THỦ TƯỚNG CHÍNH
PHỦ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 64/2014/QĐ-TTg
|
Hà Nội, ngày 18
tháng 11 năm 2014
|
QUYẾT ĐỊNH
CHÍNH
SÁCH ĐẶC THÙ VỀ DI DÂN, TÁI ĐỊNH CƯ CÁC DỰ ÁN THỦY LỢI, THỦY ĐIỆN
Căn cứ Luật Tổ chức
Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Đất đai ngày 29 tháng 11 năm 2013;
Căn cứ Nghị quyết số 62/2013/QH13 ngày 27 tháng
11 năm 2013 của Quốc hội về tăng cường công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác công trình thủy điện;
Căn cứ Nghị định số 47/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ quy định về bồi
thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn,
Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định chính
sách đặc thù về di dân, tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện.
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
1. Quyết định này áp dụng đối với việc bồi thường,
hỗ trợ, tái định cư thuộc các dự án sau:
a) Các dự án thủy lợi, thủy điện quy định tại Khoản 1 Điều 87 Luật Đất đai năm 2013;
b) Các dự án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt,
bao gồm: Các dự án thủy điện theo đề nghị của Bộ Công Thương; các dự án thủy lợi
theo đề nghị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
c) Các dự án thủy lợi, thủy điện quy định tại Điểm
a Khoản này sử dụng vốn ODA nhưng không có cam kết về khung chính sách bồi thường,
hỗ trợ, tái định cư;
d) Ngoài những nội dung quy định tại Quyết định
này, các nội dung khác về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư các dự án thủy lợi,
thủy điện thực hiện theo quy định tại Luật Đất đai năm 2013, Nghị định số
47/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ quy định về bồi thường, hỗ
trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất (dưới đây viết tắt là Nghị định số
47/2014/NĐ-CP) và các quy định pháp luật khác có liên quan.
2. Quyết định này áp
dụng đối với việc hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất cho người dân sau
tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện quy định tại Điểm a, Điểm b Khoản 1 Điều
này đã hoàn thành công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Đối với quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định
cư:
a) Cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước về
đất đai, về công tác di dân, tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện; tổ chức
làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng;
b) Người sử dụng đất theo quy định tại Điều 5 Luật Đất đai năm 2013;
c) Tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc bồi
thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất thực hiện các dự án thủy lợi, thủy
điện.
2. Đối với quy định về hỗ trợ ổn
định đời sống và sản xuất cho người dân sau tái định cư:
a) Hộ gia đình sau tái định cư và hộ bị ảnh hưởng
khi Nhà nước thu hồi đất để xây dựng khu,
điểm tái định cư thực hiện các dự án thủy
lợi, thủy điện;
b) Cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước về
chính sách ổn định đời sống và sản xuất cho người dân sau tái định cư các dự án
thủy lợi, thủy điện.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Quyết định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu
như sau:
1. Vùng dự án thủy
lợi, thủy điện là vùng ngập lòng hồ, tổng
mặt bằng công trường khi thực hiện dự án thủy
lợi, thủy điện và các khu, điểm tái định
cư tập trung, tái định cư xen ghép.
2. Hộ bị ảnh hưởng là hộ sở tại bị Nhà nước thu hồi
đất để xây dựng khu, điểm tái định cư các dự án thủy
lợi, thủy điện, nhưng không phải di chuyển
chỗ ở.
3. Hộ tái định cư là hộ bị ảnh hưởng trực tiếp khi
Nhà nước thu hồi một phần hoặc toàn bộ diện tích đất để thực hiện dự án thủy lợi,
thủy điện phải di chuyển đến nơi ở mới.
4. Hộ sở tại là hộ gia đình có đăng ký hộ khẩu thường
trú và đang sinh sống tại xã có tiếp nhận hộ tái định cư.
5. Nơi đi là địa phương vùng dự án thủy lợi, thủy điện có hộ gia đình bị ảnh hưởng phải di
chuyển đến điểm tái định cư.
6. Nơi đến là địa phương tiếp nhận hộ tái định cư.
7. Hộ tái định cư tập trung là hộ tái định cư được quy hoạch đến điểm tái định cư.
8. Hộ tái định cư xen ghép là hộ gia đình di chuyển theo quy hoạch đến ở xen ghép với hộ dân
sở tại.
9. Hộ gia đình sau tái định cư là hộ tái định cư và
hộ gia đình được tách ra hợp pháp từ hộ
tái định cư, đang sinh sống tại các thôn, bản, ấp trong vùng tái định cư dự án
thủy lợi, thủy
điện.
10. Điểm tái định cư là điểm dân cư được xây dựng theo quy hoạch, bao gồm: Đất ở, đất sản
xuất, đất chuyên dùng, đất xây dựng cơ sở
hạ tầng, công trình công cộng.
