Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Thông tư 44/2011/TT-BTC hướng dẫn công tác chống hàng giả và bảo vệ quyền

Số hiệu: 44/2011/TT-BTC Loại văn bản: Thông tư
Nơi ban hành: Bộ Tài chính Người ký: Đỗ Hoàng Anh Tuấn
Ngày ban hành: 01/04/2011 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đã biết Số công báo: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

BỘ TÀI CHÍNH
--------

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-----------

Số: 44/2011/TT- BTC

Hà Nội, ngày 01 tháng 04  năm 2011

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN CÔNG TÁC CHỐNG HÀNG GIẢ VÀ  BẢO VỆ QUYỀN SỞ HỮU TRÍ TUỆ TRONG LĨNH VỰC HẢI QUAN

Căn cứ Luật Sở hữu trí tuệ số 50/2005/QH11 ngày 29 tháng 11 năm 2005; Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Sở hữu trí tuệ số 36/2009/QH 12 ngày 19 tháng 06 năm 2009;
Căn cứ Luật Hải quan số 29/2001/QH10 ngày 29 tháng 06 năm 2001; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hải quan số 42/2005/QH11 ngày 14 tháng 06 năm 2005;
Căn cứ Luật khiếu nại, tố cáo số 09/1998/QH10 ngày 02 tháng 12 năm 1998; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật khiếu nại, tố cáo số 26/2004/QH11 ngày 15 tháng 6 năm 2004; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật khiếu nại, tố cáo số 58/2005/QH10 ngày 29 tháng 11 năm 2005;
Căn cứ Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính ngày 02 tháng 07 năm 2002; Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính ngày 02 tháng 04 năm 2008;
Căn cứ Nghị định số 119/2010/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2010 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 105/2006/NĐ-CP ngày 22 tháng 09 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và quản lý Nhà nước về sở hữu trí tuệ;
Căn cứ Nghị định số 154/2005/NĐ-CP ngày 15 tháng 12 năm 2005 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan;
Căn cứ Quyết định số 65/2010/QĐ-TTg ngày 25/10/2010 của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy chế về trách nhiệm và quan hệ phối hợp hoạt động giữa các cơ quan quản lý Nhà nước trong công tác đấu tranh phòng chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại;
Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu của Bộ Tài chính;
Thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ số 25/NQ-CP ngày 02 tháng 6 năm 2010 về việc đơn giản hoá thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ, ngành và số 68/NQ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2010 về đơn giản hóa thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Tài chính;
Bộ Tài chính hướng dẫn về công tác chống hàng giả và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực hải quan như sau:

Chương I.

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này hướng dẫn về công tác chống hàng giả và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực hải quan.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Cơ quan Hải quan các cấp; doanh nghiệp xuất khẩu, nhập khẩu; tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ, chủ sở hữu hàng thật bị làm giả hoặc đại diện hợp pháp của chủ sở hữu; tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Các từ ngữ sử dụng trong Thông tư này được hiểu như sau:

1. Hàng giả bao gồm:

a) Giả chất lượng và công dụng: hàng hoá không có giá trị sử dụng hoặc giá trị sử dụng không đúng với nguồn gốc, bản chất tự nhiên, tên gọi và công dụng của hàng hoá;

b) Giả mạo nhãn hàng hoá, bao bì hàng hoá: hàng hoá giả mạo tên, địa chỉ của thương nhân khác trên nhãn hoặc bao bì cùng loại hàng hoá; hàng hoá giả mạo chỉ dẫn về nguồn gốc hàng hoá hoặc nơi sản xuất, đóng gói, lắp ráp trên nhãn hoặc bao bì hàng hoá;

c) Giả mạo về sở hữu trí tuệ theo quy định tại Điều 213 Luật Sở hữu trí tuệ bao gồm hàng hoá có gắn nhãn hiệu, dấu hiệu trùng hoặc khó phân biệt với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ dùng cho chính mặt hàng đó mà không được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc của tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý; hàng hoá là bản sao được sản xuất mà không được phép của chủ thể quyền tác giả hoặc quyền liên quan;

d) Các loại đề can, tem chất lượng, tem chống giả, phiếu bảo hành, niêm màng co hàng hoá có nội dung giả mạo tên, địa chỉ thương nhân, nguồn gốc hàng hoá, nơi sản xuất, đóng gói, lắp ráp hàng;

e) Đối với hàng hoá thuộc diện quản lý chuyên ngành nếu pháp luật có quy định riêng thì áp dụng các quy định đó để xác định hàng giả.

2. Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực hải quan là việc cơ quan Hải quan áp dụng các biện pháp kiểm soát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu liên quan đến sở hữu trí tuệ theo quy định tại Điều 216, Mục 2, chương XVIII Luật Sở hữu trí tuệ và các biện pháp quy định tại khoản 8, 9, 10, Điều 4, Chương I và  Mục 5, chương III Luật Hải quan và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để phát hiện, đấu tranh và xử lý các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực hải quan.

3. Tạm dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hoá bị nghi ngờ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ là biện pháp được tiến hành theo yêu cầu của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ nhằm thu thập thông tin, chứng cứ về lô hàng để chủ thể quyền sở hữu trí tuệ thực hiện quyền yêu cầu xử lý hành vi xâm phạm quyền và yêu cầu áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời hoặc các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử phạt hành chính.

4. Kiểm tra hải quan về hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ là việc kiểm tra hồ sơ hải quan, các chứng từ liên quan và kiểm tra thực tế hàng hóa, phương tiện vận tải do cơ quan hải quan thực hiện nhằm phát hiện hàng hóa có nghi ngờ là hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

5. Giám sát hải quan về hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ là biện pháp nghiệp vụ do cơ quan hải quan áp dụng để đảm bảo sự nguyên trạng của hàng hóa đang thuộc đối tượng quản lý hải quan.

6. Kiểm soát hải quan về hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ là các biện pháp tuần tra, điều tra hoặc biện pháp nghiệp vụ khác do cơ quan hải quan áp dụng để phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa là hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ qua biên giới.

7. Đơn yêu cầu bao gồm: Đơn yêu cầu kiểm tra, giám sát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu liên quan đến sở hữu trí tuệ và đơn yêu cầu tạm dừng làm thủ tục hải quan ( mẫu đơn được ban hành kèm theo Thông tư này).

8. Người nộp đơn yêu cầu là chủ thể quyền sở hữu quyền sở hữu trí tuệ (bao gồm chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ và tổ chức, cá nhân được chủ sở hữu quyền chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ) hoặc người được chủ thể quyền sở hữu trí tuệ ủy quyền hợp pháp.

9. Xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ là các hành vi nêu tại các điều 28, điều 35, điều 126, điều 127, điều 129 và điều 188 Luật Sở hữu trí tuệ.

Điều 4. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân liên quan  

1. Được cơ quan hải quan giữ bí mật các thông tin thương mại đã cung cấp cho cơ quan hải quan, trừ các trường hợp phải cung cấp cho các cơ quan chức năng theo quy định của pháp luật.

2. Chủ thể quyền sở hữu quyền sở hữu trí tuệ, chủ sở hữu của hàng thật bị làm giả hoặc người đại diện theo ủy quyền hợp pháp được tham gia cùng với cơ quan hải quan vào các hoạt động kiểm tra, giám sát, kiểm soát, xác minh, thu thập chứng cứ xác định hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng giả, quá trình xử lý hàng hóa, tang vật vi phạm, trừ trường hợp cần thiết bảo vệ bí mật thương mại, bí mật Nhà nước theo quy định của pháp luật.

3. Khiếu nại, khiếu kiện các quyết định xử lý hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, việc áp dụng các biện pháp kiểm soát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu liên quan đến sở hữu trí tuệ của cơ quan hải quan theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo và pháp luật về thủ tục giải quyết các vụ án hành chính.

4. Cung cấp cho cơ quan hải quan các thông tin, tài liệu liên quan đến hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu nghi ngờ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng giả.

5. Hỗ trợ và phối hợp với cơ quan Hải quan trong công tác xử lý, tiêu hủy hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng giả.

Điều 5. Quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan hải quan

1. Triển khai áp dụng các biện pháp kiểm tra, giám sát hải quan, kiểm soát hải quan theo quy định của pháp luật hải quan, pháp luật thương mại và pháp luật sở hữu trí tuệ đối với hàng hóa có nghi ngờ là hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

2. Giải thích, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân liên quan tuân thủ quy định của pháp luật về chống hàng giả và thực thi bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, các quy định của Luật Hải quan, Luật Sở hữu trí tuệ và hướng dẫn tại Thông tư này. Thông báo bằng văn bản cho các tổ chức, cá nhân liên quan về kết quả giải quyết, xử lý vụ việc.

3. Phối hợp với các cơ quan quản lý Nhà nước, các lực lượng có chức năng chống hàng giả và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong công tác đấu tranh, xử lý  hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của pháp luật hiện hành.  

4. Yêu cầu cá nhân, tổ chức liên quan nộp, xuất trình các tài liệu, chứng từ có liên quan để giải trình, làm rõ những nghi vấn của cơ quan hải quan về hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng giả.

5. Giải quyết khiếu kiện, khiếu nại của các tổ chức, cá nhân có liên quan về việc xử lý hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và việc áp dụng các biện pháp kiểm soát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu liên quan đến sở hữu trí tuệ của cơ quan hải quan theo quy định của pháp luật.

6. Thực hiện chế độ báo cáo, lưu giữ tài liệu, hồ sơ có liên quan đến công tác chống hàng giả và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ theo quy định hiện hành của ngành Hải quan.

Chương II.

KIỂM TRA, GIÁM SÁT HẢI QUAN VÀ KIỂM SOÁT HẢI QUAN ĐỐI VỚI HÀNG GIẢ, HÀNG HÓA LIÊN QUAN ĐẾN QUYỀN SỞ HỮU TRÍ TUỆ

MỤC 1. KIỂM TRA, GIÁM SÁT HẢI QUAN ĐỐI VỚI HÀNG GIẢ TRONG QUÁ TRÌNH  LÀM THỦ TỤC HẢI QUAN

Điều 6. Kiểm tra hải quan   

1. Trong quá trình làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, cơ quan hải quan có trách nhiệm:

a) Kiểm tra và đối chiếu giữa các thông tin khai báo của chủ hàng trên tờ khai hải quan về tên hàng, nhãn hiệu, xuất xứ, trị giá, quy cách đóng gói, phẩm chất hàng hóa, tuyến đường vận chuyển của hàng hóa với các thông tin do cơ quan hải quan thu thập để xác định dấu hiệu về hàng giả.

b) Kiểm tra và đối chiếu giữa nội dung kết luận của cơ quan quản lý Nhà nước về hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, kết quả kiểm tra hồ sơ hải quan với kết quả kiểm tra thực tế hàng hóa.

c) Đối chiếu kết quả kiểm tra với các quy định của pháp luật về hàng giả.

2. Khi phát hiện hàng hóa có dấu hiệu vi phạm trong các trường hợp như:

- Hàng hoá nhập khẩu không tuân thủ việc ghi nhãn hàng hóa theo quy định tại Nghị định 89/2006/NĐ-CP ngày 30/09/2006 của Chính phủ về ghi nhãn hàng hóa. Ví dụ: phụ gia thực phẩm không ghi ngày sản xuất, hướng dẫn sử dụng; mỹ phẩm nhập khẩu không ghi định lượng, thành phần.

