THỦ
TƯỚNG CHÍNH PHỦ
******
|
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số:
278/2005/QĐ-TTG
|
Hà
Nội, ngày 02 tháng 11 năm 2005
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐIỀU CHỈNH QUY HOẠCH CHUNG XÂY DỰNG THÀNH
PHỐ THÁI NGUYÊN, TỈNH THÁI NGUYÊN ĐẾN NĂM 2020
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng
12 năm 2001;
Căn cứ Luật Xây dựng ngày 26 tháng 11 năm 2003 và Nghị định số 08/2005/NĐ-CP
ngày 24 tháng 01 năm 2005 của Chính phủ về quy hoạch xây dựng;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Xây dựng (tờ trình số 58/TTr-BXD ngày 21 tháng 9
năm 2005) và của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên (tờ trình số
24/TTr-XDCB ngày 05 tháng 10 năm 2005 và công văn số 1140 ngày 21 tháng 10 năm
2005) về việc phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng thành phố Thái
Nguyên, tỉnh Thái Nguyên đến năm 2020,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt điều
chỉnh Quy hoạch chung xây dựng thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên với những
nội dung chủ yếu sau:
1. Phạm vi nghiên cứu quy hoạch
Phạm vi nghiên cứu 18.707 ha bao gồm 17.707 ha
diện tích đất tự nhiên hiện nay của thành phố và 1.000 ha phía Bắc sông Cầu thuộc
xã Cao Ngạn và xã Đồng Bẩm, huyện Đồng Hỷ; ranh giới nghiên cứu được xác định
như sau:
- Phía Bắc giáp các huyện Đại Từ, Phú Lương, Đồng
Hỷ;
- Phía Nam giáp thị xã Sông Công;
- Phía Tây giáp huyện Đại Từ;
- Phía Đông giáp huyện Phú Bình;
Phạm vi lập quy hoạch: 6.080,23 ha gồm đất nội thành
hiện có và 1.000 ha phía Bắc sông Cầu thuộc xã Cao Ngạn và xã Đồng Bẩm, huyện Đồng
Hỷ.
2. Tính chất:
Thành phố Thái Nguyên là trung tâm chính trị,
kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học kỹ thuật, y tế, du lịch của tỉnh Thái
Nguyên và vùng trung du miền núi Bắc Bộ; là một trong những trung tâm công nghiệp
và giáo dục đào tạo của cả nước. Là đầu mối giao thông quan trọng nối các tỉnh
miền núi phía Bắc với các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ; có vị trí quan trọng về an
ninh quốc phòng.
3. Quy mô dân số
- Đến năm 2010: dân số toàn thành phố khoảng
480.000 người, trong đó nội thành 350.000 người, ngoại thành 130.000 người.
- Đến năm 2020: dân số toàn thành phố khoảng
600.000 người, trong đó nội thành 450.000 người, ngoại thành 150.000 người
4. Quy mô đất xây dựng
- Đến năm 2010: diện tích đất xây dựng đô thị
khoảng 5.372 ha, bình quân 160 m2/ng, trong đó đất dân dụng khoảng
4.070 ha, bình quân 123 m2/ng.
- Đến năm 2020: diện tích đất xây dựng đô thị
khoảng 6.850 ha, bình quân 157 m2/ng, trong đó đất dân dụng khoảng
5.070 ha, bình quân 118 m2/ng.
5. Định hướng phát triển không
gian và kiến trúc cảnh quan đô thị
- Phía Bắc: xây dựng khu công nghiệp tập trung để
di chuyển một số nhà máy xí nghiệp nằm rải rác trong nội thành.
- Phía Tây: xây dựng khu công viên cây xanh thể
dục thể thao cấp vùng tới hết phường Thịnh Đán.
- Phía Đông: phát triển sang xã Cao Ngạn và xã Đồng
Bẩm chủ yếu khai thác cảnh quan, hạn chế xây dựng tập trung để đảm bảo thoát lũ
sông Cầu; khai thác cảnh quan hai bên sông Cầu, đoạn từ cầu Quán Triều đến bến
Oánh.