11. Khu tái định cư là khu vực được quy hoạch để bố
trí các điểm tái định cư, hệ thống cơ sở hạ tầng, công trình công cộng, vùng sản
xuất.
12. Vùng tái định cư là địa bàn các huyện, thị xã,
thành phố được quy hoạch để tiếp nhận người dân tái định cư.
13. Tổng mặt bằng công trường là diện tích đất được
sử dụng để xây dựng công trình chính, các hạng mục công trình phụ trợ, công
trình công cộng, khu nhà ở công nhân, các mỏ vật liệu phục vụ thi công công
trình thủy lợi, thủy điện được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Chương II
BỒI THƯỜNG, HỖ TRỢ, TÁI
ĐỊNH CƯ KHI NHÀ NƯỚC THU HỒI ĐẤT
Điều 4. Quy hoạch tái định cư
1. Các loại quy hoạch
a) Dự án thủy
lợi, thủy điện thực hiện di dân, tái định
cư từ 02 huyện trở lên hoặc có quy mô số hộ tái định cư từ 300 hộ trở lên (gồm
cả nơi đi và nơi đến) phải lập quy hoạch tổng thể di dân, tái định cư và quy hoạch
chi tiết khu, điểm tái định cư;
b) Dự án thủy
lợi, thủy điện thực hiện di dân, tái định
cư tại 01 huyện hoặc có quy mô số hộ tái định cư dưới 300 hộ chỉ lập quy hoạch
chi tiết khu, điểm tái định cư.
2. Yêu cầu đối với việc lập quy hoạch:
a) Đối với lập quy hoạch tổng
thể: Phải gắn với phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch xây dựng
nông thôn mới, phù hợp với quy hoạch ngành của từng vùng, từng địa phương và phù hợp với phong tục, tập quán của từng dân tộc;
b) Đối với lập quy hoạch chi
tiết khu, điểm tái định cư:
- Phù hợp với quy hoạch tổng thể di dân, tái định
cư dự án thủy lợi, thủy điện được phê duyệt. Trường hợp không phải lập quy hoạch
tổng thể, quy hoạch chi tiết khu, điểm tái định cư phải đảm bảo nội dung tại Điểm
a Khoản 2 Điều này;
- Bố trí đất ở, đất sản xuất; nước phục vụ sinh hoạt
và sản xuất; các công trình cơ sở hạ tầng khu, điểm tái định cư; đồng thời đảm
bảo bền vững về môi trường sinh thái.
Điều 5. Bồi thường về đất
1. Hộ tái định cư chuyển đến điểm
tái định cư tập trung nông thôn được bồi thường về đất (đất ở, đất sản xuất) bằng
việc giao đất có cùng mục đích sử dụng với loại đất thu hồi theo quy hoạch tái
định cư được duyệt.
2. Hộ tái định cư xen ghép được bồi thường về đất bằng
việc giao đất ở, đất sản xuất, phù hợp với quỹ đất của điểm tái định cư xen
ghép được duyệt nhưng tối thiểu đảm bảo diện tích đất cho mỗi hộ tái định cư
tương đương với mức trung bình của hộ sở tại.
3. Hộ tái định cư có diện tích đất sản xuất nằm
ngoài hành lang bảo vệ hồ chứa theo quy định tại Khoản 1 Điều 3
Nghị định số 112/2008/NĐ-CP ngày 20 tháng 10 năm 2008 của Chính phủ, chuyển
đến điểm tái định cư xa nơi sản xuất cũ từ 5 km trở lên bị thu hồi đất thì được
bồi thường về đất. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh
căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương để quyết định thu hồi đất và bồi
thường về đất.
4. Hộ tái định cư và hộ gia đình bị ảnh hưởng có diện
tích đất sản xuất nằm ngoài hành lang bảo vệ hồ chứa theo quy định tại Khoản 1 Điều 3 Nghị định số 112/2008/NĐ-CP ngày 20 tháng 10 năm
2008 của Chính phủ, có khoảng cách từ nơi ở đến khu đất sản xuất dưới 5 km nhưng không có đường vào khu đất sản xuất đó, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ vào
tình hình thực tế của địa phương để quyết định thu hồi đất và bồi thường về đất.
5. Xử lý
chênh lệch giá trị đất nơi đi và nơi đến đối với các trường hợp bồi thường thiệt hại về đất quy định tại Khoản
1, Khoản 2, Khoản 3, Khoản 4 Điều này như sau:
a) Giá trị đất nông nghiệp được giao thấp hơn giá
trị đất bị thu hồi thì hộ tái định cư được bồi
thường phần giá trị chênh lệch;
b) Giá trị đất nông nghiệp được giao cao hơn giá trị
đất bị thu hồi thì hộ tái định cư không phải nộp bù phần giá trị chênh lệch.
