ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH VĨNH LONG
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 1526/QĐ-UBND
|
Vĩnh Long, ngày
29 tháng 6 năm 2023
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH KẾ HOẠCH THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY
BỀN VỮNG GIÁ TRỊ DI SẢN VĂN HÓA VIỆT NAM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH VĨNH LONG, GIAI ĐOẠN
2023 - 2025
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH VĨNH LONG
Căn cứ Luật Tổ chức Chính
quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của
Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11
năm 2019;
Căn cứ Quyết định số
1230/QĐ-TTg ngày 15 tháng 7 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương
trình Bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa Việt Nam, giai đoạn
2021 - 2025;
Căn cứ Quyết định số
956/QĐ-UBND, ngày 10 tháng 5 năm 2022 của UBND tỉnh Vĩnh Long ban hành Kế hoạch
triển khai thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh
Vĩnh Long;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở
Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1.
Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch thực hiện
Chương trình Bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa Việt Nam trên
địa bàn tỉnh Vĩnh Long, giai đoạn 2023 - 2025.
Điều 2.
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối
hợp với Thủ trưởng các sở, ban ngành liên quan và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các
huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch.
Điều 3.
Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Thủ trưởng các
Sở, ban, ngành liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố
và cơ quan, đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.
Quyết định có hiệu lực kể từ
ngày ký./.
Nơi nhận:
- Bộ VHTTDL;
- CT, các PCT.UBND tỉnh;
- Ủy ban MTTQVN và các đoàn thể tỉnh;
- CVP, PVP.UBNDT phụ trách VH-XH;
- Phòng VH-XH;
- Lưu: VT, 3.01.02.
|
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Nguyễn Thị Quyên Thanh
|
KẾ HOẠCH
THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY BỀN VỮNG GIÁ TRỊ
DI SẢN VĂN HÓA VIỆT NAM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH VĨNH LONG, GIAI ĐOẠN 2023 - 2025
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1526/QĐ-UBND ngày 29/6/2023 của Chủ tịch Ủy
ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long)
I. MỤC ĐÍCH,
YÊU CẦU
- Triển khai thực hiện hiệu quả
Quyết định số 1230/QĐ-TTg ngày 15/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt
Chương trình “Bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa Việt Nam,
giai đoạn 2021 - 2025”.
- Bảo tồn và phát huy các giá
trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh góp phần xây dựng văn hoá và con người Vĩnh
Long. Đồng thời, tạo động lực, nguồn lực thúc đẩy phát triển ngành du lịch,
nâng cao hiệu quả về lợi ích kinh tế và quảng bá hình ảnh của địa phương trong
quá trình hội nhập và phát triển.
- Đảm bảo thực hiện mục tiêu bảo
tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc gắn với sự
phát triển bền vững; tạo sự thống nhất trong hệ thống chính trị, sự đồng thuận
cao trong xã hội, tiếp tục củng cố, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân.
- Xác định nhiệm vụ trọng tâm,
giải pháp chủ yếu; phân công nhiệm vụ cụ thể cho các ngành và địa phương trong
phối hợp triển khai thực hiện chương trình bảo tồn và phát huy bền vững giá trị
di sản văn hóa đảm bảo chất lượng, hiệu quả, theo nội dung các chương trình được
phê duyệt tại Quyết định số 1230/QĐ-TTg ngày 15/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ
và các Chương trình khác theo Quyết định số 3404/QĐ-BVHTTDL ngày 22/12/2021 của
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phê duyệt Đề án “bảo tồn, phát huy giá trị dân
ca, dân vũ, dân nhạc của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch giai
đoạn 2021- 2030; Quyết định số 18/QĐ-BVHTTDL ngày 06/01/2022 của Bộ Văn hóa, Thể
thao và Du lịch ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát
triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030,
giai đoạn I từ 2021-2025; Quyết định 801/QĐ-TTg ngày 07/7/2022 của Thủ tướng
Chính phủ Phê duyệt Chương trình bảo tồn và Phát triển làng nghề Việt Nam giai
đoạn 2021 - 2023…
II. NHIỆM VỤ
TRỌNG TÂM
1. Bảo tồn
và phát huy giá trị của di sản văn hóa
1.1. Bảo tồn và phát huy giá
trị của di tích lịch sử văn hóa
a) Lập hồ sơ 06 di tích đề nghị
xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh: Đình Tân Quang (xã Hiếu Phụng, huyện
Vũng Liêm); Đình Thanh Khê (xã Thanh Bình, huyện Vũng Liêm); Bia Chiến thắng Bà
Nữ (xã Nhơn Phú, huyện Mang Thít); Di tích cách mạng Ba Chùa (xã Nhơn Bình, huyện
Trà Ôn); Di tích Chùa Phật Quang (xã Thiện Mỹ, huyện Trà Ôn); Di tích Chùa Long
Quang (phường 5, thành phố Vĩnh Long).