- Phía Nam: phát triển đến hết xã Lương Sơn, xây
dựng các khu ở mới kết hợp cải tạo các khu ở hiện trạng, dành quỹ đất phía Đông
xã Lương Sơn giáp sông Cầu để xây dựng khu du lịch sinh thái.
b) Phân khu chức năng
- Các khu dân cư: gồm khu dân cư phía Bắc và khu
dân cư phía Nam thành phố:
+ Khu dân cư phía Bắc thành phố bao gồm: khu ở số
1 (các phường Tân Long, Quán Triều, Quang Vinh; khu đô thị mới thuộc phường Thịnh
Đán và các xã Đồng Bẩm, Cao Ngạn thuộc huyện Đồng Hỷ) với diện tích khoảng 900
ha, dân số khoảng 119.000 người; khu ở số 2 (các phường Túc Duyên, Trưng Vương,
Hoàng Văn Thụ, Đồng Quang, Quang Trung, Phan Đình Phùng, Gia Sàng) với diện
tích khoảng 610 ha, dân số khoảng 91.000 người; khu ở số 3 (các phường Tân Thịnh,
Tân Lập và Thịnh Đán) với diện tích khoảng 600 ha, dân số khoảng 90.000 người.
+ Khu dân cư phía Nam thành phố bao gồm: khu ở số
4 (các phường Phú Xá, Trung Thành, Tân Thành) quy hoạch cải tạo các khu dân cứ
cũ và xây dựng các khu ở mới với diện tích khoảng 650 ha, dân số khoảng 78.000
người; khu ở số 5 (các phường Cam Giá, Hương Sơn), quy hoạch cải tạo các khu
dân cư cũ với diện tích khoảng 600 ha, dân số khoảng 72.000 người.
- Các khu công nghiệp (700 ha) gồm 5 cụm chính:
+ Cụm công nghiệp số 1 (khoảng 100 ha): nằm ở
phía Tây Bắc Thành phố, thuộc phường Tân Long.
+ Cụm công nghiệp số 2 (khoảng 60 ha): gồm các
khu công nghiệp hiện trạng phía Bắc; giữ lại các cơ sở không độc hại, không gây
ô nhiễm môi trường nằm rải rác trong các phường Quang Vinh, Phan Đình Phùng và
nhà máy điện Cao Ngạn; các xí nghiệp gây ô nhiễm môi trường sẽ di chuyển đến Cụm
công nghiệp số 1.
+ Cụm công nghiệp số 3 (khoảng 290 ha): gồm các
khu công nghiệp phía Nam bao gồm Xí nghiệp hợp thành của Công ty liên hiệp Gang
thép Thái Nguyên và một số xí nghiệp khác.
+ Cụm công nghiệp số 4 (150 ha): khu công nghiệp
tập trung thuộc địa bàn phường Tân Lập, bao gồm các xí nghiệp chế tạo lắp máy
móc điện tử, chế biến khoáng sản đá quý.
+ Cụm công nghiệp số 5 (100 ha): là khu công
nghiệp tập trung thuộc địa bàn phường Thịnh Đán, gồm các loại hình công nghiệp
công nghệ cao.
- Các khu thương mại, dịch vụ công cộng (khoảng
225 ha) chủ yếu tập trung tại 2 trục:
+ Trục dịch vụ thương mại phía Bắc là trung tâm
dịch vụ cấp thành phố và cấp vùng, từ Bảo tàng kéo dài theo trục đường Hoàng
Văn Thụ, đường Quang Trung đi hồ Núi Cốc.
+ Trục dịch vụ thương mại phía Nam là trung tâm
cấp thành phố kéo dài theo các tuyến đường Cách mạng tháng 8 – Vó Ngựa – Lưu
Nhân Trí.
+ Hệ thống chợ được giữ nguyên vị trí như hiện nay,
tổ chức cải tạo và mở rộng nâng cấp theo yêu cầu của từng khu vực.
- Đất các trường đại học, chuyên nghiệp, y tế
giáo dục và du lịch (khoảng 360 ha) bao gồm:
+ Đại học Thái Nguyên gồm diện tích 314,5 ha tại
phường Quang Trung, xã Thịnh Đán, xã Phúc Hà đã có quy hoạch chi tiết được duyệt
và 45,50 ha đất các trường Đại học Y khoa, Đại học Công nghiệp và trường Công
nhân Cơ điện đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép giữ lại.
+ Các trường chuyên nghiệp khác không thuộc Đại
học Thái Nguyên gồm 13 trường (106,60 ha) giữ nguyên vị trí hiện tại, được nâng
cấp cải tạo, mở rộng khi có yêu cầu, phù hợp với quy mô từng trường.