Điều 6. Bồi thường về tài sản
trên đất
1. Hộ tái định cư có đất sản xuất bị thu hồi theo quy định tại Khoản 3, Khoản 4 Điều 5 Quyết định
này được bồi thường về tài sản trên đất. Ủy ban
nhân dân cấp tỉnh căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương để bồi thường về
tài sản trên đất.
2. Hộ tái định cư có đất
sản xuất bị thu hồi theo quy định tại Khoản 4 Điều 5 Quyết định này
3. Hộ tái định cư và hộ bị ảnh hưởng nhận khoán bảo vệ rừng, khoanh nuôi tái sinh rừng (trừ
rừng đặc dụng) có xây dựng lán trại với mục đích bảo vệ rừng trên đất nhận khoán,
được bên giao khoán đồng ý bằng văn bản
và có đăng ký với Ủy ban nhân dân cấp xã
sở tại, khi Nhà nước thu hồi đất được bồi thường thiệt hại bằng giá trị tài sản
đó, nhưng tối đa không quá 80% giá trị làm lán trại mới. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định mức bồi thường thiệt hại cụ
thể.
4. Hộ gia đình có thuyền đánh bắt cá, vận chuyển
trên sông, hồ tại nơi ở cũ, khi đến nơi ở mới không có sông, hồ để đánh bắt cá,
không sử dụng thuyền, được bồi thường thiệt hại bằng giá trị còn lại của thuyền
đang sử dụng.
Điều 7. Hỗ trợ xây dựng nhà ở,
công trình phụ, vật kiến trúc kèm theo nhà ở tại điểm tái định cư
1. Hộ tái định cư được hỗ trợ bằng tiền để làm nhà ở,
công trình phụ, vật kiến trúc kèm theo nhà ở với mức hỗ trợ cụ thể như sau:
a) Hộ độc thân được hỗ trợ tương đương 15 m2
xây dựng;
b) Hộ có nhiều người thì người thứ nhất được hỗ trợ
tương đương 15 m2 xây dựng, từ
người thứ 02 trở lên, mỗi người tăng thêm được hỗ trợ tương đương 05 m2
xây dựng.
2. Kết cấu nhà để tính mức hỗ trợ: Tường bao che bằng
gạch 110 mm, mái ngói hoặc tấm lợp, nền lát gạch hoa, cửa bằng gỗ hoặc kết hợp
gỗ - kính hoặc nhôm kính. Các kết cấu trong nhà sử dụng gỗ nhóm IV hoặc vật liệu
thay thế tương đương.
3. Đơn giá để tính hỗ trợ: Theo đơn giá xây dựng do
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định tại thời
điểm thu hồi đất.
Điều 8. Hỗ trợ làm đường tạm để
di chuyển người và tài sản
1. Đối với những nơi thuộc vùng
ngập lòng hồ không thể di chuyển bằng thủ công hoặc bằng các phương tiện vận
chuyển khác, được hỗ trợ làm đường tạm để di chuyển người và tài sản. Bộ Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn cụ thể việc tổ chức thực hiện khoản
này.
2. Trường hợp các hộ tái định cư tại nơi phải di
chuyển có đủ điều kiện tự di chuyển, tự nguyện vận chuyển người, tài sản được hỗ trợ bằng tiền để tự vận chuyển, không làm đường
tạm. Mức hỗ trợ cụ thể do Ủy ban nhân dân
cấp tỉnh quy định.
Điều 9. Hỗ trợ ổn định đời sống
1. Hỗ trợ lương thực đối với hộ tái định cư tập
trung và xen ghép
Hết thời gian hỗ trợ theo quy định tại Điểm a Khoản 3 Điều 19 Nghị định số 47/2014/NĐ-CP, đối với:
a) Hộ tái định cư chưa được giao đủ đất sản xuất
theo quy hoạch được duyệt thì chủ đầu tư tiếp tục hỗ trợ lương thực đến khi hộ
tái định cư được giao đủ đất sản xuất;
b) Lao động thuộc các hộ tái định cư có nhu cầu
chuyển đổi nghề nghiệp theo phương án được duyệt nhưng chưa được tổ chức, bố
trí đào tạo nghe thì chủ đầu tư tiếp tục hỗ trợ lương thực đến khi người lao động
được tổ chức, bố trí đào tạo hết một khóa
học nghề.
2. Hỗ trợ về y tế: Hộ tái định cư được hỗ trợ một lần
về y tế để phòng chống dịch bệnh tại nơi ở mới với mức hỗ trợ là 100.000 đồng
cho một người.
3. Hỗ trợ về giáo dục: Mỗi học sinh phổ thông các cấp
thuộc hộ tái định cư được hỗ trợ một lần bằng tiền tương đương 01 bộ sách giáo khoa của lớp theo học theo
giá quy định của Nhà nước và được miễn các khoản đóng góp xây dựng trường trong
03 năm học liên tục tính từ khi bắt đầu học tập tại nơi ở mới; không thu tiền học
phí trong năm học đầu tiên tại nơi ở mới.
