THỦ
TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 923/QĐ-TTg
|
Hà Nội, ngày 28 tháng 06 năm 2017
|
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU TÁI CƠ CẤU KINH TẾ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÒNG
CHỐNG GIẢM NHẸ THIÊN TAI, ỔN ĐỊNH ĐỜI SỐNG DÂN CƯ
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày
19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Đầu tư công ngày 18
tháng 6 năm 2014;
Căn cứ Nghị quyết số 73/NQ-CP ngày
26 tháng 8 năm 2016 của Chính phủ về việc phê duyệt chủ trương đầu tư các Chương
trình mục tiêu giai đoạn 2016 - 2020;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch
và Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Chương trình mục tiêu Tái cơ cấu kinh
tế nông nghiệp và phòng chống giảm nhẹ thiên tai, ổn định đời sống dân cư, bao
gồm các nội dung chủ yếu sau:
I. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu chung
Hỗ trợ ngành trồng trọt và chăn nuôi
thực hiện tái cơ cấu theo hướng hiện đại, giá trị gia tăng cao, bền vững, góp phần
đạt mục tiêu tốc độ tăng giá trị sản xuất (GTSX) bình quân hàng năm ngành trồng
trọt từ 2,5 - 3%, chăn nuôi từ 4 - 5%; chủ động phòng chống
giảm nhẹ thiên tai và ổn định đời sống dân cư nông thôn.
2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2020
- Tỷ lệ sử dụng giống xác nhận (hoặc
tương đương) đối với cây trồng đạt trên 70%; đối với bò thịt, tỷ lệ bò lai đạt
70%; đối với lợn và gia cầm, tỷ lệ sử dụng giống tiến bộ kỹ thuật đạt khoảng
90%.
- Diện tích cây trồng áp dụng quy
trình kỹ thuật tiên tiến được cấp chứng nhận đạt từ 25 - 30 nghìn ha, diện tích
cây trồng được ký hợp đồng liên kết
tiêu thụ sản phẩm từ 400 - 500 nghìn ha; số lượng lợn chăn nuôi theo quy trình
Viet Gahp đạt 5%, gà đạt 15%.
- Hỗ trợ 2.000 hợp tác xã thành lập mới
và tổ chức lại 90% hợp tác xã nông nghiệp hiện có phù hợp với Luật Hợp tác xã
năm 2012.
- Củng cố, tu bổ khoảng 650 km đê biển
và 550 km đê sông; chủ động phòng chống và hạn chế thiệt hại do thiên tai gây
ra.
- Sửa chữa, nâng cấp, đảm bảo an toàn
1.150 hồ chứa nước vừa và nhỏ; đáp ứng đủ nước ngọt phục vụ nhu cầu thiết yếu
cho dân cư trên 12 đảo lớn, có đông dân cư sinh sống.
- Ổn định đời sống
cho 11.500 hộ tại các vùng thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, di
cư tự do, khu rừng đặc dụng; các hộ sau tái định cư công trình thủy lợi, thủy
điện.
II. PHẠM VI, ĐỐI
TƯỢNG VÀ THỜI GIAN THỰC HIỆN
1. Đối tượng
Đối tượng của Chương trình này được
quy định tại điểm b khoản 5 Mục VI Quy định các nguyên tắc, tiêu
chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn vốn ngân sách nhà nước giai
đoạn 2016 - 2020 ban hành kèm theo Quyết định số 40/2015/QĐ-TTg ngày 14
tháng 9 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ và một số chính sách đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành, Hiệp định ký kết giữa
Chính phủ Việt Nam với các nhà tài trợ như: Quyết định số 2194/QĐ-TTg ngày 25
tháng 12 năm 2009, Quyết định số 1895/QĐ-TTg ngày 17 tháng 12 năm 2012, Quyết định
số 01/2012/QĐ-TTg ngày 9 tháng 01 năm 2012, Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg ngày
25 tháng 10 năm 2013, Quyết định số 2261/QĐ-TTg ngày 15 tháng 12 năm 2014, Nghị
định số 210/2013/NĐ-CP ngày 19 tháng 12 năm 2013, Quyết định số 2068/QĐ-TTg
ngày 09 tháng 12 năm 2009, Quyết định số 58/2006/QĐ-TTg ngày 14 tháng 3 năm
2006, Quyết định số 667/QĐ-TTg ngày 27 tháng 5 năm 2009, Quyết định số 439/QĐ-TTg
ngày 03 tháng 4 năm 2009, Quyết định số 1776/QĐ-TTg ngày 21 tháng 11 năm 2012,
Quyết định số 64/2014/QĐ-TTg ngày 18 tháng 11 năm 2014 và các đối tượng khác do
Thủ tướng Chính phủ quyết định.
