HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH NINH THUẬN
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 40/2014/NQ-HĐND
|
Phan Rang - Tháp Chàm, ngày 25 tháng 12 năm
2014
|
NGHỊ QUYẾT
PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN VỀ CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ NHÂN RỘNG CÁC MÔ HÌNH
SẢN XUẤT CÓ HIỆU QUẢ, GẮN VỚI CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA XÂY DỰNG NÔNG THÔN
MỚI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH THUẬN ĐẾN NĂM 2020
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH NINH THUẬN
KHOÁ IX KỲ HỌP THỨ 12
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân
dân và Ủy ban nhân dân năm 2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy
phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân năm 2004;
Căn cứ Luật Ngân sách Nhà nước năm
2002;
Căn cứ Nghị định số 60/2003/NĐ-CP
ngày 06 tháng 6 năm 2003 của Chính phủ về quy định chi tiết và hướng dẫn thi
hành Luật Ngân sách Nhà nước và Nghị định số 42/2012/NĐ-CP ngày 11 tháng 5 năm
2012 của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa;
Thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW
ngày 05 tháng 8 năm 2008 của Ban chấp hành Trung ương Đảng (khoá X) về nông
nghiệp, nông dân, nông thôn;
Thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TU
ngày 24 tháng 5 năm 2011 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Ninh Thuận lần thứ XII
về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng thực hiện chủ trương xây dựng nông
thôn mới đến năm 2020;
Thực hiện Quyết định số 800/QĐ-TTg
ngày 04 tháng 6 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục
tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020; Quyết định số
491/QĐ-TTg ngày 16 tháng 4 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban
hành Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới; Quyết định số 342/QĐ-TTg ngày 20
tháng 02 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi một số tiêu chí của Bộ tiêu
chí quốc gia về nông thôn mới; Quyết định số 50/2014/QĐ-TTg ngày 04 tháng 9 năm
2014 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi
nông hộ giai đoạn 2015 - 2020; Quyết định số 1049/QĐ-TTg ngày 26 tháng 6 năm
2014 của Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục các đơn vị hành chính thuộc vùng
khó khăn; Quyết định số 54/QĐ-BNN-KHCN ngày 09 tháng 01 năm 2014 của Bộ Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành các định mức tạm thời áp dụng cho các
Chương trình, dự án khuyến nông thuộc lĩnh vực chăn nuôi;
Sau khi xem xét Tờ trình số 94/TTr-UBND
ngày 04 tháng 12 năm 2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh
về chính sách hỗ trợ nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả, gắn với Chương
trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận đến
năm 2020; Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế và Ngân sách và ý kiến của đại biểu
Hội đồng nhân dân tỉnh,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Phê duyệt Đề án về Chính
sách hỗ trợ nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả gắn với Chương trình mục
tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận đến năm 2020,
với những nội dung chính như sau:
I. Mục tiêu
1. Về tăng trưởng sản xuất: phấn đấu
thời kỳ 2011 - 2020 tăng trưởng giá trị sản xuất toàn ngành đạt 6,5%/năm, giai
đoạn 2011 - 2015 là 6,5%/năm, giai đoạn 2016 - 2020 là 6,4%/năm.
2. Về nông nghiệp: đẩy mạnh ứng dụng
khoa học kỹ thuật và công nghệ, nhất là công nghệ sinh học, đa dạng hoá cây trồng,
nâng cao giá trị sử dụng đất. Tốc độ tăng trưởng thời kỳ 2011 - 2020 là
5,2%/năm, giai đoạn 2011 - 2015 là 6,0%/năm, giai đoạn 2016 - 2020 là
4,4%/năm. Trong đó:
- Lĩnh vực trồng trọt: đến năm 2020 ổn
định 18,2 nghìn ha đất trồng lúa; 23 nghìn ha cây bắp; 2,5 nghìn ha cây nho; 01
nghìn ha cây táo;
- Phát triển chăn nuôi nông hộ: khuyến
khích phát triển theo hướng trang trại, công nghiệp, bán công nghiệp gắn với
công nghiệp chế biến; nâng cao chất lượng đàn gia súc, gia cầm; đến năm 2020
quy mô đàn gia súc đạt 555 nghìn con, tỷ lệ bò lai sind 50%; dê, cừu lai đạt 60
- 65%; tỷ trọng chăn nuôi trong nông nghiệp chiếm 33,9%.