- Kết luận kiểm tra nhà nước về chất lượng hoặc kết quả giám định chất lượng hàng hóa xác định hàng hóa không đạt chất lượng nhập khẩu, xuất khẩu; không đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật Việt Nam. Ví dụ: rượu nhập khẩu không đạt tiêu chuẩn Việt Nam hoặc không đạt tiêu chuẩn đã công bố; dược phẩm nhập khẩu có dược chất nhưng không đúng hàm lượng đăng ký hoặc có dược chất khác với dược chất ghi trên nhãn.

- Hàng hóa nằm trong danh sách hoặc thông báo của cơ quan quản lý Nhà nước không đạt tiêu chuẩn chất lượng hoặc không được phép lưu thông trên thị trường. Ví dụ: dược phẩm có nguồn gốc nhập khẩu theo thông báo của cơ quan y tế bị đình chỉ lưu hành do không đạt tiêu chuẩn chất lượng.

- Nội dung ghi trên nhãn hàng hóa không phù hợp với các tài liệu kèm theo sản phẩm, dấu hợp chuẩn, dấu hợp quy; hàng hóa quá hạn sử dụng hoặc có dấu hiệu tẩy xóa hạn sử dụng ghi trên bao bì sản phẩm.

- Sử dụng bao bì của nhà sản xuất khác để đóng lên sản phẩm hoặc trên sản phẩm không ghi mã vạch, mã vạch ghi trên sản phẩm không phù hợp với xuất xứ khai báo trên tờ khai hải quan, giấy chứng nhận xuất xứ.

Lãnh đạo Chi cục Hải quan nơi phát hiện hàng hóa vi phạm xem xét quyết định áp dụng các biện pháp ngăn chặn vi phạm hành chính và bảo đảm việc xử phạt hành chính theo quy định hiện hành và tiến hành các biện pháp xác minh về hàng hóa theo quy định tại Điều 7 Thông tư này.

3. Trường hợp phát hiện hàng hóa có dấu hiệu vi phạm theo thông tin do chủ sở hữu hàng thật bị làm giả cung cấp, Lãnh đạo Chi cục Hải quan nơi phát hiện hàng hóa có nghi ngờ vi phạm có trách nhiệm thông báo ngay cho chủ sở hữu hàng thật bị làm giả biết, đồng thời xem xét quyết định áp dụng các biện ngăn chặn vi phạm hành chính và bảo đảm việc xử phạt hành chính theo quy định hiện hành và tiến hành các biện pháp xác minh về hàng hóa theo quy định tại Điều 7 Thông tư này.

Điều 7. Xác minh và xử lý về hàng hóa

1. Trong thời gian hàng hóa đang bị tạm giữ hoặc bị áp dụng các biện pháp ngăn chặn theo quy định, Chi cục Hải quan có trách nhiệm thực hiện các công việc sau:

a) Yêu cầu chủ hàng, chủ sở hữu hàng thật bị làm giả (khi đã xác định được chủ sở hữu) cung cấp tài liệu có liên quan đến hàng hóa (catalog, kết luận giám định, tài liệu từ nước ngoài, kết quả xử lý các vụ việc tương tự....).

b) Phối hợp với chủ hàng, chủ sở hữu hàng thật bị làm giả lấy mẫu, thống nhất lựa chọn thương nhân giám định thực hiện giám định. Kết luận của thương nhân giám định có giá trị để các bên thực hiện.

c) Trường hợp người khai hải quan và cơ quan hải quan không thống nhất được trong việc lựa chọn thương nhân giám định thì cơ quan hải quan lựa chọn tổ chức kỹ thuật được chỉ định kiểm tra phục vụ quản lý nhà nước hoặc thương nhân giám định (đối với trường hợp tổ chức kỹ thuật được chỉ định kiểm tra có văn bản từ chối). Kết luận của tổ chức kỹ thuật được chỉ định kiểm tra phục vụ quản lý nhà nước hoặc thương nhân giám định có giá trị để các bên thực hiện. Nếu người khai hải quan không đồng ý với kết luận này thì thực hiện khiếu nại theo quy định của pháp luật.

Thủ tục lấy mẫu, kỹ thuật lấy mẫu, nơi lưu mẫu, thời gian lưu mẫu, lưu ảnh của hàng hóa thực hiện theo hướng dẫn tại khoản 3, 4, 5, 6, 7 Điều 15, Thông tư số 194/2010/TT-BTC ngày 06 tháng 12 năm 2010 của Bộ Tài chính.

d) Phối hợp với các lực lượng kiểm soát chống buôn lậu trong công tác xác minh, điều tra theo nghiệp vụ quy định.

e) Báo cáo Cục Hải quan tỉnh, thành phố và Tổng cục Hải quan để kịp thời chỉ đạo giải quyết đối với những vụ việc phức tạp, hàng hoá có giá trị lớn, liên quan đến nhiều địa phương, cơ quan Nhà nước, tổ chức quốc tế.

f) Quyết định tạm giải phòng hàng đưa về bảo quản theo quy định tại khoản 4, Điều 25 Luật Hải quan sửa đổi, bổ sung năm 2005 trong trường hợp chủ hàng có yêu cầu đưa hàng hóa về bảo quản.

3. Kết thúc thời hạn tạm giữ hoặc thời gian áp dụng các biện pháp ngăn chặn theo quy định, nếu đủ cơ sở kết luận hàng hóa bị nghi ngờ là hàng giả, cơ quan hải quan tiến hành xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại Chương IV Thông tư.

4. Trường hợp hàng hóa vi phạm có dấu hiệu tội phạm theo quy định tại Bộ luật hình sự, cơ quan hải quan có trách nhiệm chuyển giao cho cơ quan có thẩm quyền để tiến hành điều tra, khởi tố theo quy định của pháp luật.

5. Hoàn thành thủ tục hải quan cho lô hàng trong trường hợp kết luận hàng hóa không phải là hàng giả. Việc giải quyết khiếu nại hoặc yêu cầu bồi thường thiệt hại do việc tạm giữ hàng hóa của cơ quan hải quan gây ra của chủ hàng được thực hiện theo quy định hiện hành về giải quyết khiếu nại và bồi thường thiệt hại.

MỤC 2. KIỂM TRA, GIÁM SÁT HẢI QUAN ĐỐI VỚI HÀNG HOÁ  LIÊN QUAN ĐẾN QUYỀN SỞ  HỮU TRÍ TUỆ TRONG QUÁ TRÌNH LÀM THỦ TỤC HẢI QUAN

Điều 8. Kiểm tra hải quan   

1. Trong quá trình làm thủ tục hải quan đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu, cơ quan hải quan có trách nhiệm:

a) Kiểm tra và đối chiếu giữa các thông tin khai báo của chủ hàng trên tờ khai hải quan về tên hàng, nhãn hiệu, xuất xứ, trị giá, quy cách đóng gói, phẩm chất hàng hóa, tuyến đường vận chuyển của hàng hóa với các thông tin trong hệ thống dữ liệu về đơn yêu cầu kiểm tra, giám sát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu liên quan đến sở hữu trí tuệ, danh mục quản lý rủi ro về sở hữu trí tuệ và các thông tin do cơ quan hải quan thu thập để xác định dấu hiệu hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

b) Đối chiếu giữa kết quả kiểm tra hồ sơ hải quan, kiểm tra thực tế hàng hóa và kết quả kiểm tra thông tin với các quy định của pháp luật về hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và các quy định về thủ tục kiểm soát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu liên quan đến sở hữu trí tuệ.

2. Khi phát hiện hàng hóa có nghi ngờ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, Chi cục Hải quan thực hiện việc thông báo theo quy định tại Điều 9 Thông tư này.

3. Trường hợp không có thông tin yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ nhưng trong quá trình kiểm tra, Chi cục Hải quan phát hiện và có nghi ngờ hàng hóa nhập khẩu giả mạo về sở hữu trí tuệ (ví dụ: hàng hóa mang nhãn hiệu của các doanh nghiệp Việt Nam nhưng lại được nhập khẩu từ nước ngoài mà không có hợp đồng gia công).

Lãnh đạo Chi cục Hải quan chỉ đạo việc kiểm tra thực tế hàng hóa, lấy mẫu hoặc chụp ảnh về hàng hóa, trao đổi và cung cấp thông tin liên quan với đơn vị  chuyên trách về sở hữu trí tuệ tại Tổng cục Hải quan, Cục Hải quan tỉnh, thành phố để quyết định việc hoàn thành thủ tục hải quan hoặc tạm giữ hàng hóa nếu xác định nghi vấn là có cơ sở.    

Điều 9. Thông báo về hàng hóa có nghi ngờ  

1. Chi cục Hải quan thông báo cho người nộp đơn về hàng hóa có nghi ngờ (theo mẫu số 03-SHTT ban hành kèm theo Thông tư này) đồng thời fax cho người nộp đơn biết.

2. Trong thời gian ba (03) ngày làm việc kể từ ngày ra thông báo về hàng hóa có nghi ngờ, Chi cục Hải quan có trách nhiệm thực hiện các công việc sau:

a) Quyết định tạm dừng làm thủ tục hải quan sau khi nhận được Đơn yêu cầu tạm dừng làm thủ tục hải quan và khoản tiền đảm bảo (bằng 20% giá trị lô hàng cần áp dụng biện pháp tạm dừng làm thủ tục hải quan hoặc tối thiểu hai mươi triệu đồng nếu không thể xác định được giá trị lô hàng đó) hoặc chứng từ bảo lãnh của ngân hàng hoặc của tổ chức tín dụng khác quy định tại khoản 2, Điều 217 Luật Sở hữu trí tuệ.

b) Trường hợp có đủ cơ sở khẳng định hàng hóa bị thông báo là giả mạo về sở hữu trí tuệ, Lãnh đạo Chi cục xem xét quyết định áp dụng ngay các biện pháp hành chính để xử lý theo quy định tại Điều 214 và Điều 215 của Luật Sở hữu trí tuệ. Đồng thời phối hợp với lực lượng kiểm soát các cấp để xác minh, thu thập thông tin về hàng hóa theo quy định.

c) Tiếp tục làm thủ tục hải quan cho lô hàng trong trường hợp không nhận được Đơn yêu cầu tạm dừng làm thủ tục hải quan, không nhận được khoản tiền đảm bảo hoặc chứng từ bảo lãnh.

Điều 10. Tạm dừng làm thủ tục hải quan

1. Chi cục Hải quan quyết định tạm dừng làm thủ tục hải quan (theo mẫu số 04-SHTT ban hành kèm theo Thông tư này). Quyết định tạm dừng được gửi bằng thư bảo đảm đồng thời fax cho các bên có liên quan.

