Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Số hiệu: 24/2011/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Kon Tum Người ký: Nguyễn Hữu Hải
Ngày ban hành: 29/08/2011 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH KON TUM
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 24/2011/QĐ-UBND

Kon Tum, ngày 29 tháng 8 năm 2011

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN TỔNG THỂ XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI TỈNH KON TUM GIAI ĐOẠN 2011-2015

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH KON TUM

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 16 tháng 4 năm 2009 của Thủ tướng chính phủ về việc ban hành Bộ tiêu chí Quốc gia về nông thôn mới;

Căn cứ Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04 tháng 6 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020;

Căn cứ Thông tư liên tịch số 26/2011/TTLT-BNNPTNT-BKHĐT-BTC ngày 13 tháng 4 năm 2011 của Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính hướng dẫn một số nội dung thực hiện Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020;

Căn cứ Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 27 tháng 4 năm 2011 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xây dựng nông thôn mới tỉnh Kon Tum giai đoạn 2011-2015;

Căn cứ Nghị quyết số 17/2011/NQ-HĐND ngày 05 tháng 8 năm 2011 của Hội đồng nhân dân tỉnh Kon Tum vthông qua Đề án tổng thể xây dựng nông thôn mới tỉnh Kon Tum, giai đoạn 2011-2015;

Xét đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc phê duyệt Đề án tổng thể xây dựng nông thôn mới tỉnh Kon Tum, giai đoạn 2011-2015 (Tờ trình số 84/TTr-SNN-KH ngày 24-8-2011),

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án tổng thể xây dựng nông thôn mới tỉnh Kon Tum giai đoạn 2011- 2015, với những nội dung chủ yếu sau:

1. Mục tiêu Đề án

1.1. Mục tiêu chung

- Xây dựng nông thôn mới Kon Tum có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ và từng bước hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển công nghiệp, dịch vụ; gắn xây dựng nông thôn với đô thị theo quy hoạch; xã hội nông thôn dân chủ, ổn định, giàu bản sắc văn hoá dân tộc; môi trường sinh thái được bảo vệ; an ninh chính trị được giữ vững; đời sống vật chất tinh thần của nông dân ngày càng được nâng cao.

- Phấn đấu đến năm 2015 toàn tỉnh có trên 20% số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Đối với 22 xã được chọn làm điểm để xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2015 của tỉnh phấn đấu mỗi năm đạt được ít nhất từ 2 đến 3 tiêu chí về nông thôn mới, đối với các xã còn lại mỗi năm đạt được ít nhất là 1 tiêu chí. Phấn đấu trong năm 2011 toàn tỉnh có 01 xã đạt xã nông thôn mới.

1.2. Mục tiêu cụ thể

- Về quy hoạch: Trong năm 2011 có 100% số xã hoàn thành Đồ án quy hoạch chung xây dựng xã nông thôn mới. Từng bước lập quy hoạch chi tiết xây dựng trung tâm xã, các điểm dân cư thôn, bản, các khu xây dựng mới và khu tái định cư nông thôn mới khi cần thiết.

- Về hạ tầng kinh tế - xã hội: Có trên 20% số xã đạt chuẩn theo tiêu chí. 100% số xã đạt chuẩn theo tiêu chí về: Hệ thống điện sinh hoạt; xóa nhà tạm, dột nát; tỷ lệ đường trục xã được cứng hóa đạt chuẩn; hệ thống thủy lợi cơ bản đáp ứng yêu cầu sản xuất, dân sinh và có điểm phục vụ bưu chính viễn thông đạt chuẩn.

- Về kinh tế và tổ chức sản xuất: Có trên 20% số xã đạt chuẩn theo tiêu chí (về thu nhập; tỷ lệ hộ nghèo; cơ cấu lao động trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp; hình thức tổ chức sản xuất).

- Văn hóa - xã hội - môi trường: Có trên 20% số xã đạt chuẩn theo tiêu chí; có 100% số xã đạt chuẩn về: Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở được tiếp tục học trung học, tỷ lệ lao động qua đào tạo, tỷ lệ người dân tham gia các hình thức bảo hiểm y tế, tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh theo quy chuẩn quốc gia, các cơ sở sản xuất - kinh doanh đạt tiêu chuẩn về môi trường, không có các hoạt động gây suy giảm môi trường và có các hoạt động phát triển môi trường xanh, sạch, đẹp.

- Về hệ thống chính trị: Có trên 80% số xã đạt chuẩn về hệ thống chính trị (Trình độ cán bộ xã đạt chuẩn; có đủ số lượng các tổ chức trong hệ thống chính trị cơ sở theo quy định; các tổ chức đoàn thể chính trị của xã đạt danh hiệu tiên tiến trở lên);

- Về an ninh, trật tự xã hội: 100% số xã tiếp tục duy trì và đảm bảo về tình hình An ninh, trật tự xã hội.

2. Nhu cầu vốn và nguồn vốn đầu tư

Tổng nhu cầu vốn thực hiện Đề án giai đoạn 2011 - 2015 là 3.674.030 triệu đồng. Trong đó:

- Vốn ngân sách nhà nước (vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án đang đầu tư trên địa bàn; ngân sách Trung ương đầu tư trực tiếp và ngân sách địa phương) 1.880.530 triệu đồng, khoảng 51%.

- Vốn huy động nhân dân đóng góp 268.000 triệu đồng, khoảng 7,3%.

- Vốn đầu tư, đóng góp của các doanh nghiệp, Hợp tác xã và các tổ chức hợp pháp khác 707.000 triệu đồng, khoảng 19%.

- Vốn tín dụng 818.000 triệu đồng, khoảng 22 %.

(có biểu chi tiết kèm theo)

3. Nhiệm vụ và giải pháp thực hiện

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động;

- Nâng cao chất lượng quy hoạch và quản lý quy hoạch nông thôn;

- Tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội nông thôn;

- Đẩy mạnh phát triển y tế, giáo dục, văn hoá, xã hội, môi trường và an ninh quốc phòng;

- Củng cố, đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất;

- Củng cố nâng cao chất lượng tổ chức Đảng, vai trò của chính quyền và các tổ chức chính trị xã hội ở cơ sở;

- Tăng cường huy động các nguồn vốn để triển khai thực hiện việc đầu tư xây dựng nông thôn mới.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

- Chủ trì phối hợp với UBND các huyện, thành phố và các đơn vị liên quan hướng dẫn, tổ chức triển khai thực hiện theo quy định;

- Theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện; tham mưu UBND tỉnh sơ kết, tổng kết Quyết định này.

2. Các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố căn cứ chức năng nhiệm vụ của ngành, đơn vị mình xây dựng các chương trình, kế hoạch cụ thể để tổ chức thực hiện Đề án;

Điều 3. Các Ông (Bà): Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thành viên Ban chỉ đạo Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh, Chánh Văn phòng điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký./.

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Hữu Hải

PHẦN MỞ ĐẦU

1. Sự cần thiết

Kon Tum là tỉnh miền núi, biên giới, có 66,2% dân cư sinh sống ở vùng nông thôn, với 81 xã trong tổng số 97 xã, phường, thị trấn của tỉnh. Xét về mức độ đô thị hóa, Kon Tum là một tỉnh có 84% đơn vị hành chính với trên 90% diện tích thuộc khu vực nông thôn.

Từ khi tái lập tỉnh đến nay, mặc dù đã có nhiều nỗ lực và cố gắng của các cấp, các ngành, của cộng đồng các dân tộc và đầu tư của các doanh nghiệp vào khu vực nông thôn, nhưng nhìn chung bộ mặt nông thôn của tỉnh vẫn còn nhiều yếu kém.

Do đó, việc xây dựng Đề án tổng thể xây dựng nông thôn mới tỉnh Kon Tum giai đoạn 2011-2015 theo Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04-6-2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020 và Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 27-4-2011 của Ban Thường vụ tỉnh ủy về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2015 là cần thiết.

2. Cơ sở pháp lý:

- Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 05-8-2008 của Ban chấp hành Trung ương Đảng (khoá X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn;

- Nghị quyết số 24/2008/NQ-CP ngày 28-10-2008 của Chính phủ về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn (phần xây dựng các đề án chuyên ngành);

- Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 16-4-2009 của Thủ tướng chính phủ về Ban hành bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới;

- Quyết định số 193/QĐ-TTg ngày 02-02-2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình rà soát quy hoạch xây dựng nông thôn mới;

- Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04-6-2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020;

- Thông tư liên tịch số 26/2011/TTLT-BNNPTNT-BKHĐT-BTC ngày 13-4-2011 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Kế hoạch và đầu tư và Bộ Tài chính Hướng dẫn một số nội dung thực hiện Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020;

- Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 27-4-2011 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2015;

- Quyết định số 581/QĐ-TTg ngày 20-4-2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Kon Tum đến năm 2020.

3. Phạm vị thực hiện: Trên địa bàn 81 xã thuộc 9 huyện, thành phố của tỉnh Kon Tum.

4. Đối tượng thực hiện: Bao gồm các cơ quan, tổ chức, cá nhân, hộ gia đình thực hiện các hoạt động của Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Kon Tum.

Phần thứ nhất

THỰC TRẠNG KINH TẾ - XÃ HỘI NÔNG THÔN TỈNH KON TUM

I. ĐẶC ĐIỂM CHUNG

1. Điều kiện tự nhiên

1.1. Vị trí địa lý

Kon Tum là tỉnh miền núi, vùng biên giới, nằm ở phía Bắc Tây Nguyên, có diện tích tự nhiên 968.961 ha, trong tọa độ từ 107020'15" đến 108032'30" kinh độ Đông và từ 13055'10" đến 15027'15" vĩ độ Bắc.

- Phía Bắc giáp tỉnh Quảng Nam (chiều dài ranh giới 142km);

- Phía Nam giáp tỉnh Gia Lai (chiều dài ranh giới 203km),

- Phía Đông giáp tỉnh Quảng Ngãi (chiều dài ranh giới 74km),

- Phía Tây giáp hai nước Lào và Campuchia (với tổng cộng đường biên giới dài 280,7km).

1.2. Địa hình

Phần lớn tỉnh Kon Tum nằm ở phía Tây dãy Trường Sơn, địa hình thấp dần từ Bắc xuống Nam và từ Đông sang Tây. Địa hình của tỉnh Kon Tum khá đa dạng: đồi núi, cao nguyên và vùng trũng. Trong đó:

- Địa hình đồi, núi: Chiếm khoảng 2/5 diện tích toàn tỉnh, bao gồm những đồi núi liền dải có độ dốc 150 trở lên. Địa hình núi cao liền dải phân bố chủ yếu ở phía Bắc-Tây Bắc chạy sang phía Đông tỉnh Kon Tum. Có đỉnh Ngọc Linh cao 2.598m nơi bắt nguồn của nhiều con sông chảy về Quảng Nam, Đà Nẵng (sông Thu Bồn, sông Vu Gia); chảy về Quảng Ngãi (sông Trà Khúc). Kon Tum còn có một số ngọn núi như: Ngọn Bon San (1.939m); ngọn Ngọc Kring (2.066 m). Địa hình bị phân cắt hiểm trở, tạo thành các thung lũng hẹp, khe, suối. Địa hình đồi tập trung chủ yếu ở huyện Sa Thầy thấp dần từ Đông sang Tây và Tây Nam, xen giữa vùng đồi là dãy núi Chưmomray.

- Địa hình thung lũng: Nằm dọc theo sông Pô Kô có dạng lòng máng thấp dần về phía Nam, theo thung lũng có những đồi lượn sóng như Đăk Uy, Đăk Hà và có nhiều chỗ bề mặt bằng phẳng như vùng thành phố Kon Tum. Thung lũng Sa Thầy được hình thành giữa các dãy núi kéo dài về phía Đông chạy dọc biên giới Việt Nam-Campuchia.

- Địa hình cao nguyên: Tỉnh Kon Tum có cao nguyên Kon Plông nằm giữa dãy An Khê và dãy Ngọc Linh có độ cao 1.100-1.300 m, đây là cao nguyên nhỏ, chạy theo hướng Tây Bắc-Đông Nam.

1.3. Khí hậu

Kon Tum thuộc vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa cao nguyên. Nhiệt độ trung bình trong năm dao động trong khoảng 22-230C, biên độ nhiệt độ dao động trong ngày 8-90C.

Kon Tum có 2 mùa rõ rệt: Mùa mưa bắt đầu từ tháng 4 đến tháng 11, mùa khô từ tháng 12 đến tháng 3 năm sau. Lượng mưa trung bình hàng năm khoảng 2.121mm, lượng mưa năm cao nhất 2.260mm, năm thấp nhất 1.234mm, tháng có lượng mưa cao nhất là tháng 8. Mùa khô, gió chủ yếu theo hướng Đông Bắc; mùa mưa, gió chủ yếu theo hướng Tây Nam.

Độ ẩm trung bình hàng năm 78-87%. Độ ẩm không khí tháng cao khoảng 90% (tháng 8-9), tháng thấp nhất khoảng 66% (tháng 3).

Đặc trưng khí hậu tỉnh Kon Tum, cuối mùa khô trời nắng nóng làm ảnh hưởng lớn đối với sản xuất nông nghiệp và nước sinh hoạt cho dân sinh. Mưa tập trung với cường độ cao trong tháng 7, 8 nên thường xảy ra lũ lụt làm ảnh hưởng đến cơ sở hạ tầng, sản xuất và đời sống dân sinh trên địa bàn.

2. Kinh tế - xã hội

2.1. Kinh tế: Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 1991-1995 đạt 8,3%/năm, giai đoạn 1996-2000 đạt 9,85%/năm, giai đoạn 2000-2004 đạt 11,61%/năm, giai đoạn 2006-2010 đạt 14,5%/năm, năm 2010 đạt 14,79%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tăng dần tỷ trọng công nghiệp - xây dựng, dịch vụ và giảm dần tỷ trọng nông-lâm-thuỷ sản.

- Nông lâm nghiệp và thuỷ sản là ngành sản xuất chủ đạo của tỉnh, trong những năm qua đã đóng vai trò tích cực trong việc đ­a nền kinh tế của tỉnh phát triển, góp phần giải quyết việc làm cho khoảng 75% lao động, đóng góp cho tổng thu ngân sách của địa phư­ơng khoảng 60%, giá trị xuất khẩu 75%; thu ngân sách cũng chủ yếu từ thuế nông nghiệp và thuế doanh thu của các doanh nghiệp nông lâm nghiệp. Đáp ứng cơ bản về lương thực, thực phẩm cho nhu cầu thiết yếu của nhân dân và cung cấp nguồn nguyên liệu cho công nghiệp địa phư­ơng phát triển. Giá trị sản xuất ngành nông nghiệp năm 2010 theo giá so sánh chiếm 34,12% tổng sản phẩm.

