UBND TỈNH
PHÚ YÊN
SỞ XÂY DỰNG
-------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 1137/HD-SXD
|
Phú Yên, ngày 12 tháng 11
năm 2014
|
HƯỚNG DẪN
TRIỂN
KHAI THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 48/2014/QĐ-TTG , NGÀY 28/8/2014 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH
PHỦ VỀ CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ HỘ NGHÈO XÂY DỰNG NHÀ Ở PHÒNG TRÁNH BÃO, LỤT KHU VỰC
MIỀN TRUNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH PHÚ YÊN
Căn cứ Quyết định số 48/2014/QĐ-TTg ,
ngày 28/8/2014 của Thủ tướng Chính Phủ về chính sách hỗ trợ hộ nghèo xây dựng
nhà ở phòng tránh bão, lụt khu vực miền Trung.
Căn cứ Thông tư số 16/2014/TT-BXD ,
ngày 23/10/2014 của Bộ Xây dựng về việc Hướng dẫn thực hiện Quyết định số
48/2014/QĐ-TTg , ngày 28/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ hộ
nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt khu vực miền Trung.
Căn cứ Thông báo số: 761/TB-UBND, ngày
12/11/2014 của UBND tỉnh Phú Yên về Kết luận của Đồng chí Trần Quang Nhất - Phó
Chủ tịch UBND Tỉnh - Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện Quyết định số 48/2014/QĐ-TTg
tại Hội nghị ngày 04/11/2014 về việc rà soát và hướng dẫn triển khai thực hiện
Quyết định số 48/2014/QĐ-TTg , của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh Phú
Yên.
Sau khi soát xét các nội dung đã hướng
dẫn tại Văn bản số 989/HD-SXD, ngày 14/10/2014 của Sở Xây dựng về việc Triển
khai thực hiện Quyết định số 48/2014/QĐ-TTg , ngày 28/8/2014 của Thủ tướng Chính
phủ về chính sách hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng tránh bão, lụt khu vực miền
Trung trên địa bàn tỉnh Phú Yên để phù hợp với Thông tư số 16/2014/TT-BXD và
Thông báo số 761/TB-UBND Tỉnh. Sở Xây dựng hướng dẫn triển khai thực hiện một số
nội dung, cụ thể như sau:
1. Về mục tiêu của
Chương trình:
a) Mục tiêu tổng quát: Thực hiện việc
Hỗ trợ hộ nghèo trong vùng thường xuyên bị thiên tai bão, lụt trên địa bàn Tỉnh
xây dựng nhà ở đảm bảo an toàn, bền vững, phòng tránh bão, lụt, từng bước nâng
cao mức sống, góp phần xóa đói, giảm nghèo tiến tới giảm nghèo bền vững.
b) Mục tiêu cụ thể: Trong giai đoạn từ
nay đến hết năm 2016 hỗ trợ các hộ nghèo thuộc danh sách của Đề án: Hỗ trợ hộ
nghèo xây dựng nhà ở, phòng tránh bão, lụt trên địa bàn Tỉnh được UBND Tỉnh phê
duyệt nhằm hỗ trợ các hộ nghèo có nhà ở được đảm bảo các điều kiện về phòng
tránh bão, lụt theo quy định tại Quyết định 48/2014/QĐ-TTg .
2. Về nguyên tắc thực
hiện:
a) Nhà nước hỗ trợ trực tiếp đến hộ
gia đình thuộc diện đối tượng quy định;
b) Việc hỗ trợ phải đảm bảo dân chủ,
công khai, công bằng và minh bạch trên cơ sở pháp luật và chính sách của Nhà nước;
c) Hỗ trợ xây dựng nhà ở phải phù hợp
với: Điều kiện thực tiễn, phong tục, tập quán của mỗi dân tộc, vùng, miền; bảo
tồn bản sắc văn hóa của từng dân tộc; gắn với quy hoạch xây dựng nông thôn mới
của từng địa phương;
d) Việc hỗ trợ xây dựng nhà ở phòng,
tránh bão, lụt theo phương châm: “Nhà nước hỗ trợ, cộng đồng giúp đỡ, hộ gia
đình tham gia để xây dựng nhà ở”; kết hợp lồng ghép các chương trình đầu tư, hỗ
trợ khác của Trung ương và địa phương để phát huy hiệu quả của chính sách;
e) Đảm bảo sau khi được hỗ trợ, các hộ
gia đình phải xây dựng được gian nhà ở phòng, tránh bão, lụt hoặc cải tạo, nâng
tầng nhà ở hiện có, đảm bảo có sàn sử dụng cao hơn mức ngập lụt cao nhất tại vị
trí xây dựng; diện tích xây dựng sàn tối thiểu 10 m2.
