ỦY BAN NHÂN
DÂN
TỈNH VĨNH LONG
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 482/QĐ-UBND
|
Vĩnh Long,
ngày 28 tháng 02 năm 2019
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH THỰC HIỆN ĐỀ ÁN CHĂM SÓC VÌ SỰ
PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN CỦA TRẺ EM TRONG NHỮNG NĂM ĐẦU ĐỜI TẠI GIA ĐÌNH VÀ CỘNG ĐỒNG
TỈNH VĨNH LONG, GIAI ĐOẠN 2019-2025
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH VĨNH LONG
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương
ngày 19/6/2015;
Căn cứ Quyết định số 1437/QĐ-TTg ngày
29/10/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án chăm sóc vì sự phát triển
toàn diện trẻ em trong những năm đầu đời tại gia đình và cộng đồng giai đoạn
2018-2025;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Lao động - Thương
binh và Xã hội tại Tờ trình số 30/TTr-SLĐTBXH ngày 22/02/2019,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1.
Phê duyệt Kế hoạch số 10/KH-SLĐTBXH ngày 22/02/2019 của
Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội về việc thực hiện Đề án chăm sóc
vì sự phát triển toàn diện của trẻ em trong những năm đầu đời tại gia đình và cộng
đồng tỉnh Vĩnh Long, giai đoạn 2019-2025.
Điều 2.
Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có trách
nhiệm phối hợp với thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức thực hiện tốt
Kế hoạch nêu trên.
Đề nghị lãnh đạo Uỷ ban Mặt
trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Vĩnh Long và lãnh đạo các hội, đoàn thể có liên quan
phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức thực hiện tốt các nội
dung của Kế hoạch.
Điều 3.
Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc sở, ban, ngành,
đoàn thể tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm thi
hành quyết định này.
Quyết định này có hiệu lực kể
từ ngày ký./.
|
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Lữ Quang Ngời
|
UBND TỈNH VĨNH
LONG
SỞ LAO ĐỘNG THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
10/KH-SLĐTBXH
|
Vĩnh Long,
ngày 22 tháng 02 năm 2019
|
KẾ HOẠCH
THỰC HIỆN ĐỀ ÁN CHĂM SÓC VÌ SỰ PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN
CỦA TRẺ EM TRONG NHỮNG NĂM ĐẦU ĐỜI TẠI GIA ĐÌNH VÀ CỘNG ĐỒNG TỈNH VĨNH LONG
GIAI ĐOẠN 2019 - 2025
I. ĐẶC ĐIỂM
TÌNH HÌNH; KẾT QUẢ CÔNG TÁC BẢO VỆ, CHĂM SÓC, GIÁO DỤC TRẺ EM
Tỉnh Vĩnh Long có 8 đơn vị
hành chính gồm 06 huyện, 01 thị xã và 01 thành phố; 109 xã, phường, thị trấn;
dân số khoảng 1.051.000 người. Toàn tỉnh có 209.882 trẻ em dưới 16 tuổi, chiếm
19,94% dân số, trong đó: có 64.937 trẻ em dưới 6 tuổi, chiếm 6,17% dân số;
2.388 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; 14.650 trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh
đặc biệt.
Trong những năm qua, các cấp
Ủy Đảng, chính quyền đã xây dựng và triển khai các kế hoạch thực hiện công tác
bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em. Trên cơ sở nền tảng của Luật Trẻ em với đầy
đủ các quyền của trẻ em, trách nhiệm các bên liên quan trong việc đảm bảo quyền
của trẻ; các chính sách liên quan đến bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; các
chương trình đề án về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em được phê duyệt và triển
khai trong đó ưu tiên cho nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em dễ bị tổn
thương; sức khỏe của trẻ em được chăm sóc tốt hơn các bệnh dịch nguy hiểm đẩy
lùi, trẻ em được tiếp cận với giáo dục tốt hơn cả về kiến thức, kỹ năng. Qua
đó, quyền sống và phát triển của trẻ được đảm bảo, nhờ vậy các em có thể chủ động
tham gia các quyền được học tập để trang bị cho mình thêm kiến thức cũng như
các kỹ năng.
