Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Quyết định 1308/QĐ-UBND 2021 Phiên âm dịch nghĩa nguồn tư liệu Hán Nôm tại Thư viện Vĩnh Phúc

Số hiệu: 1308/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Vĩnh Phúc Người ký: Vũ Chí Giang
Ngày ban hành: 24/05/2021 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH VĨNH PHÚC
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1308/QĐ-UBND

Vĩnh Phúc, ngày 24 tháng 5 năm 2021

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “PHIÊN ÂM, DỊCH NGHĨA, BẢO QUẢN VÀ PHÁT HUY NGUỒN TƯ LIỆU HÁN, NÔM TẠI THƯ VIỆN TỈNH VĨNH PHÚC ”

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH VĨNH PHÚC

Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Luật Thư viện số 46/2019/QH14 do Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 21 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật di sản văn hóa ngày 29 tháng 01 năm 2001 và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật di sản văn hóa ngày 18 tháng 6 năm 2009;

Căn cứ Nghị định số 93/2020/NĐ-CP ngày 18 tháng 8 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thư viện;

Căn cứ Nghị quyết số 33- NQ/TW ngày 09 tháng 06 năm 2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về tiếp tục thực hiện việc xây dựng và phát triển văn hóa con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước;

Căn cứ Quyết định số 208/QĐ-TTg ngày 27 tháng 01 năm 2014 của Thủ tướng chính phủ về Đề án đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ;

Căn cứ Quyết định số 329/QĐ-TTg , ngày 15 tháng 3 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030;

Căn cứ Quyết định số 4673/ QĐ-BVHTTDL ngày 26 tháng 12 năm 2019 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định về định mức kinh tế, kỹ thuật trong hoạt động cung cấp thông tin, tài liệu tại thư viện, phục vụ lưu động ngoài thư viện, phục vụ người khuyết tật;

Căn cứ Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 12 tháng 3 năm 2020 của Ban chấp hành đảng bộ tỉnh về nâng cao thu nhập và phúc lợi của người dân Vĩnh Phúc đến năm 2025, định hướng đến năm 2030;

Căn cứ Chỉ thị số 05/2015/CT-UBND , ngày 21 tháng 5 năm 2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc về việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước tỉnh Vĩnh Phúc;

Căn cứ Quyết định số 08/2006/QĐ-UBND ngày 19 tháng 01 năm 2006 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc về đổi tên, quy định chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy Thư viện khoa học tổng hợp tỉnh Vĩnh Phúc thành Thư viện tỉnh Vĩnh Phúc;

Căn cứ Kế hoạch số 12-KH/BTV của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 33 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI phát triển văn hóa con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước;

Căn cứ Thông báo số 84/TB-UBND ngày 26/4/2021, thông báo Kết quả phiên họp UBND tỉnh tháng 4/2021;.

Theo đề nghị của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại Tờ trình số 89/TTr-SVHTTDL, ngày 14/5/2021.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án “Phiên âm, dịch nghĩa, bảo quản và phát huy nguồn tư liệu Hán, Nôm tại Thư viện tỉnh Vĩnh Phúc ”

(Có Đề án chi tiết kèm theo Quyết định này)

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc Sở: Tài chính, Văn hoá, Thể thao và Du lịch; Giám đốc Kho bạc Nhà nước tỉnh; Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và các đơn vị có liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT.CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Vũ Chí Giang

 

ĐỀ ÁN

PHIÊN ÂM, DỊCH NGHĨA, BẢO QUẢN VÀ PHÁT HUY NGUỒN TƯ LIỆU HÁN, NÔM TẠI THƯ VIỆN TỈNH VĨNH PHÚC
(Kèm theo Quyết định số 1308/QĐ-UBND ngày 24 tháng 5 năm 2021, của Ủy ban nhân dân tỉnh)

Phần thứ nhất

SỰ CẦN THIẾT, CĂN CỨ PHÁP LÝ, CĂN CỨ THỰC TIỄN XÂY DỰNG ĐỀ ÁN; THỰC TRẠNG CÔNG TÁC LƯU TRỮ, KHAI THÁC, BẢO QUẢN, PHÁT HUY GIÁ TRỊ NGUỒN TƯ LIỆU HÁN, NÔM TẠI THƯ VIỆN TỈNH

I. SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

Vĩnh Phúc mảnh đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa lâu đời. Lịch sử hình thành và phát triển Vĩnh Phúc gắn liền với lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, trong đó dấu ấn đậm nét nhất được ghi nhận là dấu ấn về khảo cổ học thời tiền sơ sử với nền “Văn hóa Đồng Đậu” nổi tiếng, cách nay hơn 3.000 năm. Nơi đây từng giữ vai trò là phên dậu bảo vệ kinh đô qua các thời kỳ lịch sử. Vì đó, lòng dân và lòng đất Vĩnh Phúc còn lưu giữ nhiều giá trị di sản văn hóa của dân tộc, trong đó có nguồn tư liệu di sản Hán, Nôm tại các di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia, di tích lịch sử văn hóa, trung tâm lưu trữ, bảo tàng, thư viện…ở trong và ngoài tỉnh.

Thư viện tỉnh Vĩnh Phúc là một trong những thiết chế văn hóa của tỉnh, hiện nay đang lưu giữ, bảo quản và phát huy nhiều vốn tài liệu liên quan đến các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có số lượng lớn nguồn tư liệu Hán Nôm ghi chép lại về lịch sử, truyền thống văn hóa, phong tục tập quán, tôn giáo, tín ngưỡng của vùng đất Vĩnh Phúc qua các giai đoạn lịch sử.

Đây là những tư liệu cổ, quý hiếm, còn lại trong xã hội hiện đại, tuy nhiên hiệu quả khai thác và sử dụng nguồn tư liệu này còn hạn chế, số người hiểu và đọc nguồn Hán, Nôm rất hạn chế có nguy cơ ngày càng ít đi. Nguồn tư liệu di sản Hán, Nôm chỉ thật sự phát huy giá trị khi được tổ chức khai thác sử dụng để phục vụ các mặt hoạt động khác nhau của đời sống xã hội. Do vậy cần cấp thiết có một quá trình khảo cứu, phiên âm, dịch nghĩa, bảo quản và phát huy giá trị của nó phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa, hiểu biết lịch sử văn hóa của bạn đọc địa phương nói riêng và cộng đồng xã hội có nhu cầu nói chung.

II. CĂN CỨ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

1. Căn cứ pháp lý

Căn cứ Nghị quyết số 33 - NQ/TW ngày 09 tháng 06 năm 2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về tiếp tục thực hiện việc xây dựng và phát triển văn hóa con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Căn cứ Luật Thư viện ngày 21 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật di sản văn hóa ngày 29 tháng 01 năm 2001 và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật di sản văn hóa ngày 18 tháng 6 năm 2009;

Căn cứ Luật Lưu trữ năm 2011;

Căn cứ Quyết định số 581/QĐ-TTg, ngày 06/6/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 1755/QĐ-TTg , ngày 08/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;

Căn cứ Nghị định số 93/2020/NĐ-CP ngày 18 tháng 8 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thư viện;

Căn cứ Quyết định số 208/QĐ-TTg ngày 27 tháng 01 năm 2014 của Thủ tướng chính phủ về Đề án đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ;

Căn cứ Quyết định số 329/QĐ-TTg , ngày 15 tháng 3 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030;

Căn cứ Quyết định số 4673/ QĐ-BVHTTDL ngày 26 tháng 12 năm 2019 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định về định mức kinh tế, kỹ thuật trong hoạt động cung cấp thông tin, tài liệu tại thư viện, phục vụ lưu động ngoài thư viện, phục vụ người khuyết tật;

Căn cứ Kế hoạch số 12-KH/BTV của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 33 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI phát triển văn hóa con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước;

Căn cứ Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 12 tháng 3 năm 2020 của Ban chấp hành đảng bộ tỉnh về nâng cao thu nhập và phúc lợi của người dân Vĩnh Phúc đến năm 2025, định hướng đến năm 2030;

Căn cứ Chỉ thị số 05/2015/CT-UBND , ngày 21 tháng 5 năm 2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc về việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước tỉnh Vĩnh Phúc;

Căn cứ Quyết định số 08/2006/QĐ-UBND ngày 19 tháng 01 năm 2006 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc về đổi tên, quy định chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy Thư viện khoa học tổng hợp tỉnh Vĩnh Phúc thành Thư viện tỉnh Vĩnh Phúc.

2. Căn cứ thực tiễn

Hiện nay, trên trường quốc tế, xu thế hòa bình, ổn định, độc lập, hợp tác để phát triển là xu thế chung, nổi bật. Trong bối cảnh đó, các quốc gia trong đó có Việt Nam vừa chủ động, tích cực tham gia quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, đặc biệt trên lĩnh vực văn hóa, vừa tiếp tục đề cao bản sắc văn hóa dân tộc, coi trọng việc giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, đồng thời chọn lọc tiếp thu các giá trị tinh hoa văn hóa của nhân loại. Trong thời đại công nghệ 4.0, cuộc sống ngày càng sôi động, thì con người càng mong muốn được tìm về quá khứ, tìm về văn hóa và giá trị dân tộc. Hiện thực đó không chỉ tạo ra cơ hội và điều kiện hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa trong có lĩnh vực thư viện theo xu hướng trên là một đòi hỏi cần thiết.

Trong những năm qua, hoạt động của hệ thống thư viện trên toàn quốc đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, ngoài việc đầu tư cơ sở vật chất trang thiết bị nhằm đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động thư viện trong tình hình mới, các hoạt động nghiệp vụ trong đó nguồn tư liệu Hán, Nôm được các thư viện quan tâm chú trọng bảo quản, khai thác và phát huy.

Hiện nay, nguồn tài liệu Hán, Nôm được lưu giữ tại các thư viện ở Việt Nam với số lượng khá nhiều, phong phú, đa dạng về mặt nội dung và hình thức tài liệu, hầu hết nguồn tài liệu Hán, Nôm được sưu tầm và lưu giữ chủ yếu trong các thư viện công cộng, thư viện của các viện nghiên cứu và thư viện các trường đại học như: Thư viện Quốc gia Việt Nam, Thư viện Khoa học Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh, Thư viện Viện Nghiên cứu Hán, Nôm, Thư viện Viện Thông tin Khoa học Xã hội, Thư viện Viện Sử học, Thư viện Viện Văn học, Trung tâm Thông tin - Thư viện, Đại học Quốc gia Hà Nội, Thư viện Trung tâm - Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh…

Bên cạnh việc chú trọng bảo quản tốt tài liệu, các thư viện ở Việt Nam đã rất quan tâm đến công tác phát huy giá trị tài liệu Hán, Nôm thông qua việc tổ chức khai thác, sử dụng vốn tài liệu này thông qua các cuộc triển lãm, trưng bày, giới thiệu tài liệu; thông qua các sản phẩm, dịch vụ thư viện - thông tin như: hệ thống mục lục thư viện; thư mục, danh mục tài liệu Hán, Nôm; các cơ sở dữ liệu điện tử, cơ sở dữ liệu toàn văn; dịch vụ tra cứu tài liệu; dịch vụ cung cấp tài liệu, bao gồm: cung cấp tài liệu đọc tại chỗ, đọc toàn văn, cung cấp các bản sao; dịch vụ hướng dẫn sử dụng thư viện; dịch vụ dịch thuật, biên khảo, xuất bản tài liệu Hán, Nôm và khai thác thông qua mạng Internet, điển hình là hoạt động dịch thuật và biên khảo.

Thực tiễn đó cũng gắn liền với quá trình hoạt động của Thư viện tỉnh Vĩnh Phúc. Thư viện tỉnh Vĩnh Phúc được thành lập theo Quyết định số 08/2006/QĐ-UBND ngày 19/01/2006, của UBND tỉnh Vĩnh Phúc. Tổng số vốn tài liệu Thư viện tỉnh hiện có: 205.450 bản sách; 150 loại báo, tạp chí được phân chia tại các phòng: Phòng mượn: 42.342 bản; Phòng đọc: 29.989 bản; Phòng Tuyên truyền và Phong trào cơ sở: 78.911 bản; Phòng Thiếu nhi: 33.098 bản; Phòng địa chí: 16.101 bản.

Trong thời gian qua, hoạt động thư viện nói chung và công tác khai thác, sưu tầm và sử dụng phát huy nguồn tư liệu Hán, Nôm luôn được tỉnh quan tâm đầu tư. Chất lượng của vốn tài liệu bổ sung đa dạng hóa các nguồn thông tin, phong phú về thể loại, có chất lượng thông tin cao, phù hợp với tình hình phát triển, đặc điểm kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh và đáp ứng được nhu cầu thông tin đa dạng của bạn đọc; Công tác xử lý tài liệu được thực hiện theo đúng các chuẩn nghiệp vụ thư viện, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong xử lý tài liệu; Công tác phục vụ bạn đọc ngày càng tốt hơn, đáp ứng được nhu cầu của nhiều đối tượng bạn đọc; Công tác truyền thông vận động cũng được tăng cường qua các sự kiện trưng bày, triển lãm sách, báo, các ngày kỉ niệm; ngoài ra, Thư viện tỉnh còn đẩy mạnh công tác phát triển mạng lưới thư viện như hỗ trợ chuyên môn, nghiệp vụ cho hệ thống Thư viện cơ sở và các Thư viện, phòng đọc sách tại một số trường học trên địa bàn tỉnh. Phối hợp với các thư viện, các viện lưu trữ trên toàn quốc trao đổi, khai thác nguồn tài liệu, trong đó nguồn tư liệu Hán, Nôm chiếm tỷ lệ lớn, bước đầu đáp ứng nhu cầu khai thác và nghiên cứu của bạn đọc và tuyên truyền giáo dục truyền thống lịch sử văn hóa của quê hương, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc.

III. THỰC TRẠNG CÔNG TÁC LƯU TRỮ, KHAI THÁC, BẢO QUẢN, PHÁT HUY GIÁ TRỊ NGUỒN TƯ LIỆU HÁN, NÔM TẠI THƯ VIỆN TỈNH VĨNH PHÚC

1. Tổng quan nguồn tư liệu Hán, Nôm trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc

Vĩnh Phúc là vùng đất cổ của người Việt mà ở đây còn lưu giữ nhiều di tích có giá trị hàng đầu quốc gia như di chỉ khảo cổ học Đồng Đậu, danh thắng Tây Thiên - Tam Đảo, Tháp Bình Sơn, đình Thổ Tang...cùng hàng trăm ngôi đình, chùa, văn miếu, văn chỉ, văn từ. Không chỉ là vùng địa linh mà Vĩnh Phúc còn là miền nhân kiệt, minh chứng rõ nét nhất là 86 vị tiến sỹ danh nho đề danh trong lịch sử khoa bảng nước nhà từ triều Lý (thế kỷ XI) đến triều Nguyễn (thế kỷ XIX) tiêu biểu như: Phạm Công Bình, Đào Sư Tích, Đỗ Khắc Chung, Nguyễn Duy Thì, Triệu Thái… Đây là nơi trước kia người dân trong tỉnh lập bia, đúc chuông, đúc khánh, lập hương ước, sao thần tích, lập địa bạ cùng nhiều loại hình như thư tịch khác…

Theo thống kê, hiện nay Vĩnh Phúc có hơn 1000 văn bia, văn khánh, văn chuông, 700 đạo thần sắc, trên 400 bản thần tích cùng hàng ngàn hương ước gồm cả hương ước cổ và hương ước cải lương cùng các nguồn tư liệu Hán, Nôm khác. Các di sản Hán, Nôm này hiện nay nằm ở hầu hết các các loại hình di tích lịch sử văn hóa, trong các gia đình dòng họ, làng xã… của tỉnh.

Có thể nói, những tư liệu Hán, Nôm hiện còn lưu lại trên mảnh đất Vĩnh Phúc rất phong phú và đa dạng từ hình thức thể hiện đến nội dung, gồm sắc phong thần cho các đình làng, điền bạ, trát văn, gia phả, đơn khai, văn tế, văn cúng, di chúc, thơ văn, văn bia, văn chuông, hoành phi, câu đối, mộc bản...phần nào đã phản ánh rõ nét tư duy khoa học, văn học nghệ thuật, tổ chức làng xã cũng như sinh hoạt xã hội của các bậc tiền nhân. Những thư tịch Hán, Nôm được viết hoặc khắc theo 4 kiểu chữ cơ bản là chữ triện, chữ lệ, chữ hành và chữ thảo trên các chất liệu đá, đồng, vải, gỗ, giấy… Đây chính là nguồn là di sản văn hóa thành văn vô cùng quí báu mà những bậc tiền nhân ở Vĩnh Phúc để lại.

Trong nhiều năm qua, tỉnh Vĩnh Phúc đã quan tâm đến công tác bảo tồn và phát huy giá trị loại hình di sản văn hóa này như khảo sát, nghiên cứu, biên dịch và xuất bản giới thiệu văn hóa Hán, Nôm trên địa bàn tỉnh. Nhiều công trình nghiên cứu khoa học chuyên ngành Hán, Nôm được đánh giá cao như: Sắc phong Vĩnh Phúc, Văn bia Vĩnh Phúc, Di tích lịch sử văn hóa tiêu biểu tỉnh Vĩnh Phúc, danh nhân Vĩnh Phúc...Đặc biệt, tỉnh đã quan tâm đầu tư xây dựng Văn miếu tỉnh trên cơ sở nguồn tư liệu Hán, Nôm về truyền thống hiếu học và khoa bảng Vĩnh Phúc lưu giữ nhiều nguồn tư liệu Hán, Nôm có giá trị, đã thành lập Câu lạc bộ Hán, Nôm tỉnh và và hình thành các lớp học Hán, Nôm ở một số di tích, địa phương trong tỉnh…những kết quả đó đã để lại những giá trị nhất định về mặt học thuật, giúp cho việc nghiên cứu về lịch sử cũng như văn hóa của tỉnh góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, còn những tồn tại, hạn chế trong việc bảo tồn và phát huy giá trị nguồn tư liệu này như: Việc điều tra, khảo sát, nghiên cứu, sưu tầm, khai thác chưa nhiều, công tác bảo quản, phát huy chưa cao, ngoài những tư liệu Hán, Nôm được khắc trên các chất liệu bền vững thì những tư liệu còn lại được viết trên giấy, trên vải như các sắc phong thần đều được xếp cẩn thận vào tráp rồi khóa lại cất giấu kỹ hoặc để trên bàn thờ, đến ngày vía thần tại đình, miếu chúng mới được mở ra. Do đó, nếu không thiết lập được mối quan hệ với ban quý tế của các đình làng, tộc họ và cá nhân lưu giữ tài liệu Hán, Nôm. Công tác truyền dạy chữ Hán, Nôm cho cộng đồng, cá nhân còn hạn chế, số người biết đọc chữ Hán, chữ Nôm còn lại không nhiều. Nhiều di tích lưu giữ trong mình một khối lượng di sản Hán, Nôm đồ sộ nhưng để giải mã ý nghĩa của nó thật khó khăn, nên ảnh hưởng đến việc bảo tồn và trùng tu di tích, cũng như phục vụ khách tham quan muốn tìm hiểu về vùng đất và con người Vĩnh Phúc.

Do đó, trong thời gian tới, việc bảo tồn di sản văn hóa Hán, Nôm chính là bảo tồn và phát huy di sản văn hóa của dân tộc nói chung, Vĩnh Phúc nói riêng cần có những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, đó vừa là biểu lộ sự trân trọng đối với di sản tinh thần của các bậc tiền nhân để lại, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc trong tiến trình nước ta hội nhập với các nước trong khu vực và trên thế giới.

2. Thực trạng công tác lưu trữ, khai thác, bảo quản phát huy giá trị nguồn tư liệu Hán, Nôm tại Thư viện tỉnh Vĩnh Phúc.

2.1. Kết quả đạt được

Thư viện tỉnh Vĩnh Phúc hiện có 1.765 tài liệu Hán, Nôm, được lưu giữ tại phòng Địa chí. Nguồn tài liệu Hán, Nôm ở đây rất đa dạng, phong phú, bao gồm các loại hình: Hương ước, thần tích, thần sắc của các địa phương trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, châu bản triều Nguyễn, kinh lược Bắc Kỳ.

Trong những năm qua, được sự quan tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự chỉ đạo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thư viện tỉnh Vĩnh Phúc đã tiến hành nghiên cứu, sưu tầm, phân loại, bảo quản và bước đầu khai thác nguồn tư liệu Hán, Nôm này, góp phần vào kết quả công tác thư viện và công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh, cụ thể như sau:

- Thần tích, thần sắc.

Thần tích là sự tích về vị thần được thờ tại các làng xã ở Việt Nam. Thần sắc là những đạo sắc do nhà nước phong kiến mà người đại diện là nhà vua ban cho các làng xã trong việc thờ phụng các vị thần tại địa phương.

Thư viện tỉnh Vĩnh Phúc hiện lưu giữ 530 bản thần tích và thần sắc. Nội dung ghi sự tích và các đạo sắc phong cho các vị thần được thờ tại các làng xã thuộc tỉnh Vĩnh Yên và Phúc Yên trước đây. Nguồn tư liệu này được Thư viện tỉnh Vĩnh Phúc khai thác tại Thư viện Khoa học Xã hội (Hà Nội) năm 2008.

Qua nghiên cứu bước đầu cho thấy, về mặt hình thức: Các bản thần tích, thần sắc được kê khai theo các mẫu câu hỏi và trả lời. Trong các bản khai thần tích, có làng liệt kê các câu hỏi rồi trả lời, có làng trả lời trực tiếp vào toàn bộ các câu hỏi. Về mặt nội dung: Một bản thần tích, thần sắc thông thường mở đầu và kết thúc ngắn gọn. Phần mở đầu nêu tên tuổi và chức sắc của người khai cùng nguyên do khai bản thần tích, thần sắc. Phần kết thúc là cam kết lời khai chính xác, tên tuổi, chữ ký, con dấu và xác nhận của Lý trưởng và Chánh hội. Phần nội dung chính dài nhất gồm 3 phần rõ rệt: Sự tích của đức thánh, tôn thần; Sắc của đức thánh, tôn thần; Nghi thức thờ cúng.

Nguồn tài liệu này một số nội dung tuy đã có phần đính kèm bằng chữ quốc ngữ, song những thông tin đính kèm chỉ là những thông tin chung chung như một bản tóm tắt nội dung tài liệu. Phần cụ thể, chi tiết của tài liệu vẫn tồn tại dưới dạng chữ Hán. Điều này thực sự khó khăn trong việc khai thác tài liệu đối với các bạn đọc khi không biết chữ Hán.

Đối với các tài liệu Hán, Nôm là thần tích, thần sắc được Thư viện tỉnh phân loại tập hợp theo các huyện, thành trong tỉnh Vĩnh Phúc, được bảo quản định kỳ hàng năm phục vụ cho công tác tra cứu của bạn đọc.

Danh mục tài liệu thần tích, thần sắc theo các huyện, thành trong tỉnh (Chi tiết tại Phụ lục 01)

- Hương ước

Hương ước là những quy ước, điều lệ của một cộng đồng chung sống trong một khu vực, là văn bản pháp lý đầu tiên của các làng, xã nhằm góp phần điều hòa các mối quan hệ xã hội trong cộng đồng, hương ước còn được gọi bằng những tên khác như: hương biên, hương khoán, hương lệ khoán ước, khoán lệ, cựu khoán tục lệ, điều ước, điều lệ. Hương ước của làng, xã được xem như là một hệ thống luật tục, tồn tại song song nhưng không đối lập với pháp luật của quốc gia.