3. Đến năm 2015 toàn tỉnh có 11 xã đạt
19 tiêu chí trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; tỷ lệ
hộ nghèo bình quân toàn tỉnh dưới 8% theo chuẩn mới; có 65% số xã có ít nhất một
hợp tác xã hoạt động có hiệu quả; xây dựng các hợp tác xã tiêu thụ nông sản,
phát triển làng nghề, làng nghề mới; xây dựng khu chăn nuôi gia súc, gia cầm,
nuôi thủy sản tập trung có hệ thống xử lý chất thải đảm bảo tiêu chuẩn môi trường.
4. Đến năm 2020 toàn tỉnh có 23 xã đạt
19 tiêu chí trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; tỷ lệ
hộ nghèo bình quân toàn tỉnh dưới 5%; có 75% số xã có ít nhất một hợp tác xã hoạt
động có hiệu quả.
II. Đối tượng, thời
gian, quy mô và nguyên tắc hỗ trợ
1. Đối tượng hỗ trợ: các hợp tác xã,
tổ hợp tác, hộ gia đình, cá nhân có địa chỉ cư trú hợp pháp trên địa bàn tỉnh
được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận có nhu cầu, trực tiếp sản xuất trong nông
nghiệp.
2. Thời gian thực hiện: giai đoạn năm
2015 - 2020.
3. Quy mô hỗ trợ:
- Mô hình trồng lúa “1 phải 5 giảm”:
15.000 ha;
- Mô hình trồng bắp lai: 15.050 ha;
- Mô hình trồng rau an toàn theo tiêu
chuẩn VietGAP: 1.657 ha;
- Mô hình sản xuất tỏi an toàn theo
tiêu chuẩn VietGAP: 236 ha;
- Mô hình trồng nho an toàn theo tiêu
chuẩn VietGAP: 1.050 ha;
- Mô hình trồng táo an toàn theo tiêu
chuẩn VietGAP: 1.000 ha;
- Mô hình cơ giới hoá trong nông nghiệp:
81 máy;
- Mô hình cải tạo đàn bò: 103.700
con;
- Mô hình cải tạo đàn cừu: 15.900
con;
- Mô hình cải tạo đàn dê: 14.200 con.
4. Nguyên tắc hỗ trợ:
a) Nguồn vốn ngân sách Nhà nước chỉ hỗ
trợ một phần, phần còn lại do các tổ chức, cá nhân được hưởng lợi từ Nghị quyết
này tự đóng góp và vốn vay ngân hàng;
b) Các đối tượng chỉ được hưởng chính
sách hỗ trợ một lần theo mức của Đề án này. Trong trường hợp các vùng, địa
phương, hộ nông dân được lồng ghép nhiều chương trình, dự án có mức hỗ trợ cao
hơn sẽ được hưởng mức hỗ trợ của chương trình, dự án có lợi nhất và sẽ không được
hỗ trợ từ Đề án này;
c) Khuyến khích các tổ chức, cá nhân sử
dụng vốn tự có và tranh thủ cơ chế, lồng ghép, các chính sách hiện hành của Nhà
nước để nhân rộng mô hình, tổ chức sản xuất có hiệu quả;
d) Bảo đảm đúng đối tượng, công bằng,
hiệu quả, có kiểm tra, kiểm soát, rà soát thường xuyên.
5. Điều kiện được hỗ trợ:
a) Đối với sản xuất trồng trọt:
- Các loại cây trồng phải phù hợp với
quy hoạch sản xuất chi tiết của xã đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; phù
hợp với điều kiện về đất đai, khí hậu, nhu cầu thị trường, sản xuất theo mô
hình tiên tiến, có hiệu quả, áp dụng quy trình kỹ thuật đã được cơ quan có thẩm
quyền ban hành.
- Các giống cây trồng phải đảm bảo
tiêu chuẩn chất lượng theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
- Phải chấp hành nghiêm túc lịch thời
vụ, quy trình sản xuất do ngành nông nghiệp khuyến cáo.
- Các đối tượng được hưởng chính sách
hỗ trợ để nhân rộng mô hình phải cam kết sau khi kết thúc mô hình sẽ tiếp tục tự
thực hiện và phải có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã;
b) Đối với chăn nuôi:
- Điều kiện chung:
+ Người chăn nuôi có nhu cầu, làm đơn
đăng ký và được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận.
