Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Luật Đầu tư công năm 2024 số 58/2024/QH15

Số hiệu: 58/2024/QH15 Loại văn bản: Luật
Nơi ban hành: Quốc hội Người ký: Trần Thanh Mẫn
Ngày ban hành: 29/11/2024 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đã biết Số công báo: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

Tiêu chí phân loại dự án đầu tư công từ ngày 01/01/2025

Ngày 29/11/2024, Quốc hội ban hành Luật Đầu tư công 2024 gồm 7 chương, 103 Điều (bổ sung 01 chương, tăng thêm 02 Điều và sửa đổi 65 Điều so với Luật hiện hành.

Tiêu chí phân loại dự án đầu tư công từ ngày 01/01/2025

Theo đó, căn cứ mức độ quan trọng và quy mô, dự án đầu tư công được phân loại thành dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A, dự án nhóm B, dự án nhóm C theo các tiêu chí sau:

Tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia

Dự án quan trọng quốc gia là dự án đầu tư độc lập hoặc cụm công trình liên kết chặt chẽ với nhau thuộc một trong các tiêu chí sau đây:

- Sử dụng vốn đầu tư công từ 30.000 tỷ đồng trở lên;

- Ảnh hưởng lớn đến môi trường hoặc tiềm ẩn khả năng ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, bao gồm:

+ Nhà máy điện hạt nhân;

+ Sử dụng đất có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất rừng đặc dụng từ 50 ha trở lên; rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng phòng hộ biên giới từ 50 ha trở lên; rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay, chắn sóng, lấn biển từ 500 ha trở lên; rừng sản xuất từ 1.000 ha trở lên;

- Sử dụng đất có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên với quy mô từ 500 ha trở lên;

- Di dân tái định cư từ 20.000 người trở lên ở miền núi, từ 50.000 người trở lên ở các vùng khác;

- Dự án đòi hỏi phải áp dụng cơ chế, chính sách đặc biệt cần được Quốc hội quyết định.

Tiêu chí phân loại dự án nhóm A

Trừ dự án quan trọng quốc gia quy định tại Điều 8 Luật Đầu tư công 2024, dự án thuộc một trong các tiêu chí sau đây là dự án nhóm A:

- Dự án không phân biệt tổng mức đầu tư thuộc một trong các trường hợp sau đây:

+ Dự án sản xuất chất độc hại, chất nổ, trừ dự án sản xuất chất độc hại, chất nổ thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh;

+ Dự án hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao;

- Dự án có tổng mức đầu tư từ 4.600 tỷ đồng trở lên thuộc lĩnh vực sau đây:

+ Giao thông, bao gồm cầu, cảng biển, cảng sông, sân bay, đường sắt, đường quốc lộ;

+ Công nghiệp điện;

+ Khai thác dầu khí;

+ Hóa chất, phân bón, xi măng;

+ Chế tạo máy, luyện kim;

+ Khai thác, chế biến khoáng sản;

+ Xây dựng khu nhà ở;

- Dự án có tổng mức đầu tư từ 3.000 tỷ đồng trở lên thuộc lĩnh vực sau đây:

+ Giao thông, trừ dự án quy định tại điểm a khoản 2 Điều 9 Luật Đầu tư công 2024;

+ Thủy lợi, phòng chống thiên tai;

+ Cấp thoát nước, xử lý rác thải và công trình hạ tầng kỹ thuật khác;

+ Kỹ thuật điện;

+ Sản xuất thiết bị thông tin, điện tử;

+ Hóa dược;

+ Sản xuất vật liệu, trừ dự án quy định tại điểm d khoản 2 Điều 9 Luật Đầu tư công 2024;

+ Công trình cơ khí, trừ dự án quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 9 Luật Đầu tư công 2024;

+ Bưu chính, viễn thông;

- Dự án có tổng mức đầu tư từ 2.000 tỷ đồng trở lên thuộc lĩnh vực sau đây:

+ Sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, diêm nghiệp, nuôi trồng thủy sản;

+ Vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên;

+ Hạ tầng kỹ thuật khu đô thị mới;

+ Công nghiệp, trừ dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 9 Luật Đầu tư công 2024;

- Dự án có tổng mức đầu tư từ 1.600 tỷ đồng trở lên thuộc lĩnh vực sau đây:

+ Y tế, văn hóa, xã hội, thông tin, giáo dục;

+ Nghiên cứu khoa học, môi trường, công nghệ thông tin, phát thanh, truyền hình, tài chính, ngân hàng;

+ Kho tàng;

+ Du lịch, thể dục, thể thao;

+ Xây dựng dân dụng, trừ xây dựng khu nhà ở quy định tại điểm g khoản 2 Điều 9 Luật Đầu tư công 2024;

+ Dự án thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh, trừ dự án quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 9 Luật Đầu tư công 2024.

Xem thêm tiêu chí phân loại dự án nhóm B, nhóm C tại Luật Đầu tư công 2024 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2025, thay thế Luật Đầu tư công 2019.

 

QUỐC HỘI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Luật số: 58/2024/QH15

Hà Nội, ngày 29 tháng 11 năm 2024

LUẬT

ĐẦU TƯ CÔNG

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

Quốc hội ban hành Luật Đầu tư công.

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Luật này quy định việc quản lý nhà nước về đầu tư công; quản lý và sử dụng vốn đầu tư công; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động đầu tư công.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Luật này áp dụng đối với cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân tham gia hoặc có liên quan đến hoạt động đầu tư công, quản lý và sử dụng vốn đầu tư công.

Điều 3. Áp dụng Luật Đầu tư công, điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế

1. Việc quản lý, sử dụng vốn đầu tư công, hoạt động đầu tư công phải tuân thủ quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

2. Trường hợp điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác với quy định của Luật này thì áp dụng theo quy định của điều ước quốc tế đó.

3. Việc thực hiện chương trình, dự án đầu tư công tại nước ngoài tuân thủ quy định của điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, thỏa thuận quốc tế giữa bên Việt Nam với bên nước ngoài.

4. Việc quản lý, sử dụng vốn đầu tư của Nhà nước tại doanh nghiệp thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.

Điều 4. Giải thích từ ngữ

Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư là tài liệu trình bày các nội dung nghiên cứu sơ bộ về sự cần thiết, tính khả thi, tính hiệu quả, dự kiến nguồn vốn và mức vốn của chương trình đầu tư công, dự án nhóm B, nhóm C làm cơ sở để cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư.

2. Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi là tài liệu trình bày các nội dung nghiên cứu sơ bộ về sự cần thiết, tính khả thi, tính hiệu quả, tổng mức đầu tư, dự kiến nguồn vốn và mức vốn của dự án quan trọng quốc gia và dự án nhóm A làm cơ sở để cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư.

3. Báo cáo nghiên cứu khả thi là tài liệu trình bày các nội dung nghiên cứu về sự cần thiết, mức độ khả thi, hiệu quả, nguồn vốn và mức vốn của chương trình, dự án đầu tư công làm cơ sở để cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư.

4. Bộ, cơ quan trung ương và địa phương là cơ quan, tổ chức được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch đầu tư công, bao gồm:

a) Cơ quan trung ương của tổ chức chính trị, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước, Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội, Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan trung ương của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và của tổ chức chính trị - xã hội (sau đây gọi là Bộ, cơ quan trung ương);

b) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;

c) Doanh nghiệp nhà nước, cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp khác được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao thực hiện nhiệm vụ, dự án đầu tư công bằng văn bản.

5. Chương trình, dự án đầu tư công sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài gồm chương trình đầu tư công, dự án đầu tư, dự án hỗ trợ kỹ thuật chuẩn bị dự án đầu tư sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài.

6. Chủ chương trình là cơ quan, tổ chức được giao chủ trì quản lý chương trình đầu tư công.

7. Chủ đầu tư là cơ quan, tổ chức được giao trực tiếp quản lý dự án đầu tư công.

8. Chủ trương đầu tư là quyết định của cấp có thẩm quyền về những nội dung chủ yếu của chương trình, dự án đầu tư, làm căn cứ để lập, trình và phê duyệt quyết định đầu tư chương trình, dự án đầu tư, quyết định phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đầu tư công.

9. Chương trình đầu tư công là một tập hợp các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

10. Chương trình mục tiêu quốc gia là chương trình đầu tư công nhằm thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội của từng giai đoạn cụ thể trong phạm vi cả nước.

11. Cơ quan chủ quản là Bộ, cơ quan trung ương và địa phương quy định tại khoản 4 Điều này quản lý chương trình, dự án.

12. Cơ quan chuyên môn quản lý đầu tư công là đơn vị có chức năng quản lý đầu tư công thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư; đơn vị được giao quản lý đầu tư công của Bộ, cơ quan trung ương, địa phương, đơn vị sự nghiệp công lập.

13. Cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư công bao gồm Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban nhân dân các cấp.

14. Dự án đầu tư công là dự án sử dụng toàn bộ hoặc một phần vốn đầu tư công.

15. Dự án đầu tư công khẩn cấp là dự án đầu tư công được cấp có thẩm quyền quyết định nhằm kịp thời phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, thực hiện nhiệm vụ cấp bách để bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại, nhiệm vụ chính trị của quốc gia.

16. Đầu tư công là hoạt động đầu tư của Nhà nước vào các chương trình, nhiệm vụ, dự án và đối tượng đầu tư công khác theo quy định của Luật này.

17. Đề xuất chương trình, dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài là báo cáo bằng văn bản thuyết minh về sự cần thiết đầu tư, sự phù hợp với định hướng thu hút, quản lý và sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài từng thời kỳ, dự kiến cơ cấu nguồn vốn, nhà tài trợ và cơ chế tài chính trong nước làm cơ sở để cấp có thẩm quyền phê duyệt.

18. Hoạt động đầu tư công bao gồm lập, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư chương trình, nhiệm vụ, dự án đầu tư công; lập, thẩm định, phê duyệt, giao, triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công; quản lý, sử dụng vốn đầu tư công; nghiệm thu, bàn giao chương trình, quyết toán dự án đầu tư công; theo dõi và đánh giá, kiểm tra, thanh tra kế hoạch, chương trình, nhiệm vụ, dự án đầu tư công.

19. Kế hoạch đầu tư công là một tập hợp các mục tiêu, định hướng, danh mục chương trình, dự án đầu tư công; cân đối nguồn vốn đầu tư công, phương án phân bổ vốn, các giải pháp huy động nguồn lực và triển khai thực hiện.

20. Nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư là các hoạt động để lập đề xuất dự án đối với dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài; lập, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư; lập, thẩm định, quyết định đầu tư dự án.

21. Nhiệm vụ quy hoạch là các hoạt động được thực hiện để lập, công bố quy hoạch, lập, điều chỉnh quy hoạch và công bố quy hoạch điều chỉnh theo quy định của Luật Quy hoạch.

22. Nợ đọng xây dựng cơ bản là giá trị khối lượng thực hiện đã được nghiệm thu của chương trình, nhiệm vụ, dự án nhưng chưa được cấp có thẩm quyền giao kế hoạch đầu tư công trung hạn, không bao gồm các dự án đầu tư công khẩn cấp.

23. Phân cấp quản lý nhà nước về đầu tư công là xác định quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong hoạt động đầu tư công.

24. Vốn đầu tư công bao gồm vốn ngân sách nhà nước chi cho đầu tư công; vốn từ nguồn thu hợp pháp của các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập dành để đầu tư theo quy định của pháp luật.

25. Vốn ngân sách trung ương là vốn chi cho đầu tư công thuộc ngân sách trung ương theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

26. Vốn ngân sách địa phương là vốn chi cho đầu tư công thuộc ngân sách địa phương theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

27. Vốn ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương là vốn thuộc ngân sách trung ương bổ sung cho ngân sách địa phương để đầu tư chương trình, nhiệm vụ, dự án đầu tư công và đối tượng đầu tư công khác theo nhiệm vụ cụ thể được cấp có thẩm quyền quyết định.

Điều 5. Đối tượng đầu tư công

1. Đầu tư chương trình, dự án kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội.

2. Đầu tư phục vụ hoạt động của cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội.

3. Đầu tư và hỗ trợ hoạt động đầu tư cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích, phúc lợi xã hội.

4. Đầu tư của Nhà nước tham gia thực hiện dự án theo phương thức đối tác công tư (dự án PPP) theo quy định của pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư, bồi thường, chấm dứt hợp đồng dự án PPP trước thời hạn được cấp có thẩm quyền quyết định, chi trả phần giảm doanh thu các dự án PPP thuộc trách nhiệm của Nhà nước, thanh toán theo hợp đồng dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao (dự án BT) bằng tiền.

5. Đầu tư thực hiện nhiệm vụ quy hoạch.

6. Cấp bù lãi suất tín dụng ưu đãi, phí quản lý; cấp vốn điều lệ cho các ngân hàng chính sách, quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách; hỗ trợ đầu tư cho các đối tượng khác theo quyết định của Chính phủ hoặc quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Chính phủ quy định trình tự, thủ tục thực hiện đầu tư tại khoản này.

7. Bố trí vốn ngân sách địa phương để thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Chính phủ quy định điều kiện, tiêu chí, nguyên tắc bố trí vốn để ủy thác thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội.

Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định cơ chế, chính sách cụ thể và bố trí vốn ngân sách địa phương để thực hiện chính sách này. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện ủy thác vốn ngân sách địa phương để thực hiện chính sách ưu đãi theo quyết định của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh.

8. Đối tượng đầu tư công khác theo quy định của pháp luật có liên quan.

Điều 6. Phân loại dự án đầu tư công

1. Căn cứ vào tính chất, dự án đầu tư công được phân loại như sau:

a) Dự án có cấu phần xây dựng là dự án sử dụng vốn đầu tư công để đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng dự án đã đầu tư xây dựng, bao gồm cả phần mua tài sản, mua trang thiết bị của dự án;

b) Dự án không có cấu phần xây dựng là dự án sử dụng vốn đầu tư công để mua tài sản, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, mua, sửa chữa, nâng cấp trang thiết bị, máy móc và dự án khác không quy định tại điểm a khoản này;

c) Trường hợp sử dụng vốn ngoài kế hoạch đầu tư công để thực hiện các nhiệm vụ, dự án quy định tại điểm a và điểm b khoản này được thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước và quy định khác của pháp luật có liên quan.

2. Căn cứ mức độ quan trọng và quy mô, dự án đầu tư công được phân loại như sau:

a) Dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A, dự án nhóm B, dự án nhóm C theo tiêu chí quy định tại các điều 8, 9, 10 và 11 của Luật này;

b) Cấp có thẩm quyền khi phê duyệt chủ trương đầu tư dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A, nhóm B, nhóm C có quyền quyết định việc tách hoặc không tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án thành phần độc lập.

Thời gian thực hiện dự án thành phần độc lập bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng được tính trong tổng thời gian bố trí vốn thực hiện dự án quy định tại Điều 57 của Luật này;

c) Dự án đầu tư công liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực khác nhau thì việc phân nhóm theo ngành, lĩnh vực dự án căn cứ vào tỷ trọng vốn đầu tư theo ngành, lĩnh vực chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng mức đầu tư dự án;

d) Dự án không thuộc các tiêu chí quy định tại các điều 8, 9, 10 và 11 của Luật này được áp dụng tiêu chí phân loại theo tổng mức đầu tư quy định tại khoản 5 Điều 9, khoản 4 Điều 10 và khoản 4 Điều 11 của Luật này;

đ) Chính phủ quy định chi tiết việc phân loại dự án đầu tư công quy định tại các điều 9, 10 và 11 của Luật này.

Điều 7. Ngành, lĩnh vực sử dụng vốn đầu tư công

1. Ngành, lĩnh vực sử dụng vốn đầu tư công bao gồm:

a) Quốc phòng;

b) An ninh và trật tự, an toàn xã hội;

c) Giáo dục, đào tạo và giáo dục nghề nghiệp;

d) Khoa học, công nghệ;

đ) Y tế, dân số và gia đình;

e) Văn hóa, thông tin;

g) Phát thanh, truyền hình, thông tấn;

h) Thể dục, thể thao;

i) Bảo vệ môi trường;

k) Các hoạt động kinh tế;

l) Hoạt động của cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị và tổ chức chính trị - xã hội;

m) Bảo đảm xã hội;

n) Ngành, lĩnh vực khác theo quy định của pháp luật.

2. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 8. Tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia

Dự án quan trọng quốc gia là dự án đầu tư độc lập hoặc cụm công trình liên kết chặt chẽ với nhau thuộc một trong các tiêu chí sau đây:

1. Sử dụng vốn đầu tư công từ 30.000 tỷ đồng trở lên;

2. Ảnh hưởng lớn đến môi trường hoặc tiềm ẩn khả năng ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, bao gồm:

a) Nhà máy điện hạt nhân;

b) Sử dụng đất có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất rừng đặc dụng từ 50 ha trở lên; rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng phòng hộ biên giới từ 50 ha trở lên; rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay, chắn sóng, lấn biển từ 500 ha trở lên; rừng sản xuất từ 1.000 ha trở lên;

3. Sử dụng đất có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên với quy mô từ 500 ha trở lên;

4. Di dân tái định cư từ 20.000 người trở lên ở miền núi, từ 50.000 người trở lên ở các vùng khác;

5. Dự án đòi hỏi phải áp dụng cơ chế, chính sách đặc biệt cần được Quốc hội quyết định.

Điều 9. Tiêu chí phân loại dự án nhóm A

Trừ dự án quan trọng quốc gia quy định tại Điều 8 của Luật này, dự án thuộc một trong các tiêu chí sau đây là dự án nhóm A:

1. Dự án không phân biệt tổng mức đầu tư thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Dự án sản xuất chất độc hại, chất nổ, trừ dự án sản xuất chất độc hại, chất nổ thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh;

b) Dự án hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao;

2. Dự án có tổng mức đầu tư từ 4.600 tỷ đồng trở lên thuộc lĩnh vực sau đây:

a) Giao thông, bao gồm cầu, cảng biển, cảng sông, sân bay, đường sắt, đường quốc lộ;

b) Công nghiệp điện;

c) Khai thác dầu khí;

d) Hóa chất, phân bón, xi măng;

đ) Chế tạo máy, luyện kim;

e) Khai thác, chế biến khoáng sản;

g) Xây dựng khu nhà ở;

3. Dự án có tổng mức đầu tư từ 3.000 tỷ đồng trở lên thuộc lĩnh vực sau đây:

a) Giao thông, trừ dự án quy định tại điểm a khoản 2 Điều này;

b) Thủy lợi, phòng chống thiên tai;

c) Cấp thoát nước, xử lý rác thải và công trình hạ tầng kỹ thuật khác;

d) Kỹ thuật điện;

đ) Sản xuất thiết bị thông tin, điện tử;

e) Hóa dược;

g) Sản xuất vật liệu, trừ dự án quy định tại điểm d khoản 2 Điều này;

h) Công trình cơ khí, trừ dự án quy định tại điểm đ khoản 2 Điều này;

i) Bưu chính, viễn thông;

4. Dự án có tổng mức đầu tư từ 2.000 tỷ đồng trở lên thuộc lĩnh vực sau đây:

a) Sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, diêm nghiệp, nuôi trồng thủy sản;

b) Vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên;

c) Hạ tầng kỹ thuật khu đô thị mới;

d) Công nghiệp, trừ dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này;

5. Dự án có tổng mức đầu tư từ 1.600 tỷ đồng trở lên thuộc lĩnh vực sau đây:

a) Y tế, văn hóa, xã hội, thông tin, giáo dục;

b) Nghiên cứu khoa học, môi trường, công nghệ thông tin, phát thanh, truyền hình, tài chính, ngân hàng;

c) Kho tàng;

d) Du lịch, thể dục, thể thao;

đ) Xây dựng dân dụng, trừ xây dựng khu nhà ở quy định tại điểm g khoản 2 Điều này;

e) Dự án thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh, trừ dự án quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều này.

Điều 10. Tiêu chí phân loại dự án nhóm B

1. Dự án thuộc lĩnh vực quy định tại khoản 2 Điều 9 của Luật này có tổng mức đầu tư từ 240 tỷ đồng đến dưới 4.600 tỷ đồng.

2. Dự án thuộc lĩnh vực quy định tại khoản 3 Điều 9 của Luật này có tổng mức đầu tư từ 160 tỷ đồng đến dưới 3.000 tỷ đồng.

3. Dự án thuộc lĩnh vực quy định tại khoản 4 Điều 9 của Luật này có tổng mức đầu tư từ 120 tỷ đồng đến dưới 2.000 tỷ đồng.

4. Dự án thuộc lĩnh vực quy định tại khoản 5 Điều 9 của Luật này có tổng mức đầu tư từ 90 tỷ đồng đến dưới 1.600 tỷ đồng.

Điều 11. Tiêu chí phân loại dự án nhóm C

1. Dự án thuộc lĩnh vực quy định tại khoản 2 Điều 9 của Luật này có tổng mức đầu tư dưới 240 tỷ đồng.

2. Dự án thuộc lĩnh vực quy định tại khoản 3 Điều 9 của Luật này có tổng mức đầu tư dưới 160 tỷ đồng.

3. Dự án thuộc lĩnh vực quy định tại khoản 4 Điều 9 của Luật này có tổng mức đầu tư dưới 120 tỷ đồng.

4. Dự án thuộc lĩnh vực quy định tại khoản 5 Điều 9 của Luật này có tổng mức đầu tư dưới 90 tỷ đồng.

Điều 12. Điều chỉnh tiêu chí phân loại dự án đầu tư công

1. Quốc hội quyết định điều chỉnh tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia quy định tại Điều 8 của Luật này.

2. Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh tiêu chí phân loại dự án đầu tư công quy định tại các điều 9, 10 và 11 của Luật này và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

3. Việc điều chỉnh tiêu chí phân loại dự án đầu tư công quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này được thực hiện trong trường hợp chỉ số giá có biến động lớn hoặc có điều chỉnh lớn về phân cấp quản lý đầu tư công liên quan đến tiêu chí phân loại dự án đầu tư công hoặc xuất hiện các yếu tố quan trọng khác tác động tới tiêu chí phân loại dự án đầu tư công.

Điều 13. Nguyên tắc quản lý đầu tư công

1. Tuân thủ quy định của pháp luật về đầu tư công.

2. Phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 05 năm của quốc gia, quy hoạch có liên quan theo quy định của pháp luật về quy hoạch.

3. Thực hiện đúng trách nhiệm và quyền hạn của cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức, cá nhân liên quan đến đầu tư công.

4. Quản lý việc sử dụng vốn đầu tư công theo đúng quy định đối với từng nguồn vốn; bảo đảm đầu tư tập trung, đồng bộ, chất lượng, tiết kiệm, hiệu quả và khả năng cân đối nguồn lực; không để thất thoát, lãng phí.

5. Bảo đảm công khai, minh bạch trong hoạt động đầu tư công.

Điều 14. Nội dung quản lý nhà nước về đầu tư công

1. Ban hành và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về đầu tư công.

2. Xây dựng và tổ chức thực hiện chiến lược, chương trình, kế hoạch, giải pháp, chính sách đầu tư công.

3. Theo dõi, cung cấp thông tin về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công.

4. Đánh giá hiệu quả đầu tư công; kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện quy định của pháp luật về đầu tư công, việc tuân thủ kế hoạch đầu tư công.

5. Xử lý vi phạm pháp luật, giải quyết khiếu nại, tố cáo của tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động đầu tư công.

6. Khen thưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thành tích trong hoạt động đầu tư công.

7. Hợp tác quốc tế về đầu tư công.

Điều 15. Công khai, minh bạch trong đầu tư công

1. Nội dung công khai, minh bạch trong đầu tư công bao gồm:

a) Chính sách, pháp luật và việc tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật trong quản lý và sử dụng vốn đầu tư công;

b) Nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công;

c) Nguyên tắc, tiêu chí, căn cứ xác định danh mục dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm;

d) Kế hoạch, chương trình đầu tư công trên địa bàn; vốn bố trí cho từng chương trình theo từng năm, tiến độ thực hiện và giải ngân vốn chương trình đầu tư công;

đ) Danh mục dự án trên địa bàn, bao gồm quy mô, tổng mức đầu tư, thời gian, địa điểm; báo cáo đánh giá tác động tổng thể của dự án tới địa bàn đầu tư;

e) Kế hoạch phân bổ vốn đầu tư công trung hạn và hằng năm, bao gồm danh mục dự án và mức vốn đầu tư công bố trí cho từng dự án;

g) Tình hình huy động các nguồn lực và nguồn vốn khác tham gia thực hiện dự án đầu tư công;

h) Tình hình và kết quả thực hiện kế hoạch, chương trình, dự án;

i) Tiến độ thực hiện và giải ngân của dự án;

k) Kết quả nghiệm thu, đánh giá chương trình, dự án;

l) Quyết toán vốn đầu tư công.

2. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị phải thực hiện việc công khai các nội dung đầu tư công theo quy định của pháp luật.

Điều 16. Chi phí lập, thẩm định, theo dõi, kiểm tra, đánh giá, kế hoạch, chương trình, nhiệm vụ, dự án đầu tư công

1. Chi phí lập, thẩm định báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư chương trình đầu tư công sử dụng nguồn chi thường xuyên của cơ quan, đơn vị thực hiện các nhiệm vụ này.

2. Chi phí thực hiện nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư được sử dụng từ nguồn vốn đầu tư công, chi thường xuyên của ngân sách nhà nước, các nguồn vốn hợp pháp khác và thực hiện quyết toán trong giá trị tổng mức đầu tư của dự án.

Trường hợp dự án không được cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư, các khoản chi thực hiện nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư dự án được hạch toán và quyết toán theo quy định của Chính phủ.

3. Chi phí lập, thẩm định kế hoạch đầu tư công sử dụng nguồn chi thường xuyên của cơ quan, đơn vị lập, thẩm định kế hoạch.

4. Chi phí theo dõi, kiểm tra, đánh giá kế hoạch, chương trình, dự án sử dụng nguồn chi thường xuyên của cơ quan, đơn vị thực hiện các nhiệm vụ này.

5. Đối với chương trình, dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài, khuyến khích nhà tài trợ hỗ trợ tài chính để thanh toán các chi phí quy định tại Điều này.

Điều 17. Các hành vi bị nghiêm cấm trong đầu tư công

1. Quyết định chủ trương đầu tư hoặc quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư không phù hợp với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch; không xác định được nguồn vốn và khả năng cân đối vốn; không đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật.

2. Quyết định đầu tư chương trình, dự án khi chưa được cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư theo quy định; quyết định đầu tư hoặc quyết định điều chỉnh chương trình, dự án không đúng thẩm quyền, không đúng với các nội dung về mục tiêu, địa điểm, vượt mức vốn đầu tư công, vượt mức vốn đầu tư công của ngân sách cấp trên, vượt tổng mức đầu tư trong chủ trương đầu tư đã được cấp có thẩm quyền quyết định. Quyết định điều chỉnh tổng vốn đầu tư của chương trình, tổng mức đầu tư của dự án trái quy định của pháp luật.

3. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt, vụ lợi, tham nhũng trong quản lý và sử dụng vốn đầu tư công.

4. Chủ chương trình, chủ đầu tư thông đồng với tổ chức tư vấn, nhà thầu dẫn tới quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư chương trình, dự án gây thất thoát, lãng phí vốn, tài sản của Nhà nước, tài nguyên của quốc gia; làm tổn hại, xâm phạm lợi ích hợp pháp của công dân và của cộng đồng.

5. Đưa, nhận, môi giới hối lộ.

6. Yêu cầu tổ chức, cá nhân tự bỏ vốn đầu tư khi chương trình, dự án chưa được quyết định chủ trương đầu tư, chưa được phê duyệt quyết định đầu tư; thực hiện dự án khi chưa được giao kế hoạch đầu tư công gây nợ đọng xây dựng cơ bản.

7. Sử dụng vốn đầu tư công không đúng mục đích, không đúng đối tượng, vượt tiêu chuẩn, định mức theo quy định của pháp luật.

8. Làm giả, làm sai lệch thông tin, hồ sơ, tài liệu liên quan đến quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư, triển khai thực hiện chương trình, nhiệm vụ, dự án.

9. Cố ý báo cáo, cung cấp thông tin không đúng, không trung thực, không khách quan ảnh hưởng đến việc lập, thẩm định, quyết định kế hoạch, chương trình, dự án, theo dõi, đánh giá, kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm trong triển khai thực hiện kế hoạch, chương trình, nhiệm vụ, dự án.

10. Cố ý hủy hoại, lừa dối, che giấu hoặc lưu giữ không đầy đủ tài liệu, chứng từ, hồ sơ liên quan đến quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư, triển khai thực hiện chương trình, nhiệm vụ, dự án.

11. Cản trở việc phát hiện hành vi vi phạm pháp luật về đầu tư công.

Chương II

CHỦ TRƯƠNG ĐẦU TƯ VÀ QUYẾT ĐỊNH ĐẦU TƯ CHƯƠNG TRÌNH, DỰ ÁN ĐẦU TƯ CÔNG

Mục 1. LẬP, THẨM ĐỊNH, QUYẾT ĐỊNH CHỦ TRƯƠNG ĐẦU TƯ

Điều 18. Thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án

1. Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án sau đây:

a) Chương trình mục tiêu quốc gia;

b) Dự án quan trọng quốc gia.

2. Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư chương trình đầu tư công sử dụng vốn ngân sách trung ương, trừ chương trình quy định tại điểm a khoản 1 Điều này.

3. Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư dự án sau đây:

a) Dự án quy định tại điểm a khoản 1 Điều 9 của Luật này;

b) Dự án nhóm A do Bộ, cơ quan trung ương quản lý có tổng mức đầu tư từ 10.000 tỷ đồng trở lên.

4. Người đứng đầu Bộ, cơ quan trung ương quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm A, nhóm B, nhóm C do cơ quan, tổ chức mình quản lý, trừ dự án quy định tại khoản 3 Điều này.

5. Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án sau đây:

a) Chương trình đầu tư công sử dụng vốn ngân sách địa phương, bao gồm cả vốn bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương, nguồn vốn hợp pháp của địa phương thuộc cấp mình quản lý;

b) Dự án nhóm A sử dụng vốn ngân sách địa phương các cấp, bao gồm cả vốn bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương, nguồn vốn hợp pháp của địa phương trên địa bàn tỉnh, dự án nhóm A thực hiện trên địa bàn từ 02 đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh là cơ quan chủ quản theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, trừ dự án quy định tại khoản 3 Điều này.

6. Hội đồng nhân dân cấp huyện quyết định chủ trương đầu tư chương trình đầu tư công sử dụng vốn ngân sách địa phương, bao gồm cả vốn bổ sung có mục tiêu từ ngân sách cấp trên, nguồn vốn hợp pháp của địa phương thuộc cấp mình quản lý.

7. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định chủ trương đầu tư dự án sau đây:

a) Dự án nhóm B, nhóm C sử dụng vốn ngân sách địa phương, bao gồm cả vốn bổ sung có mục tiêu từ ngân sách cấp trên, nguồn vốn hợp pháp của địa phương thuộc cấp mình quản lý;

b) Dự án nhóm B, nhóm C thực hiện trên địa bàn từ 02 đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh là cơ quan chủ quản theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ;

c) Dự án nhóm B, nhóm C sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài.

8. Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định chủ trương đầu tư dự án sau đây:

a) Dự án nhóm B, nhóm C sử dụng vốn ngân sách địa phương, bao gồm cả vốn bổ sung có mục tiêu từ ngân sách cấp trên, nguồn vốn hợp pháp của địa phương thuộc cấp mình quản lý;

b) Dự án nhóm B, nhóm C thực hiện trên địa bàn từ 02 đơn vị hành chính cấp huyện trở lên do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao là cơ quan chủ quản; dự án nhóm B, nhóm C thực hiện trên địa bàn từ 02 đơn vị hành chính cấp xã trở lên;

c) Dự án tại khoản 9 Điều này theo đề nghị của Ủy ban nhân dân cấp xã.

9. Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm B, nhóm C sử dụng vốn ngân sách địa phương, bao gồm cả vốn bổ sung có mục tiêu từ ngân sách cấp trên, nguồn vốn hợp pháp của địa phương thuộc cấp mình quản lý. Trường hợp chưa đủ năng lực chuyên môn về quản lý, thực hiện dự án, Ủy ban nhân dân cấp xã báo cáo Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm B, nhóm C do cấp mình quản lý.

10. Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty hoặc Hội đồng quản trị của doanh nghiệp nhà nước quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm A, nhóm B, nhóm C được giao nhiệm vụ đầu tư theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, trừ dự án quy định tại khoản 3 Điều này.

11. Trường hợp điều chỉnh chủ trương đầu tư chương trình, dự án, thẩm quyền quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư chương trình, dự án thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 37 của Luật này.

12. Chính phủ quy định các nội dung sau đây:

a) Việc phân cấp thẩm quyền, trình tự, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư đối với chương trình, dự án sử dụng vốn từ nguồn thu hợp pháp của các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập dành để đầu tư phù hợp với quy định về quyền tự chủ tài chính của các cơ quan, đơn vị.

Trường hợp chương trình, dự án quy định tại khoản này có sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước thì thẩm quyền, trình tự, thủ tục thực hiện theo quy định của Luật này đối với chương trình, dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước;

b) Trình tự, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư đối với dự án có sử dụng vốn ngân sách địa phương do cơ quan trung ương thực hiện, dự án có sử dụng vốn ngân sách cấp huyện, cấp xã do cơ quan cấp tỉnh, cấp huyện thực hiện;

c) Hồ sơ, nội dung và thời gian thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án.

Điều 19. Điều kiện quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án

1. Phù hợp với chiến lược, phương hướng, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch có liên quan theo quy định của pháp luật về quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền quyết định hoặc phê duyệt.

2. Không trùng lặp với các chương trình, dự án đã có quyết định chủ trương đầu tư hoặc đã có quyết định đầu tư.

3. Phù hợp với khả năng cân đối nguồn vốn đầu tư công và khả năng huy động các nguồn vốn khác đối với chương trình, dự án sử dụng nhiều nguồn vốn.

