BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO
TẠO
--------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ
NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------
|
Số: 07/2012/TT-BGDĐT
|
Hà Nội, ngày 17
tháng 02 năm 2012
|
THÔNG TƯ
HƯỚNG
DẪN TIÊU CHUẨN, QUY TRÌNH, THỦ TỤC VÀ HỒ SƠ XÉT TẶNG DANH HIỆU NHÀ GIÁO NHÂN
DÂN, NHÀ GIÁO ƯU TÚ
Căn cứ Luật Thi đua, Khen thưởng ngày 26
tháng 11 năm 2003 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, Khen
thưởng ngày 14 tháng 6 năm 2005;
Căn cứ Luật giáo dục ngày 14 tháng 6 năm 2005;
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục ngày 25 tháng 11 năm 2009;
Căn cứ Nghị định số 32/2008/NĐ-CP ngày 19
tháng 3 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ quyền hạn và cơ cấu
tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
Căn cứ Nghị định số 42/2010/NĐ-CP ngày 15
tháng 4 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật
Thi đua, Khen thưởng và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, Khen
thưởng;
Căn cứ Thông tư số 02/2011/TT-BNV ngày 24
tháng 1 năm 2011 của Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện Nghị định số 42/2010/NĐ-CP
ngày 15 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều
của Luật Thi đua, Khen thưởng và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi
đua, Khen thưởng;
Sau khi có văn bản thỏa thuận số 1899/BTĐKT-VI
của Ban Thi đua, Khen thưởng Trung ương - Bộ Nội vụ ngày 09 tháng 11 năm 2011 về
việc ban hành Thông tư xét tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú;
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn
tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục và hồ sơ xét tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân,
Nhà giáo Ưu tú như sau:
Chương I
QUY ĐỊNH
CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều
chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Thông tư này hướng dẫn tiêu chuẩn, quy
trình, thủ tục và hồ sơ xét tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú
bao gồm: Tiêu chuẩn xét tặng; Hội đồng, phạm vi xét trình; Quy trình xét tặng;
Hồ sơ và thời gian đề nghị xét tặng.
2. Thông tư này được áp dụng đối với nhà giáo
trong các nhà trường, các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và
cán bộ quản lý giáo dục bao gồm:
a) Giáo viên, giảng viên trong các cơ sở giáo
dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo
dục thường xuyên, cơ sở giáo dục đại học; các trường, trung tâm giáo dục của cơ
quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, lực lượng vũ
trang nhân dân.
b) Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng, Giám đốc, Phó
Giám đốc các cơ sở giáo dục; cán bộ, công chức công tác tại các phòng, ban của
các đại học, học viện, trường đại học, trường cao đẳng, trường trung cấp; cán
bộ, công chức công tác tại các phòng giáo dục và đào tạo, sở giáo dục và đào
tạo, Bộ Giáo dục và Đào tạo; cán bộ, công chức chuyên trách làm công tác quản
lý dạy nghề tại phòng, sở lao động thương binh và xã hội; cán bộ, công chức
chuyên trách công tác quản lý giáo dục tại các bộ, ngành Trung ương; cán bộ
nghiên cứu giáo dục; cán bộ chuyên trách công đoàn giáo dục (gọi chung là cán
bộ quản lý giáo dục).
c) Nhà giáo của các trường công lập đã nghỉ
hưu vẫn tiếp tục tham gia công tác giảng dạy, quản lý (cán bộ, giáo viên, giảng
viên cơ hữu) tại các cơ sở giáo dục ngoài công lập.
3. Không xét danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Nhà
giáo Ưu tú đối với những người trong thời gian bị thi hành kỷ luật, đang xét kỷ
luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Điều 2. Thời gian xét
tặng và công bố danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú
Danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú được
xét tặng và công bố hai năm một lần vào dịp kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20 tháng 11.
Điều 3. Tổ chức trao
tặng
Các Bộ, ngành Trung ương tổ chức Lễ trao tặng
cho các Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú được Chủ tịch nước phong tặng trực
thuộc Bộ, ngành theo quy định hiện hành;
Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc
Trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh) tổ chức Lễ trao tặng cho các Nhà
giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú được Chủ tịch nước phong tặng trực thuộc tỉnh
theo quy định hiện hành;
Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Lễ trao tặng
cho các Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú được Chủ tịch nước phong tặng trực thuộc
Bộ Giáo dục và Đào tạo và một số trường hợp đặc biệt do Chủ tịch Hội đồng cấp
Nhà nước quyết định;
Nghi lễ trao tặng được thực hiện theo quy
định của Chính phủ về nghi thức Nhà nước trong tổ chức mít tinh, lễ kỷ niệm,
trao tặng và đón nhận danh hiệu vinh dự nhà nước, Huân chương, Huy chương, Cờ
thi đua của Chính phủ, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.
Điều 4. Quyền và
trách nhiệm của nhà giáo được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo
Ưu tú
1. Nhà giáo được phong tặng danh hiệu Nhà
giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú được hưởng các quyền theo quy định tại khoản 3, Điều 73 và Điều 77 Nghị định số 42/2010/NĐ-CP ngày 15
tháng 4 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật
Thi đua, Khen thưởng và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, Khen
thưởng.
2. Nhà giáo được phong tặng danh hiệu Nhà
giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú có trách nhiệm tiếp tục phát huy phẩm chất đạo
đức, tài năng sư phạm để thực sự là gương sáng cho đồng nghiệp noi theo và gìn
giữ các hiện vật khen thưởng.
Điều 5. Tước và phục
hồi danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú
Việc tước và phục hồi danh hiệu Nhà giáo Nhân
dân, Nhà giáo Ưu tú được thực hiện theo quy định tại Điều 84,
Nghị định số 42/2010/NĐ-CP ngày 15 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ quy định
chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng và Luật sửa đổi bổ
sung một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng.
Điều 6. Kinh phí tổ
chức xét tặng và tiền thưởng
1. Cấp nào quyết định thành lập Hội đồng xét
tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú theo quy định tại Điều 10,
Điều 11 Thông tư này thì cấp đó có trách nhiệm bố trí kinh phí cho hoạt động
xét tặng theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước.
