NGHỊ QUYẾT
VỀ CHÍNH SÁCH ĐÀO TẠO
SAU ĐẠI HỌC VÀ THU HÚT NHÂN TÀI
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH TÂY NINH
KHÓA VIII, KỲ HỌP THỨ 14
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003;
Căn cứ Luật Cán bộ, công chức
năm 2008;
Căn cứ Luật Viên chức năm 2010;
Căn cứ Luật Ngân sách Nhà nước năm 2002;
Căn cứ Nghị định số 60/2003/NĐ-CP, ngày 06 tháng 6 năm 2003 của Chính phủ về việc quy định chi tiết và hướng
dẫn thi hành Luật Ngân sách Nhà nước;
Căn cứ Nghị định số 24/2010/NĐ-CP , ngày 15
tháng 3 năm 2010 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và
quản lý công chức;
Căn cứ Nghị định số 18/2010/NĐ-CP , ngày 05 tháng
3 năm 2010 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng công chức;
Căn cứ Nghị định số 29/2012/NĐ-CP , ngày 12 tháng
4 năm 2012 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức;
Căn cứ Thông tư số 13/2010/TT-BNV , ngày 30 tháng
12 năm 2010 của Bộ Nội vụ quy định chi tiết một số điều về tuyển dụng và
nâng ngạch công chức của Nghị định số 24/2010/NĐ-CP , ngày 15 tháng 3 năm
2010 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công
chức;
Căn cứ Thông tư số 03/2011/TT-BNV,
ngày 25 tháng 01 năm 2011 của Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị
định số 18/2010/NĐ-CP , ngày 05 tháng 3 năm 2010 của Chính phủ về đào tạo, bồi
dưỡng công chức;
Căn cứ Thông tư số 19/2014/TT-BNV ,
ngày 04 tháng 12 năm 2014 của Bộ Nội vụ quy định, hướng dẫn công tác đào tạo, bồi
dưỡng viên chức;
Sau khi xem xét Tờ trình số 946/TTr-UBND, ngày 09 tháng 4 năm 2015 của Ủy ban Nhân dân tỉnh Tây Ninh về việc đề nghị ban hành chính
sách đào tạo sau đại học và thu hút nhân tài; Báo cáo thẩm tra của Ban Văn hóa
- Xã hội Hội đồng Nhân dân tỉnh và ý kiến của đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Thống
nhất thông qua chính sách đào tạo sau đại học và thu hút nhân
tài, với các nội dung chủ yếu sau:
1. Chính sách đào tạo
a) Phạm vi điều chỉnh
Nghị quyết này quy định chính sách đào tạo sau đại
học và thu hút nhân tài đối với các cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp, lực lượng
vũ trang, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội được áp dụng trong phạm
vi toàn tỉnh.
b) Đối tượng áp dụng
Cán bộ, công chức, viên chức,
lực lượng vũ trang trong biên chế từ tỉnh đến cơ sở xã, phường,
thị trấn.
c) Điều kiện và tiêu chuẩn
- Các đối tượng đi học phải được Ủy
ban Nhân dân tỉnh quyết định, hoặc do các cơ quan, đơn
vị quyết định theo phân cấp quản lý.
- Các đối tượng được hưởng chế độ hỗ
trợ của tỉnh theo chính sách này, phải có cam kết hoàn thành khóa
đào tạo và thực hiện đủ thời gian phục vụ theo quy định, cụ thể:
+ Đối với cán bộ, công chức: Gấp 03 (ba)
lần thời gian đào tạo;
+ Đối với viên chức: Gấp 2 (hai) lần thời gian đào
tạo.
- Các đối tượng đi học phải được cơ quan xác nhận
có ít nhất 03 năm liên tục hoàn thành tốt nhiệm vụ.
- Các đối tượng đi học phải được
đơn vị xây dựng kế hoạch đào tạo từ cuối năm trước và được Ủy ban Nhân dân tỉnh
phê duyệt kế hoạch trong năm.
- Về độ tuổi cử đi đào tạo:
+ Đối với cán bộ, công chức được cử đi đào tạo sau
đại học thì không quá 40 tuổi;
+ Đối với viên chức được cử đi đào tạo sau đại học phải
bảo đảm thời gian công tác của viên chức sau khi tốt nghiệp chương trình đào tạo
ít nhất gấp 2 (hai) lần thời gian đào tạo.