Công tác bảo vệ, chăm sóc và
giáo dục trẻ em đến hiện nay đạt nhiều kết quả đáng kể (tính đến cuối năm
2018): Tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi giảm còn 11,4%,
suy dinh dưỡng thể cân nhẹ ở trẻ em dưới 5 tuổi giảm còn 10,2%; phổ cập giáo dục
mầm non 05 tuổi 17.415 học sinh đạt 100%; tỷ lệ huy động mẫu giáo đạt 90.1%, học
sinh đến trường bậc tiểu học đạt 100%, bậc THCS trở lên đạt 86.35%; các hoạt động
vui chơi, giải trí, thể dục, thể thao cho trẻ em được các cấp quan tâm thực hiện
thông qua nhiều kênh, nhiều hình thức; công tác bảo vệ, chăm sóc, hỗ trợ và can
thiệp đối với trẻ em tiếp tục được tăng cường.
Bên cạnh đó, việc triển khai
thực hiện chăm sóc phát triển toàn diện trẻ em tại tỉnh vẫn còn một số thách thức,
chủ yếu là do đời sống thu nhập của người dân trong tỉnh vẫn còn thấp, tình
hình an ninh trật tự, tệ nạn xã hội vẫn còn tiềm ẩn các yếu tố phức tạp; kiến
thức kỹ năng về chăm sóc phát triển toàn diện trẻ em của các cá nhân, của cha mẹ,
người chăm sóc trẻ, cộng đồng còn hạn chế. Ngoài ra, chưa có sự kết nối giữa
các dịch vụ hỗ trợ can thiệp và thiếu các gói dịch vụ chăm sóc phát triển toàn
diện trẻ em. Do đó, tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em vẫn còn cao, nhất là suy dinh
dưỡng thể thấp còi; vẫn còn tình trạng trẻ em bị lạm dụng, bị bạo lực và việc
tiếp cận học tập sớm cho trẻ dưới 3 tuổi còn thấp; số trẻ em bị tử vong do đuối
nước chưa được kéo giảm.
Để trẻ em được phát triển
toàn diện, các bằng chứng khoa học và thực tiễn đã chỉ ra rằng cần phải hỗ trợ
can thiệp sớm những năm đầu đời của trẻ, can thiệp mang tính đa ngành, toàn diện
và liên tục, trẻ em phải được tiếp cận các dịch vụ mang tính toàn diện và đây
là một vấn đề rất quan trọng. Phát triển toàn diện trẻ em đòi hỏi các ngành phải
hỗ trợ từ sớm và can thiệp liên ngành. Do vậy, các can thiệp này sẽ rất phù hợp
để hỗ trợ đảm bảo cho trẻ em được hưởng trọn vẹn các quyền của mình. Đồng thời
giúp giảm nguy cơ bất bình đẳng lan rộng, tăng tỷ lệ phạm tội, thất nghiệp, bạo
lực và nghèo đói liên thế hệ, các vấn đề về sức khỏe tâm thần , thể chất và sự
mất tin tưởng trong xã hội. Việc cung cấp dịch vụ toàn diện sẽ đảm bảo các em
được hưởng một tuổi thơ an toàn, hạnh phúc và có cơ hội tốt hơn để phát triển tự
tin và là nguồn nhân lực có chất lượng cho đất nước trong tương lai. Bên cạnh
đó, các dịch vụ phát triển trẻ em toàn diện có thể được nâng tầm để củng cố sự
gắn kết xã hội chiều ngang giữa các nhóm và sự gắn kết xã hội chiều dọc giữa
các cơ quan nhà nước với người dân.
II. MỤC
TIÊU CỦA KẾ HOẠCH
1. Mục tiêu chung:
Bảo đảm cho trẻ em đến 8 tuổi
được phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ, tinh thần; được bình đẳng tiếp
cận với các dịch vụ hỗ trợ chăm sóc phát triển toàn diện theo độ tuổi nhằm thực
hiện các quyền của trẻ em, góp phần phát triển nguồn nhân lực của tỉnh và quốc
gia.
