Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Quyết định 36/2016/QĐ-UBND quy định quản lý nhà nước về khoáng sản Ninh Thuận

Số hiệu: 36/2016/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Ninh Thuận Người ký: Lưu Xuân Vĩnh
Ngày ban hành: 06/07/2016 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH THUẬN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 36/2016/QĐ-UBND

Phan Rang - Tháp Chàm, ngày 06 tháng 7 năm 2016

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ KHOÁNG SẢN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH THUẬN

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NINH THUẬN

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;

Căn cứ Luật Khoáng sản ngày 17 tháng 11 năm 2010;

Căn cứ Nghị định số 15/2012/NĐ-CP ngày 09 tháng 3 năm 2012 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoáng sản;

Căn cứ Nghị định số 22/2012/NĐ-CP ngày 26 tháng 3 năm 2012 của Chính phủ quy định về đấu giá quyền khai thác khoáng sản;

Căn cứ Nghị định số 203/2013/NĐ-CP ngày 28 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản;

Căn cứ Quyết định số 18/2013/QĐ-TTg ngày 29 tháng 3 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về cải tạo, phục hồi môi trường và ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường đối với hoạt động khai thác khoáng sản; 

Căn cứ Thông tư số 16/2012/TT-BTNMT ngày 29 tháng 11 năm 2012 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về đề án thăm dò khoáng sản, đóng cửa mỏ khoáng sản và mẫu báo cáo kết quả hoạt động khoáng sản, mẫu văn bản trong hồ sơ cấp phép hoạt động khoáng sản, hồ sơ phê duyệt trữ lượng khoáng sản, hồ sơ đóng cửa mỏ khoáng sản;

Căn cứ Thông tư liên tịch số 50/2014/TTLT-BTNMT-BNV ngày 28 tháng 8 năm 2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Nội vụ hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Tài nguyên và Môi trường thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Phòng Tài nguyên và Môi trường thuộc Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh;

Căn cứ Thông tư liên tịch số 54/2014/TTLT-BTNMT-BTC ngày 09 tháng 9 năm 2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Tài chính Quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 22/2012/NĐ-CP ngày 26 tháng 3 năm 2012 của Chính phủ quy định về đấu giá quyền khai thác khoáng sản;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tại Tờ trình số 1975/TTr-STNMT ngày 07 tháng 6 năm 2016.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định quản lý Nhà nước về khoáng sản trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 (mười) ngày kể từ ngày ký ban hành và thay thế Quyết định số 64/2013/QĐ-UBND ngày 25 tháng 9 năm 2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận.

Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các phường, xã, thị trấn và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./. 

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH





Lưu Xuân Vĩnh

 

QUY ĐỊNH

QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ KHOÁNG SẢN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH THUẬN
 (Ban hành kèm theo Quyết định số
36/2016/QĐ-UBND ngày 06 tháng 7 năm 2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh: Quy định này quy định chi tiết việc quản lý, bảo vệ khoáng sản, hoạt động khoáng sản và quản lý các trường hợp xin khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường dôi dư khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình, cải tạo mặt bằng và hoàn công sau khai thác, đăng ký thi công cải tạo mặt bằng trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận; những nội dung không nêu trong Quy định này được thực hiện theo quy định pháp luật hiện hành.

2. Đối tượng áp dụng: các cơ quan Nhà nước thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước về tài nguyên khoáng sản; các tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận và tổ chức, hộ gia đình, cá nhân xin cấp giấy phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường dôi dư khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình, cải tạo mặt bằng đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt hoặc chấp thuận.

3. Những nội dung không quy định tại Quy định này được thực hiện theo quy định của Luật Khoáng sản và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

1. Khoáng sản là khoáng vật, khoáng chất có ích được tích tụ tự nhiên ở thể rắn, thể lỏng, thể khí tồn tại trong lòng đất, trên mặt đất, bao gồm cả khoáng vật, khoáng chất ở bãi thải của mỏ.

2. Nước khoáng là nước thiên nhiên dưới đất, có nơi lộ trên mặt đất, có thành phần, tính chất và một số hợp chất có hoạt tính sinh học đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật Việt Nam hoặc tiêu chuẩn nước ngoài được phép áp dụng tại Việt Nam.

3. Nước nóng thiên nhiên là nước thiên nhiên dưới đất, có nơi lộ trên mặt đất, luôn có nhiệt độ tại nguồn đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật Việt Nam hoặc tiêu chuẩn nước ngoài được phép áp dụng tại Việt Nam.

4. Khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường bao gồm:

a) Cát các loại (trừ cát trắng silic) có hàm lượng SiO2 nhỏ hơn 85%, không có hoặc có các khoáng vật cansiterit, volframit, monazit, ziricon, ilmenit, vàng đi kèm nhưng không đạt chỉ tiêu tính trữ lượng theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường;

b) Đất sét làm gạch, ngói theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật Việt Nam, các loại sét (trừ sét bentonit, sét kaolin) không đủ tiêu chuẩn sản xuất gốm xây dựng, vật liệu chịu lửa samot, ximăng theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật Việt Nam;

c) Đá cát kết, đá quarzit có hàm lượng SiO2 nhỏ hơn 85%, không chứa hoặc có chứa các khoáng vật kim loại, kim loại tự sinh, nguyên tố xạ, hiếm nhưng không đạt chỉ tiêu tính trữ lượng theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường hoặc không đủ tiêu chuẩn làm đá ốp lát, đá mỹ nghệ theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật Việt Nam;

d) Đá trầm tích các loại (trừ diatomit, bentonit, đá chứa keramzit), đá magma (trừ đá syenit nephelin, bazan dạng cột hoặc dạng bọt), đá biến chất (trừ đá phiến mica giàu vermiculit) không chứa hoặc có chứa các khoáng vật kim loại, kim loại tự sinh, đá quý, đá bán quý và các nguyên tố xạ, hiếm nhưng không đạt chỉ tiêu tính trữ lượng theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường, không đủ tiêu chuẩn làm đá ốp lát, đá mỹ nghệ, nguyên liệu kỹ thuật felspat sản xuất sản phẩm gốm xây dựng theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật Việt Nam;

đ) Đá phiến các loại, trừ đá phiến lợp, đá phiến cháy và đá phiến có chứa khoáng vật serixit, disten hoặc silimanit có hàm lượng lớn hơn 30%;

e) Cuội, sỏi, sạn không chứa vàng, platin, đá quý và đá bán quý; đá ong không chứa kim loại tự sinh hoặc khoáng vật kim loại;

g) Đá vôi, sét vôi, đá hoa (trừ nhũ đá vôi, đá vôi trắng và đá hoa trắng) không đủ tiêu chuẩn làm nguyên liệu sản xuất ximăng pooc lăng theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật Việt Nam hoặc không đủ tiêu chuẩn làm nguyên liệu sản xuất đá ốp lát, đá mỹ nghệ theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật Việt Nam;

h) Đá dolomit có hàm lượng MgO nhỏ hơn 15%, đá dolomit không đủ tiêu chuẩn sản xuất thủy tinh xây dựng, làm nguyên liệu sản xuất đá ốp lát, đá mỹ nghệ theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật Việt Nam.

5. Vật liệu san lấp là khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường bao gồm: đất sạn, sỏi phong hóa từ đá; đất, cát các loại không đạt yêu cầu làm gạch ngói, làm cát xây dựng và trong thành phần không có các khoáng vật casiterit, volframit, monazit, ziricon, ilmenit, vàng đi kèm; được khai thác phục vụ mục đích đắp nền công trình xây dựng, đắp đường, đắp đập, …

6. Điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản là hoạt động nghiên cứu, điều tra về cấu trúc, thành phần vật chất, lịch sử phát sinh, phát triển vỏ trái đất và các điều kiện, quy luật sinh khoáng liên quan để đánh giá tổng quan tiềm năng khoáng sản làm căn cứ khoa học cho việc định hướng hoạt động thăm dò khoáng sản.

7. Hoạt động khoáng sản bao gồm hoạt động thăm dò khoáng sản, hoạt động khai thác khoáng sản.

8. Thăm dò khoáng sản là hoạt động nhằm xác định trữ lượng, chất lượng khoáng sản và các thông tin khác phục vụ khai thác khoáng sản.

9. Khai thác khoáng sản là hoạt động nhằm thu hồi khoáng sản, bao gồm xây dựng cơ bản mỏ, khai đào, phân loại, làm giàu và các hoạt động khác có liên quan.

10. Khai thác tận thu khoáng sản là hoạt động khai thác khoáng sản còn lại ở bãi thải của mỏ đã có quyết định đóng cửa mỏ.

11. Cải tạo mặt bằng:

a) Cải tạo mặt bằng: là quá trình thi công nạo vét, san gạt mặt bằng nhằm đạt được cao độ phù hợp với mục đích sử dụng đất của các dự án đầu tư xây dựng công trình (các công trình đường giao thông, nông nghiệp, thủy lợi, khu dân cư, khu công nghiệp, khu đô thị, nhà ở, nhà xưởng, ...) đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt;

b) Cải tạo mặt bằng đất phục vụ sản xuất nông nghiệp: là quá trình thi công san ủi mặt bằng nhằm đạt được cao độ phù hợp cho canh tác, tăng hiệu quả sử dụng đất bao gồm hoạt động đào ao, hạ cote, ... (riêng đất lúa thực hiện theo Thông tư số 30/2013/TT-BNNPTNT ngày 11 tháng 6 năm 2013 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn việc xây dựng phương án sử dụng lớp đất mặt và bù bổ sung diện tích đất chuyên trồng lúa nước bị mất do chuyển mục đích sử dụng);

c) Khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường dôi dư khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình, cải tạo mặt bằng: là hoạt động nhằm thu hồi, sử dụng sản phẩm khoáng sản dôi dư có được từ hoạt động thi công xây dựng thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình, cải tạo mặt bằng đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt hoặc chấp thuận.

Điều 3. Chính sách của tỉnh về quản lý, sử dụng khoáng sản

1. Tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh phải được quản lý, sử dụng một cách hợp lý, tiết kiệm, có hiệu quả; việc thăm dò khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản phải theo quy hoạch được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động; kết hợp chặt chẽ với bảo vệ môi trường, tài nguyên khác, cảnh quan thiên nhiên và di tích lịch sử văn hoá; tạo điều kiện phát triển cơ sở hạ tầng, ổn định, cải thiện đời sống nhân dân địa phương nơi có khoáng sản được khai thác, chế biến và bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

2. Ưu tiên cho các dự án thăm dò, khai thác gắn liền với chế biến khoáng sản trên địa bàn tỉnh, có áp dụng kỹ thuật, công nghệ, thiết bị tiên tiến, hiện đại, có mức đầu tư xử lý môi trường cao, thu hồi tối đa khoáng sản chính và khoáng sản đi kèm, đảm bảo các tiêu chuẩn môi trường, làm ra sản phẩm có giá trị và hiệu quả kinh tế - xã hội cao; sử dụng lao động địa phương trong quá trình khai thác, chế biến. Hạn chế việc khai thác khoáng sản để xuất bán dưới dạng nguyên liệu thô hoặc chỉ qua sơ chế.

Đối với khoáng sản quặng titan: toàn bộ sản lượng quặng titan khai thác được trên địa bàn tỉnh phải được chế biến sâu tại tỉnh đến sản phẩm là xỉ titan và pigmen.

3. Trường hợp cải tạo mặt bằng phải đề nghị cấp giấy phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường: khi tổ chức, cá nhân thực hiện việc cải tạo san ủi mặt bằng, hạ cote nền đảm bảo đúng theo cao độ thiết kế đã được các cơ quan chức năng thẩm định, phê duyệt hoặc cá nhân, hộ gia đình đã được Ủy ban nhân dân cấp huyện chấp thuận phương án và cho phép cải tạo mặt bằng trong diện tích đất được giao, trong quá trình thi công làm phát sinh một khối lượng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường dôi dư thì được khai thác để phục vụ cho thi công các công trình khác của tỉnh. Trong trường hợp này chủ đầu tư không bắt buộc phải thăm dò, không cần lập thiết kế cơ sở, không yêu cầu thực hiện thiết kế mỏ và giám đốc điều hành mỏ, không cần thuê đất để khai thác khoáng sản (sau khai thác, đất được sử dụng đúng mục đích ban đầu được cấp - không thay đổi mục đích sử dụng đất) nhưng phải lập hồ sơ đề nghị cấp giấy phép khai thác.

4. Trường hợp cải tạo mặt bằng không phải đề nghị cấp giấy phép khai thác nhưng phải đăng ký tại Ủy ban nhân dân cấp huyện, xã:

a) Trường hợp san gạt tại chỗ (lấy vị trí cao bù vị trí thấp) trong diện tích đất được giao cho cá nhân, hộ gia đình mà không vận chuyển khoáng sản (đất, cát san lấp) ra ngoài, thì phải đăng ký khu vực, khối lượng, phương pháp, thiết bị, kế hoạch thi công tại Ủy ban nhân dân cấp huyện và phải được Ủy ban nhân dân cấp huyện có văn bản chấp thuận cho phép cải tạo đất;

b) Trường hợp cá nhân, hộ gia đình đã được cấp giấy phép xây dựng công trình trong diện tích đất ở thuộc quyền sử dụng đất của cá nhân, hộ gia đình mà trong quá trình san ủi mặt bằng có phát sinh khối lượng khoáng sản (đất, cát san lấp) dôi dư có nhu cầu vận chuyển ra ngoài mà không có mua bán, tặng cho để san lấp cho công trình xây dựng khác, thì phải đăng ký khối lượng khoáng sản, thiết bị, vị trí đổ thải đất và thời gian thi công tại Ủy ban nhân dân cấp xã.

Điều 4. Quyền lợi của địa phương và người dân nơi có khoáng sản được khai thác

1. Địa phương nơi có khoáng sản được khai thác được Nhà nước điều tiết khoản thu từ hoạt động khai thác khoáng sản để hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội theo quy định của pháp luật về ngân sách Nhà nước.

2. Tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản có trách nhiệm:

a) Hỗ trợ chi phí đầu tư nâng cấp, duy tu, xây dựng hạ tầng kỹ thuật sử dụng trong khai thác khoáng sản và xây dựng công trình phúc lợi cho địa phương nơi có khoáng sản được khai thác theo quy định của pháp luật;

b) Kết hợp khai thác với xây dựng hạ tầng kỹ thuật, bảo vệ, phục hồi môi trường theo dự án đầu tư khai thác khoáng sản; nếu gây thiệt hại đến hạ tầng kỹ thuật, công trình, tài sản khác thì tùy theo mức độ thiệt hại phải có trách nhiệm sửa chữa, duy tu, xây dựng mới hoặc bồi thường theo quy định của pháp luật;

c) Ưu tiên sử dụng lao động địa phương vào khai thác khoáng sản và các dịch vụ có liên quan;

d) Cùng với chính quyền địa phương bảo đảm việc chuyển đổi nghề nghiệp cho người dân có đất bị thu hồi để khai thác khoáng sản.

3. Việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho tổ chức, cá nhân đang sử dụng đất bị thu hồi để thực hiện dự án khai thác khoáng sản được thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai và các quy định khác có liên quan.

Điều 5. Những hành vi bị cấm

1. Lợi dụng hoạt động khoáng sản xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

2. Lợi dụng thăm dò để khai thác khoáng sản.

3. Thực hiện điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản, hoạt động khoáng sản khi chưa được cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền cho phép.

4. Cản trở trái pháp luật hoạt động điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản, hoạt động khoáng sản.

5. Cung cấp trái pháp luật thông tin về khoáng sản thuộc bí mật Nhà nước.

6. Cố ý hủy hoại mẫu vật địa chất, khoáng sản có giá trị hoặc quý hiếm.

7. Các hành vi khác theo quy định của pháp luật.

8. Không được thực hiện việc cải tạo mặt bằng, khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường dôi dư ra khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình trong những khu vực đã được khoanh định là khu vực cấm, tạm cấm hoạt động khoáng sản; khu vực đã được quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản; khu vực dự trữ khoáng sản của tỉnh và khu vực đã được điều tra đánh giá có khoáng sản.

9. Nghiêm cấm hành vi lợi dụng việc cải tạo mặt bằng, khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường dôi dư ra khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình để khai thác khoáng sản khác và lợi dụng việc cải tạo mặt bằng, khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường dôi dư ra khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình để hủy hoại đất, không thực hiện đúng quy định của pháp luật khi được cấp giấy phép, không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ, trách nhiệm của chủ đầu tư.

10. Nghiêm cấm hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn, vượt quá quyền hạn hoặc thiếu trách nhiệm của người có thẩm quyền để làm trái quy định về việc khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường dôi dư khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình, cải tạo mặt bằng.

Điều 6. Trách nhiệm bảo vệ khoáng sản của tổ chức, cá nhân

1. Tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản có trách nhiệm:

a) Khi thăm dò khoáng sản phải đánh giá tổng hợp và báo cáo đầy đủ các loại khoáng sản phát hiện được trong khu vực thăm dò cho cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép;

b) Khi khai thác khoáng sản phải áp dụng công nghệ tiên tiến, phù hợp với quy mô, đặc điểm từng mỏ, loại khoáng sản để thu hồi tối đa các loại khoáng sản được phép khai thác; nếu phát hiện khoáng sản mới phải báo cáo ngay cho cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép; quản lý, bảo vệ khoáng sản đã khai thác nhưng chưa sử dụng hoặc khoáng sản chưa thu hồi được.

