Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Số hiệu: 369/KH-UBND Loại văn bản: Kế hoạch
Nơi ban hành: Thành phố Hà Nội Người ký: Lê Hồng Sơn
Ngày ban hành: 17/12/2024 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 369/KH-UBND

Hà Nội, ngày 17 tháng 12 năm 2024

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN ĐỀ ÁN NÂNG CAO NĂNG LỰC VÀ BẢO ĐẢM AN TOÀN PCCC VÀ CNCH TRÊN ĐỊA BÀN THỦ ĐÔ GIAI ĐOẠN ĐẾN NĂM 2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

Căn cứ Đề án nâng cao năng lực và bảo đảm an toàn phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC và CNCH) trên địa bàn Thủ đô giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (ban hành kèm theo Quyết định số 4702/QĐ-UBND ngày 06/9/2024 của UBND Thành phố - sau đây viết tắt là Đề án); UBND Thành phố ban hành kế hoạch thực hiện như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Đề án 4702 với quyết tâm chính trị cao, xuyên suốt từ cấp Thành phố tới cơ sở; tích cực, chủ động tổ chức triển khai, phân công nhiệm vụ thực hiện 05 nhóm giải pháp - 13 nhiệm vụ trọng tâm, đột phá, 05 nhiệm vụ định kỳ, thường xuyên và 35 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm (phụ lục 2 Đề án 4702) đảm bảo thiết thực, hiệu quả.

2. Xác định việc triển khai thực hiện Đề án 4702 tiếp tục là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, phải được tiến hành thường xuyên, liên tục ở tất cả các cấp, các ngành, các địa phương trên cơ sở huy động sự tham gia tích cực của toàn dân, sức mạnh của cả hệ thống chính trị. Việc triển khai phải có trọng tâm, trọng điểm; dễ làm trước, khó làm sau, từ thấp đến cao, từ nhỏ đến lớn, từ đơn giản đến phức tạp, góp phần nâng cao năng lực và bảo đảm an toàn PCCC và CNCH trên địa bàn Thủ đô, giảm thiểu tối đa nguy cơ cháy, nổ và thiệt hại do cháy, nổ gây ra.

3. Quá trình triển khai phải thực hiện một cách bài bản, đúng quy định, thực chất, hiệu quả, tránh đầu tư dàn trải, chồng chéo, lãng phí, đặc biệt là tránh hình thức; đảm bảo mục tiêu phát triển, đảm bảo an toàn PCCC, CNCH, phù hợp với yêu cầu thực tế, đặc thù, đặc điểm tại địa phương. Bám sát và triển khai thực hiện nghiêm túc các Chỉ thị, Nghị quyết, Chương trình, Kế hoạch, văn bản chỉ đạo về công tác PCCC và CNCH, trọng tâm là Quyết định số 819/QĐ-TTg ngày 07/7/2023 về quy hoạch hạ tầng phòng cháy, chữa cháy thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quyết định số 203/QĐ-TTg ngày 28/02/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Kế hoạch thực hiện quy hoạch hạ tầng phòng cháy, chữa cháy thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

4. Thủ trưởng các đơn vị, người đứng đầu các cấp, các ngành, các đơn vị phải nâng cao vai trò, trách nhiệm trong việc triển khai thực hiện nội dung, nhiệm vụ được giao tại Đề án 4702; xác định rõ những nội dung nhiệm vụ thường xuyên, những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đột phá, cấp bách để phân bổ nguồn lực và phân công thực hiện đảm bảo yêu cầu về tiến độ theo quy định; chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND Thành phố về chất lượng, hiệu quả, tiến độ thực hiện.

II. NỘI DUNG NHIỆM VỤ VÀ PHÂN CÔNG NHIỆM VỤ

1. Những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đột phá

1.1. Tăng cường sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, các cấp, ngành, địa phương từ cấp Thành phố đến cấp cơ sở trong công tác PCCC và CNCH

- Cấp ủy, tổ chức đảng các cấp phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, thường xuyên kiểm tra, giám sát công tác PCCC và CNCH ở địa phương, đơn vị mình; xác định PCCC và CNCH là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, không thể thiếu trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Chủ động xây dựng các phương án phòng ngừa và xử lý các tình huống nếu xảy ra cháy, nổ, sự cố, tai nạn, bảo đảm nhanh, kịp thời, hiệu quả theo phương châm 4 tại chỗ. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp... phải chịu trách nhiệm trước hết về bảo đảm an toàn, cháy nổ và cứu nạn, cứu hộ trong phạm vi lãnh đạo, quản lý của mình.

- Tiếp tục tập trung thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã được nêu tại Chỉ thị số 47-CT/TW ngày 25/6/2015, Kết luận số 02-KL/TW ngày 18/5/2021 của Ban Bí thư, Nghị quyết số 99/2019/QH14 ngày 27/11/2019 của Quốc hội, Quyết định số 630/QĐ-TTg ngày 11/5/2020, Quyết định số 1492/QĐ- TTg ngày 10/9/2021, Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 03/01/2023 của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản quy phạm pháp luật về công tác PCCC và CNCH nhằm khắc phục những hạn chế, thiếu sót.

- Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, các Sở, ban, ngành trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác này; định kỳ sơ kết, tổng kết, đánh giá, kiểm điểm kết quả thực hiện. Người đứng đầu các đơn vị chịu trách nhiệm toàn diện trong việc chỉ đạo đơn vị thực hiện hoàn thành các nhiệm vụ, giải pháp đã được phân công theo Chỉ thị số 25-CT/TU ngày 20/9/2023 của Thành ủy Hà Nội về tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn thành phố Hà Nội trong tình hình mới, Nghị quyết số 26/NQ-HĐND ngày 22/9/2023 của HĐND Thành phố về các biện pháp tăng cường công tác PCCC và CNCH trên địa bàn thành phố Hà Nội và các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm theo Đề án (phụ lục 02 ban hành kèm theo Đề án); đảm bảo đẩy mạnh xã hội hóa việc thực hiện trách nhiệm, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện công tác PCCC và CNCH theo quy định.

Đối với các nhiệm vụ nêu trên: Giao người đứng đầu cấp ủy, tổ chức Đảng các cấp, các đơn vị thuộc UBND Thành phố đưa nội dung lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát công tác PCCC và CNCH vào Nghị quyết, các văn bản chỉ đạo của cấp ủy; chịu trách nhiệm việc thực hiện các nội dung về công tác PCCC và CNCH theo chức năng, nhiệm vụ được phân công và chịu trách nhiệm trong việc đảm bảo an toàn PCCC, CNCH trụ sở cơ quan, đơn vị do mình quản lý. Đối với các đơn vị có công trình trụ sở làm việc chưa đảm bảo các yêu cầu về PCCC (nhất là nhóm công trình theo Nghị quyết số 05/2022/NQ-HĐND , Kế hoạch số 151/KH-UBND) thì phải khẩn trương tổ chức khắc phục ngay theo quy định.

- UBND cấp huyện trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn chủ động nghiên cứu tình hình thực tiễn về công tác PCCC trên địa bàn; chỉ đạo, kiểm tra và tổ chức việc thực hiện các quy định của pháp luật về PCCC; xử lý, đề xuất xử lý các hành vi vi phạm quy định về PCCC, đất đai, xây dựng, kinh doanh không phép... theo quy định (đặc biệt chú trọng xử lý dứt điểm tình hình vi phạm về PCCC tại những loại hình cơ sở có nguy cơ cháy, nổ cao, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản như chung cư mini, nhà trọ, nhà trẻ, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh); hướng dẫn, chỉ đạo tuyên truyền, giáo dục pháp luật, kiến thức về PCCC và CNCH cho nhân dân, xây dựng phong trào toàn dân tham gia PCCC và CNCH; chủ động về ngân sách để đầu tư cho hoạt động PCCC và CNCH; trang bị phương tiện PCCC và CNCH; bảo đảm điều kiện về thông tin báo cháy, đường giao thông, nguồn nước phục vụ chữa cháy; quy hoạch địa điểm, đề xuất cấp đất và xây dựng doanh trại cho các Tổ, Đội Cảnh sát PCCC và CNCH trên địa bàn; chỉ đạo việc xây dựng và thực tập phương án chữa cháy, tổ chức chữa cháy và khắc phục hậu quả vụ cháy trên địa bàn theo quy định; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, đôn đốc, hướng dẫn việc thực hiện của UBND cấp xã và các đơn vị trực thuộc trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ về PCCC và CNCH.

Giao UBND quận, huyện, thị xã chủ động thực hiện trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được phân công; giao Công an Thành phố phối hợp, hướng dẫn thực hiện.

- UBND cấp xã trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn, chủ động nghiên cứu tình hình thực tiễn về công tác PCCC trên địa bàn; chỉ đạo, kiểm tra và tổ chức việc thực hiện các quy định của pháp luật về PCCC; kiểm tra an toàn PCCC đối với khu dân cư, hộ gia đình, hộ gia đình kết hợp sản xuất, kinh doanh và các cơ sở thuộc phạm vi quản lý; xử lý, đề xuất xử lý các hành vi vi phạm quy định về PCCC theo quy định (đặc biệt chú trọng xử lý dứt điểm tình hình vi phạm về PCCC tại những loại hình cơ sở có nguy cơ cháy, nổ cao, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản như chung cư mini, nhà trọ, nhà trẻ, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh); hướng dẫn, chỉ đạo tuyên truyền, giáo dục pháp luật, kiến thức về PCCC và CNCH cho nhân dân, xây dựng phong trào toàn dân tham gia PCCC và CNCH; tổ chức quản lý đội dân phòng tại các thôn; chủ động về ngân sách để đầu tư cho hoạt động PCCC và CNCH; trang bị phương tiện PCCC và CNCH; chỉ đạo việc xây dựng và thực tập phương án chữa cháy, tổ chức chữa cháy và khắc phục hậu quả vụ cháy trên địa bàn theo quy định.

Giao UBND quận, huyện, thị xã chỉ đạo UBND cấp xã thực hiện; giao Công an Thành phố chỉ đạo chỉ đạo các bộ phận chức năng phối hợp thực hiện.

* Đề nghị Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và nhân dân trên địa bàn Thành phố tăng cường, phát huy vai trò giám sát việc thực hiện công tác PCCC và CNCH của các đơn vị.

1.2. Làm tốt công tác quy hoạch, quản lý trật tự xây dựng. Tập trung giải quyết dứt điểm những tồn tại liên quan PCCC và CNCH tại các khu dân cư và của các công trình vi phạm

1.2.1. Đối với các khu dân cư

a) Tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến kiến thức pháp luật, kỹ năng về PCCC và CNCH cho hộ gia đình, hộ gia đình kết hợp sản xuất kinh doanh cũng như các cơ sở trên địa bàn về biện pháp thoát nạn, phòng ngừa cháy, nổ, loại trừ những nguy cơ dẫn đến cháy, nổ, sự cố, tai nạn gây chết người; tuyên truyền, vận động 100% hộ gia đình, hộ gia đình kết hợp kinh doanh, sản xuất có từ 2 tầng trở lên chưa có lối thoát nạn thứ 2 tự mở lối thoát nạn thứ 2[1], 100% hộ gia đình tự trang bị bình chữa cháy xách tay, dụng cụ, phương tiện chữa cháy, cứu nạn; vận động các cá nhân trên địa bàn tích cực tham gia đội dân phòng để đảm bảo thực chất, hiệu quả, đáp ứng phương châm “4 tại chỗ”. Tiếp tục rà soát đầu tư xây dựng và duy trì các mô hình đảm bảo an toàn PCCC trên địa bàn như “khu dân cư an toàn PCCC”, “Tổ liên gia an toàn PCCC”, “điểm chữa cháy công cộng”, “hỗ trợ đầu tư phương tiện PCCC (như bình chữa cháy, thiết bị báo cháy cục bộ) cho các gia đình thuộc diện hộ nghèo”...

Giao UBND quận, huyện, thị xã, Công an Thành phố tổ chức thực hiện theo phạm vi, chức năng nhiệm vụ. Đối với nhiệm vụ tuyên truyền, vận động 100% nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh từ 2 tầng trở lên chưa có lối thoát nạn thứ 2 tự mở lối thoát nạn thứ 2; 100% hộ gia đình phải đã tự trang bị bình chữa cháy xách tay, dụng cụ, phương tiện chữa cháy, cứu nạn - thời hạn thực hiện: Hoàn thành xong trong năm 2024 - theo chỉ đạo của Bộ Công an và UBND Thành phố.

b) Tuyên truyền, vận động nhà ở riêng lẻ, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh trang bị hệ thống báo cháy tự động, thiết bị báo cháy cục bộ:

Giao UBND quận, huyện, thị xã chủ trì, Công an Thành phố phối hợp, tham mưu, hướng dẫn tổ chức thực hiện đảm bảo chỉ tiêu, tiến độ như sau:

- Từ nay đến 15/12/2025:

+ Tổ chức rà soát, lên danh sách và phương án tổ chức triển khai; báo cáo kết quả về UBND Thành phố trước ngày 15/3/2025.

