BỘ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ-BỘ TÀI CHÍNH
********
|
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số: 129/2004/TTLT-BTC-BKHCN
|
Hà Nội , ngày 29 tháng 12 năm 2004
|
THÔNG TƯ LIÊN TỊCH
CỦA BỘ TÀI CHÍNH - BỘ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ SỐ
129/2004/TTLT.BTC-BKHCN NGÀY 29 THÁNG 12 NĂM 2004 HƯỚNG DẪN THI HÀNH CÁC BIỆN
PHÁP KIỂM SOÁT BIÊN GIỚI VỀ SỞ HỮU CÔNG NGHIỆP ĐỐI VỚI HÀNG HOÁ XUẤT KHẨU, NHẬP
KHẨU
Căn cứ Luật Hải
quan ngày 29/6/2001;
Căn cứ Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính ngày 02/07/2002;
Căn cứ Nghị định số 77/2003/NĐ-CP ngày 01/7/2003 của Chính phủ
về nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Tài chính;
Căn cứ số Nghị định số 54/2003/NĐ-CP ngày 19/5/2003 của Chính
phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Khoa học
và Công nghệ và Nghị định số 28/2004/NĐ-CP ngày 16/1/2004 của Chính phủ sửa đổi,
bổ sung một số điều của Nghị định số 54/2003/NĐ-CP ;
Căn cứ Điều 14 Nghị định số 101/2001/NĐ-CP
ngày 31/12/2001 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hải
quan về thủ tục hải quan, chế độ kiểm tra, giám sát hải quan;
- Căn cứ khoản 6 Điều 64 Nghị định số 63/CP
ngày 24/10/1996 quy định chi tiết về sở hữu công nghiệp được sửa đổi, bổ
sung theo Nghị định số 06/2001/NĐ-CP ngày 01/02/2001 của Chính phủ;
Liên tịch Bộ Tài chính và Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn
thi hành các biện pháp kiểm soát biên giới về sở hữu công nghiệp đối với hàng
hoá xuất khẩu, nhập khẩu như sau:
Mục 1
CÁC QUY ĐỊNH CHUNG
1. Giải thích thuật ngữ
Các thuật ngữ
trong Thông tư này được hiểu như sau:
1.1. “Đối tượng sở
hữu công nghiệp” dùng để chỉ sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp,
thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, nhãn hiệu hàng hoá, tên gọi xuất xứ hàng
hoá và các đối tượng sở hữu công nghiệp khác được bảo hộ theo pháp luật của Việt
Nam;
1.2. “Văn bằng bảo
hộ” dùng để chỉ Bằng độc quyền sáng chế, Bằng độc quyền giải pháp hữu ích, Bằng
độc quyền kiểu dáng công nghiệp (Giấy chứng nhận kiểu dáng công nghiệp được cấp
theo Pháp lệnh Bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp 1989), Giấy chứng nhận đăng ký
thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng
hoá, Giấy chứng nhận quyền sử dụng tên gọi xuất xứ hàng hoá;
1.3. “Tài liệu chứng
minh quyền sở hữu công nghiệp” dùng để chỉ Quyết định công nhận nhãn hiệu nổi
tiếng, Quyết định chấp nhận bảo hộ nhãn hiệu hàng hoá đăng ký theo Thoả ước
Madrid và các loại tài liệu khác xác nhận quyền đối với đối tượng sở hữu
công nghiệp theo quy định của pháp luật sở hữu công nghiệp;
1.4. “Chủ sở hữu
công nghiệp” dùng để chỉ “Chủ Văn bằng bảo hộ”, Chủ sở hữu quyền sở hữu công
nghiệp theo Tài liệu chứng minh quyền sở hữu công nghiệp và “Người được chuyển
giao hợp pháp quyền sở hữu công nghiệp”;
1.5. “Các biện
pháp kiểm soát biên giới về sở hữu công nghiệp” dùng để chỉ chung các biện pháp
giám sát, phát hiện hàng hoá giả mạo nhãn hiệu; tạm dừng làm thủ tục hải quan đối
với hàng hoá có dấu hiệu xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp; kiểm tra và xác định
tình trạng pháp lý về sở hữu công nghiệp đối với hàng bị tạm dừng làm thủ tục hải
quan; xử lý hàng hoá bị tạm dừng làm thủ tục hải quan xâm phạm quyền sở hữu
công nghiệp và các bên liên quan theo quy định tại Thông tư này;
1.6. “Hàng hoá xâm
phạm quyền sở hữu công nghiệp” được hiểu là hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu có chứa
yếu tố vi phạm theo quy định của pháp luật sở hữu công nghiệp;
1.7. “Hàng hoá giả
mạo nhãn hiệu” là hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu, gồm cả bao bì, nhãn mác, đề
can mang nhãn hiệu trùng hoặc về cơ bản không thể phân biệt được với nhãn hiệu
được bảo hộ cho hàng hoá cùng loại mà không được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu.
Hàng hoá giả mạo nhãn hiệu là một trường hợp đặc biệt của hàng hoá xâm phạm quyền
sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu hàng hoá.
1.8. “Người nộp
đơn” là người nộp đơn yêu cầu giám sát, phát hiện hàng hoá giả mạo nhãn hiệu hoặc
là người nộp đơn yêu cầu tạm dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hoá xuất khẩu,
nhập khẩu bị nghi ngờ xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp;
1.9. “Đơn” dùng để
chỉ chung Đơn yêu cầu giám sát, phát hiện hàng hoá giả mạo nhãn hiệu hoặc
Đơn yêu cầu tạm dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu
bị nghi ngờ xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp;
1.10 “Chủ lô hàng”
dùng để chỉ chung người nhập khẩu hoặc người xuất khẩu hoặc chủ sở hữu lô hàng.
1.11. “Tổ chức dịch
vụ đại diện sở hữu công nghiệp” dùng để chỉ tổ chức có đủ điều kiện kinh doanh
dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp theo quy định của pháp luật sở hữu công
nghiệp.
