Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Nghị định 51/2006/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính trong an toàn kiểm soát bức xạ

Số hiệu: 51/2006/NĐ-CP Loại văn bản: Nghị định
Nơi ban hành: Chính phủ Người ký: Phan Văn Khải
Ngày ban hành: 19/05/2006 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đã biết Số công báo: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

CHÍNH PHỦ
*******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc Lập - Tự Do - Hạnh Phúc
************

SỐ:  51/2006/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 19 tháng 5  năm 2006

 

NGHỊ ĐỊNH

QUY ĐỊNH VỀ XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC AN TOÀN VÀ KIỂM SOÁT BỨC XẠ

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính ngày 02 tháng 7 năm 2002;
Căn cứ Pháp lệnh An toàn và kiểm soát bức xạ ngày 25 tháng 6 năm 1996;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ,

NGHỊ ĐỊNH :

Chương 1:

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Nghị định này quy định các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn và kiểm soát bức xạ, hình thức xử phạt, mức phạt, thẩm quyền xử phạt, thủ tục xử phạt và các biện pháp khắc phục hậu quả.

2. Nghị định này áp dụng đối với mọi cá nhân, tổ chức có hành vi cố ý hoặc vô ý vi phạm các quy định của pháp luật về quản lý nhà nước trong lĩnh vực an toàn và kiểm soát bức xạ mà không phải là tội phạm và theo quy định của Nghị định này phải bị xử phạt vi phạm hành chính.

Cá nhân, tổ chức nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước về an toàn và kiểm soát bức xạ trong phạm vi lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam cũng bị xử phạt theo Nghị định này, trừ trường hợp các Điều ước quốc tế liên quan mà Việt Nam là thành viên có quy định khác thì áp dụng quy định của Điều ước quốc tế đó.

3. Vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước về an toàn và kiểm soát bức xạ bao gồm:

a) Hành vi vi phạm quy định về khai báo, đăng ký, giấy phép quy định tại Pháp lệnh An toàn và kiểm soát bức xạ;

b) Hành vi vi phạm các quy định về điều kiện đảm bảo an toàn bức xạ;

c) Hành vi vi phạm các quy định cụ thể của Pháp lệnh An toàn và kiểm soát bức xạ và Nghị định số 50/1998/NĐ-CP ngày 16 tháng 7 năm 1998 của Chính phủ quy định chi tiết việc thi hành Pháp lệnh An toàn và kiểm soát bức xạ (sau đây viết tắt là NĐ 50/1998/NĐ-CP)

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Các từ ngữ trong Nghị định này được hiểu như sau:

1. "Thiết bị bức xạ" là thiết bị có thể phát ra bức xạ ion hoá, bao gồm các thiết bị chỉ phát bức xạ khi ở chế độ hoạt động (như các máy phát tia X, máy gia tốc...) và thiết bị bức xạ có gắn nguồn phóng xạ ở bên trong (như thiết bị xạ trị từ xa, thiết bị xạ trị áp sát, thiết bị đo trong công nghiệp và nghiên cứu, các máy phát tia X dùng trong phân tích ở các cửa hàng vàng bạc, các cơ sở chiếu xạ, lò phản ứng hạt nhân...).

2. "Nguồn phóng xạ" là các chất phóng xạ được sử dụng cùng với thiết bị hoặc sử dụng một mình trong việc ứng dụng kỹ thuật hạt nhân vào một mục tiêu xác định. Nguồn phóng xạ có thể ở dạng kín hoặc dạng hở.

3. "Nguồn phóng xạ kín" là nguồn phóng xạ trong đó chất phóng xạ được bao kín trong lớp vỏ bọc có cấu trúc đặc biệt đảm bảo không cho chất phóng xạ của nó thoát ra môi trường trong điều kiện làm việc bình thường hoặc trong trường hợp có sự cố bức xạ.

4. "Nguồn phóng xạ hở" là nguồn phóng xạ không được bao kín trong một lớp vỏ bọc mà nó có cấu trúc đặc biệt như nguồn phóng xạ kín, chất phóng xạ có thể được chia tách trong quá trình sử dụng hoặc dễ bị rò rỉ trong điều kiện sử dụng bình thường.

5. "Dịch vụ an toàn bức xạ" là các hoạt động phục vụ các công việc về an toàn bức xạ cho các cơ sở bức xạ, làm dịch vụ đo liều xạ cá nhân, thiết kế xây dựng cải tạo, mở rộng, nâng cấp các cơ sở bức xạ như phòng X quang, khoa y học hạt nhân, cơ sở xạ trị từ xa, kho chứa nguồn phóng xạ, kho chứa chất phóng xạ và chất thải phóng xạ, đánh giá an toàn bức xạ, đánh giá tác động bức xạ đối với môi trường, kiểm định chất lượng của các thiết bị bức xạ, hiệu chuẩn thiết bị đo lường bức xạ và thiết bị bức xạ.

6. "Chỉ số vận chuyển" là chỉ số dùng để kiểm soát sự chiếu xạ, để quy định lượng chất phóng xạ đựng trong kiện hàng phóng xạ nhằm đảm bảo an toàn trong quá trình vận chuyển.

Điều 3. Nguyên tắc xử phạt

1. Cá nhân, tổ chức chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn và kiểm soát bức xạ khi có hành vi vi phạm quy định tại Chương II của Nghị định này.

2. Mọi vi phạm hành chính khi được phát hiện phải kịp thời đình chỉ ngay. Việc xử phạt vi phạm hành chính phải được tiến hành nhanh chóng, công minh, triệt để; mọi hậu quả do vi phạm hành chính gây ra phải được khắc phục theo quy định của pháp luật.

3. Việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn và kiểm soát bức xạ phải do người có thẩm quyền tiến hành theo đúng quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính.

4. Một hành vi vi phạm hành chính chỉ bị xử phạt một lần; một người thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính thì bị xử phạt về từng hành vi vi phạm hành chính; nhiều người thực hiện cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mỗi người vi phạm đều bị xử phạt.

5. Việc xử phạt vi phạm hành chính phải căn cứ vào tính chất, mức độ vi phạm, nhân thân người vi phạm và những tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng để quyết định hình thức, mức xử phạt và các biện pháp xử lý thích hợp theo quy định của Nghị định này.

6. Không xử phạt vi phạm hành chính trong các trường hợp thuộc tình thế cấp thiết, phòng vệ chính đáng, sự kiện bất ngờ hoặc vi phạm hành chính trong khi đang mắc bệnh tâm thần hoặc các bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình.

7. Trường hợp một cá nhân, tổ chức thực hiện cùng một lúc nhiều hành vi vi phạm hành chính, trong đó có vi phạm thuộc lĩnh vực an toàn và kiểm soát bức xạ thì thẩm quyền xử phạt được xác định theo nguyên tắc quy định tại khoản 3 Điều 42 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính.

8. Trường hợp khi xét thấy hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn và kiểm soát bức xạ có dấu hiệu tội phạm thì người có thẩm quyền quy định tại Điều 23, Điều 24 và Điều 25 của Nghị định này phải chuyển hồ sơ cho cơ quan tiến hành tố tụng hình sự có thẩm quyền giải quyết.

Nghiêm cấm áp dụng xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi có dấu hiệu tội phạm trong lĩnh vực an toàn và kiểm soát bức xạ. 

9. Tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng được áp dụng theo quy định tại Điều 8 và Điều 9 của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002.

Điều 4. Hình thức xử phạt và các biện pháp khắc phục hậu quả

1. Đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn và kiểm soát bức xạ, cá nhân, tổ chức vi phạm phải chịu một trong các hình thức xử phạt chính sau đây:

a) Phạt cảnh cáo: áp dụng đối với trường hợp vi phạm nhỏ, lần đầu, có tình tiết giảm nhẹ hoặc đối với mọi hành vi vi phạm hành chính do người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện;

b) Phạt tiền: căn cứ vào tính chất, mức độ vi phạm, người có thẩm quyền quyết định mức phạt tiền trong khung phạt đã quy định.

Khi phạt tiền, mức tiền phạt cụ thể đối với một hành vi vi phạm hành chính là mức trung bình của khung tiền phạt được quy định đối với hành vi đó trong trường hợp không có tình tiết giảm nhẹ hoặc tăng nặng. Mức trung bình của khung tiền phạt được xác định bằng cách chia đôi tổng số của mức tối thiểu và mức tối đa.

Vi phạm có tình tiết giảm nhẹ thì mức tiền phạt có thể giảm xuống, nhưng không được giảm dưới mức tối thiểu của khung tiền phạt đã quy định.

Vi phạm có tình tiết tăng nặng thì mức tiền phạt có thể tăng lên, nhưng không được tăng trên mức tối đa của khung tiền phạt đã quy định. 

2. Tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm, cá nhân tổ chức vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn và kiểm soát bức xạ còn có thể bị áp dụng một hoặc các hình thức xử phạt bổ sung sau đây:

a) Tước quyền sử dụng giấy phép trong lĩnh vực an toàn và kiểm soát bức xạ có thời hạn đến 6 tháng;

b) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính.  

3. Ngoài các hình thức xử phạt chính, xử phạt bổ sung nêu trên, cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính còn có thể bị buộc áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả sau đây:

a) Buộc tẩy xạ những vùng bị nhiễm xạ để đạt tiêu chuẩn về môi trường;

b) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra;

c) Buộc tiêu huỷ, chôn cất vật phẩm, hàng hoá chứa chất phóng xạ theo đúng quy định an toàn bức xạ;

d) Buộc cải tạo lại kết cấu xây dựng, che chắn theo tiêu chuẩn an toàn bức xạ để đảm bảo môi trường xung quanh;

đ) Buộc tái xuất tang vật vi phạm đã nhập khẩu theo quy định của pháp luật;

e) Buộc thu hồi tang vật bị tẩu tán; truy tìm nguồn bức xạ để trả lại tình trạng ban đầu;

g) Buộc bố trí công việc thích hợp đối với người dưới 18 tuổi, người bị các bệnh cấm theo quy định của Bộ Y tế; phụ nữ có thai hoặc đang trong thời gian cho con bú theo quy định tại khoản 1 Điều 6, khoản 3 Điều 10 của Nghị định    số 50/1998/NĐ-CP ngày 16 tháng 7 năm 1998 của Chính phủ quy định chi tiết việc thi hành Pháp lệnh An toàn và kiểm soát bức xạBộ luật Lao động;

h) Các biện pháp khắc phục hậu quả khác quy định tại Chương II của Nghị định này.

Điều 5. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính và thời hạn được coi như chưa bị xử phạt vi phạm hành chính

1. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn và kiểm soát bức xạ là hai năm kể từ ngày hành vi vi phạm hành chính được thực hiện. Nếu quá thời hạn nói trên thì cá nhân, tổ chức đã thực hiện hành vi vi phạm không bị xử phạt, nhưng vẫn bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 3 Điều 4 của Nghị định này.

2. Đối với cá nhân thực hiện hành vi vi phạm pháp luật về an toàn và kiểm soát bức xạ bị khởi tố, truy tố hoặc có quyết định đưa vụ án ra xét xử theo thủ tục tố tụng hình sự nhưng sau đó có quyết định đình chỉ điều tra hoặc đình chỉ vụ án mà hành vi vi phạm có dấu hiệu vi phạm hành chính thì bị xử phạt hành chính; trong trường hợp này, thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là ba tháng, kể từ ngày người có thẩm quyền xử phạt nhận được quyết định đình chỉ và hồ sơ vụ vi phạm.

3. Trong thời hạn quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, nếu cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm hành chính mới trong lĩnh vực an toàn và kiểm soát bức xạ hoặc cố tình trốn tránh, cản trở việc xử phạt thì không áp dụng thời hiệu quy định tại khoản 1 và khoản 2 của Điều này. Thời hiệu được tính lại kể từ khi thực hiện vi phạm hành chính mới hoặc thời điểm chấm dứt hành vi trốn tránh, cản trở việc xử phạt.

4. Cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính về an toàn và kiểm soát bức xạ, nếu qua một năm kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt hoặc từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định xử phạt mà không tái phạm thì được coi như chưa bị xử phạt vi phạm hành chính về an toàn và kiểm soát bức xạ.

Chương 2:

CÁC HÀNH VI VI PHẠM HÀNH CHÍNH,  HÌNH THỨC VÀ MỨC PHẠT

Điều 6. Hành vi vi phạm quy định về khai báo

1. Phạt tiền từ 1.500.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với cá nhân, tổ chức có một trong các hành vi vi phạm quy định về khai báo cơ sở bức xạ, nguồn phóng xạ, thiết bị bức xạ, chất thải phóng xạ, tiến hành công việc bức xạ, cụ thể:

a) Gian lận trong khai báo hoặc khai báo không đầy đủ;

b) Sửa chữa, tẩy xoá hồ sơ để có đủ điều kiện được áp dụng miễn trừ khai báo;

c) Không khai báo cơ sở bức xạ;

d) Không khai báo nguồn phóng xạ;

đ) Không khai báo thiết bị bức xạ;

e) Không khai báo chất thải phóng xạ;

g) Không khai báo khi tiến hành các công việc bức xạ.

2. Biện pháp khắc phục hậu quả: buộc cá nhân, tổ chức vi phạm khoản 1 Điều này thực hiện việc khai báo theo quy định tại Điều 22 Pháp lệnh An toàn và kiểm soát bức xạ.

Điều 7. Hành vi vi phạm quy định về đăng ký

1. Phạt tiền từ 1.500.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với cá nhân, tổ chức có hành vi gian lận trong đăng ký nguồn phóng xạ, thiết bị bức xạ và địa điểm cất giữ chất thải phóng xạ.

2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với cá nhân, tổ chức có nguồn phóng xạ, thiết bị bức xạ, chất thải phóng xạ nhưng không đăng ký theo quy định đối với nguồn phóng xạ và địa điểm cất giữ chất phóng xạ.

3. Các biện pháp khắc phục hậu quả: buộc cá nhân, tổ chức vi phạm khoản 1 và khoản 2 Điều này thực hiện việc đăng ký theo quy định tại       Điều 23 Pháp lệnh An toàn và kiểm soát bức xạ.

Điều 8. Hành vi vi phạm quy định về giấy phép

1. Phạt tiền từ 1.500.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với cá nhân, tổ chức có hành vi gian lận trong quá trình xin cấp giấy phép an toàn bức xạ theo quy định của Pháp lệnh An toàn và kiểm soát bức xạ.

2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với cá nhân, tổ chức thực hiện một trong các hành vi sau đây mà không có giấy phép:

a) Làm công việc bức xạ đặc biệt;

b) Làm các công việc dịch vụ liên quan đến an toàn bức xạ.

3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với cá nhân, tổ chức thực hiện một trong các hành vi sau đây mà không có giấy phép:

a) Sử dụng nguồn phóng xạ, thiết bị bức xạ trong khám, chữa bệnh;

b) Sử dụng nguồn phóng xạ để phân tích cấu trúc, thành phần hoá học của các vật liệu, kiểm tra chất lượng công trình, kiểm tra an ninh, kiểm tra đo lường, chất lượng hàng hoá;

c) Sử dụng nguồn phóng xạ, thiết bị bức xạ để thử nghiệm hoặc nghiên cứu khoa học.

4. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với cá nhân, tổ chức thực hiện một trong các hành vi sau đây mà không có giấy phép:

a) Xuất khẩu, nhập khẩu, tạm xuất tái nhập khẩu, tạm nhập tái xuất khẩu các nguồn phóng xạ, thiết bị bức xạ;

b) Sửa chữa, lắp ráp, thay thế nguồn phóng xạ, thiết bị bức xạ;

c) Sản xuất sản phẩm, hàng hoá tiêu dùng chứa chất phóng xạ;

d) Vận chuyển quá cảnh nguồn phóng xạ, thiết bị bức xạ hoặc chất thải phóng xạ.

5. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với cá nhân, tổ chức thực hiện một trong các hành vi sau đây mà không có giấy phép:

a) Sản xuất nguồn phóng xạ kín, nguồn phóng xạ hở, thiết bị bức xạ mà không có giấy phép;

b) Hoạt động chiếu xạ (bao gồm: sử dụng máy gia tốc, thiết bị phát tia X, thiết bị chứa nguồn phóng xạ hoạt độ cao có thể tạo ra trường bức xạ mạnh để khử trùng hoặc xử lý bảo quản sản phẩm thương mại) hoặc chụp ảnh phóng xạ cố định;

c) Khai thác, chế biến quặng phóng xạ;

d) Xử lý, chôn cất chất thải phóng xạ.

6. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm tại khoản 2, khoản 3,  khoản 4, khoản 5 Điều này phải thực hiện các biện pháp bảo đảm về an toàn bức xạ;

b) Buộc cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm tại điểm c khoản 4 Điều này tiêu huỷ, chôn cất các sản phẩm, hàng hoá tiêu dùng chứa chất phóng xạ vượt quá mức cho phép theo quy định của pháp luật;

c) Buộc cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm tại khoản 1, khoản 2,  khoản 3, khoản 4, khoản 5 Điều này phải thực hiện việc xin cấp giấy phép theo quy định tại Điều 24 Pháp lệnh An toàn và kiểm soát bức xạ trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được quyết định xử lý của người có thẩm quyền.

Điều 9. Hành vi vi phạm quy định về nâng cấp, cải tạo cơ sở bức xạ

1. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với cá nhân, tổ chức thực hiện một trong các hành vi sau đây mà không có giấy phép:

a) Tự ý nâng cấp, mở rộng phạm vi hoạt động của cơ sở bức xạ;

b) Đưa cơ sở bức xạ hoạt động trở lại sau khi nâng cấp, cải tạo.

2. Biện pháp khắc phục hậu quả: buộc cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm khoản 1 Điều này thực hiện việc xin cấp giấy phép theo quy định tại Điều 24 Pháp lệnh An toàn và kiểm soát bức xạ trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được quyết định xử lý của người có thẩm quyền.

Điều 10. Hành vi sử dụng giấy phép quá thời hạn

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với cá nhân, tổ chức sử dụng giấy phép hoạt động cho cơ sở bức xạ, giấy phép tiến hành công việc bức xạ và giấy phép cho nhân viên làm công việc bức xạ đặc biệt đã hết hạn sử dụng nhưng không quá 30 ngày kể từ ngày giấy phép hết hạn.

2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với cá nhân, tổ chức sử dụng giấy phép hoạt động cho cơ sở bức xạ, giấy phép tiến hành công việc bức xạ và giấy phép cho nhân viên làm công việc bức xạ đặc biệt đã hết hạn sử dụng không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả: buộc cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm khoản 1 và khoản 2 Điều này thực hiện việc xin gia hạn giấy phép theo quy định tại Điều 26 Pháp lệnh An toàn và kiểm soát bức xạ trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được quyết định xử lý của người có thẩm quyền.

Điều 11. Hành vi vi phạm điều kiện được quy định trong giấy phép

1. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với cá nhân, tổ chức vi phạm một trong các điều kiện đã ghi trong giấy phép.

2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với cá nhân, tổ chức sử dụng nguồn phóng xạ, thiết bị bức xạ vào mục đích khác so với quy định trong giấy phép của cơ quan quản lý nhà nước về an toàn và kiểm soát bức xạ.

3. Hình thức xử phạt bổ sung: tước quyền sử dụng giấy phép có thời hạn đến 3 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này và tước quyền sử dụng giấy phép đến 6 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 Điều này.

4. Biện pháp khắc phục hậu quả: buộc cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm khoản 1 và khoản 2 Điều này thực hiện đúng các điều kiện được ghi trong giấy phép.

Điều 12. Hành vi vi phạm về xuất nhập khẩu thiết bị bức xạ, nguồn phóng xạ và chất thải phóng xạ

1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với cá nhân, tổ chức có hành vi xuất nhập khẩu không đúng các tham số kỹ thuật của thiết bị bức xạ, nguồn phóng xạ ghi trong giấy phép.

2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với cá nhân, tổ chức có hành vi nhập khẩu thiết bị bức xạ, nguồn phóng xạ, chất thải phóng xạ thuộc Danh mục hàng hoá cấm nhập khẩu.

3. Hình thức phạt bổ sung: tước quyền sử dụng giấy phép về an toàn bức xạ đến 6 tháng đối với cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm tại khoản 1,  khoản 2 Điều này.

4. Biện pháp khắc phục hậu quả: buộc cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm khoản 1, khoản 2 Điều này phải thực hiện ngay các biện pháp đảm bảo an toàn bức xạ và buộc tái xuất tang vật vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.

Điều 13. Hành vi vi phạm quy định về cất giữ, lưu giữ, chuyển nhượng nguồn phóng xạ, thiết bị bức xạ và chất thải phóng xạ

1. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 45.000.000 đồng đối với cá nhân, tổ chức thực hiện  một trong các hành vi sau đây:

a) Mua bán, tặng, cho, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê nguồn phóng xạ, thiết bị bức xạ mà không có giấy phép;

b) Cất giữ nguồn phóng xạ và lưu giữ tạm thời chất thải phóng xạ mà không có giấy phép.

2. Phạt tiền từ 25.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với cá nhân, tổ chức làm mất, thất lạc, rơi vãi nguồn phóng xạ, thiết bị bức xạ do thiếu trách nhiệm trong khi quản lý, sử dụng.

3.  Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 Điều này nhưng cố tình không thông báo với cơ quan quản lý nhà nước về an toàn và kiểm soát bức xạ.

4. Hình thức xử phạt bổ sung: tịch thu tang vật, phương tiện của cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm tại điểm a, điểm b khoản 1 Điều này về kho chứa nguồn phóng xạ gần nhất đã được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy phép sử dụng.

5. Các biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm điểm a, điểm b khoản 1 Điều này phải thực hiện các biện pháp an toàn bức xạ theo quy định của pháp luật và cung cấp đầy đủ thông tin cho cơ quan quản lý nhà nước về an toàn và kiểm soát bức xạ;

b) Buộc cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm tại khoản 2, khoản 3 Điều này phải thực hiện các biện pháp sau: thông báo ngay cho cơ quan quản lý nhà nước về an toàn và kiểm soát bức xạ, cơ quan công an nơi gần nhất; truy tìm nguồn bức xạ để khôi phục lại tình trạng ban đầu; chi phí cho việc tìm kiếm, khắc phục do cá nhân, tổ chức quản lý, sử dụng nguồn phóng xạ, thiết bị bức xạ chịu trách nhiệm.

Điều 14. Hành vi vi phạm quy định về vận chuyển nguồn phóng xạ, chất thải phóng xạ

1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với cá nhân, tổ chức thực hiện một trong các hành vi sau đây:

a) Vận chuyển không đúng về số lượng, chủng loại và tuyến đường quy định trong giấy phép của cơ quan có thẩm quyền;

b) Sử dụng phương tiện vận chuyển không đúng quy định về an toàn bức xạ;

c) Vi phạm quy định về bao bì, đóng gói, ký hiệu liên quan đến an toàn bức xạ khi vận chuyển nguồn phóng xạ, chất thải phóng xạ;

d) Vận chuyển mà không có nhân viên chịu trách nhiệm về an toàn bức xạ đi kèm (trừ trường hợp vận chuyển các thiết bị bức xạ chỉ khi hoạt động mới phát ra bức xạ);

đ) Vận chuyển các kiện hàng và các chuyến hàng vượt quá chỉ số vận chuyển quy định;

e) Vận chuyển trong điều kiện liều bức xạ tại buồng lái và tại chỗ người ngồi vượt quá quy định về an toàn bức xạ.

2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 45.000.000 đồng đối với cá nhân, tổ chức có hành vi để rơi vãi nguồn phóng xạ, chất thải phóng xạ trong quá trình vận chuyển.

3. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 Điều này ảnh hưởng đến sức khoẻ môi trường.

4. Hình thức xử phạt bổ sung: tước quyền sử dụng giấy phép có thời hạn đến 3 tháng đối với cá nhân, tổ chức vi phạm một trong các quy định tại khoản 1 Điều này.

