BỘ
VĂN HOÁ, THỂ THAO
VÀ DU LỊCH
--------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------
|
Số:
17/2011/TT-BVHTTDL
|
Hà
Nội, ngày 02 tháng 12 năm 2011
|
THÔNG TƯ
QUY ĐỊNH CHI TIẾT VỀ TIÊU CHUẨN, TRÌNH TỰ, THỦ TỤC XÉT VÀ CÔNG
NHẬN “XÃ ĐẠT CHUẨN VĂN HÓA NÔNG THÔN MỚI”
Căn cứ Nghị định số
185/2007/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm
vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;
Căn cứ Quyết định số
491/QĐ-TTg ngày 16 tháng 4 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Bộ tiêu
chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới;
Căn cứ Quyết định số
22/QĐ-TTg ngày 05 tháng 01 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án
“Phát triển văn hóa nông thôn đến năm 2015, định hướng đến năm 2020”;
Căn cứ Quyết định số
800/QĐ-TTg ngày 04 tháng 6 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương
trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020;
Căn cứ Quyết định số
1610/QĐ-TTg ngày 16 tháng 9 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương
trình thực hiện Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” giai
đoạn 2011-2015, định hướng đến năm 2020,
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
quy định chi tiết về tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục xét và công nhận “Xã đạt chuẩn
văn hóa nông thôn mới”, như sau:
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm
vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Thông tư này quy định chi tiết
về tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục xét và công nhận “Xã đạt chuẩn văn hóa nông
thôn mới”.
2. Đối tượng áp dụng:
a) Các xã trong phạm vi cả nước
thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới;
b) Các cơ quan, tổ chức, cá nhân
có liên quan đến trình tự, thủ tục xét và công nhận “Xã đạt chuẩn văn hóa nông
thôn mới”.
Điều 2.
Nguyên tắc xét và công nhận “Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới”
1. “Xã đạt chuẩn văn hóa nông
thôn mới” là xã đạt tiêu chuẩn văn hóa nông thôn mới quy định tại Thông tư này.
2. Tiêu chuẩn văn hóa nông thôn
mới quy định tại Thông tư này là căn cứ để các địa phương chỉ đạo, thực hiện
các tiêu chí văn hóa trong Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới và
các tiêu chí về phát triển văn hóa nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới.
3. Việc công nhận “Xã đạt chuẩn
văn hóa nông thôn mới” phải đảm bảo công khai, minh bạch, dân chủ và đúng quy định.
Điều 3. Thẩm
quyền, thời hạn công nhận
1. “Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới” do Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện,
thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh (sau đây gọi là chung là cấp huyện) công nhận;
được thực hiện hai (02) năm đối với công nhận lần đầu và năm (05) năm đối với
công nhận lại.
2. Thống nhất thực hiện mẫu Giấy công nhận “Xã đạt chuẩn văn hóa nông
thôn mới”, theo mẫu số 01 và số 02 tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này.
Chương II
QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 4. Tiêu
chuẩn “Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới”
1. Giúp nhau phát triển kinh
tế
a) Thực hiện tốt cuộc vận động
“Ngày vì người nghèo”, góp phần xóa hộ đói; giảm hộ nghèo trong xã xuống dưới mức
bình quân chung của tỉnh/thành phố;
b) Có 80% trở lên hộ gia đình
(làm nông nghiệp) trong xã được tuyên truyền, phổ biến khoa học-kỹ thuật về
lĩnh vực sản xuất nông nghiệp;
c) Có 70% trở lên hộ gia đình
tham gia các hình thức hợp tác phát triển kinh tế;
d) Có nhiều hoạt động phát triển
sản xuất kinh doanh, thu hút lao động việc làm, nâng cao thu nhập của người
dân.
