Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Số hiệu: 1429/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Lâm Đồng Người ký: Huỳnh Đức Hòa
Ngày ban hành: 01/07/2011 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÂM ĐỒNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 1429/QĐ-UBND

Lâm Đồng, ngày 01 tháng 7 năm 2011

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN ĐƯỜNG GIAO THÔNG NÔNG THÔN PHỤC VỤ CHƯƠNG TRÌNH XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI TỈNH LÂM ĐỒNG ĐẾN NĂM 2020.

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LÂM ĐỒNG

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 16/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới;

Căn cứ Thông tư liên tịch số 26/2011/TTLT-BNNPTNT-BKHĐT-BTC ngày 13/4/2011 của liên Bộ: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính về việc hướng dẫn một số nội dung thực hiện Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020;

Căn cứ các Quyết định của Bộ Giao thông vận tải: số 101/QĐ-BGTVT ngày 16/01/2007 về việc phê duyệt Chiến lược phát triển giao thông nông thôn Việt Nam giai đoạn 2006-2020 và số 315/QĐ-BGTVT ngày 23/02/2011 về việc ban hành hướng dẫn lựa chọn quy mô kỹ thuật đường giao thông nông thôn phục vụ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020;

Căn cứ Quyết định số 2575/QĐ-UBND ngày 05/11/2010 của Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng phê duyệt Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2010 – 2020;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Giao thông vận tải,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án phát triển đường giao thông nông thôn (gọi tắt là đường GTNT) phục vụ Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020 với những nội dung chủ yếu sau:

I. Mục tiêu.

1. Mục tiêu tổng quát:

- Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải ở nông thôn đảm bảo chất lượng, bền vững, nhằm xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước hiện đại, gắn kết mạng lưới giao thông của các xã, các thôn, xóm với mạng lưới giao thông của huyện, tỉnh, tạo sự liên hoàn thông suốt; đảm bảo lưu thông hàng hoá, vật tư, nguyên nhiên vật liệu cho sản xuất và tiêu thụ sản phẩm được thuận lợi, nhanh chóng.

- Góp phần cải thiện, nâng cao đời sống, tạo việc làm cho người dân cũng như nâng cao ý thức của người dân trong việc giữ gìn và bảo vệ kết cấu hạ tầng GTNT tại địa bàn dân cư.

- Phát triển giao thông nông thôn phải trở thành phong trào quần chúng rộng lớn, mang tính xã hội hóa cao.

2. Mục tiêu cụ thể:

- Đến hết năm 2013 có 100% các xã có đường bê tông nhựa đến trung tâm xã.

- Đến cuối năm 2017 cơ bản 100% số xã (118 xã) đạt được tiêu chí về giao thông trong Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới.

II. Khái niệm về đường GTNT, quy hoạch đường GTNT và phân cấp đầu tư.

1. Khái niệm:

- Mạng lưới đường GTNT là bộ phận giao thông địa phương nối tiếp với hệ thống đường quốc lộ, đường tỉnh nhằm đảm bảo các phương tiện cơ giới loại trung, nhẹ và thô sơ qua lại, phục vụ sản xuất và phục vụ giao lưu kinh tế - văn hóa - xã hội của các làng xã, thôn xóm.

- Đường GTNT là đường cấp huyện trở xuống, bao gồm đường huyện, đường liên xã, đường trục xã, đường liên thôn, đường trong thôn xóm, đường nội đồng và đường hẻm ở các khu dân cư trong đô thị.

2. Quy hoạch đường GTNT:

a) Nguyên tắc quy hoạch:

- Mạng lưới giao thông của huyện, xã phải phù hợp với chiến lược phát triển cơ sở hạ tầng giao thông của tỉnh.

- Mạng lưới giao thông đường bộ cần được nghiên cứu phát triển, đi trước một bước đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của huyện, xã, đồng thời đảm bảo yêu cầu về an ninh quốc phòng.

- Phải tạo được hệ thống giao thông hoàn chỉnh giữa quốc lộ, đường tỉnh, và đường đô thị. Thực hiện tốt chức năng đối nội, đối ngoại của mạng lưới đường bộ, tạo điều kiện cho các hệ thống giao thông khác phát triển.

- Phát triển mạng lưới giao thông phải gắn với việc sắp xếp điều chỉnh lại các điểm dân cư, các khu vực sản xuất công, nông, lâm nghiệp, bố trí lại khu vực dân cư, hình thành các địa giới hành chính mới nếu xét cần thiết.