5. Các biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc các cá nhân, tổ chức vi phạm một trong các quy định tại khoản 1 Điều này chỉ được vận chuyển theo đúng quy định của giấy phép vận chuyển và phải thực hiện các biện pháp an toàn bức xạ theo quy định;

b) Buộc cá nhân, tổ chức vi phạm khoản 2, khoản 3 Điều này phải thực hiện các biện pháp sau: thông báo ngay cho cơ quan quản lý nhà nước về an toàn và kiểm soát bức xạ, cơ quan công an nơi gần nhất; thu hồi nguồn phóng xạ, chất thải phóng xạ rơi vãi và thực hiện việc tẩy xạ những vùng bị nhiễm xạ để đạt được quy định về tiêu chuẩn môi trường; chi phí cho việc khắc phục hậu quả do cá nhân, tổ chức vận chuyển nguồn phóng xạ, chất thải phóng xạ chịu trách nhiệm.

Điều 15. Hành vi vi phạm quy định làm các công việc dịch vụ liên quan đến an toàn bức xạ

1. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với cá nhân, tổ chức  thực hiện một trong các hành vi sau đây:

a) Làm các dịch vụ liên quan đến an toàn bức xạ nhưng vi phạm các quy định về an toàn bức xạ;

b) Làm các dịch vụ liên quan đến an toàn bức xạ nhưng vượt quá thẩm quyền cho phép của cơ quan quản lý nhà nước về an toàn và kiểm soát bức xạ;

c) Định kỳ không báo cáo kết quả đo liều bức xạ cá nhân cho cơ quan quản lý nhà nước về an toàn và kiểm soát bức xạ theo quy định của pháp luật.

2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với cá nhân, tổ chức sử dụng nguồn phóng xạ, thiết bị bức xạ không đạt tiêu chuẩn chất lượng để chẩn đoán và điều trị trong khám, chữa bệnh.

3. Hình thức xử phạt bổ sung: tước quyền sử dụng giấy phép có thời hạn đến 6 tháng đối với hành vi vi phạm tại khoản 1 Điều này.

4. Các biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 1 Điều này thực hiện quy định về đảm bảo an toàn bức xạ; vi phạm quy định tại điểm b khoản 1 Điều này phải thực hiện đúng thẩm quyền cho phép;

b) Buộc cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm quy định tại điểm c khoản 1 Điều này phải thực hiện việc báo cáo kết quả đo liều bức xạ cá nhân theo quy định tại khoản 2 Điều 13 Nghị định số 50/1998/NĐ-CP ngày 16 tháng 7     năm 1998 của Chính phủ;

c) Buộc cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 Điều này phải sửa chữa, hiệu chỉnh để đạt tiêu chuẩn chất lượng quy định.

Điều 16. Hành vi vi phạm quy định về xử lý và quản lý chất thải phóng xạ

1. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với cá nhân, tổ chức thực hiện một trong các hành vi sau đây:

a) Không lập hồ sơ lưu giữ đặc trưng chất thải phóng xạ của mỗi lần thải;

b) Không xử lý hoặc xử lý chất thải phóng xạ không theo đúng tiêu chuẩn quy định về an toàn bức xạ.

2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với cá nhân, tổ chức sử dụng bể chứa, kho chứa chất thải phóng xạ không đúng tiêu chuẩn quy định về an toàn bức xạ.

3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với cá nhân, tổ chức không tổ chức thu gom chất thải phóng xạ.

4. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 45.000.000 đồng đối với cá nhân, tổ chức thải chất thải phóng xạ vượt quá quy định cho phép gây ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ, môi trường.

5. Các biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc cải tạo lại bể chứa, kho chứa chất thải phóng xạ theo đúng tiêu chuẩn quy định đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 Điều này;

b) Buộc tẩy xạ tại những vùng bị nhiễm xạ đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều này để đạt tiêu chuẩn về môi trường;

c) Buộc cá nhân, tổ chức vi phạm khoản 3 Điều này thực hiện thu gom chất thải phóng xạ theo quy định;

d) Buộc cá nhân, tổ chức vi phạm khoản 4 Điều này thực hiện không thải phóng xạ ra môi trường quá mức cho phép.

Điều 17. Hành vi vi phạm quy định về địa điểm cơ sở bức xạ

1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với cá nhân, tổ chức bố trí cơ sở bức xạ không đúng địa điểm phê duyệt của cơ quan quản lý nhà nước về an toàn bức xạ.

2. Các biện pháp khắc phục hậu quả: buộc phải di chuyển đến địa điểm đã được phê duyệt của cơ quan quản lý nhà nước về an toàn bức xạ.

Điều 18. Hành vi vi phạm quy định về che chắn, quy định về kích thước phòng để tiến hành công việc bức xạ

1. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với cá nhân, tổ chức thực hiện một trong các hành vi sau:

a) Để lọt tia bức xạ quá mức liều xạ giới hạn cho phép;

b) Sử dụng phòng để tiến hành công việc bức xạ có chiều dày của tường, trần nhà, sàn nhà, cửa ra vào, cửa sổ không đủ độ dày theo quy định về an toàn bức xạ, chiều cao của mép dưới cửa sổ, cửa thông gió không cao quá 2 mét so với nền ở phía ngoài.

2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với cá nhân, tổ chức sử dụng phòng có kích thước không đạt tiêu chuẩn quy định để tiến hành công việc bức xạ.

3. Hình thức xử phạt bổ sung: tước quyền sử dụng giấy phép đến 3 tháng đối với cá nhân, tổ chức vi phạm các quy định tại khoản 1 Điều này.

4. Các biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc cá nhân, tổ chức vi phạm khoản 1 Điều này phải cải tạo lại phòng có kết cấu xây dựng đảm bảo quy định bảo vệ che chắn về an toàn bức xạ;

b) Buộc cá nhân, tổ chức vi phạm khoản 2 Điều này phải cải tạo lại phòng đạt kích thước theo tiêu chuẩn quy định để tiến hành công việc bức xạ.

Điều 19. Hành vi vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường

1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với cá nhân, tổ chức khi sản xuất, chế biến, sử dụng chất phóng xạ, nguồn phóng xạ gây nhiễm xạ môi trường.

2. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với cá nhân, tổ chức không thực hiện các biện pháp khắc phục kịp thời khi phát hiện môi trường bị nhiễm xạ.

3. Phạt tiền từ 35.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với cá nhân, tổ chức thực hiện việc chôn cất, xử lý các chất thải phóng xạ gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến môi trường, sức khoẻ của nhân dân.

4. Hình thức xử phạt bổ sung: tước quyền sử dụng giấy phép về lĩnh vực an toàn và kiểm soát bức xạ đến 6 tháng đối với cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 Điều này.

5. Các biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc tẩy xạ tại những vùng bị nhiễm xạ đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này để đạt tiêu chuẩn về môi trường;

b) Buộc cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm tại khoản 3 Điều này phải thực hiện quy định tại điểm a khoản 5 Điều này và thực hiện lại việc chôn cất, xử lý các chất thải phóng xạ để đạt tiêu chuẩn về môi trường;

c) Các chi phí cho việc khắc phục hậu quả do cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 Điều này chịu trách nhiệm.

Điều 20. Hành vi vi phạm các quy định cụ thể của Pháp lệnh An toàn và kiểm soát bức xạ và Nghị định số 50/1998/NĐ-CP

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với cá nhân, tổ chức vi phạm một trong các quy định sau đây:

a) Không có biển báo, đèn cảnh báo bức xạ gắn tại những nơi quy định;

b) Không có nội quy về an toàn bức xạ đối với cơ sở bức xạ;

c) Không có quy trình vận hành thiết bị bức xạ.

2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với cá nhân, tổ chức không tổ chức lưu giữ một trong các hồ sơ sau đây:

a) Hồ sơ kiểm xạ môi trường;

b) Hồ sơ bảo dưỡng định kỳ máy móc và hệ thống đảm bảo an toàn bức xạ;

c) Hồ sơ sức khoẻ của nhân viên bức xạ;

d) Hồ sơ liều xạ cá nhân của nhân viên bức xạ;

đ) Các hồ sơ về nâng cấp, mở rộng phạm vi hoạt động của cơ sở bức xạ, kiểm tra chất lượng, kiểm định định kỳ, hiệu chuẩn hàng năm các thiết bị bức xạ, nguồn phóng xạ theo quy định;

e) Nhật ký vận hành thiết bị;

g) Hồ sơ các đợt thải chất thải phóng xạ;

h) Hồ sơ về thiết bị bức xạ và nguồn phóng xạ.

3. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với cá nhân, tổ chức vi phạm một trong các quy định sau đây:

a) Không bổ nhiệm người phụ trách an toàn bức xạ;

b) Bổ nhiệm người phụ trách an toàn bức xạ không có chứng chỉ đào tạo về an toàn bức xạ theo đúng quy định tại Điều 5, 8 và 26 của Nghị định               số 50/1998/NĐ-CP ngày 16 tháng 7 năm 1998 của Chính phủ;

c) Không tổ chức đào tạo và đào tạo lại các kiến thức an toàn bức xạ cho nhân viên bức xạ theo quy định của Nghị định số 50/1998/NĐ-CP ngày 16  tháng 7 năm 1998 của Chính phủ.

d) Không thành lập đội phòng, chống và khắc phục sự cố bức xạ thích hợp với quy mô hoạt động của cơ sở.

4. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với cá nhân, tổ chức vi phạm một trong các quy định sau đây:

a) Tuyển dụng người dưới 18 tuổi làm nhân viên bức xạ;

b) Tuyển dụng người bị bệnh cấm kỵ bức xạ làm nhân viên bức xạ;

c) Không kiểm tra sức khoẻ định kỳ nhân viên bức xạ theo quy định;

d) Để phụ nữ có thai, trong thời gian cho con bú làm việc với bức xạ;

đ) Không trang bị liều xạ kế cá nhân cho nhân viên bức xạ;

e) Không tổ chức định kỳ đánh giá liều bức xạ cá nhân theo quy định;

g) Không trang bị bảo hộ lao động thích hợp cho nhân viên bức xạ;

h) Không trang bị tủ hút thích hợp cho công việc với chất phóng xạ sinh ra dạng khí, hơi, sol khí;

i) Không có các dụng cụ che chắn thích hợp cho từng loại công việc ứng dụng kỹ thuật hạt nhân;

k) Không định kỳ kiểm tra chất lượng của các thiết bị bức xạ sử dụng trong y tế;

l) Không hiệu chuẩn hàng năm đối với các thiết bị đo liều bức xạ, nguồn xạ trị;

m) Sửa chữa làm sai lệch các thông số của thiết bị bức xạ mà không được hiệu chuẩn và cho phép sử dụng trở lại.

5. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với cá nhân, tổ chức vi phạm một trong các quy định sau đây:

a) Không kiểm kê nguồn bức xạ theo định kỳ hàng năm;

b) Không báo cáo tình hình an toàn bức xạ hàng năm với cơ quan quản lý nhà nước về an toàn và kiểm soát bức xạ;

c) Không kiểm xạ định kỳ môi trường xung quanh cơ sở bức xạ;

d) Không kiểm xạ định kỳ tại nơi làm việc của nhân viên bức xạ;

đ) Không có máy cảnh báo bức xạ đối với các cơ sở có lò phản ứng, máy gia tốc, chiếu xạ, cơ sở xạ trị từ xa, các cơ sở khai thác và chế biến quặng phóng xạ;

e) Không có kế hoạch phòng, chống sự cố bức xạ;

g) Không phát hiện kịp thời và xử lý sự cố bức xạ không theo kế hoạch;

h) Không báo cáo kịp thời cho cơ quan quản lý về an toàn bức xạ và các cơ quan có liên quan;

i) Không thực hiện đầy đủ các biện pháp thuộc trách nhiệm của mình khi có sự cố bức xạ xảy ra;

k) Không chấp hành hoặc chấp hành không nghiêm lệnh huy động khẩn cấp nhân lực, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố bức xạ;

l) Gây cản trở hoặc không thực hiện đúng các hướng dẫn khi các cơ quan chức năng tiến hành khắc phục sự cố bức xạ.

6. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với cá nhân, tổ chức thực hiện một trong các hành vi sau đây:

a) Tự động cắt bỏ hệ thống bảo đảm an toàn bức xạ;

b) Không tổ chức bảo dưỡng định kỳ hệ thống bảo đảm an toàn bức xạ dẫn đến vi phạm quy định về an toàn bức xạ.

7. Các biện pháp khắc phục hậu quả

a) Buộc cá nhân, tổ chức vi phạm khoản 1 Điều này phải gắn biển báo, xây dựng nội quy ra vào và hoạt động của cơ sở bức xạ; xây dựng quy trình vận hành thiết bị bức xạ;

b) Buộc cá nhân, tổ chức vi phạm khoản 2 Điều này phải xây dựng và lưu hồ sơ liên quan đến an toàn và kiểm soát bức xạ;

c) Buộc cá nhân, tổ chức vi phạm điểm a, b, c khoản 3 Điều này thực hiện các quy định về bổ nhiệm người phụ trách an toàn bức xạ và đào tạo về an toàn bức xạ cho người phụ trách, nhân viên làm công việc bức xạ; vi phạm điểm d khoản 3 Điều này phải thành lập đội phòng chống và khắc phục sự cố bức xạ thích hợp với quy mô hoạt động của cơ sở;

d) Buộc cá nhân, tổ chức vi phạm điểm a, b, d khoản 4 Điều này phải thực hiện quy định tại điểm g khoản 3 Điều 4 của Nghị định này; vi phạm điểm c, đ, e, g khoản 4 Điều này phải thực hiện việc khám sức khoẻ, trang bị liều kế cá nhân, trang bị bảo hộ cho nhân viên làm bức xạ; vi phạm điểm h, i, k, l, m khoản 4 Điều này phải thực hiện việc hiệu chuẩn, kiểm định thiết bị bức xạ, trang bị thiết bị an toàn theo quy định của pháp luật;

đ) Buộc cá nhân, tổ chức vi phạm điểm a, b khoản 5 Điều này thực hiện việc kiểm kê, báo cáo tình hình an toàn bức xạ; vi phạm điểm c, d khoản 5 Điều này phải kiểm xạ định kỳ theo quy định; vi phạm điểm đ khoản 5 Điều này phải trang bị máy cảnh báo bức xạ; vi phạm điểm e, g, h, i, k, l khoản 5 Điều này phải có kế hoạch phòng, chống sự cố bức xạ; phải xử lý sự cố theo kế hoạch; phải báo cáo kịp thời cho cơ quan quản lý về an toàn bức xạ và các cơ quan có liên quan; phải thực hiện đầy đủ các biện pháp thuộc trách nhiệm của mình khi có sự cố bức xạ xảy ra; phải thực hiện lệnh huy động khẩn cấp nhân lực, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố; phải thực hiện đúng các hướng dẫn khi các cơ quan chức năng tiến hành khắc phục sự cố bức xạ.

Điều 21. Hành vi vi phạm quy định về giải thể cơ sở bức xạ

1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với cá nhân, tổ chức thực hiện việc giải thể cơ sở bức xạ không đúng thủ tục, trình tự quy định tại Điều 15 của Nghị định số 50/1998/NĐ-CP ngày 16 tháng 7 năm 1998 của Chính phủ.

2. Biện pháp khắc phục hậu quả: buộc cá nhân, tổ chức có cơ sở bức xạ giải thể thực hiện đúng các quy định về thủ tục, trình tự giải thể cơ sở bức xạ theo quy định của pháp luật.

Điều 22. Hành  vi cản trở hoạt động quản lý nhà nước trong lĩnh vực an toàn và kiểm soát bức xạ

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với cá nhân, tổ chức thực hiện một trong các hành vi sau đây:

a) Từ chối cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung thanh tra, kiểm tra về an toàn bức xạ;

b) Cung cấp thông tin không đầy đủ cho người có thẩm quyền thanh tra, kiểm tra về an toàn bức xạ.

2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với cá nhân, tổ chức thực hiện một trong các hành vi sau đây:

a) Xúc phạm, đe dọa người đang thi hành công vụ trong lĩnh vực an toàn và kiểm soát bức xạ;

b) Lẩn tránh, cản trở, trì hoãn việc thực hiện các nội dung, yêu cầu, kiến nghị của người có thẩm quyền thanh tra, kiểm tra hoặc quyết định thanh tra, kiểm tra về an toàn và kiểm soát bức xạ.

Chương 3:

THẨM QUYỀN, THỦ TỤC XỬ PHẠT

Điều 23. Thẩm quyền xử phạt của Ủy ban nhân dân các cấp

1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 20.000.000 đồng;

c) Tịch thu tang vật, phương tiện sử dụng để vi phạm hành chính;

d) Áp dụng một hoặc các biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định tại điểm a, b, c, d, e, g, h khoản 3 Điều 4 của Nghị định này.

2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền áp dụng các hình thức xử phạt vi phạm hành chính quy định tại Điều 30 của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm hành chính quy định tại Chương II của Nghị định này gồm:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 70.000.000 đồng;

c) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính;

d) Tước quyền sử dụng giấy phép do Sở Khoa học và Công nghệ cấp đến 6 tháng;

Trường hợp tước quyền sử dụng giấy phép liên quan đến lĩnh vực an toàn và kiểm soát bức xạ do cơ quan quản lý nhà nước về an toàn và kiểm soát bức xạ cấp trên cấp thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ra quyết định đình chỉ hành vi vi phạm, thu hồi giấy phép và đề nghị cơ quan có thẩm quyền tước quyền sử dụng giấy phép đó.

đ) áp dụng một hoặc các biện pháp khác quy định tại khoản 3 Điều 4 của Nghị định này.

 Điều 24. Thẩm quyền xử phạt của cơ quan thanh tra chuyên ngành về an toàn và kiểm soát bức xạ

1. Thanh tra viên chuyên ngành an toàn và kiểm soát bức xạ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ và Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đang thi hành công vụ có quyền áp dụng các hình thức xử phạt đối với các hành vi vi phạm hành chính quy định tại Chương II của Nghị định này gồm:

a) Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 200.000 đồng;

b) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính có giá trị đến 2.000.000 đồng;

c) Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại điểm a, b, c, d, e, g, h khoản 3 Điều 4 của Nghị định này.

2. Chánh Thanh tra Sở Khoa học và Công nghệ có thẩm quyền áp dụng hình thức xử phạt đối với các hành vi vi phạm hành chính quy định tại Chương II của Nghị định này bao gồm:

a) Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 20.000.000 đồng;

b) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để gây ra vi phạm hành chính;

c) Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại điểm a, b, c, d, e, g, h  khoản 3 Điều 4 của Nghị định này.

3. Chánh Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ có thẩm quyền áp dụng hình thức xử phạt đối với các hành vi vi phạm hành chính quy định tại Chương II của Nghị định này bao gồm:

a) Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 70.000.000 đồng;

b) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để gây ra hành vi vi phạm hành chính;

c) Tước quyền sử dụng giấy phép của cơ quan quản lý nhà nước về an toàn và kiểm soát bức xạ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ và Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cấp đến 6 tháng;

d) Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 3    Điều 4 của Nghị định này.

Điều 25. Thẩm quyền xử phạt của cơ quan Công an nhân dân, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, cơ quan Hải quan, cơ quan Quản lý thị trường và Thanh tra chuyên ngành khác.

Cơ quan Công an nhân dân, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, cơ quan Hải quan, cơ quan Quản lý thị trường và Thanh tra chuyên ngành khác                                                                                                      có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại các Điều 31, 32, 33, 34, 37 và Điều 38 của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002 đối với những vi phạm hành chính liên quan đến an toàn và kiểm soát bức xạ thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ, ngành mình.

Điều 26. Trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về an toàn và kiểm soát bức xạ trong việc xử lý vi phạm hành chính

Cục Kiểm soát và An toàn bức xạ, hạt nhân là cơ quan trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ có nhiệm vụ giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước về an toàn và kiểm soát bức xạ và có trách nhiệm tham gia, phối hợp với các cơ quan khác có thẩm quyền ở trung ương và địa phương trong việc xử lý vi phạm hành chính và khắc phục hậu quả sự cố bức xạ theo quy định về an toàn và kiểm soát bức xạ khi các cơ quan này yêu cầu.

Điều 27. Nguyên tắc xác định thẩm quyền xử phạt

1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn và kiểm soát bức xạ ở địa phương mình.

2. Chánh thanh tra và Thanh tra viên chuyên ngành của các cơ quan: Bộ Khoa học và Công nghệ, Sở Khoa học và Công nghệ có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn và kiểm soát bức xạ thuộc phạm vi quản lý của Thủ trưởng cùng cấp.

Trường hợp hành vi vi phạm vượt quá thẩm quyền của Chánh thanh tra Sở Khoa học và Công nghệ thì chuyển hồ sơ vi phạm để Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền.

3. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn và kiểm soát bức xạ của những người được quy định ở Điều 25 của Nghị định này được thực hiện theo quy định tại Điều 42 của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính.

Điều 28. Thủ tục xử phạt vi phạm hành chính

1. Khi phát hiện hành vi vi phạm hoặc có dấu hiệu vi phạm hành chính về an toàn và kiểm soát bức xạ, người có thẩm quyền xử phạt phải ra lệnh đình chỉ ngay hành vi vi phạm và yêu cầu cá nhân, tổ chức thực hiện đúng các quy định của pháp luật về an toàn và kiểm soát bức xạ.

2. Trường hợp xác định được rõ ràng hành vi vi phạm thuộc diện áp dụng hình thức phạt cảnh cáo thì người có thẩm quyền xử phạt không lập biên bản mà quyết định xử phạt bằng văn bản ngay tại nơi xảy ra vi phạm.

Trường hợp xét thấy vi phạm có thể phải áp dụng hình thức phạt tiền thì người có thẩm quyền xử phạt phải lập biên bản về vi phạm hành chính tuân theo quy định tại Điều 55 của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính. Người lập biên bản vi phạm hành chính phải tạo điều kiện để cá nhân, tổ chức vi phạm trình bày ý kiến về hành vi vi phạm.

3. Nếu xét thấy việc xử lý vi phạm cần có ý kiến đánh giá, kết luận của  cơ quan chuyên môn về an toàn và kiểm soát bức xạ thì người có thẩm quyền xử phạt chỉ lập biên bản thanh tra, kiểm tra, kiểm soát để làm căn cứ giải quyết. Đồng thời, người có thẩm quyền xử phạt gửi hồ sơ, chứng cứ vi phạm và văn bản đề nghị trưng cầu giám định cho cơ quan quản lý nhà nước về an toàn và kiểm soát bức xạ theo quy định tại Điều 26 của Nghị định này hoặc Sở Khoa học và Công nghệ để cho ý kiến đánh giá, kết luận về vi phạm và các hình thức, biện pháp xử lý phù hợp với hành vi vi phạm.

Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản yêu cầu và hồ sơ, chứng cứ vi phạm, cơ quan quản lý nhà nước về an toàn và kiểm soát bức xạ hoặc Sở Khoa học và Công nghệ phải có ý kiến bằng văn bản gửi cho người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính về an toàn và kiểm soát bức xạ.

4. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính, người có thẩm quyền phải ra quyết định xử phạt đối với hành vi vi phạm, trường hợp vi phạm nghiêm trọng, có nhiều tình tiết phức tạp, thời hạn trên có thể kéo dài nhưng không quá 30 ngày. Việc quyết định xử phạt và nội dung quyết định xử phạt phải tuân theo quy định tại Điều 56 của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002.

Ngày có hiệu lực của quyết định xử phạt là ngày ký, trừ trường hợp trong quyết định quy định ngày có hiệu lực khác.

