BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC HẢI QUAN
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 1458/QĐ-TCHQ
|
Hà Nội, ngày 08
tháng 05 năm 2013
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH CHẾ ĐỘ TRÁCH NHIỆM VÀ XỬ LÝ TRÁCH NHIỆM NGƯỜI
ĐỨNG ĐẦU, CẤP PHÓ CỦA NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU CÁC ĐƠN VỊ TRONG NGÀNH HẢI QUAN KHI ĐỂ VỤ,
VIỆC SAI PHẠM XẢY RA TRONG ĐƠN VỊ, LĨNH VỰC CÔNG TÁC DO MÌNH QUẢN LÝ, PHỤ TRÁCH
TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC HẢI QUAN
Căn cứ Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày
16/01/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về một số vấn đề cấp bách
về xây dựng Đảng hiện nay;
Căn cứ Luật Phòng, chống tham
nhũng ngày 29/11/2005 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống
tham nhũng năm 2007, năm 2012.
Căn cứ Luật Cán bộ, công chức ngày
13/11/2008;
Căn cứ Nghị định số 157/2007/NĐ-CP
ngày 27/10/2007 của Chính phủ quy định chế độ trách nhiệm đối với người đứng đầu
cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước trong thi hành nhiệm vụ, công vụ;
Căn cứ Nghị định số 34/2011/NĐ-CP
ngày 17/5/2011 của Chính phủ quy định về xử lý kỷ luật đối với công chức;
Căn cứ Quyết định số
02/2010/QĐ-TTg ngày 15/01/2010 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm
vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Hải quan trực thuộc Bộ Tài chính;
Căn cứ Quyết định số 2981/QĐ-BTC
ngày 15/9/2004 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc phân cấp quản lý cán bộ, công
chức, viên chức hành chính sự nghiệp thuộc Bộ Tài chính;
Căn cứ Chỉ thị số 04/CT-BTC ngày
20/12/2011 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương khi
thi hành công vụ trong ngành Tài chính;
Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức
cán bộ,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định chế độ
trách nhiệm và xử lý trách nhiệm người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu các
đơn vị trong ngành Hải quan khi để vụ, việc sai phạm xảy ra trong đơn vị, lĩnh
vực công tác do mình quản lý, phụ trách.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký. Chánh
Văn phòng Tổng cục, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ trưởng Thanh tra Tổng cục
và Thủ trưởng các đơn vị trong ngành Hải quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định
này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 2;
- Bộ Tài chính:
+ Bộ trưởng (để b/c);
+ Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn (để b/c);
+ Vụ TCCB, Thanh tra Bộ (để phối hợp);
- Lãnh đạo TCHQ;
- Lưu: VT, TCCB (5b).
|
TỔNG CỤC TRƯỞNG
Nguyễn Ngọc Túc
|
QUY ĐỊNH
CHẾ ĐỘ TRÁCH NHIỆM VÀ XỬ LÝ TRÁCH NHIỆM NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU, CẤP PHÓ CỦA NGƯỜI
ĐỨNG ĐẦU CÁC ĐƠN VỊ TRONG NGÀNH HẢI QUAN KHI ĐỂ VỤ, VIỆC SAI PHẠM XẢY RA TRONG
ĐƠN VỊ, LĨNH VỰC CÔNG TÁC DO MÌNH QUẢN LÝ, PHỤ TRÁCH
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 1458/QĐ-TCHQ ngày 08/5/2013 của Tổng cục
trưởng Tổng cục Hải quan)
Để tăng cường vai trò trách nhiệm của
người lãnh đạo trong công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành, phòng chống, ngăn
chặn, xử lý vi phạm pháp luật xảy ra trong từng đơn vị, Tổng cục Hải quan ban
hành Quy định chế độ trách nhiệm và xử lý trách nhiệm người đứng đầu, cấp phó của
người đứng đầu các đơn vị trong ngành Hải quan khi để vụ, việc sai phạm xảy ra
trong đơn vị, lĩnh vực công tác do mình quản lý, phụ trách, như sau:
I. QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi
điều chỉnh
1. Quy định này quy định chế độ trách
nhiệm và xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu
các đơn vị thuộc và trực thuộc Tổng cục Hải quan khi để vụ, việc sai phạm xảy
ra trong đơn vị, lĩnh vực công tác do mình quản lý, phụ trách.
2. Người đứng đầu, cấp phó của người
đứng đầu các đơn vị trực tiếp sai phạm thì bị xử lý theo các quy định của pháp
luật, của Bộ Tài chính và của ngành Hải quan.