4. Phù hợp với khả năng vay, trả nợ công, nợ Chính phủ và nợ chính quyền địa phương.

5. Bảo đảm hiệu quả kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và phát triển bền vững.

6. Các nhiệm vụ, dự án không phải quyết định chủ trương đầu tư bao gồm:

a) Nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư;

b) Nhiệm vụ quy hoạch;

c) Dự án đầu tư công khẩn cấp;

d) Dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia;

đ) Dự án thành phần thuộc dự án đã được cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư;

e) Dự án đầu tư sử dụng vốn ODA không hoàn lại, dự án hỗ trợ kỹ thuật sử dụng vốn ODA không hoàn lại để chuẩn bị dự án đầu tư.

Điều 20. Trình tự, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia

1. Cơ quan được giao nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư chương trình, dự án có trách nhiệm sau đây:

a) Giao đơn vị trực thuộc lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư đối với chương trình mục tiêu quốc gia, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đối với dự án quan trọng quốc gia;

b) Thành lập Hội đồng để thẩm định báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi;

c) Hoàn thiện báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi trình Thủ tướng Chính phủ.

2. Thủ tướng Chính phủ thành lập Hội đồng thẩm định nhà nước do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm Chủ tịch để thẩm định báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án quan trọng quốc gia.

3. Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia.

4. Cơ quan của Quốc hội thẩm tra hồ sơ về chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia do Chính phủ trình.

5. Quốc hội xem xét, thông qua nghị quyết về chủ trương đầu tư đối với chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia với nội dung chủ yếu sau đây:

a) Đối với chương trình mục tiêu quốc gia, bao gồm: mục tiêu, phạm vi, tổng vốn đầu tư, địa điểm, thời gian thực hiện, cơ chế, giải pháp và chính sách thực hiện.

b) Đối với dự án quan trọng quốc gia, bao gồm: mục tiêu, quy mô, tổng mức đầu tư, công nghệ chính (nếu có), địa điểm, thời gian thực hiện, cơ chế, giải pháp và chính sách thực hiện.

Điều 21. Hồ sơ quyết định chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia

1. Tờ trình của Chính phủ.

2. Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư đối với chương trình mục tiêu quốc gia, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đối với dự án quan trọng quốc gia.

3. Báo cáo thẩm định của Hội đồng thẩm định nhà nước.

4. Tài liệu khác có liên quan.

Điều 22. Thủ tục và nội dung thẩm tra chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia

1. Thủ tục thẩm tra được quy định như sau:

a) Chậm nhất là 60 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp Quốc hội, Chính phủ gửi hồ sơ quyết định chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia đến cơ quan chủ trì thẩm tra;

b) Cơ quan chủ trì thẩm tra có quyền yêu cầu Chính phủ và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan báo cáo về những vấn đề thuộc nội dung chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia; tổ chức khảo sát thực tế về những vấn đề thuộc nội dung chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia;

c) Cơ quan, tổ chức, cá nhân được cơ quan chủ trì thẩm tra yêu cầu có trách nhiệm cung cấp đầy đủ thông tin, tài liệu phục vụ cho việc thẩm tra.

2. Nội dung thẩm tra bao gồm:

a) Việc đáp ứng tiêu chí xác định chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia;

b) Sự cần thiết đầu tư chương trình, dự án;

c) Việc tuân thủ các quy định của pháp luật;

d) Sự phù hợp với chiến lược, phương hướng, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch có liên quan theo quy định của pháp luật về quy hoạch;

đ) Những thông số cơ bản của chương trình, dự án, bao gồm mục tiêu, quy mô, hình thức đầu tư, phạm vi, địa điểm, diện tích đất cần sử dụng, thời gian, tiến độ thực hiện, phương án lựa chọn công nghệ chính, giải pháp bảo vệ môi trường, nguồn vốn, khả năng thu hồi vốn và trả nợ vốn vay;

e) Đánh giá hiệu quả kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và phát triển bền vững;

g) Đánh giá mức độ rủi ro tại quốc gia đầu tư đối với dự án quan trọng quốc gia đầu tư tại nước ngoài.

Điều 23. Trình tự, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư chương trình đầu tư công thuộc thẩm quyền của Chính phủ

1. Chủ chương trình có trách nhiệm sau đây:

a) Giao đơn vị trực thuộc lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư;

b) Giao đơn vị có chức năng thẩm định hoặc thành lập Hội đồng để thẩm định báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư;

c) Hoàn thiện báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ.

2. Thủ tướng Chính phủ thành lập Hội đồng liên ngành hoặc giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan thẩm định báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư.

3. Chủ chương trình hoàn chỉnh báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư theo ý kiến thẩm định quy định tại khoản 2 Điều này trình Chính phủ.

4. Chính phủ xem xét, quyết định chủ trương đầu tư chương trình, bao gồm mục tiêu, phạm vi, tổng vốn đầu tư, thời gian thực hiện, cơ chế và giải pháp, chính sách thực hiện.

Điều 24. Trình tự, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm A thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ

1. Người đứng đầu Bộ, cơ quan trung ương và địa phương có trách nhiệm sau đây:

a) Giao cơ quan chuyên môn hoặc đơn vị trực thuộc, bao gồm cả đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc tổ chức lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi;

b) Giao đơn vị, cơ quan có chức năng thẩm định hoặc thành lập Hội đồng để thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi;

c) Chỉ đạo đơn vị, cơ quan quy định tại điểm a khoản này hoàn chỉnh báo cáo nghiên cứu tiền khả thi để trình Thủ tướng Chính phủ.

2. Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Hội đồng thẩm định liên ngành hoặc giao cho một cơ quan chủ trì thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi làm cơ sở cho việc quyết định chủ trương đầu tư dự án.

Hội đồng thẩm định liên ngành hoặc cơ quan chủ trì thẩm định được mời tổ chức, cá nhân có chuyên môn, kinh nghiệm tham gia thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi hoặc yêu cầu chủ đầu tư lựa chọn tổ chức, cá nhân có chuyên môn, kinh nghiệm tham gia thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi.

3. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn gửi Hội đồng thẩm định liên ngành hoặc cơ quan chủ trì thẩm định.

4. Hội đồng thẩm định liên ngành hoặc cơ quan chủ trì thẩm định quy định tại khoản 2 Điều này gửi ý kiến thẩm định để Bộ, cơ quan trung ương và địa phương hoàn chỉnh báo cáo nghiên cứu tiền khả thi trình Thủ tướng Chính phủ.

5. Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư, bao gồm mục tiêu, quy mô, tổng mức đầu tư, cơ cấu nguồn vốn, địa điểm, thời gian thực hiện.

Điều 25. Trình tự, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm A thuộc thẩm quyền của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh

1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm sau đây:

a) Giao đơn vị trực thuộc, bao gồm cả đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc hoặc Ủy ban nhân dân cấp huyện lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi;

b) Thành lập Hội đồng thẩm định do Chủ tịch hoặc một Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh làm Chủ tịch Hội đồng, cơ quan chuyên môn quản lý đầu tư công cấp tỉnh là Thường trực Hội đồng thẩm định và các cơ quan liên quan là thành viên để thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, nguồn vốn và khả năng cân đối vốn;

c) Chỉ đạo đơn vị quy định tại điểm a khoản này hoàn chỉnh báo cáo nghiên cứu tiền khả thi theo ý kiến thẩm định.

2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định chủ trương đầu tư dự án thuộc cấp mình quản lý, bao gồm mục tiêu, quy mô, tổng mức đầu tư, cơ cấu nguồn vốn, địa điểm, thời gian thực hiện, dự kiến kế hoạch bố trí vốn.

Điều 26. Trình tự, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm A, nhóm B, nhóm C thuộc thẩm quyền của người đứng đầu Bộ, cơ quan trung ương

1. Người đứng đầu Bộ, cơ quan trung ương có trách nhiệm sau đây:

a) Giao đơn vị trực thuộc, bao gồm cả đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc tổ chức lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư;

b) Thành lập Hội đồng thẩm định hoặc giao đơn vị có chức năng để thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn;

c) Chỉ đạo đơn vị quy định tại điểm a khoản này hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư theo ý kiến thẩm định.

2. Người đứng đầu Bộ, cơ quan trung ương quyết định chủ trương đầu tư, bao gồm mục tiêu, quy mô, tổng mức đầu tư, cơ cấu nguồn vốn, địa điểm, thời gian thực hiện, dự kiến kế hoạch bố trí vốn.

Điều 27. Trình tự, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư chương trình đầu tư công do địa phương quản lý

1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm sau đây:

a) Giao đơn vị trực thuộc, bao gồm cả đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc hoặc Ủy ban nhân dân cấp dưới trực tiếp lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư;

b) Thành lập Hội đồng thẩm định hoặc giao đơn vị có chức năng để thẩm định báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn đối với chương trình đầu tư công thuộc cấp mình quản lý;

c) Chỉ đạo đơn vị quy định tại điểm a khoản này hoàn thiện báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư theo ý kiến thẩm định.

2. Ủy ban nhân dân trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định chủ trương đầu tư chương trình đầu tư công, bao gồm mục tiêu, phạm vi, quy mô, tổng vốn đầu tư, cơ cấu nguồn vốn, địa điểm, thời gian thực hiện, dự kiến kế hoạch bố trí vốn, cơ chế và giải pháp, chính sách thực hiện.

Điều 28. Trình tự, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm B, nhóm C thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân các cấp

1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm sau đây:

a) Giao đơn vị trực thuộc, bao gồm cả đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc (nếu có) hoặc Ủy ban nhân dân cấp dưới trực tiếp tổ chức lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư;

b) Thành lập Hội đồng thẩm định hoặc giao đơn vị có chức năng để thẩm định báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án thuộc cấp mình quản lý;

c) Chỉ đạo đơn vị quy định tại điểm a khoản này hoàn thiện báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư theo ý kiến thẩm định.

2. Ủy ban nhân dân các cấp quyết định chủ trương đầu tư dự án thuộc cấp mình quản lý, bao gồm mục tiêu, quy mô, tổng mức đầu tư, cơ cấu nguồn vốn, địa điểm, thời gian thực hiện.

Điều 29. Trình tự, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm A, nhóm B, nhóm C sử dụng vốn đầu tư công do doanh nghiệp nhà nước quản lý

1. Căn cứ văn bản của Thủ tướng Chính phủ về việc giao doanh nghiệp nhà nước là cơ quan chủ quản thực hiện dự án, Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty hoặc Hội đồng quản trị của doanh nghiệp nhà nước có trách nhiệm sau đây:

a) Giao đơn vị trực thuộc tổ chức lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư;

b) Thành lập Hội đồng thẩm định hoặc giao đơn vị có chức năng để thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư;

c) Chỉ đạo đơn vị quy định tại điểm a khoản này hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư theo ý kiến thẩm định.

2. Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty hoặc Hội đồng quản trị của doanh nghiệp nhà nước quyết định chủ trương đầu tư, bao gồm mục tiêu, quy mô, tổng mức đầu tư, cơ cấu nguồn vốn, địa điểm, thời gian thực hiện.

Điều 30. Trình tự, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư dự án thực hiện trên địa bàn từ 02 đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên

1. Trường hợp dự án thực hiện trên địa bàn từ 02 đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh là cơ quan chủ quản, các Ủy ban nhân dân cấp tỉnh liên quan có trách nhiệm thống nhất phương án giao 01 Ủy ban nhân dân cấp tỉnh làm cơ quan chủ quản thực hiện dự án, báo cáo Hội đồng nhân dân cấp tỉnh thông qua chủ trương giao 01 Ủy ban nhân dân cấp tỉnh là cơ quan chủ quản thực hiện dự án.

Trên cơ sở nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được đề xuất là cơ quan chủ quản thực hiện dự án báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định giao Ủy ban nhân dân cấp tỉnh là cơ quan chủ quản thực hiện dự án.

2. Trên cơ sở quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được giao là cơ quan chủ quản thực hiện dự án có trách nhiệm:

a) Trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm A theo trình tự, thủ tục quy định tại Điều 25 của Luật này;

b) Quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm B, nhóm C theo trình tự, thủ tục quy định tại Điều 28 của Luật này.

Điều 31. Trình tự, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư dự án thực hiện trên địa bàn từ 02 đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trở lên

1. Trường hợp dự án thực hiện trên địa bàn từ 02 đơn vị hành chính cấp huyện trở lên do Ủy ban nhân dân cấp huyện là cơ quan chủ quản, các Ủy ban nhân dân cấp huyện liên quan có trách nhiệm thống nhất phương án giao 01 Ủy ban nhân dân cấp huyện làm cơ quan chủ quản thực hiện dự án, báo cáo Hội đồng nhân dân cấp huyện thông qua chủ trương giao 01 Ủy ban nhân dân cấp huyện là cơ quan chủ quản thực hiện dự án.

Trên cơ sở nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp huyện được đề xuất là cơ quan chủ quản thực hiện dự án báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định giao Ủy ban nhân dân cấp huyện là cơ quan chủ quản thực hiện dự án.

2. Trên cơ sở quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện được giao là cơ quan chủ quản thực hiện dự án có trách nhiệm tổ chức lập, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư dự án theo quy định tại Điều 28 của Luật này.

3. Trường hợp dự án thực hiện địa bàn từ 02 đơn vị hành chính cấp xã trở lên, Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định chủ trương đầu tư dự án theo trình tự, thủ tục quy định tại Điều 28 của Luật này và tổ chức thực hiện theo quy định của pháp luật liên quan.

Điều 32. Nguyên tắc, thẩm quyền, trình tự, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư dự án đầu tư công tại nước ngoài, dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư, dự án đầu tư xây dựng nhà ở công vụ

1. Nguyên tắc, thẩm quyền, trình tự, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư dự án đầu tư công nhóm A, nhóm B, nhóm C tại nước ngoài thực hiện theo quy định của Chính phủ.

2. Nguyên tắc, thẩm quyền, trình tự, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư.

3. Việc quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư và quyết định chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở công vụ; mua, thuê nhà ở thương mại để làm nhà ở công vụ thực hiện theo quy định của pháp luật về nhà ở.

Điều 33. Nội dung báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư chương trình đầu tư công

Nội dung chủ yếu của báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư chương trình đầu tư công bao gồm:

1. Sự cần thiết của chương trình để thực hiện các mục tiêu chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch có liên quan theo quy định của pháp luật về quy hoạch;

2. Mục tiêu, phạm vi chương trình;

3. Dự kiến tổng mức vốn và cơ cấu nguồn lực thực hiện chương trình, khả năng cân đối nguồn vốn đầu tư công, huy động các nguồn vốn và nguồn lực khác;

4. Danh mục dự án thành phần (nếu có) đối với chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình đầu tư công khác;

5. Dự kiến kế hoạch bố trí vốn và tiến độ thực hiện chương trình phù hợp với điều kiện thực tế và khả năng huy động các nguồn lực theo thứ tự ưu tiên hợp lý, bảo đảm đầu tư tập trung, có hiệu quả;

6. Xác định chi phí liên quan trong quá trình thực hiện và chi phí vận hành sau khi chương trình kết thúc;

7. Phân tích, đánh giá sơ bộ những ảnh hưởng, tác động về môi trường, xã hội của chương trình, tính toán hiệu quả đầu tư về mặt kinh tế - xã hội của chương trình;

8. Giải pháp tổ chức thực hiện.

Điều 34. Nội dung báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án quan trọng quốc gia và dự án nhóm A

1. Nội dung báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án quan trọng quốc gia và dự án nhóm A có cấu phần xây dựng thực hiện theo quy định của pháp luật về xây dựng.

2. Nội dung chủ yếu của báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án quan trọng quốc gia và dự án nhóm A không có cấu phần xây dựng bao gồm:

a) Sự cần thiết đầu tư, các điều kiện để thực hiện đầu tư, đánh giá về sự phù hợp với quy hoạch có liên quan theo quy định của pháp luật về quy hoạch;

b) Dự báo nhu cầu, phạm vi phục vụ và dự kiến mục tiêu đầu tư, quy mô và hình thức đầu tư;

c) Khu vực, địa điểm đầu tư, dự kiến nhu cầu diện tích sử dụng đất và nhu cầu sử dụng tài nguyên khác;

d) Phân tích, lựa chọn sơ bộ về công nghệ, kỹ thuật và các điều kiện cung cấp vật tư, thiết bị, nguyên liệu, năng lượng, dịch vụ, hạ tầng;

đ) Phân tích, lựa chọn sơ bộ các phương án đầu tư và quy mô các hạng mục đầu tư;

e) Phương án tổng thể đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư, biện pháp bảo vệ môi trường;

g) Phân tích, đánh giá sơ bộ tác động xã hội; đánh giá sơ bộ tác động môi trường (nếu có) theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường;

h) Xác định sơ bộ tổng mức đầu tư, phương án huy động vốn, cơ cấu nguồn vốn;

i) Xác định sơ bộ chi phí liên quan trong quá trình thực hiện và chi phí vận hành dự án sau khi hoàn thành;

k) Dự kiến kế hoạch bố trí vốn, tiến độ thực hiện dự án, phân chia giai đoạn đầu tư;

l) Xác định sơ bộ hiệu quả đầu tư về kinh tế - xã hội của dự án;

m) Phân chia các dự án thành phần hoặc tiểu dự án (nếu có);

n) Giải pháp tổ chức thực hiện.

Điều 35. Nội dung báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án nhóm B, nhóm C

Nội dung chủ yếu của báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án nhóm B, nhóm C bao gồm:

1. Sự cần thiết đầu tư, các điều kiện để thực hiện đầu tư, đánh giá về sự phù hợp với quy hoạch có liên quan theo quy định của pháp luật về quy hoạch;

2. Mục tiêu, quy mô, địa điểm và phạm vi đầu tư;

3. Dự kiến tổng mức đầu tư và cơ cấu nguồn vốn đầu tư, khả năng cân đối nguồn vốn đầu tư công và việc huy động các nguồn vốn, nguồn lực khác để thực hiện dự án;

4. Dự kiến tiến độ triển khai thực hiện đầu tư, dự kiến kế hoạch bố trí vốn phù hợp với điều kiện thực tế và khả năng huy động các nguồn lực theo thứ tự ưu tiên hợp lý, bảo đảm đầu tư tập trung, có hiệu quả;

5. Xác định sơ bộ chi phí liên quan trong quá trình thực hiện và chi phí vận hành dự án sau khi hoàn thành;

6. Phân tích, đánh giá sơ bộ tác động về môi trường, xã hội; xác định sơ bộ hiệu quả đầu tư về kinh tế - xã hội;

7. Phân chia các dự án thành phần (nếu có);

8. Giải pháp tổ chức thực hiện.

Điều 36. Phân cấp thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn chương trình, dự án

1. Việc thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn là một nội dung trong thẩm định chủ trương đầu tư.

2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn đối với chương trình, dự án sau đây:

a) Chương trình mục tiêu quốc gia;

b) Dự án quan trọng quốc gia;

c) Chương trình đầu tư công do Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư;

d) Chương trình, dự án đầu tư công do Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư.

3. Người đứng đầu Bộ, cơ quan trung ương giao cơ quan chuyên môn quản lý đầu tư công chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn đối với dự án sử dụng vốn đầu tư công thuộc cơ quan mình quản lý trong phạm vi tổng số vốn của kế hoạch đầu tư công trung hạn hiện hành, tổng mức vốn đầu tư công trung hạn dự kiến giai đoạn sau được Thủ tướng Chính phủ thông báo và nguồn vốn hợp pháp khác được cấp có thẩm quyền thông báo, bao gồm cả phần vốn quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 93 của Luật này, trừ dự án quy định tại khoản 2 Điều này.

4. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp giao cơ quan chuyên môn quản lý đầu tư công chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn đối với chương trình, dự án sử dụng vốn đầu tư công thuộc cấp mình quản lý trong phạm vi tổng số vốn đầu tư công trung hạn được Thủ tướng Chính phủ hoặc cấp có thẩm quyền thông báo cho giai đoạn sau, tổng mức vốn đầu tư công trung hạn hiện hành được Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp quyết định cho địa phương và số vượt thu thực tế của ngân sách địa phương (nếu có) dành cho đầu tư phát triển, nguồn vốn hợp pháp khác, phần vốn quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 93 của Luật này.

5. Đối với vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài, cơ quan có thẩm quyền quy định tại các khoản 2, 3 và 4 của Điều này căn cứ quyết định phê duyệt đề xuất chương trình, dự án của Thủ tướng Chính phủ đối với vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài, thư quan tâm hoặc văn bản cam kết của nhà tài trợ nước ngoài đối với vốn ODA không hoàn lại để thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn trong phạm vi tổng số vốn của kế hoạch đầu tư công trung hạn hiện hành. Trường hợp dự án có thời gian thực hiện qua 02 kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn liên tiếp thì thực hiện theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 93 của Luật này.

Điều 37. Điều chỉnh, dừng chủ trương đầu tư

1. Cấp quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án thì có thẩm quyền quyết định điều chỉnh, dừng chủ trương đầu tư chương trình, dự án đó và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.

2. Việc điều chỉnh chủ trương đầu tư chương trình, dự án thực hiện trong trường hợp chương trình, dự án phát sinh thay đổi về mục tiêu, địa điểm, vượt mức vốn đầu tư công, vượt mức vốn đầu tư công của ngân sách cấp trên, vượt tổng mức đầu tư chương trình, dự án so với nội dung tại chủ trương đầu tư chương trình, dự án.

3. Trình tự, thủ tục quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư được quy định như sau:

a) Đối với chương trình đầu tư công, thực hiện theo quy định tại các điều 20, 23 và 27 của Luật này;

b) Đối với dự án quan trọng quốc gia, thực hiện theo quy định tại Điều 20 của Luật này;

c) Đối với dự án nhóm A, nhóm B, nhóm C, thực hiện theo quy định tại các điều 24, 25, 26, 28 và 29 của Luật này;

d) Đối với dự án thực hiện trên địa bàn từ 02 đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh là cơ quan chủ quản, thực hiện theo quy định tại Điều 30 của Luật này;

đ) Đối với dự án thực hiện trên địa bàn từ 02 đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trở lên do Ủy ban nhân dân cấp huyện là cơ quan chủ quản, thực hiện theo quy định tại Điều 31 của Luật này.

4. Chính phủ quy định về hồ sơ, trình tự, thủ tục, nội dung điều chỉnh chủ trương đầu tư chương trình, dự án; các trường hợp dừng chủ trương đầu tư chương trình, dự án và trình tự, thủ tục thực hiện.

Mục 2. LẬP, THẨM ĐỊNH, QUYẾT ĐỊNH ĐẦU TƯ CHƯƠNG TRÌNH, DỰ ÁN ĐẦU TƯ CÔNG

Điều 38. Thẩm quyền quyết định đầu tư chương trình, dự án

1. Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư chương trình, dự án sau đây:

a) Chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia đã được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư;

b) Chương trình đầu tư công đã được Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư.

2. Người đứng đầu Bộ, cơ quan trung ương có thẩm quyền sau đây:

a) Quyết định đầu tư dự án nhóm A, nhóm B, nhóm C thuộc thẩm quyền quản lý;

b) Được phân cấp hoặc ủy quyền quyết định đầu tư đối với dự án nhóm B, nhóm C quy định tại điểm a khoản này cho cơ quan, đơn vị trực thuộc;

c) Căn cứ điều kiện cụ thể của dự án, được giao Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành hoặc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực làm chủ đầu tư. Trường hợp không có Ban quản lý dự án hoặc có Ban quản lý dự án nhưng không đủ điều kiện thực hiện thì được giao cơ quan, tổ chức có kinh nghiệm, năng lực quản lý làm chủ đầu tư và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.

3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định đầu tư chương trình, dự án sau đây:

a) Chương trình đầu tư công, dự án nhóm A đã được Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định chủ trương đầu tư;

b) Dự án nhóm B, nhóm C do cấp tỉnh quản lý;

c) Dự án nhóm B, nhóm C sử dụng vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài; dự án sử dụng vốn ODA không hoàn lại.

4. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã quyết định đầu tư chương trình, dự án sau đây:

a) Chương trình đầu tư công đã được Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định chủ trương đầu tư;

b) Dự án nhóm B, nhóm C do cấp mình quản lý.

5. Giám đốc hoặc Tổng giám đốc doanh nghiệp nhà nước quyết định đầu tư dự án nhóm A, nhóm B, nhóm C đã được Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty hoặc Hội đồng quản trị quyết định chủ trương đầu tư.

6. Trường hợp điều chỉnh quyết định đầu tư chương trình, dự án, thẩm quyền điều chỉnh quyết định đầu tư chương trình, dự án thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 46 của Luật này.

7. Chính phủ quy định việc phân cấp thẩm quyền, trình tự, thủ tục quyết định đầu tư đối với chương trình, dự án sử dụng vốn từ nguồn thu hợp pháp của cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập dành để đầu tư phù hợp với quy định về quyền tự chủ tài chính của các cơ quan, đơn vị.

8. Người đứng đầu Bộ, cơ quan trung ương, địa phương quyết định đầu tư chương trình, dự án chịu trách nhiệm về hiệu quả đầu tư các chương trình, dự án được phê duyệt.

Điều 39. Căn cứ lập, thẩm định, quyết định đầu tư chương trình, dự án

1. Chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

2. Quy hoạch có liên quan theo quy định của pháp luật về quy hoạch.

3. Sự cần thiết của chương trình, dự án.

4. Mục tiêu của chương trình, dự án.

5. Chủ trương đầu tư đã được cấp có thẩm quyền quyết định.

6. Khả năng huy động và cân đối nguồn vốn đầu tư công và các nguồn vốn khác để thực hiện chương trình, dự án.

Điều 40. Trình tự lập, thẩm định, quyết định đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia

1. Căn cứ chủ trương đầu tư đã được Quốc hội quyết định, chủ chương trình lập báo cáo nghiên cứu khả thi chương trình trình Thủ tướng Chính phủ.

2. Thủ tướng Chính phủ thành lập Hội đồng thẩm định nhà nước do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm Chủ tịch Hội đồng để thẩm định chương trình.

3. Hội đồng thẩm định nhà nước thẩm định các nội dung quy định tại khoản 1 Điều 47 của Luật này.

4. Căn cứ ý kiến thẩm định của Hội đồng thẩm định nhà nước, chủ chương trình hoàn chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi chương trình và dự thảo quyết định đầu tư chương trình gửi Hội đồng thẩm định nhà nước trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Điều 41. Trình tự lập, thẩm định, quyết định đầu tư chương trình đầu tư công do Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư

1. Căn cứ chủ trương đầu tư đã được Chính phủ quyết định, chủ chương trình lập báo cáo nghiên cứu khả thi chương trình và tổ chức thẩm định theo quy định của pháp luật trình Thủ tướng Chính phủ.

2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức thẩm định các nội dung quy định tại khoản 1 Điều 47 của Luật này.

3. Căn cứ ý kiến thẩm định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chủ chương trình hoàn chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi chương trình và dự thảo quyết định đầu tư chương trình gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Điều 42. Trình tự lập, thẩm định, quyết định đầu tư chương trình đầu tư công do Hội đồng nhân dân quyết định chủ trương đầu tư

1. Căn cứ chủ trương đầu tư đã được Hội đồng nhân dân quyết định, chủ chương trình lập báo cáo nghiên cứu khả thi chương trình và tổ chức thẩm định theo quy định của pháp luật trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp.

2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân giao cơ quan chuyên môn tổ chức thẩm định các nội dung quy định tại khoản 1 Điều 47 của Luật này.

3. Căn cứ ý kiến thẩm định, chủ chương trình hoàn chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi chương trình và dự thảo quyết định đầu tư chương trình trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân xem xét, quyết định.

Điều 43. Trình tự lập, thẩm định, quyết định đầu tư dự án

1. Trình tự lập, thẩm định, quyết định đầu tư dự án quan trọng quốc gia được quy định như sau:

a) Căn cứ chủ trương đầu tư đã được Quốc hội quyết định, chủ đầu tư lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án báo cáo cơ quan chủ quản xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ;

b) Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Thủ tướng Chính phủ thành lập Hội đồng thẩm định nhà nước để thẩm định dự án;

c) Hội đồng thẩm định nhà nước thẩm định các nội dung quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 47 của Luật này;

d) Căn cứ ý kiến thẩm định, chủ đầu tư hoàn chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi dự án báo cáo cơ quan chủ quản thông qua, gửi Hội đồng thẩm định nhà nước;

đ) Hội đồng thẩm định nhà nước trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định đầu tư dự án.

2. Trình tự lập, thẩm định, quyết định đầu tư dự án không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này và không có cấu phần xây dựng được quy định như sau:

a) Căn cứ chủ trương đầu tư đã được cấp có thẩm quyền quyết định, chủ đầu tư lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án trình cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư;

b) Người đứng đầu Bộ, cơ quan trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp thành lập Hội đồng thẩm định hoặc giao cơ quan chuyên môn tổ chức thẩm định dự án;

c) Hội đồng thẩm định hoặc cơ quan chuyên môn thẩm định các nội dung quy định tại khoản 2 Điều 47 của Luật này;

d) Căn cứ ý kiến thẩm định, chủ đầu tư hoàn chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi dự án để cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định đầu tư.

3. Trình tự lập, thẩm định, quyết định đầu tư dự án có cấu phần xây dựng thực hiện theo quy định của pháp luật về xây dựng và quy định khác của pháp luật có liên quan, trừ dự án quan trọng quốc gia.

4. Nguyên tắc, thẩm quyền, nội dung, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, quyết định báo cáo nghiên cứu khả thi dự án theo phương thức đối tác công tư thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư.

5. Nguyên tắc, thẩm quyền, nội dung, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, quyết định đầu tư dự án đầu tư công tại nước ngoài thực hiện theo quy định của Chính phủ.

Điều 44. Trình tự lập, thẩm định, phê duyệt chi phí chuẩn bị dự án, dự toán nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư và dự toán nhiệm vụ quy hoạch

1. Trình tự lập, thẩm định, phê duyệt chi phí chuẩn bị dự án hoặc dự toán nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư dự án có cấu phần xây dựng thực hiện theo quy định của pháp luật về xây dựng.

2. Trình tự lập, thẩm định, phê duyệt dự toán nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư của dự án không có cấu phần xây dựng và nhiệm vụ quy hoạch thực hiện như sau:

a) Căn cứ nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư, nhiệm vụ quy hoạch được cấp có thẩm quyền quyết định, cơ quan, tổ chức được giao nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư, nhiệm vụ quy hoạch lập dự toán nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư, nhiệm vụ quy hoạch trình người đứng đầu Bộ, cơ quan trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp quyết định;

b) Người đứng đầu Bộ, cơ quan trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp thành lập Hội đồng thẩm định hoặc giao cơ quan chuyên môn tổ chức thẩm định dự toán nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư, nhiệm vụ quy hoạch;

c) Hội đồng thẩm định hoặc cơ quan chuyên môn thẩm định nội dung dự toán theo quy định của pháp luật;

d) Căn cứ ý kiến thẩm định, chủ đầu tư hoàn chỉnh dự toán nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư, nhiệm vụ quy hoạch trình người đứng đầu Bộ, cơ quan trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp phê duyệt dự toán;

đ) Người đứng đầu Bộ, cơ quan trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp được phân cấp cho người đứng đầu cơ quan, đơn vị trực thuộc, đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt dự toán nhiệm vụ quy hoạch, dự toán nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư.

Điều 45. Trình tự, thủ tục quyết định đầu tư đối với dự án đầu tư công khẩn cấp

1. Người đứng đầu Bộ, cơ quan trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp có thẩm quyền quyết định và chịu trách nhiệm về việc thực hiện dự án đầu tư công khẩn cấp thuộc cấp mình quản lý.

2. Người đứng đầu Bộ, cơ quan trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp tổ chức lập, thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi, báo cáo kinh tế - kỹ thuật và quyết định đầu tư dự án.

3. Chủ đầu tư dự án được tự quyết định toàn bộ công việc trong hoạt động đầu tư để tổ chức thực hiện dự án bảo đảm tiến độ, chất lượng và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.

4. Người đứng đầu Bộ, cơ quan trung ương báo cáo Chính phủ việc thực hiện dự án đầu tư công khẩn cấp. Chủ tịch Ủy ban nhân dân báo cáo Hội đồng nhân dân cùng cấp việc thực hiện dự án đầu tư công khẩn cấp tại kỳ họp gần nhất.

Điều 46. Điều chỉnh chương trình, dự án

1. Việc điều chỉnh chương trình được thực hiện trong các trường hợp sau đây:

a) Khi điều chỉnh mục tiêu và thay đổi điều kiện thực hiện trong chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch có liên quan theo quy định của pháp luật về quy hoạch;

b) Khi điều chỉnh hoặc dừng chủ trương đầu tư của cấp có thẩm quyền;

c) Do nguyên nhân bất khả kháng làm thay đổi về mục tiêu, phạm vi, chi phí và thời gian thực hiện chương trình.

2. Việc điều chỉnh dự án được thực hiện trong các trường hợp sau đây:

a) Khi điều chỉnh hoặc dừng chủ trương đầu tư của cấp có thẩm quyền;

b) Khi điều chỉnh quy hoạch ảnh hưởng trực tiếp tới dự án;

c) Do nguyên nhân bất khả kháng làm thay đổi về mục tiêu, quy mô đầu tư, chi phí và thời gian thực hiện dự án;

d) Do ảnh hưởng của sự cố thiên tai, hỏa hoạn hoặc yếu tố bất khả kháng khác khi đã hết thời gian bảo hiểm của dự án;

đ) Xuất hiện các yếu tố mang lại hiệu quả cao hơn về tài chính, kinh tế - xã hội do việc điều chỉnh dự án mang lại và được cơ quan có thẩm quyền thẩm định;

e) Khi chỉ số giá trong thời gian thực hiện dự án lớn hơn chỉ số giá được sử dụng để tính dự phòng trượt giá trong tổng mức đầu tư dự án được cấp có thẩm quyền quyết định.

3. Cấp quyết định đầu tư chương trình, dự án có thẩm quyền quyết định điều chỉnh chương trình, dự án đó và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.

