Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Quyết định 26/2022/QĐ-UBND đảm bảo phòng chống thiên tai sử dụng công trình Vĩnh Long

Số hiệu: 26/2022/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Vĩnh Long Người ký: Nguyễn Văn Liệt
Ngày ban hành: 05/09/2022 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH VĨNH LONG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 26/2022/QĐ-UBND

Vĩnh Long, ngày 05 tháng 9 năm 2022

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ BẢO ĐẢM YÊU CẦU PHÒNG, CHỐNG THIÊN TAI ĐỐI VỚI TỔ CHỨC, CÁ NHÂN QUẢN LÝ, VẬN HÀNH, SỬ DỤNG CÁC CÔNG TRÌNH VÀ TIÊU CHÍ BẢO ĐẢM YÊU CẦU PHÒNG, CHỐNG THIÊN TAI ĐỐI VỚI CÔNG TRÌNH, NHÀ Ở THUỘC QUYỀN SỞ HỮU CỦA HỘ GIA ĐÌNH, CÁ NHÂN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH VĨNH LONG

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH VĨNH LONG

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Phòng, chống thiên tai ngày 19 tháng 6 năm 2013; Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều ngày 17 tháng 6 năm 2020;

Căn cứ Nghị định số 66/2021/NĐ-CP ngày 06 tháng 7 năm 2021 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều;

Căn cứ Thông tư số 13/2021/TT-BNNPTNT ngày 27 tháng 10 năm 2021 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quy định bảo đảm yêu cầu phòng, chống thiên tai trong quản lý, vận hành, sử dụng các khu khai thác khoáng sản, khai thác tài nguyên thiên nhiên khác, đô thị, du lịch, công nghiệp, di tích lịch sử; điểm du lịch; điểm dân cư nông thôn; công trình phòng, chống thiên tai, giao thông, điện lực, viễn thông và hạ tầng kỹ thuật khác;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về bảo đảm yêu cầu phòng, chống thiên tai đối với tổ chức, cá nhân quản lý, vận hành, sử dụng các công trình và tiêu chí bảo đảm yêu cầu phòng, chống thiên tai đối với công trình, nhà ở thuộc quyền sở hữu của hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 9 năm 2022.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh có liên quan; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã và các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Ban Chỉ đạo Quốc gia về PCTT;
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ NN&PTNT;
- Cục Kiểm tra VBQPPL- Bộ Tư pháp;
- TT.TU, TT.HĐND tỉnh;
- TT.UBND tỉnh;
- Đoàn ĐBQH tỉnh;
- UBMTTQ VN tỉnh;
- Sở Tư pháp;
- LĐ VP.UBND tỉnh;
- Trung tâm Tin học - Công báo;
- Lưu: VT, 4.11.05.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT.CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Liệt

 

QUY ĐỊNH

VỀ BẢO ĐẢM YÊU CẦU PHÒNG, CHỐNG THIÊN TAI ĐỐI VỚI TỔ CHỨC, CÁ NHÂN QUẢN LÝ, VẬN HÀNH, SỬ DỤNG CÁC CÔNG TRÌNH VÀ TIÊU CHÍ BẢO ĐẢM YÊU CẦU PHÒNG, CHỐNG THIÊN TAI ĐỐI VỚI CÔNG TRÌNH, NHÀ Ở THUỘC QUYỀN SỞ HỮU CỦA HỘ GIA ĐÌNH, CÁ NHÂN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH VĨNH LONG
 (Kèm theo Quyết định số: 26/2022/QĐ-UBND ngày 05 tháng 09 năm 2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Quy định này quy định về bảo đảm yêu cầu phòng, chống thiên tai trong quản lý, vận hành và sử dụng khu khai thác khoáng sản và khu khai thác tài nguyên thiên nhiên khác; khu đô thị; điểm du lịch, khu du lịch; khu công nghiệp; khu di tích lịch sử; điểm dân cư nông thôn; công trình phòng, chống thiên tai, giao thông, điện lực, viễn thông và công trình hạ tầng kỹ thuật khác trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long.

2. Quy định này quy định các tiêu chí bảo đảm yêu cầu phòng, chống thiên tai đối với công trình, nhà ở thuộc quyền sở hữu của hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Quy định này áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có các hoạt động liên quan đến công tác bảo đảm yêu cầu phòng, chống thiên tai trong quản lý, vận hành và sử dụng công trình trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long.

2. Quy định này áp dụng đối với hộ gia đình, cá nhân sử dụng công trình, nhà ở; các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động phòng, chống thiên tai.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Quy định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Công trình bao gồm: Khu khai thác khoáng sản và khu khai thác tài nguyên thiên nhiên khác; khu đô thị; điểm du lịch, khu du lịch; khu công nghiệp; khu di tích lịch sử; điểm dân cư nông thôn; công trình phòng, chống thiên tai, giao thông, điện lực, viễn thông và công trình hạ tầng kỹ thuật khác.

2. Khu vực rủi ro cao đối với công trình, nhà ở là các khu vực ven sông, ven khu vực cù lao có nguy cơ cao bị ảnh hưởng bởi thiên tai; khu vực nguy cơ bị xói, sạt lở, sụt lún; khu vực dễ bị ngập lụt.

