HỘI ĐỒNG NHÂN
DÂN
TỈNH ĐẮK LẮK
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
95/2013/NQ-HĐND
|
Buôn Ma Thuột,
ngày 19 tháng 07 năm 2013
|
NGHỊ QUYẾT
VỀ
TRỢ GIÚP PHÁP LÝ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐẮK LẮK, GIAI ĐOẠN 2013 - 2020
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH ĐẮK LẮK
KHÓA VIII - KỲ HỌP THỨ 6
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban
nhân dân được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày
26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Trợ giúp pháp lý được Quốc hội nước
Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 29 tháng 6 năm 2006;
Căn cứ Nghị định số 07/2007/NĐ-CP ngày 12 tháng
01 năm 2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của
Luật Trợ giúp pháp lý; Nghị định số 05/2012/NĐ-CP ngày 02 tháng 02 năm 2012 của
Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về giao dịch bảo đảm,
trợ giúp pháp lý, luật sư, tư vấn pháp luật; Nghị định số 14/2013/NĐ-CP ngày 05
tháng 02 năm 2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số
07/2007/NĐ-CP ;
Căn cứ Quyết định số 678/QĐ-TTg ngày 10 tháng 5
năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển trợ
giúp pháp lý ở Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030;
Xét Tờ trình số 28/TTr-UBND ngày 16 tháng 5 năm
2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc đề nghị ban hành Nghị quyết về trợ giúp
pháp lý trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2013 - 2020; Báo cáo thẩm tra số
34/BC-HĐND ngày 02 tháng 7 năm 2013 của Ban Pháp chế Hội đồng nhân dân tỉnh và
ý kiến của các vị đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Hội đồng nhân dân tỉnh tán thành, thông qua Nghị quyết về trợ
giúp pháp lý trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, giai đoạn 2013 - 2020, với những nội
dung cụ thể như sau:
1. Mục tiêu:
a) Mục tiêu chung.
Phát triển trợ giúp pháp lý ổn định, bền vững; cung
ứng dịch vụ trợ giúp pháp lý kịp thời, đầy đủ, có chất lượng cho đối tượng thuộc
diện được trợ giúp pháp lý; phát huy vai trò nòng cốt của trợ giúp pháp lý nhà
nước, đồng thời huy động sự tham gia tích cực của các cơ quan, tổ chức, cá nhân
vào hoạt động trợ giúp pháp lý; đảm bảo nguồn lực tài chính và cơ sở vật chất
nhằm triển khai có hiệu quả các chương trình, kế hoạch của Trung ương và địa
phương về trợ giúp pháp lý trên địa bàn tỉnh.
b) Mục tiêu cụ thể.
- Giai đoạn 2013 - 2015
+ Tăng cường hoạt động truyền thông về trợ giúp
pháp lý đảm bảo ít nhất 50% người dân biết về quyền được trợ giúp pháp lý của họ;
biết về các thông tin liên quan đến tổ chức và hoạt động trợ giúp pháp lý, nắm
được địa chỉ của tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý thông qua các phương tiện
truyền thông, trợ giúp pháp lý ở cơ sở nhằm nâng cao nhận thức của đối tượng hưởng
trợ giúp pháp lý và nhân dân trong tỉnh.
+ Đáp ứng ít nhất 90% nhu cầu trợ giúp pháp lý của
các đối tượng ở các lĩnh vực pháp luật; hoàn thành từ 80% trở lên số vụ việc mà
người được trợ giúp pháp lý yêu cầu;
+ Đảm bảo 100% vụ án có Trợ giúp viên pháp lý hoặc
Luật sư cộng tác viên bào chữa, đại diện hoặc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp
cho đương sự, bị can, bị cáo là người thuộc diện được trợ giúp pháp lý; từ 20%
đến 30% vụ việc có sự tham gia của trợ giúp pháp lý từ giai đoạn điều tra hoặc
khởi tố vụ án;
+ Tăng số vụ việc tham gia trợ giúp pháp lý của các
tổ chức đăng ký tham gia thực hiện trợ giúp pháp lý;
+ Đảm bảo từ 30% trở lên kiến nghị thi hành pháp luật
của tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý được giải quyết triệt để;
+ Đảm bảo ít nhất 70% vụ việc đạt chất lượng, trong
đó có trên 20% vụ việc trở lên được đánh giá đạt chất lượng tốt theo Bộ Tiêu
chuẩn đánh giá chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý.
