THỦ
TƯỚNG CHÍNH PHỦ
******
|
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số:
89/2007/QĐ-TTg
|
Hà
Nội, ngày 18 tháng 06 năm 2007
|
QUYẾT ĐỊNH
THÍ ĐIỂM THÀNH LẬP THANH TRA XÂY DỰNG QUẬN, HUYỆN VÀ THANH
TRA XÂY DỰNG XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN TẠI THÀNH PHỐ HÀ NỘI VÀ THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ
ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Xây dựng ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Nhà ở ngày 29 tháng 11 năm 2005;
Căn cứ Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính ngày 02 tháng 7 năm 2002;
Căn cứ Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 năm 2007 số
20/2007/NQ-CP ngày 11 tháng 4 năm 2007;
Căn cứ Nghị định số 81/2007/NĐ-CP ngày 23 tháng 5 năm 2007 của Chính phủ quy định
tổ chức, bộ phận chuyên môn về bảo vệ môi trường tại cơ quan nhà nước và doanh
nghiệp nhà nước;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Bộ trưởng Bộ Xây dựng,
QUYẾT ĐỊNH :
Điều 1. Thí
điểm thành lập Thanh tra xây dựng quận, huyện và Thanh tra xây dựng xã, phường,
thị trấn tại thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh
Thí điểm thành lập Thanh tra xây
dựng quận, huyện (sau đây gọi tắt là Thanh tra xây dựng cấp quận) và Thanh tra
xây dựng xã, phường, thị trấn (sau đây gọi tắt là Thanh tra xây dựng cấp phường)
tại thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh như sau:
1. Kiện toàn, củng cố về tổ chức Thanh
tra xây dựng cấp quận (đã được thí điểm thành lập theo Quyết định số
100/2002/QĐ-TTg ngày 24 tháng 7 năm 2002 của Thủ tướng Chính phủ) và thành lập
Thanh tra xây dựng cấp phường tại thành phố Hà Nội.
2. Thành lập Thanh tra xây dựng cấp quận
và Thanh tra xây dựng cấp phường trên cơ sở tổ chức lại đội quản lý trật tự đô
thị quận - huyện và tổ quản lý trật tự đô thị phường - xã - thị trấn hiện có tại
thành phố Hồ Chí Minh.
Điều 2. Vị
trí, chức năng
1. Thanh tra xây dựng cấp quận là tổ chức
Thanh tra trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp quận; có chức năng giúp Chủ tịch Ủy
ban nhân dân cấp quận thực hiện công tác thanh tra, các nhiệm vụ, quyền hạn về
quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn và các lĩnh vực khác theo quy định của
pháp luật.
Thanh tra xây dựng cấp quận chịu
sự chỉ đạo, quản lý về tổ chức, biên chế và công tác của Ủy ban nhân dân cấp quận;
đồng thời chịu sự hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ của Thanh tra Sở Xây dựng.
Thanh tra xây dựng cấp quận có trụ sở làm việc, có con dấu riêng, được mở tài
khoản tại Kho bạc Nhà nước, được trang bị phương tiện làm việc cần thiết theo
quy định của pháp luật.
2. Thanh tra xây dựng cấp phường là tổ chức
Thanh tra trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp phường; có chức năng giúp Chủ tịch Ủy
ban nhân dân cấp phường thực hiện công tác thanh tra, các nhiệm vụ, quyền hạn về
quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn và các lĩnh vực khác theo quy định của
pháp luật.
Thanh tra xây dựng cấp phường chịu
sự chỉ đạo, quản lý về tổ chức và công tác của Ủy ban nhân dân cấp phường; đồng
thời chịu sự hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ của Thanh tra xây dựng cấp quận.
Thanh tra xây dựng cấp phường có địa điểm làm việc do Chủ tịch Ủy ban nhân dân
cấp phường bố trí, được trang bị các phương tiện làm việc cần thiết theo quy định
của pháp luật, được sử dụng con dấu và tài khoản của Ủy ban nhân dân cấp phường
để hoạt động.