2. Tiền thưởng cho Nhà giáo Nhân dân, Nhà
giáo Ưu tú thực hiện theo quy định tại Điều 69 và khoản 3 Điều
73 của Nghị định số 42/2010/NĐ-CP ngày 15 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ.
Chương II
TIÊU
CHUẨN XÉT TẶNG DANH HIỆU NHÀ GIÁO NHÂN DÂN, NHÀ GIÁO ƯU TÚ
Điều 7. Tiêu chuẩn xét
tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân
1. Trung thành với Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
2. Có phẩm chất đạo đức tốt, tâm huyết, tận
tụy với nghề; gương mẫu, thực sự là tấm gương sáng cho người học và đồng nghiệp
noi theo; hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần quan trọng vào việc
xây dựng đơn vị trở thành Tập thể lao động xuất sắc, Đơn vị quyết thắng; đã
được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú từ 6 năm trở lên tính đến năm
đề nghị; tiếp tục đạt thành tích cao sau khi được phong tặng danh hiệu Nhà giáo
Ưu tú với một trong các hình thức khen thưởng hoặc danh hiệu sau đây: Chiến sĩ
thi đua toàn quốc; Huân chương Lao động, Huân chương Bảo vệ Tổ quốc trở lên;
Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước;
Có tài năng sư phạm xuất sắc, có uy tín lớn
và ảnh hưởng trong ngành và trong xã hội, là nhà giáo đầu đàn tiêu biểu được
đồng nghiệp thừa nhận, là nhà giáo mẫu mực được học trò và nhân dân kính trọng,
có nhiều thành tích trong công tác bồi dưỡng, giúp đỡ đồng nghiệp về chuyên
môn, nghiệp vụ và nghiên cứu khoa học:
a) Giảng dạy đạt chất lượng và hiệu quả cao,
có nhiều học sinh giỏi, sinh viên giỏi, có đóng góp phát hiện và bồi dưỡng học
sinh, sinh viên tài năng, góp phần đào tạo nhân tài cho đất nước.
b) Có sáng kiến, giải pháp, đề tài nghiên cứu
khoa học được ứng dụng rộng rãi trong công tác giảng dạy, giáo dục hoặc quản lý
giáo dục được Hội đồng khoa học cấp tỉnh, bộ, cấp Nhà nước xếp loại, tính từ
sau năm được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú. Cụ thể:
- Đối với giáo viên trong các cơ sở giáo dục
mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, trường trung cấp chuyên nghiệp, trường trung
cấp nghề, trung tâm dạy nghề, cơ sở giáo dục thường xuyên: Có ít nhất 03 sáng
kiến hoặc 03 giải pháp hoặc chủ trì 02 đề tài nghiên cứu khoa học để nâng cao
chất lượng giáo dục được Hội đồng khoa học ngành giáo dục cấp tỉnh (đối với đơn
vị trực thuộc sở giáo dục và đào tạo), Hội đồng khoa học cấp sở, cơ quan chủ
quản cấp trên (đối với đơn vị trực thuộc Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) nghiệm
thu, xếp loại tốt (loại A);
- Đối với giảng viên các trường cao đẳng, đại
học, học viện, các trường của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức
chính trị - xã hội, lực lượng vũ trang nhân dân: chủ biên 02 giáo trình (hoặc chủ
biên 01 giáo trình và tham gia biên soạn 02 giáo trình) đã được xuất bản; có 03
bài báo khoa học đăng trong nước hoặc quốc tế; chủ trì 02 đề tài nghiên cứu
khoa học cấp tỉnh, bộ hoặc 02 nhánh đề tài nghiên cứu khoa học cấp nhà nước đã
ứng dụng có hiệu quả trong giảng dạy, được Hội đồng khoa học cấp tỉnh, bộ, cấp Nhà
nước đánh giá, nghiệm thu, xếp loại tốt (loại A). Đối với giảng viên đại học, hướng
dẫn chính ít nhất 03 nghiên cứu sinh, trong đó có 02 nghiên cứu sinh đã bảo vệ
thành công luận án tiến sĩ hoặc hướng dẫn ít nhất 05 học viên cao học đã bảo vệ
thành công;
- Đối với cán bộ quản lý giáo dục: chủ trì 02
đề tài nghiên cứu khoa học được Hội đồng khoa học cấp tỉnh, cấp bộ, cấp nhà
nước nghiệm thu, xếp loại tốt (loại A), được ứng dụng có hiệu quả trong công
tác (đối với cán bộ quản lý các: cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ
thông, trường trung cấp chuyên nghiệp, trường trung cấp nghề, trung tâm dạy
nghề, cơ sở giáo dục thường xuyên có ít nhất 03 sáng kiến hoặc 03 giải pháp
hoặc 02 đề tài nghiên cứu khoa học để nâng cao chất lượng giáo dục được Hội
đồng khoa học ngành giáo dục cấp tỉnh nghiệm thu, xếp loại tốt (loại A)); đã chủ
trì hoặc tham mưu xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, quy định tổ chức, hoạt
động, thực hiện có hiệu quả công cuộc đổi mới và phát triển sự nghiệp giáo dục
góp phần làm cho đơn vị thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ và đạt thành tích xuất
sắc. Đối với cán bộ quản lý là cấp trưởng hoặc cấp phó thì tập thể, đơn vị do
cán bộ đó quản lý, chỉ đạo phải đạt danh hiệu Tập thể lao động xuất sắc ít nhất
02 năm liền kề với năm đề nghị phong tặng.
3. Có thời gian trực tiếp nuôi dạy, giảng dạy
từ 20 năm trở lên. Đối với cán bộ quản lý giáo dục thì phải có thời gian công
tác trong ngành từ 25 năm trở lên trong đó có 15 năm trở lên trực tiếp nuôi
dạy, giảng dạy.