Thư viện tỉnh Vĩnh Phúc đang lưu giữ 338 bản hương ước của các làng, xã thuộc hai tỉnh Vĩnh Yên và Phúc Yên thời kỳ trước Cách mạng tháng Tám năm 1945.

Qua nghiên cứu bước đầu, cho thấy hầu hết các hương ước được ra đời thời kỳ trước năm 1945. Nội dung của các chính của hương ước là những bản ghi chép các điều lệ quy định đến tổ chức xã hội, mối quan hệ giữa các thành viên với nhau, giữa thành viên với cộng đồng; và giữa các cộng đồng nhỏ trong làng (phe, giáp, họ...) với làng. Tuy trong mỗi nội dung hương ước của các làng, xã có đôi chỗ khác nhau; nhưng tựu chung các nội dung này tập trung chính ở một số điểm; đó là: Quy ước tổ chức xã hội và trách nhiệm của các chức dịch trong làng, xã; quy ước chế độ ruộng đất, thuế, khoán, đăng lính; quy ước khuyến nông, thuỷ lợi; quy ước bảo vệ sản xuất, chăn nuôi; quy ước bảo vệ môi trường; qui ước khuyến khích học tập và hỗ trợ học tập, khen thưởng người học hành chăm chỉ, thi cử đỗ đạt; quy ước đón mừng năm mới và tiết xuân thu; quy ước tế lễ thờ thần thành hoàng làng; quy ước phòng và cứu hoả hoạn của dân làng; quy ước về việc hiếu, hỷ; quy ước tuổi lên lão (từ 50 tuổi), đăng thượng thọ (từ 70 tuổi trở lên) và quy định mức quà tặng người lên thọ; quy ước về động thổ, người nhập cư, táng ký; quy ước cứu người bị trộm, cướp. Và lệ phạt kẻ ăn trộm hoặc chứa chấp kẻ gian, đồ lấy trộm...

Các bản hương ước hiện lưu tại Thư viện tỉnh chủ yếu là các hương ước cải lương (ghi bằng chữ quốc ngữ), có một số bản kèm chữ Hán, Nôm.

Danh mục tài liệu hương ước theo các huyện, thành trong tỉnh (Chi tiết tại Phụ lục 02)

- Thác bản văn khắc

Văn khắc là một bộ phận quan trọng trong nền văn hóa thành văn nói chung và di sản Hán, Nôm nói riêng. Văn khắc được dựng ở hầu hết các thôn, xóm, xã, phường và gắn liền với các di tích lịch sử văn hóa lâu đời ở nước ta như bia đá, chuông đồng, biển gỗ, khánh…Việc sưu tầm đối với loại hình văn bản này được tiến hành thông qua biện pháp in rập thành thác bản để sử dụng cho công tác lưu trữ và nghiên cứu.

Hiện nay, Thư viện tỉnh Vĩnh Phúc đang lưu giữ 658 thác bản văn khắc của huyện Lập Thạch và Bạch Hạc trước đây. Một số bản dập thác bản, tiêu biểu như: chùa Niết Bàn Thạch Bi ký (ghi chép ở bia đá chùa Niết Bàn) xã Bàn Giản, huyện Lập Thạch; “Đình Hậu thần bi ký” (ghi chép trên bia đá về các vị thần ở đình Hậu) xã An Lập, huyện Lập Thạch (nay là xã Tứ Yên, huyện Sông Lô0…Thư viện tỉnh đã tiến hành nghiên cứu, phân loại, bảo quản định kỳ hàng năm.

- Châu bản triều Nguyễn

Châu bản là các văn bản có bút tích phê của nhà vua bằng mực son (“châu” có nghĩa là màu đỏ son, “bản” chỉ văn bản tài liệu), được hình thành trong quá trình hoạt động quản lý nhà nước, bộ máy chính quyền triều Nguyễn (từ năm 1802 đến năm 1945). Hệ thống văn bản này do nội các triều Nguyễn tập hợp và quản lý thống nhất thành một khối văn thư của triều đình gọi chung là “Châu bản triều Nguyễn”.

Hiện nay Thư viện tỉnh Vĩnh Phúc đang lưu giữ 55 bản gồm 226 trang, nội dung phản ánh tình hình mọi mặt của các huyện thuộc tỉnh Vĩnh Yên, Phúc Yên (thời Nguyễn cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX). Nguồn tư liệu này được sưu tầm, khai thác tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I - Hà Nội, năm 2010.

Qua nghiên cứu bước đầu, các châu bản này gồm một số loại được sử dụng thường xuyên như: chiếu, dụ, chỉ, tấu, khải, bẩm, tư trình, phúc trình, phiếu trình, thông tri, phiếu nghĩ… nội dung phản ánh tình hình xã hội ở các huyện của tỉnh Vĩnh Yên và Phúc Yên, giai đoạn thế kỷ 19 và nửa đầu thế kỷ 20 trên các lĩnh vực chính trị, quân sự, ngoại giao, kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế…

Một số châu bản tiêu biểu như: Tâu báo tình hình trong hạt huyện Yên Lạc, huyện Tam Dương, Vĩnh Tường; Đề cử quan chức có tài, có đức ở huyện Yên Lạc, Vĩnh Tường; Về việc quan lại tiếp đón binh lính nhà Thanh tại các huyện; Tình hình an ninh ở phủ Vĩnh Tường, tình hình thu hoạch mùa màng của huyện Bình Xuyên…

Danh mục châu bản triều Nguyễn được phân loại và lưu giữ và bảo quản tại Thư viện tỉnh Vĩnh Phúc (Chi tiết tại Phụ lục 03)

- Kinh lược Bắc Kỳ

Kinh lược Bắc Kỳ là khối tài được viết chủ yếu bằng chữ Hán, Nôm và một số thư từ được dịch từ tiếng Pháp sang chữ Nôm, phản ánh tương đối đầy đủ các mặt hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội ở Bắc Kỳ từ năm 1886-1897 (Thời kỳ 11 năm hoạt động của Nha Kinh lược Bắc Kỳ - cơ quan hành chính nhà nước phong kiến cao nhất ở Bắc kỳ do thực dân Pháp lập ra, được thay mặt vua trực tiếp điều hành và giải quyết mọi việc ở Bắc Kỳ).

Hiện nay, Thư viện tỉnh Vĩnh Phúc đang lưu giữ 172 bản gồm 756 trang. Nguồn tư liệu này được sưu tầm, khai thác tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I - Hà Nội, năm 2010.

Qua nghiên cứu bước đầu cho thấy: Về thể loại, tài liệu vừa có văn bản hành chính thời phong kiến, vừa có văn bản hành chính của chính quyền thực dân. Văn bản hành chính của chính quyền phong kiến như: chỉ, dụ, tấu, tư, tư di, tư trình, trình, trát, sức, bẩm…; văn bản hành chính của chính quyền thực dân như: nghị định, báo cáo, hiệp định…Về nội dung, tài liệu đã phản ánh sâu sắc bộ máy hành chính nước ta những năm cuối thế kỷ XIX. Bên cạnh đó, khối tài liệu đã tái hiện được bức tranh về đời sống cùng cực của người dân trong chế độ phong kiến nửa thực dân.

Một số tài liệu tiêu biểu thuộc phông Nha kinh lược Bắc Kỳ đã được sao chụp: quan binh Pháp đi càn quét vùng Lập Thạch; Ngụy điền, Ngụy quát đánh phá phủ Vĩnh Tường; xã Bạch Lưu huyện Lập Thạch (nay là Sông Lô) và xã Lê Mỹ huyện Phù Ninh cho lệ thuộc vào Tuyên Quang cho dễ làm việc…

Danh mục tài liệu Nha kinh lược Bắc Kỳ lưu giữ bảo quản tại Thư viện tỉnh Vĩnh Phúc (Chi tiết tại Phụ lục 04).

Bên cạnh công tác nghiên cứu, sưu tầm, khai thác, công tác bảo quản, phục vụ các tài liệu Hán, Nôm được Thư viện tỉnh Vĩnh Phúc chú trọng, quan tâm. Nguồn tài liệu Hán, Nôm sau khi được đưa về kho, Thư viện tỉnh đã tiến hành phân loại, bảo quản bước đầu và đưa ra phục vụ độc giả. Quá trình phục vụ độc giả loại tài liệu này, Thư viện tỉnh có thể phân ra được 3 nhóm độc giả như sau:

- Nhóm độc giả thứ nhất là những người làm công tác quản lý di tích trên địa bàn tỉnh dùng làm căn cứ trong công tác xếp hạng các di tích văn hóa. Cụ thể là các nhà quản lý trên lĩnh vực di tích, di sản, cán bộ làm công tác bảo tồn, bảo tàng. Trong những năm qua đã phục vụ bạn đọc là các nhà quản lý 250 lượt đến sử dụng tài liệu Hán Nôm tại thư viện tỉnh với 1815 lượt tài liệu luân chuyển. Các tư liệu phục vụ nhu cầu nghiên cứu chủ yếu là thần tích thần sắc như: Thần tích thần sắc làng Phú Thứ, tổng Thượng Trưng, phủ Vĩnh Tường tỉnh Vĩnh Yên; Thần tích thần sắc làng Bằng Hoàng xã Hoàng Chỉ huyện Lập Thạch tỉnh Vĩnh Yên; Thần tích thần sắc làng Yên Lan tổng Xuân Lãng huyện Bình Xuyên tỉnh Vĩnh Yên; Thần tích thần sắc làng Ái Liên tổng Sơn Lôi huyện Bình Xuyên tỉnh Vĩnh Yên; Thần tích thần sắc Thôn Bắc Bình làng Hữu Phúc tổng Đại Lượng huyện Lập Thạch tỉnh Vĩnh Yên…

- Nhóm độc giả thứ hai là những người nghiên cứu về các giá trị văn hóa cổ của Vĩnh Phúc là các sinh viên, thạc sĩ, nghiên cứu sinh.

Cung cấp tài liệu cho bạn đọc nghiên cứu thành công các công trình nghiên cứu khoa học sử dụng tài liệu Hán - Nôm tại Thư viện tỉnh: Sắc phong Vĩnh Phúc (tác giả Lê Kim Thuyên), Lễ Hội Vĩnh Phúc (tác giả Lê Kim Thuyên), Văn hoá dân gian Vĩnh Phúc (tác giả Bùi Đăng Sinh), Đồng Đậu Vĩnh Phúc thời tiền sử, sơ sử; Nhà Mạc và hậu duệ trên đất Vĩnh Phúc...

- Nhóm độc giả thứ ba: Người dân trên địa bàn tỉnh tìm hiểu về các di tích hiện có ghi dấu những thành tựu về văn hóa, lịch sử của địa phương mình.

Về việc bảo quản tài liệu Hán, Nôm: Hiện tại các tài liệu này được sắp xếp cẩn thận trong các hộp để tài liệu. Tuy nhiên những tài liệu này đều là những bản phô tô tài liệu gốc, theo thời gian, chữ phô tô sẽ bị mờ dần. Để đảm bảo lưu trữ lâu dài ngoài việc cất giữ cẩn thận tránh gió, ẩm cũng nên số hóa và lưu trữ trên cơ sở dữ liệu. Việc lưu trữ tài liệu số vừa có giá trị lưu trữ lại vừa có giá trị về mặt quảng bá nguồn tài liệu.

2.2. Những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân

2.2.1. Tồn tại, hạn chế

- Nguồn tư liệu Hán, Nôm lưu giữ tại Thư viện tỉnh hiện mới được phiên âm, dịch nghĩa sang tiếng Việt phần tiêu đề và một số thông tin tổng quát (chiếm 10% nội dung tài liệu). Đây là một rào cản gây khó khăn cho bạn đọc trong việc sử dụng nguồn tài liệu.

- Việc bảo quản tài liệu hiện nay mới chỉ áp dụng hình thức bảo quản đơn thuần là để trong các hộp đựng tài liệu và đặt trên giá sách. Chưa thực hiện chống mối mọt, chống ẩm mốc. Chưa được trang bị các thiết bị bảo quản như máy hút bụi, hút ẩm, máy điều hoà không khí, hệ thống báo cháy và chữa cháy tự động...

- Hệ thống các công cụ tra cứu tìm tin còn thiếu gây khó khăn cho người đọc trong quá trình tìm kiếm, khai thác, sử dụng tài liệu, cũng như ảnh hưởng đến quá trình phổ biến thông tin của thư viện.

Công cụ tra cứu đang được áp dụng tại thư viện là danh mục tài liệu Hán, Nôm. Tài liệu được sắp xếp theo từng nhóm (thần tích, thần sắc; hương ước; châu bản triều Nguyễn, Kinh lược Bắc kỳ), và theo từng địa danh của từng huyện trong tỉnh.

- Hình thức khai thác, sử dụng tài liệu còn lạc hậu và bị “bó cứng” trong một số hình thức nhất định. Chủ yếu là tra cứu, khai thác và sao chụp tài liệu tại thư viện gây khó khăn không nhỏ cho đại bộ phận người sử dụng tài liệu Hán - Nôm trong thời đại công nghệ thông tin và mạng Internet là một phần tất yếu không thể tách rời của đời sống xã hội.

- Công tác quảng bá, tuyên truyền, giới thiệu vốn tài liệu Hán, Nôm tại Thư viện chưa được quan tâm, nhất là trên hệ thống trang web, trang thông tin điện tử của tỉnh.

- Đội ngũ cán bộ, thủ thư trong hoạt động thư viện chưa đồng đều, thiếu cán bộ có trình độ tin học, ngoại ngữ, đặc biệt việc sử dụng và dịch thuật nguồn tư liệu Hán, Nôm.

Hiện nay thư viện tỉnh có 17 cán bộ, trong đó 13 cán bộ được đào tạo về nghiệp vụ thư viện, 01 cán bộ được đào tạo nghiệp vụ kế toán, 02 cán bộ được đào tạo về công nghệ thông tin; 01 nhân viên thư viện có trình độ phổ thông. Hầu hết cán bộ có trình độ B, C ngoại ngữ tiếng Anh. Chưa có cán bộ nào được đào tạo về ngôn ngữ Hán, Nôm. Đây là một hạn chế cho việc tổ chức, phục vụ và khai thác nhóm tài liệu Hán, Nôm.

2.2.2. Nguyên nhân của những tồn tại hạn chế

- Ngôn ngữ của tài liệu là một trong những rào cản lớn nhất trong việc tiếp cận và khai thác nội dung của tài liệu vì đa phần tài liệu đều là chữ Hán, chữ Nôm, sẽ rất khó khăn đối với người đọc không biết chữ Hán, chữ Nôm.

- Đối tượng người dùng không đồng nhất hiểu biết về ngôn ngữ và lịch sử, di tích: Người biết chữ Hán, chữ Nôm lại không có nhiều hiểu biết về lịch sử, văn hóa và ngược lại, người có kiến thức về văn hóa, lịch sử lại hạn chế về ngôn ngữ Hán Nôm.

- Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho công tác khai thác, sử dụng tài liệu Hán, Nôm còn nghèo nàn, lạc hậu. Từ đó, dẫn đến hiệu quả khai thác tài liệu chưa cao, giá trị của tài liệu chưa được phát huy đúng mức.

- Chưa có chính sách khai thác, sử dụng tài liệu nói chung, cũng như tài liệu Hán, Nôm nói riêng, hoặc chính sách không phù hợp với tình hình phát triển thực tế của thư viện.

- Hệ thống các công cụ tra cứu tìm tin thiếu thốn, lạc hậu gây khó khăn cho người đọc trong quá trình tìm kiếm, khai thác, sử dụng tài liệu, cũng như ảnh hưởng đến quá trình phổ biến thông tin của thư viện.

- Khả năng tạo lập, phát triển các sản phẩm và dịch vụ thư viện, khả năng xử lý hình thức và nội dung tài liệu Hán, Nôm, công tác phục vụ người đọc khai thác, sử dụng tài liệu Hán, Nôm của đội ngũ cán bộ thư viện nhiều hạn chế.

2.3. Đánh giá chung

Nguồn tài liệu Hán, Nôm hiện được lưu giữ tại Thư viện tỉnh Vĩnh Phúc rất đa dạng, phong phú. Với 1.765 tài liệu bao gồm các loại hình: Hương ước, thần tích, thần sắc của các địa phương trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, châu bản triều Nguyễn, kinh lược Bắc Kỳ. Đây là nguồn tư liệu vô giá cho việc nghiên cứu, tìm hiểu truyền thống văn hóa lịch sử của tỉnh, của dân tộc.

Với các bản thần tích, thần sắc là nguồn tư liệu rất quý, làm căn cứ cho việc xếp hạng các di tích đình chùa, miếu, các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo cũng như giúp cho người dân nắm bắt được những giá trị văn hóa của địa phương mình thể hiện niềm tự hào, tự tôn dân tộc.

Các bản hương ước có những giá trị tích cực của hương ước xưa dường như vẫn còn nguyên vẹn, có thể là tài liệu tham khảo hữu ích cho việc xây dựng nông thôn mới ngày nay.

Các châu bản nội dung phản ánh tình hình xã hội ở các huyện của tỉnh Vĩnh Yên và Phúc Yên, giai đoạn thế kỷ 19 và nửa đầu thế kỷ 20 trên các lĩnh vực chính trị, quân sự, ngoại giao, kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế …phục vụ cho việc nghiên cứu địa giới hành chính và các mặt đời sống xã hội đồng thời tái hiện được bức tranh về đời sống cùng cực của người dân trong chế độ phong kiến nửa thực dân…

Như vậy, nguồn tư liệu di sản Hán, Nôm đang lưu giữ tại Thư viện tỉnh là những thư tịch, tài liệu được viết bằng chữ Hán và chữ Nôm là kho tàng tư liệu thành văn vô cùng phong phú của tỉnh. Nguồn tư liệu này đã, đang sẽ tiếp tục trở thành một bộ phận quan trong trong hệ thống di sản văn hóa quý giá của tỉnh. Nó sẽ càng có giá trị hơn nếu được khai thác phát huy hiệu quả thì là sợi dây liên kết giữa quá khứ với hiện tại, là nguồn tư liệu quan trọng giúp cho thế hệ hôm nay và mai sau có cơ hội tìm về cội nguồn lịch sử, văn hóa của quê hương nên việc phiên âm, dịch nghĩa, bảo quản phát huy giá trị của nguồn tư liệu này là hết sức cần thiết, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Phần thứ hai

NỘI DUNG ĐỀ ÁN

I. MỤC TIÊU CỦA ĐỀ ÁN

1. Mục tiêu chung

- Phát huy giá trị khối tài liệu Hán, Nôm thông qua việc phiên âm dịch nghĩa, tuyên truyền nhằm cung cấp thông tin cho bạn đọc tiếp cận, hiểu được giá trị nội dung, ý nghĩa của tài liệu Hán, Nôm; Góp phần nâng cao nhận thức của xã hội, đặc biệt là thế hệ trẻ Việt Nam về vai trò của công tác lưu trữ, giá trị của tài liệu lưu trữ thông qua tư liệu quý hiếm này.

- Bảo quản an toàn tài liệu Hán, Nôm, hạn chế sự hư hỏng của tài liệu nhằm gìn giữ tài liệu lâu dài tại Thư viện tỉnh.

- Tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa quê hương Vĩnh Phúc tới các tầng lớp nhân dân trong tỉnh, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc.

2. Mục tiêu cụ thể

- Năm 2022:

+ Phiên âm, dịch nghĩa từ tiếng Hán sang chữ quốc ngữ cho 530 bản thần tích, thần sắc ghi công trạng của các vị thần được thờ tại các địa phương trong tỉnh Vĩnh Phúc; 338 bản hương ước của các làng, xã thuộc hai tỉnh Vĩnh Yên và Phúc Yên thời kỳ trước Cách mạng tháng Tám năm 1945.

+ Phiên âm, dịch nghĩa từ tiếng Hán sang chữ quốc ngữ cho 658 thác bản văn khắc tại các di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.

- Năm 2022- 2023:

+ Phiên âm, dịch nghĩa từ tiếng Hán sang chữ quốc ngữ cho 55 bản gồm 226 trang châu bản triều Nguyễn phản ánh các lĩnh vực của đời sống xã hội của nhân dân hai tỉnh Vĩnh Yên và Phúc Yên cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX.

+ Phiên âm, dịch nghĩa từ tiếng Hán sang chữ quốc ngữ cho 172 tài liệu gồm 756 trang Kinh lược Bắc Kỳ phản ánh các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội thuộc tỉnh Vĩnh Yên.

- Năm 2024:

+ Bảo quản 100% nguồn tài liệu Hán Nôm bằng các phương pháp truyền thống kết hợp với công nghệ thông tin.

+ Biên soạn, xuất bản các ấn phẩm giới thiệu tài liệu thành 5 nội dung: Thần tích, thần sắc; hương ước; thác bản văn khắc; châu bản triều Nguyễn; kinh lược Bắc Kỳ làm các sản phẩm quà tặng, quảng bá tài liệu.

+ Xây dựng, duy trì trang thông tin điện tử về nguồn tài liệu Hán Nôm.

+ Xây dựng kho cơ sở dữ liệu Hán, Nôm hoàn chỉnh tích hợp đa ngôn ngữ theo thứ tự Thần tích, thần sắc, hương ước, thác bản văn khắc, châu bản triều Nguyễn, kinh lược Bắc Kỳ.

- Năm 2025:

+ Số hóa nguồn tài liệu Hán, Nôm để phục vụ bạn đọc qua đĩa CD rom đơn lẻ trên máy tính cá nhân, tiếp theo tích hợp dữ liệu và xây dựng chương trình đọc duyệt tra cứu thư tịch trên mạng LAN.

+ Nâng cao chất lượng phục vụ đọc tại theo các hình thức: đọc tại chỗ, cho mượn về nhà, cung cấp các bản sao, bản chứng thực tài liệu Hán - Nôm.

+ Khai thác tài liệu Hán, Nôm qua mạng nội bộ và mạng toàn cầu, phát triển mô hình “Phòng đọc trực tuyến”.

+ Luân chuyển, phát huy giá trị nguồn tư liệu Hán, Nôm đến các Thư viện xã, phường, các Ban Quản ý di tích và các trường học trên địa bàn tỉnh.

II. PHẠM VI, ĐỐI TƯỢNG CỦA ĐỀ ÁN

1. Phạm vi

Phạm vi thực hiện đề án gồm phiên âm, dịch nghĩa, bảo quản và phát huy các tài liệu Hán, Nôm sang chữ quốc ngữ tại Thư viện tỉnh Vĩnh Phúc, gồm 1.765 tài liệu.

2. Đối tượng

Nguồn tài liệu Hán, Nôm gồm: Thần tích, thần sắc, hương ước, thác bản văn khắc, châu bản triều Nguyễn, kinh lược Bắc Kỳ hiện đang lưu trữ tại Thư viện tỉnh Vĩnh Phúc.

III. NHIỆM VỤ CỦA ĐỀ ÁN

1. Phiên âm, dịch nghĩa các tài liệu Hán, Nôm sang chữ quốc ngữ giúp cho người đọc tiếp cận nguồn tài liệu một cách dễ dàng, đồng thời phát huy hiệu quả một cách tối đa việc khai thác và sử dụng tài liệu Hán, Nôm, cụ thể:

- Phiên âm, dịch nghĩa từ tiếng Hán sang chữ quốc ngữ cho 530 bản thần tích ghi công trạng của các vị thần được thờ tại các địa phương trong tỉnh Vĩnh Phúc.

