ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG BÌNH
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 4824/QĐ-UBND
|
Quảng Bình, ngày 12 tháng 12 năm 2019
|
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN SỐ HÓA CƠ SỞ DỮ LIỆU VỀ HỘ TỊCH ĐIỆN TỬ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
QUẢNG BÌNH
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG BÌNH
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa
phương năm 2015;
Căn cứ Luật Hộ tịch năm 2014;
Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước năm
2015;
Căn cứ Luật Đầu tư công năm 2014;
Căn cứ Nghị định số 163/2016/NĐ-CP
ngày 21/12/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật
Ngân sách nhà nước;
Căn cứ Nghị định số 64/2007/NĐ-CP
ngày 10/4/2007 của Chính phủ về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của
cơ quan nhà nước;
Căn cứ Nghị định số 136/2015/NĐ-CP ngày 31/12/2015 của
Chính phủ về việc hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư công;
Căn cứ Nghị định số 73/2019/NĐ-CP
ngày 05/9/2019 của Chính phủ quy định quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông thông tin sử dụng
nguồn vốn ngân sách Nhà nước;
Căn cứ Thông tư số
06/2011/TT-BTTTT ngày 28/02/2011 của Bộ Thông tin và Truyền thông Quy định về lập
và quản lý chi phí đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin và Quyết định số 376/QĐ-BTTT
ngày 18/03/2011 của Bộ Thông tin và Truyền thông đính chính Thông tư số
06/2011/TT-BTTTT ;
Căn cứ Thông tư liên tịch số
19/2012/TTLT-BTC-BKH&ĐT-BTTTT ngày 15/02/2012 của Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch
và Đầu tư, Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí
thực hiện Chương trình quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt của
cơ quan nhà nước;
Căn cứ Thông tư số 194/2012/TT-BTC
ngày 15/11/2012 của Bộ Tài chính hướng dẫn mức chi tạo lập thông tin điện tử nhằm
duy trì hoạt động thường xuyên của các cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước;
Căn cứ Quyết định số 1688/QĐ-BTTTT
ngày 11/10/2019 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông về việc sửa đổi, bổ
sung Quyết định số 2378/QĐ-BTTTT ngày 30/12/2016 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và
Truyền thông về công bố định mức chi phí quản lý dự án, chi phí tư vấn đầu tư ứng
dụng công nghệ thông tin sử dụng ngân sách Nhà nước;
Căn cứ Quyết định số 2173/QĐ-BTP
ngày 11/12/2015 của Bộ Tư pháp về phê duyệt Đề án: “Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện
tử toàn quốc”;
Xét đề nghị của Sở Tư pháp tại
Công văn số 3323/STP-HCTP ngày 29 tháng 11 năm 2019,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án Số hóa cơ sở dữ liệu về hộ tịch
điện tử trên địa bàn tỉnh Quảng Bình với những nội dung chủ yếu sau:
1. Tên Đề án: Số hóa cơ sở dữ liệu về hộ tịch điện tử trên địa
bàn tỉnh Quảng Bình.
2. Đối tượng và phạm vi thực hiện Đề án: Sở Tư pháp, Ủy ban nhân dân cấp huyện và Ủy ban nhân dân cấp xã trên địa
bàn tỉnh Quảng Bình.
3. Đơn vị chủ trì và thực hiện Đề án: Sở Tư
pháp tỉnh Quảng Bình.
4. Thời gian thực hiện Đề án: Từ năm
2020 đến năm 2023.
5. Mục tiêu Đề án
5.1. Mục tiêu chung
- Thực hiện số hóa sổ hộ tịch nhằm từng
bước xây dựng và tạo lập dữ liệu cho Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc, đảm
bảo triển khai áp dụng thống nhất, có sự kết nối liên thông, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan đăng ký, quản lý hộ
tịch trên phạm vi toàn quốc và đồng bộ các thông tin cơ bản của cá nhân với Cơ
sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo quy định của Luật Hộ tịch.