Điều 3. Nhiệm
vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Thanh tra xây dựng cấp quận
1. Lập chương trình, kế hoạch về tuyên
truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và về thanh tra, kiểm tra việc chấp hành
pháp luật trong hoạt động xây dựng trên địa bàn để trình Chủ tịch Ủy ban nhân
dân cấp quận phê duyệt và tổ chức thực hiện.
2. Thực hiện thanh tra, kiểm tra chủ đầu
tư, nhà thầu xây dựng công trình trên địa bàn trong việc chấp hành các quy định
của pháp luật về xây dựng; xử lý các hành vi phạm theo thẩm quyền; quyết định
đình chỉ thi công xây dựng đối với các công trình vi phạm thuộc thẩm quyền của
Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp phường nhưng không xử lý kịp thời hoặc do buông lỏng
quản lý; kiến nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp quận xử lý những vụ vi phạm vượt
quá thẩm của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp phường.
3. Được yêu cầu các cơ quan quản lý nhà
nước cung cấp các tài liệu như: hồ sơ đồ án quy hoạch xây dựng, giấy phép xây dựng
và các tài liệu liên quan khác phục vụ cho công tác thanh tra, kiểm tra; yêu cầu
các chủ đầu tư xuất trình giấy phép xây dựng, các tài liệu liên quan đến việc
xây dựng công trình.
4. Lập hồ sơ vụ vi phạm pháp luật trong
hoạt động xây dựng của chủ đầu tư và nhà thầu xây dựng có dấu hiệu cấu thành tội
phạm để kiến nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp quận chuyển sang cơ quan điều
tra xử lý theo quy định của pháp luật.
5. Kiến nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp
quận xử lý cán bộ, công chức thuộc quyền quản lý có hành vi vi phạm pháp luật về
trật tự xây dựng hoặc thiếu tinh thần trách nhiệm trong thi hành nhiệm vụ, công
vụ.
6. Tổng hợp và định kỳ hoặc đột xuất báo
cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp quận, Thanh tra Sở Xây dựng về tình hình trật
tự xây dựng trên địa bàn.
7. Giải quyết theo thẩm quyền hoặc kiến
nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp quận giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh
vực hoạt động xây dựng trên địa bàn.
8. Chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân
cấp quận và pháp luật về quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn.
9. Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định
của pháp luật hoặc do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp quận giao.
Điều 4. Tổ
chức và biên chế của Thanh tra xây dựng cấp quận
1. Thanh tra xây dựng cấp quận có Chánh
Thanh tra, 01 đến 02 Phó Chánh Thanh tra vµ một số Thanh tra viên.
Chánh Thanh tra, Phó Chánh Thanh
tra do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp quận bổ nhiệm, miễn nhiệm theo quy định của
pháp luật. Chánh Thanh tra xây dựng cấp quận chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy
ban nhân dân cấp quận và pháp luật về toàn bộ hoạt động của Thanh tra xây dựng
cấp quận. Phó Chánh Thanh tra cấp quận thực hiện nhiệm vụ do Chánh Thanh tra
phân công; chịu trách nhiệm trước Chánh Thanh tra cấp quận và pháp luật về lĩnh
vực được phân công.
2. Biên chế Thanh tra xây dựng cấp quận
có từ 15 đến 20 Thanh tra viên và một số chức danh khác (lái xe, kế toán, tổng
hợp kiêm văn thư - lưu trữ, đánh máy kiêm thủ quỹ).
Căn cứ quy mô, đặc điểm và nhu cầu
quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố quyết
định cụ thể biên chế của Thanh tra xây dựng các quận, huyện.
Điều 5. Nhiệm
vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Thanh tra xây dựng cấp phường
1. Chủ trì, phối hợp với các tổ chức
trong hệ thống chính trị ở cấp phường trong việc hướng dẫn, tuyên truyền, vận động
các tổ chức và nhân dân chấp hành các quy định của pháp luật về trật tự xây dựng,
quản lý, sử dụng đất đai, bảo vệ môi trường trên địa bàn cấp phường.
