Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Số hiệu: 1607/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Vĩnh Long Người ký: Nguyễn Văn Liệt
Ngày ban hành: 10/07/2023 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH VĨNH LONG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1607/QĐ-UBND

Vĩnh Long, ngày 10 tháng 7 năm 2023

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH KẾ HOẠCH SẢN XUẤT CÂY TRỒNG CHỦ LỰC VÀ TIỀM NĂNG ĐẾN NĂM 2030 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH VĨNH LONG

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;

Căn cứ Quyết định số 4085/QĐ-BNN-TT ngày 27/10/2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc phê duyệt đề án phát triển cây ăn quả chủ lực đến năm 2025 và 2030;

Căn cứ Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 01/12/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2021-2030;

Căn cứ Quyết định số 1316/QĐ-UBND ngày 02/6/2021 của UBND tỉnh về việc ban hành Kế hoạch thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2021-2025;

Căn cứ Quyết định số 1314/QĐ-UBND ngày 03/6/2021 của UBND tỉnh về việc ban hành kế hoạch triển khai đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long nhằm phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh đề ra giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050;

Theo đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 135/TTr- SNN&PTNT ngày 21/6/2023.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Kế hoạch sản xuất cây trồng chủ lực và tiềm năng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long”.

Điều 2. Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Kế hoạch sản xuất cây trồng chủ lực và tiềm năng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long; Tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về kết quả phát triển sản phẩm cây trồng chủ lực và tiềm năng của tỉnh theo quy định.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Thủ trưởng các sở, ngành tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành./.


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ Nông nghiệp & PTNT;
- TT.TU, TT. HĐND tỉnh;
- CT, các PCT.UBND tỉnh;
- LĐVP. UBND tỉnh;
- Phòng KT-NV;
- Lưu: VT.4.01.05.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Liệt

KẾ HOẠCH

SẢN XUẤT CÂY TRỒNG CHỦ LỰC VÀ TIỀM NĂNG ĐẾN NĂM 2030 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH VĨNH LONG
(Kèm theo Quyết định số 1607/QĐ-UBND ngày 10 tháng 7 năm 2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long)

Căn cứ Quyết định số 4085/QĐ-BNN-TT ngày 27/10/2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc phê duyệt đề án phát triển cây ăn quả chủ lực đến năm 2025 và 2030;

Căn cứ Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 01/12/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2021-2030;

Căn cứ Quyết định số 1316/QĐ-UBND ngày 02/6/2021 của UBND tỉnh về việc ban hành Kế hoạch thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2021-2025;

Căn cứ Quyết định số 1314/QĐ-UBND ngày 03/6/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long về việc ban hành kế hoạch triển khai đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long nhằm phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh đề ra giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Nhằm định hướng và đề ra giải pháp thúc đẩy phát triển sản xuất cây trồng chủ lực và tiềm năng trên địa bàn tỉnh với quy mô lớn và tập trung, chất lượng cao theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, giá trị gia tăng, ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại và thích ứng với biến đổi khí hậu, liên kết trong sản xuất-chế biến-tiêu thụ, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, tăng giá trị xuất khẩu, thúc đẩy cơ cấu lại ngành nông nghiệp, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch sản xuất cây trồng chủ lực và tiềm năng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long, với các nội dung như sau:

I. KHÁI QUÁT TÌNH HÌNH

Mục tiêu của kế hoạch thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2021-2025 xác định đẩy mạnh chuyển đổi sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp hiệu quả, hướng đến phát triển bền vững. Phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp sạch, chất lượng và hiệu quả, giá trị gia tăng cao, ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại và thích ứng với biến đổi khí hậu. Trong đó, tập trung đẩy mạnh phát triển các sản phẩm đáp ứng yêu cầu về an toàn thực phẩm, thực hành nông nghiệp tốt đối với cây ăn trái, đồng thời phát triển sản xuất kết hợp du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp. Trọng tâm nhất, thực hiện đẩy mạnh các hoạt động tổ chức sản xuất, sơ chế, chế biến, xúc tiến thương mại, phát triển thị trường; xây dựng chương trình hỗ trợ, phát triển nhóm sản phẩm nông sản chủ lực và tiềm năng của tỉnh theo Quyết định số 527/QĐ- UBND ngày 06/3/2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc ban hành Danh mục sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh Vĩnh Long. Đồng thời, nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 01/12/2021 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2021-2030, Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 45/2022/NQ-HĐND ngày 14/12/2022 ban hành quy định chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2022-2030 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long. Nghị quyết đã quy định chính sách hỗ trợ về ứng dụng công nghệ cao lĩnh vực trồng trọt và sử dụng phân hữu cơ đối với cơ sở có sản xuất các nông sản trồng trọt chủ lực và tiềm năng của tỉnh như: lúa, khoai lang, bưởi Năm Roi, bưởi Da Xanh, cam Sành; nhãn, xoài, sầu riêng, chôm chôm, thanh long, dừa, mít; rau củ quả thực phẩm.