4. Hỗ trợ tiền sử dụng điện thắp sáng: Hộ tái định
cư được hỗ trợ tiền sử dụng điện hoặc dầu thắp sáng (với nơi chưa có điện) hàng tháng trong 12 tháng đầu, kể từ ngày
chuyển đến nơi ở mới. Mức hỗ trợ bằng tiền tương đương tiền điện sử dụng 50 kWh
cho một hộ, trong thời gian một tháng, được tính với
mức giá bán lẻ điện sinh hoạt của bậc thang đầu tiên trong biểu giá bán lẻ điện
hiện hành.
5. Hỗ trợ chất đốt: Hộ tái định cư được hỗ trợ về
chất đốt trong 12 tháng đầu, kể từ ngày chuyển đến nơi ở mới. Mức hỗ trợ bằng
tiền tương đương 05 lít dầu hỏa cho một hộ, trong thời gian một tháng, giá dầu
hỏa được tính theo giá thị trường tại thời điểm hỗ trợ.
Điều 10. Hỗ trợ sản xuất
1. Đối với hộ tái định cư:
a) Hỗ trợ 03 năm kinh phí khuyến nông cho hộ tái định
cư được giao đất sản xuất nông nghiệp là
đất xấu phải cải tạo và đất khai hoang. Mức hỗ trợ cụ thể do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định;
b) Trường hợp phải khai hoang, cải tạo đất để đảm bảo
đủ đất sản xuất theo quy hoạch được duyệt cho hộ tái định cư, thì được hỗ trợ
như sau: 15.000.000 đồng cho một ha khai hoang, 10.000.000 đồng cho một ha phục
hóa, 15.000.000 đồng cho một ha cải tạo thành ruộng bậc thang.
2. Hộ bị ảnh hưởng khi Nhà nước thu hồi đất sản xuất
để xây dựng khu, điểm tái định cư được hỗ trợ một lần theo diện tích đất sản xuất
bị thu hồi. Mức hỗ trợ sản xuất không quá 2.000 đồng cho một m2 đất
thu hồi. Mức hỗ trợ cụ thể do Ủy ban nhân
dân cấp tỉnh quy định.
Điều 11. Hỗ trợ khác
1. Hộ tái định cư được hỗ trợ tham quan điểm tái định
cư, gồm: Chi phí thuê phương tiện, ăn, ở trong thời gian tham quan, theo hình
thức Nhà nước tổ chức cho đại diện hộ tái định cư tham quan (hỗ trợ một lần). Mức
hỗ trợ cụ thể do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh
quy định.
2. Hỗ trợ một lần kinh phí làm thủ tục dời nhà cũ,
nhận nhà mới: Mức hỗ trợ là 1.000.000 đồng cho một hộ.
3. Hỗ trợ khuyến khích di chuyển theo tiến độ: Các
hộ di chuyển sớm hơn tiến độ yêu cầu của Hội đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định
cư được thưởng tiến độ tối đa không quá 5.000.000 đồng cho một hộ (thưởng một lần).
Mức hỗ trợ cụ thể do Ủy ban nhân dân cấp
tỉnh quy định.
4. Đối với đồng bào các dân tộc không có tập quán
di chuyển mồ mả được hỗ trợ một lần kinh phí làm lễ tâm linh theo truyền thống.
Mức hỗ trợ cụ thể do Ủy ban nhân dân cấp
tỉnh quy định.
Điều 12. Xây dựng khu, điểm
tái định cư tập trung
1. Giao đất khu, điểm tái định cư:
a) Đất ở
- Hộ tái định cư đến điểm tái định cư tập trung
nông thôn được giao đất ở tại điểm tái định cư tối thiểu 200 m2 cho
một hộ. Trường hợp có điều kiện về quỹ đất thì có thể giao mức cao hơn;
- Hộ tái định cư đến điểm tái định cư đô thị được
giao 01 lô đất ở tại điểm tái định cư.
b) Đất sản xuất đối với hộ đến điểm tái định cư tập
trung nông thôn:
- Được bồi thường thiệt hại về đất sản xuất bằng việc
giao đất sản xuất; hạn mức giao đất do Ủy ban
nhân dân cấp tỉnh quy định phù hợp với thực tế, nhưng không thấp hơn hạn mức
giao đất sản xuất tại địa phương;
- Được giao đất lâm nghiệp, đất có mặt nước nuôi trồng
thủy sản tại điểm tái định cư được cấp có
thẩm quyền phê duyệt.
c) Hạn mức giao đất tại Điểm a, Điểm b Khoản 1 Điều
này do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định
cụ thể.
