ỦY BAN NHÂN
DÂN
TỈNH LÀO CAI
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
51/2012/QĐ-UBND
|
Lào Cai, ngày
06 tháng 11 năm 2012
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ XÂY DỰNG, QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG NGHĨA
TRANG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÀO CAI
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH LÀO CAI
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày
26/11/2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật
của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 03/12/2004;
Căn cứ Luật Đất đai số 13/2003/QH11 ngày
26/11/2003;
Căn cứ Luật Xây dựng số 16/2003/QH11 ngày
26/11/2003;
Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường số 52/2005/QH11
ngày 29/11/2005;
Căn cứ Nghị định số 35/2008/NĐ-CP ngày
25/3/2008 của Chính phủ về xây dựng, quản lý và sử dụng nghĩa trang;
Căn cứ Thông tư số 02/2009/TT-BYT ngày
26/5/2009 của Bộ Y tế hướng dẫn vệ sinh trong hoạt động mai táng và hỏa táng;
Căn cứ Thông tư số 02/2010/TT-BXD ngày 05
tháng 02 năm 2010 của Bộ Xây dựng ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia các công
trình hạ tầng kỹ thuật đô thị, mã số QCVN 07:2010/BXD;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Xây dựng tại Tờ
trình số: 248/TTr-SXD ngày 02 tháng 11 năm 2012,
QUYẾT ĐỊNH :
Điều 1. Ban hành kèm
theo Quyết định này Quy định về xây dựng, quản lý và sử dụng nghĩa trang trên địa
bàn tỉnh Lào Cai.
Điều 2. Chánh Văn phòng Ủy
ban nhân dân tỉnh; Giám đốc: Sở Xây Dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tư
pháp, Sở Tài chính, Sở Y tế, Sở Lao động thương binh và Xã hội; Thủ trưởng các
Sở, Ban, Ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Lào Cai; các tổ
chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết đinh này.
Quyết định có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày
ký./.
|
TM.UỶ BAN
NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH
Nguyễn Văn Vịnh
|
QUY ĐỊNH
VỀ XÂY DỰNG, QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG NGHĨA TRANG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
LÀO CAI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 51/2012/QĐ-UBND ngày 06/11/2012 của
UBND tỉnh Lào Cai)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
và đối tượng áp dụng
1. Phạm vi điều chỉnh: Quy định này điều chỉnh
các hoạt động về xây dựng, quản lý và sử dụng các nghĩa trang nhân dân, nhà
tang lễ, nhà hỏa táng trên địa bàn tỉnh Lào Cai.
2. Việc xây dựng, quản lý và sử dụng nghĩa trang
liệt sĩ, nghĩa trang quốc gia không thuộc phạm vi điều chỉnh của Quy định này
(được quy định tại Nghị định 16/2007/NĐ-CP ngày 26/01/2007 của Chính phủ quy định
về tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, quản lý mộ, nghĩa trang, đài tưởng niệm,
bia ghi tên liệt sĩ).
3. Các nội dung liên quan đến xây dựng, quản lý
và sử dụng nghĩa trang không nêu trong bản quy đinh này được thực hiện theo các
quy định của Luật Xây dựng, Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường, Nghị định số
35/2008/NĐ-CP ngày 25/3/2008 của Chính phủ về xây dựng, quản lý và sử dụng
nghĩa trang (sau đây gọi tắt là Nghị định số 35/2008/NĐ-CP) và các Nghị định,
Thông tư hướng dẫn của Nhà nước có liên quan.
4. Đối tượng áp dụng: Quy định này áp dụng đối với
các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài có liên quan đến các hoạt động
xây dựng, quản lý và sử dụng nghĩa trang, nhà tang lễ, nhà hỏa táng trên địa
bàn tỉnh Lào Cai.
Điều 2. Giải thích từ ngữ
1. Trong quy định này các từ ngữ được hiểu thống
nhất theo quy định tại Điều 2 Nghị định số 35/2008/NĐ-CP gồm có: Nghĩa trang,
Nghĩa trang liệt sỹ, Nghĩa trang quốc gia, Phần mộ cá nhân, Các hình thức táng
người chết, Táng, Mai táng, Chôn cất một lần, Hung táng, Cải táng, Cát táng, Hỏa
táng, Hoạt động xây dựng nghĩa trang, Quản lý nghĩa trang, Quy hoạch xây dựng
nghĩa trang, Cải tạo và mở rộng nghĩa trang, Đóng cửa nghĩa trang, Di chuyển
nghĩa trang, Dịch vụ nghĩa trang, Người sử dụng dịch vụ nghĩa trang, Chính quyền
địa phương.
2. Nghĩa trang nhân dân các cấp là nơi táng người
chết thuộc địa bàn hành chính các cấp, được phân loại theo bảng 10.1 chương 10
QCVN07: 2010/BXD Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia các công trình hạ tầng kỹ thuật đô
thị được ban hành kèm theo Thông tư số 02/2010/TT-BXD ngày 05/02/2010 của Bộ
Xây dựng (sau đây gọi tắt là Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia của Thông tư số
02/2010/TT-BXD) và theo quy định này như sau:
a) Nghĩa trang nhân dân cấp tỉnh gồm:
- Nghĩa trang cấp I có quy mô diện tích đất lớn
hơn 60 ha;
- Nghĩa trang cấp II có quy mô diện tích đất từ
30 ha đến 60 ha;
- Nghĩa trang cấp IV có quy mô diện tích đất từ
10 ha đến 30 ha.
b) Nghĩa trang nhân dân cấp huyện, thành phố Lào
Cai (sau đây gọi là cấp huyện) gồm: Nghĩa trang cấp IV có quy mô diện tích đất
nhỏ hơn 10 ha.
Điều 3. Nguyên tắc chung về
xây dựng, quản lý và sử dụng nghĩa trang.
1. Tất cả các nghĩa trang đều phải được quy hoạch
và xây dựng theo quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt và được quy định tại
chương II của Quy định này.
2. Việc táng người chết phải được thực hiện
trong các nghĩa trang, trường hợp táng trong các khuôn viên nhà thờ, nhà chùa,
thánh thất tôn giáo phải được sự chấp thuận của Ủy ban nhân dân (sau đây viết tắt
là UBND) cấp huyện và phải bảo đảm vệ sinh môi trường.
3. Việc táng phải phù hợp với tín ngưỡng, phong
tục, tập quán tốt, truyền thống văn hóa và nếp sống văn minh hiện đại.
4. Sử dụng đất trong nghĩa trang phải theo quy
hoạch và đúng mục đích, có hiệu quả và bảo đảm các yêu cầu về cảnh quan, vệ
sinh môi trường.