2. Tiếp nhận và xác nhận việc chủ đầu tư
xây dựng công trình nộp hồ sơ, tài liệu liên quan đến việc xây dựng công trình
trên địa bàn theo quy định tại các điểm a, b khoản 2 Điều 7 Quyết định này.
3. Thanh tra, kiểm tra các chủ đầu tư xây
dựng công trình trên địa bàn trong việc tuân thủ các quy định của pháp luật về
quy hoạch xây dựng, thiết kế xây dựng đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; phát
hiện và kịp thời áp dụng các biện pháp ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm
pháp luật như: xây dựng không phép; xây dựng sai giấy phép; xây dựng lấn chiếm
hành lang bảo vệ của công trình hạ tầng kỹ thuật và các công trình khác theo
quy định của pháp luật; lấn chiếm vỉa hè, đường phố; cơi nới, lấn chiếm không
gian; vi phạm quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, về quản lý, sử dụng
đất đai và các vi hành vi vi phạm pháp luật khác liên quan đến hoạt động xây dựng.
4. Lập biên bản vi phạm pháp luật về xây
dựng (có yêu cầu chủ đầu tư xây dựng công trình ngừng thi công xây dựng công
trình và tháo dỡ ngay đối với công trình vi phạm); trình Chủ tịch Ủy ban nhân
dân cấp phường ra quyết định đình chỉ thi công xây dựng công trình, quyết định
cưỡng chế phá dỡ công trình vi phạm theo trình tự quy định tại các Điều 9 và 10
Quyết định này. Hồ sơ xử lý vụ vi phạm phải được gửi về Thanh tra xây dựng cấp
quận để báo cáo và lưu trữ tại Ủy ban nhân dân cấp phường.
5. Thông báo công khai hàng ngày trên đài
truyền thanh cấp phường và các phương tiện thông tin đại chúng về tất cả các
trường hợp vi phạm liên quan đến xây dựng trên địa bàn quản lý và hình thức xử
lý.
6. Tổng hợp tình hình trật tự xây dựng
trên địa bàn, định kỳ hoặc đột xuất báo cáo Ủy ban nhân dân cấp phường và Thanh
tra xây dựng cấp quận.
7. Thông báo đến cơ quan, đơn vị công tác
của cán bộ, công chức, viên chức vi phạm quy định của pháp luật về xây dựng, về
nhà ở, quản lý, sử dụng đất đai, bảo vệ môi trường tại địa phương trong quá
trình xây dựng, cải tạo, sửa chữa nhà ở.
8. Chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban
nhân dân cấp phường và pháp luật về việc không phát hiện, xử lý kịp thời các
hành vi vi phạm pháp luật về xây dựng, quản lý, sử dụng đất đai và bảo vệ môi
trường trên địa bàn.
9. Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định
của pháp luật hoặc do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp phường giao.
Điều 6. Tổ
chức, biên chế của Thanh tra xây dựng cấp phường
1. Thanh tra xây dựng cấp phường do Phó
Chủ tịch Ủy ban nhân cấp phường phụ trách, chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy
ban nhân dân cấp phường, Thanh tra xây dựng cấp quận và trước pháp luật về toàn
bộ hoạt động của Thanh tra xây dựng cấp phường.
2. Biên chế của Thanh tra xây dựng cấp
phường thuộc chỉ tiêu biên chế hành chính của cấp quận, có từ 03 đến 04 Thanh
tra viên.
Căn cứ quy mô, đặc điểm và nhu cầu
quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện quyết
định cụ thể biên chế của Thanh tra xây dựng các xã, phường, thị trấn.