3. Xác định đối tượng,
phạm vi áp dụng được hỗ trợ nhà ở phòng, tránh bão, lụt:
Đối tượng được hỗ trợ nhà ở phòng,
tránh bão, lụt theo quy định tại Quyết định 48/2014/QĐ-TTg phải đáp ứng các điều
kiện sau đây:
a) Là hộ nghèo theo chuẩn nghèo quy định
tại Quyết định số 09/2011/QĐ-TTg ngày 30 tháng 01 năm 2011 của Thủ tướng Chính
phủ về việc ban hành chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo áp dụng cho giai đoạn
2011-2015 được UBND cấp huyện phê duyệt năm 2014, có trong danh sách hộ nghèo
do UBND cấp xã quản lý tại thời điểm Quyết định 48/2014/QĐ-TTg có hiệu lực thi
hành và là hộ độc lập có thời gian tách hộ đến khi Quyết định 48/2014/QĐ-TTg có
hiệu lực thi hành tối thiểu 02 năm.
b) Hộ chưa có nhà ở kiên cố hoặc hộ có
nhà ở kiên cố nhưng chưa có sàn sử dụng cao hơn mực nước ngập lụt thường xuyên
xảy ra tại khu vực nhà ở.
Mức ngập lụt quy định tối thiểu là 1,5m
và được xác định tính từ nền nhà đến mực nước ngập lụt cao nhất tại vị trí xây
dựng. Khu vực có mực nước ngập lụt thường xuyên là khu vực có tần suất ngập lụt
tối thiểu là 2 năm liên tiếp hoặc 3 năm ngập lụt không liên tiếp trong vòng 5
năm trở lại đây. Mức ngập lụt và khu vực có mực nước ngập lụt thường xuyên do Sở
Nông nghiệp và phát triển nông thôn xác định.
c) Trường hợp hộ gia đình thuộc đối tượng
quy định tại Điểm a Mục này đã được hỗ trợ nhà ở theo các chương trình, chính
sách hỗ trợ nhà ở khác của Nhà nước, địa phương và các tổ chức, đoàn thể nhưng
chưa có sàn vượt lũ theo quy định tại Điểm 2 Mục này thì thuộc đối tượng được hỗ
trợ theo quy định tại Quyết định 48/2014/QĐ-TTg , trừ trường hợp là đối tượng được
hỗ trợ nhà ở theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26 tháng 4 năm 2013 của Thủ
tướng Chính phủ về hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở.
Hộ gia đình cư trú trong vùng bị ảnh
hưởng của bão nhưng không bị ngập lụt theo quy định tại Điểm b Mục này thì
không thuộc diện đối tượng được hỗ trợ theo quy định của Quyết định 48/2014/QĐ-TTg .
d) Phạm vi áp dụng: Các hộ gia đình được
hỗ trợ phải đang cư trú tại vùng thường xuyên xảy ra bão, lụt thuộc khu vực
nông thôn hoặc tại các thôn, làng, buôn, bản, ấp, phum, sóc (sau đây gọi là
thôn) trực thuộc phường, thị trấn; xã trực thuộc thị xã Sông Cầu, thành phố Tuy
Hòa.
4. Thứ tự ưu tiên: Việc thực hiện
hỗ trợ với thời gian kéo dài để đảm bảo thực hiện chính sách một cách dân chủ,
công khai, công bằng, minh bạch và thực hiện theo thứ tự ưu tiên, như sau:
- Hộ gia đình là đồng bào dân tộc thiểu
số.
- Hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn
(già cả, neo đơn, tàn tật...).
- Hộ gia đình đang sinh sống tại các đơn
vị hành chính thuộc vùng khó khăn và thôn đặc biệt khó khăn.
- Hộ gia đình đang cư trú tại các huyện
nghèo theo quy định tại Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP, ngày 27/12/2008 của Chính phủ
và Quyết định số 293/QĐ-TTg ngày 05/02/2013 của Thủ tướng Chính phủ.