Cho đến nay, diện tích cây trồng chủ lực và tiềm năng của tỉnh đạt trên 180.000 ha. Trong đó, diện tích gieo trồng lúa hàng năm chiếm cao nhất 112.393 ha, tiếp theo diện tích trồng cây cam Sành: 17.734 ha (tập trung tại các huyện Trà Ôn, Tam Bình và Vũng Liêm) và bưởi: 8.971 ha (đặc biệt là bưởi Năm Roi trồng tập trung tại thị xã Bình Minh, huyện Trà Ôn và huyện Tam Bình). Riêng đối với nhóm cây ăn quả chủ lực và tiềm năng (cam, bưởi, xoài, nhãn, chôm chôm, sầu riêng, mít, dừa) có diện tích gần 60.000 ha, với sản lượng trên 1,3 triệu tấn/năm. Các vùng sản xuất tập trung có tiềm năng từng bước hình thành với quy mô lớn, có thể nghiên cứu áp dụng những tiến bộ kỹ thuật cho năng suất, chất lượng cao phục vụ nhu cầu thị trường. Tuy nhiên, hiện nay giá trị sản phẩm được sản xuất dưới các hình thức hợp tác, liên kết, nhất là sản xuất tập trung tạo ra hàng hóa quy mô lớn; diện tích sử dụng giống chất lượng cao; diện tích sử dụng giống chất lượng cao; tỷ lệ diện tích cây trồng chủ lực và tiềm năng áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt hoặc tương đương tương đối thấp, chưa đáp ứng với mục tiêu đặt ra về thực hiện ”Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050” của tỉnh Vĩnh Long.

Vì vậy, việc xác định mục tiêu và định hướng các nội dung cho kế hoạch đẩy mạnh sản xuất cây trồng chủ lực và tiềm năng trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long là rất cần thiết nhằm góp phần xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa dựa trên lợi thế địa phương, theo hướng hiện đại, có năng suất, chất lượng, hiệu quả, bền vững, có sức cạnh tranh cao; góp phần đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, ổn định kinh tế xã hội, phòng chống thiên tai, dịch bệnh, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.

II. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Tổ chức triển khai có hiệu quả Quyết định số 4085/QĐ-BNN-TT ngày 21/10/2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc phê duyệt Đề án phát triển cây ăn quả chủ lực đến năm 2025 và 2030; Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 01/12/2021 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2021-2030 và các văn bản có liên quan đến thực hiện thành công mục tiêu cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Vĩnh Long.

2. Yêu cầu

Xác định cụ thể nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp chủ yếu để các sở, ngành tỉnh; Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; các cơ quan, đơn vị có liên quan có kế hoạch triển khai thực hiện nhiệm vụ sản xuất cây trồng chủ lực và tiềm năng trên địa bàn tỉnh;

Phát triển cây trồng chủ lực và tiềm năng, dựa trên lợi thế về đất đai, thời tiết và khí hậu của tỉnh Vĩnh Long theo Quyết định số 1121/QĐ-UBND ngày 09/6/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 của tỉnh Vĩnh Long;

Triển khai hiệu quả công tác tổ chức lại sản xuất, hình thành các vùng sản xuất cây trồng chủ lực và tiềm năng tập trung, theo hướng hiện đại, có năng suất, chất lượng, hiệu quả, bền vững, có sức cạnh tranh cao với quy mô lớn, gắn với phát triển các nhà máy chế biến và thị trường tiêu thụ;

Tăng cường ứng dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học công nghệ trong sản xuất, bảo quản và chế biến sản phẩm cây trồng chủ lực và tiềm năng, đảm bảo nâng cao chất lượng, chế biến đa dạng sản phẩm, có chỉ dẫn địa lý, mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm;

Huy động các nguồn lực xã hội đầu tư phát triển sản xuất, chế biến sản phẩm cây trồng chủ lực và tiềm năng, thông qua các định hướng, giải pháp, cơ chế chính sách, tạo điều kiện môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư phát triển sản xuất, chế biến những sản phẩm cây trồng chủ lực và tiềm năng của tỉnh Vĩnh Long.

III. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Tổ chức thực hiện Đề án phát triển cây ăn quả chủ lực đến năm 2025 và 2030 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long đạt hiệu quả cao;

Phát triển bền vững các cây trồng chủ lực và tiềm năng với quy mô lớn và tập trung, chất lượng cao theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, giá trị gia tăng, liên kết trong sản xuất - chế biến - tiêu thụ, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, tăng giá trị xuất khẩu, thúc đẩy cơ cấu lại ngành nông nghiệp của tỉnh.