Điều 7. Quyền,
nghĩa vụ, trách nhiệm và những hành vi bị cấm đối với chủ đầu tư xây dựng công
trình
1. Chủ đầu tư xây dựng công trình có các
quyền sau:
a) Được cấp phép xây dựng, cải tạo,
sửa chữa công trình, nhà ở theo quy định pháp luật;
b) Được xây dựng, cải tạo, sửa
chữa công trình, nhà ở theo đúng giấy phép đã được cơ quan có thẩm quyền cấp
(trường hợp được miễn giấy phép theo quy định của pháp luật thì phải thực hiện
quy định tại điểm b khoản 2 Điều này và các quy định khác của pháp luật liên
quan);
c) Từ chối những yêu cầu trái
pháp luật của Thanh tra viên xây dựng và các tổ chức, cá nhân liên quan đến việc
cấp phép xây dựng và xây dựng công trình;
d) Khiếu nại, tố cáo đối với các
hành vi vi phạm pháp luật của thanh tra xây dựng và các tổ chức, cá nhân liên
quan;
đ) Những quyền khác theo quy định
của pháp luật.
2. Nghĩa vụ của chủ đầu tư xây dựng công
trình:
a) Thông báo bằng văn bản và nộp
cho Thanh tra xây dựng cấp phường bản sao giấy phép xây dựng và các giấy tờ
khác liên quan có chứng thực theo quy định tại Nghị định số 79/2007/NĐ-CP ngày
18 tháng 5 năm 2007 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao
từ bản chính, chứng thực chữ ký trong thời hạn bảy ngày làm việc trước khi khởi
công xây dựng công trình theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 68 của Luật Xây
dựng;
b) Trường hợp công trình xây dựng
không phải có giấy phép xây dựng theo quy định tại khoản 1 Điều 62 của Luật Xây
dựng và khoản 9 Điều 1 Nghị định số 112/2006/NĐ-CP ngày 29 tháng 9 năm 2006 sửa
đổi, bổ sung khoản 1 Điều 17 Nghị định số 16/2005/NĐ-CP ngày 07 tháng 02 năm
2005 của Chính phủ về quản lý dự đầu tư xây dựng công trình, chủ đầu tư phải
thông báo bằng văn bản và nộp bản sao các giấy tờ khác liên quan (nếu có và trừ
trường hợp công trình bí mật nhà nước) có chứng thực theo quy định tại Nghị định
số 79/2007/NĐ-CP nêu trên cho Thanh tra xây dựng cấp phường trong thời hạn bảy
ngày làm việc trước khi khởi công xây dựng công trình theo quy định tại điểm c
khoản 2 Điều 68 của Luật Xây dựng;
c) Bảo đảm an toàn cho công
trình xây dựng và công trình lân cận; trường hợp gây thiệt hại thì phải bồi thường
theo quy định của pháp luật; không gây ô nhiễm môi trường trong khu vực lân cận;
không gây tiếng ồn trong thi công sau 23 giờ đêm hôm trước đến 05 giờ sáng hôm
sau tại khu dân cư; không để vật tư, nguyên liệu và thiết bị thi công gây cản
trở giao thông, ô nhiễm môi trường;
d) Chi trả mọi chi phí cho việc
tổ chức thi hành quyết định cưỡng chế phá dỡ công trình vi phạm;
đ) Thực hiện những nghĩa vụ khác
theo quy định của pháp luật.
3. Trách nhiệm của chủ đầu tư xây dựng
công trình:
a) Thực hiện đúng các quy định
ghi trong giấy phép xây dựng và các quy định khác của pháp luật liên quan;
b) Tự tháo dỡ một phần hoặc toàn
bộ công trình xây dựng vi phạm ngay sau khi thanh tra xây dựng lập biên bản ngừng
thi công;
c) Trường hợp không tự phá dỡ bộ
phận công trình, công trình vi phạm thì sẽ bị cưỡng chế phá dỡ;
d) Những trách nhiệm khác theo
quy định của pháp luật.
4. Những hành vi bị cấm đối với chủ đầu
tư xây dựng công trình:
a) Chủ đầu tư xây dựng công
trình không được thực hiện các hành vi bị cấm quy định tại các khoản 1, 2, 3,
4, 5, 6 và 7 Điều 10 của Luật Xây dựng và khoản 5 Điều 8 của Luật Nhà ở;
b) Những hành vi bị cấm khác
theo quy định của pháp luật.