+ Tiến hành triển khai ngay đối với địa bàn các quận và các cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề, khu dân cư có nguy hiểm cháy, nổ thuộc địa bàn các huyện, thị xã. Căn cứ tình hình thực tế, tính toán phương án, lộ trình triển khai để đảm bảo chỉ tiêu thực hiện các năm tiếp theo theo quy định.

- Chỉ tiêu đến hết năm 2027: Tuyên truyền, vận động 100% nhà ở riêng lẻ cao từ 7 tầng hoặc 25m trở lên, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh cao từ 3 tầng hoặc khối tích từ 1.500m3 trở lên hoàn thành việc trang bị hệ thống báo cháy tự động, thiết bị báo cháy cục bộ theo yêu cầu của quy chuẩn, tiêu chuẩn. Đối với các trường hợp thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật PCCC và CNCH, quy chuẩn, tiêu chuẩn về PCCC, yêu cầu bắt buộc hoàn thành việc trang bị hệ thống báo cháy tự động, thiết bị báo cháy cục bộ; trường hợp không thực hiện theo quy định pháp luật, cương quyết xử lý vi phạm theo quy định.

- Chỉ tiêu đến hết năm 2030: Tuyên truyền, vận động, khuyến khích 100% nhà ở riêng lẻ, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh còn lại trang bị hệ thống báo cháy tự động hoặc thiết bị báo cháy cục bộ, đảm bảo theo quy định pháp luật về PCCC và CNCH hiện hành;

(Bên cạnh việc thực hiện các chỉ tiêu theo yêu cầu của UBND Thành phố, các đơn vị tích cực tuyên truyền, vận động để các cơ sở, hộ gia đình thực hiện đảm bảo theo yêu cầu, quy định của Luật PCCC và CNCH đã được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 8, ngày 29/11/2024 và các Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành. Các phương án trang bị hệ thống báo cháy tự động, thiết bị báo cháy cục bộ theo hướng dẫn tại phụ lục 1 ban hành kèm theo Kế hoạch này).

c) Thường xuyên chỉ đạo tổ chức kiểm tra, hướng dẫn công tác PCCC và CNCH đối với hộ gia đình, hộ gia đình kết hợp sản xuất kinh doanh và các cơ sở trên địa bàn; giám sát, đôn đốc chủ hộ gia đình/người đứng đầu cơ sở khắc phục các tồn tại, vi phạm về PCCC và CNCH đã được phát hiện và kiến nghị; kiên quyết xử lý nghiêm đối với các cá nhân, tổ chức, cơ sở hoạt động mà không bảo đảm các điều kiện an toàn về PCCC và CNCH; hướng dẫn chủ hộ gia đình/chủ cơ sở thường xuyên tổ chức tự kiểm tra an toàn PCCC&CNCH để chủ động phát hiện và loại trừ những nguy cơ dẫn đến cháy, nổ, sự cố, tai nạn, xây dựng và tổ chức thực tập phương án chữa cháy, phương án CNCH phù hợp với quy mô, tính chất sử dụng của nhà, công trình, với phương châm “nơi nào có dân, nơi đó có phương án chữa cháy, thoát nạn”, đảm bảo thiết thực, hiệu quả cao, khi có cháy, lực lượng tại chỗ có thể xử lý được ngay từ ban đầu.

Giao Công an Thành phố, UBND quận, huyện, thị xã tổ chức thực hiện theo phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn.

d) Thường xuyên rà soát, củng cố lực lượng dân phòng đảm bảo về lực lượng, biên chế, cơ cấu, bố trí địa điểm và các điều kiện làm việc (sân bãi tập luyện, khu vực để phương tiện...), đầu tư trang bị phương tiện thường trực chữa cháy, CNCH đảm bảo định mức tối thiểu theo quy định; định kỳ tổ chức tập huấn, huấn luyện nghiệp vụ PCCC&CNCH cho lực lượng này đảm bảo theo quy định. Tiếp tục quan tâm lực lượng dân quân thường trực, đảm bảo hỗ trợ tối đa hoạt động PCCC, CNCH trên địa bàn khi có yêu cầu.

Giao UBND quận, huyện, thị xã chủ trì thực hiện; Công an Thành phố phối hợp, tham mưu, hướng dẫn.

đ) Rà soát, thống kê di dời các cơ sở sản xuất, kho chứa hóa ra khỏi khu vực nội thành, bố trí vào các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn Thành phố. Phấn đấu đến năm 2030: Hoàn thành di dời các cơ sở, kho chứa thuộc diện di dời đến khu/cụm công nghiệp, phù hợp quy hoạch của ngành Công thương.

Giao Sở Công thương chủ trì, phối hợp Sở Quy hoạch Kiến trúc, Sở Tài nguyên và Môi trường, các đơn vị liên quan (theo chức năng) tham mưu UBND Thành phố chỉ đạo, tổ chức thực hiện.

1.2.2. Đối với công trình vi phạm PCCC trong lĩnh vực đầu tư xây dựng

a) Công trình vi phạm trật tự xây dựng, xây dựng trên đất không đúng mục đích sử dụng đất (trong đó có công trình liên quan vi phạm về PCCC):

- Tổ chức quản lý chặt chẽ trong việc cấp mới, điều chỉnh giấy phép xây dựng, tuyệt đối không để phát sinh công trình vi phạm trật tự xây dựng, xây dựng trên đất không đúng mục đích sử dụng đất. Tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời xử lý nghiêm các công trình vi phạm trật tự xây dựng, xây dựng trên đất không đúng mục đích sử dụng đất theo quy định của pháp luật, trong đó, kịp thời thực hiện theo Nghị quyết của HĐND Thành phố quy định việc áp dụng biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước (thực hiện khoản 2 và khoản 3 Điều 33 Luật Thủ đô).

Giao Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên Môi trường, UBND quận, huyện, thị xã thực hiện theo thẩm quyền.

- UBND cấp huyện chủ động rà soát, lập danh sách các công trình đã và đang vi phạm; lập kế hoạch xử lý dứt điểm các công trình vi phạm theo Chỉ thị số 14/CT-UBND[2] ngày 25/8/2022 và Kế hoạch số 182/KH-UBND[3] ngày 04/7/2023 của UBND Thành phố. Đến thời hạn 15/12/2025, giải quyết, khắc phục hết số công trình vi phạm trên địa bàn; đồng thời, tiếp tục duy trì thực hiện, đảm bảo không có công trình vi phạm phát sinh ở những năm tiếp theo.

Giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với Công an Thành phố tham mưu UBND Thành phố chỉ đạo; giao UBND quận, huyện, thị xã tổ chức thực hiện.

b) Các công trình không bảo đảm yêu cầu về PCCC được đưa vào sử dụng trước khi Luật Phòng cháy và chữa cháy năm 2001 có hiệu lực:

- Tổ chức kiểm tra, đôn đốc các cơ sở để hướng dẫn giải pháp tổ chức khắc phục theo Nghị quyết số 05/2022/NQ-HĐND của HĐND, Kế hoạch số 273/KH-UBND ngày 24/10/2023 của UBND Thành phố. Đến thời hạn 15/12/2025, các công trình tồn tại PCCC trước Luật PCCC được khắc phục xong, trong đó: (1) Các công trình vi phạm thuộc diện di dời khỏi khu dân cư phải được di dời về các khu/cụm công nghiệp theo tiến độ; (2) Quá trình tổ chức khắc phục các tồn tại, vi phạm, các cơ sở phải chấp hành nghiêm các yêu cầu an toàn PCCC theo quy định. Đồng thời, tiếp tục duy trì thực hiện, đảm bảo không có công trình vi phạm phát sinh ở những năm tiếp theo.

- Lưu ý: Công trình, hạng mục công trình khi cải tạo, thay đổi công năng sử dụng phải đáp ứng đầy đủ các quy định pháp luật về PCCC.

Giao UBND cấp huyện tổ chức kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn việc thực hiện của các cơ sở, công trình; giao Công an Thành phố tham mưu UBND Thành phố chỉ đạo, đôn đốc thực hiện; giao các đơn vị chủ quản các công trình thuộc diện khắc phục theo Nghị quyết số 05/2022/NQ-HĐND khẩn trương tổ chức thực hiện.

c) Các công trình không bảo đảm yêu cầu về PCCC được đưa vào sử dụng sau khi Luật Phòng cháy và chữa cháy năm 2001 có hiệu lực:

- Bảo đảm địa bàn không phát sinh các công trình xây mới, cải tạo, thay đổi tính chất sử dụng mà không chấp hành quy định về PCCC trong lĩnh vực đầu tư xây dựng.

- Tổ chức kiểm tra, giám sát, đôn đốc các cơ sở để hướng dẫn giải pháp khắc phục. Theo Kế hoạch số 151/KH-UBND ngày 18/6/2021 của UBND Thành phố, đến thời hạn 15/6/2025, không còn tình trạng công trình vi phạm PCCC trong lĩnh vực đầu tư xây dựng (quá trình tổ chức khắc phục các tồn tại, vi phạm, các cơ sở phải chấp hành nghiêm các yêu cầu an toàn PCCC theo quy định); đồng thời, tiếp tục duy trì thực hiện, đảm bảo không có công trình vi phạm phát sinh ở những năm tiếp theo.

Giao UBND cấp huyện tổ chức kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn việc thực hiện của các cơ sở, công trình; giao Công an Thành phố tham mưu UBND Thành phố chỉ đạo, đôn đốc thực hiện; giao các đơn vị chủ quản các công trình thuộc diện khắc phục theo Kế hoạch số 151/KH-UBND khẩn trương tổ chức thực hiện.

1.3. Xây dựng và phát triển toàn diện hệ thống cơ sở của lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH

1.3.1. Tiếp tục Dự án Quy hoạch tổng thể hệ thống cơ sở của lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH thành phố Hà Nội đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (ban hành kèm theo Quyết định số 812/QĐ-UBND ngày 17/02/2016 của UBND Thành phố - sau đây gọi tắt là Dự án 812) để đề xuất đầu tư các dự án, gói dự án cho lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH Thành phố phù hợp.

Giao Công an Thành phố thực hiện, đồng thời, tham mưu tổ chức tổng kết Dự án 812; đề xuất UBND Thành phố ban hành Quyết định thay thế hoặc sửa đổi, bổ sung phù hợp: Thời hạn trước 15/6/2025.

1.3.2. Kiện toàn, thành lập bổ sung các Đội, phân Đội Cảnh sát PCCC và CNCH. Quy hoạch bổ sung địa điểm làm việc, doanh trại cho lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH

a) Đối với các Đội, phân Đội Cảnh sát PCCC và CNCH đã được thành lập, đã được bố trí địa điểm làm việc và doanh trại đơn vị: Giao Công an Thành phố thực hiện, rà soát tiêu chí bảo đảm cho việc tập luyện và thường trực sẵn sàng chữa cháy, CNCH (trọng tâm là tiêu chí về điều kiện giao thông, sân bãi tập luyện), qua đó đề xuất giải pháp chỉnh trang hoặc hoán đổi vị trí các công trình vốn đầu tư công cho phù hợp.

b) Giới thiệu vị trí và triển khai xây dựng mới trụ sở làm việc, doanh trại cho các đơn vị (Đội, phân Đội Cảnh sát PCCC và CNCH) theo Dự án 812; đồng thời, tiếp tục nghiên cứu quy hoạch bổ sung; giải pháp và lộ trình như sau:

* Các trạm PCCC (Đội, phân Đội) trên đất liền:

- Giai đoạn đến 2025 (thời hạn 15/12/2025):

+ Tiếp tục giới thiệu, đề xuất 33 vị trí đội, phân Đội Cảnh sát PCCC và CNCH tiếp nối Dự án 812; nghiên cứu, đề xuất quy hoạch các phân Đội Cảnh sát PCCC và CNCH theo tiêu chí bán kính bảo vệ của các trạm PCCC bảo đảm tối đa 3km đối với các quận, thị xã, 5km đối với các huyện (dự kiến 03 vị trí bổ sung thêm so với Dự án 812).

+ Hoàn thành xây dựng giai đoạn 1 trụ sở Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH[4]. Trong đó, triển khai thí điểm Tổ Cảnh sát PCCC và CNCH đặc biệt tinh nhuệ thuộc đầu mối Đội thuộc Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH (theo Đề án số 10/ĐA-BCA-C07 ngày 15/3/2023 của Bộ Công an).

- Giai đoạn 2026 - 2030:

+ Hoàn thành và đưa vào sử dụng 33 vị trí đội, phân Đội Cảnh sát PCCC và CNCH đã quy hoạch, đề xuất ở giai đoạn trước.

+ Tiếp tục giai đoạn 2 trụ sở Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH. Đánh giá hiệu quả hoạt động thí điểm của Tổ Cảnh sát PCCC và CNCH đặc biệt tinh nhuệ để triển khai nhân rộng theo Đề án số 10/ĐA-BCA-C07 ngày 15/3/2023 của Bộ Công an.

* Các trạm PCCC (Đội, phân Đội) trên sông:

- Giai đoạn đến năm 2025 (thời hạn 15/12/2025): Tiếp tục giới thiệu và triển khai các đội, phân đội Cảnh sát PCCC và CNCH trên sông tiếp nối Dự án 812 (dự kiến 03 vị trí).