- Hệ thống y tế: giữ nguyên vị trí hiện nay các
Trung tâm y tế cấp vùng và cấp tỉnh (Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên
và 1 số bệnh viện khác).
- Các khu du lịch: ưu tiên phát triển khai thác
dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng vùng hồ Núi Cốc.
- Các khu cây xanh thể dục thể thao:
+ Khu trung tâm công viên cây xanh thể dục thể
thao cấp vùng (100 ha) bố trí tại địa bàn phường Thịnh Đán và phường Tân Thịnh,
phía Nam đường đi hồ Núi Cốc.
+ Trung tâm công viên cây xanh thể dục thể thao
cấp thành phố (215 ha) gồm: khu phía Bắc bố trí tại trung tâm thành phố và khu
phía Nam bố trí phía Bắc đường Lưu Nhân Trú.
+ Khu cây xanh cách ly: chủ yếu trồng cây chống
khói bụi và chống ồn xung quanh khu công nghiệp gang thép thuộc Phúc Xá và cụm
công nghiệp số 1 và 2.
+ Ngoài ra, tổ chức khu cây xanh hai bên sông Cầu
từ phường Tân Long đến xã Lương Sơn.
- Đất an ninh quốc phòng (khoảng 61 ha): di chuyển
một phần kho và xưởng có nguy cơ cháy nổ nằm gần các khu ở đô thi ra khỏi khu vực
nội thành để đảm bảo an toàn đô thị.
c) Định hướng phát triển kiến trúc cảnh quan đô
thị
- Hạn chế tối đa việc thay đổi địa hình thiên
nhiên để tạo bản sắc kiến trúc của vùng trung du, khai thác cảnh quan đẹp hai
bên sông Cầu.
- Tại các khu trung tâm thành phố xây dựng công
trình cao tầng để tạo không gian kiến trúc, tiết kiệm đất xây dựng, nâng mật độ
dân cư.
- Tại các khu vực xa trung tâm, xây dựng công
trình thấp tầng, chủ yếu là nhà vườn để đảm bảo cảnh quan thiên nhiên, phù hợp
với địa hình đồi núi.
- Tăng cường trồng cây xanh cách ly xung quanh
Khu công nghiệp gang thép Thái Nguyên.
6. Định hướng quy hoạch phát
triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật:
a) Giao thông
- Giao thông đối ngoại
+ Cải tạo nâng cấp quốc lộ 3 hiện trạng; nâng cấp
đoạn quốc lộ 3 phía Bắc và phía Nam đạt tiêu chuẩn đường cấp II trung du - miền
Núi.
+ Tuyến tránh quốc lộ 3 qua thành phố Thái
Nguyên về phía Tây thực hiện theo dự án đã được duyệt. Xây dựng đoạn tuyến quốc
lộ 1B cửa ngõ phía Bắc thành phố đạt tiêu chuẩn đường cấp II trung du - miền
núi với 4 làn xe.
+ Xây dựng mới tuyến từ khu gang thép đi thị xã
Sông Công; tuyến từ Đại học Thái Nguyên đi hồ Núi Cốc; tuyến đối ngoại của
thành phố về phía Đông Bắc.
+ Bến xe tải đối ngoại bố trí tại khu vực cụm
công nghiệp phường Tân Lập.
- Giao thông đô thị
Cơ bản giữ nguyên cấu trúc mạng lưới đường như đồ
án Quy hoạch chung đã được duyệt năm 1996.
b) Cấp điện:
- Tổng công suất tiêu thụ của thành phố đến năm
2020 khoảng 255,4 MW, đợt đầu (2010) khoảng 137 MW.
- Nguồn điện:
+ Nhà máy nhiệt điện Cao Ngạn đang xây dựng với
công suất 100 MW.
+ Hệ thống lưới điện quốc gia qua trạm giảm áp
chính khu vực 220/110/22 KV Cao Ngạn công suất hiện tại 1 x 125 MVA, tương lai
2 x 125 MVA.
- Đường dây cao thế: theo đường dây 220 KV từ trạm
220/110/22 KV Bắc Giang về Cao Ngạn.
c) Cấp nước:
- Tổng nhu cầu cấp nước cho toàn thành phố đến
năm 2020 khoảng 137.000 m3/nđ, đợt đầu (2010) khoảng 82.000 m3/nđ.
- Nguồn nước:
+ Nước mặt: lấy từ hồ Núi Cốc cung cấp cho nhà
máy nước Tích Lương công suất 127.000 m3/nđ.