- Về thâm niên công tác:
+ Các đối tượng tham gia đào tạo sau
đại học phải có thâm niên công tác từ 05 năm trở lên kể từ ngày được tuyển dụng
vào công chức, viên chức. Trường hợp có thời gian công tác từ sau 03 năm thì thực
hiện theo quy định tại khoản 4, Điều 24, Thông tư số 03/2011/TT-BNV,
ngày 25/01/2011 của Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện
một số điều của Nghị định số 18/2010/NĐ-CP , ngày 05 tháng 3 năm 2010 của Chính
phủ về đào tạo, bồi dưỡng công chức;
+ Đối với
viên chức ngành Y: Có thâm niên công tác là 02 năm.
- Đối tượng
cử đi đào tạo:
+ Phải đang giữ chức vụ, chức danh hoặc quy hoạch giữ chức
vụ, chức danh lãnh đạo, quản lý từ cấp phó, trưởng phòng và tương đương trở lên
ở các cơ quan đảng, hành chính nhà nước, đơn vị sự
nghiệp, đoàn thể; trường hợp công chức ở xã, phường, thị
trấn thì thuộc diện quy hoạch cán bộ, lãnh đạo quản lý;
+ Đối tượng là viên chức ngành giáo dục và y tế
không quy định phải đang giữ chức vụ, chức danh hoặc quy hoạch giữ chức vụ, chức
danh lãnh đạo.
2. Hỗ trợ đào tạo sau đại học
a) Mức hỗ trợ đào tạo
- Đối với cán bộ, công chức, viên chức
trúng tuyển đào tạo sau đại học tại các cơ sở đào tạo trong và ngoài nước (kể cả
các trường hợp trúng tuyển hệ đào tạo sau đại học theo chương trình hợp tác nước
ngoài nhưng được đào tạo trong nước hoặc theo học chương trình sau đại học,
nghiên cứu sinh được đào tạo ở nước ngoài theo chỉ tiêu của Bộ Giáo dục và Đào
tạo hoặc theo Chương trình học bổng Quốc tế) được hỗ trợ như sau:
+ Hỗ trợ khoán kinh phí ôn thi đầu
vào:
Học ôn thi tại các tỉnh phía Bắc (từ
tỉnh Thừa Thiên Huế trở ra): Nghiên cứu sinh, Chuyên khoa cấp II ngành y,
Chuyên khoa cấp II ngành y học lên tiến sĩ được hỗ trợ 3.500.000 đồng/người;
cao học, Chuyên khoa cấp I ngành y, Chuyên khoa cấp I ngành y học lên thạc sĩ
được hỗ trợ 3.000.000 đồng/người.
Học ôn thi tại các tỉnh phía Nam (từ
thành phố Đà Nẵng trở vào): Nghiên cứu sinh, Chuyên khoa cấp II ngành y, Chuyên
khoa cấp II ngành y học lên tiến sĩ được hỗ trợ 2.000.000 đồng/người; cao học,
Chuyên khoa cấp I ngành y, Chuyên khoa cấp I ngành y học lên thạc sĩ được hỗ trợ
1.500.000 đồng/người.
+ Hỗ trợ kinh phí đào tạo (sau khi có
giấy báo trúng tuyển, Ủy ban Nhân dân tỉnh quyết định cử đi học), được hưởng
theo định mức khoán:
Nghiên cứu sinh: 100.000.000 đồng/người/khóa.
Cao học: 60.000.000 đồng/người/khóa.
Chuyên khoa cấp II học lên tiến sĩ:
60.000.000 đồng/người/khóa.
Chuyên khoa cấp I học lên thạc sĩ:
40.000.000 đồng/người/khóa.
Chuyên khoa cấp II ngành y:
80.000.000 đồng/người/khóa.