5. Khuyến khích áp dụng các công nghệ tiên tiến
mang ý nghĩa tích cực trong việc quản lý và sử dụng nghĩa trang.
Điều 4. Quản lý nhà nước về
nghĩa trang.
1. Quản lý nhà nước về nghĩa trang là việc quản
lý, chỉ đạo, thẩm định, phê duyệt, hướng dẫn, thanh kiểm tra việc tổ chức thực
hiện của các hoạt động xây dụng, quản lý và sử dụng nghĩa trang được qui định tại
Nghị định số 35/2008/NĐ-CP:
a) Quy hoạch và xây dựng nghĩa trang
b) Ban hành và hướng dẫn thi hành các văn bản về
quản lý và sử dụng nghĩa trang,
c) Quản lý giá dịch vụ nghĩa trang.
d) Đề xuất việc đóng cửa nghĩa trang với các cấp
chính quyền khi nghĩa trang không còn đủ điều kiện hoạt động. Nghĩa trang do cấp
nào quản lý thì UBND cấp đó có thẩm quyền quyết định việc đóng cửa nghĩa trang.
đ) Xây dựng cơ sở dữ liệu về hệ thống nghĩa
trang trên địa bàn tỉnh.
e) Thanh, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố
cáo, xử lý vi phạm trong việc quản lý và sử dụng nghĩa trang.
g) Báo cáo định kỳ về tình hình hoạt động, quản
lý của các nghĩa trang.
h) Mở rộng hợp tác với quốc tế, với các địa
phương, tổ chức, cá nhân trong việc quản lý và sử dụng nghĩa trang.
i) Nghiên cứu ứng dụng các công nghệ tiên tiến,
các phương pháp mới trong việc quản lý và sử dụng nghĩa trang.
k) Tuyên truyền, khuyến khích sự tham gia của cộng
đồng trong việc quản lý và sử dụng nghĩa trang.
2. UBND tỉnh thống nhất quản lý nhà nước đối với
toàn bộ hệ thống nghĩa trang nhân dân trên địa bàn tỉnh, phù hợp các văn bản
quy phạm pháp luật của nhà nước và giao nhiệm vụ, phân công chức năng trách nhiệm
tham mưu giúp UBND tỉnh quản lý nhà nước đối với các hệ thống nghĩa trang nhân
dân của tỉnh theo các nội dung dưới đây:
a) Sở Xây dựng chịu trách nhiệm tham mưu giúp
UBDN tỉnh quản lý nhà nước đối với hệ thống nghĩa trang cấp I, cấp II, cấp III.
b) UBND cấp huyện chịu trách nhiệm quản lý nhà
nước đối với hệ thống nghĩa trang cấp IV và các khu mộ dòng họ, khu mộ tôn
giáo, nghĩa địa và các phần mộ riêng lẻ trên địa bàn.
Điều 5. Các hoạt động
tín ngưỡng trong nghĩa trang của thân nhân người quá cố như: Lễ hạ huyệt, nhập
mộ; thổi kèn, gõ trống trong lúc mai táng; lễ sửa mộ, xây mộ; lễ cải táng và
các nghi lễ liên quan khác trong quá trình an táng tại nghĩa trang được thực hiện
theo phong tục tập quán của mỗi địa phương, từng dân tộc nhưng không trái với
quy định của pháp luật tại mục 2 Chương II Thông tư 04/2011/TT-BVHTTDL ngày
21/01/2011 của bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định về việc thực hiện nếp sống
văn minh trong việc cưới, việc tang lễ và lễ hội.
Điều 6. Chính sách xã hội áp
dụng đối với các trường hợp sau:
1. Người vô gia cư, không có thân nhân hoặc có
thân nhân nhưng không có điều kiện lo việc mai táng, khi chết ở địa phương nào
thì UBND cấp xã chính quyền địa phương nơi đó có trách nhiệm lo toàn bộ chi phí
mai táng phù hợp với điều kiện của địa phương, chi phí được lấy từ tài sản của
người chết (nếu có) hoặc từ nguồn hỗ trợ kinh phí thực hiện theo Nghị định số
13/2010/NĐ-CP ngày 27/02/2010 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của
Nghị định số 67/2007/NĐ-CP ngày 13/4/2007 của Chính phủ về chính sách trợ giúp
các đối tượng bảo trợ xã hội và phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức
táng.
2. Cho phép người nước ngoài sinh sống tại Lào
Cai, người Việt Nam định cư ở nước ngoài hoặc người địa phương khác, sau khi chết
có nguyện vọng được táng tại các nghĩa trang trên địa bàn tỉnh Lào Cai.
3. Đối với các trường hợp chết do thiên tai, dịch
bệnh, UBND cấp xã chính quyền địa phương nơi đó có trách nhiệm hỗ trợ, tổ chức
táng cho người chết, bảo đảm yêu cầu về an toàn, vệ sinh phòng dịch, không gây
ô nhiễm môi trường theo quy định của Bộ Y tế và Bộ Tài nguyên và Môi trường.
4. Đối với các mộ trong nghĩa trang phải thực hiện
di chuyển theo quy hoạch, mà các mộ này không có thân nhân hoặc không còn thân
nhân chăm sóc thì đơn vị quản lý nghĩa trang:
a) Được phép di chuyển mộ tới vị trí khác trong
cùng nghĩa trang theo đúng vị trí quy hoạch duyệt.
b) Được phép di chuyển mộ tới nghĩa trang khác
nhưng phải được đơn vị quản lý nghĩa trang nơi tiếp nhận chấp thuận.
Điều 7. Các hành vi bị cấm.
1. Thực hiện theo Điều 8 Nghị định số
35/2008/NĐ-CP .
2. Phá hoại các phần mộ xây dựng trong nghĩa
trang dưới mọi hình thức.
3. Xây gạch đá be thành xung quanh phần mộ hung
táng, có cải táng.
Chương II
QUY HOẠCH, XÂY DỰNG, CẢI
TẠO, ĐÓNG CỬA VÀ DI CHUYỂN NGHĨA TRANG
Điều 8. Quy hoạch tổng thể vị
trí địa điểm hệ thống nghĩa trang.
1. Quy hoạch tổng thể vị trí địa điểm hệ thống nghĩa
trang của tỉnh Lào Cai phải phù hợp với quy hoạch vùng tỉnh, Quy hoạch chung
xây dựng đô thị, quy hoạch chung xây dựng nông thôn mới và được phê duyệt theo
quy định của pháp luật về quy hoạch xây dựng.