3. Khu vực rủi ro thấp đối với công trình, nhà ở là các khu vực có che chắn an toàn, đã loại trừ các khu vực rủi ro cao.

Điều 4. Nguyên tắc về bảo đảm yêu cầu phòng, chống thiên tai trong quản lý, vận hành, sử dụng các công trình và sử dụng công trình, nhà ở thuộc quyền sở hữu của hộ gia đình, cá nhân bảo đảm yêu cầu phòng chống thiên tai

1. Nguyên tắc về bảo đảm yêu cầu phòng, chống thiên tai trong quản lý, vận hành và sử dụng các công trình

a) Tuân thủ các nguyên tắc bảo đảm yêu cầu phòng, chống thiên tai trong quản lý, vận hành và sử dụng công trình theo quy định tại Điều 4 Thông tư số 13/2021/TT-BNNPTNT ngày 27 tháng 10 năm 2021 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

b) Nội dung bảo đảm yêu cầu phòng, chống thiên tai trong quản lý, vận hành và sử dụng các công trình trên địa bàn tỉnh phải được lập thành kế hoạch; phù hợp với điều kiện cụ thể của cơ quan, tổ chức, cá nhân nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, tạo thuận lợi cho công tác khắc phục hậu quả thiên tai và cứu hộ, cứu nạn.

c) Những nội dung bảo đảm yêu cầu phòng, chống thiên tai trong quản lý, vận hành và sử dụng các công trình không được quy định tại văn bản này sẽ được áp dụng theo quy định tại các văn bản của Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương, địa phương có liên quan.

2. Nguyên tắc sử dụng công trình, nhà ở thuộc quyền sở hữu của hộ gia đình, cá nhân bảo đảm yêu cầu phòng chống thiên tai

a) Tuân thủ các nguyên tắc cơ bản trong phòng, chống thiên tai được quy định tại Điều 4 Luật Phòng chống thiên tai.

b) Tuân thủ quy định, yêu cầu về phòng, chống thiên tai của cơ quan có thẩm quyền.

c) Trong quá trình sử dụng tuân thủ các quy định về bảo trì, duy tu, sửa chữa, nâng cấp, gia cố công trình, nhà ở. Phát hiện và xử lý kịp thời, hiệu quả sự cố công trình, nhà ở và các hoạt động gia tăng rủi ro thiên tai.

d) Thực hiện các biện pháp phòng, chống thiên tai phù hợp để giảm thiểu tủi ro thiên tai.

đ) Bảo đảm an toàn về người, tài sản, an toàn công trình, nhà ở và khu vực lân cận.

Chương II

QUY ĐỊNH VỀ ĐẢM BẢO YÊU CẦU PHÒNG, CHỐNG THIÊN TAI TRONG QUẢN LÝ, VẬN HÀNH, SỬ DỤNG CÁC CÔNG TRÌNH

Điều 5. Nội dung bảo đảm yêu cầu phòng, chống thiên tai trong quản lý, vận hành và sử dụng khu khai thác khoáng sản và khu khai thác tài nguyên thiên nhiên khác; khu đô thị; điểm du lịch, khu du lịch; khu công nghiệp; khu di tích lịch sử; điểm dân cư nông thôn

1. Các tổ chức, cá nhân quản lý, vận hành và sử dụng khu khai thác khoáng sản và khu khai thác tài nguyên thiên thiên khác trong phạm vi quản lý có trách nhiệm:

a) Thực hiện các quy định, quy chuẩn kỹ thuật liên quan đến nội dung bảo đảm yêu cầu phòng, chống thiên tai đối với việc quản lý, vận hành và sử dụng công trình, phương tiện, trang thiết bị do cơ quan có thẩm quyền ban hành.

b) Thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin diễn biến thiên tai ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn công trình, hạng mục công trình, phương tiện, trang thiết bị.

c) Xây dựng phương án bảo đảm an toàn kết cấu hạ tầng, phương tiện, trang thiết bị phục vụ quản lý, vận hành và khai thác; duy tu sửa chữa, nâng cấp hệ thống thoát nước nội bộ khu vực khai thác, tránh xảy ra ngập cục bộ; duy trì hoạt động bình thường của các phương tiện, trang thiết bị, nguồn điện dự phòng để chủ động trong các tình huống bất khả kháng do thiên tai gây ra.

d) Kiểm tra các điều kiện khai thác, bảo đảm an toàn theo đúng thiết kế đã được thẩm định, phê duyệt. Kiểm tra, rà soát hiện trạng mức độ an toàn tại các khu vực khai thác, bãi thải, hồ lắng, hồ chứa chất thải (nếu có); thực hiện các giải pháp để đưa về trạng thái an toàn theo quy định; đánh giá mức độ an toàn của các công trình, phương tiện, trang thiết bị phục vụ khai thác; rà soát, bổ sung hồ sơ thiết kế có tính đến sự tác động của các yếu tốt bất lợi như: mưa bão, lũ, sụt lún, nứt, thấm, sạt lở…để chủ động trong công tác xử lý, khắc phục.

đ) Tổ chức quản lý, vận hành khai thác theo đúng phạm vi, quy mô được cấp phép, hồ sơ thiết kế đã được thẩm định, phê duyệt.

e) Bố trí rào chắn xung quanh khu vực khai thác (đặc biệt là các khu vực trong quá trình khai thác tạo thành hố sâu chứa nước), cắm biển báo nguy hiểm, bố trí lực lượng bảo vệ thường xuyên kiểm tra không để người dân, gia súc vào khu vực khai thác, nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản. Thường xuyên kiểm soát khu vực khai thác và các khu vực khác có liên quan, trường hợp có dấu hiệu không bảo đảm an toàn do tác động của các yếu tố bất lợi, phải dừng ngay hoạt động khai thác, đồng thời có biện pháp khắc phục kịp thời và báo cáo ngay cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xử lý theo quy định.

g) Có các biện pháp phòng, chống các sự cố, chủ động về lực lượng, phương tiện để sẵn sàng tham gia ứng phó kịp thời các tình huống thiên tai có thể xảy ra (nhất là vào mùa mưa bão, lũ). Bảo đảm an toàn lao động và các quy định khác có liên quan về an toàn trong khai thác tài nguyên, khoáng sản; chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu xảy ra sự cố mất an toàn gây ảnh hưởng đến tính mạng con người và tài sản.

