ỦY BAN NHÂN
DÂN
TỈNH TIỀN GIANG
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 689/QĐ-UBND
|
Tiền Giang,
ngày 11 tháng 3 năm 2020
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH CHỈ SỐ CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH CỦA CÁC SỞ, BAN, NGÀNH TỈNH
VÀ ỦY BAN NHÂN DÂN CÁC HUYỆN, THÀNH PHỐ, THỊ XÃ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TIỀN GIANG
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TIỀN GIANG
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương
ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Quyết định số 1150/QĐ-BNV ngày 30
tháng 12 năm 2019 của Bộ Nội vụ về việc phê duyệt Đề án "Xác định Chỉ số cải
cách hành chính của các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành
phố trực thuộc Trung ương";
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1.
Ban hành Chỉ số cải
cách hành chính của các sở, ban, ngành tỉnh và Ủy ban nhân dân các huyện, thành
phố, thị xã trên địa bàn tỉnh Tiền Giang (sau đây gọi tắt là Chỉ số CCHC), với
các nội dung chính sau:
I. MỤC TIÊU, YÊU CẦU, PHẠM VI VÀ ĐỐI TƯỢNG
1. Mục tiêu
a) Mục tiêu
chung:
Xác định Chỉ số
CCHC để theo dõi, đánh giá một cách thực chất, khách quan và công bằng kết quả
thực hiện CCHC hàng năm của các sở, ban, ngành
tỉnh và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã trên địa bàn tỉnh trong quá trình triển khai thực hiện công tác CCHC Nhà
nước.
b) Mục tiêu cụ
thể:
- Xây dựng Chỉ
số CCHC theo đặc điểm, tính chất quản lý Nhà nước của các sở,
ban, ngành tỉnh và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố;
- Xác định được thang điểm, phương pháp
đánh giá cho các tiêu chí, tiêu chí thành phần, từ đó xác định được Chỉ số CCHC
của từng cơ quan, đơn vị;
- Hàng năm triển
khai xác định, công bố Chỉ số CCHC của các cơ
quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh và tổ chức khen thưởng.
2. Yêu cầu
a) Chỉ số CCHC
phải bám sát nội dung Đề án "Xác định Chỉ
số cải cách hành chính" của Bộ Nội vụ.
b) Chỉ số CCHC
phải bảo đảm tính khả thi, phù hợp với đặc điểm, điều kiện thực tế của các cơ quan, đơn vị và
đánh giá thực chất, khách quan kết quả triển khai CCHC hàng năm của
các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh.
c) Tăng cường
sự tham gia đánh giá của cá nhân, tổ chức đối với quá trình triển khai CCHC của các cơ quan, đơn vị.
d) Hình thành
được hệ thống theo dõi, đánh giá đồng bộ, thống nhất trong hệ thống cơ quan
hành chính Nhà nước từ tỉnh đến huyện.
3. Phạm vi điều
chỉnh và đối tượng áp dụng
a) Phạm vi điều
chỉnh:
Công tác theo
dõi, đánh giá kết quả thực hiện CCHC hàng năm của các sở,
ban, ngành tỉnh và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã trên địa bàn tỉnh.
b) Đối tượng
áp dụng:
- Các cơ quan chuyên
môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh (kể cả Ban Quản lý các khu công nghiệp);
- Các cơ quan ngành dọc
Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh;
- Ủy ban nhân dân các
huyện, thành phố, thị xã trên địa bàn tỉnh.
II. NỘI DUNG CHỈ SỐ CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH
1. Chỉ số cải cách hành
chính của các sở, ban, ngành tỉnh
a) Bộ Chỉ số
CCHC của các sở, ban, ngành tỉnh:
Bộ Chỉ số CCHC
của các sở, ban, ngành tỉnh được cấu trúc thành 07 lĩnh vực đánh giá, 39 tiêu chí (gồm
tiêu chí điểm cộng, trừ) như sau:
- Công tác chỉ đạo, điều hành CCHC: 06 tiêu chí;
- Xây dựng và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật: 03 tiêu chí;
- Cải cách thủ
tục hành chính: 10 tiêu chí;
- Cải cách tổ
chức bộ máy hành chính: 03 tiêu chí;
- Xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức:
11 tiêu
chí;
- Cải cách tài
chính công: 04 tiêu chí;
- Hiện đại hóa hành chính: 02 tiêu chí.
b) Thang điểm đánh giá:
- Thang điểm
đánh giá Chỉ số CCHC của các sở, ban, ngành tỉnh
với điểm chuẩn là 100, ngoài ra còn các tiêu chí điểm cộng, điểm trừ;
- Bộ Chỉ số CCHC của
các sở, ban, ngành tỉnh được nêu chi
tiết tại Bảng 1 kèm theo Quyết định này.
