UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH PHÚ THỌ
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
2564/2006/QĐ-UBND
|
Việt
Trì, ngày 13 tháng 9 năm 2006
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH “QUY ĐỊNH MỘT SỐ ĐIỂM THỰC HIỆN PHÁP
LỆNH TÍN NGƯỠNG, TÔN GIÁO TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH PHÚ THỌ”
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH PHÚ THỌ
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng
nhân dân và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Pháp lệnh Tín ngưỡng,
tôn giáo ngày 18/6/2004;
Căn cứ Nghị định số 22/2005/NĐ-CP
ngày 01/03/2005 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Tín
ngưỡng, tôn giáo;
Xét đề nghị của Ban Dân tộc và
Tôn giáo tỉnh Phú Thọ,
QUYẾT ĐỊNH :
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy định cụ thể
một số điểm thực hiện Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ”.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ
ngày ký. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Trưởng Ban Dân tộc và Tôn giáo tỉnh, Thủ
trưởng các sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thành, thị; các tổ chức và
cá nhân hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ chịu trách nhiệm
thi hành Quyết định này.
|
TM. UỶ BAN
NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH
Nguyễn Doãn Khánh
|
QUY ĐỊNH
MỘT SỐ ĐIỂM THỰC HIỆN PHÁP LỆNH TÍN NGƯỠNG,
TÔN GIÁO TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH PHÚ THỌ
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 2564/2006/QĐ-UBND ngày 13/9/2006 của UBND
tỉnh Phú Thọ)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH
CHUNG
Điều 1. Đối
tượng và phạm vi điều chỉnh
Quy định này cụ thể hóa một số
nội dung hoạt động tín ngưỡng của nhân dân, hoạt động tôn giáo của tín đồ, nhà
tu hành, chức sắc và tổ chức tôn giáo; trách nhiệm của cơ quan Nhà nước trong
việc thực hiện quản lý hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ.
Tổ chức tôn giáo nêu tại quy định
này bao gồm các tổ chức tôn giáo đã được Nhà nước công nhận về tổ chức, các tôn
giáo đã đăng ký hoạt động trên địa bàn tỉnh Phú Thọ.
Những nội dung khác không nêu tại
quy định này thực hiện theo Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo và Nghị định số 22/2005/NĐ-CP ,
ngày 01/03/2005 của Chính phủ, hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Tín
ngưỡng, tôn giáo.
Chương II
NHỮNG QUY ĐỊNH
CỤ THỂ
Điều 2. Mở
lớp bồi dưỡng những người chuyên hoạt động tôn giáo.
1. Việc mở lớp bồi dưỡng những
người chuyên hoạt động tôn giáo như: An cư kiết hạ hàng năm của đạo Phật, tĩnh
tâm hàng năm của linh mục, tu sĩ đạo Công giáo trên địa bàn tỉnh và các trường
hợp tương tự của các tôn giáo khác; tổ chức tôn giáo gửi văn bản đề nghị đến ủy
ban nhân dân tỉnh. Văn bản đề nghị nêu rõ tên lớp, địa điểm, thời gian, nội
dung, chương trình, hình thức tổ chức, số lượng và thành phần tham dự, dự kiến
danh sách Ban quản lý lớp và giảng viên.
Trong thời hạn 10 ngày làm việc,
kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị, UBND tỉnh xem xét, có văn bản trả lời.
Những người chuyên hoạt động
tôn giáo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, khi tham gia các lớp bồi dưỡng ngoài tỉnh,
tổ chức tôn giáo đăng ký với Ban Dân tộc và Tôn giáo tỉnh (về thời gian, địa điểm,
nội dung và danh sách những người tham dự) bằng văn bản và ý kiến chấp thuận của
tổ chức tôn giáo nơi mở lớp.
Trong thời hạn 5 ngày làm việc,
kể từ ngày nhận được văn bản đăng ký, Ban Dân tộc và Tôn giáo tỉnh xem xét, có
văn bản trả lời.
2. Tổ chức tôn giáo mở lớp bồi dưỡng
cho chức việc như: Lớp bồi dưỡng kiến thức phật học phổ thông, nghi lễ cho Ban
hộ tự chùa, thành viên đại diện phật giáo xã, phường, thị trấn, thành viên Ban
đại diện phật giáo huyện, thành phố, thị xã của đạo Phật; lớp bồi dưỡng giáo
lý, giáo luật cho giáo lý viên đạo Công giáo tại các giáo xứ, giáo họ trong phạm
vi 1 xã hoặc 1 huyện; tổ chức tôn giáo hoặc chức sắc, chức việc phụ trách gửi
văn bản đề nghị (có ý kiến của UBND cấp xã nơi mở lớp) đến Chủ tịch UBND cấp
huyện. Văn bản đề nghị nêu rõ tên lớp, địa điểm, thời gian, nội dung, số lượng
và thành phần tham dự, danh sách hoặc dự kiến danh sách giảng viên.