- Phiên âm, dịch nghĩa từ tiếng Hán sang chữ quốc ngữ 530 bản thần sắc của các triều đại phong kiến phong cho các vị thần được thờ tại các di tích trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.

- Phiên âm, dịch nghĩa từ tiếng Hán sang chữ quốc ngữ cho 658 thác bản văn khắc tại các di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.

- Phiên âm, dịch nghĩa từ tiếng Hán sang chữ quốc ngữ cho 55 bản gồm 226 trang châu bản triều Nguyễn phản ánh các lĩnh vực của đời sống xã hội của nhân dân hai tỉnh Vĩnh Yên và Phúc Yên cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX.

- Phiên âm, dịch nghĩa từ tiếng Hán sang chữ quốc ngữ cho 172 tài liệu gồm 756 trang Kinh lược Bắc kỳ phản ánh các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội thuộc tỉnh Vĩnh Yên.

2. Tổ chức phân loại khoa học, biên mục tư liệu Hán, Nôm tại Thư viện tỉnh theo nguyên tắc và phương pháp thư viện học, cụ thể:

 - Phân loại, xác định giá trị tài liệu, sắp xếp các thần tích theo địa chí địa phương và nhân vật, sự kiện lịch sử các vị thần được ghi trong thần tích.

- Phân loại, xác định giá trị tài liệu, sắp xếp các thần sắc theo địa chí địa phương trong tỉnh và niên đại sắc phong của các triều đại vua trị vì qua các thời kỳ.

- Phân loại, xác định giá trị tài liệu, sắp xếp các hương ước theo địa giới hành chính và thời gian ra đời

- Phân loại, xác định giá trị tài liệu, sắp xếp các thác bản văn khắc theo niên đại và theo mảng nội dung văn học, lịch sử, triết học, tôn giáo…

- Phân loại, xác định giá trị tài liệu, sắp xếp các châu bản triều Nguyễn và kinh lược Bắc Kỳ, phân định theo nội dung kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế…

3. Tổ chức thực hiện công tác bảo quản an toàn và phục vụ sử dụng nguồn tài liệu Hán, Nôm tại Thư viện tỉnh, cụ thể:

- Lập các phiếu quản lý các tài liệu Hán, Nôm, nhằm nêu lên những đặc điểm về nội dung và hình thức của sách, để kiến nghị những biện pháp bảo quản và triển khai nghiên cứu khai thác một cách hữu hiệu nhất.

- Tiến hành bồi vá, tu bổ, phục chế nguồn tài liệu Hán, Nôm bị rách nát, hư hỏng.

- Làm hộp bảo quản nguồn tư liệu Hán, Nôm.

- Ghi phim bảo hiểm tất cả nguồn tài liệu

- Bổ sung trang thiết bị và phương tiện kthuật cho hoạt động nghiệp vụ bảo quản tài liệu như: chống mối mọt, chống ẩm mốc, máy hút bụi, hút ẩm, máy điều hoà không khí, hệ thống báo cháy và chữa cháy tự động, các máy móc phục vụ cho công tác số hoá như: máy scan, hệ thống phần mềm xử lý dữ liệu, hệ thống mạng, hệ thống phần mềm diệt virus, phần mềm bảo vệ dữ liệu…

4. Tổ chức thực hiện công tác phát huy giá trị, đa dạng hoá các hình thức, phương thức tuyên truyền, giá trị tài liệu Hán, Nôm được lưu giữ tại Thư viện tỉnh, cụ thể:

- Biên soạn, xuất bản các ấn phẩm giới thiệu tài liệu thành 5 nội dung: Thần tích, thần sắc; hương ước; thác bản văn khắc; châu bản triều Nguyễn; kinh lược Bắc Kỳ làm các sản phẩm quà tặng, quảng bá tài liệu.

- Trưng bày, triển lãm ở trong và ngoài tỉnh (08 cuộc); xây dựng các bộ phim tài liệu (05 bộ); hội thảo chuyên đề (05 hội thảo), hội nghị bạn đọc (04 cuộc); tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng như báo, đài phát thanh truyền hình (04 kì); tuyên truyền trực quan bằng pano, khẩu hiệu (04 lần)

- Xây dựng, duy trì trang thông tin điện tử về nguồn tài liệu Hán Nôm.

5. Số hóa nguồn tài liệu Hán, Nôm tại Thư viện tỉnh tạo thuận lợi cho việc nghiên cứu, phục vụ bạn đọc, cụ thể:

- Số hóa nguồn tài liệu Hán, Nôm để phục vụ bạn đọc qua đĩa CD rom đơn lẻ trên máy tính cá nhân, tiếp theo tích hợp dữ liệu và xây dựng chương trình đọc duyệt tra cứu thư tịch trên mạng LAN, sử dụng nguồn dữ liệu số hóa đã đủ lớn để phục vụ bạn đọc dưới một phương thức mới thuận lợi, nhanh chóng.

- Xây dựng kho cơ sở dữ liệu Hán, Nôm hoàn chỉnh tích hợp đa ngôn ngữ theo thứ tự Thần tích, thần sắc, hương ước, thác bản văn khắc, châu bản triều Nguyễn, kinh lược Bắc Kỳ.

6. Đa dạng hoá và đổi mới các hình thức khai thác, sử dụng tài liệu Hán, Nôm tại Thư viện tỉnh, cụ thể:

- Nâng cao chất lượng phục vụ đọc tại theo các hình thức: đọc tại chỗ, cho mượn về nhà, cung cấp các bản sao, bản chứng thực tài liệu Hán - Nôm.

- Cung cấp tài liệu Hán, Nôm theo hợp đồng với các đơn vị, cá nhân có nhu cầu khai thác và nghiên cứu

- Khai thác tài liệu Hán, Nôm qua mạng nội bộ và mạng toàn cầu, phát triển mô hình “Phòng đọc trực tuyến”.

7. Tăng cường năng lực cán bộ chuyên môn đối với nguồn tài liệu Hán, Nôm.

- Đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, kỹ thuật cho những người làm trực tiếp công tác bảo quản và phát huy giá trị nguồn tài liệu Hán, Nôm;

- Tổ chức khảo sát kinh nghiệm bảo quản và phát huy giá trị tài liệu nguồn tài liệu Hán Nôm tại các Trung tâm lưu trữ; các Viện nghiên cứ Hán, Nôm và một số thư viện tỉnh, thành phố…

- Cử cán bộ tham gia lớp bồi dưỡng nghiệp vụ về công tác bảo quản các tài liệu Hán, Nôm tại các Viện nghiên cứu Hán Nôm; Thư Viện Quốc Gia Việt Nam; Trung tâm lưu trữ Quốc gia.

IV. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN ĐỀ ÁN

1. Giải pháp về cơ chế, chính sách, tăng cường sự lãnh đạo

- Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất sửa đổi bổ sung các quy định pháp luật nhằm tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho việc khai thác, phát huy hiệu quả nguồn tài liệu quý hiếm.Trước mắt xây dựng các quy định cụ thể và đặt ra các cơ chế, chính sách đối với thư viện bao gồm việc đầu tư kinh phí cho sưu tầm, bảo quản và phát huy giá trị tài liệu cổ, quý hiếm theo Luật Thư viện và Nghị định số 93/2020/NĐ-CP ngày 18/8/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thư viện quy định tại Khoản 1, Điều 5.

- Tăng cường vai trò tham mưu xây dựng chính sách, chương trình, kế hoạch, kinh phí, điều phối và kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện kế hoạch. Chú trọng phối hợp, liên kết giữa các cơ quan, đơn vị có liên quan trong quá trình thực hiện nhiệm vụ trọng tâm của Đề án.

2. Xây dựng các dự án thành phần triển khai thực hiện đề án

Phiên âm, dịch nghĩa, bảo quản và phát huy nguồn tư liệu Hán, Nôm tại Thư viện tỉnh, giai đoạn 2021 - 2025, gồm các dự án sau:

- Dự án: Phiên âm, dịch nghĩa tư liệu Hán, Nôm sang chữ quốc ngữ bao gồm 1.765 tài liệu Hán, Nôm.

- Dự án: Biên tập các tài liệu đã được phiên âm, dịch nghĩa, in ấn, xuất bản sách phục vụ công tác lưu trữ, tuyên truyền: Biên tập thành 05 loại sách, in ấn, xuất bản mỗi loại 10.000 bản, cụ thể:

+ Thần tích, thần sắc;

+ Hương ước;

+ Thác bản Văn khắc Hán Nôm;

+ Châu bản Triều Nguyễn;

+ Kinh lược Bắc Kỳ.

- Dự án: Số hóa một phần tài liệu Hán, Nôm sau khi đã phiên âm, dịch nghĩa sang chữ quốc ngữ.

- Dự án: Bảo quản tài liệu Hán, Nôm sau phiên âm, dịch nghĩa.

3. Giải pháp về tăng cường nguồn lực

- Sắp xếp, phân bổ theo phân cấp đầu tư cho thiết chế văn hóa, nguồn kinh phí dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước theo phân cấp đầu tư thiết chế văn hóa, đảm bảo phân bổ hàng năm theo tỷ lệ chi ngân sách hợp lý trong tổng chi ngân sách của tỉnh để đầu tư, khai thác phát huy hiệu quả hoạt động.

- Đẩy mạnh công tác xã hội hóa, huy động sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, các đoàn thể nhân dân để xây dựng và tổ chức hoạt động thư viện nói chung và nguồn tư liệu Hán, Nôm nói riêng (nếu có).

4. Giải pháp về đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

- Xây dựng kế hoạch tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ viên chức làm công tác quảng bá, tuyên truyền, giới thiệu, phục vụ, hướng dẫn người đọc khai thác, sử dụng tài liệu Hán, Nôm; xây dựng đội ngũ chuyên trách thực hiện các công tác này, ưu tiên những người có kiến thức nhất định về chữ Hán, chữ Nôm, cũng như am hiểu về thành phần, nội dung, giá trị vốn tài liệu Hán, Nôm tại đơn vị.

- Đẩy mạnh việc giao lưu, học tập kinh nghiệm giữa các thư viện và cơ quan chuyên ngành ở trong và ngoài nước; liên kết hợp tác với những cơ quan có chức năng đào tạo, nghiên cứu khoa học về Hán, Nôm (các trường đại học, học viện, viện nghiên cứu) để thực hiện tốt công tác khai thác, sử dụng tài liệu Hán, Nôm tại đơn vị.

- Xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích, thu hút ưu đãi đối với các chuyên gia giỏi trong lĩnh vực thông tin - thư viện, tin học, ngoại ngữ, dịch thuật các tài liệu cổ, quý hiếm về công tác tại thư viện.

- Khen thưởng, động viên các tổ chức, cá nhân có những đóng góp xuất sắc trong sự nghiệp thư viện nói chung và nguồn tư liệu Hán, Nôm nói riêng ở địa phương.

5. Giải pháp về hoạt động thông tin, tuyên truyền, quảng bá

- Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, gia đình, nhà trường, cộng đồng và toàn xã hội về tầm quan trọng của việc giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa quê hương Vĩnh Phúc tới các tầng lớp nhân dân trong tỉnh, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa thành văn của dân tộc.

- Huy động sự tham gia hiệu quả của các phương tiện thông tin, truyền thông trên địa bàn tỉnh với nhiều hình thức đa dạng, phù hợp. Khuyến khích các phương tiện thông tin đại chúng có nhiều chuyên trang, chuyên mục thường kỳ về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc (chuyên mục hành trình về miền di sản, dư địa chí Vĩnh Phúc…);

- Xây dựng và triển khai kế hoạch ký kết với cơ quan thông tin, truyền thông liên quan ở Trung ương và địa phương thực hiện chương trình giới thiệu quảng bá về hoạt động Thư viện nói chung và nguồn tài liệu Hán, Nôm tại Thư viện tỉnh với nội dung hình thức hấp dẫn, phù hợp với các đối tượng.

- Phối hợp với các cấp, các ngành trong tỉnh như Sở Giáo dục & Đào tạo, các Phòng Giáo dục và Đào tạo; Phòng Văn hoá Thông tin các huyện, thị tổ chức nói chuyện chuyên đề về tài liệu Hán, Nôm (02 cuộc/năm) tại các trường học trong tỉnh hoặc tại các thư viện huyện, xã, phường, hoặc tại các nhà văn hoá xã, thôn.

- Thường xuyên đưa tin, bài, tuyên truyền nâng cao nhận thức của người đọc hiểu được giá trị của tài liệu Hán, Nôm, thúc đẩy họ tìm kiếm, khai thác và sử dụng nguồn tài liệu này cho những mục đích thiết thực liên quan đến nhu cầu học tập, nghiên cứu.

6. Giải pháp về tăng cường phối hợp hoạt động

- Tăng cường trao đổi hợp tác giữa Thư viện tỉnh cùng với các thư viện, cơ quan lưu trữ trong và ngoài tỉnh để liên kết bổ sung, trao đổi nguồn tài liệu Hán, Nôm (các bản gốc, bản sao) cho nhau để hoàn chỉnh các bộ sách, hoặc cũng có thể xây dựng cơ sở dữ liệu Hán, Nôm toàn văn sử dụng chung do một thư viện chịu trách nhiệm điều phối, quản lý.

- Thực hiện mượn liên thư viện trong hiệp hội thư viện đồng bằng sông Hồng và các thư viện trong cả nước, giao lưu, trao đổi, chia sẻ nhằm cung cấp và quảng bá nguồn tư liệu quý hiếm bằng các các cuộc trưng bày, triển lãm.

- Tăng cường luân chuyển tài liệu Hán, Nôm (02 lần/năm) tới hệ thống thư viện công cộng trên toàn tỉnh. Chú trọng luân chuyển từ hệ thống thư viện công cộng tới các địa bàn nông thôn, miền núi và các trường học trên địa bàn.

- Tăng cường giao lưu văn hóa trong lĩnh vực bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc. Đẩy mạnh tuyên truyền quảng bá các tài liệu Hán - Nôm có giá trị của tỉnh Vĩnh Phúc tới công chúng qua website của Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Vĩnh Phúc và của Thư viện tỉnh. Đồng thời lựa chọn tài liệu Hán Nôm có chất lượng hiện đang lưu trữ tại các Trung tâm lưu trữ Quốc gia để giới thiệu và phổ biến tới toàn thể bạn đọc trong tỉnh.

7. Giải pháp lồng ghép bảo vệ và phát huy di sản văn hóa trong sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa, du lịch ở địa phương, với giáo dục truyền thống.

- Quan tâm đến việc chuyển tải kết quả thực hiện đề án về các địa bàn làng xã có di tích lịch sử - văn hóa liên quan đến nguồn tư liệu Hán, Nôm hiện đang lưu trữ tại Thư viện tỉnh Vĩnh Phúc.

- Gắn việc phát huy di sản Hán, Nôm nói riêng và di sản văn hóa nói chung với sựtham gia của ngành giáo dục và các tổ chức chính trị xã hội như Đoàn thanh niên, Mặt trận Tổ quốc, Hội Cựu chiến binh.

V. DỰ TOÁN, NGUỒN KINH PHÍ VÀ PHÂN KỲ THỰC HIỆN

1. Dự toán kinh phí

Các dự án thành phần và nội dung chi thực hiện đề án được dự toán theo thực tế và định mức chi đã được cơ quan chuyên môn thẩm định đơn giá (nếu có).

Tổng kinh phí dự kiến: 33.880.000.000 đồng (Ba mươi ba tỷ, tám trăm tám mươi triệu đồng). (Theo phụ lục số 05).

Trong đó: Năm 2022: 5.300 triệu đồng; năm 2023: 7.650 triệu đồng; năm 2024: 12.850 triệu đồng; năm 2025: 8.080 triệu đồng.

2. Nguồn kinh phí

Kinh phí thực hiện đề án từ nguồn ngân sách tỉnh, được giao trong dự toán chi hàng năm của sự nghiệp văn hóa cấp tỉnh và nguồn xã hội hóa (nếu có).

 3. Phân kỳ thực hiện: Đề án được thực hiện trong 05 năm (từ năm 2021 đến năm 2025), cụ thể:

- Năm 2021: Xây dựng Đề án Phiên âm, dịch nghĩa, bảo quản và phát huy nguồn tài liệu Hán, Nôm tại Thư viện tỉnh.

- Năm 2022:

+ Thực hiện dự án: Phiên âm, dịch nghĩa tư liệu Hán, Nôm sang chữ quốc ngữ.

+ Phân loại các tư liệu Hán, Nôm hiện có tại Thư viện tỉnh

+ Tuyên truyền, phát huy giá trị nguồn tư liệu

+ Bảo quản tư liệu

- Năm 2023:

+ Thực hiện dự án: Phiên âm, dịch nghĩa tư liệu Hán, Nôm sang chữ quốc ngữ.

+ Tuyên truyền, phát huy giá trị nguồn tư liệu

+ Bảo quản tư liệu

- Năm 2024:

+ Biên tập, in ấn, xuất bản sách phục vụ công tác lưu trữ, tuyên truyền: Thần tích, thần sắc; Hương ước; Thác bản Văn khắc Hán, Nôm; Châu bản Triều Nguyễn; Kinh lược Bắc Kỳ.

+ Tổ chức hội thảo xin ý kiến các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu Trung ương và địa phương.

+ Luân chuyển, phát huy giá trị nguồn tư liệu Hán, Nôm đến các Thư viện xã, phường, các Ban quản lý di tích và các trường học trên địa bàn tỉnh.

- Năm 2025:

+ Số hóa một số tài liệu Hán, Nôm

+ Tuyên truyền, phát huy giá trị nguồn tư liệu

+ Bảo quản tư liệu

+ Luân chuyển, phát huy giá trị nguồn tư liệu Hán, Nôm đến các Thư viện xã, phường, các Ban quản lý di tích và các trường học trên địa bàn tỉnh.

VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch

- Là cơ quan thường trực tổ chức thực hiện Đề án; xây dựng nội dung, các dự án thành phần, chủ trì phối hợp với các Sở, Ngành có liên quan, xây dựng kế hoạch chi tiết để chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện; kiểm tra, giám sát, đánh giá, tổng hợp kết quả triển khai thực hiện Đề án theo từng giai đoạn.

- Lựa chọn và mời các nhà nghiên cứu văn hóa trung ương, địa phương thuộc lĩnh vực Hán, Nôm, tham gia thực hiện dự án Phiên âm, dịch nghĩa, bảo quản và phát huy giá trị nguồn tư liệu Hán, Nôm tại Thư viện tỉnh đảm bảo chất lượng và tiến độ.

- Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị di sản Hán - Nôm trên địa bàn tỉnh và tư liệu Hán, Nôm của dân tộc, của tỉnh Vĩnh Phúc lưu giữ tại các trung tâm lưu trữ, thư viện, bảo tàng…trên toàn quốc thông qua các đề tài nghiên cứu khoa học, dự án, kế hoạch, đề án với các nội dung khai thác, sưu tầm, mua, trao đổi, phục dựng…

- Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND các huyện, thành phố trong việc tuyên truyền, phát huy giá trị của tài liệu Hán, Nôm.

- Xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, dự toán ngân sách thực đề án trong dự toán kinh phí của ngành văn hóa hàng năm, gửi Sở Tài chính thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt.

- Tổ chức, kiểm tra, đánh giá, tổng hợp kết quả thực hiện Đề án, định kỳ hàng năm báo cáo UBND tỉnh.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư

Tổng hợp đưa nội dung thực hiện Đề án trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội chung hàng năm của tỉnh.

3. Sở Tài chính

Thẩm định dự toán, báo cáo UBND tỉnh cấp kinh phí thực hiện Đề án này trong dự toán chi ngân sách sự nghiệp văn hóa hàng năm; hướng dẫn việc quản lý, sử dụng, quyết toán theo quy định hiện hành của Nhà nước.

4. Sở Thông tin và Truyền thông

Phối hợp với Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào lưu trữ, khai thác và phát huy nguồn tài liệu Hán, Nôm tại Thư viện tỉnh.

- Cấp giấy phép xuất bản ấn phẩm liên quan đến nguồn tư liệu Hán, Nôm tại Thư viện tỉnh.

5. Báo Vĩnh Phúc, Đài Phát thanh - truyền hình tỉnh; Cổng thông tin giao tiếp điện tử tỉnh:

Phối hợp với Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tuyên truyền ý nghĩa, tác dụng của nguồn tài liệu Hán, Nôm trong việc nghiên cứu, tìm hiểu những giá trị văn hóa, lịch sử của Vĩnh Phúc thời kỳ cổ xưa.

6. Sở Giáo dục và Đào tạo

- Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các cơ quan liên quan triển khai thực hiện Đề án trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao; chủ động lồng ghép với các chương trình, đề án khác liên quan thuộc lĩnh vực quản lý được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

- Chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các cơ quan liên quan trong việc nghiên cứu, triển khai phù hợp với chương trình của từng bậc học, cấp học.

- Chỉ đạo hệ thống thư viện trường học, khuyến khích và tạo điều kiện để các trường xây dựng, thu thập, phổ biến các nguồn tài liệu Hán - Nôm nhằm giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa Vĩnh Phúc tới toàn thể học sinh trong tỉnh.

7. UBND các huyện, thành phố.

- Xây dựng Kế hoạch thực hiện, tuyên truyền nội dung Đề án “Phiên âm, dịch nghĩa, bảo quản và phát huy nguồn tư liệu Hán, Nôm tại Thư viện tỉnh Vĩnh Phúc. Bố trí ngân sách, huy động nguồn lực để tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch tại địa phương.

- Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn có liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền và xây dựng các chuyên mục tuyên truyền giá trị của tài liệu Hán, Nôm trên các phương tiện thông tin đại chúng của địa phương.

- Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các cơ quan liên quan trong việc chỉ đạo, gắn kết với phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng nông thôn mới tại địa phương;

Căn cứ nội dung Đề án, các Sở, ban, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố tổ chức thực hiện và báo cáo kết quả thực hiện theo đúng quy định./.

