BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ
PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ
NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 2949/QĐ-BNN-ĐMDN
|
Hà Nội, ngày 01
tháng 12 năm 2011
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN
HÀNH QUY ĐỊNH VỀ LẬP, THẨM ĐỊNH, PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH SẢN XUẤT KINH DOANH CỦA
DOANH NGHIỆP TRỰC THUỘC BỘ
BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN
NÔNG THÔN
Căn cứ Nghị định số 01/2008/NĐ-CP ngày 03/01/2008
của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Nghị định số 75/2009/NĐ-CP ngày 10/9/2009
của Chính phủ sửa đổi Điều 3 Nghị định số 01/2008/NĐ-CP ngày 03/01/2008;
Căn cứ Nghị định số 25/2010/NĐ-CP ngày 19/03/2010
của Chính phủ về chuyển đổi công ty nhà nước thành công ty trách nhiệm hữu hạn
một thành viên và tổ chức quản lý công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do
Nhà nước làm chủ sở hữu;
Theo đề nghị của Vụ trưởng - Trưởng ban Ban
Đổi mới và Quản lý doanh nghiệp nông nghiệp,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban
hành kèm theo Quyết định này “Quy định về việc lập, thẩm định, phê duyệt kế
hoạch sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trực thuộc Bộ”.
Điều 2. Quyết
định có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh
Văn phòng, Vụ trưởng - Trưởng ban Ban Đổi mới và Quản lý doanh nghiệp nông
nghiệp; các Tổng cục, Cục, Vụ, cơ quan có liên quan thuộc Bộ; Hội đồng thành
viên (Chủ tịch công ty), Kiểm soát viên Tập đoàn, Tổng công ty, Công ty thuộc
Bộ chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
-
Như Điều 3;
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ trưởng;
- Các Bộ: KH và Đầu tư, Tài chính, Lao động TBXH (để phối hợp);
- Lãnh đạo Bộ;
- Tổng cục: Thủy lợi, Lâm nghiệp, Thủy sản;
- Các Cục, Vụ thuộc Bộ;
- Tập đoàn, TCTy, Công ty thuộc Bộ;
- Lưu: VT, ĐMDN (4).
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Diệp Kỉnh Tần
|
QUY ĐỊNH
VIỆC
LẬP, THẨM ĐỊNH, PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH SXKD CỦA DOANH NGHIỆP TRỰC THUỘC BỘ
(Ban
hành kèm theo Quyết định số 2949/QĐ-BNN-ĐMDN ngày 01 tháng 12 năm 2011 của Bộ
trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT)
I. QUY ĐỊNH CHUNG
1. Phạm vi và đối
tượng áp dụng
1.1. Quy định này hướng dẫn việc lập, thẩm
định, phê duyệt kế hoạch sản xuất kinh doanh 5 năm, hàng năm của các Công ty
TNHH một thành viên 100% vốn nhà nước thuộc Bộ (gọi tắt doanh nghiệp trực thuộc
Bộ), thực hiện theo quy định tại Nghị định số 25/2010/NĐ-CP ngày 19/03/2010 của
Chính phủ về việc chuyển đổi công ty nhà nước thành công ty TNHH một thành viên
và tổ chức quản lý công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu.
1.2. Các tổ chức, cá nhân có liên quan đến
công tác lập, thẩm định, phê duyệt kế hoạch sản xuất kinh doanh năm của các
công ty TNHH một thành viên thuộc Bộ phải thực hiện Quy định này và các văn bản
pháp luật khác có liên quan.
2. Quy định chung
2.1. Kế hoạch sản xuất kinh doanh 5 năm
(2011-2015), hàng năm của doanh nghiệp trong Quy định này bao gồm các chỉ tiêu
tổng hợp về sản xuất kinh doanh, tài chính, lao động tiền lương, đầu tư tại
doanh nghiệp và đầu tư ra ngoài doanh nghiệp, liên doanh, liên kết (gồm đầu tư
ngắn hạn, dài hạn); các cân đối chủ yếu giữa nhu cầu vốn cho sản xuất kinh
doanh và nguồn lực của doanh nghiệp.
