CHÍNH
PHỦ
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------
|
Số:
91/2010/NĐ-CP
|
Hà
Nội, ngày 20 tháng 08 năm 2010
|
NGHỊ ĐỊNH
QUY ĐỊNH CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI NGƯỜI LAO ĐỘNG DÔI DƯ KHI SẮP XẾP
LẠI CÔNG TY TRÁCH NHIỆM HỮU HẠN MỘT THÀNH VIÊN DO NHÀ NƯỚC LÀM CHỦ SỞ HỮU
CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ
ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Bộ luật Lao động ngày 23 tháng 6 năm 1994; Luật sửa đổi, bổ sung một số
điều của Bộ Luật Lao động ngày 02 tháng 4 năm 2002; Luật sửa đổi, bổ sung một số
điều của Bộ luật Lao động ngày 29 tháng 6 năm 2006;
Căn cứ Luật Doanh nghiệp ngày 29 tháng 11 năm 2005;
Căn cứ Luật Bảo hiểm xã hội ngày 29 tháng 6 năm 2006;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội,
NGHỊ ĐỊNH:
Điều 1. Phạm vi
điều chỉnh
Nghị định này quy định chính sách đối
với người lao động dôi dư trong công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do
Nhà nước làm chủ sở hữu hoặc do tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội
làm chủ sở hữu (sau đây gọi chung là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên
do Nhà nước làm chủ sở hữu) được chuyển đổi từ công ty nhà nước, công ty thuộc
các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội theo quy định về chuyển đổi
thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên nhưng chưa giải quyết chính
sách lao động dôi dư theo Nghị định số 41/2002/NĐ-CP ngày 11 tháng 4 năm 2002,
Nghị định số 155/2004/NĐ-CP ngày 10 tháng 8 năm 2004, Nghị quyết số
07/2007/NQ-CP ngày 06 tháng 02 năm 2007, Nghị định số 110/2007/NĐ-CP ngày 26
tháng 6 năm 2007 của Chính phủ, nay tiếp tục thực hiện sắp xếp lại theo phương
án được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, bao gồm:
1. Cổ phần hóa, giao, bán.
2. Chuyển thành công ty trách nhiệm
hữu hạn hai thành viên trở lên.
3. Chuyển thành đơn vị sự nghiệp.
4. Giải thể, phá sản.
Điều 2. Đối tượng
áp dụng
1. Người lao động dôi dư đang thực
hiện hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc có thời hạn từ đủ 12 tháng
đến 36 tháng trong công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên quy định tại Điều
1 Nghị định này, gồm:
a) Người lao động được tuyển dụng lần
cuối cùng vào công ty quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 1 Nghị định này trước
ngày 21 tháng 4 năm 1998 (thời điểm thực hiện Chỉ thị số 20/1998/CT-TTg của Thủ
tướng Chính phủ về đẩy mạnh sắp xếp và đổi mới doanh nghiệp nhà nước), gồm:
- Người lao động đang làm việc, khi
sắp xếp lại, công ty đã tìm mọi biện pháp tạo việc làm, nhưng không bố trí được
việc làm;
- Người lao động có tên trong danh
sách thường xuyên của công ty nhưng không có việc làm (đang chờ việc), tại thời
điểm sắp xếp lại, công ty vẫn không bố trí được việc làm.
b) Người lao động được tuyển dụng lần
cuối cùng vào công ty quy định tại khoản 4 Điều 1 Nghị định này trước ngày 26
tháng 4 năm 2002 (thời điểm có hiệu lực thi hành của Nghị định số 41/2002/NĐ-CP
ngày 11 tháng 4 năm 2002 của Chính phủ).
c) Người lao động có tên trong danh
sách thường xuyên của công ty chuyển đổi từ công ty nông nghiệp, công ty lâm
nghiệp, nông trường, lâm trường quốc doanh, được tuyển dụng lần cuối cùng vào
công ty trước ngày 21 tháng 4 năm 1998 (riêng người lao động của các công ty
này thực hiện giải thể thì thời điểm tuyển dụng lần cuối cùng theo quy định tại
điểm b khoản 1 Điều này), tại thời điểm sắp xếp lại, công ty đã tìm mọi biện
pháp tạo việc làm, nhưng không bố trí được việc làm và không được thực hiện chế
độ giao đất, giao rừng của công ty.