2. Đối tượng áp dụng
2.1. Thông tư này
được áp dụng đối với tất cả hàng hoá xuất khẩu, hàng hoá nhập khẩu , trừ các
trường hợp quy định tại Điểm 2.2 dưới đây.
2.2. Thông tư này
không áp dụng đối với hàng hoá xuất khẩu, hàng hoá nhập khẩu không nhằm mục
đích kinh doanh, gồm:
a) Hàng hóa viện
trợ nhân đạo;
b) Hàng quá cảnh;
c) Hàng hóa tạm nhập-tái
xuất, hàng hoá tạm xuất-tái nhập phục vụ công tác, sinh hoạt của tổ chức, cá
nhân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài theo tiêu chuẩn miễn trừ ngoại
giao;
d) Hàng hóa là quà
biếu, tặng, tài sản di chuyển trong tiêu chuẩn được miễn thuế; hành lý cá nhân
theo định mức quy định của Chính phủ.
Mục 2:
YÊU CẦU ÁP DỤNG CÁC
BIỆN PHÁP KIỂM SOÁT BIÊN GIỚI VỀ SỞ HỮU CÔNG NGHIỆP
3. Quyền nộp đơn yêu cầu áp dụng các biện pháp kiểm soát biên giới về sở
hữu công nghiệp
3.1. Chủ sở hữu
công nghiệp có quyền nộp đơn yêu cầu Cơ quan Hải quan áp dụng các biện pháp kiểm
soát biên giới về sở hữu công nghiệp;
3.2. Trường hợp Chủ
sở hữu công nghiệp là Bên nhận li-xăng, quyền quy định tại Điểm 3.1 trên đây chỉ
phát sinh nếu Bên giao li-xăng đã không thực hiện quyền nộp đơn trong thời hạn
3 tháng kể từ ngày được Bên nhận li-xăng đề nghị điều đó và việc người thứ ba
nhập khẩu, xuất khẩu hàng sẽ gây thiệt hại cho Bên nhận li-xăng.
3.3. Quyền nộp đơn
được chứng minh trong các tài liệu sau:
a) Bản sao Văn bằng
bảo hộ hoặc tài liệu khác chứng minh quyền sở hữu công nghiệp đang được
bảo hộ tại Việt Nam;
b) Bản sao Giấy chứng
nhận đăng ký hợp đồng li-xăng liên quan đến đối tượng sở hữu công nghiệp, đang
trong thời hạn hiệu lực và tài liệu khác chứng minh Người nộp đơn là Bên nhận
li-xăng và Bên giao li-xăng không thực hiện việc nộp đơn theo quy định tại Điểm
3.2 Thông tư này.
3.4. Người có quyền
nộp đơn yêu cầu áp dụng các biện pháp kiểm soát biên giới về sở hữu công nghiệp
thực hiện việc nộp đơn theo quy định sau:
a. Cá nhân, pháp
nhân và chủ thể khác của Việt Nam, cá nhân nước ngoài thường trú tại Việt Nam
có thể trực tiếp hoặc ủy quyền cho Tổ chức dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp
thực hiện việc nộp đơn;
b. Pháp nhân nước
ngoài có văn phòng đại diện tại Việt Nam, cá nhân hoặc pháp nhân nước ngoài có
cơ sở sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam có thể uỷ quyền cho văn phòng đại
diện, cơ sở sản xuất, kinh doanh tại Việt nam, hoặc Tổ chức dịch vụ đại diện sở
hữu công nghiệp thực hiện việc nộp đơn;
Cá nhân nước ngoài
không thường trú tại Việt Nam và không có cơ sở sản xuất, kinh doanh tại Việt
Nam hoặc pháp nhân nước ngoài không có đại diện hợp pháp và không có cơ sở sản
xuất, kinh doanh tại Việt Nam, chỉ có thể uỷ quyền cho Tổ chức dịch vụ đại
diện sở hữu công nghiệp thực hiện việc nộp đơn.
4. Điều kiện yêu cầu áp dụng các biện pháp kiểm soát biên giới về sở hữu
công nghiệp
4.1. Yêu cầu giám sát,
phát hiện hàng hoá giả mạo nhãn hiệu được thực hiện khi Chủ sở hữu công nghiệp
đối với nhãn hiệu hàng hoá không có thông tin chi tiết về lô hàng xuất khẩu, nhập
khẩu cụ thể bị nghi ngờ là hàng hoá giả mạo nhãn hiệu nhưng có thông tin chi tiết
cho phép phát hiện hàng hoá giả mạo nhãn hiệu, bao gồm:
a) Mô tả chi tiết
hàng hoá giả mạo nhãn hiệu, ảnh hàng thật và hàng giả mạo nhãn hiệu, các đặc điểm
phân biệt hàng thật với hàng giả mạo nhãn hiệu;
b) Danh sách những
người xuất khẩu, nhập khẩu hợp pháp; danh sách những người bị nghi ngờ có khả
năng xuất khẩu, nhập khẩu hàng giả mạo nhãn hiệu; nguồn hàng;
c) Cách thức xuất,
nhập khẩu; phương thức đóng gói; giá bán hàng thật, hàng giả;
d) Nước thường xuất
khẩu, nhập khẩu và những thông tin khác liên quan đến việc xuất khẩu, nhập khẩu
hàng hoá giả mạo nhãn hiệu.
4.2. Yêu cầu tạm dừng
làm thủ tục hải quan được thực hiện đối với lô hàng xuất khẩu, nhập khẩu cụ thể
bị nghi ngờ là hàng hoá xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp khi Chủ sở hữu công
nghiệp có thông tin cho phép xác định lô hàng xuất khẩu, nhập khẩu đó, bao gồm:
a) Đối tượng sở hữu
công nghiệp bị nghi ngờ xâm phạm;
b) Tên, địa chỉ của
người xuất khẩu, người nhập khẩu;
c) Các thông tin dự
đoán về thời gian và địa điểm làm thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu;
d) Bản mô tả chi
tiết hoặc ảnh chụp hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp;
đ) Kết quả giám định
của cơ quan quản lý về sở hữu công nghiệp đối với chứng cứ ban đầu (nếu có).