2. Mục tiêu cụ thể

- Đến năm 2025:

+ Diện tích gieo trồng các loại cây trồng chủ lực và tiềm năng của tỉnh 178.900 ha, sản lượng 2.674.690 tấn/năm. Trong đó, diện tích gieo trồng nhóm cây chủ lực 135.500 ha (cây lúa, khoai lang, cây có múi: bưởi Năm Roi, bưởi Da xanh, cam Sành), với sản lượng 2.112.700 tấn/năm; diện tích nhóm cây tiềm năng 43.400 ha (cây xoài, nhãn, chôm chôm, sầu riêng, mít, dừa và cây ăn trái khác), với sản lượng 659.490 tấn/năm;

+ Tại các vùng sản xuất cây ăn quả tập trung: tỷ lệ giá trị sản phẩm được sản xuất dưới các hình thức hợp tác, liên kết đạt 30%; tỷ lệ diện tích trồng mới, trồng tái canh sử dụng giống chất lượng cao 70-80%; tỷ lệ diện tích cây ăn quả áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt hoặc tương đương 25%; diện tích được áp dụng hệ thống tưới tiên tiến đạt từ 20-30%.

- Đến năm 2030:

+ Diện tích gieo trồng các loại cây trồng chủ lực và tiềm năng của tỉnh 169.500 ha, sản lượng 2.645.950 tấn/năm. Trong đó, diện tích nhóm cây chủ lực 124.500 ha (cây lúa, khoai lang, cây có múi: bưởi Năm Roi, bưởi Da xanh, cam Sành), với sản lượng 1.963.100 tấn/năm; diện tích nhóm cây tiềm năng 45.000 ha (cây xoài, nhãn, chôm chôm, sầu riêng, mít, dừa và cây ăn trái khác), với sản lượng 682.850 tấn/năm.

+ Tại các vùng sản xuất cây ăn quả tập trung: tỷ lệ giá trị sản phẩm được sản xuất dưới các hình thức hợp tác, liên kết đạt 60-70%; tỷ lệ diện tích trồng mới, trồng tái canh sử dụng giống chất lượng cao 80-90%; tỷ lệ diện tích cây ăn quả áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt 40-50%; diện tích được áp dụng hệ thống tưới tiên tiến đạt từ 30-40%.

IV. ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN CÂY TRỒNG CHỦ LỰC VÀ TIỀM NĂNG ĐẾN NĂM 2030

Định hướng chung cho phát triển cây trồng chủ lực và tiềm năng là củng cố, phát triển các vùng chuyên canh lúa, khoai lang và các vùng cây ăn quả tập trung, xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, nâng cao diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn GAP, tiêu chuẩn hữu cơ để mở rộng thị trường xuất khẩu.

1. Cây Cam: Diện tích trồng cam (nhất là cây cam Sành) cần được định hướng theo xu thế giảm dần diện tích trồng mới đến khi ổn định hàng năm khoảng 15.000 ha (theo số liệu của Cục Thống kê hiện diện tích trồng cam đến năm 2022 là 17.734 ha), sản lượng 975.000 tấn/năm1. Sản xuất tập trung tại các huyện Tam Bình, Trà Ôn, Vũng Liêm.

- Cơ cấu diện tích cam chính vụ 40%, cam rải vụ thu hoạch 60%.

- Xây dựng vườn cây đầu dòng chất lượng, sạch bệnh; nhân giống cây cam sạch bệnh, đảm bảo giống chất lượng.

- Phát triển các mô hình ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất cây cam, sản xuất theo hướng hữu cơ, nông nghiệp sinh thái, sản xuất nông nghiệp tốt, tiến tới áp dụng đồng bộ các quy trình sản xuất tiên tiến, an toàn, chú trọng kỹ thuật tưới nước tiết kiệm, công nghệ bảo quản sau thu hoạch cam nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng sản phẩm an toàn cho tiêu dùng và xuất khẩu sau này.

2. Cây bưởi: Diện tích trồng bưởi ổn định khoảng 9.500 ha, sản lượng 150.100 tấn/năm. Sản xuất tập trung cho 2 giống bưởi: bưởi Năm Roi và bưởi Da xanh. Trong đó:

+ Vùng trồng bưởi Năm Roi: ổn định diện tích 4.500 - 5.500 ha trồng tập trung tại vùng ven sông Hậu thuộc thị xã Bình Minh và một phần các huyện Tam Bình, Trà Ôn và Bình Tân. Phát triển vườn cây ăn quả phục vụ du lịch sinh thái dọc sông Hậu.