Điều 2. Đối tượng
áp dụng
1. Người đứng đầu, cấp phó của người
đứng đầu các đơn vị thuộc và trực thuộc Tổng cục Hải quan được quy định trong
Quy định này, bao gồm:
1.1. Các Cục Hải quan tỉnh, thành phố
và các đơn vị cấu thành tổ chức trong Cục Hải quan tỉnh, thành phố:
1.1.1. Các Cục Hải quan tỉnh, thành
phố: Cục trưởng, Phó Cục trưởng.
1.1.2. Các đơn vị cấu thành tổ chức
trong Cục Hải quan tỉnh, thành phố:
- Các Chi cục, Đội Kiểm soát trực thuộc
Cục (gọi chung là Chi cục): Chi cục trưởng, Phó Chi cục trưởng.
- Các Phòng, Văn phòng và đơn vị
tương đương khác thuộc Cục (gọi chung là Phòng): Trưởng phòng, Phó trưởng
phòng.
- Các Tổ, Đội công tác thuộc Chi cục
(gọi chung là Tổ): Tổ trưởng, Phó Tổ trưởng.
1.2. Các Vụ, Cục và đơn vị tương
đương thuộc Cơ quan Tổng cục (gọi chung là Vụ) và các đơn vị cấu thành tổ chức
trong Vụ, bao gồm:
1.2.1. Các Vụ: Vụ trưởng, Phó Vụ trưởng.
1.2.2. Các đơn vị cấu thành tổ chức
trong Vụ:
- Các Phòng, Đội Kiểm soát, Hải đội
và đơn vị tương đương thuộc Vụ (gọi chung là Phòng): Trưởng phòng, Phó trưởng
phòng.
- Các Tổ (Đội) thuộc Phòng (gọi chung
là Tổ): Tổ trưởng, Phó Tổ trưởng.
2. Người được giao quyền đứng đầu đơn
vị (Quyền Cục trưởng, Quyền Vụ trưởng; Quyền Chi cục trưởng, Quyền Trưởng
phòng; Quyền Tổ trưởng) hoặc được giao phụ trách đơn vị (Phó Cục trưởng phụ
trách, Phó Vụ trưởng phụ trách; Phó Chi cục trưởng phụ trách, Phó Trưởng phòng
phụ trách; Phó Tổ trưởng phụ trách) phải thực hiện chế độ trách nhiệm và bị xử
lý trách nhiệm như đối với người đứng đầu.
Điều 3. Giải
thích từ ngữ
1. “Cấp phó của người đứng đầu đơn vị”
quy định tại Quy định này là người được phân công giúp nguời đứng đầu đơn vị quản
lý, phụ trách một số lĩnh vực công tác nhất định trong đơn vị hoặc một số đơn vị
thuộc và trực thuộc.
2. “Chế độ trách nhiệm” đối với người
đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu đơn vị là toàn bộ quy định về chức năng,
nhiệm vụ, quyền hạn và thẩm quyền được Nhà nước, được Bộ Tài chính, được Tổng cục
Hải quan giao cho người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu.
3. “Trách nhiệm trực tiếp” là trách
nhiệm của người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu đối với sai phạm của
người do mình trực tiếp quản lý, giao nhiệm vụ hoặc vụ, việc sai phạm xảy ra
trong lĩnh vực công tác do mình trực tiếp quản lý, phụ trách.
4. “Trách nhiệm liên đới” là trách
nhiệm của người đứng đầu đối với vụ, việc sai phạm xảy ra trong đơn vị, lĩnh vực
công tác do cấp Phó của mình trực tiếp quản lý, phụ trách; là trách nhiệm của
người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu đối với vụ, việc sai phạm xảy ra
trong đơn vị cấp dưới do mình trực tiếp quản lý, phụ trách.
Điều 4. Vụ, việc
sai phạm; căn cứ xác định vụ, việc sai phạm và nguyên tắc xử lý trách nhiệm
1. Vụ, việc sai phạm là vụ, việc công
chức, viên chức, người làm hợp đồng lao động trong ngành Hải quan (dưới đây gọi
tắt là công chức) vi phạm các quy định của pháp luật, của Bộ Tài chính, của
ngành Hải quan liên quan đến: phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống
lãng phí; chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn theo tiêu chuẩn chức danh đang đảm
nhiệm; vị trí chuyên môn, nghiệp vụ được giao; kỷ luật, kỷ cương khi thi hành
công vụ và các quy định khác của pháp luật liên quan đến công chức.