Quyết định xử phạt phải được gửi cho cá nhân, tổ chức bị xử phạt và cơ quan thu tiền phạt trong thời hạn 3 ngày, kể từ ngày ký; đồng thời phải được gửi cho cơ quan quản lý nhà nước về an toàn và kiểm soát bức xạ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ để phối hợp theo dõi và thực hiện các thủ tục về xác lập, sửa đổi, đình chỉ, huỷ bỏ giấy phép.

Điều 29. Thủ tục tước quyền sử dụng giấy phép

1. Khi tước quyền sử dụng giấy phép, người có thẩm quyền xử phạt thu giữ giấy phép được ghi trong quyết định xử phạt và thông báo ngay cho cơ quan đã cấp giấy phép đó biết.

2. Khi hết thời hạn tước quyền sử dụng giấy phép ghi trong quyết định xử phạt, người có thẩm quyền xử phạt giao lại giấy phép cho cá nhân, tổ chức đã bị tước giấy phép đó.

3. Khi phát hiện giấy phép được cấp không đúng thẩm quyền hoặc có nội dung trái pháp luật thì người có thẩm quyền xử phạt phải tiến hành thu hồi ngay; đồng thời báo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền biết.

Điều 30. Thủ tục tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính

1. Thẩm quyền và thủ tục áp dụng biện pháp tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính tuân theo quy định tại Điều 46 của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002.

2. Biện pháp tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính được áp dụng trong trường hợp cần phải ngăn chặn ngay hành vi vi phạm hoặc bảo đảm chứng cứ cần thiết để xác minh tình tiết làm căn cứ cho việc quyết định xử lý vi phạm.

 Đối với cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm tại khoản 3; điểm a, điểm b khoản 4; điểm a, điểm b khoản 5 Điều 8 của Nghị định này thì người có thẩm quyền phải thực hiện biện pháp tạm giữ để đưa về kho chứa nguồn phóng xạ đối với tang vật là nguồn phóng xạ; thực hiện việc niêm phong cho đến khi có giấy phép của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền đối với tang vật là  thiết bị bức xạ.

Chi phí vận chuyển, bảo quản do cá nhân, tổ chức quản lý, sử dụng nguồn phóng xạ, thiết bị bức xạ chịu trách nhiệm.

3. Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày tạm giữ, người ra quyết định tạm giữ phải xử lý tang vật, phương tiện bị tạm giữ theo những biện pháp ghi trong quyết định xử lý hoặc trả lại cho cá nhân, tổ chức nếu không áp dụng hình thức phạt tịch thu đối với tang vật, phương tiện bị tạm giữ. Thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có thể kéo dài đối với những vụ việc phức tạp, cần tiến hành xác minh nhưng tối đa không quá sáu mươi ngày, kể từ ngày tạm giữ tang vật, phương tiện. Việc kéo dài thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện phải do những người quy định tại khoản 1 Điều 46 của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính 2002 quyết định.

4. Việc tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính phải có quyết định bằng văn bản kèm theo biên bản tạm giữ và phải giao cho người vi phạm, đại diện tổ chức vi phạm một bản.

5. Đối với việc tạm giữ tang vật vi phạm là nguồn phóng xạ, thiết bị bức xạ thì ngoài việc tuân thủ theo quy định tại khoản 1, 2, 3, 4 Điều này còn phải thực hiện các quy định về đảm bảo an toàn bức xạ.

Điều 31. Thủ tục tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính

Thủ tục tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn và kiểm soát bức xạ tuân theo quy định tại Điều 60 của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002.

Điều 32. Thủ tục xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính

Thủ tục xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu trong lĩnh vực an toàn và kiểm soát bức xạ tuân theo quy định tại Điều 61của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002 và quy định sau đây:

Áp dụng biện pháp tiêu huỷ trong trường hợp tang vật, phương tiện vi phạm là những đối tượng sau:

1. Hàng hoá vi phạm có thể gây hại cho tính mạng, sức khoẻ con người và môi trường;

2. Hàng hóa, vật phẩm vi phạm không có giá trị sử dụng.

 Điều 33. Thi hành quyết định xử phạt

1. Trường hợp vượt quá 10 ngày, kể từ ngày cá nhân, tổ chức bị xử phạt nhận được quyết định xử phạt mà không tự giác chấp hành thì người có thẩm quyền xử phạt ra quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt.

2. Việc thi hành quyết định xử phạt, cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt, thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm được thực hiện theo quy định tại các Điều 64, 65, 66, 67, 68 và Điều 69 của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002 và Nghị định số 37/2005/NĐ-CP ngày 18 tháng 3    năm 2005 của Chính phủ quy định thủ tục áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

Chương 4:

GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, TỐ CÁO, XỬ LÝ VI PHẠM VÀ KHEN THƯỞNG

Điều 34. Khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo

1. Cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn và kiểm soát bức xạ hoặc người đại diện hợp pháp của họ có quyền khiếu nại đối với quyết định xử phạt của người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính.

2. Công dân có quyền tố cáo với các cá nhân, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền những vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn và kiểm soát bức xạ của cá nhân, tổ chức khác hoặc tố cáo hành vi trái pháp luật của người có thẩm quyền xử phạt vi phạt hành chính trong lĩnh vực an toàn và kiểm soát bức xạ.

3. Thẩm quyền, thời hạn và thủ tục giải quyết khiếu nại, tố cáo theo đúng trình tự, thủ tục quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.

Điều 35. Xử lý vi phạm đối với người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn và kiểm soát bức xạ

Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn và kiểm soát bức xạ mà vi phạm các quy định về xử phạt vi phạm hành chính thì bị xử lý theo quy định tại Điều 121 của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002.

Điều 36. Khen thưởng, kỷ luật

Cá nhân, tổ chức có thành tích trong việc cung cấp thông tin, phát hiện, ngăn chặn, xử lý vi phạm hành chính về an toàn và kiểm soát bức xạ được khen thưởng theo quy định của nhà nước.

Cá nhân, tổ chức thuộc đối tượng điều chỉnh của Pháp lệnh Cán bộ, công chức có hành vi vi phạm quy định tại Chương II của Nghị định này thì ngoài việc phải chịu xử phạt vi phạm hành chính còn phải bị xử lý kỷ luật theo quy định của Pháp lệnh Cán bộ, công chức.

Chương 5:

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 37. Hiệu lực thi hành

1. Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

2. Nghị định này thay thế Nghị định số 19/2001/NĐ-CP ngày 11 tháng 5 năm 2001 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn và kiểm soát bức xạ.

Điều 38. Trách nhiệm thi hành Nghị định

1. Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm tổ chức thực hiện và kiểm tra việc thi hành Nghị định này.

2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.

 


Nơi nhận:                                                                      
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ,
  cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh,
  thành phố trực thuộc Trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;                                       
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;                                                                          
- Toà án nhân dân tối cao;                                                                            
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;                                  
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- Học viện Hành chính Quốc gia;
- VPCP: BTCN, TBNC, các PCN, BNC,
  Website Chính phủ, Ban Điều hành 112,
  Người phát ngôn của Thủ tướng Chính phủ,
  các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: Văn thư, KG (5b).XH

TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG




Phan Văn Khải

 

 

THE GOVERNMENT
 -------

SOCIALIST REPUBLIC OF VIET NAM
Independence - Freedom - Happiness
----------

No. 51/2006/ND-CP

Hanoi, May 19, 2006

 

DECREE

PROVIDING FOR THE SANCTIONING OF ADMINISTRATIVE VIOLATIONS IN THE DOMAIN OF RADIATION SAFETY AND CONTROL

THE GOVERNMENT

Pursuant to the December 25, 2001 Law on Organization of the Government;
Pursuant to the July 2, 2002 Ordinance on Handling of Administrative Violations;
Pursuant to the June 25, 1996 Ordinance on Radiation Safety and Control;
At the proposal of the Minister of Science and Technology,

DECREES:

Chapter I

GENERAL PROVISIONS

Article 1.- Scope of regulation and subjects of application

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. This Decree applies to all individuals and organizations that intentionally or unintentionally commit acts of violating the provisions of law on state management in the domain of radiation safety and control, which are, however, not crimes and must be administratively sanctioned according to the provisions of this Decree.

Foreign individuals or organizations that commit administrative violations in the domain of state management of radiation safety and control within the territory of the Socialist Republic of Vietnam shall also be sanctioned under this Decree; where it is otherwise provided for by treaties to which Vietnam is a contracting party, the provisions of such treaties shall apply.

3. Administrative violations in the domain of state management of radiation safety and control shall cover:

a/ Acts of violating the Radiation Safety and Control Ordinance's provisions on declaration, registration and permits;

b/ Acts of violating the regulations on conditions to ensure radiation safety;

c/ Acts of violating specific provisions of the Ordinance on Radiation Safety and Control and the Government's Decree No. 50/1998/ND-CP of July 16, 1998, detailing the implementation of the Ordinance on Radiation Safety and Control (hereinafter called Decree No. 50/1998/ND-CP for short).

Article 2.- Interpretation of terms

In this Decree the terms below are construed as follows:

1. "Irradiation facilities" mean any ionizing radiation equipment, including equipment which radiates only when in operation (such as X-ray machines, accelerators...) and equipment attached with inner radioactive sources (such as remote radiotherapy equipment, piezo radiotherapy equipment, dosimeters used in industries and research, X-ray machines used in analysis at jeweler's, radiation establishments, nuclear reactors, etc.).

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



3. "Sealed radioactive sources" mean radioactive materials encased in specially-structured capsules which help prevent its leakage into the environment under normal working conditions or in case of radiation incidents.

4. "Open radioactive sources" mean radioactive materials not encased in capsules but having the special structure like the sealed ones, which can be split in the use duration or easily leaked under normal use conditions.

5. "Radiation safety services" mean activities in service of radiation safety-related jobs of radiation establishments such as metering personal radiation dose; designing, building, renovating, expanding or upgrading such radiation establishments as X-ray chambers, nuclear medicine departments, remote radiotherapy establishments, radioactive source deposits, radioactive material and waste deposits; assessing radiation safety and impacts on the environment; inspecting quality of irradiation facilities; standardizing radiation meters and equipment.

6. "Transportation index" means the index used to control irradiation, to set the quantity of radioactive materials for radioactive goods packages so as to ensure safety in the transportation process.

Article 3.- Sanctioning principles

1. Individuals or organizations shall be sanctioned in the domain of radiation safety and control only when they commit acts of violation specified in Chapter II of this Decree.

2. All administrative violations, when detected, must be stopped immediately. The sanctioning of administrative violations must be conducted in a swift, just and thorough manner; all consequences caused by administrative violations must be remedied in accordance with the provisions of law.

3. The sanctioning of administrative violations in the domain of radiation safety and control must be carried out by competent persons in strict compliance with the provisions of law on sanctioning of administrative violations.

4. An act of administrative violation shall be sanctioned only once; a person committing many acts of administrative violation shall be sanctioned for every act of violation; where many persons jointly commit an act of administrative violation, every violator shall be sanctioned.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



6. Sanctions shall not be imposed for administrative violations committed in cases of emergency, legitimate self-defense, unforeseeable incidents or when violators suffer from mental diseases or other diseases, which deprive them of the capacity to cognize or control their acts.

7. Where an individual or organization commits many acts of administrative violation at a time, including violations in the domain of radiation safety and control, the sanctioning competence shall be determined on the principles defined in Clause 3, Article 42 of the Ordinance on Handling of Administrative Violations.

8. When deeming that acts of administrative violation in the domain of radiation safety and control show signs of crimes, the competent persons defined in Articles 23, 24 and 25 of this Decree shall transfer dossiers to competent criminal proceedings-conducting agencies for handling.

It is prohibited to apply administrative sanctions against violations showing signs of crimes in the domain of radiation safety and control.

9. The extenuating and aggravating circumstances shall comply with the provisions of Articles 8 and 9 of the 2002 Ordinance on Handling of Administrative Violations.

Article 4.- Sanctioning forms and remedies

1. For every act of administrative violation in the domain of radiation safety and control, the violating individuals or organizations shall be subject to one of the following principal sanctioning forms:

a/ Caution: This form shall apply to minor and first-time violations involving extenuating circumstances or to any act of administrative violation committed by minors aged between full 14 years and under 16 years;

b/ Fines: Based on the nature and severity of violations, the competent persons shall decide on fine levels within the prescribed fine bracket.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



For violations involving extenuating circumstances, the fine levels may be reduced but must not be lower than minimum level of the prescribed fine bracket.