4.3. Chủ sở hữu
công nghiệp yêu cầu áp dụng các biện pháp kiểm soát biên giới về sở hữu công
nghiệp phải có đủ điều kiện bảo đảm thanh toán các chi phí và bồi thường thiệt
hại phát sinh do việc tạm dừng làm thủ tục hải quan theo yêu cầu của mình trong
trường hợp hàng hoá bị tạm dừng làm thủ tục hải quan được xác định là không xâm
phạm quyền sở hữu công nghiệp.
Điều kiện bảo đảm
thực hiện nghĩa vụ tài chính nêu trên là:
a) Chứng từ nộp tiền
bảo đảm vào tài khoản tạm gửi của Cơ quan Hải quan tại Kho bạc Nhà nước với mức
cụ thể bằng 20% giá trị lô hàng theo giá ghi trong hợp đồng hoặc tối thiểu là
20 triệu đồng (trường hợp chưa biết trị giá lô hàng nghi ngờ vi phạm); hoặc
b. Chứng từ bảo
lãnh của tổ chức tín dụng hoặc tổ chức khác được phép thực hiện một số hoạt động
ngân hàng để bảo đảm cam kết thanh toán mọi chi phí và thiệt hại phát sinh cho Chủ
lô hàng do việc tạm dừng làm thủ tục hải quan trong trường hợp hàng tạm dừng được
xác định là không xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp.
5. Thời hạn và phạm vi yêu cầu áp dụng các biện pháp kiểm soát biên giới
về sở hữu công nghiệp
5.1. Chủ sở hữu
công nghiệp có quyền yêu cầu Cơ quan Hải quan áp dụng các biện pháp kiểm soát
biên giới về sở hữu công nghiệp trong thời hạn 1 năm đối với hàng hoá giả mạo
nhãn hiệu và 3 tháng đối với hàng hoá bị nghi ngờ xâm phạm quyền sở hữu công
nghiệp kể từ ngày nộp đơn. Thời hạn nói trên có thể được gia hạn thêm 01 năm đối
với hàng hoá giả mạo nhãn hiệu và 02 tháng đối với hàng hoá bị nghi ngờ xâm phạm
quyền sở hữu công nghiệp nhưng không được quá thời hạn bảo hộ đối tượng sở hữu
công nghiệp liên quan và người nộp đơn có trách nhiệm nộp phí gia hạn theo quy
định.
5.2. Chủ sở hữu
công nghiệp có quyền yêu cầu Cơ quan Hải quan áp dụng các biện pháp kiểm soát
biên giới trong phạm vi các cửa khẩu xác định thuộc địa bàn quản lý của một hoặc
nhiều Chi cục Hải quan, Cục Hải quan tỉnh, thành phố.
6. Đơn yêu cầu áp dụng các biện pháp kiểm soát biên giới về sở hữu công
nghiệp
6.1. Đơn yêu cầu
giám sát, phát hiện hàng hoá giả mạo nhãn hiệu gồm các tài liệu sau:
a) Đơn (theo mẫu tại
Phụ lục 1 Thông tư này);
b) Tài liệu chứng
minh quyền nộp đơn theo quy định tại Điểm 3 Thông tư này;
c) Giấy uỷ quyền nộp
đơn (trường hợp Đơn được nộp thông qua Tổ chức dịch vụ đại diện sở hữu công
nghiệp hoặc người được uỷ quyền khác theo quy định tại Điểm 3.4 Thông tư này).
d) Các thông tin
hoặc ý kiến của cơ quan quản lý sở hữu công nghiệp đối với chứng cứ ban đầu (nếu
có) cho phép Cơ quan Hải quan xác định hàng hoá giả mạo nhãn hiệu theo quy định
tại Điểm 4.1 Thông tư này.
6.2. Đơn yêu cầu tạm
dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu bị nghi ngờ xâm
phạm quyền sở hữu công nghiệp gồm các tài liệu sau:
a) Đơn yêu cầu tạm
dừng làm thủ tục hải quan (theo mẫu tại Phụ lục 2 Thông tư này);
b) Giấy uỷ quyền nộp
đơn (trường hợp Đơn được nộp thông qua Tổ chức dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp
hoặc người được uỷ quyền khác theo quy định tại Điểm 3.4 Thông tư này);
c) Tài liệu chứng
minh quyền nộp đơn theo quy định tại Điểm 3 Thông tư này;
d) Chứng cứ ban đầu
về hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu bị nghi ngờ xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp
theo quy định tại Điểm 4.2 Thông tư này.
đ) Chứng từ bảo đảm
thực hiện nghĩa vụ tài chính quy định tại Điểm 4.3 Thông tư này (nếu có).
6.3. Đối với các
trường hợp thông tin về hàng hoá giả mạo nhãn hiệu đã được ghi nhận tại Cơ quan
Hải quan Người nộp đơn không phải nộp các tài liệu quy định tại các đoạn b), c)
Điểm 6.2 với điều kiện phải chỉ ra số ký hiệu Đơn yêu cầu giám sát, phát
hiện hàng hoá giả mạo nhãn hiệu đã được chấp nhận.
7. Thẩm quyền nhận đơn yêu cầu áp dụng các biện pháp kiểm soát biên giới
về sở hữu công nghiệp
7.1. Chi cục Hải
quan có thẩm quyền nhận đơn nếu phạm vi yêu cầu áp dụng các biện pháp kiểm soát
là các cửa khẩu thuộc phạm vi quản lý của Chi cục Hải quan đó;
7.2. Cục Hải quan
tỉnh/thành phố có thẩm quyền nhận đơn nếu phạm vi yêu cầu áp dụng các biện pháp
kiểm soát là các cửa khẩu thuộc địa bàn quản lý của Cục Hải quan tỉnh/thành phố
đó;
7.3. Tổng cục Hải
quan có thẩm quyền nhận đơn nếu phạm vi yêu cầu áp dụng các biện pháp kiểm soát
là các cửa khẩu thuộc địa bàn quản lý của từ 2 Cục Hải quan tỉnh/thành phố trở
lên.