Chuyên khoa cấp I ngành y: 60.000.000
đồng/người/khóa.
b) Đền bù chi phí đào tạo
Các đối tượng được hưởng chính sách đào tạo của tỉnh, nếu nghỉ học,
không hoàn thành khóa học, nghỉ việc, chuyển công tác ra ngoài tỉnh
hoặc chuyển công tác đến các cơ quan, tổ chức khác ngoài khu vực Nhà nước
khi chưa thực hiện đủ thời gian cam kết thì phải bồi thường kinh
phí đào tạo theo quy định tại Thông tư số 03/2011/TT-BNV,
ngày 25/01/2011 của Bộ Nội vụ hướng dẫn
thực hiện một số điều của Nghị định số 18/2010/NĐ-CP , ngày 05 tháng 3 năm 2010
của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng công chức và
Thông tư số 19/2014/TT-BNV , ngày 04/12/2014 của Bộ Nội vụ quy định,
hướng dẫn công tác đào tạo, bồi dưỡng viên chức.
3. Chính sách thu hút nhân tài
a) Thu hút đối với ngành Y tế
- Bác sĩ có bằng tốt nghiệp
chính quy, bác sĩ có trình độ sau đại học (Tiến sĩ, Thạc sĩ, Chuyên khoa cấp I,
Chuyên khoa cấp II chuyên ngành Y) có nguyện vọng về Tây Ninh công tác lâu dài
(ít nhất 8 năm). Trên cơ sở đề nghị của các cơ quan, đơn vị, Sở Y
tế thẩm định, báo cáo Ủy ban Nhân dân tỉnh quyết định, ngoài tiền lương hàng
tháng theo hệ thống thang bảng lương của cơ quan Nhà nước, còn được hỗ trợ một
lần chi phí tự đào tạo với mức cụ thể như sau:
+ Tiến sĩ y
khoa, Bác sĩ Chuyên khoa cấp II: 300.000.000 đồng/người;
+ Thạc sĩ y
khoa, Bác sĩ Chuyên khoa cấp I: 240.000.000 đồng/người;
+ Bác sĩ đa khoa chính quy: 180.000.000 đồng.
- Mức hỗ trợ được quy định tại điểm a khoản 3 Điều
này không áp dụng đối với:
+ Bác sĩ trước
đây đã làm việc tại các cơ sở y tế công lập thuộc tỉnh Tây Ninh, sau đó chuyển công
tác ra ngoài tỉnh hoặc các bệnh viện tư nhân, nay có nguyện vọng trở về;
+ Bác sĩ trước đây đã công tác các cơ
sở y tế công lập thuộc tỉnh Tây Ninh, sau đó nghỉ hoặc bỏ việc, nay có nguyện vọng xin làm việc trở lại;
+ Bác sĩ được hỗ
trợ đào tạo theo chương trình đào tạo nguồn nhân lực của tỉnh;
+ Bác sĩ được đào
tạo hệ chuyên tu (liên thông), cử tuyển, đào tạo theo địa chỉ sử dụng.
b) Thu hút đối với
các ngành, nghề khác
- Đối với người có trình độ tiến sĩ
(kể cả tiến sĩ Y khoa), có văn bằng chuyên môn được đào tạo ở ngoài nước, có
ngành nghề đào tạo phù hợp theo yêu cầu của tỉnh, đồng ý về Tây Ninh công tác
ít nhất 7 năm, trên cơ sở đề nghị của các cơ quan, đơn vị, Sở Nội vụ thẩm định,
báo cáo Ủy ban Nhân dân tỉnh quyết định hỗ trợ hoàn lại phần chi phí tự đào tạo
với mức cụ thể như sau:
+ Tiền lương quy định theo hệ thống
thang bảng lương của cơ quan Nhà nước; nếu chưa được tuyển dụng được hưởng mức
lương bậc 3 ngạch Chuyên viên và được chi trả hàng tháng.
+ Hỗ trợ hoàn lại phần chi phí theo
văn bằng đã đào tạo: Hỗ trợ hoàn lại trong 7 năm (84 tháng), với mức hỗ trợ mỗi
tháng là: 12 lần mức lương cơ sở/tháng; được chi trả theo lương hàng tháng.
+ Được bố trí chỗ ở tại tỉnh (nhà
công vụ) hoặc được hỗ trợ tiền thuê nhà ở hàng tháng với mức bằng 0,5 lần mức
lương cơ sở trong thời gian công tác.