- Về công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng: Đã có những bước tiến đáng kể, nhưng chủ yếu tập trung tại thành phố Kon Tum, hiện đã có một số khu công nghiệp hình thành và đi vào hoạt động có hiệu quả. Ngoài ra các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, chế biến, vật liệu xây dựng, ngành nghề truyền thống cũng tương đối phát triển. Giá trị sản xuất ngành công nghiệp năm 2010 theo giá so sánh chiếm 41,78% tổng sản phẩm.

- Về thương mại, du lịch: Hiện chủ yếu thương mại phục vụ cho sinh hoạt, cung cấp vật tư cho sản xuất và xây dựng cơ sở hạ tầng, tiêu thụ nông lâm sản. Về du lịch qua vài năm gần đây đã tương đối phát triển, một số điểm du lịch đã được hình thành và đi vào hoạt động có hiệu quả. Giá trị sản xuất ngành nông nghiệp năm 2010 theo giá so sánh chiếm 34,12% tổng sản phẩm.

2.2. Tổ chức hành chính

Tỉnh Kon Tum có 1 thành phố Kon Tum và 8 huyện Đăk Hà, Đăk Tô, Đăk Glei, Sa Thầy, Ngọc Hồi, KonPlông, Kon Rẫy, TuMơRông với 97 xã, phường, thị trấn.

2.3. Nguồn nhân lực

Kon Tum là tỉnh có dân số trẻ, toàn tỉnh có 443.368 người, trong đó vùng nông thôn là 292.588 người, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên cuối năm 2010 là 1,95%; tỷ lệ hộ nghèo trên 35% (tiêu chí mới). Kon Tum có 22 dân tộc cùng sinh sống, trong đó các dân tộc thiểu số chiếm 53,21%, có 6 dân tộc ít người sinh sống lâu đời bao gồm: XơĐăng, BaNa, Giẻ-Triêng, GiaRai, Brâu và RơMăm... Sau ngày thống nhất đất nước (năm 1975) một số dân tộc thiểu số ở các tỉnh khác đến sinh sống, làm cho thành phần dân tộc trong tỉnh ngày càng đa dạng.

Số người trong độ tuổi lao động 237.125 người, trong đó lao động nông -lâm - thuỷ sản 164.872 người (khoảng 69,53%).

Dân số trong độ tuổi lao động của tỉnh tương đối lớn. Hầu hết người dân sinh sống chủ yếu bằng nghề sản xuất nông nghiệp, lao động sản xuất theo mùa vụ.

2.4. Kết cấu hạ tầng

Kon Tum có đường Hồ Chí Minh nối với các tỉnh Tây Nguyên, Quảng Nam; Quốc lộ 24 đi Quảng Ngãi; Quốc lộ 40 đi Atôpư (Lào). Mạng lưới giao thông liên huyện, liên xã và các tuyến nội thị, thị trấn, giao thông nông thôn cơ bản đáp ứng được nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hoá của nhân dân. Đến năm 2010 có 100% số xã có đường giao thông vào xã. Hệ thống bưu chính-viễn thông phát triển mạnh, 100% xã, phường có điện thoại, bình quân có 10 máy điện thoại cố định/100 dân. Tỷ lệ hộ dân ở nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh 80%. Số hộ sử dụng điện chiếm 96,1%. Có 19 trường học đạt chuẩn quốc gia (đạt 8,6%), có 3 huyện, thành phố: Đăk Hà, Đăk Tô và thành phố Kon Tum hoàn thành phổ cập THCS, có 81/81 xã đạt chuẩn phổ cập THCS. Có 16/81 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế.

II. THỰC TRẠNG NÔNG THÔN TẠI 81 XÃ NĂM 2010.

1. Tiêu chí số 1: Quy hoạch

Trong năm 2010 toàn tỉnh đã triển khai thực hiện xây dựng Đồ án quy hoạch cho 22 xã điểm thực hiện xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2015. Đến nay đã có 02 Đồ án quy hoạch của 02 xã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

1.1. Quy hoạch sử dụng đất và hạ tầng thiết yếu cho phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hoá, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ

Trên địa bàn các xã đã có quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2001-2010. Theo quy định của Luật Đất đai, ngành Tài nguyên Môi trường hiện nay đang triển khai lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011-2020 (cấp tỉnh, huyện, xã).

1.2. Quy hoạch phát triển cơ sở hạ tầng Kinh tế-Xã hội-Môi trường

Đã có quy hoạch đối với 81 xã, tuy nhiên các quy hoạch này đều không đạt yêu cầu so với các tiêu chí về nông thôn mới (100% số xã chưa đạt yêu cầu).

1.3. Quy hoạch phát triển các khu dân cư mới và chỉnh trang các khu dân cư:

- 81 xã chưa có quy hoạch đáp ứng các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới.

So với tiêu chí nông thôn mới là chưa đạt.

2. Hạ tầng kinh tế - xã hội

2.1. Tiêu chí số 2, Giao thông

2.1.1 Tỷ lệ km đường trục xã, liên xã được nhựa hóa, bê tông hóa đạt chuẩn theo cấp kỹ thuật của Bộ Giao thông Vận tải:

Toàn tỉnh mới có 74,47% số km đường trục xã, liên xã được nhựa hóa, bê tông hóa đạt chuẩn theo cấp kỹ thuật của Bộ Giao thông Vận tải. Trong đó

+ 36 xã đã đạt chuẩn nhựa hoá hoặc bê tông hoá 100% .

+ 45 xã chưa đạt chuẩn nhựa hoá hoặc bê tông hoá 100% .

2.1.2 Tỷ lệ km đường trục thôn, xóm được cứng hóa đạt chuẩn theo cấp kỹ thuật của Bộ Giao thông Vận tải:

Toàn tỉnh mới có 14,68% số km đường trục thôn, xóm được cứng hóa đạt chuẩn theo cấp kỹ thuật của Bộ Giao thông Vận tải. Trong đó:

+ 01 xã đạt chuẩn đã được cứng hoá đạt 70%.

+ 80 xã chưa đạt chuẩn được cứng hoá theo tiêu chí.

2.1.3 Tỷ lệ km đường ngõ, xóm sạch và không lầy lội vào mùa mưa:

Toàn tỉnh mới có 24,73% số km đường ngõ, xóm sạch và không lầy lội vào mùa mưa. Trong đó: 81 xã đều có đường ngõ, xóm lầy lội vào mùa mưa.

2.1.4 Tỷ lệ km đường trục chính nội đồng được cứng hóa, xe cơ giới đi lại thuân tiện.

Toàn tỉnh mới có 4% số km đường trục chính nội đồng được cứng hóa, xe cơ giới đi lại thuân tiện. Trong đó: 81 xã đều có tỷ lệ đường giao thông nội đồng cứng hóa còn rất thấp so với tiêu chí.

Hệ thống giao thông nông thôn nhiều năm qua đã các cấp, các ngành quan tâm đầu tư từ nhiều nguồn vốn (Nhà nước, doanh nghiệp, người dân đóng góp…) cơ bản đáp ứng phát triển kinh tế cũng như nhu cầu đi lại, sinh hoạt của nhân dân. Tuy nhiên, hệ thống đường liên thôn, giao thông nội đồng, còn ở mức độ hạn chế, nên gặp khó khăn trong phát triển kinh tế - xã hội và sinh hoạt của người dân.

So với tiêu chí nông thôn mới là chưa đạt.

2.2. Tiêu chí số 3, Thủy lợi

2.2.1 Hệ thống thuỷ lợi cơ bản đáp ứng yêu cầu sản xuất và dân sinh:

- 34 xã hệ thống thuỷ lợi cơ bản đáp ứng được yêu cầu sản xuất và dân sinh;

- 47 xã hệ thống thuỷ lợi chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất và dân sinh.

2.2.2 Tỉ lệ km kênh mương được kiên cố hoá/số km kênh mương do xã quản lý:

Toàn tỉnh có 28,73% số km kênh mương được kiên cố hoá/số km kênh mương do xã quản lý, trong đó:

- 27 xã hệ thống kênh mương được kiên cố hoá đạt theo tiêu chí (<45%).

- 54 xã hệ thống kênh mương chưa đáp ứng được theo tiêu chí (>45%)

So với tiêu chí nông thôn mới cơ bản đạt.

2.3. Tiêu chí số 4, Hệ thống điện

2.3.1 Hệ thống điện đảm bảo yêu cầu kỹ thuật của ngành điện

81 xã hệ thống điện đảm bảo yêu cầu kỹ thuật của ngành điện.

2.3.2 Tỉ lệ hộ sử dụng điện thường xuyên an toàn từ các nguồn:

Toàn tỉnh có 96,1% số hộ sử dụng điện thường xuyên an toàn từ các nguồn, trong đó:

- 37 xã sử dụng điện thường xuyên an toàn.

- 44 xã sử dụng điện chưa thường xuyên.

So với tiêu chí nông thôn mới cơ bản đạt.

2.4. Tiêu chí số 5, Trường học

Đến 31-12-2010 toàn tỉnh có 22,35% số trường học các cấp: mầm non, mẫu giáo, tiểu học, THCS có cơ sở vật chất đạt chuẩn quốc gia, trong đó: Bậc học mầm non có 19/106 trường (18%); bậc tiểu học 44/131 trường (33,6%); trung học cơ sở 12/98 trường (12,24%); trung học phổ thông 5/23 trường (21,74%).

- 02 xã đạt theo tiêu chí đề ra.

- 79 xã chưa đạt theo tiêu chí đề ra.

So với tiêu chí nông thôn mới chưa đạt.

2.5. Tiêu chí số 6, Cơ sở vật chất văn hóa

2.5.1 Nhà văn hoá và khu thể thao xã đạt chuẩn của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch:

Toàn tỉnh có 13 nhà văn hóa và khu thể thao của 13 xã nhưng vẫn chưa đạt chuẩn của Bộ VH-TT DL, 68 xã chưa có nhà văn hoá và khu thể thao theo tiêu chí.

2.5.2 Tỉ lệ thôn có nhà văn hoá và khu thể thao thôn đạt chuẩn của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch.

Toàn tỉnh hiện nay chỉ có 6 thôn của 6 xã có nhà văn hoá và khu thể thao thôn đạt chuẩn của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch. 81 xã đều chưa đạt tiêu chí có 100% số thôn có nhà văn hoá và khu thể thao thôn đạt chuẩn.

So với tiêu chí nông thôn mới chưa đạt.

2.6. Tiêu chí số 7, Chợ nông thôn

- 07 xã có chợ đạt chuẩn theo tiêu chí của bộ xây dựng .

- 4 xã có chợ nhưng chưa đạt chuẩn theo tiêu chí của Bộ Xây dựng .

- 70 xã chưa có chợ.

So với tiêu chí nông thôn mới chưa đạt.

2.7. Tiêu chí số 8, Bưu điện

2.7.1 Số điểm phục vụ bưu chính viên thông.

- 67 xã có điểm phục vụ bưu chính viên thông.

- 14 xã có điểm phục vụ bưu chính viên thông nhưng chưa đạt yêu cầu.

2.7.2 Có internet đến thôn.

- 07 xã có internet đến thôn.

- 74 xã chưa có internet đến thôn.

So với tiêu chí nông thôn mới cơ chưa đạt.

2.8. Tiêu chí số 9, Nhà ở dân cư nông thôn

2.8.1 Số nhà tạm, nhà dột nát:

Toàn tỉnh có 10,39 % số nhà tạm, dột nát. Trong đó:

- 16 xã không có nhà tạm, dột nát.

- 65 xã có nhà tạm, dột nát.

2.8.2 Tỷ lệ hộ có nhà đạt chuẩn của Bộ Xây dựng.

Toàn tỉnh có 61 % số hộ có nhà đạt chuẩn của Bộ Xây dựng. Trong đó:

- 27 xã có nhà đạt chuẩn của Bộ Xây dựng.

- 54 xã có nhà chưa đạt chuẩn của Bộ Xây dựng.

So với tiêu chí nông thôn mới chưa đạt.

3. Kinh tế và tổ chức sản xuất

3.1. Tiêu chí số 10, Thu nhập

Thu nhập bình quân đầu người/năm so với mức bình quân chung của tỉnh là 0,68 lần. Trong đó:

- 05 xã thu nhập bình quân đầu người cao hơn so với bình quân chung của tỉnh từ 1,3 lần.

- 76 xã thu nhập bình quân đầu người thấp hơn so với bình quân chung của tỉnh 1,3 lần.

So với tiêu chí nông thôn mới chưa đạt.

3.2.Tiêu chí số 11, Hộ nghèo

Tỷ lệ hộ nghèo bình quân của 81 xã là 35,06%, trong đó:

- 03 xã có tỷ lệ hộ nghèo thấp hơn 7%.

- 78 xã có tỷ lệ hộ nghèo cao hơn 7%.

So với tiêu chí nông thôn mới chưa đạt.

3.3. Tiêu chí số 12, Cơ cấu lao động

Tỷ lệ lao động trong độ tuổi làm việc trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp tại 81 xã là 83,24% (lớn hơn 40%).

So với tiêu chí nông thôn mới chưa đạt.

3.4. Tiêu chí số 13, Hình thức tổ chức sản xuất

- Toàn tỉnh có 17 xã có hợp tác hoặc hợp tác xã hoạt động có hiệu quả.

- 64 xã không có hợp tác hoặc hợp tác xã hoạt động có hiệu quả.

So với tiêu chí nông thôn mới chưa đạt.

4. Văn hóa - xã hội - môi trường

4.1. Tiêu chí số 14: Giáo dục

4.1.1 Phổ cập giáo dục trung học: Chưa có xã nào phổ cập giáo dục trung học

4.1.2. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS được tiếp tục học trung học (phổ thông, bổ túc, học nghề): Bình quân chung trên địa bàn 81 xã là 55% số học sinh, trong đó:

- 24 xã có từ 70% học sinh tốt nghiệp THCS được tiếp tục học trung học.

- 57 xã có dưới 70% học sinh tốt nghiệp THCS được tiếp tục học trung học.

4.1.3. Tỷ lệ lao động qua đào tạo: Bình quân chung tại 81 xã là 12,2%, trong đó:

- 09 xã tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 20%.

- 72 xã tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt dưới 20%.

So với tiêu chí nông thôn mới thì chưa đạt.