- Gắn việc quy hoạch phát triển với việc đầu tư duy tu bảo dưỡng, nâng cấp mạng lưới hiện có để vừa tiết kiệm đầu tư vừa từng bước hoàn thiện mạng lưới trên từng địa bàn trong tỉnh.

b) Về lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch:

- UBND các huyện, thành phố Bảo Lộc và Đà Lạt (sau đây gọi tắt là UBND cấp huyện) tiến hành rà soát các tuyến đường huyện, đường xã, phường, thị trấn, đường thôn xóm, đường hẻm, đường nội đồng trong các khu dân cư, khu sản xuất để xây dựng quy hoạch phát triển đường GTNT trên địa bàn huyện, thành phố đến năm 2020 dựa trên quy hoạch tổng thể phát triển GTVT tỉnh Lâm Đồng, quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của huyện, thành phố và chương trình xây dựng nông thôn mới, lấy ý kiến của cấp xã, phường, thị trấn và ý kiến của nhân dân trong quá trình lập quy hoạch; bố trí kinh phí và giao cho cơ quan chức năng trực thuộc làm chủ đầu tư để thuê tư vấn lập quy hoạch.

- Sở Giao thông vận tải có trách nhiệm hướng dẫn đề cương quy hoạch, tiêu chí qui hoạch, thỏa thuận qui hoạch làm cơ sở để Chủ đầu tư tổ chức thẩm định, trình UBND cấp huyện phê duyệt.

3. Phân cấp đầu tư:

a) Đối với các tuyến đường từ trung tâm huyện đến trung tâm xã; đường liên xã; đường trục xã do ngân sách Nhà nước đầu tư. Việc đầu tư xây dựng thực hiện theo qui định hiện hành của Nhà nước về quản lý đầu tư xây dựng cơ bản.

b) Đối với các tuyến đường liên thôn; đường trong thôn, xóm; đường nội đồng và đường hẻm ở đô thị, thực hiện theo phương thức “nhân dân làm công trình - Nhà nước hỗ trợ vật tư”.

III. Giải pháp, chính sách thực hiện công trình theo phương thức “nhân dân làm công trình - Nhà nước hỗ trợ vật tư”.

1. Cơ chế thực hiện:

a) Đối với đường hẻm của các phường thuộc thành phố Đà Lạt và Bảo Lộc:

Nhà nước hỗ trợ các loại vật liệu chính để làm mặt đường (đá, cát, ximăng, nhựa đường,…), mức hỗ trợ tối đa không quá 50% giá trị công trình; còn lại nhân dân hiến đất, tự giải toả cây cối, hoa màu; đồng thời đóng góp ngày công lao động, máy móc phục vụ thi công, vật tư và tự tổ chức thi công công trình.

b) Đối với đường hẻm của các thị trấn thuộc huyện:

Nhà nước hỗ trợ các loại vật liệu chính để làm mặt đường, mức hỗ trợ tối đa không quá 60% giá trị công trình; còn lại nhân dân hiến đất, tự giải toả cây cối, hoa màu; đồng thời đóng góp ngày công lao động, máy móc phục vụ thi công, vật tư và tự tổ chức thi công công trình.

c) Đối với đường thôn, xóm thuộc xã :

- Nhà nước hỗ trợ các loại vật liệu chính để làm mặt đường, mức hỗ trợ tối đa không quá 70% giá trị công trình; còn lại nhân dân hiến đất, tự giải toả cây cối, hoa màu; đồng thời đóng góp ngày công lao động, máy móc phục vụ thi công, vật tư và tự tổ chức thi công công trình.

d) Riêng đối với xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn, Nhà nước hỗ trợ toàn bộ vật tư, chi phí máy móc thiết bị; nhân dân hiến đất, tự giải toả cây cối, hoa màu; đồng thời đóng góp bằng ngày công lao động.

Giao UBND cấp huyện căn cứ điều kiện kinh tế - xã hội, đời sống và khả năng đóng góp của cộng đồng dân cư ở các khu vực trên địa bàn để quyết định mức hỗ trợ cụ thể, nhưng không quá mức hỗ trợ tối đa theo quy định nêu trên.