2. Thời hạn tạm dừng làm thủ tục hải quan là 10 (mười) ngày làm việc, kể từ ngày người nộp đơn yêu cầu tạm dừng nhận được quyết định tạm dừng làm thủ tục hải quan. Trường hợp phát sinh việc trưng cầu giám định hoặc tham khảo ý kiến chuyên môn từ các cơ quan quản lý Nhà nước về sở hữu trí tuệ, cơ quan Hải quan sẽ tiếp tục tạm dừng làm thủ tục hải quan cho đến khi nhận được kết quả giám định hoặc ý kiến chuyên môn.

Chi cục Hải quan nơi quyết định tạm dừng thực hiện việc gia hạn thời gian tạm dừng sau khi người nộp đơn có đơn xin gia hạn kèm khoản tiền đảm bảo hoặc chứng từ bảo lãnh theo quy định của pháp luật và thông báo cho người nộp đơn, chủ hàng và các bên có liên quan biết (theo mẫu số 05-SHTT ban hành kèm theo thông tư này).

3. Trong thời gian tạm dừng hoặc thời gian áp dụng các biện pháp ngăn chặn theo quy định, Chi cục Hải quan nơi quyết định tạm dừng có trách nhiệm thực hiện các công việc sau:

a) Yêu cầu chủ hàng, chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ cung cấp tài liệu có liên quan đến hàng hóa (catalog, kết luận giám định, tài liệu từ nước ngoài, kết quả xử lý các vụ việc tương tự....).

b) Trực tiếp trưng cầu giám định tại các tổ chức giám định theo quy định tại khoản 1, Điều 40, Nghị định 105/2006/NĐ-CP ngày 22 tháng 09 năm 2006 của Chính phủ hoặc tham khảo ý kiến chuyên môn của các cơ quan quản lý Nhà nước về sở hữu trí tuệ.

c) Tổ chức cho các tổ chức, cá nhân lấy mẫu để thực hiện quyền yêu cầu giám định theo quy định tại khoản 2, Nghị định 105/2006/NĐ-CP ngày 22 tháng 09 năm 2006 của Chính phủ. Thủ tục lấy mẫu, kỹ thuật lấy mẫu, nơi lưu mẫu, thời gian lưu mẫu của hàng hóa thực hiện theo hướng dẫn tại khoản 3, 4, 5, 6, Điều 15 Thông tư số 194/2010/TT-BTC ngày 06 tháng 12 năm 2010 của Bộ Tài chính.

d) Tiến hành việc giám định bổ sung, giám định lại theo quy định tại Điều 50, Nghị định số 119/2010/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2010 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 105/2006/NĐ-CP ngày 22 tháng 09 năm 2010 của Chính phủ.

e) Phối hợp, trao đổi với các cơ quan quản lý Nhà nước về sở hữu trí tuệ trên địa bàn khi có phát sinh tranh chấp, khiếu nại về chủ thể quyền, khả năng bảo hộ, phạm vi bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, thẩm quyền xử lý hành vi vi phạm.

g) Báo cáo Cục Hải quan tỉnh, thành phố và Tổng cục Hải quan để chỉ đạo giải quyết kịp thời trong trường hợp lô hàng tạm dừng có giá trị lớn; hàng hoá bị nghi ngờ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của các nhãn hiệu nổi tiếng; vụ việc có liên quan đến nhiều địa phương, các cơ quan Nhà nước, tổ chức quốc tế; có phát sinh tranh chấp, khiếu nại liên quan về chủ thể quyền, khả năng bảo hộ, phạm vi bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, thẩm quyền xử lý hành vi vi phạm.    

4. Kết thúc thời hạn tạm dừng làm thủ tục hải quan hoặc thời gian áp dụng các biện pháp ngăn chặn theo quy định, Chi cục Hải quan nơi quyết định tạm dừng có trách nhiệm thực hiện một hoặc đồng thời thực hiện các nhiệm vụ sau:

a) Quyết định thụ lý vụ việc theo thủ tục hành chính khi đã khẳng định hàng hóa bị tạm dừng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên cơ sở kết luận giám định về sở hữu trí tuệ của tổ chức giám định về sở hữu trí tuệ (trong trường hợp trưng cầu giám định); ý kiến chuyên môn của các cơ quan quản lý Nhà nước về sở hữu trí tuệ, các cơ quan quản lý Nhà nước khác (trong trường hợp xin ý kiến chuyên môn); tài liệu, chứng cứ do chủ thể quyền sở hữu trí tuệ cung cấp.

Quyết định tạm giữ hàng hóa trong trường hợp có cơ sở khẳng định hàng hóa bị tạm dừng là hàng giả mạo về sở hữu trí tuệ; hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ là các mặt hàng lương thực, thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm, thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, vật liệu xây dựng.

b) Hoàn thành thủ tục hải quan cho hàng hóa bị tạm dừng theo quy định tại Điều 11 Thông tư này.

c) Thực hiện theo ý kiến của tòa án trong trường hợp người nộp đơn khởi kiện dân sự.

d) Bàn giao vụ việc để các cơ quan thực thi quyền sở hữu trí tuệ khác xử lý trong trường hợp xác định hành vi vi phạm không thuộc thẩm quyền xử lý của cơ quan hải quan.

e) Tạm dừng việc xử lý sau khi nhận được văn bản của cơ quan quản lý Nhà nước về sở hữu trí tuệ thông báo về việc tranh chấp, khiếu nại về chủ thể quyền, khả năng bảo hộ, phạm vi bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.

g) Chuyển giao cho cơ quan có thẩm quyền để tiến hành điều tra, khởi tố theo quy định của pháp luật trong trường hợp xác định hành vi vi phạm có dấu hiệu tội phạm theo quy định tại Bộ luật hình sự.

Điều 11. Tiếp tục làm thủ tục hải quan

1. Chi cục Hải quan quyết định tạm dừng có trách nhiệm quyết định tiếp tục làm thủ tục hải quan cho lô hàng và thông báo cho các bên liên quan biết (theo mẫu số 06-SHTT ban hành kèm theo Thông tư này) trong các trường hợp:

a) Không nhận được văn bản của toà án xác nhận đã tiếp nhận đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp về xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến lô hàng bị tạm dừng làm thủ tục hải quan và không quyết định thụ lý vụ việc theo thủ tục xử lý vi phạm hành chính đối với người xuất khẩu, nhập khẩu lô hàng.

b) Quyết định tạm dừng làm thủ tục hải quan bị đình chỉ hoặc thu hồi theo quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo;

c) Người yêu cầu rút đơn yêu cầu tạm dừng làm thủ tục hải quan trừ trường hợp hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu là hàng giả mạo sở hữu trí tuệ; tem, nhãn, vật phẩm khác mang nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý giả mạo.

d) Kết luận của cơ quan có thẩm quyền về việc không đủ căn cứ để xác định hành vi xâm phạm.

e) Những trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

2. Trong thời gian 10 (mười) ngày làm việc kể từ ngày hoàn thành thủ tục hải quan cho lô hàng bị tạm dừng, Chi cục Hải quan có trách nhiệm:

a) Thông báo bằng văn bản buộc người yêu cầu tạm dừng làm thủ tục hải quan phải thanh toán các chi phí lưu kho bãi, bảo quản hàng hóa và các chi phí phát sinh khác cho cơ quan hải quan và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan theo quy định của pháp luật về hải quan.

b) Hoàn trả cho người yêu cầu tạm dừng làm thủ tục hải quan khoản tiền bảo đảm còn lại sau khi đã thực hiện xong nghĩa vụ bồi thường và thanh toán các chi phí theo quy định.

MỤC 3. KIỂM SOÁT HẢI QUAN ĐỐI VỚI HÀNG GIẢ, HÀNG HOÁ LIÊN QUAN ĐẾN SỞ HỮU TRÍ TUỆ

Điều 12. Trách nhiệm của lực lượng kiểm soát hải quan

1. Lực lượng kiểm soát hải quan áp dụng các biện pháp nghiệp vụ kiểm soát hải quan theo quy định tại Quyết định số 65/2004/QĐ- TTg ngày 19 tháng 04 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ để tiến hành điều tra, phát hiện, bắt giữ và xử lý hàng hoá xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và hàng giả theo quy định của pháp luật.

Trong phạm vi địa bàn hoạt động hải quan, lực lượng kiểm soát hải quan có trách nhiệm kiểm soát đối với hàng giả, hàng hoá liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ.

Ngoài phạm vi địa bàn hoạt động hải quan, lực lượng kiểm soát hải quan có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan thực hiện các biện pháp để kiểm tra, bắt giữ và xử lý theo quy định.

2. Khi thực hiện nhiệm vụ, lực lượng kiểm soát hải quan được quyền yêu cầu các tổ chức, các nhân liên quan, đơn vị hải quan các cấp cung cấp hồ sơ, tài liệu, phối hợp, tạo điều kiện để thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao.

Điều 13. Triển khai nghiệp vụ kiểm soát

1. Lực lượng kiểm soát hải quan chủ động thu thập thông tin theo quy định của Pháp luật để nắm tình hình và phát hiện các đối tượng, phương thức, thủ đoạn hoạt động vi phạm liên quan đến hàng giả và hàng xâm  phạm quyền sở hữu trí tuệ.

2. Khi tiếp nhận hoặc phát hiện thông tin về hàng giả, hàng hoá xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, thì trực tiếp kiểm tra hoặc phối hợp với Chi cục hải quan làm thủ tục để kiểm tra. Đối chiếu với các quy định pháp luật liên quan và thực tế hàng hoá bị phát hiện để ra quyết định tạm giữ hàng hoá.

3. Tiến hành thu thập, xác minh chứng cứ, kiểm tra, đối chiếu, đánh giá các thông tin được cung cấp liên quan đến hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ với thực tế hàng hoá đang bị tạm giữ, tạm dừng để xác định hàng hoá vi phạm.

4. Trường hợp có căn cứ để xác định hàng hoá vi phạm, thì áp dụng các biện pháp ngăn chặn theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và thực hiện các bước tiếp theo quy định tại Chương IV Thông tư này. Trường hợp không có cơ sở để xác định hàng hoá vi phạm thì chuyển hồ sơ cho Chi cục Hải quan tiếp tục làm thủ tục thông quan cho lô hàng.

Chương III.

TIẾP NHẬN VÀ GIẢI QUYẾT ĐƠN YÊU CẦU KIỂM SOÁT HÀNG HOÁ XUẤT KHẨU, NHẬP KHẨU LIÊN QUAN ĐẾN SỞ HỮU TRÍ TUỆ

Điều 14. Quy định về đơn yêu cầu

1. Người nộp đơn nộp cho cơ quan hải quan 01 bản chính đơn (theo mẫu số 01-SHTT, số 02-SHTT ban hành kèm theo Thông tư này) khi có yêu cầu kiểm tra, giám sát hoặc yêu cầu tạm dừng làm thủ tục hải quan.

2. Thẩm quyền tiếp nhận đơn yêu cầu.

a) Tổng cục Hải quan (Cục Điều tra chống buôn lậu) tiếp nhận đơn yêu cầu kiểm tra, giám sát hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu liên quan đến sở hữu trí tuệ.

b) Tổng cục Hải quan (Cục Điều tra chống buôn lậu), Cục Hải quan các tỉnh, thành phố và Chi cục Hải quan tiếp nhận đơn yêu cầu tạm dừng làm thủ tục hải quan.