b) Tu bổ, tôn tạo tổng thể 06
di tích lịch sử - văn hóa, kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia: Đình Tân Hoa (phường
Tân Hòa, thành phố Vĩnh Long); Thánh tịnh Ngọc Sơn Quang (xã Tân An Hội, huyện
Mang Thít); Văn Thánh miếu (phường 4, thành phố Vĩnh Long); Đình Long Thanh
(phường 5, thành phố Vĩnh Long); Lăng Ông Thống chế Điều bát Nguyễn Văn Tồn (xã
Thiện Mỹ, huyện Trà Ôn); Căn cứ cách mạng Cái Ngang (xã Phú Lộc, huyện Tam
Bình).
c) Thực hiện dự án duy tu, bảo
trì hệ thống trưng bày; kho lưu giữ hiện vật của Bảo tàng tỉnh và khảo sát, kiểm
kê, sưu tầm di sản văn hóa: Dự án cải tạo, chỉnh lý nội dung nhà trưng bày Lịch
sử truyền thống cách mạng; nhà trưng bày Văn hóa các dân tộc; Dự án xây dựng
kho cơ sở bảo tàng Vĩnh Long; lập kế hoạch kiểm kê, sưu tầm di sản văn hóa.
d) Tập trung thực hiện các dự
án đầu tư xây dựng, tu bổ, tôn tạo các công trình di tích lịch sử - văn hóa đã
được phê duyệt theo đúng tiến độ, sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư cho
việc tu bổ, tôn tạo các di tích đã được xếp hạng, di tích có nguy cơ xuống cấp.
1.2. Bảo tồn và phát huy giá
trị di sản văn hóa phi vật thể
a) Xây dựng hồ sơ khoa học đối
với 04 di sản văn hóa phi vật thể đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem
xét đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia: Lễ hội Văn Thánh Miếu,
Lễ Xuân tế cầu an tại di tích Công Thần miếu (phường 5, thành phố Vĩnh Long), Lễ
hội truyền thống SenDolta của đồng bào Khmer tỉnh Vĩnh Long, Nghệ thuật hát bội
tỉnh Vĩnh Long.
b) Kiểm kê di sản văn hóa phi vật
thể người Hoa trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long.
2. Bảo tồn
và phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch
a) Triển khai thực hiện Đề án
“Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch tỉnh
Vĩnh Long”.
b) Tăng cường công tác tuyên
truyền, quảng bá giá trị di sản văn hóa trong hoạt động lữ hành, thuyết minh du
lịch.
c) Phát huy giá trị di sản văn
hóa thành sản phẩm du lịch đặc trưng; Xây dựng sản phẩm lưu niệm đặc trưng gắn
với di tích.
d) Tập trung đầu tư phát triển
các làng nghề tiêu biểu trên địa bàn tỉnh thành điểm đến trong các tour, tuyến
du lịch; Đầu tư, cải tạo cơ sở hạ tầng làng nghề gắn với du lịch; Tập huấn kỹ
năng phục vụ du lịch cho các làng nghề.
đ) Tăng cường công tác đảm bảo
an ninh trật tự, vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, phòng cháy chữa
cháy tại các làng nghề gắn với du lịch.
e) Tổ chức kết nối tour, tuyến
du lịch gắn với tham quan, tìm hiểu làng nghề.
g) Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng
đội ngũ cán bộ chuyên môn, đội ngũ thuyết minh tại các di tích lịch sử - văn
hóa đã được xếp hạng; trong đó, ưu tiên các điểm di tích được công nhận là điểm
đến du lịch.
h) Tăng cường công tác quản lý
lễ hội tại các di tích lịch sử - văn hóa. Đảm bảo an ninh trật tự, phòng chống
cháy nổ, vệ sinh môi trường tại các điểm di tích; kịp thời phát hiện, xử lý
nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định nhằm lập lại trật tự, kỷ cương, nề nếp,
tạo môi trường du lịch an toàn và thân thiện.