+ Vùng trồng Bưởi Da Xanh: ổn định diện tích từ 3.500 - 4.000 ha trồng tập trung tại vùng ven sông Tiền và một phần tại các huyện Mang Thít, Vũng Liêm và Long Hồ.

- Bình tuyển, phục tráng giống bưởi đặc sản địa phương (bưởi Năm Roi) có chất lượng, ít hạt, chống chịu sâu bệnh hại. Xây dựng vườn giống đầu dòng, nhân giống bưởi sạch bệnh phục vụ sản xuất.

- Đẩy mạnh sản xuất an toàn, sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, ứng dụng kỹ thuật tưới tiên tiến, tưới nước tiết kiệm, kỹ thuật xử lý ra hoa, đậu quả, phòng trừ sâu bệnh hại trong điều kiện biến đổi khí hậu, chú trọng khâu bảo quản nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm và xuất khẩu.

3. Cây lúa: Diện tích gieo trồng lúa hàng năm ổn định khoảng: 90.000 ha, sản lượng 540.000 tấn/năm.

- Vùng sản xuất lúa tập trung ở các huyện: Vũng Liêm, Tam Bình, Long Hồ, Bình Tân, Mang Thít và một phần của huyện Trà Ôn và thị xã Bình Minh.

- Tiếp tục đẩy mạnh bình tuyển, phục tráng các giống lúa, chọn tạo các giống lúa có chất lượng cao phục vụ sản xuất, xuất khẩu.

4. Cây khoai lang: Diện tích trồng khoai lang hàng năm ổn định: 10.000 ha, sản lượng 298.000 tấn/ha, tập trung chủ yếu tại huyện Bình Tân.

- Tiếp tục đẩy mạnh phục tráng, tuyển chọn cải thiện giống khoai lang có năng suất, chất lượng đáp ứng thị trường xuất khẩu.

5. Cây xoài: diện tích trồng xoài ổn định khoảng 5.500 ha, sản lượng 97.900 tấn/năm. Các khu vực trồng xoài tập trung như: huyện Vũng Liêm, Mang Thít, Tam Bình, Long Hồ và thành phố Vĩnh Long.

- Diện tích xoài rải vụ thu hoạch 50% diện tích, chính vụ 50% diện tích.

- Phát triển các giống xoài chủ yếu: xoài Cát Hòa Lộc, xoài Cát Chu, xoài Đài Loan, xoài Cát Núm. Phục tráng, tuyển chọn cây đầu dòng, xây dựng vườn cây đầu dòng, ưu tiên giống xoài cát Hòa Lộc, xoài Cát Núm, Cát Chu…. Chú trọng phát triển giống xoài đáp ứng thị trường xuất khẩu và giống làm gốc ghép có khả năng chịu hạn, mặn, phèn.

- Liên kết sản xuất, áp dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học kỹ thuật: tỉa cành, tạo tán, tưới nước tiết kiệm, kỹ thuật xử lý ra hoa, đậu quả, kỹ thuật bao quả, thu hoạch, thâm canh áp dụng theo các quy trình sản xuất theo hướng hữu cơ, sản xuất thực hành nông nghiệp tốt.

6. Cây nhãn: diện tích trồng nhãn ổn định: 6.000 ha, sản lượng 67.200 tấn/năm. Khu vực trồng nhãn tập trung ở huyện Long Hồ, Mang Thít, Trà Ôn và thành phố Vĩnh Long.

- Cơ cấu các giống nhãn của tỉnh như: Tiêu Da Bò, Edaw, Xuồng Cơm Vàng, Thạch Kiệt… Riêng giống nhãn Tiêu Da Bò đã được cải tạo và đưa vào giống Tiêu Da Bò chống chịu bệnh chổi rồng và trồng nhiều tại xã Lục Sĩ Thành, Phú Thành, huyện Trà Ôn; xã Bình Hòa Phước thuộc huyện Long Hồ.

- Diện tích nhãn chính vụ 60%, rải vụ thu hoạch 40%.

- Tiếp tục chọn tạo các giống nhãn mới có đặc tính: dễ xử lý ra hoa, quả to, màu vỏ sáng, thịt quả dày, hạt nhỏ, chống chịu với chổi rồng và có thời gian bảo quản kéo dài, phục vụ xuất khẩu.

- Áp dụng đồng bộ các quy trình sản xuất tiên tiến, hữu cơ, an toàn trong sản xuất; tỉa cành, tạo tán, tưới nước tiết kiệm, áp dụng kỹ thuật xử lý ra hoa, đậu quả, kỹ thuật bao quả; phát triển các vùng sản xuất nhãn có chứng nhận, cấp mã số vùng trồng phục vụ nội tiêu và xuất khẩu.