3. Thời hạn có hiệu lực của đơn.

a) Đơn yêu cầu kiểm tra, giám sát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu liên quan đến sở hữu trí tuệ có thời hạn hiệu lực trong thời gian 01(một) năm kể từ thời điểm cơ quan hải quan thông báo chấp nhận đơn và được gia hạn thêm 01 (một) năm khi người nộp đơn có yêu cầu gia hạn.

b) Trong thời gian 10 (mười) ngày kể từ ngày nhận được văn bản về việc đề nghị gia hạn có hiệu lực của đơn yêu cầu kiểm tra, giám sát hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu liên quan đến sở hữu trí tuệ, Tổng cục Hải quan (Cục Điều tra chống buôn lậu) có trách nhiệm thông báo cho người nộp đơn và các đơn vị hải quan liên quan về kết quả xử lý.

4. Người nộp đơn có trách nhiệm thông báo cho cơ quan hải quan về việc thay đổi nội dung yêu cầu (bao gồm thu hẹp/mở rộng đối tượng quyền sở hữu trí tuệ, thu hẹp/mở rộng danh mục hàng hóa có yêu cầu kiểm tra, giám sát) trong thời gian đơn yêu cầu có hiệu lực.

Điều 15. Tài liệu kèm theo Đơn yêu cầu

1. Người nộp đơn có trách nhiệm nộp cho cơ quan hải quan bản sao có xác nhận sao y bản chính của người nộp đơn các tài liệu dưới đây, mỗi loại tài liệu 01 bản. Trường hợp nghi vấn về các tài liệu do người nộp đơn nộp, cơ quan hải quan phải đối chiếu với bản chính để đảm bảo tính chính xác.

a) Chứng cứ chứng minh chủ thể quyền theo quy định tại Điều 24 Nghị định số 119/2010/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2010 của Chính phủ.

b) Tài liệu liên quan đến hàng hóa có yêu cầu kiểm tra, giám sát hải quan, bao gồm: Danh sách người xuất khẩu, nhập khẩu hợp pháp hàng hóa; Phương thức xuất khẩu, nhập khẩu hàng thật; Bản phân biệt hàng thật- hàng giả; Tài liệu về xuất xứ của hàng thật, ảnh của hàng thật.

c) Giấy ủy quyền hoặc hợp đồng uỷ quyền nộp đơn (đối với trường hợp được ủy quyền nộp đơn) trong trường hợp có ủy quyền. Giấy ủy quyền từ nước ngoài phải được hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định.

d) Thông tin dự đoán về thời gian và địa điểm làm thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa (nếu có).

e) Kết quả giám định của tổ chức giám định sở hữu trí tuệ (nếu có).

g) Kết luận xử lý của các cơ quan thực thi khác đối với những trường hợp  vi phạm tương tự đã bị phát hiện và xử lý (nếu có).

h) Chứng từ nộp tiền hoặc chứng từ bảo lãnh của ngân hàng hoặc của tổ chức tín dụng đảm bảo việc thực hiện các nghĩa vụ có liên quan trong trường hợp yêu cầu tạm dừng làm thủ tục hải quan quy định tại khoản 2, Điều 217 Luật Sở hữu trí tuệ.

2. Các giấy tờ quy định tại điểm khoản 1 Điều này, nếu đã nộp cho cơ quan hải quan tại Đơn yêu cầu kiểm tra, giám sát hàng hoá liên quan đến sở hữu trí tuệ thì khi nộp Đơn yêu cầu tạm dừng làm thủ tục hải quan người nộp đơn không phải nộp.

3. Người nộp đơn có thể nộp cho cơ quan hải quan các tài liệu quy định tại Điều 14, 15 Thông tư này dưới hình thức văn bản và file điện tử, đĩa mềm.

Điều 16. Kiểm tra và xử lý đơn

1. Nội dung kiểm tra đơn.

a) Đơn yêu cầu, các tài liệu có liên quan đã đầy đủ theo quy định tại khoản 1, Điều 14 và khoản 1, Điều 15 Thông tư.  

b) Thẩm quyền tiếp nhận đơn của cơ quan hải quan.

c) Tư cách của người nộp đơn theo quy định của pháp luật.

d) Thời hạn hiệu lực của các văn bằng bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.

e) Tài liệu, mẫu vật, hiện vật (hoặc ảnh chụp) phù hợp với nội dung quyền sở hữu trí tuệ có yêu cầu bảo hộ hoặc nội dung tố cáo hành vi vi phạm.

g) Nội dung ủy quyền phù hợp với chức năng hoạt động của cơ quan Hải quan và của người nộp đơn (trường hợp ủy quyền nộp đơn).

2. Thời hạn xử lý đơn.

Chậm nhất 20 (hai mươi) ngày kể từ ngày nhận được Đơn yêu cầu kiểm tra, giám sát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu và chậm nhất 16 (mười sáu) giờ làm việc kể từ thời điểm nhận được Đơn yêu cầu tạm dừng làm thủ tục hải quan, cơ quan hải quan tiếp nhận đơn có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho người nộp đơn về việc chấp nhận hoặc không chấp nhận đơn. Đối với Đơn yêu cầu tạm dừng làm thủ tục hải quan, Chi cục Hải quan ra quyết định tạm dừng làm thủ tục hải quan thay cho thông báo chấp nhận đơn.

3. Từ chối tiếp nhận Đơn.

Cơ quan hải quan từ chối tiếp nhận đơn trong các trường hợp.

a) Đơn gửi không đúng cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận đơn.

b) Có cơ sở khẳng định người nộp đơn không đủ tư cách nộp đơn theo quy định của pháp luật.

c) Đơn có thiếu sót và mặc dù đã được yêu cầu sửa chữa nhưng người nộp đơn vẫn không sửa chữa hoặc sửa chữa không đạt yêu cầu.

d) Trong thời gian thụ lý đơn, cơ quan hải quan nhận được văn bản của cơ quan quản lý Nhà nước về sở hữu trí tuệ thông báo về việc tranh chấp, khiếu nại về chủ thể quyền, khả năng bảo hộ, phạm vi bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.

4. Triển khai thực hiện Đơn yêu cầu kiểm tra, giám sát hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu.

a) Tổng cục Hải quan (Cục Điều tra chống buôn lậu) chuyển Đơn và thông báo chấp nhận đơn tới các Cục Hải quan tỉnh, thành phố, Đội Kiểm soát trực thuộc Cục Điều tra chống buôn lậu.

b) Cục Hải quan tỉnh, thành phố tiếp nhận thông báo, Đơn từ Tổng cục Hải quan và chuyển tới Chi cục Hải quan, Phòng chức năng liên quan và Đội Kiểm soát hải quan thuộc Cục.

c) Chi cục Hải quan tiếp nhận thông báo, Đơn từ Cục Hải quan tỉnh, thành phố và chuyển tới các Đội, Tổ nghiệp vụ, cá nhân liên quan.

5. Triển khai thực hiện Đơn yêu cầu tạm dừng làm thủ tục hải quan.

a) Căn cứ tính chất, mức độ của vụ việc và của hành vi vi phạm hoặc từng trường hợp cụ thể, cơ quan tiếp nhận sẽ gửi trực tiếp cho Chi cục Hải quan nơi làm thủ tục hải quan cho lô hàng bị nghi ngờ xâm phạm hoặc lực lượng kiểm soát chống buôn lậu để triển khai thực hiện trong trường hợp cơ quan tiếp nhận đơn là Tổng cục Hải quan /Cục Hải quan tỉnh, thành phố.

b) Lãnh đạo Chi cục Hải quan có trách nhiệm tổ chức, triển khai tới các Đội, Tổ nghiệp vụ và cá nhân liên quan để thực hiện trong trường hợp Chi cục Hải quan tiếp nhận đơn.

Điều 17. Chấm dứt hiệu lực đơn yêu cầu

Tổng cục Hải quan (Cục Điều tra chống buôn lậu) có trách nhiệm thông báo tới các đơn vị hải quan liên quan về việc hủy bỏ Đơn yêu cầu kiểm tra, giám sát hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu liên quan đến sở hữu trí tuệ trong trường hợp.

a) Người nộp đơn có văn bản đề nghị chấm dứt việc kiểm tra, giám sát của cơ quan hải quan đối với hàng hoá có yêu cầu bảo hộ.

b) Hết thời hạn có hiệu lực của đơn yêu cầu kiểm tra, giám sát, người nộp đơn không có văn bản đề nghị gia hạn.

c) Cơ quan quản lý Nhà nước về sở hữu trí tuệ thông báo hủy bỏ văn bằng bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đã cấp cho người nộp Đơn yêu cầu.

Chương IV.

XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 18. Xác định giá trị hàng hóa vi phạm

1. Giá trị của hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng giả trong lĩnh vực hải quan được xác định trên cơ sở trị giá khai báo của chủ hàng trên tờ khai hải quan bao gồm cả tiền thuế các loại (nếu có). Giá trị hàng hóa và căn cứ định giá phải được ghi rõ trong biên bản vi phạm hành chính và lưu giữ trong hồ sơ vụ việc.

Nếu có cơ sở khẳng định giá trị hàng hóa của chủ hàng khai báo trên tờ khai hải quan là không chính xác, cơ quan hải quan tiến hành xác định giá trị theo quy định hiện hành về xác định trị giá hải quan tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành  chính.

2. Trường hợp hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp không xác định được giá trị, cơ quan hải quan căn cứ quy định tại khoản 13 Điều 10, khoản 12 Điều 11, khoản 11 Điều 12, khoản 8 Điều 14 Nghị định số 97/2010/ NĐ-CP ngày 21 tháng 09 năm 2010 để tiến hành áp dụng hình thức xử phạt tiền đối với tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm.

3. Trường hợp xác định giá trị hàng giả theo các căn cứ khác, thực hiện theo hướng dẫn tại khoản 2 Điều 63 Nghị định 06/2008/ NĐ-CP ngày 16 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ.

Điều 19. Xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ

1. Việc xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng hóa xâm phạm quyền sở trí tuệ thực hiện theo hướng dẫn tại Nghị định số 97/2010/ NĐ-CP ngày 21 tháng 09 năm 2010, Nghị định số 47/2009/ NĐ-CP ngày 13 tháng 05 năm 2009, Nghị định số 54/2005/ NĐ-CP ngày 27 tháng 04 năm 2005 và các văn bản pháp luật liên quan.

2. Trong thời hạn 10 (mười) ngày làm việc kể từ ngày quyết định xử phạt có hiệu lực thi hành, cơ quan hải quan có trách nhiệm:

a) Thông báo bằng văn bản buộc người vi phạm phải thanh toán các khoản chi phí phát sinh do hành vi vi phạm hành chính gây ra.

b) Hoàn trả cho người yêu cầu tạm dừng làm thủ tục hải quan khoản tiền đảm bảo đã nộp.

Điều 20. Xử lý hành vi vi phạm về hàng giả (trừ hàng giả mạo về sở hữu trí tuệ)  

Việc xử lý đối với hành vi vi phạm thực hiện theo hướng dẫn tại Nghị định số 06/2008/NĐ-CP ngày 16 tháng 01 năm 2008, Nghị định số 112/2010/NĐ-CP ngày 01 tháng 12 năm 2010 của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Chương V.