For violations involving aggravating circumstances, the fine levels may be increased but must not be higher than maximum level of the prescribed fine bracket.

2. Depending on the nature and severity of their violations, individuals or organizations committing administrative violations in the domain of radiation safety and control may also be subject to one of the following additional sanctioning forms:

a/ Deprivation of the right to use permits in the domain of radiation safety and control for up to 6 months;

b/ Confiscation of material evidences and/or means used for commission of administrative violations.

3. Apart from the above principal and additional sanctioning forms, individuals or organizations committing administrative violations may also be compelled to apply one or some of the following remedies:

a/ Compelled decontamination of the contaminated areas up to the environmental standards;

b/ Compelled restoration of the initial state, which has been altered by administrative violations;

c/ Compelled destruction or burial of objects and/ or goods containing radioactive materials strictly according to regulations on radiation safety;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



e/ Compelled re-export of imported material evidences of violations under the provisions of law;

f/ Compelled recovery of material evidences which have been dispersed; search for radiation sources so as to restore the initial state;

g/ Compelled arrangement of appropriate jobs for persons under 18 years of age or persons affected with diseases prescribed by the Health Ministry; for pregnant or breastfeeding women according to the provisions of Clause 1, Article 6 and Clause 3, Article 10 of the Government's Decree No. 50/1998/ND-CP of July 16, 1998, detailing the implementation of the Ordinance on Radiation Safety and Control and the Labor Code.

h/ Other remedies as provided for in Chapter II of this Decree.

Article 5.- Statute of limitations for sanctioning administrative violations and time limit for being considered as having not yet been sanctioned for administrative violations

1. The statute of limitations for sanctioning an administrative violation in the domain of radiation safety and control shall be two years as from the date such violation is committed. Past this time limit, the individual or organization that has committed the administrative violation shall not be sanctioned but still be subject to the remedies provided for in Clause 3, Article 4 of this Decree.

2. Where individuals have committed acts of violating the law on radiation safety and control and been subject to lawsuit initiation, prosecution or decisions to bring the cases to trial according to criminal procedures but later the decisions to terminate the investigation or the cases are issued, such individuals shall be administratively sanctioned, provided that their acts show signs of administrative violations; in this case, the statute of limitations for sanctioning of administrative violations shall be three months counting from the date the persons competent to impose sanctions receive the termination decisions and dossiers of the violations.

3. Within the time limits specified in Clauses 1 and 2 of this Article, if concerned individuals or organizations commit new acts of administrative violation in the domain of radiation safety and control or deliberately shirk or obstruct the sanctioning, the statute of limitations defined in Clauses 1 and 2 of this Article shall not apply. The statute of limitations for sanctioning of administrative violations shall be recalculated counting from the time they commit new administrative violations or the time they stop their acts of shirking or obstructing the sanctioning.

4. If, within one year after executing sanctioning decisions or after the expiration of the statute of limitations for execution of sanctioning decisions, individuals or organizations sanctioned for administrative violations have not relapsed into the violations, they shall be considered as having not yet been sanctioned for administrative violations in radiation safety and control.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



ACTS OF ADMINISTRATIVE VIOLATION, SANCTIONING FORMS AND LEVELS

Article 6.- Acts of violating the regulations on declaration

1. A fine of between VND 1,500,000 and VND 3,000,000 shall be imposed on individuals or organizations that commit one of the acts of violating the regulations on declaring radiation establishments, radioactive sources, irradiation facilities, radioactive materials or performance of radiation jobs, specifically:

a/ Committing frauds in making declaration or making incomplete declaration;

b/ Modifying, erasing dossiers in order to be qualified for exemption of declaration;

c/ Failing to declare radiation establishments;

d/ Failing to declare radioactive sources;

e/ Failing to declare irradiation facilities;

f/ Failing to declare radioactive wastes;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. Remedy: Compelling individuals or organizations violating the provisions of Clause 1 of this Article to make declaration in accordance with the provisions of Article 22 of the Ordinance on Radiation Safety and Control.

Article 7.- Acts of violating the regulations on registration

1. A fine of between VND 1,500,000 and VND 3,000,000 shall be imposed on individuals or organizations that commit fraudulent acts in registering radioactive sources, irradiation facilities and radioactive waste deposits.

2. A fine of between VND 5,000,000 and VND 10,000,000 shall be imposed on individuals or organizations that have radioactive sources, irradiation facilities or radioactive wastes but fail to register them according to the regulations on radioactive sources and radioactive waste deposits.

3. Remedy: Compelling violating individuals or organizations defined in Clauses 1 and 2 of this Article to make registration according to the provisions of Article 23 of the Ordinance on Radiation Safety and Control.

Article 8.- Acts of violating the regulations on permits

1. A fine of between VND 1,500,000 and VND 3,000,000 shall be imposed on individuals or organizations that commit fraudulent acts in the process of applying for radiation safety permits under the provisions of the Ordinance on Radiation Safety and Control.

2. A fine of between VND 5,000,000 and VND 10,000,000 shall be imposed on individuals or organizations that commit one of the following acts without permits:

a/ Doing special radiation jobs;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



3. A fine of between VND 5,000,000 and VND 15,000,000 shall be imposed on individuals or organizations that commit one of the following acts without permits:

a/ Using radioactive sources or irradiation facilities in medical examination or treatment;

b/ Using radioactive sources for analyzing the structure or chemical composition of materials, inspecting the quality of works, conducting security, metrological or goods quality check;

c/ Using radioactive sources or irradiation facilities for scientific tests or research.

4. A fine of between VND 15,000,000 and VND 25,000,000 shall be imposed on individuals or organizations that commit one of the following acts without permits:

a/ Importing, exporting, temporarily importing for re-export or temporarily exporting for re-import radioactive sources or irradiation facilities;

b/ Repairing, assembling, replacing radioactive sources or irradiation facilities;

c/ Turning out products or consumer goods containing radioactive materials;

d/ Transporting in transit radioactive sources, irradiation facilities or radioactive wastes.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



a/ Producing sealed or open radioactive sources or irradiation facilities;

b/ Conducting irradiation activities (i.e., using accelerators, X-ray equipment, equipment using radioactive sources of high activity which may create a powerful radiation field for sterilization or handling and preservation of commercial products) or radiographic activities;

c/ Exploiting or processing radioactive ores;

d/ Treating, burying radioactive wastes.

6. Remedies:

a/ Compelling individuals or organizations that commit violations defined in Clauses 2, 3, 4 and 5 of this Article to apply measures to ensure radiation safety;

b/ Compelling individuals or organizations that commit violations defined at Point c, Clause 4 of this Article to destroy or bury products or consumer goods containing radioactive sources in excess of the law-prescribed limits.

c/ Compelling individuals or organizations that commit violations defined in Clauses 1,2,3,4 and 5 of this Article to apply for permits according to the provisions of Article 24 of the Ordinance on Radiation Safety and Control within 30 days after receiving the handling decisions of competent persons.

Article 9.- Acts of violating the regulations on upgrading and renovating radiation establishments

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



a/ Arbitrarily upgrading or expanding the scope of operation of radiation establishments;

b/ Resuming the operation of radiation establishments after upgrading or improving them.

2. Remedy: Compelling individuals or organizations that commit acts of violation defined in Clause 1 of this Article to apply for permits according to the provisions of Article 24 of the Ordinance on Radiation Safety and Control within 30 days after receiving the handling decisions of competent persons.

Article 10.- Acts of using expired permits

1. A fine of between VND 1,000,000 and VND 2,000,000 shall be imposed on individuals or organizations that use operation permits for radiation establishments, permits for conducting radiation jobs or permits for staff members doing special radiation jobs, which have expired, but for not more than 30 days as from the expiry date.

2. A fine of between VND 3,000,000 and VND 7,000,000 shall be imposed on individuals or organizations that use operation permits for radiation establishments, permits for conducting radiation jobs or permits for staff members doing special radiation jobs, which have expired, for cases other than those specified in Clause 1 of this Article.

3. Remedy: Compelling individuals or organizations that commit acts of violation defined in Clauses 1 and 2 of this Article to apply for permit extension according to the provisions of Article 26 of the Ordinance on Radiation Safety and Control within 30 days after receiving the handling decisions of competent persons.

Article 11.- Acts of violating the conditions set in permits

1. A fine of between VND 2,000,000 and VND 5,000,000 shall be imposed on individuals or organizations that violate one of the conditions prescribed in the permits.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



3. Additional sanctioning forms: Depriving of the right to use permits for up to 3 months, for acts of violation defined in Clause 1 of this Article, and for up to 6 months, for violation acts defined in Clause 2 of this Article.

4. Remedy: Compelling individuals or organizations committing acts of violation defined in Clauses 1 and 2 of this Article to comply with the conditions prescribed in the permits.

Article 12.- Acts of violating the regulations on import and export of irradiation facilities, radioactive sources and radioactive wastes

1. A fine of between VND 5,000,000 and VND 10,000,000 shall be imposed on individuals or organizations that commit acts of importing or exporting irradiation facilities or radioactive wastes with technical parameters different from those stated in their permits.

2. A fine of between VND 10,000,000 and VND 20,000,000 shall be imposed on individuals or organizations that commit acts of importing irradiation facilities, radioactive sources or radioactive wastes on the list of goods banned from import.

3. Additional sanctioning form: Depriving of the right to use radiation safety permits for up to 6 months, for individuals or organizations committing violations mentioned in Clauses 1 and 2 of this Article.

4. Remedy: Compelling individuals or organizations committing violations mentioned in Clauses 1 and 2 of this Article to take immediate measures to ensure radiation safety and re-export material evidences of violations in strict compliance with the provisions of law.

Article 13.- Acts of violating the regulations on storing, preservation and transfer of radioactive sources, irradiation facilities and radioactive wastes

1. A fine of between VND 20,000,000 and VND 45,000,000 shall be imposed on individuals or

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



a/ Purchasing, selling, presenting, donating, borrowing, lending, renting or leasing radioactive sources or irradiation facilities without permits;

b/ Storing radioactive sources and temporarily preserving radioactive wastes without permits.

2. A fine of between VND 25,000,000 and VND 50,000,000 shall be imposed on individuals or organizations that lose, misplace or drop radioactive sources or irradiation facilities due to lack of responsibilities in their management and use.

3. A fine of between VND 50,000,000 and VND 70,000,000 shall be imposed on individuals or organizations that commit acts of violation defined in Clause 2 of this Article but deliberately decline to report thereon to state management agencies in charge of radiation safety and control.

4. Additional sanctioning form: Confiscating material evidences and means used by individuals or organizations for committing acts of violation defined at Points a and b, Clause 1 of this Article and bringing them to the nearest radioactive source deposits which have already been licensed by the Ministry of Science and Technology.

5. Remedies:

a/ Compelling individuals or organizations that commit acts of violation defined at Points a and b, Clause 1 of this Article to apply radiation safety measures according to the provisions of law and supply full information to state management agencies in charge of radiation safety and control.

b/ Compelling individuals or organizations that commit acts of violation defined in Clauses 2 and 3 of this Article to apply the following measures: immediately notifying state management agencies in charge of radiation safety and control and the nearest police offices thereof; searching for radioactive sources to restore the initial state; all expenses therefor shall be borne by individuals or organizations managing and/or using radioactive sources or irradiation facilities.

Article 14.- Acts of violating the regulations on transportation of radioactive sources or radioactive wastes

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



a/ Transporting radioactive sources or radioactive wastes at variance with the quantities, types or routes specified in the permits issued by competent authorities;

b/ Using means of transport in contravention of the regulations on radiation safety;

c/ Violating the regulations on packages, packing and symbols related to radiation safety in the transportation of radioactive sources or radioactive wastes;

d/ Transporting radioactive sources or radioactive wastes without staff members in charge of radiation safety (except for the transportation of irradiation facilities which irradiate only in operation);

e/ Transporting goods packages or goods lots in excess of the set transportation index;

f/ Transporting such goods under the conditions that the radiation dose in cabin or at passenger seats exceeds the prescribed radiation safety limit.