- Giai đoạn 2026 - 2030: Hoàn thành và đưa vào sử dụng 03 phân Đội Cảnh sát PCCC và CNCH trên sông; tiếp tục nghiên cứu, đề xuất quy hoạch, giới thiệu bổ sung vị trí các phân Đội Cảnh sát PCCC và CNCH trên sông để phù hợp tình hình thực tiễn.

* Trung tâm chỉ huy điều hành bay: Đến năm 2030: Đưa vào hoạt động Trung tâm chỉ huy điều hành bay[5] thuộc dự án trụ sở Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH (theo Dự án 812).

Giao Công an Thành phố chủ trì, phối hợp Sở Kế hoạch Đầu tư, Sở Quy hoạch Kiến trúc, Sở Tài chính, Bộ Tư lệnh Thủ đô, UBND quận, huyện, thị xã thực hiện.

1.3.3. Tăng cường quân số, biên chế

Giao Công an Thành phố chủ động thực hiện theo Nghị quyết số 12- NQ/TW ngày 16/3/2022 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh xây dựng lực lượng Công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, Nghị quyết số 22-NQ/TU ngày 01/11/2023 của Thành ủy về đẩy mạnh xây dựng lực lượng Công an Thủ đô thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, Quyết định số 410/QĐ-UBND ngày 15/12/2023 của UBND Thành phố phê duyệt Đề án “Đẩy mạnh xây dựng lực lượng Công an Thủ đô thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới” (sau đây gọi tắt là Đề án Công an Thủ đô), Đề án số 10/ĐA-BCA-C07 ngày 15/3/2023 của Bộ Công an về “Xây dựng lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”.

1.3.4. Tiếp tục đầu tư trang thiết bị, phương tiện PCCC và CNCH

a) Tiếp tục hoàn thành các nhiệm vụ, mục tiêu về đầu tư trang thiết bị, phương tiện PCCC và CNCH đã đề ra theo Dự án 812. Bên cạnh đó, tăng cường, bổ sung trang thiết bị phương tiện PCCC và CNCH phù hợp quy mô và việc bố trí các Đội, phân Đội, các đơn vị theo tính toán. Đồng thời, nghiên cứu đề xuất tăng cường các trang thiết bị, phương tiện hiện đại để sử dụng chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ địa hình đặc thù, phức tạp như cháy rừng, cháy dưới hầm sâu, trong ngõ nhỏ, hẹp.

b) Nghiên cứu, lập danh sách đầu tư trang thiết bị, phương tiện của các Đội, phân Đội Cảnh sát PCCC và CNCH:

- Giai đoạn đến năm 2025 (thời hạn 15/12/2025):

+ Tiếp tục đầu tư trang bị phương tiện đã được duyệt theo Dự án 812 và Đề án Công an Thủ đô.

+ Hoàn thiện mua sắm phương tiện theo nguồn kinh phí thường xuyên, gồm: Mua sắm thường xuyên giai đoạn 2023 - 2025 đã được UBND Thành phố phê duyệt; mua sắm thường xuyên đã được duyệt theo Chương trình số 09-CTr/TU của Thành ủy.

+ Nghiên cứu lập danh sách đầu tư trang bị bổ sung trang bị phương tiện cho các đội, phân đội Cảnh sát PCCC và CNCH mặt đất, trên sông được thành lập vào giai đoạn năm 2026 - 2030, đảm bảo định mức theo quy định.

- Giai đoạn 2026 - 2030:

+ Tiếp tục theo kế hoạch đầu tư công trung hạn, hằng năm được cấp có thẩm quyền quyết định.

+ Thực hiện Dự án đầu tư phương tiện giai đoạn 2026 - 2030 (được duyệt theo Chương trình số 09-CTr/TU).

+ Đối với lực lượng Công an cấp xã: Trên cơ sở nguồn vốn, nguồn trang thiết bị, phương tiện được trang cấp theo các dự án, đề án được phê duyệt, cân đối bố trí trang bị 02 xe mô tô, phương tiện chữa cháy cho Công an cấp xã; ưu tiên trang cấp cho địa bàn cấp xã có khu dân cư nguy hiểm về cháy, nổ.

Giao Công an Thành phố chủ trì, phối hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, các đơn vị liên quan chủ động thực hiện; có khó khăn, vướng mắc, báo cáo UBND Thành phố theo quy định.

1.4. Đầu tư phát triển hạ tầng phòng cháy chữa cháy

1.4.1 Hệ thống giao thông phục vụ phòng cháy chữa cháy

a) Các đường giao thông nhỏ hẹp, không bảo đảm theo quy chuẩn, tiêu chuẩn với chiều dài vượt quá 200m phải có phương án quy hoạch, cải tạo, chỉnh trang để bảo đảm cho xe chữa cháy, CNCH hoạt động. Trường hợp đặc biệt, do không thể tổ chức giải phóng mặt bằng phục vụ triển khai dự án thì có thể đề xuất giải pháp tăng cường như hệ thống cấp nước chữa cháy ngoài nhà để bổ sung, thay thế. Các tuyến đường, tuyến phố quy hoạch mới hoặc hiện có dự án cải tạo, chỉnh trang thì phải đáp ứng ngay theo các yêu cầu về PCCC.

Giao Sở Xây dựng chủ trì, tham mưu UBND Thành phố ban hành và tổ chức triển khai kế hoạch khắc phục các tồn tại liên quan vấn đề giao thông, nguồn nước phục vụ PCCC trên địa bàn Thành phố; giao UBND quận, huyện, thị xã chủ động tổ chức rà soát và báo cáo theo quy định.

b) Nhiệm vụ rà soát, tháo dỡ rào chắn, bục, bệ, barie, mái che, mái vẩy trên đường giao thông phục vụ cho xe chữa cháy:

- Giai đoạn từ nay đến 15/12/2025:

+ Tổ chức rà soát xong, lên danh sách các tuyến đường, phố, ngõ, ngách hiện trạng có rào chắn, bục, bệ, barie, mái che, mái vẩy làm cản trở xe chữa cháy và có phương án tổ chức triển khai thực hiện (báo cáo kết quả về UBND Thành phố trước ngày 15/3/2025).

+ Tiến hành triển khai ngay đối với địa bàn các quận và các cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề, khu dân cư có nguy hiểm cháy, nổ thuộc địa bàn các huyện, thị xã. Căn cứ tình hình thực tế, tính toán phương án, lộ trình triển khai để đảm bảo chỉ tiêu thực hiện các năm tiếp theo theo quy định.

- Năm 2026: Hoàn thành tối thiểu 50% việc tổ chức khắc phục các đường, phố, ngõ, ngách hiện trạng có rào chắn, bục, bệ, barie, mái che, mái vẩy làm cản trở xe chữa cháy.

- Năm 2027: Hoàn thành 100% việc tổ chức khắc phục các đường, phố, ngõ, ngách hiện trạng có rào chắn, bục, bệ, barie, mái che, mái vẩy làm cản trở xe chữa cháy.

- Từ năm 2028 đến các năm tiếp theo: Tiếp tục duy trì theo dõi, không để phát sinh rào chắn, bục, bệ, barie, mái che, mái vẩy trên đường giao thông làm cản trở xe chữa cháy; trường hợp phát hiện phát sinh thì phải tổ chức xử lý, khắc phục ngay.

Giao UBND quận, huyện, thị xã tổ chức rà soát và chủ động thực hiện theo chức năng; có khó khăn, vướng mắc, báo cáo UBND Thành phố theo quy định.

c) Nhiệm vụ rà soát, hạ ngầm lưới điện, cáp thông tin (hoặc giải pháp khác phù hợp) giải quyết tình trạng lưới điện, cáp thông tin mắc trùng, võng ảnh hưởng đến giao thông phục vụ cho xe chữa cháy:

- Giai đoạn từ nay đến 15/12/2025:

+ Tổ chức rà soát xong, lên danh sách các khu vực có tình trạng lưới điện, cáp thông tin mắc trùng, võng làm ảnh hưởng đến khả năng hoạt động của xe chữa cháy, CNCH và có phương án tổ chức triển khai thực hiện (báo cáo kết quả về UBND Thành phố trước ngày 15/3/2025).

+ Tiến hành triển khai ngay đối với địa bàn các quận và các cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề, khu dân cư có nguy hiểm cháy, nổ thuộc địa bàn các huyện, thị xã. Căn cứ tình hình thực tế, tính toán phương án, lộ trình triển khai để đảm bảo chỉ tiêu thực hiện các năm tiếp theo theo quy định.

- Từ năm 2026 đến hết năm 2029: Năm 2026 đạt tối thiểu 25%, năm 2027 đạt tối thiểu 50%, năm 2028 đạt tối thiểu 75%, đến hết năm 2029 đạt 100%, hoàn thành việc tổ chức khắc phục các khu vực có lưới điện, cáp thông tin mắc trùng, võng ảnh hưởng đến giao thông phục vụ cho xe chữa cháy.

Giao Tổng Công ty điện lực Thành phố chủ trì, phối hợp Sở Thông tin Truyền thông, UBND quận, huyện, thị xã và các đơn vị liên quan chủ động thực hiện; có khó khăn, vướng mắc, báo cáo UBND Thành phố theo quy định.

d) Nghiên cứu giải pháp về giao thông để hỗ trợ hoạt động cho các xe chữa cháy, xe CNCH, nhất là vào các khung giờ giờ cao điểm: Giao Sở Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan thực hiện, báo cáo UBND Thành phố những nội dung vượt thẩm quyền.

đ) Khai thác và sử dụng hiệu quả mạng lưới giao thông đường thủy nội địa, mạng lưới đường sắt phục vụ công tác PCCC: Giao Sở Giao Thông Vận tải, Công an Thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã chủ động phối hợp thực hiện; có khó khăn, vướng mắc, báo cáo UBND Thành phố theo quy định.

1.4.2 Hệ thống cung cấp nước phục vụ phòng cháy chữa cháy

a) Về trụ cấp nước chữa cháy ngoài nhà:

- Giai đoạn từ nay đến 15/12/2025:

+ Tiếp tục triển khai các dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt về đầu tư trụ cấp nước chữa cháy ngoài nhà của Thành phố theo quy định.

+ Tổ chức rà soát, lên phương án; báo cáo cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư lắp đặt trụ nước chữa cháy ngoài nhà bảo đảm về số lượng, khoảng cách, vị trí theo quy định, tổng số lượng dự kiến khoảng 10.167 trụ.

+ Căn cứ tình hình thực tế, tính toán phương án, lộ trình triển khai để đảm bảo chỉ tiêu thực hiện các năm tiếp theo theo quy định.

+ Đối với ngõ sâu mà xe chữa cháy không vào được, trước mắt bố trí trụ hoặc họng cấp nước ở đầu ngõ đấu nối với hệ thống cấp nước sinh hoạt để phục vụ cho công tác PCCC (tham khảo theo phụ lục 2 ban hành kèm theo Kế hoạch này).

- Giai đoạn 2026 đến hết năm 2029: Năm 2026 đạt tối thiểu 25%, năm 2027 đạt tối thiểu 50%, năm 2028 đạt tối thiểu 75%, đến hết năm 2029 đạt 100%, đảm bảo đến năm 2030, hoàn thành chỉ tiêu tối thiểu khoảng 3.050 trụ.

Giao Sở Xây dựng chủ trì, tham mưu UBND Thành phố ban hành và tổ chức triển khai kế hoạch khắc phục các tồn tại liên quan vấn đề cung cấp nước phục vụ PCCC trên địa bàn Thành phố; giao UBND quận, huyện, thị xã chủ động tổ chức rà soát và báo cáo theo quy định. Quá trình thực hiện cần chú trọng phát triển đồng bộ hệ thống cấp nước PCCC tại các đô thị, khu công nghiệp đảm bảo tổng lưu lượng nước chữa cháy và phù hợp với Định hướng phát triển cấp nước đô thị, khu công nghiệp Việt Nam và các ngành, lĩnh vực có liên quan; các đường ống, họng, trụ lấy nước chữa cháy đảm bảo các yêu cầu về lưu lượng, áp lực cần thiết theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn về PCCC và được lắp đặt thống nhất trên toàn bộ hệ thống cấp nước đô thị, khu công nghiệp và các địa bàn trọng điểm thuộc phạm vi lập quy hoạch.

b) Về bể nước, trạm bơm phục vụ chữa cháy tại các khu dân cư:

- Giai đoạn từ nay đến 15/12/2025:

+ Tổ chức rà soát xong, lên danh sách, chọn vị trí cụ thể để báo cáo HĐND Thành phố, UBND Thành phố phê duyệt chủ trương phê duyệt xây dựng bể nước, trạm bơm PCCC cho các khu dân cư nguy hiểm về cháy, nổ (dự kiến tổng số 433 bể nước chữa cháy công cộng, 433 trạm bơm; báo cáo kết quả về UBND Thành phố trước ngày 15/3/2025).

+ Căn cứ tình hình thực tế, tính toán phương án, lộ trình triển khai để đảm bảo chỉ tiêu thực hiện các năm tiếp theo theo quy định (các phương án lựa chọn trong quá trình triển khai thực hiện theo hướng dẫn tại phụ lục 3 ban hành kèm theo Kế hoạch này).