- Đối với người có trình độ tiến sĩ,
có văn bằng chuyên môn được đào tạo ở trong nước, có ngành nghề đào tạo phù hợp
theo yêu cầu của tỉnh, đồng ý về Tây Ninh công tác ít nhất 5 năm, trên cơ sở đề
nghị của các cơ quan, đơn vị, Sở Nội vụ thẩm định, báo cáo Ủy ban Nhân dân tỉnh
quyết định hỗ trợ hoàn lại phần chi phí tự đào tạo với mức cụ thể như sau:
+ Tiền lương quy định theo hệ thống
thang bảng lương của cơ quan Nhà nước; nếu chưa được tuyển dụng được hưởng mức
lương bậc 3 ngạch Chuyên viên và được chi trả hàng tháng.
+ Hỗ trợ hoàn lại phần chi phí theo
văn bằng đã đào tạo: Hỗ trợ 5 năm (60 tháng), với mức hỗ trợ mỗi tháng là: 03 lần
mức lương cơ sở/tháng; được chi trả theo lương hàng tháng.
+ Được hỗ trợ tiền thuê nhà ở hàng
tháng với mức bằng 0,5 lần mức lương cơ sở trong thời gian công tác.
Các đối tượng được hỗ trợ chính sách
thu hút có trình độ tiến sĩ quy định tại điểm b khoản 3 Điều này, sau khi thử
việc 03 tháng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh thực hiện ký hợp đồng theo thỏa
thuận. Nếu chuyển công tác ra ngoài tỉnh trước thời gian thỏa thuận thì không
được nhận các khoản hỗ trợ của tỉnh trong thời gian còn lại.
- Đối với người có trình độ thạc sĩ;
người tốt nghiệp đại học loại giỏi (được đào tạo trong và ngoài nước):
+ Người có trình độ thạc sĩ; người tốt
nghiệp đại học loại giỏi có ngành nghề đào tạo phù hợp theo yêu cầu của tỉnh, đồng
ý về Tây Ninh công tác ít nhất 5 năm, trên cơ sở đề nghị của các cơ quan, đơn vị,
Sở Nội vụ thẩm định báo cáo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh xem xét bố trí công
việc tại các sở, ban, ngành tỉnh, Ủy ban Nhân dân các huyện, thành phố, các xã,
phường, thị trấn và tại các Trường Cao đẳng, Trường Chính trị tỉnh, Trường THPT
Chuyên Hoàng Lê Kha, được tỉnh chi trả lương và hưởng chế độ từ nguồn ngân sách
Nhà nước của tỉnh, cụ thể:
Đối với người có trình độ thạc sĩ: Được
hưởng lương bậc 2 của ngạch Chuyên viên và hỗ trợ thêm 5 năm (60 tháng) với mức
hỗ trợ mỗi tháng: 01 lần lương cơ sở/tháng, được chi trả theo lương hàng tháng.
Đối với người tốt nghiệp đại học loại
giỏi: Được hưởng lương bậc 1 của ngạch Chuyên viên và hỗ trợ thêm 5 năm (60
tháng) với mức hỗ trợ mỗi tháng: 01 lần lương cơ sở/tháng, được chi trả theo
lương hàng tháng.
Các đối tượng được hỗ trợ chính sách
thu hút có trình độ thạc sĩ, đại học loại giỏi được quy định tại điểm b khoản 3
Điều này, sau khi thử việc 03 tháng, thủ trưởng cơ quan, đơn vị thực hiện ký hợp
đồng theo thỏa thuận. Nếu chuyển công tác ra ngoài tỉnh hoặc chuyển ra làm việc
ngoài khu vực Nhà nước trên địa bàn tỉnh trước thời gian thỏa thuận thì không
được nhận các khoản hỗ trợ của tỉnh trong thời gian còn lại.