Điều 8. Tiêu chuẩn xét
tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú
1. Trung thành với Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
2. Có phẩm chất đạo đức tốt, tận tụy với
nghề, thương yêu, chăm sóc, giáo dục học trò; gương mẫu, thực sự là tấm gương
sáng cho người học và đồng nghiệp noi theo, được người học, đồng nghiệp, nhân
dân kính trọng. Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, có đóng góp trong việc
xây dựng đơn vị, trường học trở thành Tập thể lao động xuất sắc; có ít nhất 7
năm là chiến sĩ thi đua cơ sở trong đó có 3 năm liên tục liền kề năm đề nghị
xét tặng danh hiệu nhà giáo và có ít nhất 01 lần được công nhận danh hiệu chiến
sĩ thi đua cấp tỉnh, cấp bộ hoặc được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen, hoặc
3 lần được tặng Bằng khen của tỉnh, bộ đối với giáo viên, giảng viên. Đối với
giáo viên, cán bộ quản lý cở sở giáo dục ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội
đặc biệt khó khăn có ít nhất 5 năm đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở trong
đó có 2 năm liên tục liền kề năm đề nghị xét tặng danh hiệu nhà giáo và 1 lần
được tặng bằng khen của tỉnh, bộ;
Có tài năng sư phạm, có công lớn trong sự
nghiệp giáo dục, giảng dạy đạt chất lượng tốt, hiệu quả cao, có nhiều học sinh
giỏi, sinh viên giỏi; có cải tiến hoặc sáng kiến, kinh nghiệm, giải pháp kỹ
thuật, đề tài nghiên cứu khoa học được áp dụng đạt hiệu quả trong công tác
giảng dạy, giáo dục hoặc quản lý giáo dục được Hội đồng khoa học các cấp đánh
giá, xếp loại cụ thể như sau:
a) Đối với giáo viên trong các cơ sở giáo dục
mầm non:
- Là giáo viên đạt loại xuất sắc theo quy
định chuẩn nghề nghiệp, đảm bảo chất lượng và hiệu quả nuôi dạy các cháu, thực
hiện các hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ đạt chất lượng cao, giảm tỷ lệ trẻ
suy dinh dưỡng, góp phần thu hút trẻ đến trường, có thành tích trong công tác
phổ cập;
- Thực hiện xuất sắc những mục tiêu, yêu cầu
của ngành học giáo dục mầm non, góp phần xây dựng đơn vị trở thành Tập thể lao
động xuất sắc; hướng dẫn, vận động được nhiều cha mẹ các cháu thực hiện nuôi
dạy con theo phương pháp khoa học đạt kết quả tốt; được đồng nghiệp tín nhiệm
và thừa nhận là giáo viên mầm non giỏi, tiêu biểu của địa phương, được cha mẹ
các cháu tín nhiệm;
- Có ít nhất 01 sáng kiến, cải tiến, giải pháp;
áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ mới trong việc nuôi dạy các cháu được Hội
đồng khoa học ngành giáo dục cấp tỉnh đánh giá, xếp loại khá (loại B) trở lên;
- Giúp đỡ, bồi dưỡng được ít nhất 02 giáo
viên trở thành giáo viện dạy giỏi của trường và ít nhất 01 lần được công nhận
danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp huyện trở lên.
b) Đối với giáo viên trong các trường tiểu
học:
- Là giáo viên đạt loại xuất sắc theo quy
định chuẩn nghề nghiệp, thực hiện xuất sắc nhiệm vụ của giáo viên tiểu học, có
nhiều thành tích trong phổ cập giáo dục tiểu học; trong giảng dạy đạt chất
lượng và hiệu quả cao; có nhiều học sinh xếp loại giỏi;
- Có đóng góp xây dựng đơn vị trở thành Tập thể
lao động xuất sắc; được đồng nghiệp thừa nhận là giáo viên giỏi; là nhà giáo
mẫu mực, tấm gương sáng của ngành giáo dục địa phương; được học sinh kính
trọng, cha mẹ học sinh và nhân dân tín nhiệm;
- Có ít nhất 02 cải tiến hoặc 02 sáng kiến
kinh nghiệm được áp dụng trong giảng dạy, giáo dục học sinh, được Hội đồng khoa
học ngành giáo dục cấp tỉnh đánh giá, xếp loại khá (loại B) trở lên;
- Có nhiều thành tích giúp đỡ đồng nghiệp
phấn đấu trở thành giáo viên dạy giỏi, đã bồi dưỡng được ít nhất 03 giáo viên
trở thành giáo viên dạy giỏi của trường, của địa phương và ít nhất 1 lần được
công nhận giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh trở lên.
c) Đối với giáo viên trong các trường trung
học cơ sở; trung học phổ thông; trung tâm kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp; trung
tâm giáo dục thường xuyên; trung tâm học tập cộng đồng; trung tâm ngoại ngữ,
tin học; trung tâm dạy nghề:
- Là giáo viên đạt loại xuất sắc theo quy
định chuẩn nghề nghiệp, giảng dạy, giáo dục học sinh đạt chất lượng tốt, hiệu
quả cao, phát huy tính chủ động, sáng tạo của học sinh, có học sinh đạt học
sinh giỏi các cấp;
- Có đóng góp xây dựng đơn vị trở thành Tập
thể lao động xuất sắc, góp phần xây dựng, ổn định và phát triển sự nghiệp giáo
dục của địa phương; được đồng nghiệp thừa nhận là giáo viên giỏi tiêu biểu của
cấp học; là nhà giáo mẫu mực, là tấm gương sáng của ngành giáo dục địa phương;
được học sinh kính trọng, cha mẹ học sinh và nhân dân tín nhiệm;
- Có ít nhất 02 cải tiến hoặc 02 sáng kiến
kinh nghiệm áp dụng trong giảng dạy, trong quản lý được Hội đồng khoa học ngành
giáo dục cấp tỉnh đánh giá, xếp loại khá (loại B) trở lên;
- Có thành tích trong công tác bồi dưỡng và
xây dựng đội ngũ giáo viên dạy giỏi của trường, địa phương, đã bồi dưỡng được
ít nhất 02 giáo viên trở thành giáo viên dạy giỏi cấp huyện trở lên, có ít nhất
01 lần được công nhận giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh trở lên.
d) Đối với giáo viên trong các trường trung
cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề:
- Giảng dạy đạt chất lượng và hiệu quả cao,
có đóng góp để đổi mới mục tiêu, nội dung, chương trình đào tạo. Có đóng góp để
đào tạo đội ngũ cán bộ kỹ thuật và công nhân lành nghề cho ngành và địa phương.