- Giai đoạn 2016 - 2020
+ Tăng cường, đa dạng hóa hoạt động truyền thông về
trợ giúp pháp lý. Đảm bảo ít nhất 80% người dân được biết về quyền được trợ
giúp pháp lý của họ và các thông tin liên quan đến tổ chức và hoạt động trợ
giúp pháp lý;
+ Từ 70% - 80% người dân khi tiếp cận với các cơ
quan công quyền có liên quan đến pháp luật đều được hướng dẫn về quyền được trợ
giúp pháp lý của họ; đảm bảo 100% cán bộ ở các cơ quan tiếp dân, cơ quan hành
chính nhà nước, cơ quan tiến hành tố tụng nắm được các quy định về trợ giúp
pháp lý và quyền của người dân về trợ giúp pháp lý;
+ Đáp ứng 100% nhu cầu trợ giúp pháp lý của các đối
tượng ở các lĩnh vực pháp luật; hoàn thành từ 90% số vụ việc mà người được trợ
giúp pháp lý yêu cầu;
+ Đảm bảo 100% vụ án có Trợ giúp viên pháp lý hoặc
Luật sư, cộng tác viên bào chữa, đại diện hoặc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp
cho đương sự, bị can, bị cáo là người thuộc diện được trợ giúp pháp lý; khoảng
30% đến 50% vụ việc có sự tham gia của trợ giúp pháp lý từ giai đoạn điều tra
hoặc khởi tố vụ án; tăng 50% số vụ việc tham gia trợ giúp pháp lý của các tổ chức
đăng ký tham gia thực hiện trợ giúp pháp lý so với giai đoạn 2013 - 2015;
+ Đảm bảo từ 50% kiến nghị thi hành pháp luật của tổ
chức thực hiện trợ giúp pháp lý được giải quyết triệt để;
+ Đảm bảo ít nhất 80% vụ việc trở lên đạt chất lượng,
trong đó có trên 30% vụ việc được đánh giá đạt chất lượng tốt theo Bộ Tiêu chuẩn
đánh giá chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý.
2. Đối tượng áp dụng:
a) Các đối tượng hưởng trợ giúp pháp lý theo Điều
10, Luật Trợ giúp pháp lý; Khoản 7, Điều 2 Nghị định số 07/2007/NĐ-CP ngày 12
tháng 01 năm 2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số
điều của Luật Trợ giúp pháp lý; Nghị định số 14/2013/NĐ-CP ngày 05 tháng 02 năm
2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 07/2007/NĐ-CP ;
Thông tư số 07/2011/TT-BTP của Bộ Tư pháp ngày 31 tháng 3 năm 2011 hướng dẫn về
việc bảo đảm bình đẳng giới trong tổ chức cán bộ và hoạt động trợ giúp pháp lý;
Thông tư liên tịch số 01/2012/TTLT-BTP-UBDT ngày 17 tháng 01 năm 2012 của Bộ Tư
pháp - Ủy ban dân tộc hướng dẫn thực hiện trợ giúp pháp lý đối với người dân tộc
thiểu số.
b) Các tổ chức, cá nhân thực hiện trợ giúp pháp lý
và tham gia phối hợp thực hiện trợ giúp pháp lý.
c) Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện quản lý nhà nước
về trợ giúp pháp lý.
3. Các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu:
a) Tăng cường công tác truyền thông về trợ giúp
pháp lý.