2. Mục tiêu cụ thể đến năm
2020:
a) Phấn đấu 70% trẻ em đến 8
tuổi được tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ chăm sóc phát triển toàn diện theo nhu cầu
và phù hợp với độ tuổi về chăm sóc sức khỏe, giáo dục, dinh dưỡng, chăm sóc
nuôi dưỡng, bảo vệ trẻ em, phúc lợi xã hội.
b) Phấn đấu 70% cán bộ làm
công tác liên quan đến trẻ em tại các cơ sở khám chữa bệnh, cơ sở giáo dục, cơ
sở nuôi dưỡng trẻ em, cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em, cán bộ tại cộng đồng,
cha mẹ, người chăm sóc trẻ em được cung cấp kiến thức, kỹ năng liên quan để hỗ
trợ, chăm sóc phát triển toàn diện trẻ em.
c) Phấn đấu tỉnh có 2/8 huyện,
thị xã, thành phố xây dựng mạng lưới kết nối và chuyển tuyến các dịch vụ chăm
sóc phát triển toàn diện trẻ em; triển khai theo dõi, đánh giá nhu cầu của trẻ
em đến 8 tuổi và thí điểm mô hình chăm sóc phát triển toàn diện trẻ em tại gia
đình và cộng đồng.
3. Mục tiêu giai đoạn 2021 –
2025
a) Phấn đấu 90% trẻ em đến 8
tuổi được tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ chăm sóc phát triển toàn diện theo nhu cầu
và phù hợp với độ tuổi về chăm sóc sức khỏe, giáo dục, dinh dưỡng, chăm sóc
nuôi dưỡng, bảo vệ trẻ em, phúc lợi xã hội.
b) Phấn đấu 90% cán bộ làm
công tác liên quan đến trẻ em tại các cơ sở khám chữa bệnh, cơ sở giáo dục, cơ
sở nuôi dưỡng trẻ em, cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em, cán bộ tại cộng đồng,
cha mẹ, người chăm sóc trẻ em được cung cấp kiến thức, kỹ năng liên quan để hỗ
trợ, chăm sóc phát triển toàn diện trẻ em.
c) Phấn đấu tỉnh có 6/8 huyện,
thị xã, thành phố xây dựng và duy trì mạng lưới kết nối và chuyển tuyến các dịch
vụ chăm sóc phát triển toàn diện trẻ em; triển khai theo dõi, đánh giá nhu cầu
của trẻ em đến 8 tuổi và thí điểm mô hình chăm sóc phát triển toàn diện trẻ em
tại gia đình và cộng đồng.
III. ĐỐI
TƯỢNG, PHẠM VI, THỜI GIAN THỰC HIỆN
1. Đối tượng:
- Trẻ em từ 0 đến 8 tuổi.
- Các cơ quan, tổ chức, cá
nhân có liên quan.
2. Thời gian thực hiện: từ
năm 2019 đến năm 2025.
3. Phạm vi thực hiện: trên
toàn tỉnh.
IV. NHIỆM
VỤ VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU
1. Truyền thông nâng cao nhận
thức về chăm sóc phát triển toàn diện trẻ em trong những năm đầu đời cho các cấp,
các ngành, cha mẹ, người chăm sóc trẻ em và cộng đồng.
2. Nâng cao năng lực cho đội
ngũ cán bộ liên quan đến công tác trẻ em của các ngành, đoàn thể các cấp, các
cơ sở cung cấp dịch vụ về các kiến thức, kỹ năng liên quan đến chăm sóc phát
triển toàn diện trẻ em những năm đầu đời.
3. Thực hiện rà soát và kiến
nghị hoàn thiện khuôn khổ pháp luật, chính sách về chăm sóc phát triển toàn diện
trẻ em những năm đầu đời.
4. Tư vấn, hướng dẫn, giáo dục
cho cha mẹ, người chăm sóc trẻ em các kiến thức kỹ năng chăm sóc phát triển
toàn diện trẻ em đến 8 tuổi. Xây dựng Chương trình tư vấn, giáo dục làm cha mẹ
về chăm sóc phát triển toàn diện trẻ em những năm đầu đời. Thí điểm triển khai
Chương trình và chỉ đạo triển khai trên toàn tỉnh.