8. Xử lý Đơn
8.1. Trong thời hạn
30 ngày kể từ ngày nhận được Đơn yêu cầu giám sát, phát hiện hàng hoá giả mạo
nhãn hiệu hoặc 24 giờ làm việc kể từ thời điểm nhận được Đơn yêu cầu tạm dừng
làm thủ tục hải quan, Cơ quan Hải quan có trách nhiệm xem xét Đơn theo quy định
sau đây:
a) Thủ trưởng Cơ
quan Hải quan nơi nhận đơn ra thông báo chấp nhận Đơn và ghi nhận các thông tin
trong Đơn nếu Đơn không thuộc các trường hợp nêu tại đoạn b) và c) Điểm này.
b) Thủ trưởng Cơ
quan Hải quan nơi nhận Đơn thông báo các thiếu sót của Đơn cho Người nộp đơn và
yêu cầu Người nộp đơn sửa chữa các thiếu sót đó trong thời hạn 30 ngày đối với
Đơn yêu cầu phát hiện hàng hoá giả mạo nhãn hiệu và 3 ngày đối với Đơn
yêu cầu tạm dừng làm thủ tục hải quan tính từ ngày thông báo nếu Đơn thuộc các
trường hợp sau:
(i) Đơn không đủ
tài liệu theo quy định tại Điểm 6 Thông tư này;
(ii) Đơn không làm
theo mẫu quy định, hoặc không có đủ thông tin theo yêu cầu;
(iii) Đơn không được
nộp theo quy định tại Điểm 3.4 Thông tư này;
(iv) Đơn không có
đủ thông tin chi tiết để Cơ quan Hải quan có thể phát hiện hàng hoá giả mạo
nhãn hiệu hoặc hàng hoá bị nghi ngờ xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp theo quy
định tại Điểm 4.1 hoặc 4.2 Thông tư này.
c) Thủ trưởng Cơ
quan Hải quan nơi nhận Đơn ra thông báo từ chối chấp nhận đơn trong các trường
hợp sau đây:
(i) Cơ quan nhận
đơn không có thẩm quyền nhận đơn theo quy định tại Điểm 7 Thông tư này; hoặc
(ii) Có cơ sở khẳng
định Người nộp đơn không có quyền nộp đơn theo quy định tại các Điểm 3.1 và 3.2
Thông tư này; hoặc
(iii) Đơn có các
thiếu sót và mặc dù đã được yêu cầu sửa chữa nhưng Người nộp đơn vẫn không sửa
chữa hoặc sửa chữa không đạt yêu cầu.
8.2. Theo yêu cầu
của các Chủ sở hữu công nghiệp, Cơ quan Hải quan đã chấp nhận Đơn có
trách nhiệm ghi nhận bổ sung mọi thay đổi liên quan đến các thông tin đã được
ghi nhận với điều kiện người yêu cầu phải nộp phí theo quy định.
Mục 3:
ÁP DỤNG CÁC BIỆN
PHÁP KIỂM SOÁT BIÊN GIỚI VỀ SỞ HỮU CÔNG NGHIỆP
9. Căn cứ, thời hạn và đối tượng áp dụng các biện pháp kiểm soát biên
giới về sở hữu công nghiệp
Cơ quan Hải quan
áp dụng các biện pháp quy định tại Mục này căn cứ vào:
9.1. Đơn yêu cầu
giám sát, phát hiện hàng hoá giả mạo nhãn hiệu đã được ghi nhận theo quy định tại
Điểm 8 Thông tư này, trong thời hạn 1 năm tính từ ngày nộp đơn;
9.2. Đơn yêu cầu tạm
dừng làm thủ tục hải quan đối với lô hàng xuất khẩu, hàng nhập khẩu cụ thể có
các đặc điểm được nêu trong Đơn và trong thời hạn 3 tháng tính từ ngày nộp đơn.
10. Trách nhiệm triển khai các biện pháp kiểm soát biên giới về sở hữu
công nghiệp
10.1. Tổng cục Hải
quan và Cục Hải quan đã chấp nhận Đơn cung cấp cho các Chi cục Hải quan thuộc
phạm vi yêu cầu áp dụng các biện pháp kiểm soát nêu trong Đơn các thông tin đã
được ghi nhận về hàng hoá giả mạo nhãn hiệu và hàng hoá có dấu hiệu xâm phạm
quyền sở hữu công nghiệp và chỉ đạo việc tổ chức áp dụng các biện pháp quy định
tại Chương này.
10.2. Chi cục Hải
quan đã chấp nhận Đơn hoặc tiếp nhận thông tin về Đơn từ các cơ quan cấp trên tổ
chức kiểm tra, phát hiện hàng hoá giả mạo nhãn hiệu và hàng hoá có dấu hiệu xâm
phạm quyền sở hữu công nghiệp căn cứ vào các thông tin đã được cung cấp và áp dụng
các biện pháp kiểm soát biên giới về sở hữu công nghiệp theo thủ tục quy định tại
Chương này.
11. Kiểm tra, phát hiện và tạm dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng
hoá giả mạo nhãn hiệu và hàng hoá bị nghi ngờ xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp
11.1. Căn cứ các
thông tin được ghi nhận nêu trong Đơn yêu cầu áp dụng các biện pháp kiểm soát biên
giới về sở hữu công nghiệp đã được chấp nhận, Chi cục Hải quan có trách nhiệm
triển khai việc kiểm tra, phát hiện hàng hoá nghi ngờ giả mạo nhãn hiệu và xâm
phạm quyền sở hữu công nghiệp.
11.2. Khi phát hiện
được lô hàng nghi ngờ giả mạo nhãn hiệu hoặc xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp
Chi cục trưởng Chi cục Hải quan có quyền tạm thời dừng làm thủ tục hải quan và
Thông báo ngay bằng văn bản yêu cầu Người nộp đơn nộp Chứng từ bảo đảm thực hiện
nghĩa vụ tài chính theo quy định tại Điểm 4.3 Thông tư này (nếu chưa nộp) trong
thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày ra Thông báo.
a) Trường hợp Người
nộp đơn không đáp ứng yêu cầu nêu trên thì Chi cục Hải quan tiếp tục làm thủ tục
hải quan cho lô hàng đó.
b) Trường hợp Người
nộp đơn đáp ứng yêu cầu nêu trên Chi cục trưởng Chi cục Hải quan ra Quyết định
tạm dừng làm thủ tục hải quan đối với lô hàng đó và gửi ngay Quyết định này cho
các bên liên quan.