Căn cứ số lượng và địa bàn cư trú của đối tượng hưởng
trợ giúp pháp lý theo số liệu thống kê của tỉnh, để các đối tượng hưởng trợ
giúp pháp lý và cán bộ, nhân dân trong tỉnh nắm được ý nghĩa, vai trò của trợ
giúp pháp lý, phải thường xuyên tuyên truyền, phổ biến về hoạt động trợ giúp
pháp lý trên Bản tin, Trang tin điện tử của Sở Tư pháp, Báo Đắk Lắk, Đài Phát
thanh - Truyền hình tỉnh, hệ thống truyền thanh cơ sở, trên các báo và các
phương tiện thông tin đại chúng khác; xây dựng tài liệu, tờ gấp về trợ giúp
pháp lý; chú trọng lồng ghép với việc trợ giúp pháp lý lưu động, sinh hoạt Câu
lạc bộ trợ giúp pháp lý.
- Giai đoạn 2013 - 2015
Đặt Bảng thông tin và Hộp tin tại 80% các xã, phường
thị trấn, 90% các cơ quan tiến hành tố tụng; tại nhà sinh hoạt cộng đồng buôn
hoặc hội trường thôn của các thôn, buôn đặc biệt khó khăn; 100% trụ sở Hội người
khuyết tật, cơ sở bảo trợ xã hội, trường học, cơ sở kinh doanh của người khuyết
tật;
- Giai đoạn 2016 - 2020
Hoàn thành việc đặt Bảng thông tin và Hộp tin về trợ
giúp pháp lý tại 20% trụ sở của Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn; tại
trụ sở tiếp dân của Ban Dân tộc; Định kỳ 04 năm/lần sửa chữa nội dung, thay thế
Bảng thông tin, Hộp tin về trợ giúp pháp lý đã được lắp đặt.
b) Củng cố, kiện toàn, phát triển mạng lưới tổ chức
thực hiện trợ giúp pháp lý và mạng lưới hỗ trợ hoạt động trợ giúp pháp lý tại tỉnh.
- Giai đoạn 2013 - 2015
+ Tách lập 03 phòng Nghiệp vụ tại Trung tâm Trợ
giúp pháp lý nhà nước tỉnh. Thành lập và bố trí địa điểm xây dựng trụ sở cho Chi
nhánh số 3 tại huyện Krông Búk để thực hiện trợ giúp pháp lý trên địa bàn huyện
Krông Búk, huyện Krông Năng, huyện Ea H’Leo và thị xã Buôn Hồ;
+ Thu hút 50% số tổ chức hành nghề luật sư, tư vấn
pháp luật trở lên tham gia thực hiện trợ giúp pháp lý;
+ Vận động thành lập và duy trì sinh hoạt Câu lạc bộ
Trợ giúp pháp lý tại tất cả các xã khu vực III, xã biên giới; 50% các xã, phường,
thị trấn khu vực I, khu vực II.
- Giai đoạn 2016 - 2020
+ Thành lập và bố trí địa điểm xây dựng các trụ sở
Chi nhánh số 4 tại huyện Ea Súp để thực hiện trợ giúp pháp lý trên địa bàn huyện
Ea Súp và Chi nhánh số 5 tại huyện M’Đrắk để thực hiện trợ giúp pháp lý trên địa
bàn huyện M’Đrắk;
+ Thu hút từ 70% số tổ chức hành nghề luật sư, tư vấn
pháp luật trở lên tham gia thực hiện trợ giúp pháp lý;
+ Vận động thành lập Câu lạc bộ trợ giúp pháp
lý tại 100% xã, phường, thị trấn.
c) Phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
trợ giúp pháp lý.