7. Chôm chôm: diện tích trồng chôm chôm ổn định: 3.000 ha, sản lượng 38.100 tấn/năm. Các huyện tập trung phát triển cây chôm chôm: huyện Long Hồ, huyện Trà Ôn và một phần của thành phố Vĩnh Long.

- Diện tích chôm chôm chính vụ 40%, rải vụ thu hoạch 60%.

- Bình tuyển, phục tráng các giống chôm chôm đặc sản địa phương, kết hợp chọn tạo, nhập nội, mở rộng giống mới chất lượng, có khả năng chống chịu điều kiện ngoại cảnh bất lợi.

8. Sầu riêng: diện tích trồng Sầu riêng ổn định: 4.500 ha, sản lượng 63.450 tấn/năm. Các vùng trọng điểm trồng sầu riêng như huyện Vũng Liêm, Mang Thít, Tam Bình và các vùng phụ cận như Trà Ôn, Long Hồ, Bình Tân…

- Nghiên cứu bình tuyển cây đầu dòng, vườn cây đầu dòng, xây dựng hệ thống nhân giống sầu riêng sạch bệnh, chất lượng cao phục vụ sản xuất và thích ứng biến đổi khí hậu.

- Áp dụng đồng bộ biện pháp kỹ thuật thâm canh: tưới nước tiết kiệm, bón phân, phòng trừ sâu bệnh, kỹ thuật xử lý ra hoa trong sản xuất trái vụ...

- Tỷ lệ diện tích sầu riêng chính vụ 50%, rải vụ 50%.

- Tổ chức liên kết sản xuất, tăng cường chế biến sâu, đa dạng hóa sản phẩm như sầu riêng cấp đông, bột sầu riêng, xây dựng chỉ dẫn địa lý, mã số vùng trồng, xuất xứ hàng hóa và thương hiệu sản phẩm cho sản phẩm sầu riêng.

9. Cây mít: diện tích trồng mít ổn định: 4.000 ha, sản lượng 75.200 tấn/năm. Các khu vực trồng mít tập trung: Bình Tân, Long Hồ, Mang Thít, Trà Ôn, Tam Bình, Vũng Liêm, thị xã Bình Minh và thành phố Vĩnh Long.

- Rải vụ thu hoạch mít với tỷ lệ diện tích chính vụ 60%, rải vụ 40%.

- Đẩy mạnh bình tuyển, phục tráng các giống mít chất lượng địa phương, chọn tạo, nhập nội, mở rộng các giống mới chất lượng, thuận lợi cho tiêu thụ và chế biến.

- Lai tạo, tuyển chọn cây đầu dòng, xây dựng vườn đầu dòng, đảm bảo cung cấp giống có chất lượng phục vụ sản xuất.

10. Cây dừa: diện tích trồng dừa ổn định: khoảng 11.000 ha, sản lượng 157.300 tấn/năm. Vùng trồng dừa tập trung tại các huyện Vũng Liêm, Tam Bình, Trà Ôn, Mang Thít và các vùng phụ cận như Long Hồ, Bình Minh, Bình Tân và một phần của thành phố Vĩnh Long.

- Cơ cấu giống dừa của tỉnh được chia thành 3 nhóm chính: dừa cao, dừa lùn và dừa lai, trong đó trồng phổ biến nhất là 2 nhóm dừa lùn và dừa cao.

- Tiếp tục đẩy mạnh bình tuyển, phục tráng các giống dừa, chọn tạo các giống dừa có chất lượng, thuận lợi cho tiêu thụ, chế biến và xuất khẩu.

11. Các loại cây ăn quả khác

Định hướng đến năm 2030, diện tích các loại cây ăn quả khác 11.000 ha, sản lượng 183.700 tấn/năm. Chủ yếu trồng tại các địa phương trong tỉnh.

III. GIẢI PHÁP

1. Về tổ chức sản xuất tại các huyện, thị xã, thành phố

- Căn cứ kế hoạch thực hiện Đề án phát triển cây ăn quả chủ lực và cây tiềm năng đến năm 2025 và 2030 trên địa bàn tỉnh sau khi được phê duyệt, các huyện, thị xã, thành phố xác định quy mô vùng sản xuất cây trồng chủ lực và tiềm năng tập trung trong phương án quy hoạch của huyện, thị xã, thành phố và các quy hoạch có liên quan khác; gắn phát triển vùng trồng cây trồng chủ lực và tiềm năng cùng với các cơ sở bảo quản, chế biến sản phẩm.