4. Cấp có thẩm quyền chỉ được điều chỉnh chương trình, dự án sau khi chương trình, dự án đã được thực hiện thẩm định, kiểm tra, đánh giá theo quy định của Luật này.

5. Trường hợp thay đổi một trong các nội dung về mục tiêu, địa điểm, vượt mức vốn đầu tư công, vượt mức vốn đầu tư công của ngân sách cấp trên, vượt tổng mức đầu tư dự án so với tổng mức đầu tư đã được cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, chương trình, dự án phải thực hiện trình tự, thủ tục quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư trước khi cấp có thẩm quyền quyết định điều chỉnh chương trình, dự án.

6. Chính phủ quy định nội dung, trình tự, thủ tục lập, thẩm định điều chỉnh chương trình, dự án.

Điều 47. Nội dung báo cáo nghiên cứu khả thi chương trình, dự án

1. Báo cáo nghiên cứu khả thi chương trình đầu tư công bao gồm các nội dung chủ yếu sau đây:

a) Sự cần thiết đầu tư;

b) Đánh giá thực trạng của ngành, lĩnh vực thuộc mục tiêu và phạm vi của chương trình; những vấn đề cấp bách cần được giải quyết trong chương trình;

c) Mục tiêu tổng quát, mục tiêu cụ thể, kết quả, các chỉ tiêu chủ yếu trong từng giai đoạn;

d) Phạm vi của chương trình;

đ) Các dự án thành phần (nếu có) đối với chương trình mục tiêu quốc gia; danh mục dự án thành phần đối với chương trình đầu tư công khác (nếu có);

e) Dự kiến tổng mức vốn để thực hiện chương trình, phân bổ vốn theo mục tiêu, dự án thành phần và thời gian thực hiện, nguồn vốn và phương án huy động vốn;

g) Dự kiến thời gian và tiến độ thực hiện chương trình;

h) Giải pháp để thực hiện chương trình; cơ chế, chính sách áp dụng đối với chương trình; khả năng lồng ghép, phối hợp với các chương trình khác;

i) Yêu cầu hợp tác quốc tế (nếu có);

k) Tổ chức thực hiện chương trình;

l) Đánh giá hiệu quả kinh tế - xã hội chung của chương trình.

2. Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án không có cấu phần xây dựng bao gồm các nội dung chủ yếu sau đây:

a) Sự cần thiết đầu tư;

b) Đánh giá sự phù hợp với quy hoạch có liên quan theo quy định của pháp luật về quy hoạch;

c) Phân tích, xác định mục tiêu, nhiệm vụ, kết quả đầu ra của dự án; phân tích, lựa chọn quy mô hợp lý; xác định phân kỳ đầu tư; lựa chọn hình thức đầu tư;

d) Phân tích các điều kiện tự nhiên, điều kiện kinh tế - kỹ thuật, lựa chọn địa điểm đầu tư;

đ) Phương án tổ chức quản lý, khai thác, sử dụng dự án;

e) Đánh giá tác động môi trường và giải pháp bảo vệ môi trường;

g) Phương án tổng thể đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư;

h) Dự kiến tiến độ thực hiện dự án; các mốc thời gian chính thực hiện đầu tư;

i) Xác định tổng mức đầu tư, cơ cấu nguồn vốn, phương án huy động vốn;

k) Xác định chi phí liên quan trong quá trình thực hiện và chi phí vận hành trong giai đoạn khai thác dự án;

l) Tổ chức quản lý dự án, bao gồm xác định chủ đầu tư, phân tích lựa chọn hình thức tổ chức quản lý thực hiện dự án, mối quan hệ và trách nhiệm của các chủ thể liên quan đến quá trình thực hiện dự án, tổ chức bộ máy quản lý khai thác dự án;

m) Phân tích hiệu quả đầu tư, bao gồm hiệu quả và tác động kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, khả năng thu hồi vốn đầu tư (nếu có).

3. Nội dung báo cáo nghiên cứu khả thi dự án có cấu phần xây dựng thực hiện theo quy định của pháp luật về xây dựng và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Điều 48. Hồ sơ, nội dung, thời gian thẩm định, quyết định chương trình, dự án

1. Hồ sơ thẩm định chương trình, dự án bao gồm:

a) Tờ trình thẩm định chương trình, dự án;

b) Báo cáo nghiên cứu khả thi chương trình, dự án;

c) Các tài liệu khác có liên quan.

2. Chính phủ quy định hồ sơ quyết định chương trình, dự án, nội dung, thời gian thẩm định, quyết định chương trình, dự án.

Chương III

LẬP, THẨM ĐỊNH, PHÊ DUYỆT VÀ GIAO KẾ HOẠCH ĐẦU TƯ CÔNG

Điều 49. Phân loại kế hoạch đầu tư công

1. Phân loại kế hoạch đầu tư công theo thời hạn kế hoạch bao gồm:

a) Kế hoạch đầu tư công trung hạn được lập trong thời hạn 05 năm, phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 05 năm;

b) Kế hoạch đầu tư công hằng năm để triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn, phù hợp với mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm và cân đối vốn đầu tư công hằng năm.

2. Phân loại kế hoạch đầu tư công theo cấp quản lý bao gồm:

a) Kế hoạch đầu tư công của quốc gia;

b) Kế hoạch đầu tư công của các Bộ, cơ quan trung ương;

c) Kế hoạch đầu tư công của các cấp chính quyền địa phương.

3. Phân loại kế hoạch đầu tư công theo nguồn vốn đầu tư bao gồm:

a) Kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương, bao gồm đầu tư theo ngành, lĩnh vực, chương trình đầu tư công, phần vốn đầu tư của Nhà nước tham gia thực hiện các dự án PPP;

b) Kế hoạch đầu tư vốn ngân sách địa phương, bao gồm đầu tư theo ngành, lĩnh vực, chương trình đầu tư công, phần vốn đầu tư của Nhà nước tham gia thực hiện các dự án PPP;

c) Kế hoạch đầu tư vốn từ nguồn thu hợp pháp của cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập dành để đầu tư.

Điều 50. Căn cứ lập kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm

1. Căn cứ lập kế hoạch đầu tư công trung hạn bao gồm:

a) Tình hình và kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 05 năm và kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn trước;

b) Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội; phương hướng hoặc kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 05 năm của quốc gia, ngành, lĩnh vực, địa phương; kế hoạch tài chính 05 năm; kế hoạch vay, trả nợ công 05 năm; mục tiêu ưu tiên đầu tư trong kế hoạch 05 năm của quốc gia, ngành, lĩnh vực, địa phương;

c) Quy hoạch có liên quan theo quy định của pháp luật về quy hoạch;

d) Nhu cầu và dự báo khả năng huy động các nguồn vốn đầu tư để xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, khả năng cân đối vốn ngân sách nhà nước;

đ) Dự báo tác động của tình hình thế giới và trong nước đến sự phát triển và khả năng huy động các nguồn vốn đầu tư;

e) Cơ chế và chính sách thu hút các nguồn vốn đầu tư của các thành phần kinh tế để xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội.

2. Căn cứ lập kế hoạch đầu tư công hằng năm bao gồm:

a) Tình hình và kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia, ngành, lĩnh vực, địa phương; kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư công năm trước;

b) Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm;

c) Kế hoạch đầu tư công trung hạn;

d) Nhu cầu và khả năng cân đối các nguồn lực để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội trong năm kế hoạch.

Điều 51. Nguyên tắc lập kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm

1. Phù hợp với các mục tiêu phát triển tại chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, phương hướng hoặc kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 05 năm và hằng năm của quốc gia, ngành, lĩnh vực, địa phương và các quy hoạch đã được phê duyệt, kế hoạch tài chính 05 năm, kế hoạch vay, trả nợ công 05 năm.

2. Phù hợp với khả năng cân đối nguồn vốn đầu tư công và thu hút các nguồn vốn đầu tư của các thành phần kinh tế khác; bảo đảm cân đối vĩ mô, ưu tiên an toàn nợ công.

3. Việc phân bổ vốn đầu tư công phải tuân thủ nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư công trong từng giai đoạn đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

4. Ưu tiên bố trí vốn cho các ngành, lĩnh vực, vùng lãnh thổ theo mục tiêu và định hướng phát triển của từng thời kỳ.

5. Bảo đảm công khai, minh bạch và công bằng.

6. Bảo đảm quản lý tập trung, thống nhất về mục tiêu, cơ chế, chính sách; thực hiện phân cấp trong quản lý đầu tư, tạo quyền chủ động cho Bộ, cơ quan trung ương và địa phương theo quy định của pháp luật nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư.

7. Kế hoạch đầu tư công hằng năm phải phù hợp với kế hoạch đầu tư công trung hạn đã được phê duyệt, trừ kế hoạch đầu tư công năm đầu tiên.

Điều 52. Nội dung báo cáo kế hoạch đầu tư công trung hạn trình cấp có thẩm quyền phê duyệt

1. Tình hình triển khai và dự kiến kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn trước.

2. Phương hướng hoặc kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; mục tiêu, định hướng cơ cấu đầu tư theo ngành, lĩnh vực, chương trình đầu tư công trong trung hạn. Việc phân loại theo ngành, lĩnh vực được thực hiện theo quy định của Luật này.

3. Khả năng huy động và cân đối các nguồn vốn; dự kiến tổng số vốn đầu tư để thực hiện các phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, ngành, lĩnh vực trong trung hạn, bao gồm vốn bố trí cho nhiệm vụ quy hoạch, nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư, chương trình, dự án, hoàn trả các khoản ứng trước, hoàn trả các khoản vốn vay khác của ngân sách địa phương để đầu tư.

4. Tổng mức vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn ngân sách nhà nước, bao gồm vốn ngân sách trung ương, vốn ngân sách địa phương; tổng mức vốn ngân sách trung ương chi tiết theo từng ngành, lĩnh vực, dự kiến mức vốn phân bổ cho từng Bộ, cơ quan trung ương và mức vốn ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương đối với báo cáo trình Quốc hội. Tổng mức vốn của từng cơ quan, đơn vị, tổ chức được giao kế hoạch vốn đầu tư công sử dụng vốn ngân sách địa phương các cấp chi tiết theo từng ngành, lĩnh vực và mức vốn bổ sung có mục tiêu từ ngân sách cấp trên cho ngân sách cấp dưới đối với báo cáo trình Hội đồng nhân dân.

5. Nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư công trung hạn.

6. Sắp xếp thứ tự ưu tiên, lựa chọn danh mục dự án dự kiến và mức vốn bố trí cho từng chương trình, nhiệm vụ, dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn phù hợp với khả năng cân đối vốn đầu tư công và khả năng huy động các nguồn vốn khác để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ và phương hướng hoặc kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 05 năm.

7. Giải pháp thực hiện và dự kiến kết quả đạt được.

Điều 53. Nội dung báo cáo kế hoạch đầu tư công hằng năm trình cấp có thẩm quyền phê duyệt

1. Tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công năm trước.

2. Định hướng đầu tư công trong năm kế hoạch.

3. Khả năng huy động và cân đối các nguồn vốn thực hiện trong năm kế hoạch.

4. Lựa chọn danh mục dự án dự kiến và mức vốn bố trí cho từng chương trình, nhiệm vụ, dự án phù hợp với danh mục dự án thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn và khả năng cân đối nguồn vốn đầu tư công hằng năm.

5. Giải pháp điều hành, tổ chức thực hiện và dự kiến kết quả đạt được.

Điều 54. Nguyên tắc bố trí vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm cho chương trình, dự án

1. Nhằm thực hiện mục tiêu, định hướng phát triển trong chiến lược, phương hướng hoặc kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch đã được phê duyệt.

2. Tuân thủ nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn được cấp có thẩm quyền quyết định.

3. Tập trung bố trí vốn đầu tư công để hoàn thành và đẩy nhanh tiến độ chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia, chương trình, dự án trọng điểm có ý nghĩa lớn đối với phát triển kinh tế - xã hội, dự án trọng điểm về công nghiệp quốc phòng, an ninh.

4. Thứ tự ưu tiên bố trí vốn đầu tư công được quy định như sau:

a) Dự án đầu tư công khẩn cấp;

b) Chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia;

c) Hoàn trả vốn ứng trước;

d) Dự án đã hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng nhưng chưa bố trí đủ vốn;

đ) Chương trình, dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài, bao gồm cả vốn đối ứng;

e) Đầu tư của Nhà nước tham gia thực hiện dự án PPP theo quy định của pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư; bồi thường, chấm dứt hợp đồng dự án PPP trước hạn được cấp có thẩm quyền quyết định, chi trả phần giảm doanh thu các dự án PPP thuộc trách nhiệm của Nhà nước, thanh toán theo hợp đồng dự án BT bằng tiền;

g) Dự án chuyển tiếp hoàn thành trong kỳ kế hoạch;

h) Dự án chuyển tiếp thực hiện theo tiến độ được phê duyệt;

i) Nhiệm vụ quy hoạch, nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư;

k) Thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản phát sinh trước ngày 01 tháng 01 năm 2015 (nếu có);

l) Cấp bù lãi suất tín dụng ưu đãi, phí quản lý; cấp vốn điều lệ cho các ngân hàng chính sách, quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách; hỗ trợ đầu tư cho các đối tượng khác theo quyết định của Chính phủ hoặc quyết định của Thủ tướng Chính phủ;

m) Bố trí vốn ngân sách địa phương để thực hiện các chính sách tín dụng ưu đãi thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội theo nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh;

n) Dự án khởi công mới đáp ứng yêu cầu quy định tại khoản 5 Điều này.

5. Việc bố trí vốn kế hoạch cho chương trình, dự án khởi công mới phải đáp ứng các yêu cầu sau đây:

a) Chương trình, dự án cần thiết, có đủ điều kiện được bố trí vốn kế hoạch theo quy định tại Điều 55 và Điều 56 của Luật này;

b) Tuân thủ thứ tự ưu tiên theo quy định tại khoản 4 Điều này và bảo đảm bố trí đủ vốn để hoàn thành chương trình, dự án theo tiến độ đầu tư đã được phê duyệt.

6. Trên cơ sở đánh giá giữa kỳ về tình hình triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn, Quốc hội xem xét, quyết định việc sử dụng dự phòng chung kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương.

Căn cứ Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định phân bổ dự phòng chung kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương cho các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương để thực hiện các chương trình, dự án, nhiệm vụ, đối tượng đầu tư công khác khi bảo đảm nguồn vốn, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

7. Hội đồng nhân dân các cấp quyết định phân bổ dự phòng chung kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn ngân sách cấp mình quản lý khi bảo đảm nguồn vốn.

Điều 55. Điều kiện để chương trình, dự án, nhiệm vụ và đối tượng đầu tư công khác được đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn

Chương trình, dự án, nhiệm vụ và đối tượng đầu tư công khác được đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn phải bảo đảm tuân thủ quy định của pháp luật về nguyên tắc, tiêu chí phân bổ vốn đầu tư công và đáp ứng một trong các điều kiện sau đây:

1. Dự án chuyển tiếp thuộc danh mục của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn trước;

2. Chương trình, dự án đã được cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư;

3. Nhiệm vụ, dự án thuộc đối tượng quy định tại khoản 6 Điều 19 của Luật này;

4. Đối tượng quy định tại các khoản 4, 6 và 7 Điều 5 của Luật này;

5. Đối tượng quy định tại khoản 8 Điều 5 của Luật này trong trường hợp đáp ứng điều kiện theo quy định của pháp luật có liên quan.

Điều 56. Điều kiện để chương trình, dự án, nhiệm vụ và đối tượng đầu tư công khác được bố trí vốn kế hoạch đầu tư công hằng năm

1. Chương trình, dự án, nhiệm vụ và đối tượng đầu tư công khác phải có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, trừ dự án đầu tư công khẩn cấp, dự án đầu tư sử dụng vốn ODA không hoàn lại.

2. Chương trình, dự án, nhiệm vụ và đối tượng đầu tư công khác đã được cấp có thẩm quyền quyết định theo quy định của pháp luật.

3. Nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư, nhiệm vụ quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt dự toán.

Điều 57. Thời gian bố trí vốn thực hiện dự án

1. Thời gian bố trí vốn thực hiện dự án được tính liên tục, từ kế hoạch năm đầu tiên dự án được bố trí vốn thực hiện dự án cho đến năm nghiệm thu, hoàn thành dự án, bàn giao đưa vào sử dụng, không bao gồm thời gian bố trí vốn thực hiện nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư và thực hiện quyết toán dự án.

2. Thời gian bố trí vốn thực hiện dự án được quy định như sau:

a) Chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia thực hiện theo nghị quyết của Quốc hội;

b) Dự án nhóm A không quá 06 năm;

c) Dự án nhóm B không quá 04 năm;

d) Dự án nhóm C không quá 03 năm.

3. Trường hợp không đáp ứng thời hạn bố trí vốn quy định tại khoản 2 Điều này, việc gia hạn thời gian bố trí vốn như sau:

a) Đối với Chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia, Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định;

b) Đối với dự án sử dụng vốn ngân sách trung ương, cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án quyết định gia hạn thời gian bố trí vốn thực hiện dự án nhóm A, nhóm B, nhóm C không quá 01 năm, riêng dự án nhóm A có tổng mức đầu tư từ 10.000 tỷ đồng đến dưới 30.000 tỷ đồng không quá 02 năm;

c) Đối với dự án sử dụng vốn ngân sách địa phương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp quyết định gia hạn thời gian bố trí vốn thực hiện dự án nhóm A, nhóm B, nhóm C không quá 01 năm, riêng dự án nhóm A có tổng mức đầu tư từ 10.000 tỷ đồng đến dưới 30.000 tỷ đồng không quá 02 năm;

d) Trường hợp dự án đã gia hạn theo quy định tại điểm b và điểm c của khoản này mà phải tiếp tục gia hạn, cơ quan chủ quản dự án kiểm điểm trách nhiệm, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định gia hạn thời gian bố trí vốn thực hiện dự án đối với vốn ngân sách trung ương; Ủy ban nhân dân kiểm điểm trách nhiệm, báo cáo Hội đồng nhân dân cùng cấp xem xét, quyết định gia hạn thời gian bố trí vốn thực hiện dự án đối với vốn ngân sách địa phương.

đ) Đối với các dự án không phải quyết định chủ trương đầu tư theo quy định tại khoản 6 Điều 19 của Luật này, cấp quyết định đầu tư dự án quyết định gia hạn thời gian bố trí vốn thực hiện dự án theo quy định tại điểm b, điểm c của khoản này.

4. Đối với dự án sử dụng vốn từ nguồn thu hợp pháp của cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập dành để đầu tư, thời gian bố trí vốn thực hiện dự án thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều này. Trường hợp phải gia hạn thời gian bố trí vốn thực hiện dự án, cấp quyết định chủ trương đầu tư dự án quyết định gia hạn và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.

5. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 58. Vốn thực hiện nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư, nhiệm vụ quy hoạch và vốn thực hiện dự án

1. Vốn thực hiện nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư được bố trí để lập đề xuất chương trình, dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài; lập, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư dự án; lập, thẩm định, quyết định đầu tư dự án.

2. Vốn thực hiện nhiệm vụ quy hoạch được bố trí để lập, công bố quy hoạch, lập điều chỉnh quy hoạch và công bố quy hoạch điều chỉnh theo quy định của Luật Quy hoạch.

3. Vốn thực hiện dự án được bố trí để giải phóng mặt bằng, lập thiết kế kỹ thuật, lập thiết kế bản vẽ thi công, lập dự toán của dự án hoặc hạng mục của dự án, tổ chức thi công và thực hiện các công việc khác theo quyết định phê duyệt dự án.

Điều 59. Trình tự lập, phê duyệt, giao kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách nhà nước

1. Trước ngày 30 tháng 6 năm thứ tư của kế hoạch đầu tư công trung hạn, Thủ tướng Chính phủ ban hành chỉ thị về việc lập kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn sau.

2. Trước ngày 31 tháng 7 năm thứ tư của kế hoạch đầu tư công trung hạn, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê duyệt nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn sau.

3. Trước ngày 30 tháng 9 năm thứ tư của kế hoạch đầu tư công trung hạn, Thủ tướng Chính phủ thông báo tổng mức vốn đầu tư công dự kiến bằng tổng mức vốn đầu tư công của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn trước cho các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương để làm căn cứ quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án giai đoạn sau.

4. Trước ngày 31 tháng 12 năm thứ tư của kế hoạch đầu tư công trung hạn, Chính phủ dự kiến khả năng cân đối ngân sách nhà nước cho chi đầu tư phát triển trong giai đoạn sau cho từng Bộ, cơ quan trung ương và địa phương, Thủ tướng Chính phủ thông báo tổng mức vốn đầu tư công của giai đoạn sau cho các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương.

5. Trước ngày 31 tháng 01 năm thứ năm của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn trước, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp cho ý kiến về các nội dung theo quy định tại Điều 52 của Luật này, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền.

6. Tại kỳ họp cuối năm của năm thứ năm nhiệm kỳ Quốc hội, Chính phủ trình Quốc hội dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn sau để Quốc hội cho ý kiến về các nội dung theo quy định tại Điều 52 của Luật này.

7. Trên cơ sở ý kiến của Quốc hội khóa trước, Chính phủ trình Quốc hội khóa mới tại kỳ họp thứ nhất các nội dung theo quy định tại Điều 52 của Luật này. Quốc hội xem xét, quyết định kế hoạch đầu tư công trung hạn bao gồm các nội dung sau đây:

a) Mục tiêu, định hướng đầu tư công trung hạn vốn ngân sách nhà nước của cả nước;

b) Tổng mức vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn ngân sách nhà nước, bao gồm vốn ngân sách trung ương, vốn ngân sách địa phương;

c) Tổng mức vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương chi tiết theo từng ngành, lĩnh vực, dự kiến mức phân bổ cho từng Bộ, cơ quan trung ương và mức vốn bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho ngân sách từng địa phương.

Đối với số vốn còn lại chưa phân bổ của kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương, Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất;

d) Danh mục và mức vốn của các dự án quan trọng quốc gia, chương trình mục tiêu quốc gia;

đ) Giải pháp, chính sách chủ yếu để thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn.

8. Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch đầu tư công trung hạn, bao gồm tổng số vốn và cơ cấu vốn ngân sách trung ương cho các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương; danh mục, mức vốn của các chương trình, dự án đầu tư công, tổng mức vốn cho nhiệm vụ quy hoạch, tổng mức vốn cho nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư, đối tượng đầu tư công khác sử dụng nguồn vốn ngân sách trung ương.

9. Việc giao kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách địa phương thực hiện như sau:

a) Căn cứ nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn mới và nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 05 năm, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định kế hoạch đầu tư công trung hạn của địa phương, bao gồm tổng mức vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn, danh mục, mức vốn bố trí cho từng dự án, tổng mức vốn cho nhiệm vụ quy hoạch, tổng mức vốn cho nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư, đối tượng đầu tư công khác sử dụng nguồn vốn ngân sách cấp tỉnh và mức vốn bổ sung có mục tiêu cho ngân sách cấp dưới, gửi báo cáo cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để tổng hợp, báo cáo Chính phủ;

b) Căn cứ nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh về kế hoạch đầu tư công trung hạn, Hội đồng nhân dân cấp huyện quyết định kế hoạch đầu tư công trung hạn của cấp mình, bao gồm tổng mức vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn, danh mục, mức vốn ngân sách địa phương bố trí cho từng dự án, tổng mức vốn cho nhiệm vụ quy hoạch, tổng mức vốn cho nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư, đối tượng đầu tư công khác và mức vốn bổ sung có mục tiêu cho ngân sách cấp dưới;

c) Căn cứ nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp huyện về kế hoạch đầu tư công trung hạn, Hội đồng nhân dân cấp xã quyết định kế hoạch đầu tư công trung hạn của cấp mình, bao gồm tổng mức vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn, danh mục và mức vốn ngân sách địa phương bố trí cho từng dự án, tổng mức vốn cho nhiệm vụ quy hoạch, tổng mức vốn cho nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư, đối tượng đầu tư công khác;

d) Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày Hội đồng nhân dân ban hành nghị quyết về kế hoạch đầu tư công trung hạn, Ủy ban nhân dân cùng cấp giao kế hoạch đầu tư công trung hạn cho các đơn vị thực hiện, bao gồm tổng mức vốn, danh mục chương trình, dự án và mức vốn bố trí cho từng dự án.

10. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 60. Trình tự lập, phê duyệt, giao kế hoạch đầu tư công hằng năm vốn ngân sách nhà nước

1. Trước ngày 15 tháng 5 hằng năm, Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định về việc lập kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm sau, bao gồm mục tiêu, định hướng chủ yếu và giao nhiệm vụ triển khai xây dựng kế hoạch đầu tư công năm sau.

2. Trước ngày 15 tháng 8 hằng năm, Chính phủ dự kiến khả năng cân đối ngân sách nhà nước cho chi đầu tư phát triển năm sau cho từng Bộ, cơ quan trung ương và địa phương.

3. Tại kỳ họp cuối năm của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân trình Hội đồng nhân dân cùng cấp kế hoạch đầu tư công năm sau, bao gồm danh mục và mức vốn bố trí cho từng dự án.

4. Tại kỳ họp cuối năm của Quốc hội, Chính phủ trình Quốc hội dự kiến kế hoạch đầu tư công năm sau để Quốc hội quyết định kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước năm sau.

Đối với số vốn còn lại chưa phân bổ chi tiết, Chính phủ phân bổ, giao dự toán chi tiết, bảo đảm kịp thời, tiết kiệm, hiệu quả, tuân thủ đúng quy định của pháp luật, định kỳ hằng quý báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

5. Trước ngày 30 tháng 11 hằng năm, Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước năm sau theo tổng mức vốn và cơ cấu vốn đã được Quốc hội quyết định cho các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương.

6. Trước ngày 31 tháng 12 hằng năm, các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương phân bổ chi tiết mức vốn kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm sau, danh mục, mức vốn bố trí của từng nhiệm vụ, dự án, gửi phương án phân bổ chi tiết cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để tổng hợp, báo cáo Chính phủ và theo dõi thực hiện.

7. Việc giao kế hoạch đầu tư công hằng năm vốn ngân sách địa phương thực hiện như sau:

a) Tại kỳ họp cuối năm, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định kế hoạch đầu tư công năm sau của cấp mình, bao gồm danh mục và mức vốn bố trí cho từng dự án;

b) Tại kỳ họp cuối năm, Hội đồng nhân dân cấp huyện, cấp xã quyết định kế hoạch đầu tư công năm sau của cấp mình, bao gồm danh mục và mức vốn bố trí cho từng dự án;

c) Trước ngày 31 tháng 12 hằng năm, Ủy ban nhân dân các cấp giao kế hoạch đầu tư công năm sau cho các đơn vị thực hiện.

8. Riêng kế hoạch đầu tư công năm đầu tiên của giai đoạn sau, căn cứ vào dự toán chi ngân sách nhà nước cho đầu tư phát triển của năm đầu tiên, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp cuối năm của năm thứ năm nhiệm kỳ Quốc hội. Đối với kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách địa phương năm đầu tiên của giai đoạn sau, căn cứ vào dự toán chi ngân sách địa phương cho đầu tư phát triển, Ủy ban nhân dân trình Hội đồng nhân dân cùng cấp xem xét, quyết định.

9. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 61. Nguyên tắc lựa chọn danh mục dự án, dự kiến mức vốn bố trí cho từng chương trình, nhiệm vụ, dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm vốn ngân sách nhà nước

1. Thực hiện theo quy định tại các điều 54, 55, 56, 57 và 58 của Luật này.

2. Phù hợp với khả năng cân đối vốn ngân sách nhà nước trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm, dự kiến khả năng huy động các nguồn vốn đầu tư khác đối với các dự án sử dụng nhiều nguồn vốn đầu tư. Đối với các dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài, phù hợp với khả năng và tiến độ hoàn thành thủ tục đầu tư, đàm phán, ký kết điều ước quốc tế, thỏa thuận vay.

3. Thuộc chương trình, nhiệm vụ chi đầu tư phát triển của ngân sách nhà nước đã được phê duyệt.

4. Phù hợp nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước trong kỳ kế hoạch.

5. Mức vốn bố trí cho từng chương trình, dự án không vượt quá tổng mức vốn của chương trình, dự án đã được phê duyệt.

6. Đối với ngân sách địa phương, ngoài các nguyên tắc nêu trên, phải phù hợp với khả năng cân đối thu, chi ngân sách địa phương, kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm, khả năng huy động các nguồn vốn đầu tư khác đối với các dự án sử dụng nhiều nguồn vốn đầu tư và thuộc chương trình, nhiệm vụ chi đầu tư phát triển nguồn ngân sách địa phương đã được phê duyệt.

Điều 62. Lập, thẩm định, phê duyệt, giao kế hoạch vốn trung hạn và hằng năm vốn từ nguồn thu hợp pháp của các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập dành để đầu tư

1. Các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng vốn từ nguồn thu hợp pháp dành để đầu tư phải lập kế hoạch đầu tư trung hạn và hằng năm báo cáo cơ quan chủ quản trực tiếp quản lý để trình Bộ, cơ quan trung ương, Ủy ban nhân dân các cấp.

2. Các Bộ, cơ quan trung ương, Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm thẩm định, phê duyệt, giao kế hoạch vốn hằng năm, phê duyệt điều chỉnh kế hoạch hằng năm nguồn vốn từ nguồn thu hợp pháp của các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập dành để đầu tư phù hợp với khả năng thực tế cho đầu tư phát triển theo quy định của pháp luật có liên quan.

3. Kế hoạch đầu tư trung hạn và hằng năm đối với vốn từ nguồn thu hợp pháp của các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập dành để đầu tư không thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm từ nguồn vốn ngân sách nhà nước.

4. Các Bộ, cơ quan trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm tổng hợp kế hoạch trung hạn và hằng năm vốn từ nguồn thu hợp pháp của cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập dành để đầu tư gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để tổng hợp, báo cáo Chính phủ, Quốc hội.

5. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Chương IV

LẬP, THẨM ĐỊNH, QUYẾT ĐỊNH CHỦ TRƯƠNG ĐẦU TƯ, QUYẾT ĐỊNH ĐẦU TƯ CHƯƠNG TRÌNH, DỰ ÁN ĐẦU TƯ CÔNG SỬ DỤNG VỐN ODA, VỐN VAY ƯU ĐÃI NƯỚC NGOÀI, QUẢN LÝ KẾ HOẠCH VỐN ĐẦU TƯ NGUỒN VỐN ODA, VỐN VAY ƯU ĐÃI NƯỚC NGOÀI

Điều 63. Đề xuất chương trình, dự án đầu tư công sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài

1. Đề xuất chương trình, dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài áp dụng đối với:

a) Chương trình, dự án đầu tư công sử dụng vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài;

b) Dự án đầu tư sử dụng vốn ODA không hoàn lại trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, tôn giáo;

c) Chương trình đầu tư công sử dụng vốn ODA không hoàn lại.

2. Dự án đầu tư sử dụng vốn ODA không hoàn lại không thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều này không phải lập đề xuất dự án.

3. Trình tự, thủ tục lập, phê duyệt đề xuất chương trình, dự án đầu tư công sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài được quy định như sau:

a) Các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương tổ chức lập đề xuất chương trình đầu tư công hoặc đề xuất dự án, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính.

Trường hợp doanh nghiệp nhà nước hoặc doanh nghiệp thuộc doanh nghiệp nhà nước được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ thực hiện dự án đầu tư công thì việc lập đề xuất chương trình, dự án đầu tư công sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài thực hiện theo quy định của Chính phủ;

b) Bộ Tài chính chủ trì xác định thành tố ưu đãi, đánh giá tác động của khoản vay ODA và vay ưu đãi nước ngoài đối với các chỉ tiêu an toàn nợ công, xác định cơ chế tài chính trong nước, báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo quy định của Luật Quản lý nợ công;

c) Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp ý kiến của các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương có liên quan và đánh giá sự cần thiết của chương trình, dự án đầu tư công; phù hợp với định hướng thu hút, quản lý và sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài từng thời kỳ; phù hợp với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch có liên quan; đánh giá sơ bộ tính khả thi, hiệu quả kinh tế - xã hội, sơ bộ tác động môi trường (nếu có), lựa chọn đề xuất chương trình, dự án đầu tư công phù hợp trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định;

d) Căn cứ báo cáo của Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt đề xuất chương trình, dự án đầu tư công sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài với các nội dung chính như sau: tên chương trình, dự án đầu tư công; nhà tài trợ; mục tiêu; dự kiến tổng vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài; cơ chế tài chính trong nước (cấp phát toàn bộ, vay lại toàn bộ, cấp phát một phần và vay lại một phần); danh mục dự án đối với chương trình đầu tư công sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài (nếu có).

4. Việc điều chỉnh đề xuất chương trình, dự án đầu tư công sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài được thực hiện trong các trường hợp sau:

a) Phát sinh thay đổi liên quan đến các nội dung chính đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bao gồm: tên dự án, nhà tài trợ, mục tiêu, cơ chế tài chính của chương trình, dự án;

b) Tăng tổng vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài (theo nguyên tệ) của chương trình, dự án.

5. Chính phủ quy định hồ sơ, nội dung, tiêu chí lựa chọn phê duyệt đề xuất dự án; trình tự, thủ tục điều chỉnh đề xuất chương trình, dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài.

Điều 64. Chủ trương đầu tư chương trình, dự án đầu tư công sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài

1. Thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án thực hiện theo quy định tại Điều 18 của Luật này.

2. Điều kiện quyết định chủ trương đầu tư bao gồm:

a) Các điều kiện quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều 19 của Luật này;

b) Định hướng thu hút, quản lý và sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài từng thời kỳ;

c) Phù hợp với quyết định phê duyệt đề xuất chương trình, dự án của Thủ tướng Chính phủ;

d) Phù hợp với khả năng huy động vốn ODA, vốn vay ưu đãi tại thư quan tâm hoặc văn bản cam kết tài trợ của đối tác phát triển; các quy định của nhà tài trợ nước ngoài.

3. Trình tự, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án thực hiện theo quy định tại các điều 20, 23, 24, 25, 26, 27, 28, 29 và 30 của Luật này.