2. Các tổ chức, cá nhân quản lý, vận hành và sử dụng khu đô thị trong phạm vi quản lý có trách nhiệm:

a) Thực hiện các quy định, quy chuẩn kỹ thuật liên quan đến nội dung bảo đảm yêu cầu phòng, chống thiên tai trong quản lý, vận hành và sử dụng công trình do cơ quan có thẩm quyền ban hành.

b) Thông báo và yêu cầu người dân, chủ sở hữu thực hiện gia cố, chằng chống bảo đảm an toàn nhà ở trước mùa mưa bão.

c) Kiểm tra, rà soát và có biện pháp sửa chữa, gia cường đối với các công trình sử dụng mái tôn, mái fibro xi măng, trần nhựa, cửa kính, công trình gắn panô, biển quảng cáo, bồn chứa nước trên cao.

d) Xây dựng phương án bảo đảm tiêu thoát nước đô thị, chống ngập úng; thường xuyên rà soát, kiểm tra hệ thống tiêu thoát nước của khu vực đô thị nhằm bảo đảm việc chống ngập úng khi có mưa bão, lũ.

đ) Kiểm tra kế hoạch duy tu, bảo trì và nạo vét hệ thống tiêu thoát nước chính tại các khu vực thường xuyên xảy ra ngập úng cục bộ khi có mưa bão, lũ và có các giải pháp khắc phục khi có tình huống xảy ra.

e) Kiểm soát quy trình cắt tỉa cây xanh đô thị bảo đảm an toàn cho người dân trong mùa mưa bão; bảo đảm an toàn điện, cung cấp nước sạch cho người dân tại các vùng bị ngập úng.

3. Các tổ chức, cá nhân quản lý, vận hành và sử dụng điểm du lịch, khu du lịch trong phạm vi quản lý có trách nhiệm:

a) Thực hiện các quy định, quy chuẩn kỹ thuật liên quan đến nội dung bảo đảm yêu cầu phòng, chống thiên tai trong quản lý, vận hành và sử dụng công trình do cơ quan có thẩm quyền ban hành.

b) Theo dõi chặt chẽ tình hình diễn biến thời tiết để có hướng dẫn cần thiết, bảo đảm biện pháp an toàn cho người lao động cũng như khách du lịch vào tham quan, đồng thời chủ động thực hiện việc ngừng phục vụ khách du lịch trong thời gian xảy ra mưa to, bão, lũ.

c) Kiểm tra, rà soát thực trạng toàn bộ cơ sở vật chất, có biện pháp gia cố, chằng chống, chủ động bố trí nhân lực, phương tiện, chuẩn bị trang thiết bị và nhu yếu phẩm cần thiết để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho khách du lịch.

d) Đối với các điểm du lịch, khu du lịch tại các vùng thấp trũng, cù lao, ven sông phải chuẩn bị sẵn sàng phương án sơ tán, di dời, bảo đảm an toàn cho khách du lịch và tài sản trước khi có yếu tố bất thường về gió mạnh, nước dâng.

4. Các tổ chức, cá nhân quản lý, vận hành và sử dụng khu công nghiệp trong phạm vi quản lý có trách nhiệm:

a) Thực hiện các quy định, quy chuẩn kỹ thuật liên quan đến nội dung bảo đảm yêu cầu phòng, chống thiên tai trong quản lý, vận hành và sử dụng công trình do cơ quan có thẩm quyền ban hành.

b) Thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin diễn biến thiên tai ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn công trình, hạng mục công trình.

c) Lập phương án và kế hoạch cụ thể công tác phòng, chống thiên tai của đơn vị mình, kiểm tra rà soát mức độ an toàn chịu lực, ổn định hiện trạng của công trình.

d) Tiến hành các biện pháp gia cố, chằng chống bảo đảm an toàn (đặc biệt là hệ thống mái tôn, vách tôn, trần nhựa, cửa kính, trang thiết bị, máy móc).

đ) Tháo dỡ các thiết bị, bộ phận không bảo đảm an toàn khi có mưa bão.

e) Lập phương án và chủ động sửa chữa, gia cố kịp thời trụ sở, nhà xưởng, kho tàng, nhà ở không bảo đảm an toàn sau mưa bão nhằm sớm ổn định sản xuất và đời sống cán bộ, công nhân viên trong đơn vị.

5. Các tổ chức, cá nhân quản lý, vận hành và sử dụng khu di tích lịch sử trong phạm vi quản lý có trách nhiệm:

a) Thực hiện các quy định, quy chuẩn kỹ thuật liên quan đến nội dung bảo đảm yêu cầu phòng, chống thiên tai trong quản lý, vận hành và sử dụng công trình do cơ quan có thẩm quyền ban hành.

b) Theo dõi chặt chẽ tình hình diễn biến thời tiết để có hướng dẫn cần thiết, bảo đảm biện pháp an toàn cho người lao động cũng như khách tham quan, đồng thời chủ động thực hiện việc ngừng phục vụ khách tham quan trong thời gian xảy ra mưa to, bão lũ.

c) Kiểm tra, rà soát thực trạng toàn bộ cơ sở vật chất, có biện pháp gia cố, chằng chống, chủ động bố trí nhân lực, phương tiện, chuẩn bị trang thiết bị và nhu yếu phẩm cần thiết để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho khách tham quan.

d) Đối với các khu di tích lịch sử tại các vùng thấp trũng, cù lao, ven sông phải chuẩn bị sẵn sàng phương án sơ tán, di dời, bảo đảm an toàn cho khách tham quan và tài sản trước khi có yếu tố bất thường về gió mạnh, nước dâng.

6. Các tổ chức, cá nhân quản lý, vận hành và sử dụng điểm dân cư nông thôn trong phạm vi quản lý có trách nhiệm:

a) Thực hiện các quy định, quy chuẩn kỹ thuật liên quan đến nội dung bảo đảm yêu cầu phòng, chống thiên tai trong quản lý, vận hành và sử dụng công trình do cơ quan có thẩm quyền ban hành.

b) Thông báo và yêu cầu người dân, chủ sở hữu thực hiện gia cố, chằng chống bảo đảm an toàn nhà ở trước mùa mưa bão.

c) Kiểm tra, rà soát và có biện pháp sửa chữa, gia cố đối với các công trình sử dụng mái tôn, mái fibro xi măng, trần nhựa, cửa kính, công trình gắn panô, biển quảng cáo, bồn chứa nước trên cao.

d) Thực hiện việc đánh giá, cảnh báo cho người dân đang sinh sống và làm việc trong các công trình xây dựng tại các khu vực ven sông, kênh, rạch có nguy cơ cao xảy sụt lún, sạt lở đất.