4.2. Tiêu chí số 15, Y tế

4.2.1. Tỷ lệ người dân tham gia các hình thức bảo hiểm y tế: Bình quân chung tại 81 xã là 66,17%, trong đó:

- 71 xã có người dân tham gia các hình thức bảo hiểm y tế đạt theo tiêu chí >20% .

- 10 xã có người dân tham gia các hình thức bảo hiểm y tế < 20%.

4.2.2. Y tế xã đạt chuẩn quốc gia:

- 16 xã có y tế xã đạt chuẩn quốc gia.

- 65 xã có y tế xã chưa đạt chuẩn quốc gia.

So với tiêu chí nông thôn mới chưa đạt.

4.3. Tiêu chí số 16, Văn hoá

Xã có từ 70% số thôn, bản trở lên đạt chuẩn làng văn hoá theo quy định của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch.

- 16 xã có từ 70% số thôn, bản trở lên đạt chuẩn làng văn hoá.

- 65 xã có dưới 70% số thôn đạt chuẩn làng văn hoá.

So với tiêu chí nông thôn mới chưa đạt.

4.4. Tiêu chí số 17, Môi trường

4.4.1. Tỷ lệ hộ được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh theo quy chuẩn quốc gia: Bình quân chung tại 81 xã là 60%, trong đó:

- 17 xã tỷ lệ hộ được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh >85%.

- 64 xã tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch hợp vệ sinh thấp hơn 85%.

4.4.2. Các cơ sở SX-KD đạt tiêu chuẩn về môi trường:

- 55 xã có cơ sở SX-KD đạt tiêu chuẩn về môi trường.

- 26 xã có cơ sở SX-KD chưa đạt tiêu chuẩn về môi trường.

4.4.3. Không có các hoạt động gây suy giảm môi trường và có các hoạt động phát triển môi trường xanh sạch, đẹp:

- 60 xã không có các hoạt động gây suy giảm môi trường.

- 21 xã có các hoạt động gây suy giảm môi trường.

4.4.4. Nghĩa trang được xây dựng theo quy hoạch:

- 31 xã có nghĩa trang được xây dựng theo quy hoạch.

- 50 xã có nghĩa trang được xây dựng không theo quy hoạch.

4.4.5. Có tổ chức thu gom và xử lý chất thải, nước thải theo quy định:

- 05 xã có tổ chức thu gom và xử lý chất thải, nước thải.

- 76 xã chưa có tổ chức thu gom và xử lý chất thải, nước thải.

So với tiêu chí nông thôn mới chưa đạt.

5. Hệ thống chính trị

5.1. Tiêu chí số 18, Hệ thống tổ chức chính trị xã hội vững mạnh

5.1.1. Trình độ cán bộ xã đạt chuẩn:

- 38 xã có trình độ cán bộ đạt chuẩn.

- 43 xã có trình độ cán bộ chưa đạt chuẩn.

5.1.2. Có đủ các tổ chức trong hệ thống chính trị cơ sở theo quy định:

Các tổ chức trong hệ thống chính trị cơ sở theo quy định tại 81 xã đều đạt yêu cầu (100%)

5.1.3. Đảng bộ, chính quyền xã đạt tiêu chuẩn "trong sach, vững mạnh”:

- 47 xã có Đảng bộ, chính quyền xã đạt chuẩn.

- 34 xã có Đảng bộ, chính quyền xã chưa đạt chuẩn.

5.1.4. Các tổ chức đoàn thể chính trị của xã đều đạt danh hiệu tiên tiến trở lên:

- 48 xã các tổ chức đoàn thể chính trị của xã đạt danh hiệu tiên tiến.

- 33 xã các tổ chức đoàn thể chính trị của xã chưa đạt danh hiệu tiên tiến.

So với tiêu chí nông thôn mới chưa đạt.

5.2. Tiêu chí số 19, An ninh, trật tự, xã hội

An ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội ở nông thôn được giữ vững, 100% số xã có lực lượng dân quân tự vệ và lực lượng dự bị động viên hoạt động tốt. Tình trạng phạm tội và các tệ nạn xã hội cơ bản được hạn chế, an ninh chính trị trên địa bàn được giữ vững ổn định.

So với tiêu chí nông thôn mới đã đạt.

III. ĐÁNH GIÁ CHUNG

Trong những năm qua, được sự quan tâm tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và đầu tư của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, cơ quan đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở, kinh tế-xã hội khu vực nông thôn đã có những bước phát triển. Kinh tế nông thôn có chuyển biến tích cực; nông nghiệp đạt tốc độ tăng trưởng khá.

Kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội nông thôn được tăng cường, nhất là thuỷ lợi, giao thông, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, từng bước làm thay đổi bộ mặt nông thôn. Hệ thống giao thông, điện, kết cấu hạ tầng xã hội ở nông thôn có bước phát triển nhanh về số lượng. 100% số xã có đường ô tô đến khu trung tâm; hầu hết các xã đều có trường học, trạm y tế.

Bên cạnh những thành tựu đạt được, nông thôn tỉnh ta đang bộc lộ nhiều mặt tồn tại:

- Toàn tỉnh mới có 02 xã đạt tiêu chí về quy hoạch.

- Đường giao thông liên thôn, liên xóm, nội đồng phần lớn đi lại rất khó khăn, nhất là về mùa mưa; một số tuyến đường đã đầu tư xây dựng nhưng chưa đạt chuẩn quy định của Bộ Giao thông Vận tải (chiều rộng mặt đường, sức chịu tải). Đường trục xã phần lớn đã được đầu tư xây dựng đến trung tâm xã, tuy nhiên so với tiêu chuẩn cấp kỹ thuật của Bộ Giao thông Vận tải thì vẫn còn thấp.

- Trường học: Mặc dù đã có nhiều chương trình đầu tư nhưng cơ sở vật chất các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở ở nông thôn có tỷ lệ đạt chuẩn thấp.

- Cơ sở vật chất văn hoá, thể thao ở các xã ít được coi trọng, mới có 13/81 xã có hội trường kiêm nhà văn hoá xã; mức đạt chuẩn của nhà văn hóa và khu thể thao xã rất thấp, không có nhà văn hoá hoặc nhà sinh hoạt cộng đồng đạt chuẩn quy định của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch.

- Chợ nông thôn: Hầu hết các xã vẫn chưa có chợ, hiện chỉ có 11 xã được xây dựng chợ, trong đó có 7 chợ đạt chuẩn nông thôn mới; trên thực tế do điều kiện đặc thù của vùng đồng bào Tây Nguyên nói chung dân cư ở không tập trung, khoảng cách giữa các điểm dân cư là khá xa nhau, điều kiện kinh tế khó khăn, vì vậy việc xây dựng chợ nông thôn đi vào hoạt động có hiệu quả là rất khó khăn.

So với tiêu chí quốc gia về nông thôn mới:

+ Có 01 tiêu chí đã đạt là tiêu chí số 19 về An ninh trật tự xã hội .

+ Có 02 tiêu chí cơ bản đã đạt được là: Tiêu chí số 4 về điện và tiêu chí số 8 về Bưu điện.

+ Có 16 tiêu chí chưa đạt hoặc đạt ở mức độ thấp: Tiêu chí quy hoạch; giao thông, thủy lợi, hộ nghèo, trường học; cơ sở vật chất văn hoá; chợ nông thôn; thu nhập; văn hoá; tỷ lệ lao động trong lĩnh vực Nông, lâm, ngư nghiệp còn cao; nhà ở nông thôn và tiêu chí môi trường nông thôn chưa đảm bảo do còn ô nhiễm...

Phần thứ hai

QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI GIAI ĐOẠN 2011-2015

I. QUAN ĐIỂM VÀ MỤC TIÊU

1. Quan điểm

- Xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ quan trọng, có ý nghĩa chiến lược, góp phần xây dựng tỉnh Kon Tum cơ bản thoát nghèo vào năm 2015. Được tiến hành đồng thời ở tất cả các xã, thực hiện đồng bộ tất cả các tiêu chí, bảo đảm vừa đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, vừa bảo tồn phát huy giá trị văn hóa truyền thống, giữ gìn bản sắc dân tộc, góp phần xây dựng tỉnh Kon Tum phát triển bền vững, có môi trường xanh, sạch, đẹp.

- Xây dựng nông thôn mới trên tinh thần phát huy nội lực của cộng đồng, ý chí tự chủ, tự lực, tự cường của nhân dân là chính, kết hợp với sự hỗ trợ đắc lực của Nhà nước phù hợp với điều kiện từng cơ sở, bảo đảm giải phóng và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực về lao động, đất đai, tài nguyên nước, rừng; ứng dụng nhanh các thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến trong nông nghiệp, nông thôn, phát triển nguồn nhân lực và nâng cao dân trí ở khu vực nông thôn.

- Ưu tiên vốn ngân sách đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội đối với những tiêu chí gần đạt chuẩn và cho những địa phương làm tốt, có khả năng về đích sớm.

- Chủ thể chính xây dựng nông thôn mới là nông hộ; xây dựng nông thôn mới được thực hiện theo phương châm dựa vào nội lực của cộng đồng dân cư, vì vậy mọi việc phải được dân biết, dân bàn, dân làm và dân được hưởng thụ.

2. Mục tiêu

2.1. Mục tiêu chung

- Xây dựng nông thôn mới Kon Tum có kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội đồng bộ và từng bước hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển công nghiệp, dịch vụ; gắn xây dựng nông thôn với đô thị theo quy hoạch; xã hội nông thôn dân chủ, ổn định, giàu bản sắc văn hoá dân tộc; môi trường sinh thái được bảo vệ; an ninh chính trị được giữ vững; đời sống vật chất tinh thần của nông dân ngày càng được nâng cao.

- Phấn đấu đến năm 2015 toàn tỉnh có trên 20% số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Đối với 22 xã được chọn làm điểm để xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2015 của tỉnh phấn đấu mỗi năm đạt được ít nhất từ 2 đến 3 tiêu chí về nông thôn mới, đối với các xã còn lại mỗi năm đạt được ít nhất là 1 tiêu chí. Phấn đấu trong năm 2011 toàn tỉnh có 01 xã đạt xã nông thôn mới

2.2. Mục tiêu cụ thể: Phấn đấu đến năm 2015 đạt:

TIÊU CHÍ VÀ MỤC TIÊU ĐẠT NÔNG THÔN MỚI TỈNH KON TUM ĐẾN NĂM 2015

TT

Tiêu chí

Nội dung Tiêu chí

Chỉ tiêu Tây nguyên theo QĐ 491

Mục tiêu Đề án

Chỉ tiêu đạt

Năm đạt

Tỷ lệ xã đạt

1

Quy hoạch

Đồ án quy hoạch chung xây dựng xã nông thôn mới

Đạt

Đạt

2011

100%

II. HẠ TẦNG KINH TẾ - XÃ HỘI

2

Giao thông

Tỷ lệ đường trục xã được cứng hóa, đạt chuẩn

100%

100%

2015

100%

Tỷ lệ đường trục thôn được cứng hóa, đạt chuẩn

70%

70%

2015

20%

Đường ngõ, xóm sạch và không lầy lội vào mùa mưa và % được cứng hóa

100% (50% cứng hóa)

100%

(50% cứng hóa)

2015

20%

Tỷ lệ đường trục chính nội đồng được cứng hóa

70%

70%

2015

20%

3

Thủy lợi

Hệ thống thủy lợi cơ bản đáp ứng yêu cầu sản xuất và dân sinh.

Đạt

Đạt

2015

100%

Tỷ lệ km kênh mương được kiên cố hóa /số km kênh mương do xã quản lý.

45%

45%

2015

50%

4

Điện

Hệ thống điện đảm bảo yêu cầu kỹ thuật của ngành điện

Đạt

Đạt

2012

100%

Tỷ lệ hộ sử dụng điện thường xuyên an toàn từ các nguồn

98%

98%

2012

100%

5

Trường học

Trường học các cấp: mầm non, mẫu giáo, tiểu học, THCS có cơ sở vật chất đạt chuẩn quốc gia

70%

70%

2015

20%

6

Cơ sở vật chất văn hóa

Nhà văn hóa và khu thể thao xã đạt chuẩn của Bộ VH-TT DL

Đạt

Đạt

2015

45%

Tỷ lệ thôn có nhà văn hóa và khu thể thao thôn đạt chuẩn của Bộ VH-TT DL

100%

100%

2015

20%

7

Chợ nông thôn

Chợ đạt chuẩn của Bộ xây dựng

Đạt

Đạt

2015

20%

8

Bưu điện

Điểm phục vụ bưu chính viễn thông

Đạt

Đạt

2015

100%

Có Internet đến thôn

Đạt

Đạt

2015

100%

9

Nhà ở dân cư

Số nhà tạm, nhà dột nát

không

không

2012

100%

Nhà đạt chuẩn của Bộ xây dựng

75%

75%

2015

20%

III. KINH TẾ VÀ TỔ CHỨC SẢN XUẤT

10

Thu nhập

Thu nhập bình quân đầu người/năm so với mức bình quân chung của tỉnh

1,3 lần

1,3 lần

2015

20%

11

Hộ nghèo

Tỷ lệ hộ nghèo

7%

7%

2015

20%

12

Cơ cấu lao động

Tỷ lệ lao động trong độ tuổi làm việc trong lĩnh vực Nông, lâm, ngư nghiệp

40%

40%

2015

20%

13

Tổ chức sản xuất

Có tổ hợp tác hoặc hợp tác xã hoạt động có hiệu quả

2015

20%

IV. VĂN HÓA-XÃ HỘI-MÔI TRƯỜNG

14

Giáo dục

Phổ cập giáo dục trung học

Đạt

Đạt

2015

20%

Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS được tiếp tục học trung học (Phổ thông, bổ túc, học nghề)

70%

70%

2015

100%

Tỷ lệ lao động qua đào tạo

>20%

>20%

2015

100%

15

Y tế

Tỷ lệ người dân tham gia các hình thức bảo hiểm y tế

20%

50%

2015

100%

Y tế xã đạt chuẩn quốc gia

Đạt

Đạt

2015

50%

16

Văn Hóa

Tỷ lệ thôn, làng đạt chuẩn làng văn hóa theo quy định của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch

70%

70%

2015

80%

17

Môi trường

Tỷ lệ hộ được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh theo quy chuẩn quốc gia

85%

90%

2015

100%

Các cơ sở SX-KD đạt tiêu chuẩn về môi trường

Đạt

Đạt

2015

100%

Không có các hoạt động gây suy giảm môi trường và có các hoạt động phát triển môi trường xanh, sạch, đẹp

Đạt

Đạt

2015

100%

Nghĩa trang được xây dựng theo quy hoạch

Đạt

Đạt

2015

70%

Chất thải, nước thải được thu gom và xử lý theo quy định

Đạt

Đạt

2015

20%

V. HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ

18

Hệ thống chính trị - xã hội

Trình độ cán bộ xã đạt chuẩn

Đạt

Đạt

2015

80%

Có đủ số lượng các tổ chức trong hệ thống chính trị cơ sở theo qui định

Đạt

Đạt

2015

80%

Đảng bộ, chính quyền xã đạt tiêu chuẩn "trong sạch, vững mạnh"

Đạt

Đạt

2015

80%

Các tổ chức đoàn thể chính trị của xã đạt danh hiệu tiên tiến trở lên

Đạt

Đạt

2015

80%

19

An ninh trật tự

Tình hình An ninh, trật tự xã hội

Đạt

Đạt

2015

100%

II. NỘI DUNG, NHIỆM VỤ CHỦ YẾU

1. Hoàn thành việc xây dựng Đồ án quy hoạch và Đề án xây dựng nông thôn mới cấp xã

Trong năm 2011 hoàn thành lập Đồ án quy hoạch chung xây dựng xã nông thôn mới và Đề án xây dựng nông thôn mới cho 100% số xã, làm cơ sở cho việc tổ chức thực hiện. Các quy hoạch cấp xã phải phù hợp với quy hoạch cấp huyện và quy hoạch toàn tỉnh. Việc lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch được thực hiện theo quy định hiện hành, theo hướng dẫn của các bộ, ngành Trung ương.