2. Căn cứ để xác định vụ, việc sai phạm:
Căn cứ theo các quy định về xử lý kỷ luật đối với công chức tại Nghị định số
34/2011/NĐ-CP ngày 17/5/2011 của Chính phủ; căn cứ các Kết luận điều tra, quyết
định, bản án có hiệu lực pháp luật của cơ quan pháp luật (Công an, Viện Kiểm
sát, Tòa án) và căn cứ Kết luận thanh tra, kiểm tra, kiểm toán,... của cơ quan
có thẩm quyền, vụ, việc sai phạm bao gồm:
2.1. Vụ, việc sai phạm nghiêm trọng.
2.2. Vụ, việc sai phạm rất nghiêm trọng.
2.3. Vụ, việc sai phạm đặc biệt
nghiêm trọng.
3. Nguyên tắc xử lý trách nhiệm:
3.1. Việc xác định tính chất, mức độ,
hậu quả của vụ, việc sai phạm xảy ra nêu trên là cơ sở để xem xét, xử lý đối với
người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu đơn vị liên quan đến trách nhiệm (trực
tiếp hoặc liên đới) trong phạm vi quản lý của mình.
3.2. Người đứng đầu, cấp phó của người
đứng đầu đơn vị nếu phải chịu trách nhiệm trực tiếp hoặc trách nhiệm liên đới
khi để xảy ra vụ, việc sai phạm trong đơn vị, lĩnh vực công tác do mình quản
lý, phụ trách nhưng chưa đến mức bị xử lý hình sự thì bị xử lý theo quy định của
pháp luật và quy định tại Điều 10 của Quy định này.
Điều 5. Xác định
các mức độ trách nhiệm của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu đơn vị
khi để vụ, việc sai phạm xảy ra trong đơn vị, lĩnh vực do mình quản lý, phụ
trách
1. Đối với người đứng đầu:
1.1. Phải chịu trách nhiệm trực tiếp
trong các trường hợp:
1.1.1. Cấp Phó của mình sai phạm.
1.1.2. Người đứng đầu đơn vị cấp dưới
do mình trực tiếp quản lý, phụ trách sai phạm.
1.1.3. Công chức thuộc lĩnh vực do
mình trực tiếp quản lý, phụ trách sai phạm (đối với đơn vị không cấu thành tổ
chức đơn vị cấp dưới).
1.1.4. Vụ, việc đã ủy quyền cho cấp
dưới giải quyết nhưng thiếu đôn đốc, kiểm tra để xảy ra sai phạm.
1.2. Phải chịu trách nhiệm liên đới
trong các trường hợp:
1.2.1. Vụ, việc sai phạm xảy ra trong
đơn vị, lĩnh vực do cấp Phó của mình quản lý, phụ trách.
1.2.2. Vụ, việc sai phạm xảy ra trong
đơn vị cấp dưới do mình trực tiếp quản lý, phụ trách.
2. Đối với cấp phó của người đứng đầu:
2.1. Phải chịu trách nhiệm trực tiếp
trong các trường hợp:
2.1.1. Người đứng đầu đơn vị cấp dưới
do mình trực tiếp quản lý, phụ trách sai phạm.
2.1.2. Công chức thuộc lĩnh vực do
mình trực tiếp quản lý, phụ trách sai phạm (đối với đơn vị không cấu thành tổ
chức đơn vị cấp dưới).
2.2. Phải chịu trách nhiệm liên đới
trong trường hợp: vụ, việc sai phạm xảy ra trong đơn vị cấp dưới do mình trực
tiếp quản lý, phụ trách.
II. CHẾ ĐỘ TRÁCH
NHIỆM CỦA NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU, CẤP PHÓ CỦA NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU CÁC ĐƠN VỊ TRONG NGÀNH HẢI
QUAN
Điều 6. Chế độ
trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị trong ngành Hải quan
1. Thực hiện nghiêm túc nghĩa vụ và
những việc cán bộ, công chức không được làm quy định tại Điều
10, Điều 20 của Luật Cán bộ, công chức; Chức trách, nhiệm vụ theo tiêu chuẩn
chức danh, ngạch công chức mà mình đang đảm nhiệm và các quy định khác của
Chính phủ, Bộ Tài chính liên quan đến chế độ trách nhiệm; các điều Đảng viên
không được làm (nếu là Đảng viên).
2. Xây dựng Quy chế làm việc của đơn
vị mình, trong đó quy định rõ mối quan hệ, phối hợp trong nội bộ đơn vị và với
các đơn vị có liên quan; Phân công nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng đối với từng cấp hoặc
từng công chức thuộc quyền tương ứng theo chức danh, ngạch bậc công chức đang đảm
nhận.
3. Chỉ đạo, tổ chức việc thực hiện
nhiệm vụ được giao, bảo đảm đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và chịu trách
nhiệm về kết quả thực hiện.