2. A fine of between VND 20,000,000 and VND 45,000,000 shall be imposed on individuals or organizations that commit acts of dropping radioactive sources or radioactive wastes in the course of transportation.

3. A fine of between VND 50,000,000 and VND 70,000,000 shall be imposed on individuals or organizations that commit acts of violation defined in

Clause 2 of this Article, affecting human health and the environment.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



5. Remedies:

a/ Compelling individuals or organizations violating one of the provisions of Clause 1 of this Article to conduct the transportation strictly according to the provisions of transport permits and apply the prescribed radiation safety measures;

b/ Compelling individuals or organizations committing violations defined in Clause 2 or 3 of this Article to apply the following measures: Immediately notifying state management agencies in charge of radiation safety and control and the nearest police offices thereof; recovering the dropped radioactive sources or radioactive wastes and decontaminating the contaminated areas up to environmental standards; all expenses therefor shall be borne by individuals or organizations that transport radioactive sources or radioactive wastes.

Article 15.- Acts of violating the regulations on service jobs related to radiation safety

1. A fine of between VND 3,000,000 and VND 10,000,000 shall be imposed on organizations or individuals that commit one of the following acts:

a/ Providing services related to radiation safety in violation of the regulations on radiation safety;

b/ Providing services related to radiation safety beyond the powers delegated by state management agencies in charge of radiation safety and control;

c/ Failing to periodically report on the results of metering personal radiation doses to state management agencies in charge of radiation safety and control according to the provisions of law.

2. A fine of between VND 10,000,000 and VND 20,000,000 shall be imposed on individuals or organizations that use radioactive sources or irradiation facilities not up to the set quality standards for medical diagnosis, examination or treatment.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



4. Remedies:

a/ Compelling individuals or organizations that commit acts of violation defined at Point a, Clause 1 of this Article to observe the regulations on radiation safety; or acts of violation defined at Point b, Clause 1 of this Article to strictly comply with their delegated powers;

b/ Compelling individuals or organizations that commit acts of violation defined at Point c, Clause 1 of this Article to report on the results of metering personal radiation doses according to the provisions of Clause 2, Article 13 of the Government's Decree No. 50/1998/ND-CPof July 16, 1998;

c/ Compelling individuals or organizations that commit acts of violation defined in Clause 2 of this Article to conduct repair or modification so as to attain the set quality standards.

Article 16.- Acts of violating the regulations on handling and management of radioactive wastes

1. A fine of between VND 3,000,000 and VND 8,000,000 shall be imposed on individuals or organizations that commit one of the following acts:

a/ Failing to compile dossiers on preservation of particularities of radioactive wastes of each discharge;

b/ Failing to treat or treating radioactive wastes not according to the set radiation safety standards.

2. A fine of between VND 5,000,000 and VND 10,000,000 shall be imposed on individuals or organizations that use radioactive waste tanks or deposits not according to the set radiation safety standards.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



4. A fine of between VND 20,000,000 and VND 45,000,000 shall be imposed on individuals or organizations that discharge radioactive wastes in excess of the prescribed limits, adversely affecting human health and the environment.

5. Remedies:

a/ Compelling the renovation of radioactive waste tanks or deposits up to the set standards, for acts of violation defined in Clause 2 of this Article;

b/ Compelling the decontamination of contaminated areas, for acts of violation defined in Clauses 3 and 4 of this Article, so as to attain environmental standards;

c/ Compelling individuals or organizations committing violations defined in Clause 3 of this Article to collect radioactive wastes according to regulations;

d/ Compelling individuals or organizations committing violations defined in Clause 4 of this Article not to discharge radioactive wastes into the environment in excess of the prescribed limits.

Article 17.- Acts of violating the regulations on the location of radiation establishments

1. A fine of between VND 5,000,000 and VND 15,000,000 shall be imposed on individuals or organizations that locate radiation establishments at sites other than those approved by state management agencies in charge of radiation safety and control.

2. Remedy: Compelling the relocation of radiation establishments to the sites already approved by state management agencies in charge of radiation safety and control.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. A fine of between VND 3,000,000 and VND 8,000,000 shall be imposed on individuals or organizations that commit one of the following acts:

a/ Leaking radiation rays in excess of the permitted radiation doses;

b/ Using rooms for performing radiation jobs, with walls, ceilings, floors, doors or windows being not thick enough according to radiation safety regulations or with the height from the window's or air vent's bottom rail to the ground outside being less than 2 meters.

2. A fine of between VND 3,000,000 to VND 10,000,000 shall be imposed on individuals or organizations that use rooms with sizes not up to the prescribed standards for performance of radiation jobs.

3. Additional sanctioning form: Depriving of the right to use permits for up to 3 months, for individuals or organizations violating the provisions of Clause 1 of this Article.

4. Remedies:

a/ Compelling individuals or organizations violating Clause 1 of this Article to renovate the rooms so that they have appropriate structure under the regulations on radiation shielding;

b/ Compelling individuals or organizations violating Clause 2 of this Article to renovate the rooms so that they have appropriate sizes according to set standards for performance of radiation jobs.

Article 19.- Acts of violating the regulations on environmental protection

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. A fine of between VND 15,000,000 and VND 30,000,000 shall be imposed on individuals or organizations that fail to promptly take measures when detecting the contamination of the environment.

3. A fine of between VND 35,000,000 and VND 70,000,000 shall be imposed on individuals or organizations that bury or treat radioactive wastes, thereby contaminating or affecting the environment and people's health.

4. Additional sanctioning form: Depriving of the right to use permits in the domain of radiation safety and control for up to 6 months, for individuals or organizations that commit acts of violation defined in Clauses 1, 2 and 3 of this Article.

5. Remedies:

a/ Compelling the decontamination of contaminated areas up to the environmental standards, for acts of violations defined in Clauses 1 and 2 of this Article;

b/ Compelling individuals or organizations that commit acts of violation defined in Clause 3 of this Article to observe the provisions of Point a, Clause 5 of this Article and bury or treat radioactive wastes up to environmental standards;

c/ Remedying expenses shall be borne by individuals or organizations that commit acts of violation defined in Clauses 1, 2 and 3 of this Article.

Article 20.- Acts of violating the specific provisions of the Ordinance on Radiation Safety and Control and Decree No. 50/1998/ND-CP

1. A caution or fine of between VND 200,000 and VND 1,000,000 shall be imposed on individuals or organizations that commit one of the following violations:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



b/ Failing to work out radiation safety regulations for radiation establishments;

c/ Having no processes for operation of irradiation facilities.

2. A fine of between VND 2,000,000 and VND 3,000,000 shall be imposed on individuals or organizations that fail to keep one of the following dossiers:

a/ The dossier on radiological survey;

b/ The dossier on periodical maintenance of radiation safety machinery and systems;

c/ The medical dossiers of radiation staff members;

d/ The dossiers on personal radiation doses of radiation staff members;

e/ The dossiers on the upgrading and expansion of the scope of operation of radiation establishments, quality inspection, periodical expertise and annual standardization of irradiation facilities and radioactive sources under regulations;

f/ The equipment operation logbooks;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



h/ The dossiers on irradiation facilities and radioactive sources.

3. A fine of between VND 3,000,000 and VND 5,000,000 shall be imposed on individuals or organizations that commit one of the following violations:

a/ Failing to appoint persons to take charge of radiation safety;

b/ Appointing persons without radiation safety training certificates as prescribed in Articles 5, 8 and 26 of the Government's Decree No. 50/1998/ND-CP of July 16, 1998 to take charge of radiation safety;

c/ Failing to organize training and retraining on radiation safety knowledge for radiation staff members according to the provisions of the Government's Decree No. 50/1998/ND-CP of July 16,1998;

d/ Failing to set up radiation incident prevention and fighting teams suitable with the scope of the establishments' operation.

4. A fine of between VND 2,000,000 and VND 5,000,000 shall be imposed on individuals or organizations that commit one of the following violations:

a/ Recruiting people aged under 18 years to work as radiation staff members;

b/ Recruiting people affected with forbidden diseases to work as radiation staff members;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



d/ Letting pregnant or breastfeeding women to perform radiation-related work;

e/ Failing to equip radiation staff members with personal radiation dosimeters;

f/ Failing to organize periodical evaluation of personal radiation doses under regulations;

g/ Failing to equip radiation staff members with appropriate labor protection devices;

h/ Failing to equip appropriate radiation absorbers for jobs related to radioactive materials, which emit gas, steam or aerosol;

i/ Having no appropriate shields for every type of job applying nuclear techniques;

j/ Failing to conduct periodical quality inspection of irradiation facilities for medical use;

k/ Failing to conduct annual standardization of radiation dosimeters or radiotherapeutic sources;

l/ Modifying, falsifying parameters of irradiation facilities without standardization and permission for their use resumption.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



a/ Failing to inventory radioactive sources annually;

b/ Failing to report on the annual radiation safety situation to state management agencies in charge of radiation safety and control;

c/ Failing to conduct periodical radiological survey of the environment surrounding radiation establishments;

d/ Failing to conduct periodical radiological survey of working places of radiation staff members;

e/ Failing to equip establishments that have reactors, accelerators or irradiators, remote radiotherapy establishments or establishments exploiting and processing radioactive ores with radiation warning devices;

f/ Having no radiation incident-prevention and -fighting plans;

g/ Failing to promptly detect or handling radiation incidents at variance with the plans;

h/ Failing to promptly report to state management agencies in charge of radiation safety and relevant agencies;

i/ Failing to apply all measures under their responsibilities in case of radiation incidents;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



k/ Obstructing the implementation of or failing to strictly follow instructions when functional agencies redress the radiation incidents.

6. A fine of between VND 10,000,000 and VND 15,000,000 shall be imposed on individuals or organizations that commit one of the following acts:

a/ Removing radiation safety protection systems without permission;

b/ Failing to organize periodical maintenance of radiation safety protection systems, which leads to the violation of radiation safety regulations.

7. Remedies

a/ Compelling individuals or organizations that commit violations defined in Clause 1 of this Article to put up signboards or elaborate entry and exit regulations of radiation establishments; and to formulate process of operation of irradiation facilities;

b/ Compelling individuals or organizations that commit violations defined in Clause 2 of this Article to make and keep dossiers on radiation safety and control;

c/ Compelling individuals or organizations that commit violations defined at Points a, b and c, Clause 3 of this Article to observe the regulations on appointment of persons to take charge of radiation safety and provide radiation safety training for them as well as for radiation staff members; individuals or organizations that commit violations defined at Point d, Clause 3 of this Article to set up radiation incident prevention and fighting teams suitable with the scope of operation of the establishments;

d/ Compelling individuals or organizations that commit violations defined at Points a, b and d, Clause 4 of this Article to implement the provisions of Point g, Clause 3, Article 4 of this Decree; those that commit violations defined at Points c, e, f, g, Clause 4 of this Article to go through health checks, and equip radiation staff members with personal dosimeters or labor protection devices; and those that commit violations defined at Points h, i, j, k and I, Clause 4 of this Article to standardize and expertise irradiation facilities and safety equipment in accordance with the provisions of law;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 21.- Acts of violating the regulations on dissolution of radiation establishments

1. A fine of between VND 5,000,000 and VND 10,000,000 shall be imposed on individuals or organizations that dissolve radiation establishments in contravention of the procedures and order provided for in Article 15 of the Government's Decree No. 50/ 1998/ND-CPof July 16, 1998.

2. Remedy: Compelling individuals or organizations that have dissolved radiation establishments to strictly comply with the procedures and order on dissolution of radiation establishments according to the provisions of law.

Article 22.- Acts of obstructing the state management in the domain of radiation safety and control

1. A caution or a fine of between VND 100,000 and VND 200,000 shall be imposed on individuals or organizations that commit one of the following acts:

a/ Refusing to supply information or documents on contents related to radiation safety inspection or examination;

b/ Supplying incomplete information to persons competent to inspect or examine radiation safety.