2. Quy hoạch tổng thể vị trí địa điểm hệ thống nghĩa
trang của tỉnh phải xác định quy mô của từng loại nghĩa trang theo 04 cấp nêu tại
khoản 2 Điều 2 của Quy định này và xác định được công suất sử dụng tối thiểu là
50 năm từ thời điểm lập quy hoạch.
3. Quy hoạch địa điểm nghĩa trang các cấp (I,
II, III và IV) là một trong những nội dung của Quy hoạch chung xây dựng đô thị
thành phố Lào Cai, Quy hoạch chung xây dựng đô thị cấp huyện hoặc Quy hoạch
chung xây dựng nông thôn mới và phải phù hợp, tuân theo Quy hoạch tổng thể vị
trí địa điểm nghĩa trang toàn tỉnh nêu tại khoản 1, 2 của Điều này.
4. Yêu cầu về quy hoạch địa điểm nghĩa trang. Thực
hiện theo đúng khoản 2 Điều 9 Nghị định số 35/2008/NĐ-CP .
5. Nội dung quy hoạch địa điểm nghĩa trang. Thực
hiện theo khoản 3 Điều 9 Nghị định số 35/2008/NĐ-CP. Ngoài ra bổ sung thêm một
số nội dung sau:
a) Xây dựng dự án đầu tư ưu tiên; sơ bộ tổng mức
đầu tư, dự kiến nguồn vốn và kế hoạch thực hiện.
b) Thành phần hồ sơ bản vẽ hiện trạng và Quy hoạch
xây dựng nghĩa trang: Thực hiện theo khoản 8, điều 13 của Thông tư 10/2010/TT-BXD
ngày 11/8/2010 của Bộ Xây dựng về quy định hồ sơ của từng loại quy hoạch đô thị.
6. Trường hợp Quy hoạch chung xây dựng đô thị được
phê duyệt còn trong thời hạn 05 năm chưa phải rà soát, điều chỉnh hoặc quy hoạch
chung xây dựng nông thôn mới được duyệt thì căn cứ vào Quy hoạch tổng thể vị
trí địa điểm nghĩa trang toàn tỉnh (nghĩa trang cấp I, cấp II, cấp III và cấp
IV ) để tổ chức lập quy hoạch xây dựng nghĩa trang mà không phải lập lại Quy hoạch
địa điểm nghĩa trang.
7. Sở Xây dựng chủ trì, có trách nhiệm phối hợp
với các cơ quan liên quan và chính quyền cấp huyện tổ chức lập, thẩm định để
trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt Quy hoạch tổng thể vị trí địa điểm nghĩa
trang các đô thị và các xã trên toàn tỉnh.
Điều 9. Quy hoạch xây dựng
nghĩa trang.
1. Quy hoạch xây dựng nghĩa trang được hiểu là lập
quy hoạch chi tiết xây dựng nghĩa trang các cấp, bao gồm:
- Nghĩa trang nhân dân cấp tỉnh (cấp I): Tùy
theo quy mô được lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ từ 1/2000 đến 1/1000.
- Nghĩa trang nhân dân cấp tỉnh (cấp II, cấp
III): Tùy theo quy mô được lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ từ 1/1000 đến 1/500.
- Nghĩa trang nhân dân cấp huyện (cấp IV ): Được
lập quy hoạch xây dựng chi tiết tỷ lệ 1/500.
2. Các nghĩa trang xây dựng mới hoặc mở rộng đều
phải lập quy hoạch xây dựng nghĩa trang.
3. Đối với nghĩa trang nhân dân cấp huyện (cấp
IV) đã có quy hoạch tổng thể, quy hoạch địa điểm, quy hoạch chung xây dựng nông
thôn mới được duyệt nếu có quy mô nhỏ hơn 05 ha thì không phải lập quy hoạch
xây dựng chi tiết mà được lập tổng mặt bằng xây dựng kèm theo dự án đầu tư để
phê duyệt theo quy định của pháp luật về xây dựng.
4. Yêu cầu đối với quy hoạch xây dựng nghĩa
trang thực hiện theo khoản 2 Điều 10 Nghị định số 35/2008/NĐ-CP .
5. Sở Xây dựng có trách nhiệm tổ chức lập, thẩm
định và trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng nghĩa
trang nhân dân cấp I, cấp II, cấp III.
6. Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm tổ
chức lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng nghĩa trang cấp
IV.
Điều 10. Quy định xây dựng
nhà tang lễ
Thực hiện theo chương 10 Quy chuẩn kỹ thuật Quốc
gia của Thông tư số 02/2010/TT-BXD và theo quy đinh này như sau:
1. Tại thành phố Lào Cai, thị trấn Tằng Loỏng bắt
buộc mỗi đô thị này phải xây dụng tối thiểu 01 nhà tang lễ; các đô thị còn lại
trên địa bàn tỉnh khuyến khích xây dựng nhà tang lễ.
2. Khoảng cách an toàn vệ sinh môi trường
(ATVSMT) đối với nhà tang lễ.
a) Khoảng cách ATVSMT nhỏ nhất từ nhà tang lễ đến
chợ, trường học là 200m; đến nhà ở và các công trình công cộng dân dụng khác là
100m.
b) Trong vùng ATVSMT của nhà tang lễ được thực
hiện các hoạt động canh tác nông nghiệp, được xây dựng các công trình hạ tầng kỹ
thuật như giao thông, thủy lợi, tuyến và trạm điện, truyền tải xăng dầu, hệ thống
thoát nước.
Các khu chức năng chủ yếu trong nhà tang lễ.
a) Khu văn phòng: Phòng làm việc, kho để hàng
hóa phục vụ, phòng khách, khu vệ sinh.
b) Khu lễ tang: Hành lang, phòng chờ, nơi tổ chức
tang lễ, phòng lạnh, chỗ đặt quan tài, phòng khâm liệm.
c) Hệ thống hạ tầng kỹ thuật: Đường đi, sân, bãi
đỗ xe, cấp nước, thoát nước, chiếu sáng, cây xanh, thu gom rác.
4. Diện tích và sử dụng đất trong nhà tang lễ
a) Vị trí xây dựng Nhà tang lễ phải phù hợp với
Quy hoạch chung xây dựng đô thị được duyệt
b) Diện tích tối thiểu mặt bằng khuôn viên của
nhà tang lễ là 10 000m2.
c) Tỷ lệ sử dụng đất cho nhà tang lễ: khu văn
phòng 10%; khu lễ tang 30%; bãi đỗ xe 30%; còn lại là lối đi, sân, cây xanh.