- Các hộ gia đình còn lại.
5. Mức hỗ trợ, mức
vay và phương thức cho vay:
a) Mức hỗ trợ: Nhà nước hỗ trợ 12 triệu
đồng/hộ; những hộ đang cư trú tại các đơn vị hành chính thuộc vùng khó khăn
theo quy định tại Quyết định số 1049/QĐ-TTg ngày 26 tháng 6 năm 2014 của Thủ tướng
Chính phủ thì được Nhà nước hỗ trợ 14 triệu đồng/hộ; những hộ đang cư trú tại
các thôn đặc biệt khó khăn theo quy định của Chính phủ tại Quyết định số
447/QĐ-UBDT của UBDT thì được Nhà nước hỗ trợ 16 triệu đồng/hộ để xây dựng nhà ở
phòng, tránh bão, lụt.
b) Mức vay: Hộ gia đình thuộc diện đối
tượng đã được phê duyệt theo Quyết định số 48/2014/QĐ-TTg có nhu cầu vay vốn
thì được vay tối đa 15 triệu đồng/hộ từ Ngân hàng Chính sách xã hội để xây dựng
nhà ở phòng, tránh bão, lụt. Lãi suất vay 3%/năm; thời hạn vay là 10 năm, trong
đó thời gian ân hạn là 05 năm (05 năm đầu tiên không trả lãi vay và vốn).
Thời gian trả nợ tối đa là 05 năm bắt đầu từ năm thứ 6 trở đi, mức trả nợ mỗi
năm tối thiểu là 20% tổng số vốn đã vay.
c) Phương thức cho vay: Ngân hàng
Chính sách xã hội thực hiện phương thức ủy thác cho vay từng phần qua các tổ chức
chính trị - xã hội hoặc trực tiếp cho vay. Ngoài mức hỗ trợ và mức vay, hộ gia
đình tham gia đóng góp và huy động các nguồn vốn khác từ cộng đồng để xây dựng
nhà ở đảm bảo quy mô và chất lượng theo quy định.
6. Nguồn vốn thực hiện:
a) Nguồn vốn Ngân sách cấp: theo Điểm
a, Mục 5 nói trên;
b) Vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã
hội, mức vay và trả nợ vay theo Điểm b Mục 5 nói trên;
c) Vốn huy động từ nguồn vốn “Quỹ vì
người nghèo” do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp quản lý;
d) Vốn tham gia đóng góp của chính hộ
gia đình được huy động từ gia đình, dòng họ;
e) Vốn huy động từ việc vận động, tiếp
nhận các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục thiệt hại do thiên
tai gây ra (Quỹ cứu trợ);
f) Vốn lồng ghép từ các chương trình,
mục tiêu khác;
g) Ngoài nguồn vốn và số vốn nói trên,
tùy điều kiện thực tế, các địa phương hỗ trợ thêm từ Ngân sách địa phương hoặc
các nguồn vốn khác từ cộng đồng để nâng cao chất lượng nhà ở phòng, tránh bão,
lụt của các hộ gia đình.
7. Bình xét và phê
duyệt danh sách các hộ gia đình được hỗ trợ: Trên nguyên tắc như
sau:
a) UBND các xã, phường, thị trấn (gọi
chung là UBND cấp xã) chịu trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn các thôn tổ chức bình
xét đối tượng và phân loại ưu tiên theo Mục 4 nói trên, đảm bảo dân chủ, công
khai, công bằng, minh bạch và gửi danh sách số hộ đã được bình xét trình Ủy ban
nhân dân cấp xã;
b) Ủy ban nhân dân cấp xã xem xét, tổng
hợp danh sách số hộ được hỗ trợ, đồng thời lập danh sách các hộ có nhu cầu vay
vốn trình Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt. Ủy ban nhân dân cấp huyện tổng hợp,
báo cáo Ủy ban nhân dân Tỉnh.
c) Các nội dung cụ thể:
- Thôn tổ chức bình xét danh sách các
hộ gia đình nghèo đề nghị hỗ trợ xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt. Trưởng
thôn tổ chức họp để phổ biến nội dung chính sách hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở
phòng, tránh bão, lụt theo Quyết định 48/2014/QĐ-TTg đến các hộ dân; tổ chức
bình xét các hộ gia đình nghèo đề nghị được hỗ trợ xây dựng nhà ở phòng, tránh
bão lụt trên cơ sở danh sách hộ nghèo (Biên bản cuộc họp theo chuẩn nghèo quy định
tại Quyết định số 09/2011/QĐ-TTg ngày 30 tháng 01 năm 2011 của Thủ tướng Chính
phủ về việc ban hành chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo áp dụng cho giai đoạn
2011-2015 được UBND cấp huyện phê duyệt năm 2014) do UBND cấp xã đang quản lý.