- Từ năm 2026 đến hết năm 2029: Năm 2026 đạt tối thiểu 25%, năm 2027 đạt tối thiểu 50%, năm 2028 đạt tối thiểu 75%, đến hết năm 2029 đạt 100%, hoàn thành việc xây dựng bể nước, trạm bơm PCCC cho các khu dân cư nguy hiểm về cháy, nổ theo quyết định đã được phê duyệt.

Giao Sở Xây dựng chủ trì, tham mưu UBND Thành phố ban hành và tổ chức triển khai kế hoạch khắc phục các tồn tại liên quan hệ thống giao thông phục vụ PCCC và hệ thống cung cấp nước phục vụ PCCC trên địa bàn Thành phố; giao UBND quận, huyện, thị xã chủ động tổ chức rà soát và báo cáo theo quy định.

c) Về việc tận dụng các nguồn nước chữa cháy tự nhiên:

- Giai đoạn từ nay đến 15/12/2025:

+ Tổ chức rà soát xong, lên danh sách, chọn vị trí cụ thể để báo cáo HĐND Thành phố, UBND Thành phố phê duyệt chủ trương phê duyệt xây dựng các bến lấy nước, hố thu nước, tận dụng các nguồn nước chữa cháy tự nhiên trên địa bàn (dự kiến tổng số 04 bến lấy nước, 900 hố thu nước; báo cáo kết quả về UBND Thành phố trước ngày 15/3/2025).

+ Căn cứ tình hình thực tế, tính toán phương án, lộ trình triển khai để đảm bảo chỉ tiêu thực hiện các năm tiếp theo theo quy định (tham khảo theo hướng dẫn triển khai thực hiện tại phụ lục 4 ban hành kèm theo Kế hoạch này).

- Từ năm 2026 đến hết năm 2029: Năm 2026 đạt tối thiểu 25%, năm 2027 đạt tối thiểu 50%, năm 2028 đạt tối thiểu 75%, đến hết năm 2029 đạt 100%, hoàn thành việc xây dựng các bến lấy nước, hố thu nước theo quyết định đã được phê duyệt.

Giao Sở Xây dựng chủ trì, tham mưu UBND Thành phố ban hành và tổ chức triển khai kế hoạch khắc phục các tồn tại liên quan vấn đề cung cấp nước phục vụ PCCC trên địa bàn Thành phố; giao UBND quận, huyện, thị xã chủ động tổ chức rà soát và báo cáo theo quy định.

- Đối với khu vực rừng, cần lợi dụng các thung lũng, khe suối, đầm, hồ sẵn có để dự trữ nước cho việc chữa cháy rừng. Tùy từng điều kiện kinh tế và địa hình để quy hoạch và xây dựng các hồ đập chứa nước kiên cố để dự trữ nước lớn phục vụ nhiều mục đích hoặc xây dựng bán kiên cố để dự trữ lượng nước cho công tác phòng cháy, chữa cháy rừng.

Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, tham mưu UBND Thành phố thực hiện; giao UBND quận, huyện, thị xã chủ động rà soát để đề xuất.

d) Bổ sung đường ống cấp nước phục vụ chữa cháy các tuyến phố, ngõ, ngách, hẻm sâu trên 200m mà xe chữa cháy không vào được, không trong diện quy hoạch giải tỏa:

- Giai đoạn từ nay đến 15/12/2025:

+ Tổ chức rà soát, lên danh sách và phương án tổ chức triển khai (báo cáo kết quả về UBND Thành phố trước ngày 15/3/2025).

+ Tiến hành triển khai ngay đối với địa bàn các quận và các cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề, khu dân cư có nguy hiểm cháy, nổ thuộc địa bàn các huyện, thị xã.

+ Căn cứ tình hình thực tế, tính toán phương án, lộ trình triển khai để đảm bảo chỉ tiêu thực hiện các năm tiếp theo theo quy định.

- Chỉ tiêu đến hết năm 2026: Tối thiểu 30% các tuyến phố, ngõ, ngách, hẻm sâu trên 200m (xe chữa cháy không vào được) tại khu dân cư có nguy hiểm cháy, nổ trên địa bàn các quận hoàn thành việc bổ sung đường ống cấp nước phục vụ chữa cháy.

- Chỉ tiêu đến hết năm 2027: 100% các tuyến phố, ngõ, ngách, hẻm sâu trên 200m (xe chữa cháy không vào được) tại khu dân cư có nguy hiểm cháy, nổ trên địa bàn các quận hoàn thành việc bổ sung đường ống cấp nước phục vụ chữa cháy.

- Chỉ tiêu đến hết năm 2028:

+ Đối với địa bàn các quận: 100% các tuyến phố, ngõ, ngách, hẻm sâu trên 200m (xe chữa cháy không vào được) trên địa bàn mà không trong diện quy hoạch, giải tỏa hoàn thành việc bổ sung đường ống cấp nước phục vụ chữa cháy.

+ Đối với địa bàn các huyện, thị xã: 100% các tuyến phố, ngõ, ngách, hẻm sâu trên 200m (xe chữa cháy không vào được) thuộc các cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề, khu dân cư có nguy hiểm cháy, nổ trên địa bàn hoàn thành việc bổ sung đường ống cấp nước phục vụ chữa cháy.

- Chỉ tiêu đến hết năm 2030: 100% các tuyến phố, ngõ, ngách, hẻm sâu trên 200m (xe chữa cháy không vào được) trên địa bàn các quận, huyện, thị xã mà không trong diện quy hoạch, giải tỏa hoàn thành việc bổ sung đường ống cấp nước phục vụ chữa cháy.

Giao UBND quận, huyện, thị xã chủ động rà soát và tổ chức thực hiện theo chức năng, thẩm quyền. Các phương án lựa chọn trong quá trình triển khai thực hiện tham khảo theo hướng dẫn tại phụ lục 5 ban hành kèm theo Kế hoạch này.

1.4.3 Về hệ thống thông tin liên lạc

- Tiếp tục duy trì thực hiện tốt chế độ thường trực sẵn sàng chữa cháy, CNCH của lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH; tổ chức tiếp nhận và truyền tải thông tin phục vụ chữa cháy, CNCH thông suốt.

- Thường xuyên kiểm tra chất lượng hoạt động của hệ thống để bảo dưỡng, sửa chữa kịp thời. Không ngừng nâng cấp để tín hiệu, thiết bị của hệ thống ngày càng chất lượng hơn.

- Nghiên cứu, nâng cấp Trung tâm thông tin chỉ huy 114 của CATP để phục vụ công tác PCCC, CNCH; kiến nghị các cơ sở thuộc diện phải trang bị khẩn trương, kịp thời trang bị hệ thống cảnh báo cháy nhanh, kết nối với trung tâm truyền tin báo của quốc gia, bảo đảm đáp ứng theo yêu cầu vận hành hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu PCCC và truyền tin báo sự cố (theo quy định tại Thông tư số 149/2020/TT-BCA , Thông tư số 32/2024/TT-BCA và theo hướng dẫn, triển khai của Bộ Công an).

- Ứng dụng các công nghệ hiện đại để nâng cấp hệ thống thông tin (toàn diện ở các loại đường truyền: Hữu tuyến, vô tuyến, trực tuyến) hỗ trợ cho hoạt động tiếp nhận thông tin và chỉ huy, điều hành chữa cháy, CNCH, đáp ứng yêu cầu của công tác PCCC và CNCH trong tình hình mới.

- Nghiên cứu thiết lập hệ thống thông tin liên lạc phục vụ công tác PCCC và CNCH cho các lực lượng PCCC chuyên ngành, cơ sở, dân phòng và tình nguyện theo quy định của pháp luật.

Giao Công an Thành phố chủ động thực hiện theo chức năng; chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan tham mưu UBND Thành phố thực hiện các nội dung vượt thẩm quyền.

- Triển khai nền tảng địa chỉ số quốc gia gắn với bản đồ số trên địa bàn thành phố Hà Nội, trong đó triển khai thử nghiệm ứng dụng nền tảng địa chỉ số gắn với bản đồ số trong lĩnh vực PCCC. Phối hợp với Trung tâm tần số vô tuyến điện khu vực I - Cục Tần số vô tuyến điện rà soát và xử lý nhiễu đối với hệ thống thông tin vô tuyến (bộ đàm) dùng riêng của lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH để điều hành các hoạt động chỉ huy, điều hành công tác chữa cháy và CNCH trên địa bàn Thành phố.

Giao Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp Công an Thành phố tổ chức thực hiện.

- Tiếp tục thực hiện Kế hoạch số 122/KH-UBND ngày 22/4/2024 của UBND Thành phố về triển khai thí điểm Ứng dụng quản lý, cảnh báo cháy gắn với xác thực định danh số nhà và dữ liệu dân cư trên địa bàn Thành phố; đảm bảo chỉ tiêu phấn đấu đề ra. Lưu ý: Nhiệm vụ của các đơn vị đã được phân công cụ thể theo Kế hoạch số 122/KH-UBND ; đến ngày 15/12/2024, các đơn vị hoàn thành việc nhập liệu công tác quản lý nhà nước về PCCC, CNCH, triển khai và chính thức đưa vào sử dụng ứng dụng (app) quản lý, theo dõi hoạt động PCCC đối với cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC trên địa bàn toàn Thành phố.

1.5. Kiện toàn, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của các lực lượng PCCC và CNCH tại chỗ

1.5.1 Lực lượng dân phòng

- 100% thôn, làng, tổ dân phố phải được thành lập Đội dân phòng và bảo đảm về quân số, biên chế, được bố trí địa điểm và các điều kiện để làm việc (bảo đảm các điều kiện hoạt động của lực lượng dân phòng phù hợp với quy mô, tính chất hoạt động của địa phương). Phát triển lực lượng dân phòng theo định hướng gắn liền với các lực lượng khác tại khu dân cư theo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở, đảm bảo “4 tại chỗ” trong PCCC, CNCH và an ninh trật tự trên địa bàn.

- Tổ chức huấn luyện và cấp Chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ PCCC, CNCH cho các Đội viên Đội dân phòng: 100% Thành viên các Đội dân phòng phải được huấn luyện và cấp Chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ PCCC,CNCH theo quy định và hằng năm được tập huấn, bồi dưỡng định kỳ.

- Hằng năm, duy trì bảo đảm kinh phí cho hoạt động của các Đội dân phòng:

+ Trang bị phương tiện về PCCC và CNCH: Đến ngày 15/12/2025, đầu tư trang thiết bị, phương tiện PCCC cho các Đội dân phòng, tối thiểu đáp ứng theo Thông tư số 150/2020/TT-BCA của Bộ Công an.

+ 100% Đội trưởng, Đội phó Đội dân phòng được chi trả mức hỗ trợ thường xuyên định kỳ hằng tháng theo Nghị quyết số 16/2021/NQ-HĐND , nay được thay thế bởi Nghị quyết số 12/2024/NQ-HĐND ngày 01/7/2024.

+ Bảo đảm về chế độ chính sách cho các Đội viên khi tham gia học tập, tập luyện, tổ chức chữa cháy, CNCH theo Nghị định số 136/2020/NĐ-CP và Thông tư số 04/2021/TT-BLĐTBXH ngày 30/6/2021 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội: Kinh phí dự kiến trong kinh phí công tác tuyên truyền định kỳ hằng năm và kinh phí thường xuyên của các đơn vị.

- Bên cạnh đó, căn cứ nguồn chi thường xuyên và nhu cầu thực tiễn của đơn vị, nghiên cứu chính sách hỗ trợ thêm cho Đội viên Đội dân phòng, trang bị bổ sung mô tô chở phương tiện chữa cháy cho các Đội dân phòng (ưu tiên trước cho các Đội dân phòng có khu dân cư nguy hiểm cháy, nổ). Đến năm 2030: Nghiên cứu, đầu tư xe mô tô và phương tiện chữa cháy, CNCH cho các đội dân phòng; ước tính trung bình 02 xe/01 đội.

- Tăng cường tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tình nguyện đăng ký tham gia các hoạt động PCCC và CNCH.

Giao UBND quận, huyện, thị xã chủ động thực hiện theo chức năng, thẩm quyền; giao Công an Thành phố chỉ đạo lực lượng chức năng tham mưu, phối hợp UBND quận, huyện, thị xã để tổ chức thực hiện.

1.5.2 Lực lượng PCCC cơ sở

- 100% các cơ sở thuộc phụ lục III Nghị định số 50/2024/NĐ-CP của Chính phủ được thành lập Đội PCCC cơ sở và bảo đảm về quân số, biên chế, được bố trí địa điểm và các điều kiện để làm việc.

- Thành viên Đội PCCC cơ sở, người làm nhiệm vụ PCCC tại cơ sở phải được huấn luyện, cấp chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ PCCC theo quy định và hằng năm được tập huấn, bồi dưỡng định kỳ.

- Người tham gia Đội PCCC cơ sở được chi trả chế độ bảo đảm theo đúng quy định của Nghị định số 136/2020/NĐ-CP và Thông tư số 04/2021/TT- BLĐTBXH.