Có học sinh giỏi về lý thuyết và kỹ năng thực hành;
- Có đóng góp xây dựng nhà trường trở thành Tập
thể lao động xuất sắc trong nhiều năm, được học sinh tín nhiệm;
- Có ít nhất 02 giải pháp hoặc 02 sáng kiến
kinh nghiệm, cải tiến được áp dụng mang lại hiệu quả, được Hội đồng khoa học ngành
giáo dục cấp tỉnh (đối với đơn vị trực thuộc sở giáo dục và đào tạo), Hội đồng
khoa học cấp sở, cơ quan chủ quản cấp trên (đối với đơn vị trực thuộc Bộ,
ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) đánh giá, xếp loại khá (loại B) trở lên;
- Được đồng nghiệp tín nhiệm và thừa nhận là
giáo viên giỏi tiêu biểu của địa phương, của ngành, có ít nhất 01 lần được công
nhận giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, bộ trở lên. Bồi dưỡng được nhiều giáo viên
dạy giỏi có trình độ nghiệp vụ và tay nghề vững vàng.
e) Đối với giảng viên các trường cao đẳng, trường
chính trị tỉnh, cơ sở bồi dưỡng cán bộ công chức của các bộ, ngành:
- Giảng dạy đạt chất lượng và hiệu quả cao,
có đóng góp đổi mới mục tiêu nội dung chương trình, nâng cao chất lượng giáo
dục, hiệu quả đào tạo;
- Tham gia biên soạn ít nhất 02 giáo trình
được đưa vào giảng dạy, trong đó có 01 giáo trình đã được xuất bản; tham gia ít
nhất 01 đề tài nghiên cứu khoa học, phục vụ giáo dục đã áp dụng trong nhà trường,
được Hội đồng khoa học cấp tỉnh, bộ đánh giá, xếp loại khá (loại B) hoặc chủ
trì 02 đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở xếp loại tốt, và đã được ứng dụng
trong nhà trường từ 02 năm trở lên;
- Có đóng góp xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ
giảng viên dạy giỏi của khoa, của trường; có ít nhất 01 lần được công nhận
giảng viên dạy giỏi cấp tỉnh, bộ;
- Có đóng góp trong việc hướng dẫn sinh viên
cải tiến phương pháp học tập và nghiên cứu khoa học đạt kết quả, có sinh viên
giỏi.
g) Đối với giảng viên các đại học, trường đại
học, học viện:
- Giảng dạy, hướng dẫn sinh viên nghiên cứu
khoa học, thực tập đạt chất lượng và hiệu quả cao; có đóng góp trong đổi mới
mục tiêu, nội dung, chương trình, phương pháp và nâng cao chất lượng giáo dục;
- Chủ biên 01 giáo trình hoặc tham gia biên soạn
ít nhất 02 giáo trình được đưa vào giảng dạy và đã được xuất bản hoặc là tác
giả của 02 sách chuyên khảo; có ít nhất 05 bài báo khoa học được công bố trên
các tạp chí trong và ngoài nước; chủ trì 01 đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ, cấp
tỉnh hoặc nhánh đề tài nghiên cứu khoa học cấp nhà nước đã được Hội đồng khoa
học cấp tỉnh, bộ, cấp nhà nước đánh giá, xếp loại khá (loại B); hướng dẫn ít
nhất 02 nghiên cứu sinh, trong đó có 01 nghiên cứu sinh đã bảo vệ thành công luận
án tiến sĩ hoặc hướng dẫn ít nhất 05 học viên cao học đã bảo vệ thành công;
- Có đóng góp xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ
giảng viên dạy giỏi của chuyên ngành, của trường;
- Có đóng góp trong việc hướng dẫn sinh viên,
học viên cải tiến phương pháp học tập; tích cực nghiên cứu khoa học đạt thành
tích cao, có sinh viên giỏi.
h) Đối với giảng viên các ngành nghề đặc thù,
đề tài nghiên cứu khoa học được xem xét cụ thể phạm vi ảnh hưởng; công tác đào
tạo tiến sĩ, thạc sĩ được vận dụng tùy theo ngành nghề tham gia đào tạo và được
sự nhất trí của Chủ tịch Hội đồng xét tặng cấp nhà nước trong năm xét tặng khi
có văn bản đề nghị của các bộ, ngành.
i) Đối với cán bộ quản lý giáo dục:
- Chủ trì ít nhất 02 giải pháp hoặc 02 sáng
kiến hoặc 02 đề tài nghiên cứu khoa học trong thời gian làm cán bộ quản lý
(hoặc 01 trong thời gian trực tiếp giảng dạy và 01 trong thời gian quản lý) có
tác dụng đổi mới phương pháp giảng dạy và công tác quản lý, nâng cao hiệu quả
quản lý được Hội đồng khoa học cấp tỉnh, bộ đánh giá, xếp loại khá (loại B) trở
lên và đã tham mưu, chủ trì soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật, quy định hoạt
động, tổ chức nhằm thực hiện có kết quả công cuộc đổi mới và phát triển sự
nghiệp giáo dục, góp phần xây dựng đơn vị đạt danh hiệu Tập thể lao động xuất
sắc. Thực sự là tấm gương sáng để đồng nghiệp noi theo, học tập;
- Đối với cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục mầm
non, phổ thông, giáo dục thường xuyên, trung tâm dạy nghề phải có ít nhất 02
giải pháp, sáng kiến hoặc đề tài nghiên cứu khoa học được Hội đồng khoa học
giáo dục cấp tỉnh hoặc Hội đồng khoa học ngành chủ quản đánh giá, xếp loại tốt (loại
A);
- Đối với cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm
non, phổ thông, giáo dục thường xuyên, trung tâm dạy nghề, thời gian làm công
tác quản lý có tham gia giảng dạy theo quy định được tính là thời gian trực
tiếp giảng dạy nhưng không quá 05 năm cộng thêm vào thời gian trực tiếp giảng
dạy;
- Đối với cán bộ quản lý, lãnh đạo cấp trưởng
hoặc cấp phó thì tập thể, đơn vị do cán bộ đó quản lý, chỉ đạo phải đạt danh
hiệu Tập thể lao động tiến tiến ít nhất 03 năm liền kề với năm đề nghị phong
tặng (trong đó có 01 năm đạt danh hiệu Tập thể lao động xuất sắc).