Đối với mục tiêu chiến lược, tầm nhìn 10 năm,
20 năm thực hiện theo định hướng chiến lược và quy định, hướng dẫn của Chính
phủ, Thủ tướng Chính phủ.
2.2. Việc thẩm định, trình duyệt kế hoạch sản
xuất kinh doanh năm của các Tập đoàn, Tổng công ty 91 thực hiện theo phân cấp
của Thủ tướng Chính phủ tại Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tập đoàn, Tổng
công ty 91 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Kế hoạch năm của các Tập đoàn, Tổng công ty
91 phải xây dựng trên cơ sở kế hoạch 5 năm được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
2.3. Văn bản của cơ quan có thẩm quyền phê
duyệt các chỉ tiêu kế hoạch, thông báo cho doanh nghiệp triển khai thực hiện là
nhiệm vụ của chủ sở hữu giao cho doanh nghiệp, giao Hội đồng thành viên, Chủ
tịch công ty thực hiện, là căn cứ đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của chủ
sở hữu giao theo quy định của pháp luật và điều lệ công ty.
Đối với kế hoạch lao động tiền lương, việc
giao đơn giá tiền lương của cơ quan có thẩm quyền, các chỉ tiêu phải xây dựng,
tính toán, thẩm định, phê duyệt theo quy định của pháp luật về tiền lương, đảm
bảo tính thống nhất, phù hợp với kế hoạch sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp;
doanh nghiệp phải quyết toán, hạch toán chi phí tiền lương vào chi phí sản xuất
kinh doanh của doanh nghiệp theo đơn giá tiền lương được cơ quan có thẩm quyền
phê duyệt.
2.4. Đối với Kế hoạch sản xuất kinh doanh 5
năm
a) Kế hoạch sản xuất kinh doanh các Tập đoàn,
Tổng công ty 91 thực hiện theo hướng dẫn của Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư
và vận dụng Quy định này tương ứng với các chỉ tiêu trong giai đoạn 5 năm phù
hợp với định hướng sản xuất kinh doanh, nhiệm vụ sản xuất kinh doanh 5 năm do
cơ quan có thẩm quyền giao và định hướng, tầm nhìn dài hạn của Chính phủ, Bộ,
ngành đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của ngành; quy trình thẩm định,
trình duyệt áp dụng tại Quy định này.
b) Đối với kế hoạch sản xuất kinh doanh 5 năm
của các Công ty mẹ Tổng công ty 90, Công ty thuộc Bộ áp dụng nguyên tắc xây
dựng, thẩm định, trình duyệt tại Quy định này tương ứng với chỉ tiêu từng năm
trong giai đoạn 5 năm; quy trình thẩm định, trình duyệt theo Quy định này.
Đối với chỉ tiêu xây dựng kế hoạch 5 năm khi
xây dựng doanh nghiệp lựa chọn các chỉ tiêu mang tính tổng hợp, tổng quát trên
cơ sở các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh năm quy định tại Phụ lục kèm theo Quy
định này, tương ứng với từng năm trong giai đoạn 5 năm.
2.5. Các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh
thuộc Bộ phải lập, gửi kế hoạch tài chính năm theo quy định của pháp luật trên
cơ sở kế hoạch sản xuất kinh doanh đã được duyệt.
Riêng đối với doanh nghiệp thực hiện nhiệm vụ
công ích, ngoài việc lập, trình duyệt kế hoạch sản xuất kinh doanh theo Quy
định này phải gửi kèm đồng thời kế hoạch tài chính lập theo hướng dẫn của Bộ
Tài chính.