2. Các tổ chức, cá nhân liên quan đến
việc thực hiện chính sách đối với lao động dôi dư do sắp xếp lại công ty trách
nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu.
Điều 3. Chính
sách đối với người lao động dôi dư đang thực hiện hợp đồng lao động không xác định
thời hạn
1. Tại thời điểm cơ quan có thẩm
quyền phê duyệt phương án sắp xếp lao động hoặc Tòa án quyết định mở thủ tục
phá sản, nam từ đủ 55 tuổi, nữ từ đủ 50 tuổi và có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội
trở lên thì được hưởng lương hưu theo quy định tại khoản 1 Điều
50 của Luật Bảo hiểm xã hội.
2. Người lao động dôi dư theo khoản
1 Điều này có tuổi đời từ đủ 55 tuổi đến dưới 60 tuổi đối với nam, từ đủ 50 tuổi
đến dưới 55 tuổi đối với nữ, được hưởng thêm các khoản trợ cấp sau:
a) 03 tháng tiền lương và phụ cấp
lương (nếu có) cho mỗi năm (đủ 12 tháng, không kể tháng lẻ) nghỉ hưu trước tuổi
so với quy định tại điểm a khoản 1 Điều 50 của Luật Bảo hiểm xã
hội.
b) 05 tháng tiền
lương và phụ cấp lương (nếu có) cho 20 năm đầu làm việc có đóng bảo hiểm xã hội.
Từ năm thứ 21 trở đi, cứ mỗi năm làm việc có đóng bảo hiểm xã hội được trợ cấp
thêm 1/2 tháng tiền lương và phụ cấp lương (nếu có).
3. Đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại
điểm a khoản 1 Điều 50 của Luật Bảo hiểm xã hội nhưng còn
thiếu thời gian đóng bảo hiểm xã hội tối đa 06 tháng để hưởng lương hưu thì được
Nhà nước đóng một lần cho số tháng còn thiếu với mức đóng bằng tổng mức đóng
hàng tháng của người lao động và người sử dụng lao động theo mức tiền lương, tiền
công tháng trước khi nghỉ việc vào quỹ hưu trí và tử tuất để giải quyết chế độ
hưu trí.
4. Các đối tượng
còn lại thì thực hiện chấm dứt hợp đồng lao động và được hưởng các chế độ sau:
a) Trợ cấp 01 tháng tiền lương và
phụ cấp lương (nếu có) cho mỗi năm (đủ 12 tháng, số tháng lẻ cộng dồn vào giai
đoạn tiếp theo) thực tế làm việc (có đi làm, có tên trong bảng thanh toán lương)
trong khu vực nhà nước (công ty 100% vốn nhà nước; cơ quan hành chính nhà nước,
đơn vị sự nghiệp của Nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang được hưởng lương từ
ngân sách nhà nước; nông, lâm trường quốc doanh), không kể thời gian người lao
động đã nhận trợ cấp thôi việc, mất việc làm và thời gian đóng bảo hiểm thất
nghiệp theo quy định nhưng thấp nhất cũng bằng 02 tháng tiền lương và phụ cấp
lương (nếu có).
b) Được hỗ trợ thêm 01 tháng tiền
lương và phụ cấp lương (nếu có) cho mỗi năm (đủ 12 tháng, số tháng lẻ cộng dồn
vào giai đoạn tiếp theo) thực tế làm việc trong khu vực nhà nước.
c) Được hưởng 06 tháng tiền lương
và phụ cấp lương (nếu có) để đi tìm việc làm.
d) Người lao động
có nguyện vọng học nghề thì được đào tạo tối đa 06 tháng tại các cơ sở dạy nghề
theo thông báo của cơ quan quản lý nhà nước về lao động ở các tỉnh, thành phố
trực thuộc Trung ương.
Điều 4. Chính
sách đối với người lao động dôi dư đang thực hiện hợp đồng lao động xác định thời
hạn từ đủ 12 tháng đến 36 tháng
Người lao động dôi dư đang thực hiện
hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ 12 tháng đến 36 tháng thì thực hiện
chấm dứt hợp đồng lao động và được hưởng các chế độ sau:
1. Trợ cấp 01 tháng tiền lương và
phụ cấp lương (nếu có) cho mỗi năm thực tế làm việc trong lĩnh vực nhà nước,
không kể thời gian người lao động đã nhận trợ cấp thôi việc, mất việc làm và thời
gian đóng bảo hiểm thất nghiệp theo quy định.