5. Kiến trúc, cảnh quan môi trường nhà tang lễ
a) Kiến trúc nhà tang lễ phải phù hợp với điều
kiện tự nhiên và phong tục tập quán của địa phương; mặt bằng hợp lý, thuận tiện
với quy trình tổ chức lễ tang; đảm bảo thông thoáng tự nhiên.
b) Ngoài khoảng cây xanh cách ly giữa nhà tang lễ
với khu dân cư, hàng rào cần xây dựng phù hợp với cảnh quan xung quanh.
c) Giao thông trong nhà tang lễ:
- Có ít nhất đường ra và đường vào nhà tang lễ
riêng biệt, mặt cắt ngang đường tối thiểu là 10m, đảm bảo khả năng thoát hiểm
khi xảy ra sự cố cháy nổ và thiên tai.
- Nhà tang lễ phải có lối đi riêng, có các công
trình vệ sinh riêng và phải đảm bảo cho người khuyết tật tiếp cận nhà tang lễ.
- Bán kính quay xe tối thiểu trong bãi đỗ xe là
13m, độ dốc dọc tối đa là 2%.
- Bãi đỗ xe phải bố trí lối ra, lối vào tách biệt
nhau nhằm tránh ùn tắc và phòng hỏa hoạn, bề rộng tối thiểu là 6m.
- Bãi đỗ xe nằm trong khuôn viên nhà tang lễ hoặc
nằm trong khu vực cách ly cây xanh giữa nhà tang lễ với khu dân cư.
Điều 11. Quy định xây dựng
nghĩa trang
Thực hiện theo chương 10 Quy chuẩn kỹ thuật Quốc
gia của Thông tư số 02/2010/TT-BXD , được quy định như sau:
1. Khoảng cách an toàn vệ sinh môi trường
(ATVSMT) đối với nghĩa trang
a) Khoảng cách ATVSMT nhỏ nhất từ nghĩa trang đến
đường bao khu dân cư, trường học, bệnh viện, công sở được quy định như sau:
- Đối với nghĩa trang hung táng là 2000m khi
chưa có hệ thống thu gom và xử lý nước thải từ mộ hung táng và 500m khi có hệ
thống thu gom và xử lý nước thải từ mộ hung táng; đối với nghĩa trang cát táng
là 100m.
- Đối với nghĩa trang chôn cất một lần, tối thiểu
là 500m.
b) Khoảng cách ATVSMT nhỏ nhất đến công trình
khai thác nước sinh hoạt tập trung từ nghĩa trang hung táng là 5.000m, từ nghĩa
trang cát táng là 3000 m.
c) Khoảng cách ATVSMT nhỏ nhất từ nghĩa trang đến
mép nước gần nhất của mép nước các lưu vực lớn là:
- Đối với nghĩa trang hung táng: 500m;
- Đối vói nghĩa trang cát táng: 100m.
d) Khoảng cách ATVSMT nhỏ nhất từ nghĩa trang
khu hung táng tới đường giao thông vành đai đô thị, đường sắt là 300m và phải
có cây xanh bao quanh nghĩa trang.
đ) Trong vùng ATVSMT của nghĩa trang được thực
hiện các hoạt động canh tác nông nghiệp, được xây dựng các công trình hạ tầng kỹ
thuật như giao thông, thủy lợi, tuyến và trạm điện, truyền tải xăng dầu, hệ thống
thoát nước.
2. Các khu chức năng chủ yếu trong nghĩa trang
a) Khu mai táng/hỏa táng: Nơi để chôn cất/hỏa
thiêu thi hài hoặc hài cốt
b) Khu tổ chức lễ tang: Nơi tổ chức lễ tang trước
khi chôn cất hoặc hỏa táng.
c) Khu điều hành: Nơi làm việc của lãnh đạo và nhân
viên quản lý nghĩa trang, bao gồm văn phòng, nhà kho, nhà khách, nhà chờ, nhà
thường trực, kiốt bán hàng, khu wc.
d) Khu kỹ thuật: rửa hài cốt, phòng lạnh bảo quản
thi hài, xử lý các xác không thừa nhận, nơi làm việc của Công an - Tư pháp,
nhân viên Y tế khi có vấn đề chết bất thường hoặc cấp cứu thân nhân đưa viếng
người đã khuất.
đ) Nhà để tiểu cốt, tro: Nơi để các tiểu cốt sau
cải táng và lọ tro sau khi hỏa táng thi hài (chỉ có ở các nghĩa trang sử dụng
hình thức hỏa táng).
e) Nhà chờ dành cho thân nhân người chết khi đến
nghĩa trang thăm viếng.
g) Khu dành cho các hoạt động tưởng niệm, thờ
cúng chung.
h) Hệ thống hạ tầng kỹ thuật: Đường, sân, bãi đỗ
xe, thoát nước, cấp nước sạch cho nghĩa trang, thu gom và xử lý chất thải rắn,
thu gom và xử lý nước thấm từ các mộ hung táng, chiếu sáng, cây xanh, mặt nước,
tiểu cảnh.
3. Diện tích và sử dụng đất trong nghĩa trang
a) Diện tích nghĩa trang bao gồm diện tích các
loại hình táng (mai táng có cải táng, chôn cất 1 lần, cát táng, hỏa táng) và diện
tích đất giao thông, cây xanh và công trình phụ trợ.
b) Tỷ lệ sử dụng đất trong nghĩa trang:
- Nghĩa trang khu hung táng, chôn cất một lần:
Diện tích chôn cất tối đa 70%, giao thông tối thiểu 10%, cây xanh tối thiểu
15%, công trình phụ trợ tối thiểu 5%.
- Nghĩa trang khu cát táng: Diện tích chôn cất tối
đa 60%, giao thông tối thiểu 10%, cây xanh tối thiểu 25%, công trình phụ trợ tối
thiểu 5 %.
c) Diện tích đất sử dụng
cho mỗi lô mộ (không tính diện tích đường đi xung quanh mộ):
- Mộ hung táng hoặc chôn cất một lần: ≤ 5 m2/mộ.
- Mộ cát táng: ≤ 4 m2/mộ
d) Thể tích ô để lọ tro hỏa táng tối đa là
0,125m3/ô.
4. Kiến trúc, cảnh quan môi trường nghĩa trang
a) Kiến trúc mộ bao gồm phần mộ, nơi thắp hương,
bia mộ. Hình thức kiến trúc mộ, bia mộ phải phù hợp với văn hóa, điều kiện của
địa phương và phải xây dựng theo thiết kế được duyệt.
b) Nghĩa trang được chia thành các khu/lô mộ.