II. LẬP, PHÊ DUYỆT,
TRIỂN KHAI THỰC HIỆN KẾ HOẠCH
3. Tổ chức lập kế hoạch
3.1. Việc lập kế hoạch sản xuất kinh doanh
năm phải căn cứ vào định hướng nhiệm vụ kế hoạch sản xuất kinh doanh của Chính
phủ giao cho ngành và định hướng nhiệm vụ của ngành; tình hình thị trường trong
nước và thế giới; khả năng tài chính và năng lực quản lý, quản trị của doanh
nghiệp; định mức kinh tế kỹ thuật; các yếu tố tác động bởi môi trường, khí hậu,
dịch bệnh (đối với hoạt động sản xuất nông nghiệp) và căn cứ vào tình hình thực
tế thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch các năm trước liền kề năm kế hoạch và ước
thực hiện năm báo cáo để xây dựng kế hoạch năm sau; căn cứ các chỉ tiêu thống
kê về tốc độ tăng trưởng sản xuất chung của từng ngành sản xuất; sự tác động
của các yếu tố vĩ mô của nền kinh tế ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh
doanh của doanh nghiệp và các yếu tố khác. Kế hoạch hàng năm được xây dựng phải
phù hợp với kế hoạch 5 năm.
Hội đồng thành viên (Chủ tịch công ty) có
trách nhiệm chính, trực tiếp trong việc dự báo các yếu tố ảnh hưởng đến hoạt
động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và định hướng hoạt động sản xuất,
kinh doanh của doanh nghiệp đảm bảo hiệu quả trong ngắn hạn, dài hạn thông qua
công tác tổ chức xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện có căn cứ khoa học.
3.2. Các doanh nghiệp thuộc Bộ tổ chức tốt
công tác thông tin, dự báo thị trường thông qua các kênh thông tin trong nước,
thế giới để có đủ thông tin khoa học làm cơ sở cho việc lập kế hoạch cũng như điều
chỉnh kịp thời khi thị trường trong nước, thế giới và các yếu tố khác biến động
ảnh hưởng đến việc thực hiện kế hoạch của doanh nghiệp.
3.3. Căn cứ nội dung hướng dẫn tại Quy định
này, các Công ty mẹ Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty 90, 91 có hướng dẫn cụ thể
theo đặc thù từng doanh nghiệp trong công tác lập, thẩm định, duyệt kế hoạch
cho doanh nghiệp 100% vốn của Công ty mẹ Tập đoàn, Tổng công ty và việc chấp
thuận các chỉ tiêu để giao cho người đại diện vốn của Tổng công ty tại công ty
cổ phần có vốn góp của Công ty mẹ Tập đoàn, Tổng công ty, đảm bảo tính thống
nhất, thuận tiện cho công tác tổng hợp, báo cáo, so sánh, phân tích và chỉ đạo
thực hiện kế hoạch của Công ty mẹ Tập đoàn, Tổng công ty 90, 91.
4. Hồ sơ trình duyệt
của doanh nghiệp
4.1. Hồ sơ trình phê duyệt kế hoạch sản xuất
kinh doanh của doanh nghiệp thuộc Bộ gồm:
a) Tờ trình đề nghị phê duyệt của Hội đồng
thành viên hoặc Chủ tịch công ty (Đối với Công ty mẹ có nghị quyết của Hội đồng
thành viên kèm theo).
Doanh nghiệp phải trình bày, bố cục văn bản
theo quy định hiện hành của Bộ Nội vụ.
b) Hồ sơ kế hoạch kèm theo các văn bản pháp
lý có liên quan (đối với kế hoạch năm phải sao y báo cáo quyết toán tài chính,
báo cáo quyết toán tiền lương, thu nhập, báo cáo quyết toán dự án đầu tư hoàn
thành của năm trước liền kề, số liệu thực hiện chỉ tiêu kế hoạch năm trước liền
kề, số liệu ước thực hiện năm báo cáo kèm theo; kế hoạch (05) năm phải thống
kê, tính toán chính xác tình hình thực hiện giai đoạn trước tương ứng).