Điều 8. Thẩm
quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp quận, cấp phường, Chánh Thanh tra và
Thanh tra viên
1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp phường có
thẩm quyền:
a) Quyết định đình chỉ thi công
đối với tất cả các loại công trình xây dựng vi phạm pháp luật xây dựng trên địa
bàn;
b) Quyết định cưỡng chế phá dỡ đối
với các loại công trình xây dựng vi phạm pháp luật xây dựng trên địa bàn, trừ
các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.
2. Chủ tịch Ủy ban cấp quận quyết định cưỡng
chế phá dỡ đối với các loại công trình xây dựng vi phạm pháp luật xây dựng do Ủy
ban nhân dân cấp quận hoặc do Sở Xây dựng cấp giấy phép sau khi công trình đã bị
Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp phường đình chỉ thi công xây dựng công trình.
3. Chánh Thanh tra xây dựng cấp quận được
xử phạt tiền các hành vi vi phạm hành chính tương đương thẩm quyền của Trưởng
Công an cấp huyện. Chánh Thanh tra xây dựng cấp quận có trách nhiệm thụ lý hồ
sơ xử lý vụ vi phạm vượt thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp phường để
trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp quận ra quyết định cưỡng chế phá dỡ công
trình vi phạm theo thẩm quyền. Thanh tra viên xây dựng cấp quận và cấp phường
đang thi hành công vụ được xử phạt theo thẩm quyền qui định tại khoản 1 Điều 38
của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính.
Điều 9.
Trình tự đình chỉ thi công xây dựng công trình
1. Khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật
về xây dựng, Thanh tra viên xây dựng cấp phường phải lập biên bản, yêu cầu chủ
đầu tư ngừng thi công xây dựng và tự phá dỡ bộ phận công trình hoặc công trình
vi phạm.
2. Trong thời hạn 24 giờ từ khi lập biên
bản (kể cả ngày lễ, ngày tết, ngày thứ bảy, chủ nhật và ngày nghỉ khác), nếu chủ
đầu tư không ngừng thi công xây dựng và không tự phá dỡ bộ phận công trình vi
phạm thì người lập biên bản phải trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp phường ra
quyết định đình chỉ thi công xây dựng công trình.
3. Trong thời hạn 24 giờ, kể từ thời điểm
ban hành quyết định đình chỉ thi công xây dựng công trình, Chủ tịch Ủy ban nhân
dân cấp phường yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị cấp điện, nước phải dừng ngay việc
cấp điện, nước đối với công trình xây dựng vi phạm.
4. Trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi ban
hành quyết định xử lý vi phạm hành chính và đình chỉ thi công xây dựng công
trình, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp phường chỉ đạo Trưởng Công an cấp phường tổ
chức cấm vận chuyển vật tư, vật liệu và công nhân vào thi công xây dựng công
trình vi phạm.
5. Trường hợp chủ đầu tư xây dựng công
trình vắng mặt tại công trường thì các đơn vị cấp điện, nước, Công an cấp phường
vẫn ngừng cấp điện, nước và thực hiện quyết định đình chỉ thi công xây dựng
công trình.
Điều 10.
Trình tự cưỡng chế phá dỡ công trình
1. Chủ đầu tư có trách nhiệm thực hiện
ngay quyết định đình chỉ thi công xây dựng công trình vi phạm, đồng thời phải tự
phá dỡ các bộ phận công trình hoặc công trình vi phạm.
2. Trong thời hạn 03
ngày, kể từ ngày ban hành quyết định đình chỉ thi công xây dựng công trình, nếu
chủ đầu tư không tự phá dỡ công trình, bộ phận công trình vi phạm hoặc vắng mặt
thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp phường ra quyết định cưỡng chế phá dỡ bộ phận
công trình vi phạm và tổ chức phá dỡ.
3. Đối với các công trình xây dựng do Chủ
tịch Ủy ban nhân dân cấp quận hoặc do Sở Xây dựng cấp giấy phép xây dựng, sau
khi ra quyết định đình chỉ thi công xây dựng công trình, Chủ tịch Ủy ban nhân
dân cấp phường có trách nhiệm gửi hồ sơ đến Thanh tra xây dựng cấp quận.
