ỦY BAN NHÂN
DÂN
TỈNH ĐỒNG NAI
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
48/2016/QĐ-UBND
|
Đồng Nai, ngày
25 tháng 8 năm 2016
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ THỰC HIỆN NẾP SỐNG VĂN MINH TRONG VIỆC CƯỚI,
VIỆC TANG VÀ LỄ HỘI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG NAI
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương
ngày 19/6/2015;
Căn cứ Nghị định số 103/2009/NĐ-CP ngày
06/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế hoạt động văn hóa và kinh
doanh dịch vụ văn hóa công cộng;
Căn cứ Quyết định số 308/2005/QĐ-TTg ngày
25/11/2005 của Thủ tướng Chính phủ ban hành kèm theo quy chế thực hiện nếp sống
văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội;
Căn cứ Thông tư số 04/2011/TT-BVHTTDL ngày
21/01/2011 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định về thực hiện nếp sống
văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội;
Căn cứ Thông tư số 15/2015/TT-BVHTTDL ngày
22/12/2015 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định về tổ chức lễ hội;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Văn hóa, Thể
thao và Du lịch tại Tờ trình số 894/TTr-VHTTDL ngày 26/4/2016.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về
thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội trên địa bàn tỉnh
Đồng Nai.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ
ngày 01 tháng 10 năm 2016 và thay thế Quyết định số
36/2008/QĐ-UBND ngày 06 tháng 5 năm 2008 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai ban hành Quy định về thực hiện nếp sống văn minh trong
việc cưới, việc tang và lễ hội.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã
Long Khánh, thành phố Biên Hòa; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và các tổ chức,
cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Nguyễn Hòa Hiệp
|
QUY ĐỊNH
VỀ THỰC HIỆN NẾP SỐNG VĂN MINH TRONG VIỆC CƯỚI, VIỆC
TANG VÀ LỄ HỘI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG NAI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 48/2016/QĐ-UBND ngày 25 tháng 8 năm 2016 của
Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai)
Chương
I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều
1. Phạm vi điều chỉnh
Quy định này quy định về thực
hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội được tổ chức trên địa
bàn tỉnh Đồng Nai.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân và gia đình có
trách nhiệm thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội
theo Quy định này.
2. Cán bộ, công chức, viên chức
trong các cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp của Nhà nước; tổ chức
chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp; sỹ quan,
quân nhân chuyên nghiệp, hạ sỹ quan, chiến sỹ trong các đơn vị thuộc lực lượng
vũ trang (Quân đội nhân dân, Công an nhân dân) phải gương mẫu thực hiện và có
trách nhiệm vận động gia đình, cộng đồng dân cư thực hiện Quy định này.
Điều
3. Nguyên tắc tổ chức việc cưới, việc tang và lễ hội
1. Không trái với thuần phong mỹ tục của dân tộc;
không để xảy ra các hoạt động mê tín dị đoan như: Xem số, xem bói, xóc quẻ, gọi
hồn, cầu cơ, yểm bùa và các hình thức mê tín dị đoan khác.
2. Không lợi dụng việc cưới, việc tang và lễ hội
để hoạt động nhằm kinh doanh, vụ lợi; chia rẽ đoàn kết dân tộc, gây mất đoàn kết
trong cộng đồng, dòng họ và gia đình.
3. Không làm ảnh hưởng đến an toàn giao thông và
trật tự, an toàn công cộng.
4. Không tổ chức hoặc tham gia đánh bạc dưới mọi
hình thức.
5. Không được sử dụng thời gian làm việc và
phương tiện của cơ quan đi đám cưới, lễ hội (trừ cơ quan làm nhiệm vụ).
6. Tổ chức việc cưới, tang và lễ hội phải bảo đảm
tiết kiệm, chống phô trương, lãng phí.
Chương
II
NẾP SỐNG VĂN
MINH TRONG VIỆC CƯỚI
Điều 4. Quy định tổ chức việc
cưới
Việc cưới phải được tổ chức theo quy định của Luật
Hôn nhân và gia đình, pháp luật về đăng ký và quản lý hộ tịch và các quy định
pháp luật khác có liên quan.