Kết cấu Hồ sơ kế hoạch năm gồm các phần chủ
yếu sau:
- Doanh nghiệp đánh giá tình hình thực hiện
các chỉ tiêu kế hoạch các năm trước liền kề, chỉ tiêu ước thực hiện năm báo cáo
(có biểu mẫu so sánh giữa thực hiện so với kế hoạch của từng chỉ tiêu cụ thể để
làm cơ sở phân tích số liệu), đánh giá (dẫn chứng cụ thể) về khó khăn, thuận
lợi; nguyên nhân khách quan, chủ quan trong việc không hoàn thành nhiệm vụ kế
hoạch; thành tích và khuyết điểm, trách nhiệm của tập thể, cá nhân; bài học
kinh nghiệm… và các vấn đề khác ảnh hưởng đến kết quả, hiệu quả sản xuất kinh
doanh của doanh nghiệp so với mục tiêu kế hoạch được duyệt.
- Xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh năm
phải căn cứ việc đánh giá tình hình thực hiện theo nội dung nêu trên và định
hướng, giao nhiệm vụ kế hoạch, hướng dẫn lập kế hoạch của cơ quan có thẩm quyền
(Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài
chính, Bộ Nông nghiệp và PTNT…); cân đối các nguồn lực của doanh nghiệp, điều
tra, dự báo thị trường… để xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh có căn cứ khoa
học. Hội đồng thành viên (Chủ tịch công ty) có trách nhiệm tổ chức xây dựng kế
hoạch theo nhóm chỉ tiêu chủ yếu định hướng tại văn bản này và tùy theo hoạt
động sản xuất kinh doanh cụ thể của doanh nghiệp để chi tiết hóa hoặc bổ sung
chỉ tiêu cho phù hợp.
- Các giải pháp, biện pháp chủ yếu, công tác
tổ chức để thực hiện kế hoạch và các cân đối vốn, nguồn lực của doanh nghiệp
đảm bảo thực hiện được mục tiêu kế hoạch đề ra. Trong nhóm các giải pháp cần
chú ý giải pháp về tổ chức thực hiện thông qua việc Chủ tịch Hội đồng thành
viên (Chủ tịch công ty) xây dựng chương trình công tác, phân công, phân nhiệm
rõ ràng về thời gian hoàn thành công việc cho từng thành viên Hội đồng thành
viên, Ban Tổng giám đốc và chỉ đạo triển khai tới các cấp quản lý tiếp theo của
doanh nghiệp làm căn cứ để đánh giá nguyên nhân chủ quan thuộc công tác quản lý
điều hành ảnh hưởng tới mức độ hoàn thành kế hoạch.
- Thuyết minh các chỉ tiêu: Các chỉ tiêu tổng
hợp phải có thuyết minh chi tiết cũng như giải thích cách tính toán; các chỉ
tiêu liên quan đến chế độ tài chính phải thuyết minh cách tính toán và căn cứ
pháp lý cụ thể khi xây dựng chỉ tiêu.
Biểu mẫu định hướng các chỉ tiêu chủ yếu xây
dựng kế hoạch hàng năm tại Phụ lục a, b, c kèm theo Quy định này.
Đối với kế hoạch 5 năm (2011-2015) kết cấu
tương tự cho giai đoạn 5 năm (2011-2015) và phân kỳ cho từng năm trong giai
đoạn (2011-2015).
4.2. Số lượng hồ sơ trình thẩm định và phê
duyệt gửi Bộ (gửi qua đường bưu điện về Bộ hoặc gửi trực tiếp về Ban Đổi mới và
Quản lý DNNN) tối thiểu (10) bộ kế hoạch năm và (10) bộ hồ sơ kế hoạch 05 năm
(2011-2015).
4.3. Thời hạn gửi Hồ sơ
- Đối với doanh nghiệp thực hiện nhiệm vụ
công ích, thời hạn lập, gửi kế hoạch phải theo quy định của Luật Ngân sách, của
Bộ Tài chính để kịp thời tổng hợp, trình cơ quan có thẩm quyền bố trí ngân sách
nhằm đảm bảo nguồn cấp phát, giải ngân cho doanh nghiệp theo quy định để doanh
nghiệp hoàn thành nhiệm vụ công ích nhà nước giao hoặc đặt hàng.
- Đối với doanh nghiệp còn lại thuộc Bộ thời
hạn gửi Hồ sơ kế hoạch trước ngày 30/06 năm báo cáo.