2. Phạm vi, quy mô
- Hợp phần hỗ trợ tái cơ cấu kinh tế nông
nghiệp: Bao gồm 4 nội dung, được triển khai ở tất cả các địa phương trong cả nước.
- Hợp phần hỗ trợ phòng chống giảm nhẹ
thiên tai: Triển khai tại 28 tỉnh/thành phố có đê biển từ Quảng Ninh đến Kiên
Giang; 19 tỉnh có hệ thống đê sông; 45 tỉnh/thành phố có hồ chứa nước (riêng dự
án WB8 thực hiện tại 33 tỉnh), 12 đảo lớn có đông dân cư sinh sống.
- Hợp phần hỗ trợ ổn định đời sống
dân cư: Quyết định số 1776/QĐ-TTg ngày 21 tháng 11 năm 2012 được triển khai thực
hiện tại 54 tỉnh; Quyết định số 64/2014/QĐ-TTg triển khai tại 13 tỉnh.
3. Thời gian thực hiện Chương trình:
Từ năm 2016 đến hết năm 2020.
III. CÁC NỘI
DUNG, NHIỆM VỤ CHÍNH
1. Hỗ trợ tái cơ
cấu kinh tế nông nghiệp
a) Hỗ trợ phát triển sản xuất giống
cây trồng, vật nuôi
- Đối tượng, phạm vi: Theo Quyết định
số 2194/QĐ-TTg ngày 25 tháng 12 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ.
- Nhiệm vụ triển khai thực hiện: Nâng
cao tiềm lực khoa học công nghệ về giống; nâng cấp các cơ sở giống ở trung ương
và địa phương; đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ cho một số vùng sản xuất
giống trọng điểm; sản xuất giống gốc, giống siêu nguyên chủng, giống nguyên chủng,
cây đầu dòng, giống cụ kỵ, giống ông bà, đàn hạt nhân; nhập nội nguồn gen, bản
quyền tác giả và những giống mới; hoàn thiện khung pháp lý về giống phù hợp với
yêu cầu hội nhập quốc tế; tăng cường năng lực cho hệ thống quản lý giống...
- Nguồn vốn đầu tư phát triển: Giai
đoạn 2016 - 2020, ngân sách trung ương hỗ trợ khoảng 1.404 tỷ đồng để thực hiện
các dự án đã phê duyệt ở trung ương và 22 địa phương.
b) Hỗ trợ hình thành vùng sản xuất
nông nghiệp tập trung áp dụng quy trình kỹ thuật tiên tiến, gắn với liên kết
tiêu thụ sản phẩm.
- Đối tượng, phạm vi: Theo Quyết định
số 01/2012/QĐ-TTg ngày 9 tháng 01 năm 2012, Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg ngày
25 tháng 10 năm 2013, Quyết định số 1895/QĐ-TTg ngày 17 tháng 12 năm 2012, số
575/QĐ-TTg ngày 04 tháng 5 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ.
- Nhiệm vụ: Quy hoạch vùng sản xuất
nông nghiệp tập trung theo từng sản phẩm có lợi thế của địa phương ứng dụng các
quy trình kỹ thuật sản xuất tiên tiến, tưới tiên tiến tiết kiệm nước...; hỗ trợ
đầu tư hạ tầng các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung theo quy hoạch được duyệt;
hỗ trợ áp dụng sản xuất theo quy trình kỹ thuật tiên tiến, gắn với liên kết
tiêu thụ sản phẩm.
- Nguồn vốn đầu tư phát triển: Giai
đoạn 2016 - 2020, ngân sách trung ương hỗ trợ 2.940 tỷ đồng.
c) Hỗ trợ phát
triển hợp tác xã nông nghiệp
- Đối tượng, phạm vi: Theo Quyết định
số 2261/QĐ-TTg ngày 15 tháng 12 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ.
