QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT ĐIỀU CHỈNH, BỔ SUNG QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN
CÔNG NGHIỆP TỈNH TUYÊN QUANG ĐẾN NĂM 2015 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH TUYÊN QUANG
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng
nhân dân và Uỷ ban nhân dân số 11/2003/QH11 ngày 26/11/2003;
Căn cứ Nghị định số
92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về việc lập, phê duyệt và quản lý
quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày
11/01/2008 của Chính phủ về việc sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số
92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch
tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;
Xét đề nghị của Sở Công
Thương Tuyên Quang tại Tờ trình số 42/TTr- SCT ngày 10/12/2013 về việc phê duyệt
điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch tổng thể phát triển công nghiệp tỉnh Tuyên Quang
đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch tổng thể phát triển
công nghiệp tỉnh Tuyên Quang đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020 với các nội
dung chính như sau:
I. Mục tiêu phát triển công
nghiệp tỉnh Tuyên Quang đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020
1. Tốc độ tăng trưởng và cơ cấu GDP tỉnh
Tuyên Quang đến năm 2015
1.1. Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân hàng
năm giai đoạn 2011-2015 đạt trên 14%/năm, trong đó tốc độ tăng trưởng các ngành
như sau:
- Công nghiệp – xây dựng: 21,6%/năm
- Các ngành dịch vụ: 13,1%/năm
- Nông, lâm, thủy sản: 5%/năm
1.2. Cơ cấu kinh tế:
Cơ cấu GDP theo ngành kinh tế đến năm 2015 như
sau:
- Công nghiệp – xây dựng: 38%
- Dịch vụ: 37%
- Nông, lâm, thủy sản: 25%
1.3. Mục tiêu về phát triển công nghiệp:
Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2015 đạt 6.500
tỷ đồng (theo Giá cố định 1994).
Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp
giai đoạn 2011-2015 đạt trên 23%.
1.4. Về lao động:
Đến năm 2015, ngành công nghiệp thu hút trên
28.000 lao động, từng bước cải thiện đời sống công nhân về thu nhập cũng như điều
kiện sống và làm việc.
2. Định hướng phát triển các ngành công nghiệp
đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020
Căn cứ mục tiêu phát triển công nghiệp đến năm
2015 và thực trạng phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn
2006-2010, trên cơ sở đánh giá những nhân tố trong và ngoài nước ảnh hưởng đến
phát triển công nghiệp của tỉnh, phát triển công nghiệp đến năm 2015, định hướng
đến năm 2020 ưu tiên theo thứ tự như sau:
(1) Ngành công nghiệp chế biến nông, lâm sản.
(2) Ngành công nghiệp vật liệu xây dựng.
(3) Ngành công nghiệp cơ khí, luyện kim.
(4) Ngành công nghiệp sản xuất điện, nước.
(5) Ngành công nghiệp khai thác và chế biến sâu khoáng
sản.
(6) Ngành công nghiệp dệt may- da giầy.
(7) Ngành công nghiệp thiết bị điện, điện tử.
(8) Ngành công nghiệp hóa chất.
II. Quy hoạch các ngành công
nghiệp đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020
1. Ngành chế biến nông, lâm sản, thực phẩm
1.1. Giai đoạn 2011 – 2015:
Tập trung vào công nghiệp chế biến: chè, đường
kính trắng, gỗ, ưu tiên chế biến gỗ tinh chế xuất khẩu; bột giấy và giấy tráng
phấn cao cấp. Đẩy mạnh sản xuất các mặt hàng chế biến nông, lâm sản xuất khẩu.
Tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm ngành chế biến nông, lâm sản, thực phẩm
giai đoạn 2011 – 2015 là 36,3%. Giá trị sản xuất ngành chế biến nông, lâm sản,
thực phẩm năm 2015 đạt 2.235,4 tỷ đồng.
1.2. Giai đoạn 2016 – 2020:
Tiếp tục đầu tư hiện đại hóa công nghệ sản xuất
và mở rộng quy mô để tăng năng suất, chất lượng. Đẩy mạnh chế biến sâu và phát
triển các sản phẩm ngành chế biến nông, lâm sản, thực phẩm, nhất là chế biến
hoa quả, sản xuất bia, rượu.