4. Nội dung báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư chương trình, dự án đầu tư công sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài bao gồm:

a) Các nội dung quy định tại các điều 33, 34 và 35 của Luật này;

b) Khả năng huy động vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài;

c) Cơ chế tài chính trong nước (cấp phát toàn bộ, vay lại toàn bộ, cấp phát một phần và vay lại một phần).

5. Nguồn vốn và khả năng cân đối vốn:

a) Đối với vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài, cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án trên cơ sở ý kiến thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn quy định tại khoản 5 Điều 36 của Luật này;

b) Đối với vốn đối ứng, thực hiện theo quy định tại Điều 36 và khoản 4 Điều 54 của Luật này.

6. Hồ sơ, nội dung và thời gian thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư dự án thực hiện theo quy định của Chính phủ.

7. Điều chỉnh chủ trương đầu tư chương trình, dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài:

a) Thực hiện theo quy định tại Điều 37 của Luật này;

b) Trường hợp điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án dẫn đến điều chỉnh đề xuất dự án theo quy định tại khoản 4 Điều 63 của Luật này, thực hiện trình tự, thủ tục điều chỉnh đề xuất dự án trước khi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án theo quy định.

8. Thẩm quyền phê duyệt dự án hỗ trợ kỹ thuật để chuẩn bị dự án đầu tư và tham gia dự án hợp tác khu vực hoặc toàn cầu:

a) Người đứng đầu Bộ, cơ quan trung ương phê duyệt dự án hỗ trợ kỹ thuật sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài để chuẩn bị dự án đầu tư do cơ quan, tổ chức mình quản lý;

b) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt dự án hỗ trợ kỹ thuật sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài để chuẩn bị dự án đầu tư do địa phương quản lý;

c) Việc quyết định chủ trương tham gia dự án hợp tác khu vực hoặc toàn cầu thực hiện theo quy định của Chính phủ.

Điều 65. Quyết định đầu tư chương trình, dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài

1. Thẩm quyền quyết định đầu tư chương trình, dự án thực hiện theo quy định tại Điều 38 của Luật này.

2. Căn cứ lập, thẩm định, quyết định đầu tư bao gồm:

a) Các nội dung quy định tại Điều 39 của Luật này;

b) Đề xuất dự án và chủ trương đầu tư đã được cấp có thẩm quyền quyết định;

c) Khả năng huy động vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài trên cơ sở thư quan tâm hoặc văn bản cam kết của nhà tài trợ nước ngoài.

3. Trình tự, thủ tục quyết định đầu tư chương trình, dự án:

a) Thực hiện theo quy định tại các điều 40, 41, 42 và 43 của Luật này;

b) Dự án khẩn cấp, dự án đầu tư sử dụng vốn ODA không hoàn lại thực hiện theo quy định tại Điều 45 của Luật này.

4. Nội dung báo cáo nghiên cứu khả thi chương trình, dự án bao gồm:

a) Nội dung báo cáo nghiên cứu khả thi chương trình, dự án quy định tại Điều 47 của Luật này;

b) Khả năng huy động vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài;

c) Cơ chế tài chính trong nước.

5. Hồ sơ quyết định dự án, nội dung, thời gian thẩm định, quyết định chương trình, dự án thực hiện theo quy định của Chính phủ.

6. Điều chỉnh chương trình, dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài thực hiện theo quy định tại Điều 46 của Luật này.

Điều 66. Trình tự, thủ tục dừng sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài

1. Trình tự, thủ tục dừng sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài khi chương trình, dự án chưa thực hiện được quy định như sau:

a) Chương trình, dự án đã được phê duyệt đề xuất chương trình, dự án, nhưng chưa phê duyệt chủ trương đầu tư, cơ quan chủ quản báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định việc hủy đề xuất chương trình, dự án;

b) Chương trình, dự án đã phê duyệt chủ trương đầu tư, nhưng chưa phê duyệt quyết định đầu tư, cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án quyết định dừng dự án, chịu trách nhiệm về quyết định của mình và báo cáo Thủ tướng Chính phủ;

c) Chương trình, dự án đã được phê duyệt quyết định đầu tư, cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư chương trình, dự án có thẩm quyền quyết định dừng chương trình, dự án, chịu trách nhiệm về quyết định của mình, báo cáo cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư và Thủ tướng Chính phủ;

d) Đối với dự án quan trọng quốc gia có sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài đã được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư, Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định việc dừng dự án.

2. Trình tự, thủ tục dừng sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài trong giai đoạn thực hiện được quy định như sau:

a) Cơ quan chủ quản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc dừng sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài với các nội dung sau: nguyên nhân, trách nhiệm đối với các chi phí phát sinh, khả năng thu xếp các nguồn vốn hợp pháp khác và các nội dung khác (nếu có);

b) Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định dừng sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài;

c) Căn cứ quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính thực hiện thủ tục dừng sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài với nhà tài trợ nước ngoài;

d) Cơ quan chủ quản thực hiện nghiệm thu giá trị khối lượng đã hoàn thành từ nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài và chịu trách nhiệm sử dụng nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài (nếu còn), nguồn vốn ngân sách nhà nước hoặc nguồn vốn hợp pháp khác để thanh quyết toán;

đ) Trường hợp cơ quan chủ quản thực hiện phê duyệt lại dự án sử dụng vốn trong nước để thực hiện các hạng mục đầu tư chưa triển khai của dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài mà không phải thực hiện các điều kiện ràng buộc của nhà tài trợ trong điều ước quốc tế, thỏa thuận vay đối với các hạng mục đầu tư chưa triển khai thì trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư dự án thực hiện theo quy định của Luật này đối với dự án sử dụng vốn trong nước;

e) Trường hợp cơ quan chủ quản thực hiện phê duyệt điều chỉnh dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài, điều chỉnh cơ cấu nguồn vốn trong nước và nước ngoài để thực hiện các hạng mục đầu tư chưa triển khai của dự án thì trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư dự án thực hiện theo quy định của Luật này.

3. Hồ sơ, nội dung, thời gian quyết định dừng sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài thực hiện theo quy định của Chính phủ.

Điều 67. Nguyên tắc, điều kiện, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt và giao kế hoạch đầu tư công; thời gian bố trí kế hoạch vốn; phương thức giải ngân đối với chương trình, dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài

1. Nguyên tắc, điều kiện, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt và giao kế hoạch đầu tư công thực hiện theo quy định tại Chương III của Luật này.

2. Thời hạn bố trí kế hoạch vốn nước ngoài và vốn đối ứng của dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài, không bao gồm thời gian chuẩn bị đầu tư và thời gian quyết toán dự án, tối đa bằng thời hạn giải ngân quy định tại điều ước quốc tế, thỏa thuận về vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài và quy định về thời hạn giải ngân của nhà tài trợ nước ngoài, bao gồm cả trường hợp được điều chỉnh hoặc gia hạn.

3. Kế hoạch vốn nước ngoài của chương trình, dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài do ngân sách trung ương cấp phát và khoản vay lại của ngân sách địa phương được giải ngân theo dự toán ngân sách nhà nước hằng năm, không phụ thuộc vào tỷ lệ cấp phát và cho vay lại.

Chính phủ quy định chi tiết khoản này.

Chương V

THỰC HIỆN VÀ THEO DÕI, KIỂM TRA, ĐÁNH GIÁ, GIÁM SÁT KẾ HOẠCH, CHƯƠNG TRÌNH, DỰ ÁN ĐẦU TƯ CÔNG

Mục 1. TRIỂN KHAI THỰC HIỆN KẾ HOẠCH ĐẦU TƯ CÔNG

Điều 68. Tổ chức điều hành kế hoạch đầu tư công

1. Căn cứ nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm, Chính phủ quy định các giải pháp tổ chức, thực hiện.

2. Căn cứ nghị quyết của Quốc hội, quyết định giao kế hoạch của cấp có thẩm quyền, nghị quyết của Hội đồng nhân dân các cấp về kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm, Bộ, cơ quan trung ương và địa phương, Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã và các cơ quan, đơn vị sử dụng vốn đầu tư công quyết định các giải pháp tổ chức điều hành kế hoạch đầu tư công thuộc nguồn vốn do cấp mình quản lý.

3. Thủ tướng Chính phủ điều phối, lồng ghép các nguồn vốn thực hiện các chương trình đầu tư sử dụng vốn ngân sách nhà nước của các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương, cơ quan, đơn vị sử dụng vốn đầu tư công nhưng không làm thay đổi mục tiêu thực hiện của chương trình.

4. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định việc điều phối, lồng ghép các nguồn vốn thực hiện các chương trình, dự án sử dụng vốn ngân sách địa phương, các khoản vốn vay khác của ngân sách địa phương để đầu tư nhưng không làm thay đổi mục tiêu thực hiện của chương trình, dự án.

Điều 69. Chấp hành kế hoạch đầu tư công

1. Bộ, cơ quan trung ương và địa phương, Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã có trách nhiệm:

a) Thông báo hoặc quyết định giao kế hoạch đầu tư công cho các cơ quan, đơn vị sử dụng vốn đầu tư công;

b) Báo cáo cấp có thẩm quyền về việc giao kế hoạch đầu tư công.

2. Cơ quan, đơn vị sử dụng vốn đầu tư công báo cáo cấp có thẩm quyền tình hình thực hiện kế hoạch theo quy định của Chính phủ.

3. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cơ quan chuyên môn quản lý đầu tư công có trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc để bảo đảm việc giao, chấp hành kế hoạch đầu tư công theo quyết định của cấp có thẩm quyền.

Điều 70. Triển khai kế hoạch đầu tư công

1. Bộ, cơ quan trung ương và địa phương, Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã, cơ quan, đơn vị sử dụng vốn đầu tư công có trách nhiệm:

a) Tổ chức thực hiện kế hoạch đầu tư công đúng mục tiêu đã được cấp có thẩm quyền quyết định;

b) Triển khai thực hiện dự án theo đúng tiến độ và kế hoạch vốn đã được cấp có thẩm quyền quyết định;

c) Lập kế hoạch và tổ chức lựa chọn nhà thầu đối với gói thầu thuộc dự án được bố trí vốn theo kế hoạch đầu tư công đã được cấp có thẩm quyền quyết định;

d) Tổ chức nghiệm thu và thanh toán, quyết toán theo đúng hợp đồng đối với gói thầu đã hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng;

đ) Cân đối các nguồn vốn để thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản theo quy định tại khoản 6 Điều 103 của Luật này;

e) Bảo đảm phạm vi, quy mô đầu tư của từng dự án thực hiện theo đúng mục tiêu, lĩnh vực, chương trình đã được phê duyệt và theo kế hoạch vốn đã được bố trí;

g) Theo dõi, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện kế hoạch đầu tư công.

2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra việc thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm của các Bộ, cơ quan trung ương và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

3. Bộ Tài chính bảo đảm thanh toán đủ vốn ngân sách trung ương theo kế hoạch đầu tư công đã được cấp có thẩm quyền quyết định.

4. Chính phủ quy định chi tiết việc triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công.

Điều 71. Điều chỉnh kế hoạch đầu tư công

1. Quốc hội quyết định điều chỉnh tổng thể kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm vốn ngân sách nhà nước trong các trường hợp sau đây:

a) Do điều chỉnh mục tiêu của chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia;

b) Do thay đổi đột biến về cân đối ngân sách nhà nước hoặc khả năng huy động các nguồn vốn.

2. Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh kế hoạch đầu tư công hằng năm vốn ngân sách trung ương giữa các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương trong trường hợp không thay đổi tổng mức vốn hằng năm đã được Quốc hội quyết định.

3. Thủ tướng Chính phủ quyết định điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương trong các trường hợp sau đây:

a) Điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giữa các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương trong trường hợp không vượt tổng mức vốn trung hạn đã được Quốc hội quyết định, bảo đảm hiệu quả sử dụng vốn và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất;

b) Điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương trong nội bộ và giữa các ngành, lĩnh vực, chương trình của các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương trong tổng mức vốn trung hạn của từng Bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã được Quốc hội quyết định.

4. Bộ Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm:

a) Báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư công hằng năm vốn ngân sách trung ương giữa các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương;

b) Báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giữa các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương; điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương trong nội bộ và giữa các ngành, lĩnh vực, chương trình của các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương.

5. Người đứng đầu Bộ, cơ quan trung ương có thẩm quyền và trách nhiệm sau đây:

a) Điều chỉnh kế hoạch đầu tư công hằng năm vốn ngân sách trung ương giữa các dự án thuộc danh mục kế hoạch đầu tư công trung hạn đã được cấp có thẩm quyền quyết định nhưng không vượt quá tổng mức vốn đã được cấp có thẩm quyền giao kế hoạch;

b) Gửi báo cáo cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để tổng hợp, theo dõi đối với vốn ngân sách trung ương.

6. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền và trách nhiệm sau đây:

a) Điều chỉnh kế hoạch đầu tư công hằng năm đối với vốn ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu thuộc quản lý của cấp mình nhưng không vượt quá tổng mức vốn đã được cấp có thẩm quyền giao kế hoạch đầu tư công trung hạn, báo cáo Hội đồng nhân dân cấp tỉnh tại kỳ họp gần nhất;

b) Gửi báo cáo cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để tổng hợp, theo dõi đối với vốn ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu.

7. Hội đồng nhân dân các cấp điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm vốn ngân sách địa phương trong các trường hợp sau đây:

a) Do điều chỉnh mục tiêu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương;

b) Do thay đổi đột biến về cân đối thu ngân sách địa phương hoặc khả năng huy động các nguồn vốn của địa phương;

c) Do thay đổi nhu cầu sử dụng hoặc khả năng triển khai thực hiện vốn kế hoạch hằng năm giữa các cơ quan, đơn vị của địa phương.

8. Ủy ban nhân dân các cấp có thẩm quyền và trách nhiệm sau đây:

a) Điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn đối với vốn ngân sách địa phương giữa các cơ quan, đơn vị được giao kế hoạch vốn do cấp mình quản lý trong trường hợp không vượt tổng mức vốn trung hạn đã được Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định, báo cáo Hội đồng nhân dân cùng cấp tại kỳ họp gần nhất;

b) Điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm đối với vốn ngân sách địa phương giữa các nhiệm vụ, dự án trong nội bộ cơ quan, đơn vị được giao kế hoạch vốn do cấp mình quản lý trong tổng mức vốn đã được Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định.

9. Chính phủ quy định chi tiết trình tự, thủ tục điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm vốn ngân sách nhà nước.

Điều 72. Thời gian thực hiện và giải ngân vốn kế hoạch đầu tư công hằng năm

1. Thời gian thực hiện và giải ngân vốn kế hoạch đầu tư công hằng năm đến ngày 31 tháng 01 năm sau. Trường hợp được cấp có thẩm quyền bổ sung vốn cho Bộ, cơ quan trung ương, địa phương sau ngày 30 tháng 9 năm kế hoạch để thực hiện các nhiệm vụ, chương trình, dự án, thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn được bổ sung đến hết ngày 31 tháng 12 năm sau.

2. Thủ tướng Chính phủ quyết định đối với vốn ngân sách trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp quyết định đối với vốn ngân sách địa phương do cấp mình quản lý cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân vốn kế hoạch đầu tư công hằng năm nhưng không quá ngày 31 tháng 12 năm sau trong các trường hợp sau:

a) Dự án quan trọng quốc gia;

b) Dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng;

c) Dự án được bố trí kế hoạch vốn để hoàn thành, đưa vào sử dụng trong năm kế hoạch nhưng không được bố trí vốn kế hoạch năm sau;

d) Dự án bị ảnh hưởng tiến độ do thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, nguyên nhân khách quan khác không thể lường trước được và không thể khắc phục được;

đ) Dự án cơ quan đại diện và cơ quan khác của Việt Nam ở nước ngoài;

e) Bộ, cơ quan trung ương và địa phương chỉ có duy nhất 01 dự án trong năm kế hoạch hoặc không thể thực hiện điều chỉnh kế hoạch;

g) Các trường hợp cần thiết, cấp bách khác theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

3. Người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư quyết định việc kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân đối với vốn từ nguồn thu hợp pháp dành để đầu tư của đơn vị mình quản lý, báo cáo cơ quan chủ quản.

4. Người đứng đầu Bộ, cơ quan trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp quyết định việc kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân đối với vốn từ nguồn thu hợp pháp của cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập dành để đầu tư do Bộ, cơ quan trung ương, Ủy ban nhân dân cấp mình quản lý, trừ các đơn vị sự nghiệp công lập quy định tại khoản 3 Điều này.

Mục 2. THEO DÕI, KIỂM TRA, ĐÁNH GIÁ, GIÁM SÁT KẾ HOẠCH, CHƯƠNG TRÌNH, DỰ ÁN ĐẦU TƯ CÔNG

Điều 73. Theo dõi, kiểm tra kế hoạch đầu tư công

1. Cơ quan chuyên môn quản lý đầu tư công tổ chức theo dõi, kiểm tra kế hoạch đầu tư công thuộc cơ quan, đơn vị quản lý.

2. Nội dung theo dõi, kiểm tra kế hoạch đầu tư công bao gồm:

a) Tình hình thực hiện quy định của pháp luật về đầu tư công;

b) Việc lập, phê duyệt, giao kế hoạch đầu tư công;

c) Việc lập, thẩm định, phê duyệt và thực hiện các chương trình, dự án được bố trí trong kế hoạch đầu tư công;

d) Tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công;

đ) Tình hình nợ đọng xây dựng cơ bản, lãng phí, thất thoát trong đầu tư công.

Điều 74. Đánh giá kế hoạch đầu tư công

1. Kế hoạch đầu tư công trung hạn được đánh giá giữa kỳ và khi kết thúc kế hoạch.

2. Kế hoạch đầu tư công hằng năm được đánh giá định kỳ hằng quý và hằng năm.

3. Nội dung đánh giá kế hoạch đầu tư công bao gồm:

a) Mức độ đạt được so với kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

b) Tác động của kế hoạch đầu tư công trong việc thu hút đầu tư từ các nguồn vốn khác và kết quả phát triển kinh tế - xã hội;

c) Tính khả thi của kế hoạch đầu tư công;

d) Tình hình quản lý đầu tư công;

đ) Tồn tại, hạn chế; nguyên nhân của tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện kế hoạch đầu tư công và các giải pháp xử lý;

e) Tại báo cáo đánh giá giữa kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn: đánh giá tình hình thu, chi, cân đối ngân sách nhà nước để thực hiện kế hoạch đầu tư công và đề xuất phương án sử dụng dự phòng chung kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn ngân sách trung ương.

Điều 75. Theo dõi, kiểm tra chương trình, dự án

1. Cơ quan chủ quản, chủ chương trình và chủ đầu tư, người có thẩm quyền quyết định đầu tư chương trình, dự án và cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư công thực hiện theo dõi, kiểm tra toàn bộ quá trình đầu tư chương trình, dự án theo nội dung và các chỉ tiêu đã được phê duyệt nhằm bảo đảm mục tiêu và hiệu quả đầu tư.

2. Việc kiểm tra chương trình, dự án thực hiện như sau:

a) Chủ chương trình, chủ đầu tư kiểm tra chương trình, dự án được giao quản lý;

b) Cơ quan chủ quản, người có thẩm quyền quyết định đầu tư tổ chức kiểm tra ít nhất một lần đối với chương trình, dự án có thời gian thực hiện trên 12 tháng;

c) Cơ quan chủ quản, người có thẩm quyền quyết định đầu tư tổ chức kiểm tra khi điều chỉnh chương trình, dự án làm thay đổi địa điểm, mục tiêu, cơ cấu nguồn vốn, tăng tổng mức đầu tư và trường hợp cần thiết khác;

d) Cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư công quyết định tổ chức kiểm tra chương trình, dự án theo kế hoạch hoặc đột xuất.

Điều 76. Đánh giá chương trình, dự án

1. Đánh giá chương trình, dự án bao gồm đánh giá ban đầu, đánh giá giữa kỳ hoặc giai đoạn, đánh giá kết thúc, đánh giá tác động và đánh giá đột xuất.

2. Đối với chương trình đầu tư công, phải thực hiện đánh giá giữa kỳ hoặc giai đoạn, đánh giá kết thúc và đánh giá tác động.

3. Đối với dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A phải thực hiện đánh giá ban đầu, đánh giá giữa kỳ, đánh giá kết thúc và đánh giá tác động.

4. Đối với dự án nhóm B, nhóm C phải thực hiện đánh giá kết thúc và đánh giá tác động.

5. Ngoài quy định tại các khoản 2, 3 và 4 Điều này, cơ quan chủ quản, người có thẩm quyền quyết định đầu tư và cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư công quyết định thực hiện đánh giá khác quy định tại khoản 1 Điều này khi cần thiết.

Điều 77. Nội dung đánh giá chương trình, dự án

1. Nội dung đánh giá ban đầu bao gồm:

a) Công tác chuẩn bị, tổ chức, huy động các nguồn lực để thực hiện chương trình, dự án bảo đảm đúng mục tiêu, tiến độ đã được phê duyệt;

b) Những vướng mắc, phát sinh mới xuất hiện so với thời điểm phê duyệt chương trình, dự án;

c) Đề xuất các biện pháp giải quyết các vấn đề vướng mắc, phát sinh phù hợp với điều kiện thực tế.

2. Nội dung đánh giá giữa kỳ hoặc đánh giá giai đoạn bao gồm:

a) Sự phù hợp của kết quả thực hiện chương trình, dự án so với mục tiêu đầu tư;

b) Mức độ hoàn thành khối lượng công việc đến thời điểm đánh giá so với kế hoạch được phê duyệt;

c) Đề xuất các giải pháp cần thiết, kể cả việc điều chỉnh chương trình, dự án.

3. Nội dung đánh giá kết thúc bao gồm:

a) Quá trình thực hiện chương trình, dự án: hoạt động quản lý thực hiện chương trình, dự án; kết quả thực hiện các mục tiêu của chương trình, dự án; các nguồn lực đã huy động; các lợi ích do chương trình, dự án mang lại cho những đối tượng thụ hưởng; các tác động, tính bền vững của chương trình, dự án;

b) Bài học rút ra sau quá trình thực hiện chương trình, dự án và đề xuất các khuyến nghị cần thiết; trách nhiệm của tổ chức tư vấn, cơ quan chủ quản, chủ chương trình, chủ đầu tư, người có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

4. Nội dung đánh giá tác động của chương trình, dự án bao gồm:

a) Thực trạng kinh tế - kỹ thuật vận hành;

b) Tác động kinh tế - xã hội;

c) Tác động môi trường, sinh thái;

d) Tính bền vững của dự án;

đ) Bài học rút ra từ chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư, thực hiện, vận hành chương trình, dự án; trách nhiệm của tổ chức tư vấn, cơ quan chủ quản, chủ chương trình, chủ đầu tư, người có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

5. Nội dung đánh giá đột xuất bao gồm:

a) Sự phù hợp của kết quả thực hiện chương trình, dự án đến thời điểm đánh giá so với mục tiêu đầu tư;

b) Mức độ hoàn thành khối lượng công việc đến thời điểm đánh giá so với kế hoạch được phê duyệt;

c) Xác định những phát sinh ngoài dự kiến (nếu có), nguyên nhân phát sinh ngoài dự kiến và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan;

d) Ảnh hưởng và mức độ ảnh hưởng của những phát sinh ngoài dự án đến việc thực hiện chương trình, dự án, khả năng hoàn thành các mục tiêu của chương trình, dự án;

đ) Đề xuất các giải pháp cần thiết.

6. Chính phủ quy định phương pháp, tiêu chí đánh giá hiệu quả đầu tư các chương trình, dự án đầu tư công.

Điều 78. Giám sát đầu tư của cộng đồng

1. Các chương trình, dự án chịu sự giám sát của cộng đồng. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp chủ trì tổ chức thực hiện giám sát đầu tư của cộng đồng và phản biện xã hội.

2. Cơ quan chủ quản tham khảo, giải trình, tiếp thu ý kiến cộng đồng dân cư nơi thực hiện dự án đối với việc quyết định đầu tư dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A, dự án có quy mô di dân, tái định canh, định cư lớn, dự án có nguy cơ tác động lớn đến môi trường, dự án có ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống kinh tế - xã hội của cộng đồng dân cư nơi thực hiện dự án về chủ trương, chính sách đầu tư, xây dựng, đất đai, xử lý chất thải và bảo vệ môi trường, đền bù, giải phóng mặt bằng và phương án tái định canh, định cư theo quy định của pháp luật.

3. Nội dung giám sát đầu tư của cộng đồng bao gồm:

a) Việc chấp hành quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng, đất đai, xử lý chất thải và bảo vệ môi trường;

b) Công tác đền bù, giải phóng mặt bằng và phương án tái định canh, định cư bảo đảm quyền lợi của Nhân dân;

c) Các chương trình, dự án sử dụng một phần vốn đóng góp của người dân;

d) Tình hình triển khai và tiến độ thực hiện các chương trình, dự án;

đ) Việc thực hiện công khai, minh bạch trong đầu tư công theo quy định tại Điều 15 của Luật này;

e) Phát hiện những việc làm tổn hại đến lợi ích của cộng đồng; những tác động tiêu cực của dự án đến môi trường sinh sống của cộng đồng trong quá trình thực hiện đầu tư và vận hành dự án; những việc làm gây lãng phí, thất thoát vốn, tài sản thuộc dự án.

Điều 79. Trình tự, thủ tục, quy trình giám sát đầu tư của cộng đồng

1. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì, phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội và các cơ quan liên quan thực hiện các nội dung sau đây:

a) Lập kế hoạch giám sát đầu tư của cộng đồng đối với chương trình, dự án hằng năm trên địa bàn theo các nội dung quy định tại khoản 3 Điều 78 của Luật này;

b) Thành lập Ban giám sát đầu tư của cộng đồng cho từng chương trình, dự án;

c) Thông báo cho chủ chương trình, chủ đầu tư và Ban quản lý chương trình, dự án về kế hoạch giám sát và thành phần Ban giám sát đầu tư của cộng đồng chậm nhất 45 ngày trước ngày thực hiện.

2. Chủ chương trình, chủ đầu tư và Ban quản lý chương trình, dự án có trách nhiệm:

a) Cung cấp đầy đủ, trung thực, kịp thời tài liệu liên quan đến việc triển khai thực hiện chương trình, dự án quy định tại khoản 2 Điều 78 của Luật này cho Ban giám sát đầu tư của cộng đồng;

b) Tạo điều kiện thuận lợi cho Ban giám sát đầu tư của cộng đồng thực hiện việc giám sát theo quy định của pháp luật;

c) Tiếp thu ý kiến giám sát và tăng cường các biện pháp thực hiện dự án.

Điều 80. Tổ chức thực hiện theo dõi, kiểm tra, đánh giá kế hoạch, chương trình, dự án

1. Chủ chương trình và chủ đầu tư chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện theo dõi, kiểm tra và đánh giá ban đầu, giữa kỳ và kết thúc chương trình, dự án.

2. Cơ quan chủ quản, người quyết định đầu tư và cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư công tổ chức thực hiện theo dõi, kiểm tra và đánh giá tác động, đánh giá đột xuất chương trình, dự án được giao quản lý.

3. Cơ quan, tổ chức thực hiện đánh giá tự đánh giá hoặc thuê chuyên gia, tổ chức tư vấn có đủ điều kiện, năng lực để đánh giá.

4. Chính phủ quy định chi tiết việc theo dõi, kiểm tra, đánh giá kế hoạch, chương trình, dự án và giám sát đầu tư của cộng đồng.

Chương VI

NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN, TRÁCH NHIỆM CỦA CƠ QUAN, TỔ CHỨC, CÁ NHÂN TRONG HOẠT ĐỘNG ĐẦU TƯ CÔNG

Điều 81. Nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội

1. Ban hành luật, nghị quyết về đầu tư công.

2. Quyết định chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia sử dụng vốn đầu tư công.

3. Quyết định và điều chỉnh tổng thể kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm.

4. Điều chỉnh tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia.

5. Giám sát việc thực hiện kế hoạch đầu tư công, chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia; giám sát việc thực hiện pháp luật về đầu tư công.

Điều 82. Nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

1. Ban hành nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước.

2. Quyết định điều chỉnh tiêu chí phân loại dự án đầu tư công quy định tại các điều 9, 10 và 11 của Luật này.

3. Quyết định điều chỉnh kế hoạch đầu tư công hằng năm vốn ngân sách trung ương giữa các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương trong trường hợp không thay đổi tổng mức vốn hằng năm đã được Quốc hội quyết định.

4. Quyết định bổ sung dự toán ngân sách nhà nước và phân bổ kế hoạch vốn đầu tư công hằng năm từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương cho các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương.

5. Quyết định phân bổ số vốn còn lại chưa phân bổ của kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương.

6. Quyết định việc phân bổ dự phòng chung kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương cho các nhiệm vụ, dự án, đối tượng đầu tư công khác khi bảo đảm nguồn vốn.

Điều 83. Nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ

1. Thống nhất quản lý nhà nước về đầu tư công.

2. Trình Quốc hội ban hành luật, nghị quyết; trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành pháp lệnh, nghị quyết về đầu tư công.

3. Ban hành văn bản pháp luật về quản lý đầu tư công theo thẩm quyền.

4. Quy định việc quản lý thực hiện nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư, nhiệm vụ quy hoạch và dự án đầu tư công không có cấu phần xây dựng; quy định việc quản lý thực hiện chương trình, dự án đầu tư công sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài.

5. Trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia.

6. Quyết định chủ trương đầu tư chương trình đầu tư công theo thẩm quyền quy định tại Luật này.

7. Lập và trình Quốc hội quyết định, điều chỉnh tổng thể kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm.

8. Lập và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công hằng năm trong trường hợp không thay đổi tổng mức vốn hằng năm đã được Quốc hội quyết định.

9. Tổ chức thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm. Quyết định phân bổ, giao dự toán chi tiết số vốn còn lại chưa phân bổ chi tiết của kế hoạch đầu tư công hằng năm vốn ngân sách trung ương.

10. Báo cáo Quốc hội về tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm, chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia.

11. Tổ chức kiểm tra, thanh tra việc thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm; kiểm tra thực hiện chương trình, dự án sử dụng vốn ngân sách trung ương, vốn từ nguồn thu hợp pháp của các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập dành để đầu tư, kiểm tra việc thực hiện các mục tiêu, chính sách đầu tư công của các địa phương.

Điều 84. Nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ tướng Chính phủ

1. Quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư dự án theo thẩm quyền quy định tại Luật này.

2. Giao kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm vốn ngân sách nhà nước, giao dự toán ngân sách nhà nước và kế hoạch vốn đầu tư công từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương cho các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương.

3. Quyết định giao một Ủy ban nhân dân cấp tỉnh là cơ quan chủ quản thực hiện dự án trên địa bàn từ 02 đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên.

4. Quyết định điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giữa các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương trong trường hợp không vượt tổng mức vốn trung hạn đã được Quốc hội quyết định.

5. Quyết định điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương trong nội bộ và giữa các ngành, lĩnh vực, chương trình của các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương trong tổng mức vốn trung hạn của từng Bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã được Quốc hội quyết định.

Điều 85. Nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về đầu tư công và có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

1. Ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản pháp luật liên quan đến đầu tư công, các nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ và sử dụng vốn đầu tư công;

2. Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ xác định vốn đầu tư ngân sách nhà nước chi cho đầu tư công của quốc gia theo từng ngành, lĩnh vực trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm;

3. Tổng hợp trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm của quốc gia; trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước;

4. Tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn của quốc gia; trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm của quốc gia theo thẩm quyền quy định tại Điều 71 của Luật này;

5. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn theo quy định tại Điều 36 của Luật này;

6. Trình cấp có thẩm quyền ban hành các quy định chung về quản lý các chương trình mục tiêu quốc gia; tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền quyết định, giao mục tiêu, nhiệm vụ, kế hoạch đầu tư công trung hạn, hằng năm nguồn ngân sách trung ương của các chương trình mục tiêu quốc gia;

7. Tổ chức thực hiện, theo dõi, kiểm tra, giám sát, đánh giá, thanh tra kế hoạch, chương trình, dự án và các nhiệm vụ quản lý nhà nước khác về đầu tư công.

Điều 86. Nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tài chính

1. Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Điều 85 của Luật này.

2. Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Chính phủ xác định vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước chi cho đầu tư công của quốc gia theo từng ngành, lĩnh vực trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm.

3. Chủ trì trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền quy định về quản lý, thanh toán, quyết toán dự án sử dụng vốn đầu tư công.

4. Báo cáo Chính phủ tình hình giải ngân, quyết toán chương trình, dự án.

Điều 87. Nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ, cơ quan trung ương

1. Thực hiện chức năng quản lý nhà nước về đầu tư công theo quy định của pháp luật.

2. Ban hành, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật.

3. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn các dự án theo quy định tại Điều 36 của Luật này.

4. Quyết định chủ trương đầu tư dự án theo quy định tại khoản 4 Điều 18 của Luật này và quyết định đầu tư dự án theo quy định tại khoản 2 Điều 38 của Luật này.

5. Tổ chức lập kế hoạch đầu tư công.

6. Theo dõi, đánh giá, giám sát, kiểm tra, thanh tra tình hình thực hiện kế hoạch, chương trình, dự án thuộc phạm vi quản lý.

7. Báo cáo tình hình và kết quả thực hiện kế hoạch, chương trình, dự án.

8. Phối hợp với Bộ, cơ quan trung ương và địa phương thực hiện kế hoạch, chương trình, dự án theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

Điều 88. Nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân các cấp

1. Quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án theo thẩm quyền quy định tại Luật này.

2. Xem xét, cho ý kiến về dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm của địa phương, bao gồm danh mục và mức vốn bố trí cho từng dự án sử dụng vốn ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu.

3. Quyết định kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm của địa phương, bao gồm danh mục và mức vốn bố trí cho từng dự án sử dụng vốn ngân sách địa phương.

4. Giám sát các dự án sử dụng vốn đầu tư công được giao cho địa phương quản lý, bao gồm vốn ngân sách trung ương, vốn ngân sách địa phương, vốn từ nguồn thu hợp pháp của các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập dành để đầu tư do địa phương quản lý.