 

PHỤ LỤC 01

DANH MỤC TÀI LIỆU THẦN TÍCH THẦN SẮC
(
tại Thư viện tỉnh sắp xếp theo từng huyện)

HUYỆN BÌNH XUYÊN

STT

TÊN TÀI LIỆU

1

Thần tích thần sắc làng Ái Liên tổng Sơn Lôi huyện Bình Xuyên tỉnh Vĩnh Yên

2

Thần tích thần sắc làng Bá Cầu tổng Sơn Lôi huyện Bình Xuyên tỉnh Vĩnh Yên

3

Thần tích thần sắc làng Bắc Kế tổng Thiện Kế huyện Bình Xuyên tỉnh Vĩnh Yên

4

Thần tích thần sắc làng Bảo Đức tổng Hương Canh huyện Bình Xuyên tỉnh Vĩnh Yên

5

Thần tích thần sắc làng Cam Lâm tổng Tam Lộng huyện Bình Xuyên tỉnh Vĩnh Yên

6

Thần tích thần sắc làng Can Bi tổng Xuân Lãng huyện Bình Xuyên tỉnh Vĩnh Yên

7

Thần tích thần sắc làng Địa Muội tổng Xuân Lãng huyện Bình Xuyên tỉnh Vĩnh Yên

8

Thần tích thần sắc làng Gia Du tổng Tam Lộng huyện Bình Xuyên tỉnh Vĩnh Yên

9

Thần tích thần sắc làng Hợp Lễ tổng Xuân Lãng huyện Bình Xuyên tỉnh Vĩnh Yên

10

Thần tích thần sắc làng Lương Câu Nghĩa tổng Sơn Lôi huyện Bình Xuyên tỉnh Vĩnh Yên

11

Thần tích thần sắc làng Lưu Quang tổng Tam Lộng huyện Bình Xuyên tỉnh Vĩnh Yên

12

Thần tích thần sắc làng Lý Nhân tổng Xuân Lãng huyện Bình Xuyên tỉnh Vĩnh Yên

13

Thần tích thần sắc làng Nội Phật tổng Quất Lưu huyện Bình Xuyên tỉnh Vĩnh Yên

14

Thần tích thần sắc làng Quất Lưu tổng Quất Lưu huyện Bình Xuyên tỉnh Vĩnh Yên

15

Thần tích thần sắc làng Tam Lộng tổng Tam Lộng huyện Bình Xuyên tỉnh Vĩnh Yên

16

Thần tích thần sắc làng Thiện Kế tổng Thiện Kế huyện Bình Xuyên tỉnh Vĩnh Yên

17

Thần tích thần sắc làng Trung Mầu tổng Thiện Kế huyện Bình Xuyên tỉnh Vĩnh Yên

18

Thần tích thần sắc làng Vị Trù tổng Quất Lưu huyện Bình Xuyên tỉnh Vĩnh Yên

19

Thần tích thần sắc làng Vị Thanh tổng Quất Lưu huyện Bình Xuyên tỉnh Vĩnh Yên

20

Thần tích thần sắc làng Xuân Lãng tổng Xuân Lãng huyện Bình Xuyên tỉnh Vĩnh Yên

21

Thần tích thần sắc làng Xuân Lãng, Hợp Lễ, Yên Lan tổng Xuân Lãng huyện Bình Xuyên tỉnh Vĩnh Yên

22

Thần tích thần sắc làng Yên Lan tổng Xuân Lãng huyện Bình Xuyên tỉnh Vĩnh Yên

23

Thần tích thần sắc làng Yên Lỗ tổng Hương Canh huyện Bình Xuyên tỉnh Vĩnh Yên

24

Thần tích thần sắc thôn An Lão làng Sơn Lôi tổng Sơn Lôi huyện Bình Xuyên tỉnh Vĩnh Yên

25

Thần tích thần sắc thôn Hàm Rồng làng Hữu Bằng tổng Sơn Lôi huyện Bình Xuyên tỉnh Vĩnh Yên

26

Thần tích thần sắc thôn Hoàng Đê làng Đê Hiến tổng Bá Hạ huyện Bình Xuyên tỉnh Vĩnh Yên

27

Thần tích thần sắc thôn Lương Câu Cụ tổng Sơn Lôi huyện Bình Xuyên tỉnh Vĩnh Yên

28

Thần tích thần sắc thôn Lương Câu Nghĩa tổng Sơn Lôi huyện Bình Xuyên tỉnh Vĩnh Yên

29

Thần tích thần sắc thôn Miêng Lương làng Yên Lan tổng Xuân Lãng huyện Bình Xuyên tỉnh Vĩnh Yên

30

Thần tích thần sắc thôn Minh Lương làng Xuân Lan, Hợp Lễ, Yên Lan tổng Xuân Lãng huyện Bình Xuyên tỉnh Vĩnh Yên

31

Thần tích thần sắc thôn Minh Lương làng Yên Lan tổng Xuân Lãng huyện Bình Xuyên tỉnh Vĩnh Yên

32

Thần tích thần sắc thôn Mộ Đạo tổng Hương Canh huyện Bình Xuyên tỉnh Vĩnh Yên

33

Thần tích thần sắc thôn Na Hiến làng Đê Hiến tổng Bá Hạ huyện Bình Xuyên tỉnh Vĩnh Yên

34

Thần tích thần sắc thôn Nga Hoàng làng Xạ Hưng tổng Tam Lộng huyện Bình Xuyên tỉnh Vĩnh Yên

35

Thần tích thần sắc thôn Nga Hoàng làng Xạ Hương tổng Tam Lộng huyện Bình Xuyên tỉnh Vĩnh Yên

36

Thần tích thần sắc thôn Ngoại Trạch tổng Quất Lưu huyện Bình Xuyên tỉnh Vĩnh Yên

37

Thần tích thần sắc thôn Ngọc Bảo làng Sơn Lôi tổng Sơn Lôi huyện Bình Xuyên tỉnh Vĩnh Yên

38

Thần tích thần sắc thôn Phục Khải làng Thiện Kế tổng Thiện Kế huyện Bình Xuyên tỉnh Vĩnh Yên

39

Thần tích thần sắc thôn Phục Phải làng Thiện Kế tổng Thiện Kế huyện Bình Xuyên tỉnh Vĩnh Yên

40

Thần tích thần sắc thôn Thích Ung, Mỹ Khê... làng Bá Hạ tổng Bá Hạ huyện Bình Xuyên tỉnh Vĩnh Yên

41

Thần tích thần sắc thôn Văn Trù làng Sơn Lôi tổng Sơn Lôi huyện Bình Xuyên tỉnh Vĩnh Yên

HUYỆN LẬP THẠCH

STT

TÊN TÀI LIỆU

1

Thần tích thần sắc làng Bạch Lưu Hạ tổng Bạch Lưu huyện Lập Thạch tỉnh Vĩnh Yên

2

Thần tích thần sắc làng Bàn Giản tổng Thượng Đạt huyện Lập Thạch tỉnh Vĩnh Yên

3

Thần tích thần sắc làng Bàn Giản xã Bàn Giản tổng Thượng Đạt huyện Lập Thạch tỉnh Vĩnh Yên

4

Thần tích thần sắc làng Bản Hậu tổng Tử Du huyện Lập Thạch tỉnh Vĩnh Yên

5

Thần tích thần sắc làng Bằng Hoàng tổng Hoàng Chỉ huyện Lập Thạch tỉnh Vĩnh Yên

6

Thần tích thần sắc làng Bằng Hoàng xã Hoàng Chỉ huyện Lập Thạch tỉnh Vĩnh Yên

7

Thần tích thần sắc làng Bồ Tỉnh tổng Tử Du huyện Lập Thạch tỉnh Vĩnh Yên

8

Thần tích thần sắc làng Đại Lữ tổng Đại ích huyện Lập Thạch tỉnh Vĩnh Yên

9

Thần tích thần sắc làng Đại Lương tổng Đại Lương huyện Lập Thạch tỉnh Vĩnh Yên

10

Thần tích thần sắc làng Đạo Nội tổng Nhân Mục huyện Lập Thạch tỉnh Vĩnh Yên

11

Thần tích thần sắc làng Đôn Mục tổng Nhân Mục huyện Lập Thạch tỉnh Vĩnh Yên

12

Thần tích thần sắc làng Đồng Đạo tổng Đạo Kỷ huyện Lập Thạch tỉnh Vĩnh Yên

13

Thần tích thần sắc làng Đông Định tổng Đại Lương huyện Lập Thạch tỉnh Vĩnh Yên

14

Thần tích thần sắc làng Đông Mật tổng Đông Mật huyện Lập Thạch tỉnh Vĩnh Yên

15

Thần tích thần sắc làng Đức Bác tổng Yên Xá huyện Lập Thạch tỉnh Vĩnh Yên

16

Thần tích thần sắc làng Dương Thọ tổng Yên Xá huyện Lập Thạch tỉnh Vĩnh Yên

17

Thần tích thần sắc làng Gia Hoà, tổng Tử Du huyện Lập Thạch - Vĩnh Yên

18

Thần tích thần sắc làng Gia Hội tổng Thuỵ Sơn huyện Lập Thạch tỉnh Vĩnh Yên

19

Thần tích thần sắc làng Hạ ích tổng Hạ ích huyện Lập Thạch tỉnh Vĩnh Yên

20

Thần tích thần sắc làng Hải Lựu tổng Bạch Lưu huyện Lập Thạch tỉnh Vĩnh Yên

21

Thần tích thần sắc làng Hữu Phúc xã Hữu Phúc tổng Đại Lượng huyện Lập Thạch tỉnh Vĩnh Yên

22

Thần tích thần sắc làng Khoan Bộ, Nhân Mục tổng Nhân Mục huyện Lập Thạch tỉnh Vĩnh Yên

23

Thần tích thần sắc làng Lai Châu tổng Sơn Bình huyện Lập Thạch tỉnh Vĩnh Yên

24

Thần tích thần sắc làng Lãng Sơn tổng Nhân Mục huyện Lập Thạch tỉnh Vĩnh Yên

25

Thần tích thần sắc làng Lãng Sơn xã Lãng Công huyện Lập Thạch tỉnh Vĩnh Yên

26

Thần tích thần sắc làng Lập Thạch tổng Yên Xá huyện Lập Thạc tỉnh Vĩnh Yên

27

Thần tích thần sắc làng Lập Thạch tổng Yên Xá huyện Lập Thạch tỉnh Vĩnh Yên

28

Thần tích thần sắc làng Liễn Sơn tổng Thượng Đạt huyện Lập Thạch tỉnh Vĩnh Yên

29

Thần tích thần sắc làng Ngọc Liễn tổng Thượng Đạt huyện Lập Thạch tỉnh Vĩnh Yên

30

Thần tích thần sắc làng Nhân Mục tổng Nhân Mục huyện Lập Thạch tỉnh Vĩnh Yên

31

Thần tích thần sắc làng Nhạo Sơn tổng Đạo Kỷ huyện Lập Thạch tỉnh Vĩnh Yên

32

Thần tích thần sắc làng Phan Dư tổng Sơn Bình huyện Lập Thạch tỉnh Vĩnh Yên

33

Thần tích thần sắc làng Phan Lãng tổng Sơn Bình huyện Lập Thạch tỉnh Vĩnh Yên

34

Thần tích thần sắc làng Phú Thị tổng Đông Mật huyện Lập Thạch tỉnh Vĩnh Yên

35

Thần tích thần sắc làng Phú Thọ tổng Thượng Đạt huyện Lập Thạch tỉnh Vĩnh Yên

36

Thần tích thần sắc làng Phú Thọ tổng Thượng Đạt huyện Lập Thạch tỉnh Vĩnh Yên

37

Thần tích thần sắc làng Phương Chỉ tổng Hoàng Chỉ huyện Lập Thạch tỉnh Vĩnh Yên

38

Thần tích thần sắc làng Phương Ngạc xã Phương Khoan huyện Lập Thạch tỉnh Vĩnh Yên

39

Thần tích thần sắc làng Phương Ngọc tổng Nhân Mục huyện Lập Thạch tỉnh Vĩnh Yên

40

Thần tích thần sắc làng Quan Tử tổng Đông Mật huyện Lập Thạch tỉnh Vĩnh Yên

41

Thần tích thần sắc làng Quảng Cư tổng Hoàng Chỉ huyện Lập Thạch tỉnh Vĩnh Yên

42

Thần tích thần sắc làng Quang Viễn tổng Bạch Lưu huyện Lập Thạch tỉnh Vĩnh Yên

43

Thần tích thần sắc làng Sen Hồ tổng Đại Lương huyện Lập Thạch tỉnh Vĩnh Yên

44

Thần tích thần sắc làng Sơn Bình tổng Sơn Bình huyện Lập Thạch tỉnh Vĩnh Yên

45

Thần tích thần sắc làng Sơn Cầu tổng Đạo Kỷ huyện Lập Thạch tỉnh Vĩnh Yên

46

Thần tích thần sắc làng Sơn Kịch, Yên Mỹ tổng Hoàng Chỉ huyện Lập Thạch tỉnh Vĩnh Yên

47

Thần tích thần sắc làng Tây Thượng tổng Thượng Đạt huyện Lập Thạch tỉnh Vĩnh Yên

48

Thần tích thần sắc làng Thân Sơn tổng Thượng Đạt huyện Lập Thạch tỉnh Vĩnh Yên

49

Thần tích thần sắc làng Thản Sơn tổng Thượng Đạt huyện Lập Thạch tỉnh Vĩnh Yên

50

Thần tích thần sắc làng Thiều Xuân tổng Yên Xá huyện Lập Thạch tỉnh Vĩnh Yên

51

Thần tích thần sắc làng Thượng Đạt tổng Thượng Đạt huyện Lập Thạch tỉnh Vĩnh Yên

52

Thần tích thần sắc làng Thượng Yên tổng Yên Xá huyện Lập Thạch tỉnh Vĩnh Yên

53

Thần tích thần sắc làng Thuỵ Điền tổng Đạo Kỷ huyện Lập Thạch tỉnh Vĩnh Yên

54

Thần tích thần sắc làng Tiên Lữ tổng Hạ ích huyện Lập Thạch tỉnh Vĩnh Yên

55

Thần tích thần sắc làng Tử Du tổng Tử Du huyện Lập Thạch tỉnh Vĩnh Yên

56

Thần tích thần sắc làng Xuân Đán tổng Hạ ích huyện Lập Thạch tỉnh Vĩnh Yên

57

Thần tích thần sắc làng Xuân Lôi tổng Hạ ích huyện Lập Thạch tỉnh Vĩnh Yên

58

Thần tích thần sắc làng Xuân Vu, Yên Mỹ xã Yên Mỹ tổng Hoàng Chỉ huyện Lập Thạch tỉnh Vĩnh Yên

59

Thần tích thần sắc làng Yên Lập tổng Yên Xá huyện Lập Thạch tỉnh Vĩnh Yên

60

Thần tích thần sắc làng Yên Lương tổng Yên Xá huyện Lập Thạch tỉnh Vĩnh Yên

61

Thần tích thần sắc làng Yên Thiết tổng Bạch Lưu huyện Lập Thạch tỉnh Vĩnh Yên

62

Thần tích thần sắc làng Yên Tĩnh tổng Yên Xá huyện Lập Thạch tỉnh Vĩnh Yên

63

Thần tích thần sắc Quế Lâm, Quế Nham làng Lưỡng Quế tổng Đạo Kỷ huyện Lập Thạch tỉnh Vĩnh Yên

64

Thần tích thần sắc thôn Phao Chàng làng Bồ Tỉnh tổng Tử Du huyện Lập Thạch tỉnh Vĩnh Yên

65

Thần tích thần sắc Thôn Bắc Bình làng Hữu Phúc tổng Đại Lượng huyện Lập Thạch tỉnh Vĩnh Yên

66

Thần tích thần sắc thôn Bạch Lưu Thượng làng Hạ Lưu tổng Bạch Lưu huyện Lập Thạch tỉnh Vĩnh Yên

67

Thần tích thần sắc thôn Bằng Chỉ làng Bằng Hoàng tổng Hoàng Chỉ huyện Lập Thạch tỉnh Vĩnh Yên

68

Thần tích thần sắc thôn Bằng Chỉ làng Bằng Hoàng tổng Hoàng Chỉ huyện Lập Thạch tỉnh Vĩnh Yên

69

Thần tích thần sắc thôn Bì Lạ làng Hạ ích tổng Hạ ích huyện Lập Thạch tỉnh Vĩnh Yên

70

Thần tích thần sắc thôn Bỉ La làng Hạ ích tổng Hạ ích huyện Lập Thạch tỉnh Vĩnh Yên

71

Thần tích thần sắc thôn Bình Di Tuỳ Sơn làng Tuỳ Sơn tổng Hoàng Chỉ huyện Lập Thạch tỉnh Vĩnh Yên

72

Thần tích thần sắc thôn Bỉnh Di, Tuỳ Sơn tổng Hoàng Chỉ huyện Lập Thạch tỉnh Vĩnh Yên

73

Thần tích thần sắc thôn Bình Đô xã Đại Đề tổng Sơn Bình huyện Lập Thạch tỉnh Vĩnh Yên

74

Thần tích thần sắc thôn Cầu Lũng, Nội Mỹ làng Yên Xá tổng Yên Xá huyện Lập Thạch tỉnh Vĩnh Yên

75

Thần tích thần sắc thôn Cầu Lũng, Nội Mỹ làng Yên Xá tổng Yên Xá huyện Lập Thạch tỉnh Vĩnh Yên

76

Thần tích thần sắc thôn Đại Đề làng Bình Đô xã Đại Đề tổng Sơn Bình huyện Lập Thạch tỉnh Vĩnh Yên

77

Thần tích thần sắc thôn Đại Đề làng Đại Đề tổng Sơn Bình huyện Lập Thạch tỉnh Vĩnh Yên

78

Thần tích thần sắc thôn Đại Đình làng Đại Đề tổng Sơn Bình huyện Lập Thạch tỉnh Vĩnh Yên

79

Thần tích thần sắc thôn Gia Hội làng Thuỵ Sơn tổng Đào Kỷ huyện Lập Thạch tỉnh Vĩnh Yên

80

Thần tích thần sắc thôn Long Cương xã Thạc ục huyện Lập Thạch - Vĩnh Yên

81

Thần tích thần sắc thôn Mộc Cụ làng Bình Sơn tổng Đạo Kỷ huyện Lập Thạch tỉnh Vĩnh Yên

82

Thần tích thần sắc thôn Mộc Kỵ làng Bình Sơn tổng Đạo Kỷ huyện Lập Thạch tỉnh Vĩnh Yên

83

Thần tích thần sắc thôn Phú Cả làng Thượng Đạt tổng Thượng Đạt huyện Lập Thạch tỉnh Vĩnh Yên

84

Thần tích thần sắc thôn Quảng Khuân làng Liễn Sơn tổng Thượng Đạt huyện Lập Thạch tỉnh Vĩnh Yên

85

Thần tích thần sắc thôn Quế Lâm, Quế Nham làng Lưàng Quế tổng Đạo Kỷ huyện Lập Thạch tỉnh Vĩnh Yên

86

Thần tích thần sắc thôn Rim Nội, Đạo Nội, Cẩm Bình làng iệu Xá tổng Sơn Bình huyện Lập Thạch tỉnh Vĩnh Yên

87

Thần tích thần sắc thôn Thiều Xuân tổng Yên Xá huyện Lập Thạch tỉnh Vĩnh Yên

88

Thần tích thần sắc thôn Thọ Linh làng Bằng Hoàng tổng Hoàng Chỉ huyện Lập Thạch tỉnh Vĩnh Yên

89

Thần tích thần sắc thôn Thương Thịnh làng Thạc ục tổng Tử Du huyện Lập Thạch tỉnh Vĩnh Yên

90

Thần tích thần sắc thôn Thuỵ Sơn làng Như Sơn tổng Đạo Kỷ huyện Lập Thạch tỉnh Vĩnh Yên

91

Thần tích thần sắc thôn Vinh Hoa, Vân Du, Văn Tú làng Bản Lập tổng Tử Du huyện Lập Thạch tỉnh Vĩnh Yên

92

Thần tích thần sắc thôn Xuân Cương, Nghệ Uyển làng Yên Mỹ tổng Hoàng Chỉ huyện Lập Thạch tỉnh Vĩnh Yên

93

Thần tích thần sắc thôn Xuân Vu, Yên Mỹ xã Yên Mỹ tổng Hoàng Chỉ huyện Lập Thạch tỉnh Vĩnh Yên

94

Thần tích thần sắc thôn Yên Phú Làng Yên Lập tổng Yên Xá huyện Lập Thạch tỉnh Vĩnh Yên

95

Thần tích thần sắc thôn Yên Phú làng Yên Lập tổng Yên Xá huyện Lập Thạch tỉnh Vĩnh Yên

96

Thần tích thần sắc thôn Yên Phú làng Yên Lập tổng Yên Xá huyện Lập Thạch tỉnh Vĩnh Yên

97

Thần tích thần sắc thôn Yên Thích làng Bằng Hoàng tổng Hoàng Chỉ huyện Lập Thạch tỉnh Vĩnh Yên

98

Thầnt tích thần sắc làng Xuân Cương, Nghê Uyển làng Yên Mỹ huyện Lập Thạch tỉnh Vĩnh Yên

HUYỆN TAM DƯƠNG

STT

TÊN TÀI LIỆU

1

Thần tích thần sắc làng Bảo Sơn tổng Định ung huyện Tam Dương tỉnh Vĩnh Yên

2

Thần tích thần sắc làng Bình Hoà tổng Bình Hoà huyện Tam Dương tỉnh Vĩnh Yên

3

Thần tích thần sắc làng Bồ Lý tổng Yên Dương huyện Tam Dương tỉnh Vĩnh Yên

4

Thần tích thần sắc làng Cẩm Trạch tổng Đạo Tú huyện Tam Dương tỉnh Vĩnh Yên

5

Thần tích thần sắc làng Chấu Yên tổng Hội Hạ huyện Tam Dương tỉnh Vĩnh Yên

6

Thần tích thần sắc làng Đan Trì tổng Hoàng Chuế huyện Tam Dương tỉnh Vĩnh Yên

7

Thần tích thần sắc làng Đạo Lù tổng Yên Dương huyện Tam Dương tỉnh Vĩnh Yên

8

Thần tích thần sắc làng Đạo Tú tổng Đạo Tú huyện Tam Dương tỉnh Vĩnh Yên

9

Thần tích thần sắc làng Di Nậu tổng Miêu Chuế huyện Tam Dương tỉnh Vĩnh Yên

10

Thần tích thần sắc làng Điền Chù tổng Bình Hoà huyện Tam Dương tỉnh Vĩnh Yên

11

Thần tích thần sắc làng Đôn Hậu tổng Định Trung huyện Tam Dương tỉnh Vĩnh Yên

12

Thần tích thần sắc làng Đông Đạo tổng Hội Thượng huyện Tam Dương tỉnh Vĩnh Yên

13

Thần tích thần sắc làng Duy Hàn tổng Hoàng Chuế huyện Tam Dương tỉnh Vĩnh Yên

14

Thần tích thần sắc làng Hạ Nậu tổng Miêu Duệ huyện Tam Dương tỉnh Vĩnh Yên

15

Thần tích thần sắc làng Hoàng Vân tổng Hoàng Chuế huyện Tam Dương tỉnh Vĩnh Yên

16

Thần tích thần sắc làng Hội Thịnh tổng Hội Hạ huyện Tam Dương tỉnh Vĩnh Yên

17

Thần tích thần sắc làng Hướng Đạo tổng Bình Hoà huyện Tam Dương tỉnh Vĩnh Yên

18

Thần tích thần sắc làng Hữu Thư tổng Miêu Duệ huyện Tam Dương tỉnh Vĩnh Yên

19

Thần tích thần sắc làng Long Trì tổng Đạo Tú huyện Tam Dương tỉnh Vĩnh Yên

20

Thần tích thần sắc làng Lũng Hữu tổng Tĩnh Luyện huyện Tam Dương tỉnh Vĩnh Yên

21

Thần tích thần sắc làng Miêu Duệ tổng Miêu Duệ huyện Tam Dương tỉnh Vĩnh Yên

22

Thần tích thần sắc làng Phù Liễn tổng Tĩnh Luyện huyện Tam Dương tỉnh Vĩnh Yên

23

Thần tích thần sắc làng Quan Đình tổng Quan Ngoại huyện Tam Dương tỉnh Vĩnh Yên

24

Thần tích thần sắc làng Quan Ngoại tổng Quan Ngoại huyện Tam Dương tỉnh Vĩnh Yên

25

Thần tích thần sắc làng Quan Nội tổng Quan Ngoại huyện Tam Dương tỉnh Vĩnh Yên

26

Thần tích thần sắc làng Tần Lũng tổng Tĩnh Luyện huyện Tam Dương tỉnh Vĩnh Yên

27

Thần tích thần sắc làng Thanh Vân tổng Đạo Tú huyện Tam Dương tỉnh Vĩnh Yên

28

Thần tích thần sắc làng Thư Lâu tổng Hoàng Chuế huyện Tam Dương tỉnh Vĩnh Yên

29

Thần tích thần sắc làng Thuỵ Yên tổng Đạo Tú huyện Tam Dương tỉnh Vĩnh Yên

30

Thần tích thần sắc làng Tích Sơn tổng Định ung huyện Tam Dương tỉnh Vĩnh Yên

31

Thần tích thần sắc làng Tĩnh Luyện tổng Tĩnh Luyện huyện Tam Dương tỉnh Vĩnh Yên

32

Thần tích thần sắc làng Vân Hội tổng Hội Hạ huyện Tam Dương tỉnh Vĩnh Yên

33

Thần tích thần sắc làng Vạn Phẩm tổng Quan Ngoại huyện Tam Dương tỉnh Vĩnh Yên

34

Thần tích thần sắc làng Vĩnh Ninh tổng Yên Dương huyện Tam Dương tỉnh Vĩnh Yên

35

Thần tích thần sắc làng Yên Dương tổng Yên Dương huyện Tam Dương tỉnh Vĩnh Yên

36

Thần tích thần sắc làng Yên Thượng tổng Bình Hoà huyện Tam Dương tỉnh Vĩnh Yên

37

Thần tích thần sắc thôn An Lẫm, Thanh Giã làng Hán Nữ tổng Định ung huyện Tam Dương tỉnh Vĩnh Yên