2. Trợ cấp 70% tiền lương và phụ cấp
lương (nếu có) ghi trong hợp đồng lao động cho số tháng còn lại chưa thực hiện
hết hợp đồng lao động đã giao kết, nhưng tối đa cũng không quá 12 tháng; trường
hợp mức trợ cấp này thấp hơn mức tiền lương tối thiểu chung tại thời điểm nghỉ
việc thì được tính bằng mức tiền lương tối thiểu chung.
Điều 5. Trả lại
trợ cấp khi được tuyển dụng lại
Người lao động dôi dư đã nhận trợ cấp
theo quy định tại khoản 4 Điều 3 Nghị định này nếu được tuyển dụng lại vào công
ty đã cho thôi việc thì phải trả lại toàn bộ số tiền đã nhận. Trường hợp được
tuyển dụng vào công ty, cơ quan nhà nước khác thuộc khu vực nhà nước hoặc khi
được công ty giao đất, giao rừng theo quy định thì phải trả lại số tiền trợ cấp
theo quy định tại điểm b khoản 4 Điều 3 Nghị định này. Công ty, cơ quan thuộc
khu vực nhà nước tuyển dụng lại người lao động dôi dư hoặc công ty giao đất,
giao rừng có trách nhiệm thu lại số tiền nêu trên từ người lao động và nộp vào
Quỹ Hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp tại Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà
nước.
Điều 6. Tiền
lương, phụ cấp lương tính các chế độ
1. Tiền lương và phụ cấp lương (nếu
có) làm căn cứ để tính các chế độ theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Nghị định
này được tính bằng mức bình quân tiền lương, phụ cấp lương (nếu có) của 05 năm
cuối trước khi nghỉ việc. Trường hợp không đủ 05 năm thì được tính bằng mức
bình quân tiền lương, phụ cấp lương (nếu có) của các năm đã làm việc trong khu
vực nhà nước.
Hệ số tiền lương và phụ cấp lương
trước ngày 01 tháng 10 năm 2004 được tính theo hệ số tiền lương và phụ cấp
lương quy định tại Nghị định số 25/CP ngày 23 tháng 5 năm 1993 của Chính phủ
quy định tạm thời chế độ tiền lương mới của công chức, viên chức hành chính sự
nghiệp và lực lượng vũ trang và Nghị định số 26/CP ngày 23 tháng 5 năm 1993 của
Chính phủ quy định tạm thời chế độ tiền lương mới trong các doanh nghiệp; từ
ngày 01 tháng 10 năm 2004 trở đi được tính theo hệ số tiền lương và phụ cấp
lương quy định tại Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của
Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng
vũ trang, Nghị định số 205/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ
quy định hệ thống thang lương, bảng lương và chế độ phụ cấp lương trong các
công ty nhà nước, Nghị định số 86/2007/NĐ-CP ngày 28 tháng 5 năm 2007 của Chính
phủ quy định quản lý lao động và tiền lương trong công ty trách nhiệm hữu hạn một
thành viên do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ, Nghị định số 141/2007/NĐ-CP
ngày 05 tháng 9 năm 2007 của Chính phủ quy định chế độ tiền lương đối với công
ty mẹ do Nhà nước làm chủ sở hữu và các công ty con trong Tập đoàn kinh tế và
Nghị định số 162/2006/NĐ-CP ngày 28 tháng 12 năm 2006 của Chính phủ về chế độ
tiền lương, chế độ trang phục đối với cán bộ, công chức, viên chức Kiểm toán
nhà nước và chế độ ưu tiên đối với kiểm toán viên nhà nước.
2. Tiền lương và phụ cấp lương (nếu
có) làm căn cứ để tính các chế độ theo quy định tại các điểm a và b khoản 4 Điều
3; khoản 1 Điều 4 Nghị định này là tiền lương và phụ cấp lương (nếu có) theo
thang lương, bảng lương nhà nước, được tính theo từng giai đoạn điều chỉnh hệ số
tiền lương.