Quyết định tạm dừng
làm thủ tục hải quan phải nêu rõ lô hàng bị tạm dừng làm thủ tục hải quan; tên,
địa chỉ, số fax, điện thoại liên lạc của Chủ lô hàng và Người nộp đơn; Chủ sở hữu
công nghiệp; lý do tạm dừng làm thủ tục hải quan và thời hạn tạm dừng làm thủ tục
hải quan.
12. Thời hạn tạm dừng làm thủ tục hải quan
12.1. Thời hạn tạm
dừng làm thủ tục hải quan là 10 ngày kể từ ngày ra Quyết định.
Chi cục trưởng Chi
cục Hải quan có thể ra Quyết định kéo dài thời hạn tạm dừng làm thủ tục hải
quan thêm một thời hạn tối đa là 10 ngày nếu trong thời hạn tạm dừng làm thủ tục
hải quan, Người nộp đơn yêu cầu gia hạn và nộp bổ sung một khoản tiền bảo đảm
theo quy định tại Điểm 4.3.a) Thông tư này. Trường hợp tờ khai đã được đăng ký
tiếp nhận, sau đó bị tạm dừng làm thủ tục hải quan để cơ quan hải quan kiểm
tra, xác minh tình trạng pháp lý về sở hữu công nghiệp thì thời hạn nộp thuế (nếu
có) tính từ ngày ra quyết định tiếp tục làm thủ tục hải quan cho lô hàng đó.
12.2. Thời gian để
Cơ quan Hải quan xác định tình trạng pháp lý về sở hữu công nghiệp đối với hàng
bị tạm dừng làm thủ tục hải quan theo quy định tại Điểm 14.5 Thông tư này không
tính vào thời hạn quy định tại Điểm 12.1 trên đây.
13. Kiểm tra, thu thập chứng cứ về hàng xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp
13.1. Trong thời hạn
tạm dừng làm thủ tục hải quan, theo yêu cầu của Người nộp đơn hoặc Chủ lô hàng,
Cơ quan Hải quan tổ chức cho các bên kiểm tra lô hàng bị tạm dừng làm thủ tục hải
quan để thu thập chứng cứ, thông tin về về lô hàng đó.
13.2. Chứng cứ về hàng hoá bị tạm
dừng làm thủ tục hải quan có thể được thu thập dưới hình thức lập bản mô tả chi
tiết các dấu hiệu đặc trưng của hàng hoá, chụp ảnh hàng hoá, lấy mẫu hàng hoá
hoặc bao bì hàng hoá trong những trường hợp cần thiết và thích hợp. Chứng cứ để
nộp cho cơ quan có thẩm quyền giám định, giải quyết tranh chấp (tuỳ theo yêu cầu
của các bên) phải được Chi cục Hải quan niêm phong.
14. Xác định
tình trạng pháp lý về sở hữu công nghiệp của hàng hoá bị tạm dừng làm thủ tục hải
quan
14.1. Xác định
tình trạng pháp lý về sở hữu công nghiệp đối với hàng hoá bị tạm dừng làm thủ tục
hải quan là xem xét và kết luận hàng hoá đó có phải là hàng hoá xâm phạm quyền
sở hữu công nghiệp hay không, bao gồm việc xác định hàng hoá đó:
a) Có chứa yếu tố
vi phạm hay không; và
b) Có phải là hàng
hoá do Chủ sở hữu công nghiệp, người được phép của Chủ sở hữu công nghiệp hoặc
Người có quyền sử dụng trước đã đưa ra thị trường Việt Nam hoặc thị trường nước
ngoài hay không.
14.2. Cơ quan Hải
quan tiến hành thủ tục xác định tình trạng pháp lý về sở hữu công nghiệp đối với
hàng hoá bị tạm dừng làm thủ tục hải quan nếu:
a) Trong thời hạn
tạm dừng làm thủ tục hải quan Người nộp đơn nộp cho Chi cục Hải quan Đơn yêu cầu
xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp kèm theo các chứng cứ, lập luận
và tài liệu hoặc Văn bản kết luận giám định về sở hữu công nghiệp của cơ quan
quản lý sở hữu công nghiệp khẳng định hàng hoá bị tạm dừng làm thủ tục hải quan
là hàng hoá xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp;
b) Trong thời hạn
30 ngày kể từ ngày ra Quyết định tiếp tục làm thủ tục hải quan cho lô hàng theo
quy định tại Điểm 15.1.e) Thông tư này Người nộp đơn nộp cho Chi cục Hải quan
Đơn yêu cầu xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp kèm theo các chứng
cứ, lập luận và tài liệu hoặc Văn bản kết luận giám định về sở hữu công nghiệp
của cơ quan quản lý sở hữu công nghiệp khẳng định hàng hoá bị tạm dừng làm thủ
tục hải quan là hàng hoá xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp;
14.3. Việc xác định
yếu tố vi phạm của hàng hoá phải tuân theo quy định của pháp luật sở hữu công
nghiệp.
Căn cứ để xác định
yếu tố vi phạm là các chứng cứ, lập luận và tài liệu do Người nộp đơn và Chủ lô
hàng cung cấp.
Căn cứ để xác định
hàng hoá bị tạm dừng làm thủ tục hải quan có phải là hàng hoá do Chủ sở hữu
công nghiệp, người được phép của Chủ sở hữu công nghiệp hoặc Người có quyền sử
dụng trước đã đưa ra thị trường hay không là các chứng cứ, lập luận và tài liệu
chứng minh điều đó do Chủ lô hàng cung cấp.