3. Bảo tồn
và phát huy giá trị di sản văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số
a) Bảo tồn, phát huy các môn thể
thao truyền thống dân tộc thiểu số có nguy cơ mai một: thực hiện Video clip về
giải Lân - Sư - Rồng, đua ghe Ngo; bảo tồn các môn thể thao truyền thống Lân -
Sư - Rồng, Cờ Ốc, đua ghe Ngo, … Hỗ trợ đầu tư dụng cụ tập luyện thể dục, thể
thao đơn giản ngoài trời cho các thiết chế văn hóa vùng đồng bào dân tộc Khmer.
b) Bảo tồn, phát huy giá trị
dân ca, dân vũ, dân nhạc của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch:
Khảo sát, kiểm kê, đánh giá thực trạng và lựa chọn lập danh mục di sản văn hóa
phi vật thể về dân ca, dân vũ, dân nhạc các dân tộc thiểu số và lập hồ sơ khoa
học đề nghị đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; Thực hiện hồ
sơ đề nghị cấp thẩm quyền xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân
ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể; Xây dựng những bộ tài liệu
liên quan di sản về dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống các dân tộc thiểu số
có giá trị sử dụng lâu dài.
c) Hằng năm, mở các lớp truyền
dạy phát huy các loại hình nghệ thuật truyền thống cho đồng bào dân tộc Khmer
nhằm bảo tồn và phát huy loại hình nghệ thuật truyền thống đậm đà bản sắc dân tộc
Việt Nam.
d) Định kỳ 2 năm tổ chức ngày hội,
giao lưu, liên hoan về các loại hình văn hóa, nghệ thuật truyền thống của đồng
bào dân tộc Khmer, dân tộc Hoa.
4. Đầu tư
trang thiết bị và tăng cường ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ vào hoạt động
bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa
a) Xây dựng Dự án chuyển đổi số
di sản văn hóa tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2023 - 2030.
b) Đẩy mạnh ứng dụng khoa học
công nghệ trong công tác chuyên môn và quản lý ở lĩnh vực bảo tàng, di tích, di
sản văn hóa phi vật thể và di sản tư liệu (trưng bày, thuyết minh, bảo quản, tu
bổ, phục chế, thực hành, trao truyền...): Từng bước đầu tư trang thiết bị công
nghệ hiện đại, ứng dụng công nghệ quét mã QR, công nghệ mô phỏng 3D - thực tế ảo
(VR) vào công tác trưng bày, bảo quản hiện vật tại bảo tàng và di tích; Phối hợp
thực hiện tư liệu hóa, số hóa và xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về di sản văn
hóa; phát triển các ứng dụng công nghệ số nhằm hỗ trợ nâng cao trải nghiệm của
khách tham quan tại di tích, bảo tàng, điểm tham quan, điểm du lịch...
5. Đẩy mạnh
công tác tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá di sản văn hóa và đào tạo bồi dưỡng
chuyên môn nghiệp vụ
a) Đẩy mạnh công tác thông tin,
tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội như: Facebook,
Youtube, liên kết Website Bảo tàng…
b) Duy trì tổ chức các cuộc
trưng bày, triển lãm, các chương trình sinh hoạt giáo dục truyền thống.
c) Biên soạn, in ấn phát hành
phổ biến các tài liệu tuyên truyền di sản văn hóa.
d) Xây dựng các chuyên trang, tin
bài tuyên truyền, các video quảng bá giới thiệu, các sản phẩm truyền thông,… bằng
hình thức dễ nhớ, tạo được ấn tượng với người xem.
đ) Chú trọng công tác đào tạo,
tập huấn, nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ công chức, viên chức làm
công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa các cấp.
III. KINH
PHÍ THỰC HIỆN
1. Ngân sách Nhà nước
- Do Trung ương phân bổ để thực
hiện kế hoạch hàng năm theo Chương trình mục tiêu Quốc gia.
- Theo ngân sách cấp hàng năm tỉnh,
huyện.