+ Cam kết thực hiện nghiêm kỹ thuật
chăn nuôi an toàn theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
+ Mua loại giống phù hợp yêu cầu của
địa phương; có nguồn gốc từ các cơ sở sản xuất giống vật nuôi, có lý lịch rõ
ràng; có tiêu chuẩn chất lượng phù hợp theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn.
- Điều kiện cụ thể:
+ Chăn nuôi bò:
* Mỗi hộ gia đình chăn nuôi từ 10 con
bò sinh sản trở lên.
* Sử dụng loại tinh theo yêu cầu của
địa phương, có nhãn mác rõ ràng và tiêu chuẩn chất lượng phù hợp hướng dẫn của
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
* Mỗi hộ chỉ được hỗ trợ mua một bò đực
giống.
+ Chăn nuôi dê, cừu: mỗi hộ gia đình
được hỗ trợ 01 con dê hoặc cừu đực giống; và phải có quy mô đàn từ 20 con dê hoặc
cừu cái sinh sản trở lên;
c) Đối với mô hình cơ giới hoá trong
nông nghiệp:
- Các đối tượng có ký kết hợp đồng
liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản, dịch vụ thu hoạch với tổ hợp tác, hợp tác
xã hoặc nông dân;
- Các loại máy, thiết bị quy định tại
khoản 2, Điều 1 Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg ngày 14 tháng 11 năm 2013 của Thủ
tướng Chính phủ là máy, thiết bị mới, chất lượng phù hợp tiêu chuẩn công bố
theo quy định của pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hoá.
- Đối tượng được nhận hỗ trợ nhân rộng
mô hình cơ giới hoá phải cam kết sử dụng nguồn vốn tín dụng và hỗ trợ lãi vay
đúng mục đích.
6. Định mức hỗ trợ:
a) Các mô hình trồng trọt: ngân sách
hỗ trợ 30% (xã đồng bằng), 40% (xã miền núi, khó khăn) về chi phí mua giống
lúa, bắp, rau, nho, táo, tỏi (phù hợp với điều kiện hỗ trợ theo Đề án này);
b) Mô hình chăn nuôi:
- Hỗ trợ phối giống nhân tạo hàng năm
đối với bò: hỗ trợ 100% kinh phí vật tư phối giống nhân tạo (tinh đông lạnh và
Nitơ lỏng, găng tay, dẫn tinh quản) cho các hộ chăn nuôi để phối giống cho bò
cái sinh sản. Mức hỗ trợ không quá 2 liều tinh/bò thịt/năm.
- Hỗ trợ mua bò đực giống: hỗ trợ một
lần đến 50% giá trị con bò đực giống cho các hộ chăn nuôi ở địa bàn có điều kiện
kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn để thực hiện phối giống dịch vụ. Mức hỗ trợ
không quá 20 triệu đồng/con, đối với bò đực giống từ 12 tháng tuổi trở lên.
- Hỗ trợ mua dê hoặc cừu đực giống:
ngân sách hỗ trợ 30% (xã đồng bằng), 40% (xã miền núi, khó khăn) về chi phí mua
giống để cải tạo đàn dê, cừu;
c) Mô hình cơ giới hoá trong nông
nghiệp:
- Chính sách nhân rộng
mô hình cơ giới hoá trong nông nghiệp được hưởng chính sách ưu đãi về tín dụng
quy định tại khoản 2, Điều 1 Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg ngày 14 tháng 11 năm
2013 của Thủ tướng Chính phủ. Mức vay, mức hỗ trợ lãi suất, thời gian hỗ trợ cụ thể:
+ Mức vay tối đa để mua các loại máy
móc, thiết bị bằng 100% giá trị hàng hoá.
+ Hỗ trợ 100% lãi
suất vốn vay trong hai năm đầu, 50% trong năm thứ ba.
- Về chủng loại máy móc, thiết bị được
quy định tại Thông tư số 08/2014/TT-BNNPTNT ngày 20 tháng 3 năm 2014 của Bộ
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
III. Kinh phí thực
hiện Đề án
1. Tổng nhu cầu nguồn vốn hỗ trợ giai
đoạn 2015 - 2020 trên địa bàn tỉnh là 95.881 triệu đồng. Trong đó:
- Nguồn vốn lồng ghép từ các chương
trình, dự án: 20.490 triệu đồng;
- Nguồn vốn ngân sách địa phương:
21.566 triệu đồng;
- Nguồn vốn của Trung ương: 53.825
triệu đồng.
