QUYẾT ĐỊNH
V/V THÀNH LẬP TRUNG TÂM PHÁT TRIỂN QUỸ ĐẤT TỈNH NINH
BÌNH
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH NINH BÌNH
Căn cứ Luật Đất đai ngày 26/11/2003;
Căn cứ Nghị định số 181/2004/NĐ-CP ngày
29/10/2004 của Chính phủ về thi hành Luật Đất đai;
Căn cứ Thông tư liên tịch số 38/2004/TTLT-BTNMT-BNV
ngày 31/12/2004 của liên Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Nội vụ hướng dẫn về
chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Trung tâm đăng ký quyền sử
dụng đất và Tổ chức phát triển quỹ đất;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ tại Tờ
trình số 92/TTr-SNV ngày 12/5/2006, về việc thành lập Trung tâm phát triển quỹ
đất tỉnh Ninh Bình,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Thành lập Trung tâm phát triển
quỹ đất tỉnh Ninh Bình (sau đây gọi tắt là Trung tâm), thuộc Sở Tài nguyên và
Môi trường.
Trung tâm là đơn vị sự nghiệp có thu, trực thuộc
Sở Tài nguyên và Môi trường, có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng, được mở
tài khoản tại kho bạc Nhà nước.
Trụ sở của Trung tâm đặt tại Trụ sở làm việc của
Sở Tài nguyên và Môi trường.
Điều 2. Chức năng của Trung tâm
Trung tâm phát triển quỹ đất tỉnh Ninh Bình có
chức năng tổ chức thực hiện việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để giải phóng
mặt bằng đối với những trường hợp UBND tỉnh có quyết định thu hồi đất sau khi
quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được xét duyệt và quản lý quỹ đất thuộc khu vực
đô thị và khu vực đã có quy hoạch phát triển đô thị mà UBND tỉnh đã thu hồi đất
nhưng chưa giao, chưa cho thuê.
Điều 3. Nhiệm vụ, quyền hạn của Trung tâm
1. Thực hiện việc bồi thường, hỗ trợ, tái định
cư để giải phóng mặt bằng theo quyết định thu hồi đất của cơ quan Nhà nước có
thẩm quyền đối với trường hợp thu hồi đất sau khi quy hoạch, kế hoạch sử dụng
đất được xét duyệt mà chưa có công trình, dự án cụ thể;
2. Quản lý quỹ đất Nhà nước đã thu hồi đối với các
trường hợp sau:
- Quỹ đất được thu hồi sau khi quy hoạch, kế hoạch
sử dụng đất được xét duyệt mà chưa có công trình, dự án cụ thể do Trung tâm
phát triển quỹ đất thực hiện việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để giải phóng
mặt bằng quy định tại Điểm 1, Điều 3;
- Quỹ đất do Nhà nước thu hồi trong trường hợp quy
định tại các Khoản 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11 và 12 Điều 38 của Luật Đất đai
năm 2003 mà đất đó thuộc khu vực đô thị và khu vực đã có quy hoạch phát triển
đô thị.
3. Nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong khu
vực có quy hoạch phải thu hồi đất mà người sử dụng đất có nhu cầu chuyển đi nơi
khác trước khi Nhà nước có quyết định thu hồi đất đó;
4. Giới thiệu địa điểm đầu tư, vận động đầu tư vào
quỹ đất được giao quản lý; lập kế hoạch sử dụng đối với đất được giao quản lý
để trình UBND tỉnh xét duyệt;
5. Bàn giao đất đang quản lý cho người được giao
đất, cho thuê đất theo quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền;
6. Tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất đối với đất
được giao để quản lý theo quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền;
7. Sử dụng quỹ đất được giao quản lý làm quỹ đất
dự trữ để điều tiết các nhu cầu về đất đai theo quyết định của UBND tỉnh, phù hợp
với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được xét duyệt;
8. Thực hiện chế độ thông tin báo cáo với các cơ
quan có thẩm quyền theo quy định hiện hành về tình hình nhiệm vụ được giao;
9. Quản lý viên chức, lao động, tài chính và tài
sản được giao theo quy định của pháp luật và phân cấp của UBND tỉnh và Sở Tài nguyên
và Môi trường;
10. Phối hợp với UBND các huyện, thị xã trong việc
cưỡng chế những đối tượng không chấp hành quyết định thu hồi đất, giải phóng
mặt bằng;
11. Thực hiện các nhiệm vụ khác do UBND tỉnh
giao.