Điều 5.
Đăng ký kết hôn và trao giấy chứng nhận kết hôn
1. Đôi nam nữ sắp kết hôn phải thực hiện đăng ký
kết hôn tại trụ sở UBND xã, phường, thị trấn nơi cư trú của một trong hai người
theo quy định của pháp luật.
2. UBND xã, phường, thị trấn có trách nhiệm hướng
dẫn và tổ chức việc đăng ký kết hôn theo đúng thủ tục do pháp luật quy định.
3. UBND xã, phường, thị trấn
có trách nhiệm tổ chức trao giấy chứng nhận kết hôn cho đôi nam nữ đã hoàn
thành thủ tục đăng ký kết hôn theo quy định của pháp luật.
Điều 6. Tổ
chức lễ cưới
1. Lễ cưới chỉ được tổ chức
khi đã có giấy chứng nhận kết hôn.
2. Trang trí lễ cưới và trang
phục cô dâu, chú rể lịch sự, phù hợp với truyền thống văn hóa dân tộc.
3. Lễ cưới được thực hiện theo
phong tục, tập quán, bản sắc văn hóa dân tộc ở từng địa phương nhưng không được
trái với quy định của pháp luật hiện hành. Đảm bảo trang trọng, vui tươi, lành
mạnh, phù hợp với phong tục, tập quán, truyền thống văn hóa của từng địa
phương, dân tộc, tôn giáo và phù hợp với hoàn cảnh của hai gia đình.
4. Các thủ tục cưới, hỏi được
tổ chức theo phong tục, tập quán phù hợp với điều kiện kinh tế của hai gia đình
nhưng không phô trương, rườm rà và nặng về vật chất.
5. Các đối tượng quy định tại Khoản 2, Điều 2 của Quy định
này không tổ chức việc cưới, không mời, không dự tiệc cưới trong giờ làm việc;
không sử dụng thời gian trong giờ làm việc, công quỹ và phương tiện của cơ
quan, đơn vị để tổ chức đi hoặc dự đám cưới.
6. Âm nhạc trong đám cưới phải
lành mạnh, vui tươi, độ ồn âm thanh không vượt quá giới hạn cho phép theo Quy
chuẩn kỹ thuật Quốc gia về tiếng ồn (QCVN 26:2010/BTNMT) được ban hành theo
Thông tư số 39/2010/TT-BTNMT ngày 16/12/2010 của Bộ Tài nguyên và Môi trường;
không mở nhạc trước 06 giờ sáng và sau 22 giờ đêm.
Điều 7.
Khuyến khích thực hiện việc cưới theo các hình thức sau
1. Lễ trao giấy chứng nhận kết
hôn được tổ chức trang trọng tại UBND xã, phường, thị trấn, hoặc Trung tâm Văn
hóa Thể thao - Học tập cộng đồng, Nhà Văn hóa ấp, khu phố nơi cư trú của đôi
nam nữ đăng ký kết hôn.
2. Báo hỷ thay cho mời dự lễ
cưới, tiệc cưới.
3. Cô dâu chú rể và gia đình mặc
trang phục truyền thống của dân tộc mình trong ngày cưới.
4. Tổ chức tiệc cưới gọn nhẹ,
tiết kiệm, hạn chế dùng rượu bia và không dùng thuốc lá trong đám cưới.
5. Cơ quan, tổ chức, đoàn thể,
doanh nghiệp đứng ra tổ chức lễ cưới và đám cưới tập thể cho công chức, viên chức,
người lao động, đặc biệt cho đối tượng là công nhân lao động, thanh niên.
6. Cô dâu, chú rể và gia đình
đặt hoa tại đài tưởng niệm, nghĩa trang liệt sỹ, di tích lịch sử - văn hóa.