Điều 89. Nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh

1. Thực hiện quản lý nhà nước về đầu tư công trên địa bàn theo quy định của pháp luật.

2. Trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh các nội dung sau đây:

a) Quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án theo thẩm quyền quy định của Luật này;

b) Xem xét, có ý kiến về chủ trương đầu tư dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ theo quy định của Luật này;

c) Xem xét, quyết định kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm theo danh mục và mức vốn bố trí cho từng dự án do địa phương quản lý.

3. Quyết định chủ trương đầu tư dự án thuộc thẩm quyền quản lý theo quy định tại Luật này, báo cáo Hội đồng nhân dân cấp tỉnh tại kỳ họp gần nhất.

4. Điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn đối với vốn ngân sách địa phương giữa các cơ quan, đơn vị được giao kế hoạch vốn do cấp mình quản lý trong trường hợp không vượt tổng mức vốn trung hạn đã được Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định, báo cáo Hội đồng nhân dân cùng cấp tại kỳ họp gần nhất.

5. Điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm đối với vốn ngân sách địa phương giữa các nhiệm vụ, dự án trong nội bộ cơ quan, đơn vị được giao kế hoạch vốn do cấp mình quản lý trong tổng mức vốn đã được Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định.

6. Tổ chức thực hiện và theo dõi, đánh giá, giám sát, kiểm tra, thanh tra tình hình thực hiện kế hoạch, chương trình, dự án thuộc phạm vi quản lý; phối hợp với Bộ, cơ quan trung ương tổ chức thực hiện, theo dõi, kiểm tra, đánh giá chương trình, dự án trên địa bàn tỉnh.

7. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

a) Quyết định đầu tư dự án theo thẩm quyền quy định tại Luật này;

b) Được ủy quyền cho cấp phó, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện hoặc người đứng đầu cơ quan chuyên môn quyết định đầu tư đối với dự án nhóm B, nhóm C thuộc cấp tỉnh quản lý;

c) Giao một Ủy ban nhân dân cấp huyện là cơ quan chủ quản thực hiện dự án trên địa bàn từ 02 đơn vị hành chính cấp huyện trở lên.

Điều 90. Nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã

1. Tổ chức lập kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm thuộc cấp mình quản lý.

2. Tổ chức thẩm định chương trình, dự án thuộc cấp mình quản lý.

3. Trình Hội đồng nhân dân cùng cấp các nội dung sau đây:

a) Quyết định chủ trương đầu tư chương trình đầu tư công sử dụng vốn ngân sách địa phương, bao gồm vốn bổ sung có mục tiêu từ ngân sách cấp trên;

b) Quyết định kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm vốn ngân sách địa phương do cấp mình quản lý.

4. Quyết định chủ trương đầu tư dự án thuộc thẩm quyền quản lý theo quy định tại Luật này, báo cáo Hội đồng nhân dân cùng cấp tại kỳ họp gần nhất.

5. Tổ chức thực hiện, theo dõi, đánh giá, kiểm tra, thanh tra kế hoạch, chương trình, dự án và các nhiệm vụ quản lý nhà nước khác về đầu tư công theo phân cấp quản lý; phối hợp với cơ quan, tổ chức có liên quan triển khai thực hiện, theo dõi, kiểm tra, đánh giá chương trình, dự án trên địa bàn.

6. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã quyết định đầu tư dự án theo thẩm quyền quy định tại Luật này.

Điều 91. Nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

1. Chủ trì tổ chức giám sát đầu tư của cộng đồng và phản biện xã hội đối với các chương trình, dự án theo quy định của Luật này, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và quy định khác của pháp luật có liên quan.

2. Tổ chức lấy ý kiến cộng đồng về chủ trương đầu tư các chương trình, dự án trên địa bàn theo quy định của Luật này và quy định của pháp luật về dân chủ ở cơ sở.

Điều 92. Quyền và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc đề xuất chủ trương đầu tư

1. Đề xuất chương trình, dự án phù hợp với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch có liên quan theo quy định của pháp luật về quy hoạch trong từng thời kỳ.

2. Bảo đảm huy động và cân đối được nguồn lực để thực hiện chương trình, dự án hoàn thành đúng tiến độ, thời gian quy định.

3. Đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định chủ trương đầu tư khi chương trình không trùng lặp với chương trình khác và với nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

4. Chịu trách nhiệm về thông tin, số liệu liên quan đến chương trình, dự án đề xuất.

Điều 93. Quyền và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến quyết định chủ trương đầu tư

1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân và người đứng đầu tổ chức quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án đáp ứng quy định của Luật này.

2. Trường hợp chương trình, dự án có thời gian thực hiện trong 02 kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn liên tiếp, ngoài quy định tại khoản 1 Điều này, cơ quan, tổ chức, cá nhân và người đứng đầu tổ chức quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án có trách nhiệm sau đây:

a) Quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án bảo đảm tổng số giá trị tổng mức đầu tư của các chương trình, dự án phải thực hiện trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn sau không vượt quá 20% số vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn trước theo từng nguồn vốn ngân sách trung ương và vốn ngân sách địa phương, trừ chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia, dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài và dự án sử dụng vốn từ nguồn thu hợp pháp của cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập dành để đầu tư;

b) Đối với chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia, thực hiện theo nghị quyết của Quốc hội. Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia trên cơ sở khả năng cân đối vốn, đánh giá tác động đến bội chi ngân sách nhà nước và bảo đảm an toàn nợ công;

c) Đối với dự án sử dụng vốn từ nguồn thu hợp pháp của cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện theo quy định của Chính phủ;

d) Đối với chương trình, dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài, cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án phải thực hiện trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn sau không vượt quá 20% tổng số vốn nước ngoài của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn trước của cả nước.

3. Trường hợp các chương trình, dự án thực hiện qua 02 kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn liên tiếp quy định tại điểm a, điểm d khoản 2 Điều này thực hiện vượt quá mức 20%, cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án báo cáo Thủ tướng Chính phủ đối với vốn ngân sách trung ương, báo cáo Hội đồng nhân dân các cấp đối với vốn ngân sách địa phương do cấp mình quản lý cho phép phê duyệt nhưng không vượt quá mức 50% tương ứng với quy định tại điểm a, điểm d khoản 2 Điều này.

Điều 94. Quyền và trách nhiệm của chủ chương trình, chủ đầu tư liên quan đến lập chương trình, dự án

1. Chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung của hồ sơ trình cấp có thẩm quyền thẩm định, thẩm tra, quyết định.

2. Cung cấp các tài liệu cần thiết cho các cơ quan thẩm định, thẩm tra chương trình, dự án.

3. Đề xuất các giải pháp huy động các nguồn vốn để thực hiện chương trình, dự án theo đúng tiến độ, thời gian quy định.

4. Chịu trách nhiệm trước pháp luật về lập chương trình, dự án.

Điều 95. Quyền và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân quyết định đầu tư chương trình, dự án

1. Quyết định đầu tư chương trình, dự án phù hợp với các nội dung về mục tiêu, địa điểm, cơ cấu nguồn vốn, tổng mức đầu tư tại chủ trương đầu tư đã được cấp có thẩm quyền quyết định, trừ nhiệm vụ, dự án không phải quyết định chủ trương đầu tư; phù hợp với khả năng cân đối vốn thuộc nguồn vốn cấp mình quản lý, theo đúng tiêu chuẩn áp dụng, quy chuẩn trong đầu tư và kết quả thẩm định.

2. Tổ chức thẩm định chương trình, dự án trước khi phê duyệt, bao gồm thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn.

3. Cân đối vốn để thanh toán các chi phí lập, thẩm định chương trình, dự án thuộc cấp mình quản lý.

4. Chỉ đạo chủ chương trình, chủ đầu tư thực hiện chương trình, dự án đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng trong phạm vi kế hoạch đầu tư được duyệt.

5. Quyết định việc điều chỉnh, tạm ngừng, hủy bỏ chương trình, dự án.

6. Tổ chức theo dõi, kiểm tra, đánh giá chương trình, dự án và hoạt động của chủ chương trình, chủ đầu tư trong quá trình thực hiện chương trình, dự án.

7. Chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi vi phạm quy định về thẩm quyền trong quá trình lựa chọn chủ chương trình, chủ đầu tư.

Điều 96. Quyền và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến tư vấn thiết kế chương trình, dự án

1. Tổ chức tư vấn thiết kế có quyền yêu cầu chủ chương trình, chủ đầu tư cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến việc thiết kế chương trình, dự án.

2. Thiết kế chương trình, dự án theo đúng quy chuẩn, tiêu chuẩn áp dụng, định mức và giải pháp kỹ thuật bảo đảm chất lượng; không được thiết kế vượt quá tiêu chuẩn áp dụng, quy chuẩn, định mức quy định.

3. Chịu trách nhiệm về kết quả thiết kế chương trình, dự án.

Điều 97. Quyền và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến thẩm định chương trình, dự án

1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến thẩm định chương trình, dự án thực hiện việc thẩm định theo quy định của pháp luật, chịu trách nhiệm về kết quả thẩm định và những kiến nghị của mình.

2. Việc thẩm định cần bảo đảm tính độc lập, trung thực, khách quan, tuân thủ quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Điều 98. Quyền và trách nhiệm của chủ chương trình, chủ đầu tư trong quản lý, thực hiện chương trình, dự án

1. Tổ chức quản lý, thực hiện chương trình, dự án bảo đảm đúng mục tiêu, tiến độ, chất lượng và hiệu quả của chương trình, dự án.

2. Báo cáo, cung cấp thông tin cho các cơ quan quản lý, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp về việc thực hiện chương trình, dự án theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Điều 99. Quyền và trách nhiệm của Ban quản lý chương trình, dự án

1. Đề xuất các phương án, giải pháp và tổ chức quản lý, thực hiện chương trình, dự án bảo đảm đúng mục tiêu, tiến độ, chất lượng theo ủy quyền của chủ chương trình, chủ đầu tư.

2. Báo cáo chủ chương trình, chủ đầu tư về tình hình triển khai thực hiện chương trình, dự án.

Điều 100. Quyền và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện theo dõi, đánh giá và kiểm tra kế hoạch, chương trình, dự án

1. Người đứng đầu Bộ, cơ quan trung ương và địa phương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã, chủ chương trình, chủ đầu tư chịu trách nhiệm về hậu quả do không tổ chức thực hiện theo dõi, đánh giá, kiểm tra kế hoạch, chương trình, dự án hoặc không báo cáo theo quy định.

2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân được giao nhiệm vụ thực hiện theo dõi, kiểm tra, đánh giá kế hoạch, chương trình, dự án phải chịu trách nhiệm về nội dung các báo cáo của mình.

3. Chủ chương trình, chủ đầu tư chịu trách nhiệm về nội dung báo cáo và chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật do báo cáo, cung cấp thông tin không chính xác về tình hình thực hiện đầu tư trong phạm vi quản lý.

Điều 101. Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về đầu tư công

1. Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về đầu tư công được xây dựng, triển khai thống nhất trên phạm vi cả nước phục vụ cho hoạt động quản lý nhà nước về đầu tư công, bao gồm việc tổng hợp, báo cáo, giao, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm; theo dõi, đánh giá chương trình, dự án đầu tư công; quản lý, lưu trữ, công khai dữ liệu theo quy định.

2. Trách nhiệm xây dựng, quản lý, triển khai và ứng dụng Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về đầu tư công được quy định như sau:

a) Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức xây dựng, quản lý, triển khai Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về đầu tư công;

b) Bộ, cơ quan trung ương và địa phương triển khai ứng dụng Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về đầu tư công trong phạm vi quản lý.

3. Thông tin, dữ liệu thuộc Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về đầu tư công là thông tin, dữ liệu gốc của các chương trình, dự án và kế hoạch đầu tư công.

4. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Chương VII

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 102. Hiệu lực thi hành

1. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2025.

2. Luật Đầu tư công số 39/2019/QH14 đã được sửa đổi, bổ sung theo Luật số 64/2020/QH14, Luật số 72/2020/QH14, Luật số 03/2022/QH15, Luật số 27/2023/QH15 và Luật số 38/2024/QH15 (sau đây gọi là Luật Đầu tư công số 39/2019/QH14) hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 103 của Luật này.

3. Đối với các địa phương thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù hoặc áp dụng mô hình chính quyền đô thị, thực hiện theo quy định của Luật này và Nghị quyết của Quốc hội. Trường hợp có quy định khác nhau giữa Luật này và Nghị quyết của Quốc hội về cùng một vấn đề thì việc áp dụng do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định.

4. Sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 4 Điều 67 của Luật Đất đai số 31/2024/QH15 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 43/2024/QH15 như sau:

“a) Đã có quyết định đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư công thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, người đứng đầu Bộ, cơ quan trung ương, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;”.

5. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức chính quyền địa phương số 77/2015/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 21/2017/QH14, Luật số 47/2019/QH14, Luật số 31/2024/QH15, Luật số 34/2024/QH15 và Luật số 43/2024/QH15 như sau:

a) Bổ sung khoản 9 vào sau khoản 8 Điều 21 như sau:

“9. Quyết định chủ trương đầu tư dự án theo quy định của pháp luật về đầu tư công.”;

b) Bổ sung khoản 7 vào sau khoản 6 Điều 28 như sau:

“7. Quyết định chủ trương đầu tư dự án theo quy định của pháp luật về đầu tư công.”;

c) Bổ sung khoản 4 vào sau khoản 3 Điều 35 như sau:

“4. Quyết định chủ trương đầu tư dự án theo quy định của pháp luật về đầu tư công.”;

d) Bổ sung khoản 6 vào sau khoản 5 Điều 49 như sau:

“6. Quyết định chủ trương đầu tư dự án theo quy định của pháp luật về đầu tư công.”;

đ) Bổ sung khoản 4 vào sau khoản 3 Điều 63 như sau:

“4. Quyết định chủ trương đầu tư dự án theo quy định của pháp luật về đầu tư công.”;

e) Bổ sung khoản 4 vào sau khoản 3 Điều 70 như sau:

“4. Quyết định chủ trương đầu tư dự án theo quy định của pháp luật về đầu tư công.”.

6. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thủ đô số 39/2024/QH15 như sau:

a) Sửa đổi điểm b khoản 2 Điều 37 như sau:

“b) Dự án đầu tư công, dự án PPP không giới hạn tổng mức vốn đầu tư công, trừ dự án quy định tại điểm a khoản này, dự án ảnh hưởng lớn đến môi trường hoặc tiềm ẩn khả năng ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội, dự án sản xuất chất độc hại, chất nổ thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ và các dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Ủy ban nhân dân Thành phố theo quy định của pháp luật về đầu tư công và đầu tư theo phương thức đối tác công tư.”;

b) Bỏ cụm từ “và điểm d” tại điểm a khoản 1 Điều 12;

c) Bãi bỏ điểm b khoản 5 Điều 9, điểm d khoản 3 Điều 11.

Điều 103. Quy định chuyển tiếp

1. Đối với chương trình, dự án đầu tư công đã được cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư trước ngày 01 tháng 01 năm 2015, đã được bố trí vốn nhưng chưa hoàn thành thì được tiếp tục thực hiện. Trường hợp điều chỉnh dự án thì thực hiện điều chỉnh dự án theo quy định của Luật này, không phải thực hiện việc quyết định hoặc điều chỉnh chủ trương đầu tư trước khi điều chỉnh dự án.

Đối với dự án đầu tư sử dụng vốn ODA không hoàn lại đã được cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành, trường hợp điều chỉnh dự án, người đứng đầu Bộ, cơ quan trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có quyền và chịu trách nhiệm điều chỉnh quyết định đầu tư, không phải thực hiện điều chỉnh chủ trương đầu tư.

2. Đối với các dự án đã được quyết định chủ trương đầu tư hoặc quyết định đầu tư trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành, việc phân loại dự án áp dụng theo quy định tại Luật Đầu tư công số 39/2019/QH14.

3. Chương trình, dự án đã hoàn thành thủ tục lập, thẩm định, đã trình cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư hoặc quyết định đầu tư trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành thì cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định theo quy định của Luật Đầu tư công số 39/2019/QH14.

4. Đối với trường hợp điều chỉnh chủ trương đầu tư các dự án đã được quyết định chủ trương đầu tư trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành, cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư theo phân cấp tại Luật này quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án và chịu trách nhiệm về quyết định của mình, dự án quan trọng quốc gia đã được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư thì Quốc hội quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án.

5. Đối với các dự án đã được Thủ tướng Chính phủ hoặc Hội đồng nhân dân cấp tỉnh gia hạn thời gian bố trí vốn thực hiện dự án trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành mà phải tiếp tục gia hạn thì thực hiện theo quy định tại điểm d khoản 3 Điều 57 của Luật này.

6. Chỉ bố trí vốn kế hoạch đầu tư công để thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản phát sinh trước ngày 01 tháng 01 năm 2015.

Chính phủ rà soát nợ đọng xây dựng cơ bản theo quy định của Luật Đầu tư công số 39/2019/QH14, báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định.

Luật này được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 29 tháng 11 năm 2024.

CHỦ TỊCH QUỐC HỘI




Trần Thanh Mẫn

THE NATIONAL ASSEMBLY OF VIETNAM
--------

THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIET NAM
Independence-Freedom-Happiness
-----------------

No. 58/2024/QH15

Hanoi, November 29, 2024

LAW

ON PUBLIC INVESTMENT

Pursuant to the Constitution of the Socialist Republic of Vietnam;

The National Assembly hereby promulgates the Law on Public Investment.

Chapter I

GENERAL PROVISIONS

Article 1. Scope

This Law provides for state management of public investment; management and use of public investment capital; rights, obligations and responsibilities of regulatory authorities, affiliates, organizations and persons involved in public investment activities.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



This Law applies to regulatory authorities, affiliates, organizations and persons involved in or related to public investment, management and use of public investment capital.

Article 3. Application of Law on Public Investment, international treaties and agreements

1. Management and use of public investment capital and public investment activities shall have to comply with provisions laid down herein and other provisions of relevant law.

2. If there is any difference between provisions of this Law and those of international treaties of which the Socialist Republic of Vietnam is a member state, the latter shall prevail.

3. Public investment programs and projects in foreign countries must be implemented in accordance with provisions of international treaties of which the Socialist Republic of Vietnam is a member state or international agreements between Vietnam and foreign parties.

4. Management and use of state-owned funds invested in enterprises shall be subject to provisions of law on management and use of state capital invested in production and business activities of enterprises.

Article 4. Definitions

For the purposes of this Law, terms used herein shall be construed as follows:

1. “investment policy proposal report” refers to a document presenting a preliminary study’s contents, including necessity, feasibility, efficiency, intended capital sources and estimated capital amounts of a public investment program, or a group-B or group-C investment project, as a basis for a competent authority to make its decision on that investment policy.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



3. “feasibility study report” refers to a document presenting a study’s contents, including necessity, feasibility, efficiency, capital sources and capital amounts of a public investment program or project, as a basis for a competent authority to make its investment decision.

4. “Ministries, central and local authorities” refers to regulatory authorities or organizations to whom planned public investment tasks are assigned by the Prime Minister, including:

a) Central authorities affiliated to political organizations, Supreme People’s Procuracy, Supreme People’s Court, State Audit Office, Office of the CPV Central Committee, Office of the President, Office of the National Assembly, Ministries, ministerial agencies, Governmental agencies, and central authorities of Vietnam Fatherland Front and socio-political organizations (hereinafter referred to as “Ministries and/or central authorities”);

b) Provincial-level People’s Committees;

c) State-owned enterprises, other agencies, organizations and enterprises to whom public investment projects or tasks are assigned in writing by competent authorities.

5. “public investment programs/projects using ODA funds and/or foreign concessional loans” includes public investment programs, investment projects and projects on technical assistance for preparation of investment projects that use ODA funds and/or foreign concessional loans.

6. “program owner” refers to an agency or organization assigned to preside over management of a public investment program.

7. “project owner” refers to an agency or organization assigned to directly manage a public investment project.

8. “investment policy” refers to a competent authority’s decision concerning major contents of an investment program or project, serving as a basis to issue, submit and approve a decision on investment in that investment program or project, or a decision on approval of a feasibility study report of a public investment project.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



10. “national target program” refers to a public investment program designed to pursue socio-economic objectives in specific stages on a nationwide scale.

11. “governing body” refers to a Ministry, central or local authority that is prescribed in clause 4 of this Article and in charge of an investment program or project.

12. “specialized agency in charge of public investment” refers to an affiliated unit of the Ministry of Planning and Investment of Vietnam that performs the function of public investment management; an affiliated unit of a Ministry, central or local authority, or a public service unit, that is assigned to take charge of public investment management.

13. “state regulatory authority in charge of public investment” includes the Government, the Ministry of Planning and Investment of Vietnam, and People's Committees at all levels.

14. “public investment project” refers to a project using all or part of public investment capital.

15. “urgent public investment project” refers to a public investment project executed under the decision of a competent authority to promptly prevent, control and mitigate consequences of acts of God, disasters or epidemics, or to perform an urgent task to ensure national defense, security and external relations or a national political task.

16. ”public investment” refers to the State’s investment in programs, tasks, projects and others classified as public investment objects as provided for herein.

17. “proposal for programs/projects using ODA funds and/or foreign concessional loans” refers to a written explanatory report on the necessity of making investment, relevant to the orientations of attracting, managing and using ODA funds and foreign concessional loans over periods of time, estimated structure of capital sources, donor(s) and domestic financial mechanism, as a basis for a competent authority to give its approval.

18.”public investment activities” include formulation, appraisal of and making of decision on an investment policy or decision on investment in a public program, project or task; formulation, appraisal, approval, assignment and implementation of a public investment plan; management and use of public investment capital; commissioning and transfer of a program and preparation of final accounts of a public investment project; monitoring, assessment, examination and inspection of a public investment plan, program, task or project.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



20. “investment preparatory tasks” encompasses formulation of proposal for a project using ODA funds and/or foreign concessional loans; formulation, appraisal of and making of decision on an investment policy; formulation, appraisal of and making of decision on investment in a project.

21. “planning tasks” refers to activities to be performed to formulate and announce a planning and adjustments thereto in accordance with provisions of the Law on Planning.

22. “outstanding debts accruing from capital construction” refers to the post-commissioning value of items that constitute a program, task or project but is not yet included by a competent authority in a medium-term public investment plan, except urgent public investment projects.

23. “decentralization of state regulatory authority over public investment” refers to an act of determining rights and responsibilities of agencies, organizations and persons having competence in performing public investment activities.

24. “public investment capital” comprises state budget funds for public investment; legitimate revenues that are earned by state regulatory authorities and public service units and retained for investment purposes in accordance with regulations of law.

25. “central budget-derived capital” refers to an amount of funding derived from the central budget for covering public investment expenditures in accordance with the Law on State Budget.

26. “local budget-derived capital” refers to an amount of funding derived from a local budget for covering public investment expenditures in accordance with the Law on State Budget.

27. “dedicated additional funding transferred from the central budget to the local budget” refers to an amount of additional funding that is transferred from the central budget to the local budget to make investment in public investment programs, tasks, projects and other objects of public investment listed in their respective tasks decided by a competent authority.

Article 5. Public investment objects

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



2. Investment in giving support to activities of state regulatory authorities, public service units, political organizations and socio-political organizations.

3. Investment in and support given to investments in provision of public utility and social welfare products and services.

4. Investment of the State in participation in implementing projects in the public-private partnership form (PPP projects) in accordance with regulations of law on investment in public-private partnership form; compensation and termination of PPP projects before their expiry shall be subject to the decision of competent authorities; the responsibility to compensate for reduced revenues of PPP projects shall be burdened on the State; payments are made in cash under project contracts which are prepared in the form of a Build - Transfer contract (BT contract).

5. Investment in performing planning tasks.

6. Investment in granting subsidies to offset preferential lending interest rates and management fees; making contribution to the charter capital of policy banks and state off-budget financial funds; providing investment support for other policy beneficiaries under decisions of the Government or the Prime Minister.

The Government shall promulgate regulations on procedures for making the investments specified in this clause.

7. Allocation of local budget-derived funding for implementing preferential credit policies through branches of Vietnam Bank for Social Policies (VBSP) in provinces and central-affiliated cities.

The Government shall promulgate regulations on conditions, criteria and principles for allocation of trusted funds for implementing preferential credit policies through VBSP.

Provincial-level People’s Councils shall decide specific mechanisms and policies to be adopted and allocation of local budget-derived funding for implementing these policies. Provincial-level People’s Committees shall entrust local budget-derived funding for implementing preferential credit policies according to decisions of Provincial-level People’s Councils.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



Article 6. Classification of public investment projects

1. Public investment projects can be classified by their characteristics as follows:

a) Projects with construction components that are projects using public investment capital for new construction, renovation, upgradation and expansion of existing investment projects, including purchase of project-controlled assets and equipment;

b) Projects without construction components that are projects using public investment capital for purchasing assets, acquiring transferred land use rights, procuring, repairing and upgrading equipment, machinery and projects other than those specified in point a of this clause;

c) In case funding other than that included in public investment plans is used for performing tasks, the projects in points a and b of this clause shall be executed in accordance with regulations of law on state budget and other relevant laws.

2. Public investment projects may be classified by their level of significance and scale as follows:

a) Projects of national significance, group-A, group-B and group-C projects which must meet the corresponding criteria referred to in Article 8, 9, 10 and 11 herein;

b) When approving investment policies of projects of national significance, group-A, group-B and group-C projects, competent authorities may decide whether compensation, support, residential resettlement and site clearance tasks in these projects should be divided into independent projects.

The time of executing an independent constituent project on compensation, support, residential resettlement and site clearance is included in total length of time of allocation of capital for project execution prescribed in Article 57 herein;

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



d) A project that does not meet the criteria set out in Articles 8, 9, 10 and 11 herein shall be classified by its total investment as prescribed in clause 5 Article 9, clause 4 Article 10 and clause 4 Article 11 herein;

dd) The Government shall elaborate the classification of public investment projects prescribed in Articles 9, 10 and 11 herein.

Article 7. Industries, sectors using public investment capital

1. Industries, sectors using public investment capital include:

a) National defense;

b) Public security, social order and safety;

c) Education, training and vocational education;

d) Science and technology;

dd) Healthcare, population and family;

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



g) Radio, television and news broadcasting;

h) Sports and physical activities;

i) Environmental protection;

k) Economic activities;

l) Activities of state regulatory authorities, public service units, political organizations and socio-political organizations;

m) Social security;

n) Other industries, sectors as prescribed in laws.

2. The Government shall elaborate on this Article.

Article 8. Criteria for classification of projects of national significance

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



1. Using public investment capital worth VND 30.000 billion or above;

2. Having substantial environmental impacts or posing potential risks in making serious environmental impacts, including the following projects:

a) Nuclear power plants;

b) Projects that require repurposing of land of special-use forests of at least 50 hectares; of headwater protection forests or border protection forests of at least 50 hectares; of sand-fixing and windbreak coastal forests or protection forests for wave prevention of at least 500 hectares; of production forests of at least 1.000 hectares;

3. Using land subject to the requirement for repurposing from arable land for growing wet rice during at least two cropping seasons which covers an area of at least 500 hectares;

4. Moving and resettling at least 20.000 inhabitants in mountainous areas or at least 50.000 inhabitants in other regions;

5. Requiring special legal frameworks or policies subject to the National Assembly's decisions.

Article 9. Criteria for classification of group-A projects

Except projects of national significance specified in Article 8 herein, any project that meets one of the following criteria shall be classified as a group-A project:

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



a) Project on manufacture of hazardous substances and explosives, except those projects on manufacture of hazardous substances and explosives concerning national defense and security;

b) Projects on construction of infrastructure of industrial parks, export processing zones and hi-tech parks;

2. A project with total investment worth VND 4.600 billion or greater in the following sectors:

a) Transport, including bridges, seaports, inland ports, airports, railways and national highways;

b) Electric power industry;

c) Oil and gas production;

d) Chemical, fertilizer and cement production;

dd) Machine manufacturing and metallurgy;

e) Mining and mineral processing;

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



3. A project with total investment worth VND 3.000 billion or greater in the following sectors:

a) Transport, except those projects specified in point a clause 2 of this Article;

b) Irrigation, disaster preparedness and control;

c) Water supply and drainage, waste treatment and construction of other technical infrastructure facilities;

d) Electrical engineering;

dd) Production of communication and electronic equipment;

e) Pharmaceutical chemistry;

g) Production of materials, except those projects specified in point d clause 2 of this Article;

h) Mechanical engineering works, except those projects specified in point dd clause 2 of this Article;

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



4. A project with total investment worth VND 2.000 billion or greater in the following sectors:

a) Agricultural, forestry, salt and aquacultural production;

b) National parks and nature reserves;

c) Technical infrastructure of new urban zones;

d) Industry, except for those projects in the industrial sectors specified in clauses 1, 2 and 3 of this Article;

5. A project with total investment worth VND 1.600 billion or greater in the following sectors:

a) Healthcare, culture, society, information and education;

b) Scientific research, environment, information technology, radio and television broadcasting, finance, banking;

c) Treasure;

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



dd) Civil construction, except construction of residential buildings specified in point g clause 2 of this Article;

e) Projects developed in the national defense and security sector, except those projects specified in clauses 1, 2, 3 and 4 of this Article.

Article 10. Criteria for classification of group-B projects

1. Those projects in the sectors specified in clause 2 Article 9 herein with the total investment worth from VND 240 billion to less than VND 4.600 billion.

2. Those projects in the sectors specified in clause 3 Article 9 herein with the total investment worth from VND 160 billion to less than VND 3.000 billion.

3. Those projects in the sectors specified in clause 4 Article 9 herein with the total investment worth from VND 120 billion to less than VND 2.000 billion.

4. Those projects in the sectors specified in clause 5 Article 9 herein with the total investment worth from VND 90 billion to less than VND 1.600 billion.

Article 11. Criteria for classification of group-C projects

1. Those projects in the sectors specified in clause 2 Article 9 herein with total investment worth less than 240 billion.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



3. Those projects in the sectors specified in clause 4 Article 9 herein with total investment worth less than 120 billion.

4. Those projects in the sectors specified in clause 5 Article 9 herein with total investment worth less than 90 billion.

Article 12. Modification of criteria for classification of public investment projects

1. The National Assembly of Vietnam shall have authority to make its decision on modification of criteria for classification of projects of national significance referred to in Article 8 herein.

2. The Government of Vietnam shall be charged with petitioning the Standing Committee of National Assembly to seek its decision on modification of criteria for classification of public investment projects prescribed in Articles 9, 10 and 11 herein and reporting to the National Assembly of Vietnam in the upcoming meeting session.

3. Criteria for classification of public investment projects specified in clauses 1 and 2 of this Article may be modified in the event that the price index has varied critically or there is a major adjustment in decentralization of public investment management powers related to criteria for classification of public investment projects or existence of other important elements affects criteria for classification of public investment projects.

Article 13. Public investment management principles

1. Comply with regulations of law on public investment.

2. Conform to the national socio-economic development strategy, the national socio-economic development plan during the 05-year period and other relevant plannings prescribed in the Law on Planning.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



4. Manage the use of public investment capital classified by specific funding sources in accordance with regulations; ensure that investment is made on a concentrated and consistent manner, meets required quality standards, is economical and effective, and ensures capability of balancing resources; avoid any waste and loss.

5. Ensure transparency and public disclosure of public investment activities.

Article 14. Tasks involved in state management of public investment

1. Promulgate and direct implementation of legislative documents on public investment.

2. Design and lead the implementation of public investment strategies, programs, plans, solutions and policies.

3. Monitor and provide information about management and use of public investment capital.

4. Assess effectiveness of public investment; check, inspect and oversee compliance with laws on public investment and conformance to public investment plans.

5. Impose sanctions for violations against law, handle complaints and denunciations of organizations and persons involved in public investment activities.

6. Offer rewards to agencies, organizations and persons who have delivered good performance of public investment activities.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



Article 15. Transparency and public disclosure of public investment activities

1. Public investment information that must be made publicly available and transparent, including:

a) Regulatory framework, laws and conduct of implementation of laws and policies during the period of management and use of public investment capital;

b) Principles, criteria and norms for allocation of public investment capital;

c) Principles, criteria and bases for compiling the portfolio of investment projects in the medium-term and annual public investment plans;

d) Public investment plans and programs to be developed at localities; funding for each program in specific years and progress of implementation and disbursement of funds for public investment programs;

dd) Portfolio of investment projects to be developed at localities, including scale, total investment, time and location; report on assessment of overall impacts of each investment project on receiving localities;

e) Plan for distribution of medium-term and annual public investment capital, including the portfolio and public investment capital amounts allocated to specific investment projects;

g) Current situations of mobilization of resources and other funding sources used as capital participation in implementation of public investment projects;

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



i) Implementation and fund disbursement progress;

k) Results of acceptance testing and assessment of public investment programs and projects;

l) Final accounts of public investment capital.

2. Heads of regulatory authorities, organizations and affiliates thereof must make public disclosure of such public investment information in accordance with laws.

Article 16. Costs of design, appraisal, monitoring, examination and assessment of public investment plans, programs, tasks and projects

1. Costs of preparation and appraisal of an investment policy proposal report for a public investment program shall be covered by funding for covering current expenditures of agencies and units assigned to carry out these tasks.

2. Costs of investment preparatory tasks shall be covered by public investment capital source, state budget-derived funding for current expenditures, and other lawful funding sources, and included in total investment of the project.

In case a competent authority refuses to issue an investment policy decision or investment decision to the project, costs of performance of investment preparatory tasks shall be recorded and included in final accounts in accordance with the Government’s regulations.

3. Costs of formulation and appraisal of a public investment plan shall be covered by funding for current expenditures of agencies and units in charge of formulating and appraising that public investment plan.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



5. As for programs or projects using ODA funds and foreign concessional loans, these donors shall be encouraged to give financial support to pay the costs specified in this Article.

Article 17. Prohibited acts of public investment

1. Issuing decisions on investment policies or adjustments thereto that are not conformable to public investment strategies, plans and programs; in which funding sources and capital balancing capability are not defined; ultra vires or in breach of legally required processes and procedures.