2. Nâng cao chất lượng xây dựng
gia đình văn hóa; thôn, làng, ấp, bản văn hóa và tương đương
a) Có 60% trở lên gia đình được
công nhận “Gia đình văn hóa” 3 năm trở lên;
b) Có 70% trở lên hộ gia đình cải
tạo được vườn tạp, không để đất hoang, khuôn viên nhà ở xanh, sạch, đẹp;
c) Có 15% trở lên hộ gia đình
phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập từ sản xuất nông nghiệp hàng hóa và dịch
vụ nông thôn;
d) Có từ 50% thôn, làng, ấp, bản
trở lên được công nhận và giữ vững danh hiệu “Thôn văn hóa”, “Làng văn hóa”, “Ấp
văn hóa”, “Bản văn hóa” và tương đương liên tục từ 5 năm trở lên;
đ) Có 50% trở lên thôn, làng, ấp,
bản văn hóa vận động được nhân dân đóng góp xây dựng và nâng cấp cơ sở vật chất
hạ tầng kinh tế, văn hóa, xã hội ở cộng đồng.
3. Xây dựng thiết chế và phong trào văn hóa, thể thao cơ sở
a) Trung tâm Văn hóa-Thể thao xã
có cơ sở vật chất, trang thiết bị bảo đảm; ổn định về tổ chức; hoạt động thường
xuyên, hiệu quả; từng bước đạt chuẩn theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và
Du lịch;
b) 100% thôn (làng, ấp, bản và
tương đương) có Nhà Văn hóa-Khu thể thao; trong đó 50% Nhà Văn hóa-Khu thể thao
đạt chuẩn theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;
c) 100% thôn (làng, ấp, bản và tương
đương) duy trì được phong trào sinh hoạt câu lạc bộ; phong trào văn hóa, văn
nghệ và thể thao quần chúng. Hằng năm, xã tổ chức được Liên hoan văn nghệ quần
chúng và thi đấu các môn thể thao;
d) Di tích lịch sử-văn hóa, cảnh
quan thiên nhiên được bảo vệ; các hình thức sinh hoạt văn hóa, thể thao truyền
thống và thuần phong mỹ tục của địa phương được bảo tồn.
4. Xây dựng nếp sống văn
minh, môi trường văn hóa nông thôn
a) 75% trở lên hộ gia đình thực
hiện tốt các quy định về nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội
theo các quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;
b) Xây dựng và thực hiện tốt nếp
sống văn minh nơi công cộng, trong các sinh hoạt tập thể, cộng đồng; không có tệ
nạn xã hội phát sinh, giảm mạnh các tệ nạn xã hội hiện có;
c) 100% thôn (làng, ấp, bản và
tương đương) có tổ vệ sinh, thường xuyên quét dọn, thu gom rác thải về nơi quy
định. Xã tổ chức tốt việc xử lý rác thải tập trung theo quy chuẩn về môi trường;
nghĩa trang xã, thôn được xây dựng và quản lý theo quy hoạch;
d) Đạt chất lượng, hiệu quả thực
hiện các phong trào: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; phòng chống
tội phạm; bảo vệ an ninh trật tự an toàn xã hội; đền ơn đáp nghĩa; nhân đạo từ
thiện; an toàn giao thông và các phong trào văn hóa-xã hội khác ở nông thôn.
5. Chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật
của Nhà nước và quy định của địa phương
a) 90% trở lên người dân được phổ
biến và nghiêm chỉnh thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp
luật của Nhà nước và các quy định của địa phương;
b) 80% trở lên hộ gia đình nông
dân tham gia thực hiện cuộc vận động xây dựng nông thôn mới; tham gia xây dựng
cơ sở vật chất hạ tầng kinh tế-xã hội nông thôn mới;
c) 100% thôn (làng, ấp, bản và
tương đương) xây dựng và thực hiện hiệu quả quy ước cộng đồng, quy chế dân chủ ở
cơ sở; không có khiếu kiện đông người, trái phát luật;
d) Các cơ sở kinh doanh dịch vụ
văn hóa, thông tin, thể thao và du lịch được xây dựng theo quy hoạch và quản lý
theo pháp luật; không tàng trữ và lưu hành văn hóa phẩm có nội dung độc hại.
Điều 5.