4. Cập nhật, phổ biến và hướng dẫn
công chức, đơn vị thuộc và trực thuộc triển khai thực hiện đúng các chính sách,
pháp luật của Nhà nước, các văn bản quy định, chỉ đạo, hướng dẫn về nghiệp vụ của
Ngành. Phát hiện và kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung đối với những
sơ hở, bất cập về cơ chế, chính sách, quy trình, quy định nghiệp vụ.
5. Thường xuyên giáo dục, nhắc nhở,
đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn việc thi hành nhiệm vụ, công vụ của công chức thuộc
quyền quản lý của mình.
6. Tổ chức thực hiện các các quy định
về kỷ cương, kỷ luật trong thi hành công vụ; các biện pháp phòng, chống quan
liêu, phiền hà, tiêu cực, tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và các
quy định khác của pháp luật trong đơn vị do mình quản lý, phụ trách.
7. Giải quyết kịp thời, đúng pháp luật,
đúng thẩm quyền hoặc kiến nghị cấp có thẩm giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến
nghị của công chức, viên chức Hải quan, của người dân và doanh nghiệp.
8. Chủ động phát hiện, thực hiện các
biện pháp cần thiết nhằm ngăn chặn, khắc phục hậu quả của vụ, việc sai phạm, xử
lý nghiêm minh, kịp thời báo cáo với cấp có thẩm quyền về vụ, việc sai phạm thuộc
đơn vị, lĩnh vực công tác do mình quản lý, phụ trách.
Điều 7. Chế độ
trách nhiệm của cấp phó của người đứng đầu các đơn vị trong ngành Hải quan
Thực hiện tương tự như chế độ trách
nhiệm của người đứng đầu đơn vị theo phạm vi, chức trách, nhiệm vụ được giao.
III. XỬ LÝ TRÁCH
NHIỆM NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU, CẤP PHÓ CỦA NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU CÁC ĐƠN VỊ TRONG NGÀNH HẢI
QUAN
Điều 8. Căn cứ để
xác định trách nhiệm của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu đơn vị
Khi vụ, việc sai phạm xảy ra, ngoài
việc xem xét xử lý kỷ luật đối với công chức Hải quan sai phạm trực tiếp, còn phải
xem xét, xử lý trách nhiệm (trách nhiệm trực tiếp hoặc trách nhiệm liên đới) đối
với người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu các đơn vị có liên quan, trên cơ
sở:
1. Căn cứ vào sự phân công công tác,
phân cấp quản lý cán bộ của Bộ Tài chính và của Tổng cục Hải quan.
2. Căn cứ vào mối quan hệ công tác giữa
trách nhiệm quản lý của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu với vụ, việc
sai phạm xảy ra trong đơn vị, lĩnh vực công tác do người đứng đầu, cấp phó của
người đứng đầu quản lý, phụ trách.
3. Căn cứ các quy định về chế độ
trách nhiệm của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu các đơn vị trong
ngành Hải quan tại Điều 6, Điều 7 của Quy định này.
Điều 9. Xác định
trách nhiệm cụ thể đối với người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu các đơn vị
trong ngành Hải quan
Người đứng đầu, cấp phó của người đứng
đầu các đơn vị trong ngành Hải quan không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ
chế độ trách nhiệm của mình quy định tại Điều 6, Điều 7 của Quy định này và sự
phân cấp quản lý, phân công nhiệm vụ được giao để vụ, việc sai phạm xảy ra
trong đơn vị, lĩnh vực công tác do mình quản lý, phụ trách thì phải chịu trách
nhiệm (trách nhiệm trực tiếp hoặc trách nhiệm liên đới), xác định như sau:
1. Tại Cục Hải quan tỉnh, thành phố:
1.1. Vụ, việc sai phạm xảy ra trong
Chi cục không cấu thành tổ chức cấp Tổ:
1.1.1. Đối với công chức thừa hành
sai phạm:
- Trách nhiệm trực tiếp: Chi cục trưởng
hoặc Phó Chi cục trưởng, nếu công chức sai phạm trong lĩnh vực công tác do Chi
cục trưởng hoặc Phó Chi cục trưởng trực tiếp quản lý, phụ trách.
- Trách nhiệm liên đới:
+ Chi cục trưởng: Nếu công chức sai
phạm trong lĩnh vực công tác do Phó Chi cục trưởng trực tiếp quản lý, phụ
trách.
+ Cục trưởng hoặc Phó Cục trưởng: nếu
công chức sai phạm rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng trong Chi cục do
Cục trưởng hoặc Phó Cục trưởng trực tiếp quản lý, phụ trách.
1.1.2. Đối với Lãnh đạo Chi cục sai
phạm:
- Trách nhiệm trực tiếp:
+ Chi cục trưởng: Nếu Phó Chi cục trưởng
sai phạm.