2. Ngành sản xuất vật liệu xây dựng
2.1. Giai đoạn 2011 – 2015:
Tập trung đầu tư các sản phẩm mũi nhọn có nhu cầu
lớn, sức cạnh tranh cao như: xi măng, gạch tuy nen, gạch không nung, bột đá
siêu mịn, đá xây dựng các loại… Đổi mới công nghệ, phát triển sản xuất gắn với
bảo vệ cảnh quan môi trường và đảm bảo an ninh quốc phòng. Tốc độ tăng trưởng
bình quân hàng năm ngành sản xuất vật liệu xây dựng giai đoạn 2011 – 2015 là
21,3%. Giá trị sản xuất ngành công nghiệp vật liệu xây dựng năm 2015 đạt
1.648,4 tỷ đồng (Giá cố định 1994).
2.2. Giai đoạn 2016 – 2020:
Tiếp tục đầu tư mới một số cơ sở sản xuất gạch tại
các huyện, kết hợp đầu tư mở rộng nâng công suất của một số cơ sở theo hướng sử
dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại nhằm đáp ứng nhu cầu về vật liệu xây dựng
trên địa bàn. Chú trọng các dự án sản xuất vật liệu mới như: gạch granít, vật
liệu compozit, bê tông nhẹ…
3. Ngành công nghiệp cơ khí, luyện kim
3.1. Giai đoạn 2011 – 2015:
Tập trung phát triển công nghiệp luyện gang thép
từ quặng sắt địa phương trong nước và kết hợp với quặng sắt nhập khẩu; phát triển
công nghiệp luyện kẽm, chì kim loại và sản phẩm phụ kèm theo với công suất
15.000 tấn/năm; luyện ferro mangan công suất 30.000 tấn/năm; Luyện Antimon kim
loại; Củng cố cơ sở sản xuất bột kẽm trên cơ sở tiềm năng nguyên liệu tại địa
phương. Tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm của ngành công nghiệp cơ khí, luyện
kim là 27,6%. Giá trị sản xuất ngành công nghiệp vật liệu xây dựng năm 2015 đạt
1.187,8 tỷ đồng (Giá cố định 1994).
3.2. Giai đoạn 2016 – 2020:
Bên cạnh các dự án đã thu hút đầu tư và triển
khai trong giai đoạn 2011-2015, thu hút thêm các dự án xây dựng Nhà máy cơ khí
lắp ráp và chế tạo cơ khí công suất 20.000 tấn/năm.
4. Ngành công nghiệp sản xuất điện, nước
4.1. Sản xuất và phân phối điện:
a) Giai đoạn 2011 – 2015:
Tập trung đẩy mạnh tiến độ đầu tư: Thủy điện Hùng
Lợi 1 và Thủy điện Hùng Lợi 2, Thủy điện Yên Sơn; hoàn thành các thủ tục đầu tư
để xây dựng các dự án Thủy điện Yên Sơn II (huyện Yên Sơn); Thủy điện Thác Vàng
(huyện Hàm Yên); Thủy điện Lâm Xuyên (huyện Sơn Dương).
Phát triển lưới truyền tải và phân phối điện
giai đoạn 2011 – 2015:
- Lưới điện 220kV.
+ Xây mới trạm 220kV-125MVA Tuyên Quang tại xã
Hoàng Khai, huyện Yên Sơn.
+ Xây mới đường dây mạch kép 2xAC330 dài 0,5km đấu
nối trạm 220kV Tuyên Quang.
+ Xây dựng đường dây mạch kép 2xAC330 dài
13,5km, nối Nhà máy Thủy điện Yên Sơn tại xã Quý Quân, huyện Yên Sơn với đường
dây 220kV Na Hang – Tuyên Quang.
+ Trạm 220/110kV-63MVA Na Hang nằm trong Nhà máy
Thủy điện Tuyên Quang: phía 220kV đấu nối vào thanh cái 220kV của trạm tăng áp
Nhà máy Thủy điện Tuyên Quang, phía 110kV có 3 ngăn lộ, 2 lộ đi Bắc Cạn, 1 lộ đầu
vào đường dây 110kV Na Hang – Chiêm Hóa.