2. Cấp quyết định đầu tư và chủ đầu tư:

a) Cấp quyết định đầu tư:

UBND xã, phường, thị trấn (sau đây gọi tắt là UBND cấp xã) là cấp quyết định đầu tư, phê duyệt Báo cáo kỹ thuật - dự toán công trình. Báo cáo kỹ thuật - dự toán được lập theo hướng đơn giản hoá, theo mẫu thống nhất do Sở Giao thông vận tải hướng dẫn.

b) Chủ đầu tư:

- Ban quản lý xây dựng nông thôn mới hoặc Ban quản lý công trình (sau đây gọi tắt là Ban quản lý xã) do UBND cấp xã quyết định thành lập là chủ đầu tư công trình. Ban quản lý xã phải có sự tham gia của đại diện một số ban, ngành, đoàn thể chính trị xã, phường, thị trấn; trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố, đại diện tiêu biểu của nhân dân trong thôn, buôn, xóm, khối phố. Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch UBND cấp xã làm Trưởng Ban.

- Nơi nào cộng đồng dân cư có đủ năng lực và điều kiện thì UBND cấp xã thành lập Ban phát triển thôn, xóm, khu phố, tổ dân phố (sau đây gọi tắt là Ban phát triển thôn) để làm chủ đầu tư công trình. Ban phát triển thôn có sự tham gia của đại diện đoàn thể chính trị ở thôn; trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố và đại diện tiêu biểu của nhân dân trong thôn, buôn, xóm, khối phố. Trưởng Ban là người có uy tín, trách nhiệm và năng lực tổ chức triển khai do cộng đồng thôn, xóm trực tiếp bầu và Chủ tịch UBND cấp xã quyết định công nhận.

3. Quy trình thực hiện:

a) Chuẩn bị đầu tư:

- UBND cấp xã tổ chức tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách đầu tư GTNT của tỉnh; tổ chức họp dân; công bố mức hỗ trợ của Nhà nước và mức đóng góp của nhân dân trong khu vực; xác định quy mô kỹ thuật do người dân tự đề xuất theo nhu cầu và khả năng đóng góp của nhân dân trên cơ sở thiết kế, dự toán mẫu do Sở Giao thông vận tải hướng dẫn. Nếu đạt được thoả thuận (có biên bản cam kết), UBND cấp xã tổng hợp, lập kế hoạch trình UBND cấp huyện trước ngày 31/10 hàng năm để được xem xét, cân đối, bố trí vốn kế hoạch theo thứ tự ưu tiên.

- Căn cứ kế hoạch vốn được giao, UBND cấp xã giao cho chủ đầu tư tự tổ chức lập Báo cáo kỹ thuật - dự toán trên cơ sở thiết kế, dự toán mẫu do Sở Giao thông vận tải hướng dẫn.

- UBND cấp xã tổ chức thẩm định, phê duyệt Báo cáo kỹ thuật - dự toán; UBND cấp huyện có trách nhiệm chỉ định cơ quan chuyên môn trực thuộc hỗ trợ UBND cấp xã trong công tác thẩm định Báo cáo kỹ thuật - dự toán.

b) Thực hiện đầu tư xây dựng:

- Thi công công trình: giao cho cộng đồng dân cư hưởng lợi trực tiếp từ công trình tự tổ chức thực hiện. Trường hợp cộng đồng dân cư không có khả năng hoặc điều kiện thực hiện thì xem xét lựa chọn nhóm thợ hoặc cá nhân trong xã phường, thôn, xóm có đủ năng lực để thực hiện nhưng phải được sự thống nhất của cộng đồng dân cư.

- Thực hiện giám sát cộng đồng trong quá trình đầu tư xây dựng: UBND cấp xã thành lập Ban Giám sát cộng đồng với sự tham gia của đại diện HĐND, Mặt trận, các tổ chức đoàn thể, đại diện cộng đồng dân cư hưởng lợi. Ban giám sát cộng đồng thực hiện công việc theo quy định tại Quyết định số 80/2005/QĐ-TTg ngày 18/4/2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành quy chế giám sát đầu tư của cộng động và Thông tư liên tịch số 04/2006/TTLT-KH&ĐT-UBTƯMTTQVN-TC ngày 04/12/2006 của liên bộ: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Quyết định này. Trường hợp Ban Phát triển thôn làm chủ đầu tư, Ban giám sát cộng đồng gồm: trưởng thôn, xóm, khu phố trưởng, tổ trưởng tổ dân phố, đại diện Mặt trận, các đoàn thể, đại diện cộng đồng dân cư.

- Nghiệm thu, bàn giao công trình: chủ đầu tư tổ chức nghiệm thu công trình hoàn thành, thành phần nghiệm thu gồm: Ban quản lý xã (hoặc Ban Phát triển thôn) và Ban Giám sát cộng đồng.