4.4. Quản lý Hồ sơ kế hoạch và thông tin của
doanh nghiệp
Hồ sơ kế hoạch được lưu trữ, quản lý theo quy
định và được phân công một đầu mối quản lý để thuận tiện cho việc khai thác
thông tin quản lý của các bộ phận, phòng, ban, cán bộ, công chức có liên quan.
Hội đồng thành viên (Chủ tịch công ty) ban
hành quy định cụ thể về danh mục thông tin thuộc bí mật nhà nước, bí mật kinh
doanh của doanh nghiệp áp dụng trong doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.
5. Kiểm tra Hồ sơ kế
hoạch
5.1. Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ
ngày nhận được hồ sơ, Ban Đổi mới và Quản lý DNNN hoàn thành việc xem xét hồ
sơ, yêu cầu bổ sung hồ sơ, nếu đủ điều kiện thẩm định trình Chủ tịch Hội đồng
bố trí lịch thẩm định, trong đó các nội dung cần lấy ý kiến bằng văn bản của
các cơ quan chức năng thuộc Bộ thì trong thời hạn (03) ngày kể từ ngày nhận
được hồ sơ, cơ quan liên quan phải có ý kiến tham gia bằng văn bản gửi Ban Đổi
mới và Quản lý DNNN để tổng hợp ý kiến, bổ sung hồ sơ trình Hội đồng thẩm định.
Đối với Hồ sơ không đạt yêu cầu về nội dung
thẩm định, doanh nghiệp xây dựng kế hoạch thiếu căn cứ khoa học hoặc thiếu hồ
sơ theo quy định, không có giải pháp cụ thể đảm bảo cho việc thực hiện thì
trong thời hạn (05) ngày, Ban Đổi mới và Quản lý DNNN phải báo cáo Chủ tịch Hội
đồng thẩm định yêu cầu doanh nghiệp bổ sung hồ sơ hoặc giải trình theo thời hạn
cụ thể; trường hợp hồ sơ có tồn tại về bố cục, thể thức văn bản, nhưng không có
sai sót trọng yếu về nội dung thì trình Bộ văn bản chỉ đạo, nhắc nhở doanh
nghiệp, Hội đồng thành viên (Chủ tịch công ty).
5.2. Thời hạn hoàn thành công tác kiểm tra,
thẩm định, trình duyệt kế hoạch
a) Các doanh nghiệp thực hiện nhiệm vụ công
ích, thời hạn hoàn thành theo quy định của cơ quan tài chính có thẩm quyền.
b) Công ty mẹ Tập đoàn, Tổng công ty 90, 91,
Công ty trực thuộc Bộ, hoàn thành việc phê duyệt kế hoạch năm đối với doanh
nghiệp thuộc Bộ theo quy định của pháp luật hiện hành.
6. Lấy ý kiến tham
gia của các Bộ, ngành có liên quan về chỉ tiêu kế hoạch
6.1. Đối với Kế hoạch của các Tập đoàn, Tổng
công ty 91 phải tổ chức họp thẩm định hoặc lấy ý kiến bằng văn bản của các Bộ,
ngành có liên quan trước khi trình Bộ trưởng phê duyệt.
6.2. Đối với doanh nghiệp được giao nhiệm vụ
công, mời đại diện Bộ Tài chính, Bộ, ngành khác có liên quan tham gia kiểm tra
hồ sơ, thẩm định và lấy ý kiến của Bộ, ngành liên quan bằng văn bản trước khi
trình Bộ trưởng phê duyệt.
7. Hội đồng thẩm định
kế hoạch
7.1. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT quyết
định thành lập Hội đồng thẩm định gồm Lãnh đạo Bộ làm chủ tịch Hội đồng, các
thành viên là lãnh đạo các Tổng cục, Cục, Vụ, Ban có liên quan thuộc Bộ. Cơ chế
làm việc của Hội đồng thẩm định theo quy định của Bộ Nông nghiệp và PTNT.