2. Xây dựng nhà ở nông thôn:
a) Hộ tái định cư được tự tổ chức xây dựng nhà ở bằng
tiền bồi thường, hỗ trợ tái định cư;
b) Trường hợp không tự xây dựng nhà ở, chủ đầu tư
xây dựng hoặc thuê tổ chức, cá nhân khác xây dựng nhà ở, bàn giao cho người
dân; kinh phí xây dựng được trừ vào tiền bồi thường, hỗ trợ tái định cư.
Việc xây dựng nhà ở theo quy định tại Điểm a, Điểm
b Khoản này phải phù hợp theo quy hoạch chi tiết khu, điểm tái định cư được phê
duyệt và kiến trúc nhà ở phải phù hợp với phong tục, tập quán của từng dân tộc.
3. Đầu tư xây dựng công trình nước sinh hoạt: Thôn,
bản, ấp có hộ gia đình, cá nhân khi Nhà nước thu hồi đất để xây dựng khu, điểm
tái định cư tập trung nông thôn và bị ảnh hưởng nguồn nước sinh hoạt được hỗ trợ đầu tư xây dựng công trình nước sinh hoạt.
4. Đầu tư xây dựng công trình điện: Thôn, bản, ấp
có hộ gia đình, cá nhân khi Nhà nước thu hồi đất để xây dựng khu, điểm tái định
cư tập trung nông thôn, và bị ảnh hưởng bất lợi đến khả năng cung cấp điện sẽ
được đầu tư nâng cấp, cải tạo công trình điện phục vụ sản xuất và sinh hoạt.
Điều 13. Xây dựng cơ sở hạ tầng
điểm tái định cư xen ghép
1. Các xã tiếp nhận hộ tái định cư đến ở xen ghép
vào cộng đồng dân cư sở tại, được hỗ trợ kinh phí để cải tạo, mở rộng, nâng cấp
công trình công cộng, cơ sở hạ tầng của xã do ảnh hưởng của việc tăng dân cư
trên địa bàn. Mức kinh phí hỗ trợ tối đa
là 30.000.000 đồng cho một người tái định cư hợp pháp. Trong đó 70% kinh phí được
hỗ trợ để đầu tư trực tiếp cho những thôn, bản, ấp tiếp nhận hộ tái định cư xen
ghép, kinh phí còn lại 30% dùng để cải tạo, mở rộng, nâng cấp công trình công cộng,
cơ sở hạ tầng của xã tiếp nhận hộ tái định cư.
2. Phần giá trị xây dựng nhà ở do hộ tái định cư tự
xây dựng, không phải nộp bất kỳ khoản phí, thuế nào.
Điều 14. Quản lý và bàn giao
khu, điểm tái định cư
Công trình công cộng, cơ sở hạ tầng sau khi hoàn
thành xây dựng, nghiệm thu, đưa vào sử dụng tại khu, điểm tái định cư được bàn
giao cho các tổ chức và địa phương tự quản lý, sử dụng; duy tu, bảo dưỡng công
trình theo quy định hiện hành.
Điều 15. Nguồn vốn thực hiện bồi
thường, hỗ trợ, tái định cư
1. Kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư gồm: Tiền
bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với đất thu hồi để thực hiện dự án đầu tư,
chi phí bảo đảm cho việc tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và
các khoản chi phí khác.
Việc xác định tiền bồi
thường, hỗ trợ, tái định cư phải
theo phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đã được cấp có thẩm quyền
phê duyệt.
2. Kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà
nước thu hồi đất để thực hiện các dự án được quy định như sau:
a) Kinh phí thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định
cư được tính vào kinh phí thực hiện dự án đầu tư;
b) Chủ đầu tư có trách nhiệm bảo đảm kinh phí bồi
thường, hỗ trợ, tái định cư đối với các dự án quy định tại Điểm a, Điểm b Khoản
1 Điều 1 Quyết định này;
c) Trường hợp chủ đầu tư tự nguyện ứng trước tiền bồi
thường, hỗ trợ, tái định cư thì có trách nhiệm bảo đảm kinh phí thực hiện các dự
án không thuộc trường hợp quy định tại Điểm b Khoản này.