- Bảo đảm trang bị đầy đủ về phương tiện PCCC và CNCH cho các Đội PCCC cơ sở theo quy định tại Thông tư số 150/2020/TT-BCA ngày 31/12/2020 của Bộ Công an.

- Tuyên truyền, vận động, người lao động tình nguyện tham gia hoạt động của Đội PCCC tại cơ sở.

Giao Công an Thành phố chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan chủ động kiểm tra, đôn đốc các cơ sở thuộc diện quản lý tổ chức thực hiện theo quy định; xử lý vi phạm theo quy định.

1.5.3 Lực lượng PCCC chuyên ngành

- 100% các cơ sở thuộc diện phải thành lập Đội PCCC chuyên ngành theo quy định của pháp luật phải thành lập Đội PCCC chuyên ngành và bảo đảm quân số, biên chế, được bố trí địa điểm và các điều kiện để làm việc. Đối với các cơ sở xây dựng và đưa vào hoạt động mới, phải thực hiện ngay.

- 100% thành viên các Đội PCCC chuyên ngành (ngay sau khi được thành lập) phải được huấn luyện và cấp Chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ về PCCC, CNCH (người đứng đầu cơ sở duy trì thực hiện thường xuyên) theo quy định; hằng năm được tập huấn, bồi dưỡng định kỳ.

- 100% những người tham gia Đội PCCC chuyên ngành được chi trả chế độ bảo đảm theo đúng quy định của Nghị định số 136/2020/NĐ-CP và Thông tư số 04/2021/TT-BLĐTBXH .

- Bảo đảm trang bị phương tiện về PCCC và CNCH cho các Đội PCCC chuyên ngành. Thời hạn 15/12/2025: 100% các Đội PCCC chuyên ngành được trang bị đầy đủ phương tiện PCCC theo quy định (Thông tư số 150/2020/TT-BCA , TCVN 3890 và các quy định có liên quan).

- Căn cứ thoả thuận quy hoạch phát triển khu cụm công nghiệp trên địa bàn Thành phố: Định hướng đến năm 2030, tầm nhìn năm 2050, Thành phố tiếp tục có thêm 16 khu công nghiệp và 44 cụm công nghiệp có diện tích từ 50ha, do đó, khi quy hoạch các khu, cụm công nghiệp phải dự kiến bố trí quỹ đất cho các Đội PCCC chuyên ngành thuộc các cụm công nghiệp này.

Giao Ban Quản lý các Khu công nghiệp và Chế xuất Hà Nội chủ trì, phối hợp Công an Thành phố đôn đốc, giám sát việc thực hiện của các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh hạ tầng.

1.5.4. Lực lượng dân quân thường trực

- Một số nhiệm vụ của lực lượng dân quân thường trực:

+ Phối hợp với lực lượng Công an, dân phòng trên địa bàn tham gia ứng phó, khắc phục sự cố, cháy, nổ, tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ và các hoạt động phòng thủ dân sự theo quy định pháp luật.

+ Phối hợp tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành nghiêm các quy định về PCCC; tham gia xây dựng địa phương, cơ sở vững mạnh, toàn diện.

- Các đơn vị quan tâm tổ chức huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ PCCC, CNCH cho lực lượng dân quân thường trực tại địa phương theo quy định.

- Quá trình thực hiện nhiệm vụ, lực lượng dân quân thường trực được đảm bảo chế độ theo Luật Dân quân tự vệ năm 2019 và Nghị quyết số 61/2021/NQ- HĐND ngày 23/9/2021 của Hội đồng nhân dân Thành phố.

Giao UBND quận, huyện, thị xã chủ động thực hiện theo chức năng, thẩm quyền; giao Bộ Tư lệnh Thủ đô chỉ đạo cơ quan chức năng tham mưu, phối hợp UBND quận, huyện, thị xã tổ chức thực hiện.

1.5.5. Các tổ chức, cá nhân tình nguyện tham gia hoạt động PCCC và CNCH

Việc các tổ chức, cá nhân tình nguyện tham gia vào các hoạt động PCCC tại địa phương đã được quy định rõ tại Điều 32 Nghị định số 136/2020/NĐ-CP của Chính phủ. Trong đó, các cá nhân tình nguyện tham gia hoạt động PCCC sẽ đăng ký với UBND cấp xã nơi cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi làm việc; các tổ chức tình nguyện tham gia hoạt động PCCC sẽ đăng ký với cơ quan Công an quản lý địa bàn; khi thực hiện nhiệm vụ, cá nhân, tổ chức sẽ chịu sự chỉ đạo của Đội trưởng, Đội phó Đội dân phòng, Đội PCCC cơ sở hoặc người có thẩm quyền chỉ huy trực tiếp hoạt động chữa cháy tại hiện trường.

Trên địa bàn Thành phố có nhiều tổ chức, doanh nghiệp có tiềm năng tham gia các hoạt động PCCC một cách tình nguyện (như các doanh nghiệp cấp nước, các doanh nghiệp có máy bơm, máy xúc, máy ủi,...). Việc tình nguyện tham gia vào hoạt động PCCC của các tổ chức, doanh nghiệp sẽ phát huy được tính chủ động, kịp thời chữa cháy trong “thời điểm vàng” mà không nhất thiết phải chờ đến khi có Lệnh huy động, điều động của cơ quan có thẩm quyền.

Giao UBND cấp huyện quản lý thông tin, danh sách của các Đội dân phòng, các Đội PCCC cơ sở, Đội PCCC chuyên ngành, các tổ chức, doanh nghiệp có tiềm năng tình nguyện tham gia hoạt động PCCC trên địa bàn phụ trách. Đối với các Đội dân phòng, các Đội PCCC cơ sở, Đội PCCC chuyên ngành, kịp thời điều động chữa cháy, CNCH theo quy định. Đối với các tổ chức, doanh nghiệp khác, vận động tình nguyện tham gia hoạt động PCCC và CNCH, giao UBND cấp huyện nghiên cứu, thí điểm thành lập và bố trí địa điểm hoạt động thành Đội PCCC&CNCH tình nguyện tại các khu đô thị, khu dân cư, làng nghề sản xuất kinh doanh hàng hóa dễ cháy nổ, cụm gia đình hoạt động kinh doanh dịch vụ; xây dựng quy chế hoạt động đảm bảo theo hướng dẫn của cấp trên và kịp thời huy động khi có yêu cầu.

2. Những nhiệm vụ định kỳ, thường xuyên

2.1. Tham mưu hoàn thiện thể chế trong việc thực hiện công tác PCCC và CNCH của thành phố

2.1.1. Thường xuyên đánh giá tình hình vi phạm pháp luật về PCCC và CNCH; kịp thời đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác xử lý vi phạm

Giao Công an Thành phố chủ trì, phối hợp Sở Tư pháp, UBND quận, huyện, thị xã và các đơn vị của Thành phố nghiên cứu, tham mưu UBND Thành phố và các cấp có thẩm quyền triển khai Luật PCCC và CNCH vừa được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 8, ngày 29/11/2024, đồng thời, chủ động thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực được phân công.

2.1.2. Soạn thảo, ban hành các văn bản triển khai thi hành Luật Thủ đô (Luật số 39/2024/QH15), trong đó có các văn bản quy định liên quan PCCC và CNCH

Các đơn vị thực hiện theo Quyết định số 4582/QĐ-UBND ngày 30/8/2024 của UBND Thành phố ban hành danh mục và phân công nhiệm vụ soạn thảo các văn bản triển khai thi hành Luật Thủ đô; Kế hoạch số 264/KH-UBND ngày 04/9/2024 của UBND Thành phố về soạn thảo, ban hành văn bản triển khai thi hành Luật Thủ đô; lưu ý một số yêu cầu về tiến độ hoàn thành như sau:

- Tham mưu HĐND Thành phố ban hành Nghị quyết quy định việc áp dụng biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước (thực hiện khoản 2 và khoản 3 Điều 33 Luật Thủ đô).

Giao Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp các Ban của HĐND Thành phố, các Sở, ngành: Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Công thương, Công an Thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã và các đơn vị liên quan báo cáo UBND Thành phố và trình HĐND Thành phố đảm bảo tiến độ tại Quyết định số 4582/QĐ-UBND ngày 30/8/2024 và Kế hoạch số 264/KH-UBND ngày 04/9/2024.

- Tham mưu HĐND Thành phố ban hành Nghị quyết quy định mức tiền phạt đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực PCCC trên địa bàn Thành phố (thực hiện khoản 1 Điều 33 Luật Thủ đô).

Giao Công an Thành phố chủ trì, phối hợp các đơn vị, sở ngành liên quan báo cáo UBND Thành phố trình HĐND Thành phố tại kỳ họp tháng 7/2025.

2.1.3. Tổ chức triển khai đồng bộ, hiệu quả, gắn chặt với thực tiễn công tác PCCC và CNCH trên địa bàn đối với các văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành

Theo chức năng, Công an Thành phố, Sở Tài chính, UBND quận, huyện, thị xã và các đơn vị liên quan tiếp tục tổ chức triển khai đồng bộ, hiệu quả, gắn chặt với thực tiễn công tác PCCC và CNCH trên địa bàn đối với các văn bản quy phạm pháp luật đã được Thành phố ban hành, cụ thể là:

- Nghị quyết số 12/2024/NQ-HĐND ngày 01/7/2024 của HĐND Thành phố Quy định tiêu chí thành lập, tiêu chí số lượng thành viên Tổ bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; nội dung, mức chi hỗ trợ đối với người tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở trên địa bàn thành phố Hà Nội (thay thế, bãi bỏ phụ lục 2 Nghị quyết số 16/2021/NQ-HĐND ngày 08/12/2021 của HĐND Thành phố quy định một số nội dung và mức chi thuộc thẩm quyền, trong đó, quy định mức hỗ trợ thường xuyên đối với các chức danh Đội trưởng, Đội phó Đội dân phòng tại thôn, tổ dân phố trên địa bàn).

- Quyết định số 32/2021/QĐ-UBND ngày 30/12/2021 của UBND Thành phố ban hành quy định an toàn PCCC đối với nhà ở riêng lẻ và nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn.

- Nghị quyết số 05/2022/NQ-HĐND ngày 06/7/2022 (thay thế Nghị quyết số 05/2017/NQ-HĐND ngày 04/7/2017) về xử lý các cơ sở không bảo đảm yêu cầu về PCCC trên địa bàn Hà Nội được đưa vào sử dụng trước khi Luật Phòng cháy và chữa cháy năm 2001 có hiệu lực.

2.1.4. Tiếp tục nghiên cứu, tổng hợp hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về PCCC và CNCH, đối chiếu với thực tiễn công tác để báo cáo, kiến nghị các cấp có thẩm quyền ban hành mới hoặc sửa đổi, điều chỉnh, bổ sung các quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn về PCCC cho phù hợp

Giao Sở Tư pháp, Công an Thành phố, UBND quận, huyện, thị xã và các đơn vị của Thành phố chủ động thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực được phân công. Trong đó, giao các đơn vị thực hiện một số nhiệm vụ, chỉ tiêu cụ thể như sau:

- Tham mưu HĐND Thành phố ban hành Nghị quyết trong đó có quy định mức bồi dưỡng, hỗ trợ cho lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH.

Giao Công an Thành phố chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan báo cáo UBND Thành phố, trình HĐND Thành phố ban hành trước 15/3/2025.

- Ban hành tài liệu hướng dẫn giải pháp cấp thiết tăng cường điều kiện an toàn PCCC cho các loại hình (Nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ, nhà ở riêng lẻ kết hợp sản xuất kinh doanh (bao gồm cả nhà ở cho thuê trọ)) - bám sát Chỉ thị số 19/CT-TTg ngày 24/6/2024 của Chính phủ, quy chuẩn, tiêu chuẩn PCCC hiện hành và tài liệu chuẩn của Bộ Xây dựng theo quy định.

Giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp Công an Thành phố, các đơn vị liên quan tham mưu UBND Thành phố thực hiện, ban hành trước 01/01/2025.

- Rà soát, sửa đổi các văn bản liên quan đến cơ chế chính sách để thực hiện khả thi, hiệu quả các mục tiêu của quy hoạch hạ tầng PCCC, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố.

Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài Chính, Viện nghiên cứu phát triển kinh tế xã hội và các đơn vị theo chức năng tham mưu thực hiện.

2.2. Nâng cao nhận thức, ý thức trong công tác PCCC và CNCH

2.2.1. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về PCCC và CNCH

a) Bên cạnh những hình thức tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về PCCC và CNCH “truyền thống” (như các lớp tuyên truyền miệng; phát thanh; phát tờ rơi; sử dụng băng rôn, khẩu hiệu…), công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về PCCC và CNCH cần tiếp tục đổi mới, sáng tạo với nhiều hình thức, nội dung phong phú, thiết thực, dễ tiếp cận; bảo đảm việc tuyên truyền tác động sâu, rộng, làm chuyển biến ý thức, trách nhiệm, tinh thần tự giác trong công tác PCCC và CNCH của các cơ quan, tổ chức và đông đảo tầng lớp nhân dân. Tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền, truyền thông (trong đó có cả xử lý khủng hoảng truyền thông) trong công tác PCCC và CNCH.