k) Đối với giáo viên và cán bộ quản lý công
tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của
Chính phủ được hưởng tiêu chuẩn ưu tiên như sau:
- Thời gian công tác và thời gian trực tiếp
giảng dạy tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được nhân hệ
số 1,33;
- Đối với giáo viên có tinh thần khắc phục
khó khăn xây dựng trường lớp, vận động được nhiều học sinh đến trường, dìu dắt,
giúp đỡ học sinh trong học tập, có nhiều học sinh trưởng thành đóng góp xây
dựng địa phương; cải tiến, sáng kiến kinh nghiệm áp dụng trong giảng dạy, trong
quản lý được Hội đồng khoa học ngành giáo dục cấp huyện công nhận đối với giáo
viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, cấp ngành giáo dục tỉnh đối với giáo
viên trung học phổ thông;
- Đối với cán bộ quản lý tập thể, đơn vị do
cán bộ đó quản lý, chỉ đạo phải đạt danh hiệu Tập thể lao động tiên tiến ít
nhất 2 năm liền kề với năm đề nghị xét phong tặng.
3. Có thời gian trực tiếp nuôi dạy, giảng dạy
từ 15 năm trở lên đối với giáo viên, giảng viên. Đối với cán bộ quản lý giáo
dục thì phải có thời gian công tác trong ngành từ 20 năm trở lên trong đó có 10
năm trở lên trực tiếp nuôi dạy, giảng dạy.
Chương III
HỘI
ĐỒNG, PHẠM VI XÉT TRÌNH DANH HIỆU NHÀ GIÁO NHÂN DÂN, NHÀ GIÁO ƯU TÚ
Điều 9. Các cấp Hội
đồng, thành phần và phạm vi xét trình
1. Hội đồng cấp cơ sở
Hội đồng cấp cơ sở được tổ chức ở các cơ sở
giáo dục, các cơ quan Công đoàn Giáo dục Việt Nam và các đơn vị trực thuộc bộ,
ngành Trung ương;
Thành phần Hội đồng cấp cơ sở: Thủ trưởng đơn
vị là Chủ tịch Hội đồng, một Phó Thủ trưởng và Chủ tịch công đoàn đơn vị là Phó
Chủ tịch Hội đồng, Trưởng các cơ quan chức năng có liên quan thuộc đơn vị; đại
diện lãnh đạo, chuyên viên bộ phận chuyên trách công tác thi đua, khen thưởng;
đại diện nhà giáo tiêu biểu; hoặc Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú (nếu có);
Hội đồng cấp cơ sở do Hiệu trưởng, Thủ trưởng
đơn vị ra quyết định thành lập;
Hội đồng cấp cơ sở xét tặng danh hiệu Nhà
giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú đối với nhà giáo được cán bộ, công chức, viên
chức trong đơn vị tín nhiệm và giới thiệu.
2. Hội đồng cấp huyện
Hội đồng cấp huyện, quận, thị xã, thành phố
thuộc tỉnh gọi chung là Hội đồng cấp huyện;
Thành phần Hội đồng cấp huyện: Chủ tịch (hoặc
Phó chủ tịch) Uỷ ban nhân dân huyện làm Chủ tịch, Trưởng phòng giáo dục và đào
tạo làm Phó Chủ tịch thường trực, Chủ tịch công đoàn giáo dục huyện làm Phó Chủ
tịch, cán bộ làm công tác thi đua, khen thưởng của huyện, Phó Trưởng phòng giáo
dục và đào tạo, cán bộ phụ trách chuyên môn, tổ chức cán bộ, đại diện nhà giáo
tiêu biểu hoặc Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú làm uỷ viên;
Hội đồng cấp huyện do Chủ tịch Uỷ ban nhân
dân cấp huyện ra quyết định thành lập;
Hội đồng cấp huyện xét tặng danh hiệu Nhà
giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú đối với các nhà giáo được Hội đồng cấp cơ sở
thuộc cấp huyện quản lý đề nghị.
3. Hội đồng sở giáo dục và đào tạo mở rộng
Hội đồng sở giáo dục và đào tạo mở rộng gồm:
sở giáo dục và đào tạo, sở lao động thương binh và xã hội, công đoàn giáo dục
tỉnh, các Trưởng phòng phụ trách các cấp học và trình độ đào tạo, tổ chức cán
bộ, thanh tra, văn phòng sở giáo dục và đào tạo, đại diện một số sở, ban,
ngành, đại diện thường trực Hội đồng thi đua khen - thưởng ngành giáo dục tỉnh;
Thành phần Hội đồng sở giáo dục và đào tạo mở
rộng: Giám đốc sở giáo dục và đào tạo làm Chủ tịch, 1 Phó Giám đốc làm Phó Chủ
tịch thường trực, Chủ tịch công đoàn giáo dục tỉnh làm phó Chủ tịch, 1 lãnh đạo
sở lao động thương binh và xã hội làm Phó Chủ tịch, các Phó Giám đốc, các
Trưởng phòng phụ trách các cấp học và trình độ đào tạo, tổ chức cán bộ, thanh
tra, văn phòng sở giáo dục và đào tạo, đại diện một số sở, ban, ngành có nhà
giáo đề nghị xét tặng, đại diện thường trực Hội đồng thi đua khen - thưởng
ngành giáo dục tỉnh, đại diện nhà giáo tiêu biểu; hoặc Nhà giáo Nhân dân, Nhà
giáo Ưu tú làm uỷ viên;
Hội đồng sở giáo dục và đào tạo mở rộng do
Giám đốc sở giáo dục và đào tạo ra quyết định thành lập;
Hội đồng sở giáo dục và đào tạo mở rộng xét
tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú đối với nhà giáo được Hội đồng
cấp cơ sở ở các cơ sở giáo dục trực thuộc các sở, ngành trong tỉnh đề nghị.