2. Tổ chức, cá nhân sử dụng đất có trách nhiệm bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trong diện tích đất đang sử dụng; không được tự ý khai thác khoáng sản, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 2 Điều 64 của Luật Khoáng sản năm 2010.

3. Cơ quan tổ chức lập quy hoạch xây dựng vùng, quy hoạch chung đô thị, quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn khi trình phê duyệt quy hoạch phải trình kèm theo ý kiến bằng văn bản của cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép quy định tại Điều 82 của Luật Khoáng  sản.

Chương II

THẨM QUYỀN VÀ TRÁCH NHIỆM QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ TÀI NGUYÊN KHOÁNG SẢN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

Điều 7. Thẩm quyền và trách nhiệm quản lý Nhà nước về khoáng sản của Ủy ban nhân dân cấp huyện, xã

1. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp huyện) trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm:

a) Tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về khoáng sản thuộc địa bàn mình quản lý;

b) Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường cắm mốc, bàn giao khu vực khai thác mỏ cho các tổ chức, cá nhân được cấp phép;

c) Theo dõi, kiểm tra, giám sát, xử lý kịp thời theo thẩm quyền hoặc báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xử lý kịp thời các hành vi vi phạm trong lĩnh vực khoáng sản theo quy định của pháp luật;

d) Chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường và các đơn vị có liên quan theo dõi, tổng hợp, báo cáo định kỳ hoặc đột xuất khi có yêu cầu về tình hình hoạt động khoáng sản trên địa bàn cho Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp báo cáo cơ quan Nhà nước có thẩm quyền;

đ) Chỉ đạo Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp xã) thực hiện các biện pháp bảo vệ khoáng sản chưa khai thác; chủ động huy động và chỉ đạo phối hợp các lực lượng trên địa bàn để giải tỏa, ngăn chặn, xử lý nghiêm hoạt động khoáng sản trái phép; bảo đảm an ninh, trật tự xã hội tại các khu vực có khoáng sản; căn cứ đặc điểm tình hình khoáng sản chưa khai thác của địa phương, hàng năm có trách nhiệm lập dự toán kinh phí bảo vệ khoáng sản chưa khai thác gửi Sở Tài nguyên và Môi trường xem xét, tổng hợp gửi Sở Tài chính thẩm định, trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt, phân bổ kinh phí để thực hiện;

e) Giải quyết theo thẩm quyền các thủ tục giao đất, cho thuê đất, sử dụng cơ sở hạ tầng và các vấn đề khác có liên quan cho các tổ chức, cá nhân được phép thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản tại địa phương theo quy định của pháp luật; xác nhận việc đăng ký cải tạo mặt bằng quy định tại điểm a khoản 4 Điều 3 Quy định này, quản lý giám sát, kiểm tra việc sử dụng đất, bảo vệ môi trường của các cá nhân, hộ gia đình hoạt động cải tạo mặt bằng trên địa bàn huyện;

g) Chỉ đạo các phòng, ban liên quan thuộc thẩm quyền tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về khoáng sản; xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật;

h) Phối hợp chặt chẽ với Sở Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan liên quan trong công tác quản lý hoạt động khai thác khoáng sản từ khâu quy hoạch, cấp phép, kiểm tra việc thực hiện sau khi cấp giấy phép;

i) Chủ trì và phối hợp với Công an địa phương và các đơn vị liên quan, hàng năm xây dựng kế hoạch và tổ chức lực lượng, kiểm tra xử lý các trường hợp khai thác khoáng sản không phép và trái phép; giám sát quá trình phục hồi môi trường sau khi diễn ra các hoạt động khai thác khoáng sản và báo cáo về Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp báo cáo cho Ủy ban nhân dân tỉnh nhằm có biện pháp ngăn chặn suy thoái môi trường;

k) Kiểm tra xác nhận cam kết bảo vệ môi trường đối với các dự án phải lập Kế hoạch bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật;

l) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh nếu để xảy ra các hành vi thăm dò, khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn quản lý;

2. Ủy ban nhân dân cấp xã trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm:

a) Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về khoáng sản; xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật;

b) Giải quyết theo thẩm quyền các thủ tục cho thuê đất, cơ sở hạ tầng cho tổ chức, cá nhân thuê, sử dụng để thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản tại địa phương theo quy định của pháp luật; quyết định cho phép đăng ký cải tạo mặt bằng trong các trường hợp quy định tại điểm b khoản 4 Điều 3 Quy định này;

c) Thực hiện các biện pháp quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản, môi trường, an toàn lao động trong hoạt động khoáng sản; bảo đảm an ninh, trật tự xã hội tại các khu vực có khoáng sản; có trách nhiệm phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hoạt động khoáng sản trái phép; phối hợp với các cơ quan chức năng bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn; căn cứ đặc điểm tình hình khoáng sản chưa khai thác của địa phương, có trách nhiệm lập dự toán kinh phí hàng năm trình Ủy ban nhân dân cấp trên trực tiếp phê duyệt, bố trí kinh phí để thực hiện;

d) Trường hợp để xảy ra tình trạng thăm dò, khai thác, khai thác tận thu khoáng sản, tận dụng khoáng sản không có giấy phép hoặc văn bản cho phép của cấp thẩm quyền, đem khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp tặng, cho hoặc bán cho tổ chức, cá nhân khác mà Ủy ban nhân dân cấp xã không phát hiện, xử lý theo thẩm quyền và báo cáo kịp thời cho Ủy ban nhân dân cấp huyện, đến khi các cơ quan chức năng kiểm tra mới phát hiện thì Ủy ban nhân dân cấp huyện xem xét, xử lý trách nhiệm Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đó; trường hợp Ủy ban nhân dân cấp xã phát hiện nhưng vượt thẩm quyền xử lý, đã có báo cáo cho Ủy ban nhân dân cấp huyện nhưng Ủy ban nhân dân cấp huyện chậm xử lý thì Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, xử lý trách nhiệm đối với Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện;

đ) Báo cáo Ủy ban nhân dân cấp huyện (qua Phòng Tài nguyên và Môi trường) tình hình quản lý Nhà nước về khoáng sản, hoạt động khoáng sản, khai thác khoáng sản dôi dư trên địa bàn trước ngày 20 của tháng cuối hàng quý để Phòng Tài nguyên và Môi trường tổng hợp hoặc báo cáo đột xuất theo chỉ đạo của cấp trên.

Điều 8. Sở Tài nguyên và Môi trường

Sở Tài nguyên và Môi trường giúp Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh, có thẩm quyền và trách nhiệm:

1. Chủ trì soạn thảo, tham mưu trình cơ quan có thẩm quyền ban hành các văn bản về quản lý và bảo vệ tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh theo thẩm quyền; tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật về khoáng sản.

2. Lập quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản của địa phương theo quy định; kịp thời phát hiện và báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Tài nguyên và Môi trường khi phát hiện khoáng sản mới; thẩm định hồ sơ công nhận chỉ tiêu tính trữ lượng khoáng sản; hồ sơ phê duyệt trữ lượng khoáng sản; thống kê, kiểm kê trữ lượng khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của Ủy ban nhân dân tỉnh.

3. Tổ chức thẩm định hồ sơ cấp, gia hạn, thu hồi, trả lại giấy phép thăm dò khoáng sản, giấy phép khai thác khoáng sản; hồ sơ chuyển nhượng quyền thăm dò, quyền khai thác khoáng sản; hồ sơ trả lại một phần diện tích khu vực thăm dò, khai thác khoáng sản; đề án đóng cửa mỏ; hồ sơ đấu giá quyền khai thác khoáng sản thuộc thẩm quyền quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh; tổ chức thẩm định tiền cấp quyền khai thác khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của Ủy ban nhân dân tỉnh; tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh có ý kiến về các trường hợp xin cấp giấy phép hoạt động khoáng sản thuộc thẩm quyền của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

4. Chịu trách nhiệm giao giấy phép cho tổ chức, cá nhân đề nghị cấp giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản và thu lệ phí cấp giấy phép theo quy định của pháp luật về phí, lệ phí hoặc trả lời bằng văn bản về lý do giấy phép không được cấp.

5. Thừa ủy quyền Ủy ban nhân dân tỉnh: ký quyết định thành lập Hội đồng thẩm định đề án, báo cáo kết quả thăm dò khoáng sản; tiếp nhận và cấp giấy đăng ký đối với hồ sơ đăng ký khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trong trường hợp không phải đề nghị cấp giấy phép khai thác quy định tại khoản 2 Điều 64 Luật Khoáng sản 2010; tiếp nhận và cấp, gia hạn, thu hồi giấy phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường dôi dư khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình, cải tạo mặt bằng sau khi được Ủy ban nhân dân tỉnh chấp thuận chủ trương cho phép được thu hồi khoáng sản dôi dư và tổ chức nghiệm thu, ra thông báo hoàn công cho các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình là chủ dự án, phương án sau khi kết thúc khai thác đối với trường hợp này.

6. Là cơ quan Thường trực Hội đồng đấu giá quyền khai thác khoáng sản và Hội đồng thẩm định, xét duyệt trữ lượng khoáng sản trong báo cáo kết quả thăm dò đối với khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và than bùn thuộc thẩm quyền cấp phép của Ủy ban nhân dân tỉnh, khoáng sản tại các khu vực có khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường khoanh định và công bố.

7. Quản lý, lưu trữ và cung cấp thông tin, tư liệu về thăm dò khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và than bùn; thống kê, kiểm kê trữ lượng khoáng sản đã được phê duyệt và định kỳ báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường theo quy định.

8. Khoanh định các khu vực cấm hoạt động khoáng sản, khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản; xác định các khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân tỉnh; đề xuất với Ủy ban nhân dân tỉnh các biện pháp bảo vệ khoáng sản chưa khai thác; lập kế hoạch và tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của Ủy ban nhân dân tỉnh sau khi được phê duyệt.

9. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng hoặc điều chỉnh giá tính thuế tài nguyên đối với loại khoáng sản chưa có giá tính thuế tài nguyên hoặc phải điều chỉnh giá tính thuế tài nguyên do không còn phù hợp theo quy định. Sau khi bảng giá tính thuế tài nguyên được Ủy ban nhân dân tỉnh điều chỉnh thay đổi, Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát, xác định tỷ số chênh lệch giá tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản để xác định số tiền cấp quyền phải nộp lần tiếp theo (kể từ ngày giá tính thuế tài nguyên được điều chỉnh), gửi Cục Thuế tỉnh thông báo doanh nghiệp thực hiện nộp theo quy định; phối hợp Cục Thuế đôn đốc tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh thực hiện nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đúng quy định.

10. Thanh tra, kiểm tra chuyên ngành về khoáng sản theo quy định; giải quyết các tranh chấp, khiếu nại, tố cáo và xử lý theo thẩm quyền hoặc tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh giải quyết các tranh chấp, khiếu nại, tố cáo, xử lý các vi phạm pháp luật về khoáng sản, pháp luật khác có liên quan trong quản lý, hoạt động về khoáng sản trên địa bàn tỉnh theo quy định.

11. Tổ chức nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ về quản lý tài nguyên khoáng sản, xây dựng hệ thống thông tin, lưu trữ dữ liệu về tài nguyên khoáng sản theo quy định của pháp luật.

12. Chủ trì, phối hợp với các ngành chức năng liên quan và địa phương tổ chức kiểm tra và xác nhận cho các tổ chức, cá nhân kết quả thực hiện đề án đóng cửa mỏ, kết quả thực hiện dự án cải tạo, phục hồi môi trường, đất đai, đưa các công trình mỏ về trạng thái an toàn khi kết thúc khai thác.

13. Tiếp nhận báo cáo định kỳ về tình hình hoạt động khoáng sản của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh; báo cáo tình hình về công tác quản lý và hoạt động khoáng sản trên địa bàn của Ủy ban nhân dân cấp huyện; tổng hợp báo cáo định kỳ hàng năm về tình hình quản lý Nhà nước và hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh cho Ủy ban nhân dân tỉnh, Bộ Tài nguyên và Môi trường (thông qua Tổng cục Địa chất và Khoáng sản).

14. Tiếp nhận, thẩm định các hồ sơ về đề nghị cấp giấy phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường dôi dư ra khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình, cải tạo mặt bằng của các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình trên địa bàn tỉnh; tổ chức nghiệm thu và ra thông báo hoàn công cho các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình sau khi kết thúc việc cải tạo mặt bằng khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường.

15. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng mức thu phí tham gia đấu giá quyền khai thác khoáng sản báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định.

16. Hàng năm lập dự toán chi cho nhiệm vụ bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn tỉnh cùng với thời điểm xây dựng dự toán ngân sách Nhà nước gửi Sở Tài chính thẩm định, tổng hợp phương án phân bổ chi ngân sách trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định.

17. Kiểm tra, giám sát quá trình thi công hệ phương pháp kỹ thuật và các hạng mục công việc được ghi trong giấy phép thăm dò đối với các khu vực khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của Ủy ban nhân dân tỉnh; kiểm tra điều kiện của tổ chức hành nghề thăm dò khoáng sản đối với các giấy phép thăm dò thuộc thẩm quyền cấp phép của Ủy ban nhân dân tỉnh.

Điều 9. Sở Công Thương

Sở Công Thương giúp Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về quy hoạch thăm dò khai thác, chế biến khoáng sản, công nghiệp khai thác mỏ và chế biến khoáng sản trên địa bàn tỉnh theo phân cấp, có thẩm quyền và trách nhiệm:

1. Quản lý và tổ chức thực hiện các quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản (trừ khoáng sản làm vật liệu xây dựng và sản xuất ximăng) đã được phê duyệt trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật.

2. Hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các quy định về quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật, công nghệ, an toàn vệ sinh trong khai thác mỏ và chế biến khoáng sản trên địa bàn tỉnh do Bộ Công Thương ban hành.

3. Tham gia ý kiến đối với thiết kế cơ sở của các dự án đầu tư xây dựng công trình mỏ khoáng sản thuộc nhóm B, C xây dựng tại địa phương; có ý kiến bằng văn bản về nội dung báo cáo kinh tế - kỹ thuật xây dựng công trình mỏ và thiết kế bản vẽ thi công (trừ khoáng sản làm vật liệu xây dựng và sản xuất ximăng). Kiểm tra việc thực hiện theo thiết kế mỏ đã được phê duyệt.

4. Tổ chức thanh tra, kiểm tra về kỹ thuật an toàn trong hoạt động khai thác mỏ và chế biến khoáng sản; việc vận chuyển, tàng trữ, mua bán khoáng sản không có nguồn gốc khai thác, chế biến hợp pháp.

5. Thực hiện công tác thống kê, báo cáo định kỳ về công nghiệp khai thác khoáng sản và chế biến, xuất khẩu khoáng sản trên địa bàn tỉnh.

6. Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường trong quá trình tham mưu và thẩm định cấp giấy phép hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh.

7. Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh lập, phê duyệt quy hoạch khu vực có khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ (khi đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường khoanh định và công bố).

Điều 10. Sở Xây dựng

Giúp Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về quy hoạch thăm dò khai thác, chế biến khoáng sản làm vật liệu xây dựng, khoáng sản làm nguyên liệu sản xuất ximăng trên địa bàn tỉnh theo phân cấp, có thẩm quyền và trách nhiệm:

1. Quản lý và tổ chức thực hiện các quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản làm vật liệu xây dựng, nguyên liệu sản xuất ximăng đã được phê duyệt trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật.

2. Hướng dẫn các hoạt động thẩm định, đánh giá về công nghệ khai thác, chế biến khoáng sản làm vật liệu xây dựng, nguyên liệu sản xuất ximăng.

3. Có trách nhiệm tham gia ý kiến đối với thiết kế cơ sở của các dự án đầu tư xây dựng công trình mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng, khoáng sản làm nguyên liệu sản xuất ximăng tại địa phương.

4. Hướng dẫn, kiểm tra và tổ chức thực hiện các quy chuẩn kỹ thuật, các quy định về an toàn, vệ sinh lao động trong các hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản làm vật liệu xây dựng, nguyên liệu sản xuất ximăng.

5. Theo dõi, tổng hợp tình hình đầu tư khai thác, chế biến khoáng sản làm vật liệu xây dựng, nguyên liệu sản xuất ximăng, tình hình sản xuất vật liệu xây dựng của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh.

6. Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường trong quá trình tham mưu và thẩm định cấp giấy phép hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh.

7. Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, các sở, ngành, đơn vị liên quan trong quản lý, xác định khối lượng đối với hoạt động thu hồi, vận chuyển khoáng sản từ các dự án xây dựng, dự án chuyên ngành khác.

Điều 11. Thẩm quyền và trách nhiệm của các sở, ngành có liên quan

1. Công an tỉnh có trách nhiệm:

a) Kiểm tra các hoạt động vận chuyển tài nguyên khoáng sản đường thủy và đường bộ trên địa bàn tỉnh theo các nội dung về đảm bảo môi trường, trật tự an toàn giao thông, an ninh trật tự công cộng; xử lý các vi phạm theo phạm vi quyền hạn của ngành hoặc đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh xử lý theo thẩm quyền;

b) Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường thanh tra, kiểm tra các hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là các hoạt động khai thác khoáng sản bất hợp pháp khi có yêu cầu; tham gia khoanh định các khu vực cấm hoặc tạm thời cấm hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh;

c) Hướng dẫn, kiểm tra công tác phòng, chống cháy nổ; công tác liên quan đến vận chuyển, bảo quản và sử dụng vật liệu nổ công nghiệp trong hoạt động khoáng sản.

2. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm:

a) Hướng dẫn các đơn vị được cấp phép khai thác khoáng sản đăng ký các loại máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt; tập huấn về an toàn lao động và vệ sinh lao động cho các tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Kiểm tra vấn đề an toàn lao động và vệ sinh lao động trong hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản. Xử lý theo thẩm quyền hoặc tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh xử lý theo thẩm quyền các hành vi vi phạm trong việc đăng ký các loại máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt, các quy định về an toàn lao động và vệ sinh lao động trong hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản;

b) Phối hợp với Sở Công Thương, Công an tỉnh theo dõi, kiểm tra việc sử dụng vật liệu nổ công nghiệp trong hoạt động khoáng sản.

3. Sở Tài chính có trách nhiệm:

a) Hướng dẫn Ủy ban nhân dân huyện, thành phố, các Sở, ngành liên quan xây dựng kế hoạch và dự trù kinh phí hàng năm cho các đơn vị để bố trí kinh phí cho các đơn vị đảm bảo cho công tác tổ chức kiểm tra bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, kiểm tra ngăn ngừa hoạt động khai thác khoáng sản trái phép;

b) Thẩm định giá tính thuế tài nguyên đối với các loại khoáng sản chưa có giá hoặc phải điều chỉnh giá;

c) Chủ trì phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan liên quan tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh quy định mức thu, quản lý và sử dụng kinh phí đóng góp, hỗ trợ chi phí duy tu, nâng cấp, xây dựng hạ tầng kỹ thuật sử dụng trong khai thác khoáng sản và xây dựng công trình phúc lợi cho địa phương nơi có khoáng sản được khai thác;

d) Thẩm tra nguồn gốc các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng đã sử dụng cho các công trình xây dựng khi quyết toán. Không thanh, quyết toán đối với khối lượng khoáng sản đã sử dụng mà không xuất trình được các chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp, đồng thời thông báo cho Sở Tài nguyên và Môi trường biết tên đơn vị, khối lượng khoáng sản làm vật liệu xây dựng đã sử dụng mà không có nguồn gốc hợp pháp để xử lý theo quy định của pháp luật.

4. Cục Thuế tỉnh có trách nhiệm:

a) Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường khảo sát tình hình về giá bán sản phẩm khoáng sản trên thị trường của địa phương để lập phương án điều chỉnh giá tính thuế trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định;

b) Theo dõi, kiểm tra việc kê khai sản lượng khoáng sản để tính thuế, phí bảo vệ môi trường của các tổ chức, cá nhân hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản trên địa bàn tỉnh; thu đầy đủ các loại thuế, phí trong hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản; xử lý theo thẩm quyền các tổ chức, cá nhân vi phạm trong lĩnh vực thuế và phí theo quy định của pháp luật;

c) Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Công Thương, Sở Xây dựng đối chiếu, kiểm tra khối lượng khoáng sản do doanh nghiệp kê khai để tính các loại phí, thuế với khối lượng khai thác thực tế ở mỏ phù hợp với bản đồ hiện trạng mỏ;

d) Phối hợp với Sở Công Thương (Chi cục Quản lý thị trường) để kiểm tra, xử lý và truy thu các loại phí, thuế do việc mua bán khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp;

đ) Thông báo cho tổ chức, cá nhân nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, tiền chậm nộp, tiền phạt theo quy định của pháp luật về quản lý thuế do quá thời hạn ghi trên thông báo (nếu có); đôn đốc việc nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản; cung cấp thông tin liên quan đến nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản cho Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam hoặc Sở Tài nguyên và Môi trường theo thẩm quyền cấp phép biết, theo dõi; tổng hợp, hạch toán, báo cáo số thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo chế độ hiện hành; phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản.

5. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm:

a) Bảo vệ tài nguyên khoáng sản khu vực hành lang bảo vệ các công trình thủy lợi, rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, đất quy hoạch rừng phòng hộ; hướng dẫn và kiểm tra các tổ chức, cá nhân thực hiện công tác trồng rừng thay thế theo đúng thiết kế, kỹ thuật, quy chuẩn theo quy định;

b) Căn cứ văn bản chấp thuận chủ trương nạo vét lòng hồ của Ủy ban nhân dân tỉnh, chủ trì, phối hợp với đơn vị quản lý lòng hồ và các ngành liên quan tổ chức thẩm định, tham mưu phê duyệt phương án nạo vét đảm bảo an toàn lòng hồ và công trình thủy lợi;

c) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh việc nạo vét, thông luồng, thoát lũ, thu hồi khoáng sản thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân tỉnh. Thường xuyên kiểm tra, kiên quyết xử lý, đình chỉ đơn vị không thực hiện đúng chuẩn tắc thiết kế, thời gian nạo vét và lợi dụng việc nạo vét, khơi thông luồng lạch để khai thác tài nguyên khoáng sản trái phép; phối hợp với các ngành liên quan kiểm tra, giám sát luồng, khu vực nạo vét được Bộ, ngành Trung ương phê duyệt khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền;

d) Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường trong công tác kiểm tra, thẩm định, yêu cầu thực hiện các quy định của lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn đối với các dự án thuộc lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn và các dự án thăm dò, khai thác khoáng sản có liên quan đến đất lúa, đất rừng sản xuất, đất công trình thủy lợi, đất sản xuất nông nghiệp và dự án chuyên ngành khác;

đ) Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, các Sở, ngành, đơn vị liên quan trong quản lý, xác định khối lượng khoáng sản đối với hoạt động khai thác, thu hồi, vận chuyển khoáng sản.

6. Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch có trách nhiệm bảo vệ tài nguyên khoáng sản tại các di tích lịch sử, các di tích văn hóa và danh lam thắng cảnh.

7. Sở Giao thông vận tải có trách nhiệm:

a) Bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác nằm trong hành lang bảo vệ công trình giao thông; ngăn chặn, xử lý các phương tiện vận chuyển khoáng sản quá tải, quá khổ gây ảnh hưởng công trình giao thông; yêu cầu các tổ chức, cá nhân ký quỹ cam kết sửa chữa kết cấu hạ tầng giao thông bị hư hỏng do hoạt động vận chuyển khoáng sản gây ra theo quy định;

b) Phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường xác định khối lượng, quản lý đối với hoạt động thu hồi, vận chuyển khoáng sản từ các dự án giao thông và dự án chuyên ngành khác.

8. Sở Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm:

a) Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành chức năng liên quan thẩm tra năng lực tài chính, tham mưu trình Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định chủ trương đầu tư cho các tổ chức, cá nhân có dự án khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật về đầu tư;

b) Tham mưu theo dõi, kiểm tra việc thực hiện dự án của các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản theo nội dung quy định tại quyết định chủ trương đầu tư được cấp.

9. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh có trách nhiệm bảo vệ tài nguyên, khoáng sản tại các khu vực đất quốc phòng đã được giao; tham gia kiểm tra, thẩm định cho ý kiến đối với các hoạt động khoáng sản có liên quan đến quốc phòng; tham gia thực hiện quản lý Nhà nước về khoáng sản, phối hợp xử lý các vấn đề liên quan gây mất ổn định về quốc phòng - an ninh, chính trị xã hội trong khai thác, mua, bán, vận chuyển, tàng trữ, tiêu thụ tài nguyên khoáng sản.

10. Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh có trách nhiệm kiểm tra, thẩm định cho ý kiến đối với các hoạt động khoáng sản có liên quan đến an ninh, quốc phòng; phối hợp kiểm tra, kiểm soát việc xuất, nhập khẩu khoáng sản tại các cảng biển và kiểm tra xử lý các trường hợp khai thác, vận chuyển lậu khoáng sản, đặc biệt trên vùng biển cửa sông, khu vực giáp ranh với các tỉnh.

11. Chi Cục Hải quan tỉnh có trách nhiệm giải quyết theo thẩm quyền các hoạt động xuất, nhập khẩu khoáng sản theo quy định; phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp huyện hướng dẫn cho các nhà đầu tư mở tờ khai xuất khẩu; chịu trách nhiệm tuần tra kiểm soát để ngăn chặn, bắt giữ, xử lý theo thẩm quyền về hành vi buôn lậu khoáng sản và xuất khẩu khoáng sản trái phép theo thẩm quyền.

12. Quỹ bảo vệ môi trường tỉnh có trách nhiệm: tiếp nhận, xác nhận, quản lý sử dụng tiền ký quỹ phục hồi môi trường của các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản theo quy định; tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh việc hỗ trợ cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc giải quyết vấn đề môi trường trong khai thác, chế biến khoáng sản”.

Chương III

TIỀN CẤP QUYỀN KHAI THÁC KHOÁNG SẢN, ĐẤU GIÁ QUYỀN KHAI THÁC KHOÁNG SẢN

Điều 12. Tiền cấp quyền khai thác khoáng sản

1. Tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản phải nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản. Nhà nước thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản thông qua đấu giá hoặc không đấu giá.

2. Tiền cấp quyền khai thác khoáng sản được xác định căn cứ vào giá, trữ lượng, chất lượng khoáng sản, loại hoặc nhóm khoáng sản, điều kiện khai thác khoáng sản.

3. Phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản thực hiện theo Nghị định số 203/2013/NĐ-CP ngày 28 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản.

Điều 13. Khu vực đấu giá quyền khai thác khoáng sản

1. Đấu giá quyền khai thác khoáng sản thực hiện ở các khu vực hoạt động khoáng sản, trừ khu vực được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền khoanh định là khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản.

2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp giấy phép quy định tại Điều 82 của Luật Khoáng sản.

Điều 14. Hình thức, nguyên tắc, điều kiện, thủ tục đấu giá quyền khai thác khoáng sản

1. Hình thức đấu giá quyền khai thác khoáng sản bao gồm:

a) Đấu giá quyền khai thác khoáng sản ở khu vực chưa thăm dò khoáng sản;

b) Đấu giá quyền khai thác khoáng sản ở khu vực đã có kết quả thăm dò khoáng sản được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

2. Nguyên tắc, điều kiện, thủ tục đấu giá quyền khai thác khoáng sản: thực hiện theo Nghị định số 22/2012/NĐ-CP ngày 26 tháng 3 năm 2012 của Chính phủ quy định về đấu giá quyền khai thác khoáng sản và Quyết định số 75/2015/QĐ-UBND ngày 26 tháng 10 năm 2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quy định về đấu giá quyền khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh.

Chương IV

GIẤY PHÉP HOẠT ĐỘNG KHOÁNG SẢN

Điều 15. Cấp giấy phép hoạt động khoáng sản

1. Giấy phép thăm dò khoáng sản được cấp theo quy định tại Điều 34, 40, khoản 2 Điều 41 Luật Khoáng sản. Diện tích khu vực thăm dò khoáng sản theo quy định Điều 38 Luật Khoáng sản.

2. Giấy phép khai thác khoáng sản được cấp theo quy định tại Điều 51, 52, 53 khoản 2 Điều 54 Luật Khoáng sản.

3. Giấy phép khai thác tận thu khoáng sản được cấp theo quy định tại Điều 67, 68 Luật Khoáng sản.

Điều 16. Gia hạn giấy phép hoạt động khoáng sản

1. Giấy phép thăm dò khoáng sản được gia hạn theo quy định tại Điều 17 Nghị định số 15/2012/NĐ-CP ngày 09 tháng 3 năm 2012 của Chính phủ.

2. Giấy phép khai thác khoáng sản, giấy phép khai thác tận thu khoáng sản được gia hạn theo quy định tại Điều 25 Nghị định số 15/2012/NĐ-CP ngày 09 tháng 3 năm 2012 của Chính phủ.

Điều 17. Chuyển nhượng quyền thăm dò khoáng sản, quyền khai thác khoáng sản

1. Chuyển nhượng quyền thăm dò khoáng sản được thực hiện theo quy định tại Điều 43 Luật Khoáng sản và Điều 15 Nghị định số 15/2012/NĐ-CP ngày 09 tháng 3 năm 2012 của Chính phủ.

2. Chuyển nhượng quyền khai thác khoáng sản được thực hiện theo quy định tại Điều 66 Luật Khoáng sản và Điều 24 Nghị định số 15/2012/NĐ-CP ngày 09 tháng 3 năm 2012 của Chính phủ.

Điều 18. Thành phần hồ sơ, trình tự thủ tục đề nghị cấp, gia hạn giấy phép thăm dò khoáng sản, giấy phép khai thác khoáng sản, giấy phép khai thác tận thu khoáng sản; trả lại giấy phép thăm dò, giấy phép khai thác khoáng sản; chuyển nhượng quyền thăm dò, quyền khai thác khoáng sản thực hiện theo Bộ thủ tục hành chính ban hành kèm theo Quyết định số 14/QĐ-UBND ngày 07 tháng 01 năm 2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh.

Điều 19. Khai thác khoáng sản ở khu vực có dự án đầu tư xây dựng công trình

1. Việc khai thác khoáng sản ở khu vực có dự án đầu tư xây dựng công trình được thực hiện theo quy định sau đây:

a) Đối với khu vực có dự án đầu tư xây dựng công trình phát hiện có khoáng sản thì cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép quy định tại Điều 82 của Luật Khoáng  sản quyết định việc thăm dò, khai thác trước khi dự án được phê duyệt hoặc cấp giấy phép đầu tư;

b) Đối với khu vực chưa được điều tra, đánh giá về khoáng sản mà trong quá trình xây dựng công trình phát hiện có khoáng sản thì cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép quy định tại Điều 82 của Luật Khoáng sản quyết định việc khai thác hoặc không khai thác trong phạm vi xây dựng công trình; trường hợp quyết định khai thác thì không bắt buộc phải tiến hành thăm dò khoáng sản;

2. Trong trường hợp cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép quyết định không khai thác thì phải có văn bản trả lời cho cơ quan quyết định đầu tư, cơ quan cấp giấy phép đầu tư hoặc chủ đầu tư.

Điều 20. Thu hồi, chấm dứt hiệu lực giấy phép thăm dò khoáng sản

1. Giấy phép thăm dò khoáng sản bị thu hồi trong các trường hợp sau đây:

a) Sau 06 (sáu) tháng kể từ ngày giấy phép có hiệu lực, tổ chức, cá nhân thăm dò khoáng sản không tiến hành thăm dò, trừ trường hợp bất khả kháng;

b) Tổ chức, cá nhân thăm dò khoáng sản vi phạm một trong các nghĩa vụ quy định tại các điểm a, b, c, d, đ và e khoản 2 Điều 42 của Luật Khoáng sản mà không khắc phục trong thời hạn 90 (chín mươi) ngày kể từ ngày cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền về khoáng sản có thông báo bằng văn bản;

c) Khu vực được phép thăm dò khoáng sản bị công bố là khu vực cấm hoạt động khoáng sản hoặc khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản.

2. Giấy phép thăm dò khoáng sản chấm dứt hiệu lực khi xảy ra một trong các trường hợp sau đây:

a) Giấy phép bị thu hồi;

b) Giấy phép hết hạn;

c) Giấy phép được trả lại;

d) Tổ chức, cá nhân thăm dò khoáng sản giải thể hoặc phá sản.

3. Trong thời hạn 06 (sáu) tháng kể từ ngày giấy phép thăm dò khoáng sản chấm dứt hiệu lực theo quy định tại các điểm a, b và c khoản 2 Điều này, tổ chức, cá nhân thăm dò khoáng sản phải di chuyển toàn bộ tài sản của mình và của các bên liên quan ra khỏi khu vực thăm dò; san lấp công trình thăm dò, bảo vệ tài nguyên khoáng sản, phục hồi môi trường, đất đai; giao nộp mẫu vật, thông tin về khoáng sản đã thu thập được cho cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền về khoáng sản. Quy định này không áp dụng đối với trường hợp tổ chức, cá nhân thăm dò khoáng sản đang đề nghị gia hạn giấy phép thăm dò khoáng sản hoặc cấp giấy phép khai thác khoáng sản.

Điều 21. Thu hồi, chấm dứt hiệu lực giấy phép khai thác khoáng sản

1. Giấy phép khai thác khoáng sản bị thu hồi trong các trường hợp sau đây:

a) Sau 12 (mười hai) tháng kể từ ngày giấy phép có hiệu lực, tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản chưa xây dựng cơ bản mỏ, trừ trường hợp bất khả kháng;

b) Sau 12 (mười  hai) tháng kể từ ngày dự kiến bắt đầu khai thác, tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản chưa tiến hành khai thác, trừ trường hợp bất khả kháng;

c) Tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản vi phạm một trong các nghĩa vụ quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, e và g khoản 2 Điều 55 của Luật Khoáng sản mà không khắc phục trong thời hạn 90 (chín mươi) ngày kể từ ngày cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền về khoáng sản có thông báo bằng văn bản;

d) Khu vực được phép khai thác khoáng sản bị công bố là khu vực cấm hoạt động khoáng sản, khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản.

2. Giấy phép khai thác khoáng sản chấm dứt hiệu lực khi xảy ra một trong các trường hợp sau đây:

a) Giấy phép bị thu hồi;

b) Giấy phép hết hạn;

c) Giấy phép được trả lại;

d) Tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản giải thể hoặc phá sản.

3. Khi giấy phép khai thác khoáng sản chấm dứt hiệu lực thì các công trình, thiết bị bảo đảm an toàn mỏ, bảo vệ môi trường ở khu vực khai thác khoáng sản thuộc sở hữu Nhà nước, không được tháo dỡ, phá hủy. Trong thời hạn 06 (sáu) tháng kể từ ngày giấy phép khai thác khoáng sản chấm dứt hiệu lực, tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản phải di chuyển tài sản còn lại của mình và của các bên có liên quan ra khỏi khu vực khai thác khoáng sản; sau thời hạn này, tài sản còn lại thuộc sở hữu Nhà nước.