Chương III
HỖ TRỢ ỔN ĐỊNH ĐỜI SỐNG
VÀ SẢN XUẤT CHO NGƯỜI DÂN SAU TÁI ĐỊNH CƯ CÁC DỰ ÁN THỦY LỢI, THỦY ĐIỆN
Điều 16. Chính sách hỗ trợ
1. Hỗ trợ chuyển đổi sang cây trồng, vật nuôi có
giá trị kinh tế cao:
a) Hỗ trợ một lần tiền mua giống và hỗ trợ ba năm
tiền mua phân bón để chuyển từ trồng cây hàng năm sang trồng cây lâu năm, bao gồm:
Chè, cà phê, ca cao, hồ tiêu, điều, cao su, cây ăn quả và cây dược liệu, cây
nguyên liệu sinh học;
b) Hỗ trợ tiền mua giống và phân bón cho ba vụ sản
xuất liên tiếp để chuyển đổi cơ cấu giống đối với cây ngắn ngày, bao gồm: Cây
lương thực, cây dược liệu và các loại cây khác theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn;
c) Hỗ trợ hai lần tiền mua giống gia cầm và thủy sản hoặc một lần tiền mua giống gia súc: Mức
hỗ trợ không quá 10.000.000 đồng (mười triệu đồng) cho một hộ. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định mức hỗ trợ cụ
thể;
d) Đối với hộ nghèo theo tiêu chí hộ nghèo hiện
hành, ngoài được hưởng các chính sách quy định tại các Điểm a, Điểm b, Điểm c
Khoản này, còn được hỗ trợ:
- Hỗ trợ một lần với mức 1.500.000 đồng cho một hộ
để cải tạo ao nuôi thủy sản có diện tích ao từ 100 m2 trở lên;
- Hỗ trợ một lần với mức 2.000.000 đồng cho một hộ
để làm chuồng trại chăn nuôi;
- Hỗ trợ một lần để mua giống cỏ, trồng phát triển
chăn nuôi trâu, bò. Mức hỗ trợ là 4.000.000 đồng cho một ha đất trồng cỏ;
- Hỗ trợ lãi suất vốn vay bằng 50% lãi suất cho vay
hộ nghèo hiện hành để mua giống gia súc, gia cầm, thủy sản hoặc phát triển ngành nghề. Mức vay được hỗ trợ tối
đa là 50.000.000 đồng cho một hộ. Thời gian hỗ trợ lãi suất là 03 năm. Mức hỗ
trợ cụ thể do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh
quy định.
đ) Hỗ trợ tập huấn kỹ thuật theo quy định tại Nghị
định số 02/2010/NĐ-CP ngày 08 tháng 01 năm 2010 của Chính phủ về khuyến nông.
2. Hỗ trợ bảo vệ rừng, phát triển rừng và sản xuất
nông, lâm kết hợp:
a) Các hộ nhận khoán
bảo vệ rừng phòng hộ, rừng sản xuất là rừng tự nhiên có trữ lượng giàu, trung
bình nhưng không được khai thác theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ được hưởng
mức khoán bằng 400.000 đồng cho một ha
cho một năm;
b) Các hộ được giao đất trồng rừng sản xuất được hỗ trợ một lần từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000
đồng cho một ha để mua cây giống, phân bón và chi phí một phần nhân công trồng
rừng. Mức hỗ trợ cụ thể do Ủy ban nhân
dân cấp tỉnh quy định.
3. Người lao động thuộc các hộ sau tái định cư và hộ
bị ảnh hưởng khi Nhà nước thu hồi đất để xây dựng khu, điểm tái định cư có nhu
cầu đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp và việc làm, được hỗ trợ:
a) Học nghề ngắn hạn (trình
độ sơ cấp và dạy nghề dưới 03 tháng) được Nhà nước hỗ trợ một lần bằng 1,5 lần
chi phí học nghề theo quy định tại Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27 tháng 11
năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt
Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020;
b) Học nghề trình độ trung cấp, cao đẳng được Nhà
nước trả học phí một lần cho một khóa học. Mức học phí được Nhà nước trả bằng mức
thu học phí thực tế của cơ sở đào tạo, nhưng tối đa không quá mức trần học phí
đối với cơ sở đào tạo nghề trung cấp, cao
đẳng công lập theo quy định của pháp luật.
4. Sửa chữa, nâng cấp cơ
sở hạ tầng thiết yếu tại các khu, điểm tái định cư:
a) Hỗ trợ sửa chữa, nâng cấp một lần các công trình
hạ tầng kỹ thuật đảm bảo tiêu chí nông thôn mới, bao gồm các công trình: Giao
thông, thủy lợi, điện sinh hoạt và sản xuất,
nước sinh hoạt đã được đầu tư xây dựng tại khu, điểm tái định cư bằng nguồn vốn
của các dự án thủy lợi, thủy điện;
b) Trường hợp nâng cấp đường nội bộ tại điểm tái định
cư: Nhà nước hướng dẫn kỹ thuật và hỗ trợ một lần vật tư vật liệu, nhân dân góp
công thực hiện.