Trên cơ sở quy hoạch chung xây dựng xã nông thôn mới, từng bước lập quy hoạch chi tiết xây dựng trung tâm xã, các điểm dân cư thôn, bản, các khu xây dựng mới và khu tái định cư nông thôn mới khi cần thiết.

Công tác lập Đồ án quy hoạch và Đề án xây dựng nông thôn mới phải được sự đồng thuận giữa chính quyền, cộng đồng dân cư trên địa bàn, bảo đảm nguyên tắc dân biết, dân bàn, dân làm, dân hưởng thụ.

2. Phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn

- Hoàn thiện cơ bản hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội trên địa bàn thôn, xã đáp ứng yêu cầu CNH - HĐH và phát triển bền vững; cải thiện điều kiện sinh hoạt và ăn ở cho từng hộ dân theo hướng văn minh, sạch đẹp; đảm bảo các mục tiêu đã đề ra.

- Cải tạo, nâng cấp, phát triển các công trình hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống văn hoá-xã hội, bảo vệ môi trường trên địa bàn xã; chỉnh trang bộ mặt nông thôn, đảm bảo các điều kiện phát triển bền vững, như: Hệ thống đường giao thông từ liên đến liên thôn; hệ thống điện đến hộ gia đình; hệ thống thuỷ lợi và xây dựng các các chợ đầu mối.

- Sửa chữa, xây dựng trụ sở xã, trung tâm văn hoá-thể thao xã và thôn, bản đạt chuẩn, đảm bảo được chức năng hội họp, sinh hoạt văn nghệ, thư viện, vui chơi giải trí; xây dựng sân vận động xã, các khu thể thao thôn, tôn tạo các công trình văn hoá lịch sử; tiếp tục thực hiện Chương trình kiên cố hóa trường, lớp theo hướng đạt chuẩn về cơ sở vật chất; xây dựng trạm y tế, điểm bưu điện xã đạt chuẩn.

- Cải tạo hệ thống thoát nước thải; hệ thống cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh đến các hộ; xây dựng các khu chăn nuôi, khu sản xuất tiểu thủ công nghiệp để chuyển những hộ chăn nuôi quy mô lớn và sản xuất nghề tiểu thủ công nghiệp có ô nhiễm ra khỏi khu dân cư; quy hoạch và quản lý nghĩa địa.

- Phát triển cải tạo hệ thống ao, hồ sinh thái; trồng cây xanh, hoa cây cảnh nơi công cộng.

- Chỉnh trang nhà ở, bố trí sắp xếp các công trình phụ hợp lý; cải tạo tường rào, đảm bảo vệ sinh, cảnh quan đẹp cho mỗi hộ gia đình nông thôn, làm cho người dân yêu quê hương, gắn bó lâu dài với nông thôn.

3. Hỗ trợ phát triển sản xuất hàng hoá và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất có hiệu quả ở nông thôn để tăng thu nhập cho người dân.

- Thực hiện công tác quy hoạch vùng sản xuất hàng hoá tập trung dựa trên các tiềm năng, lợi thế của từng địa phương và xây dựng các giải pháp thực hiện quy hoạch.

- Thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng nâng cao tỷ trọng dịch vụ và công nghiệp. Ngành nông nghiệp chuyển dịch mạnh theo hướng nâng cao tỷ trọng chăn nuôi, phát triển mạnh nông nghiệp theo hướng hàng hóa. Khuyến khích phát triển các hoạt động dịch vụ, du lịch, chú trọng khai thác các tiềm năng du lịch, khuyến khích phát triển du lịch sinh thái.

- Khuyến khích phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nông thôn, ưu tiên phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm sản. Khôi phục các làng nghề truyền thống bị mai một, xây dựng, phát triển các làng nghề mới để thu hút lao động.

- Hướng dẫn người dân lựa chọn sản xuất sản phẩm có lợi thế nhất, theo hướng thị trường và hàng hoá. Nhà nước hỗ trợ đầu tư để phát triển ngành hàng đó thành sản phẩm hàng hoá của địa phương. Đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, giảm tổn thất sau thu hoạch trong sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp.

- Phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, khai thác tối ưu các nguồn lực để nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Đổi mới tổ chức, nội dung hoạt động cho HTX theo hướng HTX kinh doanh tổng hợp bao gồm: Hoạt động chuyển giao tiến bộ kỹ thuật; sản xuất giống; cung ứng vật tư, tiêu thụ sản phẩm; dịch vụ sản xuất và đời sống. Củng cố các tổ dịch vụ kỹ thuật cho sản xuất, chế biến nông sản, sửa chữa điện, cơ khí để có thể làm dịch vụ, thuận tiện, hiệu quả theo yêu cầu của các hộ.

Phát triển trang trại: Mỗi xã đều quy hoạch vùng đất cho sản xuất tập trung, nuôi thuỷ sản tập trung hoặc cây ăn quả, cây công nghiệp… để phát triển trang trại; hỗ trợ phòng chống dịch bệnh cho các trang trại; hỗ trợ vốn đào tạo kiến thức cho các chủ trang trại.

Thành lập các tổ dịch vụ kỹ thuật cho sản xuất, chế biến nông sản, sửa chữa điện, cơ khí để đáp ứng theo yêu cầu của các hộ dân trên địa bàn.

- Tăng cường khuyến nông đối với nông dân qua các hình thức bồi dưỡng ngắn hạn, tham quan học tập kinh nghiệm, bồi dưỡng kiến thức qua câu lạc bộ khuyến nông, khuyến công... ; thử nghiệm đổi mới cách bồi dưỡng kiến thức khuyến nông theo hướng coi trọng việc bồi dưỡng, hỗ trợ vốn cho nhóm nông dân nòng cốt (chọn mỗi thôn, bản khoảng 15-20 hộ làm ăn giỏi), bồi dưỡng đào tạo kỹ hơn cho về làm kỹ thuật sản xuất cây, con hàng hoá có triển vọng; bồi dưỡng kiến thức thị trường, thông tin thương mại, kỹ năng hợp tác.... để họ trở thành các “đầu tầu” thúc đẩy đổi mới cách làm ăn ở địa phương; thành lập quỹ khuyến nông, quỹ bảo hiểm rủi ro để trợ giúp nông dân trong sản xuất nông nghiệp ở nông thôn.

- Phát triển thị trường tiêu thụ hàng nông sản tại xã dựa trên lợi thế, quy hoạch hình thành các vùng sản xuất hàng hoá tập trung, chất lượng tốt. Bên cạnh đó phải quy hoạch và xây dựng chợ nông sản đầu mối khu vực để thuận lợi cho tiêu thụ nông sản và quảng bá thương hiệu nông sản cho các xã.

4. Phát triển văn hóa - xã hội

4.1. Giáo dục – đào tạo

Mục tiêu phấn đấu phổ cập giáo dục trung học cơ sở có tỷ lệ huy động học sinh trong độ tuổi từ 11 đến 14 hoàn thành chương trình tiểu học vào học trung học cơ sở đạt 95%, có tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở được tiếp tục học trung học (phổ thông, bổ túc, học nghề) đạt 70% trở lên. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 45%. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia; vận động học sinh trong độ tuổi đến lớp, hạn chế lưu ban, bỏ học nhằm duy trì tốt kết quả phổ cập giáo dục THCS, phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phấn đấu đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi.

- Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên theo hướng: Đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng, đạt chuẩn về trình độ đào tạo, ổn định về đội ngũ, là tấm gương sáng cho học sinh noi theo, góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục.

- Tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật sản xuất nông nghiệp cho nông dân.

- Xây dựng kế hoạch đào tạo nghề cho nông dân để chuyển lao động nông nghiệp sang phi nông nghiệp.

- Tập huấn bồi dưỡng kiến thức tổ chức sản xuất, kiến thức quản lý và kiến thức kinh tế thị trường cho cán bộ HTX, các chủ trang trại.

- Đào tạo kiến thức quản lý, tổ chức thực hiện xây dựng nông thôn mới, phát triển nông thôn cho cán bộ Đảng, chính quyền, các Đoàn thể từ xã đến các thôn.

4.2. Y tế

- Xây dựng hạ tầng về y tế đảm bảo đạt chuẩn.

- Tổ chức xây dựng mạng lưới y tế ở thôn, bản.

- Có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng và bổ sung cán bộ y tế đủ và đạt chuẩn.

- Tổ chức cho người dân tham gia các hình thức bảo hiểm y tế.

- Thường xuyên tổ chức các đợt tiêm phòng, phòng dịch cho cộng đồng.

4.3. Văn hóa

- Xây dựng nông thôn có đời sống văn hoá, tinh thần lành mạnh, phong phú; bản sắc văn hoá được gìn giữ, nhiệt tình cách mạng được phát huy, tạo sức mạnh nội sinh cho phát triển bền vững.

- Xây dựng cơ sở vật chất phục vụ hoạt động văn hoá, thể thao cấp xã và thôn, bản: Quy hoạch và xây dựng 1 điểm chơi thể thao ở thôn, bản gắn với trung tâm văn hoá thể thao thôn. Đảm bảo điều kiện vui chơi hàng ngày cho mọi lứa tuổi (bóng đá mini, cầu lông, bóng chuyền, bóng bàn, cờ tướng...); mỗi thôn có một trung tâm văn hoá thể thao đảm đương chức năng hội họp và học tập của cộng đồng thôn, có tủ sách và phòng đọc sách, có hệ thống vi tính nối mạng để cung cấp thông tin và học tập tin học cho thanh thiếu niên, có vườn sinh cảnh hoặc cây bóng mát... để tạo thành điểm đến hấp dẫn của các lứa tuổi trong cộng đồng.

- Xây dựng các cơ chế, chính sách để xã hội hóa các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch; cơ chế chính sách thúc đẩy cho tư nhân đầu tư vào lĩnh vực phát triển hoạt động văn nghệ, thể thao cho nông dân, giao cho các đoàn thể tổ chức thúc đẩy phát triển hoạt động văn nghệ, thể thao cho hội viên. Phát động và nâng cao chất lượng phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa.

- Xây dựng quy ước thôn, làng về nếp sống văn hoá nông thôn: khuyến khích học tập để vươn lên làm chủ cuộc sống, sống nhân ái, giúp đỡ đùm bọc nhau, giúp nhau giảm nghèo, vươn lên làm giàu ngay tại địa phương mình. Lành mạnh hoá việc cưới, việc tang; chống mê tín dị đoan và tệ nạn xã hội; giữ gìn vệ sinh công cộng, bảo vệ môi trường; xây dựng và tổ chức thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, thực hiện chính sách Dân số - Kế hoạch hóa gia đình.

5. Bảo vệ và phát triển môi trường nông thôn

- Xây dựng, cải tạo hệ thống tiêu thoát nước thải, hệ thống xử lý rác thải đơn giản (như quy hoạch và xây dựng nơi đổ rác chung cho cộng đồng); hệ thống cấp nước sinh hoạt... Tuỳ theo điều kiện cụ thể của xã, xây dựng hệ thống cấp nước sinh hoạt tập trung hoặc phân tán để đảm bảo cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh cho đa số người dân trong xã.

- Sửa chữa, khắc phục tình trạng ô nhiễm về nguồn nước, không khí hiện nay ở địa bàn xã.

- Xây dựng cảnh quan môi trường sinh thái ở mỗi gia đình và khu vực cộng đồng theo hướng xanh-sạch-đẹp.

- Xây dựng quy chế bảo vệ phát triển môi trường cho các xã để nâng cao trách nhiệm của cán bộ cơ sở và làm căn cứ để người dân chủ động tham gia giám sát.

- Tăng cường hình thức tổ chức các hoạt động thu gom xử lý chất thải, tiêu thoát nước, trồng cây xanh, tổ chức vệ sinh thôn, xóm.

- Chuyển các trại chăn nuôi tập trung, cơ sở ngành nghề gây ô nhiễm ra khỏi khu dân cư; xây dựng hầm biogas cho mỗi hộ; mỗi thôn hoặc liên thôn có 01 tổ chức thu gom, xử lý rác thải tại khu tập trung.

- Chỉnh trang nghĩa địa theo quy hoạch và xây dựng quy chế quản lý.

- Thực hiện tốt công tác giao khoán bảo vệ rừng

6. Củng cố, nâng cao chất lượng và vai trò của các tổ chức trong hệ thống chính trị ở cơ sở

Nâng cao chất lượng hoạt động, vai trò mối quan hệ của các tổ chức của hệ thống chính trị cơ sở dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ xã trong phát triển kinh tế, an ninh quốc phòng nói chung và xây dựng nông thôn mới nói riêng.

- Rà soát, đánh giá thực trạng vai trò của các tổ chức trong hệ thống chính trị cơ sở, trong phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương.

- Xác định rõ vai trò của mỗi tổ chức trong xây dựng nông thôn mới thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá.