4. Trong thời hạn 03 ngày, kể từ ngày nhận
được hồ sơ, Chánh Thanh tra xây dựng cấp quận có trách nhiệm trình Chủ tịch Ủy
ban nhân dân cấp quận ban hành quyết định cưỡng chế phá dỡ công trình vi phạm.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp phường
có trách nhiệm tổ chức thực hiện quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp quận
về việc cưỡng chế phá dỡ công trình vi phạm.
5. Trường hợp đã có quyết định đình chỉ
thi công xây dựng công trình nhưng chủ đầu tư, nhà thầu thi công, nhà thầu giám
sát và các tổ chức, cá nhân khác vẫn tiếp tục thi công xây dựng công trình thì
người có thẩm quyền quyết định cưỡng chế phá dỡ công trình vi phạm có
trách nhiệm lập hồ sơ để chuyển sang cơ quan điều tra xử lý theo quy định của
pháp luật.
Điều 11.
Trang phục, phù hiệu, cấp hiệu, biển hiệu, phương tiện, thiết bị kỹ thuật,
phương tiện phòng vệ của thanh tra xây dựng
Trang phục, phù hiệu, cấp hiệu,
biển hiệu, phương tiện, thiết bị kỹ thuật, phương tiện phòng vệ của thanh tra
xây dựng theo quy định của Bộ trưởng Bộ Xây dựng.
Điều 12.
Tiêu chuẩn và thẩm quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm các ngạch Thanh tra viên chuyên
ngành xây dựng
1. Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với
Thanh tra Chính phủ soạn thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định tiêu
chuẩn Thanh tra viên chuyên ngành xây dựng cấp quận, cấp phường và gửi đến Bộ Nội
vụ tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành trong tháng 7 năm 2007.
2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà
Nội và Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh quyết định việc tuyển dụng,
bổ nhiệm, miễn nhiệm các ngạch Thanh tra viên chuyên ngành xây dựng cấp quận, cấp
phường theo quy định của pháp luật.
Điều 13.
Những hành vi bị cấm và xử lý vi phạm
1. Cán bộ, công chức được giao nhiệm vụ cấp
phép xây dựng, Thanh tra viên và những cán bộ, công chức liên quan ngoài việc
phải tuân theo những hành vi bị cấm theo quy định của pháp luật về cán bộ, công
chức còn bị cấm những hành vi sau:
a) Cấp phép xây dựng không đúng
quy định của pháp luật; sách nhiễu, gây khó khăn cho chủ đầu tư xây dựng công
trình khi đến xin phép xây dựng;
b) Áp dụng hình thức phạt tiền
cho tồn tại bộ phận công trình, công trình vi phạm;
c) Dung túng, bao che, không xử
lý kịp thời các công trình vi phạm xây dựng trên địa bàn thuộc phạm vi quản lý;
d) Nhận tiền, hiện vật hoặc đi
ăn, uống và các hoạt động khác theo lời mời của chủ đầu tư xây dựng công trình,
nhà thầu xây dựng;
đ) Sách nhiễu, gây khó khăn cho
chủ đầu tư xây dựng công trình, nhà thầu trong thi công xây dựng công trình khi
đã có đủ các hồ sơ, thủ tục, giấy phép và các tài liệu liên quan theo quy định
của pháp luật;
e) Các hành vi bị cấm khác theo
quy định của pháp luật.