5. Sắp xếp ổn định dân cư cho điểm tái định cư tập
trung không có điều kiện ổn định đời sống, phát triển sản xuất cho người dân
sau tái định cư và bị ảnh hưởng do thiên tai:
a) Lập Quy hoạch chi tiết điểm tái định cư tập
trung để bố trí, sắp xếp lại dân cư cho các điểm tái định cư không có điều kiện
ổn định đời sống, phát triển sản xuất cho
người dân sau tái định cư và bị ảnh hưởng do thiên tai như: Sạt lở, lũ quét, đá
lăn…;
b) Xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng, nhà ở tại các điểm tái định cư tập trung phải đảm
bảo tiêu chí xây dựng nông thôn mới, phù hợp với quy hoạch chi tiết điểm tái định
cư tập trung được phê duyệt và phong tục, tập quán của từng dân tộc;
c) Đối với hộ sau tái định cư thuộc diện điều chỉnh
sắp xếp lại dân cư, phải di chuyển ra ngoài xã, ngoài huyện (hộ di chuyển lần
hai) được hỗ trợ như sau:
- Chi phí sửa chữa, bổ sung vật liệu xây dựng lại
nhà ở theo mức: Hộ độc thân là 15.000.000 đồng cho một hộ; hộ từ 02 đến 04 người
là 25.000.000 đồng cho một hộ; hộ có từ 05 người trở lên cứ mỗi người tăng thêm
được hỗ trợ 5.000.000 đồng cho một người;
- Hỗ trợ sản xuất: Hộ sau tái định cư được hỗ trợ
tiền mua giống, phân bón, thuốc phòng trừ dịch bệnh để trồng cây hàng năm, cây
lâu năm và chăn nuôi. Mức hỗ trợ như sau: Hộ có 01 người được hỗ trợ 3.500.000
đồng; hộ có nhiều người thì từ người thứ 02 trở lên, mỗi người tăng thêm được hỗ
trợ 1.500.000 đồng;
- Hỗ trợ lương thực có giá trị bằng tiền tương
đương mức 20 kg gạo cho một người trong một tháng, thời gian hỗ trợ là 12 tháng. Giá gạo tính theo giá gạo tẻ
trung bình tại địa phương tại thời điểm hỗ trợ.
Điều 17. Nguồn vốn thực hiện hỗ
trợ ổn định đời sống và sản xuất cho người dân sau tái định cư
1. Vốn ngân sách nhà nước.
2. Vốn lồng ghép của các chương trình, dự án sử dụng vốn ngân sách Nhà nước trên địa
bàn.
Điều 18. Lập và thực hiện dự
án ổn định đời sống và sản xuất cho người dân sau tái định cư
Ủy ban nhân
dân cấp tỉnh căn cứ quy định tại Điều 16, 17 Quyết định này, chỉ đạo lập Dự án
đầu tư ổn định đời sống và sản xuất cho người dân sau tái định cư các dự án thủy
lợi, thủy điện trên địa bàn phù hợp với
quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định, trình Thủ tướng
Chính phủ xem xét quyết định.
Chương IV
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 19. Trách nhiệm của các Bộ,
ngành Trung ương
1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn:
a) Hướng dẫn quy trình, thủ tục:
Lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư ổn định đời sống và sản xuất cho người
dân sau tái định cư các dự án thủy lợi,
thủy điện (gọi tắt là Dự án); đăng ký vốn
thực hiện Dự án; giám sát quá trình thực hiện và báo cáo kết quả thực hiện Dự
án;
b) Trên cơ sở tình hình triển khai và nhu cầu vốn
hàng năm của các dự án đầu tư ổn định đời sống và sản xuất cho người dân sau
tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện; tổng hợp, đề xuất với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính về kế hoạch vốn
hàng năm cho các Dự án;
c) Tổng hợp các danh mục, công trình các nội dung hỗ
trợ, phù hợp với quy định tại Quyết định này đối với Dự án đầu tư ổn định đời sống
và sản xuất cho người dân sau tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh lập, trước khi trình
Thủ tướng Chính phủ phê duyệt;
d) Chủ trì tổ chức, phối hợp với các Bộ, ngành và
các địa phương thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát trong quá trình triển
khai thực hiện các Dự án theo Quyết định này; tổ chức tổng kết đánh giá kết quả
thực hiện Quyết định này theo định kỳ hàng năm, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Phát hiện những tồn tại, khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, trình
Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư:
a) Chủ trì, phối hợp với các Bộ: Tài chính, Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn căn cứ vào nhu cầu vốn của các Dự án đã được phê
duyệt để tổng hợp nhu cầu vốn ngân sách trung ương cho việc thực hiện;
b) Hàng năm, căn cứ vào khả năng cân đối vốn đầu tư
của ngân sách trung ương, tình hình triển
khai và nhu cầu vốn hàng năm của các Dự án theo đề xuất của Bộ Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính,
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan liên quan dự kiến nguồn vốn
từ ngân sách nhà nước cho chính sách này, trên cơ sở đó tổng hợp chung trong tổng
dự toán ngân sách nhà nước hàng năm, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội xem xét,
quyết định theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
3. Bộ Tài chính:
a) Thực hiện cân đối tài chính hàng năm để bố trí vốn
từ ngân sách nhà nước cho việc thực hiện chính sách này;
b) Chủ trì hướng dẫn, kiểm tra, quản lý và cấp
phát, thanh toán, quyết toán vốn bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và vốn dự án đầu
tư ổn định đời sống và sản xuất cho người dân sau tái định cư các dự án thủy lợi, thủy
điện.