+ Cục trưởng hoặc Phó Cục trưởng: Nếu
Chi cục trưởng sai phạm trong Chi cục do Cục trưởng hoặc Phó cục trưởng trực tiếp
quản lý, phụ trách.
- Trách nhiệm liên đới:
+ Cục trưởng hoặc Phó Cục trưởng: nếu
Phó Chi cục trưởng sai phạm trong Chi cục do Cục trưởng hoặc Phó Cục trưởng trực
tiếp quản lý, phụ trách.
+ Cục trưởng: nếu Chi cục trưởng sai
phạm trong Chi cục do Phó Cục trưởng trực tiếp quản lý, phụ trách.
1.2. Vụ, việc sai phạm xảy ra trong
Chi cục có cấu thành tổ chức cấp Tổ:
1.2.1. Đối với công chức thừa hành
sai phạm:
- Trách nhiệm trực tiếp: Tổ trưởng hoặc
Phó Tổ trưởng, nếu công chức sai phạm trong lĩnh vực công tác do Tổ trưởng hoặc
Phó Tổ trưởng trực tiếp quản lý, phụ trách.
- Trách nhiệm liên đới:
+ Tổ trưởng: nếu công chức sai phạm
trong lĩnh vực công tác do Phó Tổ trưởng trực tiếp quản lý, phụ trách.
+ Chi cục trưởng hoặc Phó Chi cục trưởng:
nếu công chức sai phạm nghiêm trọng hoặc rất nghiêm trọng trong Tổ do Chi cục
trưởng hoặc Phó Chi cục trưởng trực tiếp quản lý, phụ trách.
+ Cục trưởng hoặc Phó Cục trưởng: nếu
công chức sai phạm đặc biệt nghiêm trọng trong Chi cục do Cục trưởng hoặc Phó cục
trưởng trực tiếp quản lý, phụ trách.
1.2.2. Đối với Lãnh đạo Tổ sai phạm:
- Trách nhiệm trực tiếp:
+ Tổ trưởng: nếu Phó Tổ trưởng sai phạm.
+ Chi cục trưởng hoặc Phó Chi cục trưởng:
nếu Tổ trưởng sai phạm trong Tổ do Chi cục trưởng hoặc Phó Chi cục trưởng trực
tiếp quản lý, phụ trách.
- Trách nhiệm liên đới:
+ Chi cục trưởng hoặc Phó Chi cục trưởng:
nếu Phó Tổ trưởng sai phạm trong Tổ do Chi cục trưởng hoặc Phó Chi cục trưởng
trực tiếp quản lý, phụ trách.
+ Chi cục trưởng: nếu Tổ trưởng sai
phạm trong Tổ do Phó Chi cục trưởng trực tiếp quản lý, phụ trách.
+ Cục truởng hoặc Phó Cục trưởng: nếu
Lãnh đạo Tổ sai phạm rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng trong Chi cục
do Cục trưởng hoặc Phó cục trưởng trực tiếp quản lý, phụ trách.
1.2.3. Đối với Lãnh đạo Chi cục sai
phạm: xác định mức độ chịu trách nhiệm của người đứng đầu, cấp phó của người đứng
đầu cấp Chi cục, cấp Cục tương tự như quy định tại tiết 1.1.2, điểm 1.1, khoản
1 Điều này.
1.3. Vụ, việc sai phạm xảy ra trong
Phòng: xác định mức độ chịu trách nhiệm của người đứng đầu, cấp phó của người đứng
đầu cấp Phòng, cấp Cục tương tự như quy định tại điểm 1.1, khoản 1 Điều này.
1.4. Đối với Lãnh đạo Cục sai phạm:
- Phó Cục trưởng sai phạm: Cục trưởng
chịu trách nhiệm trực tiếp.
- Cục trưởng sai phạm: xử lý theo
phân cấp quản lý cán bộ của Bộ Tài chính và của Tổng cục Hải quan.
2. Tại các Vụ thuộc cơ quan Tổng cục
Hải quan:
2.1. Vụ, việc sai phạm xảy ra trong Vụ
không cấu thành tổ chức cấp Phòng:
2.1.1. Đối với công chức thừa hành
sai phạm:
- Trách nhiệm trực tiếp: Vụ trưởng hoặc
Phó Vụ trưởng, nếu công chức sai phạm trong lĩnh vực công tác do Vụ trưởng hoặc
Phó Vụ trưởng trực tiếp quản lý, phụ trách.
- Trách nhiệm liên đới: Vụ trưởng, nếu
công chức sai phạm trong lĩnh vực do Phó Vụ trưởng trực tiếp quản lý, phụ
trách.