Hệ số tiền lương để tính chế độ cho
giai đoạn trước ngày 01 tháng 10 năm 2004 là hệ số bình quân của 06 tháng liền
kề đến thời điểm ngày 30 tháng 9 năm 2004 theo Nghị định số 25/CP và Nghị định
số 26/CP ngày 23 tháng 5 năm 1993 của Chính phủ; giai đoạn từ ngày 01 tháng 10
năm 2004 trở đi là hệ số bình quân của 06 tháng liền kề đến thời điểm nghỉ việc
theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP , Nghị định số 205/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12
năm 2004, Nghị định số 86/2007/NĐ-CP ngày 28 tháng 5 năm 2007, Nghị định số
141/2007/NĐ-CP ngày 05 tháng 9 năm 2007 và Nghị định số 162/2006/NĐ-CP ngày 28
tháng 12 năm 2006 của Chính phủ.
3. Mức lương tối thiểu chung để
tính chế độ cho giai đoạn trước ngày 01 tháng 01 năm 2003 là 210.000 đồng; giai
đoạn từ ngày 01 tháng 01 năm 2003 đến ngày 30 tháng 9 năm 2005 là 290.000 đồng;
giai đoạn từ ngày 01 tháng 10 năm 2005 đến ngày 30 tháng 9 năm 2006 là 350.000
đồng; giai đoạn từ ngày 01 tháng 10 năm 2006 đến ngày 31 tháng 12 năm 2007 là
450.000 đồng; giai đoạn từ ngày 01 tháng 01 năm 2008 đến ngày 30 tháng 4 năm
2009 là 540.000 đồng; giai đoạn từ ngày 01 tháng 5 năm 2009 đến ngày 30 tháng 4
năm 2010 là 650.000 đồng; giai đoạn từ 01 tháng 5 năm 2010 đến trước thời điểm
điều chỉnh mức lương tối thiểu chung tiếp theo là 730.000 đồng.
Mức lương tối thiểu chung do Chính
phủ điều chỉnh trong các giai đoạn tiếp theo được áp dụng để tính chế độ cho
người lao động dôi dư tương ứng với mỗi giai đoạn điều chỉnh đó.
4. Tiền lương và phụ cấp lương (nếu
có) làm căn cứ tính chế độ quy định tại điểm c khoản 4 Điều 3 và khoản 2 Điều 4
Nghị định này là tiền lương theo thang lương, bảng lương nhà nước, được tính tại
thời điểm nghỉ việc.
Điều 7. Nguồn
kinh phí hỗ trợ lao động dôi dư do sắp xếp lại công ty trách nhiệm hữu hạn một
thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu
1. Đối với công ty thực hiện cổ phần
hóa, bán doanh nghiệp, nguồn kinh phí để giải quyết chính sách đối với lao động
dôi dư lấy từ tiền bán cổ phần lần đầu, bán doanh nghiệp. Trường hợp không đủ
thì được bổ sung từ:
a) Quỹ Hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp
tại Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước đối với công ty trực thuộc Bộ,
cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực
thuộc Trung ương; toàn bộ tổng công ty, toàn bộ tập đoàn, công ty mẹ.
b) Quỹ Hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp
tại tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, công ty mẹ đối với công ty trực
thuộc tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, công ty mẹ. Trường hợp không đủ
thì được bổ sung từ Quỹ Hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp tại Tổng công ty Đầu tư và
Kinh doanh vốn nhà nước.
2. Đối với công ty thực hiện giao,
giải thể, phá sản, chuyển thành công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở
lên, chuyển thành đơn vị sự nghiệp, nguồn kinh phí do:
a) Quỹ Hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp
tại Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước chi đối với công ty thuộc Bộ,
cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực
thuộc Trung ương; toàn bộ tổng công ty, toàn bộ tập đoàn, công ty mẹ.
b) Quỹ Hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp
của tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước chi đối với doanh nghiệp thuộc tập
đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước.
Điều 8. Trách
nhiệm chi trả các chế độ đối với người lao động dôi dư
1. Công ty trách nhiệm hữu hạn một
thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu chịu trách nhiệm giải quyết chế độ quy định
tại điểm a khoản 4 Điều 3, khoản 1 Điều 4 Nghị định này và chế độ thôi việc, mất
việc làm theo quy định của Bộ luật lao động cho người lao động không thuộc đối
tượng áp dụng Nghị định này từ Quỹ Dự phòng trợ cấp mất việc làm. Trường hợp
không đủ thì được hỗ trợ từ Quỹ Hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp theo quy định tại
khoản 1 Điều 7 Nghị định này.
2. Quỹ Bảo hiểm xã hội chịu trách
nhiệm giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội
và các quy định của Nghị định này.