đ) Bảo đảm an toàn điện, cung cấp nước sạch cho người dân tại các vùng bị ngập úng.

e) Thực hiện việc nạo vét kênh mương phóng thủy, khơi thông dòng chảy, đào ao trữ nước ngọt, lắp đặt và vận hành các trạm bơm di động; chuẩn bị, bố trí phương tiện vận chuyển nước sạch để kịp thời cấp nước sinh hoạt cho người dân trong các điểm dân cư nông thôn tại các vùng thiếu nước ngọt khi hạn hán, xâm nhập mặn xảy ra.

Điều 6. Nội dung bảo đảm yêu cầu phòng, chống thiên tai trong quản lý, vận hành và sử dụng công trình phòng, chống thiên tai, giao thông, điện lực, viễn thông và công trình hạ tầng kỹ thuật khác

1. Thực hiện các quy định, quy chuẩn kỹ thuật liên quan đến nội dung bảo đảm yêu cầu phòng, chống thiên tai trong quản lý, vận hành và sử dụng công trình theo quy định của pháp luật về phòng, chống thiên tai.

2. Xây dựng phương án bảo đảm an toàn đối với công trình đang thi công xây dựng; lập và thực hiện biện pháp bảo đảm an toàn cho người, thiết bị, công trình và các công trình lân cận, đặc biệt công tác bảo đảm an toàn đối với cần trục tháp, máy nâng chuyển và các thiết bị làm việc trên cao trong mùa mưa bão.

3. Đo đạc, quan trắc, theo dõi, giám sát an toàn công trình, khu vực chịu tác động khi vận hành công trình và thiên tai ảnh hưởng đến an toàn công trình.

a) Thực hiện thường xuyên việc đo đạc, quan trắc, theo dõi, giám sát công trình, vận hành công trình và khu vực chịu tác động do vận hành công trình, chú trọng các khu vực trọng điểm xung yếu của công trình, hạng mục công trình, khu vực có nguy cơ cao gia tăng rủi ro thiên tai khi vận hành công trình theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và quy định của pháp luật có liên quan.

b) Thực hiện đo đạc, quan trắc, theo dõi, cập nhật thông tin diễn biến thiên tai ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn công trình, hạng mục công trình theo quy định.

4. Thực hiện duy tu bảo dưỡng công trình, hạng mục công trình theo quy định về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng.

5. Kiểm tra các biện pháp bảo đảm an toàn các công trình, đặc biệt đối với các công trình đặt tại các vị trí xung yếu như: vùng thấp trũng, cù lao, ven sông, khu vực có nguy cơ cao về sụt lún, sạt lở đất, thường xuyên chịu tác động của lũ, xâm nhập mặn, khu vực đông dân cư.

a) Kiểm tra, đánh giá thường xuyên và định kỳ về hiện trạng an toàn công trình, hạng mục công trình để nắm bắt kịp thời hiện trạng công trình.

b) Ngay sau khi có cảnh báo thiên tai phải kiểm tra, đánh giá hiện trạng an toàn công trình; thực hiện các biện pháp chủ động phòng chống, xử lý kịp thời các hư hỏng để bảo đảm an toàn công trình, hạng mục công trình trước thiên tai.

c) Kết thúc đợt thiên tai phải thực hiện kiểm tra, đánh giá hiện trạng công trình, hạng mục công trình nhằm phát hiện các hư hỏng (nếu có); đề xuất biện pháp và kế hoạch sửa chữa, khắc phục kịp thời.

6. Sửa chữa, xử lý sự cố ảnh hưởng đến an toàn phòng, chống thiên tai đối với công trình hoặc hạng mục công trình.

a) Tổ chức sửa chữa hư hỏng và xử lý kịp thời sự cố công trình, hạng mục công trình bảo đảm chất lượng, ứng phó hiệu quả với các tình huống thiên tai.

b) Xử lý, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm ảnh hưởng đến an toàn công trình, hạng mục công trình hoặc làm gia tăng nguy cơ rủi ro thiên tai.

c) Trường hợp hư hỏng, sự cố và các tình huống ảnh hưởng đến an toàn công trình, hạng mục công trình vượt quá khả năng phải kịp thời báo cáo Ủy ban nhân dân cấp trực tiếp quản lý hoặc cơ quan quản lý cấp trên để được hỗ trợ.

7. Hàng năm, tổ chức xây dựng, rà soát, điều chỉnh, bổ sung phương án ứng phó thiên tai theo quy định của Luật Phòng, chống thiên tai và các quy định khác có liên quan.

8. Xây dựng, phê duyệt quy trình vận hành công trình (đối với công trình phải xây dựng quy trình vận hành).

a) Tổ chức xây dựng, phê duyệt quy trình vận hành theo quy định của pháp luật về quản lý công trình.

b) Khi vận hành công trình phải thực hiện thông tin, cảnh báo đến cơ quan, tổ chức cá nhân có liên quan và chính quyền nơi chịu tác động của quá trình vận hành, nhất là trong tình huống thiên tai đang diễn ra tại khu vực công trình, vùng bị tác động của quá trình vận hành.

c) Quá trình thực hiện vận hành phải được ghi chép đầy đủ vào nhật ký vận hành công trình và được kiểm tra, giám sát.

9. Ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai theo quy định.

a) Lựa chọn phương án, biện pháp và tổ chức thực hiện ứng phó phù hợp với diễn biến thiên tai và điều kiện thực tế của địa phương.

b) Tổng hợp, báo cáo kịp thời, chính xác tình hình thiệt hại do thiên tai gây ra đối với công trình.

c) Trường hợp sự cố công trình do thiên tai ảnh hưởng đến an toàn công trình, hạng mục công trình vượt quá khả năng phải kịp thời báo cáo Ủy ban nhân dân cấp trực tiếp quản lý hoặc cơ quan quản lý cấp trên để được hỗ trợ.

d) Sửa chữa, khôi phục, nâng cấp công trình bảo đảm vận hành ứng phó thiên tai.

10. Tổ chức lập và lưu trữ hồ sơ về quản lý công trình, cơ sở dữ liệu về thiên tai trong quản lý, vận hành và sử dụng công trình.

a) Hồ sơ quản lý công trình phải được lưu trữ bao gồm tài liệu thiết kế công trình; tài liệu sửa chữa lớn, nâng cấp công trình; tài liệu về kiểm định, bảo trì, duy tu bảo dưỡng công trình; các biên bản, báo cáo kiểm tra mức độ an toàn phòng, chống thiên tai; phương án ứng phó thiên tai; quy trình vận hành công trình và các tài liệu khác liên quan đến an toàn về phòng, chống thiên tai (đối với công trình phải xây dựng quy trình vận hành).

b) Thông tin, dữ liệu về thiên tai ảnh hưởng đến công trình phải được cập nhật thường xuyên bao gồm thiên tai ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn công trình và thiệt hại do thiên tai gây ra đối với công trình.

c) Hồ sơ quản lý công trình và thông tin, dữ liệu về thiên tai phải được lưu trữ có hệ thống tại tổ chức, cá nhân trực tiếp quản lý, vận hành và sử dụng công trình.

Điều 7. Công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện nội dung bảo đảm yêu cầu phòng, chống thiên tai đối với việc quản lý, vận hành và sử dụng công trình

1. Hàng năm, các cơ quan quản lý chuyên ngành lập kế hoạch kiểm tra và tổ chức thực hiện kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo đảm yêu cầu phòng, chống thiên tai đối với việc quản lý, vận hành và sử dụng công trình của các cơ quan, đơn vị liên quan thuộc phạm vi quản lý và gửi kết quả thực hiện về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.

2. Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã lập kế hoạch kiểm tra và tổ chức thực hiện kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo đảm yêu cầu phòng, chống thiên tai đối với việc quản lý, vận hành và sử dụng công trình trên địa bàn thuộc phạm vi quản lý và gửi về Ủy ban nhân dân cấp trên (Ủy ban nhân dân cấp huyện gửi về Ủy ban nhân dân tỉnh thông qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.

3. Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các cấp tổ chức các hoạt động kiểm tra đột xuất nội dung bảo đảm yêu cầu phòng, chống thiên tai nhằm đôn đốc và chấn chỉnh kịp thời các thiếu sót, vi phạm để tăng cường hiệu quả công tác quản lý nhà nước về phòng, chống thiên tai.

4. Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức có liên quan chỉ đạo thực hiện việc kiểm tra và tự kiểm tra nội dung bảo đảm yêu cầu phòng, chống thiên tai đối với việc quản lý, vận hành và sử dụng công trình phù hợp với nhiệm vụ được giao.

Điều 8. Đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng năng lực chuyên môn, nâng cao năng lực đáp ứng yêu cầu phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trong quản lý, vận hành, sử dụng các công trình

1. Xây dựng, kiện toàn tổ chức, đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ, cung cấp đầy đủ dụng cụ, trang thiết bị, thông tin liên lạc, bảo hộ cho lực lượng quản lý, vận hành, sử dụng các công trình bảo đảm yêu cầu phòng, chống thiên tai.

2. Rà soát, xây dựng và ban hành nội quy, quy chế hoạt động trong việc quản lý, vận hành, sử dụng các công trình đáp ứng các yêu cầu về phòng, chống thiên tai.

3. Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ tiên tiến, kỹ thuật hiện đại nhằm đảm bảo an toàn, giảm thiểu thiệt hại trước thiên tai trong quản lý, vận hành, sử dụng các công trình.

4. Hướng dẫn, phổ biến, huấn luyện, diễn tập kỹ năng phòng, chống thiên tai cho lực lượng cán bộ, công nhân viên, người lao động và cộng đồng để nâng cao khả năng ứng phó tại chỗ, chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai.

Chương III

CÁC TIÊU CHÍ BẢO ĐẢM YÊU CẦU PHÒNG, CHỐNG THIÊN TAI ĐỐI VỚI CÔNG TRÌNH, NHÀ Ở THUỘC QUYỀN SỞ HỮU CỦA HỘ GIA ĐÌNH, CÁ NHÂN

Điều 9. Tiêu chí về công trình, nhà ở bảo đảm yêu cầu phòng, chống bão, áp thấp nhiệt đới, dông lốc

1. Đối với các công trình, nhà ở hiện hữu

a) Định kỳ tổ chức cắt tỉa cây xanh xung quanh nhà ở, công trình.

b) Thực hiện gia cố phòng, chống tốc mái, chống sập, chống đổ ngã đảm bảo an toàn trước mùa mưa bão.

2. Đối với công trình, nhà ở xây mới

a) Vị trí xây dựng công trình, nhà ở thuộc khu vực rủi ro thấp.

b) Được thiết kế theo tiêu chuẩn hoặc có ít nhất 01 gian kiên cố chịu được bão cấp 9.

c) Đảm bảo các nội dung quy định tại khoản 1 Điều này.

3. Gia cố công trình, nhà ở theo cấp bão, áp thấp nhiệt đới

a) Đối với nhà ở không an toàn phải gia cố ngay theo tài liệu hướng dẫn kỹ thuật xây dựng phòng và giảm thiểu thiệt hại do gió, bão cho nhà và công trình của Bộ Xây dựng khi có dự báo bão, áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng trực tiếp.

b) Đối với nhà ở an toàn phải gia cố khi có dự báo bão cấp 9 ảnh hưởng trực tiếp.