2.1.2. Đối với Lãnh đạo Vụ sai phạm:
xác định mức độ chịu trách nhiệm của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu
cấp Vụ được thực hiện tương tự như quy định tại điểm 1.4, khoản 1 của Điều này.
2.2. Vụ, việc sai phạm xảy ra trong Vụ
có cấu thành tổ chức cấp Phòng:
2.2.1. Đối với Phòng không cấu thành
tổ chức cấp Tổ: xác định mức độ trách nhiệm của người đứng đầu, cấp phó của người
đứng đầu cấp Phòng, cấp Vụ được thực hiện tương tự như quy định tại điểm 1.1,
khoản 1 của Điều này.
2.2.2. Đối với Phòng có cấu thành tổ
chức cấp Tổ: Xác định mức độ chịu trách nhiệm của người đứng đầu, cấp Phó của
người đứng đầu cấp Tổ, cấp Phòng, cấp Vụ được thực hiện tương tự như quy định tại
điểm 1.2, khoản 1 của Điều này.
2.3. Đối với Lãnh đạo Vụ sai phạm:
xác định mức độ chịu trách nhiệm của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu
cấp Vụ được thực hiện tương tự như quy định tại điểm 1.4, khoản 1 của Điều này.
Điều 10. Xử lý
trách nhiệm người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu đơn vị
1. Nguời đứng đầu, cấp phó của người
đứng đầu đơn vị khi để vụ, việc sai phạm xảy ra trong đơn vị, lĩnh vực công tác
do mình quản lý, phụ trách chưa đến mức phải xử lý hình sự thì căn cứ tính chất,
mức độ, hậu quả của vụ, việc sai phạm xảy ra để xem xét trách nhiệm và áp dụng
hình thức kỷ luật cho phù hợp, cụ thể như sau:
1.1. Nếu chịu trách nhiệm trực tiếp:
1.1.1. Đối với vụ, việc sai phạm
nghiêm trọng: kỷ luật từ khiển trách đến giáng chức.
1.1.2. Đối với vụ, việc sai phạm rất
nghiêm trọng: kỷ luật giáng chức hoặc cách chức.
1.1.3. Đối với vụ, việc đặc biệt
nghiêm trọng: kỷ luật buộc thôi việc.
1.2. Nếu chịu trách nhiệm liên đới:
1.2.1. Trách nhiệm liên đới liền kề với
trách nhiệm trực tiếp: kỷ luật thấp hơn một mức so với hình thức kỷ luật áp dụng
đối với trách nhiệm trực tiếp.
1.2.2. Các trách nhiệm liên đới tiếp
theo: kỷ luật thấp hơn một mức so với hình thức kỷ luật trách nhiệm liên đới liền
kề sát trên cho đến hình thức kỷ luật thấp nhất (khiển trách).
2. Hình thức xử lý khác:
2.1. Người đứng đầu, cấp phó của người
đứng đầu đơn vị khi để vụ, việc sai phạm xảy ra trong đơn vị, lĩnh vực do mình
trực tiếp quản lý, phụ trách, nhưng chưa đến mức phải kỷ luật thì hạ một mức
đánh giá, phân loại công chức của tháng bị xem xét, xử lý trách nhiệm.
2.2. Người đứng đầu, cấp phó của người
đứng đầu đơn vị khi để vụ, việc sai phạm (từ 2 vụ, việc trở lên trong một năm)
xảy ra trong đơn vị, lĩnh vực công tác do mình trực tiếp quản lý, phụ trách,
nhưng chưa đến mức phải kỷ luật thì hạ một mức phân loại công chức cuối năm và
không xem xét thi đua, khen thưởng năm đó.
2.3. Người đứng đầu, cấp phó của người
đứng đầu bị xử lý về trách nhiệm liên quan đến vụ, việc tiêu cực, tham nhũng
thì phải luân chuyển, bố trí làm việc khác, không xem xét đưa vào quy hoạch cán
bộ, bổ nhiệm chức vụ cao hơn trong thời hạn 01 năm kể từ khi kết thúc xử lý vụ,
việc sai phạm.
Điều 11. Trách
nhiệm, thẩm quyền, quy trình, thủ tục xử lý kỷ luật
1. Thẩm quyền xử lý kỷ luật đối với nguời
đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu trong từng đơn vị được thực hiện theo phân
cấp quản lý cán bộ hiện hành của Bộ Tài chính và của Tổng cục Hải quan.
