THỦ TƯỚNG CHÍNH
PHỦ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 1625/QĐ-TTg
|
Hà Nội, ngày 11 tháng 09 năm 2014
|
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN KIÊN CỐ HÓA TRƯỜNG, LỚP HỌC VÀ NHÀ CÔNG VỤ CHO GIÁO
VIÊN GIAI ĐOẠN 2014 - 2015 VÀ LỘ TRÌNH ĐẾN NĂM 2020
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày
25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Giáo dục ngày 14 tháng
6 năm 2005 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ngày 25 tháng
11 năm 2009;
Căn cứ Nghị định số 12/2009/NĐ-CP
ngày 12 tháng 02 năm 2009 của Chính phủ về Quản lý
dự án đầu tư xây dựng công trình và Nghị định số 83/2009/NĐ-CP ngày 15 tháng 10
năm 2009 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 12/2009/NĐ-CP ngày 12
tháng 02 năm 2009 của Chính phủ về quản
lý dự án đầu tư xây dựng công trình;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giáo
dục và Đào tạo,
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Phê duyệt Đề án
Kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ
cho giáo viên giai đoạn 2014 - 2015 và lộ trình đến năm 2020 với những nội dung
sau:
I. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu chung: Xây dựng các trường
học mầm non, phổ thông đạt chuẩn quốc gia theo hướng hiện đại hóa, kiên cố hóa,
góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04 tháng 11 năm 2013 của
Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 8 khóa XI về “Đổi mới
căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại
hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”; Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội
2011 - 2020 và Chiến lược phát triển giáo
dục 2011 - 2020.
2. Mục tiêu cụ thể
a) Giai đoạn 2014 - 2015: Đầu tư xây
dựng danh mục phòng học, nhà công vụ cho giáo viên trường mầm non thuộc các huyện
nghèo tại Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày
27 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ về
Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với huyện nghèo và các huyện
có tỷ lệ hộ nghèo cao được áp dụng cơ chế, chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng theo quy định của
Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ đã được
phê duyệt tại Quyết định số 20/2008/QĐ-TTg ngày 01 tháng 02 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ nhưng chưa được thực hiện.
Dự kiến tổng số lượng là 2.627 phòng học và 2.658 phòng làm nhà công vụ cho
giáo viên.
b) Lộ trình đến năm 2020
- Tổ chức rà soát nhu cầu đầu tư xây
dựng trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên và đầu tư xây dựng khi có điều
kiện theo danh mục thứ tự ưu tiên sau đây: Phòng học và nhà công vụ cho giáo
viên còn lại của Quyết định số 20/2008/QĐ-TTg
ngày 01 tháng 02 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ; phòng học xây dựng mới đối với
trường tiểu học để bảo đảm đủ 1 lớp/phòng; phòng học xây dựng mới thay thế toàn
bộ số phòng học bán kiên cố, phòng học tạm của các trường mầm non, phổ thông;
xây dựng mới các hạng mục công trình thuộc khu phục vụ học tập: phòng học bộ
môn, phòng thiết bị, phòng làm việc hiệu
bộ, phòng học đa năng, thư viện, phòng y tế.
- Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối
hợp với các Bộ, ngành hướng dẫn các địa
phương: rà soát, thống kê, xác định nhu cầu, lập phương án đầu tư và cơ chế huy động vốn phù hợp, báo cáo
Thủ tướng Chính phủ. Khuyến khích các địa phương chủ động đầu tư xây dựng hoàn thành danh mục còn lại
trong Quyết định 20/2008/QĐ-TTg ngày 01 tháng 02 năm 2008 của Thủ tướng Chính
phủ.
II. GIẢI PHÁP
1. Việc quản lý, chỉ đạo thực hiện Đề án Kiên cố hóa
trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2014 - 2015 và lộ trình
đến năm 2020 thực hiện theo cơ chế quản lý Chương trình mục tiêu quốc gia về
giáo dục và đào tạo và theo quy định tại Quyết định số 685/QĐ-TTg ngày 28 tháng
5 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về
phân công nhiệm vụ tổng hợp kế hoạch,
thông báo và quản lý, điều hành nguồn vốn trái phiếu Chính phủ đầu tư cho giáo dục và y tế, đồng thời tăng cường
sự chỉ đạo, kiểm tra của các Bộ, ngành
Trung ương.
- Các địa phương có trách nhiệm bố
trí đủ nguồn vốn ngân sách địa phương theo quy định cùng vốn hỗ trợ từ ngân
sách Trung ương để triển khai thực hiện, bảo đảm mục tiêu; việc giao kế hoạch vốn
hằng năm sẽ căn cứ vào kết quả bố trí vốn của địa phương của các năm trước để
phân bổ vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương cho các địa phương.
- Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố
trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện và quyết định những vấn
đề cụ thể về danh mục, địa điểm xây dựng, thiết kế, sử dụng nguyên vật liệu xây
dựng, huy động, quản lý sử dụng và thanh quyết toán vốn đầu tư theo quy định
pháp luật; chủ động huy động các nguồn vốn hợp pháp khác khi có phát sinh trong
quá trình tổ chức thực hiện, bao gồm cả yếu tố trượt giá.
2. Việc kiểm tra, giám sát thực hiện Đề án Kiên cố hóa
trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2014 - 2015 và lộ trình
đến năm 2020 được thực hiện theo cơ chế giám sát cộng đồng, có sự phối hợp giữa
Bộ Giáo dục và Đào tạo với các Bộ, ngành liên quan, Đoàn đại biểu Quốc hội tại
địa phương, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp cùng
các tổ chức chính trị - xã hội.