4. Đối với công trình bồn chứa nước trên cao, dàn nóng máy điều hòa nhiệt độ lắp đặt trên mái và tường ngoài công trình, hệ thống máy nước nóng năng lượng mặt trời trên mái công trình, nhà ở và các công trình trên cao khác phải được gia cường đảm bảo an toàn tuyệt đối.

5. Đối với công trình, nhà ở đang thi công phải có phương án đảm bảo an toàn cho người, thiết bị, công trình và công trình lân cận; thực hiện neo giữ, gia cố giàn giáo thi công, lưới bao che, hàng rào tôn, cần trục tháp, máy nâng chuyển, thiết bị thi công trên cao khác (nếu có) đảm bảo an toàn.

Điều 10. Tiêu chí về công trình, nhà ở bảo đảm yêu cầu phòng, chống sét

1. Lắp đặt bổ sung hệ thống chống sét đối với công trình, nhà ở hiện hữu chưa có hệ thống chống sét mà theo quy định phải có hệ thống chống sét; đối với công trình, nhà ở theo quy định không bắt buộc phải có hệ thộng chống sét, Ủy ban nhân dân cấp xã vận động, khuyến khích người dân ở các khu vực thường xuyên xảy ra sét, khu vực trống trải hoặc có kết cấu cao hơn so với khu vực cần lắp đặt hệ thống chống sét, lắp đặt các thiết bị bảo vệ, tự ngắt chống sự cố chênh lệch điện áp gây chập, cháy các thiết bị điện.

2. Đối với công trình, nhà ở khi xây dựng mới, cải tạo hoặc thay đổi tính chất, công năng sử dụng của công trình, hạng mục công trình phải bảo đảm hệ thống chống sét theo quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn về phòng cháy và chữa cháy.

Điều 11. Tiêu chí về công trình, nhà ở bảo đảm yêu cầu phòng, chống nước dâng, ngập lụt

1. Đối với các công trình, nhà ở hiện hữu, tại các vị trí nước có thể tràn vào phải được gia cố bằng bao cát, ván gỗ và các vật liệu khác để ngăn nước tràn vào hoặc thực hiện các biện pháp khác đảm bảo ngăn nước, chống ngập (xây tường chắn gạch, nâng nền, đặt bơm hút nước,…).

2. Đối với các công trình, nhà ở xây mới ngoài đáp ứng các quy định về xây dựng, cần đảm bảo các tiêu chí sau:

a) Tuân thủ theo quy định, quy hoạch cao độ nền của cơ quan có thẩm quyền (nếu có).

b) Đối với công trình, nhà ở nằm ngoài phạm vi bảo vệ của đê bao hoặc ven sông, rạch, khu vực không có công trình đê điều, cao độ nền lấy bằng mực nước ngập lụt cao nhất, cộng với một khoảng an toàn là +0,5m.

Điều 12. Tiêu chí về công trình, nhà ở bảo đảm yêu cầu phòng, chống sạt lở, sụt lún đất

1. Đối với công trình, nhà ở hiện hữu

a) Gia cố phòng, chống sạt lở, sụt lún đất.

b) Các biện pháp gia cố phải đảm bảo không làm tăng gia tải, mất ổn định công trình, nhà ở.

c) Di dời khẩn cấp đến nơi an toàn đối với các công trình, nhà ở đã xuất hiện các dấu hiệu sạt lở, sụt lún đất.

2. Đối với công trình, nhà ở xây mới phải đảm bảo không xây dựng ở các khu vực ven sông, khu vực ven cù lao có nguy cơ cao bị xói, sạt lở, sụt lún đất. Đối với khu vực nền đất yếu phải gia cố móng phù hợp theo tiêu chuẩn hiện hành.

Chương IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 13. Trách nhiệm của các sở, ban, ngành tỉnh

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (cơ quan thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh)

a) Tổ chức rà soát, đánh giá kết quả thực hiện và đề xuất sửa đổi, bổ sung kịp thời các quy định liên quan đến hoạt động phòng, chống thiên tai không còn phù hợp.

b) Tổ chức tập huấn, tuyên truyền, phổ biến các nội dung bảo đảm yêu cầu phòng, chống thiên tai đối với việc quản lý, vận hành và sử dụng công trình.

c) Hướng dẫn, đôn đốc các cơ quan, tổ chức, cá nhân quản lý, vận hành và sử dụng công trình việc thực hiện nội dung bảo đảm an toàn phòng, chống thiên tai trong quản lý, vận hành và sử dụng công trình thuộc phạm vi quản lý; tổng hợp kết quả kiểm tra, đánh giá hiện trạng công trình, mức độ ổn định công trình, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trước ngày 31 tháng 7 hàng năm. Riêng đối với việc quản lý, vận hành và sử dụng công trình đê điều, báo cáo trước ngày 30 tháng 4 hàng năm.

d) Tổng hợp, xây dựng kế hoạch đầu tư nâng cấp, duy tu, sửa chữa các công trình theo quy định.

đ) Kiểm tra, đánh giá theo thẩm quyền hoặc báo cáo cơ quan có thẩm quyền tổ chức việc kiểm tra, đánh giá hiện trạng công trình và mức độ bảo đảm yêu cầu phòng, chống thiên tai đối với công trình thuộc phạm vi quản lý.

e) Báo cáo cấp có thẩm quyền hỗ trợ việc sửa chữa, xử lý sự cố, các tình huống ảnh hưởng đến an toàn công trình và ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai khi có yêu cầu.

g) Xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý kịp thời các tình huống ảnh hưởng đến an toàn công trình và các hành vi vi phạm về bảo đảm yêu cầu phòng, chống thiên tai trong quản lý, vận hành và sử dụng công trình thuộc phạm vi quản lý.

h) Thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước khác có liên quan về bảo đảm yêu cầu phòng, chống thiên tai trong quản lý, vận hành và sử dụng công trình thuộc phạm vi quản lý.