Nhiệm vụ chủ yếu của Hội đồng thẩm định:
a) Thẩm định, đề nghị Bộ trưởng phê duyệt,
giao chỉ tiêu kế hoạch sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp thực hiện nhiệm
vụ công ích (Các công ty khai thác công trình Thủy lợi, nhà xuất bản nông
nghiệp, các doanh nghiệp thực hiện nhiệm vụ công ích gắn với quốc phòng, an
ninh).
b) Thẩm định, đề nghị Bộ trưởng ban hành văn
bản chấp thuận các chỉ tiêu kế hoạch chủ yếu của Công ty mẹ Tổng công ty 90,
Công ty thuộc Bộ để Hội đồng thành viên (Chủ tịch công ty) phê duyệt kế hoạch
sản xuất kinh doanh và tổ chức triển khai thực hiện.
c) Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế
hoạch và Đầu tư thẩm định kế hoạch sản xuất kinh doanh của các Công ty mẹ Tập
đoàn, Tổng công ty 91 để đề nghị Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT phê duyệt kế
hoạch năm hoặc trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đối với kế hoạch 5 năm.
7.2. Cơ quan giúp việc Hội đồng thẩm định
Ban Đổi mới và Quản lý doanh nghiệp nông
nghiệp là cơ quan giúp việc Hội đồng thẩm định, có nhiệm vụ:
a) Đầu mối tổng hợp, chủ trì phối hợp với các
cơ quan có liên quan thuộc Bộ kiểm tra trước hồ sơ kế hoạch của các doanh
nghiệp, kịp thời hướng dẫn, yêu cầu bổ sung hồ sơ (trường hợp cần thiết lấy ý
kiến bằng văn bản của cơ quan có liên quan thuộc Bộ) để hoàn chỉnh hồ sơ trình
Hội đồng thẩm định kế hoạch sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; đối với hồ sơ
đủ điều kiện thẩm định báo cáo Chủ tịch Hội đồng bố trí lịch thẩm định và mời
đại diện Bộ, ngành có liên quan tham gia.
b) Chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, tài liệu cần thiết
gửi các thành viên Hội đồng thẩm định chậm nhất là (02) ngày làm việc trước
ngày họp hội đồng thẩm định; lấy ý kiến các thành viên Hội đồng bằng phiếu thẩm
định tại cuộc họp, đồng thời tổng hợp ý kiến liên quan trọng yếu đến các chỉ
tiêu kế hoạch, báo cáo Hội đồng quyết định.
c) Trên cơ sở Hồ sơ kế hoạch sản xuất kinh
doanh của doanh nghiệp và ý kiến của thành viên Hội đồng thẩm định, ý kiến kết
luận của Chủ tịch Hội đồng, Ban Đổi mới và Quản lý DNNN tổng hợp trình Bộ trưởng
văn bản chấp thuận các chỉ tiêu kế hoạch sản xuất kinh doanh chủ yếu của Công
ty mẹ Tổng công ty 90, Công ty trực thuộc Bộ và giao Hội đồng thành viên (Chủ
tịch công ty) phê duyệt cụ thể và tổ chức triển khai thực hiện; trình Bộ trưởng
phê duyệt các chỉ tiêu kế hoạch năm và sản xuất kinh doanh chủ yếu cho Công ty
mẹ Tập đoàn, Tổng công ty 91 và giao nhiệm vụ cho Hội đồng thành viên tổ chức,
triển khai kế hoạch hoặc trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đối với kế hoạch 5
năm; trình Bộ trưởng phê duyệt, giao nhiệm vụ hoạt động công ích cho các doanh
nghiệp làm nhiệm vụ công ích thuộc Bộ; chấp thuận, giao nhiệm vụ cho người đại
diện vốn nhà nước tại doanh nghiệp cổ phần hóa có vốn nhà nước do Bộ làm đại
diện chủ sở hữu để người đại diện vốn nhà nước biểu quyết tại đại hội cổ đông
hoặc tham gia ý kiến với Hội đồng quản trị của công ty cổ phần trong việc xây
dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh của công ty cổ phần (đối với trường hợp Tổng
công ty Xây dựng Thủy lợi 4 - CTCP, Công ty cổ phần Tàu cuốc…).