- Cuộc họp phải có đại diện tối thiểu
của 60% số hộ gia đình trong thôn và có sự tham gia của đại diện chính quyền cấp
xã, đại diện Mặt trận Tổ quốc cấp xã và trưởng thôn (theo mẫu tại Phụ lục số 1). Trong trường hợp thôn tập trung
đông dân cư, để đảm bảo cuộc họp có đại diện tối thiểu 60% số hộ trong thôn
tham gia, đề nghị UBND cấp huyện chỉ đạo UBND cấp xã, các trưởng thôn khi tiến
hành rà soát, bình xét nên chia thành nhiều cụm dân cư để tiến hành bình xét.
Việc bình xét theo nguyên tắc dân chủ, công khai, công bằng, minh bạch. Hộ được
đưa vào danh sách đề nghị hỗ trợ phải được trên 50% số người tham dự cuộc hợp đồng
ý (theo hình thức biểu quyết giơ tay hoặc bỏ phiếu kín). Các thôn hướng dẫn các
hộ dân có tên trong danh sách đã được phê duyệt làm đơn đăng ký hỗ trợ xây dựng
nhà ở phòng, tránh bão, lụt (theo mẫu tại Phụ lục số
2). Danh sách các hộ gia đình nghèo đề nghị được hỗ trợ xây dựng nhà ở
của thôn được sắp xếp theo thứ tự ưu tiên và được công khai tại thôn. Trưởng
thôn tập hợp Đơn và danh sách gửi UBND cấp xã.
- UBND cấp xã căn cứ trên Biên bản họp
bình xét của thôn có trách nhiệm rà soát, tổng hợp nhu cầu của các thôn (danh
sách, số lượng hộ, vốn xây dựng nhà ở) lập báo cáo (theo mẫu tại Phụ lục số 3) gửi UBND cấp huyện phê duyệt;
- UBND cấp huyện tổng hợp và phê duyệt
danh sách hộ nghèo được hỗ trợ xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt (theo mẫu
tại Phụ lục số 4); báo cáo UBND Tỉnh đồng thời
gửi về Sở Xây dựng để chủ trì phối hợp với các Sở ngành liên quan để lập và
trình UBND Tỉnh phê duyệt Đề án hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh
bão, lụt trên địa bàn Tỉnh.
8. Cấp vốn xây dựng:
- Căn cứ số vốn được phân bổ từ ngân
sách trung ương, ngân sách địa phương, UBND Tỉnh phân bổ vốn cho UBND cấp huyện,
đồng thời gửi danh sách vay vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội để thực hiện
cho vay;
- Căn cứ số vốn được UBND Tỉnh phân bổ,
UBND cấp huyện phân bổ vốn hỗ trợ cho UBND cấp xã;
- Đối với vốn vay, hộ gia đình thực hiện
thủ tục, quy trình vay vốn theo hướng dẫn của Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Đối với vốn huy động từ nguồn vốn
“Quỹ vì người nghèo” và các đóng góp tự nguyện khác trên địa bàn, Mặt trận Tổ
quốc Việt Nam các cấp phối hợp với Ủy ban nhân dân cùng cấp xem xét hỗ trợ thêm
cho các hộ thuộc diện được hỗ trợ.
9. Thực hiện giải
ngân:
- Đối với vốn hỗ trợ từ ngân sách Nhà
nước: Thực hiện giải ngân lần đầu 70% vốn hỗ trợ theo quy định đối với những hộ
gia đình thực hiện xây dựng mới sau khi hoàn thành phần móng và đối với những hộ
gia đình thực hiện cải tạo, nâng tầng nhà ở đã có sau khi hoàn thành 30% khối
lượng công việc xây dựng sàn vượt mức ngập lụt; giải ngân tiếp 30% còn lại sau
khi các hộ gia đình hoàn thành công trình.