- Lồng ghép kinh phí từ các
chương trình phát triển kinh tế - xã hội, chương trình mục tiêu phát triển văn
hóa, chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
- Lồng ghép kinh phí sự nghiệp
hàng năm của các sở, ngành, địa phương.
2. Nguồn huy động xã hội hóa
- Đẩy mạnh công tác xã hội hóa
trên các lĩnh vực tu bổ, tôn tạo di tích; gắn bảo tồn di sản văn hóa với phát
triển du lịch từ các nguồn tài trợ, hỗ trợ và nguồn lực do nhân dân đóng góp.
- Vận động các nguồn hợp pháp
khác.
IV. TỔ CHỨC
THỰC HIỆN
1. Sở Văn hóa, Thể thao và
Du lịch
- Chủ trì, phối hợp với các sở,
ban, ngành, địa phương liên quan tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch này.
- Xây dựng dự toán kinh phí thực
hiện kế hoạch hàng năm gửi Sở Tài chính thẩm định, trình Ủy ban nhân dân tỉnh bố
trí kinh phí thực hiện.
- Định kỳ hàng năm, tổng hợp kết
quả thực hiện, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
2. Sở Tài chính
Trên cơ sở dự toán hàng năm của
các sở, ngành liên quan, Sở Tài chính tổng hợp, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh bố
trí kinh phí thực hiện chương trình theo khả năng ngân sách và theo quy định của
pháp luật về ngân sách nhà nước.
3. Sở Kế hoạch Đầu tư
Căn cứ khả năng cân đối nguồn vốn
đầu tư ngân sách địa phương và nguồn vốn Trung ương hỗ trợ có mục tiêu, vốn đầu
tư hợp pháp khác; phối hợp với các sở, ngành có liên quan tham mưu bố trí nguồn
vốn đầu tư các dự án bảo tồn, tu bổ, tôn tạo di tích và phát huy giá trị di sản
văn hóa trên địa bàn tỉnh theo đúng quy định.
4. Sở Thông tin và Truyền
thông
Chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan
thông tin đại chúng tổ chức tuyên truyền các nội dung liên quan đến việc bảo tồn,
phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa Việt Nam, giai đoạn 2023 - 2025 trên địa
bàn tỉnh.
5. Sở Lao động - Thương binh
và Xã hội
Phối hợp triển khai các giải
pháp tăng cường hỗ trợ đào tạo nghề, nâng cao kỹ năng nghề cho lực lượng lao động
làm việc trong các lĩnh vực nghề tiểu thủ công truyền thống của đồng bào dân tộc
thiểu số và các ngành nghề truyền thống khác trên địa bàn tỉnh.
6. Sở Giáo dục và Đào tạo
Chỉ đạo các cơ sở giáo dục phổ
thông trên địa bàn giảng dạy tốt chủ đề di sản văn hóa địa phương trong Chương
trình giáo dục địa phương và tham gia các cuộc thi, ngày hội, các hoạt động tìm
hiểu về di sản văn hóa địa phương do các sở, ngành, địa phương tổ chức.
7. Ban Dân tộc tỉnh
Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể
thao và Du lịch và các địa phương triển khai lồng ghép những nội dung trong kế
hoạch này với công tác dân tộc ở địa phương.
8. Ủy ban nhân dân các huyện,
thị xã, thành phố
- Chỉ đạo các phòng, ban chuyên
môn, Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn xây dựng kế hoạch triển khai thực
hiện kế hoạch này trên địa bàn.
- Bố trí kinh phí và chịu trách
nhiệm chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc tổ chức thực hiện Kế hoạch này phù hợp ở
địa phương.
- Tổ chức vận động, huy động
nguồn xã hội hóa đóng góp vào việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa
trên địa bàn quản lý.
9. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ
quốc Việt Nam tỉnh và các đoàn thể tỉnh
Tăng cường công tác tuyên truyền,
vận động đoàn viên, hội viên các cấp và các tầng lớp nhân dân thực hiện tốt chủ
trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo tồn, phát
huy di sản văn hóa.
Thủ trưởng các sở, ban, ngành,
đoàn thể tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố căn cứ chức năng,
nhiệm vụ xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện; định kỳ ngày 25/11
hàng năm báo cáo kết quả thực hiện về Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch để tổng hợp,
báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch./.