Điều 4. Cơ cấu tổ chức của Trung tâm
1. Lãnh đạo Trung tâm: Gồm có Giám đốc và không quá
02 Phó Giám đốc.
- Giám đốc trực tiếp quản lý, điều hành Trung tâm
theo chế độ thủ trưởng, chịu trách nhiệm trước pháp luật và Giám đốc Sở Tài nguyên
và Môi trường về mọi hoạt động của Trung tâm.
- Phó Giám đốc được Giám đốc phân công đảm nhận một
số công việc và chịu trách nhiệm trước Giám đốc về những nhiệm vụ được phân
công.
Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật và
chế độ chính sách với Giám đốc, Phó Giám đốc thực hiện theo quy định hiện hành
của pháp luật và UBND tỉnh.
2. Các bộ phận giúp việc:
- Bộ phận tổ chức, Kế toán, hành chính, tổng hợp.
- Bộ phận bồi thường giải phóng mặt bằng.
- Bộ phận quản lý đất đai và tư vấn đầu tư.
Điều 5. Biên chế, lao động và kinh phí
hoạt động của Trung tâm:
1. Biên chế lao động:
Biên chế và lao động của Trung tâm do UBND tỉnh
giao hàng năm.
Năm 2006 Trung tâm được giao 12 biên chế sự nghiệp
và 05 chỉ tiêu hợp đồng lao động.
Việc tuyển dụng biên chế sự nghiệp của Trung tâm
thực hiện theo quy định tại Nghị định số 116/2003/NĐ-CP ngày 10/10/2003 của
Chính phủ; Việc tuyển dụng lao động theo quy định tại Quyết định số 901/2005/QĐ-UBND
ngày 20/5/2005 của UBND tỉnh Ninh Bình. Những người được tuyển dụng phải tốt
nghiệp các trường Đại học, Trung học chuyên nghiệp theo đúng chuyên ngành để
đảm nhiệm công việc tại Trung tâm.
2. Kinh phí:
- Trung tâm là đơn vị sự nghiệp có thu được thực
hiện cơ chế tự chủ về tài chính theo quy định tại Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày
25/4/2006 của Chính phủ quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện
nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công
lập, được ngân sách Nhà nước cấp kinh phí hoạt động thường xuyên cho 12 chỉ
tiêu biên chế sự nghiệp. Riêng 05 chỉ tiêu hợp đồng lao động được Ngân sách hỗ
trợ trong hai năm đầu về tiền lương và các khoản phụ cấp khác.
- Nguồn kinh phí:
+ Kinh phí sự nghiệp tài nguyên và môi trường do
ngân sách cấp;
+ Kinh phí ngân sách cấp để thực hiện việc bồi thường,
hỗ trợ tái định cư để giải phóng mặt bằng...
+ Kinh phí thu từ hoạt động của Trung tâm phần
được trích lại theo quy định của pháp luật;
+ Các nguồn thu hợp pháp khác.
Hàng năm Trung tâm có trách nhiệm xây dựng dự toán
thu - chi tài chính để Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường trình UBND tỉnh phê
duyệt (thông qua Sở Tài chính thẩm định) và tổ chức thực hiện.
Điều 6. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám
đốc các sở: Nội vụ, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Thủ trưởng các cơ quan,
đơn vị có liên quan và Trung tâm phát triển quỹ đất tỉnh Ninh Bình chịu trách
nhiệm thi hành quyết định này./.