Chương
III
NẾP SỐNG VĂN
MINH TRONG VIỆC TANG
Điều 8. Quy định tổ chức việc
tang
Việc tang phải được tổ chức
theo quy định của pháp luật về đăng ký và quản lý hộ tịch, pháp luật về bảo vệ môi
trường, pháp luật về y tế và các quy định pháp luật khác có liên quan.
Điều 9.
Khai tử
Khi có người qua đời, gia đình
hoặc thân nhân phải làm thủ tục khai tử trước khi tổ chức lễ tang theo quy định
của pháp luật.
Điều 10.
Tổ chức việc tang
1. Gia đình có người qua đời,
cử người báo cáo chính quyền xã, phường, thị trấn để tổ chức việc tang.
2. Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn có trách
nhiệm tạo điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức lễ tang chu đáo; vận động gia
đình có người qua đời xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, các hành vi mê tín dị đoan
trong lễ tang, không rắc rải vàng mã trên đường đưa tang. Vận động các cơ sở
mai táng hạn chế cung cấp vàng mã trong đám tang.
3. Tang phục theo phong tục của từng địa phương,
từng dân tộc, có thể dùng vải màu trắng, màu đen hoặc chỉ dùng khăn tang theo
quy cách truyền thống, bỏ dần tục đội mũ rơm, chống gậy.
4. Cờ tang theo phong tục của
từng địa phương, từng dân tộc và từng tôn giáo. Chỉ treo cờ tang tập trung tại
địa điểm tổ chức lễ tang.
5. Không cử nhạc tang trước 06
giờ sáng và sau 22 giờ đêm; âm thanh đảm bảo không vượt quá độ ồn cho phép theo
quy định tại Khoản 6, Điều 6 Quy định này.
Trường hợp người từ trần theo
một tôn giáo hoặc là đồng bào dân tộc thiểu số, trong tang lễ được sử dụng nhạc
tang của tôn giáo hoặc của dân tộc thiểu số đó; không sử dụng các nhạc khúc
không phù hợp trong lễ tang (ca khúc chính trị, nhạc trẻ…).
6. Việc tổ chức ăn uống trong lễ tang chỉ thực
hiện trong nội bộ gia đình, dòng họ và phải đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm.
7. Trường hợp người chết không
có gia đình, người thân thì chính quyền cơ sở cùng các đoàn thể hoặc cơ quan,
đơn vị và bà con hàng xóm nơi có người chết có trách nhiệm tổ chức đám tang chu
đáo. Chi phí tổ chức đám tang được lấy từ tài sản của người chết (nếu có) hoặc
từ ngân sách địa phương.
8. Việc khâm liệm, quàn ướp
thi hài thực hiện theo Thông tư số 02/2009/TT-BYT ngày 26 tháng 5 năm 2009 của
Bộ Y tế hướng dẫn vệ sinh trong hoạt động mai táng và hỏa táng đảm bảo các yêu
cầu về vệ sinh môi trường.
9. Thời gian quàn và đưa tang không quá 72 giờ kể từ khi chết.
Trường hợp đặc biệt, muốn kéo dài thời gian tổ chức việc tang thì phải được
chính quyền địa phương chấp thuận, thi hài phải được lưu giữ ở điều kiện nhiệt
độ lạnh, phòng lạnh của bệnh viện hoặc nhà tang lễ đảm bảo các yêu cầu về vệ
sinh trong quàn ướp thi hài.
10. Người chết do bị bệnh dịch
và các bệnh truyền nhiễm thì việc khâm liệm tử thi phải theo hướng dẫn của cơ
quan y tế, thời gian quàn và đưa tang không quá 24 giờ. Khi có khai tử do bệnh
dịch hoặc truyền nhiễm trên địa bàn, chính quyền địa phương tổ chức đến ngay
nơi có người chết bị bệnh dịch hoặc truyền nhiễm thực hiện phòng dịch, xịt thuốc
khử trùng để tránh lây lan dịch bệnh.
Điều 11.