- Thực hiện số hóa, cập nhật dữ liệu
hộ tịch từ các sổ hộ tịch cũ trên địa bàn tỉnh vào Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử
toàn quốc theo hướng hình thành Hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch với
cấu trúc chuẩn tại tất cả các cơ quan đăng ký hộ tịch trên địa bàn tỉnh.
5.2. Mục tiêu cụ
thể
- Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông
tin trong hoạt động đăng ký và quản lý hộ tịch, góp phần đẩy mạnh cải cách thủ
tục hành chính, nâng cao chỉ số hiệu quả quản trị hành chính công.
- Chuyển đổi dữ liệu hộ tịch từ sổ giấy
sang dữ liệu số theo hướng hình thành Hệ thống thông tin hộ tịch với cấu trúc
chuẩn tại tất cả các cơ quan đăng ký hộ tịch trên địa bàn tỉnh.
- Hiện đại hóa công tác đăng ký và quản
lý hộ tịch; thiết lập Hệ thống thông tin Hộ tịch đồng bộ, bảo đảm việc kết nối
để chia sẻ, cung cấp thông tin với
Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và
các cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác; bảo đảm tối đa lợi ích cho người dân, góp
phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước vê hộ tịch trên địa bàn tỉnh.
6. Nhiệm vụ chủ yếu và giải pháp
thực hiện Đề án
6.1. Thành lập Tổ Chỉ đạo chuyển đổi
dữ liệu hộ tịch
- UBND tỉnh quyết định thành lập Tổ
Chỉ đạo chuyển đổi dữ liệu hộ tịch (sau đây gọi là Tổ Chỉ đạo), thành phần gồm: Lãnh đạo Sở Tư pháp, đại diện Lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông, đại diện lãnh đạo các Phòng chuyên môn có liên quan của Sở Tư
pháp và một số Phòng Tư pháp cấp huyện.
- Tổ Chỉ đạo có trách nhiệm chỉ đạo,
tổ chức thực hiện việc khảo sát và chuyển đổi dữ liệu hộ tịch từ sổ
giấy sang dữ liệu số. Phân công nhiệm vụ cho các thành viên, giải quyết vướng mắc
phát sinh trong quá trình chuyển đổi dữ liệu. Tổng hợp, báo cáo kết quả từng giai đoạn và chịu trách nhiệm trước
Chủ tịch UBND tỉnh về việc thực hiện Đề án.
- Thời gian hoàn thành: Tháng
12/2019.
6.2. Thống kê, chỉnh lý số liệu hộ tịch
cần chuyển đổi
- Tổ Chỉ đạo tiến hành thống kê, chỉnh
lý số liệu hộ tịch từ ngày 31/8/2018 (Cơ sở dữ liệu hộ tịch của tỉnh chính thức
hoạt động từ ngày 01/9/2018) trở về trước hiện đang còn lưu trữ bằng sổ giấy do
UBND cấp xã, Phòng Tư pháp và Sở Tư pháp thực hiện, số liệu khảo sát thống kê
phải đảm bảo chính xác, đầy đủ và phải được lập thành báo cáo. Đơn vị thống kê
là số lượng vụ việc, bao gồm:
+ Đăng ký: khai sinh; kết hôn; khai tử;
giám hộ; nhận cha, mẹ, con; thay đổi, cải chính hộ tịch, xác định lại dân tộc,
bổ sung thông tin hộ tịch; nuôi con nuôi.
+ Ghi vào Sổ hộ tịch sự kiện khai
sinh; kết hôn; ly hôn; hủy việc kết hôn; giám hộ; nhận cha, mẹ, con; xác định cha,
mẹ, con; nuôi con nuôi; thay đổi hộ tịch; khai tử của công dân Việt Nam đã được
giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài.
+ Xác nhận hoặc ghi vào sổ hộ tịch
các việc hộ tịch khác theo quy định của pháp luật.