- Bổ sung chức năng, nhiệm vụ của mỗi tổ chức đoàn thể chính trị cho phù hợp với nhiệm vụ. Bổ sung quy chế hoạt động của các đoàn thể chính trị theo nhiệm vụ mới, đảm bảo sự lãnh đạo thống nhất, thông suốt của Đảng bộ đối với các tổ chức chính trị-xã hội ở cơ sở trong việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, an ninh-quốc phòng nói chung và xây dựng nông thôn mới nói riêng.

- Tổ chức học tập, bồi dưỡng nâng cao kiến thức của cán bộ, hội viên, đảng viên đáp ứng yêu cầu xây dựng nông thôn mới thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá.

- Thực hiện việc chuẩn hoá đội ngũ cán bộ đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể từ xã đến các thôn, xóm.

III. KHÁI TOÁN VỐN ĐẦU TƯ

1. Nhu cầu vốn đầu tư, hỗ trợ

1.1. Rà soát điều chỉnh và lập mới quy hoạch, đề án xây dựng nông thôn mới

Tổng kinh phí cho lập quy hoạch và xây dựng Đề án xây dựng nông thôn mới cấp xã 55.080 triệu đồng. Trong đó:

- Xây dựng Đồ án quy hoạch chung xây dựng xã nông thôn mới: 81 xã x 150 triệu đồng/xã = 12.150 triệu đồng.

- Xây dựng Dự án chi tiết khu trung tâm xã, phát triển các khu dân cư mới và chỉnh trang các khu dân cư hiện có: 81 xã x 500 triệu đồng/xã = 40.500 triệu đồng.

- Lập Đề án xây dựng nông thôn mới cấp xã: 81 xã x 30 triệu đồng/xã = 2.430 triệu đồng.

1.2. Xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội

1.2.1 Giao thông

Nhu cầu kinh phí xây dựng giao thông ở các xã: 1.367 tỷ đồng, trong đó:

- Đường trục xã, liên xã: Đầu tư mới và nâng cấp 80 km, kinh phí 320 tỷ đồng.

- Đường liên thôn, xóm: Đầu tư xây dựng 420 km, kinh phí 840 tỷ đồng.

- Đường nội đồng: Đầu tư xây dựng 345 km, kinh phí 207 tỷ đồng.

1.2.2. Thủy lợi

Đầu tư xây dựng mới, kiên cố hoá kênh mương nội đồng do xã quản lý để phục vụ sản xuất. Ưu tiên các công trình bức xúc cần đầu tư. Tổng nhu cầu vốn là 415 tỷ đồng, trong đó:

- Đầu tư xây dựng 47 công trình thủy lợi, kinh phí 235 tỷ đồng.

- Bê tông hóa 226 km kênh mương, kinh phí 180 tỷ đồng.

1.2.3. Điện nông thôn

Phấn đấu đến năm 2012 hoàn thành toàn bộ việc cải tạo, nâng cấp hệ thống điện nông thôn đảm bảo yêu cầu kỹ thuật ngành điện, đảm bảo cung cấp đầy đủ điện cho sản xuất và sinh hoạt; thực hiện bán điện trực tiếp cho 100% số hộ sử dụng điện. Tổng nhu cầu vốn 300 tỷ đồng. Trong đó:

- Đầu tư xây dựng 50 trạm biến áp, kinh phí 50 tỷ đồng.

- Đường dây trung, hạ áp 500 km, kinh phí 250 tỷ đồng.

1.2.4. Cơ sở vật chất trường học

Ưu tiên đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở trường học và mua sắm trang thiết bị phục vụ giảng dạy, học tập. Phấn đấu đến năm 2015 có 100% số trường, lớp học được kiên cố hóa để phục tốt công tác dạy và học; có 32,1% số trường đạt chuẩn quốc gia, trong đó: Bậc học mầm non có 34/125 trường (27,2%); bậc tiểu học 65/144 trường (45,14%); trung học cơ sở 23/110 trường (21%); trung học phổ thông 9/29 trường (31%).

Đầu tư xây dựng và nâng cấp khoảng 170 trường học các cấp, kinh phí 170 tỷ đồng.

1.2.5 Cơ sở vật chất văn hóa

Xây dựng, hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất văn hoá bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, nhằm đáp ứng các nhu cầu văn hoá, thể thao của nhân dân. Phấn đấu đến năm 2015 mỗi xã có 1 nhà văn hoá, 1 khu thể thao; trong đó 50% nhà văn hóa xã, 50% khu thể thao xã đạt chuẩn. Tổng nhu cầu vốn là 354 tỷ đồng. Trong đó:

- Đầu tư xây dựng 68 nhà văn hóa và khu thể thao xã, kinh phí 204 tỷ đồng.

- Đầu tư xây dựng 300 nhà văn hóa thôn, kinh phí 150 tỷ đồng.

1.2.6. Chợ nông thôn

Rà soát phê duyệt quy hoạch mạng lưới chợ nông thôn làm cơ sở cho việc đầu tư xây dựng, nâng cấp cải tạo các chợ xã; xây dựng các chợ đầu mối đạt chuẩn tại các vùng sản xuất tập trung ở các khu vực nông thôn.

Đầu tư xây dựng 30 chợ nông thôn, kinh phí 30 tỷ đồng.

1.2.7. Bưu điện (thông tin truyền thông)

Tăng cường đầu tư hoàn thiện mạng lưới bưu chính viễn thông để đáp ứng nhu cầu thông tin liên lạc của nhân dân.

Đầu tư nâng cấp một số bưu điện và cung cấp đường dây internet đến các thôn bản cho 14 xã, kinh phí 14 tỷ đồng.

1.2.8. Nhà ở dân cư

Ưu tiên đầu tư xoá nhà tạm, nhà dột nát và hỗ trợ làm nhà đạt chuẩn vào năm 2015 bằng nguồn vốn hỗ trợ một phần từ ngân sách, của chủ hộ và huy động hỗ trợ của cộng đồng, xã hội. Tổng nhu cầu vốn 290 tỷ đồng. Trong đó:

- Hỗ trợ cho các nhà dân xóa nhà tạm, dột nát cho 2.000 nhà, kinh phí 140 tỷ đồng.

- Hỗ trợ xây dựng nhà nông thôn đạt chuẩn cho 3.000 nhà, kinh phí 150 tỷ đồng.

1.3. Kinh tế và tổ chức sản xuất

Tập trung đầu tư phát triển kinh tế, chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp-ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, thương mại-dịch vụ, chế biến nông, lâm, thủy sản; đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập của người lao động.

Phấn đấu thu nhập bình quân đầu người các xã nông thôn mới đạt cao hơn 1,3 lần so với bình quân thu nhập chung của tỉnh; giảm tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 7%; giảm tỷ lệ lao động trong nông nghiệp còn dưới 40%. Phấn đấu mỗi xã đều có một loại hình kinh tế hợp tác có hiệu quả và có một nghề.

Tổng khái toán 36,2 tỷ đồng. Trong đó:

- Hỗ trợ phát triển sản xuất 16,2 tỷ đồng.

- Hỗ trợ xây dựng các loại hình kinh tế hợp tác 10 tỷ đồng.

- Hỗ trợ phát triển mỗi làng mỗi nghề 10 tỷ đồng.

1.4. Văn hoá, giáo dục, y tế, xã hội và môi trường

1.4.1. Giáo dục - đào tạo

Phấn đấu vào năm 2015 toàn tỉnh có trên 20% số xã hoàn thành phổ cập bậc THPT; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS được tiếp tục vào học THPT và tương đương đạt 85%. Tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo đạt trên 20%.

Tiếp tục đẩy mạnh công tác bồi dưỡng, đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ để chuẩn hóa đội ngũ giáo viên; cải tạo, nâng cấp và xây dựng các trường dạy nghề, hỗ trợ thanh niên nông thôn học nghề và nâng cao kỹ năng lao động.

Tổng khái toán 144 tỷ đồng. Trong đó:

- Đào tạo nghề lao động nông thôn cho 21.650 lao động (bình quân mỗi năm đào tạo 4.330 người), kinh phí 134 tỷ đồng.

- Hỗ trợ phát triển sự nghiệp giáo dục 10 tỷ đồng.

1.4.2 Y tế

Phấn đấu đến năm 2015, toàn tỉnh có trên 50% số xã đạt chuẩn quốc gia về y tế. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế các loại là trên 70%.

Đầu tư nâng cấp các trạm y tế và mua sắm thiết bị đảm bảo đạt chuẩn quốc gia cho 67 trạm y tế, kinh phí 134 tỷ đồng.

1.4.3 Môi trường

Tổng nhu cầu kinh phí thực hiện 127 tỷ đồng. Trong đó:

- Nước sinh hoạt: Phấn đấu đến năm 2015 có 90% dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh. Đầy tư xây dựng 329 công trình nước sinh hoạt tập trung, kinh phí 245,3 tỷ đồng (trong đó: Tu sữa nâng cấp 237 công trình 110,2 tỷ đồng và xây dựng mới 92 công trình 135,1 tỷ đồng).

- Xử lý chất thải: Phấn đấu đến năm 2015 các xã thành lập tổ thu gom rác và 50% rác thải sinh hoạt được xử lý theo quy trình hợp vệ sinh có kiểm soát. Tổng khái toán 38 tỷ đồng.

- Quy hoạch và xây dựng các nghĩa trang theo quy hoạch cho 50 xã, kinh phí 25 tỷ đồng.

1.5. Các hoạt động hỗ trợ khác

Tổng khái toán: 55,15 tỷ đồng. Trong đó:

- Hỗ trợ cho các hoạt động văn hóa 40,5 tỷ đồng.

- Hỗ trợ hoạt động các đoàn thể 8,1 tỷ đồng.

- Kinh phí tuyên truyền, quản lý Chương trình 2,5 tỷ đồng

- Đào tạo, tập huấn cán bộ các cấp: Mục tiêu đến năm 2012 có 100% cán bộ thuộc đối tượng được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cơ bản về xây dựng nông thôn mới, các năm tiếp theo chỉ đào tạo bổ sung hoặc nâng cao. Với nhu cầu kinh phí 4,05 tỷ đồng.

1.6. Củng cố, nâng cao chất lượng và vai trò của các tổ chức trong hệ thống chính trị ở xã nông thôn mới

1.6.1. Đào tạo cán bộ

Tiếp tục công tác đào tạo bồi dưỡng, nâng chất lượng đội ngũ cán bộ cơ sở đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới, phấn đấu 100% cán bộ xã đạt chuẩn vào năm 2015. Rà soát bổ sung chức năng, nhiệm vụ các tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể phù hợp với yêu cầu xây dựng nông thôn mới trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hoá.

1.6.2. Đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội

- Nâng cao hiệu lực quản lý của chính quyền cơ sở; vai trò giám sát của Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể, thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở.

- Quan tâm công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo của công dân; giải quyết kịp thời, dứt điểm đúng quy định của pháp luật, không để tình trạng khiếu kiện phức tạp đông người xảy ra.

- Xây dựng chính sách đãi ngộ phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ cho lực lượng chuyên trách, bán chuyên trách và tự nguyện làm nhiệm vụ an ninh trật tự, đặc biệt là lực lượng công an xã, dân quân tự vệ, dự bị động viên… để thực hiện có hiệu quả công tác đấu tranh, ngăn chặn và đẩy lùi các loại tội phạm, tệ nạn xã hội.

2. Tổng hợp vốn và phân kỳ đầu tư

Tổng nhu cầu vốn thực hiện Đề án giai đoạn 2011-2015 là 3.674.030 triệu đồng. Trong đó:

Đơn vị tính: Triệu đồng

Nội dung

Tổng vốn

Phân theo hàng năm

2011

2012

2013

2014

2015

Tổng cộng

3.674.030

695.380

800.800

730.200

699.700

747.950

- Kinh phí quy hoạch

55.080

14.580

20.000

20.500

- Kinh phí xây dựng cơ bản

3.093.100

534.000

634.000

634.000

624.000

667.100

- Kinh phí hỗ trợ sự nghiệp

470.200

135.000

135.000

65.000

65.000

70.200

- Vốn hỗ trợ các hoạt động khác

55.650

11.800

11.800

10.700

10.700

10.650

(chi tiết có biểu số 01 kèm theo)

3. Phân bổ nguồn lực đầu tư

TT

Nguồn vốn

Vốn (Tr.đ)

Tỷ lệ (%)

Tổng số

3.674.030

100

1

Vốn ngân sách

1.880.530

51,18

1.1

Vốn lồng ghép từ các CT, DA

1.247.900

33,96

1.2

Vốn NS đầu tư trực tiếp

632.630

17,22

-

Ngân sách TW

302.630

8,24

-

Ngân sách địa phương (tỉnh, huyện, xã)

330.000

8,98

2

Huy động dân đóng góp

268.000

7,29

3

Vốn đầu tư, đóng góp của các doanh nghiệp, HTX

707.000

19,24

4

Vốn tín dụng

818.000

22,29

(chi tiết có biểu số 02 kèm theo)

IV. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN.

1. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, vận động sâu rộng trong nhân dân

Tuyên truyền sâu rộng nội dung các chủ trương, mục tiêu của Trung ương, địa phương về xây dựng nông thôn như: Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 05-8-2008 của Ban chấp hành Trung ương Đảng (khoá X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04-6-2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM giai đoạn 2010-2020; các Chương trình của Chính phủ về xóa đói giảm nghèo để người dân hiểu rõ...

- Tổ chức tuyên truyền sâu rộng với nhiều hình thức phong phú để mọi tầng lớp nhân dân hiểu và tham gia; thường xuyên cập nhật, đưa tin về các mô hình, điển hình tiên tiến, sáng kiến và kinh nghiệm hay về xây dựng nông thôn mới trên các phương tiện thông tin đại chúng để phổ biến và nhân rộng.

- Phát động phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” do Thủ tướng Chính phủ phát động trên địa bàn tỉnh; tổ chức ký kết giao ước thi đua giữa các huyện, thành phố, giữa các xã xây dựng nông thôn mới nhằm tạo khí thế thi đua sôi nổi ở các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể trong toàn tỉnh, đồng thời phát huy tính năng động, sáng tạo của các cấp chính quyền, đoàn thể ở cơ sở.

- Mở cuộc vận động về xây dựng nông thôn mới, cần phải quán triệt xây dựng nông thôn mới là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên của các cấp, các ngành để huy động cả hệ thống chính trị và toàn xã hội tham gia, trong đó cấp ủy Đảng, chính quyền đóng vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện, người dân đóng vai trò chủ thể cùng với các tổ chức chính trị xã hội tham gia xây dựng nông thôn mới. Mặt trận Tổ quốc tỉnh chủ trì, phối hợp với các ngành chức năng và các tổ chức đoàn thể tổ chức phát động toàn xã hội thi đua xây dựng nông thôn mới trên địa bàn toàn tỉnh.