4. Trong thời hạn quy định tại khoản 3 Điều này, tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản phải thực hiện các nghĩa vụ có liên quan đến việc đóng cửa mỏ, cải tạo, phục hồi môi trường và đất đai theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Điều 22. Thu hồi giấy phép khai thác tận thu khoáng sản

1. Giấy phép khai thác tận thu khoáng sản bị thu hồi trong các trường hợp sau đây:

a) Tổ chức, cá nhân khai thác tận thu khoáng sản không thực hiện nghĩa vụ theo quy định tại khoản 2 Điều 69 của Luật Khoáng sản;

b) Khu vực khai thác tận thu khoáng sản bị công bố là khu vực cấm hoạt động khoáng sản, khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản.

2. Khi giấy phép khai thác tận thu khoáng sản bị thu hồi hoặc hết hạn thì tổ chức, cá nhân khai thác tận thu khoáng sản phải di chuyển toàn bộ tài sản của mình ra khỏi khu vực khai thác, thực hiện công tác cải tạo, phục hồi môi trường.

3. Trường hợp giấy phép khai thác tận thu khoáng sản bị thu hồi theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều này thì tổ chức, cá nhân khai thác tận thu khoáng sản được bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

Chương V

ĐÓNG CỬA MỎ KHOÁNG SẢN

Điều 23. Đóng cửa mỏ khoáng sản

Tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản phải lập đề án đóng cửa mỏ đối với toàn bộ hoặc một phần diện tích khai thác khoáng sản trong các trường hợp sau đây:

1. Đã khai thác hết toàn bộ hoặc một phần trữ lượng.

2. Giấy phép khai thác khoáng sản chấm dứt hiệu lực nhưng chưa khai thác hết trữ lượng khoáng sản trong khu vực khai thác khoáng sản.

Điều 24. Lập và tổ chức thực hiện đề án đóng cửa mỏ khoáng sản

1. Tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản phải lập đề án đóng cửa mỏ khoáng sản, trình cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép theo quy định tại Điều 82 của Luật Khoáng sản phê duyệt trước khi thực hiện.

2. Trường hợp tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản giải thể, phá sản hoặc không có khả năng thực hiện đề án đóng cửa mỏ khoáng sản thì cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép lựa chọn tổ chức, cá nhân có đủ năng lực lập, thực hiện đề án đóng cửa mỏ khoáng sản. Kinh phí thực hiện đề án đóng cửa mỏ khoáng sản được lấy từ tiền ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường của tổ chức, cá nhân được phép khai thác.

Điều 25. Phê duyệt, nghiệm thu kết quả thực hiện đề án đóng cửa mỏ khoáng sản và quyết định đóng cửa mỏ khoáng sản

1. Cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép khai thác khoáng sản phê duyệt, tổ chức nghiệm thu kết quả thực hiện đề án đóng cửa mỏ khoáng sản và quyết định đóng cửa mỏ khoáng sản.

2. Thành phần hồ sơ, trình tự thủ tục phê duyệt, nghiệm thu kết quả thực hiện đề án đóng cửa mỏ khoáng sản và quyết định đóng cửa mỏ khoáng sản thực hiện theo bộ thủ tục hành chính ban hành kèm theo Quyết định số 14/QĐ-UBND ngày 07 tháng 01 năm 2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh.

Chương VI

TRÌNH TỰ THỦ TỤC CẤP, GIA HẠN, THU HỒI GIẤY PHÉP KHAI THÁC KHOÁNG SẢN LÀM VẬT LIỆU XÂY DỰNG THÔNG THƯỜNG DÔI DƯ KHI THỰC HIỆN DỰ ÁN ĐẦU TƯ XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH, CẢI TẠO MẶT BẰNG VÀ HOÀN CÔNG SAU KHAI THÁC

Điều 26. Thủ tục cấp giấy phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường dôi dư khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình, cải tạo mặt bằng

1. Thủ tục cấp giấy phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường dôi dư khi thi công thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình.

a) Trình tự, cách thức thực hiện:

- Tổ chức, cá nhân lập hồ sơ đề nghị cấp giấy phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường dôi dư trong khi thi công thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình nộp trực tiếp tại Sở Tài nguyên và Môi trường;

- Sau khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra thực địa, thẩm định hồ sơ, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét có ý kiến về việc chấp thuận hoặc không chấp thuận chủ trương cho tổ chức, cá nhân được thu hồi khoáng sản dôi dư khi thi công công trình và trình phê duyệt tiền cấp quyền khai thác khoáng sản.

- Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét việc chấp thuận hoặc không chấp thuận chủ trương được thu hồi khoáng sản dôi dư khi thi công công trình của tổ chức, cá nhân.

Trường hợp Ủy ban nhân dân tỉnh chấp thuận chủ trương cho tổ chức, cá nhân được thu hồi khoáng sản thì đồng thời phê duyệt tiền cấp quyền khai thác khoáng sản. Nếu Ủy ban nhân dân tỉnh không chấp thuận chủ trương cho tổ chức, cá nhân được thu hồi khoáng sản khi thi công công trình thì có văn bản thông báo để Sở Tài nguyên và Môi trường trả lời cho tổ chức, cá nhân được biết.

- Sau khi có ý kiến chấp thuận chủ trương và phê duyệt tiền cấp quyền khai thác khoáng sản của Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường chuyển thông tin quyết định phê duyệt tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đến Cục Thuế  để ra thông báo cho tổ chức cá nhân nộp tiền theo quy định;

- Cục Thuế ra thông báo nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản cho tổ chức cá nhân;

- Tổ chức, cá nhân nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản vả gửi chứng từ nộp tiền về Sở Tài nguyên và Môi trường để được cấp giấy phép;

- Sau khi nhận chứng từ nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện cấp giấy phép cho tổ chức, cá nhân và thu lệ phí cấp phép theo quy định. Trường hợp không đủ điều kiện cấp giấy phép khai thác, Sở Tài nguyên và Môi trường phải trả lời bằng văn bản.

b) Thành phần, số lượng hồ sơ để xin chủ trương của Ủy ban nhân dân tỉnh đề nghị cấp giấy phép khai thác:

- Thành phần hồ sơ gồm:

+ Đơn đề nghị cấp giấy phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường dôi dư khi thi công thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình (Mẫu 01);

+ Đơn đề nghị chấp thuận chủ trương được thu hồi khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường dôi dư khi thi công thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình (Mẫu 2);

+ Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc văn bản liên quan chủ trương đầu tư công trình xây dựng của cơ quan có thẩm quyền (bản photo công chứng hoặc bản photo kèm theo bản chính để đối chiếu);

+ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (bản photo công chứng hoặc bản photo kèm theo bản chính để đối chiếu);

+ Bản photo dự án đầu tư xây dựng công trình (báo cáo thuyết minh và bản vẽ thiết kế thi công) kèm theo văn bản phê duyệt của cơ quan có thẩm quyền;

+ Bản photo báo cáo đánh giá tác động môi trường (hoặc Kế hoạch bảo vệ môi trường) của dự án đầu tư xây dựng công trình kèm theo quyết định phê duyệt hoặc giấy xác nhận;

+ Phương án khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường dôi dư và các biện pháp bảo vệ môi trường; trong đó nêu rõ: vị trí, diện tích, phương án khai thác, khối lượng, thời gian thực hiện, máy móc, thiết bị; các thông số kỹ thuật hệ thống khai thác, các biện pháp an toàn lao động áp dụng trong quá trình thi công; phương án bảo vệ môi trường; việc thực hiện các nghĩa vụ tài chính theo quy định (Mẫu 17);

+ Bản đồ khu vực khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường dôi dư (04 bản theo Mẫu 15);

+ Bảng kê khai thông tin tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản (Mẫu 15A).

- Số lượng hồ sơ: hồ sơ được lập thành hai (02) bộ.

c) Thời gian giải quyết: 30 (ba mươi) ngày làm việc.

d) Thời hạn giấy phép: tùy trường hợp cụ thể, phù hợp với tiến độ, thời gian thi công công trình và không quá 12 (mười hai) tháng.

đ) Lệ phí cấp phép: thực hiện theo quy định hiện hành.

2. Thủ tục cấp giấy phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường dôi dư trong công trình cải tạo mặt bằng đất nông nghiệp

a) Trình tự, cách thức thực hiện:

- Tổ chức, cá nhân lập hồ sơ đề nghị cấp giấy phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường dôi dư trong công trình cải tạo mặt bằng đất nông nghiệp, nộp trực tiếp tại Sở Tài nguyên và Môi trường;

- Sau khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra thực địa, thẩm định hồ sơ, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét có ý kiến về việc chấp thuận hoặc không chấp thuận chủ trương cho tổ chức, cá nhân được thu hồi khoáng sản dôi dư trong công trình cải tạo mặt bằng đất nông nghiệp và trình phê duyệt tiền cấp quyền khai thác khoáng sản;

- Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét việc chấp thuận hoặc không chấp thuận chủ trương được thu hồi khoáng sản dôi dư trong công trình cải tạo mặt bằng đất nông nghiệp của tổ chức, cá nhân;

Trường hợp Ủy ban nhân dân tỉnh chấp thuận chủ trương cho tổ chức, cá nhân được thu hồi khoáng sản thì đồng thời phê duyệt tiền cấp quyền khai thác khoáng sản. Nếu Ủy ban nhân dân tỉnh không chấp thuận chủ trương cho tổ chức, cá nhân được thu hồi khoáng sản trong công trình cải tạo mặt bằng đất nông nghiệp thì có văn bản để Sở Tài nguyên và Môi trường trả lời cho tổ chức, cá nhân được biết.

- Sau khi có ý kiến chấp thuận chủ trương và phê duyệt tiền cấp quyền khai thác khoáng sản của Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường chuyển thông tin Quyết định phê duyệt tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đến Cục Thuế để ra thông báo cho tổ chức cá nhân nộp tiền theo quy định;

- Cục Thuế ra thông báo nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản cho tổ chức cá nhân;

- Tổ chức, cá nhân nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản vả gửi chứng từ nộp tiền về Sở Tài nguyên và Môi trường để được cấp giấy phép;

- Sau khi nhận chứng từ nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện cấp giấy phép cho tổ chức, cá nhân và thu lệ phí cấp phép theo quy định;

Trường hợp không đủ điều kiện cấp giấy phép Sở Tài nguyên và Môi trường phải trả lời bằng văn bản.

b) Thành phần, số lượng hồ sơ

- Thành phần hồ sơ gồm:

+ Đơn đề nghị cấp giấy phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường dôi dư trong công trình cải tạo mặt bằng đất nông nghiệp (Mẫu 03);

+ Đơn đề nghị chấp thuận chủ trương được thu hồi khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường dôi dư trong công trình cải tạo mặt bằng đất nông nghiệp (Mẫu 2);

+ Quyết định của Ủy ban nhân dân cấp huyện chấp thuận việc cải tạo mặt bằng đất nông nghiệp (bản photo công chứng hoặc bản photo kèm theo bản chính để đối chiếu);

+ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (bản photo công chứng hoặc bản photo kèm theo bản chính để đối chiếu);

+ Giấy đăng ký kinh doanh của tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường dôi dư (bản photo công chứng hoặc bản photo kèm theo bản chính để đối chiếu);

+ Bản photo báo cáo đánh giá tác động môi trường (hoặc kế hoạch bảo vệ môi trường) của dự án cải tạo mặt bằng đất nông nghiệp kèm theo quyết định phê duyệt hoặc giấy xác nhận;

+ Phương án khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường dôi dư và các biện pháp bảo vệ môi trường. Trong đó nêu rõ: vị trí, diện tích, phương án cải tạo mặt bằng kết hợp khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường dôi dư, khối lượng, thời gian thực hiện, máy móc, thiết bị; các biện pháp an toàn lao động áp dụng trong quá trình thi công; phương án bảo vệ môi trường; việc thực hiện các nghĩa vụ tài chính theo quy định (Mẫu 17);

+ Bản chính hợp đồng cung ứng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường giữa tổ chức, cá nhân khai thác đề nghị cấp phép với đơn vị có nhu cầu sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường;

+ Bản photo quyết định thi công công trình và dự toán công trình (để tính toán nhu cầu khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường cần cung ứng cho công trình đó);

+ Bản đồ khu vực khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường (04 bản theo Mẫu 15).

+ Bảng kê khai thông tin tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản (Mẫu 15A);

- Số lượng hồ sơ: hồ sơ được lập thành hai (02) bộ.

c) Thời gian giải quyết: 30 (ba mươi) ngày làm việc

d) Thời hạn giấy phép: tùy trường hợp cụ thể, phù hợp với tiến độ, thời gian thi công công trình cải tạo mặt bằng và không quá 12 (mười hai) tháng.

đ) Lệ phí cấp phép: thực hiện theo quy định hiện hành.

Điều 27. Thủ tục gia hạn giấy phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường dôi dư

a) Trình tự, cách thức thực hiện: tổ chức, cá nhân đề nghị gia hạn giấy phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường nộp hồ sơ trực tiếp tại Sở Tài nguyên và Môi trường khi giấy phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường còn hiệu lực ít nhất 15 ngày.

b) Thành phần, số lượng hồ sơ

- Thành phần hồ sơ gồm:

+ Đơn đề nghị gia hạn giấy phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường (Mẫu 04);

+ Bản đồ hiện trạng thi công tính tới thời điểm đề nghị gia hạn (Mẫu 16);

+ Báo cáo kết quả hoạt động khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường tính tới thời điểm đề nghị gia hạn (Mẫu 13);

+ Các văn bản chứng minh đã thực hiện các nghĩa vụ quy định đối với hoạt động khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường này (bản photo công chứng hoặc bản photo kèm theo bản chính để đối chiếu);

- Số lượng hồ sơ: hồ sơ được lập thành hai (02) bộ.

c) Thời gian giải quyết hồ sơ: 15 (mười lăm) ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đề nghị gia hạn giấy phép theo quy định, Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra thực địa, thẩm định hồ sơ, xem xét cho gia hạn giấy phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường cho tổ chức, cá nhân, thông báo nộp lệ phí gia hạn trong trường hợp được gia hạn;

Trường hợp không đủ điều kiện gia hạn Sở Tài nguyên và Môi trường phải trả lời bằng văn bản.

d) Thời hạn gia hạn giấy phép: tùy trường hợp cụ thể, phù hợp với thời gian gia hạn thi công công trình cải tạo mặt bằng và không quá 06 (sáu) tháng.

đ) Lệ phí gia hạn giấy phép: thực hiện theo quy định hiện hành.

Điều 28. Trách nhiệm và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân, hộ gia đình được cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường dôi dư

1. Trước khi khai thác phải tiến hành cắm mốc ranh giới khu vực thi công và thông báo cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thực hiện dự án để giám sát việc thực hiện (Mẫu 14).

2. Thực hiện việc khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường dôi dư theo đúng với nội dung giấy phép đã được cấp và phương án đã được thẩm định.

3. Trong quá trình thi công, nếu phát hiện có khoáng sản khác phải có trách nhiệm bảo vệ và báo về Sở Tài nguyên và Môi trường, không được tự ý khai thác hoặc đảo lộn địa tầng làm giảm giá trị và độ thu hồi khoáng sản.

4. Phải đảm bảo an toàn lao động và an toàn cho đất đai và các công trình liền kề. Thường xuyên thực hiện các biện pháp kiểm soát, bảo vệ tài nguyên, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội trong khu vực. Thực hiện việc đền bù thiệt hại do mình gây ra đối với các chủ đất xung quanh (nếu có).

5. Phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước như nộp lệ phí cấp phép, phí bảo vệ môi trường, thuế tài nguyên, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và các nghĩa vụ khác theo quy định.

6. Đối với các công trình cải tạo mặt bằng đất nông nghiệp, trong quá trình thi công thì phải bóc toàn bộ tầng đất canh tác để sang một bên và phải lưu giữ, không được làm đảo lộn tầng đất canh tác, tiến hành san ủi cải tạo mặt bằng trả lại tầng đất canh tác nói trên, không làm thay đổi mục đích sử dụng đất.

7. Phải thực hiện báo cáo hoàn công sau cải tạo mặt bằng và khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường dôi dư, phục hồi môi trường đất đai sau khai thác theo quy định của pháp luật.

Điều 29. Thu hồi giấy phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường dôi dư

1. Giấy phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường dôi dư bị thu hồi nếu tổ chức, cá nhân, hộ gia đình được cấp phép vi phạm một trong các quy định tại Điều 28 Quy định này mà không khắc phục trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày cơ quan quản lý Nhà nước về khoáng sản có thẩm quyền có thông báo bằng văn bản.

2. Khi giấy phép bị thu hồi thì tổ chức, cá nhân, hộ gia đình được cấp phép đó phải chịu mọi trách nhiệm trước pháp luật về các vấn đề có liên quan và tổ chức, cá nhân, hộ gia đình đó sẽ không được xem xét cấp mới giấy phép trong 02 năm.

3. Khi giấy phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường dôi dư bị thu hồi hoặc hết thời hạn thì tổ chức, cá nhân, hộ gia đình khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường dôi dư phải di chuyển toàn bộ máy móc của mình ra khỏi khu vực khai thác, thực hiện hoàn công sau khai thác và phục hồi môi trường.