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 21. Trách nhiệm thực hiện

1. Tổng cục Hải quan chịu trách nhiệm hướng dẫn, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện cụ thể các quy định tại Thông tư này.

2. Cơ quan hải quan, người khai hải quan, người nộp đơn yêu cầu kiểm soát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu liên quan đến sở hữu trí tuệ, người tố cáo vi phạm và các tổ chức, cá nhân có liên quan có trách nhiệm thực hiện theo quy định hiện hành và hướng dẫn tại Thông tư này.

Điều 22. Khen thưởng và xử lý vi phạm

1. Cơ quan Hải quan, cán bộ hải quan có thành tích trong công tác chống hàng giả và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ được xem xét khen thưởng theo quy định hiện hành.

2. Cơ quan Hải quan, cán bộ hải quan thiếu tinh thần trách nhiệm, gây thiệt hại cho người nộp đơn, chủ sở hữu của hàng hóa bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ hoặc hàng hóa bị làm giả, người làm thủ tục hải quan thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Điều 23. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 19 tháng 05 năm 2011, thay thế các văn bản hướng dẫn trước đây trái với quy định tại Thông tư này.

2. Quá trình thực hiện, nếu phát sinh vướng mắc, đề nghị phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính để nghiên cứu, giải quyết./.

 

 

Nơi nhận:
-Thủ tướng Chính phủ, các Phó TTCP
-Văn phòng Quốc hội, Văn phòng chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm soát nhân dân tối cao ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Văn phòng ban chỉ đạo TƯ phòng chống tham nhũng
- Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam;
- Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp);
- Cục Hải quan các tỉnh, thành phố;
- Công báo Chính Phủ;
- Website Chính phủ; Website Bộ Tài chính;
- Các đơn vị thuộc và trực thuộc  Bộ Tài chính;
- Lưu: VT, TCHQ.

KT. BỘ TRƯỞNG
TH
TRƯỞNG




Đỗ Hoàng Anh Tuấn

 

Mẫu 01-SHTT

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
SOCIALIST REPUBLIC OF VIET NAM
Independence – Freedom - Happiness
--------------

…, ngày/date… tháng/month … năm/year 200...

ĐƠN YÊU CẦU KIỂM TRA, GIÁM SÁT HÀNG HÓA XUẤT KHẨU

NHẬP KHẨU LIÊN QUAN ĐẾN SỞ HỮU TRÍ TUỆ
(APPLICATION OF REQUEST FOR CONTROL ON IMPORT – EXPORT GOODS RELATING TO INTELLECTUAL PROPERTY RIGHT)

Kính gửi/To: ………………………………………………..

Căn cứ quy định tại Điều 216, 217, 219 Luật Sở hữu trí tuệ số 50/2005/QH11 ngày 29 tháng 11 năm 2005/Pursuant to regulation at Articles 216, 217, 219 of Law 50/2005/QH10 on Intellectual Property dated 29 November 2005;

Căn cứ quy định tại Điều 57, Luật Hải quan số 42/2005/QH 11 ngày 14 tháng 06 năm 2005 /Pursuant to regulation at Articles 57 of Law 42/2005/QH10 on Customs dated 14 June 2005;

Căn cứ Thông tư số………/2011/TT-BTC ngày tháng năm 2011 của Bộ Tài chính hướng dẫn công tác chống hàng giả và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực hải quan/ Pursuant to Circular …..2001/TT-BTC dated ……January 2011 on instructions for the enforcement of anti counterfeit and IP Protection in the filed of Customs;

Người ký tên dưới đây đề nghị cơ quan Hải quan tiến hành các biện pháp kiểm tra, giám sát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ đối với lô hàng bị nghi ngờ xâm phạm quyền Sở hữu trí tuệ theo các nội dung sau:/The undersigned requests Customs Administration to, under the Law on Intellectual Property, implement the measures of examining and supervising import goods and export goods of the shipment being suspected of violating Intellectual Property Rights including the following content:

1. Người nộp đơn/Applicant:

- Tên/Full name:

- Số chứng minh thư/hộ chiếu (nếu là cá nhân)/ID/passport No. (in case of individual)

- Địa chỉ/Address:

- Điện thoại/Telephone:               Fax:      - E-mail/Website:

2. Chủ sở hữu quyền/IP owner:

- Tên/Full name:

- Số chứng minh thư/hộ chiếu (nếu là cá nhân): ID/passport No. (in case of individual)

- Địa chỉ/Address:

- Điện thoại/Telephone:               Fax:      - E-mail/Website:

3. Quyền Sở hữu trí tuệ có yêu cầu bảo hộ (ghi rõ là: quyền tác giả/quyền liên quan đến quyền tác giả/nhãn hiệu/chỉ dẫn địa lý…):

IP rights for protection (indicate: copyrights/related rights/trademarks/geographic indicators, etc):

- Tên văn bằng bảo hộ/Name of IP Right Certificate:

- Số/No:                                    Ngày cấp văn bằng bảo hộ/Date of issue:

- Cơ quan cấp văn bằng bảo hộ/Office of issue:

- Thời hạn có hiệu lực của văn bằng bảo hộ/Expiration:

4. Phạm vi yêu cầu bảo hộ(ghi rõ là trong phạm vi toàn quốc hay tại đơn vị Hải quan cụ thể) Area for IP protection (indicate: nationally or at specific Customs Administration):

5. Danh mục hàng hóa có yêu cầu bảo hộ (người nộp đơn tự xác định và cung cấp để hỗ trợ cho cơ quan Hải quan trong quá trình phối hợp. Lưu ý: Đây là yêu cầu không bắt buộc):

List of goods for IP protection (applicant himself to identify and provide in order to assist Customs Administration in the process of co-operation. Note: not obligatory):

- Tên hàng/Name of goods:

- Mã HS (8 số)/HS code (08 digits):

6. Tài liệu gửi kèm (Đánh dấu x vào loại giấy tờ nộp kèm):Accompanied documents (mark x the accompanied document submitted)

□ Văn bằng bảo hộ/Intellectual Property Right Certificate;

□ Danh sách người xuất khẩu, nhập khẩu hợp pháp hàng hóa/List of legal goods importer(s) and/or export(s);

□ Phương thức xuất khẩu, nhập khẩu; bản phân biệt hàng thật – hàng giả/Mode of import and/or export; the differences between the genuine and the counterfeit;

□ Tài liệu chứng minh xuất xứ của hàng thật/ Document to prove the origin of the genuine;

□ Giấy ủy quyền hoặc hợp đồng ủy quyền nộp đơn/Power of Attorney or Contract of Attorney;

 Hợp đồng chuyển nhượng/sử dụng đối tượng quyền sở hữu trí tuệ hoặc văn bản xác nhận quyền thừa kế, quyền kế thừa đối tượng quyền sở hữu trí tuệ/ Contract of Transfer/Using Intellectual Property Rights or relevant document to prove the rights of inheritance;

□ Thông tin dự đoán về thời gian và địa điểm làm thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa/Information of forecast on when and where related shipment(s) going to be done Customs procedure;

□ Kết quả giám định của tổ chức giám định sở hữu trí tuệ/the assess result made by Intellectual Property assess unit.

 

 

Họ tên, chữ ký của người nộp đơn và đóng dấu (nếu có)
Full name, signature of the applicant and seal (if any)

 

Mẫu 02-SHTT

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
SOCIALIST REPUBLIC OF VIET NAM
Independence – Freedom – Happiness
---------------

…, ngày/date… tháng/month… năm/year 200…

ĐƠN YÊU CẦU TẠM DỪNG LÀM THỦ TỤC HẢI QUAN
APPLICATION OF REQUEST FOR TEMPORARY SUSPENSION OF DOING CUSTOMS PROCEDURE

Kính gửi/To: …………………………………

(Cơ quan Hải quan nơi ra thông báo tạm thời dừng làm thủ tục hải quan)/(Customs Administration issued the Announcement on temporary suspension of doing Customs procedure)

Căn cứ quy định tại điều 216, 217 Luật Sở hữu trí tuệ số 50/2005/QH10 ngày 29 tháng 11 năm 2005/Pursuant to the regulation at such articles as Article 216, Article 217 in Law 50/2005/QH10 on Intellectual Property dated November 29th 2005;

Căn cứ văn bản (số/ngày) của (cơ quan Hải quan) về việc chấp nhận bảo hộ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu liên quan đến sở hữu trí tuệ theo Đơn yêu cầu kiểm tra, giám sát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu liên quan đến sở hữu trí tuệ (số/ngày) do (tên của người nộp đơn)/Pursuant to the document (number/date) issued by (Customs Administration) about the acceptance on intellectual property protection for import and export goods with regard to the Application of Request for Control on import, export goods relating to Intellectual Property (number/date) submitted by (name of the applicant).

Trên cơ sở khoản bảo đảm đã nộp cho cơ quan Hải quan theo (giấy nộp tiền số/ngày/tại Ngân hàng…)/With the guarantee deposited at Customs Administration (Number of Cash Deposit Note/date/Bank…)

Người ký tên dưới đây yêu cầu cơ quan Hải quan tạm dừng làm thủ tục hải quan đối với lô hàng theo (thông báo số: … ngày… tháng… năn… của cơ quan Hải quan)/The undersigned kindly requests Customs Administration to temporarily suspend Customs procedure for the shipment (regarding the Announcement Number… dated … issued by the Customs Administration).

Trường hợp xác định hàng hóa bị tạm dừng làm thủ tục hải quan là hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, chúng tôi đề nghị cơ quan Hải quan tiến hành việc xử lý hành vi vi phạm đối với (người vi phạm) theo thẩm quyền quy định của pháp luật/In case the suspended goods are defined to violate intellectual property rights, we kindly request Customs Administration to handle the infringement in accordance with relevant laws and regulation.

 

 

Họ tên, chữ ký của người nộp đơn và đóng dấu (nếu có)
Full name, signature of the applicant and seal (if any)

 

Mẫu 03-SHTT

CỤC HẢI QUAN...........
CHI CỤC HẢI QUAN ...................

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: ....../TB-SHTT     

...., ngày     tháng   năm 20.......

 

THÔNG BÁO

Kính gửi : ................................................

Căn cứ Điều 219 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005;

Căn cứ Điều 50 Nghị định số 154/2005/NĐ-CP ngày 15 tháng 12 năm 2005 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan;

Căn cứ Thông tư số………/2011/TT-BTC ngày    tháng     năm 2011 của Bộ Tài chính hướng dẫn công tác chống hàng giả và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực hải quan;

Căn cứ thông báo tại công văn số:....ngày.....của Tổng cục Hải quan.

Trong quá trình làm thủ tục hải quan, cơ quan Hải quan đã phát hiện lô hàng có những thông tin như sau có dấu hiệu nghi ngờ xâm phạm quyến sở hữu trí tuệ:

1

Tên hàng

 

2

Số lượng

 

3

Trị giá

 

4

Xuất xứ

 

5

Người nhập khẩu

 

6

Người xuất khẩu

 

7

Số invoice

 

Trong thời gian ba (03) ngày làm việc kể từ ngày thông báo, yêu cầu....( người nộp đơn).... tiến hành thủ tục tạm dừng làm thủ tục hải quan theo đúng quy định của pháp luật. Thông tin về cơ quan Hải quan:

Chi cục HQ.................................................................................................