- Đối với vốn vay từ Ngân hàng Chính
sách xã hội: Thực hiện giải ngân 100% vốn vay theo quy định đối với những hộ thực
hiện xây dựng mới sau khi hoàn thành phần móng và đối với những hộ thực hiện cải
tạo, nâng tầng nhà ở đã có sau khi hoàn thành 30% khối lượng công việc xây dựng
sàn vượt mức ngập lụt.
10. Phương thức xây dựng
nhà ở phòng, tránh bão, lụt
a) Yêu cầu về kỹ thuật và chất lượng
nhà ở:
Trên cơ sở thiết kế mẫu nhà ở phòng
tránh bão, lụt điển hình Sở Xây dựng đã cung cấp (kèm theo dự toán kinh phí, dự
trù vật liệu chủ yếu). UBND cấp huyện có trách nhiệm chỉ đạo UBND cấp xã tổ chức
giới thiệu các mẫu thiết kế để người dân tham khảo, lựa chọn. Tôn trọng nguyện
vọng của người dân, không bắt buộc các hộ gia đình xây dựng nhà phòng, tránh
bão, lụt theo thiết kế mẫu. Tùy theo điều kiện cụ thể người dân có thể xây dựng
theo kinh nghiệm, truyền thống, phù hợp với điều kiện kinh tế, sinh hoạt của gia
đình, nhưng phải đảm bảo tiêu chí tối thiểu về diện tích, chất lượng quy định
và đảm bảo khả năng phòng, tránh được bão, lụt.
Nhà ở phòng, tránh bão, lụt hoặc cải tạo,
nâng tầng làm sàn nhà ở phòng, tránh bão, lụt, đảm bảo có sàn sử dụng cao hơn mức
ngập lụt cao nhất tại vị trí xây dựng; diện tích xây dựng sàn tối thiểu 10 m2;
các kết cấu chính như móng, khung, sàn, mái tương đương kết cấu của nhà ở xây dựng
kiên cố (nhà ở có các thành phần: móng làm bằng bê tông cốt thép, gạch/đá; cột,
tường làm bằng bê tông cốt thép, gạch/đá, sắt/thép/gỗ bền chắc; sàn làm bằng bê
tông cốt thép/gồ bền chắc. Lưu ý: Nhà trong vùng ngập lụt, đồng
thời bị ảnh hưởng của bão thì mái làm bằng bê tông cốt thép hoặc vật liệu lợp
có chất lượng tốt đảm bảo khả năng phòng, tránh bão).
b) Tổ chức xây dựng nhà ở:
- Hộ gia đình trong danh sách được hỗ
trợ xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt phải có đơn đăng ký hỗ trợ xây dựng
nhà ở (theo mẫu tại Phụ lục số 2), đề xuất
lựa chọn mẫu nhà, phương thức xây dựng nhà ở (tự làm hay nhờ tổ chức, đoàn thể
giúp xây dựng);
- Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho một
số hộ trong việc cung cung ứng vật tư, sử dụng vốn đúng mục đích (tránh tình trạng
không mua được vật tư hoặc các hộ nhận tiền mà không tiến hành mua vật tư để
xây dựng nhà ở phòng tránh bão, lụt). Qua kinh nghiệm thực hiện các chính sách
hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo trên địa bàn Tỉnh, Sở xây dựng gợi ý phương
thức tổ chức cung cấp vật tư cho các hộ gia đình và quản lý vật tư để xây dựng
nhà ở như sau:
+ Sau khi nhận được đơn đăng ký hỗ trợ
xây dựng nhà ở của hộ dân, UBND cấp xã xác nhận Đơn cho các hộ dân và có trách
nhiệm bảo lãnh cho hộ gia đình mua vật tư tại nơi mua (nơi mua vật tư do chủ hộ
tự chọn);
+ Sau khi bàn giao khối lượng vật tư
theo Đơn nói trên cho các hộ xây dựng nhà ở phải có giấy xác nhận giữa hộ gia
đình, người bán vật tư và đại diện UBND cấp xã. Việc cung cấp vật tư có thể
chia thành 02 giai đoạn xây dựng (giai đoạn 1: sau khi có Đơn đăng ký hỗ trợ
xây dựng nhà ở; giai đoạn 2: Sau khi xây dựng xong phần móng đối với nhà xây mới
hoặc sau khi hoàn thành 30% khối lượng công việc xây dựng sàn vượt mức ngập lụt
đối với những hộ gia đình cải tạo nâng tầng nhà ở hiện có) hoặc có thể cung cấp
toàn bộ vật tư để xây dựng hoàn thiện nhà. Việc thanh toán tiền của khối lượng
vật tư nói trên được chia thành 02 giai đoạn thực hiện giữa hộ gia đình và cá
nhân, tổ chức cung cấp vật tư có sự chứng kiến của đại diện UBND cấp xã;
+ Các hộ gia đình phải có biện pháp quản
lý trong quá trình xây dựng, trong đó có việc trách nhiệm bảo quản vật tư đã được
giao.