- Lưới 110 kV:
+ Xây dựng mới 1,1km đường dây mạch kép dây
2xAC185 rẽ nhánh từ đường dây 110kV Tuyên Quang – Hàm Yên tới Trạm 110kV Gò Trẩu.
Tiến độ đồng bộ với thời gian xây dựng các trạm biến áp.
+ Xây dựng mới 2,5km đường dây mạch kép dây
2xAC240 rẽ nhánh từ trạm 110kV Giấy An Hòa tới trạm 110kV KCN Long Bình An. Tiến
độ đồng bộ với thời gian xây dựng các trạm biến áp.
+ Xây dựng mới mạch kép AC240 dài 11,5km đường
dây 110kV từ Trạm 110kV Tuyên Quang đến trạm 110kV Sơn Dương.
- Xây dựng mới 409 trạm biến áp phân phối; 508
km đường dây trung thế; 520 km đường dây hạ thế.
b) Giai đoạn 2016 – 2020:
Phát triển lưới truyền tải và phân phối điện đến
năm 2020:
- Lưới điện 220 kV: Đến năm 2020, dự báo nhu cầu
công suất toàn tỉnh là 272,10MW, tăng thêm so với năm 2015 khoảng 115MW, dự kiến
các hạng mục thực hiện xây dựng nguồn 220kV giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tỉnh
như sau:
+ Lắp máy 2 công suất 125MVA ở Trạm 220/110kV Na
Hang.
+ Lắp máy 2 công suất 125MVA ở Trạm 220/110kV
Tuyên Quang.
- Lưới điện 110kV: Xây mới Trạm 110/35/22kV –
1x16MVA Lâm Bình.
4.2. Sản xuất và phân phối nước:
a) Giai đoạn 2011 – 2015:
Nâng cấp và hoàn thành hệ thống nước sạch thuộc dự
án ADB; mở rộng phạm vi và nâng cao chất lượng cấp nước đô thị và thị trấn, để
80% số dân có nước sạch, 85% dân cư nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh.
Đầu tư tăng số giếng, bể lọc, bể trữ, cải tạo và
xây dựng mới hệ thống cấp, thoát nước thành phố Tuyên Quang, Khu công nghiệp
Long Bình An và các huyện.
b) Giai đoạn 2016 – 2020:
Đầu tư một số nhà máy sản xuất nước sạch nhằm
đáp ứng nhu cầu về nước sinh hoạt và nước sản xuất ở các khu, cụm công nghiệp,
khu vực thị trấn, thị tứ và một số khu vực dân cư trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục mở
rộng mạng lưới cấp, thoát nước để trên 95% số dân đô thị được cấp nước sạch và
dân cư nông thôn được sử dụng nước đạt tiêu chuẩn quốc gia.
5. Ngành công nghiệp khai thác, chế biến
khoáng sản
5.1. Giai đoạn 2011 – 2015:
Tập trung khai thác các khoáng sản có giá trị
kinh tế cao, trữ lượng lớn nhằm đáp ứng nhu cầu nguyên liệu cho một số ngành
công nghiệp và xuất khẩu như: quặng sắt, barit, thiếc, kẽm – chì, mangan, cao
lanh fenspat… Đa dạng hóa quy mô sản xuất, khai thác gắn liền với chế biến trên
cơ sở bảo vệ tài nguyên và môi trường để phát triển bền vững, có hiệu quả cao;
xây dựng cơ chế, chính sách thu hút vốn đầu tư của mọi thành phần kinh tế, đầu
tư nước ngoài.
5.2. Giai đoạn 2016 – 2020:
Tiếp tục tiến hành thăm dò đối với các điểm
khoáng sản đã điều tra đánh giá ở thời kỳ trước, đồng thời thăm dò mở rộng các
điểm khoáng sản có triển vọng. Tập trung mở rộng quy mô khai thác, chế biến sâu
các loại khoáng sản có trữ lượng lớn và lợi thế để phát triển mạnh công nghiệp
luyện kim và sản xuất vật liệu xây dựng.