4. Hội đồng cấp tỉnh
Thành phần Hội đồng cấp tỉnh gồm: Chủ tịch
(hoặc Phó chủ tịch) Uỷ ban nhân dân tỉnh làm Chủ tịch, Giám đốc sở giáo dục và
đào tạo làm phó Chủ tịch thường trực, Chủ tịch Công đoàn giáo dục tỉnh làm Phó
Chủ tịch, Trưởng Ban thi đua - khen thưởng tỉnh là Phó Chủ tịch, các Phó giám
đốc, các Trưởng phòng phụ trách các cấp học và trình độ đào tạo, tổ chức cán
bộ, thanh tra, văn phòng sở giáo dục và đào tạo, đại diện lãnh đạo một số sở,
ngành có nhà giáo đề nghị xét tặng, đại diện thường trực Hội đồng thi đua khen
- thưởng ngành giáo dục tỉnh, đại diện chiến sĩ thi đua cấp tỉnh, Nhà giáo Nhân
dân hoặc Nhà giáo Ưu tú làm uỷ viên;
Hội đồng cấp tỉnh do Chủ tịch Ủy ban nhân dân
tỉnh ra quyết định thành lập;
Hội đồng cấp tỉnh xét tặng danh hiệu Nhà giáo
Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú đối với nhà giáo được Hội đồng cấp huyện, Hội đồng sở
giáo dục và đào tạo mở rộng và Hội đồng cơ sở của các trường đại học, cao đẳng
trực thuộc tỉnh đề nghị.
5. Hội đồng Đại học Thái Nguyên, Đại học Huế,
Đại học Đà Nẵng, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí
Minh (sau đây gọi là Hội đồng Đại học)
Thành phần Hội đồng Đại học gồm: Giám đốc
hoặc Phó Giám đốc làm Chủ tịch, Chủ tịch Công đoàn làm Phó Chủ tịch, 01 Phó
Giám đốc Đại học làm Phó Chủ tịch, hiệu trưởng các trường thành viên, trưởng
các ban: đào tạo, tổ chức cán bộ, thanh tra, tổng hợp; đại diện Nhà giáo Nhân
dân, Nhà giáo Ưu tú và chiến sĩ thi đua là giảng viên dạy giỏi, cán bộ làm công
tác thi đua, khen thưởng của Đại học làm uỷ viên;
Hội đồng Đại học do Giám đốc Đại học quyết
định thành lập;
Hội đồng Đại học xét tặng danh hiệu Nhà giáo
Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú đối với nhà giáo được Hội đồng cấp cơ sở ở các đơn vị
thành viên đề nghị.
6. Hội đồng bộ, ban, ngành Trung ương
Hội đồng cấp bộ, ban, ngành Trung ương (sau
đây gọi là Hội đồng cấp bộ);
Thành phần Hội đồng cấp bộ: Bộ trưởng hoặc
Thứ trưởng Thường trực làm Chủ tịch, Chủ tịch Công đoàn ngành hoặc Thứ trưởng
phụ trách công tác Thi đua, Khen thưởng làm Phó Chủ tịch, các Thứ trưởng, Thủ trưởng
các cơ quan chức năng có liên quan, đại diện thường trực Hội đồng Thi đua, Khen
thưởng ngành, đại diện chiến sĩ thi đua cấp bộ, Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu
tú làm ủy viên;
Hội đồng cấp bộ do người đứng đầu bộ, ban,
ngành ra quyết định thành lập;
Hội đồng cấp bộ xét tặng danh hiệu Nhà giáo
Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú đối với nhà giáo được Hội đồng cơ sở ở các đơn vị trực
thuộc Bộ, ban, ngành đề nghị. Đối với Hội đồng cơ sở thuộc cục, tổng cục, tổng
công ty quản lý nhà nước thì đơn vị chủ quản đó phải có văn bản đề nghị Hội
đồng cấp bộ xem xét;
Hội đồng Bộ Giáo dục và Đào tạo xét tặng danh
hiệu Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú đối với nhà giáo được Hội đồng cơ sở ở
các đơn vị trực thuộc Bộ, Hội đồng Đại học và Hội đồng cấp tỉnh đề nghị.
7. Hội đồng cấp Nhà nước
Thành phần Hội đồng cấp Nhà nước do Thủ tướng
Chính phủ quyết định theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo;
Hội đồng cấp Nhà nước xét tặng danh hiệu Nhà
giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú có trách nhiệm xét trình Thủ tướng Chính phủ trình
Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú đối với
các nhà giáo được Hội đồng cấp bộ đề nghị.
Điều 10. Quy định
hoạt động của Hội đồng xét tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú các
cấp
1. Hội đồng phải có ít nhất 1/3 tổng số thành
viên là đại diện nhà giáo tiêu biểu hoặc Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú.
2. Số lượng thành viên Hội đồng các cấp tối
thiểu là 9 thành viên.
3. Các cuộc họp của Hội đồng được coi là hợp
lệ khi ít nhất có sự tham dự của 2/3 số thành viên của Hội đồng có tên trong
quyết định; trường hợp vắng mặt thành viên Hội đồng phải xin phép chủ tịch Hội
đồng và gửi lại ý kiến bằng phiếu bầu.
4. Hội đồng cấp dưới hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị
lên Hội đồng cấp trên xét tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú đối
với các nhà giáo có số phiếu đồng ý của các thành viên Hội đồng từ 90% trở lên
so với tổng số thành viên Hội đồng có tên trong quyết định.
5. Hội đồng các cấp không xem xét đối với các
trường hợp khai hồ sơ không đúng quy định, hồ sơ không đầy đủ, không hợp lệ
hoặc nộp hồ sơ không đúng tuyến trình và không đúng thời gian quy định.
6. Hội đồng xét tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân
dân, Nhà giáo Ưu tú ở mỗi cấp có một tổ thư ký hoặc ban thư ký giúp việc, do
chủ tịch Hội đồng ra quyết định thành lập.
7. Hội đồng xét tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân
dân, Nhà giáo Ưu tú các cấp sử dụng con dấu của cơ quan, đơn vị do Chủ tịch Hội
đồng là Thủ trưởng (người đứng đầu) của cơ quan, đơn vị đó. Đối với Hội đồng
cấp tỉnh được sử dụng con dấu của sở giáo dục và đào tạo khi có ủy quyền của
Chủ tịch Hội đồng giao cho Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng ký các văn bản, hồ
sơ của Hội đồng.