- Thanh toán, quyết toán công trình hoàn thành: chủ đầu tư lập hồ sơ thanh toán, quyết toán căn cứ vào Báo cáo kỹ thuật - dự toán được duyệt, biên bản nghiệm thu theo mẫu do Sở Giao thông vận tải hướng dẫn, hoá đơn mua vật liệu, hợp đồng xây dựng (đối với trường hợp thuê các nhóm thợ, cá nhân, thuê máy móc thiết bị).

4. Quản lý, vận hành và duy tu, bảo dưỡng:

Sau khi nghiệm thu, chủ đầu tư phải bàn giao công trình và toàn bộ hồ sơ, tài liệu có liên quan đến công trình cho UBND cấp xã để giao cho thôn, xóm có trách nhiệm quản lý sử dụng và bảo trì.

UBND cấp xã có trách nhiệm chỉ đạo các thôn, xóm lập kế hoạch huy động công sức của nhân dân địa phương và nguồn vốn hợp pháp khác để duy tu, bảo dưỡng công trình. Ngân sách Nhà nước chỉ hỗ trợ đối với những nơi thực sự khó khăn.

5. Giải pháp huy động vốn:

Thực hiện đa dạng các nguồn vốn nhằm huy động tối đa các nguồn lực trên địa bàn theo phương châm dựa vào nội lực của cộng đồng địa phương là chính.

a) Nguồn ngân sách Nhà nước, bao gồm ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương (cấp tỉnh, cấp huyện), vốn lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình hỗ trợ có mục tiêu của Chính phủ, nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước theo chương trình kiên cố hóa kênh mương và phát triển đường GTNT, vốn tín dụng theo chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 41/2010/NĐ-CP ngày 12/4/2010 của Chính phủ.

Hàng năm ngân sách tỉnh sẽ cân đối ít nhất 30 tỷ đồng và ngân sách của các huyện, thành phố dành phần lớn vốn sự nghiệp giao thông và khoảng 20 - 25% phần vượt thu ngân sách hàng năm để hỗ trợ vật tư đầu tư đường hẻm ở phường, thị trấn; đường thôn, xóm; đường nội đồng ở xã.

b) Nguồn vốn đóng góp của nhân dân:

Tuỳ theo điều kiện cụ thể của từng nơi, có các hình thức huy động phù hợp như: đóng góp bằng ngày công lao động; đóng góp bằng tiền, vật tư; vận động nhân dân hiến đất và không đòi hỏi bồi thường về cây cối, hoa màu.

Việc đóng góp phải đảm bảo nguyên tắc công bằng, công khai, có miễn giảm cho các hộ nghèo, hộ gia đình chính sách khó khăn.

d) Huy động từ cộng đồng, đóng góp tự nguyện và tài trợ của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.

đ) Các nguồn tài chính hợp pháp khác.

6. Chính sách khuyến khích sử dụng vật liệu và nhân lực tại chỗ trong phát triển, bảo trì đường GTNT:

a) Sử dụng nguyên vật liệu, máy móc và nhân công tại chỗ để vừa tạo việc làm cho người dân sống ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa vừa góp phần hạ giá thành xây dựng, bảo trì đường.

b) Ưu tiên sử dụng vật liệu tại chỗ như đá, cát, gỗ (giao Chủ tịch UBND cấp huyện quyết định việc tận thu, tận dụng lâm sản để làm cầu tạm,…).

7. Các giải pháp khác:

a) UBND các cấp, các cơ quan thông tin đại chúng tăng cường công tác tuyên truyền, quán triệt chủ trương của tỉnh về công tác phát triển đường GTNT, nâng cao nhận thức trong các cấp uỷ đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội, cán bộ, đảng viên và mọi tầng lớp nhân dân, khơi dậy tính tích cực, tự giác của cộng đồng dân cư, các thành phần kinh tế để tham gia đóng góp phát triển giao thông nông thôn, không trông chờ, ỷ lại vào nguồn vốn đầu tư của ngân sách Nhà nước.

b) Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, có hình thức động viên khen thưởng kịp thời đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc tham gia phát triển giao thông nông thôn.

Điều 2. Tổ chức thực hiện.

1. Sở Giao thông vận tải: là cơ quan thường trực và điều phối thực hiện Đề án, có trách nhiệm chủ động phối hợp với các ngành liên quan và địa phương:

- Tổng hợp, xây dựng kế hoạch hàng năm để triển khai thực hiện theo mục tiêu, nội dung, giải pháp, chính sách của Đề án.