2. Trách nhiệm xem xét, xử lý kỷ luật:
Khi vụ, việc sai phạm xảy ra hoặc khi có kết luận điều tra, quyết định, bản án
có hiệu lực pháp luật của Cơ quan pháp luật; kết luận thanh tra, kiểm tra, kiểm
toán,... của Cơ quan có thẩm quyền thì cấp có thẩm quyền xác định tính chất, mức
độ, hậu quả của vụ, việc sai phạm xảy ra và xác định trách nhiệm của người đứng
đầu, cấp phó của người đứng đầu từng đơn vị để chỉ đạo kiểm điểm, xem xét, xử
lý kỷ luật hoặc kiến nghị hình thức kỷ luật đối với người đứng đầu, cấp phó của
người đứng đầu đơn vị liên quan đến trách nhiệm để xảy ra vụ, việc sai phạm đó.
3. Quy trình, thủ tục xử lý kỷ luật:
3.1. Việc kiểm điểm, xem xét, xử lý
trách nhiệm đối với người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu đơn vị phải được
tiến hành ngay sau khi hoàn thành việc xử lý kỷ luật đối với công chức sai phạm
trực tiếp.
3.2. Trình tự thực hiện xử lý kỷ luật
đối với người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu đơn vị liên quan đến trách
nhiệm được thực hiện theo quy định về xử lý kỷ luật đối với công chức tại Nghị
định số 34/2011/NĐ-CP ngày 17/5/2011 của Chính phủ, quy định của Bộ Tài chính
và Quy trình xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức trong ngành Hải quan ban
hành tại Quyết định số 2627/QĐ-TCHQ ngày 12/12/2011 của Tổng cục Hải quan.
IV. CÁC TRƯỜNG HỢP
ĐƯỢC LOẠI TRỪ TRÁCH NHIỆM, MIỄN, GIẢM NHẸ HOẶC TĂNG NẶNG XỬ LÝ TRÁCH NHIỆM ĐỐI
VỚI NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU, CẤP PHÓ CỦA NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU ĐƠN VỊ
Điều 12. Trường
hợp được loại trừ trách nhiệm
1. Người đứng đầu được loại trừ trách
nhiệm khi vắng mặt tại đơn vị (nghỉ phép, nghỉ không lương, đi công tác, học tập
dài ngày) và đã ủy quyền giải quyết công việc bằng văn bản cho cấp dưới.
2. Cấp phó của người đứng đầu đơn vị
được loại trừ trách nhiệm khi vắng mặt tại đơn vị (nghỉ phép, nghỉ không lương,
đi công tác, học tập dài ngày) khi đã báo cáo và được người đứng đầu chấp thuận.
3. Người đứng đầu, cấp phó của người
đứng đầu đơn vị để vụ, việc sai phạm xảy ra trong đơn vị, lĩnh vực công tác do
mình quản lý, phụ trách còn được loại trừ trách nhiệm trong các trường hợp sau
và được cấp có thẩm quyền thẩm định, chấp thuận:
3.1. Không thể biết công chức thuộc
quyền sai phạm (do hành vi che giấu, thủ đoạn tinh vi không thể phát hiện được).
3.2. Đã thực hiện đầy đủ, nghiêm túc
chế độ trách nhiệm của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu và áp dụng
các biện pháp cần thiết để phòng ngừa, ngăn chặn sai phạm đối với công chức thuộc
quyền.
3.3. Đã tổ chức quán triệt, cảnh báo
kịp thời trong đơn vị mình những vụ, việc sai phạm đã xảy ra trong ngành Hải
quan (trong đơn vị mình hoặc các đơn vị khác) để rút kinh nghiệm, chấn chỉnh,
phòng ngừa sai phạm).
Điều 13. Trường
hợp được miễn kỷ luật
Người đứng đầu, cấp phó của người đứng
đầu đơn vị để vụ, việc sai phạm xảy ra trong đơn vị, lĩnh vực công tác do mình
quản lý, phụ trách được miễn kỷ luật trong trường hợp: khi biết mình sẽ bị kỷ
luật ở mức khiển trách, nếu tự nguyện xin từ chức và được cấp có thẩm quyền chấp
thuận.
Điều 14. Trường
hợp được giảm nhẹ một mức kỷ luật
Người đứng đầu, cấp phó của người đứng
đầu đơn vị để vụ, việc sai phạm xảy ra trong đơn vị, lĩnh vực công tác do mình
quản lý, phụ trách được giảm nhẹ một mức kỷ luật, khi biết mình sẽ bị kỷ luật từ
mức cảnh cáo trở lên, nếu thuộc một trong các trường hợp sau:
1. Đã có đơn xin từ chức được cấp có
thẩm quyền chấp nhận.
2. Đã thực hiện các biện pháp cần thiết
khắc phục hậu quả của vụ, việc sai phạm; đã xử lý nghiêm minh, báo cáo kịp thời
với cấp có thẩm quyền về vụ, việc sai phạm.