Chương IV
QUY
TRÌNH XÉT TẶNG DANH HIỆU NHÀ GIÁO NHÂN DÂN, NHÀ GIÁO ƯU TÚ
Điều 11. Quy trình
xét tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú ở Hội đồng cơ sở
1. Giới thiệu và bỏ phiếu tín nhiệm:
a) Thủ trưởng đơn vị cấp cơ sở tổ chức cuộc
họp liên tịch giữa Đảng, chính quyền, Công đoàn, Đoàn Thanh niên (nếu có) của
đơn vị để phổ biến cho cán bộ, công chức, viên chức trong đơn vị tiêu chuẩn xét
chọn danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú quy định tại Luật Thi đua,
Khen thưởng và Thông tư này.
b) Trên cơ sở nắm vững đối tượng, tiêu chuẩn,
quy trình xét chọn, tổ chức cho cán bộ, giáo viên tự giới thiệu và giới thiệu
công khai những người có đủ tiêu chuẩn.
c) Toàn thể cán bộ, công chức, viên chức
trong đơn vị trao đổi thành tích, công lao của từng người, so sánh, đối chiếu
với tiêu chuẩn và bỏ phiếu giới thiệu. Kết quả kiểm phiếu giới thiệu được công
bố công khai trong đơn vị.
d) Các nhà giáo được Hội đồng cấp cơ sở đưa
vào danh sách xét chọn là những người phải đạt từ 80% số phiếu giới thiệu của
cán bộ, công chức, viên chức trở lên.
e) Đối với các trường cao đẳng, đại học có số
cán bộ công chức từ 200 người trở lên có thể tổ chức giới thiệu và bỏ phiếu tín
nhiệm ở các khoa với sự tham dự của đại diện học sinh, sinh viên trong khoa.
2. Hội đồng cấp cơ sở sơ duyệt:
Trên cơ sở danh sách những người đạt từ 80%
số phiếu giới thiệu, Hội đồng cấp cơ sở tổ chức họp xem xét, thành tích công
lao của từng người; những ý kiến đóng góp, đánh giá của cán bộ, công chức, viên
chức, đối chiếu với tiêu chuẩn và bỏ phiếu sơ duyệt.
3. Công bố kết quả sơ duyệt và tổ chức thăm
dò dư luận:
Sau khi có kết quả số phiếu sơ duyệt, Hội
đồng cấp cơ sở công bố kết quả sơ duyệt trong toàn đơn vị bằng hình thức niêm
yết danh sách những người đạt đủ số phiếu sơ duyệt trong đơn vị ít nhất 7 ngày
làm việc; gửi công văn tới các đơn vị trực thuộc và đưa lên website của đơn vị
(nếu có), để cán bộ công chức, viên chức biết và góp ý kiến; tổ chức thăm dò dư
luận trong cán bộ công chức, Ban chấp hành công đoàn, Ban chấp hành Đoàn Thanh
niên Cộng sản Hồ Chí Minh, trong đại diện học sinh, sinh viên (đối với cơ sở
giáo dục mầm non, trường tiểu học tổ chức thăm dò dư luận trong đại diện cha mẹ
học sinh thay cho học sinh).
4. Hội đồng cấp cơ sở bỏ phiếu tán thành:
a) Trên cơ sở danh sách đã sơ duyệt và kết
quả thăm dò dư luận, Hội đồng cấp cơ sở họp để xem xét và bỏ phiếu tán thành.
Danh sách bỏ phiếu tán thành là danh sách những nhà giáo đã đạt số phiếu hội
đồng sơ duyệt từ 80% trở lên số phiếu trên tổng số thành viên Hội đồng. Kết quả
bỏ phiếu tán thành được công bố trong toàn đơn vị.
b) Hoàn chỉnh hồ sơ cá nhân đủ điều kiện và
hồ sơ Hội đồng cấp cơ sở, gửi lên Hội đồng cấp trên theo quy định tại Điều 9
của Thông tư này.
Điều 12. Quy trình
xét tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú Hội đồng cấp huyện, Hội
đồng sở giáo dục và đào tạo mở rộng, Hội đồng tỉnh, Hội đồng Đại học; Hội đồng
bộ, ban, ngành Trung ương
1. Lập danh sách và hồ sơ:
a) Trên cơ sở danh sách đề nghị của Hội đồng
cấp cơ sở, kiểm tra và lập danh sách những người đủ tiêu chuẩn để trình Hội
đồng. Người có đủ tiêu chuẩn để trình Hội đồng là người có đủ 80% trở lên số
phiếu giới thiệu của cán bộ, công chức, viên chức và có số phiếu tán thành đạt ít
nhất 90% trên tổng số thành viên Hội đồng của mỗi cấp.
b) Lập hồ sơ gửi tới mỗi thành viên của Hội
đồng để nghiên cứu trước.
2. Họp Hội đồng để sơ duyệt:
Trên cơ sở danh sách những người có đủ 80%
trở lên số phiếu giới thiệu và 90% trở lên số phiếu tán thành của Hội đồng cấp
cơ sở, Hội đồng tổ chức họp, căn cứ tiêu chuẩn xem xét thành tích, công lao của
từng nhà giáo và tiến hành bỏ phiếu sơ duyệt.
3. Hội đồng công bố kết quả sơ duyệt và tổ
chức thăm dò dư luận theo quy định như sau:
a) Hội đồng cấp huyện, sở giáo dục và đào tạo
mở rộng: Công bố kết quả sơ duyệt và lấy ý kiến thăm dò tới các Hội đồng cấp cơ
sở trực thuộc và có liên quan, bằng niêm yết công khai, bằng công văn thông báo
và trên website của cấp đó (nếu có), để lấy ý kiến.
b) Hội đồng cấp tỉnh: Công bố kết quả sơ
duyệt và lấy ý kiến thăm dò với các phòng giáo dục và đào tạo cấp huyện, các
đơn vị trực thuộc và có liên quan bằng công văn và trên Website của sở giáo dục
và đào tạo, để lấy ý kiến.
c) Hội đồng Đại học: Công bố kết quả sơ duyệt
và lấy ý kiến thăm dò với các trường trực thuộc Đại học và các đơn vị có liên
quan bằng niêm yết công khai, bằng công văn thông báo và trên website của Đại
học, để lấy ý kiến.
d) Hội đồng cấp bộ, ngành Trung ương: Công bố
kết quả sơ duyệt và lấy ý kiến thăm dò với các Hội đồng cấp cơ sở bằng công văn
thông báo và trên Website của bộ, ngành Trung ương.