III. KINH PHÍ THỰC
HIỆN
Về kinh phí thực hiện giai đoạn 2014
- 2015:
- Nguồn vốn Ngân sách Trung ương hỗ
trợ khoảng 3.700 tỷ đồng từ nguồn vốn dự phòng trái phiếu Chính phủ giai đoạn
2012 - 2015 (sau khi được Ủy ban Thường vụ
Quốc hội chấp thuận);
- Ngân sách địa phương và huy động từ
các nguồn vốn hợp pháp khác.
Điều 2. Tổ chức thực hiện
1. Bộ Giáo dục và Đào tạo có trách
nhiệm:
- Chủ trì, phối hợp với các Bộ,
ngành, địa phương liên quan xây dựng nguyên tắc, tiêu chí phân bổ và lập phương
án bố trí vốn trái phiếu Chính phủ hỗ trợ cho các địa phương để thực hiện mục
tiêu giai đoạn 2014 - 2015 của Đề án,
trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định; hướng dẫn các địa phương rà
soát, thống kê, xác định nhu cầu đầu tư của từng địa phương và tổng hợp số lượng,
danh mục cần được đầu tư xây dựng theo lộ
trình đến năm 2020, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
- Chủ trì, phối hợp với các Bộ,
ngành, địa phương tổ chức thực hiện việc kiểm tra, giám sát tiến độ, kết quả thực
hiện Đề án của các địa phương, định kỳ 06
tháng và hàng năm báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
2. Bộ Kế
hoạch và Đầu tư có trách nhiệm:
- Thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ
báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho
phép sử dụng nguồn kinh phí dự phòng trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2012 - 2015
để thực hiện Đề án.
- Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính,
Bộ Giáo dục và Đào tạo cân đối nguồn vốn thực hiện Đề án theo quy định.
- Phối
hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính xây dựng nguyên tắc, tiêu
chí phân bổ ngân sách Trung ương hỗ trợ các địa phương thực hiện Đề án; tham gia kiểm tra, đánh giá kết quả thực
hiện Đề án.
3. Bộ Tài chính có trách nhiệm:
- Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư cân đối nguồn vốn thực hiện Đề án.
- Phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng nguyên tắc, tiêu
chí phân bổ ngân sách trung ương hỗ trợ các địa phương thực hiện Đề án; hướng dẫn
cơ chế quản lý, sử dụng các nguồn vốn thực hiện Đề
án; tham gia kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện Đề án.
4. Bộ Xây dựng có trách nhiệm:
- Chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục
và Đào tạo nghiên cứu, bổ sung, ban hành tiêu chuẩn, quy phạm xây dựng và thiết
kế điển hình từng loại trường học, lớp học.
- Hướng dẫn thiết kế xây dựng phù hợp với điều kiện của từng vùng, đáp ứng
yêu cầu đổi mới nội dung, chương trình giáo dục phổ thông; tham gia kiểm tra,
đánh giá kết quả thực hiện Đề án của các
địa phương.
5. Bộ Tài nguyên và Môi trường có
trách nhiệm: Chủ trì, phối hợp với Bộ
Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn các địa phương lập và thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, bảo đảm quỹ đất để xây dựng
trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên, phù hợp với quy hoạch phát triển
mạng lưới trường lớp, bảo đảm hiệu quả đầu tư lâu dài.
6. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm:
- Chỉ đạo việc lập và thực hiện quy hoạch,
kế hoạch sử dụng đất, trong đó có việc bố trí quỹ đất phục vụ cho việc xây dựng
trường học, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên phù hợp với quy hoạch phát triển
mạng lưới trường lớp để bảo đảm hiệu quả đầu tư lâu dài. Kiểm tra, xác định cụ
thể số lượng, danh mục các hạng mục công trình cần được đầu tư xây dựng thuộc Đề án, chịu trách nhiệm về phân bổ vốn đầu tư bảo
đảm đúng danh mục.
- Xây dựng và phê duyệt kế hoạch triển
khai thực hiện Đề án của địa phương giai
đoạn 2014 - 2015 và lộ trình đến năm 2020, dự toán kinh phí tổng thể và hàng
năm để thực hiện Đề án, trong đó có đề xuất
cụ thể phần vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ, có văn bản cam kết huy động phần vốn
của ngân sách địa phương và các nguồn khác; báo cáo Hội đồng nhân dân cấp tỉnh,
Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch
và Đầu tư.
- Chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện
Đề án trên địa bàn với sự tham gia kiểm
tra, giám sát của Hội đồng nhân dân, Đoàn đại biểu Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc
Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội của địa phương để thực hiện các mục
tiêu của Đề án theo đúng kế hoạch, đúng
quy định, bảo đảm chất lượng các công trình xây dựng, chống thất thoát, tiêu cực.
- Tổ chức giao ban, sơ kết đánh giá kết
quả thực hiện định kỳ 06 tháng và hàng năm, báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo để tổng
hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày
ký ban hành.
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan
ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Văn phòng Trung ương Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Quốc hội;
- Ủy ban TW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTCP, TGĐ
Cổng TTĐT, các Vụ: KTTH, KTN, PL, TH;
- Lưu: Văn thư, KGVX (3b).
|
THỦ TƯỚNG
Nguyễn Tấn Dũng
|