14.4. Chi cục Hải
quan có quyền yêu cầu Người nộp đơn gửi Văn bản trưng cầu giám định tại cơ quan
quản lý Nhà nước về sở hữu công nghiệp để cho ý kiến kết luận nếu không tự xác định
được tình trạng pháp lý về sở hữu công nghiệp của hàng hoá bị tạm dừng làm thủ
tục hải quan căn cứ các chứng cứ, lập luận và tài liệu đã được cung cấp.
Chứng cứ, lập luận
và tài liệu được Chi cục Hải quan sử dụng để kết luận tình trạng pháp lý của
hàng hoá bị tạm dừng làm thủ tục hải quan do bất cứ bên nào cung cấp cũng đều
được cho bên kia biết và có ý kiến.
14.5. Thời hạn xác định tình trạng
pháp lý về sở hữu công nghiệp đối với hàng hoá bị tạm dừng làm thủ tục hải quan
là 10 ngày tính từ ngày nộp Đơn yêu cầu xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu
công nghiệp theo quy định tại Điểm 14.2 trên đây. Thời gian dành cho các Bên
liên quan bổ sung chứng cứ, lập luận và tài liệu hoặc thời gian trưng cầu giám
định tại Cục Sở hữu trí tuệ hoặc Sở khoa học công nghệ địa phương theo yêu cầu
của Chi cục Hải quan không tính vào thời hạn nói trên.
15. Tiếp tục
làm thủ tục hải quan đối với hàng hoá bị tạm dừng làm thủ tục hải quan và xử lý
các bên liên quan
15.1. Chi cục trưởng
Chi cục Hải quan ra Quyết định tiếp tục làm thủ tục hải quan cho lô hàng bị tạm
dừng làm thủ tục hải quan đối với các trường hợp sau:
a. Kết thúc thời hạn
tạm dừng làm thủ tục hải quan ấn định trong Quyết định tạm dừng làm thủ tục hải
quan mà Chi cục Hải quan không nhận được một trong các tài liệu sau:
(i) Đơn yêu cầu xử
lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp của Người nộp đơn kèm theo chứng cứ,
lập luận và tài liệu hoặc Văn bản kết luận giám định về sở hữu công nghiệp của cơ
quan quản lý về sở hữu công nghiệp để có cơ sở xác định tình trạng pháp lý về sở
hữu công nghiệp của lô hàng bị tạm dừng làm thủ tục hải quan; hoặc
(ii) Văn bản của
cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền hoặc Toà án xác nhận đã tiếp nhận đơn
yêu cầu giải quyết tranh chấp về xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp liên quan đến
lô hàng bị tạm dừng làm thủ tục hải quan.
b) Kết quả xác định
tình trạng pháp lý về sở hữu công nghiệp khẳng định rằng lô hàng bị tạm dừng
làm thủ tục hải quan không phải là hàng xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp;
c) Chi cục Hải
quan nhận được Quyết định của các cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp về
sở hữu công nghiệp, trong đó khẳng định lô hàng bị tạm dừng thủ tục hải quan
không phải là hàng xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp;
d) Quyết định tạm
dừng làm thủ tục hải quan bị đình chỉ hoặc thu hồi theo quyết định giải quyết
khiếu nại;
đ) Người nộp đơn
rút đơn yêu cầu tạm dừng làm thủ tục hải quan;
e) Hàng hoá bị tạm
dừng làm thủ tục hải quan là hàng hoá bị nghi ngờ xâm phạm quyền sở hữu công
nghiệp đối với sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố
trí mạch tích hợp bán dẫn hoặc bí mật kinh doanh và Chủ lô hàng yêu cầu
tiếp tục làm thủ tục hải quan (với điều kiện phải lưu mẫu hàng để làm căn cứ xử
lý sau này) đồng thời nộp vào tài khoản tạm gửi của Cơ quan Hải quan tại Kho bạc
Nhà nước một khoản tiền bảo đảm bằng 20% trị giá lô hàng ghi trong hợp đồng.
15.2. Cơ quan Hải
quan được miễn trách nhiệm vì đã tạm dừng theo yêu cầu của người nộp đơn và áp
dụng các biện pháp xử lý các bên liên quan như sau:
a) Đối với các trường
hợp nêu tại các điểm từ 15.1.a) đến 15.1.đ) Thông tư này, Cơ quan Hải quan thực
hiện các công việc sau:
(i) Ra Quyết định
buộc Người nộp đơn phải thanh toán các khoản chi phí phát sinh cho Chủ lô hàng
do việc tạm dừng làm thủ tục hải quan không đúng gây ra. Chi phí phát sinh bao
gồm phí lưu kho bãi, xếp dỡ, bảo quản hàng hoá. Thiệt hại từ việc tạm dừng làm
thủ tục hải quan do hai bên thoả thuận hoặc được xác định theo thủ tục tố tụng
dân sự.
(ii) Hoàn trả các khoản
tiền bảo đảm đã nộp vào tài khoản tạm gửi của Cơ quan Hải quan hoặc Chứng từ bảo
lãnh của tổ chức tín dụng cho Người nộp đơn sau khi Người nộp đơn đã thực hiện
nghĩa vụ thanh toán các chi phí và thiệt hại phát sinh theo Quyết định của Cơ
quan Hải quan hoặc Cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp, khiếu nại về sở
hữu công nghiệp liên quan đến lô hàng đó (nếu có);
(iii) Lập biên bản
vi phạm hành chính và đề nghị Cơ quan có thẩm quyền ra quyết định xử phạt Người
nộp đơn về hành vi thực hiện quyền sở hữu công nghiệp nhằm mục đích cạnh tranh
không lành mạnh theo quy định tại các văn bản hướng dẫn về xử lý vi phạm hành
chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp.
b) Đối với trường
hợp nêu tại Điểm 15.1.e) Thông tư này, Cơ quan Hải quan áp dụng các biện pháp xử
lý sau:
(i) Hoàn trả khoản
tiền bảo đảm đã nộp vào tài khoản tạm gửi của Cơ quan Hải quan cho Chủ lô hàng
nếu:
- Kết thúc thời hạn
30 ngày làm việc kể từ ngày ra Quyết định tiếp tục làm thủ tục hải quan mà Người
nộp đơn không nộp cho Cơ quan Hải quan Đơn yêu cầu xử lý hành vi xâm phạm quyền
sở hữu công nghiệp, kèm theo chứng cứ, lập luận và tài liệu hoặc Văn bản kết luận
giám định về sở hữu công nghiệp của cơ quan quản lý về sở hữu công nghiệp khẳng
định hàng hoá bị tạm dừng làm thủ tục hải quan là hàng hoá xâm phạm quyền sở hữu
công nghiệp hoặc không nộp văn bản của Toà án xác nhận đã tiếp nhận yêu cầu giải
quyết tranh chấp về xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp liên quan đến lô hàng đó.