2. Sở Xây dựng

a) Chỉ đạo các đơn vị chuyên môn nghiên cứu, lồng ghép các tiêu chí đảm bảo an toàn về phòng, chống thiên tai đối với công trình, nhà ở trong công tác thẩm định quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, thẩm định thiết kế và cấp giấy phép xây dựng.

b) Triển khai, hướng dẫn các địa phương trong việc thực hiện các biện pháp gia cố công trình, nhà ở thuộc sở hữu của hộ gia đình, cá nhân đảm bảo an toàn trước thiên tai theo các tài liệu, hướng dẫn kỹ thuật của Bộ Xây dựng.

c) Phối hợp triển khai Chương trình của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ đồng bằng sông Cửu Long để di dời dân cư ra khỏi khu vực bị sạt lở, khu vực có nguy cơ bị sạt lở ven sông, kênh rạch hoặc khu vực bị ngập lũ cần phải đắp bờ bao nhằm bảo đảm chỗ ở an toàn cho người dân.

3. Sở Tài chính

Tham mưu bố trí ngân sách hàng năm và các nguồn vốn hợp pháp khác cho các hoạt động triển khai, tuyên truyền, hướng dẫn, rà soát, đánh giá việc thực hiện quy định về đảm bảo yêu cầu phòng, chống thiên tai trong quản lý, vận hành, sử dụng các công trình; các tiêu chí bảo đảm yêu cầu phòng, chống thiên tai đối với hộ gia đình, cá nhân sử dụng công trình, nhà ở trên địa bàn tỉnh theo quy định của Luật ngân sách nhà nước và các quy định hiện hành.

4. Các sở, ban, ngành liên quan

Theo chức năng, nhiệm vụ được giao phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Xây dựng, Sở Tài chính trong việc thực hiện đảm bảo yêu cầu phòng, chống thiên tai thuộc phạm vi quản lý.

Điều 14. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp huyện

1. Tổ chức phổ biến, tuyên truyền và triển khai thực hiện Quy định này.

2. Tổ chức thực hiện nội dung bảo đảm yêu cầu phòng, chống thiên tai trong quản lý, vận hành và sử dụng công trình; các tiêu chí bảo đảm yêu cầu phòng, chống thiên tai đối với hộ gia đình, cá nhân sử dụng công trình, nhà ở thuộc phạm vi quản lý.

3. Chỉ đạo, phân công trách nhiệm của các cơ quan chuyên môn, đơn vị trực thuộc trong việc quản lý nhà nước về quản lý, vận hành và sử dụng công trình; các tiêu chí bảo đảm yêu cầu phòng, chống thiên tai đối với công trình, nhà ở thuộc địa bàn quản lý.

4. Thông tin, cảnh báo sớm về thiên tai đến người dân; xác định mức độ ảnh hưởng của thiên tai xảy ra ở từng khu vực thuộc địa bàn quản lý để đề xuất lựa chọn địa điểm tái định cư đảm bảo an toàn cho người dân.

5. Tổ chức kiểm tra, đánh giá theo thẩm quyền hoặc báo cáo cơ quan có thẩm quyền tổ chức kiểm tra, đánh giá thực hiện nội dung bảo đảm yêu cầu phòng, chống thiên tai về quản lý, vận hành và sử dụng công trình; đảm bảo yêu cầu phòng, chống thiên tai trong việc sử dụng công trình, nhà ở thuộc quyền sở hữu của hộ gia đình, cá nhân.

6. Thực hiện đầy đủ chế độ thông tin, báo cáo việc kiểm tra, đánh giá thực hiện nội dung bảo đảm yêu cầu phòng, chống thiên tai về quản lý, vận hành và sử dụng công trình; đảm bảo yêu cầu phòng, chống thiên tai trong việc sử dụng công trình, nhà ở thuộc quyền sở hữu của hộ gia đình, cá nhân về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Xây dựng trước 10 ngày theo thời gian quy định tại điểm c khoản 1 Điều 13 của Quy định này.

7. Thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm liên quan đến công tác bảo đảm yêu cầu phòng, chống thiên tai trong quản lý, vận hành và sử dụng công trình; đảm bảo yêu cầu phòng chống thiên tai trong việc sử dụng công trình, nhà ở thuộc quyền sở hữu của hộ gia đình, cá nhân. Tổ chức vận động, cưỡng chế khi cần thiết để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của người dân khi thiên tai xảy ra.

Điều 15. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã

1. Tổ chức phổ biến, tuyên truyền và triển khai thực hiện Quyết định này.

2. Triển khai thực hiện nội dung bảo đảm yêu cầu phòng, chống thiên tai trong quản lý, vận hành và sử dụng công trình; các tiêu chí bảo đảm yêu cầu phòng, chống thiên tai đối với hộ gia đình, cá nhân sử dụng công trình, nhà ở thuộc phạm vi quản lý.

3. Cập nhật, thông tin, cảnh báo sớm về thiên tai đến người dân; đánh giá mức độ ảnh hưởng của thiên tai xảy ra thuộc địa bàn quản lý để đề xuất các giải pháp ứng phó, đảm bảo an toàn cho người dân.

4. Tổ chức chỉ huy việc phòng tránh, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai đối với công trình, nhà ở thuộc sở hữu hộ gia đình, cá nhân; thống kê thiệt hại đối với công trình, nhà ở thuộc sở hữu hộ gia đình, cá nhân do thiên tai gây ra trên địa bàn.

5. Báo cáo Ủy ban nhân dân cấp huyện tổ chức kiểm tra, đánh giá thực hiện nội dung bảo đảm yêu cầu phòng, chống thiên tai về quản lý, vận hành và sử dụng công trình; đảm bảo yêu cầu phòng, chống thiên tai trong việc sử dụng công trình, nhà ở thuộc quyền sở hữu của hộ gia đình, cá nhân.