Điều 30. Thủ tục hoàn công sau khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường dôi dư

1. Trình tự, cách thức thực hiện: sau khi hết thời hạn giấy phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường dôi dư  hoặc giấy phép khai thác bị thu hồi thì tổ chức, cá nhân, hộ gia đình nộp hồ sơ hoàn công sau khai thác trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện về Sở Tài nguyên và Môi trường. Các nghĩa vụ liên quan đến việc cải tạo mặt bằng, khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường dôi dư chỉ chấm dứt khi chủ sử dụng đất nhận được thông báo hoàn công, sau khi có thông báo hoàn công tổ chức, cá nhân, hộ gia đình đưa đất vào sử dụng như mục đích ban đầu (của dự án hoặc của giấy chứng nhận quyền sử dụng đất).

2. Thành phần, số lượng hồ sơ

a) Thành phn hồ sơ gồm:

- Báo cáo hoàn công: trong đó nêu rõ kết quả cải tạo mặt bằng, khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường dôi dư, các nghĩa vụ tài chính đã thực hiện đi với Nhà nước, việc tái sử dụng đất (Mẫu 05);

- Các hóa đơn, chứng từ liên quan đến việc thực hiện các nghĩa vụ tài chính (bản photo công chứng hoặc bản photo kèm theo bản chính để đối chiếu).

b) Số lượng hồ sơ: hồ sơ được lập thành một (01) bộ.

3. Thời hạn thụ lý hồ sơ: trong thời hạn 10 (mười) ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với cơ quan liên quan tổ chức nghiệm thu hoàn công, xem xét các vấn đề liên quan và ra thông báo hoàn công (Mẫu 10).

Trường hợp tổ chức, cá nhân, hộ gia đình chưa thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ theo quy định, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ yêu cầu tiếp tục thực hiện tại biên bản nghiệm thu hoàn công.

Điều 31. Thủ tục đăng ký thi công cải tạo mặt bằng

1. Trường hợp san gạt tại chỗ khi cải tạo mặt bằng trong diện tích đất được giao của cá nhân, hộ gia đình.

a) Trình tự, cách thức thực hiện: cá nhân, hộ gia đình có nhu cầu cải tạo mặt bằng tại chỗ nộp hồ sơ trực tiếp về Bộ phận một cửa - Ủy ban nhân dân cấp huyện để thực hiện.

b) Thành phần, số lượng hồ sơ

- Thành phần hồ sơ gồm:

+ Đơn đề nghị cho phép cải tạo mặt bằng đất nông nghiệp và đăng ký thi công (Mẫu 06);

+ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (bản photo công chứng hoặc bản photo kèm theo bản chính để đối chiếu).

- Số lượng hồ sơ: hồ sơ được lập thành hai (02) bộ.

c) Thời gian thụ lý hồ sơ: trong thời hạn 12 (mười hai) ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, Phòng Tài nguyên và Môi trường cấp huyện chủ trì, Ủy ban nhân dân cấp xã phối hợp kiểm tra thực địa, thẩm định hồ sơ (07 ngày làm việc), trình Ủy ban nhân dân cấp huyện xem xét ban hành văn bản chấp thuận (05 ngày làm việc) cho chủ sử dụng đất cải tạo mặt bằng và đăng ký thi công (mẫu 11);

d) Nhận kết quả: văn bản chấp thuận cải tạo mặt bằng tại chỗ của cá nhân, hộ gia đình được nhận trực tiếp tại Bộ phận một cửa - Ủy ban nhân dân cấp huyện.

Trường hợp không đủ điều kiện, Phòng Tài nguyên Môi trường cấp huyện phải trả lời bằng văn bản.

đ) Thời hạn đăng ký thi công: tùy trường hợp cụ thể, tiến độ thi công cải tạo mặt bằng và không quá 06 (sáu) tháng.

2. Trường hợp đăng ký san gạt, hạ cote trong diện tích đất ở của cá nhân, hộ gia đình:

a) Thành phần hồ sơ, trình tự, cách thức thực hiện: Cá nhân, hộ gia đình làm đơn đăng ký san gạt, hạ cote nền đất ở (mẫu 07) trong đó nêu rõ: Vị trí, diện tích, thời gian san gạt, hạ cote nền, khối lượng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường dôi dư cần mang ra khỏi khu vực, vị trí đổ đất, phương tiện tham gia thi công, nộp trực tiếp về Ủy ban nhân dân cấp xã, kèm theo photo giấy phép xây dựng đã được cấp.

b) Thời gian thụ lý hồ sơ: trong thời hạn 05 (năm) ngày làm việc, Ủy ban nhân dân cấp xã xem xét ra văn bản chấp thuận việc đăng ký cho chủ sử dụng đất thực hiện (mẫu 12). Trường hợp không đồng ý, Ủy ban nhân dân cấp xã phải trả lời bằng văn bản.

c) Thời hạn đăng ký thi công: tùy thuộc tiến độ, thời gian thi công san gạt, hạ cote và không quá 30 (ba mươi) ngày.

Điều 32. Trách nhiệm, nghĩa vụ của cá nhân, hộ gia đình được chấp thuận việc đăng ký thi công cải tạo mặt bằng

1. Trước khi tiến hành thi công phải cắm mốc ranh giới khu vực và thông báo cho Ủy ban nhân dân xã nơi thực hiện dự án để kiểm tra, giám sát việc thực hiện (mẫu 14).

2. Thực hiện việc san gạt mặt bằng theo đúng nội dung đã đăng ký, nếu trong quá trình san gạt mặt bằng có khối lượng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường dôi dư cần vận chuyển ra ngoài để phục vụ thi công công trình cá nhân, hộ gia đình liên hệ Sở Tài nguyên và Môi trường để được hướng dẫn lập thủ tục cấp phép theo quy định.

3. Trong quá trình thi công, nếu phát hiện có khoáng sản khác phải có trách nhiệm bảo vệ đồng thời báo cáo về Sở Tài nguyên và Môi trường để báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, không được tự ý khai thác làm đảo lộn địa tầng khoáng sản.

4. Thường xuyên thực hiện các biện pháp kiểm soát, bảo vệ tài nguyên, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội trong khu vực. Phải đảm bảo an toàn lao động và an toàn cho đất đai và các công trình liền kề, nếu có nguy cơ đe dọa sự an toàn đối với đất đai, công trình liền kề và xung quanh thì phải thực hiện ngay các biện pháp khắc phục, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường.

Điều 33. Thu hồi văn bản chấp thuận cải tạo mặt bằng

1. Văn bản chấp thuận cải tạo mặt bằng bị thu hồi nếu cá nhân, hộ gia đình vi phạm một trong các hành vi sau:

a) Sau ba (03) tháng kể từ ngày quyết định chấp thuận có hiệu lực mà cá nhân, hộ gia đình không triển khai thực hiện cải tạo mặt bằng, trừ trường hợp bất khả kháng;

b) Vi phạm một trong các quy định tại Điều 32 Quy định này mà không khắc phục trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày cơ quan quản lý Nhà nước về khoáng sản có thẩm quyền có thông báo bằng văn bản.

2. Khi quyết định chấp thuận cải tạo mặt bằng bị thu hồi hoặc hết hạn thì cá nhân, hộ gia đình phải di chuyển toàn bộ máy móc của mình ra khỏi khu vực cải tạo mặt bằng, đưa đất vào sử dụng đúng mục đích ghi trong giấy chứng nhận sử dụng đất.

Chương VII

QUYẾN VÀ NGHĨA VỤ CỦA CÁC TỔ CHỨC, CÁ NHÂN HOẠT ĐỘNG KHOÁNG SẢN

Điều 34. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân thăm dò khoáng sản

1. Tổ chức, cá nhân thăm dò khoáng sản có các quyền sau đây:

a) Sử dụng thông tin về khoáng sản liên quan đến mục đích thăm dò và khu vực thăm dò;

b) Tiến hành thăm dò theo giấy phép thăm dò khoáng sản;

c) Chuyển ra ngoài khu vực thăm dò kể cả ra nước ngoài các loại mẫu vật với khối lượng, chủng loại phù hợp với tính chất, yêu cầu phân tích, thử nghiệm theo đề án thăm dò đã được chấp thuận;

d) Được ưu tiên cấp giấy phép khai thác khoáng sản tại khu vực đã thăm dò theo quy định tại khoản 1 Điều 45 của Luật Khoáng sản;

đ) Đề nghị gia hạn, trả lại giấy phép thăm dò khoáng sản hoặc trả lại một phần diện tích khu vực thăm dò khoáng sản;

e) Chuyển nhượng quyền thăm dò khoáng sản;

g) Khiếu nại, khởi kiện quyết định thu hồi giấy phép thăm dò khoáng sản hoặc quyết định khác của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền;

h) Quyền khác theo quy định của pháp luật.

2. Tổ chức, cá nhân thăm dò khoáng sản có các nghĩa vụ sau đây:

a) Nộp lệ phí cấp giấy phép thăm dò khoáng sản, nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật;

b) Thực hiện đúng giấy phép thăm dò khoáng sản, đề án thăm dò khoáng sản đã được chấp thuận;

c) Báo cáo cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép xem xét, chấp thuận trong trường hợp thay đổi phương pháp thăm dò hoặc thay đổi khối lượng thăm dò có chi phí lớn hơn 10% dự toán;

d) Bồi thường thiệt hại do hoạt động thăm dò gây ra;

đ) Thông báo kế hoạch thăm dò cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi thăm dò khoáng sản trước khi thực hiện;

e) Thu thập, lưu giữ thông tin về khoáng sản và báo cáo kết quả thăm dò khoáng sản cho cơ quan quản lý Nhà nước về khoáng sản; báo cáo các hoạt động khác cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật;

g) Thực hiện các công việc khi giấy phép thăm dò khoáng sản chấm dứt hiệu lực theo quy định tại khoản 3 Điều 46 của Luật Khoáng sản năm 2010;

h) Nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

Điều 35. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản

1. Tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản có các quyền sau đây:

a) Sử dụng thông tin về khoáng sản liên quan đến mục đích khai thác và khu vực được phép khai thác;

b) Tiến hành khai thác khoáng sản theo giấy phép khai thác khoáng sản;

c) Được thăm dò nâng cấp trữ lượng khoáng sản trong phạm vi diện tích, độ sâu được phép khai thác nhưng phải thông báo khối lượng, thời gian thăm dò nâng cấp cho cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép trước khi thực hiện;

d) Cất giữ, vận chuyển, tiêu thụ và xuất khẩu khoáng sản đã khai thác theo quy định của pháp luật;

đ) Đề nghị gia hạn, trả lại giấy phép khai thác khoáng sản hoặc trả lại một phần diện tích khu vực khai thác khoáng sản;

e) Chuyển nhượng quyền khai thác khoáng sản;

g) Khiếu nại, khởi kiện quyết định thu hồi giấy phép khai thác khoáng sản hoặc quyết định khác của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền;

h) Thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai phù hợp với dự án đầu tư khai thác khoáng sản, thiết kế mỏ đã được phê duyệt;

i) Quyền khác theo quy định của pháp luật.

2. Tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản có các nghĩa vụ sau đây:

a) Nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, lệ phí cấp giấy phép khai thác khoáng sản, thuế, phí và thực hiện các nghĩa vụ về tài chính khác theo quy định của pháp luật;

b) Bảo đảm tiến độ xây dựng cơ bản mỏ và hoạt động khai thác xác định trong dự án đầu tư khai thác khoáng sản, thiết kế mỏ;

c) Đăng ký ngày bắt đầu xây dựng cơ bản mỏ, ngày bắt đầu khai thác với cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép và thông báo cho Ủy ban nhân dân các cấp nơi có mỏ trước khi thực hiện;

d) Khai thác tối đa khoáng sản chính, khoáng sản đi kèm; bảo vệ tài nguyên khoáng sản; thực hiện an toàn lao động, vệ sinh lao động và các biện pháp bảo vệ môi trường;

đ) Thu thập, lưu giữ thông tin về kết quả thăm dò nâng cấp trữ lượng khoáng sản và khai thác khoáng sản;

e) Báo cáo kết quả khai thác khoáng sản cho cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền theo quy định tại Điều 40 của Quy định này;

g) Bồi thường thiệt hại do hoạt động khai thác khoáng sản gây ra;

h) Tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân khác tiến hành hoạt động nghiên cứu khoa học được Nhà nước cho phép trong khu vực khai thác khoáng sản;

i) Đóng cửa mỏ, phục hồi môi trường và đất đai khi giấy phép khai thác khoáng sản chấm dứt hiệu lực;

k) Nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

Điều 36. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân khai thác tận thu khoáng sản

1. Tổ chức, cá nhân khai thác tận thu khoáng sản có các quyền sau đây:

a) Tiến hành khai thác khoáng sản theo giấy phép khai thác tận thu khoáng sản;

b) Cất giữ, vận chuyển, tiêu thụ và xuất khẩu khoáng sản đã khai thác theo quy định của pháp luật;

c) Đề nghị gia hạn, trả lại giấy phép khai thác tận thu khoáng sản hoặc trả lại một phần diện tích khu vực khai thác tận thu khoáng sản;

d) Khiếu nại, khởi kiện quyết định thu hồi giấy phép khai thác tận thu khoáng sản hoặc quyết định khác của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền;

đ) Thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai phù hợp với dự án đầu tư khai thác khoáng sản, thiết kế mỏ đã được phê duyệt;

e) Không phải nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản.

g) Quyền khác theo quy định của pháp luật.

2. Tổ chức, cá nhân khai thác tận thu khoáng sản có các nghĩa vụ sau đây:

a) Nộp lệ phí cấp giấy phép, các khoản thuế, phí và thực hiện các nghĩa vụ về tài chính khác theo quy định của pháp luật;

b) Thực hiện các nghĩa vụ theo quy định tại các điểm b, d, đ, e, g, h, i và k, khoản 2 Điều 55 của Luật Khoáng sản.

Điều 37. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân đăng ký khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường

1. Tổ chức, cá nhân đăng ký khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường có các quyền sau đây:

a) Tiến hành khai thác khoáng sản theo giấy đăng ký khai thác khoáng sản do Sở Tài nguyên và Môi trường cấp;

b) Đề nghị gia hạn, trả lại giấy đăng ký khai thác khoáng sản;

2. Tổ chức, cá nhân đăng ký khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường có các nghĩa vụ sau đây:

a) Đăng ký công suất, khối lượng, phương pháp, thiết bị và kế hoạch khai thác tại Sở Tài nguyên và Môi trường trước khi tiến hành khai thác khoáng sản;

b) Nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản;

c) Tuân thủ đúng nội dung đã được ghi tại giấy đăng ký khai thác khoáng sản;

d) Sản phẩm khai thác được chỉ sử dụng phục vụ cho xây dựng công trình thuộc dự án đầu tư đã được cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt hoặc cho phép đầu tư;

đ) Báo cáo đúng khối lượng khoáng sản đã khai thác và số tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đã thực hiện với Sở Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân huyện nơi có khoáng sản đăng ký khai thác theo quy định tại khoản 2, 3 Điều 39 Quy định này;

e) Đóng cửa mỏ khu vực khai thác khoáng sản;

g) Thực hiện các nghĩa vụ khác có liên quan theo quy định của pháp luật.

Chương VIII

BÁO CÁO TRONG HOẠT ĐỘNG KHOÁNG SẢN

Điều 38. Báo cáo kết quả thống kê, kiểm kê trữ lượng khoáng sản, sản lượng khoáng sản đã khai thác

Tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản có trách nhiệm thực hiện công tác thống kê, kiểm kê trữ lượng khoáng sản trong khu vực được phép khai thác, sản lượng khoáng sản đã khai thác, chịu trách nhiệm về số liệu đã thống kê, kiểm kê. Kết quả thống kê, kiểm kê của năm báo cáo phải gửi đến Sở Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Việc thống kê trữ lượng khoáng sản, kiểm kê trữ lượng khoáng sản, xác định sản lượng khoáng sản đã khai thác thực hiện theo quy định tại Thông tư số  02/2013/TT-BTNMT ngày 01 tháng 3 năm 2013 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định việc lập bản đồ hiện trạng, bản vẽ mặt cắt hiện trạng khu vực được phép khai thác khoáng sản; thống kê, kiểm kê trữ lượng khoáng sản.

Điều 39. Báo cáo kết quả hoạt động khoáng sản

1. Báo cáo kết quả hoạt động khoáng sản bao gồm:

a) Báo cáo về hoạt động thăm dò khoáng sản, hoạt động khai thác khoáng sản, hoạt động khai thác khoáng sản dôi dư khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình, cải tạo mặt bằng. Báo cáo lập phải đủ nội dung, bảo đảm thông tin chính xác, trung thực đối với từng mỏ, khu vực khai thác khoáng sản, khu vực khai thác khoáng sản dôi dư khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình, cải tạo mặt bằng;

b) Báo cáo tình hình quản lý Nhà nước về khoáng sản và hoạt động khoáng sản trong phạm vi huyện, thành phố thuộc tỉnh.

2. Chế độ báo cáo về hoạt động khoáng sản được quy định như sau:

a) Hoạt động thăm dò khoáng sản, khai thác khoáng sản thực hiện báo cáo định kỳ một năm một lần. Kỳ báo cáo được tính từ ngày 01 tháng 01 đến hết ngày 31 tháng 12 của năm báo cáo. Hoạt động khai thác khoáng sản dôi dư khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình, cải tạo mặt bằng thực hiện báo cáo định kỳ một tháng một lần. Kỳ báo cáo được tính từ ngày 01 đến hết ngày cuối tháng của tháng báo cáo;

b) Ngoài chế độ báo cáo nêu tại điểm a khoản này, khi có yêu cầu của cơ quan quản lý Nhà nước về khoáng sản, tổ chức, cá nhân được phép hoạt động thăm dò khoáng sản, khai thác khoáng sản, khai thác khoáng sản dôi dư phải báo cáo đột xuất về tình hình hoạt động khoáng sản.