3. Quỹ Hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp
theo phân cấp tại Điều 7 Nghị định này chịu trách nhiệm chi trả:
a) Các chế độ theo quy định tại khoản
2, khoản 3, các điểm b, c và d khoản 4 Điều 3 và khoản 2 Điều 4 Nghị định này.
b) Số tiền mà Quỹ Hỗ trợ sắp xếp doanh
nghiệp hỗ trợ theo quy định tại khoản 1 Điều này (nếu có).
Điều 9. Trách
nhiệm của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu
1. Xây dựng phương án sử dụng lao động,
xác định số lao động cần thiết theo yêu cầu sản xuất, kinh doanh và phương án
giải quyết lao động dôi dư.
2. Phối hợp với tổ chức công đoàn tại
công ty tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách, chế độ của Đảng và Nhà
nước, thực hiện quy chế dân chủ trong công ty; công khai phương án sắp xếp lao
động và danh sách lao động thuộc diện dôi dư.
3. Giải quyết chính sách, chế độ đối
với người lao động dôi dư theo quy định tại Nghị định này; thực hiện chi trả và
quyết toán kinh phí chi trả trợ cấp cho người lao động dôi dư theo quy định của
pháp luật.
4. Giải quyết chế độ đối với người
lao động dôi dư do công ty tuyển dụng không thuộc đối tượng áp dụng của Nghị định
này bằng nguồn kinh phí của công ty, nông, lâm trường.
Điều 10.
Trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức
1. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội:
a) Hướng dẫn và kiểm tra việc thực
hiện các chính sách, chế độ đối với người lao động dôi dư theo quy định tại Nghị
định này.
b) Tham gia với các cơ quan liên
quan về sắp xếp lao động trong phương án sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng
cao hiệu quả hoạt động của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước
làm chủ sở hữu.
c) Định kỳ tổng hợp và báo cáo Thủ
tướng Chính phủ tình hình thực hiện Nghị định này.
2. Bộ Tài
chính:
a) Lập kế hoạch nguồn vốn và trình
Thủ tướng Chính phủ các biện pháp bảo đảm nguồn vốn cho giải quyết chính sách đối
với lao động dôi dư.
b) Tiếp nhận hồ sơ, thẩm định và ra
quyết định xuất Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp tại Tổng công ty Đầu tư và Kinh
doanh vốn nhà nước để giải quyết chính sách cho người lao động dôi dư tại các
công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên thực hiện sắp xếp, chuyển đổi.
c) Giám sát, kiểm tra việc thực hiện
chi trả của Quỹ Hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp cho giải quyết chính sách đối với
lao động dôi dư.
d) Định kỳ tổng
hợp và báo cáo Thủ tướng Chính phủ việc quản lý và sử dụng Quỹ Hỗ trợ sắp xếp
doanh nghiệp.
3. Tổng công ty Đầu tư và Kinh
doanh vốn nhà nước, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, công ty mẹ:
a) Thực hiện xuất quỹ cho các công
ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu thuộc trách
nhiệm chi trả của Quỹ Hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp để giải quyết chính sách đối
với lao động dôi dư; thực hiện thu hồi kinh phí theo quy định tại Điều 5 Nghị định
này.
b) Theo dõi, kiểm tra việc chi trả
trợ cấp, quyết toán kinh phí chi trả trợ cấp của các đơn vị thuộc trách nhiệm
chi trả của Quỹ Hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp.
c) Định kỳ quyết toán và báo cáo Bộ
Tài chính việc quản lý và sử dụng Quỹ Hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp.
4. Bảo hiểm xã hội
Việt Nam
a) Hướng dẫn việc thu bảo hiểm xã hội
theo quy định tại Nghị định này.
b) Giải quyết chính sách, chế độ bảo
hiểm xã hội đối với người lao động theo quy định tại Nghị định này và hướng dẫn
của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội.
5. Các Bộ, cơ
quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực
thuộc Trung ương, các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội, tập đoàn kinh tế,
tổng công ty nhà nước do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập:
a) Chỉ đạo các công ty xây dựng
phương án sắp xếp lao động và thực hiện chính sách, chế độ đối với người lao động
dôi dư.
b) Phê duyệt phương án giải quyết
lao động dôi dư theo nguyên tắc một lần để thực hiện đối với từng công ty tại
Điều 1 Nghị định này.
c) Thành lập tổ chức để giải quyết
chính sách đối với người lao động dôi dư ở công ty thực hiện giải thể, phá sản.
d) Định kỳ báo cáo Chính phủ qua Bộ
Lao động, Thương binh và Xã hội tình hình giải quyết chính sách đối với người
lao động dôi dư.
6. Đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động
Việt Nam
a) Tham gia ý kiến với các cơ quan
nhà nước về hướng dẫn thực hiện các chính sách đối với người lao động dôi dư.
b) Chỉ đạo Công đoàn các cấp phối hợp
với Thủ trưởng đơn vị tuyên truyền, giải thích cho người lao động về chủ
trương, chính sách của Đảng và Nhà nước để thực hiện các chế độ đối với người
lao động dôi dư theo quy định của pháp luật.
c) Ban hành cơ chế giám sát của tổ
chức Công đoàn từ Trung ương tới cơ sở trong việc tổ chức thực hiện chế độ đối
với người lao động dôi dư.
Điều 11. Điều
khoản thi hành
1. Nghị định này có hiệu lực thi
hành kể từ ngày 10 tháng 10 năm 2010.
2. Đối với công ty trách nhiệm hữu
hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu hoạt động trong lĩnh vực khai
thác công trình thủy lợi thực hiện sắp xếp lại, thay đổi phương thức quản lý
khi thực hiện miễn thu thủy lợi phí theo quy định tại Nghị định số
143/2003/NĐ-CP ngày 28 tháng 11 năm 2003 đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định
số 115/2008/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi
hành một số điều của Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi, nếu
phát sinh lao động dôi dư thì người lao động dôi dư được hưởng chính sách như
quy định áp dụng đối với lao động dôi dư quy định tại Nghị định này. Kinh phí để
giải quyết chính sách đối với lao động dôi dư được lấy từ Quỹ Hỗ trợ sắp xếp
doanh nghiệp tại Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước.
3. Các công ty nhà nước; nông, lâm
trường quốc doanh được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt phương án giải quyết lao
động dôi dư trước ngày 30 tháng 6 năm 2010 thì thực hiện theo Nghị định số
110/2007/NĐ-CP ngày 26 tháng 6 năm 2007 của Chính phủ về chính sách đối với người
lao động dôi dư do sắp xếp lại công ty nhà nước.
Trường hợp công ty nhà nước chuyển
đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên theo quy định tại Điều 7
hoặc thực hiện cổ phần hóa theo quy định tại khoản 1 Điều 34 Nghị
định số 25/2010/NĐ-CP ngày 19 tháng 3 năm 2010 của Chính phủ về chuyển công
ty nhà nước thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên và quản lý công ty
trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu, mà từ ngày 01
tháng 7 năm 2010 đến trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành mới có Quyết
định phê duyệt phương án sắp xếp lao động dôi dư của cơ quan có thẩm quyền thì
vẫn tiếp tục giải quyết chính sách lao động dôi dư theo Nghị định số
110/2007/NĐ-CP nói trên.
4. Các chức danh thành viên Hội đồng
thành viên, Chủ tịch công ty, Tổng giám đốc, Giám đốc, Phó Tổng giám đốc, Phó
Giám đốc, Kế toán trưởng, Kiểm soát viên ở công ty trách nhiệm hữu hạn một
thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu thực hiện sắp xếp lại nhưng không tiếp tục
làm việc tại doanh nghiệp đó hoặc khu vực nhà nước thì thực hiện theo chính
sách tinh giản biên chế quy định tại Nghị định số 132/2007/NĐ-CP ngày 08 tháng
8 năm 2007 của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế.
5. Ngoài các
chế độ quy định tại Điều 3 và Điều 4 Nghị định này, các công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước
làm chủ sở hữu thực hiện sắp xếp lại theo quy định tại Điều 1 Nghị định này
có thể hỗ trợ thêm đối với người lao động dôi dư
bằng nguồn kinh phí hợp pháp của công ty sau khi thống nhất với Ban Chấp hành
công đoàn cơ sở.
Điều 12.
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng
cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc
Trung ương, Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước do Thủ tướng Chính phủ quyết
định thành lập chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.
Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- VP BCĐ TW về phòng, chống tham nhũng;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy Ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ngân hàng Chính sách Xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- Các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty 91;
- VPCP: BTCN, các PCN, Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: Văn thư, ĐMDN (5b).
|
TM.
CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG
Nguyễn Tấn Dũng
|