5. Trẻ em đến 8 tuổi được tiếp
cận với các dịch vụ chăm sóc phát triển toàn diện trẻ em phù hợp với nhu cầu
phát triển và độ tuổi. Ưu tiên tư vấn, hướng dẫn việc chăm sóc trẻ em trong
1.000 ngày đầu đời và phụ nữ mang thai, hỗ trợ giáo dục sớm, chăm sóc nuôi dưỡng
trong môi trường an toàn, lành mạnh, bảo đảm phúc lợi xã hội và bảo vệ khỏi xâm
hại, bạo lực.
6. Xây dựng cơ chế phối hợp
liên ngành, mạng lưới kết nối chuyển tuyến dịch vụ hỗ trợ chăm sóc phát triển
toàn diện trẻ em những năm đầu đời tại gia đình và cộng đồng. Thí điểm triển
khai các mô hình và tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm hướng dẫn nhân rộng mô
hình sau 2 năm triển khai. Thí điểm thực hiện khung đo lường phát triển toàn diện
trẻ em khi được Trung ương đầu tư.
7. Theo dõi, giám sát, đánh
giá về tình hình triển khai thực hiện kế hoạch, chất lượng các dịch vụ chăm sóc
phát triển toàn diện trẻ em và môi trường hỗ trợ việc tiếp cận các dịch vụ cho
trẻ em.
8. Tăng cường huy động nguồn
lực từ các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước nhằm thực hiện hiệu quả
công tác chăm sóc phát triển toàn diện trẻ em những năm đầu đời.
V. KINH
PHÍ THỰC HIỆN
Kinh phí thực hiện kế hoạch
bao gồm:
1. Được bố trí trong dự toán
chi ngân sách nhà nước hàng năm của các sở, ngành, địa phương theo phân cấp
ngân sách nhà nước hiện hành. Lồng ghép từ nguồn kinh phí thực hiện một số
chương trình, đề án có liên quan đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
2. Huy động nguồn lực của
các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, các nguồn hợp pháp khác.
3. Căn cứ nhiệm vụ được giao
tại kế hoạch này, các sở, ngành, địa phương chủ động lập dự toán chi hàng năm,
trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
VI. TỔ CHỨC
THỰC HIỆN
1. Sở Lao động - Thương binh
và Xã hội là cơ quan chủ trì thực hiện kế hoạch, phối hợp với các sở, ngành
liên quan chịu trách nhiệm:
a) Tổ chức triển khai, hướng
dẫn thực hiện kế hoạch trên phạm vi toàn tỉnh.
b) Tổ chức các hoạt động
truyền thông, nâng cao năng lực về chăm sóc phát triển toàn diện trẻ em.
c) Phối hợp các sở ngành rà
soát, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hệ thống chính sách,
pháp luật về chăm sóc phát triển toàn diện trẻ em.
d) Xây dựng mạng lưới kết nối,
lồng ghép dịch vụ chăm sóc phát triển toàn diện trẻ em; hỗ trợ trẻ em tiếp cận
các dịch vụ về chăm sóc nuôi dưỡng, bảo vệ, chăm sóc trẻ em và phúc lợi xã hội.
đ) Triển khai thí điểm các
mô hình kết nối dịch vụ chuyển tuyến chăm sóc phát triển toàn diện trẻ em; xây
dựng Chương trình tư vấn, giáo dục làm cha mẹ về chăm sóc phát triển toàn diện
trẻ em những năm đầu đời, thí điểm và triển khai Chương trình khi có đầu tư của
Trung ương.
e) Theo dõi, giám sát, đánh
giá về tình hình thực hiện kế hoạch; định kỳ tổ chức sơ kết, tổng kết, đánh giá
việc thực hiện kế hoạch.
2. Sở Giáo dục và Đào tạo chủ
trì triển khai hỗ trợ giáo dục phù hợp cho trẻ em đến 8 tuổi; hỗ trợ giáo dục sớm
cho trẻ em và triển khai giáo dục kỹ năng cho trẻ em trước tuổi đi học và học
sinh tiểu học; hướng dẫn giáo dục phù hợp đảm bảo sự phát triển toàn diện trẻ
em tại cộng đồng; triển khai thí điểm các mô hình theo chức năng của ngành.
3. Sở Y tế chủ trì triển
khai cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và dinh dưỡng đảm bảo sự phát triển
toàn diện trẻ em; hướng dẫn chăm sóc sức khỏe trẻ em đảm bảo sự phát triển toàn
diện trẻ em; triển khai thí điểm các mô hình theo chức năng của ngành.