Địa chỉ / số điện thoại liên lạc:...................................................................

Số tài khoản:......................................Ngân hàng:.......................................

 

 

Nơi nhận:
- Như  trên;
- Cục Điều tra CBL ( để phối hợp)
- Cục HQ ...... ( để phối hợp)
- Lưu ……..

CHI CỤC TRƯỞNG

 

Mẫu 04-SHTT

CỤC HẢI QUAN...........
CHI CỤC HẢI QUAN ...................
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số:             /QĐ-SHTT     

..........., ngày     tháng   năm 20.......

 

QUYẾT ĐỊNH  

V/v tạm dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa

Căn cứ Điều 218 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2009;

Căn cứ Điều 57 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hải quan năm 2005;

Căn cứ Điều 50, 51 Nghị định số 154/2005/NĐ-CP ngày 15 tháng 12 năm 2005 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan;

Căn cứ Thông tư số………/2011/TT-BTC ngày    tháng     năm 2011 của Bộ Tài chính hướng dẫn công tác chống hàng giả và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực hải quan;

Căn cứ đơn yêu cầu tạm dừng làm thủ tục hải quan số:....ngày.....do.....nộp.

Xét đề nghị của ...........................................................................

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Tạm dừng làm thủ tục hải quan đối với lô hàng:......thuộc tờ khai hải quan số:....ngày:......tại.............của ..................địa chỉ:.......................theo đề nghị của:............. địa chỉ:.............

          Lý do tạm dừng: Lô hàng có dấu hiệu nghi ngờ xâm phạm quyến sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu..........

Điều 2. Thời hạn tạm dừng làm thủ tục hải quan là 10 (mười ngày) làm việc được tính từ thời điểm ( người nộp đơn yêu cầu tạm dừng) nhận được quyết định này theo xác nhận của cơ quan bưu điện.

Điều 3. Cơ quan Hải quan, người nộp đơn tạm dừng, chủ hàng chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như  Điều 3;
- Cục Điều tra CBL ( để biết)
- Cục HQ ...... ( để phối hợp)
- Lưu ……..

CHI CỤC TRƯỞNG

 

Mẫu 05-SHTT

CỤC HẢI QUAN...........
CHI CỤC HẢI QUAN ...................
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số:        /QĐ- SHTT     

..........., ngày     tháng   năm 20.......

 

QUYẾT ĐỊNH  

V/v gia hạn thời gian tạm dừng làm thủ tục hải quan

Căn cứ Điều 218 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2009;

Căn cứ Điều 51 Nghị định số 154/2005/NĐ-CP ngày 15 tháng 12 năm 2005 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan;

Căn cứ Thông tư số………/2011/TT-BTC ngày    tháng     năm 2011 của Bộ Tài chính hướng dẫn công tác chống hàng giả và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực hải quan

Căn cứ Quyết định số:....ngày.....của:.....về việc tạm dừng làm thủ tục hải quan.

Căn cứ đơn yêu cầu gia hạn thời gian tạm dừng làm thủ tục hải quan số:...ngày.....do......nộp.

Xét đề nghị của ...........................................................................

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Gia hạn thời gian tạm dừng làm thủ tục hải quan đối với lô hàng:......thuộc tờ khai hải quan số:....ngày:......tại.............của ..................địa chỉ:.......................theo đề nghị của:............. địa chỉ:.............

Điều 2. Thời hạn gia hạn tạm dừng làm thủ tục hải quan là 10 (mười ngày) làm việc, được tính từ ngày kế tiếp ngay sau ngày quyết định tạm dừng làm thủ tục hải quan số:....ngày:.....hết hạn.

Điều 3. Cơ quan Hải quan, người nộp đơn tạm dừng, chủ hàng chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như  Điều 3;
- Cục Điều tra CBL ( để biết)
- Cục HQ ...... ( để phối hợp)
- Lưu ……..

CHI CỤC TRƯỞNG

 

Mẫu 06-SHTT

CỤC HẢI QUAN.......
CHI CỤC HẢI QUAN ..........

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số:        /QĐ-SHTT     

..........., ngày     tháng   năm 20.......

 

QUYẾT ĐỊNH  

V/v tiếp tục làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa

Căn cứ Điều 218 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2009;

Căn cứ Điều 57 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hải quan năm 2005;

Căn cứ Điều 50, 51 Nghị định số 154/2005/NĐ-CP ngày 15 tháng 12 năm 2005 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan;

Căn cứ Thông tư số………/2011/TT-BTC ngày    tháng     năm 2011 của Bộ Tài chính hướng dẫn công tác chống hàng giả và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực hải quan;

Xét đề nghị của ...........................................................................

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Tiếp tục làm thủ tục hải quan với lô hàng  thuộc tờ khai hải quan số:…………………….của Công ty:…………………………………………..  địa chỉ…………..đã bị tạm dừng làm thủ tục hải quan theo Quyết định số:……………..của Chi cục Hải quan……………………………….

Lý do:

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3. Cơ quan Hải quan, người nộp đơn tạm dừng, chủ hàng chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Cục Điều tra CBL ( để biết)
- Cục HQ ...... ( để phối hợp)
- Lưu ……..

CHI CỤC TRƯỞNG

 

MINISTRY OF FINANCE
--------

SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM
Independence – Freedom - Happiness

-----------

No.: 44/2011/TT-BTC

Hanoi, April 01, 2011

 

CIRCULAR

GUIDING THE STRUGGLE AGAINST SMUGGLING AND PROTECTION OF INTELLECTUAL PROPERTY RIGHTS IN THE CUSTOMS FIELD 

Pursuant to the Law on Intellectual Property Right No.50/2005/QH11 dated November 29,2005; the Law on Amending, supplementing a number of Articles of the Law on Intellectual Property Right No.36/2009/QH 12 dated June 19, 2009;
Pursuant to the Law on Customs No.29/2001/QH10 dated June 29,2001; the Law on Amending, supplementing a number of Articles of the Law on Customs No.42/2005/QH11 dated June 14, 2005;
Pursuant to the Law on Complaints and Denunciations No.09/1998/QH10 dated December 02, 1998; the Law on Amending, supplementing a number of Articles of the Law on Complaints and Denunciations No.26/2004/QH11 dated June 15, 2004; the Law on Amending, supplementing a number of Articles of the Law on Complaints and Denunciations No.58/2005/QH10 dated November 29, 2005;
Pursuant to the Ordinance on Handling of Administrative violations dated July 02, 2002; the Ordinance on Amending, Supplementing a Number of Articles of the Ordinance on Handling of Administrative violations dated April  02, 2008;
Pursuant to the Decree No.119/2010/ND-CP dated December 30,2010 of the Government amending, supplementing a number of Articles of the Decree No. 105/2006/ND-CP dated September 22, 2006 of the Government detailing and guiding the implementation of a number of Articles of the Law on Intellectual Property Right on Protection of Intellectual Property Rights and on State Management of Intellectual Property;
Pursuant to the Decree No.154/2005/ND-CP December 15, 2005 of the Government detailing a number of Articles of the Law on Customs on customs procedures and the inspection and supervision by customs offices;
Pursuant to the Decision No.65/2010/QD-TTg dated 25/10/2010 of the Prime Minister promulgating the Regulation on responsibility and activity coordination among state administration agencies in the struggle against smuggling, fake goods and trade fraud;
Pursuant to the Decree No.118/2008/ND-CP dated November 27, 2008 of the Government regulating functions, tasks, powers and organizational structure of the Ministry of Finance;
The implementation of the Resolutions of the Government No.
25/NQ-CP dated June 02, 2010 on simplification of administrative procedures under the scope of management function of Ministry, Branch and No.68/NQ-CP dated December 27, 2010 on simplification of administrative procedures under the scope of management function of the Ministry of Finance;
The Ministry of Finance guides the in the struggle against smuggling and protection of intellectual property rights the customs field as follows:

Chapter I.

GENERAL PROVISIONS

Article 1. Scope of application

This Circular guides on the struggle against smuggling and protection of intellectual property rights the customs field.

Article 2. Subjects of application

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 3. Interpretation of terms

The terms used in this Circular are construed as follows:

1.  Fake goods include:

a) Faking quality and utility: the goods have no use value or use value not being proper to its origin, nature, names and the utility of goods;

b) Faking labels and packaging of goods: goods being counterfeited names and addresses of other traders on label or packing of the same goods, goods being counterfeited the indications of origin or place of manufacturing, packaging, assembling on the label or packing of goods;

c) Counterfeiting intellectual property as stipulated in Article 213 of the Intellectual Property Law including goods being branded, having sign identical to, or are difficult to distinguish marks, geographical indication under protection for the such goods without the permission of the brand’s owner or of organization managing geographical indications; goods which are copies made ​​without the permission of the subject of copyright rights or related rights;

d) The types of decals, quality stamps, anti-counterfeiting stamps, warranty cards, shrink film seal with contents faking names and addresses of traders, the origin of goods, place of production, packaging and assembling;

e) For goods to be subject to specialized management if the law has separate provisions, those provisions shall be applied to identify fake goods.

2. Protection of intellectual property rights in the field of customs: is that the customs agencies apply the measures to control export and import goods related to intellectual property as stipulated in Article 216, item 2, Chapter XVIII of the Intellectual Property Law and the measures specified in clause 8, 9, 10, Article 4, Chapter I and item 5, Chapter III of the Customs Law and relative legal documents to detect, fight and handle violations of infringing intellectual property rights in the field of ​​customs.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

4. Customs inspections on fake goods, goods of infringing intellectual property rights are those to check customs records, and relative documents and actual inspection of goods, transport means performed by the customs agencies in order to detect goods being suspected to be fake goods, goods of infringing intellectual property rights.

5. Customs supervision of fake goods, goods of infringing intellectual property rights are professional measures applied by the customs agencies to ensure the original status of goods being subject to customs management.

6. Customs control of fake goods, goods of infringing intellectual property rights are measures of patrol, investigation or other professional measures applied by customs agencies to prevent, combat smuggling and illegal transportation of goods being fake goods, goods of infringing intellectual property rights across borders.

7. Written application includes: request for inspection and supervision of export and import goods related to intellectual property and applications for suspension of conducting customs procedures (forms are issued attached herewith).

8. The applicants are subjects of intellectual property rights (including owners of intellectual property rights and organizations and individuals are transferred the intellectual property rights by its owners) or persons are legally authorized the intellectual property rights by subjects of intellectual property rights.

9. Infringement of intellectual property rights is the acts referred to Article 28, Article 35, Article 126, Article 127, Article 129 and Article 188 of the Intellectual Property Law.

Article 4. Rights and obligations of relative organizations, individuals  

1. Being kept secret by the customs agencies for trade information supplied to such agencies, except for the cases that must supply to the functional agencies according to provisions of law.

2. Subjects of intellectual property rights, owners of genuine goods being faked or legal authorized representatives are participated in together with customs agencies in activities of inspection, supervision, control, definition, evidence collection to define goods infringing intellectual property rights, fake goods, process of handling violating goods, material evidence except for the case of necessary to protect trade secrets, state secrets according to law regulations.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

4. Supplying to customs agencies the information, documents related to export and import goods being suspected to infringe intellectual property rights, fake goods.