Đầu tư nâng cấp các thiết bị tuyển để nâng cao
hiệu quả thu hồi khoáng sản nhằm đáp ứng nhu cầu nguyên liệu cho một số ngành
công nghiệp và xuất khẩu, như: quặng sắt, barit, thiếc, kẽm – chì, mangan, cao
lanh fenspat.
6. Ngành công nghiệp dệt may – da giày
6.1. Giai đoạn 2011 – 2015:
Tiếp tục thu hút thêm dự án mới để đến năm 2015
đạt giá trị sản lượng 270,6 tỷ đồng (Giá cố định 1994). Tốc độ tăng trưởng giai
đoạn 2011 – 2015 là 32,8%.
6.2. Giai đoạn 2016 – 2020:
Đầu tư công nghệ, máy móc thiết bị hiện đại và ứng
dụng tự động hóa trong sản xuất. Tiếp tục thu hút thêm các dự án mới về da giày
và công nghiệp phụ trợ của ngành dệt may, da giày…
Phát triển các khâu có giá trị tăng cao như thiết
kế, tạo mẫu sản phẩm; tổ chức hệ thống tiêu thụ sản phẩm; phát triển thương hiệu.
Chú trọng chiến lược phát triển sản phẩm hướng
xuất khẩu để tạo giá trị gia tăng và tích lũy cao, phát triển một số công nghiệp
hỗ trợ cho ngành công nghiệp dệt may, da giày.
7. Ngành công nghiệp thiết bị điện, điện tử
Giai đoạn 2016-2020:
- Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư để thu hút
các dự án công nghiệp sản xuất thiết bị điện, điện tử và các ngành công nghiệp
hỗ trợ phục vụ cho công nghiệp điện, điện tử.
- Các dự án đầu tư trong giai đoạn này chủ yếu tập
trung vào sản xuất thiết bị điện, điện gia dụng, thiết bị văn phòng, viễn thông
và sản xuất linh kiện điện tử. Song song với việc kêu gọi đầu tư, chú trọng đến
thương hiệu và chất lượng sản phẩm, bảo vệ môi trường. Giá trị sản xuất công
nghiệp năm 2020 là 115 tỷ đồng, chiếm tỉ trọng 1,8% so với toàn ngành Công nghiệp.
8. Ngành công nghiệp hóa chất
8.1. Giai đoạn 2011 – 2015:
Khuyến khích phát triển công nghiệp sản xuất
phân vi sinh từ than bùn và từ phế liệu của các nhà máy đường. Phát triển công
nghiệp gia công chất dẻo đáp ứng nhu cầu về vật liệu xây dựng. Giai đoạn này dự
kiến thu hút 05 dự án đầu tư. Đến năm 2015, giá trị sản xuất công nghiệp đạt
116,8 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp giai đoạn 2011 –
2015 đạt 39,5%.
8.2. Giai đoạn 2016 – 2020:
Một số dự án sản xuất nhựa bao bì, nhựa vật liệu
xây dựng, nhựa gia dụng, nhựa kỹ thuật và hóa dược kêu gọi đầu tư vào khu, cụm
công nghiệp trên địa bàn.
9. Quy hoạch khu, cụm công nghiệp
9.1. Khu công nghiệp:
- Khu công nghiệp Long Bình An: được Chính phủ
phê duyệt với diện tích 170 ha (thuộc diện tích Khu 2 được phê duyệt tại Quyết
định số 294/QĐ-UBND ngày 16/9/2005 của UBND tỉnh).
- Thành lập mới Khu công nghiệp Vĩnh Thái: Diện
tích là 595,52 ha (gồm diện tích Khu 3 và Khu 4 được phê duyệt tại Quyết định số
294/QĐ-UBND ngày 16/9/2005 của UBND tỉnh, thuộc các xã Vĩnh Lợi huyện Sơn
Dương; xã Thái Long, Đội Cấn thành phố Tuyên Quang).