3. Trách nhiệm nộp báo cáo kết quả hoạt động khoáng sản được quy định như sau:

a) Chậm nhất sau 05 (năm) ngày làm việc kể từ ngày cuối cùng của kỳ báo cáo, tổ chức, cá nhân được phép thăm dò khoáng sản, khai thác khoáng sản phải nộp báo cáo quy định tại điểm a khoản 1 Điều này cho Sở Tài nguyên và Môi trường;

Đối với tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản theo giấy phép thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường, ngoài việc nộp báo cáo cho Sở Tài nguyên và Môi trường nơi có hoạt động khoáng sản còn phải nộp báo cáo cho Tổng cục Địa chất và Khoáng sản. Đối với tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản dôi dư khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình, cải tạo mặt bằng, ngoài việc nộp báo cáo cho Sở Tài nguyên và Môi trường còn phải nộp báo cáo cho Phòng Tài nguyên và Môi trường nơi có hoạt động khai thác khoáng sản dôi dư.

b) Chậm nhất sau 10 (mười) ngày làm việc kể từ ngày cuối cùng của kỳ báo cáo, Phòng Tài nguyên và Môi trường các huyện, thành phố phải nộp báo cáo quy định tại điểm b khoản 1 Điều này cho Sở Tài nguyên và Môi trường;

c) Chậm nhất sau 15 (mười lăm) ngày kể từ ngày cuối cùng của kỳ báo cáo, Sở Tài nguyên và Môi trường lập báo cáo quy định tại điểm b khoản 1 Điều này trình Ủy ban nhân dân tỉnh để gửi cho Bộ Tài nguyên và Môi trường và gửi bản sao cho Sở Công Thương, Sở Xây dựng để phối hợp quản lý;

4. Các biểu mẫu báo cáo hoạt động khoáng sản, tình hình quản lý Nhà nước về khoáng sản và hoạt động khoáng sản theo Thông tư số 16/2012/TT-BTNMT ngày 29 tháng 11 năm 2012 của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Mẫu cáo cáo hoạt động khai thác khoáng sản dôi dư khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình, cải tạo mặt bằng, lập theo mẫu hướng dẫn của Sở Tài nguyên và Môi trường.

Chương IX

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 40. Tổ chức thực hiện

Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân cấp huyện phổ biến và hướng dẫn triển khai thực hiện quy định này trên địa bàn tỉnh; niêm yết công khai quy trình, thủ tục hồ sơ giấy phép hoạt động khoáng sản tại nơi tiếp nhận hồ sơ.

Trong quá trình thực hiện quy định này, nếu phát sinh vướng mắc, các ngành, địa phương, đơn vị và cá nhân có liên quan phản ánh về Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp, trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./

 

PHỤ LỤC

DANH MỤC CÁC BIỂU MẪU
(Kèm theo Quyết định số 36/2016/QĐ-UBND ngày 06 tháng 7 năm 2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận)

Mẫu số

Tên mẫu

Mu 1

Đơn đề nghị cấp giấy phép khai thác khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường dôi dư khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình, cải tạo mặt bằng.

Mẫu 2

Đơn đ nghị chấp thuận chủ trương được thu hồi khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường dôi dư trong quá trình thực hiện dự án.

Mu 3

Đơn đề nghị cấp giấy phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường dôi dư trong công trình cải tạo mặt bằng đất nông nghiệp (của cá nhân, hộ gia đình)

Mu 4

Đơn đề nghị gia hạn giấy phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường dôi dư

Mu 5

Báo cáo hoàn công hoạt động cải tạo mặt bằng khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường dôi dư

Mu 6

Đơn đề nghị cho phép cải tạo mặt bằng đất nông nghiệp và đăng ký thi công (đối với các trường hợp ci tạo mặt bằng tại chỗ, không có thu hồi khoáng sản)

Mu 7

Đơn đề nghị cho phép đăng ký thi công san nền để xây dựng nhà ở

Mu 8

Giấy phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường dôi dư

Mu 9

Quyết định gia hạn giấy phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường dôi dư

Mu 10

Thông báo việc hoàn công sau ci tạo mặt bằng khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường dôi dư

Mu 11

Quyết định cho phép cải tạo mặt bằng và đăng ký thi công công trình (cấp huyện)

Mu 12

Quyết định cho đăng ký thi công cải tạo mặt bng trong diện tích đất ở của cá nhân, hộ gia đình (cấp xã)

Mu 13

Báo cáo kết quả hoạt động cải tạo mặt bằng, khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường dôi dư

Mu 14

Thông báo hoạt động cải tạo mặt bằng

Mu 15

Bản đồ khu vực cải tạo mặt bằng khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường dôi dư

Mu 16

Bn đồ hiện trạng khu vực cải tạo mặt bằng khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường dôi dư

Mu 17

Phương án thi công cải tạo mặt bằng và khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường dôi dư.

 

Mẫu 1

(TÊN T CHỨC, CÁ NHÂN)

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: ......./........

…, ngày… tháng… năm…..

 

ĐƠN ĐỀ NGHỊ CẤP GIẤY PHÉP KHAI THÁC KHOÁNG SẢN LÀM VẬT LIỆU XÂY DỰNG THÔNG THƯỜNG KHI THỰC HIỆN DỰ ÁN ĐẦU TƯ XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH.............................................

Kính gửi:

- Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận;
- Sở Tài nguyên và Môi trường.

Tên tổ chức, cá nhân:.................................................................................................

Địa chỉ:......................................................................................................................

Điện thoại:.................................................................. Fax:........................................

Quyết định thành lập doanh nghiệp số.............. , ngày... tháng... năm..... (hoặc Giấy đăng ký kinh doanh số............................. ngày... tháng... năm.....)

Đang thực hiện thi công dự án đầu tư xây dựng công trình..................... (tên công trình) tại
khu vực......... ......... huyện , tỉnh Ninh Thuận theo Quyết định phê duyệt.........................
số.................... /.......... ngày.......... /......... /......... của................ (tên cơ quan phê duyệt).

Giấy phép xây dựng số................. /......... ngày......... /......... /.......... do (tên cơ quan) cp.

Đề nghị được cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường với những thông số sau:

Diện tích khu vực thi công:...................... (ha, m2), được giới hạn bởi các điểm góc:...........
có toạ độ xác định trên bản đồ khu vực kèm theo.

Khối lượng khoáng sản........................... khai thác:................. (m3)

Mức sâu khai thác: từ... m đến.... m, trung bình... m

Thời hạn khai thác:...................................... tháng, kể từ ngày ký giấy phép.

(Tên tổ chức, cá nhân).................... cam đoan thực hiện đúng quy định của pháp luật về khoáng sản và quy định của pháp luật khác có liên quan.

 

 

Tổ chức, cá nhân
(ký tên, đóng dấu)

 

Mẫu 2

(TÊN T CHỨC, CÁ NHÂN)
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: ...../..........

…, ngày… tháng… năm…..

 

ĐƠN ĐỀ NGHỊ CHẤP THUẬN CHỦ TRƯƠNG THU HỒI KHOÁNG SẢN LÀM VẬT LIỆU XÂY DỰNG THÔNG THƯỜNG DÔI DƯ TRONG QUÁ TRÌNH THỰC HIỆN......................................................

Kính gửi:

- Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận;
- Sở Tài nguyên và Môi trường.

Tên tổ chức, cá nhân:...................................................................................................

Địa chỉ:........................................................................................................................

Điện thoại:.................................................................. Fax:..........................................

Quyết định thành lập doanh nghiệp số............................. , ngày..... tháng....... năm.......
(hoặc Giấy đăng ký kinh doanh số..................................... ngày..... tháng....... năm...... )

Đang thực hiện thi công dự án đầu tư xây dựng công trình..................... (tên công trình) tại
khu vực................ .............. huyện.............. , tỉnh Ninh Thuận theo Quyết định phê duyệt
số........../............ ngày.........../.........../.................. của............... (tên cơ quan phê duyệt).

Giấy phép xây dựng số................. /......... ngày......... /......... /.......... do (tên cơ quan) cp.

Đề nghị được Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét chấp thuận chủ trương được thu  hồi khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trong dự án.........:

Diện tích khu vực:................................... (ha, m2).

Khối lượng khoáng sản........................... khai thác:................. (m3)

Mức sâu khai thác: từ... m đến.... m, trung bình... m

(Tên tổ chức, cá nhân).................. cam đoan thực hiện đúng quy định của pháp luật về khoáng sản và quy định của pháp luật khác có liên quan.

 

 

Tổ chức, cá nhân
(ký tên, đóng dấu)

 

Mẫu 3

(CÁ NHÂN, HỘ GIA ĐÌNH)
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: ...../......

…, ngày… tháng… năm…..

 

ĐƠN ĐỀ NGHỊ CẤP GIẤY PHÉP KHAI THÁC KHOÁNG SẢN LÀM VẬT LIỆU XÂY DỰNG THÔNG THƯỜNG TRONG CÔNG TRÌNH CẢI TẠO MẶT BẰNG ĐẤT NÔNG NGHIỆP
(của cá nhân, hộ gia đình)

(Cá nhân, hộ gia đình):.................................................................................................

Địa chỉ:........................................................................................................................

Điện thoại:.................................................................. Fax:..........................................

Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hộ cá thể số ......... /......... ngày ....../...../.....(nếu có).

Đang thực hiện dự án cải tạo mặt bằng đất nông nghiệp tại thửa số..............................

tờ bản đồ số.......... thuộc xã........ huyện , tỉnh Ninh Thuận. Đã được Ủy ban nhân dân ........... cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số.............................. ngày........./........../..............

Đã được Ủy ban nhân dân huyện................................ chấp thuận việc cải tạo mặt bằng tại

Quyết định số............. /.......... ngày........ /........ /........

Đề nghị được cấp phép khai thác khoáng sản............. làm vật liệu xây dựng thông thường dôi dư với những thông số sau:

Diện tích khu vực cải tạo mặt bằng..................... (ha, m2), được giới hạn bởi các điểm góc

từ.... đến... có toạ độ xác định trên bản đồ khu vực kèm theo.

Trữ lượng khoáng sản.......................... khai thác:................... (m3)

Mức sâu khai thác: từ... m đến.... m, trung bình... m

Thời hạn khai thác:........................................ tháng, kể từ ngày ký giấy phép.

Mục đích sử dụng:............................................................... (phục vụ cho công trình nào).

(Cá nhân, hộ gia đình)............. cam đoan thực hiện đúng quy định của pháp luật về khoáng sản và quy định của pháp luật khác có liên quan.

 

 

ĐD. cá nhân, hộ gia đình
(ký, ghi rõ họ tên)

 

Mẫu 4

(TỔ CHỨC, CÁ NHÂN, HỘ GIA ĐÌNH)
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: ......./......

…, ngày… tháng… năm…..

 

ĐƠN ĐỀ NGHỊ GIA HẠN GIẤY PHÉP KHAI THÁC KHOÁNG SẢN LÀM VẬT LIỆU XÂY DỰNG THÔNG THƯỜNG

Kính gửi:

- Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận;
- Sở Tài nguyên và Môi trường.

Tên tổ chức, cá nhân, hộ gia đình:................................................................................

Địa chỉ:........................................................................................................................

Điện thoại:.................................................................. Fax:..........................................

Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh số........... ngày....... tháng......... năm............................

Được Ủy ban nhân dân tỉnh cấp giấy phép khai thác khoáng sản...................................

làm vật liệu xây dựng thông thường trong công trình (tên công trình)........................... tại Giấy phép số................. /GP-STNMT, ngày........./.............../.........................,

Nay (tổ chức, cá nhân, hộ gia đình)............... đề nghị được gia hạn giấy phép trên đến ngày......... /........./..............

Lý do xin gia hạn:........................................................................................................

(Tổ chức, cá nhân, hộ gia đình).................. cam đoan thực hiện đúng quy định của văn bản chấp thuận và quy định của pháp luật khác có liên quan.

 

Hồ sơ kèm theo gồm:

- Báo cáo kết quả khai thác;

- Bản đồ hiện trạng tới thời điểm xin GH;

- Các nghĩa vụ đã thực hiện (chứng từ, hóa đơn liên quan...)

- ……..

Tổ chức, cá nhân, hộ gia đình
(ký tên, đóng dấu)

 

Mẫu 5

(TỔ CHỨC, CÁ NHÂN, HỘ GIA ĐÌNH)
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: ......./......

…, ngày… tháng… năm…..

 

BÁO CÁO HOÀN CÔNG HOẠT ĐỘNG KHAI THÁC KHOÁNG SẢN

LÀM VẬT LIỆU XÂY DỰNG THÔNG THƯỜNG

(Trong công trình                                 )

Kính gửi: Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Ninh Thuận

I. Phần chung:

1. Tên tổ chức, cá nhân, hộ gia đình):

2. Địa chỉ:....................................... ; Điện thoại:..................................... ; Fax:............

3. Số giấy phép khai thác:......................... /GP-STNMT ngày....... /....... /....... ; thời hạn: tháng;

4. Các thông số của giấy phép khai thác:

- Vị trí khai thác: thôn....................... , xã.............. , huyện.................. , tỉnh...................

- Diện tích:........................................... (ha, m2);...........................................................

- Độ sâu: Từ............................ (m) đến.................................. (m), trung bình........... (m);

- Khối lượng:.................................... (m3);

- Thời hạn:................................... tháng (năm);

II. Kết quả hoạt động khai thác khoáng sản............ làm vật liệu xây dựng thông thường

1. Kết quả khai thác:

- Diện tích đã khai thác:...................................... (ha, m2);.............................................

- Độ sâu đã khai thác: Từ.................. (m) đến............... (m), trung bình.................... (m);

- Khối lượng đã khai thác:............................... (m3);

- An toàn trong quá trình khai thác:

- Bảo vệ môi trường trong khi khai thác:.......................................................................

2. Hiện trạng mặt bằng sau khai thác:

- Vách:....................................................................................................................... ;

- Đáy:......................................................................................................................... ;

- Khoảng cách an toàn ranh giới khai thác:................................................................... ;

- Đất đai sau khai thác:.................................................................................................

3. Các nghĩa vụ tài chính:

- Tiền cấp quyền khai thác:......................................... (đ);

- Thuế tài nguyên:............................................................. (đ);

- Phí bảo vệ môi trường:.............................................. (đ);

- Các nghĩa vụ tài chính khác:.......................................................................................

(Các khoản nộp ngân sách Nhà nước có biên lai kèm theo).

4. Các vấn đề khác:

- An toàn đối với đất đai, công trình liền kề, xung quanh:...............................................

- Các đền bù thiệt hại (nếu có):

III. Đề xuất, kiến nghị:

 

 

Tổ chức, cá nhân, hộ gia đình
(ký tên, đóng dấu)

 

Mẫu 6

(CÁ NHÂN HỘ GIA ĐÌNH)
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: ....../.........

…, ngày… tháng… năm…..

 

ĐƠN ĐỀ NGHỊ CHO PHÉP CẢI TẠO MẶT BẰNG
ĐẤT NÔNG NGHIỆP VÀ ĐĂNG KÝ THI CÔNG

i với các trường hợp cải tạo mặt bằng đất nông nghiệp của cá nhân, hộ gia đình, không có thu hồi khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường thuộc thẩm quyền cho đăng ký ca UBND cấp huyện)

Kính gửi: Ủy ban nhân dân huyện                                         

(Cá nhân, hộ gia đình):.................................................................................................

Địa chỉ:........................................................................................................................

Điện thoại:.................................................................. Fax:..........................................

Đề nghị được cải tạo mặt bằng đất nông nghiệp và đăng ký khối lượng, phương pháp, thiết bị và kế hoạch thi công cải tạo mặt bằng (san gạt tại chỗ) như sau:

Đã được Ủy ban nhân dân........ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số.......... ngày ...../........./.............

Diện tích khu vực cải tạo:............... (ha, m2), được thể hiện trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất kèm theo.

Đất đào: Từ...................................... (m) đến............................... (m), trung bình.... (m);

Đất đắp: Từ...................................... (m) đến............................... (m), trung bình.... (m);

Khối lượng đăng ký san gạt:.................................... (m3);

Thiết bị, máy móc thi công gồm:................................................ ;

Thời hạn thực hiện:................................................ tháng, kể từ ngày chấp thuận đăng ký.

(Cá nhân, hộ gia đình)....................... cam kết thực hiện đúng như nội dung được chấp thuận, bảo vệ và sử dụng đất đai đúng mục đích theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Sau khi thi công cải tạo mặt bằng đưa đất vào sử dụng đúng mục đích và các quy định của pháp luật khác có liên quan. 

 

Hồ sơ kèm theo gồm:
- GCNQSDĐ;
- ….

Cá nhân, hộ gia đình
(ký, ghi rõ họ tên)

 

Mẫu 7

(CÁ NHÂN HỘ GIA ĐÌNH)
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: ...../.....

…, ngày… tháng… năm…..

 

ĐƠN ĐỀ NGHỊ CHO PHÉP ĐĂNG KÝ THI
CÔNG SAN NỀN ĐỂ XÂY DỰNG NHÀ Ở

Kính gửi: Ủy ban nhân dân                               

(Cá nhân, hộ gia đình):.................................................................................................

Địa chỉ:........................................................................................................................

Điện thoại:.................................................................. Fax:..........................................

Giấy phép xây dựng số................................................. do..................... (cơ quan cấp)

Đề nghị được đăng ký san gạt mặt bằng trong diện tích xây dựng nhà ở:

Đang thực hiện dự án cải tạo mặt bằng đất nông nghiệp tại thửa số..............................

- Vị trí: thửa đất số................... , tờ bản đồ số......... thuộc xã........ , huyện , tỉnh Ninh Thuận.