- Nhiệm vụ: Tập huấn về quy định pháp
luật hợp tác xã trước khi thành lập hợp tác xã; hỗ trợ xây dựng điều lệ, phương
án sản xuất kinh doanh; hướng dẫn và thực hiện các thủ tục thành lập, đăng ký
và tổ chức hoạt động của hợp tác xã; hỗ trợ thực hiện các thủ tục tổ chức lại
hoạt động của hợp tác xã; bồi dưỡng nâng cao năng lực đối với cán bộ quản lý và
thành viên hợp tác xã; hỗ trợ các hoạt động về xúc tiến thương mại, mở rộng thị
trường; ứng dụng khoa học công nghệ; hỗ trợ hợp tác xã phát triển kết cấu hạ tầng.
- Nguồn vốn đầu tư phát triển: Giai
đoạn 2016 - 2020, ngân sách trung ương hỗ trợ khoảng 550 tỷ đồng để thực hiện
các dự án.
d) Hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào
nông nghiệp, nông thôn
- Đối tượng, phạm vi: Theo Nghị định
số 210/2013/NĐ-CP ngày 19 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ.
- Nhiệm vụ triển khai: Hỗ trợ các
doanh nghiệp thực hiện các dự án đầu tư về các lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đầu tư
(Xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung; xây dựng cơ sở chăn nuôi
gia súc; xây dựng cơ sở sấy lúa, ngô, khoai, sắn, chế biến cà phê; xây dựng cơ
sở chế tạo thiết bị cơ khí bảo quản, chế biến nông sản).
- Nguồn vốn đầu tư phát triển: Giai
đoạn 2016 - 2020, ngân sách trung ương hỗ trợ khoảng 980 tỷ đồng để 43 tỉnh hỗ
trợ doanh nghiệp thực hiện các dự án.
2. Hỗ trợ phòng chống giảm nhẹ thiên
tai
a) Hỗ trợ củng cố, tu bổ hệ thống đê
sông, đê biển; công trình phòng chống úng ngập, triều cường.
- Đối tượng, phạm vi: Theo Quyết định
số 58/2006/QĐ-TTg ngày 14 tháng 3 năm 2006; Quyết định số 667/QĐ-TTg ngày 27
tháng 5 năm 2009; Quyết định số 2068/QĐ-TTg ngày 09 tháng 12 năm 2009 của Thủ
tướng Chính phủ và các quyết định hỗ trợ công trình phòng
chống úng ngập, triều cường.
- Nhiệm vụ triển khai:
+ Với hệ thống đê biển: Củng cố, nâng
cấp các tuyến đê hiện có và xây dựng các công trình phụ trợ khác, trồng và giữ
rừng chắn sóng ven đê.
+ Với hệ thống đê sông: Củng cố thân
đê; cứng hoá mặt đê, làm đường hành lang chân đê; xử lý nền đê; xử lý sạt lở bờ
sông; tu sửa cống dưới đê; đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang thiết bị cho
công tác quản lý đê; xây dựng, củng cố các công trình phòng chống úng ngập, triều
cường.
- Nguồn vốn đầu tư phát triển: Hỗ trợ
thực hiện các dự án củng cố, nâng cấp hệ thống đê sông, đê biển khoảng 8.425 tỷ
đồng.
b) Hỗ trợ đầu tư đảm bảo an toàn hồ
chứa, khắc phục thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn và cung cấp nước ngọt trên các
đảo đông dân cư
- Đối tượng, phạm vi: Theo Quyết định
số 439/QĐ-TTg ngày 03 tháng 4 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ, các quyết định
hỗ trợ khắc phục hạn hán thiên tai, xâm nhập mặn được Thủ tướng Chính phủ phê
duyệt, các quy định hiện hành của Nhà nước và của Ngân hàng Thế giới.
- Nhiệm vụ triển khai:
+ Thực hiện các dự án đầu tư xây dựng
các công trình cấp nước, chứa nước, hoàn chỉnh hệ thống thủy lợi và hồ chứa nước
ngọt trên 6 đảo lớn.