- Khu công nghiệp Sơn Nam: diện tích 90 ha được
nâng cấp mở rộng từ cụm công nghiệp Sơn Nam, xã Sơn Nam, huyện Sơn Dương lên
150ha.
9.2. Cụm công nghiệp:
a) Giai đoạn 2011-2015:
- Các cụm công nghiệp đã được UBND tỉnh phê duyệt
gồm:
+ Cụm công nghiệp An Thịnh, xã Phúc Thịnh, huyện
Chiêm Hóa: Diện tích 78 ha.
+ Cụm công nghiệp Tân Thành, huyện Hàm Yên: Diện
tích 72,2 ha.
- Bổ sung thêm 5 cụm công nghiệp mới tại 3 huyện:
Lâm Bình, Na Hang, Yên Sơn và thành phố Tuyên Quang, cụ thể như sau:
+ Huyện Lâm Bình: Cụm công nghiệp Thổ Bình diện
tích dự kiến 10 ha. Định hướng ngành nghề: Chế biến nông, lâm sản, khoáng sản,
vật liệu xây dựng và thủ công nghiệp…
+ Huyện Na Hang: Cụm công nghiệp Khuôn Phươn diện
tích dự kiến 20 ha. Định hướng ngành nghề: Chế biến nông, lâm sản, khoáng sản,
vật liệu xây dựng và thủ công nghiệp…
+ Huyện Yên Sơn: Cụm công nghiệp Yên Sơn diện
tích dự kiến 40 ha. Định hướng ngành nghề: Chế biến nông, lâm sản, khoáng sản,
vật liệu xây dựng và thủ công nghiệp…
+ Cụm công nghiệp Nông Tiến: Diện tích 7,08 ha (được
chuyển từ điểm công nghiệp Nông Tiến thành cụm công nghiệp)
+ Thành phố Tuyên Quang: Cụm công nghiệp Đội Cấn
diện tích 57,78 ha (thuộc diện tích Khu 1 tại Quyết định số 294/QĐ-UBND ngày
16/9/2005 về phê duyệt Quy hoạch xây dựng Cụm các khu công nghiệp – Dịch vụ -
Đô thị Long Bình An tỉnh Tuyên Quang). Định hướng ngành nghề: Chế biến nông,
lâm sản, khoáng sản, vật liệu xây dựng, cơ khí, khí hóa lỏng, công nghiệp khác.
b) Giai đoạn 2016 – 2020:
Quy hoạch mới 4 cụm công nghiệp tại huyện Sơn
Dương, Chiêm Hóa và thành phố Tuyên Quang, cụ thể:
- Huyện Chiêm Hóa: Cụm công nghiệp Trung Hòa, vị
trí thôn Tân Lập, xã Trung Hòa. Định hướng ngành nghề: Chế biến nông, lâm sản
và cơ khí nhỏ, vật liệu xây dựng.
- Thành phố Tuyên Quang: Cụm công nghiệp Tân Hà.
Định hướng ngành nghề: Chế biến nông, lâm sản và tiểu thủ công nghiệp.
- Huyện Sơn Dương:
+ Cụm công nghiệp Hào Phú, xã Hào Phú. Định hướng
ngành nghề: Chế biến nông, lâm sản, khoáng sản và tiểu thủ công nghiệp.
+ Cụm công nghiệp Măng Ngọt, thị trấn Sơn Dương.
Định hướng ngành nghề: Chế biến nông, lâm sản, khoáng sản và tiểu thủ công nghiệp.