Đã được Ủy ban nhân dân............... cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số...........
ngày ....../......../
.......

- Diện tích:..................................... (m2);

- Độ sâu: Từ..................................... (m) đến............................... (m), trung bình.... (m);

- Khối lượng khoáng sản........................................ đăng ký mang ra khỏi khu vực:.. m3;

- Thiết bị, máy móc thi công gồm:.................................................................................

- Nơi đổ đất:................................................................................................................

- Thời hạn thực hiện:............................................... ngày, kể từ ngày chấp thuận đăng ký.

(Cá nhân, hộ gia đình)................................... cam kết thực hiện đúng nội dung đã đăng ký

và quy định của pháp luật khác có liên quan.

 

Hồ sơ kèm theo gồm:
- GCNQSDĐ;
- Giấy phép XD.

ĐD. Cá nhân, hộ gia đình
(ký, ghi rõ họ tên)

 

Mẫu 8

UBND TỈNH NINH THUẬN
SỞ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: ............/GP-STNMT

Ninh Thuận, ngày… tháng… năm…..

 

GIẤY PHÉP KHAI THÁC KHOÁNG SẢN
LÀM VẬT LIỆU XÂY DỰNG THÔNG THƯỜNG

(Trong công trình                         )

GIÁM ĐỐC SỞ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Khoáng sản ngày 17 tháng 11 năm 2010;

Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 23 tháng 6 năm 2014;

Căn cứ Nghị định số 15/2012/NĐ-CP ngày 09 tháng 3 năm 2012 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoáng sản;

Căn cứ Nghị định số 18/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ quy định về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường;

Căn cứ Quyết định số 21/2015/QĐ-UBND ngày 10 tháng 4 năm 2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận về việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Tài nguyên và Môi trường;

Căn cứ Quyết định số...... /2016/QĐ-UBND ngày…../…../2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định về quản lý Nhà nước về tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận được Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận ban hành tại Quyết định số 64/2013/QĐ-UBND ngày 25 tháng 9 năm 2013;

Theo đề nghị của Trưởng phòng Khoáng sản,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Cho phép (tổ chức, cá nhân)......khai thác khoáng sản.......làm vật liệu xây dựng thông thường dôi dư trong khi thi công dự án đầu tư xây dựng công trình….. hoặc công trình cải tạo mặt bằng đất nông nghiệp bằng phương pháp lộ thiên với những nội dung sau:

- Vị trí khai thác:..............................................................................................................

- Diện tích khu vực khai thác:.................... ha/m2 được giới hạn bởi các điểm khép góc từ .... đến ... có toạ độ hệ VN-2000 kinh tuyến trục 108o15’, múi chiếu 3o như sau:

Điểm góc

Hệ toạ độ VN-2000 kinh tuyến trục 108o15’, múi chiếu 3o

X(m)

Y(m)

1

 

 

2

 

 

 

 

- Mức sâu khai thác trung bình: ….. m (từ ….. m đến ….. m).

- Trữ lượng khai thác:............................................ m3.

- Thời gian khai thác:....................................................................................................

Điều 2.................................................... (tổ chức, cá nhân, hộ gia đình) có trách nhiệm:

1. Nộp lệ phí cấp giấy phép khai thác khoáng sản, các khoản phí có liên quan theo quy định hiện hành

2. Khai thác khoáng sản................ theo đúng toạ độ, diện tích, mức sâu, trữ lượng quy định tại Điều 1 của Giấy phép này.

3. Trước khi thi công khai thác, phải cắm mốc ranh giới phạm vi được khai thác và thông báo cho Ủy ban nhân dân xã........................... để giám sát việc khai thác theo quy định.

4. Khi thi công khai thác phải đảm bảo an toàn lao động, an toàn cho đất đai và các công trình liền kề, thực hiện đúng quy trình khai thác và áp dụng các biện pháp bảo vệ môi trường theo phương án đã được thẩm định. Trường hợp có dấu hiệu không đảm bảo an toàn, phải dừng ngay hoạt động khai thác, đồng thời có biện pháp khắc phục kịp thời và báo cáo ngay bằng văn bản cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật và phải bồi thường thiệt hại gây ra (nếu có).

5. Phải thường xuyên thực hiện các biện pháp kiểm soát, bảo vệ tài nguyên khoáng sản, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội trong khu vực khai thác.

6. Phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước như thuế tài nguyên; tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, phí bảo vệ môi trường và các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

7. Thực hiện báo cáo kết quả hoạt động khai thác khoáng sản, báo cáo hoàn công, phục hồi môi trường, đất đai sau khai thác theo quy định của pháp luật. Sau khai thác đưa đất vào sử dụng như mục đích ban đầu của dự án.

Điều 3. Giấy phép này có hiệu lực kể từ ngày ký./.

Hoạt động khai thác khoáng sản theo Giấy phép này chỉ được tiến hành sau khi (tổ chức, cá nhân, hộ gia đình) thông báo kế hoạch khai thác tại Ủy ban nhân dân xã..................... Ủy ban nhân dân huyện...................

Trường hợp...................... (tổ chức, cá nhân, hộ gia đình) vi phạm quy định pháp luật có liên quan hoặc không thực hiện đúng và đầy đủ các nghĩa vụ quy định tại Giấy phép này, Giấy phép sẽ bị thu hồi và................................ (tổ chức, cá nhân, hộ gia đình) phải chịu mọi trách nhiệm trước pháp luật về các vấn đề có liên quan.

 

 

Nơi nhận:
- Tổ chức, cá nhân, hộ gia đình;
- UBND tỉnh (báo cáo);
- Cục Thuế tỉnh;
- UBND huyện …….;

- Chi cục thuế........;
- Phòng TN và MT .....;

- UBND xã ………..;
- Phòng PC49-Công an tỉnh;
- Lưu: VT
, KS.

GIÁM ĐỐC

 

Mẫu 9

UBND TỈNH NINH THUẬN
SỞ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: ............/GP-STNMT

Ninh Thuận, ngày… tháng… năm…..

 

QUYẾT ĐỊNH

Gia hạn giấy phép khai thác khoáng sản

GIÁM ĐỐC SỞ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG

Căn cứ Luật Khoáng sản ngày 17 tháng 11 năm 2010;

Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 23 tháng 6 năm 2014;

Căn cứ Nghị định số 15/2012/NĐ-CP ngày 09 tháng 3 năm 2012 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoáng sản;

Căn cứ Nghị định số 18/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ quy định về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường;

Căn cứ Quyết định số 21/2015/QĐ-UBND ngày 10 tháng 4 năm 2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận về việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Tài nguyên và Môi trường;

Căn cứ Quyết định số...... /2016/QĐ-UBND ngày …../…../2016 của UBND tỉnh về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định về quản lý Nhà nước về tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận được Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận ban hành tại Quyết định số 64/2013/QĐ-UBND ngày 25 tháng 9 năm 2013;

Theo đề nghị của Trưởng phòng Khoáng sản,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Cho phép gia hạn giấy phép khai thác khoáng sản ...... số …../GP-STNMT ngày….. cấp cho …..….. để phục vụ công trình (tên công trình):

- Thời gian gia hạn: …..….. tháng, kể từ ngày ....

- Các thông số khác của giấy phép khai thác số …/GP- STNMT ngày.... không thay đổi.

Điều 2. …..….. (tổ chức, cá nhân, hộ gia đình) có trách nhiệm: Thực hiện đầy đủ các quy định tại Giấy phép số ...../GP-STNMT ngày.... của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Ninh Thuận và các quy định hiện hành về hoạt động khoáng sản.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký./.

Chánh Văn phòng Sở,Trưởng phòng Khoáng sản; Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện/thành phố …..…..; Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã/phường; …..….. (tổ chức, cá nhân, hộ gia đình) chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Nơi nhận:
- Tổ chức, cá nhân, hộ gia đình;
- UBND tỉnh (báo cáo);
- Cục Thuế tỉnh;
- UBND huyện …….;

- Chi cục thuế........;
- Phòng TN và MT .....;

- UBND xã ………..;
- Phòng PC49-Công an tỉnh;
- Lưu: VT
, KS.

GIÁM ĐỐC

 

Mẫu 10

UBND TỈNH NINH THUẬN
SỞ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: ............/TB-STNMT

Ninh Thuận, ngày… tháng… năm…..

 

THÔNG BÁO

Việc hoàn công sau cải tạo mặt bằng khai thác............... tại.............. của..................

GIÁM ĐỐC SỞ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG

Căn cứ Luật Khoáng sản năm 2010;

Căn cứ Quyết định số..... /2016/QĐ-UBND ngày…../…../2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định về quản lý Nhà nước về tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận được Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận ban hành tại Quyết định số 64/2013/QĐ-UBND ngày 25 tháng 9 năm 2013;

Theo biên bản kiểm tra thực địa và hồ sơ hoàn công ngày…./…./…. của phòng Khoáng sản phối hợp với phòng Tài nguyên Môi trường huyện , UBND xã.....................;

Xét hồ sơ hoàn công của.......................................... (tổ chức, cá nhân, hộ gia đình) gồm:

- Giấy phép số ......................./GP-STNMT ngày .../…/….. của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Ninh Thuận cho phép được khai thác khoáng sản............. tại....................;

- Báo cáo hoàn công ngày …/…/….

- Giấy nộp tiền vào ngân sách Nhà nước ngày.../…/….. tại........................................... ,

THÔNG BÁO

1. (Tên tổ chức, cá nhân, hộ gia đình) đã hoàn tất công tác cải tạo mặt bằng khai thác khoáng sản................ tại...................... theo Giấy phép số ..../GP-UBND ngày …/…/…. của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Ninh Thuận.

2. (Tên tổ chức, cá nhân, hộ gia đình)................................. có trách nhiệm đưa toàn bộ máy móc, thiết bị ra khỏi khu vực đã được nghiệm thu trên và đưa đất vào sử dụng theo đúng mục đích ban đầu của dự án (hoặc mục đích ghi trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất)./.

 

 

Nơi nhận:
- Tổ chức, cá nhân, hộ gia đình;
- UBND tỉnh (báo cáo);
- Cục Thuế tỉnh;
- UBND huyện …….;

- Chi cục thuế........;
- Phòng TN và MT .....;

- UBND xã ………..;
- Phòng PC49-Công an tỉnh;
- Lưu: VT
, KS.

GIÁM ĐỐC

 

Mẫu 11

ỦY BAN NHÂN DÂN
HUYỆN
......................
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: ............./QĐ-UBND

...........…, ngày… tháng… năm…..

 

QUYẾT ĐỊNH

Về việc cho phép cải tạo mặt bằng và đăng ký thi công công trình

ỦY BAN NHÂN DÂN HUYỆN                                  

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Quyết định số.... /2016/QĐ-UBND ngày..../…./2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định về quản lý Nhà nước về tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận được Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận ban hành tại Quyết định số 64/2013/QĐ-UBND ngày 25 tháng 9 năm 2013;

Theo đề nghị của trưởng phòng Tài nguyên Môi trường huyện tại Tờ trình số /TTr-PTNMT, ngày …/…/…,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Cho phép....................... (cá nhân, hộ gia đình) được cải tạo mặt bằng đất nông nghiệp trong diện tích đất được giao và đăng ký thi công với các nội dung như sau:

- Vị trí, diện tích: … m2 thuộc thửa đất số…, tờ bản đồ số.... thuộc xã…, huyện...., tỉnh Ninh Thuận. Đã được Ủy ban nhân dân...................... cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số........ ngày …./…./….

- Hiện trạng: khu đất cải tạo mặt bằng là đất..., địa hình… nơi cao nhất.... M, nơi thấp nhất… m (hoặc độ chênh cao…);

- Quy hoạch sử dụng đất:.................................

- Phương thức thực hiện: cải tạo mặt bằng, san lấp tại chỗ (trường hợp không có đất san lấp dôi dư cần tận thu):

+ Đất đào: Từ.... m đến.... m, trung bình.... m.

+ Đất đắp: Từ.... m đến... m, trung bình.... m.

+ Khối lượng đất san ủi:............................... m3

- Máy móc thiết bị thi công:.............................................

- Thời gian thi công:.................................................. tháng, kể từ ngày ký Quyết định này.

Điều 2.................................................. (cá nhân, hộ gia đình) có trách nhiệm:

1. Tiến hành hoạt động cải tạo mặt bằng theo đúng diện tích, mức sâu, khối lượng quy định tại Điều 1 của Quyết định này.

2. Trước khi tiến hành thi công, phải cắm mốc ranh giới phạm vi thi công và thông báo cho Ủy ban nhân dân xã để kiểm tra, giám sát................................................................................................................

3. Khi thi công phải đảm bảo an toàn lao động, an toàn cho đất đai và các công trình liền kề; thực hiện đúng quy trình thi công. Trường hợp có dấu hiệu không đảm bảo an toàn phải tạm dừng thi công, đồng thời có biện pháp khắc phục kịp thời và báo cáo ngay bằng văn bản cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật và phải bồi thường thiệt hại gây ra (nếu có).

4. Phải thường xuyên thực hiện các biện pháp kiểm soát, bảo vệ tài nguyên khoáng sản, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội trong khu vực thi công.

5. Trong quá trình cải tạo tại chỗ nếu phát sinh khối lượng khoáng sản.... dôi dư.... cá nhân, hộ gia đình có trách nhiệm liên hệ Sở Tài nguyên và Môi trường để hướng dẫn thủ tục khai thác theo quy định.

6. Sau khi cải tạo mặt bằng cá nhân, hộ gia đình .... tiếp tục sử dụng đất theo như giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, không làm thay đổi mục đích sử dụng đất.

7. Trường hợp..................... (cá nhân, hộ gia đình) vi phạm các nội dung đã đăng ký tại Quyết định này và quy định của pháp luật có liên quan, sẽ bị đình chỉ thi công, trường hợp nghiêm trọng có thể bị thu hồi Quyết định và............................ (cá nhân, hộ gia đình) phải chịu mọi trách nhiệm trước pháp luật về các vấn đề có liên quan.

Điều 3. Giao Phòng Tài nguyên Môi trường phối hợp cùng UBND xã............................ tổ chức giám sát việc thi công cải tạo mặt bằng và báo cáo kết quả thực hiện cho UBND huyện................................ sau khi kết thúc thi công.

Điều 4. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký./.

Chánh văn phòng Ủy ban nhân dân huyện, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã....................,....................... (cá nhân, hộ gia đình), Thủ trưởng ban ngành có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.

 

 

Nơi nhận:
- CT, PCT;
- Cá nhân, hộ gia đình;
- UBND xã (phường)....;
- Phòng TNMT huyện;
- LĐVP………;
- Lưu: VT.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH

 

Mẫu 12

ỦY BAN NHÂN DÂN
...................
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: ............../QĐ-UBND

…, ngày… tháng… năm…..

 

QUYẾT ĐỊNH

Về việc cho đăng ký thi công cải tạo mặt bằng trong diện tích đất ở của cá nhân, hộ gia đình...

ỦY BAN NHÂN DÂN ...............................

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Quyết định số.... /2016/QĐ-UBND ngày..../…./2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định về quản lý Nhà nước về tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận được Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận ban hành tại Quyết định số 64/2013/QĐ-UBND ngày 25 tháng 9 năm 2013;

Căn cứ Giấy phép xây dựng số ... ngày…/.../… của....cấp cho ... về việc ....

Xét đơn đề nghị đăng ký san cote nền của hộ gia đình....................... ngày …../.…/....,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Cho phép............................. (cá nhân, hộ gia đình) đăng ký thi công san nền trong diện tích đất ở để xây dựng nhà ở......................... (tên công trình) với các nội dung như sau:

- Vị trí san nền: thửa đất số…, tờ bản đồ số ... thuộc xã ..., huyện ..., tỉnh Ninh Thuận. Đã được Ủy ban nhân dân cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số.............. ngày …./…./….

- Diện tích:................................ m2.

- Độ sâu: Từ .... m đến ... m, trung bình .... m.

- Khối lượng đất dôi dư cần mang ra khỏi khu vực:............................................... m3.

- Máy móc thiết bị thi công:........................................

- Vị trí đổ đất dôi dư:...................................

- Thời gian thi công:............................................... từ ngày…./…./…. đến ngày…./…./….

Điều 2. (cá nhân, hộ gia đình) có trách nhiệm:

1. Tiến hành hoạt động san nền theo đúng diện tích, mức sâu, khối lượng quy định tại Điều 1 của Quyết định này.

2. Trước khi tiến hành thi công san nền, phải cắm mốc ranh giới phạm vi thi công và thông báo cho Ủy ban nhân dân xã để giám sát.

3. Khi thi công phải đảm bảo an toàn lao động, an toàn cho đất đai và các công trình liền kề, áp dụng các biện pháp bảo vệ môi trường, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội trong khu vực thi công.

Trường hợp có dấu hiệu không đảm bảo an toàn, phải dừng ngay thi công, đồng thời có biện pháp khắc phục kịp thời và phải bồi thường thiệt hại do mình gây ra (nếu có).

4. Trường hợp....................... (cá nhân, hộ gia đình) vi phạm các nội dung đã đăng ký tại Quyết định này và quy định của pháp luật có liên quan, sẽ bị đình chỉ thi công, trường hợp nghiêm trọng có thể bị thu hồi Quyết định và....................... (cá nhân, hộ gia đình) phải chịu mọi trách nhiệm trước pháp luật về các vấn đề có liên quan.

Điều 3. Giao cán bộ địa chính, môi trường xã giám sát việc thi công san nền và báo cáo kết quả thực hiện cho UBND xã khi kết thúc thi công.

Điều 4. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký./.

Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân xã, cán bộ địa chính và môi trường xã, ... (cá nhân, hộ gia đình), Thủ trưởng ban ngành có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.