- Tiếp tục thực hiện chính sách thu hút đầu tư, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư, xây dựng nhà máy chế biến các sản phẩm cây trồng chủ lực và tiềm năng. Khuyến khích các doanh nghiệp liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị cây trồng chủ lực và tiềm năng tập trung, từ xây dựng vùng trồng, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất, đến thu mua, bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

- Tăng cường nâng cao năng lực cho các thành viên hợp tác xã, chú trọng hỗ trợ thành lập mới hợp tác xã; xây dựng giải pháp liên kết bền vững giữa doanh nghiệp với hộ sản xuất cây trồng chủ lực và tiềm năng thúc đẩy phát triển hợp tác xã cả về chiều rộng và chiều sâu.

- Đối với hộ gia đình, cần chủ động liên kết với doanh nghiệp thông qua hợp tác xã để hình thành vùng sản xuất cây trồng chủ lực và tiềm năng tập trung, gắn với xây dựng mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc và tiêu thụ sản phẩm. Tích cực tham gia các khóa đào tạo nghề làm vườn, tăng cường kỹ năng sản xuất, kiến thức thị trường thương mại sản phẩm cây trồng chủ lực và tiềm năng.

2. Về khoa học công nghệ

- Thực hiện tốt công tác giống, nghiên cứu chọn tạo giống cây trồng chủ lực và tiềm năng cho năng suất, chất lượng cao, rải vụ thu hoạch, chọn chống chịu sâu bệnh, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, nhất là công nghệ sinh học, sản xuất giống ngày càng đa dạng, phong phú và có nhiều đặc tính sinh học, kinh tế vượt trội so với các giống hiện có.

- Hoàn thiện quy trình nhân giống cây trồng chủ lực và tiềm năng sạch bệnh, kỹ thuật rải vụ thu hoạch; quy trình canh tác tiên tiến; công nghệ xử lý, bảo quản, chế biến sau thu hoạch; ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, công nghệ sau thu hoạch.

- Ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số trong việc nghiên cứu dự báo thị trường; nghiên cứu các giải pháp cơ giới hóa các khâu chăm sóc và thu hoạch; nghiên cứu công nghệ và thiết kế, chế tạo các dây chuyền thiết bị bảo quản, chế biến phục vụ xuất khẩu.

- Xây dựng các mô hình khuyến nông về canh tác tiên tiến, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, tập trung chuyển giao tiến bộ kỹ thuật thâm canh cây trồng chủ lực tại các vùng trồng tập trung đạt chuẩn sản xuất hữu cơ, sản xuất theo hướng an toàn thực phẩm, GAP, hữu cơ.

- Quản lý chặt chẽ hệ thống sản xuất, cung ứng giống cây trồng chủ lực và tiềm năng đảm bảo theo hệ thống các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về cây giống phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế, đảm bảo chất lượng giống phục vụ trồng mới, tái canh và ghép cải tạo.

3. Về đầu tư

- Khuyến khích các hộ dân đầu tư phát triển vùng trồng cây trồng chủ lực và tiềm năng để hình thành theo vùng nguyên liệu tập trung, quy mô lớn. Hợp tác xã, liên kết với các hộ gia đình và doanh nghiệp đầu tư nhà sơ chế, kho chứa sản phẩm. Doanh nghiệp đầu tư nhà máy chế biến, tiêu thụ sản phẩm.

- Đầu tư các công trình thủy lợi tại các vùng sản xuất cây trồng chủ lực và tiềm năng tập trung, các công trình giao thông kết nối vùng sản xuất tập trung với các trục giao thông chính và các công trình hạ tầng thiết yếu khác phục vụ sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cây trồng chủ lực và tiềm năng; nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ về giống, thâm canh, thu hoạch, bảo quản, chế biến sản phẩm cây trồng chủ lực và tiềm năng, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm cây trồng chủ lực và tiềm năng của tỉnh.

4. Về thị trường tiêu thụ

- Xây dựng hình ảnh sản phẩm cây trồng chủ lực và tiềm năng mang tính đặc sản vùng miền và sản phẩm đặc hữu của từng địa phương. Hỗ trợ các tổ chức, cá nhân xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm cây trồng chủ lực và tiềm năng, gắn với chỉ dẫn địa lý; tham gia vào các sàn giao dịch sản phẩm nông nghiệp; thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại để người tiêu dùng trong nước có đủ thông tin về sản phẩm cây trồng chủ lực và tiềm năng.

- Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị liên quan tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hợp tác xã trong việc xây dựng mã số vùng trồng, phát triển nhãn hiệu, thương hiệu, mã số cơ sở đóng gói, bảo hộ sở hữu trí tuệ, bảo hộ quyền thương hiệu đáp ứng nhu cầu thị trường các nước nhập khẩu. Đẩy mạnh xuất khẩu quả chính ngạch vào thị trường Trung Quốc và tiếp tục mở rộng các thị trường khó tính như: Nhật Bản, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nga, ASEAN, EU,...