- Tổ chức tập huấn cho các địa phương về lựa chọn quy mô kỹ thuật, các tiêu chuẩn thiết kế, quy trình quản lý chất lượng kỹ thuật, quản lý bảo trì đối với hệ thống đường GTNT; hướng dẫn mẫu các loại hồ sơ theo hướng đơn giản hoá, bao gồm: Báo cáo kỹ thuật - dự toán, tờ trình thẩm định, kết quả thẩm định, quyết định phê duyệt Báo cáo kỹ thuật - dự toán, hồ sơ nghiệm thu đối với công trình thực hiện theo phương phức “nhân dân làm công trình - Nhà nước hỗ trợ vật tư”.

- Kiểm tra, đôn đốc, theo dõi và tổng hợp tình hình thực hiện tại các địa phương; định kỳ 06 tháng, hàng năm báo cáo kết quả thực hiện về UBND tỉnh và Bộ Giao thông vận tải; tham mưu UBND tỉnh tổ chức sơ kết, tổng kết; đề xuất điều chỉnh cơ cấu đầu tư, các cơ chế chính sách và giải pháp phù hợp trong quá trình triển khai thực hiện Đề án.

2. Sở Tài chính: hướng dẫn cơ chế mua vật tư, vật liệu, hoá đơn chứng từ; hướng dẫn mẫu các loại hồ sơ theo hướng đơn giản hoá để thực hiện các thủ tục thanh toán, quyết toán đối với công trình thực hiện theo phương thức “nhân dân làm công trình - Nhà nước hỗ trợ vật tư”.

3. Sở Kế hoạch và Đầu tư: cân đối, phân bổ nguồn vốn hỗ trợ của ngân sách tỉnh cho các địa phương. Tham mưu UBND tỉnh quyết định về các cơ chế phân bổ vốn hỗ trợ phát triển đường GTNT.

4. UBND cấp huyện: chỉ đạo cụ thể hóa và tổ chức thực hiện Đề án trên địa bàn; cân đối kế hoạch, lập danh mục công trình đầu tư hàng năm; báo cáo kết quả thực hiện cho Sở Giao thông vận tải và các sở, ngành có liên quan.

5. UBND cấp xã:

- Lập kế hoạch phát triển đường GTNT hàng năm tại địa phương, triển khai lấy ý kiến của cộng đồng dân cư để báo cáo UBND cấp huyện.

- Phê duyệt Báo cáo kỹ thuật - dự toán các công trình thực hiện theo phương thức “nhân dân làm công trình - Nhà nước hỗ trợ vật tư”, trong đó có phương án sử dụng vốn Nhà nước do các Ban quản lý xã, Ban phát triển thôn lập.

- Chỉ đạo, kiểm tra, giám sát quá trình chuẩn bị đầu tư, thi công xây dựng, sử dụng các nguồn vốn đầu tư xây dựng đường GTNT.

- Hướng dẫn các cộng đồng dân cư xây dựng hương ước, qui ước của thôn, xóm, tổ dân phố,…để thống nhất vận động hiến đất, không yêu cầu bồi thường cây cối, hoa màu khi làm đường GTNT; thái độ và cách ứng xử của cộng đồng dân cư trong trường hợp đại bộ phận nhân dân đã đồng lòng hiến đất để làm đường GTNT, nhưng vẫn có một số ít hộ chưa hợp tác hoặc cố tình gây khó khăn, cản trở việc làm đường GTNT của cộng đồng dân cư.

- Định kỳ công khai kế hoạch huy động, tổ chức thực hiện và kết quả đầu tư phát triển GTNT trên địa bàn để nhân dân biết, đồng thời tạo điều kiện cho cộng đồng tham gia quản lý, giám sát.

6. Ban Quản lý xã, Ban phát triển thôn:

- Làm chủ đầu tư các công trình thực hiện theo phương thức “nhân dân làm công trình - Nhà nước hỗ trợ vật tư”, quản lý và triển khai thực hiện từ bước chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư, nghiệm thu bàn giao, đưa công trình vào khai thác, sử dụng.

- Tổ chức huy động đóng góp của nhân dân, quản lý tài chính, công khai phương án, dự toán sử dụng các nguồn vốn để cộng đồng biết, thực hiện và giám sát.

Điều 3. Quyết định này thay thế Quyết định số 1981/QĐ-UBND ngày 22/7/2008 của UBND tỉnh Lâm Đồng và có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 4. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố Đà Lạt, Bảo Lộc và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Huỳnh Đức Hòa

 

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Quyết định 1429/QĐ-UBND ngày 01/07/2011 phê duyệt Đề án phát triển đường giao thông nông thôn phục vụ Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020 do Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


13.795

DMCA.com Protection Status
IP: 136.243.220.213
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!