Thành lập Ban Lễ tang
1. Tùy từng đối tượng, chính
quyền địa phương và gia đình thống nhất thành lập Ban Lễ tang để tổ chức lễ
tang theo đúng quy định. Ban Lễ tang thống nhất với gia đình chương trình điều
hành việc tang, thông báo thời gian tổ chức lễ viếng, lễ an táng.
2. Khi tang gia có yêu cầu
giúp đỡ thì chính quyền cơ sở, Hội Chữ thập đỏ, Hội Người cao tuổi, đoàn thể ấp,
khu phố phối hợp lập Ban Tổ chức tang lễ. Ban Tổ chức tang lễ giúp tang chủ tổ
chức chu đáo việc tang trên tinh thần trang trọng, tiết kiệm, tương trợ, đoàn kết
cộng đồng.
Điều 12.
Tổ chức phúng viếng và đưa tang
1. Tổ chức phúng viếng theo hướng
dẫn của gia đình hoặc Ban Tổ chức lễ tang (nếu có). Hạn chế viếng vòng hoa và
câu đối, bức trướng đắt tiền, mang tính phô trương lãng phí.
2. Khi đưa tang phải tuân thủ quy định của pháp luật về an
toàn giao thông, trật tự an toàn công cộng; không rắc rải vàng mã, tiền Việt
Nam hoặc tiền nước ngoài trên đường đưa tang. Xóa bỏ các hủ tục lạc hậu như yểm
bùa, trừ tà, lăn đường, khóc mướn và những nghi thức rườm rà khác.
3. Nghi lễ trong đám tang được
thực hiện theo phong tục, tập quán và tôn giáo ở từng địa phương nhưng không được
trái với quy định của pháp luật hiện hành.
4. Nghiêm cấm lợi dụng việc
tang để hành nghề mê tín dị đoan, tổ chức và tham gia đánh bạc dưới mọi hình thức;
không gây mất trật tự ở ấp, khu phố, nơi dân cư.
Điều 13.
Khuyến khích các hoạt động trong tổ chức việc tang
1. Khuyến khích thời gian quàn và đưa tang không quá 48 giờ.
2. Khuyến khích sử dụng băng
đĩa nhạc thay cho ban nhạc lễ.
3. Thực hiện hình thức hỏa táng, mai táng một lần vào khu vực nghĩa trang đã được quy hoạch.
4. Các tuần tiết theo phong tục (01 tuần, 49 ngày, 100 ngày,
giỗ đầu, giỗ hết tang) chỉ tổ chức trong nội bộ gia đình.
Điều 14.
Một số quy định thêm đối với cán bộ, công chức, viên chức; chiến sỹ lực lượng
vũ trang và hội viên Hội Cựu chiến binh
Đối với cán bộ công chức, viên chức từ trần thực
hiện theo Nghị định số 105/2012/NĐ-CP ngày 17/12/2012 của Chính phủ về tổ chức
lễ tang cán bộ, công chức, viên chức. Đối với quân nhân, công nhân viên chức quốc
phòng từ trần, hy sinh thực hiện theo Thông tư Liên tịch số
114/2005/TTLT-BNV-BQP ngày 01/8/2005 của Bộ Nội vụ - Bộ Quốc
phòng hướng dẫn thực hiện tổ chức lễ tang đối với quân nhân, công nhân viên chức
quốc phòng hy sinh, từ trần. Hội viên Hội Cựu chiến binh qua đời tổ chức
lễ viếng theo hướng dẫn của tổ chức Hội.
Điều 15. Việc chôn cất và
xây cất mộ
1. Việc chôn cất, cải táng, xây mộ phải nằm
trong quy hoạch nghĩa trang và phù hợp với quỹ đất, phong tục tập quán ở địa
phương.
2. Việc xây cất mộ phải thực hiện các quy định của
Bộ Xây dựng.
3. Ủy ban nhân dân các cấp xây dựng quy hoạch, kế
hoạch và đầu tư kinh phí, từng bước xây dựng nhà tang lễ, nghĩa trang thành
công trình văn hóa tưởng niệm của địa phương.