2. Xử lý vi phạm:
a) Cán bộ, công chức được giao nhiệm
vụ cấp phép xây dựng, Thanh tra viên và các cán bộ, công chức liên quan vi phạm
những hành vi bị cấm quy định tại khoản 1 Điều này thì tùy theo tính chất, mức
độ của hành vi vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự
theo quy định của pháp luật;
b) Thanh tra viên không phát hiện
kịp thời các công trình vi phạm, không lập biên bản đình chỉ vi phạm kịp thời,
không trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp phường, Thanh tra xây dựng quận hoặc
Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp quận ra quyết định xử lý vi phạm hành chính và
đình chỉ thi công xây dựng, cưỡng chế công trình vi phạm theo thời hạn và trình
tự quy định tại các Điều 9 và 10 Quyết định này thì tùy theo tính chất, mức độ
của hành vi vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật về cán bộ,
công chức, phải bồi thường thiệt hại hoặc bị xử lý trách nhiệm khác theo quy định
của pháp luật;
c) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp
phường, Chánh Thanh tra xây dựng cấp quận, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp quận
không ra quyết định đình chỉ thi công xây dựng công trình, quyết định cưỡng chế
phá dỡ theo thời hạn và trình tự quy định tại các Điều 9 và 10 Quyết định này
thì tùy theo tính chất, mức độ của hành vi vi phạm bị xử lý kỷ luật theo quy định
của pháp luật về cán bộ, công chức, phải bồi thường thiệt hại hoặc bị xử lý
trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật.
Điều 14.
Chế độ làm việc và chính sách đối với Thanh tra xây dựng cấp quận, cấp phường
1. Thanh tra xây dựng cấp quận, cấp phường
hoạt động theo giờ hành chính và bố trí các Thanh tra viên trực ngoài giờ hành
chính, ngày lễ, ngày tết, thứ bảy, chủ nhật và ngày nghỉ khác để thực hiện nhiệm
vụ được giao; được trưng tập cộng tác viên thanh tra theo quy định của pháp luật.
Công chức Địa chính - Xây dựng cấp
phường thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật và các nhiệm
vụ, quyền hạn khác do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp phường giao trong việc giúp
Thanh tra xây dựng cấp phường thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn thanh tra.
2. Chánh Thanh tra, Phó Chánh Thanh tra
xây dựng cấp quận được hưởng phụ cấp chức vụ tương đương trưởng, phó phòng
chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp quận.
3. Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp phường
phụ trách thanh tra ngoài việc hưởng lương và phụ cấp theo chức vụ còn được hưởng
phụ cấp như Phó Chánh Thanh tra cấp quận.
Thanh tra viên và các chức danh
khác được hưởng chế độ tiền lương theo quy định tại Nghị định số 204/2004/NĐ-CP
ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ,
công chức, viên chức và lực lượng vũ trang; được hưởng phụ cấp lưu động hệ số
0,6 tiền lương tối thiểu; Thanh tra viên xây dựng được hưởng phụ cấp theo Quyết
định số 202/2005/QĐ-TTg ngày 09 tháng 8 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ về chế
độ phụ cấp trách nhiệm theo nghề đối với Thanh tra viên.
4. Thanh tra viên và các chức danh khác
khi thi hành công vụ được pháp luật bảo vệ, được khen thưởng và hưởng các chế độ,
chính sách theo quy định của pháp luật.
5. Thanh tra viên xây dựng và những người
được cấp có thẩm quyền điều động làm công tác cưỡng chế những công trình vi phạm
pháp luật về xây dựng được hưởng 10% lương tối thiểu cho mỗi ngày tham gia.
Điều 15.
Kinh phí hoạt động
1. Kinh phí hoạt động của Thanh tra xây dựng
cấp quận, cấp phường do ngân sách nhà nước ở địa phương cấp và các nguồn kinh
phí khác theo quy định của pháp luật.
2. Để lại 100% các khoản
thu phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm pháp luật xây dựng, quản
lý, sử dụng đất đai, bảo vệ môi trường cho ngân sách cấp quận và cấp phường
để chi cho hoạt động chuyên môn, làm ngoài giờ hành chính, làm ngày lễ, ngày tết,
thứ bảy, chủ nhật và ngày nghỉ khác của Thanh tra xây dựng cấp quận, cấp phường;
mua bổ sung phương tiện, thiết bị kỹ thuật và trích thưởng cho Thanh tra xây dựng
cấp quận và cấp phường. Mức chi cụ thể theo quy định của pháp luật; mức chi thưởng
do Ủy ban nhân dân thành phố quy định.