Các khu/lô mộ được giới hạn bởi các đường đi bộ. Trong mỗi khu/lô mộ được chia
ra thành các nhóm mộ. Trong mỗi nhóm mộ hoặc lô mộ có các hàng mộ.
c) Kích thước mộ và huyệt mộ tối đa:
- Mộ hung táng hoặc chôn cất 1 lần: Kích thước mộ
(dài x rộng x cao): 2,5m x 1,4m x 0,8m, hoặc theo quy hoạch chi tiết được duyệt;
Kích thước huyệt mộ (dài x rộng x sâu): 2,2m x 0,9m x l,5m.
- Mộ cát táng: Kích thước mộ (dài x rộng x cao):
l,5m x 1m x 0,8m, hoặc theo quy hoạch chi tiết được duyệt; Kích thước huyệt mộ
(dài x rộng x sâu): 1,2 x 0,9m x 0,8m.
- Chiều cao văn bia mộ 1,5 m.
- Xác định chiều cao, chiều sâu mộ được tính từ
mặt bằng nền của lô mộ.
d) Kích thước ô để lọ tro hỏa táng tối đa (dài x
rộng x cao): 0,5m x 0,5m x 0,5m.
đ) Chiều rộng lối đi trong nghĩa trang:
+ Trục giao thông chính (đường phân khu) tối thiểu
là 7 m.
+ Đường giữa các lô mộ (đường phân lô) tối thiểu
là 3,5 m.
+ Lối đi bên trong các lô mộ (đường phân nhóm) tối
thiểu là 1,2 m.
+ Khoảng cách lối đi giữa hai hàng mộ liên tiếp
tối thiểu là 0,8 m.
+ Khoảng cách giữa 2 mộ liên tiếp cùng hàng tối
thiểu là 0,6 m.
e) Xung quanh nghĩa trang phải xây dựng hệ thống
thoát nước, không để nghĩa trang bị úng ngập cũng như tránh rò rỉ nước của
nghĩa trang ra khu vực xung quanh.
5. Thu gom và xử lý chất thải của nghĩa trang
a) Chất thải rắn ở nghĩa trang phải được thu gom
và chuyển đến nơi xử lý đảm bảo vệ sinh môi trường;
b) Nếu cấu tạo địa chất không bảo đảm chống thấm
nước (hệ số thấm lớn hơn 10 - 7cm/s và chiều dày lớp đất chống thấm nhỏ hơn 5m)
thì phải có hệ thống thu gom nước thấm từ các mộ hung táng để xử lý tập trung hợp
vệ sinh, trước khi thải xả ra môi trường. Vị trí khu xử lý nước thải của khu mộ
hung táng phải đặt ở hạ lưu nguồn tiếp nhận nước thải, nơi có địa hình thấp nhất
của nghĩa trang. Thời gian từ khi chôn người chết đến khi cải táng không dưới
36 tháng.
c) Phần đất nơi huyệt mộ sau cải táng phải để tối
thiểu là 12 tháng mới được tái sử dụng vào mục đích mai táng.
6. Nhà hỏa táng
a) Nhà hỏa táng được xây dựng thành một khu
riêng hay trong khuôn viên nghĩa trang tùy theo điều kiện của địa phương. Khoảng
cách ly nhỏ nhất từ nhà hỏa táng đến khu dân cư gần nhất là 1500m.
b) Các hạng mục chính của nhà hỏa táng gồm văn
phòng làm việc, phòng tiếp khách, phòng tổ chức lễ tang, phòng lạnh bảo quản
thi hài, bãi đỗ xe, khu lò hỏa táng, nhà lưu hài cốt, sân vườn. Nhà hỏa táng phải
đảm bảo các quy chuẩn về vệ sinh môi trường.
c) Khí thải của lò hỏa táng trước khi thải ra
môi trường phải đạt tiêu chuẩn môi trường Việt Nam.
d) Nhà lưu hài cót được bố trí theo từng tầng với
thể tích và kích thước của các ngăn lưu cốt được quy định tại quy định này.
Điều 12. Hoạt động xây dựng
đối với nghĩa trang
Mọi hoạt động xây dựng đối với nghĩa trang, bao
gồm: Xây dựng mới hoặc mở rộng nghĩa trang, cải tạo nghĩa trang, đóng cửa nghĩa
trang, di chuyển nghĩa trang và các phần mộ riêng lẻ đều phải thực hiện đúng
các quy định của Luật Xây dựng; Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia của Thông tư
02/2010/TT-BXD ; các văn bản pháp luật có liên quan, và các quy định tại điều
này.
1. Xây dựng mới hoặc mở rộng nghĩa trang thực hiện
theo Điều 11 Nghị định số 35/2008/NĐ-CP .
2. Cải tạo nghĩa trang thực hiện theo Điều 12
Nghị định số 35/2008/NĐ-CP .
3. Đóng cửa nghĩa trang thực hiện theo Điều 13
Nghị định số 35/2008/NĐ-CP. Ngoài ra bổ sung thêm một số nội dung sau:
a) Các nghĩa trang phải được đóng cửa khi không
còn diện tích sử dụng, không có điều kiện mở rộng và không gây ô nhiễm môi trường
hoặc gây ô nhiễm môi trường vượt quá tiêu chuẩn cho phép mà có khả năng khắc phục
thì được phép tồn tại để cải tạo thành khu vực cảnh quan, cây xanh trên địa
bàn.
b) Việc đóng cửa nghĩa trang do cơ quan có thẩm
quyền tại điều 13 của quy định này quyết định và được thông báo công khai;
4. Di chuyển nghĩa trang và các phần mộ riêng lẻ:
a) Thực hiện theo nội dung Điều 14 Nghị định số
35/2008/NĐ-CP.
b) Cơ quan có thẩm quyền tại điều 13 của quy định
này quyết định và được thông báo công khai;
Điều 13. Thẩm quyền quyết định
đóng cửa, di chuyển nghĩa trang và các phần mộ riêng lẻ.
1. Sở Xây dựng chủ trì phối hợp vói Ủy ban nhân
dân cấp huyện để trình Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định đóng cửa hoặc di chuyển nghĩa
trang nhân dân cấp I, cấp II, cấp III đảm bảo phù hợp với quy hoạch được duyệt
và điều kiện thực tế của địa phương.
2. Ủy ban nhân dân cấp huyện căn cứ quy hoạch
chung xây dựng đô thị, quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật đã được phê duyệt
và điều kiện thực tế của địa phương để lập kế hoạch tiến độ thực hiện và quyết
định đóng cửa, di chuyển nghĩa trang nhân dân cấp IV, các nghĩa địa, khu mộ
dòng họ, khu mộ tôn giáo, các phân mộ riêng lẻ trên địa bàn theo đúng quy hoạch
được duyệt;
3. Vốn dùng cho việc đền bù giải phóng mặt bằng
và di chuyển nghĩa trang, nghĩa địa để thực hiện các dự án đầu tư xây dựng nào
thì được tính cho tổng mức đầu tư của các dự án đó.