+ Đầu tư sửa chữa các hồ chứa có nguy
cơ mất an toàn trong mùa mưa lũ; xây dựng các văn bản, tiêu chuẩn, định mức
trong công tác quản lý an toàn đập; xây dựng kế hoạch sẵn sàng trong trường hợp
xả lũ khẩn cấp và vỡ đập đối với các hồ chứa lớn, các hồ chứa có vùng hạ du là
khu tập trung dân cư, khu công nghiệp…; các công trình khắc phục thiên tai hạn
hán, xâm nhập mặn...
- Nguồn vốn đầu tư phát triển:
+ Vốn đầu tư phát triển: Hỗ trợ các địa
phương 270 tỷ đồng thực hiện các dự án nâng cấp, xây dựng 6 hồ chứa nước ngọt
trên các đảo đông dân cư.
+ Vốn ODA: Đầu tư các dự án sửa chữa,
nâng cấp, bảo đảm an toàn hồ chứa cho 449 hồ chứa thuộc 33 tỉnh trong khuôn khổ
dự án WB8, vay vốn Ngân hàng Thế giới.
3. Hỗ trợ ổn định đời sống dân cư
- Đối tượng, phạm vi: Theo Quyết định
số 1776/QĐ-TTg ngày 21 tháng 11 năm 2012, Quyết định số 64/2014/QĐ-TTg ngày 18
tháng 11 năm 2014, Quyết định số 2085/QĐ-TTg ngày 31 tháng 10 năm 2016 của Thủ
tướng Chính phủ.
- Nhiệm vụ triển khai: Quy hoạch bố
trí ổn định dân cư các vùng (thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo,
di cư tự do, khu rừng đặc dụng); đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất
và sinh hoạt của nhân dân; thực hiện các giải pháp phát triển sản xuất cho các
hộ; bố trí sắp xếp ổn định dân cư cho hộ dân tộc thiểu số
còn du canh du cư.
- Nguồn vốn đầu tư phát triển: Ngân
sách trung ương hỗ trợ có mục tiêu cho 54 tỉnh thực hiện các dự án đầu tư theo
Quyết định số 1776/QĐ-TTg ; 13 tỉnh thực hiện các dự án đầu tư theo Quyết định số
64/2014/QĐ-TTg , khoảng 7.331 tỷ đồng.
IV. TỔNG MỨC ĐẦU
TƯ
Tổng mức vốn thực hiện Chương trình:
306.660 tỷ đồng, trong đó:
1. Ngân sách trung ương cho Chương
trình: 22.460 tỷ đồng, bao gồm: Vốn đầu tư phát triển 21.900 tỷ đồng, vốn sự
nghiệp 560 tỷ đồng.
2. Vốn ODA: 14.200 tỷ đồng.
3. Các nguồn vốn hợp pháp khác: Khoảng 270.000 tỷ đồng.
V. CÁC GIẢI
PHÁP
1. Tuyên truyền
Đẩy mạnh tuyên truyền mục tiêu, nhiệm
vụ và giải pháp thực hiện Chương trình để các cấp, các ngành, các tổ chức,
doanh nghiệp và người sản xuất quyết tâm triển khai thực hiện.
2. Cơ chế huy động vốn
Thực hiện đa dạng hóa nguồn vốn huy động
để triển khai thực hiện Chương trình; tăng cường huy động vốn từ ngân sách địa
phương, nguồn vốn ODA, vốn của doanh nghiệp và người dân,
các nguồn huy động hợp pháp khác của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước...
3. Mở rộng hợp tác quốc tế
Trong quá trình xây dựng và thực hiện
Chương trình, cần tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế để chia sẻ thông
tin, kinh nghiệm; đồng thời, tranh thủ sự trợ giúp về kỹ thuật và nguồn lực để
thực hiện thành công mục tiêu của Chương trình.
4. Cơ chế thực hiện
- Các bộ, ngành trung ương: Xây dựng,
trình cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế, chính sách; hướng dẫn xây dựng Chương
trình khung và kế hoạch hàng năm cấp tỉnh; tổng hợp kế hoạch toàn chương trình
và phân bổ nguồn lực công khai, tạo chủ động cho địa phương theo nguyên tắc,
tiêu chí và định mức quy định; giao mục tiêu, nhiệm vụ và kinh phí hỗ trợ cho
các địa phương; tổ chức giám sát, đánh giá quá trình thực hiện.