10. Nhu cầu vốn đầu tư đến năm 2015
Đơn vị tính: tỷ
đồng
TT
|
Hạng mục
|
Nhu cầu vốn
đầu tư
|
Năm
2011-2015
|
A
|
Các ngành công nghiệp
|
9.434
|
1
|
Công nghiệp chế biến nông, lâm sản, thực phẩm
|
4.586
|
2
|
Công nghiệp vật liệu xây dựng
|
2.115
|
3
|
Công nghiệp thiết bị điện, điện tử
|
100
|
4
|
Công nghiệp cơ khí – luyện kim
|
1.156
|
5
|
Công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản
|
538
|
6
|
Công nghiệp dệt may – Da giầy
|
219
|
7
|
Công nghiệp hóa chất
|
659
|
8
|
Công nghiệp điện nước
|
6.742
|
9
|
Công nghiệp khác
|
61
|
B
|
Hạ tầng cơ sở các khu, cụm công nghiệp
|
370
|
|
Tổng cộng (A+B)
|
15.151
|
III. Một số giải pháp chủ yếu
1. Giải pháp đột phá
Tập trung phát triển mạnh công nghiệp, nhất là
công nghiệp chế biến nông, lâm sản; sản xuất vật liệu xây dựng; khai thác và chế
biến khoáng sản. Đầu tư đổi mới máy móc thiết bị, nâng cao năng suất chất lượng,
hàm lượng công nghệ cao trong các sản phẩm công nghiệp chủ yếu có tính cạnh
tranh cao ở thị trường nội địa và xuất khẩu.
Tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật
khu, cụm công nghiệp và đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư nhằm thu hút các dự
án nhanh chóng lấp đầy diện tích khu, cụm công nghiệp đã quy hoạch.
Phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
cho công nghiệp nhất là đội ngũ cán bộ quản lý và công nhân lành nghề.
2. Một số giải pháp chủ yếu
2.1. Giải pháp về vốn:
Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu
tư, phát huy cao các nguồn nội lực đồng thời tạo mọi điều kiện để khai thác nguồn
vốn từ mọi nguồn trong và ngoài nước.
Nguồn vốn của Nhà nước tập trung hỗ trợ xây dựng
kết cấu hạ tầng kỹ thuật khu, cụm công nghiệp. Vốn tích lũy của các doanh nghiệp
và vốn vay tập trung cho đầu tư mở rộng sản xuất, đổi mới công nghệ, xử lý chất
thải. Vốn đầu tư trong nước và nước ngoài kêu gọi đầu tư tập trung cho các
ngành công nghiệp trọng điểm, mũi nhọn của tỉnh.
2.2. Giải pháp về thị trường:
Xây dựng hệ thống cung cấp thông tin công nghiệp
để hỗ trợ cho doanh nghiệp về thị trường, sản phẩm, giá cả, nguồn cung cấp
nguyên liệu, nguồn lao động. Quảng cáo, giới thiệu và phổ cập công nghệ mới, tư
vấn đầu tư, bồi dưỡng kiến thức quản lý.
Xây dựng kế hoạch xúc tiến thương mại cho từng
thời kỳ. Tạo điều kiện để các doanh nghiệp tham gia vào Hiệp hội Thương mại điện
tử Việt Nam (Vecom) nhằm nhận được sự hỗ trợ trong hoạt động kinh doanh trực
tuyến và giới thiệu sản phẩm trên các Website thương mại điện tử. Khuyến khích
các doanh nghiệp tham gia vào Sàn giao dịch thương mại điện tử của tỉnh đặc biệt
là các sàn lớn như Cổng Thương mại điện tử Quốc gia (ECVN).
Nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp về phát
triển thương hiệu, phát triển thị trường, coi thị trường như một yếu tố quyết định
sự phát triển bền vững, đặc biệt là trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu vào nền
kinh tế thế giới.
2.3. Giải pháp đào tạo nguồn nhân lực:
Tăng cường đầu tư nâng cấp các cơ sở đào tạo
trên địa bàn tỉnh như Trường Cao đẳng Dạy nghề; Trường Trung học Kinh tế kỹ thuật,
Đại học Tân Trào…; Chú trọng mở rộng hình thức đào tạo tại chỗ, gắn kết việc
đào tạo với việc sử dụng lao động. Tổ chức dạy nghề miễn phí để tạo việc làm mới
và ổn định đời sống xã hội.
Khuyến khích các tổ chức đào tạo trong và ngoài
nước tổ chức các cơ sở đào tạo dạy nghề và thực hiện có hiệu quả lao động nông
thôn theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ về
phê duyệt Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020.
2.4. Giải pháp thu hút đầu tư:
Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư với danh mục
các dự án cụ thể theo các thời kỳ 2011-2015 và 2016-2020 để kêu gọi đầu tư vào
tỉnh.