6. Báo cáo việc kiểm tra thực hiện nội dung bảo đảm yêu cầu phòng, chống thiên tai về quản lý, vận hành và sử dụng công trình; đảm bảo yêu cầu phòng, chống thiên tai trong việc sử dụng công trình, nhà ở thuộc quyền sở hữu của hộ gia đình, cá nhân về Ủy ban nhân nhân cấp huyện.

7. Kiểm tra, xử lý hoặc kiến nghị Ủy ban nhân dân cấp huyện xử lý các vi phạm liên quan đến công tác bảo đảm yêu cầu phòng, chống thiên tai trong quản lý, vận hành và sử dụng công trình; đảm bảo yêu cầu phòng chống thiên tai trong việc sử dụng công trình, nhà ở thuộc quyền sở hữu của hộ gia đình, cá nhân theo thẩm quyền. Tổ chức vận động, cưỡng chế khi cần thiết để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của người dân khi thiên tai xảy ra.

Điều 16. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân quản lý, vận hành và sử dụng công trình

1. Tổ chức thực hiện các nội dung quy định về đảm bảo yêu cầu phòng, chống thiên tai trong quản lý, vận hành, sử dụng các công trình của Quy định này.

2. Thực hiện chế độ báo cáo việc kiểm tra, đánh giá hiện trạng công trình, mức độ ổn định công trình hoặc hạng mục công trình theo quy định, gửi về cơ quan quản lý chuyên ngành và Ủy ban nhân dân cấp trực tiếp quản lý trước 15 ngày theo thời gian quy định tại điểm c khoản 1 Điều 13 của Quy định này để tổng hợp, báo cáo về Ủy ban nhân dân tỉnh.

3. Khi phát hiện các hoạt động, hành vi và sự cố công trình có thể ảnh hưởng đến an toàn công trình và hoạt động phòng, chống thiên tai đối với công trình, phải kịp thời thông tin, báo cáo các đơn vị có liên quan và cơ quan chủ quản để xử lý, khắc phục. Trường hợp các hoạt động, hành vi và sự cố xảy ra nghiêm trọng mà cơ quan, tổ chức, cá nhân quản lý không xử lý được hoặc việc phối hợp xử lý chưa đạt yêu cầu thì báo cáo Ủy ban nhân dân cấp trực tiếp quản lý để được hỗ trợ.

4. Thường xuyên báo cáo cơ quan quản lý chuyên ngành kết quả thực hiện nội dung bảo đảm yêu cầu phòng, chống thiên tai.

5. Chấp hành việc kiểm tra, giám sát, xử lý của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền trong việc thực hiện trách nhiệm của mình về các nội dung bảo đảm yêu cầu phòng, chống thiên tai trong quản lý, vận hành và sử dụng công trình.

Điều 17. Trách nhiệm của các hộ gia đình, cá nhân sử dụng công trình, nhà ở

1. Thực hiện đầy đủ các các tiêu chí bảo đảm yêu cầu phòng, chống thiên tai đối với hộ gia đình, cá nhân sử dụng công trình của Quy định này.

2. Tuân thủ các quy định về yêu cầu phòng, chống thiên tai của cơ quan có thẩm quyền. Chấp hành việc kiểm tra, giám sát, xử lý của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền trong quá trình thực hiện trách nhiệm của mình đối với việc sử dụng công trình, nhà ở.

3. Tham gia đầy đủ các buổi tuyên truyền, tập huấn về rủi ro thiên tai do địa phương tổ chức để nâng cao nhận thức, kỹ năng phòng, chống thiên tai đảm bảo an toàn cho gia đình, cá nhân và cộng đồng. Kịp thời phối hợp với các cơ quan, tổ chức và các hộ gia đình khác trong đảm bảo các yêu cầu về phòng, chống thiên tai.

4. Khi phát hiện các hoạt động, hành vi và sự cố công trình có thể ảnh hưởng đến an toàn công trình, nhà ở và hoạt động phòng chống thiên tai đối với công trình, nhà ở phải kịp thời thông tin, báo cáo cho cơ quan có thẩm quyền tại địa phương để xử lý, khắc phục. Trường hợp các hoạt động, hành vi và sự cố xảy ra nghiêm trọng và không xử lý được hoặc việc phối hợp xử lý chưa đạt yêu cầu thì báo cáo Ủy ban nhân dân cấp trực tiếp để được hỗ trợ, xử lý.

5. Phân công, sắp xếp nhiệm vụ cho các thành viên trong gia đình để chủ động ứng phó và hỗ trợ lẫn nhau khi có tình huống thiên tai xảy ra, đặc biệt đối với các đối tượng dễ bị tổn thương.

6. Thực hiện gia cố, giằng chống, đảm bảo an toàn công trình, nhà ở trước mùa mưa bão. Sau mỗi đợt thiên tai, thực hiện kiểm tra công trình, nhà ở để kịp thời sửa chữa, gia cố và khắc phục các hư hại do thiên tai gây ra. Có trách nhiệm với cộng đồng trong việc khắc phục hậu quả sau thiên tai.

7. Thường xuyên theo dõi thông tin dự báo thời tiết, cảnh báo thiên tai trên các phương tiện thông tin đại chúng để chủ động phòng tránh; cung cấp thông tin về công trình, nhà ở khi có yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành.

Điều 18. Điều khoản thi hành

1. Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các cơ quan quản lý chuyên ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện, các tổ chức chính trị - xã hội và các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức triển khai thực hiện Quy định này.

2. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, các địa phương, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan kịp thời phản ánh về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (cơ quan thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh) để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, giải quyết./.

 

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Quyết định 26/2022/QĐ-UBND ngày 05/09/2022 quy định về bảo đảm yêu cầu phòng, chống thiên tai đối với tổ chức, cá nhân quản lý, vận hành, sử dụng các công trình và tiêu chí bảo đảm yêu cầu phòng, chống thiên tai đối với công trình, nhà ở thuộc quyền sở hữu của hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


2.316

DMCA.com Protection Status
IP: 3.141.12.30
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!