Điều 15. Trường
hợp tăng nặng một mức kỷ luật
Người đứng đầu, cấp phó của người đứng
đầu đơn vị bị tăng nặng một mức kỷ luật trong các trường hợp:
1. Để vụ, việc sai phạm trong đơn vị,
lĩnh vực công tác do mình quản lý, phụ trách khi cấp có thẩm quyền đã cảnh báo
vụ, việc sai phạm tương tự xảy ra trong các đơn vị khác nhưng không quán triệt,
cảnh báo, chấn chỉnh kịp thời để rút kinh nghiệm và tổ chức thực hiện các biện
pháp phòng ngừa, ngăn chặn.
2. Người đứng đầu, cấp phó của người
đứng đầu đã bị xử lý kỷ luật về hành vi vi phạm chế độ trách nhiệm mà lại tái
phạm hoặc thiếu trung thực trong báo cáo, tường trình, tiếp thu phê bình, kiểm
điểm hoặc cố tình né tránh, đùn đẩy trách nhiệm.
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 16. Trách
nhiệm triển khai thực hiện
1. Thủ trưởng các đơn vị trong ngành
Hải quan có trách nhiệm:
1.1. Tổ chức phổ biến quán triệt đến toàn
thể công chức trong đơn vị mình và triển khai, tổ chức thực hiện nghiêm túc Quy
định này. Quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc thì kịp thời báo cáo, kiến nghị
với Tổng cục Hải quan (qua Vụ Tổ chức cán bộ) để được hướng dẫn, giải quyết.
1.2. Thường xuyên rà soát, sửa đổi, bổ
sung hoặc ban hành lại Quy chế làm việc của Cục, của các đơn vị thuộc và trực
thuộc Cục; phân công, phân cấp, giao nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng cho từng công chức
trong phạm vi quản lý của mình.
1.3. Thường xuyên tự thanh tra, kiểm
tra, giám sát (định kỳ và đột xuất) đối với công chức thuộc quyền trong việc thực
hiện chức trách, nhiệm vụ, công vụ được giao.
2. Thanh tra Tổng cục có trách nhiệm:
2.1. Chủ trì xây dựng và triển khai thực
hiện kế hoạch kiểm tra công tác phòng, chống tham nhũng hàng năm, trong đó có nội
dung về việc triển khai, tổ chức thực hiện Quy định này của các đơn vị trong
toàn ngành Hải quan.
2.2. Phối hợp với Vụ Tổ chức cán bộ
trong việc xem xét, kiến nghị hình thức kỷ luật, giải quyết khiếu nại, tố cáo,
thi đua khen thưởng, quy hoạch, bổ nhiệm, chính sách cán bộ... đối với người đứng
đầu, cấp phó của người đứng đầu các đơn vị để vụ, việc sai phạm xảy ra trong
đơn vị, lĩnh vực công tác do mình quản lý, phụ trách theo thẩm quyền của Tổng cục
Hải quan hoặc của Bộ Tài chính.
2.3. Chủ trì báo cáo Bộ Tài chính
(Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng) về công tác phòng, chống tham nhũng của
ngành Hải quan, trong đó có nội dung về kết quả triển khai thực hiện và xử lý
sai phạm liên quan đến trách nhiệm người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu
các đơn vị trong ngành Hải quan.
3. Vụ Tổ chức cán bộ có trách nhiệm:
3.1. Chủ trì hướng dẫn, đôn đốc các
đơn vị trong ngành Hải quan triển khai, thực hiện Quy định này; tổng hợp các kiến
nghị, vướng mắc của các đơn vị trong ngành Hải quan và đề xuất, kiến nghị với
Lãnh đạo Tổng cục Hải quan để giải quyết kiến nghị, vướng mắc đó hoặc sửa đổi,
bổ sung Quy định cho phù hợp trong từng thời kỳ, giai đoạn.
3.2. Chủ trì việc xem xét, kiến nghị
hình thức xử lý kỷ luật, giải quyết khiếu nại, tố cáo, thi đua khen thưởng, quy
hoạch, bổ nhiệm, chính sách cán bộ... đối với người đứng đầu, cấp phó của người
đứng đầu các đơn vị để vụ, việc sai phạm xảy ra trong đơn vị, lĩnh vực công tác
do mình quản lý, phụ trách theo thẩm quyền của Tổng cục Hải quan hoặc của Bộ
Tài chính.
3.3. Phối hợp với Thanh tra Tổng cục
để kiểm tra các đơn vị trong ngành Hải quan trong việc triển khai thực hiện Quy
định này.