4. Họp Hội đồng để bỏ phiếu tán thành:
a) Trên cơ sở danh sách đã sơ duyệt, kết quả
thăm dò dư luận, Hội đồng họp để xem xét, cân nhắc và bỏ phiếu tán thành.
b) Hoàn chỉnh hồ sơ cá nhân đủ điều kiện và
hồ sơ Hội đồng đề nghị lên Hội đồng cấp trên. Đối với Nhà giáo Nhân dân, Hội
đồng cấp tỉnh, bộ đề nghị Ban thường vụ tỉnh ủy, Ban Cán sự Đảng xem xét cho ý
kiến trước khi trình Hội đồng cấp trên.
Chương V
HỒ SƠ VÀ
THỜI GIAN ĐỀ NGHỊ XÉT TẶNG DANH HIỆU NHÀ GIÁO NHÂN DÂN, NHÀ GIÁO ƯU TÚ
Điều 13. Hồ sơ đề
nghị xét tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú
1. Hồ sơ cá nhân :
a) Bản khai thành tích đề nghị xét tặng danh
hiệu Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú khai theo mẫu hồ sơ cá nhân đề nghị xét
tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú (phụ lục kèm theo).
b) Bản sao giấy chứng nhận sáng kiến, giải pháp,
giáo trình (trang bìa có ghi tên tác giả và Nhà xuất bản), biên bản nghiệm thu đề
tài nghiên cứu khoa học, bài báo khoa học (tên và mục lục bài báo đăng trên tạp
chí hoặc kỷ yếu Hội nghị quốc tế) và chứng nhận các danh hiệu thi đua, hình
thức khen thưởng có liên quan đến tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân
dân, Nhà giáo Ưu tú.
2. Hồ sơ của Hội đồng cấp dưới đề nghị lên
Hội đồng cấp trên:
a) Tờ trình đề nghị xét phong tặng danh hiệu
Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú.
b) Danh sách đề nghị xét phong tặng danh hiệu
Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú.
c) Biên bản họp Hội đồng và kết quả bỏ phiếu phiên
tán thành.
d) Tóm tắt thành tích cá nhân đề nghị xét phong
tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú.
e) Quyết định thành lập Hội đồng.
g) Ý kiến của Ban thường vụ tỉnh ủy, Ban Cán
sự Đảng đối với Nhà giáo Nhân dân (Hội đồng cấp tỉnh, bộ).
Mẫu hồ sơ của Hội đồng đề nghị xét tặng danh
hiệu Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú tại phụ lục kèm theo Thông tư này.
3. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, tổ chức đề
nghị xét tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú chịu trách nhiệm về
tính chính xác của hồ sơ đề nghị, đồng thời có trách nhiệm giải quyết khiếu
nại, tố cáo theo quy định của pháp luật.
4. Các cá nhân đề nghị xét tặng danh hiệu Nhà
giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính
xác của các thông tin mà cá nhân đã kê khai trong hồ sơ.
Điều 14. Thời gian
nộp hồ sơ
1. Hội đồng cấp bộ, ban, ngành gửi hồ sơ lên
Hội đồng xét tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú cấp Nhà nước
trước ngày 05 tháng 6 của năm xét tặng.
2. Hội đồng cấp tỉnh, Hội đồng Đại học và các
đơn vị trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo gửi hồ sơ lên Hội đồng xét tặng danh
hiệu Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú Bộ Giáo dục và Đào tạo trước ngày 05
tháng 4 của năm xét tặng.
3. Hồ sơ gửi Hội đồng Bộ Giáo dục và Đào tạo
và Hội đồng cấp Nhà nước gửi về địa chỉ 49 Đại Cồ Việt, quận Hai Bà Trưng, Hà
Nội (file danh sách và bản tóm tắt thành tích gửi vào địa chỉ email
[email protected]).
4. Số bộ hồ sơ của Hội đồng cấp dưới gửi Hội
đồng cấp trên là 02 bộ.
Chương VI
ĐIỀU
KHOẢN THI HÀNH
Điều 15. Hiệu lực thi
hành
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 02
tháng 4 năm 2012. Thông tư này thay thế Thông tư số 22/2008/TT-BGDĐT ngày 23/4/2008
của Bộ Giáo dục và đào tạo hướng dẫn về tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục và hố sơ
xét tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú.
Điều 16. Trách nhiệm
thi hành
1. Đơn vị chuyên trách công tác Thi đua -
Khen thưởng của Bộ Giáo dục và Đào tạo làm đầu mối giúp Bộ trưởng Bộ Giáo dục
và Đào tạo triển khai và kiểm tra việc thực hiện Thông tư này.
2. Chánh Văn phòng, Thủ trưởng các đơn vị
liên quan thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo; Chủ tịch UBND cấp tỉnh; Thủ trưởng các
cơ quan quản lý giáo dục thuộc các Bộ, ngành Trung ương, các cơ sở giáo dục và
cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành, tổ chức tuyên truyền,
phổ biến, triển khai thực hiện Thông tư này ./.
Nơi nhận:
-
Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Chính phủ;
- Ban Tuyên giáo TW;
- Các Bộ , cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Ban TĐKT Trung ương;
- Tổng Liên đoàn LĐVN;
- Trung ương Hội LHPN VN;
- Trung ương Đoàn TNCS HCM;
- UBND tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Bộ trưởng, các Thứ trưởng;
- Công đoàn GDVN;
- Các Sở GDĐT, Công đoàn GD tỉnh, thành phố;
- ĐHQG Hà Nội; ĐHQG TP HCM;
- Các Đại học, học viện, trường đại học, cao đẳng, TCCN;
- Các Thanh tra, đơn vị trực thuộc Bộ;
- Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp);
- Công báo;
- Website Chính phủ;
- Website Bộ Giáo dục và Đào tạo;
- Lưu VT, Vụ PC, VP.
|
BỘ TRƯỞNG
Phạm Vũ Luận
|
FILE ĐƯỢC ĐÍNH KÈM THEO VĂN BẢN
|