- Các hộ gia đình tự tổ chức xây dựng
nhà ở phòng, tránh bão, lụt hoặc thực hiện cải tạo, nâng tầng làm sàn phòng,
tránh bão, lụt, tuyệt đối không được thực hiện theo hình thức giao nhận thầu trọn
gói. Đối với các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn (già cả, neo đơn, tàn tật)
không có khả năng tự xây dựng nhà ở thì UBND cấp xã chỉ đạo Đoàn Thanh niên Cộng
sản Hồ Chí Minh và các tổ chức, đoàn thể khác tại địa phương tổ chức xây dựng
nhà ở cho các đối tượng này;
- Các hộ gia đình phải báo cáo UBND cấp
xã khi hoàn thành các phần việc theo giai đoạn quy định hoặc hoàn thành toàn bộ
công trình để tổ chức nghiệm thu làm cơ sở ứng vốn và thanh toán kịp thời.
- UBND cấp xã có trách nhiệm theo dõi,
giám sát và giúp đỡ các hộ gia đình trong quá trình xây dựng nhà ở phòng tránh
bão, lụt hoặc thực hiện cải tạo, nâng tầng làm sàn phòng, tránh bão, lụt; lập
biên bản xác nhận hoàn thành theo giai đoạn và biên bản xác nhận hoàn thành
công trình đưa vào sử dụng (theo mẫu tại Phụ lục số
5 và Phụ lục số 6); vận động các tổ chức,
đoàn thể như: Mặt trận Tổ quốc, Hội phụ nữ, Hội nông dân, Hội cựu chiến binh,
Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh giúp đỡ các hộ gia đình nghèo xây dựng nhà
ở phòng, tránh bão, lụt; phát huy cao nhất khả năng huy động nguồn lực từ cộng
đồng và hộ gia đình, tận dụng, khai thác vật liệu tại chỗ như cát, đá, sỏi, gỗ
để giảm giá thành xây dựng nhà ở;
- UBND cấp xã chỉ đạo, giám sát để các
hộ gia đình sử dụng vốn hỗ trợ, vốn vay làm nhà ở đúng mục đích, đảm bảo nhà ở
phải được xây dựng hoàn chỉnh để đưa vào sử dụng.
11. Tổ chức thực hiện:
a) Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp
huyện:
- Kiện toàn Ban chỉ đạo thực hiện
chính sách giảm nghèo cấp huyện để chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện
Quyết định 48/2014/QĐ-TTg. Tùy vào tình hình thực tế của từng địa phương lựa chọn
cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo là phòng kinh tế hạ tầng (phòng Quản lý -
đô thị) hoặc phòng Lao động - thương binh và xã hội cho phù hợp;
- Tổng hợp và phê duyệt theo thẩm quyền
danh sách hộ nghèo được hỗ trợ xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt trên địa
bàn (theo mẫu phụ lục 4);
- Hàng tháng có báo cáo nhanh 01 tháng
một lần (theo mẫu phụ lục 7), định kỳ 3
tháng một lần (theo mẫu phụ lục 8), tổng hợp,
báo cáo kết quả thực hiện của các xã trên địa bàn huyện lên Ban chỉ đạo cấp Tỉnh
(số lượng hộ đã được hỗ trợ, số nhà ở đã được xây dựng, số tiền hỗ trợ đã cấp
cho các hộ, số tiền cho vay, số tiền huy động khác và báo cáo những khó khăn,
vướng mắc trong quá trình thực hiện)
b) Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp
xã:
- Kiện toàn Ban giảm nghèo cấp xã để
thực hiện Chính sách.