38

Thần tích thần sắc thôn Cao Thọ, Phú Thọ làng Xuân àng tổng Định ung huyện Tam Dương tỉnh Vĩnh Yên

39

Thần tích thần sắc thôn Chu Phiên làng Phú Vinh tổng Hoàng Chuế huyện Tam Dương tỉnh Vĩnh Yên

40

Thần tích thần sắc thôn Điền Lương làng Yên Hạ tổng Bình Hoà huyện Tam Dương tỉnh Vĩnh Yên

41

Thần tích thần sắc thôn Đông Hộ làng Sơn Đình tổng Quan Ngoại huyện Tam Dương tỉnh Vĩnh Yên

42

Thần tích thần sắc thôn Lực Điền làng Hoàng Chuế, Yên Lỗ tổng Hoàng Chuế huyện Tam Dương tỉnh Vĩnh Yên

43

Thần tích thần sắc thôn Minh Quyết làng Hán Nữ tổng Định ung huyện Tam Dương tỉnh Vĩnh Yên

44

Thần tích thần sắc thôn Ngọc Thạch làng Yên Hạ tổng Bình Hoà huyện Tam Dương tỉnh Vĩnh Yên

45

Thần tích thần sắc thôn Phú Ninh làng Nhân Mỹ tổng Định ung huyện Tam Dương tỉnh Vĩnh Yên

46

Thần tích thần sắc thôn Phương Lâu làng Yên Hạ tổng Bình Hoà huyện Tam Dương tỉnh Vĩnh Yên

47

Thần tích thần sắc thôn Sơn Lãm, Thiện Kế, Thượng Chù, Lương Phao, Gia Viễn, Yên Lập làng Định Trung tổng Định Trung huyện Tam Dương tỉnh Vĩnh Yên

48

Thần tích thần sắc thôn Tiên Khám làng Bảo Chú tổng Bình Hoà huyện Tam Dương tỉnh Vĩnh Yên

49

Thần tích thần sắc thôn Tiên Sơn, Tiên Nga làng Hội Hợp tổng Hội Thượng huyện Tam Dương tỉnh Vĩnh Yên

50

Thần tích thần sắc thôn Viên Dụ làng Lai Sơn tổng Đạo Tú huyện Tam Dương tỉnh Vĩnh Yên

51

Thần tích thần sắc thôn Vinh Thịnh, Chung Lậu làng Khai Quang tổng Định ung huyện Tam Dương tỉnh Vĩnh Yên

52

Thần tích, thần sắc làng Bảo Chúc tổng Bình Hoà huyện Tam Dương tỉnh Vĩnh Yên

53

Thần tích, thần sắc làng Hoàng Vân tổng Hoàng Chuế huyện Tam Dương tỉnh Vĩnh Yên

54

Thần tích, thần sắc thôn Hương Đình làng Yên Hạ tổng Bình Hoà huyện Tam Dương tỉnh Vĩnh Yên

HUYỆN VĨNH TƯỜNG

STT

TÊN TÀI LIỆU

1

Thần tích thần sắc Đông Cương tổng Kiên Cương phủ Vĩnh Tường tỉnh Vĩnh Yên

2

Thần tích thần sắc làng An Lão tổng Tang Đố phủ Vĩnh Tường tỉnh Vĩnh Yên

3

Thần tích thần sắc làng Bạch Hạc tổng Nghĩa Yên phủ Vĩnh Tường tỉnh Vĩnh Yên

4

Thần tích thần sắc làng Bảo Chưng tổng Kiên Cương phủ Vĩnh Tường tỉnh Vĩnh Yên

5

Thần tích thần sắc làng Bích Chu tổng Tang Đố phủ Vĩnh Tường tỉnh Vĩnh Yên

6

Thần tích thần sắc làng Bích Đại tổng Đồng Vệ phủ Vĩnh Tường tỉnh Vĩnh Yên

7

Thần tích thần sắc làng Bình Chu tổng Đồng Phú phủ Vĩnh Tường tỉnh Vĩnh Yên

8

Thần tích thần sắc làng Bồ Điền tổng Thượng ưng phủ Vĩnh Tường tỉnh Vĩnh Yên

9

Thần tích thần sắc làng Cẩm Chiền tổng Đồng Vệ huyện Bạch Hạc phủ Vĩnh Tường tỉnh Vĩnh Yên

10

Thần tích thần sắc làng Cam Giá tổng Tang Đô phủ Vĩnh Tường tỉnh Vĩnh Yên

11

Thần tích thần sắc làng Cẩm Vực tổng Kiên Cương phủ Vĩnh Tường tỉnh Vĩnh Yên

12

Thần tích thần sắc làng Cao Xá tổng Đồng Phú phủ Vĩnh Tường tỉnh Vĩnh Yên

13

Thần tích thần sắc làng Đại Định tổng Mộ Chu phủ Vĩnh Tường tỉnh Vĩnh Yên

14

Thần tích thần sắc làng Đan Dương Hạ tổng Đồng Phú phủ Vĩnh Tường tỉnh Vĩnh Yên

15

Thần tích thần sắc làng Dậu Tự tổng Đồng Phú phủ Vĩnh Tường tỉnh Vĩnh Yên

16

Thần tích thần sắc làng Dậu Tự tổng Đồng Phú phủ Vĩnh Tường tỉnh Vĩnh Yên

17

Thần tích thần sắc làng Diện Xuân tổng Mộ Chu phủ Vĩnh Tường tỉnh Vĩnh Yên

18

Thần tích thần sắc làng Đồng Phú tổng Đồng Phú phủ Vĩnh Tường tỉnh Vĩnh Yên

19

Thần tích thần sắc làng Đồng Phú tổng Đồng Phú phủ Vĩnh Tường tỉnh Vĩnh Yên

20

Thần tích thần sắc làng Đồng Vệ tổng Đồng Vệ phủ Vĩnh Tường tỉnh Vĩnh Yên

21

Thần tích thần sắc làng Đồng Vệ tổng Đồng Vệ phủ Vĩnh Tường tỉnh Vĩnh Yên

22

Thần tích thần sắc làng Đông Viên tổng Lương Điền phủ Vĩnh Tường tỉnh Vĩnh Yên

23

Thần tích thần sắc làng Duy Bình tổng Tang Đố phủ Vĩnh Tường tỉnh Vĩnh Yên

24

Thần tích thần sắc làng Gia Cát tổng Nghĩa Yên phủ Vĩnh Tường tỉnh Vĩnh Yên

25

Thần tích thần sắc làng Hạ Chuế tổng Đồng Vệ phủ Vĩnh Tường tỉnh Vĩnh Yên

26

Thần tích thần sắc làng Hậu Lộc tổng Tang Đố phủ Vĩnh Tường tỉnh Vĩnh Yên

27

Thần tích thần sắc làng Hoà Lạc tổng Đồng Phú phủ Vĩnh Tường tỉnh Vĩnh Yên

28

Thần tích thần sắc làng Hoà Loan tổng Mộ Chu phủ Vĩnh Tường tỉnh Vĩnh Yên

29

Thần tích thần sắc làng Hoàng Xá Hạ tổng Đồng Vệ phủ Vĩnh Tường tỉnh Vĩnh Yên

30

Thần tích thần sắc làng Hoàng Xá Thượng tổng Đồng Vệ phủ Vĩnh Tường tỉnh Vĩnh Yên

31

Thần tích thần sắc làng Hoàng Xá, tổng Tang Đô phủ Vĩnh Tường tỉnh Vĩnh Yên

32

Thần tích thần sắc làng Hồi Cương tổng Kiên Cương phủ Vĩnh Tường tỉnh Vĩnh Yên

33

Thần tích thần sắc làng Hồi Cương tổng Kiên Cương phủ Vĩnh Tường tỉnh Vĩnh Yên

34

Thần tích thần sắc làng Hưng Lục tổng Hưng Lục phủ Vĩnh Tường tỉnh Vĩnh Yên

35

Thần tích thần sắc làng Huy Ngạc tổng Thượng ưng phủ Vĩnh Tường tỉnh Vĩnh Yên

36

Thần tích thần sắc làng Kiên Cương tổng Kiên Cương phủ Vĩnh Tường tỉnh Vĩnh Yên

37

Thần tích thần sắc làng Kim Đê tổng Tang Đố phủ Vĩnh Tường tỉnh Vĩnh Yên

38

Thần tích thần sắc làng Lạc Trung tổng Lương Điền phủ Vĩnh Tường tỉnh Vĩnh Yên

39

Thần tích thần sắc làng Lang Đài tổng Mộ Chu phủ Vĩnh Tường tỉnh Vĩnh Yên

40

Thần tích thần sắc làng Lũng Ngoại tổng Mộ Chu huyện Bạch Hạc phủ Vĩnh Tường tỉnh Vĩnh Yên

41

Thần tích thần sắc làng Lũng Ngoại tổng Mộ Chu phủ Vĩnh Tường tỉnh Vĩnh Yên

42

Thần tích thần sắc làng Lương Điền tổng Lương Điền phủ Vĩnh Tường tỉnh Vĩnh Yên

43

Thần tích thần sắc làng Mộ Chu Hạ huyện Bạch Hạc phủ Vĩnh Tường tỉnh Vĩnh Yên

44

Thần tích thần sắc làng Mộ Chu Thượng tổng Mộ Chu huyện Bạch Hạc phủ Vĩnh Tường tỉnh Vĩnh Yên

45

Thần tích thần sắc làng Nghĩa Lập tổng Hưng Lục phủ Vĩnh Tường tỉnh Vĩnh Yên

46

Thần tích thần sắc làng Phong Doanh tổng Lương Diền phủ Vĩnh Tường tỉnh Vĩnh Yên

47

Thần tích thần sắc làng Phú Trưng tổng Tang Đố phủ Vĩnh Tường tỉnh Vĩnh Yên

48

Thần tích thần sắc làng Phù Chính tổng Tuân Lộ phủ Vĩnh Tường tỉnh Vĩnh Yên

49

Thần tích thần sắc làng Phù Cốc tổng Tuân Lộ phủ Vĩnh Tường tỉnh Vĩnh Yên

50

Thần tích thần sắc làng Phú Đa tổng Tang Đố phủ Vĩnh Tường tỉnh Vĩnh Yên

51

Thần tích thần sắc làng Phú Hạnh tổng Thượng ưng phủ Vĩnh Tường tỉnh Vĩnh Yên

52

Thần tích thần sắc làng Phù Xá, Kim Xá tổng Tang Đố huyện Vĩnh Tường tỉnh Vĩnh Yên

53

Thần tích thần sắc làng Phủ Yên, Hạc Đình tổng Nghĩa Yên phủ Vĩnh Tường tỉnh Vĩnh Yên

54

Thần tích thần sắc làng Phúc Lập, tổng Tuân Lộ phủ Vĩnh Tường tỉnh Vĩnh Yên

55

Thần tích thần sắc làng Phương Viên tổng Lương Điền phủ Vĩnh Tường tỉnh Vĩnh Yên

56

Thần tích thần sắc làng Quảng Cư xã Tuân Lộ tổng Tuân Lộ phủ Vĩnh Tường tỉnh Vĩnh Yên

57

Thần tích thần sắc làng Sơn Kiêu tổng Hưng Lục phủ Vĩnh Tường tỉnh Vĩnh Yên

58

Thần tích thần sắc làng Sơn Tang tổng Lương Điền phủ Vĩnh Tường tỉnh Vĩnh Yên

59

Thần tích thần sắc làng Tang Đố tổng Tang Đố phủ Vĩnh Tường tỉnh Vĩnh Yên

60

Thần tích thần sắc làng Thổ Tang tổng Lương Điền phủ Vĩnh Tường tỉnh Vĩnh Yên

61

Thần tích thần sắc làng Thủ Độ tổng Tang Đô phủ Vĩnh Tường tỉnh Vĩnh Yên

62

Thần tích thần sắc làng Thượng Chưng tổng Thượng Chưng phủ Vĩnh Tường tỉnh Vĩnh Yên

63

Thần tích thần sắc làng Thượng Lạp tổng Nghĩa Yên huyện Bạch Hạc phủ Vĩnh Tường tỉnh Vĩnh Yên

64

Thần tích thần sắc làng Thượng Lạp tổng Nghĩa Yên huyện Bạch Hạc phủ Vĩnh Tường tỉnh Vĩnh Yên

65

Thần tích thần sắc làng Thượng Thọ tổng Mộ Chu phủ Vĩnh Tường tỉnh Vĩnh Yên

66

Thần tích thần sắc làng Tuân Lộ, tổng Tuân Lộ phủ Vĩnh Tường tỉnh Vĩnh Yên

67

Thần tích thần sắc làng Văn Trưng, Thế ưng, Vĩnh ưng tổng Kiên Cương phủ Vĩnh Tường tỉnh Vĩnh Yên

68

Thần tích thần sắc làng Vân Giang tổng Đồng Phú phủ Vĩnh Tường tỉnh Vĩnh Yên

69

Thần tích thần sắc làng Văn Hà tổng Đồng Phú phủ Vĩnh Tường tỉnh Vĩnh Yên

70

Thần tích thần sắc làng Vân Ổ tổng Lương Điền phủ Vĩnh Tường tỉnh Vĩnh Yên

71

Thần tích thần sắc làng Vĩnh Lại Thượng tổng Hưng Lục phủ Vĩnh Tường tỉnh Vĩnh Yên

72

Thần tích thần sắc làng Vĩnh Lại Thượng tổng Hưng Lục(Chấn Hưng) phủ Vĩnh Tường tỉnh Vĩnh Yên

73

Thần tích thần sắc làng Xuân Chiển tổng Tang Đố phủ Vĩnh Tường tỉnh Vĩnh Yên

74

Thần tích thần sắc làng Xuân Húc tổng Lương Điền phủ Vĩnh Tường tỉnh Vĩnh Yên

75

Thần tích thần sắc làng Yên Trù tổng Hưng Lục phủ Vĩnh Tường tỉnh Vĩnh Yên

76

Thần tích thần sắc làng Yên Lỗ tổng Hưng Lục phủ Vĩnh Tường tỉnh Vĩnh Yên

77

Thần tích thần sắc làng Yên Nhiên tổng Thượng ưng phủ Vĩnh Tường tỉnh Vĩnh Yên

78

Thần tích thần sắc làng Yên Nội tổng Hưng Lục phủ Vĩnh Tường tỉnh Vĩnh Yên

79

Thần tích thần sắc làng Yên Thọ tổng Kiên Cương phủ Vĩnh Tường tỉnh Vĩnh Yên

80

Thần tích thần sắc làng Yên Xuyên tổng Đồng Phú phủ Vĩnh Tường tỉnh Vĩnh Yên

81

Thần tích thần sắc thôn Trình làng Yên Nhiên tổng Thượng Trưng phủ Vĩnh Tường tỉnh Vĩnh Yên

82

Thần tích thần sắc thôn Hạ làng Bàn Mạch tổng Đồng Phú phủ Vĩnh Tường tỉnh Vĩnh Yên

83

Thần tích thần sắc thôn Hạ làng Bình Trù tổng Đồng Phú phủ Vĩnh Tường tỉnh Vĩnh Yên

84

Thần tích thần sắc thôn Hệ làng Tang Đố tổng Tang Đố phủ Vĩnh Tường tỉnh Vĩnh Yên

85

Thần tích thần sắc thôn Hội Chữ xã Nghĩa Yên tổng Nghĩa Yên huyện Bạch Hạc phủ Vĩnh Tường tỉnh Vĩnh Yên

86

Thần tích thần sắc thôn Long Tân làng Nghĩa Yên tổng Nghĩa Yên phủ Vĩnh Tường tỉnh Vĩnh Yên

87

Thần tích thần sắc thôn Môn Trì làng Tang Đố tổng Tang Đố phủ Vĩnh Tường tỉnh Vĩnh Yên

88

Thần tích thần sắc thôn Phù Xa làng Kim Xa tổng Tang Đố phủ Vĩnh Tường tỉnh Vĩnh Yên

89

Thần tích thần sắc thôn Phù Xa làng Kim Xa tổng Tang Đố phủ Vĩnh Tường tỉnh Vĩnh Yên

90

Thần tích thần sắc thôn Phượng Lâu tổng Nghĩa Yên huyện Bạch Hạc phủ Vĩnh Tường tỉnh Vĩnh Yên

91

Thần tích thần sắc thôn Tân Yên làng Hội Cương tổng Kiên Cương phủ Vĩnh Tường tỉnh Vĩnh Yên

92

Thần tích thần sắc thôn Thượng làng Bàn Mạch tổng Đồng Phú phủ Vĩnh Tường tỉnh Vĩnh Yên

93

Thần tích thần sắc thôn Thượng làng Bình Chu tổng Đồng Chu phủ Vĩnh Tường tỉnh Vĩnh Yên

94

Thần tích thần sắc thôn Xuân Lai xã Vũ Di tổng Thượng Trưng phủ Vĩnh Tường tỉnh Vĩnh Yên

95

Thần tích thần sắc xã Đan Dương Thượng tổng Đồng Phú phủ Vĩnh Tường tỉnh Vĩnh Yên

96

Thần tích thần sắc xã Phú Thứ tổng Thượng Chưng phủ Vĩnh Tường tỉnh Vĩnh Yên

97

Thần tích thần sắc xã Phủ Yên, Hạc Đình huyện Bạch Hạc phủ Vĩnh Tường tỉnh Vĩnh Yên

98

Thần tích thần sắc xã Thọ Trưng tổng Thượng Trưng phủ Vĩnh Tường tỉnh Vĩnh Yên

99

Thần tích thần sắc xã Yên Cát tổng Thượng Trưng phủ Vĩnh Tường tỉnh Vĩnh Yên

HUYỆN YÊN LẠC

STT

TÊN TÀI LIỆU

1

Thần tích thần sắc làng An Nghiệp tổng Thư Xá huyện Yên Lạc tỉnh Vĩnh Yên

2

Thần tích thần sắc làng Báo Văn tổng Yên Lạc huyện Yên Lạc tỉnh Vĩnh Yên

3

Thần tích thần sắc làng Bình Lâm tổng Thư Xá huyện Yên Lạc tỉnh Vĩnh Yên

4

Thần tích thần sắc làng Cẩm La tổng Nhật Chiểu huyện Yên Lạc tỉnh Vĩnh Yên

5

Thần tích thần sắc làng Cẩm Viên tổng Nhật Chiểu huyện Yên Lạc tỉnh Vĩnh Yên

6

Thần tích thần sắc làng Cổ Nha tổng Nhật Chiểu huyện Yên Lạc tỉnh Vĩnh Yên

7

Thần tích thần sắc làng Đồng Lạc tổng Yên Lạc huyện Yên Lạc tỉnh Vĩnh Yên

8

Thần tích thần sắc làng Đông Mẫu tổng Thư Xá huyện Yên Lạc tỉnh Vĩnh Yên

9

Thần tích thần sắc làng Đông Tâm tổng Thư Xá huyện Yên Lạc tỉnh Vĩnh Yên

10

Thần tích thần sắc làng Dương Cốc tổng Lưỡng Quán huyện Yên Lạc tỉnh Vĩnh Yên

11

Thần tích thần sắc làng Hùng Vĩ tổng Yên Lạc huyện Yên Lạc tỉnh Vĩnh Yên

12

Thần tích thần sắc làng Lâm Xuyên tổng Thư Xá huyện Yên Lạc tỉnh Vĩnh Yên

13

Thần tích thần sắc làng Lâm Xuyên tổng Thư Xá huyện Yên Lạc tỉnh Vĩnh Yên

14

Thần tích thần sắc làng Lũng Hạ tổng Thư Xá huyện Yên Lạc tỉnh Vĩnh Yên

15

Thần tích thần sắc làng Lưỡng Quán tổng Lưỡng Quán huyện Yên Lạc tỉnh Vĩnh Yên

16

Thần tích thần sắc làng Mai Khê tổng Lưỡng Quán huyện Yên Lạc tỉnh Vĩnh Yên

17

Thần tích thần sắc làng Nghinh Tiên tổng Vân Đài huyện Yên Lạc tỉnh Vĩnh Yên

18

Thần tích thần sắc làng Nhật Chiểu tổng Nhật Chiểu huyện Yên Lạc tỉnh Vĩnh Yên

19

Thần tích thần sắc làng Nho Lâm tổng Thư Xá huyện Yên Lạc tỉnh Vĩnh Yên

20

Thần tích thần sắc làng Phần Sa tổng Lưỡng Quán huyện Yên Lạc tỉnh Vĩnh Yên

21

Thần tích thần sắc làng Sa Khoát tổng Lưỡng Quán huyện Yên Lạc tỉnh Vĩnh Yên

22

Thần tích thần sắc làng Tiên Đài tổng Vân Đài huyện Yên Lạc tỉnh Vĩnh Yên

23

Thần tích thần sắc làng Tràng Lan tổng Lưỡng Quán huyện Yên Lạc tỉnh Vĩnh Yên

24

Thần tích thần sắc làng Ứng Hà tổng Lưỡng Quán huyện Yên Lạc tỉnh Vĩnh Yên

25

Thần tích thần sắc làng Ứng Yên tổng Nhật Chiểu huyện Yên Lạc tỉnh Vĩnh Yên

26

Thần tích thần sắc làng Xuân Đài tổng Vân Đài huyện Yên Lạc tỉnh Vĩnh Yên

27

Thần tích thần sắc làng Yên Ổn Ngoại tổng Lưỡng Quán huyện Yên Lạc tỉnh Vĩnh Yên

28

Thần tích thần sắc làng Yên Tâm tổng Thư Xá huyện Yên Lạc tỉnh Vĩnh Yên

29

Thần tích thần sắc thôn Cẩm La làng Vân Đài tổng Vân Đài huyện Yên Lạc tỉnh Vĩnh Yên

30

Thần tích thần sắc thôn Đồng Cao làng Vân Đài tổng Vân Đài huyện Yên Lạc tỉnh Vĩnh Yên

31

Thần tích thần sắc thôn Gia Phúc làng Xuân Đài tổng Vân Đài huyện Yên Lạc tỉnh Vĩnh Yên