Trong thời hạn 7 ngày làm việc,
kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị, Chủ tịch UBND cấp huyện xem xét, có văn bản
trả lời.
Điều 3.
Đăng ký đào tạo những người chuyên hoạt động tôn giáo.
1. Người được chọn đi đào tạo
chức sắc tôn giáo phải có lý lịch rõ ràng, có tư cách đạo đức tốt, có tinh thần
đoàn kết, hòa hợp dân tộc, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, có hộ khẩu thường
trú tại tỉnh Phú Thọ.
2. Tổ chức tôn giáo có trách
nhiệm thông báo danh sách người được chọn đi đào tạo đến UBND tỉnh, kèm theo sơ
yếu lý lịch của ứng sinh (có xác nhận của UBND cấp xã nơi cư trú) và các thủ tục
theo hướng dẫn của Ban Tôn giáo Chính phủ đối với việc chiêu sinh từng khóa học
(nếu có).
3. Trong thời hạn 15 ngày làm
việc, kể từ ngày nhận được thông báo, UBND tỉnh xem xét, có văn bản trả lời.
Điều 4.
Đăng ký người được phong chức, phong phẩm, bổ nhiệm, bầu cử, suy cử chức sắc,
chức việc trong các tôn giáo.
1. Tổ chức tôn giáo có trách
nhiệm đăng ký với UBND tỉnh đối với các trường hợp: Thụ giới Tỷ khiêu, Tỷ khiêu
ni, Sa di, Sa di ni; bầu cử, suy cử thành viên trong Ban trị sự Phật giáo tỉnh
của đạo Phật; phong chức linh mục, bổ nhiệm linh mục chính xứ, linh mục phó xứ,
linh mục quản xứ, người đứng đầu các dòng tu hoặc các hình thức tu hành tập thể
khác có phạm vi hoạt động ở nhiều huyện trong tỉnh của đạo Công giáo.
2. Tổ chức tôn giáo cơ sở như:
Ban đại diện Phật giáo cấp huyện, Đại diện Phật giáo cấp xã, Ban hộ tự chùa của
đạo Phật; Ban hành giáo xứ, Ban hành giáo họ của đạo Công giáo và các tổ chức
tôn giáo cơ sở tương đương có trách nhiệm đăng ký với UBND cấp huyện việc bầu cử,
suy cử các thành viên tham gia tổ chức tôn giáo cơ sở.
Văn bản đăng ký của tổ chức tôn
giáo thể hiện các nội dung: Họ tên, phẩm hàm, chức vụ và phạm vi phụ trách tôn
giáo của người được đăng ký, kèm theo sơ yếu lý lịch (có xác nhận của UBND cấp
xã nơi người được đăng ký phong chức, phong phẩm, bầu cử, suy cử có hộ khẩu thường
trú).
3. Trong thời hạn 15 ngày làm
việc, kể từ ngày nhận được văn bản đăng ký, UBND tỉnh hoặc UBND cấp huyện xem
xét có văn bản trả lời theo thẩm quyền.
Điều 5. Việc
sửa chữa, cải tạo, nâng cấp, xây mới công trình kiến trúc tín ngưỡng, tôn giáo.
1. Việc sửa chữa, cải tạo, nâng
cấp công trình kiến trúc tín ngưỡng, tôn giáo làm thay đổi kiến trúc, kết cấu
chịu lực, xây dựng lại, xây dựng mới công trình kiến trúc tín ngưỡng, tôn giáo
(nhà thờ, nhà nguyện; chùa, tịnh thất, niệm phật đường; đình miếu; bia, đài,
tháp và các công trình nhằm mục đích thờ tự); người phụ trách cơ sở tín ngưỡng,
tôn giáo gửi hồ sơ xin cấp giấy phép xây dựng đến UBND tỉnh; hồ sơ xin cấp phép
xây dựng được lập thành 3 bộ, mỗi bộ hồ sơ gồm:
1.1. Đơn xin cấp phép xây dựng
của người phụ trách cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo (có ý kiến của UBND cấp xã nơi
có công trình xây dựng).
1.2. Bản sao giấy tờ liên quan
đến đất nơi thờ tự (nếu có), trích lục bản đồ hoặc trích đo thực địa ranh giới
lô đất.