7.3. Cơ quan tư vấn
Khi cần, Chủ tịch Hội đồng thẩm định có thể
mời cơ quan là các trường đại học, viện nghiên cứu; mời các chuyên gia đầu
ngành thuộc lĩnh vực có liên quan để tham vấn ý kiến về một số nội dung cụ thể
trong kế hoạch sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Chi phí mời tư vấn do doanh nghiệp được thẩm
định thực hiện chi trả, hạch toán vào chi phí sản xuất kinh doanh của doanh
nghiệp theo quy định của pháp luật.
8. Triển khai thực
hiện kế hoạch
8.1. Khi Kế hoạch sản xuất kinh doanh của
doanh nghiệp được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, Hội đồng thành viên (Chủ
tịch công ty) chủ trì triển khai thực hiện cụ thể, tổ chức kiểm tra, giám sát
tiến độ thực hiện kế hoạch đến từng doanh nghiệp trực thuộc, từng dự án, công
trình…, đối tượng quản lý sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Hội đồng thành viên (Chủ tịch công ty) kịp
thời cập nhật thông tin quản lý, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng
Chính phủ, của Bộ trưởng đối với hoạt động sản xuất kinh doanh, tài chính, lao
động tiền lương, đầu tư của doanh nghiệp để thực hiện và kịp thời điều chỉnh kế
hoạch; đề xuất với cơ quan có thẩm quyền tháo gỡ vướng mắc về cơ chế chính sách
ảnh hưởng kìm hãm hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Người quản lý của doanh nghiệp, người lao
động trong doanh nghiệp có trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ kế hoạch của cấp có
thẩm quyền giao, kịp thời phản ảnh những khó khăn, bất cập trong quá trình thực
hiện, đề xuất tháo gỡ khó khăn, kiến nghị điều chỉnh kế hoạch do cấp trên giao
để phù hợp với thực tế.
8.2. Ban Đổi mới và Quản lý DNNN chủ trì phối
hợp với cơ quan có liên quan tổ chức kiểm tra, giám sát định kỳ và kết thúc năm
đối với việc triển khai thực hiện kế hoạch giao cho doanh nghiệp, tổng hợp báo
cáo tình hình hoạt động của doanh nghiệp thông qua các chỉ tiêu thực hiện kế
hoạch và tổng hợp tình hình hoạt động của doanh nghiệp báo cáo Lãnh đạo Bộ.
8.3. Trong quá trình thực hiện kế hoạch đầu
tư các dự án, đầu tư ra ngoài doanh nghiệp; các dự án đầu tư xây dựng đã và
đang triển khai cần được cập nhật và công bố kịp thời, đầy đủ thông tin để
người lao động trong doanh nghiệp, cơ quan có thẩm quyền giám sát, đánh giá
tiến độ cũng như hiệu quả dự án đầu tư.
9. Điều chỉnh Kế
hoạch
Sau khi kế hoạch của doanh nghiệp đã được cơ
quan có thẩm quyền phê duyệt, việc điều chỉnh các chỉ tiêu của kế hoạch sản
xuất kinh doanh của doanh nghiệp được thực hiện trong các trường hợp:
9.1. Trong quá trình triển khai thực hiện,
xuất hiện những thay đổi về chính sách, chủ trương làm thay đổi các dự báo của
kế hoạch đã được duyệt.
9.2. Các biến động do thiên tai, lũ lụt, động
đất, dịch bệnh, khủng hoảng kinh tế thế giới và các yếu tố khác có ảnh hưởng
lớn đến các dự báo của doanh nghiệp.
9.3. Chủ tịch Hội đồng thẩm định kế hoạch
quyết định về thời hạn và nội dung cần xem xét điều chỉnh chỉ tiêu kế hoạch, bố
trí lịch thẩm định điều chỉnh kế hoạch.