5. Supporting and coordinating with customs agencies in handling, destruction of goods infringing intellectual property rights, fake goods.

Article 5. Powers and responsibility of customs agencies

1. Deploying the application of measures of control, customs supervision, customs control in accordance with the customs law, commercial law and intellectual property law for goods being suspected to be fake goods, goods infringing intellectual property rights.

2. Explaining and guiding concerned organizations and individuals to comply with law regulations on against fake goods and execution to protect intellectual property rights, the provisions of the Customs Law, Law on Intellectual Property and guidance in this Circular. Notify in writing to concerned organizations and individuals on the result of settlement, handling.

3. Coordinating with state administration agencies, the function forces against fake goods and protect intellectual property rights in the combat and handling fake goods, goods infringing intellectual property rights in accordance with current law.  

4. Requiring concerned individuals and organizations to hand in, present relative documents and vouchers to explain and clarify the doubtful question of the customs agencies on exports, imports infringing intellectual property rights, fake goods.

5. Settling claims and complaints of concerned organizations and individuals on the handling of fake goods, goods infringing intellectual property rights and the application of measures to control exports, imports related to intellectual property of the customs agencies in accordance with the law regulations.

6. Implementing the report regime, keeping documents, records relating to the act of against fake goods and protection of intellectual property rights under current provisions of the Customs Branch.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

INSPECTION, CUSTOMS SUPERVISION AND CUSTOMS CONTROL OVER FAKE GOODS, GOODS RELATING TO INTELLECTUAL PROPERTY RIGHTS

ITEM 1. INSPECTION, CUSTOMS SUPERVISION OVER FAKE GOODS DURING THE COURSE OF CUSTOMS PROCEDURES

Article 6. Custom inspection    

1. During the course of customs procedures for imports, exports, the customs agencies are responsible for:

a) Inspecting and comparing the declared information of the owners on the declarations of names, trademarks, origin, value, packing, goods quality and transport road of goods with information collected by the customs agencies to determine the signs of fake goods.

b) Inspecting and comparing the contents of the conclusions of the State administration agency on exports, imports, results of inspecting customs record with the results of actual goods inspection.

c) Cross-checking inspection results with law regulations on fake goods.

2. When detecting goods having signs of infringement in the cases such as:

- Importing goods does not comply with the labeling of goods as stipulated in Decree No.89/2006/ND-CP dated 30/09/2006 of the Government on goods labeling, for example: food additives with no date of production, using instruction, importing cosmetics not writing the quantity, compositions.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

- Goods in the list or under notification of the State administration agencies that do not meet quality standards or are not allowed to sell in the market. For example: pharmaceutical products from importing origin in which according to the notification of health agencies, their circulation is suspended due to not reach the quality standards.

- Content on labels of goods does not in accordance with the documentation supplied with the product, the standard mark, mark of conformity; expired goods or signs of erasing expiry indicated on product packing.

- Using the packing of other manufacturers for their own products  or not recording barcode on products, barcode on the products inconsistent with the origin declared on customs declarations, certificates of origin.

Leaders of the Customs Branches where detecting infringing goods shall consider, decide to apply measures to prevent administrative violations and ensure the administrative sanctions under the current regulations and measures carried out to verify the goods in accordance with Article 7 of this Circular.

3. Where detecting goods which have signs of violation upon information supplied by the owners of genuine goods being counterfeited, the leaders of the Customs Branches where detecting goods with suspicion of violation shall be responsible for immediately notifying to the owners of genuine goods being counterfeited, and concurrently, considering to decide the application of measures to prevent administrative violations and ensuring the administrative sanctions under the current regulations and carrying out verification measures for goods under provision in Article 7 of this Circular.

Article 7. Verification and handling of goods

1. During the time the goods are temporarily detained or be subject to preventive measures as prescribed, the Customs Branches are responsible for performing the following tasks:

a) Requiring goods owners, owners of genuine goods being counterfeited (as its owners are defined) to provide documents relating to goods (catalog, the appraisal conclusion and documents from foreign countries, the results of handling similar cases ....).

b) Coordinating with goods owners, owners of genuine goods being counterfeited their sample, to unify to select appraisal trader to conduct the appraisal. Conclusion of appraisal trader is valuable for the parties to implement.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Procedures to take sample, techniques to take sample, place to store sample, time to store sample, the images of goods shall be made ​​under the guidance in clause 3, 4, 5, 6 and 7, Article 15, Circular No.194/2010/TT-BTC dated December 06, 2010 of the Ministry of Finance.

d) Coordinating with the control forces of anti-smuggling in the verification, investigation under professional skill stipulated.

e) Reporting to the provincial, city Customs Branches and General Department of Customs for on time guidance to deal with complicated cases, goods with high value relating to many localities, state agencies and international organizations.

f) Decision on temporary release of goods for storage in accordance with provision in clause 4, Article 25 of the 2005 Customs Law amending and supplementing in cases goods owner having requirement to get goods for preservation.

3. Expiry of temporary detention or time to apply preventive measures as prescribed, if sufficient grounds to conclude that the suspected goods are counterfeit one, the customs agencies conduct to handle administrative violations in accordance in Chapter IV of the Circular.

4. Where the infringing goods having signs of crime as prescribed in the Penal Code, the customs agencies are responsible for transfer to the competent agencies to conduct investigations and prosecutions under the provisions of law.

5. Completing customs procedures for goods lot in the case the goods are concluded not being the counterfeit one. The settlement of complaints or claim of goods owners for compensation of damages caused due to the temporary detention of goods by customs agencies shall be conducted according to current regulations on settlement of complaints and compensation.

ITEM 2. INSPECTION, CUSTOMS SUPERVISION TO GOODS RELATING TO INTELLECTUAL PROPERTY RIGHTS DURING THE COURSE OF CUSTOMS PROCEDURES

Article 8. Customs inspection    

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a) Inspection and comparison between the information declared by the goods owners in the declarations on names, trademarks, origin, value, packing, quality of goods, road of transporting goods with information in the data system on application requesting for inspection and monitoring exporting and importing goods related to intellectual property, risk management portfolio of intellectual property and information collected by customs agencies to determine the signs of goods infringing intellectual property rights.

b) Comparison between results of checking customs dossiers, the actual goods inspection and results of checking the information with provisions of law on goods infringing intellectual property rights and the provisions on procedures controlling exports and imports related to intellectual property.

2. Upon detection of goods being suspected to infringe the intellectual property rights, the Customs Branches make ​​the announcement as prescribed in Article 9 of this Circular.

3. Where there is no information requesting to protect intellectual property rights, but in the process of inspection, the Customs Branches detect and suspect that imported goods faking on intellectual property (e.g. goods bearing brands of Vietnamese enterprises but was imported from abroad without sourcing contracts).

Leaders of Customs Branches direct the actual inspection of goods, taking samples or photography of goods, exchange and supply of information related to the unit being main responsible for intellectual property at the General Department of Customs, Customs Departments of provinces and cities to determine the completion of customs procedures or temporary detention of goods if the suspicion is identified being basis.    

Article 9. Notification for suspected goods  

1. Customs Branches notify to the applicants for the suspected goods (according to Form No.03-SHTT issuing together with this Circular) and fax to the applicants.

2. During three (03) working days from the date of notification of suspected goods, the Customs Branches are responsible for performing the following tasks:

a) Decision to suspend customs procedures after receiving the written request for suspension of customs procedures and ensuring money (20% of goods lot value need to be applied measures of suspension of customs procedures or at least twenty million dong if could not determine the value of such goods lot) or guarantee documents issued by a bank or other credit institutions specified in clause 2, Article 217 of Intellectual Property Law.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

c) Continuing to conduct customs procedures for goods lot in case of not being received written request for suspension of customs procedures, not receiving guarantee money or guarantee documents.

Article 10. Suspension of customs procedures

1. Customs Branches decide to suspend customs procedures (according to Form No.04- SHTT attached herewith). Decision to suspend is sent by registered mail and fax to the concerned parties.

2. The duration of suspension of customs procedures is 10 (ten) working days since the date that applicants for suspension receive the decision to suspend customs procedures. In case of arising requirement for expertise or professional consultation from the State administration agencies on intellectual property, customs agencies will continue the suspension of customs procedures until they get the expertise result or expert opinion.

Customs Branches where have decided the suspension implement the extension of the duration to suspend after the applicant has an application for extension enclosed with the guarantee money or guarantee documents according to law regulations and notify to the applicant, goods owner and concerned parties (according to Form No. 05-SHTT issuing together with this Circular).

3. During the time of suspension or time to apply preventive measures as prescribed, the Customs Branches where have decided the suspension are responsible for performing the following tasks:

a) Requiring goods owners, owners of intellectual property rights to provide documents relating to goods (catalog, the expertise conclusion, documents from foreign countries and results of handling similar cases ....).

b) Directly requiring for expertise in the expertise organization as stipulated in clause 1, Article 40 of Decree No.105/2006/ND-CP dated September 22, 2006 or of the Government or consulting the expertise opinions of the State administration agencies on Intellectual Property.

c) Arranging for organizations, individuals to take sample to implement its right of expertise requirements as specified in clause 2 of Decree No.105/2006/ND-CP dated September 22, 2006 of the Government. Procedures to take sample, techniques to take sample, place to store sample, time to store sample of the goods comply with the guidance in clause 3, 4, 5, 6, Article 15 of Circular No.194/2010/TT-BTC dated December 06, 2010 of the Ministry of Finance.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

e) Coordinating, exchanging with State administration agencies on intellectual property in the area when having dispute, claim for the right subject, protection capability, the scope of protection of intellectual property rights, competence to handle violations.

g) Reporting to the provincial, city Customs Department and Customs General Department for direction to handle timely in case of suspended goods lot having high value; goods being suspected to infringe intellectual property rights of famous brands; the case involving in many localities, state agencies, international organizations; having disputes arising, complaints related to rights subjects, the protection capability, scope of protection of property intellectual rights, competence to handle violations.    

4. Expiration of suspension of customs procedures or time to apply preventive measures as prescribed, the Customs Branches where have decided the suspension are responsible for performing one or simultaneously performing the following tasks:

a) Deciding to settle the case according to administrative procedures when asserting that suspended goods infringing the intellectual property rights on the basis of the conclusion of intellectual property expertise organizations (in the case for expertise requirement); professional opinions of the State administration agencies on intellectual property, the other State administration agencies (in the case of collecting professional opinions), documents, evidence supplied by subjects of intellectual property rights.