- Các cấp địa phương: Thực hiện cơ chế
hỗ trợ đầu tư về tài chính theo kế hoạch 5 năm và hàng năm; trên cơ sở tổng nguồn
lực được giao, địa phương sẽ chủ động bố trí ngân sách, xây dựng kế hoạch thực
hiện Chương trình 5 năm và hàng năm để giải quyết những nhu cầu bức xúc trên địa
bàn theo các mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình đề ra.
- Lồng ghép lập kế hoạch thực hiện Chương
trình 5 năm và hàng năm với quá trình lập kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội
của địa phương.
VI. TỔ CHỨC THỰC
HIỆN
1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn
- Chủ trì tổ chức triển khai thực hiện
Chương trình; hàng năm đánh giá kết quả thực hiện Chương trình, báo cáo Thủ tướng
Chính phủ, đồng thời gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp.
- Chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch
và Đầu tư, Bộ Tài chính hướng dẫn các tổ chức, cá nhân thực hiện Chương trình.
- Tổng hợp và xây dựng kế hoạch trung
hạn và hàng năm đối với các mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình gửi Bộ Kế hoạch
và Đầu tư, Bộ Tài chính tổng hợp theo quy định của Luật Đầu tư công, Luật Ngân
sách nhà nước và các văn bản pháp luật liên quan.
- Kiểm tra, giám sát tình hình thực
hiện Chương trình; định kỳ tổ chức sơ kết, tổng kết việc thực hiện Chương
trình.
- Chủ trì và phối hợp với các bộ,
ngành liên quan sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới các chính sách, bảo đảm cho việc
thực hiện các mục tiêu đề ra của Chương trình.
- Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư,
Bộ Tài chính trong việc phân bổ nguồn lực, thẩm định nguồn vốn và khả năng cân
đối vốn các dự án thuộc Chương trình.
2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư
- Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính
và chủ Chương trình cân đối, bố trí vốn đầu tư phát triển theo kế hoạch trung hạn
và hàng năm để thực hiện Chương trình.
- Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính
và chủ Chương trình thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn các dự án sử dụng
vốn ngân sách trung ương, vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước
ngoài thuộc Chương trình.
- Phối hợp với chủ Chương trình xây dựng,
điều chỉnh các chính sách triển khai thực hiện Chương trình.
- Phối hợp với chủ Chương trình kiểm
tra, giám sát kết quả thực hiện Chương trình.
3. Bộ Tài chính
- Chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch
và Đầu tư và chủ Chương trình phân bổ, bố trí vốn sự nghiệp thực hiện Chương
trình.
- Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư
phân bổ nguồn vốn đầu tư phát triển thực hiện Chương trình hàng năm.
- Phối hợp với chủ Chương trình xây dựng,
điều chỉnh các chính sách triển khai thực hiện Chương trình.
- Phối hợp với chủ Chương trình kiểm
tra, giám sát kết quả thực hiện Chương trình.
4. Ủy ban nhân dân các tỉnh/thành phố
trực thuộc trung ương
- Chủ trì tổ chức thực hiện Chương
trình ở địa phương.
- Đề xuất xây dựng và triển khai các
dự án của địa phương thực hiện Chương trình.
- Xây dựng các mục tiêu, nhiệm vụ kế
hoạch trung hạn và hàng năm của địa phương; gửi chủ Chương trình, Bộ Kế hoạch
và Đầu tư, Bộ Tài chính theo quy định của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà
nước và các văn bản pháp luật liên quan.
- Quản lý, đánh giá, nghiệm thu kết
quả thực hiện các dự án thuộc Chương trình do địa phương quản lý; định kỳ báo
cáo chủ Chương trình tiến độ thực hiện Chương trình tại địa phương; tổ chức sơ
kết và tổng kết Chương trình ở địa phương theo quy định.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày
ký ban hành.
Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ
trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực
thuộc trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính
phủ;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ
quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố
trực thuộc trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các
Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng dân tộc và các Ủy ban
của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối
cao;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc
gia;
- Kiểm toán nhà nước;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam
- Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ
quốc Việt Nam;
- Cơ quan trung ương của các
đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý
TTg, TGĐ Cổng TTĐT,các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: VT, NN (2).KN
|
KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG
Trịnh Đình Dũng
|