2. Nâng cao chất lượng quy hoạch và quản lý quy hoạch nông thôn

- Công tác quy hoạch phải đi trước một bước và là điều kiện tiên quyết cho phát triển nông thôn mới, đối với những xã đã có quy hoạch thì phải rà soát bổ sung lại cho phù hợp, những xã chưa có quy hoạch cần tiến hành lập các loại quy hoạch theo quy định. Do vậy, trong năm 2011 tập trung rà soát, lập mới, điều chỉnh quy hoạch nhằm hoàn thành công tác lập Đồ án quy hoạch chung xây dựng xã nông thôn mới trên địa bàn toàn tỉnh, sau đó từng bước xây dựng các dự án quy hoạch chi tiết để triển khai thực hiện ở cấp xã đảm bảo phù hợp với các chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới.

- Thực hiện công tác quy hoạch ở cấp xã cần phải đảm bảo nguyên tắc: Cơ bản tôn trọng hiện trạng, chủ yếu là chỉnh trang lại. Người dân phải được trực tiếp tham gia vào quy hoạch và họ chấp nhận, tuân thủ những quy định ấy vì lợi ích của chính họ; các nhà tư vấn chỉ giúp đỡ về mặt kỹ thuật là chính. Mặt khác, để có được những sự hoạch định tốt, rất cần khảo sát, đánh giá nắm bắt hiện trạng về nông thôn của địa phương so với 19 tiêu chí nông thôn mới. Việc quy hoạch ở cấp xã phải do UBND cấp xã chủ trì thực hiện, UBND cấp huyện thẩm định và phê duyệt.

- Nội dung chính của Quy hoạch nông thôn mới phải thể hiện rõ quy hoạch không gian bố trí sử dụng đất, sản xuất, hạ tầng kinh tế xã hội, khu dân cư. Trên cơ sở hiện trạng để điều chỉnh, bổ sung, xây dựng quy hoạch phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của từng vùng, miền, phong tục tập quán mỗi dân tộc và Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới, tiêu chuẩn, quy chuẩn của các ngành; đồng thời phải phù hợp với quy hoạch tổng thể, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, kết nối với vùng quy hoạch, ngành, đáp ứng được yêu cầu trước mắt và lâu dài. Làm tốt công tác quy hoạch ngành dựa trên nhu cầu thực tế của sản xuất yêu cầu, nâng cao chất lượng và tính khả thi quy hoạch, phân định rõ chức năng của các ngành theo các tiểu vùng kinh tế tránh sự chồng chéo, khai thác được lợi thế của các tiểu vùng kinh tế.

- Tăng cường quản lý nhà nước trong công tác lập và quản lý thực hiện quy hoạch xây dựng nông thôn mới. Quy hoạch xây dựng nông thôn mới cấp xã sau khi được phê duyệt phải công khai rộng rãi trong cộng đồng dân cư; đồng thời tăng cường sự giám sát của người dân trong quá trình triển khai thực hiện quy hoạch.

- Đồ án Quy hoạch và Đề án xây dựng nông thôn mới cấp xã là tài liệu quan trọng làm cơ sở để thực hiện toàn bộ nội dung của Chương trình xây dựng nông thôn mới ở cấp xã. Do vậy, trong quá trình xây dựng Đồ án Quy hoạch và Đề án nông thôn mới (cấp xã) cần phải lấy ý kiến góp ý của cộng đồng dân cư từ khâu khảo sát, lập danh mục đầu tư, xác định các nguồn vốn… đến khâu hoàn thiện bộ máy quản lý điều hành theo phương châm: dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân hưởng lợi. Công khai cơ cấu các nguồn kinh phí đầu tư đối với các công trình xây dựng hạ tầng cơ sở nông thôn (giao thông, thủy lợi, điện, các công trình văn hóa-xã hội...), để người dân thảo luận, tự nguyện tham gia hiến đất, đóng góp công sức, tiền của để xây dựng;

- Lựa chọn, sắp xếp theo thứ tự ưu tiên các nội dung trong Đồ án để xây dựng kế hoạch thực hiện một cách hợp lý, bảo đảm hoàn thành từng nội dung tiêu chí theo kế hoạch đề ra.

3. Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn

- Tập trung huy động các nguồn lực để xây dựng kết cấu hạ tầng - xã hội vùng nông thôn, nhất là hệ thống giao thông, thủy lợi, điện, nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn; phát triển mạng lưới trường học, trạm y tế, hệ thống bưu chính viễn thông... Ưu tiên đầu tư xây dựng các hạng mục, tiêu chí gần đạt được tiêu chí quốc gia về nông thôn mới và cho các xã có khả năng sớm đạt xã nông thôn mới. Thực hiện công khai cơ cấu các nguồn kinh phí đầu tư đối với các công trình xây dựng hạ tầng cơ sở nông thôn để người dân thảo luận, tự nguyện tham gia hiến đất, đóng góp công sức, tiền của.

- Tập trung chỉ đạo đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các trạm y tế; làm tốt công tác chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho nhân dân. Đẩy mạnh Chương trình kiên cố hoá trường học, đầu tư trang thiết bị dạy và học theo hướng hiện đại. Đầu tư xây dựng các thiết chế văn hoá-thể thao ở nông thôn.

- Đầu tư xây dựng một số chợ đầu mối ở những nơi thuận lợi và có điều kiện để giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

- Thực hiện tốt dự án nâng cấp, cải tạo lưới điện trung áp trên địa bàn. Xây dựng các mô hình quản lý điện nông thôn, quan tâm giảm thất thoát điện năng.

- Tập trung xây dựng mới và cải tạo hồ, đập, trạm bơm để cấp nước phục vụ sản xuất, ưu tiên hoàn thành việc kiên cố hoá kênh mương, các công trình thủy lợi trọng điểm ở những vùng khó khăn về nguồn nước.

4. Đẩy mạnh phát triển y tế, giáo dục, văn hoá, xã hội, môi trường và an ninh quốc phòng

- Tiếp tục củng cố tổ chức mạng lưới y tế cơ sở, hoàn thiện và nâng cao các dịch vụ y tế phục vụ chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân. Có chính sách thu hút động viên khuyến khích đối với bác sỹ về công tác tại trạm y tế xã, duy trì và phát triển lực lượng y tế thôn, làng. Thực hiện đồng bộ và có hiệu quả công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, chính sách dân số-kế hoạch hóa gia đình, chính sách khám chữa bệnh bằng thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo và trẻ em dưới 6 tuổi; làm tốt công tác y tế dự phòng. Đẩy mạnh thực hiện y tế học đường, bố trí đủ cán bộ y tế trong các trường học ở nông thôn.

- Tăng cường đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ để chuẩn hóa đội ngũ giáo viên đảm bảo đủ về số lượng, đáp ứng yêu cầu về chất lượng. Khuyến khích và tạo điều kiện phát triển quỹ khuyến học ở nông thôn; vận động học sinh trong độ tuổi được đến lớp, hạn chế lưu ban, bỏ học nhằm duy trì tốt kết quả phổ cập giáo dục trung học cơ sở, phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phấn đấu đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi.

- Đẩy mạnh tuyên truyền và xây dựng nếp sống văn hóa ở nông thôn, tăng cường và nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao. Làm tốt công tác bảo tồn, tôn tạo phát huy các giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể. Nâng cao chất lượng phong trào: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” trong đó trọng tâm là xây dựng gia đình văn hoá, làng văn hoá, khu dân cư văn hoá.

- Tập trung triển khai Chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn. Tổ chức tốt việc thu gom xử lý rác thải, nước sinh hoạt và chăn nuôi, quản lý và bảo vệ bền vững tài nguyên đất, nước. Tăng cường các hoạt động bảo vệ môi trường xanh-sạch-đẹp, nhất là việc kiểm tra, xử lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh không có hệ thống xử lý nước thải, rác thải, gây ô nhiễm môi trường. Tiến hành quy hoạch nghĩa trang và thực hiện đúng theo quy hoạch đối với các xã chưa có nghĩa trang hoặc có nghĩa trang nhưng chưa đảm bảo về yếu tố môi trường.

- Tăng cường phổ biến, giáo dục kiến thức pháp luật để người dân hiểu rõ và thực hiện đúng đường lối, chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước. Giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội, giải quyết tốt các vấn đề xã hội, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế. Có cơ chế chính sách hỗ trợ để thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các biện pháp phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội, giảm tai nạn giao thông và đẩy mạnh phong trào toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc. Chủ động phát hiện, ngăn chặn, xử lý triệt để các hoạt động biểu tình, bạo loạn, vượt biên trái phép, kiếu kiện đông người ngay tại cơ sở, góp phần giữ vững ổn định chính trị, an ninh trật tự ở khu vực nông thôn.

- Đẩy mạnh công tác đào tạo nghề để giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động khu vực nông thôn theo hướng giảm dần tỷ trọng lao động trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp.

5. Củng cố, đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất

- Tổ chức lại sản xuất để phát triển kinh tế nông thôn theo hướng sản xuất hàng hóa. Củng cố và đổi mới hoạt động của các Hợp tác xã, phát triển đa dạng các hình thức kinh tế hợp tác ở nông thôn. Tạo cơ sở thuận lợi cho kinh tế tập thể, kinh tế hộ, kinh tế trang trại và doanh nghiệp ở nông thôn phát triển. Xây dựng cơ chế, chính sách thu hút mạnh các tổ chức, cá nhân đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn của tỉnh, sử dụng nhiều lao động để tạo nhiều việc làm mới cho lao động khu vực nông nghiệp, nông thôn. Lồng ghép việc thực hiện Đề án “thí điểm phát triển loại hình nhóm hộ, tổ hợp tác sản xuất ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhằm xây dựng thôn, làng thành cộng đồng phát triển kinh tế bền vững”. Đẩy mạnh liên kết chặt chẽ giữa “4 nhà”, tạo sự chuyển biến căn bản trong phát triển kinh tế hộ gia đình ở nông thôn, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số theo đúng kế hoạch, quy hoạch.

- Phát triển mạnh nghề nuôi trồng, khai thác đi đôi với bảo vệ, cải tạo nguồn thủy sản trên các lòng hồ thủy điện, thủy lợi và chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hình thức trang trại, công nghiệp kết hợp chăn nuôi hộ gia đình.

- Tập trung phát triển mạnh các cơ sở sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và các ngành nghề, dịch vụ trong khu vực nông thôn, ưu tiên phát triển các loại hình dịch vụ cơ khí phục vụ cho việc cơ giới hóa nông nghiệp, nông thôn.

- Tổ chức lập và thực hiện: “Dự án đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất có hiệu quả ở nông thôn giai đoạn 2011-2020” và “Dự án quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn tỉnh Kon Tum giai đoạn 2011-2015, định hướng đến 2020”. Nhằm cũng cố, đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất như Hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, ngành nghề truyền thống... trong nông thôn.

6. Củng cố nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở Đảng, vai trò của chính quyền và các tổ chức chính trị xã hội ở cơ sở

- Tạo sự chuyển biến toàn diện, sâu sắc về nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở Đảng ở nông thôn; xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh bảo đảm vai trò nền tảng, hạt nhân chính trị ở cơ sở, lãnh đạo toàn diện kinh tế - xã hội, chính trị, an ninh, quốc phòng.

- Chú trọng làm tốt công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ, nâng cao hiệu lực quản lý của chính quyền. Xây dựng chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị vững mạnh, hoạt động có hiệu lực và hiệu quả. Thực hiện tốt pháp lệnh dân chủ ở cơ sở. Củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực quản lý Nhà nước của ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn.

- Tiếp tục nghiên cứu xây dựng Đề án tổng thể về tổ chức bộ máy đảm bảo thực hiện đạt hiệu quả, thành lập các trung tâm đào tạo, bồi dưỡng, tư vấn, cung cấp thông tin cho nông dân, bố trí cán bộ nông nghiệp chuyên trách ở cơ sở.

7. Giải pháp về vốn.

7.1. Cơ chế huy động vốn

Thực hiện đa dạng hóa các nguồn vốn huy động để triển khai thực hiện chương trình này, bao gồm:

- Huy động vốn từ ngân sách: Thực hiện lồng ghép các nguồn vốn của các chương trình mục tiêu quốc gia; các chương trình, dự án hỗ trợ có mục tiêu trên địa bàn, như:

+ Vốn từ các Chương trình mục tiêu quốc gia, các Chương trình, dự án hỗ trợ có mục tiêu đang triển khai trên địa bàn nông thôn và tiếp tục triển khai trong những năm tiếp;

+ Vốn ngân sách hỗ trợ trực tiếp của Chương trình này, bao gồm cả trái phiếu Chính phủ;

+ Huy động tối đa nguồn lực của địa phương (tỉnh, huyện, xã) để tổ chức triển khai Chương trình. Hội đồng nhân dân tỉnh quy định tăng tỷ lệ vốn thu được từ đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất trên địa bàn xã (sau khi đã trừ đi chi phí) để lại cho ngân sách xã, ít nhất 70% thực hiện các nội dung xây dựng nông thôn mới.

- Vốn đầu tư của doanh nghiệp: Huy động vốn đầu tư của doanh nghiệp đối với các công trình có khả năng thu hồi vốn trực tiếp; tạo điều kiện để doanh nghiệp được tiếp cận và vay vốn tín dụng ưu đãi đầu tư phát triển hạ tầng nông thôn. Huy động hỗ trợ đầu tư từ các doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn xã trong việc xây dựng nông thôn mới.

- Huy động đóng góp của dân: Đóng góp theo nguyên tắc tự nguyện của nhân dân trong xã cho từng dự án cụ thể, do HĐND xã thông qua. Hình thức đóng góp của người dân có thể là tiền mặt, ngày công lao động, hiến đất giải phóng mặt bằng phục vụ cho các công trình đầu tư, nguyên vật liệu phục vụ công trình, tự cải tạo vượt tược, nhà cửa của chính mình....

- Các khoản viện trợ không hoàn lại của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cho các dự án đầu tư.

- Nguồn vốn tín dụng: Hàng năm Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh bố trí đủ vốn tín dụng đầu tư của nhà nước để đầu tư cơ sở hạ tầng và thương mại phục vụ nông nghiệp, nông thôn theo quy định của Nhà nước. Vốn tín dụng được huy động đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh để tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho nhân dân.