HUYỆN MÊ LINH

STT

TÊN TÀI LIỆU

1

Thần tích thần sắc làng Đạm Nội xã Tiền Châu huyện Mê Linh

2

Thần tích thần sắc làng Khê Ngoại xã Văn Khê huyện Mê Linh

3

Thần tích thần sắc làng Thịnh Kỷ xã Tiền Châu huyện Mê Linh

4

Thần tích thần sắc làng Văn Quán xã Văn Khê huyện Mê Linh

5

Thần tích thần sắc thôn Tiên Non xã Tiền Châu huyện Mê Linh

6

Thần tích thần sắc làng Chi Đông xã Quang Minh huyện Mê Linh

7

Thần tích thần sắc làng Đạm Xuyên xã Tiền Châu huyện Mê Linh

8

Thần tích thần sắc làng Giai Lạc xã Quang Minh huyện Mê Linh

9

Thần tích thần sắc thôn Đông làng Gia Ưng xã Quang Minh huyện Mê Linh

TỈNH PHÚC YÊN

STT

TÊN TÀI LIỆU

1

Thần tích thần sắc làng An Lạc tổng Trung Giã phủ Đa Phúc tỉnh Phúc Yên

2

Thần tích thần sắc làng An Nhân tổng Đa Lộc phủ Yên Lãng tỉnh Phúc Yên

3

Thần tích thần sắc làng Bắc Giã tổng Phù Xa huyện Kim Anh tỉnh Phúc Yên

4

Thần tích thần sắc làng Bạch Trữ tổng Bạch Trữ phủ Yên Lãng tỉnh Phúc Yên

5

Thần tích thần sắc làng Bồng Mạc tổng Xa Mạc phủ Yên Lãng tỉnh Phúc Yên

6

Thần tích thần sắc làng Cán Khê tổng Xuân Nộn huyện Đông Anh tỉnh Phúc Yên

7

Thần tích thần sắc làng Chi Đông tổng Gia Thượng huyện Kim Anh tỉnh Phúc Yên

8

Thần tích thần sắc làng Chi Đông tổng Gia Thượng huyện Kim Anh tỉnh Phúc Yên

9

Thần tích thần sắc làng Chiêm Trạch tổng Tuân Lễ huyện Đông Anh tỉnh Phúc Yên

10

Thần tích thần sắc làng Chu Trần tổng Lạc Tân phủ Yên Lãng tỉnh Phúc Yên

11

Thần tích thần sắc làng Chu Lão tổng Đông Đô huyện Đông Anh tỉnh Phúc Yên

12

Thần tích thần sắc làng Chu Phan tổng Phương Quan phủ Yên Lãng tỉnh Phúc Yên

13

Thần tích thần sắc làng Chu Phan tổng Phương Quan phủ Yên Lãng tỉnh Phúc Yên

14

Thần tích thần sắc làng cổ Bái tổng Cổ Bái huyện Kim Anh tỉnh Phúc Yên

15

Thần tích thần sắc làng Cổ Điển tổng Hải Bối huyện Đông Anh tỉnh Phúc Yên

16

Thần tích thần sắc làng Cổ Đương tổng Tuân Lễ huyện Đông Anh tỉnh Phúc Yên

17

Thần tích thần sắc làng Cổ Loa tổng Cổ Loa huyện Đông Anh tỉnh Phúc Yên

18

Thần tích thần sắc làng Cự An tổng Hạ Lôi phủ Yên Lãng tỉnh Phúc Yên

19

Thần tích thần sắc làng Đại Bồi tổng Hạ Lôi phủ Yên Lãngtỉnh Phúc Yên

20

Thần tích thần sắc làng Đại Độ tổng Sáp Mai huyện Đông Anh tỉnh Phúc Yên

21

Thần tích thần sắc làng Đại Đồng tổng Sáp Mai huyện An Dương tỉnh Phúc Yên

22

Thần tích thần sắc làng Đạm Nội tổng Bạch Trữ phủ Yên Lãng tỉnh Phúc Yên

23

Thần tích thần sắc làng Đạm Xuyên tổng Bạch Trữ phủ Yên Lãng tỉnh Phúc Yên

24

Thần tích thần sắc làng Đào Thục tổng Xuân Nộn huyện Đông Anh tỉnh Phúc Yên

25

Thần tích thần sắc làng Điền Xá tổng Ninh Bắc huyện Kim Anh tỉnh Phúc Yên

26

Thần tích thần sắc làng Điệp Thôn tổng Đa Lộc phủ Yên Lãng tỉnh Phúc Yên

27

Thần tích thần sắc làng Đình Phú tổng Hương Đình huyện Kim Anh tỉnh Phúc Yên

28

Thần tích thần sắc làng Đô Tân tổng Xuân Bảng phủ Đa Phúc tỉnh Phúc Yên

29

Thần tích thần sắc làng Đông Cao tổng Thạch Đà phủ Yên Lãng tỉnh Phúc Yên

30

Thần tích thần sắc làng Đông Đô tổng Đông Đô huyện Đông Anh tỉnh Phúc Yên

31

Thần tích thần sắc làng Đồng Nhân tổng Hải Bối huyện Đông Anh tỉnh Phúc Yên

32

Thần tích thần sắc làng Đông Tảo tổng Phù Lỗ huyện Kim Anh tỉnh Phúc Yên

33

Thần tích thần sắc làng Dục Nội tổng Cổ Loa huyện Đông Anh tỉnh Phúc Yên

34

Thần tích thần sắc làng Đường Yên tổng Cổ Loa huyện Đông Anh tỉnh Phúc Yên

35

Thần tích thần sắc làng Gia Lộc tổng Cổ Loa huyện Đông Anh tỉnh Phúc Yên

36

Thần tích thần sắc làng Gia Thượng tổng Gia Thượng huyện Kim Anh tỉnh Phúc Yên

37

Thần tích thần sắc làng Giai Lạc tổng Gia Thượng huyện Kim Anh tỉnh Phúc Yên

38

Thần tích thần sắc làng Hạ Giã tổng ung Giã phủ Đa Phúc tỉnh Phúc Yên

39

Thần tích thần sắc làng Hạ Lôi tổng Hạ Lôi phủ Yên Lãng tỉnh Phúc Yên

40

Thần tích thần sắc làng Hải Bối tổng Hải Bối huyện Đông Anh tỉnh Phúc Yên

41

Thần tích thần sắc làng Hậu Dưỡng tổng Đa Lộc phủ Yên Lãng tỉnh Phúc Yên

42

Thần tích thần sắc làng Hiền Lương tổng Cổ Bái huyện Kim Anh tỉnh Phúc Yên

43

Thần tích thần sắc làng Hoàng Xá, Hoàng Kim tổng Thạch Đà phủ Yên Lãng tỉnh Phúc Yên

44

Thần tích thần sắc làng Hương Đình tổng Hương Đình huyện Kim Anh tỉnh Phúc Yên

45

Thần tích thần sắc làng Hương Gia tổng Ninh Bắc huyện Kim Anh tỉnh Phúc Yên

46

Thần tích thần sắc làng Khả Do tổng Kim Anh huyên Kim Anh tỉnh Phúc Yên

47

Thần tích thần sắc làng Khê Ngoại tổng Thạch Đà phủ Yên Lãng tỉnh Phúc Yên

48

Thần tích thần sắc làng Khê Nữ tổng Xuân Nộn huyện Đông Anh tỉnh Phúc Yên

49

Thần tích thần sắc làng Kim Anh tổng Kim Anh huyện Kim Anh tỉnh Phúc Yên

50

Thần tích thần sắc làng Kim Giao tổng Phú Mỹ phủ Yên Lãng tỉnh Phúc Yên

51

Thần tích thần sắc làng Kim Lũ tổng Xuân Lai phủ Đa Phúc tỉnh Phúc Yên

52

Thần tích thần sắc làng Kim Tiên tổng Xuân Nộn huyện Đông Anh tỉnh Phúc Yên

53

Thần tích thần sắc làng Kính Nỗ tổng Uy Nỗ huyện Đông Anh tỉnh Phúc Yên

54

Thần tích thần sắc làng Kỳ Đồng, Yên Lão Giáp, Yên Lão Thị tổng Lạc Tân huyện Yên Lãng tỉnh Phúc Yên

55

Thần tích thần sắc làng Lai Sơn tổng Xuân Bảng phủ Đa Phúc tỉnh Phúc Yên

56

Thần tích thần sắc làng Lâm Hộ tổng Thanh Lâm phủ Yên Lãng tỉnh Phúc Yên

57

Thần tích thần sắc làng Lập Trí tổng Thanh í huyện Kim Anh tỉnh Phúc Yên

58

Thần tích thần sắc làng Liên Lý tổng Phù Xá huyện Kim Anh tỉnh Phúc Yên

59

Thần tích thần sắc làng Liễu Trì tổng Hạ Lôi phủ Yên Lãng tỉnh Phúc Yên

60

Thần tích thần sắc làng Lỗ Giao tổng Cổ Loa huyện Đông Anh tỉnh Phúc Yên

61

Thần tích thần sắc làng Lực Canh tổng Xuân Canh huyện Đông Anh tỉnh Phúc Yên

62

Thần tích thần sắc làng Lũng Đông tổng Sáp Mai huyện Đông Anh tỉnh Phúc Yên

63

Thần tích thần sắc làng Lương Nỗ tổng Tuân Lễ huyện Đông Anh tỉnh Phúc Yên

64

Thần tích thần sắc làng Lương Quán tổng Tuân Lễ huyện Đông Anh tỉnh Phúc Yên

65

Thần tích thần sắc làng Lương Quy tổng Cổ Loa huyện Đông Anh tỉnh Phúc Yên

66

Thần tích thần sắc làng Mạch àng tổng Xuân Canh huyện Đông Anh tỉnh Phúc Yên

67

Thần tích thần sắc làng Mạch Lũng tổng Sáp Mai huyện Đông Anh tỉnh Phúc Yên

68

Thần tích thần sắc làng Mai Thôn tổng Kim Anh huyện Kim Anh tỉnh Phúc Yên

69

Thần tích thần sắc làng Mạnh Trữ tổng Phương Quan phủ Yên Lãng tỉnh Phúc Yên

70

Thần tích thần sắc làng Nại Tử Châu tổng Phương Quan phủ Yên Lãng tỉnh Phúc Yên

71

Thần tích thần sắc làng Nại Tử xã Phương Quan phủ Yên Lãng tỉnh Phúc Yên

72

Thần tích thần sắc làng Nam Cường tổng Hạ Lôi phủ Yên Lãng tỉnh Phúc Yên

73

Thần tích thần sắc làng Nam Lý tổng Xuân Bảng phủ Đa Phúc tỉnh Phúc Yên

74

Thần tích thần sắc làng Ngọc Giang tổng Tuân Lễ huyện Đông Anh tỉnh Phúc Yên

75

Thần tích thần sắc làng Nhạn Tái tổng Xuân Nộn huyện Đông Anh tỉnh Phúc Yên

76

Thần tích thần sắc làng Nhuế Khúc tổng Thanh Lâm phủ Yên Lãng tỉnh Phúc Yên

77

Thần tích thần sắc làng Nhuế Khúc tổng Thanh Lâm phủ Yên Lãng tỉnh Phúc Yên

78

Thần tích thần sắc làng Ninh Bắc tổng Ninh Bắc huyện Kim Anh tỉnh Phúc Yên

79

Thần tích thần sắc làng Ninh Môn tổng Hương Đình huyện Kim Anh tỉnh Phúc Yên

80

Thần tích thần sắc làng Nội Phật tổng Phù Lỗ huyện Kim Anh tỉnh Phúc Yên

81

Thần tích thần sắc làng Phù Trì tổng Gia Thượng huyện Kim Anh tỉnh Phúc Yên

82

Thần tích thần sắc làng Phú Hữu tổng Hương Đình huyện Kim Anh tỉnh Phúc Yên

83

Thần tích thần sắc làng Phù Lai tổng Cổ Bái huyện Kim Anh tỉnh Phúc Yên

84

Thần tích thần sắc làng Phù Lỗ Đoài tổng Phù Lỗ huyện Kim Anh tỉnh Phúc Yên

85

Thần tích thần sắc làng Phù Lỗ Đông tổng Phù Lỗ huyện Kim Anh tỉnh Phúc Yên

86

Thần tích thần sắc làng Phú Mỹ tổng Phú Mỹ phủ Yên Lãng tỉnh Phúc Yên

87

Thần tích thần sắc làng Phú Ninh xã Đông Bài tổng Ninh Bắc huyện Kim Anh tỉnh Phúc Yên

88

Thần tích thần sắc làng Phù Xá Đoài tổng Phù Xá huyện Kim Anh tỉnh Phúc Yên

89

Thần tích thần sắc làng Phù Xá Đông tổng Phù Xá huyện Kim Anh tỉnh Phúc Yên

90

Thần tích thần sắc làng Phương ạch tổng Tuân Lễ huyện Đông Anh tỉnh Phúc Yên

91

Thần tích thần sắc làng Sáp Mai tổng Sáp Mai huyện An Dương tỉnh Phúc Yên

92

Thần tích thần sắc làng Sơn Du tổng Đông Đô huyện Đông Anh tỉnh Phúc Yên

93

Thần tích thần sắc làng Song Mai tổng Ninh Bắc huyện Kim Anh tỉnh Phúc Yên

94

Thần tích thần sắc làng Tây Xá tổng Thạch Đà phủ Yên Lãng tỉnh Phúc Yên

95

Thần tích thần sắc làng Thạch Đà tổng Thạch Đà phủ Yên Lãng tỉnh Phúc Yên

96

Thần tích thần sắc làng Thái Lai tổng Phú Mỹ phủ Yên Lãng tỉnh Phúc Yên

97

Thần tích thần sắc làng Thái Lai tổng Phú Mỹ phủ Yên Lãng tỉnh Phúc Yên

98

Thần tích thần sắc làng Thái Phù tổng Phù Xá huyện Kim Anh tỉnh Phúc Yên

99

Thần tích thần sắc làng Thắng Trí tổng Thanh Trí huyện Kim Anh tỉnh Phúc Yên

100

Thần tích thần sắc làng Thanh Điềm tổng Lạc Tân phủ Yên Lãng tỉnh Phúc Yên

101

Thần tích thần sắc làng Thanh Lỗi tổng Cổ Bái huyện Kim Anh tỉnh Phúc Yên

102

Thần tích thần sắc làng Thanh Nhàn tổng Cổ Bái huyện Kim Anh tỉnh Phúc Yên

103

Thần tích thần sắc làng Thanh Tríí tổng Thanh Tr í huyện Kim Anh tỉnh Phúc Yên

104

Thần tích thần sắc làng Thanh Tước tổng Thanh Lâm phủ Yên Lãng tỉnh Phúc Yên

105

Thần tích thần sắc làng Tháp Miếu tổng Bạch Trữ phủ Yên Lãng tỉnh Phúc Yên

106

Thần tích thần sắc làng Thế ạch tổng Phù Xá huyện Kim Anh tỉnh Phúc Yên

107

Thần tích thần sắc làng Thịnh Kỷ tổng Bạch Trữ phủ Yên Lãng tỉnh Phúc Yên

108

Thần tích thần sắc làng Thịnh Kỷ tổng Bạch Trữ phủ Yên Lãng tỉnh Phúc Yên

109

Thần tích thần sắc làng Thọ Đa tổng Hải Bối huyện Đông Anh tỉnh Phúc Yên

110

Thần tích thần sắc làng Thọ Lão tổng Lạc Tân phủ Yên Lãng tỉnh Phúc Yên

111

Thần tích thần sắc làng Thú Cưu tổng Cổ Loa huyện Đông Anh tỉnh Phúc Yên

112

Thần tích thần sắc làng Thư Lâm tổng Xuân Nộn huyện Đông Anh tỉnh Phúc Yên

113

Thần tích thần sắc làng Thu Thuỷ tổng Xuân Lai phủ Đa Phúc tỉnh Phúc Yên

114

Thần tích thần sắc làng Thường Lệ tổng Hạ Lôi phủ Yên Lãng tỉnh Phúc Yên

115

Thần tích thần sắc làng Thụy Hà tổng Đông Đô huyện Đông Anh tỉnh Phúc Yên

116

Thần tích thần sắc làng Thuỵ Hương tổng Ninh Bắc huyện Kim Anh phủ Đa Phúc tỉnh Phúc Yên

117

Thần tích thần sắc làng Thuỵ Lôi tổng Xuân Nộn huyện Đông Anh tỉnh Phúc Yên

118

Thần tích thần sắc làng Tiên Chu tổng Xuân Bảng phủ Đa Phúc tỉnh Phúc Yên

119

Thần tích thần sắc làng Tiên Đài tổng Lạc Tân huyện Yên Lãng tỉnh Phúc Yên

120

Thần tích thần sắc làng Tiên Kha tổng Tuân Lễ huyện Đông Anh tỉnh Phúc Yên

121

Thần tích thần sắc làng Tráng Việt tổng Đa Lộc phủ Yên Lãng tỉnh Phúc Yên

122

Thần tích thần sắc làng Trung Giã tổng Trung Giã phủ Đa Phúc tỉnh Phúc Yên

123

Thần tích thần sắc làng Trung Hà Châu tổng Lạc Tân huyện Yên Lãng tỉnh Phúc Yên

124

Thần tích thần sắc làng Trung Hậu tổng Đa Lộc phủ Yên Lãng tỉnh Phúc Yên

125

Thần tích thần sắc làng Trung Oai tổng Tuần Lễ huyện Đông Anh tỉnh Phúc Yên

126

Thần tích thần sắc làng Trung Oại tổng Tuân Lễ huyện Đông Anh tỉnh Phúc Yên

127

Thần tích thần sắc làng Trung Oại tổng Tuân Lễ huyện Đông Anh tỉnh Phúc Yên

128

Thần tích thần sắc làng Vạn Lộc tổng Oai Nỗ huyện Đông Anh tỉnh Phúc Yên

129

Thần tích thần sắc làng Văn Lôi tổng Hạ Lôi phủ Yên Lãng tỉnh Phúc Yên

130

Thần tích thần sắc làng Vạn Phúc tổng Lạc Tân phủ Yên Lãng tỉnh Phúc Yên

131

Thần tích thần sắc làng Văn Quán tổng Thạch Đà phủ Yên Lãng tỉnh Phúc Yên

132

Thần tích thần sắc làng Văn Thượng tổng Xuân Canh huyện Đông Anh tỉnh Phúc Yên

133

Thần tích thần sắc làng Vân Trì tổng Tuân Lễ huyện Đông Anh tỉnh Phúc Yên

134

Thần tích thần sắc làng Viên Nội tổng Tuân Lễ huyện Đông Anh tỉnh Phúc Yên

135

Thần tích thần sắc làng Võng La tổng Hải Bối huyện Đông Anh tỉnh Phúc Yên

136

Thần tích thần sắc làng Vụ Bản tổng Thanh Trí huyện Kim Anh tỉnh Phúc Yên

137

Thần tích thần sắc làng Xa Khúc tổng Phương Quan phủ Yên Lãng tỉnh Phúc Yên

138

Thần tích thần sắc làng Xa Mạc tổng Xa Mạc phủ Yên Lãng tỉnh Phúc Yên

139

Thần tích thần sắc làng Xuân Dương tổng Xuân Lai phủ Đa Phúc tỉnh Phúc Yên

140

Thần tích thần sắc làng Xuân Kỳ tổng Phù Lỗ huyện Kim Anh tỉnh Phúc Yên

141

Thần tích thần sắc làng Xuân Lai tổng Xuân Lai phủ Đa Phúc tỉnh Phúc Yên

142

Thần tích thần sắc làng Xuân Nộn tổng Xuân Nộn huyện Đông Anh tỉnh Phúc Yên

143

Thần tích thần sắc làng Xuân Phương tổng Kim Anh huyện Kim Anh tỉnh Phúc Yên

144

Thần tích thần sắc làng Xuân Trạch tổng Xuân Canh huyện Đông Anh tỉnh Phúc Yên

145

Thần tích thần sắc làng Yên Bài tổng Xa Mạc phủ Yên Lãng tỉnh Phúc Yên

146

Thần tích thần sắc làng Yên Hà tổng Xuân Canh huyện Đông Anh tỉnh Phúc Yên

147

Thần tích thần sắc làng Yên Mạc tổng Liên Mạc phủ Liên Lãng tỉnh Phúc Yên

148

Thần tích thần sắc làng Yên Ninh tổng Ninh Bắc huyện Kim Anh tỉnh Phúc Yên

149

Thần tích thần sắc làng Yên Nội tổng Lạc Tân phủ Yên Lãng tỉnh Phúc Yên

150

Thần tích thần sắc làng Yên Phú tổng Xuân Lai phủ Đa Phúc tỉnh Phúc Yên

151

Thần tích thần sắc thôn Bắc, Đông, Đoài làng Kim Nỗ tổng Hải Bối huyện Đông Anh tỉnh Phúc Yên

152

Thần tích thần sắc thôn Biều làng Đa Lộc tổng Đa Lộc phủ Yên Lãng tỉnh Phúc Yên

153

Thần tích thần sắc thôn Bình An làng Bình Kỳ tổng ung Giã Phủ Đa Phúc tỉnh Phúc Yên

154

Thần tích thần sắc thôn Cát Lai làng Phúc Lộc tổng Oai Nỗ huyện Đông Anh tỉnh Phúc Yên

155

Thần tích thần sắc thôn Cầu Cả làng Oai Nỗ tổng Oai Nỗ huyện Đông Anh tỉnh Phúc Yên

156

Thần tích thần sắc thôn Chiều Quan làng Tiền Châu tổng Bạch ữ phủ Yên Lãng tỉnh Phúc Yên

157

Thần tích thần sắc thôn Chung làng Kim Lũ tổng Xuân Lai phủ Đa Phúc tỉnh Phúc Yên

158

Thần tích thần sắc thôn Cổ Nhuế làng Đa Lộc tổng Đa Lộc phủ Yên Lãng tỉnh Phúc Yên

159

Thần tích thần sắc thôn Cửa Ải làng Tuân Lễ tổng Tuân Lễ huyện Đông Anh tỉnh Phúc Yên

160

Thần tích thần sắc thôn Đài Bi làng Oai Nỗ tổng Oai Nỗ huyện Đông Anh tỉnh Phúc Yên

161

Thần tích thần sắc thôn Đản Nỗ, Đản Dị, Phan Xá làng Cường Nỗ, Tằng My tổng Oai Nỗ, Đông Đồ huyện Đông Anh tỉnh Phúc Yên

162

Thần tích thần sắc thôn Đông Bài làng Đông Bài tổng Ninh Bắc huyện Kim Anh tỉnh Phúc Yên

163

Thần tích thần sắc thôn Đông Đoài làng Vệ Sơn tổng ung Giã Phủ Đa Phúc tỉnh Phúc Yên

164

Thần tích thần sắc thôn Đông làng Gia Ưng tổng Gia Thượng huyện Kim Anh tỉnh Phúc Yên

165

Thần tích thần sắc thôn Hạ làng Gio Nhân tổng Đa Lộc phủ Yên Lãng tỉnh Phúc Yên

166

Thần tích thần sắc thôn Hạ làng Kim Lũ tổng Xuân Lai phủ Đa Phúc tỉnh Phúc Yên

167

Thần tích thần sắc thôn Hộ Nhất xã Phúc Yên tổng Bạch Trữ phủ Yên Lãng tỉnh Phúc Yên

168

Thần tích thần sắc thôn Lễ Pháp làng Tuân Lễ tổng Tuân Lễ huyện Đông Anh tỉnh Phúc Yên

169

Thần tích thần sắc thôn Mơ làng Mai Châu tổng Sáp Mai huyện Đông Anh tỉnh Phúc Yên

170

Thần tích thần sắc thôn Nghĩa Lại làng Phúc Lộc tổng Oai Nỗ huyện Đông Anh tỉnh Phúc Yên