Thu hút đầu tư có chọn lọc theo hướng ưu tiên
các dự án thân thiện môi trường, tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao, sản
phẩm xuất khẩu, tạo thêm nhiều việc làm, đồng thời với việc tạo lập thương hiệu
sản phẩm công nghiệp.
Giai đoạn 2011 – 2020: Tiếp tục kêu gọi đầu tư
theo hướng nâng cao chất lượng dự án đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp. Tiếp
tục cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút mạnh các
nguồn vốn từ bên ngoài, thu hút các nhà đầu tư lớn, có công nghệ cao.
2.5. Giải pháp về quản lý:
Kịp thời bổ sung, sửa đổi, xây dựng mới các
chính sách tạo cơ chế đồng bộ, thống nhất cho công tác quản lý Nhà nước về phát
triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh trong các lĩnh vực, theo hướng tăng ưu đãi.
Tăng cường hoạt động của Ban quản lý các khu
công nghiệp tỉnh, các cụm công nghiệp. Xác lập cơ cấu tổ chức; chức năng, nhiệm
vụ rõ ràng, hợp lý đáp ứng yêu cầu thực tế về quản lý phát triển công nghiệp của
tỉnh trong thời kỳ công nghiệp hóa-hiện đại hóa.
Thực hiện cải cách hành chính theo hướng chất lượng
và hiệu quả của dịch vụ công: các cơ quan quản lý nhà nước tập trung giải quyết
tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo lập môi trường bình đẳng, thông thoáng
cho hoạt động sản xuất kinh doanh đối với các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần
kinh tế. Thực hiện tốt công tác cải cách thủ tục hành chính trong việc cấp phép
đầu tư bằng những quy định cụ thể về trình tự, thủ tục hồ sơ, thời gian giải
quyết… Thực hiện tốt cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” để giải quyết nhanh
chóng, thuận tiện cho các nhà đầu tư.
IV. MỘT SỐ CHÍNH SÁCH
1. Chính sách huy động vốn
Chính sách huy động vốn của tỉnh trong thời kỳ
quy hoạch thu hút từ mọi nguồn, trong đó chú trọng thu hút vốn đầu tư của các
nhà đầu tư trong nước, ngoài nước và vốn trong dân cư.
Chính sách thu hút vốn chú trọng đến việc gắn
quyền lợi và trách nhiệm của người có vốn đầu tư với dự án được triển khai, bên
cạnh các chính sách huy động truyền thống hiện có.
Tạo vốn thông qua các tổ chức tín dụng, ngân
hàng để tạo sức hút đầu tư cho các doanh nghiệp, đồng thời các ngân hàng cần cải
tiến thủ tục tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong việc vay vốn
như: nới rộng điều kiện thế chấp (có thể thế chấp bằng tài sản được hình thành
từ vốn vay); cải tiến cơ chế cho vay, nâng cao năng lực của cán bộ thẩm định,
cho vay của các cơ quan tín dụng; đa dạng hóa các hoạt động tín dụng. Cải tiến
các hình thức đầu tư tín dụng theo hướng thuận tiện, đơn giản cho người đi vay
mà vẫn đảm bảo yêu cầu quản lý và an toàn vốn vay. Áp dụng mức lãi suất ưu đãi
cho những khoản vay dài hạn để đầu tư phát triển.
2. Chính sách phát triển thị trường
Xây dựng cơ chế hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia
hoạt động xúc tiến thương mại, thu hút đầu tư, phát triển thị trường. Tạo mọi
điều kiện để nâng cao khả năng mở rộng thị trường của các doanh nghiệp trong
tiêu thụ sản phẩm công nghiệp thông qua việc tham gia hội chợ triển lãm giới
thiệu sản phẩm, tìm kiếm thị trường tiêu thụ ở trong và ngoài nước.
Có cơ chế nhằm đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm
soát thị trường tập trung vào các khâu từ nhập khẩu đến phân phối, tiêu dùng…
làm cho thị trường lành mạnh, đảm bảo sự cạnh tranh bình đẳng cho các doanh
nghiệp. Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp ổn định sản xuất, phát huy có hiệu
quả công suất của nhà máy.