Chương
IV
NẾP SỐNG VĂN
MINH TRONG TỔ CHỨC LỄ HỘI
Điều 16. Các loại hình lễ hội
quy định
1. Lễ hội quy định tại Quy chế hoạt động văn
hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng ban hành kèm theo Nghị định số
103/2009/NĐ-CP ngày 06/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ (sau đây gọi tắt là Quy
chế hoạt động văn hóa) bao gồm: Lễ hội dân gian; lễ hội lịch sử, cách mạng; lễ
hội văn hóa, thể thao, du lịch và lễ hội có nguồn gốc từ nước ngoài tổ chức tại
Việt Nam.
2. Lễ hội tôn giáo do tổ chức Giáo hội hoặc chức
sắc chủ trì phải thực hiện theo quy định của pháp luật về hoạt động tôn giáo và
những quy định có liên quan.
Điều 17. Cấp giấy phép tổ
chức lễ hội
1. Thẩm quyền và thủ tục cấp giấy phép tổ chức lễ
hội thực hiện theo quy định tại Điều 18 Quy chế hoạt động văn hóa. Việc tổ chức
các lễ hội sau phải được phép của Ủy ban nhân dân tỉnh:
a) Lễ hội được tổ chức lần đầu.
b) Lễ hội được khôi phục lại sau nhiều năm gián
đoạn.
c) Lễ hội đã được tổ chức định kỳ nhưng có thay
đổi nội dung, thời gian, địa điểm so với truyền thống.
d) Lễ hội có nguồn gốc từ nước ngoài do tổ chức
nước ngoài hoặc tổ chức Việt Nam tổ chức.
Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép gửi về Sở Văn hóa,
Thể thao và Du lịch trước ngày dự định khai mạc lễ hội ít nhất là 30 ngày làm
việc.
2. Các lễ hội không phải xin cấp phép tổ chức thực
hiện theo quy định tại Điều 19 Quy chế hoạt động văn hóa, bao gồm các lễ hội
sau:
a) Lễ hội dân gian đã được tổ chức thường xuyên,
liên tục, định kỳ; lễ hội văn hóa du lịch.
b) Lễ hội quy định tại các Điểm a, b và c, Khoản
1, Điều 18 Quy chế hoạt động văn hóa được tổ chức từ lần thứ hai trở đi.
Tuy nhiên, trước khi tổ chức phải báo cáo bằng
văn bản với cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền theo hướng dẫn của Bộ Văn
hóa, Thể thao và Du lịch.
Điều 18. Thành lập Ban Tổ
chức lễ hội
1. Tất cả các lễ hội phải thành lập Ban Tổ chức
(trừ trường hợp lễ hội có nguồn gốc nước ngoài do tổ chức nước ngoài thực hiện).
Ban Tổ chức lễ hội có trách nhiệm quản lý, điều hành lễ hội theo đúng chương
trình đã thông báo hoặc xin phép; tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân thực hiện
các nghi lễ truyền thống của lễ hội, thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội.
2. Đối với những lễ hội có quy
mô lớn, tổ chức dài ngày và thu hút đông người tham gia, Ban Tổ chức lễ hội phải
tổ chức họp báo về kế hoạch tổ chức và cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác cho
cơ quan báo chí theo quy định của pháp luật.
Điều 19. Tổ chức lễ hội
1. Lễ hội phải được tổ chức trang trọng, trên cơ
sở bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc; loại bỏ hoặc
thay thế những tập tục không còn phù hợp. Phần hội đảm bảo vui tươi, lành mạnh,
đa dạng về hình thức, phù hợp với quy mô, tính chất, đặc điểm của lễ hội; khuyến
khích tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao dân gian truyền thống.