Các trường hợp được thực hiện chính
sách thu hút theo quy định tại Điều này, phải còn tuổi lao động để thực hiện ký
hợp đồng theo thỏa thuận (5 năm hoặc 7 năm) so với độ tuổi lao động theo quy định
của pháp luật về lao động.
c) Tuyển dụng trong trường hợp đặc biệt
- Các trường hợp tốt nghiệp thủ khoa
tại các cơ sở đào tạo trình độ đại học ở trong nước và người tốt nghiệp đại học,
sau đại học loại giỏi, loại xuất sắc ở nước ngoài sẽ được Ủy ban Nhân dân tỉnh
xem xét thực hiện quy trình tiếp nhận không qua thi tuyển theo quy định tại Thông
tư số 13/2010/TT-BNV , ngày 30/12/2010 của Bộ Nội vụ quy định chi tiết một số
điều về tuyển dụng và nâng ngạch công chức của Nghị định số 24/2010/NĐ-CP ,
ngày 15/3/2010 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và
quản lý công chức và được hưởng chế độ như điểm a, b khoản 3 Điều này.
- Các trường hợp được thu hút theo
quy định này, nếu có thời gian công tác từ đủ 60 tháng trở lên, có nguyện vọng
tiếp tục công tác tại tỉnh Tây Ninh, sẽ được Ủy ban Nhân dân tỉnh xem xét thực
hiện quy trình tiếp nhận không qua thi tuyển theo quy định tại Thông tư
số 13/2010/TT-BNV , ngày 30/12/2010 của Bộ Nội vụ quy định chi tiết một số
điều về tuyển dụng và nâng ngạch công chức của Nghị định số 24/2010/NĐ-CP ,
ngày 15/3/2010 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và
quản lý công chức.
4. Thực hiện chuyển tiếp
a) Các đối tượng đang là dự nguồn
công chức thì được chuyển sang chế độ hợp đồng lao động với thời gian hợp đồng
là 01 năm và thực hiện ký kết không quá 03 lần, được tỉnh chi trả
lương và hưởng chế độ từ nguồn ngân sách Nhà nước theo quy định. Sau 03
lần ký hợp đồng, nếu đủ các điều kiện theo quy định tại Thông tư số 13/2010/TT-BNV ,
ngày 30/12/2010 của Bộ Nội vụ quy định chi tiết một số điều về tuyển dụng
và nâng ngạch công chức của Nghị định số 24/2010/NĐ-CP , ngày 15/3/2010
của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công
chức, đồng thời đơn vị còn biên chế và có nhu cầu tuyển dụng theo đúng vị trí
việc làm thì được xem xét thực hiện quy trình tuyển dụng theo quy định.
b) Các đối tượng đang hưởng
các chế độ hỗ trợ theo Nghị quyết số 13/2012/NQ-HĐND , ngày 11 tháng 7 năm 2012
của Hội đồng Nhân dân tỉnh về chính sách đào tạo và thu hút nhân tài thì tiếp tục
thực hiện các mức hỗ trợ còn lại theo quy định tại Nghị quyết số 13/2012/NQ-HĐND ,
ngày 11 tháng 7 năm 2012 của Hội đồng Nhân dân tỉnh về chính sách đào tạo và
thu hút nhân tài. Riêng việc đền bù chi phí đào tạo thực hiện theo quy định của
Nghị quyết này.
Điều 2. Giao
Ủy ban Nhân dân tỉnh ban hành quyết định cụ thể thực hiện Nghị quyết này và
quy định nội dung chế tài cụ thể khi thực hiện chính sách thu hút nhân tài đối
với ngành y tế, bảo đảm sử dụng ngân sách hiệu quả, đúng quy định.
Điều 3. Nghị quyết này có hiệu lực sau 10
ngày, kể từ ngày Hội đồng Nhân dân tỉnh thông qua, thay thế Nghị quyết số 13/2012/NQ-HĐND ,
ngày 11 tháng 7 năm 2012 của Hội đồng Nhân dân tỉnh về chính sách đào tạo và
thu hút nhân tài.
Điều 4.
Giao Ủy ban Nhân dân tỉnh
tổ chức thực hiện Nghị quyết đúng quy định. Hàng
năm, Ủy ban Nhân dân tỉnh báo cáo Hội đồng Nhân dân tỉnh về tình hình triển khai và kết quả thực hiện.
Điều 5. Giao
Thường trực Hội đồng Nhân dân, các Ban Hội đồng Nhân dân và đại biểu Hội đồng
Nhân dân tỉnh tổ chức giám sát thực hiện Nghị quyết.
Nghị quyết này đã được Hội đồng Nhân
dân tỉnh Tây Ninh khóa VIII, kỳ họp
thứ 14 thông qua./.