+ Ghi vào Sổ hộ tịch việc thay đổi hộ
tịch của cá nhân theo bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền
trong thay đổi quốc tịch; xác định cha, mẹ, con; xác định lại giới tính; nuôi
con nuôi, chấm dứt việc nuôi con nuôi; ly hôn, hủy việc kết hôn trái pháp luật,
công nhận việc kết hôn; công nhận giám hộ; tuyên bố hoặc hủy tuyên bố một người
mất tích, đã chết, bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự.
- Chủ trì thực hiện: Tổ Chỉ đạo.
- Cơ quan phối hợp thực hiện: Sở Tư pháp, UBND cấp huyện và
UBND cấp xã.
- Thời gian thực hiện: Trong quý I/2020.
6.3. Số hóa dữ liệu hộ tịch từ sổ giấy
sang dữ liệu số
- Chuyển đổi toàn bộ dữ liệu hộ tịch
từ sổ giấy sang dữ liệu số bằng Phần mềm quản lý dữ liệu hộ tịch lịch sử do Bộ Tư pháp xây dựng tương ứng với
từng đơn vị cấp xã, cấp huyện và Sở Tư pháp.
- Việc chuyển đổi dữ liệu phải đảm bảo
toàn bộ thông tin trong sổ giấy được chuyển hóa thành dữ liệu số, thể hiện trên
các trường thông tin bắt buộc phải số hóa và đảm bảo chuẩn hóa dữ liệu theo vướng
dẫn thực hiện số hóa của Bộ Tư pháp. Trước khi đóng băng dữ liệu phải tiến hành
kiểm tra, phê duyệt để đảm bảo số liệu nhập vào chính xác so với sổ giấy.
- Chủ trì thực hiện: Tổ Chỉ đạo.
- Cơ quan phối hợp thực hiện: Sở Tư pháp, Sở Thông tin và Truyền
thông, UBND cấp huyện và UBND cấp
xã.
7. Lộ trình, thời gian thực hiện
7.1. Giai đoạn 1
- Thành lập Tổ Chỉ đạo chuyển đổi dữ
liệu hộ tịch; tiến hành khảo sát, thu thập số liệu hộ tịch (dữ liệu giấy) cần
chuyển đổi của toàn tỉnh. Số hóa
các sổ hộ tịch hiện đang lưu trữ tại Sở Tư pháp và các sổ hộ tịch đã được đăng
ký theo quy định của Luật Hộ tịch và các văn bản hướng dẫn thi hành có hiệu lực
từ ngày 01/01/2016 đang lưu trữ tại cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh. Dữ liệu
giai đoạn này là 183.263 dữ liệu.
- Thời gian hoàn thành: Năm 2020.
7.2. Giai đoạn 2
- Số hóa các sổ hộ tịch đã được đăng
ký theo quy định của Nghị định số 158/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005 của Chính phủ
về đăng ký và quản lý hộ tịch (dữ liệu đăng ký hộ tịch từ năm 2006 đến hết năm
2015). Dữ liệu giai đoạn này là 547.768 dữ liệu.
- Thời gian hoàn thành: Năm 2021.
7.3. Giai đoạn 3
- Số hóa các sổ hộ tịch đã được đăng
ký theo quy định của Nghị định số 83/1998/NĐ-CP ngày 10/10/1998 của Chính phủ về
đăng ký hộ tịch (dữ liệu đăng ký hộ tịch từ năm 1999 đến năm 2006). Dữ liệu giai
đoạn này là 272.453 dữ liệu.
- Thời gian hoàn thành: Năm 2022.
7.4. Giai đoạn 4
- Số hóa các sổ hộ tịch đã được đăng ký từ năm 1976 đến năm 1999. Dữ liệu
giai đoạn này là 142.139 dữ liệu.
- Số hóa các sổ hộ tịch đã được đăng
ký từ năm 1975 trở về trước. Dữ liệu giai đoạn này: 7.578 dữ liệu.
- Thời gian hoàn thành: Năm 2023.
Điều 2. Nguồn
kinh phí thực hiện
1. Nguồn kinh phí: Kinh phí thực hiện
Đề án từ nguồn ngân sách nhà nước
được cấp vào nguồn kinh phí thường xuyên hàng năm cho Sở Tư pháp.