2. Issuing decisions on investment in programs or projects without obtaining the competent authority’s decisions on investment policies as prescribed; issuing decisions on investment or adjustments to programs or projects ultra vires or in breach of requirements concerning objectives, locations or in excess of public investment capital, public investment capital derived from superior budget, or total investment specified in investment policies decided by competent authorities. Issuing decisions on adjustment in the total investment in public investment programs or projects in violation of regulations enshrined in law.

3. Abusing assigned titles and powers to appropriate, make personal gain from and commit corrupt acts while managing and using public investment capital.

4. Program or project owners collude with consulting organizations and contractors in issuing decisions on investment policies and decisions on public investment programs or projects that result in any loss or waste of state capital, property and national resources, and/or harms or infringement on legitimate interests of single citizens and the public.

5. Giving, taking bribes and acting as kickback brokers.

6. Requesting organizations and persons to put investment at their own expense when public investment programs or projects have not yet obtained decisions on investment policies or investment decisions; executing projects before receiving assigned tasks of public investment plans resulting in outstanding debts accruing from capital construction.

7. Using public investment capital for wrongful purposes, to serve incorrect beneficiaries, or in excess of standards and limits prescribed in law.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



9. Deliberately reporting and providing incorrect, untrue and impartial information that may affect formulation, appraisal and making of decision on public investment plans, programs and projects, and monitoring, assessing, examining, inspecting and imposing sanctions for any violation arising from implementation of public investment plans, programs, tasks and projects.

10. Deliberately damaging, lying about, concealing or storing an inadequate number of documents and evidences relating to decisions on investment policies, investment decisions and implementation of public investment programs, tasks and projects.

11. Hindering discovery of any violation against law on public investment.

Chapter II

INVESTMENT POLICIES AND DECISIONS ON INVESTMENT IN PUBLIC INVESTMENT PROGRAMS AND PROJECTS

Section 1. FORMULATION, APPRAISAL AND MAKING OF DECISION ON INVESTMENT POLICIES

Article 18. Authority to issue decisions on investment policies for programs and projects

1. The National Assembly of Vietnam shall be vested with authority to issue decisions on investment policies for the following programs and projects:

a) National target programs;

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



2. The Government shall be vested with authority to issue decisions on investment policies for public investment programs funded by the central budget, except those specified in point a clause 1 of this Article.

3. The Prime Minister of Vietnam shall be vested with authority to issue decisions on investment policies for the following projects:

a) Those projects specified in point a clause 1 Article 9 of this Law;

b) Group-A projects with total investment of at least VND 10.000 under the jurisdiction of Ministries or central authorities.

4. Ministers and Heads of central authorities shall be vested with authority to issue decisions on investment policies for group-A, group-B and group-C projects under their jurisdiction, except those projects specified in clause 3 of this Article.

5. Provincial-level People’s Councils shall be vested with authority to issue decisions on investment policies for the following programs and projects:

a) Public investment programs funded by the local budget, including dedicated additional funding transferred from the central budget and local budget’s legitimate funding sources under their jurisdiction;

b) Group-A projects funded by local budgets at all levels, including dedicated additional funding transferred from the central budget and local budget’s legitimate funding sources, in their provinces; a group-A project involving at least 02 provincial-level administrative divisions over which the Provincial-level People’s Committee is assigned to act as the governing body according to a decision of the Prime Minister, except those projects specified in clause 3 of this Article.

6. District-level People’s Councils shall be vested with authority to issue decisions on investment policies for public investment programs funded by the local budget, including dedicated additional funding transferred from the superior budget and local budget’s legitimate funding sources under their jurisdiction.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



a) Group-B and group-C projects funded by the local budget, including dedicated additional funding transferred from the superior budget and local budget’s legitimate funding sources under their jurisdiction;

b) A group-B or group-C project involving at least 02 provincial-level administrative divisions over which the Provincial-level People’s Committee is assigned to act as the governing body according to a decision of the Prime Minister;

c) Group-B and group-C projects using ODA funds and/or foreign concessional loans.

8. District-level People’s Committees shall be vested with authority to issue decisions on investment policies for the following projects:

a) Group-B and group-C projects funded by the local budget, including dedicated additional funding transferred from the superior budget and local budget’s legitimate funding sources under their jurisdiction;

b) A group-B or group-C project involving at least 02 district-level administrative divisions over which the district-level People’s Committee is assigned to act as the governing body by Chairperson of the Provincial-level People’s Committee; a group-B or group-C project involving at least 02 commune-level administrative divisions;

c) The projects specified in clause 9 of this Article, as requested by Commune-level People’s Committees.

9. Commune-level People’s Committees shall be vested with authority to issue decisions on investment policies for Group-B and group-C projects funded by the local budget, including dedicated additional funding transferred from the superior budget and local budget’s legitimate funding sources under their jurisdiction; In case the Commune-level People’s Committees are found themselves to be professionally incapable of managing and executing projects, they shall submit reports to District-level People’s Committees for issuing decisions on investment policies for Group-B and group-C projects under their jurisdiction.

10. Boards of Members or Company Presidents or Boards of Directors of state-owned enterprises shall be vested with authority to issue decisions on investment policies for group-A, group-B and group-C projects in which they are assigned to make investment according to decisions of the Prime Minister, except those projects specified in clause 3 of this Article.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



12. The Government shall provide regulations on the following matters:

a) Power decentralization, procedures and processes for making decisions on investment policies for public investment programs or projects using legitimate revenues that are earned by state regulatory authorities and public service units and retained for investment purposes in compliance with regulations on financial autonomy of agencies and units.

In case where those public investment programs or projects specified in this clause are funded by state budget, authority, procedures and processes for making decisions on these programs or projects shall be subject to provisions laid down herein;

b) Procedures and processes for making decisions on investment policies for projects funded by local budgets and executed by central authorities; procedures and processes for making decisions on investment policies for projects funded by district- or commune-level budgets and executed by provincial- or district-level authorities;

c) Documentation requirements for, contents and time of appraisal and making of decisions on investment policies for public investment programs and projects.

Article 19. Requirements for granting decisions on investment policies for public investment programs and projects

1. Conform to relevant socio-economic development strategies, orientations and plans, and relevant plannings in accordance with law on planning that have already obtained decisions or approval from competent authorities.

2. Avoid overlapping between public investment programs and projects already obtaining investment policy decisions or investment decisions.

3. Meet the capacity for balancing public investment capital and channeling other funding sources for use in public investment programs and projects using multiple sources of funding.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



5. Ensure socio-economic efficiency, national defense and sustainable development.

6. Tasks and projects exempted from the investment policy decision requirement include:

a) Investment preparatory tasks;

b) Planning tasks;

c) Urgent public investment projects;

d) Public investment projects belonging to national target programs;

dd) Constituent projects belonging to those projects already obtaining the competent authority’s investment policy decisions;

e) Investment projects using ODA grants, ODA grants-funded projects on technical assistance for making preparations for investment projects.

Article 20. Procedures and processes for granting decisions on investment policies for national target programs and projects of national significance

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



a) Assign their affiliated units to prepare investment policy proposal reports for national target programs and pre-feasibility study reports for projects of national significance;

b) Establish a council to appraise investment policy proposal reports and pre-feasibility study reports;

c) Completely prepare investment policy proposal reports and pre-feasibility study reports for submission to the Prime Minister.

2. The Prime Minister may establish the State Appraisal Council chaired by the Minister of Planning and Investment of Vietnam and tasked with appraising investment policy proposal reports for national target programs and prefeasibility study reports for projects of national significance.

3. The Government shall seek the National Assembly’s decision on investment policies for national target programs and projects of national significance.

4. The National Assembly’s competent agency shall evaluate documents on national target programs and projects of national significance proposed by the Government.

5. The National Assembly shall consider adopting resolutions on investment policies for national target programs and projects of national significance with the following primary contents:

a) For national target programs: objectives, scope, total investment, location, implementation time, mechanisms, solutions and policies for implementing the program.

b) For projects of national significance: objectives, scope, total investment, main technology (if any), location, implementation time, mechanisms, solutions and policies for implementing the project.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



1. Government’s report.

2. Investment policy proposal report for national target programs and pre-feasibility study report for projects of national significance.

3. Appraisal report of the State Appraisal Council.

4. Other relevant documents.

Article 22. Procedures for and subject matters of evaluation of investment policies for national target programs and projects of national significance

1. Evaluation procedures shall be regulated as follows:

a) At least 60 days prior to the date of opening of a National Assembly's meeting, the Government sends documents on decisions on investment policies for national target programs and projects of national significance to the body presiding over evaluation;

b) The body presiding over evaluation has the right to request the Government and other related agencies, organizations and persons to report on issues pertaining to national target programs and projects of national significance; carry out the field survey of issues related to national target programs and projects of national significance;

c) Agencies, organizations and person requested to carry out evaluation by the presiding body are responsible for fully providing all information and documents required for the evaluation.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



a) Satisfaction of criteria for identification of national target programs and projects of national significance;

b) Necessity of investing in public investment program or project;

c) Compliance with regulations of law;

d) Relevance to related socio-economic development strategies, orientations, plans and other relevant plannings in accordance with law on planning;

dd) Basic parameters of public investment program or project, including objectives, scale, investment form, scope, location and area of land to be used, timelength and schedule of implementation, alternatives for selecting main technologies, environmental protection approaches, funding sources, capital recovery and debt repayment capability;

e) Assessment of socio-economic efficiency and maintenance of national defense and sustainable development;

g) Assessment of level of risk that an outward investment project of national significance may run in a host country.

Article 23. Procedures and processes for granting decisions on investment policies for public investment programs under Government’s jurisdiction

1. A program owner shall have the following responsibilities:

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



b) Authorize a competent entity to carry out the appraisal or establish a Council to appraise the investment policy proposal report;

c) Completely prepare the investment policy proposal report for submission to the Prime Minister.

2. The Prime Minister of Vietnam may establish an interagency Council or authorize the Ministry of Planning and Investment of Vietnam to preside over or cooperate with related agencies in appraising the investment policy proposal report.

3. The program owner prepares a complete investment policy proposal report according to appraisal opinions received as prescribed in clause 2 of this Article for submission to the Government.

4. The Government reviews inclusions in the report before issuing its decision on investment policy for the public investment program, including objectives, scope, total investment capital, timelength, mechanism and solutions as well as policies for implementation of the intended program.

Article 24. Procedures and processes for granting decisions on investment policies for group-A projects under Prime Minister's jurisdiction

1. Ministers and Heads of central and local authorities shall have the following responsibilities:

a) Authorize their specialized agencies or affiliated units, including affiliated public service units, to prepare pre-feasibility study reports;

b) Authorize competent agencies or units to carry out the appraisal or establish a Council to appraise pre-feasibility study reports;

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



2. The Prime Minister shall be accorded authority to make a decision on establishment of an Interagency Appraisal Council or mandate an agency to take charge of the appraisal of pre-feasibility study reports as a basis to issue a decision on the investment policy for the intended project.

The Interagency Appraisal Council or the agency in charge of appraisal may invite any qualified or experienced organization or individual to join in the appraisal of pre-feasibility study reports or may request the project owner to designate any qualified and experienced organization or individual to join in the appraisal of pre-feasibility study reports.

3. The Ministry of Planning and Investment of Vietnam shall be vested with authority to preside over the appraisal of funding sources and capacity for balancing funds and file results of such appraisal to the Interagency Appraisal Council or the agency in charge of appraisal.

4. The Interagency Appraisal Council or the agency in charge of appraisal that is stated in clause 2 of this Article shall submit appraisal opinions to Ministries, central and local authorities so that they prepare complete pre-feasibility study reports for submission to the Prime Minister.

5. The Prime Minister shall be vested with authority to issue an investment policy decision, which includes such contents as investment objectives, scale, total investment, structure of funding sources, location, and implementation timelength.

Article 25. Procedures and processes for granting decisions on investment policies for group-A projects under jurisdiction of provincial-level People’s Councils

1. Chairperson of each provincial-level People’s Committee shall assume the following responsibilities:

a) Authorize their affiliated units, including affiliated public service units and district-level People’s Committees, to prepare pre-feasibility study reports;

b) Establish an Appraisal Council composed of the Chairperson or Vice-Chairperson of the provincial-level People's Committee as the Council’s Chair, the specialized agency in charge of public investment at the provincial level as the Council’s standing commissioner, and related agencies as the Council’s members, in order to carry out the appraisal of pre-feasibility study reports, funding sources and capital balancing capacity;

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



2. Provincial-level People’s Committees shall petition same-level People’s Councils to consider granting decisions on investment policies for projects under their jurisdiction, including such contents as investment objectives, scale, total investment, structure of funding sources, location, implementation timelength, and capital allocation plan.

Article 26. Procedures and processes for granting decisions on investment policies for group-A, group-B and group-C projects under jurisdiction of Ministers or heads of central authorities

1. Ministers and heads of central authorities shall have the following responsibilities:

a) Authorize their affiliated units, including affiliated public service units, to prepare pre-feasibility study reports, investment policy proposal reports;

b) Establish Appraisal Councils or authorize competent units to carry out appraisal of pre-feasibility study reports, investment policy proposal reports, funding sources and capital balancing capacity;

c) Direct the units mentioned in point a of this clause to prepare complete pre-feasibility study reports, investment policy proposal reports based on appraisal opinions.

2. Ministers and heads of central authorities shall issue investment policy decisions, including such contents as investment objectives, scale, total investment, structure of funding sources, location, implementation timelength, and capital allocation plan.

Article 27. Procedures and processes for granting decisions on investment policies for public investment programs under jurisdiction of local governments

1. Chairpersons of all-level People’s Committees shall assume the following responsibilities:

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



b) Establish Appraisal Councils or authorize competent units to carry out appraisal of investment policy proposal reports, funding sources and capital balancing capacity with respect to public investment programs under their respective jurisdiction;

c) Direct the units mentioned in point a of this clause to prepare complete investment policy proposal reports based on appraisal opinions.

2. People’s Committees petition same-level People’s Councils to consider granting decisions on investment policies for public investment programs, including such contents as investment objectives, scale, total investment capital, structure of funding sources, location, implementation timelength, capital allocation plan, and mechanisms, solutions and policies for implementation.

Article 28. Procedures and processes for granting decisions on investment policies for group-B and group-C projects under jurisdiction of all-level People’s Committees

1. Chairpersons of all-level People’s Committees shall assume the following responsibilities:

a) Authorize their affiliated units, including affiliated public service units (if any) or People’s Committees at the inferior level, to organize preparation of investment policy proposal reports;

b) Establish Appraisal Councils or authorize competent units to carry out appraisal of investment policy proposal reports in respect of projects under their respective jurisdiction;

c) Direct the units mentioned in point a of this clause to prepare complete investment policy proposal reports based on appraisal opinions.

2. All-level People’s Committees shall consider granting decisions on investment policies for projects under their jurisdiction, including such contents as investment objectives, scale, total investment, structure of funding sources, location, and implementation timelength.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



1. Based on the Prime Minister’s document authorizing the state-owned enterprise to act as the governing body of the project, the Board of Members or Company President or Board of Directors of the state-owned enterprise shall assume the following responsibilities:

a) Authorize its affiliated unit to prepare pre-feasibility study report, investment policy proposal report;

b) Establish an Appraisal Council or authorize a competent unit to carry out appraisal of pre-feasibility study report, investment policy proposal report;

c) Direct the units mentioned in point a of this clause to prepare a complete pre-feasibility study report, investment policy proposal report based on appraisal opinions.

2. The Board of Members or Company President or Board of Directors of the state-owned enterprise shall consider granting investment policy decision, including such contents as investment objectives, scale, total investment, structure of funding sources, location, and implementation timelength.

Article 30. Procedures and processes for granting decisions on investment policies for projects involving at least 02 provincial-level administrative divisions

1. In case a Provincial-level People’s Committee will be assigned to act as the governing body of a project involving at least 02 provincial-level administrative divisions, relevant Provincial-level People’s Committees shall reach an agreement on the plan to assign 01 Provincial-level People’s Committee to act as the governing body of the project, and request Provincial-level People’s Councils to give approval of policies for assigning 01 Provincial-level People’s Committee to act as the governing body of the project.

Based on resolutions of Provincial-level People’s Councils, the Provincial-level People’s Committee that is recommended to act as the governing body of the project shall submit relevant reports requesting the Prime Minister to consider granting a decision to assign it to act as the governing body of the project.

2. Pursuant to the decision issued by the Prime Minister, the Provincial-level People’s Committee assigned to act as the governing body of the project shall assume the following responsibilities:

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



b) Consider granting a decision on investment policy for a group-B or group-C project following procedures and processes specified in Article 28 of this Law.

Article 31. Procedures and processes for granting decisions on investment policies for projects involving at least 02 district- or commune-level administrative divisions

1. In case a district-level People’s Committee will be assigned to act as the governing body of a project involving at least 02 district-level administrative divisions, relevant district-level People’s Committees shall reach an agreement on the plan to assign 01 district-level People’s Committee to act as the governing body of the project, and request district-level People’s Councils to give approval of policies for assigning 01 district-level People’s Committee to act as the governing body of the project.

Based on resolutions of district-level People’s Councils, the district-level People’s Committee that is recommended to act as the governing body of the project shall submit relevant reports requesting the Chairperson of the Provincial-level People’s Committee to consider granting a decision to assign it to act as the governing body of the project.

2. Pursuant to the decision issued by Chairperson of the Provincial-level People’s Committee, the district-level People’s Committee assigned to act as the governing body of the project shall organize preparation, appraisal and grant of decision on investment policy for the project in accordance with provisions of Article 28 of this Law.

3. Regarding projects involving at least 02 commune-level administrative divisions, district-level People’s Committees shall consider granting decisions on investment policies for these projects following procedures and processes specified in Article 28 of this Law, and organize execution of these projects in accordance with regulations of relevant laws.

Article 32. Principles, authority, procedures and processes for granting decisions on investment policies for public investment projects in foreign countries, projects in public-private partnership form, and investment projects on construction of official residences

1. Principles, authority, procedures and processes for granting decisions on investment policies for group-A, group-B and group-C public investment projects in foreign countries shall be subject to the Government’s regulations.

2. Principles, authority, procedures and processes for granting decisions on investment policies for investment projects existing in the public-private partnership form shall be subject to provisions of the Law on investment in public-private partnership form.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



Article 33. Contents of investment policy proposal reports for public investment programs

Main contents of investment policy proposal reports on public investment programs shall include:

1. Necessity of the public investment program for implementation of objectives of related socio-economic development strategies, plans and plannings in accordance with law on planning;

2. Objectives, extent of the public investment program;

3. Total estimated investment capital and structure of resources necessary for implementation of the program, capacity for balancing public investment capital, mobilization of other funds and resources;

4. List of constituent projects (if any) belonging to the national target program, other public investment program;

5. Capital allocation plan and schedule of implementation of the program which are adapted for practical conditions and capacity for calling for resources in the rational order of preference, and ensure concentrated and efficient investment;

6. Determination of costs incurred during the implementation process and costs incurred from operation of the program after the program is completed;

7. Preliminary analysis and assessment of environmental and social impacts and influences of the program, measurement of investment efficiency in terms of socio-economic aspects of the program;

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



Article 34. Contents of pre-feasibility study reports of projects of national significance and group-A projects

1. Contents of pre-feasibility study reports of projects of national significance and group-A projects with construction components shall be subject to law on construction.

2. Main contents of pre-feasibility study reports of projects of national significance and group-A projects without construction components shall be comprised of the following:

a) Necessity of making investment, requirements for carrying out investment, assessment of relevance to related plannings, as prescribed in the law on planning;

b) Forecast of demands, service scope and proposed investment objectives, scale and form of investment;

c) Investment region, location, proposed size of land to be used and demands for other resources;

d) Preliminary analysis and selection of technologies, techniques and requirements for provision of raw materials, equipment, fuels, energy, services and infrastructure;

dd) Preliminary analysis and selection of investment plans and scale of investment items;

e) General plan for compensation, site clearance, residential resettlement and environmental protection measures;

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



h) Preliminary determination of total investment, plans to call for capital and funding structure;

i) Preliminary determination of costs incurred during the implementation of project and costs incurred from operation of the project after completion;

k) Proposed capital allocation plan, schedule of implementation of the project and investment phasing;

l) Preliminary measurement of investment efficiency in socio-economic aspects of the project;

m) Division of constituent projects or subprojects (if any);

n) Implementation measures.

Article 35. Contents of investment policy proposal reports for group-B and group-C projects

Main contents of investment policy proposal reports for group-B and group-C projects shall include the following:

1. Necessity of making investment, requirements for carrying out investment, assessment of relevance to related plannings as prescribed in the law on planning;

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



3. Estimated total investment and structure of funding sources, capacity for balancing public investment capital, mobilization of other funds and resources for implementation of the project;

4. Proposed schedule of investment and capital allocation plan which are adapted for practical conditions and capacity for calling for resources in the rational order of priority, ensure concentrated and efficient investment;

5. Preliminary determination of costs incurred during the implementation of project and costs incurred from operation of the project after completion;

6. Preliminary analysis and assessment of social and environmental impacts; preliminary measurement of investment efficiency in socio-economic aspects;

7. Division of constituent projects (if any);

8. Implementation measures.

Article 36. Decentralization of power to appraise funding sources and capacity for balancing funds for programs and projects

1. Appraisal of funding sources and capacity for balancing funds is part of the appraisal of investment policies.

2. The Ministry of Planning and Investment of Vietnam shall be vested with authority to appraise funding sources and capacity for balancing funds for the following programs and projects:

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



b) Projects of national significance;

c) Public investment programs, subject to the Government’s investment policy decisions;

d) Public investment programs or projects, subject to the Prime Minister’s investment policy decisions.

3. Ministers and Heads of central authorities shall mandate specialized agencies in charge of public investment to preside over and cooperate with relevant agencies in appraising funding sources and capacity for balancing funds for those projects using public investment capital under their jurisdiction provided that these funds do not exceed total capital of the current medium-term public investment plan, estimated total medium-term investment capital limit for the later period of time as informed by the Prime Minister, and other lawful funding sources informed by competent authorities, including those funds specified in clauses 2 and 3 Article 93 of this Law, except those projects specified in clause 2 of this Article.

4. Chairpersons of all-level People’s Committees shall mandate specialized agencies in charge of public investment to preside over and cooperate with relevant agencies in appraising funding sources and capacity for balancing funds for programs or projects using public investment capital under their jurisdiction provided that these funds do not exceed total medium-term investment capital limit that the Prime Minister or the competent authority informs to apply in the later period of time, or existing total medium-term investment capital limit that the National Assembly or People’s Council at any level decides to apply to localities, and are not greater than the actual excess of the local budget’s revenues (if any) intended for development investment purposes, other lawful funding sources, capital amounts prescribed in clauses 2 and 3 Article 93 of this Law.

5. Regarding ODA funds and/or foreign concessional loans, the competent authorities specified in clauses 2, 3 and 4 of this Article shall, pursuant to decisions issued by the Prime Minister of Vietnam to give approval for proposals for programs or projects using ODA funds and/or foreign concessional loans, letters of interest or written commitments of foreign donors of ODA grants, appraise funding sources and capacity for balancing funds for programs or projects provided that these funds do not exceed total capital of the current medium-term public investment plan. Where a project is implemented for 02 consecutive terms of medium-term public investment plans, provisions of clauses 2 and 3 Article 93 of this Law shall apply.

Article 37. Adjustment, termination of investment policies

1. The authority mandated to make decisions on investment policies for a program or project shall be competent to issue a decision to adjust or terminate investment policies for that program or project and shall be responsible for their issued decision.

2. The investment policy for a program or project shall be adjusted in case there are changes in objectives or location of that program or project, or public investment capital, public investment capital derived from superior budget, or total investment in that program or project is exceeded in comparison to those specified in the investment policy for that program or project.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



a) As for public investment programs, these procedures and processes shall be subject to regulations laid down in Articles 20, 23 and 27 herein;

b) As for projects of national significance, these procedures and processes shall be subject to regulations laid down in Article 20 herein;

c) As for group-A, group-B and group-C projects, these procedures and processes shall be subject to regulations laid down in Articles 24, 25, 26, 28 and 29 herein;

d) As for projects involving at least 02 provincial-level administrative divisions over which the Provincial-level People’s Committee is assigned to act as the governing body, these procedures and processes shall be subject to regulations laid down in Article 30 herein;

dd) As for projects involving at least 02 district-level or commune-level administrative divisions over which the district-level People’s Committee is assigned to act as the governing body, these procedures and processes shall be subject to regulations laid down in Article 31 herein.

4. The Government shall promulgate regulations on documentation requirements, procedures, processes and contents of adjustment of investment policies for programs or projects; cases in which investment policies for programs or projects are terminated, and implementation procedures and processes.

Section 2. DESIGN, APPRAISAL OF AND DECISION ON INVESTMENT IN PUBLIC INVESTMENT PROGRAMS OR PROJECTS

Article 38. Authority to grant decisions on investment in programs and projects

1. The Prime Minister shall be accorded authority to issue decisions on investment in the following programs and projects:

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



b) Public investment programs that have already obtained investment policy decisions from the Government.

2. Ministers and Heads of central authorities shall have the power to:

a) Grant decisions on investment in group-A, group-B and group-C projects under their jurisdiction;

b) Decentralize powers or grant authorization to issue decisions on investment in group-B and group-C projects prescribed in point a of this clause to their affiliated agencies or units;

c) Based on specific conditions of projects, assign specialized or regional project management units to act as project owners. Where the project management unit is not established or is not qualified to act as a project owner, the Minister or head of central authority may assign an agency or organization that fully meets experience and managerial capacity requirements to act as the project owner, and shall assume responsibility for their assignment.

3. Chairpersons of provincial-level People’s Committees shall be vested with authority to grant decisions on investment in the following programs and projects:

a) Public investment programs and group-A projects which have already obtained investment policy decisions from provincial-level People’s Councils;

b) Group-B and group-C projects falling under jurisdiction of provincial-level authorities;

c) Group-B and group-C projects using ODA funds and/or foreign concessional loans; projects using ODA grants.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



a) Public investment programs which have already obtained investment policy decisions from same-level People’s Councils;

b) Group-B and group-C projects falling under their respective jurisdiction.

5. Directors or General Directors of state-owned enterprises shall be vested with authority to grant decisions on investment in group-A, group-B and group-C projects which have already obtained investment policy decisions from Boards of Members or Company Presidents or Board of Directors of such enterprises.

6. In case decisions on investment in programs and projects need to be adjusted, the authority to adjust such decisions shall be subject to regulations laid down in clause 3 Article 46 herein.

7. The Government shall set forth regulations on decentralization of powers, procedures and processes for granting decisions on investment in programs or projects using legitimate revenues of state regulatory authorities and public service units for investment purposes provided that these regulations are consistent with those on the financial autonomy of involved authorities and units.

8. Ministers and Heads of central and local authorities granting decisions on investment in programs and projects shall have the burden of ensuring investment efficiency of approved programs and projects.

Article 39. Bases for formulation, appraisal of and decision on investment in programs or projects

1. Socio-economic strategies and plans.

2. Related plannings as prescribed in the law on planning.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



4. Objectives of the program or project.

5. Investment policies that have already been decided by competent authorities.

6. Capability of channeling and balancing public investment capital and other funds for implementation of the program or project.

Article 40. Procedures for formulation, appraisal of and decision on investment in national target programs

1. Based on the investment policy already obtaining the National Assembly’s decision, the program owner prepares a feasibility study report for that program and submits it to the Prime Minister.

2. The Prime Minister establishes a State Appraisal Council chaired by the Minister of Planning and Investment to appraise the intended program.

3. The State Appraisal Council conducts the appraisal regarding the issues specified in clause 1 Article 47 herein.

4. Based on appraisal opinions given by the State Appraisal Council, the program owner prepares a complete feasibility study report for that program and drafts an investment decision and submits them to the State Appraisal Council for submission to the Prime Minister for consideration and decision.

Article 41. Procedures for formulation, appraisal of and decision on investment in public investment programs subject to the Government’s investment policy decision

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



2. The Ministry of Planning and Investment of Vietnam conducts the appraisal regarding the issues specified in clause 1 Article 47 herein.

3. Based on appraisal opinions given by the Ministry of Planning and Investment of Vietnam, the program owner prepares a complete feasibility study report for that program and drafts an investment decision and submits them to the Ministry of Planning and Investment of Vietnam for submission to the Prime Minister for consideration and decision.

Article 42. Procedures for formulation, appraisal of and decision on investment in public investment programs subject to investment policy decisions granted by People’s Councils

1. Based on the investment policy already obtaining the decision from the People’s Council, the program owner prepares a feasibility study report for that program and carries out the appraisal in accordance with law before submission thereof to Chairperson of the same-level People’s Committee.

2. Chairperson of the People’s Committee assigns a specialized agency to conduct the appraisal regarding thee issues specified in clause 1 Article 47 herein.

3. Based on appraisal opinions, the program owner prepares a complete feasibility study report for that program and drafts an investment decision and submits them to the Chairperson of the People’s Committee to seek his/her decision.

Article 43. Procedures for formulation, appraisal of and decision on investment in projects

1. Procedures for formulation, appraisal of and decision on investment in projects of national significance shall be subject to the following regulations:

a) Based on the investment policy already obtaining the decision from the National Assembly, the project owner prepares a feasibility study report for that project and submits it to the governing body for consideration and submission to the Prime Minister;

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



c) The State Appraisal Council conducts the appraisal regarding the issues specified in clauses 2 and 3 Article 47 herein;

d) Based on appraisal opinions, the project owner prepares a complete feasibility study report for that project and submits it to the governing body for approval and submission to the State Appraisal Council;

dd) The State Appraisal Council submits it to the Prime Minister for considering and granting a decision on investment in that project.

2. Procedures for formulation, appraisal of and decision on investment in projects which do not fall in the case specified in clause 1 of this Article and exist without construction components shall be subject to the following regulations:

a) Based on the investment policy already obtaining the decision from the competent authority, the project owner prepares a feasibility study report for that project and submits it to the competent authority to seek its decision;

b) Minister, Head of central authority or Chairperson of People’s Committee at the relevant level establishes an appraisal council or assign a specialized agency to carry out the appraisal of the project;

c) The appraisal council or assigned specialized agency conducts the appraisal regarding the issues specified in clause 2 Article 47 herein;

d) Based on appraisal opinions, the project owner prepares a complete feasibility study report for the project and submits it to the competent authority to seek its investment decision.

3. Procedures for formulation, appraisal of and decision on investment in projects with construction components shall be subject to provisions of the law on construction and other relevant laws, except projects of national significance.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



5. Principles of, authority over, contents of, procedures and processes for formulation, appraisal of and decision on investment in public investment projects in foreign countries shall be subject to the Government’s regulations.

Article 44. Procedures for formulation, appraisal and approval of project preparation costs, cost estimates for investment preparatory tasks and planning tasks

1. Procedures for formulation, appraisal and approval of project preparation costs or cost estimates for investment preparatory tasks of projects with construction components shall be subject to the Law on Construction.

2. Procedures for formulation, appraisal and approval of cost estimates for investment preparatory tasks of projects without construction components and planning tasks shall be regulated as follows:

a) Based on investment preparatory tasks and planning tasks decided by competent authorities, agencies or organizations assigned to perform these tasks prepare the cost estimates for these tasks and submit them to Ministers, Heads of central authorities and Chairpersons of People’s Committees at any level to seek their decisions;

b) Ministers, Heads of central authorities and Chairpersons of People’s Committees at any level may establish Appraisal Councils or assign specialized agencies to carry out the appraisal of the cost estimates for these tasks;

c) Appraisal Councils or assigned specialized agencies conduct the appraisal of the cost estimates for these tasks in accordance with regulations of law;

d) Based on appraisal opinions, project owners prepare complete cost estimates for these tasks and submit them to Ministers, Heads of central authorities and Chairpersons of People’s Committees at any level to seek their approval;

dd) Ministers, Heads of central authorities and Chairpersons of People’s Committees at any level may decentralize powers to heads of their affiliated agencies or units or public service units to organize formulation, appraisal and approval of cost estimates for planning tasks and investment preparatory tasks.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



1. Ministers, Heads of central authorities and Chairpersons of People’s Committees at any level decide and take responsibility for implementation of urgent public investment projects under their respective jurisdiction.

2. Ministers, Heads of central authorities and Chairpersons of People’s Committees at any level organize formulation and appraisal of feasibility study reports, technical-economic reports, and consider granting decisions on investment in such projects.

3. Project owners are allowed to make decisions on all tasks in investment activities to organize the implementation of such projects on schedule while meeting quality requirements, and assume responsibility for their decisions.

4. Ministers and Heads of central authorities submit reports to the Government on implementation of urgent public investment projects. Chairpersons of People’s Committees submit reports to People’s Councils at the same level on implementation of urgent public investment projects in the upcoming meeting.

Article 46. Adjustment of programs and projects

1. A program shall be adjusted:

a) in case of adjusting objectives and changing requirements for implementation thereof in the relevant socio-economic development strategy or plan and other plannings as provided for in the Law on Planning;

b) in case of adjusting or terminating the investment policy under the competent authority's direction;

c) due to causes of force majeure resulting in changes in objectives, extent, costs and duration of implementation of the program.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



a) in case of adjusting or terminating the investment policy under the competent authority's direction;

b) in case of adjustments to the planning resulting in direct impacts on the project;

c) due to causes of force majeure resulting in changes in investment objectives, scale, costs and duration of implementation of the project;

d) due to the impact of emergencies arising from natural disasters, conflagration or other force majeure events upon expiry of the project’s insurance policy;

dd) if factors creating more financial or socio-economic efficiency arise by reason of such adjustment and such efficiency is appraised by the competent authority;

e) if the price index quoted during the implementation of the project is higher than the price index used for calculation of the allowance for price escalation included in the project’s total investment that is decided by the competent authority.

3. The authority competent to make its decision on investment in the program or project shall be competent to issue a decision to adjust that program or project, and shall be responsible for its decision.

4. The competent authority may adjust a program or project only when that program or project has already undergone the appraisal, inspection or assessment as provided herein.