- Hàng hoá bị tạm
dừng làm thủ tục hải quan không phải là hàng hoá xâm phạm quyền sở hữu công
nghiệp.
(ii) Ra Quyết định
xử phạt vi phạm hành chính đối với Chủ lô hàng theo quy định tại Điểm 16.1 và
17.2 Mục 3 Thông tư này và hoàn trả khoản tiền bảo đảm, Chứng từ bảo lãnh của Tổ
chức tín dụng cho Người nộp đơn trong trường hợp kết luận hàng hoá bị tạm dừng
làm thủ tục hải quan là hàng hoá xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp.
16. Xử lý các bên liên quan trong trường hợp xác định hàng hoá bị tạm dừng
làm thủ tục hải quan là hàng hoá xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp
Trong trường hợp
Chi cục Hải quan kết luận hàng hoá bị tạm dừng làm thủ tục hải quan là hàng hoá
xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan chuyển hồ sơ
kèm theo ý kiến đề xuất giải quyết vụ việc đến Cục Hải quan tỉnh/thành phố trực
thuộc để Cục trưởng Cục Hải quan ra Quyết định:
16.1. Xử phạt vi
phạm hành chính đối với Chủ lô hàng với hình thức, mức phạt tương ứng với các
hành vi vi phạm theo quy định tại các văn bản hướng dẫn xử phạt vi phạm hành
chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp;
16.2. Hoàn trả các
khoản tiền bảo đảm đã nộp vào tài khoản tạm gửi của Cơ quan Hải quan hoặc Chứng
từ bảo lãnh của tổ chức tín dụng cho Người nộp đơn.
17. Xử lý hàng hoá xuất khẩu, hàng hoá nhập khẩu xâm phạm quyền sở hữu
công nghiệp
17.1. Việc áp dụng
các biện pháp xử lý hàng xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp phải tuân thủ các
nguyên tắc sau:
a) Hàng xâm phạm
quyền sở hữu công nghiệp được xử lý theo quy định tại Pháp lệnh Xử lý vi phạm
hành chính ngày 02/07/2002, Nghị định số 134/2003/NĐ-CP ngày 14/11/2003 của
Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm
hành chính năm 2002, Nghị định và văn bản hướng dẫn xử phạt vi phạm hành chính
trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp;
b) Biện pháp xử lý
hàng xuất khẩu, hàng nhập khẩu xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp phải bảo đảm
ngăn chặn kịp thời hành vi xâm phạm, ngăn ngừa khả năng vi phạm tiếp theo đồng
thời bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của Chủ sở hữu công nghiệp liên quan.
c) Biện pháp buộc
loại bỏ yếu tố vi phạm chỉ được áp dụng đối với hàng hoá có thể gỡ bỏ yếu tố vi
phạm, cụ thể là hàng hoá có bộ phận chứa yếu tố vi phạm có thể tháo rời như
nhãn, đề can có thể bóc ra, bao bì, bộ phận sản phẩm có thể tháo rời.
d) Biện pháp buộc
tái xuất được áp dụng đối với hàng hoá giả mạo nhãn hiệu nếu nhãn hiệu giả mạo
được gỡ bỏ.
đ) Biện pháp tịch
thu được áp dụng đối với hàng hoá xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp nếu không
thể loại bỏ được yếu tố vi phạm trên hàng hoá đó;
e) Biện pháp phân phối
hàng bị tịch thu cho các đối tượng sử dụng không nhằm mục đích kinh doanh (các
tổ chức nhân đạo, tổ chức hoạt động vì phúc lợi xã hội, tổ chức nghiên cứu,
giáo dục công cộng,v.v ) được áp dụng nếu Chủ sở hữu công nghiệp không có ý kiến
phản đối xác đáng;
g) Biện pháp tiêu
huỷ hàng hoá bị tịch thu được áp dụng nếu hàng hoá đó không có hoặc không còn
giá trị sử dụng; hoặc là đề can, nhãn sản phẩm, bao bì sản phẩm chứa yếu tố vi
phạm; hoặc hàng hoá không đáp ứng các điều kiện để xử lý bằng các biện pháp nêu
trên.
17.2. Thẩm quyền,
thủ tục, hình thức xử lý hàng hoá bị tạm dừng làm thủ tục hải quan xâm phạm quyền
sở hữu công nghiệp phải tuân thủ quy định tại Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính
ngày 02/07/2002, Nghị định số 134/2003/NĐ-CP ngày 14/11/2003 của Chính phủ quy
định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm
2002, Nghị định và văn bản hướng dẫn xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực
sở hữu công nghiệp.
Mục 4:
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
18. Khiếu nại
18.1. Chủ lô hàng
và Người nộp đơn có quyền khiếu nại các Quyết định, kết luận của Cơ quan Hải
quan về việc áp dụng các biện pháp kiểm soát biên giới về sở hữu công nghiệp.
18.2. Người khiếu
nại và Cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại phải thực hiện đúng thủ tục,
trình tự khiếu nại và giải quyết khiếu nại quy định trong Luật Khiếu nại, tố
cáo.
19. Trách nhiệm của Chủ sở hữu công nghiệp
19.1. Chủ sở hữu
công nghiệp có trách nhiệm chủ động cung cấp thông tin liên quan tới hàng hoá
xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp cho Cơ quan Hải quan, phối hợp với Cục Sở hữu
trí tuệ và Tổng cục Hải quan trong việc bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ liên
quan cho công chức hải quan nhằm nâng cao khả năng nhận biết, chủ động kiểm tra,
ngăn chặn hàng hoá xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp tại cửa khẩu.