2. Không tổ chức các lễ hội có nội dung:
a) Mô tả cảnh bạo lực, rùng rợn, kinh dị; các
hành động thỏa mãn của kẻ gây tội ác; các tập tục có yếu tố bạo lực, gây phản cảm
trong lễ hội.
b) Mê tín dị đoan làm mê hoặc người khác, trái với
tự nhiên, gây tác động xấu về nhận thức, bao gồm: Cúng khấn trừ tà ma, chữa bệnh
bằng phù phép; lên đồng phán truyền, xem bói, xin xăm, xóc thẻ, truyền bá sấm
trạng, phù chú, cầu lợi cho mình gây hại cho người khác bằng cách yểm bùa; các
hình thức mê tín dị đoan khác.
3. Lễ hội gắn với di tích lịch sử văn hóa, Ban Tổ
chức phải có phương án bảo vệ di tích, giữ gìn cảnh quan, môi trường phù hợp.
Không tiếp nhận và đưa các hiện vật không đúng quy định vào di tích, lễ hội;
không cơi nới, làm mái tôn, mái che làm biến dạng di tích.
4. Trong khu vực lễ hội, cờ tổ quốc phải được
treo nơi trang trọng, cao hơn cờ hội, cờ tôn giáo; chỉ treo cờ hội, cờ tôn giáo
tại địa điểm lễ hội và trong thời gian tổ chức lễ hội.
5. Thực hiện đúng nội quy, quy định của Ban Tổ
chức lễ hội; tiền công đức, tiền lễ, tiền giọt dầu đặt đúng nơi quy định của
Ban Tổ chức lễ hội, Ban Quản lý di tích; không ném, thả tiền xuống giếng, ao hồ,
cài tiền lên tay tượng thần, thánh, Phật và thực hiện các hành vi phản cảm
khác.
6. Tổ chức lễ hội phải đảm bảo tiết kiệm, không
phô trương hình thức; an toàn giao thông, an ninh trật tự, vệ sinh môi trường,
vệ sinh an toàn thực phẩm và an toàn phòng chống cháy nổ. Không đốt đồ mã trong
khu vực lễ hội. Không đốt pháo, đốt và thả đèn trời. Việc đảm bảo vệ sinh môi
trường trong lễ hội thực hiện theo quy định tại Thông tư Liên tịch số
19/2013/TTLT-BVHTTDL-BTNMT ngày 30/12/2013 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
và Bộ Tài nguyên và Môi trường về hướng dẫn bảo vệ môi trường trong hoạt động
du lịch, tổ chức lễ hội, bảo vệ phát huy giá trị di tích và các quy định pháp
luật khác về thực hiện nếp sống văn minh nơi công cộng.
7. Người tham dự lễ hội phải
ăn mặc lịch sự, phù hợp với thuần phong mỹ tục; thanh lịch - văn minh, ứng xử
có văn hóa và tuân thủ những quy định của Ban Tổ chức lễ hội. Thắp nhang, đốt
vàng mã theo quy định của Ban Tổ chức lễ hội, Ban Quản lý di tích.
8. Không bày bán các ấn phẩm cấm lưu hành ở di
tích. Nghiêm cấm lợi dụng lễ hội để hành nghề mê tín dị đoan, tổ chức và tham
gia đánh bạc dưới mọi hình thức. Không tổ chức các hoạt động kinh doanh dịch vụ
trong khu vực nội tự của di tích lịch sử văn hóa.
9. Không bán vé, thu tiền lễ hội. Nếu có tổ chức
các trò chơi, trò diễn, biểu diễn nghệ thuật, trưng bày trong khu vực di tích,
lễ hội thì được bán vé cho hoạt động dịch vụ đó theo quy định của pháp luật.
10. Tổ chức dịch vụ giữ xe đạp, xe máy, ô tô
theo quy định được sự đồng ý và chịu sự quản lý của Ban Tổ chức lễ hội. Giá vé
thực hiện theo quy định của cơ quan có thẩm quyền và được niêm yết công khai.