Chương III
QUẢN LÝ, SỬ DỤNG NGHĨA
TRANG
Điều 14. Nội dung quản lý
trực tiếp nghĩa trang.
1. Đối với nghĩa trang đang được sử dụng
a) Quản lý ranh giới, diện tích đất, quy mô
nghĩa trang theo đúng quy hoạch xây dựng nghĩa trang đã được cấp có thẩm quyền
phê duyệt.
b) Phổ biến, giám sát việc thực hiện những quy định
về quản lý và sử dụng nghĩa trang;
c) Định kỳ chăm sóc cây xanh, bảo quản phần mộ,
tro cốt, duy tu bảo dưỡng các công trình trong nghĩa trang;
d) Hướng dẫn, kiểm tra việc tuân thủ các quy định
về vệ sinh trong các hoạt động táng;
đ) Bảo đảm về vệ sinh môi trường trong nghĩa
trang.
e) Trang bị các thiết bị bảo hộ cá nhân như: khẩu
trang, quần áo, ủng, găng tay ... cho nhân viên và yêu cầu sử dụng khi trực tiếp
thực hiện công việc táng;
g) Giám sát, quản lý hoặc trực tiếp cung cấp các
dịch vụ nghĩa trang;
h) Lập và lưu trữ hồ sơ nghĩa trang;
i) Rà soát việc đánh số, xác định vị trí khu mộ,
hàng mộ, ngôi mộ trong nghĩa trang, đưa ra phương án điều chỉnh thích hợp (nếu
cần thiết). Trong trường hợp các khu mộ, phần mộ và vị trí các ô lưu trữ tro cốt
chưa được đánh số thi thực hiện việc đánh số theo hướng dẫn tại Điều 16 của Quy
định này;
k) Lập các bảng chỉ dẫn, sơ đồ vị trí các khu chức
năng, khu mộ, hàng mộ, phần mộ và vị trí các ô lưu trữ tro cốt phục vụ cho người
thăm viếng;
1) Đảm bảo an ninh, trật tự, kịp thời xử lý các
hành vi vi phạm; báo cáo cho các cơ quan chức năng các hành vi vi phạm nghiêm
trọng để kịp thời giải quyết;
m) Thực hiện báo cáo định kỳ (6 tháng, một năm)
về tình hình quản lý sử dụng nghĩa trang. Đối với đơn vị quản lý nghĩa trang được
đầu tư theo phương thức xã hội hóa báo cáo với UBND cấp xã, nơi xây dựng nghĩa
trang.
2. Đối với nghĩa trang đã đóng cửa: Thực hiện quản
lý theo các nội dung ở khoản 1 điều này trừ điểm d và điểm e.
Điều 15. Lập và lưu trữ hồ
sơ nghĩa trang
Thực hiện theo Điều 18 Nghị định số 35/2008/NĐ-CP.
Ngoài ra bổ sung thêm một số nội dung sau:
a) Lưu trữ các thông tin cơ bản của người được
táng: họ tên, quê quán, nguyên nhân chết, ngày chết, địa chỉ thân nhân để liên
hệ và các giấy tờ liên quan.
b) Khuyến khích áp dụng công nghệ tin học tiên
tiến trong việc lập, lưu trữ, khai thác hồ sơ nghĩa trang.
Điều 16. Xác đinh vị trí
các phần mộ, các ô lưu trữ tro cốt trong nghĩa trang
1. Tất cả các phần mộ, các ô lưu trữ tro cốt
trong nghĩa trang đều phải được đánh số.
2. Việc xác định vị trí các phần mộ, các ô lưu
trữ tro cốt trong nghĩa trang phải đảm bảo mục tiêu rõ ràng, thuận tiện cho người
sử dụng và người quản lý.
3. Phương pháp xác định vị trí các phần mộ.
a) Vị trí của ngôi mộ trong nghĩa trang được tạo
thành bởi: khu mộ/hàng mộ/số mộ;
b) Trong hồ sơ lưu trữ cần ghi đầy đủ khu mộ/hàng
mộ/số mộ; trên mộ chỉ ghi số mộ. Số của các phần mộ trong nghĩa trang phải
tương ứng với hồ sơ lưu;
c) Sử dụng các chữ cái A, B, C,... đặt tên cho
các khu mộ;
d) Sử dụng các số tự nhiên 1, 2, 3,... để đánh số
cho các hàng mộ trong khu mộ dọc theo các trục đường chính;
đ) Sử dụng các số tự nhiên 1, 2, 3, ... để đánh
số liên tiếp cho các mộ trong khu dọc theo các hàng (dự kiến cả số của những mộ
chưa được xây dựng);
e) Trong trường hợp các ngôi mộ hiện hữu không
được xây theo dãy, hàng thì sử dụng các chữ cái A, B, C, ... để phân khu và sử
dụng các số tự nhiên 1, 2, 3, ... đánh số liên tiếp các ngôi mộ trong khu.
4. Phương pháp xác định vị trí các ô lưu trữ tro
cốt.
a) Sử dụng các chữ cái A, B, C,... đặt tên cho
các khu, các phòng lưu trữ tro cốt;
b) Sử dụng các số tự nhiên 1, 2, 3,... để đánh số
thứ tự cho các tầng (nếu có) và cho các ô lưu trữ tro cốt;
c) Tùy theo cách bố trí các ô lưu trữ tro cốt,
đơn vị quản lý nghĩa trang chủ động đưa ra phương pháp phân khu các ô lưu trữ
cho phù hợp thuận tiện cho người tìm kiếm và ngươi quản lý.
5. Ghi tên khu mộ, đánh số ngôi mộ, vị trí ô lưu
giữ tro cốt phải rõ ràng, đảm bảo sử dụng lâu dài.
6. Khuyến khích áp dụng các công nghệ tiên tiến
vào việc xác định vị trí các phần mộ và các ô lưu trữ tro cốt trong các nghĩa
trang.