+ Nước ngầm: cấp cho Nhà máy nước Túc Duyên có
công suất 10.000 m3/nđ.
- Mạng lưới đường ống: thiết kế theo 53 vòng
khép kín để đảm bảo tính an toàn và hiêu quả của hệ thống dựa trên cơ sở mạng
lưới đã có.
d) San nền:
- Chủ yếu giữ địa hình tự nhiên, chỉ đạo đắp nền
khi cần thiết phải tạo mặt bằng để xây dựng.
- Khống chế cao độ xây dựng: khu vực phía Bắc
cao độ xây dựng khu dân dụng lớn hơn 27,6 m và khu công nghiệp lớn hơn 28,7 m;
khu vực phía Nam cao độ xây dựng khu dân cư dân dụng lớn hơn 26,5 m và khu công
nghiệp lớn hơn 27,6 m.
- Khi có hệ thống đê hoàn chỉnh, cao độ xây dựng
khống chế lớn hơn 25,0 m.
đ) Thoát nước bẩn và vệ sinh môi trường:
- Lượng nước thải cần thu gom và xử lý đến năm 2020
khoảng 103.000 m3/nđ, đợt đầu (2010) khoảng 71.000 m3/nđ.
- Xử lý chất thải: chất thải rắn sinh hoạt được
thu gom và xử lý chôn lấp tại khu vực thuộc địa bàn xã Tân Cương, diện tích 30
ha.
- Nghĩa trang:
+ Nghĩa trang tại xã Tích Lương (hiện trạng 30 ha,
mở rộng thêm 27 ha) phục vụ toàn thành phố đến năm 2020. Nghĩa trang dốc Lim chỉ
sử dụng đến năm 2010, sau 2010 chỉ trồng cây xanh do không đảm bảo khoảng cách
vệ sinh.
+ Các khu vự nghĩa trang nằm rải rác được di
chuyển vào các nghĩa trang tập trung của thành phố.
7. Quy hoạch xây dựng đợt đầu
- Cải tạo, nâng cấp các khu ở hiện có, xây dựng
một số khu đô thị mới.
- Xây dựng, cải tạo và nâng cấp các tuyến đường:
đường Hoàng Văn Thụ, đường Quang Trung, đường đi hồ Núi Cốc, quốc lộ 3 phía Bắc
và Nam, trục đối ngoại từ cầu Gia Bảy qua Đồng Bẩm đi Lạng Sơn, hai tuyến đường
đối ngoại trong khu đô thị phía Nam.
- Xây dựng hệ thống bến xe khách và xe tải liên
tỉnh, nút giao thông chính.
- Cải tạo hành lang tuyến đường sắt qua thành phố;
nâng cấp hoàn chỉnh ga hành khách trung tâm và ga hàng hóa.
- Xây dựng một số công trình trọng điểm, các
trung tâm dịch vụ công cộng thương mại, chợ, khu thể thao, công viên v.v…
Điều 2. Ủy ban nhân
dân tỉnh Thái Nguyên:
- Phê duyệt hồ sơ thiết kế điều chỉnh Quy hoạch
chung thành phố Thái Nguyên đến năm 2020.
- Tổ chức việc thực hiện quy hoạch theo quy định
của pháp luật và công bố để cộng đồng giám sát, kiểm tra thực hiện.
- Ban hành Quy định về quản lý Quy hoạch chung
xây dựng thành phố Thái Nguyên đến năm 2020.
- Phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan tổ chức
lập, xét duyệt các quy hoạch chi tiết, quy hoạch xây dựng chuyên ngành, triển
khai dự án đầu tư xây dựng phát triển đô thị theo quy định của pháp luật.
Điều 3. Quyết định này
có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên, Bộ
trưởng Bộ Xây dựng và các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ
quan thuộc Chính phủ, các tổ chức có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết
định này./.
Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng (để báo cáo);
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng CP;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của QH;
- Văn phòng Quốc hội;
- Toà án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- Học viện hành chính quốc gia;
- Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh Thái Nguyên;
- Thành uỷ, HĐND, UBND TP Thái Nguyên;
- VPCP: BTCN, TBCN, các PCN, BNC,
Ban điều hành 112,
Người phát ngôn của Thủ tướng,
Các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: Văn thư, CN (5b), HL.180
|
KT. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
PHÓ THỦ TƯỚNG
Nguyễn Tấn Dũng
|