III. TỔ CHỨC THỰC
HIỆN
10. Trách nhiệm của
doanh nghiệp, các cơ quan liên quan thuộc Bộ trong việc lập, thẩm định trình
duyệt kế hoạch sản xuất kinh doanh
10.1. Hội đồng thành viên (Chủ tịch công ty)
chịu trách nhiệm chính, trực tiếp trong việc tổ chức, chỉ đạo việc xây dựng kế
hoạch và tổ chức thực hiện; phối hợp với Kiểm soát viên giám sát trực tiếp việc
thực hiện kế hoạch thuộc phạm vi quản lý, giám sát của Hội đồng thành viên,
Kiểm soát viên.
10.2. Các cơ quan thuộc Bộ được giao nhiệm vụ
kiểm tra, thẩm tra, trình duyệt kế hoạch có trách nhiệm liên quan trong việc
tham mưu cho Bộ định hướng hoạt động của doanh nghiệp; có trách nhiệm phản biện
khoa học đối với các đề xuất về định hướng kinh doanh và chỉ tiêu kế hoạch của
doanh nghiệp xây dựng (nhất là các giải pháp cụ thể tổ chức triển khai thực
hiện), cung cấp đầy đủ thông tin quản lý, về dự báo thị trường trong nước và
thế giới, giúp doanh nghiệp định hướng đúng hoạt động sản xuất kinh doanh để
doanh nghiệp phát triển bền vững và có hiệu quả.
10.3. Hội đồng thành viên (Chủ tịch công ty)
doanh nghiệp thực hiện tốt công tác lập, tổ chức thực hiện kế hoạch, đảm bảo
hiệu quả hoạt động thực tế của doanh nghiệp so với năm trước thì được khen
thưởng theo quy định; trường hợp chậm tiến độ xây dựng, triển khai thực hiện
không hiệu quả thì xem xét hạ mức độ hoàn thành nhiệm vụ của Hội đồng thành
viên (Chủ tịch công ty) khi thực hiện công bố kết quả giám sát và đánh giá hiệu
quả của doanh nghiệp hàng năm.
11. Tổ chức thực hiện
11.1. Hội đồng thành viên Tập đoàn, Tổng công
ty quán triệt và triển khai thực hiện các nội dung của Quy định này trong phạm
vi doanh nghiệp; vận dụng chỉ đạo thực hiện đối với công ty TNHH thuộc Công ty
mẹ Tập đoàn, Tổng công ty và người đại diện vốn ở doanh nghiệp khác. Quán triệt
vai trò vị trí quan trọng của công tác lập kế hoạch trong nền kinh tế thị
trường định hướng xã hội chủ nghĩa (nhất là công tác dự báo và định hướng),
tăng cường, củng cố phòng, ban chức năng làm nhiệm vụ kế hoạch, có cơ chế tiền
lương, tiền thưởng phù hợp để thu hút cán bộ có năng lực làm công tác kế hoạch.
11.2. Ban Đổi mới và Quản lý DNNN
a) Khi Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ,
ngành có liên quan ban hành quy định hướng dẫn về công tác lập, thẩm định,
trình duyệt kế hoạch của công ty TNHH một thành viên thuộc sở hữu nhà nước thì
kịp thời tham mưu trình Bộ trưởng ban hành quy định sửa đổi, bổ sung Quy định
này phù hợp với quy định chung và yêu cầu quản lý đối với doanh nghiệp thuộc
Bộ.
b) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên
quan thuộc Bộ thường xuyên theo dõi, định kỳ kiểm tra về tình hình thực hiện kế
hoạch (nhất là công tác tổ chức thực hiện), báo cáo Bộ về tình hình hoạt động
của doanh nghiệp, tham mưu cho Bộ chỉ đạo doanh nghiệp kịp thời điều chỉnh hoạt
động để doanh nghiệp phát triển bền vững, đạt hiệu quả sản xuất kinh doanh cao.
c) Có trách nhiệm tham mưu giúp Bộ trưởng
việc hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra thực hiện Quy định này tại các doanh nghiệp
thuộc Bộ; kịp thời phát hiện khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện
trình Bộ trưởng xem xét sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.