BỘ NÔNG NGHIỆP
VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
14/2024/TT-BNNPTNT
|
Hà Nội, ngày 31
tháng 10 năm 2024
|
THÔNG TƯ
BAN
HÀNH DANH MỤC VẬT THỂ THUỘC DIỆN KIỂM DỊCH THỰC VẬT; DANH MỤC VẬT THỂ THUỘC DIỆN
KIỂM DỊCH THỰC VẬT PHẢI PHÂN TÍCH NGUY CƠ DỊCH HẠI TRƯỚC KHI NHẬP KHẨU VÀO VIỆT
NAM
Căn cứ Nghị định số 105/2022/NĐ-CP ngày 22 tháng
12 năm 2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ
chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
Căn cứ Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật ngày
25/11/2013;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật;
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
ban hành Danh mục vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật; Danh mục vật thể thuộc
diện kiểm dịch thực vật phải phân tích nguy cơ dịch hại trước khi nhập khẩu vào
Việt Nam.
Điều 1. Danh mục vật thể thuộc
diện kiểm dịch thực vật
1. Thực vật:
Cây và các bộ phận của cây.
2. Sản phẩm thực vật:
a) Các loại củ, quả, hạt, hoa, lá, thân, cành, gốc,
rễ, vỏ cây;
b) Các loại tấm, cám, khô dầu, sắn lát, sợi tự
nhiên dạng thô, xơ thực vật;
c) Bột có nguồn gốc thực vật, tinh bột sắn;
d) Cọng thuốc lá, bông thô, phế liệu bông, rơm, rạ
và thực vật thủy sinh (trừ các loại rong, tảo, thực vật thủy sinh sống ở biển);
đ) Gỗ tròn, gỗ xẻ, pallet gỗ, mùn cưa, mùn dừa;
e) Nguyên liệu làm thức ăn chăn nuôi có nguồn gốc
thực vật (trừ thức ăn ở dạng thành phẩm đã đóng gói kín và ghi nhãn);
g) Giá thể trồng cây có nguồn gốc thực vật.
3. Các loại nấm (trừ nấm ở dạng muối, đông lạnh,
đóng hộp, nấm men).
4. Kén tằm, gốc rũ kén tằm.
5. Các loại côn trùng, nhện, nấm bệnh, tuyến trùng,
vi khuẩn, virus, phytoplasma, viroids và cỏ dại (trừ dạng tiêu bản) phục vụ cho
công tác giám định, tập huấn, phòng trừ sinh học và nghiên cứu khoa học.
6. Trường hợp xuất khẩu những vật thể không thuộc
Danh mục quy định tại Điều này sẽ được thực hiện kiểm dịch thực vật theo yêu cầu
của nước nhập, khẩu và các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia ký kết hoặc
gia nhập.
Điều 2. Danh mục vật thể thuộc
diện kiểm dịch thực vật phải phân tích nguy cơ dịch hại trước khi nhập khẩu vào
Việt Nam
1. Vật liệu làm giống: Cây giống, hạt giống, củ giống
và các bộ phận có thể làm giống của cây (trừ cây ở dạng nuôi cấy mô, hạt giống
các loại cây họ thập tự, hạt giống lúa, ngô, kê, hạt giống hành, tỏi).
2. Quả tươi, củ khoai lang tươi, củ khoai tây tươi.
3. Cỏ, hạt cỏ sử dụng cho mục đích gieo trồng.
4. Sinh vật có ích sử dụng trong lĩnh vực bảo vệ thực
vật (trừ sinh vật có ích nhập khẩu dưới dạng thuốc bảo vệ thực vật sinh học).
5. Vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật khác có
nguy cơ cao mang theo đối tượng kiểm dịch thực vật do Cục Bảo vệ thực vật xác định
và báo cáo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết định.
Điều 3. Các vật thể thuộc diện
kiểm dịch thực vật được miễn phân tích nguy cơ dịch hại
Các vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật quy định
tại Điều 2 Thông tư này được miễn phân tích nguy cơ dịch hại trong các trường hợp:
1. Vật liệu làm giống nhập khẩu phục vụ nghiên cứu
khoa học hoặc thử nghiệm, đánh giá trong phòng thí nghiệm.
2. Sinh vật có ích sử dụng trong lĩnh vực bảo vệ thực
vật nhập khẩu phục vụ nghiên cứu khoa học hoặc thử nghiệm, đánh giá trong phòng
thí nghiệm.
3. Trường hợp khác, Cục Bảo vệ thực vật báo cáo Bộ
trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết định.
4. Việc nhập khẩu các vật thể được quy định tại các
khoản 1, 2 và 3 Điều này phải có Giấy phép kiểm dịch thực vật nhập khẩu và thực
hiện kiểm dịch thực vật theo quy định.
Điều 4. Điều khoản chuyển tiếp
1. Hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch thực
vật đối với vật thể trong Danh mục vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật; Giấy
phép kiểm dịch thực vật nhập khẩu đối với vật thể trong Danh mục vật thể thuộc
diện kiểm dịch thực vật phải phân tích nguy cơ dịch hại trước khi nhập khẩu vào
Việt Nam nộp trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành thì thực hiện theo
quy định của Thông tư số 30/2014/TT-BNNPTNT ngày 05/9/2014 của Bộ trưởng Bộ
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Danh mục vật thể thuộc diện kiểm dịch
thực vật; Danh mục vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật phải phân tích nguy cơ
dịch hại trước khi nhập khẩu vào Việt Nam.
2. Đối với vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật phải
phân tích nguy cơ dịch hại trước khi nhập khẩu vào Việt Nam đã được cho phép nhập
khẩu trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành mà có bằng chứng về đối tượng
kiểm dịch thực vật của Việt Nam mới xuất hiện tại nước xuất khẩu thì cơ quan kiểm
dịch thực vật của nước xuất khẩu phải cung cấp thông tin cho Cục Bảo vệ thực vật
để thực hiện biện pháp cần thiết, ngăn chặn đối tượng kiểm dịch thực vật.
Điều 5. Điều khoản thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15
tháng 12 năm 2024.
2. Thông tư số 30/2014/TT-BNNPTNT ngày 05 tháng 9
năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc Ban hành
danh mục vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật; Danh mục vật thể thuộc diện kiểm
dịch thực vật phải phân tích nguy cơ dịch hại trước khi nhập khẩu vào Việt Nam
hết hiệu lực kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành.
Điều 6. Trách nhiệm thi hành
1. Chánh Văn phòng Bộ, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật,
tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.
2. Trong quá trình thực hiện Thông tư, nếu có khó
khăn, vướng mắc, các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân kịp thời phản ánh về Bộ
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Cục Bảo vệ thực vật) để tổng hợp, trình Bộ
trưởng xem xét, quyết định./.
Nơi nhận:
- Thủ tướng Chính phủ (để b/c);
- Các Phó Thủ tướng Chính phủ (để b/c);
- Văn phòng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- Công báo Chính phủ; Cổng thông tin điện tử Chính phủ;
- Cục Kiểm tra văn bản QPPL - Bộ Tư pháp;
- UBND, Sở NN và PTNT các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương;
- Bộ NN &PTNT: Bộ trưởng, các Thứ trưởng, các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ, Cổng
thông tin điện tử Bộ;
- Chi Cục kiểm dịch thực vật vùng (để thực hiện);
- Lưu: VT, BVTV.
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Hoàng Trung
|