19.2. Chủ sở hữu
công nghiệp có thể hỗ trợ kinh phí cho Cơ quan Hải quan tiêu huỷ hàng hoá xâm
phạm quyền sở hữu công nghiệp nếu không thể thu hồi được chi phí tiêu huỷ hàng
hóa từ chủ lô hàng.
20. Trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền
20.1. Tổng cục Hải
quan thuộc Bộ Tài chính có trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện các biện
pháp kiểm soát biên giới về sở hữu công nghiệp theo quy định tại Thông tư này.
20.2. Cục Sở hữu
trí tuệ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm cung cấp cho Tổng cục Hải
quan các thông tin về/hoặc liên quan đến các đối tượng sở hữu công nghiệp đang
được bảo hộ tại Việt Nam và phối hợp với Tổng cục Hải quan chỉ đạo nghiệp vụ và
tổ chức bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ về sở hữu công nghiệp cho các Cơ quan Hải
quan trực tiếp thực hiện các biện pháp kiểm soát biên giới về sở hữu công nghiệp.
20.3. Cục Sở hữu
trí tuệ, các cơ quan quản lý sở hữu trí tuệ địa phương có trách nhiệm thực hiện
giám định về sở hữu công nghiệp theo yêu cầu của Cơ quan Hải quan và các bên
liên quan theo thẩm quyền và thủ tục quy định của pháp luật sở hữu công nghiệp.
21. Hiệu lực
Thông tư này có hiệu
lực sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng
mắc cần báo cáo với Bộ Tài chính và Bộ Khoa học và Công nghệ để kịp thời điều
chỉnh, bổ sung.
Bùi
Mạnh Hải
(Đã
ký)
|
Trương
Chí Trung
(Đã
ký)
|
PHỤ LỤC 1
THÔNG TƯ LIÊN TỊCH SỐ 129 /2004/TTLT-BTC-BKHCNNGÀY 29 THÁNG 12 NĂM 2004
ĐƠN YÊU CẦU GIÁM SÁT, PHÁT HIỆN HÀNG
HOÁ GIẢ MẠO NHÃN HIỆU
Kính gửi:
Người ký tên dưới
đây yêu cầu giám sát, phát hiện hàng hoá giả mạo nhãn hiệu.
1. Tên, địa chỉ, quốc tịch Người nộp đơn:
2. Tên, địa chỉ Tổ chức dịch vụ đại diện sở hữu
công nghiệp (nếu có):
3. Nhãn hiệu hàng hoá bị giả mạo (Tên, Số,
ngày cấp Văn bằng bảo hộ):
4. Các tài liệu
kèm theo Tờ khai gồm:
[] Bản sao Văn bằng
bảo hộ;
[] Bản sao Giấy chứng
nhận đăng ký Hợp đồng li-xăng;
[] Tài liệu khác
xác nhận Bên nhận li-xăng có quyền nộp đơn;
[] Tài liệu khác
chứng minh tư cách chủ sở hữu công nghiệp của Người nộp đơn;
[] Giấy uỷ quyền nộp
đơn (nếu Đơn do người đại diện nộp);
[] Thông tin chi
tiết về hàng hoágiả mạo nhãn hiệu;
[] Chứng từ nộp
phí nộp đơn (nếu có);
[] Các tài liệu khác, cụ thể là:
5. Khai tại:
Ngày tháng năm
Họ tên, chữ ký của Người khai và con dấu (nếu
có)
PHỤ LỤC 2
THÔNG TƯ LIÊN TỊCH SỐ 129 /2004/TTLT-BTC-BKHCN NGÀY 29 THÁNG 12 NĂM
2004
ĐƠN YÊU CẦU TẠM DỪNG LÀM THỦ TỤC HẢI
QUAN
Kính gửi:................................................................................................
Người ký tên dưới
đây yêu cầu tạm dừng làm thủ tục hải quan đối với lô hàng bị nghi ngờ xâm phạm
quyền sở hữu công nghiệp và cam kết bồi thường thiệt hại trực tiếp cho Chủ lô
hàng, thanh toán các chi phí phát sinh khác do việc yêu cầu tạm dừng làm thủ tục
hải quan không đúng gây ra.
1. Tên, địa chỉ,
quốc tịch Người nộp đơn:
2. Tên, địa chỉ Tổ chức dịch vụ đại diện sở hữu
công nghiệp (nếu có):
3. Đối tượng sở hữu công nghiệp nghi ngờ bị
xâm phạm (Tên, Số, ngày cấp Văn bằng bảo hộ):
4. Loại hàng hoá, ký mã hiệu, mô tả các dấu
hiệu để nhận biết hàng hoá bị nghi ngờ là xâm phạm quyền sở hữu công
nghiệp:
5. Thông tin dự doán về thời gian, địa điểm làm
thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu cho lô hàng bị nghi ngờ xâm phạm quyền sở hữu
công nghiệp:
6. Tên, địa chỉ của Chủ lô hàng:
7. Các tài liệu
kèm theo Tờ khai gồm:
[] Bản sao Văn bằng
bảo hộ;
[] Bản sao Giấy chứng
nhận đăng ký Hợp đồng li-xăng;
[] Tài liệu khác
xác nhận Bên nhận li-xăng có quyền nộp đơn;
[] Tài liệu chứng
minh quyền sở hữu công nghiệp;
[] Giấy uỷ quyền nộp
đơn (nếu Đơn do người đại diện nộp);
[] Bản mô tả chi
tiết hàng hoá bị nghi ngờ xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp;
[] ảnh chụp hàng
hoá xâm phạm;
[] Chứng từ nộp
phí nộp đơn (nếu có);
[] Các tài liệu khác, cụ thể là:
8. Khai tại:
Ngày tháng năm
Họ tên, chữ ký của Người khai và con dấu (nếu
có)