- Huy động các nguồn tài chính hợp pháp khác.

7.2. Cơ chế hỗ trợ đầu tư từ nguồn vốn Ngân sách nhà nước:

Hỗ trợ đầu tư tối thiểu theo cơ chế hiện hành của tỉnh, cụ thể là:

- Đầu tư 100% cho công tác quy hoạch; đường giao thông đến trung tâm xã; xây dựng trụ sở xã; xây dựng trường học đạt chuẩn; xây dựng trạm y tế xã; xây dựng nhà văn hóa xã; vốn cho công tác đào tạo kiến thức về xây dựng nông thôn mới cho cán bộ xã, cán bộ thôn, bản, cán bộ hợp tác xã; vốn cho công tác quy hoạch; xây dựng kênh mương loại 1, 2; hồ, đập.

- Hỗ trợ một phần cho xây dựng công trình cấp nước sinh hoạt phân tán, thoát nước thải khu dân cư; đường giao thông thôn, xóm; kênh mương loại 3; điện hạ áp sinh hoạt nông thôn; phát triển sản xuất và dịch vụ; công trình thể thao thôn, bản; hạ tầng các khu sản xuất tập trung, tiểu thủ công nghiệp, thủy sản.

- Tỉnh ưu tiên bố trí Ngân sách hàng năm cho thực hiện mục tiêu Đề án xây dựng nông thôn mới; Chủ động ứng trước ngân sách tỉnh (đối với các nhiệm vụ thuộc ngân sách Trung ương) để hoàn thành các mục tiêu của Đề án.

7.3. Nguyên tắc phân bổ nguồn lực ngân sách Trung ương - địa phương:

- Đối với các nội dung quy định ngân sách Trung ương hỗ trợ 100% tại điểm VI.3, Điều 1, Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04-6-2010 của Thủ tướng Chính phủ: Thực hiện áp dụng ngân sách Trung ương hỗ trợ 100% phần trách nhiệm ngân sách hỗ trợ.

- Đối với các nội dung quy định Ngân sách Trung ương hỗ trợ một phần đầu tư tại Quyết định 800/QĐ-TTg ngày 04-6-2010: Thực hiện theo Quyết định số 60/2010/QĐ-TTg ngày 30-9-2010. Tuy nhiên, theo cơ cấu đầu tư những năm qua, ở tỉnh Kon Tum chủ yếu là do Ngân sách Trung ương hàng năm hỗ trợ đầu tư đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; do đó, để đảm bảo nguồn lực đầu tư nhằm hoàn thành các mục tiêu Đề án theo từng năm, giai đoạn thực hiện Đề án; căn cứ vào yêu cầu thực tế, đề nghị giao UBND tỉnh xem xét bố trí ngân sách tỉnh thực hiện các nhiệm vụ đầu tư, điều chỉnh cơ cấu vốn theo từng lĩnh vực thuộc Đề án để đẩy nhanh tiến độ đầu tư, hoàn thành các tiêu chí theo mục tiêu cụ thể đề ra.

7.4. Nguyên tắc, tiêu chí phân bổ vốn Chương trình nông thôn mới:

- Thực hiện đúng quy định của Luật ngân sách Nhà nước, Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu và Luật Đầu tư. Các tiêu chí và định mức phân bổ của Đề án được áp dụng riêng cho Chương trình nông thôn mới.

- Đảm bảo công khai, minh bạch, tạo sự cân đối giữa các vùng, miền, giữa các huyện, thành phố; đảm bảo hoàn thành các mục tiêu của Đề án.

- Vốn đầu tư cho Chương trình nông thôn mới (Ngân sách trung ương, Ngân sách địa phương) được phân bổ theo tiêu chí sau:

+ Bố trí đủ số vốn ngân sách theo Đề án đối với các tiêu chí được xác định phải hoàn thành trong năm (căn cứ vào nhu cầu vốn hoàn thành tiêu chí) và dự án đầu tư trọng điểm theo theo kế hoạch hàng năm của Ban chỉ đạo nông thôn mới cấp tỉnh.

+ Đối với phần vốn ngân sách (Trung ương, tỉnh): Ưu tiên phân bổ cho các xã thuộc danh sách 22 xã điểm của tỉnh thực hiện xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2015, các chỉ tiêu cần phải sớm hoàn thành, ưu tiên bố trí cho các địa phương thực hiện tốt các tiêu chí không cần vốn đầu tư; ưu tiên cho những địa phương có khả năng về đích sớm, theo tỷ lệ số xã thực hiện Đề án.

Phần thứ ba

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

I. KIỆN TOÀN CÔNG TÁC TỔ CHỨC

1. Cấp tỉnh

- Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới tỉnh do đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng ban. Phó trưởng Ban chỉ đạo gồm: Phó chủ tịch UBND tỉnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; các ủy viên gồm: Giám đốc Sở Xây dựng, Giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư và giám đốc Sở Tài chính. Các thành viên Ban chỉ đạo là lãnh đạo các Sở, Ban, Ngành, đoàn thể liên quan của tỉnh.

- Thành lập Văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020, đặt tại Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giúp Ban Chỉ đạo tỉnh điều hành Chương trình.

2. Cấp huyện

- Thành phần Ban chỉ đạo cấp huyện, thành phố do Chủ tịch UBND huyện, thành phố làm trưởng ban.

- Cơ quan thường trực giúp Ban chỉ đạo cấp huyện đặt tại Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện (phòng Kinh tế thành phố).

3. Cấp xã

- Thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới do Bí thư Đảng ủy xã là Trưởng Ban; Phó ban chỉ đạo là Chủ tịch UBND xã và các thành viên là các ban, ngành, đoàn thể chính trị của xã.

- Thành lập Ban Quản lý xây dựng nông thôn mới do Chủ tịch UBND xã làm Trưởng Ban; Phó Chủ tịch UBND xã là Phó Trưởng ban và các thành viên là cán bộ các ban ngành cấp xã.

4. Cấp thôn

Thành lập Ban phát triển thôn, thành viên là những ngườ có uy tín, trách nhiệm ở thôn do cộng đồng thôn trực tiếp bầu và được Chủ tịch UBND xã quyết định công nhận Ban Phát triển thôn.

II. TRÁCH NHIỆM THỰC HIỆN

Theo chức năng, nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 06-4-2010 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020.

- UBND tỉnh: Xây dựng kế hoạch trực tiếp chỉ đạo thực hiện đề án, khai thác và bố trí nguồn lực hàng năm. Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo các Sở, Ban, Ngành, UBND các cấp xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện Đề án nông thôn mới ở cấp mình.

- Hội đồng nhân dân tỉnh: Tăng cường giám sát, kịp thời tháo gỡ các vướng mắc thuộc thẩm quyền, chỉ đạo HĐND các cấp thực hiện những nội dung liên quan tới việc xây dựng nông thôn mới của cấp mình.

- Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể: Tuyên truyền, vận động nhân dân, hội viên tích cực hưởng ứng, tham gia đóng góp công sức, tiền của xây dựng nông thôn mới. Tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và giữ gìn bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp.

1. Các Sở, Ban, Ngành liên quan của tỉnh

- Giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo tỉnh (Văn phòng điều phối Chương trình), tham mưu cho UBND tỉnh, phối hợp với các Sở, Ban, Ngành đôn đốc kiểm tra thực hiện đối với các huyện, thành phố. Tổng hợp báo cáo định kỳ, báo cáo sơ kết, báo cáo tổng kết và các báo cáo đột xuất khi có yêu cầu.

- Trên cơ sở Nghị quyết của Ban chấp hành Tỉnh ủy, Nghị quyết Hội đồng nhân dân tỉnh, sự phân công nhiệm vụ các thành viên Ban Chỉ đạo, sự phân công của Ban Chỉ đạo phụ trách các tiêu chí trong bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới cho các Sở, Ngành liên quan. Các đơn vị chủ động xây dựng Đề án hoặc Kế hoạch hướng dẫn của ngành mình để triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới.

- Theo dõi, chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương thực hiện các nội dung xây dựng nông thôn mới thuộc lĩnh vực chuyên ngành quản lý.

- Xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù để tạo điều kiện cho các địa phương tổ chức thực hiện, khai thác có hiệu quả nguồn lực tại chỗ, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện những nội dung xây dựng nông thôn mới.

2. Trách nhiệm của các huyện, thành phố

- Tập trung sự lãnh đạo, chỉ đạo, chủ động xây dựng kế hoạch triển khai và chỉ đạo tổ chức thực hiện, đưa chương trình xây dựng nông thôn mới vào Nghị quyết chuyên đề của HĐND cấp huyện.

- Thẩm định, phê duyệt Đồ án quy hoạch, Đề án xây dựng nông thôn mới và các Dự án thành phần của các xã trên địa bàn.

- Phối hợp với các Sở, Ngành chức năng hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các xã triển khai thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới tại địa bàn quản lý đảm bảo tiến độ theo quy định.

- Thực hiện chế độ tổng hợp báo cáo định kỳ, báo cáo sơ kết, báo cáo tổng kết và báo cáo đột xuất khi có yêu cầu của Ban chỉ đạo tỉnh.

3. Trách nhiệm của các xã

- Tổ chức công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về xây dựng nông thôn mới; phát động phong trào toàn dân hưởng ứng, tham gia xây dựng nông thôn mới; chú trọng quan điểm dựa vào nội lực của cộng đồng địa phương là chính, phát huy sự sáng tạo và nguồn lực trong dân, có sự hỗ trợ của Nhà nước.

- Bám sát những nội dung của Đề án được duyệt để triển khai, đảm bảo công khai, dân chủ để nhân dân được bàn bạc và quyết định từng nội dung, tránh chủ quan áp đặt, đồng thời nghiêm túc tiếp thu giải quyết kịp thời những ý kiến đóng góp xây dựng của nhân dân.

- UBND xã là cấp quyết định đầu tư, thẩm định, phê duyệt Báo cáo kinh tế - kỹ thuật các công trình được ngân sách nhà nước hỗ trợ đến 03 tỷ đồng trong tổng giá trị công trình.

- Làm Chủ đầu tư các dự án và nội dung xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã;

- Tổ chức xây dựng quy hoạch, đề án, kế hoạch tổng thể và kế hoạch đầu tư hàng năm xây dựng nông thôn mới của xã, lấy ý kiến các cộng đồng dân cư trong toàn xã và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt;

- Tổ chức và tạo điều kiện cho cộng đồng tham gia thực hiện, giám sát các hoạt động thực thi các dự án đầu tư trên địa bàn xã;

- Đối với các công trình có yêu cầu kỹ thuật cao, đòi hỏi có trình độ chuyên môn mà Ban quản lý xây dựng nông thôn mới xã không đủ năng lực và không nhận làm chủ đầu tư, UBND xã có thể thuê một đơn vị có đủ năng lực quản lý chủ đầu tư hoặc giao cho UBND huyện làm chủ đầu tư, có sự tham gia của lãnh đạo Ban quản lý xã.

- Tiếp nhận và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn để xây dựng nông thôn mới.

4. Trách nhiệm của cấp thôn

- Tổ chức họp dân để tuyên truyền, phổ biến về chủ trương, cơ chế chính sách, phương pháp; các quyền lợi và nghĩa vụ của người dân trong quá trình xây dựng nông thôn mới;

- Tổ chức lấy ý kiến của người dân tham gia, góp ý vào quy hoạch, đề án, kế hoạch xây dựng nông thôn mới theo yêu cầu của Ban quản lý xã;

- Tổ chức xây dựng các công trình hạ tầng do Ban quản lý xã giao nằm trên địa bàn thôn như: đường giao thông, đường điện liên xóm, đường liên gia, trường mầm non, nhà văn hóa thôn;

- Tổ chức vận động nhân dân tham gia các phong trào thi đua giữa các xóm, các hội; tập trung cải tạo ao, vườn, chỉnh trang ngõ xóm, tường rào, quản lý vệ sinh môi trường, xử lý rác thải ... để tạo cảnh quan sạch đẹp;

- Tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư;

- Tổ chức các hoạt động hỗ trợ hộ nghèo và giúp nhau phát triển kinh tế;

- Tự giám sát cộng đồng các công trình xây dựng trên địa bàn; quản lý, vận hành và duy tu các công trình sau khi nghiệm thu bàn giao;

- Đảm bảo an ninh, trật tự thôn xóm; xây dựng và tổ chức các hương ước, nội quy phát triển thôn.

5. Thời gian thực hiện

Thời gian thực hiện Đề án từ năm 2011-2015.

Đề án này được thông qua tại kỳ họp thứ 2 - Hội đồng nhân dân tỉnh khóa X, nhiệm kỳ 2011-2016.

PHỤ LỤC:

TÀI LIỆU THAM KHẢO LÀM CƠ SỞ XÂY DỰNG VÀ THỰC HIỆN HOÀN THÀNH MỤC TIÊU ĐỀ RA THEO CHUYÊN NGÀNH

4.1. Phấn đấu đến cuối năm 2011 toàn tỉnh có 01 xã cơ bản đạt xã nông thôn mới: Theo đánh giá thực trạng nông thôn năm 2010 toàn tỉnh có xã Hà Mòn, huyện Đăk Hà, so với bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới thì hiện xã đã có 16 tiêu chí đã đạt (Quy hoạch; Bưu điện, nhà ở dân cư; thu nhập, hộ nghèo; hình thức tổ chức sản xuất; y tế; văn hóa; môi trường; hệ thống chính trị xã hội vững mạnh; an ninh trật tự xã hội được giữ vững; giao thông; thủy lợi, điện, trường học, giáo dục); có 3 tiêu chí chưa đạt (chợ nông thôn; cơ cấu lao động; cơ sở vật chất văn hóa).

4.2. Phấn đấu trong năm 2011 hoàn thành công tác quy hoạch chung xây dựng xã nông thôn mới

Theo Quyết định số 800/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Kinh phí thực hiện công tác quy hoạch sẽ do ngân sách Trung ương cấp.