Giao Công an Thành phố, Sở Tư pháp, Sở Thông tin và Truyền thông, UBND quận, huyện, thị xã, các đơn vị của Thành phố chủ động thực hiện theo chức năng, thẩm quyền và lĩnh vực được phân công.

b) Tiếp tục tích cực sử dụng đa dạng các kênh truyền thông để thực hiện tuyên truyền, nâng cao kiến thức, kỹ năng PCCC và CNCH, thoát nạn cho người dân.

- Giao các đơn vị Công an Thành phố, Sở Tư pháp, Sở Thông tin và Truyền thông, UBND quận, huyện, thị xã chủ động tương tác để đẩy mạnh tin, bài trên Đài truyền hình, Báo chí; đồng thời, chủ động đăng bài tuyên truyền trên các trang/cổng thông tin điện tử.

- Giao Sở Thông tin Truyền thông căn cứ Luật Viễn Thông, các quy định hiện hành, tiếp tục trao đổi, đề nghị các nhà mạng viễn thông (Viettel, Vinaphone, Mobiphone…) để đẩy mạnh tuyên truyền qua tin nhắn SMS.

- Tăng thời lượng phát sóng chuyên mục An toàn PCCC trên Đài Truyền hình Việt Nam và Đài Phát thanh Truyền hình Hà Nội. Mỗi số phát sóng không dưới 05 phút, bảo đảm vào khung giờ phù hợp để đông đảo khán giả của Thành phố có điều kiện đón xem:

+ Giao Công an Thành phố, Sở Tư pháp, Sở Thông tin và Truyền thông, UBND quận, huyện, thị xã chủ động về tin bài, phóng sự để đề nghị đơn vị phát sóng thực hiện việc phát sóng.

+ Đối với các tin bài, phóng sự phát trên chuyên mục An toàn PCCC của Đài Phát thanh Truyền hình Hà Nội: Giao Đài Phát thanh Truyền hình Hà Nội chủ động về thời lượng, khung giờ phát sóng theo yêu cầu của UBND Thành phố.

+ Đối với các tin bài, phóng sự phát trên chuyên mục An toàn PCCC của Đài Truyền hình Việt Nam: Giao Công an Thành phố, Sở Tư pháp, Sở Thông tin và Truyền thông, UBND quận, huyện, thị xã theo chức năng chủ động phối hợp, tương tác để đề nghị Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp thực hiện.

- Tiếp tục đăng tải các tin/bài viết tuyên truyền, khuyến cáo, cảnh báo về PCCC và CNCH trên Cổng Thông tin điện tử của UBND Thành phố, CATP, UBND quận, huyện, thị xã; trên mỗi Cổng phải đáp ứng trung bình mỗi tuần đăng tải 01 tin/bài viết:

+ Giao Văn phòng UBND Thành phố chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan đăng tải các tin, bài, phóng sự trên Cổng Thông tin điện tử của UBND Thành phố; đôn đốc các đơn vị, đảm bảo chỉ tiêu được giao.

+ Giao Công an Thành phố, UBND quận, huyện, thị xã chủ động thực hiện đối với các trang, cổng thông tin điện tử thuộc thẩm quyền quản lý của đơn vị mình.

- Tăng cường tuyên truyền các tin, bài viết tuyên truyền, cảnh báo an toàn PCCC, xây dựng phong trào toàn dân PCCC trên các Báo điện tử. Khuyến khích các báo xây dựng chuyên mục “An toàn PCCC” hoặc chuyên mục “An ninh - Quốc phòng” (trong đó có điểm tin về PCCC).

Giao Sở Thông tin và Truyền thông trao đổi, đề nghị các đơn vị báo thực hiện.

- 100% các cơ quan báo chí, Đài phát thanh và truyền hình Hà Nội thường xuyên dành thời lượng tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật, kỹ năng an toàn về PCCC và CNCH, trong đó chú trọng kỹ năng thoát nạn, kỹ năng sử dụng phương tiện chữa cháy và CNCH ban đầu (02 bài viết đăng tải/ 01 phóng sự được phát sóng/ Tuần).

Giao các cơ quan báo đài, truyền thông của Thành phố (Báo Hà Nội mới, Báo Kinh tế Đô thị, Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội,…) thực hiện.

- Tổ chức tập huấn kiến thức, kỹ năng về PCCC và CNCH cho đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý trong các cơ sở giáo dục; đảm bảo 100% học sinh các cấp, bậc học phải được tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về PCCC và CNCH theo quy định tại Thông tư 06/2022/TT-BGDĐT ngày 11/5/2022 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Giao Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp Công an Thành phố, UBND quận, huyện, thị xã thực hiện ngay và tiếp tục duy trì thực hiện ở các năm tiếp theo.

- Tổ chức tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng y tế cho cán bộ, chiến sỹ của lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH, trong đó, chú trọng kỹ năng sơ cấp cứu ban đầu cho nạn nhân.

Giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp Công an Thành phố, UBND quận, huyện, thị xã thực hiện; hoàn thành trong Quý II/2025.

- 100% cán bộ, công chức, viên chức người lao động thuộc các cơ quan Thành phố được tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật về PCCC.

Giao Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp Công an Thành phố và các đơn vị thuộc thành phố thực hiện; hoàn thành trong Quý II/2025.

- Đề nghị các tổ chức chính trị, đoàn thể, xã hội của Thành phố (Ban Tuyên giáo Thành ủy; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc; Thành Đoàn Hà Nội; Liên đoàn Lao động, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân, Hội Liên hiệp phụ nữ Thành phố,…) và cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị, đoàn thể, xã hội địa bàn các cấp phát huy tối đa nguồn lực, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về PCCC và CNCH thông qua các buổi sinh hoạt định kỳ của các hội, nhóm (chi bộ, tổ dân phố, hội thanh niên, hội phụ nữ,…).

Giao UBND quận, huyện, thị xã tham mưu cấp ủy Đảng đề nghị các tổ chức chính trị, đoàn thể xã hội trên địa bàn phối hợp thực hiện.

- 100% Bí thư chi bộ thôn, xóm, tổ dân phố; Tổ trưởng tổ dân phố/Trưởng thôn; Đội trưởng Đội dân phòng; Bí thư Đoàn thanh niên; Hội trưởng Hội phụ nữ và các hội thuộc hệ thống chính trị, đoàn thể xã hội của xã, phường, thị trấn phải định kỳ tổ chức tuyên truyền, xây dựng phong trào toàn dân tham gia PCCC và CNCH lồng ghép với sinh hoạt của tổ chức định kỳ hằng tháng, đồng thời giúp việc cho Đảng ủy, UBND cấp xã trong việc vận động quần chúng nhân dân tham gia các buổi huấn luyện, tuyên truyền, hưởng ứng các hoạt động PCCC và CNCH do các cấp có thẩm quyền tổ chức.

Giao UBND quận, huyện, thị xã tham mưu thực hiện.

c) Nghiên cứu, tham mưu UBND Thành phố tiếp tục duy trì hoạt động của Trung tâm giáo dục cộng đồng về PCCC và CNCH.

Giao Công an Thành phố tổ chức sơ kết, đánh giá kết quả việc triển khai thí điểm hoạt động của Trung tâm giáo dục cộng đồng về PCCC và CNCH, báo cáo xin ý kiến Bộ Công an, trên cơ sở đó tham mưu UBND Thành phố chỉ đạo, tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện.

(2) Đẩy mạnh công tác xây dựng phong trào toàn dân tham gia PCCC, CNCH:

- Công tác xây dựng phong trào toàn dân tham gia PCCC và CNCH cần được tiếp tục phát huy và đổi mới, bảo đảm phát huy tối đa sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị, đoàn thể, xã hội, cơ sở, doanh nghiệp, hộ gia đình và đông đảo quần chúng nhân dân.

- Tích cực biểu dương những mô hình, cách làm hay và những gương điển hình tiên tiến về PCCC và CNCH trên địa bàn. Nhân rộng các mô hình để huy động toàn dân tham gia PCCC và CNCH, phát huy tối đa năng lực, hiệu quả của các lực lượng tại chỗ, đảm bảo phù hợp với tính chất, đặc điểm về dân cư, PCCC của từng địa bàn. Chủ động thực hiện và phát huy công tác PCCC và CNCH của địa bàn, cơ sở theo phương châm “bốn tại chỗ” (lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, hậu cần tại chỗ).

- Gắn chặt công tác xây dựng phong trào toàn dân tham gia PCCC và CNCH với công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về PCCC và CNCH và với các hoạt động chính trị, xã hội, đoàn thể trên địa bàn. UBND cấp huyện, UBND cấp xã tích cực thực hiện các giải pháp để phát huy tối đa năng lực của các tổ chức chính trị, đoàn thể, xã hội trên địa bàn, nhất là vai trò của đồng chí Tổ trưởng Tổ dân phố, Bí thư Chi bộ và đồng chí Đội trưởng Đội dân phòng.

Giao UBND quận, huyện, thị xã chủ trì; giao Công an Thành phố chỉ đạo lực lượng chức năng tham mưu, phối hợp UBND quận, huyện, thị xã để tổ chức thực hiện theo quy định.

2.3. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chức năng quản lý nhà nước về PCCC và CNCH

- Người đứng đầu các đơn vị nâng cao nhận thức lý luận, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, thường xuyên quan tâm, giám sát việc thực hiện các nhiệm vụ trong công tác PCCC và CNCH; chủ động nâng cao năng lực về công tác tham mưu trong lĩnh vực PCCC và CNCH của đơn vị; chịu trách nhiệm trong việc thực hiện các nhiệm vụ liên quan công tác PCCC và CNCH của đơn vị, trong đó, giao 01 đồng chí lãnh đạo chịu trách nhiệm trực tiếp.

- Các đơn vị tiếp tục nỗ lực thực hiện các mặt công tác thường xuyên về PCCC và CNCH: Tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về PCCC và CNCH; xây dựng phong trào toàn dân tham gia PCCC và CNCH; rà soát, thống kê, nắm chắc tình hình, thông tin về công tác PCCC và CNCH trên địa bàn, không bỏ trống, bỏ lọt địa bàn, cơ sở; tổ chức thanh tra, kiểm tra, phát hiện những sơ hở, tồn tại, thiếu sót về PCCC, hướng dẫn khắc phục; xử lý vi phạm hành chính về PCCC và CNCH, tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động theo quy định của pháp luật; giải quyết TTHC; nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ trong lĩnh vực PCCC, CNCH; tổ chức chữa cháy, CNCH và khắc phục hậu quả vụ cháy, trong đó gắn liền nhiệm vụ PCCC, CNCH theo Đề án với các nhiệm vụ theo Đề án số 08 của Thành ủy về xử lý khủng hoảng, trong đó có khủng hoảng về cháy, nổ, tai nạn, thiên tai;… Đồng thời, tích cực nghiên cứu, học tập, trao đổi để phát huy những cách làm hay, sáng tạo và hiệu quả.

- Tích cực duy trì chế độ huấn luyện, bồi dưỡng, đào tạo (trong nước và nước ngoài), nâng cao nghiệp vụ PCCC và CNCH định kỳ và thường xuyên cho các đơn vị.

Giao Công an Thành phố, UBND quận, huyện, thị xã, các đơn vị thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền.

- UBND cấp huyện định kỳ 01 năm 01 lần tổ chức huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ PCCC và CNCH cho Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND cấp xã, Công an cấp xã và các Phòng, Ban nghiệp vụ liên quan trực thuộc. UBND cấp huyện, UBND cấp xã thực hiện đầy đủ chức năng quản lý nhà nước về PCCC và CNCH của đơn vị đã được pháp luật quy định.

- CATP định kỳ 01 năm 01 lần tổ chức huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ PCCC và CNCH cho chỉ huy, Cán bộ chiến sỹ thuộc Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH và Công an cấp huyện. Đối với Công an cấp xã, CATP có phương án tổ chức đào tạo về PCCC cho đội ngũ được giao nhiệm vụ về PCCC và CNCH. Tăng cường tập huấn chuyên sâu về công tác chữa cháy, CNCH cho lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH. Phấn đấu tiến tới, trong biên chế của Công an cấp xã có cán bộ được đào tạo chuyên ngành về PCCC.

- Các sở, ban, ngành theo chức năng phối hợp CATP, UBND cấp huyện, UBND cấp xã tham mưu Thành phố thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về PCCC và CNCH trên địa bàn; đồng thời, các sở, ban, ngành chịu trách nhiệm tự kiểm tra, tự tập huấn, huấn luyện để nâng cao năng lực, ý thức, trách nhiệm về PCCC và CNCH của đơn vị mình.

Giao Công an Thành phố, UBND quận, huyện, thị xã, các đơn vị thuộc UBND Thành phố theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền chủ động tổ chức thực hiện theo quy định.

2.4. Tiếp tục cải cách, đơn giản hóa TTHC

- Tăng cường triển khai dịch vụ công trực tuyến toàn trình, dịch vụ công trực tuyến một phần đối với các TTHC về PCCC và CNCH; đảo đảm 100% các TTHC về PCCC và CNCH được nộp và nhận kết quả TTHC qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4.