2. Hàng năm, Sở Tư pháp lập dự toán
chi tiết gửi Sở Tài chính thẩm định, trình UBND tỉnh xem xét, quyết định bố trí kinh phí theo quy định của Luật
Ngân sách nhà nước để thực hiện
cho từng giai đoạn.
Điều 3. Tổ chức
thực hiện
1. Giao Sở Tư pháp là cơ quan chủ quản
chủ trì thực hiện Đề án, có các nhiệm vụ sau:
- Sau khi Đề án được phê duyệt, ban hành Kế hoạch chi tiết để triển khai thực hiện
các nhiệm vụ được giao đảm bảo
đúng nội dung tiến độ và tuân thủ đúng các quy định quản lý hiện hành của Nhà
nước trong lĩnh vực hộ tịch và ứng
dụng công nghệ thông tin vào đăng ký và quản lý hộ tịch.
- Chủ trì hoặc hợp đồng với đơn vị có năng lực thực hiện việc cập
nhật dữ liệu hộ tịch được số hóa
trên địa bàn toàn tỉnh; thường xuyên hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra UBND cấp huyện
và cấp xã thống kê và cung cấp dữ liệu để thực hiện số hóa.
- Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan,
đơn vị có liên quan để triển khai thực hiện Đề án một cách có hiệu quả, tránh gây lãng phí cho ngân sách nhà nước.
- Phối hợp với Cục Công nghệ thông
tin - Bộ Tư pháp để được cung cấp thông tin về địa chỉ phần mềm chính thức và
phần mềm thử nghiệm, tạo tài khoản để cập nhật dữ liệu vào phần mềm, khóa tài
khoản nhập dữ liệu sau khi hoàn thành việc nhập dữ liệu.
- Phối hợp với Sở Tài chính, cơ quan,
đơn vị có liên quan đảm bảo kinh phí và các điều kiện khác cho việc chuyển đổi
dữ liệu hộ tịch trên địa bàn tỉnh.
- Tổng hợp tình hình, kết quả thực hiện
số hóa dữ liệu hộ tịch trên địa bàn để báo cáo Bộ Tư pháp, UBND tỉnh theo quy định.
2. Giao Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh
cân đối nguồn kinh phí, thẩm định các hạng mục dự trù kinh phí để cấp cho Sở Tư
pháp thực hiện theo từng năm và từng giai đoạn của Đề án đảm bảo đúng thời gian, tiến độ đề ra.
3. Giao các sở: Thông tin và Truyền
thông, Kế hoạch và Đầu tư trong phạm
vi chức năng nhiệm vụ quyền hạn của mình phối hợp với Sở
Tư pháp để triển khai thực hiện các nội dung của Đề án.
4. UBND các huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm tổ chức thống kê dữ liệu
đăng ký hộ tịch trên địa bàn, cung cấp dữ liệu hộ tịch bằng sổ giấy để Sở Tư
pháp hợp đồng với đơn vị có năng lực
thực hiện số hóa dữ liệu hộ tịch.
- Chỉ đạo, hướng dẫn Phòng Tư pháp,
UBND các xã, phường, thị trấn phân công cán bộ thống kê dữ liệu thực hiện số
hóa dữ liệu hộ tịch.
- Phối hợp với Sở Tư pháp để được cung cấp thông tin về địa chỉ phần mềm chính
thức và phần mềm thử nghiệm, tạo tài khoản để cập nhật dữ liệu vào phần mềm,
khóa tài khoản nhập dữ liệu sau khi hoàn thành việc nhập dữ liệu; thực hiện chế
độ báo cáo theo quy định.
Điều 4. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày
ký.
Điều 5. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các sở: Tư
pháp, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Thông tin và Truyền thông; Chủ tịch UBND
các huyện, thị xã, thành phố; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và các tổ chức, cá
nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 5;
- Bộ Tư pháp;
- Cục Hộ tịch, Quốc tịch, Chứng thực, Bộ Tư pháp;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Lãnh đạo VP UBND tỉnh;
- Lưu: VT, NC.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Nguyễn Tiến Hoàng
|