3. Chính sách phát triển nguồn nhân lực
Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất cho các cơ sở
đào tạo nghề như: xây dựng trường, xưởng thực hành, các thiết bị, giáo cụ,… để
nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho địa phương, đặc biệt là tay nghề, bậc thợ
cao.
Xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ học viên phù
hợp với nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực của tỉnh nhằm đáp ứng yêu cầu về lao động
hàng năm của các ngành nghề nói chung và của ngành công nghiệp nói riêng. Đồng
thời có ưu đãi để thu hút lao động có chất lượng, tay nghề cao, cán bộ tri thức
có năng lực chuyên môn và phẩm chất đạo đức tốt đến và ở lại với Tuyên Quang.
Khuyến khích các doanh nghiệp tổ chức đào tạo lại
nhân lực của mình theo phương thức nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí đào tạo
theo địa chỉ.
4. Chính sách thu hút đầu tư
Ưu tiên cho đầu tư của khu vực doanh nghiệp
ngoài quốc doanh, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước và đầu tư trực
tiếp của nước ngoài (FDI).
Đối với FDI chú trọng thu hút các tập đoàn, công
ty đa quốc gia, để nhanh chóng để tiếp nhận chuyển giao công nghệ hiện đại, kỹ
năng quản lý, điều hành tiên tiến để có điều kiện thâm nhập vào thị trường thế
giới. Đồng thời hướng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào các ngành công nghiệp
công nghệ cao, đạt trình độ tiêu chuẩn quốc tế, đảm bảo sức cạnh tranh của sản
phẩm và hàng hóa xuất khẩu.
Hướng thu hút đầu tư các doanh nghiệp nhỏ và vừa
trong nước vào các ngành, lĩnh vực sản xuất các linh kiện, thiết bị thuộc công
nghiệp hỗ trợ; ngành tạo nhiều việc làm cho người lao động là con, em các dân tộc
trong tỉnh như: may mặc, da giày, công nghiệp phụ trợ và công nghiệp chế biến
nông, lâm, thủy sản.
5. Chính sách về bảo vệ môi trường sinh thái
Chính sách quản lý về môi trường hướng vào việc
tăng hỗ trợ, khuyến khích việc xử lý chất thải công nghiệp trước khi phát thải ra
môi trường, đồng thời tăng cường giám sát chặt chẽ, xử phạt nghiêm các hành vi
gây ô nhiễm môi trường và không tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường.
Trên cơ sở các quy định pháp luật hiện hành về
khuyến khích đầu tư và bảo vệ môi trường để vận dụng, ban hành các chính sách cụ
thể về bảo vệ môi trường; ưu đãi, khuyến khích đầu tư cho công tác xử lý ô nhiễm
chất thải công nghiệp và xử lý ô nhiễm môi trường; ban hành quy định xử lý nếu
vi phạm về môi trường.
Điều 2. Tổ chức thực hiện
1. Trách nhiệm của Sở Công Thương
- Công bố và phổ biến rộng rãi quy hoạch.
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, Ủy
ban nhân dân huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh trong việc xây dựng và triển
khai thực hiện các nội dung theo đúng định hướng của Quy hoạch.
- Tham mưu xây dựng cơ chế, chính sách để phát
triển công nghiệp trên địa bàn, kiểm tra, giám sát các tổ chức, doanh nghiệp hoạt
động trong lĩnh vực công nghiệp có phương án phát triển sản xuất kinh doanh.
- Tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh điều chỉnh
Quy hoạch kịp thời khi không phù hợp.
2. Các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân
huyện, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ phối hợp chặt chẽ với Sở Công Thương
trong quá trình triển khai thực hiện quy hoạch.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày
ký.
Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc
các sở: Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải, Lao động, Thương binh và xã hội, Khoa
học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường; Giám đốc Điện lực Tuyên Quang; Giám
đốc Công ty TNHH một thành viên cấp thoát nước Tuyên Quang; Chủ tịch
Ủy ban nhân dân huyện, thành phố; Trưởng Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh
và Thủ trưởng các cơ quan có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định
này./.