- Xem xét, tổng hợp danh sách số hộ được
hỗ trợ, đồng thời lập danh sách các hộ có nhu cầu vay vốn trình UBND cấp huyện
phê duyệt.
- Tổ chức việc lập Biên bản xác nhận
xây dựng nhà ở hoàn thành phần móng hoặc hoàn thành 30% khối lượng công việc
xây dựng sàn vượt mức ngập lụt đối với nhũng hộ thực hiện cải tạo, nâng tầng
nhà ở đã có (mẫu Phụ lục 5) và Biên bản
xác nhận hoàn thành công trình đưa vào sử dụng (mẫu Phụ
lục 6) để làm cơ sở giải ngân và thanh toán vốn hỗ trợ và vốn vay theo
quy định. Mỗi loại biên bản lập 03 bản: 01 bản chủ hộ giữ, 01 bản gửi phòng Tài
chính - Kế hoạch cấp huyện, 01 bản UBND cấp xã tổng hợp gửi Ngân hàng Chính
sách xã hội để giải ngân vốn vay;
- Lập hồ sơ hoàn công cho từng hộ được
hỗ trợ xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt, bao gồm:
+ Trích danh sách có tên hộ nghèo được
hỗ trợ xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt;
+ Đơn đăng ký hỗ trợ xây dựng nhà ở
phòng, tránh bão, lụt của hộ gia đình;
+ Biên bản xác nhận xây dựng nhà ở
phòng, tránh bão, lụt hoàn thành theo giai đoạn và biên bản xác nhận hoàn thành
xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt đưa vào sử dụng;
+ Các chứng từ giải ngân nguồn vốn hỗ
trợ;
+ Các chứng từ vay vốn để làm nhà ở.
- Hàng tháng có báo cáo nhanh (mẫu Phụ lục 9), định kỳ 3 tháng một lần tổng hợp, báo
cáo kết quả thực hiện hỗ trợ hộ nghèo trên địa bàn xã về số lượng hộ gia đình
đã được hỗ trợ; số nhà ở đã được xây dựng; số tiền hỗ trợ đã cấp cho các hộ gia
đình; số tiền cho vay và báo cáo những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực
hiện trên địa bàn xã lên Ủy ban nhân dân cấp huyện (mẫu phụ lục 10).
12. Các nội dung
khác:
- Văn bản này thay thế văn bản số
989/HD-SXD, ngày 14/10/2014 của Sở Xây dựng về việc Triển khai thực hiện Quyết
định số 48/2014/QĐ-TTg , ngày 28/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hộ
nghèo xây dựng nhà ở phòng tránh bão, lụt khu vực miền Trung trên địa bàn tỉnh
Phú Yên.
- UBND các huyện, thị xã Sông Cầu,
thành phố Tuy Hòa chỉ đạo các phòng ban chuyên môn và UBND cấp xã căn cứ Quyết
định số 48/2014/QĐ-TTg và Thông tư số 16/2014/TT-BXD và văn bản này để lập, phê
duyệt danh sách các hộ gia đình được hỗ trợ xây dựng nhà ở phòng tránh bão, lụt
hoặc soát xét để phê duyệt lại (đối với các địa phương đã lập và phê duyệt danh
sách các hộ gia đình được hỗ trợ theo văn bản số 989/HD-SXD)
Trong quá trình triển khai thực hiện nếu
có gì vướng mắc, đề nghị các địa phương sớm phản ánh về Sở Xây dựng để kịp thời
xem xét, hướng dẫn giải quyết.
Vậy, Sở Xây dựng hướng dẫn để các địa
phương biết, triển khai thực hiện./.
Nơi nhận:
-
UBND Tỉnh (b/c);
- Bộ Xây dựng (b/c)
- Đ/c Lê Văn Trúc - PCTTT UBND Tỉnh (b/c);
- Đ/c Trần Quang Nhất - PCTUBND Tỉnh (thay b/c);
- Các thành viên BCĐ (p/h);
- UBND các huyện, thành phố, thị xã;
- GĐ, PGĐ Nguyễn Trọng Cường;
- Trang Website Sở;
- Lưu VP, P6 (HNNG-30b).
|
KT. GIÁM ĐỐC
PHÓ GIÁM ĐỐC
Nguyễn Trọng Cường
|