171

Thần tích thần sắc thôn Nguyên Khê làng Tán Khê tổng Xuân Nộn huyện Đông Anh tỉnh Phúc Yên

172

Thần tích thần sắc thôn Tảo Mai làng Mai Nội tổng Phù Lỗ huyện Kim Anh tỉnh Phúc Yên

173

Thần tích thần sắc thôn Thanh Lãm làng Xuân Bảng tổng Xuân Bảng phủ Đa Phúc huyện Phúc Yên

174

Thần tích thần sắc thôn Thanh Lãm làng Xuân Bảng tổng Xuân Bảng phủ Đa Phúc tỉnh Phúc Yên

175

Thần tích thần sắc thôn Thượng làng Kim Lũ tổng Xuân Lai phủ Đa Phúc tỉnh Phúc Yên

176

Thần tích thần sắc thôn Thượng Lão làng Xuân Canh tổng Xuân Canh huyện Đông Anh tỉnh Phúc Yên

177

Thần tích thần sắc thôn Tổ làng Uy Nỗ tổng Oai Nỗ huyện Đông Anh tỉnh Phúc Yên

178

Thần tích thần sắc thôn Văn Binh làng Xuân Canh tổng Xuân Canh huyện Đông Anh tỉnh Phúc Yên

179

Thần tích thần sắc thôn Vân Hoạch làng Xuân Canh tổng Xuân Canh huyện Đông Anh tỉnh Phúc Yên

180

Thần tích thần sắc thôn Vệ Sơn Đông làng Vệ Sơn tổng ung Giã phủ Đa Phúc tỉnh Phúc Yên

181

Thần tích thần sắc thôn Xuân Bách làng Xuân Bách tổng Hương Đình huyện Kim Anh tỉnh Phúc Yên

182

Thần tích thần sắc thôn Xuân Đình làng Xuân Canh tổng Xuân Canh huyện Đông Anh tỉnh Phúc Yên

183

Thần tích thần sắc thôn Xuân Sinh, Đồng Hè làng Xuân Đồng tổng ung Giã phủ Đa Phúc tỉnh Phúc Yên

184

Thần tích thần sắc xã Thế Trạch tổng Phù Xá huyện Kim Anh tỉnh Phúc Yên

 

PHỤ LỤC 02

DANH MỤC TÀI LIỆU HƯƠNG ƯỚC
(
Tại Thư viện tỉnh sắp xếp theo từng huyện)

HUYỆN BÌNH XUYÊN

STT

TÊN TÀI LIỆU

1

Hương ước thôn Ái Liên xã Sơn Lôi huyện Bình Xuyên

2

Hương ước thôn An Lão xã Sơn Lôi huyện Bình Xuyên

3

Hương ước thôn Bá Cầu xã Sơn Đông huyện Bình Xuyên

4

Hương ước thôn Bảo Đức xã Đạo Đức huyện Bình Xuyên

5

Hương ước thôn Bảo Lộc xã Thiện Kế huyện Bình Xuyên

6

Hương ước thôn Bảo Sơn xã Thiện Kế huyện Bình Xuyên

7

Hương ước thôn Cam Lâm xã Minh Quang huyện Bình Xuyên

8

Hương ước thôn Can Bi xã Phú Xuân huyện Bình Xuyên

9

Hương ước thôn Đề Hiến xã Bá Hiến huyện Bình Xuyên

10

Hương ước thôn Đê Hiến xã Bá Hiến huyện Bình Xuyên tỉnh Vĩnh Yên

11

Hương ước thôn Gia Du xã Gia Khánh huyện Bình Xuyên

12

Hương ước thôn Gia Du xã Gia Khánh huyện Bình Xuyên

13

Hương ước thôn Hợp Lễ xã Thanh Lãng huyện Bình Xuyên

14

Hương ước thôn Hương Canh thị trấn Hương Canh huyện Bình Xuyên

15

Hương ước thôn Hữu Bằng xã Tam Hợp huyện Bình Xuyên

16

Hương ước thôn Lương Câu Cụ xã Sơn Lôi huyện Bình Xuyên

17

Hương ước thôn Lương Câu Nghĩa xã Sơn Lôi huyện Bình Xuyên

18

Hương ước thôn Lưu Quang xã Minh Quang huyện Bình Xuyên

19

Hương ước thôn Lý Hải xã Phú Xuân huyện Bình Xuyên

20

Hương ước thôn Lý Nhân xã Phú Xuân huyện Bình Xuyên

21

Hương ước thôn Mộ Đạo xã Đạo Đức huyện Bình Xuyên

22

Hương ước thôn Ngoại Trạch xã Tam Hợp huyện Bình Xuyên

23

Hương ước thôn Ngọc Bảo xã Sơn Lôi huyện Bình Xuyên

24

Hương ước thôn Ngọc Canh thị trấn Hương Canh huyện Bình Xuyên

25

Hương ước thôn Nội Phật xã Tam Hợp huyện Bình Xuyên

26

Hương ước thôn Quảng Khai xã Thiện Kế huyện Bình Xuyên

27

Hương ước thôn Quất Lưu xã Quất Lưu huyện Bình Xuyên

28

Hương ước thôn Tam Lộng xã Tam Lộng huyện Bình Xuyên

29

Hương ước thôn Thiện Kế xã Thiện kế huyện Bình Xuyên

30

Hương ước thôn Tiên Hường thị trấn Hương Canh huyện Bình Xuyên

31

Hương ước thôn Trung Mầu xã Trung Mỹ huyện Bình Xuyên

32

Hương ước thôn Văn Trù xã Sơn Lôi huyện Bình Xuyên

33

Hương ước thôn Xạ Hương xã Minh Quang huyện Bình Xuyên

34

Hương ước thôn Xuân Lãng xã Thanh Lãng huyện Bình Xuyên

35

Hương ước thôn Yên Lan xã Thanh Lãng huyện Bình Xuyên

36

Hương ước thôn Yên Lỗ xã Đạo Đức huyện Bình Xuyên

 

 

HUYỆN LẬP THẠCH

STT

TÊN TÀI LIỆU

1

Hương ước làng Hải Lựu xã Hải Lựu huyện Lập Thạch

2

Hương ước thôn Bạch Lưu Hạ xã Bạch Lưu huyện Lập Thạch

3

Hương ước thôn Bạch Lưu Thượng xã Bạch Lưu huyện Lập Thạch

4

Hương ước thôn Bàn Giản xã Bàn Giản huyện Lập Thạch

5

Hương ước thôn Bản Hậu xã Tử Du huyện Lập Thạch

6

Hương ước thôn Bản Lập xã Tử Du huyện Lập Thạch

7

Hương ước thôn Bằng Hoàng huyện Lập Thạch

8

Hương ước thôn Bình Sơn xã Tam Sơn huyện Lập Thạch

9

Hương ước thôn Bồ Tỉnh xã Vân Trục huyện Lập Thạch

10

Hương ước thôn Đại Đề xã Triệu Đề huyện Lập Thạch

11

Hương ước thôn Đại Lữ xã Đồng ích huyện Lập Thạch

12

Hương ước thôn Đạo Nội xã Nhân Đạo huyện Lập Thạch

13

Hương ước thôn Đôn Mục xã Đôn Nhân huyện Lập Thạch

14

Hương ước thôn Đông Định xã Thái Hoà huyện Lập Thạch

15

Hương ước thôn Đông Mật xã Sơn Đông huyện Lập Thạch

16

Hương ước thôn Đồng Văn xã Đồng Quế huyện Lập Thạch

17

Hương ước thôn Đức Bác xã Đức Bác huyện Lập Thạch

18

Hương ước thôn Dương Chỉ xã Liễn Sơn huyện Lập Thạch

19

Hương ước thôn Đương Thọ xã Đức Bác huyện Lập Thạch

20

Hương ước thôn Gia Hoà xã Xuân Hoà huyện Lập Thạch

21

Hương ước thôn Hạ ích xã Đồng ích huyện Lập Thạch

22

Hương ước thôn Hoàng Trung xã Đồng Ích huyện Lập Thạch

23

Hương ước thôn Hoàng Trung xã Đồng Ích huyện Lập Thạch

24

Hương ước thôn Hoàng Trung xã Đồng ích huyện Lập Thạch

25

Hương ước thôn Hoàng Trung xã Đồng ích huyện Lập Thạch

26

Hương ước thôn Hữu Phúc xã Bắc Bình huyện Lập Thạch

27

Hương ước thôn Khoan Bộ xã Phương Khoan huyện Lập Thạch

28

Hương ước thôn Lai Châu xã Văn Quán huyện Lập Thạch

29

Hương ước thôn Lai Sơn xã Văn Quán huyện Lập Thạch

30

Hương ước thôn Lãng Sơn xã Lãng Công huyện Lập thạch

31

Hương ước thôn Lập Thạch xã Yên Thạch huyện Lập Thạch

32

Hương ước thôn Liễn Sơn xã Liễn Sơn huyện Lập Thạch

33

Hương ước thôn Nhân Lạc xã Nhân Đạo huyện Lập Thạch

34

Hương ước thôn Nhân Mục Hạ xã Đôn Nhân huyện Lập Thạch

35

Hương ước thôn Nhân Mục Thượng xã Đôn Nhân huyện Lập Thạch

36

Hương ước thôn Nhân Mục Trung xã Đôn Nhân huyện Lập Thạch

37

Hương ước thôn Nhạo Sơn xã Nhạo Sơn huyện Lập Thạch

38

Hương ước thôn Như Sơn xã Như Thuỵ huyện Lập Thạch

39

Hương ước thôn Phan Dư xã Cao Phong huyện Lập Thạch

40

Hương ước thôn Phan Lãng xã Cao Phong huyện Lập Thạch

41

Hương ước thôn Phú Hậu xã Sơn Đông huyện Lập Thạch

42

Hương ước thôn Phú Thị xã Sơn Đông huyện Lập Thạch

43

Hương ước thôn Phú Thọ xã Liên Hoà huyện Lập Thạch

44

Hương ước thôn Phương Ngạc xã Phương Khoan huyện Lập Thạch

45

Hương ước thôn Quan Tử xã Sơn Đông huyện Lập Thạch

46

Hương ước thôn Quảng Cư xã Quang Sơn huyện Lập Thạch

47

Hương ước thôn Quảng Khuân xã Liễn Sơn huyện Lập Thạch

48

Hương ước thôn Quang Viễn xã Quang Yên huyện Lập Thạch

49

Hương ước thôn Sơn Bình xã Văn Quán huyện Lập Thạch

50

Hương ước thôn Sơn Cầu xã Tam Sơn huyện Lập Thạch

51

Hương ước thôn Thạc Trục xã Xuân Hoà huyện Lập Thạch

52

Hương ước thôn Thản Sơn xã Liễn Sơn huyện Lập Thạch

53

Hương ước thôn Thiều Xuân xã Đồng Thịnh huyện Lập Thạch

54

Hương ước thôn Thương Đạt xã Liên Hoà huyện Lập Thạch

55

Hương ước thôn Thượng Đạt xã Liễn Sơn huyện Lập Thạch

56

Hương ước thôn Thượng Yên xã Đồng Thịnh huyện Lập Thạch

57

Hương ước thôn Thuỵ Điền xã Tân Lập huyện Lập Thạch

58

Hương ước thôn Thuỵ Điền xã Tân Lập huyện Lập Thạch

59

Hương ước thôn Thuỵ Sơn xã Như Thuỵ huyện Lập Thạch

60

Hương ước thôn Tiên Lữ xã Tiên Lữ huyện Lập Thạch

61

Hương ước thôn Triệu Xá xã Triệu Đề huyện Lập Thạch

62

Hương ước thôn Tử Du xã Tử Du huyện Lập Thạch

63

Hương ước thôn Tuỳ Sơn xã Hợp Lý huyện Lập Thạch

64

Hương ước thôn Xuân Đán xã Đồng ích huyện Lập Thạch

65

Hương ước thôn Xuân Đán xã Đồng Ích huyện Lập Thạch

66

Hương ước thôn Xuân Lôi xã Xuân Lôi huyện Lập Thạch

67

Hương ước thôn Xuân Trạch xã Xuân Hoà huyện Lập Thạch

68

Hương ước thôn Yên Lập xã Tứ Yên huyện Lập Thạch

69

Hương ước thôn Yên Lập xã Tứ Yên huyện Lập Thạch

70

Hương ước thôn Yên Mỹ huyện Lập Thạch

71

Hương ước thôn Yên Thiết xã Quang Yên huyện Lập Thạch

72

Hương ước thôn Yên Tĩnh xã Đồng Thịnh huyện Lập Thạch

73

Hương ước thôn Yên Xá xã Yên Thạch huyện Lập Thạch

 

 

HUYỆN TAM DƯƠNG

STT

TÊN TÀI LIỆU

1

Hương ước thôn Bảo Phác xã Hợp Châu huyện Tam Dương

2

Hương ước thôn Bình Hoà xã Hợp Hoà huyện Tam Dương

3

Hương ước thôn Cẩm Trạch xã Đạo Tú huyện Tam Dương

4

Hương ước thôn Chấn Yên xã Vân Hội huyện Tam Dương

5

Hương ước thôn Cửu Yên xã Hợp Châu huyện Tam Dương

6

Hương ước thôn Đan Trì xã Hoàng Đan huyện Tam Dương

7

Hương ước thôn Đạo Tú xã Đạo Tú huyện Tam Dương

8

Hương ước thôn Dị Nậu xã Hồ Sơn huyện Tam Dương

9

Hương ước thôn Điền Trù xã Hợp Hoà huyện Tam Dương

10

Hương ước thôn Hạ Nậu xã Hồ Sơn huyện Tam Dương

11

Hương ước thôn Hoàng Chuế xã Hoàng Lâu huyện Tam Dương

12

Hương ước thôn Hoàng Vân xã Hoàng Đan huyện Tam Dương

13

Hương ước thôn Hội Thịnh xã Hợp Thịnh huyện Tam Dương

14

Hương ước thôn Hữu Thủ xã Kim Long huyện Tam Dương

15

Hương ước thôn Lai Sơn xã Thanh Vân huyện Tam Dương

16

Hương ước thôn Long Trì xã Đạo Tú huyện Tam Dương

17

Hương ước thôn Lũng Hữu xã Hoàng Hoa huyện Tam Dương

18

Hương ước thôn Miêu Duệ xã Miêu Duệ huyện Tam Dương

19

Hương ước thôn Nhân Mỹ xã Thanh Vân huyện Tam Dương

20

Hương ước thôn Phần Thạch xã Đồng Tĩnh huyện Tam Dương

21

Hương ước thôn Phù Liễn xã Đồng Tĩnh huyện Tam Dương

22

Hương ước thôn Phú Ninh xã Hoàng Hoa huyện Tam Dương

23

Hương ước thôn Quan Ngoại xã Tam Quan huyện Tam Dương

24

Hương ước thôn Sơn Đình xã Đại Đình huyện Tam Dương

25

Hương ước thôn Tần Lũng xã Hoàng Hoa huyện Tam Dương

26

Hương ước thôn Thanh Vân xã Thanh Vân huyện Tam Dương

27

Hương ước thôn Thư Lâu xã Hoàng Lâu huyện Tam Dương

28

Hương ước thôn Thuỵ Yên xã Đạo Tú huyện Tam Dương

29

Hương ước thôn Tĩnh Luyện xã Đồng Tĩnh huyện Tam Dương

30

Hương ước thôn Vân Hội xã Vân Hội huyện Tam Dương

31

Hương ước thôn Xuân Trường xã Thanh Vân huyện Tam Dương

32

Hương ước thôn Yên Hạ tổng Bình Hoà huyện Tam Dương tỉnh Vĩnh Yên

33

Hương ước thôn Yên Lật tổng Bình Hoà huyện Tam Dương tỉnh Vĩnh Yên

34

Hương ước thôn Yên Thượng xã An Hoà huyện Tam Dương

35

Hương ước xã Tích Sơn tổng Định Trung huyện Tam Dương tỉnh Vĩnh Yên

 