5. Về Chính sách

Tổ chức thực hiện tốt các chính sách liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn: Chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất giống phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp; chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp; chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp hữu cơ; chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; chính sách chuyển giao khoa học công nghệ vào sản xuất; chính sách phát triển Hợp tác xã… Đồng thời, nghiên cứu báo cáo cấp có thẩm quyền ban hành chính sách mới hỗ trợ phát triển cây trồng chủ lực và tiềm năng của tỉnh.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Chủ trì, phối hợp các sở ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện Kế hoạch này; theo dõi kết quả thực hiện kế hoạch, tổng hợp khó khăn vướng mắc và đề xuất giải pháp thực hiện, báo cáo về Ủy ban nhân dân tỉnh.

- Chủ trì, phối hợp các sở, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tham mưu, xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ, ưu đãi cho phát triển cây trồng chủ lực và tiềm năng của tỉnh.

- Phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tham mưu, xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ, triển khai công tác nghiên cứu chọn tạo giống cây trồng chủ lực và tiềm năng cho năng suất, chất lượng cao, rải vụ thu hoạch, chống chịu sâu bệnh, thích ứng biến đổi khí hậu; ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, công nghệ sau thu hoạch, công nghệ quản lý dịch hại; nghiên cứu các giải pháp cơ giới hóa các khâu chăm sóc và thu hái quả; nghiên cứu công nghệ và thiết kế, chế tạo các dây chuyền thiết bị bảo quản, chế biến phục vụ xuất khẩu; hỗ trợ, xác lập quyền sở hữu trí tuệ cho sản phẩm, đăng ký mã vạch, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hướng dẫn thực hiện lập hồ sơ đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ (nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý) cho các sản phẩm cây trồng chủ lực và tiềm năng.

- Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tham mưu xây dựng, lồng ghép quy hoạch về phát triển vùng cây trồng chủ lực vào Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; tăng cường hỗ trợ khởi nghiệp và chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh, phát triển doanh nghiệp và thu hút đầu tư để khai thác thế mạnh của nông nghiệp, chú trọng chất lượng và giá trị gia tăng cho các sản phẩm chủ lực, đẩy mạnh xây dựng nhà máy chế biến các sản phẩm cây trồng chủ lực, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị cây trồng chủ lực tập trung, từ xây dựng vùng trồng, đến thu mua, bảo quản, chế biến, bảo hộ quyền thương hiệu, quyền sở hữu trí tuệ và tiêu thụ sản phẩm.

- Phối hợp Sở Công Thương, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tham mưu các biện pháp phát triển thị trường tiêu thụ nông sản hàng hóa đối với sản phẩm cây trồng chủ lực; thúc đẩy hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, quảng bá rộng rãi các sản phẩm cây trồng chủ lực của tỉnh; triển khai công tác thông tin giá cả thị trường, dự báo thị trường cây trồng chủ lực và tiềm năng phục vụ sản xuất; xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu cho các hợp tác xã nông nghiệp, cơ sở sản xuất, doanh nghiệp sơ chế, chế biến sản phẩm cây trồng chủ lực và tiềm năng.

- Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông hỗ trợ các hợp tác xã, cơ sở, doanh nghiệp tham gia vào các sàn giao dịch sản phẩm cây trồng chủ lực, từng bước phát triển, chuẩn hóa sản phẩm đáp ứng yêu cầu thương mại điện tử, xây dựng website, hướng dẫn sử dụng các sàn thương mại điện tử, tem truy xuất nguồn gốc...; hỗ trợ quảng bá sản phẩm cây trồng chủ lực và tiềm năng của tỉnh.

2. Các sở, ngành tỉnh

Các sở, ngành liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao phối hợp với các đơn vị có liên quan trong quá trình triển khai thực hiện kế hoạch gắn với lĩnh vực phụ trách của ngành.

3. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố

- Chủ trì, phối hợp các sở, ngành tỉnh xây dựng, triển khai kế hoạch sản xuất cây trồng chủ lực và tiềm năng đến năm 2030 trên địa bàn từng huyện, thị xã, thành phố.

- Chủ trì, phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường, các sở, ngành tỉnh rà soát, xác định diện tích đất phục vụ kế hoạch sản xuất cây trồng chủ lực và tiềm năng đến năm 2030 trên địa bàn huyện, thị xã, thành phố.