5. In case there is any change in objectives or location, or an increase in public investment capital, public investment capital derived from superior budget, or total investment in the project compared to that specified in the investment policy decision granted by the competent authority, procedures and processes for granting a decision to adjust the investment policy for the program or project must be completed before receipt of a decision to adjust that program or project from the competent authority.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



Article 47. Contents of feasibility study reports of programs and projects

1. A feasibility study report of a public investment program shall, inter alia, have the following main contents:

a) Necessity of making investment;

b) Assessment of the current status of sectors and industries specified in the program's objectives and scope; urgent issues that need to be solved in the program;

c) General objectives, specific objectives, expected outcomes and main indicators defined in each stage;

d) Scope of the program;

dd) Constituent projects (if any), for a national target program; list of constituent projects (if any), for another public investment project;

e) Estimated total investment necessary to implement the program, distribution of funds specific to objectives, constituent projects and schedule of implementation, funding sources and capital mobilization plans;

g) Anticipated duration and schedule of implementation of the program;

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



i) International cooperation requirements (if any);

k) Arrangements made to implement the program;

l) Assessment of the overall socio-economic efficiency of the program.

2. A feasibility study report of a project without construction components shall, inter alia, have the following main contents:

a) Necessity of making investment;

b) Assessment of relevance of the project to the related planning as provided for in the Law on Planning;

c) Analysis and determination of objectives, tasks and outputs of the project; analysis and selection of the appropriate scale; investment phasing; selection of investment form;

d) Analysis of natural conditions, economic and technical conditions and selection of investment location;

dd) Plans for management, operation and use of the project;

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



g) General plan for compensation, site clearance and residential resettlement;

h) Proposed schedule of implementation of the project; main timeline of investment;

i) Determination of total investment, funding structure and capital mobilization plans;

k) Determination of costs incurred during the implementation of the project and operation costs incurred at the stage of operation and exploitation of the project;

l) Arrangements necessary for management of the project, including determination of project owner, analysis and selection of form of project implementation management, relationship and responsibilities of persons and entities involved in implementation of the project, and organizational structure of the unit in charge of management and operation of the project;

m) Analysis of investment efficiency, including efficiency and impacts in socio-economic, national defense and security aspects, and capital recovery capacity (if any).

3. Contents of feasibility study reports of projects with construction components shall be subject to the Law on Construction and other relevant laws.

Article 48. Documentation requirements, contents and time limits for appraisal and grant of decisions on programs and projects

1. Documents required for appraisal of a program or project include:

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



b) The feasibility study report of the program or project;

c) Other relevant documents.

2. The Government shall provide for documentation requirements for grant of decisions on programs and projects, contents of, time limit for appraisal and grant of decisions on programs and projects.

Chapter III

FORMULATION, APPRAISAL, APPROVAL AND ASSIGNMENT OF TASKS OF PUBLIC INVESTMENT PLANS

Article 49. Classification of public investment plans

1. Public investment plans shall be classified by their terms into:

a) Medium-term public investment plan that must be valid for the period of 05 years and in line with the 05-year socio-economic development plan;

b) Annual public investment plan that must be made to support the implementation of the medium-term public investment plan and must fit into objectives of the annual socio-economic development plan and the annual public investment budget balance.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



a) National public investment plan;

b) Public investment plans of Ministries and central authorities;

c) Public investment plans of local authorities at any level.

3. Public investment plans shall be classified by funding sources into:

a) Plan for investment of the central budget’s funds, including investments specific to sectors, industries, public investment programs and portions of state capital participation in PPP projects;

b) Plan for investment of the local budget’s funds, including investments specific to sectors, industries, public investment programs and portions of state capital participation in PPP projects;

c) Plan for investment of legitimate revenues that state regulatory authorities and public service units retain for investment purposes.

Article 50. Bases for formulation of medium-term and annual public investment plans

1. A medium-term public investment plan shall be formulated on the following bases:

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



b) Socio-economic development strategy; national, sector-specific, industry-specific and local 05-year socio-economic development orientations or plans; 05-year financial plan; 05-year borrowing and public debt repayment plans; preferred investment objectives included in 05-year national, sector-specific, industry-specific and local public investment plans;

c) Related plannings as provided for in the Law on planning;

d) Demands for and forecast of capabilities of mobilization of funding sources invested in construction of socio-economic infrastructure and of balancing the state budget’s capital;

dd) Forecast of impacts of global and domestic situations on development and capabilities of mobilization of investment funds;

e) Mechanisms and policies on calling for investment funds from different economic sectors for the purposes of construction of socio-economic infrastructure.

2. An annual public investment plan shall be formulated on the following bases:

a) Review of progress in and outcomes of implementation of national, sector-specific, industry-specific and local socio-economic development plans; outcomes of implementation of the previous-year public investment plan;

b) Annual socio-economic development plan;

c) Medium-term public investment plan;

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



Article 51. Principles of formulation of medium-term and annual public investment plans

1. Agree with developmental objectives included in the socio-economic development strategy, 05-year and annual national, sector-specific, industry-specific or local socio-economic development orientations or plans and other approved plannings, 05-year financial plan, and 05-year borrowing and public debt repayment plan.

2. Correspond to capabilities of balancing public investment funds and calling for different investment capital from other economic sectors; ensure macroeconomic balance and prioritization of public debt safety.

3. Allocation of public investment capital must adhere to principles, criteria and norms for allocation of public investment capital in specific stages that have already been approved by competent authorities.

4. Prefer to allocate funds to sectors, industries or territorial areas by taking account of developmental objectives and guidelines existing over periods of time.

5. Ensure public disclosure, transparency and fairness.

6. Make sure that managerial activities must be performed in a concentrated and consistent manner in terms of objectives, mechanisms and policies; ensure that investment management powers are decentralized and autonomy is granted to Ministries, central and local authorities in accordance with laws in order to enhance investment efficiency.

7. Annual public investment plan must be consistent with the approved medium-term public investment plan, except the first-year public investment plan.

Article 52. Contents of reports on medium-term public investment plans submitted to competent authorities to seek their approval

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



2. Socio-economic development orientations or plans; medium-term sector-, industry- and public investment program-specific investment objectives and investment structure directions. Classification by specific sectors or industries shall be subject to provisions enshrined in this Law.

3. Capabilities of calling for and balancing funds; estimated total investment in carrying out medium-term socio-economic, sector- and industry-specific development orientations, objectives and tasks, including funds allocated for covering costs of planning tasks, investment preparatory tasks, programs or projects, and repaying advances and other borrowings granted by local budget for investment purposes.

4. Total state budget-derived capital for the medium-term public investment plan, including the central budget’s capital, the local budget’s capital; the central budget’s total capital specific to sectors, industries and proposed transfers to specific Ministries, central authorities and dedicated additional funding transferred from the central budget to the local budget, with respect to reports presented to the National Assembly. Total capital of each authority, unit or organization allocated the public investment plan using the local budget specific to sectors, industries and dedicated additional funding transferred from the superior budget to the inferior budget, with respect to reports presented to People's Councils.

5. Principles, criteria and norms for allocation of medium-term public investment capital.

6. Arranging public investment projects in order of priority, selecting the investment portfolio and capital allocated to specific programs, tasks and projects in the medium-term public investment plan to ensure relevance to capabilities of balancing public investment capital and calling for other funding sources for the purposes of achieving and implementing the 05-year socio-economic development objectives, tasks and orientations or plans.

7. Measures for implementation and expected outcomes.

Article 53. Contents of reports on annual public investment plans submitted to competent authorities to seek their approval

1. Review of progress in implementation of the previous-year public investment plan.

2. Directions for making public investment in the plan year.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



4. Selecting the investment portfolio and capital allocated to specific programs, tasks and projects to ensure relevance to the portfolio of projects belonging to the medium-term public investment plan and capabilities of balancing the annual public investment capital.

5. Measures for administration, arrangements for implementation and expected outcomes.

Article 54. Principles for allocation of capital included in medium-term and annual public investment plans for programs and projects

1. Serve the purposes of carrying out developmental objectives and directions in the approved socio-economic development strategies, orientations or plans and plannings.

2. Comply with capital allocation principles, criteria and norms already obtaining the competent authority’s decision.

3. Concentrate on allocating public investment capital to complete and accelerate the progress in implementation of national target programs, projects of national significance, key programs and projects of great significance to the socio-economic development, and key projects on national defense and security industry.

4. Public investment capital shall be allocated in the following order of priority:

a) Urgent public investment projects;

b) National target programs, projects of national significance;

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



d) Projects already completed and transferred for use but yet to obtain the adequate amount of allocated capital;

dd) Programs/projects using ODA funds and/or foreign concessional loans, including reciprocal capital;

e) Investment of the State in participation in implementing PPP projects in accordance with regulations of law on investment in public-private partnership form; compensation for and costs incurred from termination of PPP projects before their expiry according to decisions of competent authorities, fulfillment of the State liability to make compensation for reduced revenues of PPP projects, payments in cash under BT contracts;

g) Transitional projects which are expected to be completed during the plan period;

h) Transitional projects to be implemented according to the approved schedule;

i) Planning tasks, investment preparatory tasks;

k) Repayment of outstanding debts accruing from capital construction prior to January 01, 2015 (if any);

l) Granting subsidies to offset preferential lending interest rates and management fees; making contribution to the charter capital of policy banks and state off-budget financial funds; providing investment support for other policy beneficiaries under decisions of the Government or the Prime Minister;

m) Allocation of local budget’s funds for implementing preferential credit policies through Vietnam Bank for Social Policies (VBSP) under resolutions of Provincial-level People’s Councils;

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



5. Budgeted capital for new programs and projects must be allocated in conformance to the following requirements:

a) These new programs and projects must prove its necessity and meet regulatory requirements for being allocated budgeted capital as provided in Articles 55 and 56 herein;

b) The capital must be allocated in the order of priority specified in clause 4 of this Article and the amount of capital allocated must be adequate for completion of these new programs and projects according to the approved investment schedule.

6. Based on midterm assessment of the progress of implementation of the medium-term public investment plan, the National Assembly shall consider deciding to use the central budget’s general provisions for medium-term public investment plans.

Pursuant to the resolution of the National Assembly, the Standing Committee of National Assembly shall consider deciding to allocate the central budget’s general provisions for medium-term public investment plans to Ministries, central and local authorities for implementing programs, projects, tasks and other objects of public investment when there are sufficient funds, and submit reports thereon to the National Assembly in the upcoming meeting.

7. People’s Councils at any level shall make their decision on allocation of the general provisions in their respective budget for medium-term public investment plans when there are sufficient funds.

Article 55. Requirements for eligibility of other public investment programs, projects, tasks and objects for entering into medium-term public investment plans

In order for other public investment programs, projects, tasks and objects to enter into medium-term public investment plans, they must comply with regulations of law on principles and criteria for allocation of public investment capital and meet one of the following requirements:

1. Transitional projects belong to the portfolio of projects in the medium-term public investment plan in the previous stage;

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



3. Tasks and projects are classified as those referred to in clause 6 Article 19 herein;

4. They have to be classified as objects referred to in clauses 4, 6 and 7 Article 5 herein;

5. They have to be classified as objects referred to in clause 8 Article 5 herein, if meeting requirements laid down in relevant laws.

Article 56. Requirements for eligibility of other public investment programs, projects, tasks and objects for access to capital specified in annual public investment plans

1. Other public investment programs, projects, tasks and objects have to be listed in the medium-term public investment plan, except urgent public investment projects and investment projects funded by ODA grants.

2. Other public investment programs, projects, tasks and objects have obtained decisions from competent authorities in accordance with regulations of law.

3. Cost estimates for investment preparatory tasks, planning tasks have been approved by competent authorities.

Article 57. Time of allocation of capital for project implementation

1. Time of allocation of capital for implementing a project is continuously calculated from the first plan year in which capital is allocated to implement the project to the year in which the project is finished, put under acceptance testing, and transferred for use, excluding the time of allocation of capital for covering costs of investment preparatory tasks and time for preparation of final accounts of the project.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



a) The time for allocation of capital for implementation of national target programs and projects of national significance shall be subject to resolutions of the National Assembly;

b) Allocation of capital for implementing a group-A project shall be completed within a maximum duration of 06 years;

c) Allocation of capital for implementing a group-B project shall be completed within a maximum duration of 04 years;

d) Allocation of capital for implementing a group-C project shall be completed within a maximum duration of 03 years;

3. Extension of the capital allocation periods prescribed in clause 2 of this Article shall be subject to the following provisions:

a) The Government shall petition the National Assembly to consider granting decisions on extension of time for allocation of capital to national target programs and projects of national significance;

b) The competent authorities granting decisions on investment policies for central budget-funded projects shall consider granting decisions on extension of time for allocation of capital for implementing these projects as follows: the time for allocation of capital for group-A, group-B and group-C projects may be extended for a period of up to 01 year; regarding a group-A project with total investment worth from VND 10.000 billion to less than VND 30.000 billion, the maximum extension period shall be 02 years;

c) Chairpersons of People’s Committees at any level shall consider granting decisions on extension of time for allocation of capital for implementing local budget-funded projects as follows: the time for allocation of capital for group-A, group-B and group-C projects may be extended for a period of up to 01 year; regarding a group-A project with total investment worth from VND 10.000 billion to less than VND 30.000 billion, the maximum extension period shall be 02 years;

d) If the capital allocation time has to be extended upon expiry of the extension periods granted as prescribed in points b and c of this clause, governing bodies of central budget-funded projects shall be subject to responsibility review and petition the Prime Minister to consider granting decisions on extension of the time for allocation of capital to these projects while People’s Committees shall be subject to responsibility review and petition People's Councils at the same level to consider granting decisions on extension of the time for allocation of capital to local budget-funded projects.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



4. The time for allocation of capital for implementing projects using legitimate revenues of state regulatory authorities and public service units for investment purposes shall be subject to provisions of clause 2 of this Article. Where the capital allocation time has to be extended, the authorities granting decisions on investment policies for these projects shall consider granting extension decisions and assume responsibility for their decisions.

5. The Government shall elaborate on this Article.

Article 58. Capital for investment preparatory tasks, planning tasks and project implementation

1. Capital for investment preparatory tasks may be allocated for covering costs of formulation of proposals for programs/projects using ODA funds and/or foreign concessional loans; formulation, appraisal and grant of decisions on investment policies for projects; formulation, appraisal and grant of decisions on investment in projects.

2. Capital for planning tasks may be allocated for covering costs of formulation and announcement of plannings and adjustments thereto in accordance with provisions of the Law on Planning.

3. Capital used for implementing projects may be allocated for covering costs of clearing project sites, making technical designs, construction drawings, creating cost estimates for projects or work items thereof, carrying out construction and other activities under project approval decisions.

Article 59. Procedures for formulation, approval and assignment of tasks of medium-term public investment plans using state budget's capital

1. Prior to June 30 of the fourth year of a medium-term public investment plan, the Prime Minister shall promulgate a directive for formulation of the medium-term public investment plan for the subsequent period.

2. Prior to July 31 of the fourth year of a medium-term public investment plan, the Government shall submit principles, criteria and norms for allocation of estimated medium-term public investment capital in the subsequent period to the Standing Committee of National Assembly for approval.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



4. Prior to December 31 of the fourth year of a medium-term public investment plan, the Government shall estimate the state budget balancing capability to allocate funding for development investment expenditures in the subsequent period to specific Ministries, central and local authorities, and the Prime Minister shall inform Ministries, central and local authorities of total public investment capital in the subsequent period.

5. Prior to January 31 of the fifth year of the previous medium-term public investment plan, provincial-level People’s Committees shall get opinions from same-level People's Councils about the contents specified in Article 52 herein, and send them to the Ministry of Planning and Investment of Vietnam, Ministry of Finance of Vietnam for consolidating and reporting to competent authorities.

6. In the year-end meeting held in the fifth year of the National Assembly's tenure, the Government shall propose the medium-term public investment plan for the subsequent period to the National Assembly to get its opinions about the contents thereof specified in Article 52 herein.

7. According to opinions given by the previous National Assembly, the Government shall present to the current National Assembly in the first meeting the contents specified in Article 52 herein. The National Assembly shall consider issuing its decision on the medium-term public investment plan, including the following contents:

a) Objectives and orientations of medium-term public investment of the state budget’s capital to be made on a nationwide scale;

b) Total capital listed in medium-term public investment plans using the state budget’s capital, including the capital derived from both the central budget and local budget;

c) Total capital included in the medium-term public investment plan derived from the central budget specific to sectors, industries, estimate of capital amounts allocated to specific Ministries, central authorities and dedicated additional funding transferred from the central budget to each local budget.

The Government shall report the capital included in the medium-term public investment plan derived from the central budget which is yet to be allocated to the Standing Committee of National Assembly for considering, deciding and reporting to the National Assembly in the upcoming meeting;

d) Portfolio and investment capital of projects of national significance and national target programs;

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



8. The Prime Minister shall assign tasks of medium-term public investment plans, including total capital and structure of the central budget’s capital, to Ministries, central and local authorities; portfolio and capital of public investment programs and projects, total capital used for performing planning tasks, total capital used for performing investment preparatory tasks and other public investment objects using the central budget's capital.

9. Assignment of tasks of medium-term public investment plans using local budget shall be subject to the following provisions:

a) Pursuant to the National Assembly’s resolution regarding medium-term public investment plans for the new period and the resolution of the provincial-level People's Council regarding the 05-year socio-economic development plan, the provincial-level People's Council shall make a decision on medium-term public investment plan to be implemented at their locality, including total capital of the medium-term public investment plan, portfolio and capital allocated to specific projects, total capital used for performing planning tasks, total capital used for performing investment preparatory tasks, other public investment objects using the provincial budget's capital and dedicated additional funding transferred to the inferior budget, and shall send a report thereon to the Ministry of Planning and Investment of Vietnam and the Ministry of Finance of Vietnam for consolidating and reporting to the Government;

b) Pursuant to the resolution of the provincial-level People’s Council regarding the medium-term public investment plan, the district-level People’s Council shall make decision on the medium-term public investment plan under its jurisdiction, including total capital of the medium-term public investment plan, portfolio and the local budget-derived capital allocated to specific projects, total capital used for performing planning tasks, total capital used for performing investment preparatory tasks, other public investment objects and dedicated additional funding transferred to the inferior budget;

c) Pursuant to the resolution of the district-level People’s Council regarding the medium-term public investment plan, the commune-level People’s Council shall make decision on the medium-term public investment plan under its jurisdiction, including total capital of the medium-term public investment plan, portfolio and the local budget-derived capital allocated to specific projects, total capital used for performing planning tasks, total capital used for performing investment preparatory tasks, other public investment objects;

d) Within the maximum period of 30 days after the People’s Council promulgates the resolution on medium-term public investment plan, the same-level People’s Committee shall assign tasks of the medium-term public investment plan to their affiliated units, including total investment, portfolio of programs and projects, and capital allocated to specific projects.

10. The Government shall elaborate on this Article.

Article 60. Procedures for formulation, approval and assignment of tasks of annual public investment plans using state budget’s capital                  

1. Prior to every May 15, the Prime Minister promulgates regulations on formulation of socio-economic development plan and preparation of subsequent-year state budget estimate under which this plan and estimate must describe main objectives and orientations and assignment of tasks to take control of formulating the subsequent-year public investment plan.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



3. In the year-end meeting of the People’s Council, People’s Committee shall present the subsequent-year public investment plan, including portfolio and capital allocated to specific projects, to the same-level People’s Council.

4. In the year-end meeting of the National Assembly, the Government shall propose subsequent-year public investment plans to the National Assembly for its decision on public investment plans using state budget’s capital intended for the subsequent year.

The Government shall arrange and allocate cost estimates in respect of unallocated amounts in a timely, efficient and effective manner that ensures compliance with regulations of law, and submit quarterly reports thereon to the Standing Committee of National Assembly, and also to the National Assembly at the upcoming meeting.

5. Before every November 30, the Prime Minister shall assign tasks of public investment plans using the state budget’s capital intended for the subsequent year in which total capital and structure of capital have already been decided by the National Assembly to Ministries, central and local authorities.

6. Before every December 31, Ministries, central and local authorities shall organize the detailed allocation of the capital of public investment plans derived from the central budget intended for the subsequent year, portfolio and capital allocated to specific tasks and projects, and shall send detailed allocation plans to the Ministry of Planning and Investment of Vietnam and the Ministry of Finance of Vietnam for consolidating and reporting to the Government and for monitoring purposes.

7. Assignment of tasks of annual public investment plans using local budget shall be subject to the following provisions:

a) In the year-end meeting, the provincial-level People’s Council shall decide the subsequent-year public investment plan under its jurisdiction, including portfolio and capital allocated to specific projects;

b) In the year-end meeting, the district- and commune-level People’s Councils shall decide the subsequent-year public investment plans under their jurisdiction, including portfolio and capital allocated to specific projects;

c) Before every December 31, the People's Committee at any level shall assign tasks of subsequent-year public investment plan to their affiliated units.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



9. The Government shall elaborate on this Article.

Article 61. Principles of selection of project portfolio, estimation of capital allocated to specific programs, tasks and projects listed in medium-term and annual public investment plans using state budget’s capital

1. These activities shall be subject to regulations laid down in Article 54, 55, 56, 57 and 58 herein.

2. Corresponding to capabilities of balancing state budget capital mentioned in medium-term and annual public investment plans, estimating capabilities of calling for other funding sources for use in projects using multiple investment capital sources. Regarding projects using ODA funds and/or foreign concessional loans, conforming to the capacity and progress of completion of investment procedures, negotiation and signing of international conventions or loan agreements.

3. These activities have to fall within programs and tasks covered by the state budget's capital for development investment expenditures which have already been approved.

4. Conforming to principles, criteria and norms of allocation of the state budget’s capital for development investment expenditures during the plan period.

5. Capital allocated to a specific program or project is not allowed to exceed the approved total investment capital of that program or project.

6. In respect of local budgets, in addition to the abovementioned principles, corresponding to capabilities of balancing the local budget’s revenues and expenditures, medium-term and annual public investment plans, capabilities of calling for other funding sources for use in projects using multiple investment capital sources, and falling within programs and tasks covered by the local budget's capital for development investment expenditures which have already been approved.

Article 62. Formulation, appraisal, approval and assignment of tasks of medium-term and annual plans of capital derived from legitimate revenues of state regulatory authorities and public service units retained for investment purposes

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



2. Ministries, central authorities and People’s Committees at any level shall be responsible for appraising, approving and assigning tasks of annual capital plans, approving adjustments in annual plans of capital derived from legitimate revenues of state regulatory authorities and public service units retained for investment purposes in order to ensure that such capital falls within actual capabilities for use as capital expenditures in accordance with relevant laws.

3. Medium-term and annual public investment plans using legitimate revenues of state regulatory authorities and public service units retained for investment purposes shall be independent of medium-term and annual public investment plans using the state budget's capital.

4. Ministries, central authorities and provincial-level People’s Committees shall be responsible for consolidating medium-term and annual public investment plans using legitimate revenues of state regulatory authorities and public service units retained for investment purposes, and submitting them to the Ministry of Planning and Investment of Vietnam and the Ministry of Finance of Vietnam for consolidating and making representations to the Government and National Assembly.

5. The Government shall elaborate on this Article.

Chapter IV

FORMULATION, APPRAISAL OF AND DECISION ON INVESTMENT POLICIES, DECISION ON INVESTMENT IN PUBLIC INVESTMENT PROGRAMS AND PROJECTS USING ODA FUNDS AND/OR FOREIGN CONCESSIONAL LOANS, MANAGEMENT OF PLANS OF INVESTMENT CAPITAL DERIVED FROM ODA FUNDS AND/OR FOREIGN CONCESSIONAL LOANS

1. Proposal for programs/projects using ODA funds and/or foreign concessional loans applies to:

a) Public investment programs/projects using ODA funds and/or foreign concessional loans;

b) Investment projects using ODA grants in the national defense, security and religion fields;

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



2. Investment projects using ODA grants other than those specified in point b clause 1 of this Article are exempted from the project proposal requirement.

3. Procedures and processes for formulation and approval of proposals for public investment programs/projects using ODA funds and/or foreign concessional loans are regulated as follows:

a) Ministries, central and local authorities shall organize preparation of proposals for public investment programs or project proposals, and send them to the Ministry of Planning and Investment of Vietnam and the Ministry of Finance.

Where a state-owned enterprise or an enterprise belonging to this state-owned enterprise is assigned by the Prime Minister to implement a public investment project, the preparation of proposal for public investment program or project using ODA funds and/or foreign concessional loans shall be subject to the Government’s regulations;

b) The Ministry of Finance of Vietnam presides over identifying grant elements, assessing impacts of ODA and foreign concessional loans with respect to debt safety ratios, and determining the domestic financial mechanism, and submitting reports thereon to the Prime Minister in accordance with the Law on Public Debt Management;

c) The Ministry of Planning and Investment of Vietnam shall consolidate opinions given by relevant Ministries, central and local authorities and assess the necessity of public investment program and projects; their relevance to orientations for attraction, management and use of ODA funds and/or foreign concessional loans over periods of time; carry out preliminary assessment of feasibility, socio-economic efficiency and environmental impacts (if any), and choose to present appropriate public investment programs and projects to the Prime Minister of Vietnam to seek his decision;

d) Based on reports submitted by the Ministry of Finance of Vietnam and the Ministry of Planning and Investment of Vietnam, the Prime Minister shall consider granting approval of proposals for public investment programs and projects using ODA funds and/or foreign concessional loans, including the following main contents: name of the public investment program or project; donor; objectives; estimated total amount of ODA funds and/or foreign concessional loans; domestic financial mechanism (full disbursement, full on-lending, partial disbursement and partial on-lending); portfolio of projects belonging to the public investment program using ODA funds and/or foreign concessional loans (if any).

4. A proposal for public investment program or project using ODA funds and/or foreign concessional loans shall be adjusted in the following cases:

a) There are changes in the main contents of the program or project which have been approved by the Prime Minister, including: name of the project, donor, objectives or financial mechanism of the program or project;

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



5. The Government shall provide for documentation requirements, contents and criteria for selection and approval of proposal proposals; procedures and processes for adjusting programs and projects using ODA funds and/or foreign concessional loans.

Article 64. Investment policies for public investment programs/projects using ODA funds and/or foreign concessional loans

1. Authority to issue decisions on investment policies for programs and projects shall be subject to provisions of Article 18 herein.

2. Requirements for granting investment policy decisions include:

a) Those requirements laid down in clauses 1, 2, 3, 4 and 5 f Article 19 herein;

b) Orientations for attraction, management and use of ODA funds and/or foreign concessional loans over periods of time;

c) Conformity with the Prime Minister’s decisions on approval of program/project proposals;

d) Relevance to capability of calling for ODA funds and/or foreign concessional loans specified in the letter of interest or written commitment to give assistance from development partner; regulations adopted by the foreign donor.

3. Procedures and processes for granting decisions on investment policies for programs/projects shall be subject to provisions of Articles 20, 23, 24, 25, 26, 27, 28, 29 and 30 herein.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



a) The contents specified in Articles 33, 34 and 35 herein;

b) Capability of calling for ODA funds and/or foreign concessional loans;

c) Domestic financial mechanism (full disbursement, full on-lending, partial disbursement and partial on-lending).

5. Sources of capital and capital balancing capacity:

a) Regarding ODA funds and/or foreign concessional loans, competent authorities shall consider granting decisions on investment policies for programs/projects on the basis of appraisal opinions about sources of capital and capital balancing capacity as prescribed in clause 5 Article 36 herein;

b) Regarding reciprocal capital, provisions of Article 36 and clause 4 Article 54 herein shall apply.

6. Documentation requirements for, contents and time of appraisal and grant of decisions on investment policies for projects shall be subject to the Government’s regulations.

7. Adjustment of investment policies for programs/projects using ODA funds and/or foreign concessional loans:

a) Such adjustment shall be subject to provisions of Article 37 herein;

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



8. Authority to give approval for projects on technical assistance for making preparations for investment projects and engaging in regional or global cooperation projects:

a) Ministers, heads of central authorities shall consider approving technical assistance projects using ODA funds and/or foreign concessional loans for making preparations for investment projects under their jurisdiction;

b) Provincial-level People's Committees shall consider approving technical assistance projects using ODA funds and/or foreign concessional loans for making preparations for investment projects under their jurisdiction;

c) Grant of decisions on policies for engagement in regional or global cooperation projects shall be subject to the Government’s regulations.

Article 65. Decision on investment in programs/projects using ODA funds and/or foreign concessional loans

1. Authority to issue decisions on investment in programs and projects shall be subject to provisions of Article 38 herein.

2. Bases for formulation, appraisal and grant of decisions on investment include:

a) The contents specified in Article 39 herein;

b) Project proposal and investment policies that have already been decided by competent authorities;

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



3. Procedures and processes for granting decisions on investment in programs/projects:

a) Procedures and processes for granting decisions on investment in programs/projects shall comply with provisions of Article 40, 41, 42 and 43 herein;

b) Urgent projects, investment projects using ODA grants shall be subject to provisions of Article 45 herein.

4. Contents of feasibility study reports of programs and projects include:

a0 Those contents specified in Article 47 herein;

b) Capability of calling for ODA funds and/or foreign concessional loans;

c) Domestic financial mechanism.

5. Documentation requirements for grant of decisions on projects, contents of, time of appraisal and grant of decisions on programs/projects shall be subject to the Government’s regulations.

6. Adjustment of programs/projects using ODA funds and/or foreign concessional loans shall be subject to provisions of Article 46 herein.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



1. Procedures and processes for ceasing use of ODA funds and/or foreign concessional loans in case the subject program or project is yet to be executed are regulated as follows:

a) If the proposal for a program/project has been approved while investment policies for that program/project are yet to be approved, the governing body shall petition the Prime Minister to consider granting a decision on invalidation of that program/project proposal;

b) If the investment policies for a program/project have been approved while a decision on investment in that program/project is yet to be issued, the competent authority making a decision on investment policies for that program/project shall consider granting a decision to terminate the project, assume responsibility for its decision and submit a report thereon to the Prime Minister;

c) If a decision on investment in a program/project has been issued, the competent authority issuing that decision shall consider granting a decision to terminate that program/project, assume responsibility for its decision and submit report thereon to the competent authority approving investment policies for that program/project and to the Prime Minister;

d) If a decision on investment policies for a project of national significance using ODA funds and/or foreign concessional loans has been issued by the National Assembly, the Government shall submit reports to petition the National Assembly to consider issuing a decision to terminate that project.

2. Procedures and processes for ceasing use of ODA funds and/or foreign concessional loans in the stage of execution of a project are regulated as follows:

a) The governing body shall submit a report to the Prime Minister on ceasing use of ODA funds and/or foreign concessional loans; such report must indicate the reasons, responsibility to pay costs, capability of arranging other legitimate sources of capital and other contents (if any);

b) The Prime Minister shall consider granting a decision to cease using ODA funds and/or foreign concessional loans;

c) Pursuant to the decision issued by the Prime Minister, the Ministry of Finance of Vietnam shall follow procedures for ceasing use of ODA funds and/or foreign concessional loans with the foreign donor;

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



dd) In case the governing body re-approves the project using domestic capital sources in order to execute unfinished investment items of the project using ODA funds and/or foreign concessional loans without satisfying binding requirements imposed by the donor under the international treaty or loan agreement, procedures and processes for formulation, appraisal and approval of investment policies, decision on investment in the project shall be subject to provisions herein applicable to projects using domestic capital sources;

e) In case the governing body carries out approval of adjustment of the project using ODA funds and/or foreign concessional loans, adjustment of the structure of domestic and foreign capital in order to execute unfinished investment items of the project, procedures and processes for formulation, appraisal and approval of investment policies, decision on investment in the project shall be subject to provisions herein.

3. Documentation requirements for, contents and time of granting decisions to cease using ODA funds and/or foreign concessional loans shall be subject to the Government’s regulations.

Article 67. Principles, requirements, procedures and processes for formulation, appraisal, approval and assignment of tasks of public investment plans; time for allocation of capital plans; methods for disbursement of capital to programs/projects using ODA funds and/or foreign concessional loans

1. Principles, requirements, procedures and processes for formulation, appraisal, approval and assignment of tasks of public investment plans shall be subject to provisions of Chapter III herein.

2. The period for allocation of planned foreign capital and reciprocal capital of a project using ODA funds and/or foreign concessional loans, excluding the time for investment preparation and time for preparation of final accounts for the project, shall not exceed the disbursement period defined in the international treaty or agreement on ODA funds or foreign concessional loans and regulations on the disbursement period adopted by the foreign donor, including adjustment or extension thereof.

3. The planned foreign capital of a program or project using ODA funds and/or foreign concessional loans which is fully disbursed by the central budget and derived from on-lent capital of the local budget shall be disbursed according to the annual state budget estimates, irrespective of the disbursement and on-lending ratios.

The Government shall elaborate this clause.

Chapter V

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



Section 1. IMPLEMENTATION OF PUBLIC INVESTMENT PLANS

Article 68. Administration of public investment plans

1. Pursuant to the National Assembly’s resolution regarding medium-term and annual public investment plans, the Government shall regulate measures to take control of and implement these plans.

2. Pursuant to the National Assembly’s resolution, the competent authority’s decision on assignment of planned tasks and the resolution of the People’s Council at any level regarding medium-term and annual public investment plans, Ministries, central and local authorities, district-level, commune-level People's Committees and other agencies/units using public investment capital shall make their decisions on measures to take control of administering public investment plans funded by funding sources under their respective management.

3. The Prime Minister may coordinate and integrate funding sources intended for implementation of investment programs using the state budget’s capital of Ministries, central and local authorities, agencies and units using public investment capital provided that objectives of investment programs remain unchanged.

4. The Chairperson of the provincial-level People’s Committee may decide to coordinate and integrate funding sources intended for implementation of programs and projects using the local budget’s capital and other borrowings of the local budget for investment purposes provided that objectives of programs and projects remain unchanged.

Article 69. Enforcement of public investment plans

1. Ministries, central and local authorities, district-level and commune-level People’s Committees shall assume the following responsibilities:

a) Inform or decide assignment of tasks of public investment plans to their agencies and units using public investment capital;

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



2. Agencies and units using public investment capital shall be obliged to send senior competent authorities review reports on implementation of public investment plans under the Government’s regulations.

3. The Ministry of Planning and Investment of Vietnam and specialized agencies in charge of public investment shall be responsible for checking and expediting assignment of planned tasks and enforcement of public investment plans under the senior competent authority's regulations.