4. Bộ Công Thương: Hướng dẫn,
kiểm tra việc xây dựng quy hoạch phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp gắn
với sản xuất và chế biến sản phẩm nông, lâm nghiệp ở vùng dự án thủy lợi, thủy
điện.
5. Bộ Xây dựng: Hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện
quy hoạch xây dựng các điểm tái định cư nông thôn, tái định cư đô thị, quy hoạch
xây dựng nhà ở, xây dựng nông thôn mới; về tiêu chuẩn, định mức, dự toán xây dựng
các công trình trong khu, điểm tái định cư.
6. Bộ Tài nguyên và Môi trường: Chủ trì hướng dẫn,
kiểm tra việc lập hồ sơ địa chính, thu hồi đất, giao đất và cấp Giấy chứng nhận
quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho hộ
tái định cư phù hợp với đặc điểm, điều kiện ở vùng dự án thủy lợi, thủy
điện.
7. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội: Chủ trì, phối
hợp với các Bộ, ngành liên quan trình Thủ tướng Chính phủ quyết định cơ chế,
chính sách giải quyết việc làm và đào tạo nghề cho người bị thu hồi đất nông
nghiệp chuyển đổi nghề nghiệp.
8. Các Bộ, ngành khác: Theo chức năng nhiệm vụ của
từng Bộ, ngành có trách nhiệm phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn, Ủy ban nhân dân các tỉnh xử lý các
vấn đề liên quan trong quá trình triển khai thực hiện Quyết định này.
Điều 20. Trách nhiệm của Chủ đầu
tư
Chủ đầu tư các công trình thủy lợi, thủy điện: Phối
hợp chặt chẽ với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh,
huyện, xã có công trình để tổ chức thực hiện có hiệu quả dự án; bảo đảm kinh
phí và kịp thời cho công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư của các dự án tại
các địa phương.
Điều 21. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh
1. Tổ chức lập dự án đầu tư ổn
định đời sống và sản xuất cho người dân sau tái định cư các dự án thủy lợi, thủy
điện theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Chỉ đạo các cơ
quan chức năng tổ chức thực hiện dự án theo các quy định hiện hành và quy định
tại Quyết định này.
2. Đăng ký vốn dự án, kế hoạch sử dụng vốn ngân
sách trung ương hàng năm với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để cân đối,
tổng hợp, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ
Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.
3. Phối hợp các Bộ, ngành thu xếp vốn hàng năm và
triển khai thực hiện đầu tư dự án theo các quy định hiện hành, đảm bảo đúng tiến
độ. Thường xuyên kiểm tra, giám sát việc quản lý thực hiện dự án tại địa phương
và thực hiện chế độ báo cáo theo quy định; hàng quý báo cáo công tác quản lý và
sử dụng vốn đầu tư từ ngân sách trung
ương theo quy định, gửi về các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính và Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn.
4. Chỉ đạo và thực hiện lồng ghép các chương trình,
dự án hiện có trên địa bàn để đầu tư phát triển kinh tế - xã hội ở các khu, điểm
tái định cư và phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư các dự án thủy lợi, thủy điện
trong việc tổ chức thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và hỗ trợ
ổn định đời sống và sản xuất cho người dân sau tái định cư các dự án thủy lợi, thủy
điện.
5. Tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân chấp
hành nghiêm chính sách tại Quyết định này nhằm bảo đảm tiến độ thực hiện dự án
đầu tư xây dựng công trình thủy lợi, thủy điện.
Chương V
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 22. Hiệu lực thi hành
1. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày
15 tháng 01 năm 2015.
2. Bãi bỏ Quyết định số 34/2010/QĐ-TTg ngày 08 tháng
4 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy định về bồi thường, hỗ
trợ và tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện.
Điều 23. Điều khoản chuyển tiếp
1. Đối với
quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất: Các dự án,
hạng mục đã chi trả xong bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và những dự án, hạng mục
đã phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ,
tái định cư trước thời điểm Quyết định này có hiệu lực thi hành thì không áp dụng
theo Quyết định này.
2. Đối với quy định về hỗ trợ ổn định đời sống và sản
xuất cho người dân sau tái định cư: Các dự án thủy
lợi, thủy điện quy định tại Điểm a, Điểm b Khoản 1 Điều 1 Quyết định này đã hoàn
thành công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư từ sau năm 2006.
Điều 24. Trách nhiệm thi hành
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc
Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- HĐND, UBND các tỉnh, TP trực thuộc
TW;
- Văn phòng TW và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các UB của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- UB Giám sát tài chính Quốc gia;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban TW Mặt trận Tổ quốc Việt Nạm;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTCP, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: Văn thư, KTN (3b).KN.
|
THỦ TƯỚNG
Nguyễn Tấn Dũng
|