Điều 16. Tổ
chức thực hiện
1. Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và Ủy
ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh có trách nhiệm:
a) Chủ trì, phối hợp với Bộ Xây
dựng, Bộ Nội vụ, Thanh tra Chính phủ và các cơ quan, tổ chức liên quan thực hiện
Quyết định này; sáu tháng, hàng năm hoặc đột xuất báo cáo Thủ tướng Chính phủ
tình hình thực hiện và những vướng mắc nảy sinh trong quá trình thực hiện để kịp
thời giải quyết;
b) Tổ chức tuyên truyền, phổ biến
các quy định của pháp luật về xây dựng, quản lý, sử dụng đất đai, bảo vệ môi
trường và các quy định khác của pháp luật có liên quan và Quyết định này để
nhân dân, chủ đầu tư, nhà thầu biết và nghiêm túc thực hiện;
c) Chỉ đạo Sở Xây dựng, Sở Kiến
trúc - quy hoạch, Ủy ban nhân dân cấp quận, Ủy ban nhân dân cấp phường: cải
cách thủ tục hành chính theo cơ chế ''một cửa'', hướng dẫn và tạo điều kiện thuận
lợi cho chủ đầu tư công trình xây dựng làm thủ tục xin phép xây dựng, cải tạo,
sửa chữa công trình, nhà ở theo đúng quy định của pháp luật; phối hợp với thanh
tra xây dựng các cấp tổ chức thanh tra, kiểm tra, xử lý kịp thời các trường hợp
vi phạm pháp luật về xây dựng.
2. Bộ Nội vụ trình Thủ tướng Chính phủ
quyết định bổ sung biên chế hành chính cho Thanh tra xây dựng cấp quận, cấp phường
tại thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.
3. Bộ Xây dựng chủ
trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan ban hành các mẫu về: biên bản vi phạm
pháp luật về xây dựng (có yêu cầu chủ đầu tư xây dựng công đình chỉ thi công
xây dựng công trình), quyết định đình chỉ thi công xây dựng công trình, quyết định
cưỡng chế phá dỡ công trình vi phạm theo thẩm quyền quy định tại Điều 8 Quyết định
này và các mẫu văn bản khác phục vụ cho công tác của Thanh tra xây dựng các cấp;
phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ giải quyết những
vướng mắc trong việc thực hiện Quyết định này theo thẩm quyền hoặc kiến nghị Thủ
tướng Chính phủ giải quyết; chỉ đạo Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và Ủy ban
nhân dân thành phố Hồ Chí Minh tổ chức sơ kết năm và tổ chức tổng kết tình hình
thực hiện Quyết định này, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
4. Các cơ quan thông tin đại chúng ở
thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh có trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến
nội dung của Quyết định này và các văn bản pháp luật liên quan; phản ánh kịp thời
các trường hợp vi phạm, tình hình và kết quả xử lý các hành vi vi phạm pháp luật
liên quan đến hoạt xây dựng do thanh tra xây dựng các cấp ở thành phố Hà Nội,
thành phố Hồ Chí Minh phát hiện, xử lý.
Điều 17.
Hiệu lực và trách nhiệm thi hành
1. Quyết định này có hiệu lực thi hành
sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo và thay thế Quyết định số 100/2002/QĐ-TTg
ngày 24 tháng 7 năm 2002 của Thủ tướng Chính phủ về thí điểm thành lập Thanh
tra chuyên ngành xây dựng thành phố Hà Nội.
2. Bãi bỏ những quy định trước đây trái với
Quyết định này.
3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan
ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố
Hà Nội, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, Thủ trưởng các cơ quan,
đơn vị và các cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh;
- Văn phòng Ban Chỉ đạo TƯ về phòng, chống tham nhũng;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các Phó Chủ nhiệm; Website Chính phủ, Người phát ngôn của Thủ
tướng Chính phủ, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: Văn thư, TCCB.
|
THỦ TƯỚNG
Nguyễn Tấn Dũng
|