Article 70. Implementation of public investment plans

1. Ministries, central and local authorities, district-level and commune-level People’s Committees, agencies and units using public investment capital shall assume the following responsibilities:

a) Take charge of carrying out public investment plans to meet objectives already decided by competent authorities;

b) Implement investment projects according to the schedule and budget plan already decided by competent authorities;

c) Plan and organize contractor selection with respect to packages belonging to projects funded according to public investment plans already obtaining the competent authority’s decision;

d) Carry out the commissioning and acceptance testing, make payments for and final accounts as agreed upon in contracts with respect to packages already completed and transferred to put these projects in operation;

dd) Balance funding sources to repay outstanding debts accruing from capital construction as provided in clause 6 Article 103 herein;

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



g) Monitor, inspect and assess implementation of public investment plans.

2. The Ministry of Planning and Investment of Vietnam shall provide instructions for, monitor and inspect implementation of medium-term and annual public investment plans of Ministries, central authorities and provincial-level People’s Committees.

3. The Ministry of Finance of Vietnam shall ensure allocation of a full amount of the central budget’s capital specified in public investment plans already decided by competent authorities.

4. The Government shall adopt specific regulations on implementation of public investment plans.

Article 71. Adjustment of public investment plans

1. The National Assembly shall decide to make overall adjustment of medium-term and annual public investment plans using the state budget’s capital:

a) due to any adjustment in the national socio-economic development strategy and plan;

b) due to any sudden change in the state budget balance or capacity for calling for funds of different sources.

2. The Standing Committee of National Assembly shall decide to adjust annual public investment plans using the central budget’s capital to ensure the concordance between those of Ministries, central and local authorities if total annual investment capital already decided by the National Assembly is kept unchanged.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



a) Adjust medium-term public investment plans using the central budget’s capital to ensure the concordance between those of Ministries, central and local authorities if total medium-term capital decided by the National Assembly is not exceeded, the efficiency in capital use is ensured, and a report on such adjustment shall be submitted to the National Assembly at the upcoming meeting;

b) Make internal adjustment of medium-term public investment plans using the central budget’s capital and make adjustment thereof to ensure concordance between sector- and industry-specific plans and programs of Ministries, central and local authorities if total medium-term capital of each Ministry, central or local authority decided by the National Assembly is kept unchanged.

4. The Ministry of Planning and Investment of Vietnam shall assume the following responsibilities:

a) Submit reports to request the Government to seek the Standing Committee of National Assembly’s decision on adjustment of annual public investment plans using the central budget’s capital to ensure concordance between these plans of Ministries, central and local authorities;

b) Submit reports to seek the Prime Minister’s decision on adjustment of medium-term public investment plans using the central budget’s capital to ensure concordance between those of Ministries, central and local authorities; on internal adjustment of medium-term public investment plans using the central budget’s capital and make adjustment thereof to ensure concordance between sector- and industry-specific plans and programs of Ministries, central and local authorities.

5. Ministers and Heads of central authorities shall have the following powers and responsibilities:

a) Adjust annual public investment plans using the central budget's capital to ensure concordance between projects included in the list of medium-term public investment plans decided by competent authorities provided that total investment capital assigned by competent authorities under such plans will not be exceeded;

b) Send reports to the Ministry of Planning and Investment of Vietnam and the Ministry of Finance of Vietnam for consolidating and monitoring purposes with respect to the central budget’s capital.

6. Each provincial-level People’s Committee shall have the following powers and responsibilities:

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



b) Send reports to the Ministry of Planning and Investment of Vietnam and the Ministry of Finance of Vietnam for consolidating and monitoring purposes with respect to dedicated additional funding transferred from the central budget.

7. The People’s Council at any level shall decide to adjust medium-term and annual public investment plans using the local budget’s capital:

a) due to any adjustment in objectives of local socio-economic development plans;

b) due to any sudden change in the local budget balance or capacity for calling for funds of different sources at localities;

c) due to any change in demands for or capacity for making investment of annual planned capital of local agencies and units.

8. The People’s Committee at any level shall have the following powers and responsibilities:

a) Adjust medium-term public investment plans using local budget’s capital to ensure concordance between those of agencies and units under their jurisdiction to whom planned capital is allocated provided that total investment capital assigned by the same-level People’s Council in medium-term public investment plans will not be exceeded, and submit a report on such adjustment to the same-level People’s Council at the upcoming meeting;

b) Adjust medium-term and annual public investment plans using the local budget’s capital to ensure concordance between tasks and projects of agencies and units under their jurisdiction to whom planned capital is allocated provided that total capital decided by the same-level People’s Council will not be exceeded.

9. The Government shall adopt specific regulations on processes and procedures for adjustment of medium-term and annual public investment plans using the state budget’s capital.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



1. Implementation and disbursement of capital of annual public investment plans shall last till January 31 of the subsequent year. If an additional amount of capital is allocated by a competent authority to a Ministry, central or local authority after September 30 of the plan year for performing tasks, programs and projects, implementation and disbursement of such additional capital may last till December 31 of the subsequent year.

2. The time for implementation and disbursement of capital defined in annual public investment plans may be extended but not later than December 31 of the subsequent year, subject to decision issued by the Prime Minister(with respect to capital derived from the central budget) or by Chairperson of the People’s Committee at any level (with respect to capital derived from their local budget’s capital), in the following cases:

a) Projects of national significance;

b) Projects on compensation, support, residential resettlement and site clearance;

c) A project that is eligible for planned capital allocation for being finished and put into use in the plan year but the plan for capital allocation in the subsequent year is not available;

d) Projects whose implementation schedule is affected by natural disasters, conflagration, epidemics or other objective causes which are unforeseeable and cannot be remedied;

dd) Projects of representative missions and other missions of Vietnam in foreign countries;

e) A Ministry, central or local authority only has 01 project in the plan year or adjustment of the plan cannot be carried out;

g) Other necessary or urgent cases, subject to the Prime Minister’s decision.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



4. Ministers, heads of central government authorities, and Chairpersons of People’s Committees at all levels shall decide to extend the time for implementation and disbursement of capital derived from legitimate revenues of state regulatory authorities and public service units retained for investment purposes under their management, except those public service units prescribed in clause 3 of this Article.

Section 2. MONITORING, ASSESSMENT, AUDIT AND SUPERVISION OF PUBLIC INVESTMENT PLANS, PROGRAMS AND PROJECTS

Article 73. Monitoring and inspection of public investment plans

1. Specialized agencies in charge of public investment shall take charge of monitoring and inspecting public investment plans under their management.

2. Subject matters of monitoring and inspection of public investment plans:

a) Review of implementation of provisions of the Law on public investment;

b) Formulation, approval and assignment of tasks of public investment plans;

c) Formulation, appraisal, approval and implementation of programs and projects listed in public investment plans;

d) Review of implementation of public investment plans;

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



Article 74. Assessment of public investment plans

1. Medium-term public investment plans shall be subject to the assessment made during and at the end of the plan period.

2. Annual public investment plans shall be subject to the assessment made on an annual and quarterly basis.

3. Subject matters of the assessment of a public investment plan shall include:

a) Level of attainment of objectives compared to those defined in the public investment plan already approved by competent authorities;

b) Impacts of the public investment plan on attraction of investments from other funding sources and socio-economic development outcomes;

c) Feasibility of the public investment plan;

d) Review of public investment management;

dd) Difficulties and problems; causes of difficulties and problems arising from implementation of the public investment plan and recommended solutions;

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



Article 75. Monitoring and inspection of programs and projects

1. Governing bodies, program and project owners, persons competent to make decisions on investment in programs and projects and state regulatory authorities in charge of public investment shall carry out the monitoring and inspection of the entire process of investment in these programs and projects with respect to approved subject matters and items of monitoring and inspection in order to ensure fulfillment of investment objectives and investment efficiency.

2. Inspection of programs and projects shall be carried out under the following regulations:

a) The program or project owner shall inspect the program or project under their delegated authority;

b) Governing body and person competent to make investment decision shall carry out at least one inspection of the program or project with the duration of implementation thereof which is more than 12 months;

c) Governing body and person competent to make investment decision shall carry out the inspection when any adjustment to the program or project may result in any change in location, objectives or structure of capital sources, or any increase in the total investment, and as otherwise necessary;

d) State regulatory authorities in charge of public investment shall decide to carry out the planned or unplanned inspection of programs and projects.

Article 76. Assessment of programs and projects

1. Assessment of programs and projects may be classified into initial assessment, midterm or stage-by-stage assessment, final assessment, impact assessment and ad-hoc assessment.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



3. Projects of national significance and group-A projects shall be subject to the initial assessment, midterm assessment, final assessment and impact assessment.

4. Group-B and group-C projects shall be subject to the final assessment and impact assessment.

5. Notwithstanding provisions laid down in clauses 2, 3 and 4 of this Article, governing bodies, persons competent to make investment decisions and state regulatory authorities in charge of public investment shall be entitled to decide other assessment provided for in clause 1 of this Article where necessary.

Article 77. Subject matters of assessment of programs and projects

1. The initial assessment shall address:

a) Preparation, arrangement and mobilization of resources for implementation of the program or project to ensure conformity with the approved objectives and schedule;

b) Difficulties and unsolved issues that may arise in comparison with those arising on the date of approval of the program or project;

c) Recommended measures to deal with these difficulties and unsolved issues in line with actual conditions.

2. The midterm or stage-by-stage assessment shall address:

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



b) Level of completion of workloads determined till the assessment date compared with that specified in the approved plan;

c) Recommended measures, including adjustments to the program or project.

3. The final assessment shall address:

a) Process of implementation of the program or project, including: management of implementation of the program or project; fulfillment of objectives of the program or project; mobilized resources; benefits that beneficiaries gain from the program or project; impacts and sustainability of the program or project;

b) Lessons learned from the process of implementation of the program or project and useful advice; responsibilities of consulting organizations, governing bodies, program or project owner, persons competent to grant decisions on investment policies, investment decisions and other authorities, organizations and individuals involved.

4. The impact assessment shall address:

a) Review of current economic - engineering operational conditions;

b) Socio-economic impacts;

c) Environmental and biological impacts;

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



dd) Lessons learned from investment policies, investment decisions, implementation and operation of the program or project; responsibilities of consulting organizations, governing bodies, program or project owner and persons competent to grant decisions on investment policies, investment decisions and other authorities, organizations and individuals involved.

5. The ad-hoc assessment shall address:

a) Consistency of outcomes of the program or project determined at the assessment date with investment objectives;

b) Level of completion of workloads determined till the assessment date compared with that specified in the approved plan;

c) Determination of issues arising unexpectedly (if any), causes thereof and responsibilities of authorities, organizations and individuals involved;

d) Impacts and extent of impacts of issues arising unexpectedly on implementation of the program or project, and capabilities of accomplishing objectives defined in the program or project;

dd) Recommended solutions.

6. The Government shall adopt regulations on methods and criteria for assessment of effectiveness in investment in public investment programs and projects.

Article 78. Public investment supervision

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



2. Governing bodies must refer and respond to and seriously take opinions of inhabitants living at or near project sites as to the decision on investment in projects of national significance, group-A projects, those projects associated with a large scale of residential mobility, resettlement and agricultural resettlement, those projects posing risks of causing huge environmental impacts, those projects directly impacting socio-economic lives of communities at or near project sites in terms of investment guidelines, policies on investment, construction, land, waste treatment and environmental protection, compensation, site clearance and agricultural and residential resettlement plans as per law.

3. The public supervision shall focus on:

a) Compliance with law on investment, construction, land, waste treatment and environmental protection;

b) Compensation, site clearance and agricultural and residential resettlement plans that assure rights and interests of the People;

c) Programs or projects partially funded by the public capital participation;

d) Implementation and progress of programs or projects;

dd) Public disclosure and transparency of public investments as prescribed in Article 15 herein;

e) Discovery of acts that may harm public benefits; negative impacts of a project on the living environment of the public during the period of investment in and operation of that project; activities that inflict any loss and waste of capital and assets of a project.

Article 79. Procedures and processes for public supervision

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



a) Preparing annual plans for the public supervision over programs and projects implemented at localities as prescribed in clause 3 Article 78 herein;

b) Establishing a public investment supervision commission in charge of each program or project;

c) Informing the program or project owner and management unit about supervision plans and the composition of the public investment supervision commission at least 45 days before the supervision commences.

2. Program or project owners and management units shall assume the following responsibilities:

a) Provide documents related to implementation of programs and projects under the provisions of clause 2 Article 78 herein on an adequate, truthful and timely manner to the public investment supervision commission;

b) Enable the public investment supervision commission to carry out supervision activities in accordance with law;

c) Take public opinions seriously and strengthen measures to implement projects.

Article 80. Implementary responsibilities for monitoring, inspection and assessment of plans, programs and projects

1. Program/project owners shall take charge of carrying out the monitoring, inspection, initial, midterm and final assessment of programs and projects.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



3. Authorities and organizations in charge of assessment tasks may carry out self-assessment or hire other experts or qualified and competent consultants to provide assessment services.

4. The Government shall adopt detailed regulations on the monitoring, inspection and assessment of plans, programs and projects and public investment supervision.

Chapter VI

DUTIES, POWERS AND RESPONSIBILITIES OF AUTHORITIES, ORGANIZATIONS AND INDIVIDUALS INVOLVED IN PUBLIC INVESTMENT ACTIVITIES

Article 81. Duties and powers of National Assembly

1. Promulgate laws and resolutions regarding public investment.

2. Issue decisions on investment policies for national target programs and projects of national significance using public investment capital.

3. Make decisions on medium-term and annual public investment plans, and overall adjustments thereto.

4. Adjust criteria for classification of projects of national significance.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



Article 82. Duties and powers of Standing Committee of National Assembly

1. Promulgate principles, criteria and norms for allocation of public investment capital derived from state budget.

2. Make decisions to adjust criteria for classification of public investment projects prescribed in Articles 9, 10 and 11 herein.

3. Make decisions to adjust annual public investment plans using the central budget’s capital to ensure the concordance between those of Ministries, central and local authorities provided that total annual investment capital already decided by the National Assembly is kept unchanged.

4. Make decisions to provide additional state budget estimates and allocate planned annual public investment capital using increase in revenues and unused amount of planned funding for expenditures of the central budget to Ministries, central and local authorities.

5. Make decisions to allocate the unallocated amounts of the capital defined in medium-term public investment plans using the central budget’s capital.

6. Make decisions to allocate the central budget’s general provisions for medium-term public investment plans to implement other tasks, projects and objects of public investment when there are sufficient funds.

Article 83. Duties and powers of Government

1. Carry out the consistent state management of public investment.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



3. Promulgate legislative documents on management of public investment under its jurisdiction.

4. Provide for management of performance of investment preparatory tasks, planning tasks and public investment projects without construction constituents; provide for management of implementation of public investment programs and projects using ODA funds and/or foreign concessional loans.

5. Recommend the National Assembly to grant decisions on investment policies for national target programs and projects of national significance.

6. Make decisions on investment policies for public investment programs under its jurisdiction as prescribed in this Law.

7. Formulate medium-term and annual public investment plans for submission to the National Assembly to seek its decision or approval of overall adjustments thereto.

8. Formulate annual public investment plans for submission to the Standing Committee of National Assembly to seek its decision or approval of overall adjustments thereto, provided that total annual investment capital already decided by the National Assembly is kept unchanged.

9. Preside over implementation of medium-term and annual public investment plans. Make decisions to allocate and assign detailed estimates of the unallocated amounts of the capital defined in annual public investment plans using the central budget’s capital.

10. Submit review reports to the National Assembly on implementation of medium-term and annual public investment plans, national target programs and projects of national significance.

11. Take charge of carrying out the inspection and audit of implementation of medium-term and annual public investment plans; inspect implementation of programs and projects using the central budget’s capital, legitimate revenues that state regulatory authorities, public service units retain for investment purposes, and the inspection of implementation of public investment objectives and policies at localities.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



1. Make decisions on investment policies for, decisions on investment in projects under his jurisdiction as prescribed in this Law.

2. Assign tasks of medium-term and annual public investment plans using the state budget’s capital, state budget estimates and plans for public investment capital derived from increase in revenues and unused amount of planned funding for expenditures of the central budget to Ministries, central and local authorities.

3. Make decision to assign a Provincial-level People’s Committee to act as the governing body in charge of implementing the project involving at least 02 provincial-level administrative divisions.

4. Make decisions to adjust medium-term public investment plans using the central budget’s capital to ensure the concordance between those of Ministries, central and local authorities provided that total medium-term investment capital already decided by the National Assembly will not be exceeded.

5. Make internal adjustment of medium-term public investment plans using the central budget’s capital and make adjustment thereof to ensure concordance between sector- and industry-specific plans and programs of Ministries, central and local authorities if total medium-term capital of each Ministry, central or local authority decided by the National Assembly will not be exceeded.

Article 85. Duties and powers of Ministry of Planning and Investment

The Ministry of Planning and Investment of Vietnam shall act as a presiding body assisting the Government in carrying out the state management of public investment, and shall have the following duties and powers:

1. Promulgate or petition competent authorities to promulgate legislative documents related to public investment, distribution and use principles, criteria and norms of public investment capital;

2. Preside over and cooperate with the Ministry of Finance of Vietnam in reporting to the Government on determination of the state budget’s funding for investment expenditures for national investment activities in the specific sectors and industries which are defined in medium-term and annual public investment plans;

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



4. Consolidate adjustments to national medium-term public investment plans for submission to the Prime Minister; submit adjustments to national medium-term and annual public investment plans to the Government and the Prime Minister for considering and reporting to the National Assembly or the National Assembly Standing Committee to seek their decision within its jurisdiction as prescribed in Article 71 herein;

5. Preside over and cooperate with relevant authorities in carrying out the appraisal of funding sources and capital balancing capability in accordance with Article 36 herein;

6. Request competent authorities to promulgate general provisions on management of national target programs; consolidate and request competent authorities to decide and assign medium-term and annual public investment objectives, tasks and plans using the central budget’s capital defined in national target programs;

7. Take charge of carrying out, monitoring, inspecting, supervising, assessing and auditing plans, programs and projects and other tasks of state management related to public investment.

Article 86. Duties and powers of Ministry of Finance

1. Cooperate with the Ministry of Planning and Investment of Vietnam in performing duties and powers prescribed in Article 85 herein.

2. Cooperate with the Ministry of Planning and Investment of Vietnam in reporting to the Government on determination of the state budget’s funding for investment expenditures for the national investment activities in the specific sectors and industries which are defined in medium-term and annual public investment plans.

3. Preside over recommending competent authorities to adopt or adopt, within its jurisdiction, regulations on managing, paying and making final accounts of costs incurred from projects using public investment capital.

4. Report to the Government on disbursement of capital to, and final accounts of costs incurred from, programs and projects.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



1. Perform the function of state management of public investment in accordance with law.

2. Adopt, provide instructions about, inspect and supervise implementation of technical standards, regulations and technical-economic norms.

3. Preside over and cooperate with relevant authorities in carrying out the appraisal of funding sources and capital balancing capability of projects as provided in Article 36 herein.

4. Grant decisions on investment policies for projects as per clause4 Article 18 herein and decisions on investment in projects as per clause 2 Article 38 herein.

5. Take charge of formulating public investment plans.

6. Carry out the monitoring, assessment, supervision, inspection and audit of implementation of plans, programs and projects under their respective jurisdiction.

7. Submit reports on implementation and outcomes of plans, programs and projects.

8. Cooperate with Ministries, central and local authorities in carrying out plans, programs and projects within their assigned duties and under their delegated powers.

Article 88. Duties and powers of People’s Councils at all levels

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



2. Review and give opinions on medium-term and annual public investment plans of localities, including portfolios and capital allocated to specific projects using dedicated additional funding transferred from the central budget.

3. Make decisions on investment in medium-term and annual public investment plans of localities, including portfolios and capital allocated to specific projects using the local budget's capital.

4. Supervise projects using public investment capital assigned to be put under the control of localities, including the central budget’s capital, the local budget’s capital, legitimate revenues that state regulatory authorities and public service units retain for investment purposes under the management of these localities.

Article 89. Duties and powers of provincial-level People’s Committees

1. Perform the function of state management of public investment made at localities falling within their remit in accordance with law.

2. Petition provincial-level People's Councils to:

a) Make decisions on investment policies for programs and projects under their jurisdiction as prescribed in this Law.

b) Review and give opinions on investment policies for projects under the authority to grant decisions on investment policies delegated to the Prime Minister as provided in this Law;

c) Consider granting decisions on medium-term and annual public investment plans based on portfolios and capital allocated to specific projects falling within their remit.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



4. Adjust medium-term public investment plans using local budget’s capital to ensure concordance between those of agencies and units under their jurisdiction to whom planned capital is allocated provided that total investment capital assigned by the same-level People’s Council in medium-term public investment plans will not be exceeded, and submit report on such adjustment to the same-level People’s Council at the upcoming meeting.

5. Adjust medium-term and annual public investment plans using the local budget’s capital to ensure concordance between tasks and projects of agencies and units under their jurisdiction to whom planned capital is allocated provided that total capital decided by the same-level People’s Council will not be exceeded.

6. Take charge of carrying out, monitoring, assessing, supervising and inspecting plans, programs and projects under their jurisdiction; cooperate with Ministries and central authorities in carrying out, monitoring, inspecting and assessing programs and projects in their provinces.

7. Chairperson of each provincial-level People’s Committee shall perform the following duties and powers:

a) Make decisions on investment in projects under his/her jurisdiction as prescribed in this Law;

b) Authorize his/her deputies, Chairpersons of district-level People’s Committees or heads of specialized agencies to make decision on investment in group-B and group-C projects under the provincial-level authority;

c) Make decision to assign a district-level People’s Committee to act as the governing body in charge of implementing the project involving at least 02 district-level administrative divisions.

Article 90. Duties and powers of district- or commune-level People’s Committees

1. Take charge of preparing medium-term and annual public investment plans under their jurisdiction.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



3. Petition same-level People's Councils to:

a) Issue decisions on investment policies for public investment programs using the local budget’s capital, including dedicated additional funding transferred from the superior budget;

b) Make decisions on medium-term and annual public investment plans using the local budget’s capital under their jurisdiction.

4. Make decisions on investment policies for projects falling under their jurisdiction as prescribed in this Law, and submit reports thereon to the same-level People’s Councils at the upcoming meeting.

5. Take charge of carrying out, monitoring, inspecting, assessing and auditing plans, programs and projects and other tasks of state management related to public investment that fall within their jurisdiction; cooperate with relevant authorities and organizations in carrying out, monitoring, inspecting and assessing programs and projects in localities.

6. Chairpersons of district- or commune-level People’s Committees shall make decisions on investment in projects under their jurisdiction as prescribed in this Law.

Article 91. Duties and powers of Vietnam Fatherland Front Committee

1. Preside over public investment supervision and criticism with respect to programs and projects in accordance with provisions herein, the Law on Vietnamese Fatherland Front and other relevant laws.

2. Conduct public opinion surveys on investment policies for programs and projects at localities in accordance with provisions herein and law on implementation of grassroots democracy.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



1. Propose programs and projects in line with related socio-economic development strategies, plans and plannings as provided in the law on planning over periods of time.

2. Mobilize and balance resources to ensure that programs and projects are carried out on schedule and finished by the prescribed deadlines.

3. Petition competent authorities to consider granting decisions on investment policies when proving that programs are not the same as others and regular tasks under their delegated powers and within the scope of their assigned duties.

4. Take responsibility for information and data related to proposed programs and projects.

Article 93. Rights and responsibilities of authorities, organizations and individuals concerning investment policy decisions

1. Authorities, organizations, individuals and heads of organizations shall make decisions on investment policies for programs and projects in conformance to regulations laid down herein.

2. Regarding programs and projects which are carried out for 02 consecutive terms of medium-term public investment plans, in addition to the provisions of clause 1 of this Article, authorities, organizations, individuals and heads of organizations granting decisions on investment policies for these programs and projects shall assume the following responsibilities:

a) Make decisions on investment policies for programs and projects in a manner ensuring that total value of the total investments in programs and projects to be implemented during the medium-term public investment plan of the subsequent period does not exceed 20% of total capital defined in the medium-term public investment plan of the previous period sorted by the central budget’s capital and the local budget's capital, except national target programs, projects of national significance, projects using ODA funds and/or foreign concessional loans, and those projects using legitimate revenues that state regulatory authorities and public service units retain for investment purposes;

b) National target programs and projects of national significance shall be subject to resolutions of the National Assembly. The Government shall petition the National Assembly to consider granting decisions on investment policies for national target programs, projects of national significance on the basis of capital balancing capability, assessment of impacts on the state budget deficit and ensured public debt safety;

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



d) Regarding programs/projects using ODA funds and/or foreign concessional loans, the competent authorities granting decisions on investment policies for programs/projects ensure that sum of total investments in programs/projects to be implemented during the medium-term public investment plan for the subsequent period does not exceed 20% of total foreign capital defined in the national medium-term public investment plan for the previous period.

3. In case the sum of total investments in programs and projects which are carried out for 02 consecutive terms of medium-term public investment plans prescribed in points a, d clause 2 of this Article exceeds the 20% limit, the competent authorities granting decisions on investment policies for programs/projects shall submit reports to the Prime Minister (with respect to capital derived from the central budget) or People’s Councils at all levels (with respect to capital derived from the local budget under their management) to seek their approval of such excess which must not exceed the corresponding 50% limit prescribed in points a, d clause 2 of this Article.

Article 94. Rights and responsibilities of program/project owners regarding formulation of programs and projects

1. Assume legal responsibility for contents of documents submitted to competent authorities to request their appraisal, inspection and grant of decisions.

2. Provide necessary documents for bodies carrying out appraisal and inspection of programs and projects.

3. Propose measures to mobilize funds to ensure that programs and projects are carried out on schedule and finished by the prescribed deadlines.

4. Assume legal liability for formulation of programs and projects.

Article 95. Rights and responsibilities of authorities, organizations and individuals concerning decisions on investment in programs and projects

1. Make decisions on investment in programs and projects in line with objectives, locations, structure of capital sources, and total investment defined in investment policies already decided by competent authorities, except tasks and projects which are exempted from the requirement regarding investment policy decisions, provided that such decisions meet capabilities of balancing funds falling within their respective jurisdiction, conform to standards and regulations on investment and are consistent with appraisal results.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



3. Balance funds for payment of costs incurred from formulation and appraisal of programs and projects falling within their jurisdiction.

4. Command program/project owners to implement programs and projects on schedule, and ensure that quality of these programs and projects falls within the quality standards defined in approved public investment plans.

5. Make decisions on adjustment, temporary suspension or cancellation of programs and projects.

6. Carry out the monitoring, inspection and assessment of programs and projects and activities of program/project owners performed during the period of implementation of these programs and projects.

7. Assume legal liability for any violation against regulations on authority in the process of selection of program/project owners.

Article 96. Rights and responsibilities of authorities, organizations and individuals concerning consultancy on design of programs and projects

1. Design consultancy service providers may request program/project owners to provide information and documents related to design of programs and projects.

2. Design programs and projects according to standards, regulations and norms and engineering solutions to ensure they meet quality requirements; avoid producing designs beyond standards, regulations, and norms.

3. Take responsibility for results of design of programs and projects.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



1. Authorities, organizations and individuals involved in the appraisal of programs and projects shall carry out the appraisal under law and shall take responsibility for appraisal results and their own recommendations.

2. The appraisal must ensure independence, integrity, objectivity and compliance with this Law and other provisions of relevant law.

Article 98. Rights and responsibilities of program/project owners regarding management and implementation of programs and projects

1. Take charge of the management and implementation of programs and projects, and ensure that these programs and projects are carried out according to defined objectives, on schedule, and meet quality and efficiency requirements.

2. Report to and provide information for supervisory authorities and Vietnam Fatherland Front Committees at all levels on implementation of programs and projects under this Law and other provisions of relevant law.

Article 99. Rights and responsibilities of program/project management units

1. Propose plans and measures regarding and conduct the management and implementation of programs and projects to ensure that these programs and projects are carried out according to defined objectives, on schedule, meet quality requirements under the mandate from program/project owners.

2. Report to program/project owners on the progress in implementation of programs and projects.

Article 100. Rights and responsibilities of authorities, organizations and individuals for monitoring, inspection and assessment of plans, programs and projects

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



2. Authorities, organizations and individuals authorized to monitor, inspect and assess plans, programs and projects shall be responsible for contents of their reports.

3. Program/project owners shall be responsible for contents of their reports and shall assume responsibility before law if they make and provide incorrect reports and information about investments falling within their jurisdiction.

Article 101. National database and information system regarding public investment

1. National database and information system regarding public investment must be built and applied consistently on a nationwide scale to state management of public investment, including consolidating, reporting on, assigning and adjusting medium-term and annual public investment plans; monitoring and assessing programs and projects; managing, storing and publicly disclosing data in accordance with regulations in force.

2. Responsibilities for building, managing, using and applying the national database and information system regarding public investment shall be regulated as follows:

a) The Ministry of Planning and Investment of Vietnam shall take charge of building, managing and operating the national database and information system regarding public investment;

b) Ministries, central and local authorities shall apply the national database and information system regarding public investment to activities under their jurisdiction.

3. Data and information included in the national database and information system regarding public investment must be original data and information of or related to public investment programs, projects and plans.

4. The Government shall elaborate on this Article.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



IMPLEMENTATION

Article 102. Effect

1. This Law comes into force from January 01, 2025.

2. The Law on Public Investment No. 39/2019/QH14, as amended by the Law No. 64/2020/QH14, the Law No. 72/2020/QH14, the Law No. 03/2022/QH15, the Law No. 27/2023/QH15 and the Law No. 38/2024/QH15 (hereinafter referred to as “Law on Public Investment No. 39/2019/QH14") shall cease to have effect from the effective date of this Law, except provisions of clauses 2 and 3 Article 103 of this Law.

3. Localities that are piloting certain specific mechanisms and policies or applying urban governance model shall comply with provisions of this Law and resolutions of the National Assembly. If provisions herein are different from those in any resolution of the National Assembly in respect of the same matter, Provincial-level People’s Councils shall decide whether to apply provisions herein or the National Assembly’s resolution.

4. Point a clause 4 Article 67 of the Land Law No. 31/2024/QH15, as amended in the Law No. 43/2024/QH15, is amended as follows:

“a) The decision on investment in the project falling under authority to grant investment policy decision delegated to the National Assembly, the Prime Minister, Minister, head of central authority, Provincial-level People’s Council or Provincial-level People’s Committee has been issued in accordance with provisions of the Law on public investment;”.

5. Certain Articles of the Law on organization of local governments No. 77/2015/QH13, as amended in the Law No. 21/2017/QH14, the Law No. 47/2019/QH14, the Law No. 31/2024/QH15, the Law No. 34/2024/QH15 and the Law No. 43/2024/QH15, are amended as follows:

a) Clause 9 is added following Clause 8 Article 21 as follows:

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



b) Clause 7 is added following Clause 6 Article 28 as follows:

“7. Make decisions on investment policies for projects as prescribed in the Law on public investment.”;

c) Clause 4 is added following Clause 3 Article 35 as follows:

“4. Make decisions on investment policies for projects as prescribed in the Law on public investment.”;

d) Clause 6 is added following clause 5 Article 49 as follows:

“6. Make decisions on investment policies for projects as prescribed in the Law on public investment.”;

dd) Clause 4 is added Clause 3 Article 63 as follows:

“4. Make decisions on investment policies for projects as prescribed in the Law on public investment.”;

e) Clause 4 is added following clause 3 Article 70 as follows:

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



6. Certain Articles of the Law on Capital No. 39/2024/QH15 are amended as follows:

a) Point b Clause 2 Article 37 is amended as follows:

“b) Public investment projects and PPP projects in which total investment capital is not limited, except those projects specified in point a of this clause, projects that have substantial environmental impacts or pose potential risks in making serious environmental impacts and fall under authority to grant investment policy decision delegated to the National Assembly, projects on manufacture of hazardous substances and explosives falling under authority to grant investment policy decision delegated to the Prime Minister, and projects falling under authority to grant investment policy decision delegated to the City’s People’s Committee in accordance with regulations of law on public investment and the law on investment in form of public-private partnership form.”;

b) The phrase “và điểm d” (“and point d”) in point a clause 1 Article 12 is abrogated;

c) Point b Clause 5 Article 9 and Point d Clause 3 Article 11 are abrogated.

Article 103. Transition

1. Public investment programs and projects that have already obtained investment decisions from competent authorities prior to January 01, 2015 and received allocated capital but are yet to be finished shall continue to be implemented. Any adjustments to the project shall be subject to provisions herein without requiring fulfillment of the requirement that decision on or adjustment of investment policies must be made before the project adjustment.

In case of adjustment of investment projects that use ODA grants and have already obtained investment policy decisions from competent authorities prior to the effective date of this Law, Ministers, heads of central authorities, and Chairpersons of provincial-level People’s Committees shall be vested with authority to make decisions to adjust investment decisions without carrying out adjustment of investment policies, and assume responsibility for their decisions.

2. Classification of projects already obtaining investment policy decisions or investment decisions prior to the effective date of this Law shall be subject to provisions of the Law on public investment No. 39/2019/QH14.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



4. In case of adjustment of investment policies for projects which have been decided before the effective date of this Law, the competent authorities granting decisions on investment policies in accordance with regulations on power decentralization laid down this Law shall consider granting decisions to adjust investment policies for these projects and assume responsibility for their decisions; in respect of projects of national significance already obtaining decisions on investment policies from the National Assembly, the National Assembly shall consider granting decisions adjust investment policies for these projects.

5. If time for allocation of capital for implementing projects which has been extended by the Prime Minister or Provincial-level People’s Councils before the effective date of this Law needs further extension, such extension shall be subject to provisions of point d clause 3 Article 57 of this Law.

6. Capital defined in public investment plans shall only be allocated to repay outstanding debts which accrue from capital construction prior to January 01, 2015.

The Government shall review outstanding debts accruing from capital construction as prescribed in provisions of the Law on public investment No. 39/2019/QH14, and submit review reports to the National Assembly to seek its decision.

This Law is ratified by the 15th National Assembly of the Socialist Republic of Vietnam during its 8th session held on November 29, 2024.

CHAIRMAN OF THE NATIONAL ASSEMBLY OF VIETNAM




Tran Thanh Man

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Luật Đầu tư công 2024

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


38.135

DMCA.com Protection Status
IP: 2a06:98c0:3600::103
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!