- Định biên tại Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước
tỉnh và các Chi nhánh trong giai đoạn 2013 - 2015 là 35 người, với ít nhất 10
Trợ giúp viên pháp lý đáp ứng nhu cầu trợ giúp pháp lý của người được trợ giúp
pháp lý nhất là trong các vụ việc tham gia tố tụng; đến năm 2020 là 43 người,
trong đó ít nhất 20 Trợ giúp viên pháp lý;
- Phát triển đội ngũ cộng tác viên trợ giúp pháp lý
trên 150 người vào năm 2015 và đến 200 người vào năm 2020, chú trọng phát triển
các cộng tác viên có trình độ pháp luật chuyên sâu về các lĩnh vực pháp luật, cộng
tác viên là hòa giải viên, già làng tại cơ sở;
- Thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ
năng cho người thực hiện trợ giúp pháp lý. Tập huấn hàng năm về kiến thức pháp
luật mới và kỹ năng trợ giúp pháp lý, kỹ năng sinh hoạt Câu lạc bộ cho 100%
thành viên Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý, cộng tác viên cơ sở.
d) Tăng cường trợ giúp pháp lý lưu động tại cơ sở.
- Giai đoạn 2013 - 2015
Bảo đảm 90% các xã tại vùng sâu, vùng xa, vùng có
điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được trợ giúp pháp lý lưu động;
- Giai đoạn 2016 - 2020
Bảo đảm 100% các xã tại vùng sâu, vùng xa, vùng có
điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được trợ giúp pháp lý lưu động;
e) Tăng cường đánh giá chất lượng vụ việc trợ giúp
pháp lý.
Thực hiện việc đánh giá chất lượng vụ việc của trợ
giúp viên pháp lý và cộng tác viên pháp lý theo quy định của Thông tư số
02/2013/TT-BTP ngày 05 tháng 01 năm 2013 của Bộ Tư pháp về ban hành Bộ Tiêu chuẩn
đánh giá chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý.
g) Ứng dụng công nghệ
thông tin trong hoạt động trợ giúp pháp lý; quản lý bằng công nghệ tin học
về tổ chức và hoạt động trợ giúp pháp lý.
h) Tăng cường phối hợp thực hiện trợ giúp pháp lý của
các cơ quan, tổ chức với tổ chức và người thực hiện trợ giúp pháp lý.
i) Tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát công
tác trợ giúp pháp lý theo Luật Trợ giúp pháp lý và các quy định của pháp luật
có liên quan để đánh giá đúng kết quả, thực trạng triển khai công tác trợ giúp
pháp lý tại tỉnh.
k) Tăng cường cơ sở vật chất, kinh phí cho hoạt động
trợ giúp pháp lý.
Đảm bảo kinh phí hoạt động nghiệp vụ đặc thù, kinh
phí mua sắm trang thiết bị cho tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý; kinh phí xây
dựng trụ sở 05 chi nhánh.
4. Kinh phí thực hiện:
a) Giai đoạn 2013 - 2015: 3.031.500.000 đồng (Ba
tỷ không trăm ba mươi mốt triệu năm trăm ngàn đồng).
b) Giai đoạn 2016 - 2020: 17.355.000.000 đồng (Mười
bảy tỷ ba trăm năm mươi lăm triệu đồng).
* Kinh phí của cả giai đoạn 2013 - 2020:
20.386.500.000 đồng (Hai mươi tỷ ba trăm tám mươi sáu triệu năm trăm ngàn đồng).
5. Nguồn kinh phí thực hiện:
a) Kinh phí Trung ương: 4.436.600.000 đồng (Bốn
tỷ bốn trăm ba mươi sáu triệu sáu trăm ngàn đồng).
b) Kinh phí địa phương: 15.949.900.000 đồng (Mười
lăm tỷ chín trăm bốn mươi chín triệu chín trăm ngàn đồng).
Điều 2. Hội đồng nhân dân tỉnh giao cho Ủy ban nhân dân tỉnh triển
khai thực hiện và báo cáo Hội đồng nhân dân tỉnh tại các kỳ họp.
Giao cho Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của
Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc triển khai
thực hiện Nghị quyết này.
Điều 3. Nghị quyết này có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày Hội đồng
nhân dân tỉnh thông qua.
Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Đắk Lắk
khóa VIII, Kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 11
tháng 7 năm 2013./.