Deciding to temporarily detain goods in cases of having grounds to assert that suspended goods are fake goods on intellectual property; goods infringing intellectual property rights are the foodstuff items, food, pharmaceutical, cosmetics, food for livestock, fertilizers, veterinary drugs, plant protection agents, building materials.

b) Completing customs procedures to suspended goods according to provision in Article 11 of this Circular.

c) Implementing according to opinion of the court in case of civil suitcase.

d) Handing over the cases for other intellectual property executing agencies to handle in case of defining the violations not belonging to competence to handle of the customs agencies.

e) Suspending the handling after receiving document from the state administration agencies on intellectual property to notify of the dispute, claim for the right subject, protection capacity and scope of intellectual property protection.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 11. The continuing of customs procedures

1. The Custom Branche to decide the suspention is responsible for continuing to conduct customs procedures for the goods lot and notifies to relevant parties  (upon Form No.06-SHTT attached hereto) in the cases:

a) Not received written confirmation of the court that the agency received the written request for dispute settlement on infringement of intellectual property rights relating to the goods lot being suspended the customs procedures and not handling the case according to procedure of handling administrative violations for the goods lot exporter and importer.

b) The Decision to suspend the customs procedures is terminated or withdrawn according to the decision to settle complaints and denunciations;

c) The requester withdrew the written request for suspension of customs procedures except for exports, imports are intellectual property fake goods; stamps, labels and other products bearing the trademark, fake geographical indications.

d) Conclusion of the competent agencies that there are insufficient grounds to determine the violation.

e) Other cases according to law regulations.

2. Within 10 (ten) working days since the date of completing custom procedures for the goods lot being suspended, the Custom Branche is responsible for:

a) Sending written notification forcing the requester for suspension of customs procedures to pay the costs of warehousing, storage of goods and other expenses incurred by the customs agencies and other relevant agencies, organizations and individuals in accordance with the law regulation on customs.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

ITEM 3. CUSTOMS CONTROL FOR FAKE GOODS, GOODS RELATING TO INTELLECTUAL PROPERTY

Article 12. Responsibility of customs control force

1. Customs control force applies custom control professional measures according to provision in Decision No.65/2004/QD-TTg dated April 19, 2004 of the Prime Minister to conduct the investigation, detection, detention and handling of goods infringing intellectual property rights and fake goods under regulations of law.

In the scope of customs operational area, customs control force is responsible for control over fake goods, goods relating to intellectual property rights.

Out of the scope of customs operational area, customs control force is responsible for coordination with concerned function agencies to implement measures to inspect, detain and handle as prescribed.

2. When performing duties, customs control force is entitled to require relevant organizations, individuals, customs units at all level to supply dossiers, documents, to coordinate with, create conditions in order to perform its assigned function, duties.

Article 13. Deployment of control professional skill

1. Customs control force actively collects information according to law regulations to catch situation and detect objects, modes, tricks of violating operations relating to fake goods and goods infringing intellectual property rights.

2. When receiving or detecting information on fake goods, goods infringing intellectual property rights, the customs control force directly inspect or coordinate with the Customs Branches to conduct procedures for inspection; cross-check with relative law regulations and detected actual goods to issue decision to temporarily detain goods.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

4. In case of having grounds to determine violating goods, applying preventive measures according to law regulations on handling of administrative violations and implementing next steps as provided in Chapter IV of this Circular. In case of not having grounds to determine violating goods and then transferring dossiers to the Customs Branch for continuing customs clearance for the goods lot.

Chapter III.

RECEIPT AND SETTLEMENT OF WRITTEN REQUEST FOR CONTROLLING IMPORTING, EXPORTING GOODS RELATING TO INTELLECTUAL PROPERTY

Article 14. Provision on written request

1. Applicant applies to the customs agencies 01 original of written request (upon Form No.01-SHTT, No.02-SHTT attached herewith) when having requirement for inspection, supervision or suspension of customs procedures.

2. Competence to receive written request.

a) General Department of Customs (Anti-smuggling and Investigation Department) receives written request for inspection, supervision of importing, exporting goods relating to intellectual property.

b) General Department of Customs (Anti-smuggling and Investigation Department), the provinces, cities Department of Customs and the Customs Branches receive written request for suspension of customs procedures.

3. Effective time of the written request.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b) Within 10 (ten) days since the date of receipt of the effective document requesting for extension of the written request for inspection, supervision of importing, exporting goods relating to intellectual property, General Department of Customs (Anti-smuggling and Investigation Department) is responsible for notifying to the applicant and relative customs units on the handling result.

4. The applicant is responsible for notifying to the customs agencies for changing requesting contents (including narrowing/opening objects of intellectual property rights, narrowing/opening list of goods with requirement of inspection, supervision) during the effective period of written request.

Article 15. Documents attached to the written request

1. Applicants is responsible for applying to the customs agencies the certified true copy the following documents, each type of document shall be one copy. In case of any doubt to documents applied by applicant, the customs agencies must cross-check with the originals to ensure the accuracy.

a) Evidence to prove the right subject in accordance with provision in Article 24 of Decree No.119/2010/ND-CP of December 30, 2010 of the Government.

b) Documents relating to goods with request for inspection, customs supervision, include: List of exporters, importers of lawful goods; Method of importing, exporting genuine goods; sheet to distinguish genuine goods-fake goods; Documents on origin of genuine goods, its images.

c) Authorization letters or contracts to authorize for application (in case of being authorized to the application) in case of authorization. Authorization letters from abroad must be legalized by consular according to regulations.

d) Information estimating time and place to conduct goods import, export procedures (if any).

e) Expertise result of the expertise organizations on intellectual property (if any).

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

h) Payment vouchers or bank guarantee documents or of the credit institutions to ensure the implementation of relevant obligations in case of request for suspension of customs procedures specified in clause 2, Article 217 of Law Intellectual Property.

2. The documents specified in clause 1 point of this Article, if they have been already submitted to the customs agencies attached to the written request for inspection and supervision of goods related to intellectual property, then when filing the written request for suspension of customs procedures, the applicant shall not be required to hand in.

3. The applicant may hand in to the customs agencies the documents provided in Article 14, 15 of this Circular under the form of written paper and electric file, floppy disk.

Article 16. Inspection and handling of application

1. Contents of inspecting application.

a) Application, relative documents were in full according to provision in clause 1, Article 14 and clause 1, Article 15 of this Circular.  

b) Competence to receive application of customs agencies.

c) Applicant’s status according to law regulations.

d) Effective time limit of certificates of protection of intellectual property rights.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

g) Authorization content in accordance with the operational function of the customs agency and the applicant (if being authorized to apply).

2. Time limit for settling application.

No later than 20 (twenty) days since the date of receiving the application for inspection and monitoring of exports, imports, and no later than 16 (sixteen) working hours from the time receiving the application for suspension for customs procedures, the customs agencies receiving the application are responsible for notifying in writing to the applicant of the acceptance of the application or not. For applications for suspension of customs procedures, Customs Branches issue the decision to suspend the customs procedures replacing the application acceptance notification.

3. Refusal of receiving application.

The customs agencies refuse to receive application in the cases.

a) The application is sent to the incorrect competent agencies to receive it.

b) Having grounds to asset that applicant is insufficient status to apply in accordance with law regulations.

c) The application is flawed and although amendment had been requested but the applicant still fails to perform or performed but unsatisfactory.

d) During the handling of the application, the customs agencies receive papers of the State administration agency on intellectual property notifying the disputes or complaints on the right subject, protective capacity, the scope of protection of intellectual property rights.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

 a) General Department of Customs (Anti-Smuggling and Investigation Department) forwards the application and notifies the acceptance of application to the provincial, city Department of Customs, control team under Anti-Smuggling and Investigation Department.

b) Customs Departments of provinces and cities receiving the notice, the application from the General Department of Customs and forward to the Customs Branches, concerned functions department and the control team under the Department of Customs.

c) Customs Branches receive the notice, the application from the provincial, city Customs Departments and forward to the team, professional group and concerned individuals.

5. Implementing the application for suspension of customs procedures.

a) Based on the nature and seriousness of the case and of the violations or each specific case, the receiving agency will send directly to the Customs Branch where the procedures of customs are implemented for the goods lot being suspected of infringing or to the smuggling combat control forces to implement in case the application receiving agency is the General Department of Customs/Customs Departments of provinces and cities.

b) Customs branches’ leaders are responsibility for organizing, deploying to the team, professional group and concerned individuals to perform in case Customs Branch receiving the applications.

Article 17. Expiration of the application  

General Department of Customs (Anti-Smuggling and Investigation Department) are responsibility for notifying to concerned customs units for the cancellation of application for inspection, supervision the imports, exports relating to intellectual property in case.

a) The applicant has a written request for terminating the inspection and supervision of customs agencies for goods with protection requirement.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

c) State administration agencies on intellectual property notify the cancellation of the protection certificate of intellectual property rights granted to the applicant.

Chapter IV.

HANDLING OF VIOLATIONS

Article 18. Determination of value of violating goods

1. The value of goods infringing intellectual property, fake goods in the customs field is determined on the basis of the declared value of the goods owner on the declarations, including all types of taxes (if any). The goods value and the basis to valuate must be clearly stated in the minutes of administrative violations and stored in case files.

If having the basis to assert the goods value of the goods owner declared on the declarations is not correct, customs agencies carry out to define according to current regulations the customs valuation determination at the time to make records of administrative violations.

2. In case goods infringing industrial property rights may not determine value, customs agencies based on the provision in clause 13 Article 10, clause 12 Article 11, clause 11 Article 12, clause 8 Article 14 of Decree No.97/2010/ ND-CP dated September 21, 2010 to conduct the application of the fine form to organizations, individuals committing violation.

3. In case value of fake goods is determined upon other bases, implementing according to guidance in clause 2 Article 63 of Decree No.06/2008/ ND-CP dated January 16, 2008 of the Government.

Article 19. Handling of violations of infringing intellectual property rights

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. Within 10 (ten) working days since the effective date of the decision to sanction, the customs agencies are responsibility for:

a) Notifying in writing to force the violators to pay expenses arising due to administrative violations.

b) Refunding the paid guaranteeing amount to the person requesting suspension of conducting customs procedures.

Article 20. Handling of violations of infringing fake goods (except for the fake goods on intellectual property rights)  

The handling for violations is implemented according to guidance in Decree No.06/2008/ND-CP dated January 16, 2008, Decree No.112/2010/ND-CP dated December 01, 2010 of the Government and documents to guide the implementation.

Chapter V.

IMPLEMENTATION ORGANIZATION

Article 21. Responsibility of implementation

1. The General Department of Custom is responsible for guiding, directing the subordinate units to implement specifically the provisions in this Circular.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 22. Reward and handling of violations

1. Customs agencies, customs officers having achievements in the struggle of fake goods and protection of intellectual property rights shall be considered to reward according to current regulations.

2. Customs agencies, customs officials lacking a sense of responsibility, causing damages to the applicants or owners of goods being infringed intellectual property rights or being faked goods, the customs declarers, depending on the nature and seriousness of their violations, shall be disciplined or prosecuted for criminal liability according to law regulations.

Article 23. Effect

1. This Circular takes effect on May 19, 2011, replaces the previous guiding documents contrary with provisions in this Circular.

2. During the enforcement, if obstacles arises, the relative persons need to reflect promptly on the Ministry of Finance for studying, handling./.

 

 

FOR THE PRIME MINISTER
DEPUTY MINISTER




Do Hoang Anh Tuan

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Thông tư 44/2011/TT-BTC ngày 01/04/2011 về hướng dẫn công tác chống hàng giả và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực hải quan do Bộ Tài chính ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


12.909

DMCA.com Protection Status
IP: 13.58.57.131
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!