4. Sở Văn hóa, Thể thao và
Du lịch chủ trì triển khai cung cấp các dịch vụ đảm bảo các điều kiện cho trẻ
em tham gia hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch phù hợp với đặc điểm lứa tuổi
và sự phát triển toàn diện của trẻ em; lồng ghép nội dung chăm sóc phát triển
toàn diện trẻ em trong xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc và trong
giáo dục đời sống gia đình; phối hợp hỗ trợ các dịch vụ liên quan đến phát triển
toàn diện trẻ em trong gia đình.
5. Sở Kế hoạch và Đầu tư phối
hợp với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội và các sở, ngành liên quan lồng
ghép đưa các mục tiêu, chỉ tiêu về chăm sóc phát triển toàn diện trẻ em vào kế
hoạch phát triển kinh tế - xã hội quốc gia, các sở, ngành và địa phương.
6. Sở Tài chính căn cứ khả
năng ngân sách nhà nước trình cấp có thẩm quyền bố trí kinh phí thực hiện kế hoạch
và lồng ghép với các chương trình, đề án hiện hành của Nhà nước theo quy định của
Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn Luật; phối hợp với Sở Lao động
- Thương binh và Xã hội thanh tra, kiểm tra việc sử dụng kinh phí thực hiện kế
hoạch.
7. Các sở, ban, ngành, đoàn
thể theo chức năng, nhiệm vụ của mình tham gia triển khai hỗ trợ thực hiện kế
hoạch chăm sóc vì sự phát triển toàn diện trẻ em trong những năm đầu đời tại
gia đình và cộng đồng.
8. Đề nghị Uỷ ban Mặt trận Tổ
quốc Việt Nam tỉnh Vĩnh Long, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ
Chí Minh, Hội Nông dân tỉnh Vĩnh Long và các tổ chức thành viên của Mặt trận và
các tổ chức xã hội, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình, tham gia tổ chức
triển khai kế hoạch; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận
thức về chăm sóc phát triển toàn diện trẻ em những năm đầu đời trong tổ chức
mình; triển khai các mô hình; tham gia xây dựng chính sách, pháp luật; tham gia
xây dựng và triển khai chương trình tư vấn, giáo dục làm cha, mẹ về chăm sóc
phát triển toàn diện trẻ em; giám sát việc thực hiện pháp luật, chính sách về
chăm sóc phát triển toàn diện trẻ em.
9. Uỷ ban nhân dân các huyện,
thị xã, thành phố chịu trách nhiệm:
a) Triển khai thực hiện kế
hoạch tại địa phương theo hướng dẫn của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và
các sở, ngành có liên quan.
b) Xây dựng kế hoạch triển
khai thực hiện, trong đó chú trọng việc triển khai xây dựng mạng lưới kết nối dịch
vụ chăm sóc phát triển toàn diện trẻ em những năm đầu đời; hỗ trợ trẻ em đến 8
tuổi được tiếp cận với các dịch vụ; triển khai mô hình, đánh giá, nhân rộng mô
hình tại địa phương; triển khai Chương trình tư vấn, giáo dục làm cha mẹ về
chăm sóc phát triển toàn diện trẻ em những năm đầu đời khi có hướng dẫn.
c) Bố trí ngân sách thực hiện
kế hoạch theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.
d) Huy động nguồn lực triển
khai kế hoạch tại địa phương; lồng ghép việc thực hiện có hiệu quả kế hoạch này
với các chương trình, đề án, kế hoạch khác có liên quan tại địa phương.
đ) Thường xuyên kiểm tra,
giám sát, đánh giá và định kỳ hàng năm báo cáo Sở Lao động - Thương binh và Xã
hội về tình hình thực hiện kế hoạch tại địa phương để tổng hợp, báo cáo Uỷ ban
nhân dân tỉnh và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Trên đây là Kế hoạch thực hiện
Đề án chăm sóc vì sự phát triển toàn diện trẻ em trong những năm đầu đời tại gia
đình và cộng đồng của tỉnh Vĩnh Long, giai đoạn 2019 - 2025./.
|
KT. GIÁM ĐỐC
PHÓ GIÁM ĐỐC
Phan Hồng Hạnh
|