực
hành chính sự nghiệp.
2. Chủ trì phối hợp với các Bộ,
ngành trong việc xây dựng chế độ quản lý, tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản
trong khu vực hành chính sự nghiệp.
3. Chủ trì phối hợp với các Bộ,
ngành trong việc xây dựng chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi và quản lý chi tiêu
nhằm quản lý, khai thác, sử dụng có hiệu quả tài sản nhà nước.
4. Tổ chức quản lý, kiểm tra việc
sử dụng tài sản nhà nước trong các Bộ, ngành, địa phương, đơn vị được giao trực
tiếp quản lý sử dụng tài sản nhà nước.
Điều 32.
Nhiệm vụ, quyền hạn của các Bộ, cơ quan, tổ chức ở Trung
ương có quản lý và sử dụng tài sản nhà nước:
1. Lập kế hoạch đầu tư xây dựng,
mua sắm tài sản nhà nước thuộc cơ quan, đơn vị mình quản lý, sử dụng.
2. Tổ chức quản lý, sử dụng tài
sản nhà nước thuộc Bộ, ngành quản lý, sử dụng đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức
được Nhà nước quy định.
3. Kiểm tra việc thực hiện quản
lý và sử dụng tài sản nhà nước của các đơn vị thuộc bộ, cơ quan phụ trách.
4. Thực hiện đúng chế độ hạch
toán, đăng ký và báo cáo về tài sản nhà nước theo quy định của Nghị định này.
Điều 33.
Nhiệm vụ, quyền hạn của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh:
1. Tổ chức quản lý và sử dụng
tài sản nhà nước theo đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức quy định.
2. Kiểm tra việc quản lý và sử dụng
tài sản nhà nước của tất cả các ngành, các cấp do địa phương quản lý.
3. Quyết định việc đầu tư xây dựng,
mua sắm, điều chuyển và thu hồi tài sản nhà nước ở địa phương theo quy định của
Nghị định này và các quy định khác của pháp luật.
4. Quyết định các biện pháp nhằm
tăng cường quản lý tài sản nhà nước.
5. Chỉ đạo các ngành, các cấp thực
hiện đúng chế độ hạch toán, đăng ký và báo cáo về tài sản nhà nước theo quy định
của Nghị định này.
6. Căn cứ vào thực tế của địa
phương phân cấp quản lý tài sản nhà nước cho các ngành, các cấp thuộc cấp tỉnh
quản lý.
Chương 4:
XỬ LÝ VI PHẠM VÀ KHEN
THƯỞNG
Điều 34.
Việc xử lý những vi phạm về quản lý, sử dụng tài sản nhà
nước được qui định như sau:
1. Tổ chức trực tiếp quản lý, sử
dụng tài sản nhà nước mà không đăng ký tài sản và báo cáo tài sản theo qui định
tại Nghị định này sẽ bị:
a) Buộc phải đăng ký và báo cáo
tài sản theo yêu cầu của cơ quan tài chính nhà nước;
b) Thu hồi tài sản, nếu sau khi
kiểm tra mà phát hiện số tài sản này vượt định mức, tiêu chuẩn sử dụng, hoặc sử
dụng kém hiệu quả.
2. Tổ chức, cá nhân sử dụng tài
sản nhà nước không đúng tiêu chuẩn hoặc vượt định mức sẽ bị thu hồi.
3. Tổ chức đang sử dụng tài sản
nhà nước khi có quyết định thu hồi của cơ quan nhà nước có thẩm quyền mà không
thực hiện bàn giao đúng thời hạn sẽ bị xử lý như sau:
a) Bị cưỡng chế bàn giao theo
yêu cầu của cơ quan tài chính nhà nước;
b) Chuyển toàn bộ tài sản này
sang hình thức cho thuê, đơn vị phải tự chi trả tiền thuê tài sản nhà nước.
4. Tổ chức, cá nhân sử dụng tài
sản không đúng mục đích:
a) Bị thu hồi toàn bộ thu nhập do
việc sử dụng sai mục đích tài sản nhà nước mà có;
b) Trường hợp bị xử lý mà vẫn sử
dụng tài sản sai mục đích thì sẽ bị thu hồi tài sản.
5. Thẩm quyền xử lý vi phạm về
quản lý, sử dụng tài sản nhà nước qui định tại khoản 1, 2, 3, 4 Điều này được
qui định như sau:
a) Cơ quan có thẩm quyền thu hồi
tài sản hoặc chuyển tài sản sang cho thuê là cơ quan có thẩm quyền thu hồi tài
sản theo qui định tại Khoản 2, Điều 14 của Nghị định này.
b) Việc thu hồi thu nhập do việc
sử dụng tài sản sai mục đích thuộc thẩm quyền của cơ quan tài chính nhà nước.
Điều 35.
Tổ chức, cá nhân được giao trực tiếp quản lý sử dụng
tài sản nhà nước vi phạm quản lý sử dụng tài sản nhà nước theo qui định của Nghị
định này và các văn bản pháp luật khác có liên quan thì tuỳ theo mức độ vi phạm
mà bị xử lý kỷ luật, bồi thường thiệt hại cho Nhà nước hoặc truy cứu trách nhiệm
hình sự theo qui định của pháp luật.
Điều 36.
Tổ chức, cá nhân bị xử lý vi phạm về quản lý, sử dụng
tài sản nhà nước nếu thấy không đúng thì có quyền khiếu nại với cơ quan ra quyết
định xử lý. Cơ quan bị khiếu nại phải giải quyết theo quy định của pháp luật về
khiếu nại, tố cáo của công dân và phải bồi thường thiệt hại theo qui định của
pháp luật nếu gây thiệt hại.
Điều 37.
Người có công phát hiện các hành vi xâm phạm hoặc làm
lãng phí tài sản nhà nước được khen thưởng theo chế độ hiện hành của Nhà nước.
Chương 5 :
ĐIỀU KHOẢN CUỐI CÙNG
Điều 38.
Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày ký. Những
quy định trước đây về quản lý tài sản nhà nước trái với Nghị định này đều bị
bãi bỏ.
Bộ trưởng Bộ Tài chính chịu
trách nhiệm hướng dẫn chi tiết, tổ chức thực hiện Nghị định này.
Điều 39.
Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng
cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc
Trung ương và Thủ trưởng các tổ chức, cơ quan liên quan khác chịu trách nhiệm
thi hành Nghị định này.