2. A fine of between VND 1,000,000 and VND 2,000,000 shall be imposed on individuals or organizations that commit one of the following acts:

a/ Insulting or threatening officers who are performing official duty in the domain of radiation safety and control;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Chapter III

SANCTIONING COMPETENCE AND PROCEDURES

Article 23.- Sanctioning competence of the People's Committees at all levels

1. Presidents of district-level People's Committees shall have the power:

a/ To impose caution;

b/ To impose fines of up to VND 20,000,000;

c/ To confiscate material evidences and means used for commission of administrative violations;

d/ To apply one or several remedies according to the provisions of Points a, b, c, d, f, g and h, Clause 3, Article 4 of this Decree.

2. Presidents of provincial-level People's Committees shall have the power to apply forms of sanctioning administrative violations provided for in Article 30 of the Ordinance on Handling of Administrative Violations with regard to administrative violations defined in Chapter II of this Decree, including:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



b/ Fine of up to VND 70,000,000;

c/ Confiscation of material evidences and means used for commission of administrative violations;

d/ Deprivation of the right to use permits granted by provincial/municipal Science and Technology Services for up to 6 months;

In case of depriving of the right to use permits in the domain of radiation safety and control, issued by superior state management agencies in charge radiation safety and control, presidents of provincial-level People's Committees shall issue decisions to stop acts of violation, withdraw permits and request competent agencies to deprive of the right to use such permits.

e/ Application of one or several measures provided for in Clause 3, Article 4 of this Decree.

Article 24.- Sanctioning competence of radiation safety and control-specialized inspectorates

1. Radiation safety and control-specialized inspectors of the Ministry of Science and Technology and provincial/municipal Science and Technology Services, who are on duty, shall have the power to apply sanctioning forms defined in Chapter II of this Decree to administrative violations, including:

a/ Caution or fine of up to VND 200,000;

b/ Confiscation of material evidences and means used for commission of administrative violations, which are valued at up to VND 2,000,000;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. The chief inspectors of provincial/municipal Science and Technology Services shall have the power to apply the sanctioning forms defined in Chapter II of this Decree to administrative violations, including:

a/ Caution or fine of up to VND 20,000,000;

b/ Confiscation of material evidences and means used for commission of administrative violations;

c/ Application of the remedies provided for at Points a, b, c, d, f, g and h, Clause 3, Article 4 of this Decree.

3. The chief inspector of the Ministry of Science and Technology shall have the power to apply sanctioning forms defined in Chapter II of this Decree to administrative violations, including:

a/ Caution or fine of up to VND 70,000,000;

b/ Confiscation of material evidences and means used for commission of administrative violations;

c/ Deprivation of the right to use permits issued by state management agencies in charge of radiation safety and control under the Ministry of Science and Technology or by directors of provincial/municipal Science and Technology Services, for up to 6 months;

d/ Application of the remedies provided for in Clause 3, Article 4 of this Decree.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



The people's police, border-guards, coast guards, customs offices, market management forces and other specialized inspectorates shall have the power to sanction administrative violations according to the provisions of Articles 31, 32, 33, 34, 37 and 38 of the 2002 Ordinance on Handling of Administrative Violations with regard to administrative violations related to radiation safety and control under the state management scope of their respective ministries or branches.

Article 26.- Responsibilities of state management agencies in charge of radiation safety and control in handling of administrative violations

The Agency for Radiation and Nuclear Safety and Control under the Ministry of Science and Technology shall assist the Minister in performing the function of state management of radiation safety and control, and coordinate with other central and local competent agencies in handling administrative violations and remedying radiation incidents according to the regulations on radiation safety and control and at the latter's request.

Article 27.- Principles for defining the sanctioning competence Presidents of provincial-or district-level People's Committees shall have the power to sanction administrative violations in the domain of radiation safety and control in their respective localities.

Chief inspectors and specialized inspectors of the Ministry of Science and Technology, and provincial/municipal Science and Technology Services shall have the power to sanction administrative violations in the domain of radiation safety and control which fall under the management scope of the heads of the same level.

Where administrative violations go beyond the sanctioning competence of chief inspectors of provincial/municipal Science and Technology Services, the violation dossiers shall be transferred to presidents of provincial-level People's Committees for sanctioning such violations according to their competence.

3. The competence of the persons defined in Article 25 of this Decree to sanction administrative violations in the domain of radiation safety and control shall comply with the provisions of Article 42 of the Ordinance on Handling of Administrative Violations.

Article 28.- Procedures for sanctioning administrative violations

1. When detecting administrative violations or signs of administrative violations on radiation safety and control, the persons competent to impose sanctions shall have to immediately order the termination of such violations and ask concerned individuals or organizations to strictly comply with the provisions of law on radiation safety and control.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



If deeming that the violations may be subject to fines, the persons competent to impose sanctions shall make records on such administrative violations according to the provisions of Article 55 of the Ordinance on Handling of Administrative Violations. The persons making records of administrative violations must create conditions for violating individuals or organizations to express their opinions on the violations.

3. If deeming that the handling of violations needs evaluations or conclusions of radiation safety and control professional agencies, the persons competent to impose sanctions shall only make inspection, examination or control records to serve as a basis for handling. At the same time, the persons competent to impose sanctions shall send dossiers and material evidences of violations as well as written requests for expertise to state management agencies in charge of radiation safety and control according to the provisions of Article 26 of this Decree or to provincial/municipal Science and Technology Services for evaluating or concluding opinions on the violations as well as for suggestions on handling forms and measures appropriate to the violations.

Within 10 days after receiving written requests as well as dossiers and material evidences of violation, state management agencies in charge of radiation safety and control or provincial/municipal Science and Technology Services shall have to give written opinions to the persons competent to sanction administrative violations on radiation safety and control.

4. Within 10 days after making records of administrative violations, competent persons shall issue decisions on sanctioning administrative violations. For serious violations involving many complicated circumstances, the above time limit may be prolonged but shall not exceed 30 days. The issuance of sanctioning decisions and contents of such decisions must comply with the provisions of Article 56 of the 2002 Ordinance on Handling of Administrative Violations.

The effective date of a sanctioning decision shall be the date of its signing, except otherwise provided for in such decision.

Sanctioning decisions must be sent to sanctioned individuals or organizations and fine- collecting bodies within 3 days as from the date of their signing, and concurrently to state management agencies in charge of radiation safety and control under the Ministry of Science and Technology for coordinated monitoring and implementation of the procedures for permit issuance, modification, invalidation and cancellation.

Article 29.- Procedures for deprivation of the right to use permits

1. When depriving of the right to use permits, the persons competent to impose sanctions shall seize permits as stated in the sanctioning decisions and immediately notify the permit-issuing bodies thereof.

2. Upon the expiration of the deprivation of the right to use permits stated in the sanctioning decisions, the persons competent to impose sanctions shall have to hand the permits to individuals or organizations that are deprived of the right to use such permits.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 30.- Procedures for seizure of material evidences and means of administrative violations

1. The competence and procedures for application of the measure of seizing the material evidences and means of administrative violations shall comply with the provisions of Article 46 of the 2002 Ordinance on Handling of Administrative Violations.

2. The measure of seizing the material evidences and means of administrative violations shall apply in cases where it is necessary to prevent acts of violation or assure necessary material evidences to verify circumstances to serve as a basis for deciding on the handling of violations.

With regard to individuals or organizations that commit violations defined in Clause 3; Points a and b, Clause 4; Points a and b, Clause 5, Article 8 of this Decree, the competent persons shall have to apply the measure of seizing material evidences being radioactive sources to put them into radioactive source deposits; seal off the deposits until getting permits from competent state agencies, if the material evidences are irradiation facilities.

The transportation and preservation costs shall be borne by individuals or organizations that manage and/ or use radioactive sources or irradiation facilities.

3. Within 10 days after seizing material evidences or means of violations, the persons having issued decisions thereon must handle them by applying measures stated in the handling decisions or return them to the concerned individuals or organizations if the measure of confiscation does not apply. The time limit for seizure of material evidences or means of administrative violations may be prolonged in complicated cases requiring verification but shall not exceed 60 days as from the date such material evidences or means are seized. The prolongation of the time limit for seizure of material evidences or means of violations shall be decided by the persons defined in Clause 1, Article 46 of the 2002 Ordinance on Handling of Administrative Violations.

4. The seizure of material evidences or means of administrative violations must be decided in writing, accompanied with the seizure records which must be handed to the violators or representatives of violating organizations each with one copy thereof.

5. With regard to the seizure of material evidences of violations being radioactive sources or irradiation facilities, apart from the provisions of Clauses 1, 2, 3 and 4 of this Article, the regulations on assurance of radiation safety must also be complied with.

Article 31.- Procedures for confiscation of material evidences and means of administrative violations

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 32.- Procedures for handling of material evidences and means of administrative violations

Procedures for handling of material evidences and means of administrative violations in the domain of radiation safety and control shall comply with the provisions of Article 61 of the 2002 Ordinance on Handling of Administrative Violations and the following provisions:

To apply the measure of destruction in cases where the material evidences or means of violations are the following objects:

1. Goods in violation which may cause harms to people's life and health and the environment;

2. Goods or objects in violation which have no use value.

Article 33.- Execution of sanctioning decisions

1. If past 10 days after receiving sanctioning decisions, the sanctioned individuals or organizations fail to voluntary execute such decisions, the persons competent to impose sanctions may issue decisions to compel the execution of such decisions.

2. The execution of sanctioning decisions or coercive execution of sanctioning decisions as well as the statute of limitations for execution of sanctioning decisions shall comply with the provisions of Articles 64, 65, 66, 67, 68 and 69 of the 2002 Ordinance on Handling of Administrative Violations and the Government's Decree No. 37/2005/ND-CP of March 18,2005, prescribing procedures for application of the measure of compelling the execution of decisions on sanctioning administrative violations.

Chapter IV

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 34.- Complaints, denunciations and settlement thereof

1. Individuals or organizations sanctioned for administrative violations in the domain of radiation safety and control or their lawful representatives may complain about sanctioning decisions of persons competent to sanction administrative violations.

2. Citizens may denounce with competent individuals, agencies or organizations administrative violations in the domain of radiation safety and control, which are committed by other individuals or organizations or denounce illegal acts of persons competent to sanction administrative violations in the domain of radiation safety and control.

3. The competence, time limit and procedures for settling complaints and denunciations shall comply with the order and procedures provided for by law on complaints and denunciations.

Article 35.- Handling of violations committed by persons competent to sanction administrative violations in the domain of radiation safety and control

Persons competent to sanction administrative violations in the domain of radiation safety and control who violate the provisions on sanctioning administrative violations shall be handled according to the provisions of Article 121 of the 2002 Ordinance on Handling of Administrative Violations.

Article 36.- Commendation and discipline

Individuals or organizations recording achievements in the supply of information, detection, prevention or handling of administrative violations in the domain of radiation safety and control shall be commended and/or rewarded according to the State's regulations.

Individuals or organizations governed by the Ordinance on Cadres and Civil Servants, that commit violation acts specified in Chapter II of this Decree shall, apart from being administratively sanctioned, be disciplined according to the provisions of the Ordinance on Cadres and Civil Servants.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 37.- Implementation effect

1. This Decree takes effect 15 days after its publication in "CONG BAO."

2. This Decree replaces the Government's Decree No. 19/2001/ND-CP of May 11, 2001, on sanctioning administrative violations in the domain of radiation safety and control.

Article 38.- Responsibilities for implementation of the Decree

1. The Minister of Science and Technology shall have to organize and inspect the implementation of this Decree.

2. Ministers, heads of ministerial-level agencies, heads of the Government-attached agencies, and presidents of People's Committees of provinces or centrally-run cities shall have to implement this Decree.

 

 

ON BEHALF OF THE GOVERNMENT
PRIME MINISTER





Phan Van Khai

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Nghị định 51/2006/NĐ-CP ngày 19/05/2006 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn và kiểm soát bức xạ

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


10.242

DMCA.com Protection Status
IP: 3.142.212.225
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!