Trình tự, thủ tục xét và công nhận “Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới”
1. Trình tự đăng ký, xét và công nhận:
a) Ban Chỉ đạo Phong trào “Toàn
dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” cấp huyện tổ chức Lễ phát động xây dựng
“Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới” trên địa bàn cấp huyện; phổ biến tiêu chuẩn
công nhận “Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới”; hướng dẫn các xã đăng ký xây dựng
“Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới”;
b) Trưởng Ban Chỉ đạo Phong trào
“Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” xã đăng ký xây dựng “Xã đạt chuẩn
văn hóa nông thôn mới” với Ủy ban nhân dân cấp huyện;
c) Ban Chỉ đạo Phong trào “Toàn
dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” xã họp thông qua Báo cáo thành tích xây
dựng “Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới”, gửi Ủy ban nhân dân xã;
d) Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã đề
nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện công nhận “Xã đạt chuẩn văn hóa nông
thôn mới”;
đ) Ban Chỉ đạo Phong trào “Toàn
dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” cấp huyện kiểm tra, đánh giá kết quả thực
hiện tiêu chuẩn công nhận “Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới” (có biên bản kiểm
tra);
e) Phòng Văn hóa-Thông tin cấp
huyện phối hợp với bộ phận thi đua, khen thưởng cùng cấp, trình Chủ tịch Ủy ban
nhân dân cấp huyện ra quyết định công nhận, công nhận lại và cấp Giấy công nhận
“Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới”.
2. Điều kiện công nhận:
a) Đạt các tiêu chuẩn theo quy định
tại Điều 4 Thông tư này và các tiêu chí bổ sung theo quy định của Ủy ban nhân
dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (nếu có);
b) Thời gian đăng ký xây dựng
“Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới” từ hai (02) năm trở lên (công nhận lần đầu);
năm (05) năm trở lên (công nhận lại).
3. Thủ tục công nhận:
a) Báo cáo thành tích xây dựng
“Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới” của Trưởng Ban Chỉ đạo Phong trào “Toàn
dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” xã, có xác nhận của Chủ tịch Ủy ban
nhân dân xã:
- Báo cáo hai (02) năm (công nhận
lần đầu);
- Báo cáo năm (05) năm (công nhận
lại);
b) Công văn đề nghị của Chủ tịch
Ủy ban nhân dân xã;
Số bộ hồ sơ cần nộp là một (01)
bộ, nộp trực tiếp Ủy ban nhân dân cấp huyện.
Thời hạn giải quyết là năm (05)
ngày làm việc, kể từ ngày nhận đầy đủ hồ sơ hợp lệ.
Căn cứ hồ sơ đề nghị và biên bản
kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện tiêu chuẩn “Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn
mới” của Ban Chỉ đạo cấp huyện. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện ra quyết định
công nhận “Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới”, kèm theo Giấy công nhận; trường
hợp không công nhận, phải có văn bản trả lời Ủy ban nhân dân xã và nêu rõ lý do
chưa công nhận.
Điều 6. Khen
thưởng
“Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn
mới” được Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện xem xét, khen thưởng; mức khen thưởng
do các địa phương quyết định căn cứ vào khả năng ngân sách và các nguồn lực xã
hội hóa.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 7. Trách
nhiệm thi hành
1. Căn cứ Thông tư này, Ủy ban
nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có thể bổ sung thêm các tiêu
chí hoặc quy định mức đạt của các tiêu chí cho phù hợp với điều kiện cụ thể của
địa phương, nhưng không được thấp hơn mức quy định tại Thông tư này.
2. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch
các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, phối hợp Ủy ban nhân dân cấp huyện
triển khai thực hiện Thông tư này.
3. Căn cứ kết quả bình xét, kiểm tra đánh giá hàng năm, các xã vi phạm những
quy định của Thông tư này, sẽ không được công nhận lại; những trường hợp vi phạm
nghiêm trọng sẽ bị Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện thu hồi Giấy công nhận.
Điều 8. Điều
khoản thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày, kể từ ngày ký ban hành.
2. Trong quá trình thực hiện nếu có vấn đề phát sinh hoặc vướng mắc, đề
nghị phản ánh về Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nghiên cứu, bổ sung và chỉnh sửa
phù hợp./.
Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Văn phòng Trung ương Đảng;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chủ tịch Nước;
- Văn phòng Chính phủ;
- Ban Dân vận Trung ương;
- Ban Tuyên giáo Trung ương;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương;
- Bộ VHTTDL: Bộ trưởng, các Thứ trưởng;
- Các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ VHTTDL;
- HĐND, UBND, Ban Chỉ đạo Phong trào TDĐKXDĐSVH, Sở VHTTDL các tỉnh, thành phố
trực thuộc Trung ương;
- Cục kiểm tra Văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp;
- Công báo; Website Chính phủ; Website Bộ
VHTTDL;
- Lưu: VT, VHCS (02), NTH .1000.
|
BỘ
TRƯỞNG
Hoàng Tuấn Anh
|
PHỤ LỤC
(Kèm
theo Thông tư số 17/2011/TT-BVHTTDL ngày 02 tháng 12 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ
Văn hóa, Thể thao và Du lịch)
Mẫu Giấy công nhận "Xã đạt
chuẩn văn hóa nông thôn mới".
1- Kích thước:
- Chiều dài: 360 mm, chiều rộng:
270 mm.
- Hoa văn bên trong: chiều dài
290 mm, chiều rộng 210 mm
2- Chất liệu và định lượng: Giấy
trắng, định lượng: 150g/m2.
3- Hình thức: Xung quanh
trang trí hoa văn màu, chính giữa phía trên in Quốc huy nước Cộng hòa xã hội chủ
nghĩa Việt Nam (1).
4- Nội dung:
- Dòng 1, 2: Quốc hiệu (2).
Khoảng trống
- Dòng 3: Thẩm quyền quyết định
(3).
- Dòng 4: Tặng danh hiệu … (4).
- Dòng 5: "Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới" (5).
Khoảng trống
- Dòng 6: Tên đơn vị (cá nhân)
được tặng thưởng (6).
- Dòng 7: Thành tích (7).
Khoảng trống
- Dòng 8:
+ Bên trái: Quyết định số, ngày,
tháng, năm.
+ Bên phải: Địa danh, ngày,
tháng, năm (8)
- Dòng 9:
+ Bên trái: Số sổ vàng (9).
+ Bên phải: Thủ trưởng cơ quan
(10).
Khoảng trống (3,5 cm): chữ
ký, dấu
- Dòng 10: Họ và tên người ký
quyết định (11).
Ghi chú:
- (1): In hình Quốc huy;.
- (2): Quốc hiệu:
+ Dòng chữ: "Cộng hòa xã hội
chủ nghĩa Việt Nam" (chữ in đậm, màu đen).
+ Dòng chữ: "Độc lập - Tự
do - Hạnh phúc" (chữ thường, đậm, màu đen).
- (3): Thẩm quyền quyết định:
Dòng chữ: “Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp huyện” (chữ in, màu đỏ).
- (4): Chữ in, màu đen.
- (5): Chữ in, màu đỏ.
- (6), (7), (8), (9): Chữ thường,
màu đen.
- (10): Chữ in, màu đen.
- (11): Chữ thường, màu đen.
- Cỡ chữ trong nội dung, đơn vị
tự quy định cho phù hợp, đảm bảo hình thức đẹp, trang trọng.
Mẫu số 1:
(Quốc
huy)
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc
lập - Tự do - Hạnh phúc
CHỦ
TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN HUYỆN ĐÔ LƯƠNG
CÔNG NHẬN
“XÃ ĐẠT CHUẨN VĂN HÓA NÔNG THÔN MỚI”
Xã
Tân Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An
Đã
đạt “Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới” năm 2011
Quyết định số:
246/QĐ-KT
Vào Sổ số:
06/QĐ-KT
|
Đô
Lương, ngày 03 tháng 12 năm 2011
CHỦ
TỊCH
Nguyễn
Văn C
|
|
Mẫu số 2:
(Quốc
huy)
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc
lập - Tự do - Hạnh phúc
CHỦ
TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN HUYỆN ĐÔ LƯƠNG
CÔNG NHẬN
“XÃ ĐẠT CHUẨN VĂN HÓA NÔNG THÔN MỚI”
Xã
Tân Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An
Đã
đạt “Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới” 5 năm (2007-2011)
Quyết định số:
246/QĐ-KT
Vào Sổ số:
06/QĐ-KT
|
Đô
Lương, ngày 03 tháng 12 năm 2011
CHỦ
TỊCH
Nguyễn
Văn C
|
|