Điều 17: Xác định đơn vị quản
lý, khai thác và sử dụng nghĩa trang
1. Đối với hệ thống các nghĩa trang nhân dân hiện
có.
a) Đối với 03 (ba) nghĩa trang nhân dân hiện có
trên địa bàn thành phố Lào Cai gồm: nghĩa trang Đồng tuyển - Diện tích đất là 4
ha, nghĩa trang Vạn Hoa - Diện tích đất là 10,3 ha, nghĩa trang Dốc đỏ phường
Thống nhất - Diện tích đất gần 30 ha được đầu tư xây dựng từ nguồn vốn ngân
sách nhà nước, UBND tỉnh giao cho công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên
Môi trường đô thị Lào Cai trực tiếp quản lý khai thác và sử dụng.
b) Đối với nghĩa trang nhân dân hiện có thuộc cấp
IV: UBND cấp huyện xác định và giao đơn vị chức năng thuộc thẩm quyền trực tiếp
quản lý khai thác và sử dụng nghĩa trang được đầu tư xây dựng từ nguồn vốn ngân
sách nhà nước
c) Các tổ chức cá nhân trực tiếp hoặc thuê quản
lý khai thác và sử dụng nghĩa trang do mình đầu tư xây dựng và chịu quản lý nhà
nước của các cơ quan đơn vị tại Điều 4 của Quy định này.
2. Đối với các nghĩa trang xây dựng mới hoặc cải
tạo mở rộng từ nay trở về sau:
a) Đối với các nghĩa trang nhân dân cấp I, cấp
II, cấp III đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, UBND tỉnh quyết định giao
cho đơn vị chức năng thuộc thẩm quyền trực tiếp quản lý khai thác và sử dụng
nghĩa trang.
b) Đối với nghĩa trang nhân dân cấp IV được đầu
tư từ nguồn ngân sách nhà nước được thực hiện theo điểm b, khoản 1 Điều này.
c) Đối với các nghĩa trang nhân dân các cấp được
đầu tư từ nguồn vốn không thuộc ngân sách nhà nước được thực hiện theo điểm c,
khoản 1 Điều này.
Điều 18. Chi phí quản lý
nghĩa trang
1. Đối với các nghĩa trang được đầu tư xây dựng
từ nguồn vốn ngân sách nhà nước thì chi phí quản lý được lấy từ nguồn thu dịch
vụ nghĩa trang và nguồn vốn ngân sách tỉnh đối với nghĩa trang cấp I và nguồn
ngân sách huyện, thành phố Lào Cai đối với nghĩa trang cấp II, cấp III, cấp IV.
Riêng 03 (ba) nghĩa trang nhân dân hiện có trên địa bàn thành phố Lào Cai gồm:
Đồng tuyển,Vạn Hòa, Thống nhất được đầu tư xây dựng từ nguồn vốn ngân sách nhà
nước thì chi phí quản lý được lấy từ nguồn thu dịch vụ nghĩa trang và nguồn vốn
ngân sách tỉnh
2. Đối với các nghĩa trang do các tổ chức, cá
nhân đầu tư xây dựng, chi phí quản lý được lấy từ nguồn thu dịch vụ nghĩa
trang.
Điều 19. Giá dịch vụ nghĩa
trang
1. Giá dịch vụ nghĩa trang phải được tính đúng,
tính đủ, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh và phải được niêm yết
công khai.
2. Sở Tài chính chủ trì phối hợp với Sở Xây Dựng
và các sở ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố Lào Cai xây dựng giá dịch
vụ nghĩa trang được đầu tư xây dựng từ nguồn vốn ngân sách trình UBND tỉnh quyết
định.
3. Sở Tài chính chủ trì phối hợp với Sở Xây Dụng
và các sở ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố Lào Cai thẩm định trình
UBND tỉnh chấp thuận phương án khai thác kinh doanh nghĩa trang đầu tư xây dựng
không bằng nguồn vốn ngân sách. Tổ chức, cá nhân tự quyết định giá dịch vụ
nghĩa trang do mình cung cấp trên cơ sở phương án khai thác kinh doanh được
UBND cấp tỉnh chấp thuận đối với các nghĩa trang do mình đầu tư xây dựng.
Điều 20. Quản lý sử dụng đất
trong nghĩa trang được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước.
1. Việc sử dụng đất trong nghĩa trang phải đúng
theo quy hoạch, theo vị trí khu mộ, hàng mộ và phần mộ, việc sử dụng đất mai
táng phải đúng mục đích, đúng đối tượng.
2. Việc giao đất mai táng trong nghĩa trang
phải thực hiện lần lượt trong khu, hàng đã định trước theo quy hoạch, quy chế
quản lý và dự án đầu tư được phê duyệt.
Điều 21. Trách nhiệm của
đơn vị trực tiếp quản lý nghĩa trang.
1. Thực hiện quản lý nghĩa trang và tổ chức việc
lập lưu trữ hồ sơ nghĩa trang theo đúng nội dung quy định tại Điều 14, Điều 15,
Điều 16, Điều 19, Điều 20 của quy định này và Điều 22 của Nghị định số
35/2008/NĐ-CP và thực hiện trách nhiệm khác theo quy đinh của pháp luật.
Điều 22. Trách nhiệm của
người sử dụng dịch vụ nghĩa trang
1. Thực hiện theo Điều 23 Nghị định số
35/2008/NĐ-CP .
2. Tuân thủ các quy định tại Điều 7 của Quy định
này.
Chương IV
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 23. Xử lý những tồn tại
trong việc quản lý nghĩa trang
1. Đối với nghĩa trang nhân dân chưa được quy hoạch
xây dựng đồng bộ
a) UBND theo phân cấp quản lý nghĩa trang xác định
lại ranh giới, phân khu chức năng, khu mộ, hàng mộ trong các nghĩa trang do
mình quản lý.
b) Thực hiện việc xây mới, tu bổ các phần mộ
trong nghĩa trang theo Điều 12 của Quy định này.
2. Đối với các nghĩa trang do dòng họ, gia đình
quản lý
a) UBND cấp xã thống kê các nghĩa trang do dòng
họ, gia đình quản lý trên địa bàn, xác định lại ranh giới từng nghĩa trang, hướng
dẫn và yêu cầu các dòng họ, gia đình thực hiện quản lý; sử dụng nghĩa trang
theo quy định này.
b) UBND cấp xã kiểm soát, không cho phép việc
thành lập mới và mở rộng ranh giới nghĩa trang của các dòng họ, gia đình.
3. Đối với các phần mộ không nằm trong các nghĩa
trang đã được xác định vị trí, ranh giới
a) UBND cấp xã thống kê danh sách các phần mộ
không nằm trong các nghĩa trang đã được xác định vị trí, ranh giới;
b) Các phần mộ này khi cải táng phải di chuyển
vào trong các nghĩa trang;
c) Đối với các phần mộ ảnh hưởng nghiêm trọng đến
cảnh quan, môi trường, UBND cấp xã yêu cầu thân nhân di chuyển phần mộ vào
trong các nghĩa trang;
d) Đối với các phần mộ không rõ thân nhân, UBND
cấp xã tìm hiểu, xác định lại thông tin về thân nhân và lập kế hoạch di dời các
phân mộ này vào trong các nghĩa trang.