- Lên phương án lựa chọn, tổ chức bồi dưỡng, tập huấn cho đơn vị bưu chính để tổ chức tiếp nhận và giải quyết một số TTHC về PCCC và CNCH thông qua dịch vụ bưu chính công ích theo quy định tại Nghị định số 136/2020/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 50/2024/NĐ-CP).

Giao Công an Thành phố chủ động thực hiện theo thẩm quyền, có khó khăn, vướng mắc, báo cáo UBND Thành phố theo quy định.

2.5. Đẩy mạnh chuyển đổi số hóa trong công tác quản lý nhà nước; tăng cường công tác nghiên cứu khoa học về PCCC, CNCH

- Gắn liền chuyển đổi số trong PCCC và CNCH với chuyển đổi số, xây dựng thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 theo Nghị quyết số 18-NQ/TU ngày 30/12/2022 của Thành ủy Hà Nội. Trong đó, có thể nghiên cứu giao các địa phương tăng cường lắp đặt các camera an ninh phục vụ phát hiện cháy sớm, kết hợp với theo dõi điều tiết giao thông tại các khu phố, ngõ hẻm, đặc biệt là ở các khu dân cư có nguy cơ cháy nổ cao, giao thông khó tiếp cận để chữa cháy.

- Nghiên cứu, phát triển phần mềm ứng dụng điện thoại di động để phục vụ cho công tác tuyên truyền, trong đó có các tính năng như báo cháy (truyền thông tin trực tiếp về số điện thoại 114, có định vị chính xác về địa điểm xảy ra cháy và có các thông tin cơ bản về quy mô, công năng, địa hình khu vực xảy cháy); có các bản tin về PCCC và CNCH, các bài tuyên truyền, nêu gương điển hình tiên tiến, phổ biến kiến thức pháp luật, hướng dẫn kỹ năng PCCC và CNCH.

- Nghiên cứu và phát triển thiết bị, phương tiện PCCC và CNCH, trong đó, tập trung vào các giải pháp công nghệ theo hướng xã hội hóa; nghiên cứu về thiết bị truyền hình ảnh và thông tin trực tuyến của Cán bộ chiến sỹ chữa cháy từ hiện trường để thuận lợi cho công tác chỉ đạo chữa cháy, CNCH; đồng thời vừa phục vụ lấy tư liệu cho công tác tuyên truyền.

- Nghiên cứu phát triển ứng dụng bản đồ số hóa, trong đó thể hiện vị trí xảy ra cháy, nổ, tai nạn; cập nhật thường xuyên mật độ lưu thông của các phương tiện trên tuyến đường, các vị trí trụ nước, bể nước, nguồn nước tự nhiên,… kịp thời thông tin, hướng dẫn cho lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH có phương án nhanh nhất đến được hiện trường và tổ chức chữa cháy, CNCH.

- Tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại để nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về PCCC và CNCH, nhất là công tác quản lý, theo dõi về PCCC đối với các khu dân cư, cơ sở có nguy hiểm cao về cháy, nổ, trong đó tập trung xây dựng phần mềm ứng dụng, triển khai thí điểm và đưa vào vận hành chính thức phần mềm ứng dụng quản lý, theo dõi hoạt động PCCC, phần mềm ứng dụng hướng dẫn thoát nạn cho người dân trên địa bàn Thành phố.

Giao Văn phòng UBND Thành phố, Công an Thành phố, Sở Khoa học và Công nghệ (theo chức năng) tham mưu UBND Thành phố chỉ đạo thực hiện.

2.6. Thu hút nguồn vốn cho phát triển hạ tầng và triển khai thực hiện các dự án đầu tư phát triển hạ tầng PCCC:

- Huy động đa dạng các nguồn lực từ ngân sách và ngoài ngân sách, nguồn lực trong và ngoài nước để thực hiện công tác PCCC và CNCH; thể chế hóa các giải pháp huy động, sử dụng nguồn lực để đảm bảo triển khai hiệu quả, khả thi. Huy động nguồn vốn đầu tư công cho công tác PCCC và CNCH từ nguồn ngân sách, nguồn đóng góp tự nguyện, tài trợ của các tổ chức cá nhân trong nước, tổ chức, cá nhân nước ngoài và các nguồn thu khác theo quy định của pháp luật.

- Cân đối ngân sách, bố trí đủ nguồn vốn đầu tư xây dựng hạ tầng PCCC (mạng lưới trụ sở, doanh trại, công trình, hệ thống thông tin liên lạc..) cho lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH đến năm 2030, trong đó chủ yếu là nguồn ngân sách nhà nước.

- Lập và trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức thực hiện các dự án đầu tư, phát triển quy hoạch hạ tầng về PCCC và CNCH.

Giao các Sở, ban, ngành Thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã chủ động thực hiện theo thẩm quyền; có khó khăn, vướng mắc, báo cáo UBND Thành phố theo quy định.

III. KINH PHÍ THỰC HIỆN

1. Kinh phí thực hiện Đề án được bảo đảm từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, nguồn vốn địa phương theo phân cấp và các nguồn thu hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

2. Chi tiết kinh phí trong quá trình triển khai thực hiện sẽ theo phê duyệt của cấp có thẩm quyền đối với từng dự án, từng hạng mục và được phân kỳ theo từng năm, từng giai đoạn đảm bảo tính khả thi và phù hợp với tình hình kinh tế xã hội của Thủ đô.

3. Quá trình triển khai thực hiện, căn cứ vào từng giai đoạn, các sở, ban, ngành, UBND quận, huyện, thị xã theo chức năng từng ngành, lĩnh vực, địa bàn được phân công phụ trách, chủ động lập dự án, gói dự án và dự toán kinh phí thực hiện, đề xuất nguồn ngân sách đảm bảo phù hợp với tình hình kinh tế xã hội và đảm bảo theo quy định.

4. Việc quản lý, sử dụng nguồn kinh phí thực hiện Đề án phải tuân thủ đúng quy định pháp luật hiện hành của Nhà nước về ngân sách, tài chính, đầu tư công.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Căn cứ nội dung, nhiệm vụ được phân công tại Đề án và Kế hoạch này, các đơn vị Sở, ban, ngành, UBND quận, huyện, thị xã xây dựng Kế hoạch, văn bản tổ chức triển khai thực hiện phù hợp với tình hình thực tế của địa phương; các văn bản triển khai thực hiện của các đơn vị gửi về UBND Thành phố (qua Công an Thành phố - Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH) trước ngày 15/01/2025 để theo dõi. Thủ trưởng các đơn vị trực tiếp chịu trách nhiệm về nguồn lực, tiến độ, hiệu quả tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch.

2. Mỗi UBND quận, huyện, thị xã thành lập 01 Ban Chỉ đạo để tổ chức triển khai thực hiện Đề án, do đồng chí Chủ tịch UBND cấp huyện làm Trưởng ban; Trưởng Công an cấp huyện làm Phó Trưởng Ban Thường trực; Chánh Văn phòng, Trưởng các phòng, ban liên quan là thành viên.

3. Các đơn vị thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin báo cáo theo quy định:

- Định kỳ hằng quý báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch này lồng ghép vào báo cáo kết quả Chương trình công tác PCCC và CNCH của đơn vị.

- Trước ngày 15/12 hằng năm, căn cứ chức năng, nhiệm vụ được phân công, báo cáo kết quả thực hiện trong năm về UBND Thành phố (qua Công an Thành phố - Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH để tổng hợp) theo quy định.

- Trước ngày 15/12/2025, các đơn vị tổ chức sơ kết thực hiện nhiệm vụ theo giai đoạn. Giao CATP tổng hợp, tham mưu UBND Thành phố tổ chức sơ kết, kịp thời đôn đốc, chỉ đạo các đơn vị, bảo đảm tiến độ, lộ trình của Đề án.

- Trước ngày 15/12/2030: Tổng kết thực hiện giai đoạn đến năm 2030; giao CATP tổng hợp, dựa trên tình hình thực tế, nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh (nếu cần) đối với các nhiệm vụ trong giai đoạn tiếp theo.

4. Giao Công an Thành phố chủ trì, phối hợp Văn phòng UBND Thành phố theo dõi, đôn đốc việc triển khai thực hiện Kế hoạch này; tổng hợp, xây dựng báo cáo theo quy định.

Trong quá trình thực hiện, có khó khăn, vướng mắc, các đơn vị chủ động báo cáo UBND Thành phố (qua Công an Thành phố - Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH để tổng hợp, báo cáo) xem xét, quyết định./.


Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Công an;
- Thường trực: Thành ủy, HĐND TP;
- Chủ tịch UBND TP;
- Các PCT UBND TP;
- UBMTTQ TP và các đoàn thể CT-XH;
- Các đơn vị, sở, ban, ngành TP;
- UBND các quận, huyện, thị xã;
- Cổng TTĐT Thành phố;
- VPUB TP: CVP, PCVP N.M.Quân, NC, TH;
- Lưu: VT, NC
(Dương).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Hồng Sơn

PHỤ LỤC 1

HƯỚNG DẪN CÁC PHƯƠNG ÁN TRANG BỊ HỆ THỐNG BÁO CHÁY TỰ ĐỘNG, THIẾT BỊ BÁO CHÁY CỤC BỘ
 (Ban hành kèm theo Kế hoạch số 369/KH-UBND ngày 17/12/2024 của UBND Thành phố)

1. Việc lựa chọn phương án trang bị hệ thống báo cháy tự động, thiết bị báo cháy cục bộ được thực hiện theo bảng A.1 TCVN 3890:2023 (Phòng cháy chữa cháy - Phương tiện Phòng cháy và chữa cháy cho nhà và công trình - Trang bị, bố trí), TCVN 13967:2024 (tiêu chuẩn về nhà ở riêng lẻ - yêu cầu chung về thiết kế).

2. Phương án 1: Lắp đặt hệ thống báo cháy tự động:

Các tiêu chí kỹ thuật đảm bảo theo QCVN 03:2023/BCA Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phương tiện PCCC, TCVN 7568, TCVN 5738:2021.

3. Phương án 2: Lắp đặt thiết bị báo cháy cục bộ:

- Hiện chưa có tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia cho thiết bị này. Các đơn vị nghiên cứu, thực hiện theo hướng dẫn của Cục Cảnh sát PCCC&CNCH (theo các Công văn số 1361/C07-P6 ngày 03/5/2024, số 1925/C07-P6 ngày 14/6/2024 và đường link  https://canhsatpccc.gov.vn/Articles Detail/tabid/193/cateid/1198/id/227 54/language/vi-VN/Default.aspx). Căn cứ hướng dẫn của Cục Cảnh sát PCCC&CNCH tại Công văn 1361/C07-P6, thiết bị phải đảm bảo tối thiểu 03 tiêu chí sau: (1) Phải được kiểm định, cấp Giấy chứng nhận kiểm định phương tiện PCCC; (2) Phải được chứng nhận hợp quy theo quy định của Bộ Thông Tin và Truyền thông, Bộ Khoa học và Công nghệ; (3) Dải băng tần phát sóng vô tuyến điện của thiết bị phải nằm trong giới hạn được miễn giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện, điều kiện kỹ thuật khai thác kèm theo theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông (trường hợp nằm ngoài giới hạn được miễn giấy phép thì phải thực hiện việc cấp phép theo quy định).

- Bố trí các đầu báo cháy đảm bảo yêu cầu phát hiện cháy trên toàn bộ diện tích cần được bảo vệ. Diện tích bảo vệ của mỗi đầu báo, khoảng cách tối đa giữa các đầu báo và khoảng cách giữa đầu báo đến tường nhà căn cứ vào kiểu đầu báo (báo cháy khói, đầu báo cháy nhiệt - tham khảo phụ lục A TCVN 5738:2021 ) và độ cao của khu vực cần bảo vệ - tham khảo theo bảng 1, bảng 2 TCVN 5738:2021 .

- Các thiết bị báo cháy cục bộ khi lắp đặt trong cùng một nhà phải được liên kết với nhau, đảm bảo tất cả cùng phát tín hiệu báo cháy khi có một thiết bị được kích hoạt.

- Chuông, đèn, nút ấn được lắp đặt bổ sung ở hành lang các tầng nhà để tăng cường đảm bảo an toàn PCCC cho công trình.

Lưu ý: Phương tiện PCCC theo danh mục phụ lục VII Nghị định số 50/2024/NĐ-CP phải được kiểm định theo quy định./.

PHỤ LỤC 2

THAM KHẢO VỀ PHƯƠNG ÁN BỐ TRÍ TRỤ, HỌNG CẤP NƯỚC CHỮA CHÁY Ở ĐẦU NGÕ ĐẤU NỐI VỚI HỆ THỐNG CẤP NƯỚC PCCC SINH HOẠT ĐỂ PHỤC VỤ CHO PCCC
(Ban hành kèm theo Kế hoạch số 369/KH-UBND ngày 17/12/2024 của UBND Thành phố)

1. Đối với ngõ sâu mà xe chữa cháy không vào được, Đề án đã đưa ra các giải pháp về cấp nước chữa cháy (từ bể nước PCCC trong khu dân cư; từ xe chữa cháy tiếp vào họng tiếp nước và cấp vào đường ống đi trong ngõ…), tuy nhiên, việc triển khai thực hiện theo các giải pháp này cần có tiến độ, lộ trình (dự kiến đến năm 2030). Do đó, để từng bước khắc phục thực trạng về nguồn nước chữa cháy trên địa bàn Thành phố, trước mắt, các đơn vị nghiên cứu, lên phương án bố trí trụ, họng cấp nước chữa cháy ở đầu ngõ đấu nối (tận dụng) nguồn nước từ hệ thống cấp nước PCCC sinh hoạt để phục vụ cho PCCC.