Chương
V
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều
20. Trách nhiệm tổ chức thực hiện
1. Giám đốc các sở, Thủ trưởng các cơ quan, đơn
vị, ban, ngành, lực lượng vũ trang, doanh nghiệp, tổ chức chính trị xã hội, tổ
chức xã hội nghề nghiệp, chủ tịch UBND các huyện, thị xã Long Khánh, thành phố
Biên Hòa có trách nhiệm quán triệt, phổ biến, giáo dục, động viên, quản lý cán
bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan đơn vị mình gương mẫu đi
đầu và hướng dẫn Nhân dân thực hiện Quy định này và các quy định có liên quan
trên địa bàn tỉnh, đặc biệt thực hiện lồng ghép Thông tri số 03-TT/TU ngày
05/4/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc tăng cường lãnh đạo của Đảng đối với
công tác quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn tỉnh, gắn với tiêu chuẩn thi
đua đánh giá chất lượng cán bộ, công chức, viên chức hàng năm.
2. Gia đình cán bộ, Đảng viên
phải gương mẫu đi đầu thực hiện Quy định này. Tổ chức, cá nhân có thành tích thực
hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội sẽ được khen thưởng
theo quy định của pháp luật.
3. Các đối tượng quy định tại
Khoản 2, Điều 2 của Quy định này có hành vi vi phạm hoặc lợi dụng chức vụ, quyền
hạn làm trái quy định này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử phạt
vi phạm hành chính, xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định
của pháp luật. Gia đình Đảng viên vi phạm theo Quy định này cuối năm sẽ bị đánh
giá Đảng viên chưa thực hiện tốt nhiệm
vụ ở nơi cư trú theo Quy định số 76-QĐ/TW ngày 15/6/2000 của Bộ Chính trị về
việc Đảng viên đang công tác ở các cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp thường
xuyên giữ mối liên hệ với Chi ủy, Đảng ủy cơ sở và gương mẫu thực hiện nghĩa vụ
công dân nơi cư trú.
4. Giám đốc các sở, ban,
ngành, chủ tịch UBND các huyện, thị xã Long Khánh, thành phố Biên Hòa phối hợp
với Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam các cấp, các đoàn thể xây dựng chương
trình, kế hoạch và phổ biến, vận động Nhân dân trên địa bàn thực hiện nếp sống
văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội.
5. Ban Chỉ đạo Phong trào
“Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” các cấp phối hợp với Ủy ban Mặt
trận tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể xây dựng chương trình, kế hoạch lồng ghép
và đưa vào tiêu chí để đánh giá xét công nhận các danh hiệu trong phong trào
“Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.
6. Sở Văn hóa,
Thể thao và Du lịch phối hợp với Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh và các sở, ban, ngành liên quan phổ biến tuyên truyền Quy định
này đến cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân trong tỉnh. Chỉ đạo Thanh tra
chuyên ngành của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp chặt chẽ với các cơ
quan liên quan thường xuyên thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm theo thẩm quyền.
Chủ trì, phối hợp Sở Tư pháp hướng
dẫn xây dựng các quy ước của ấp, khu phố về việc cưới, việc tang và lễ hội phù
hợp với quy định và phong tục tập quán từng địa bàn, từng dân tộc; phối hợp Ban
Chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tỉnh chỉ đạo
điểm trong tổ chức thực hiện, rút kinh nghiệm từ những cơ sở tốt, nhân ra diện
rộng.
7. Sở Thông
tin và Truyền thông, Đài Phát thanh - Truyền hình Đồng Nai, Báo Đồng Nai, Báo
Lao động Đồng Nai thường xuyên tuyên truyền đến mọi tầng lớp Nhân dân về việc
thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; biểu dương
nhân tố mới, điển hình tiên tiến, nêu gương người tốt việc tốt, phê phán những
biểu hiện tiêu cực, vi phạm Quy định này.
Điều
21. Tổ chức thực hiện
Giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối
hợp triển khai và giám sát việc thực hiện Quy định này.
Trong quá trình tổ chức thực
hiện, nếu có vấn đề phát sinh, không phù hợp cần sửa đổi, bổ sung; đề nghị các
đơn vị, địa phương phản ánh về Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổng hợp, đề xuất
báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định./.