Điều 24. Trách nhiệm của
các Sở, Ngành.
1. Sở Xây dựng:
a) Chủ trì, chịu trách nhiệm hướng dẫn, kiểm
tra, đôn đốc và giải quyết các vướng mắc trong quá trình thực hiện Quy định
này. Theo dõi và cập nhật các văn bản quy phạm pháp luật về xây dựng, quản lý
và sử dụng nghĩa trang để tham mưu cho UBND tỉnh điều chỉnh bổ sung kịp thời.
b) Xây dựng Quy chế quản lý từng nghĩa trang
nhân dân cấp tỉnh được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước trình UBND tỉnh
phê duyệt. Nội dung quy chế quản lý nghĩa trang được quy định tại Điều 21 của
Nghị định số 35/2008/NĐ-CP .
c) Tham mưu trình UBND tỉnh ban hành văn bản thỏa
thuận Quy chế quản lý từng nghĩa trang nhân dân cấp tỉnh đầu tư không bằng nguồn
vốn ngân sách nhà nước, để tổ chức, cá nhân phê duyệt quy chế quản lý nghĩa
trang do mình đầu tư xây dựng và sau khi ban hành quy chế phải gửi cho Sở Xây dựng
để quản lý, giám sát, kiểm tra việc thực hiện.
2. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì
phối hợp với các sở: Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và đầu tư,
Tài chính, Y tế và UBND các huyện, thành phố Lào Cai xây dựng các chế độ chính
sách xã hội trình tự thủ tục và thẩm quyền giải quyết đối với các đối tượng đặt
biệt trong việc mai táng khi chết trình UBND tỉnh quyết định.
3. Sở Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm
quản lý nhà nước về môi trường đối với hệ thống nghĩa trang nhân dân các cấp
trên địa bàn tỉnh; tham mưu cho UBND tỉnh lập phương án điều chỉnh kế hoạch sử
dụng đất nghĩa trang, quy định vùng hạn chế, vùng cấm khai thác nước ngầm, khai
thác khoáng sản theo Quy hoạch tổng thể nghĩa trang nhân dân của tỉnh được phê
duyệt.
4. Sở Y tế chủ trì, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc
và kiến nghị xử lý các hành vi vi phạm về vệ sinh trong các hoạt động táng tại
các nghĩa trang trên địa bàn tỉnh.
5. Các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính theo chức
năng, nhiệm vụ bảo đảm cân đối vốn đầu tư ngân sách nhà nước hàng năm để đầu tư
xây dựng nghĩa trang từ nguồn vốn ngân sách nhà nước theo quy hoạch, dự án được
duyệt và nghiên cứu xây dựng phương án khuyến khích huy động các nguồn vốn khác
để đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp hệ thống nghĩa trang nhằm bảo đảm việc
phát triển và nâng cấp đô thị cho từng thời kỳ theo kế hoạch, quy hoạch được
phê duyệt
6. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Thông tin
và Truyền thông, các cơ quan thông tin đại chúng: Tuyên truyền, vận động việc
thực hiện các hình thức táng văn minh, tiết kiệm đất và đảm bảo vệ sinh môi trường
như hỏa táng; hạn chế tối đa đi đến chấm dứt việc đốt giấy vàng mã trong nhân
dân nhằm tránh lãng phí và đảm bảo vệ sinh môi trường.
7. Các Sở, ngành chức năng của tỉnh khi thẩm định
và trình phê duyệt quy hoạch chung xây dựng đô thị phải xác định rõ địa điểm
nghĩa trang trên địa bàn trong đô án quy hoạch chung xây dựng đô thị.
Điều 25. Trách nhiệm của Ủy
ban nhân dân cấp huyện:
1. Thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về
xây dựng, quản lý và sử dụng nghĩa trang đã được phân cấp cụ thể tại Quy định
này.
2. Tổ chức xây dựng, phê duyệt Quy chế quản lý từng
nghĩa trang nhân dân cấp huyện được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước. Nội
dung quy chế quản lý nghĩa trang được quy định tại Điều 21 của Nghị định số
35/2008/NĐ-CP .
3. Văn bản thỏa thuận Quy chế quản lý từng nghĩa
trang nhân dân cấp huyện đầu tư không bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước để tổ
chức, cá nhân phê duyệt quy chế quản lý nghĩa trang do mình đầu tư xây dựng và
sau khi ban hành quy chế phải gửi cho UBND cấp huyện quản lý, giám sát, kiểm
tra việc thực hiện.
4. Phân cấp cụ thể cho các xã, phường, thị trấn
quản lý nhà nước đối với nghĩa trang cấp huyện.
Điều 26. Thanh tra, kiểm
tra, xử lý vi phạm, khen thưởng.
1. Thanh tra xây dựng, Thanh tra Tài nguyên -
Môi trường, Thanh tra Y tế các cấp và Thanh tra nhà nước cấp huyện thực hiện chức
năng thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm đối với các hoạt động về xây dựng, quản
lý và sử dụng nghĩa trang của tổ chức, cá nhân có liên quan đúng theo các quy định
của pháp luật về Thanh tra.
2. Tổ chức, cá nhân có trách nhiệm ngăn chặn hoặc
phải thông báo kịp thời cho Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Thanh tra xây dựng các
cấp biết để xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong các hoạt động về xây dựng,
quản lý và sử dụng nghĩa trang trên địa bàn.
3. Mọi vi phạm các hành vi bị cấm theo Điều 7 của
Quy định này, các quy định của nhà nước có liên quan thì tùy theo tính chất, mức
độ vi phạm mà bị xử lý hành chính theo quy định hoặc bị truy cứu trách nhiệm
hình sự theo quy định pháp luật.
4. Trường hợp các vi phạm gây thiệt hại đến lợi
ích Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân thì đối tượng
vi phạm ngoài việc bị xử lý hành chính còn phải bồi thường thiệt hại theo quy định.
5. Cá nhân, tập thể có những đóng góp tiêu biểu
vào việc quản lý nghĩa trang được cơ quan nhà nước có thẩm quyền khen thưởng.
Điều 27. Điều khoản thi
hành.
Trong quá trình tổ chức thực hiện Quy định này nếu
gặp khó khăn, vướng mắc phản ánh kịp thời về Sở Xây dựng để tổng hợp trình UBND
tỉnh sửa đổi, bổ sung.