- Trong năm 2010, Uỷ ban nhân dân tỉnh đã chọn 22 xã tiến hành xây dựng quy hoạch trước để làm cơ sở triển khai rộng rãi trong năm 2011 và phấn đấu hoàn thành công tác quy hoạch trong năm 2011. Tỉnh đã bố trí từ nguồn kinh phí Trung ương cấp hàng năm cho địa phương thực hiện quy hoạch là 6,9 tỷ đồng để các địa phương xây dựng quy hoạch cho 24 xã. Trong năm 2011, từ nguồn kinh phí Trung ương cấp, tỉnh đã phân bổ cho 57 xã còn lại để thực hiện công tác lập Đồ án quy hoạch nông thôn mới với kinh phí là 8,4 tỷ đồng. Như vậy trong năm 2011 về kinh phí xây dựng đồ án quy hoạch toàn tỉnh đã được bố trí đủ. Riêng về quy hoạch chi tiết trung tâm xã, phát triển khu dân cư mới và chỉnh trang các khu dân cư sẽ tùy thuộc vào nhu cầu thực tế của từng địa phương và khả năng bố trí vốn của Trung ương sẽ tiếp tục thực hiện.

- Về lập Đề án xây dựng nông thôn mới, theo quy định của Trung ương thì nhiệm vụ này do xã tự làm, trình UBND huyện phê duyệt, nhưng do trình độ chuyên môn của phần lớn xã hiện nay còn hạn chế nên việc tự lập Đề án là rất khó khăn, thực tế hiện nay các xã có kế hoạch lồng ghép làm hai nhiệm vụ này cùng một thời điểm và giao cho cùng một đơn vị tư vấn xây dựng, vì vậy kinh phí lập Đề án sẽ thấp và kinh phí địa phương có thể bố trí để thực hiện được. Như vậy mục tiêu phấn đấu cơ bản hoàn thành công tác lập Đề án xây dựng nông thôn mới trong năm 2011 là có cơ sở.

4.3. Về xây dựng trạm y tế xã đạt chuẩn quốc gia

Nghị quyết đại hội XIV Đảng bộ tỉnh xác định mục tiêu “Trên 50% số xã đạt chuẩn quốc gia về y tế xã vào năm 2015”. Sở Y tế tỉnh đã có Kế hoạch số 241/HK-SYT ngày 09-02-2010 về phát triển sự nghiệp y tế tỉnh Kon Tum giai đoạn 2011-2015. Nhu cầu đầu tư đến năm 2015 là 197 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương 58 tỷ đồng, còn lại là ngân sách địa phương và các nguồn vốn khác 139 tỷ đồng.

4.4. Về thủy lợi

Theo Văn bản số 185/CCTL&PCLB ngày 12-12-2010 của Chi cục thủy lợi và phòng chống lũ bão tỉnh Kon Tum về việc báo cáo tình hình đầu tư xây dựng công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh Kon Tum, phương hướng đầu tư xây dựng công trình thủy lợi giai đoạn 2011-2015. Đến năm 2015 phấn đấu hệ thống thủy lợi đảm bảo đủ tưới tiêu trong sản xuất, tỷ lệ kênh mương được kiên cố hóa trên 50%. Với tổng nhu cầu kinh phí là 1.346 tỷ đồng. Trong đó tập trung các nguồn đầu tư: Trái phiếu Chính phủ 60%, vốn kiên cố hóa kênh mương 10%, vốn vay ODA và ADB 3%, vốn ngân sách Trung ương 10%, vốn khắc phục bão số 9 là 5%, còn lại lồng ghép các Chương trình, dự án khác.

4.5. Về Giao thông

- Đối với tuyến đường trục xã, liên xã: Hiện nay toàn tỉnh còn 45 xã chưa đạt chuẩn nhựa hoá hoặc bê tông hoá 100%, tuy nhiên các tuyến đường tại các xã này hiện nay đều đã và đang được triển khai xây dựng và nâng cấp.

- Đối với các tuyến đường trục thôn, đường ngõ, xóm và đường trục chính nội đồng đang ở mức rất thấp (toàn tỉnh mới chỉ có 01 xã có đường trục thôn đạt chuẩn tiêu chí nông thôn mới) hầu hết các xã đều chưa đạt và đang ở mức quá thấp.

Tuy nhiên theo Quy hoạch phát triển giao thông nông thôn tỉnh Kon Tum giai đoạn 2000-2010 và đến năm 2020 do Viện chiến lược phát triển Giao thông Vận tải lập năm 2001 đã được Uỷ ban nhân tỉnh phê duyệt tại quyết định số 1487/QĐ-UBND ngày 27-12-2007. Tổng nhu cầu kinh phí đầu tư xây dựng cơ bản các đường xã, thôn là 1.706,13 tỷ đồng. Kinh phí duy tu bảo dưỡng đường xã, thôn 108,262 tỷ đồng. Nguồn vốn ngân sách Trung ương, vốn địa phương, dân góp, vốn vay, viện trợ.

4.6. Về nhà ở nông thôn

Thực hiện theo Quyết định 167/2008/QĐ-TTg ngày 12-12-2008 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở bằng nhiều nguồn vốn, chương trình dự án khác; tỉnh Kon Tum phấn đấu đến năm 2012 hoàn thành việc hỗ trợ xóa nhà tạm cho hộ nghèo. Theo kết quả điều tra toàn tỉnh tính đến 6 tháng đầu năm 2011 còn 2.292 nhà thuộc diện nhà tạm dột nát cần hỗ trợ. Kế hoạch giai đoạn 2011-2012 cần tiếp tục hỗ trợ cho 2.292 hộ làm nhà (đối với 81 xã có khoảng 2.000 căn).

4.7. Tỷ lệ lao động làm việc trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp

- Về đạo tạo nghề cho lao động nông thôn: Thực hiện theo Quyết định 1956/QĐ-TTg ngày 27-11-2009 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020. Theo báo cáo của Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh đến năm 2015 toàn tỉnh đào tạo nghề cho 27.200 lao động với 71 ngành nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp, kinh phí dự kiến là 134 tỷ đồng, nguồn vốn thuộc ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu.

- Về cơ cấu lao động: Từ tình hình thực tế, việc phát triển các khu công nghiệp, các loại hình dịch vụ ở nông thôn đang ngày càng phát triển, nhiều nhà máy, xí nghiệp đã và đang có hướng đầu tư xây dựng tại các vùng nông thôn, chính sách của Nhà nước về khôi phục và phát triển ngành nghề truyền thống. Đây là những cơ sở có nhu cầu lớn về lao động phổ thông và góp phần chính trong việc chuyển đổi nghề cho lao động nông thôn.

4.8. Về nước sạch nông thôn và vệ sinh môi trường nông thôn

- Hiện nay Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh đã xây dựng kế hoạch 5 năm về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn trên địa bàn tỉnh Kon Tum giai đoạn 2011-2015. Mục tiêu đến năm 2015 tỷ lệ số dân nông thôn được cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 90%, trong đó cấp nước sạch theo QCVN 02:2009/BYT của Bộ Y tế đạt 40%. Kế hoạch đến năm 2015 đầu tư tu sửa nâng cấp 237 công trình nước sinh hoạt và đầu tư xây dựng mới 92 công trình nước sinh hoạt, với tổng nhu cầu kinh phí là 245,3 tỷ đồng. Nguồn vốn đầu tư tập trung từ các nguồn: Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường 60%, vốn hỗ trợ quốc tế 5%, vốn huy động cộng đồng 20%, vốn từ các chương trình khác 15%.

- Về vệ sinh môi trường: Đối với vùng nông thôn tỉnh Kon Tum, hiện nay về cơ bản là có môi trường tốt. Trong thời gian tới nhằm giữ vững môi trường trong sạch cần thực hiện nghiêm ngặt quy định của Luật Bảo vệ môi trường, các doanh nghiệp đầu tư và xây dựng các công trình đều phải cam kết thực hiện việc bảo vệ môi trường. Phát động toàn dân tham gia bảo vệ phát triển môi trường xanh, sạch, đẹp.

4.9. Về Giáo dục và Đào tạo

Sự nghiệp giáo dục Kon Tum đã đạt được những thành tựu đáng kể trong việc phát triển quy mô, mở rộng mạng lới, hình thành hệ thống trường, lớp ở các cấp học, cơ bản đáp ứng được nhu cầu học tập của con em các dân tộc trong tỉnh. Theo quy hoạch Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kon Tum đến 2015 và định hướng đến năm 2025; theo Nghị quyết và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội đảm bảo an ninh quốc phòng giai đoạn 2011-2015 của HĐND tỉnh. Mục tiêu phấn đấu phổ cập giáo dục trung học cơ sở có tỷ lệ huy động học sinh trong độ tuổi từ 11 đến 14 hoàn thành chương trình tiểu học vào học THCS đạt 95%; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS được tiếp tục học trung học (phổ thông, bổ túc, học nghề) đạt 70% trở lên; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 45%.

Tổng nhu cầu kinh phí Nhà nước cấp 2011-2015: 10.268.332 triệu đồng

Dự kiến từ ngân sách Nhà nước: Tổng chi ngân sách của tỉnh dự kiến sẽ tăng 3% mỗi năm. Từ các nguồn tài trợ nước ngoài, vốn vay và đầu tư có yếu tố nước ngoài 15%. Nguồn huy động nhân dân và các tổ chức kinh tế xã hội 30%.

4.10. Văn hóa

Thực hiện Quyết định số 22/2010/QĐ-TTg ngày 05-01-2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án phát triển văn hóa nông thôn đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020; mục tiêu phấn đấu đến năm 2015 phấn đấu 90% xã có từ 70% số thôn trở lên đạt chuẩn làng văn hóa theo quy định của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch.

Dự kiến từ ngân sách nhà nước: Tổng vốn 81,16 tỷ đồng, trong đó đầu tư cơ sở hạ tầng 81 tỷ đồng, đầu tư thiết bị 16 tỷ đồng. Mục tiêu về Văn hóa đảm bảo đúng như Đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

4.11. Điện đạt tiêu chuẩn nông thôn mới

Hệ thống đảm bảo yêu cầu của ngành điện: Đến nay, đã có 100% xã đư­ợc sử dụng điện l­ưới. Tỷ lệ hộ dùng điện thường xuyên, an toàn từ các nguồn 96,1%. Vì vậy, trong thời gian tới chủ yếu cần tập trung nâng cấp các trạm biến áp và các đường dây trung, hạ áp nhằm sử dụng điện đảm bảo, an toàn.

4.12. Chợ nông thôn

Theo Quyết định số 12/2007/QĐ-BCT ngày 26-12-2007 của Bộ trưởng Bộ Công Thương phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển mạng lưới chợ trên phạm vi toàn quốc đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020.

Ngành Công thương thiết lập quy hoạch mạng lưới chợ hoàn chỉnh, ổn định phù hợp với qui hoạch phát triển kinh tế-xã hội, quy hoạch dân cư đô thị, quy hoạch giao thông vận tải và các qui hoạch khác của tỉnh trong thời kỳ từ nay đến năm 2020 nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của dân cư, phục vụ và tác động tích cực đến các quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Kon Tum.

Tổng kinh phí đầu tư­ mới 21.303 triệu đồng. Nguồn vốn ngân sách Trung ương, vốn địa phương, dân góp.

Tuy nhiên, việc hình thành chợ nông thôn tại các xã trên địa bàn tỉnh Kon Tum là rất khó khăn, do địa bàn dân cư ở không tập trung, nhu cầu tiêu dùng ít. Vì vậy hầu hết chỉ có thể thành lập các chợ tại các xã có nhu cầu và các chợ đầu mối.

4.13. Về Bưu điện

Theo quyết định số 2016/QĐ- BTTTT ngày 23-12-2010 về việc phê duyệt kế hoạch ứng dụng Công nghệ thông tin trong hoạt động của Bộ Thông tin và Truyền thông giai đoạn 2011-2015. Đến nay trên địa bàn toàn tỉnh có 69/81 xã có bưu điện văn hoá xã, số điện thoại bình quân 55-57 máy/100 dân; 100% xã, phường có điện thoại; số lượng internet đến các thôn chiếm tỷ lệ thấp, điểm truy cập internet chủ yếu có ở khu vực thị trấn thị tứ với mật độ không cao.

Hiện nay Bộ Thông tin và truyền Thông đang trình Chính phủ phê duyệt 02 Chương trình (Chương trình Quốc gia đưa thông tin về cơ sở và Chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích giai đoạn 2011-2015). Các doanh nghiệp Viễn thông đang triển khai phát triển mạng lưới phủ sóng 3G đã cơ bản đáp ứng trên 50% số thôn có thể truy cập internet.

4.14.Về Môi trường

Theo kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2011-2015 của Sở Tài nguyên và Môi trường, mục tiêu cụ thể: Tỷ lệ hộ được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh 90%; 70% xã có nghĩa trang được xây dựng theo quy hoạch; 100% xã có cơ ở sản xuất kinh doanh đạt tiêu chuẩn về môi trường; 100% xã không có các hoạt động gây suy giảm môi trường và có các hoạt động phát triển môi trường xanh sạch đẹp; 20% số xã có bộ phận dịch vụ thu gom, xử lý rác thải.

4.15. Về Chương trình giảm nghèo

Căn cứ theo Nghị Quyết của tỉnh Đảng bộ và Báo cáo tổng kết giai đoạn 2006-2010 và định hướng giai đoạn 2011-2015 Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo của tỉnh Kon Tum thì:

- Phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 4-5%/năm, trong đó các thôn, xã đặc biệt khó khăn, huyện nghèo giảm ít nhất 1/2 số hộ nghèo và có ít nhất 50% thôn, xã đặc biệt khó khăn vượt qua tình trạng khó khăn hiện hành.

- Cơ bản người nghèo có công ăn việc làm ổn định, thu nhập đa dạng hơn và bình quân đầu người của các hộ nghèo tăng ít nhất là 1,5 lần và huyện nghèo, tăng ít nhất 1,4 lần so với năm 2010;

- Cơ bản cuộc sống của người nghèo được cải thiện, bảo đảm ngày càng tốt hơn những nhu cầu cơ bản, thiết yếu của người nghèo, nhất là về ăn, mặc, ở, chữa bệnh và học hành, đặc biệt là đối với đồng bào dân tộc thiểu số, trẻ em và phụ nữ.

- Cơ bản các thôn, xã đặc biệt khó khó khăn, các huyện nghèo có đủ cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và dân sinh như trường học; trạm xá; công trình thuỷ lợi nhỏ, nước sinh hoạt; đường giao thông từ huyện xuống xã, đường giao thông liên xã, liên huyện; điện lưới quốc gia hoặc thuỷ điện nhỏ.

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Quyết định 24/2011/QĐ-UBND ngày 29/08/2011 phê duyệt Đề án tổng thể xây dựng nông thôn mới tỉnh Kon Tum giai đoạn 2011- 2015 do Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


4.818

DMCA.com Protection Status
IP: 44.210.149.218
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!