 

 

Nơi nhận:
- CT, PCT;
- Cá nhân, hộ gia đình;
- Phòng TNMT huyện;
- Lưu: VT xã.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH

 

Mẫu 13

(TỔ CHỨC, CÁ NHÂN, HỘ GIA ĐÌNH)
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số:

…, ngày… tháng… năm…..

 

BÁO CÁO KẾT QUẢ HOẠT ĐỘNG CẢI TẠO MẶT BẰNG

Kính gửi: Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Ninh Thuận

I. Phần khai chung:

1. Tên tổ chức, cá nhân, hộ gia đình:............................................................................

2. Địa chỉ thường trú:...................................................................................................

3. Số giấy phép khai thác:............................................................................................

4. Địa điểm cải tạo mặt bằng: thôn, khu phố.................... xã/phường............................

huyện/thành phố................................. tỉnh Ninh Thuận.

II. Kết quả hoạt động cải tạo mặt bằng, khai thác.........:

1. Thông số theo Giấy phép:

- Diện tích:.............................. (m2, ha)

- Độ sâu:......................... (m)

- Khối lượng:........................... (m3)

- Thời hạn:..............................

2. Kết quả thực hiện:

- Diện tích:.............................. (m2, ha)

- Độ sâu:............................ (m)

- Khối lượng:.............................. (m3)

- Diện tích còn lại:.................................... (m2, ha)

- Khối lượng còn lại:............................... (m3)

3. Lý do xin gia hạn:................................

III. Thực hiện các nghĩa vụ tài chính:

1. Tổng doanh thu:...................................... (VND);

2. Nộp ngân sách Nhà nước:................................ (VND);

Trong đó:

- Thuế tài nguyên:................................... (VND);

- Phí bảo vệ môi trường:....................................... (VND);

- Tiền cấp quyền khai thác khoáng sản....................................... (VND);

- Thuế thu nhập doanh nghiệp......................................... (VND).

-....................................................................................

(kèm theo các giấy tờ chứng minh việc thực hiện)

IV. Kiến nghị:

 

 

Tổ chức, cá nhân, hộ gia đình
(Chức danh)
Chữ ký, đóng dấu (nếu có)
(Họ và tên)

 

Mẫu 14

(TỔ CHỨC, CÁ NHÂN, HỘ GIA ĐÌNH)
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số:

…, ngày… tháng… năm…..

 

THÔNG BÁO

(Hoạt động cải tạo mặt bằng                                )

Kính gửi: Ủy ban nhân dân xã                           

1. Tên tổ chức, cá nhân, hộ gia đình:

2. Địa chỉ:.............................................. ; Điện thoại:............................ ; Fax:..............

3. Được (tên cơ quan chấp thuận việc cải tạo mặt bằng)......................... cho phép cải tạo mặt bằng tại (Giấy phép/Quyết định)........... số.......... ngày …/…/…;

......................................... Nay thông báo kế hoạch thi công, thời gian thực hiện như sau:

- Vị trí thi công: thửa đất số............... , tờ bản đồ số.......... tại thôn.........., xã............., huyện , tỉnh Ninh Thuận;

- Diện tích:..................................... (m2);

.................................................. - Độ sâu thi công: Từ … (m) đến … (m), trung bình… (m);

- Khối lượng:................................. (m3);

...................................................................................................................................

- Thời gian bắt đầu cải tạo mặt bằng: từ ngày …/…/…;

- Thời gian kết thúc cải tạo mặt bằng: ngày …/…/…;

............................ (tổ chức, cá nhân, hộ gia đình) thông báo Ủy ban nhân dân xã................ để giám sát việc thực hiện cải tạo mặt bằng theo (Giấy phép/Quyết định)..................... số............ ngày …/…/… của (tên cơ quan chấp thuận cải tạo mặt bằng)............................

 

 

 

 

Mẫu 15

SỞ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG
TỈNH NINH THUN
-------

 

 

 

 

BẢN ĐỒ KHU VỰC
CẢI TẠO MẶT BẰNG KHAI THÁC
KHOÁNG SẢN...............................................

....................... , huyện                 , tỉnh                 ,

(Kèm theo Giấy phép số................/GP-STNMT ngày... tháng... năm........... của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Ninh Thuận)

 

Mẫu 16

BẢN ĐỒ KHU VỰC

CẢI TẠO MẶT BẰNG KHAI THÁC KHOÁNG SẢN...............................................

.............. ............... , huyện                  tỉnh,                 

 

Mẫu 17

(Tên tổ chức, cá nhân, hộ gia đình đề nghị cấp phép khai thác...)
-------------------------

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

PHƯƠNG ÁN THI CÔNG

CẢI TẠO MẶT BẰNG VÀ KHAI THÁC...................................

 

Địa chỉ: tại............. , xã          , huyện        , tỉnh Ninh Thuận.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

  

 Địa danh, tháng...năm 20...

 

 

(Tên tổ chức, cá nhân, hộ gia đình đề nghị cấp phép khai thác...)
-------------------------------

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

PHƯƠNG ÁN THI CÔNG

DỰ ÁN CẢI TẠO MẶT BẰNG VÀ KHAI THÁC.......................................

Địa chỉ: tại............... , xã............ , huyện         , tỉnh Ninh Thuận.

 

 

 

TỔ CHỨC, CÁ NHÂN,
ĐD.
HỘ GIA ĐÌNH

 

 

 

 

 

Chữ ký, đóng dấu (nếu có)
(Họ và tên)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

  

 Địa danh, tháng...năm 20...

 

 

MỤC LỤC

- Chương 1:.......................

- Chương 2:.......................

......................

M ĐẦU

- Những căn cứ pháp lý.

- Mục đích của phương án.

- Sơ bộ về công nghệ khai thác, tiêu thụ sản phẩm và hiệu quả kinh tế.

- Cơ sở tài liệu để lập phương án (nêu rõ và mô tả chi tiết những tài liệu đã có trước đây và tài liệu, kết quả khảo sát sử dụng lập phương án).

Chương 1

KHÁI QUÁT CHUNG VỀ DỰ ÁN CẢI TẠO MẶT BẰNG KHAI THÁC

I. Thông tin chung

1. Tên tổ chức, cá nhân, hộ gia đình:........................

2. Người đại diện: .................................. Năm sinh:.............................. Chức danh:........

- Số chứng minh nhân dân:................................. Cấp ngày........................ Do công an cấp.

3. Địa chỉ thường trú:........................................

4. Điện thoại liên lạc:....................................

5. Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh:....................... , đăng ký lần đầu ngày …./…./….,

đăng ký thay đổi lần….ngày…./…./….

II. Thông tin về dự án

1. Tên dự án:....................................................

2. Địa điểm thực hiện dự án: tại thôn/khu phố........................................ xã/phường...........

huyện/thành phố................................... tỉnh Ninh Thuận.

3. Chủ đất: Ông/bà...........................................

4. Đơn vị thi công khai thác (nếu có):............................

5. Nơi tiêu thụ:...........................................

III. Cơ sở pháp lý thực hiện dự án

-...................

Chương 2

ĐẶC ĐIỂM TỰ NHIÊN KHU VỰC CẢI TẠO MẶT BẰNG KHAI THÁC

I. Đặc điểm tự nhiên

1. Vị trí, diện tích, nguồn gốc, hiện trạng đất đai:

a) Vị trí thi công: thửa đất số............................ , tờ bản đồ số..................... tại thôn....... ,

........................ huyện....................................... , tỉnh Ninh Thuận. Được giới hạn bởi.. .

điểm mốc từ...................... đến..................... có toạ độ hệ VN-2000 kinh tuyến trục 108o15’

múi chiếu 3o như sau:

Mc

X(m)

Y(m)

1

 

 

2

 

 

.....

 

 

Diện tích:............................... (ha, m2).

b) Nguồn gốc đất đai khu vực khai thác:

- Thửa đất số............ , tờ bản đồ số......... tại thôn........ , xã.......... , huyện , tỉnh Ninh Thuận.

Đã được Ủy ban nhân dân.............. cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số..................  

ngày…./…./…. cấp cho.................... , diện tích................. (ha, m2) với mục đích..................

(đất ở, trồng cây lâu năm, đất lúa ….);

- Thửa đất số............ , tờ bản đồ số.... tại thôn.......... , xã................ , huyện , tỉnh Ninh Thuận.

Đã được Ủy ban nhân dân cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số............................ ....

ngày…./…./…. cấp cho.................... , diện tích (ha, m2) với mục đích.... (đất ở, trồng cây lâu năm, đất lúa ….);

-.................................. (thống kê các thửa đất thuộc khu vực khai thác)

c) Ranh giới, hiện trạng khu đất:

- Phía Đông giáp..............

- Phía Tây giáp............

- Phía Nam giáp.............

- Phía Bắc giáp...........

Hiện trạng mặt bằng khu đất:.....................

Tình trạng sử dụng đất:........................... (đang sử dụng làm gì.. , không tranh chấp, ...vv).

2. Đặc điểm địa hình.

- .............

3. Đặc điểm địa tầng.

- Đặc điểm: trình bày những nét chính về đặc điểm địa tầng trong khu vực cải tạo.

- Đất đầu: bề dày từ....................... đến, trung bình.......... m;

- Lớp 2: thành phần gồm....................... , bề dày từ ... đến............. , trung bình......... m;

- Lớp 3: thành phần gồm....................... , bề dày từ ... đến............. , trung bình......... m;

- Lớp n: ...............................

4. Điều kiện khí hậu, thủy văn.

- (nhận xét khí hậu khu vực thực hiện dự án có biến động lớn về bão, lụt............, có ảnh hưởng gì lớn đến việc thi công, khai thác không? Nếu có thì phương án phòng chống như thế nào?........................................ )

5. Những vấn đề khác.

- Giao thông: Nêu điều kiện giao thông trong khu vực dự án....................., đấu nối với hệ thống giao thông chung như thế nào?

- Sông suối: Trong khu vực dự án............... đấu nối với hệ thoát nước chung như thế nào?

- Hệ thống điện: Trong khu vực dự án, gần khu vực dự án...................................

- Các công trình khác: Nhà máy, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, công trình quân sự công trình kiên cố trong khu dự án, gần khu vực dự án......................................................................................................

II. Điều kiện kinh tế xã hội

Đặc điểm dân cư xung quanh khu vực thực hiện dự án: Mật độ cư; tình hình kinh tế của người dân trong vùng; Cơ sở hạ tầng........................................................................................

Chương 3

PHƯƠNG ÁN KHAI THÁC

I. Quy trình khai thác.

- Nêu rõ quy trình khai thác......................

- Chừa đai an toàn (bao nhiêu mét, về phía nào................................. )

II. Cơ sở hạ tầng, máy móc, thiết bị thi công.

1. Đường vận tải:

Nêu việc vận chuyển sản phẩm từ khu vực khai thác đấu nối với hệ thống giao thông chung tới nơi tiêu thụ như thế nào?

2. Phương tiện sinh hoạt tại công trường:

- Lán trại sinh hoạt tại khu vực khai thác:

- Thông tin liên lạc:

...........

3. Phương tiện khai thác:

Trong quá trình hoạt động khai thác, sử dụng các máy móc, thiết bị gì? (tên, số lượng, hiện trạng máy móc, thiết bị, thuê mướn hay đầu tư ....

III. Nhu cầu sử dụng nguyên liệu, nhiên liệu và lao động.

1. Nhu cầu về nguyên liệu:

Loại nguyên, nhiên liệu chính phục vụ.......................

Nguồn cung cấp, dự trữ...................

2. Nhu cầu về nguồn cung cấp điện, nước:

* Nhu cầu về nguồn cung cấp điện:

Thắp sáng lán trại, bơm nước, sinh hoạt (nếu có)...........................

* Nhu cầu về cung cấp nước:

- Nước sinh hoạt: Nhu cầu, nguồn cung cấp.........................

3. Nhu cầu sử dụng lao động:

Khi khai thác.................. nhu cầu lao động khoảng............... người bao gồm công nhân (....), kỹ thuật (... người) và lái xe (… người).

Nơi khai thác có cử cán bộ luôn giám sát, đôn đốc việc khai thác, đảm bảo việc thi công đúng ranh giới, độ sâu, đảm bảo an toàn trong thi công, vận chuyển, áp dụng những biện pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường như đã đăng ký

IV. Tính toán khối lượng và hiệu quả đầu tư.

1. Tính toán khối lượng:

a) Trữ lượng khoáng sản khai thác:

Diện tích khu vực khai thác:....................... m2.

Chiều dày đất mặt, lớp phủ…):....................... m

Chiều dầy lớp sản phẩm: từ….. đến .... m, trung bình: .... m

Khối lượng.................... đất mặt, lớp phủ:........... m3.

Khối lượng sản phẩm:........................ m3.

b) Tổn thất do chừa đai bảo vệ:

Độ sâu khai thác …. m, gồm .. tầng: tầng đất mặt, lớp phủ trung bình….. m, tầng sản phẩm (khoáng sản ...) trung bình ... m. Khi thi công sẽ tạo taluy .... và chừa mặt tầng ... để tránh sạt lở bờ.

- Khối lượng đất mặt, lớp phủ chừa đai bảo vệ:............................. m3.

- Khối lượng sản phẩm chừa đai bảo vệ:......................... m3.

c) Khối lượng còn lại thi công:

- Khối lượng đất mặt, lớp phủ:......................... m3

- Khối lượng sản phẩm khai thác:............................. m3.

2. Hiệu quả đầu tư:

Tính toán hiệu quả đầu tư khi khai thác khoáng sản ...... như sau:

(đây là chi phí chính, tùy trường hợp cụ thể tính toán cho phù hợp)

* Dự toán kinh phí cho 1 m3 khoáng sản........................ ............ đồng/m3.

a) Chi phí thi công:...................... đồng gồm:

+ Dọn mặt bằng:................... đồng;

+ Chi phí bóc tầng mặt:....................... đồng;

+ Chi phí vận chuyển tầng phủ lên bãi chứa:.............................. đồng;

+ Công súc sản phẩm lên xe ben:........................ đồng;

+ Chi phí hoàn thổ đất phủ:...................... đồng;

+ Chi phí mua đất:................... đồng.

b) Nộp ngân sách:......................... đồng gồm.

+ Thuế tài nguyên:..................... đồng;

+ Phí bảo vệ môi trường:.................... đồng;

+ Lệ phí cấp giấy phép:.................... đồng;

+ Tiền cấp quyền khai thác:...................... đồng.

- Giá khoáng sản................................ (không tính tiền vận chuyển) là............... đ/m3.

- Lợi nhuận:...................... đồng.

Chương 4

BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG VÀ SỬ DỤNG ĐẤT SAU KHAI THÁC

Nêu khái quát một số nét cơ bản về quản lý và bảo vệ môi trường như sau:

I. Khống chế lượng bụi:

- Phun tưới nước mặt tầng gây bụi

- Dùng bạt phủ kín thùng xe ben vận chuyển đất.

- Chở đúng tải trọng, không để đất rơi vãi trên đường.

- Trên đường từ khu vực khai thác đến nơi tiêu thụ, có đi qua khu vực dân cư sinh sống phải: giới hạn vận tốc tối đa của xe không quá 40km/h, xe không chạy liên tục, mà xuất phát khỏi khu khai thác cách nhau một khoảng thời gian nhất định, tưới nước khi trời nắng................................

- .............

II. Giảm thiểu tiếng ồn:

- Khi đi qua khu vực đông dân cư, xe vận tải phải đi chậm (<40 km/h), không gầm rú ga.

- Không khai thác, vận chuyển đất vào thời gian nghỉ của người dân (12h - 13h), giờ cao điểm (sáng 6 - 7h và buổi tối 18h).

- Khai thác buổi sáng từ.......................... , buổi chiều từ.............

III. Nước thải:

- .............

IV. An toàn lao động:

- Thi công đảm bảo độ sâu hợp lý, tạo vách moong có độ nghiêng, không khai thác vách thẳng đứng để chống sạt lở. Trong vận chuyển phải tuân theo Luật Giao thông.

- Tuân thủ các quy định trong vận hành máy móc, sử dụng các phương tiện, công cụ bảo hộ lao động.

+ Chấp hành nội quy, quy trình, quy phạm về sản xuất và vận hành thiết bị.

+ Trang bị đầy đủ dụng cụ và phòng hộ lao động cho công nhân.

+ Người lao động phải sử dụng trang bị bảo hộ lao động khi làm việc.

+ Sử dụng và bảo quản tốt trang thiết bị, thực hiện đầy đủ chế độ kiểm tra định kỳ.

V. Cải tạo môi trường sau khi khai thác, tái sử dụng đất.

- Vệ sinh các tuyến đường mà xe vận chuyển đất đi qua............................

- Phương án hoàn thổ đất mặt lại đáy moong.......................

- Tạo mặt bằng, thoát nước:...............

- Phương án sử dụng đất sau cải tạo mặt bằng, khai thác khoáng sản....................... .....

Trên đây là phương án cải tạo mặt bằng, khai thác khoáng sản ...... của ... (tổ chức, cá nhân, hộ gia đình) cam kết thực hiện các biện pháp an toàn, bảo vệ đất đai, môi trường, ... trong suốt thời gian thực hiện dự án. Đồng thời thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật.

-..........

KẾT LUẬN

- Dự kiến kết quả và hiệu quả kinh tế sẽ đạt được.

- Tính khả thi khi cải tạo mặt bằng.

- Các yêu cầu, kiến nghị.

 

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Quyết định 36/2016/QĐ-UBND ngày 06/07/2016 Quy định quản lý Nhà nước về khoáng sản trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


2.113

DMCA.com Protection Status
IP: 18.218.94.236
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!