1.3. Thiết kế xây dựng gồm: Bản
vẽ mặt bằng công trình trên lô đất tỷ lệ 1/100 - 1/200; bản vẽ mặt cắt, mặt đứng
điển hình công trình; bản vẽ mặt bằng, mặt cắt móng tỷ lệ 1/50; sơ đồ hệ thống
và điểm đấu nối kỹ thuật cấp điện, cấp nước, thoát nước tỷ lệ 1/100 - 1/200; ảnh
chụp hiện trạng (nếu có).
1.4. Tổng dự toán và giải trình
nguồn vốn.
1.5. Văn bản đề nghị của UBND cấp
huyện.
Trong thời hạn 15 ngày làm việc,
kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, UBND tỉnh xem xét, trả lời bằng văn bản.
2. Việc sửa chữa nâng cấp, xây
dựng mới các công trình phụ trợ phục vụ cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo trong khuôn
viên nơi thờ tự như: nhà khách, nhà ở và các công trình phụ trợ khác; người phụ
trách cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo có trách nhiệm gửi hồ sơ xin phép xây dựng đến
UBND cấp huyện. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép như khoản 1, điều 5; trừ điểm 1.5
quy định này.
Trong thời hạn 10 ngày làm việc,
kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, UBND cấp có thẩm quyền cấp phép cho cơ sở
tín ngưỡng tôn giáo.
3. Việc xây dựng, sửa chữa, làm
mới các công trình phục vụ khác của cơ sở thờ tự tín ngưỡng, tôn giáo không quy
định tại mục 1 và 2 điều này, người phụ trách cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo có
trách nhiệm thông báo đến UBND cấp xã nơi xây dựng công trình.
Trong thời hạn 5 ngày làm việc,
kể từ ngày nhận được thông báo xây dựng, nếu không có ý kiến khác thì cơ sở tín
ngưỡng, tôn giáo thực hiện xây dựng như đã thông báo.
4. Việc bảo quản, tu bổ và phục
chế công trình tôn giáo đã được xếp hạng, di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng
cảnh thực hiện theo điều 35 Luật Di sản văn hóa và điều 17 Nghị định số
92/2002/NĐ-CP , ngày 11/11/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số
điều của Luật Di sản văn hóa.
Điều 6. Cấp
giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có các công trình tín ngưỡng, tôn giáo.
1. Đất có các công trình kiến
trúc do các tổ chức, cá nhân tín ngưỡng, tôn giáo sử dụng (gọi tắt là đất nơi
thờ tự) thực hiện theo điều 27 của Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo.
2. Việc cấp giấy chứng nhận quyền
sử dụng đất nơi thờ tự thực hiện theo quy định tại điều 51 của Luật Đất đai năm
2003 và điều 55, điều 137 của Nghị định 181/2004/NĐ-CP , ngày 29/10/2004 của
Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Đất đai năm 2003.
- Hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận
quyền sử dụng đất nơi thờ tự được lập thành 3 bộ, mỗi bộ hồ sơ gồm:
+ Đơn xin cấp giấy chứng nhận
quyền sử dụng đất.
+ Các loại giấy tờ đã có về đất
nơi thờ tự.
+ Văn bản ủy quyền xin cấp giấy
chứng nhận quyền sử dụng đất (nếu có).
+ Báo cáo tự rà soát hiện trạng
sử dụng đất nơi thờ tự của tổ chức, cá nhân tín ngưỡng, tôn giáo hoặc báo cáo
rà soát của cơ quan quản lý Nhà nước về đất đai cấp huyện.
+ Quyết định của cấp có thẩm
quyền về việc giao hoặc thu hồi đất của cơ sở tôn giáo (nếu có).
- Hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận
quyền sử dụng đất nơi thờ tự gửi về Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất thuộc Sở
Tài nguyên và Môi trường.
Trong thời hạn 13 ngày làm việc,
kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm
trình duyệt, cấp và giao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho cơ sở tín ngưỡng,
tôn giáo.
3. Các cơ sở tín ngưỡng, tổ chức
tôn giáo có nhu cầu sử dụng đất vào mục đích hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo
ngoài quy định tại khoản 2 của điều này do UBND tỉnh xem xét, quyết định cụ thể,
phù hợp với pháp luật về đất đai và quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tại địa
phương.
Điều 7. Việc
xuất bản, in, phát hành các loại kinh, sách báo, tạp chí và các xuất bản phẩm
khác về tín ngưỡng, tôn giáo; kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu văn hóa phẩm về
tín ngưỡng, tôn giáo và việc mua sắm đồ dùng việc đạo, đồ thờ tự của các tổ chức
tôn giáo.
1. Việc xuất bản, in, phát hành
các loại kinh, sách báo, tạp chí và các xuất bản phẩm khác về tín ngưỡng, tôn
giáo; kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu văn hóa phẩm về tín ngưỡng, tôn giáo được
thực hiện theo quy định của pháp luật về xuất bản.