- Chủ trì, phối hợp các sở, ngành tỉnh xây dựng kế hoạch phát triển cây trồng chủ lực và tiềm năng trong quy hoạch huyện, thị xã, thành phố theo kế hoạch này; đề xuất cơ chế, chính sách, thu hút doanh nghiệp đầu tư cơ sở chế biến liên kết với nông dân, Hợp tác xã, Tổ hợp tác xây dựng vùng trồng cây trồng chủ lực tập trung; xây dựng mã số vùng trồng; áp dụng quy trình công nghệ canh tác tiên tiến, an toàn; đầu tư hạ tầng (giao thông, thủy lợi...) phục vụ phát triển cây trồng chủ lực và tiềm năng của địa phương.

- Thực hiện, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện các hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất để hình thành, phát triển các vùng sản xuất cây trồng chủ lực và tiềm năng tập trung đạt chuẩn sản xuất hữu cơ, sản xuất theo hướng an toàn thực phẩm, GAP, hữu cơ./.

PHỤ LỤC

KẾ HOẠCH SẢN XUẤT CÂY TRỒNG CHỦ LỰC VÀ TIỀM NĂNG ĐẾN NĂM 2030 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH VĨNH LONG
(Kèm theo Kế hoạch tại Quyết định số 1607/QĐ-UBND ngày 10 tháng 7 năm 2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long)

STT

Loại cây trồng

Năm 2022

Năm 2025

Năm 2030

Phân bố tập trung

Diện tích gieo trồng (ha)

Sản lượng (Tấn/năm)

Diện tích gieo trồng (ha)

Sản lượng (Tấn/năm)

Diện tích gieo trồng (ha)

Sản lượng (Tấn/năm)

1

Cam

17.734

821.593

16.500

1.072.500

15.000

975.000

Huyện Tam Bình, Trà Ôn, Vũng Liêm

2

Bưởi

8.971

120.914

9.000

142.200

9.500

150.100

Bưởi Năm Roi: thị xã Bình Minh, huyện Tam Bình, Trà Ôn, Bình Tân Bưởi Da Xanh: huyện Vũng Liêm, Mang Thít, Long Hồ và thành phố Vĩnh Long

3

Lúa

112.393

679.705

100.000

600.000

90.000

540.000

Huyện Tam Bình, Vũng Liêm, Mang Thít, Long Hồ, Trà Ôn, Bình Tân, thị xã Bình Minh

4

Khoai lang

992

29.546

10.000

298.000

10.000

298.000

Huyện Bình Tân

5

Xoài

5.080

84.392

5.500

97.900

5.500

97.900

Huyện Vũng Liêm, Tam Bình, Mang Thít, Long Hồ và thành phố Vĩnh Long

6

Nhãn

5.853

58.162

6.000

67.200

6.000

67.200

Huyện Long Hồ, Mang Thít, Trà Ôn và thành phố Vĩnh Long

7

Chôm chôm

2.722

30.337

2.800

35.560

3.000

38.100

Huyện Long Hồ và Trà Ôn

8

Sầu riêng

3.682

39.405

4.000

56.400

4.000

63.450

Huyện Vũng Liêm, Mang Thít, Tam Bình và các vùng phụ cận như Trà Ôn, Long Hồ, Bình Tân…

9

Mít

2.567

25.803

3.600

67.680

4.000

75.200

Huyện Bình Tân, Long Hồ, Mang Thít, Trà Ôn, Tam Bình, Vũng Liêm, Bình Minh và TP. Vĩnh Long

10

Dừa

10.559

130.738

11.000

157.300

11.000

157.300

Huyện Mang Thít, Vũng Liêm, Tam Bình, Trà Ôn và các vùng phụ cận như Long Hồ, Bình Minh, Bình Tân

11

Các loại cây ăn quả khác

10.139

150.732

10.500

177.450

7.790

183.700

Huyện Long Hồ, Mang Thít, Vũng Liêm, Tam Bình, Trà Ôn, Bình Minh, Bình Tân và thành phố Vĩnh Long



1 Nguyên nhân giảm do hiện nay quy mô diện tích canh tác cam, sản lượng, thị trường tiêu thụ trong nước ổn định, một số diện tích cam đã được chuyển đổi từ giai đoạn 2015-2020 đã hết thời gian khai thác (tuổi cây > 5 năm canh tác theo kỹ thuật trồng dầy trên đất lúa), một số hộ đã chuyển đổi sang cây trồng khác. Do đó, tăng diện tích, sản lượng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến giá cam hàng hoá.

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Quyết định 1607/QĐ-UBND ngày 10/07/2023 về Kế hoạch sản xuất cây trồng chủ lực và tiềm năng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


849

DMCA.com Protection Status
IP: 18.118.19.247
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!