2. Phân kỳ nguồn vốn:
a) Năm 2015: 19.836 triệu đồng; trong
đó:
- Vốn từ các chương trình, dự án:
2.493 triệu đồng (trong đó: Vốn các chương trình, dự án do Ban Dân tộc quản lý:
640 triệu đồng; vốn Chương trình 30a: 1.853 triệu đồng).
- Nguồn vốn ngân sách địa phương:
3.303 triệu đồng (trong đó: vốn ngân sách 1,5 tỷ; vốn Chương trình nông thôn mới:
1,803 tỷ).
- Nguồn vốn của Trung ương: 14.040
triệu đồng (cải tạo đàn bò: 2.208 triệu đồng; vốn vay: 11.832 triệu đồng);
b) Giai đoạn 2016 - 2020: 76.045 triệu
đồng; trong đó:
- Vốn từ các chương trình, dự án:
15.590 triệu đồng (trong đó: vốn các chương trình, dự án do Ban Dân tộc quản
lý: 4.778 triệu đồng; vốn Chương trình 30a: 10.812 triệu đồng).
- Nguồn vốn ngân sách địa phương:
20.667 triệu đồng.
- Nguồn vốn của Trung ương: 39.788
triệu đồng (cải tạo đàn bò: 13.910 triệu đồng; vốn vay: 25.878 triệu đồng).
IV. Các giải pháp
thực hiện Đề án
1. Tăng cường công tác tuyên truyền
nâng cao nhận thức của cộng đồng về quan điểm, mục tiêu nhân rộng các mô hình sản
xuất có hiệu quả gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
2. Rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy
hoạch chi tiết sản xuất nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi) đảm bảo phù hợp,
phát huy lợi thế từng vùng, nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất.
3. Tập trung mọi nguồn lực địa
phương, lồng ghép các chương trình, dự án, đồng thời tăng cường kêu gọi các
doanh nghiệp, tổ chức đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; nhất là việc
đầu tư nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả trên địa bàn tỉnh.
4. Đẩy mạnh nghiên cứu và áp dụng những
tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất thông qua phát triển hệ thống khuyến
nông cơ sở, sử dụng giống mới có năng suất và chất lượng cao; gắn sản xuất với
bảo quản, chế biến sau thu hoạch theo hướng hiện đại, nhằm nâng cao giá trị gia
tăng của sản phẩm.
5. Hướng dẫn thành lập các tổ, nhóm hộ,
các tổ chức liên kết, liên minh sản xuất nông nghiệp đảm bảo phù hợp với tình
hình thực tế, quy định của pháp luật, nhằm thu hút các doanh nghiệp, hợp tác
xã, tổ hợp tác liên kết với nông dân trong sản xuất và bao tiêu sản phẩm theo
mô hình “cánh đồng lớn”.
6. Các địa phương chủ động dành nguồn
kinh phí sự nghiệp nông nghiệp hàng năm để hỗ trợ cho công tác tổ chức tập huấn,
tuyên truyền để chuyển giao và nhân rộng mô hình có hiệu quả trên địa bàn quản
lý; mời, gọi các doanh nghiệp tham gia đầu tư, liên kết tiêu thụ nông sản; phối
hợp với ngành nông nghiệp xây dựng mô hình “cánh đồng lớn”.
7. Xây dựng kế hoạch triển khai nhân
rộng các mô hình sản xuất của Ủy ban nhân dân tỉnh vào hàng năm nhằm xác định
rõ dự toán ngân sách tỉnh hỗ trợ thực hiện đề án trong năm ngân sách.
Điều 2. Tổ chức
thực hiện
1. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh căn cứ
nhiệm vụ, quyền hạn triển khai thực hiện Nghị quyết theo quy định pháp luật.
2. Giao Thường trực Hội đồng nhân dân,
các Ban Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực
hiện Nghị quyết.
Nghị quyết này được Hội đồng nhân dân
tỉnh Ninh Thuận khoá IX, kỳ họp thứ 12 thông qua ngày 16 tháng 12 năm 2014 và
có hiệu lực thi hành sau 10 ngày./.
|
CHỦ TỊCH
Nguyễn Đức Thanh
|