2. Việc mua, bán, nhận hiến tặng
đồ dùng việc đạo như: chuông, các loại tượng phục vụ hoạt động tín ngưỡng, tôn
giáo tại cơ sở thờ tự của các tôn giáo, người đứng đầu cơ sở tín ngưỡng, tôn
giáo gửi hồ sơ đến Ban Dân tộc và Tôn giáo tỉnh.
- Hồ sơ gồm:
+ Đơn xin mua, bán, nhận hiến,
tặng chuông, tượng (ghi rõ tên, số lượng, chủng loại, chất liệu) có xác nhận của
UBND cấp xã.
+ Giấy tờ chứng nhận về cơ sở sản
xuất hoặc nguồn gốc đồ dùng việc đạo.
+ Nếu cơ sở tín ngưỡng, tôn
giáo đã được xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa, phải có ý kiến đề nghị bằng
văn bản của Sở Văn hóa - Thông tin.
Trong thời hạn 5 ngày làm việc,
kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Ban Dân tộc và Tôn giáo xem xét, trả lời bằng
văn bản.
Điều 8.
Công tác thanh tra, kiểm tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Việc tổ chức thanh tra, kiểm
tra và giải quyết khiếu nại tố cáo liên quan đến các hoạt động tín ngưỡng, tôn
giáo được quy định như sau:
1. Trưởng Ban Dân tộc và Tôn
giáo tỉnh quyết định thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về tín ngưỡng,
tôn giáo trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật.
2. Thủ trưởng các sở, ban,
ngành có liên quan phối hợp với Ban Dân tộc và Tôn giáo thực hiện thanh tra; giải
quyết khiếu nại, tố cáo thuộc chức năng, nhiệm vụ của mình theo quy định của
pháp luật có liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo.
Chương
III
TỔ CHỨC THỰC
HIỆN
Điều 9.
Trách nhiệm của các cơ quan có liên quan.
1. Đối với những việc thuộc thẩm
quyền giải quyết của UBND tỉnh:
- Ban Dân tộc và Tôn giáo tỉnh
có trách nhiệm tiếp nhận, chủ trì phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh,
UBND cấp huyện có liên quan thẩm định hồ sơ trình UBND tỉnh xem xét, quyết định.
- Ủy quyền cho Trưởng Ban Dân tộc
và Tôn giáo xem xét, giải quyết hoạt động của các tôn giáo ngoài chương trình
đăng ký hàng năm mà có sự tham gia của các tín đồ trên địa bàn của nhiều huyện
hoặc ngoài tỉnh, báo cáo kết quả giải quyết với UBND tỉnh.
2. Sở Văn hóa - Thông tin:
- Hồ sơ xây dựng, sửa chữa, mở
rộng các cơ sở thờ tự là di tích lịch sử - văn hóa đã xếp hạng do Sở Văn hóa -
Thông tin tiếp nhận thẩm định về quy hoạch, bảo tồn, kiến trúc; sau đó chuyển
Ban Dân tộc tôn giáo thẩm định về nhu cầu sinh hoạt tôn giáo, báo cáo UBND tỉnh
xem xét, quyết định.
- Thực hiện chức năng quản lý
Nhà nước về xuất bản, in, phát hành các loại kinh, sách, báo và các xuất bản phẩm
khác về tín ngưỡng, tôn giáo; kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu văn hóa phẩm về
tín ngưỡng, tôn giáo theo quy định của Luật Xuất bản.
3. Sở Tài nguyên và Môi trường
có trách nhiệm hướng dẫn cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo có nhu cầu sử dụng
đất vào mục đích hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo ngoài quy định tại khoản 2 của
điều 6, quy định này.
4. UBND cấp huyện phân công cán
bộ làm công tác tôn giáo phối hợp với các cơ quan chức năng của huyện và UBND cấp
xã có liên quan thẩm định trình UBND cấp huyện xem xét, trả lời tổ chức tôn
giáo những nội dung thuộc thẩm quyền UBND cấp huyện; đồng gửi văn bản báo cáo
Ban Dân tộc và Tôn giáo tỉnh.
5. UBND cấp xã có trách nhiệm
tiếp nhận, xem xét giải quyết những việc thuộc thẩm quyền do tổ chức tôn giáo đề
nghị; đồng gửi văn bản báo cáo UBND cấp huyện.
Ban Dân tộc và Tôn giáo tỉnh có
trách nhiệm kiểm tra, tổ chức thực hiện quy định này. Trong quá trình thực hiện,
nếu có vướng mắc, báo cáo UBND tỉnh xem xét, điều chỉnh, bổ sung kịp thời.