2. Chỉ số cải cách hành
chính của Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã
a) Bộ Chỉ số
CCHC của Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố,
thị xã:
Bộ Chỉ số CCHC
của Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị
xã được cấu trúc thành 07 lĩnh vực đánh
giá, 39
tiêu chí (gồm tiêu chí điểm cộng, trừ) như sau:
- Công tác chỉ đạo, điều hành CCHC: 06 tiêu chí;
- Xây dựng và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật: 03 tiêu chí;
- Cải cách thủ
tục hành chính: 10 tiêu chí;
- Cải cách tổ
chức bộ máy hành chính: 04 tiêu chí;
- Xây dựng
và nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên
chức: 11
tiêu chí;
- Cải cách tài
chính công: 03 tiêu chí;
- Hiện đại hóa hành chính: 02 tiêu chí.
b) Thang điểm đánh giá:
- Thang điểm
đánh giá Chỉ số CCHC của Ủy ban nhân dân các
huyện, thành phố, thị xã với điểm chuẩn là
100, ngoài ra còn các tiêu chí điểm cộng, điểm
trừ;
- Bộ Chỉ số CCHC của Ủy
ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã được nêu chi tiết tại Bảng 2
kèm theo Quyết định này.
3.
Phương pháp đánh giá
- Các cơ quan, đơn vị tự theo dõi, đánh giá và cho điểm kết quả thực hiện
nhiệm vụ CCHC của cơ quan, đơn vị mình theo các tiêu chí, tiêu chí thành phần được quy định
trong bộ Chỉ số CCHC tương ứng Bảng
1, Bảng 2;
- Điểm tự đánh giá của các cơ quan, đơn vị được
Tổ thẩm định (gồm Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên
quan) thẩm
định để xem xét, công nhận hoặc điều chỉnh nếu cần thiết;
- Kết quả thẩm định
sẽ trình Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định, công bố.
III. GIẢI PHÁP
1. Nâng cao trách nhiệm và hiệu quả chỉ đạo điều hành của
các ngành, các cấp đối với việc xác định Chỉ số cải
cách hành chính
- Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị chỉ đạo việc thực hiện các nội dung CCHC một cách
nghiêm túc, có hiệu quả theo Kế hoạch CCHC hàng năm;
- Chỉ đạo việc
thực hiện công tác theo dõi, đánh giá CCHC một cách thường xuyên, liên tục, bảo
đảm trung thực, khách quan trong việc tổng hợp, thống kê, đánh giá, báo cáo các
kết quả CCHC.
2. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến về Chỉ số cải cách hành chính
Các cơ quan, đơn vị tổ chức tuyên truyền, phổ biến về mục tiêu, nội
dung, kết quả Chỉ số CCHC hàng năm dưới nhiều hình thức khác nhau (hội nghị, hội
thảo, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng...) nhằm nâng cao
tinh thần trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và tăng cường sự tham gia, phối hợp của các tổ chức và cá nhân
trong quá trình theo dõi, đánh giá kết quả triển khai CCHC hàng năm của các cơ quan, đơn vị.
3. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác theo dõi, đánh
giá cải cách hành chính tại các cơ quan, đơn vị
- Các sở, ban, ngành tỉnh:
Phân công nhiệm vụ cho cán bộ, công chức, viên chức
thực hiện CCHC triển khai công tác
theo dõi, đánh giá CCHC của cơ quan, đơn vị một cách thường xuyên, liên tục. Tổng hợp, đánh giá
một cách khách quan, trung thực kết quả CCHC đạt được hàng năm theo các tiêu
chí, tiêu chí thành phần quy định trong Chỉ số CCHC;
- Các cơ quan, đơn vị chủ
trì các nội dung CCHC theo phân công nhiệm vụ
tại Quyết định số 418/QĐ-UBND ngày 24/02/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh tổng hợp, đánh giá tình hình, kết quả triển khai
CCHC đối với lĩnh vực được giao phụ trách; hàng năm phối hợp với Sở Nội vụ và các cơ quan, đơn vị liên
quan trong việc thẩm định, đánh giá kết quả triển khai CCHC của các sở, ban, ngành tỉnh và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố,
thị xã.
4. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, bảo đảm kinh
phí cho công tác xác định Chỉ số cải cách hành
chính
- Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Sở Nội vụ xây dựng, hoàn thiện
phần mềm đánh giá chấm điểm để xác định
Chỉ số CCHC một cách chính xác, khách quan. Xây dựng cơ sở dữ liệu về Chỉ số CCHC
để bảo đảm tính hệ thống trong công tác theo dõi, đánh giá của các cơ quan hành
chính;
- Sở Tài chính bố
trí đủ kinh phí cho việc thực hiện xác định Chỉ số CCHC hàng năm.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Trách
nhiệm thực hiện
a) Sở Nội vụ:
- Trình Ủy ban nhân dân tỉnh
quyết định thành lập Tổ thẩm định Chỉ số
CCHC hàng năm;
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức
công bố Chỉ số CCHC hàng năm;
- Tổng hợp, xử lý số liệu để xác định Chỉ số CCHC và
xây dựng báo cáo kết quả Chỉ số CCHC;
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát
nội dung Chỉ số CCHC để trình Ủy ban nhân dân
tỉnh quyết định sửa đổi, bổ sung cho
phù hợp với điều kiện thực tế;
- Theo dõi, đôn đốc các cơ quan, đơn vị triển
khai kế hoạch phát động chuyên đề thi đua
"Đẩy mạnh cải cách hành chính" trên địa bàn tỉnh.
b) Các sở, ban, ngành tỉnh và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố,
thị xã:
- Các sở, ban, ngành tỉnh và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố,
thị xã căn cứ vào Chỉ số CCHC được phê
duyệt tại Quyết định này, xây dựng, triển khai Chỉ số CCHC tại cơ quan, đơn vị mình phù hợp với điều kiện thực tế để bảo đảm sự đồng bộ, thống
nhất trong công tác theo dõi, đánh giá CCHC;
- Tổng hợp báo
cáo kết quả tự chấm điểm xác định Chỉ số CCHC của cơ quan, đơn vị theo Bảng điểm kèm theo Quyết định này, kèm
tài liệu minh chứng theo hướng dẫn của Sở Nội vụ;
- Các sở: Tài chính, Tư pháp, Thông tin và
Truyền thông, Khoa học và Công nghệ, Kế hoạch và Đầu tư,
Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội, Hội đồng
nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh phối
hợp với Sở Nội vụ trong việc hướng dẫn,
theo dõi, đánh giá Chỉ số CCHC đối với
từng lĩnh vực được phân công;
- Bố trí đủ
kinh phí, nhân lực để triển khai việc xác định Chỉ số CCHC trong phạm vi trách
nhiệm của cơ quan, đơn vị.
2. Kinh phí
thực hiện
a) Kinh phí triển
khai xác định Chỉ số CCHC được đảm bảo bằng nguồn
kinh phí CCHC của tỉnh.
b) Việc lập dự
toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí cho triển khai xác định Chỉ số
CCHC hàng năm thực hiện theo quy định.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và thay
thế Quyết định số 1946/QĐ-UBND ngày 17 tháng 6 năm 2019 của Chủ tịch Ủy ban
nhân dân tỉnh ban hành Chỉ số cải cách hành chính của các sở, ban, ngành tỉnh
và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã trên địa bàn tỉnh.
Điều 3.
Chánh Văn phòng
Đoàn Đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở
Nội vụ, Thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện,
thành phố, thị xã chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Ghi chú: Bảng điểm Chỉ số cải cách hành chính của các sở, ban, ngành tỉnh và
Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã kèm theo Quyết định này được chuyển
qua Văn phòng điện tử./.
|
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Trần Văn Dũng
|