2. Phương án triển khai tham khảo như sau:

- Tại vị trí xe chữa cháy có thể tiếp cận được để lấy nước, bố trí trụ cấp nước chữa cháy ngoài nhà hoặc họng (van góc) chữa cháy - tùy thuộc vào điều kiện thực tế của đường ống cấp nước sinh hoạt.

- Bố trí bổ sung van chặn trên đường ống cấp nước sinh hoạt để đảm bảo tập trung tối đa nguồn nước (lưu lượng, cột áp) dùng cho chữa cháy.

- Trên đường ống chuyển đổi từ ống cấp nước sinh hoạt ra trụ/họng, bố trí van chặn chìm để đảm bảo trong khâu quản lý, kiểm soát.

(Có hình vẽ minh họa kèm theo)

Lưu ý: Phương tiện PCCC theo danh mục phụ lục VII Nghị định số 50/2024/NĐ-CP phải được kiểm định theo quy định./.



PHỤ LỤC 3

HƯỚNG DẪN CÁC PHƯƠNG ÁN XÂY DỰNG BỂ NƯỚC, TRẠM BƠM PHỤC VỤ CHỮA CHÁY TẠI CÁC KHU DÂN CƯ NGUY HIỂM VỀ CHÁY, NỔ
(Ban hành kèm theo Kế hoạch số 369/KH-UBND ngày 17/12/2024 của UBND Thành phố)

* Căn cứ điều kiện về hạ tầng, tại các khu vực thiếu hoặc không có nguồn nước phục vụ chữa cháy tại chỗ trong các khu dân cư nguy hiểm về cháy, nổ, phải lên phương án xây dựng các bể nước, trạm bơm phục vụ chữa cháy.

* Bể nước có thể xây dựng ngầm hoặc nổi nhưng khối tích không nhỏ hơn 50m3 (lựa chọn dao động từ 50m3 đến 100m3 theo quy định của Đề án).

* Khi thiết kế trạm bơm, thiết kế 01 bơm chính và 01 bơm dự phòng (bơm chính thường là bơm điện, được đấu nối ưu tiên; bơm dự phòng có cùng thông số với bơm chính, có thể là bơm điện trong trường hợp có máy phát điện có đủ công suất hoặc có thể là bơm động cơ chạy xăng, dầu). Tính toán thông số bơm phù hợp với phương án cấp nước chữa cháy. Trường hợp kết nối trực tiếp trạm bơm, bể nước PCCC này với đường ống cấp nước trong ngõ sâu thì có thể lựa chọn hệ thống bơm tự động để đảm bảo áp suất trong đường ống.

* Đồng thời thiết kế tối thiểu 01 trụ cấp nước chữa cháy ngoài nhà cùng với trạm bơm và bể nước.

1. Phương án 1: Cấp nước từ bể PCCC cho xe chữa cháy:

- Trường hợp xe chữa cháy có thể tiếp cận, hút nước trực tiếp từ bể nước thì đánh dấu vị trí bể nước để xe chữa cháy tiếp cận hút nước. Trạm bơm, trụ cấp nước chữa cháy ngoài nhà có thể sử dụng phục vụ cho chữa cháy tại chỗ tại các điểm gần bể nước.

- Trường hợp xe chữa cháy có thể tiếp cận nhưng không hút nước trực tiếp được từ bể nước thì xe chữa cháy có thể lấy nước qua trụ D100 của trụ cấp nước chữa cháy ngoài nhà.

2. Phương án 2: Cấp nước từ bể PCCC cho hệ thống đường ống cấp nước trong ngõ sâu:

Trường hợp bể nước, trạm bơm ở vị trí trong ngõ sâu mà có thể thực hiện phương án đấu nối trực tiếp vào hệ thống đường ống cấp nước trong các ngõ sâu thì ưu tiên lựa chọn phương án này (chính quyền địa phương cấp xã có phương án quản lý phù hợp).

(Có các hình minh họa kèm theo)

Lưu ý: Phương tiện PCCC theo danh mục phụ lục VII Nghị định số 50/2024/NĐ-CP phải được kiểm định theo quy định./.



PHỤ LỤC 4.

HƯỚNG DẪN QUY CÁCH XÂY DỰNG BẾN LẤY NƯỚC, HỐ THU NƯỚC
(Ban hành kèm theo Kế hoạch số 369/KH-UBND ngày 17/12/2024 của UBND Thành phố)

1. Quy cách bến lấy nước, đường vào bế lấy nước cho xe chữa cháy

1.1. Quy cách bến lấy nước cho xe chữa cháy

Ghi chú:

(1) Trụ chống trôi xe có chiều cao h ≥ 0,25m. Trụ cách mép ngoài của bến tối thiểu 1,5m.

(2) Mặt sàn, kích thước tối thiểu 12m x 12m (Mục 5.1.5.4 QCVN 06:2022/BXD), chịu được tải trọng của xe chữa cháy, có bề mặt bằng phẳng. Nếu bề mặt nghiêng thì độ dốc không được quá 1: 15 (Mục 6.2.4 QCVN 06:2022/BXD)

(3) Rào chắn cao 0,8m.

CSHN: Chiều sâu hút nước của xe chữa cháy tại bến ≤ 7m.

MNCN: Mực nước cao nhất.

MNTN: Mực nước thấp nhất ≤ 5m so với mặt sàn.

H: Chênh lệch mực nước giữa MNCN và MNTN tối thiểu là 0,7m để đảm bảo giỏ lọc ngập sâu, xe chữa cháy hút nước không bị sự cố.

1.2. Quy cách đường vào bến lấy nước cho xe chữa cháy

Ghi chú:

Đường vào bến phải có chiều rộng tối thiểu 3,5m, chiều cao thông thủy tối thiểu 4,5m để xe chữa cháy lưu thông.

Tất cả góc của bến lấu nước cho xe chữa cháy phải được đánh dấu bằng các dải sơn phản quang, đảm bảo có thể nhìn thấy được vào buổi tối; phải có biển báo nền trắng, chữ đỏ với chiều cao chữ không nhỏ hơn 50mm. Chiều cao từ mặt đất đến điểm thấp nhất của biển báo phải nằm trong khoảng 1,0m đến 1,5m. Biển báo phải đảm bảo nhìn thấy được vào buổi tối và không được bố trí cách bến đỗ xe chữa cháy quá 3m. Tất cả các phần của bãi đỗ xe chữa cháy không được cách biển báo gần nhất quá 15m (Mục 6.2.8 QCVN 06:2022/BXD).

2. Quy cách hố thu nước cho xe chữa cháy

Khi xe chữa cháy không tiếp cận được nguồn nước do bờ sông, suối, ao, hồ…bị sụt lún hoặc bị che chắn bởi các công trình thì phải xây dựng các hố thu nước. Hố thu nước có thể tích từ 3m3 đến 5m3; độ sâu tối thiểu 1,5m. Hố thu nước

được nối với nguồn nước bằng đường ống có đường kính không nhỏ hơn 200mm cho 01 xe hút và có chiều dài không quá 200m. Trên đường ống phải có hộp van khóa. Đầu ống phía nguồn nước phải có lưới chắn rác (Mục 5.1.5.9 và 5.1.5.10 QCVN 06:2022/BXD).

Ghi chú:

(1) Nắp hố thu nước.

(2) Hố thu nước có thể tích từ 3m3 đến 5m3 và sâu từ 1,5m trở lên.

(3) Bến đỗ đảm bảo tải trọng cho xe chữa cháy.

(4) Ống dẫn nước có đường kính không nhỏ hơn 200mm/01 xe hút và chiều dài không quá 200m.

(5) Lưới chắn rác.

PHỤ LỤC 5

HƯỚNG DẪN CÁC PHƯƠNG ÁN BỔ SUNG ĐƯỜNG ỐNG CẤP NƯỚC PHỤC VỤ CHỮA CHÁY TRONG CÁC TUYẾN PHỐ, NGÕ, NGÁCH, HẺM SÂU, KHÔNG TRONG DIỆN QUY HOẠCH GIẢI TỎA
(Ban hành kèm theo Kế hoạch số 369/KH-UBND ngày 17/12/2024 của UBND Thành phố)

1. Phương án 1: Bố trí đường ống cấp nước chữa cháy trong ngõ sâu chờ nhận nước từ xe chữa cháy:

- Phương án được áp dụng phổ thông cho nhiều trường hợp, trong đó: Họng tiếp nước từ xe chữa cháy được đặt ở vị trí đường giao thông mà xe chữa cháy có thể tiếp cận được; xe chữa cháy truyền nước vào các tuyến ống đi trong các ngõ sâu và đầu ra các họng nước chữa cháy (van góc) để lực lượng chữa cháy (chuyên nghiệp hoặc tại chỗ) có thể tiếp cận và triển khai chữa cháy.

- Phương án thiết kế, vật liệu sử dụng để làm đường ống; yêu cầu bảo vệ ống khi đi qua đoạn đường cho xe ô tô chạy; phương án thiết kế họng tiếp nước từ xe chữa cháy, họng chữa cháy tham khảo theo hình vẽ gửi kèm.

2. Phương án 2: Kết nối hệ thống đường ống cấp nước với bể nước PCCC và trạm bơm của khu dân cư:

- Tại các khu dân cư có nguy hiểm về cháy nổ mà dự kiến hoặc đã được xây dựng các bể nước PCCC và trạm bơm (theo phụ lục 3 kế hoạch này) thì có thể tính toán phương án kết nối hệ thống đường ống cấp nước trong ngõ sâu trực tiếp với bể nước, trạm bơm PCCC của khu dân cư.

- Phương án thiết kế, vật liệu sử dụng để làm đường ống; yêu cầu bảo vệ ống khi đi qua đoạn đường cho xe ô tô chạy; phương án thiết kế họng chữa cháy tham khảo theo hình vẽ kèm theo phụ lục 3 của kế hoạch.

Căn cứ tình hình thực tế (chiều dài của tuyến ngõ, ngách cần triển khai thi công; điều kiện thực tế tại địa bàn), có thể thiết kế hệ thống bơm tự động để đảm bảo áp lực trong đường ống cấp nước chữa cháy và/hoặc hộp đựng lăng, vòi bên cạnh các họng nước chữa cháy (chính quyền địa phương cấp xã có phương án để quản lý phù hợp).

 (Lưu ý: Phương tiện PCCC theo danh mục phụ lục VII Nghị định số 50/2024/NĐ-CP phải được kiểm định theo quy định).




[1] Có thể được hiểu là lối ra thứ 2 từ tầng 1 và/hoặc lối ra thứ 2 từ các tầng, khuyến cáo từ phòng của các tầng ra ban công và/hoặc lô gia, từ đó có thể di chuyển sang nhà lân cận hoặc theo phương tiện hỗ trợ để thoát xuống dưới. Các thiết bị hỗ trợ này nên căn cứ độ cao tầng nhà để có khuyến cáo sử dụng cho phù hợp; ví dụ: Thang dây không quá tầng 3; dây thả chậm khuyến cáo cho các nhà có thiết kế cấu kiện vững chắc. Trường hợp thoát qua các lỗ mở trên “chuồng cọp”, “lồng sắt” thì phải có kích thước đảm bảo theo TCVN 13967:2024 .

[2] Chỉ thị số 14/CT-UBND ngày 25/8/2022 về tăng cường công tác chỉ đạo khắc phục tồn tại, xử lý vi phạm các công trình chưa được nghiệm thu về PCCC đã đưa vào hoạt động và các công trình xây dựng không phép, trái phép (đất nông nghiệp, lâm nghiệp, hành lang bảo vệ đê điều, lưới điện, hành lang bảo vệ rừng, sai mục đích sử dụng đất) trên địa bàn Thành phố.

[3] Kế hoạch khắc phục khuyết điểm, hạn chế được chỉ ra tại Hội nghị kiểm điểm công tác năm 2022 của Ban Cán sự Đảng và Tập thể Lãnh đạo UBND Thành phối về công tác quản lý quy hoạch, quản lý trật tự xây dựng.

[4] Trong dự án dự kiến bao gồm một số Trung tâm về PCCC và CNCH, điển hình: (i)Trung tâm chỉ huy điều hành bay; (ii)Trung tâm kiểm định phương tiện PCCC và CNCH; (iii)Trung tâm đào tạo, huấn luyện chuyên sâu về chữa cháy và CNCH.

[5] Trang bị 01 máy bay trực thăng chữa cháy; 01 máy bay trực thăng cứu nạn, cứu hộ.

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Kế hoạch 369/KH-UBND ngày 17/12/2024 thực hiện Đề án nâng cao năng lực và bảo đảm an toàn phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ trên địa bàn Thủ đô giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 do Thành phố Hà Nội ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


26

DMCA.com Protection Status
IP: 18.225.72.181
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!