THỊ XÃ VĨNH YÊN

STT

TÊN TÀI LIỆU

1

Hương ước thôn Bảo Sơn xã Khai Quang thị xã Vĩnh Yên

2

Hương ước thôn Định Trung xã Định Trung thị xã Vĩnh Yên

3

Hương ước thôn Đôn Hậu xã Định Trung thị xã Vĩnh Yên

4

Hương ước thôn Đông Đạo phường Hội Hợp thị xã Vĩnh Yên

5

Hương ước thôn Hán Lữ xã Khai Quang thị xã Vĩnh Yên

6

Hương ước thôn Hội Hợp phường Hội Hợp thị xã Vĩnh Yên

7

Hương ước thôn Khai Quang xã Khai Quang thị xã Vĩnh Yên

8

Hương ước thôn Vị Thanh xã Thanh Trù thị xã Vĩnh Yên

9

Hương ước thôn Vị Trù xã Thanh Trù thị xã Vĩnh Yên

HUYỆN YÊN LẠC

STT

TÊN TÀI LIỆU

1

Hương ước làng Bình Hòa xã Bình Hòa phủ Yên Lạc tỉnh Vĩnh Yên

2

Hương ước làng Dịch Đồng tổng Hồng Ngạc huyện Yên Lạc tỉnh Vĩnh Yên

3

Hương ước làng làng Bình Hoà xã Bình Hoà huyện Yên Lạc tỉnh Vĩnh Yên

4

Hương ước làng Lỗ Quynh tổng Đông Lỗ huyện Yên Lạc tỉnh Vĩnh Yên

5

Hương ước làng Lũng Thượng tổng Thư Xá huyện Yên Lạc tỉnh Vĩnh Yên

6

Hương ước làng Lũng Thượng xã Thư Xá huyện Yên Lạc tỉnh Vĩnh Yên

7

Hương ước thôn Bình Lâm xã Tam Hồng huyện Yên Lạc

8

Hương ước thôn Cẩm La xã Hồng Châu huyện Yên Lạc

9

Hương ước thôn Cẩm Thạch xã Đại Tự huyện Yên Lạc

10

Hương ước thôn Cổ Tích làng Đồng Cương xã Hồn Ngạc huyện Yên Lạc

11

Hương ước thôn Cốc Lâm xã Bình Định huyện Yên Lạc

12

Hương ước thôn Cung Thượng xã Bình Định huyện Yên Lạc

13

Hương ước thôn Đại Nội xã Bình Định huyện Yên Lạc

14

Hương ước thôn Đại Tự xã Đại Tự huyện Yên Lạc

15

Hương ước thôn Đinh Xá xã Nguyệt Đức huyện Yên Lạc

16

Hương ước thôn Đồng Cương, Tri Chỉ xã Đồng Cương huyện Yên Lạc

17

Hương ước thôn Đông Mẫu xã Yên Đồng huyện Yên Lạc

18

Hương ước thôn Đồng Tâm xã Yên Đồng huyện Yên Lạc

19

Hương ước thôn Dương Cốc xã Trung Kiên huyện Yên Lạc

20

Hương ước thôn Gia Phúc xã Nguyệt Đức huyện Yên Lạc

21

Hương ước thôn Hùng Vĩ xã Đồng Văn huyện Yên Lạc

22

Hương ước thôn Lạc Trung xã Trung Nguyên huyện Yên Lạc

23

Hương ước thôn Lâm Xuyên xã Tam Hồng huyện Yên Lạc

24

Hương ước thôn Lũng Hạ xã Yên Phương huyện Yên Lạc

25

Hương ước thôn Mai Khê xã Trung Kiên huyện Yên Lạc

26

Hương ước thôn Man Để xã Tam Hồng huyện Yên Lạc

27

Hương ước thôn Nho Lâm xã Tam Hồng huyện Yên Lạc

28

Hương ước thôn Phần Xa xã Trung Kiên huyện Yên Lạc

29

Hương ước thôn Phù Lưu xã Tam Hồng huyện Yên Lạc

30

Hương ước thôn Phú Phong xã Hồng Phương huyện Yên Lạc

31

Hương ước thôn Sa Khoát xã Trung Kiên huyện Yên Lạc

32

Hương ước thôn Tảo Phú xã Tam Hồng huyện Yên Lạc

33

Hương ước thôn Thiệu Tổ xã Trung Nguyên huyện Yên Lạc

34

Hương ước thôn Tiên Đài xã Văn Tiến huyện Yên Lạc

35

Hương ước thôn Tiên Mỗ thị trấn Yên Lạc huyện Yên Lạc

36

Hương ước thôn Tràng Lan xã Trung Kiên huyện Yên Lạc

37

Hương ước thôn Trung Hậu, Nhân Lý xã Tề Lỗ huyện Yên Lạc

38

Hương ước thôn Tự Hạ xã Đại Tự huyện Yên Lạc

39

Hương ước thôn Vật Cách xã Đồng Cương huyện Yên Lạc

40

Hương ước thôn Vĩnh Mỗ Đoài thị trấn Yên Lạc huyện Yên Lạc

41

Hương ước thôn Vĩnh Mỗ Đông thị trấn Yên Lạc huyện Yên Lạc

42

Hương ước thôn Xuân Chiến xã Trung Nguyên huyện Yên Lạc

43

Hương ước thôn Xuân Đài xã Nguyệt Đức huyện Yên Lạc

44

Hương ước thôn Yên ổn xã Trung Kiên huyện Yên Lạc

45

Hương ước thôn Yên Quán xã Bình Định huyện Yên Lạc

46

Hương ước thôn Yên Thư xã Yên Phương huyện Yên Lạc

47

Hương ước xã Đồng Cương tổng Hồng Ngạc huyện Yên Lạc tỉnh Vĩnh Yên

HUYỆN MÊ LINH

STT

TÊN TÀI LIỆU

1

Hương ước thôn Bạch Trữ xã Tiến Thắng huyện Mê Linh

2

Hương ước thôn Bồng Mạc xã Liên Mạc huyện Mê Linh

3

Hương ước thôn Cao Quang xã Cao Minh huyện Mê Linh

4

Hương ước thôn Chi Đông xã Quang Minh huyện Mê Linh

5

Hương ước thôn Chu Trần xã Tiến Thịnh huyện Mê Linh

6

Hương ước thôn Chu Trần xã Tiến Thịnh huyện Mê Linh

7

Hương ước thôn Đông Cao xã Tráng Việt huyện Mê Linh

8

Hương ước thôn Đức Cung xã Cao Minh huyện Mê Linh

9

Hương ước thôn Gia Thượng xã Quang Minh huyện Mê Linh

10

Hương ước thôn Gia Trung xã Quang Minh huyện Mê Linh

11

Hương ước thôn Hạ Gia Trung xã Quang Minh huyện Mê Linh

12

Hương ước thôn Hạ Lôi xã Mê Linh huyện Mê Linh

13

Hương ước thôn Hiển Lễ xã Cao Minh huyện Mê Linh

14

Hương ước thôn Hoàng Xá xã Hoàng Kim huyện Mê Linh

15

Hương ước thôn Khê Ngoại xã Văn Khê huyện Mê Linh

16

Hương ước thôn Kim Giao xã Tiến Thắng huyện Mê Linh

17

Hương ước thôn Lâm Hộ xã Thanh Lâm huyện Mê Linh

18

Hương ước thôn Liễu Trì xã Mê Linh huyện Mê Linh

19

Hương ước thôn Nại Tử Châu xã Chu Phan huyện Mê Linh

20

Hương ước thôn Nam Cường xã Tam Đồng huyện Mê Linh

21

Hương ước thôn Nội Đồng xã Đại Thịnh huyện Mê Linh

22

Hương ước thôn Phú Mỹ xã Tự Lập huyện Mê Linh

23

Hương ước thôn Phù Trì xã Kim Hoa huyện Mê Linh

24

Hương ước thôn Tây Xá xã hoàng Kim huyện Mê Linh

25

Hương ước thôn Thanh Tước xã Thanh Lâm huyện Mê Linh

26

Hương ước thôn Tháp Miếu thị trấn Phúc Yên huyện Mê Linh

27

Hương ước thôn Thịnh Kỷ xã Tiền Châu huyện Mê Linh

28

Hương ước thôn Thường Lệ xã Đại Thịnh huyện Mê Linh

29

Hương ước thôn Tiền Châu xã Tiền Châu huyện Mê Linh

30

Hương ước thôn Tráng Việt xã Tráng Việt huyện Mê Linh

31

Hương ước thôn Trung Hậu xã Tiền Phong huyện Mê Linh

32

Hương ước thôn Trung Hậu xã Tiền Phong huyện Mê Linh

33

Hương ước thôn Trung Hậu xã Tiền Phong huyện Mê Linh

34

Hương ước thôn Văn Quán xã Văn Khê huyện Mê Linh

35

Hương ước thôn Xa Mạc xã Liên Mạc huyện Mê Linh

36

Hương ước thôn Xuân Hoà thị trấn Xuân Hoà huyện Mê Linh

37

Hương ước thôn Yên Bài xã Tự Lập huyện Mê Linh

38

Hương ước thôn Yên Điềm xã Cao Minh huyện Mê Linh

39

Hương ước thôn Yên Điền xã Cao Minh huyện Mê Linh

40

Hương ước thôn Yên Mỹ thị trấn Xuân Hoà huyện Mê Linh

41

Hương ước thôn Yên Nhân xã Tiền Phong huyện Mê Linh

TỈNH PHÚC YÊN

STT

TÊN TÀI LIỆU

1

Hương ước làng Bắc Giã tổng Phù Xá huyện Kim Anh tỉnh Phúc Yên

2

Hương ước làng Chiêm Trạch tổng Tuần Lễ huyện Đông Anh tỉnh Phúc Yên

3

Hương ước làng Chu Lão tổng Đông Đồ huyện Đông Anh tỉnh Phúc Yên

4

Hương ước làng Cổ Điền tổng Hải Bối huyện Đông Anh tỉnh Phúc Yên

5

Hương ước làng Cổ Loa tổng Cổ Loa huyện Đông Anh tỉnh Phúc Yên

6

Hương ước làng Đa Lộc tổng Đa Lộc phủ Yên Lãng - Phúc Yên

7

Hương ước làng Đại Độ tổng Sáp Mai huyện Đông Anh tỉnh Phúc Yên

8

Hương ước làng Đại Đồng tổng Sáp Mai huyện Đông Anh tỉnh Phúc Yên

9

Hương ước làng Đông Bài tổng Ninh Bắc huyện Kim Anh tỉnh Phúc Yên

10

Hương ước làng Đông Đồ tổng Cổ Loa huyện Đông Anh tỉnh Phúc Yên

11

Hương ước làng Đồng Nhân huyện Đông Anh tỉnh Phúc Yên

12

Hương ước làng Đức Cung tổng Hiển Lễ huyện Kim Anh tỉnh Phúc Yên

13

Hương ước làng Dục Nội tổng Cổ Loa huyện Đông Anh tỉnh Phúc Yên

14

Hương ước làng Đường Yên tổng Cổ Loa huyện Đông Anh tỉnh Phúc Yên

15

Hương ước làng Hương Đình tổng Hương Đình huyện Kim Anh tỉnh Phúc Yên

16

Hương ước làng Hương Đình tổng Hương Đình huyện Kim Anh tỉnh Phúc Yên

17

Hương ước làng Kim Anh tổng Kim Anh huyện Kim Anh tỉnh Phúc Yên

18

Hương ước làng Kim Nỗ tổng Hải Bối huyện Đông Anh tỉnh Phúc Yên

19

Hương ước làng Kim Tiên tổng Xuân Nộn huyện Đông Anh tỉnh Phúc Yên

20

Hương ước làng Liên Lý tổng Phù Xá huyện Kim Anh tỉnh Phúc Yên

21

Hương ước làng Lực Canh tổng Xuân Canh huyện Đông Anh tỉnh Phúc Yên

22

Hương ước làng Lương Quán tổng Cổ Loa huyện Đông Anh tỉnh Phúc Yên

23

Hương ước làng Mạch Lũng tổng Sáp Mai huyện Đông Anh tỉnh Phúc Yên

24

Hương ước làng Mạch Tràng huyện Đông Anh tỉnh Phúc Yên

25

Hương ước làng Mai Thôn tổng Kim Anh huyện Kim Anh tỉnh Phúc Yên

26

Hương ước làng Ngọc Giang tổng Tuần Lễ huyện Đông Anh tỉnh Phúc Yên

27

Hương ước làng Ninh Bắc tổng Ninh Bắc huyện Kim Anh tỉnh Phúc Yên

28

Hương ước làng Ninh Bắc tổng Ninh Bắc huyện Kim Anh tỉnh Phúc Yên

29

Hương ước làng Ninh Môn tổng Hương Đình huyện Kim Anh tỉnh Phúc Yên

30

Hương ước làng Ninh Môn tổng Hương Đình huyện Kim Anh tỉnh Phúc Yên

31

Hương ước làng Nội Bài tổng Ninh Bắc huyện Kim Anh tỉnh Phúc Yên

32

Hương ước làng Phù Lai tổng Cổ Bái huyện Kim Anh tỉnh Phúc Yên

33

Hương ước làng Phù Lỗ Đoài tổng Phù Lỗ huyện Kim Anh tỉnh Phúc Yên

34

Hương ước làng Phù Lỗ Đông tổng Phù Lỗ huyện Kim Anh tỉnh Phúc Yên

35

Hương ước làng Phù Trì tổng Gia Thượng huyện Kim Anh tỉnh Phúc Yên

36

Hương ước làng Thằng Trí tổng Thanh Trì huyện Kim Anh tỉnh Phúc Yên

37

Hương ước làng Thanh Nhàn tổng Cổ Bái huyện Kim Anh tỉnh Phúc Yên

38

Hương ước làng Thọ Đa tổng Hải Bối huyện Đông Anh tỉnh Phúc Yên

39

Hương ước làng Thuỵ Hương tổng Ninh Bắc huyện Kim Anh phủ Đa Phúc tỉnh Phúc Yên

40

Hương ước làng Tiên Kha tổng Tuần Lễ huyện Đông Anh tỉnh Phúc Yên

41

Hương ước làng Trung Oai tổng Tuần Lễ huyện Đông Anh tỉnh Phúc Yên

42

Hương ước làng Vạn Lộc tổng Oai Nỗ huyện Đông Anh tỉnh Phúc Yên

43

Hương ước làng Vân Trì tổng Tuần Lễ huyện Đông Anh tỉnh Phúc Yên

44

Hương ước làng Viên Nội tổng Tuần Lễ huyện Đông Anh tỉnh Phúc Yên

45

Hương ước làng Xuân Bách tổng Hương Đình huyện Kim Anh tỉnh Phúc Yên

46

Hương ước làng Xuân Hoà tổng Hiển Lễ huyện Kim Anh tỉnh Phúc Yên

47

Hương ước làng Xuân Hòa tổng Hiển Lễ huyện Kim Anh tỉnh Phúc Yên

48

Hương ước làng Xuân Phương tổng Kim Anh huyện Kim Anh tỉnh Phúc Yên

49

Hương ước làng Xuân Trạch tổng Xuân Canh huyện Đông Anh tỉnh Phúc Yên

50

Hương ước làng Yên Điềm tổng Hiển Lễ huyên Kim Anh tỉnh Phúc Yên

51

Hương ước làng Yên Mĩ tổng Hiển Lễ huyên Kim Anh tỉnh Phúc Yên

52

Hương ước làng Yên Ninh tổng Ninh Bắc huyện Kim Anh tỉnh Phúc Yên

53

Hương ước thôn Đồng Nhân huyện Đông Anh tỉnh Phúc Yên

54

Hương ước thôn Đông xã Song Mai tổng Ninh Bắc huyện Kim Anh tỉnh Phúc Yên

55

Hương ước thôn Hạ xã Gia Trung tổng Gia Thượng huyện Kim Anh tỉnh Phúc Yên

56

Hương ước thôn Lương Phúc tổng Tăng Long huyện Kim Anh phủ Đa Phúc tỉnh Phúc Yên

57

Hương ước thôn Phú Ninh xã Đông Bài huyện Kim Anh tỉnh Phúc Yên

58

Hương ước thôn Tháp Miếu thị trấn Phúc Yên huyện Mê Linh

59

Hương ước thôn Thượng xã Ninh Bắc tổng Ninh Bắc huyện Kim Anh tỉnh Phúc Yên

60

Hương ước xã Bắc Giã tổng Phù Xá huyện Kim Anh tỉnh Phúc Yên

61

Hương ước xã Cao Quang tổng Hiển Lễ huyện Kim Anh tỉnh Phúc Yên

62

Hương ước xã Chi Đông tổng Gia Thượng huyện Kim Anh tỉnh Phúc Yên

63

Hương ước xã Cổ Đương huyện Kim Anh tỉnh Phúc Yên

64

Hương ước xã Cường Nỗ tổng Uy Nỗ huyện Đông Anh tỉnh Phúc Yên

65

Hương ước xã Đào Thục huyện Đông Anh tỉnh Phúc Yên

66

Hương ước xã Điền Xá tổng Ninh Bắc huyện Kim Anh tỉnh Phúc Yên

67

Hương ước xã Gia Thượng tổng Gia Thượng huyện Kim Anh tỉnh Phúc Yên

68

Hương ước xã Hải Bối tổng Hải Bối huyện Đông Anh tỉnh Phúc Yên

69

Hương ước xã Hiển Lễ tổng Hiển Lễ huyện Kim Anh tỉnh Phúc Yên

70

Hương ước xã Hiền Lương tổng Cổ Bái huyện Kim Anh tỉnh Phúc Yên

71

Hương ước xã Hương Gia tổng Ninh Bắc huyện Kim Anh tỉnh Phúc Yên

72

Hương ước xã Khả Do tổng Kim Anh huyên Kim Anh tỉnh Phúc Yên

73

Hương ước xã Khê Nữ tổng Xuân Nậu huyện Đông Anh tỉnh Phúc Yên

74

Hương ước xã Kính Nỗ tổng Oai Nỗ huyện Đông Anh tỉnh Phúc Yên

75

Hương ước xã Lô Giao tổng Cổ Loa huyện Đông Anh tỉnh Phúc Yên

76

Hương ước xã Lương Nỗ tổng Tuần Lễ huyện Đông Anh tỉnh Phúc Yên

77

Hương ước xã Lương Quán tổng Cổ Loa huyện Đông Anh tỉnh Phúc Yên

78

Hương ước xã Lương Quy tổng Cổ Loa huyện Đông Anh tỉnh Phúc Yên

79

Hương ước xã Mai Châu tổng Sáp Mai huyện Đông Anh tỉnh Phúc Yên

80

Hương ước xã Nguyên Khê tổng Xuân Nộn huyện Đông Anh tỉnh Phúc Yên

81

Hương ước xã Ninh Bắc tổng Ninh Bắc huyện Kim Anh tỉnh Phúc Yên

82

Hương ước xã Ninh Môn tổng Hương Đình huyện Kim Anh tỉnh Phúc Yên

83

Hương ước xã Oai Nỗ tổng Oai Nỗ huyện Đông Anh tỉnh Phúc Yên

84

Hương ước xã Phù Xá Đoài tổng Phù Xá huyện Kim Anh tỉnh Phúc Yên

85

Hương ước xã Phù Xá Đoài tổng Phù Xá huyện Kim Anh tỉnh Phúc Yên

86

Hương ước xã Phù Xá Đông tổng Phù Xá huyện Kim Anh tỉnh Phúc Yên

87

Hương ước xã Phúc Lộc tổng Uy Nỗ huyện Đông Anh tỉnh Phúc Yên

88

Hương ước xã Phương Chạch tổng Tuần Lễ huyện Đông Anh tỉnh Phúc Yên

89

Hương ước xã Song Mai tổng Ninh Bắc huyện Kim Anh tỉnh Phúc Yên

90

Hương ước xã Thái Phù tổng Phù Xá huyện Kim Anh tỉnh Phúc Yên

91

Hương ước xã Thế Trạch tổng Phù Xá huyện Kim Anh tỉnh Phúc Yên

92

Hương ước xã Thư Lâm tổng Tuần Lễ huyện Đông Anh tỉnh Phúc Yên

93

Hương ước xã Trung Oai huyện Đông Anh tỉnh Phúc Yên

94

Hương ước xã Trung Oai huyện Đông Anh tỉnh Phúc Yên

95

Hương ước xã Tuần Lề tổng Tuần Lề huyện Đông Anh tỉnh Phúc Yên

96

Hương ước xã Xuân Canh tổng Xuân Canh huyện Đông Anh tỉnh Phúc Yên

97

Hương ước xã Yên Hà tổng Hải Bối huyện Đông Anh tỉnh Phúc Yên

 

PHỤ LỤC 03

DANH MỤC TÀI LIỆU CHÂU BẢN TRIỀU NGUYỄN
(
tại Thư viện Tỉnh Vĩnh Phúc)

STT

TÊN TÀI LIỆU

1

Báo cáo tình hình an ninh thổ phỉ ở các hạt Yên Lạc, Yên Lãng

2

Báo cáo tình hình đê điều ở Bắc Kỳ

3

Báo cáo tình hình dẹp cướp ở địa hạt phủ Vĩnh Tường

4

Báo cáo tình hình quân sự phức tạp ở Sơn Hưng Tuyên

5

Báo cáo tình hình sản xuất nông nghiệp ở các huyện Bình Xuyên

6

Báo cáo tình hình trị an các huyện Bạch Hạc, Lập Thạch…

7

Báo cáo tình hình trị an ở các huyện Bình Xuyên

8

Báo cáo về thời tiết và sản xuất nông nghiệp

9

Báo cáo việc tiểu phỉ ở các huyện

10

Bồi đắp đê vỡ ở các phủ, hạt Vĩnh Tường

11

Cầu mưa ở huyện Bình Xuyên

12

Chính sách quân địa phương ở các huyện Bình Xuyên

13

Chọn bổ quan chức tri huyện An Lạc

14

Công việc phòng tiễu quân thứ ở các huyện

15

Đại đội binh tượng hiện đến Vĩnh tường Tuần Tiễu

16

Đề cử quan chức có tài có đức ở huyện Yên Lạc Vĩnh Tường

17

Được mùa ở huyện Bình Xuyên

18

Gia hạn hoãn các loại thuế ở các huyện

19

Giáng cấp Huấn đạo huyện Yên Lạc Nguyễn Ngọc Côn vì để cháy văn bằng

20

Huyện Bình Xuyên xin nộp thóc tô thành tiền

21

Kiểm tra thuyền chở gạo phát hiện ra đoản kiếm phương Tây do cố quận công Vĩnh Tường để lại

22

Lễ tế vật ở các nhà thờ quận Vương Vĩnh Tường

23

Phái quân binh đến các huyện Yên Lãng

24

Quân sự ở huyện Vĩnh Tường giành thắng lợi

25

Tập tấu về việc dân các xã ở huyện Yên Lạc xin cứu tế điều hòa

26

Tâu báo huyện Phù Ninh, Lập Thạch chuyển tiền gạo cho Tuyên Quang

27

Tâu báo tình hình an ninh ở huyện Bình Xuyên

28

Tâu báo tình hình đời sống dân các huyện Bình Xuyên…

29

Tâu báo tình hình thu hoạch lúa vụ hè của huyện Bình Xuyên

30

Tâu báo tình hình tiểu phỉ ở các phân phủ Vĩnh Tường

31

Tâu báo tình hình trong hạt huyện Yên Lạc, huyện Tam Dương, Vĩnh Tường

32

Tiểu phỉ ở phủ hạt Vĩnh Tường

33

Tiểu phỉ ở Sơn Tây, Lập Thạch

34

Tình hình an ninh ở phủ Vĩnh Tường

35

Tình hình chiến sự ở Sơn Hưng Tuyên

36

Tình hình đê vỡ, dân tình đói khổ

37

Tình hình diệt phỉ ở các huyện Yên Lạc, Tam Dương

38

Tình hình mộ lính ở huyện Vĩnh Tường

39

Tình hình mùa màng ở các huyện xã Yên Lạc, Tam Dương

40

Tình hình mùa màng, thời tiết ở các huyện Tam Dương, Lập Thạch

41

Tình hình phỉ đóng quân huyện Vĩnh Tường

42

Tình hình thu hoạch lúa hè ở các huyện Yên Lạc

43

Tình hình thu hoạch mùa màng của huyện Bình Xuyên

44

Trình về việc tiểu phỉ ở huyện Tam Dương

45

Trình việc xã Sa Khúc huyện Yên Lạc phủ Vĩnh Tường

46

Về tình hình mùa màng, mưa lụt ở các phủ Vĩnh Tường, Tam Dương

47

Về việc quan lại tiếp đón quân lính nhà Thanh ở các huyện

48

Về việc tiêu nã phỉ ở các huyện Yên Lạc

49

Việc đánh dẹp Phỉ ở huyện Yên Lạc

50

Việc tiểu phỉ ở các huyện… Vĩnh Tường giành thắng lợi

51

Việc tiểu phỉ ở các phủ huyện Vĩnh Tường

52

Việc trưng thu tiền thóc ở huyện Lập Thạch

53

Vỡ đê ở các huyện Vĩnh Tường, Lâm Thao

54

Xem xét việc tranh chấp đất bồi ven sông huyện Yên Lạc

55

Xin chuyển địa điểm xây từ đường quận Vương Vĩnh Tường

 

PHỤ LỤC 04

DANH MỤC TÀI LIỆU NHA KINH LƯỢC BẮC KỲ
(
tại Thư viện tỉnh Vĩnh Phúc)

STT

TÊN TÀI LIỆU

1

Bẩm: bọn thanh phỉ hoạt động cướp phá ở một số xã thuộc huyện Tam Dương

2

Bản kê nhân đinh, điền thổ của xã Vị Lại, huyện Yên Lạc

3

Bang tá huyện Yên Lạc báo cáo bọn cướp đến bắt mất tri huyện, lấy hết văn thư, sổ sách, ấn triệ, đốt trụ sở, thả tù

4

Báo cáo có hơn 100 phỉ bao vây phủ lị Vĩnh Tường, xông vào cướp súng, thả tù bắt lính và cướp văn bằng ấn triện

5

Báo cáo cụ thể việc bị giặc đánh phá phủ lị (kèm theo các tờ khai của các lệ, lại)

6

Báo cáo tình hình tiễu phỉ tại hạt Bình Xuyên, huyện Kim Anh

7

Báo cáo tình hình tiễu phỉ tại phủ Vĩnh Tường

8

Báo cáo việc đồn Sơn Đông (Lập Thạch) và phủ Vĩnh Tường đã sơ hở để giặc lọt vào đánh phá cướp súng, hiện đã kết án xử tử tên Nguyễn Cửu Chớ, đồ luyện Khắc Thâu và cách chắc Phan Hữu Khang.

9

Bầu Đỗ Phú Tài, Vũ Tuyển kỳ mục huyện Bình Xuyên; Dương Viết Châu, Dương Văn Đạm kỳ mục Phú Bình làm hội viên hội hào kiệt

10

Bố chính trình: hoạt động của phỉ ở phủ Vĩnh Tường, tình hình giao chiến với phỉ

11

Bố chính và án sát trình: hoạt động của phỉ ở huyện Tam Dương. Tình hình tiễu nã phỉ

12

Bổ sung bang tá cho phủ Vĩnh Tường

13

Bổ sung huấn đạo cho huyện Lập Thạch

14

Bổ sung huấn đạo cho huyện Tam Dương tỉnh Sơn Tây

15

Bổ sung huấn đạo cho huyện Yên Lạc

16

Bổ sung tri phủ phân phủ Vĩnh Tường

17

Bọn khách phỉ từ núi Tam Đảo tràn xuống xã Ngọc Quang huyện Bình Xuyên cướp của giết người

18

Các hạt Kim Huy (Bắc Ninh) và Bình Xuyên (Thái Nguyên) bị bọn phỉ Thanh Thổ Hán quấy nhiễu

19

Các huyện Đoan Hùng, Phù Ninh, Lập Thạch, Tam Dương xin điều chỉnh vì bị lưu tán

20

Các tổng trong huyện phần nhiều gần núi xa tỉnh lỵ, thường đi từ tổng lên tỉnh phải mất 2 ngày đường núi, vậy cho theo nguyên lệ cũ là chế độ miền núi

21

Các tổng trong phủ Vĩnh Tường xin lập đoàn ước và chọn đoàn trưởng

22

Cần lập thêm 2 đồn phía trên đồn Liễn Sơn để chặn đường phỉ từ phía Tam Đảo kéo xuống

23

Cắt 2 xã Thanh Tước, Lâm Hộ huyện Kim Anh vào phân phủ Vĩnh Tường

24

Chánh phó đoàn ước 2 huyện Phổ Yên và Bình Xuyên trình tình hình hoạt động của phỉ và tình hình nhân dân phiêu tán

25

Cử thông lại và chánh tổng đem 60 cây quả lên nha đệ nạp để dự cuộc đấu xảo

26

Danh sách các tù phạm đầy đi xa

27

Dãy núi Tam Đảo là nơi yếu lộ cần phải hết sức phong triệt

28

Đề nghị cho lại mục huyện Bình Xuyên (Sơn Tây) nghỉ hưu và xét bổ khuyết

29

Đề nghị cho phép tỉnh Vĩnh Yên được thiết lập các dịch trạm chạy công văn

30

Góp ý về việc hoãn bổ viên chức trong tỉnh Vĩnh Yên

31

Gửi Kinh lược tờ đơn của tri huyện Lập Thạch

32

Hoạt động của phỉ ở phủ Vĩnh Tường tỉnh Sơn Tây

33

Huyện Vụ Sơn Dương báo cáo khách phỉ hoạt động vùng Lập Thạch bắt người cướp của

34

Huyện Yên Lạc cấp báo xin quân cứu viện

35

Huyện Yên Lạc tự biện binh phu, khí giới lập đồn phòng thủ

36

Kê khai các tù phạm phát vãng đầy Côn Đảo và Tân Đảo

37

Kê số tiền ngân các xã ở huyện Yên Lạc nạp

38

Lý dịch xã Thu Lâu huyện Tam Dương xin miễn thuế vì bị quân cờ đen đốt phá

39

Mang ngay dũng trang chặn phía sau Tam Đảo không cho giặc tiến

40

Nghị định: đổi xã Ba La (Vĩnh Tường) thành xã Cẩm La

41

Nghị định: lập tổng Hội Hạ, thuộc Tam Dương, Sơn Tây

42

Nghị định: thưởng phạt những người đã truy quét bọn cướp và xảy ra vụ cướp ở xã Vi Thanh huyện Tam Dương

43

Ngụy Điền, Ngụy Quát đánh phá phủ Vĩnh Tường

44

Phá cho được mấy thành Đa Phúc, Kim Anh, Yên Lãng, Yên Lạc

45

Phân phủ Vĩnh Tường đệ nạp văn bằng và sổ sách của Ngụy

46

Phỉ đánh phá phủ lị Vĩnh Tường

47

Phỉ hoạt động tại huyện Tam Dương tỉnh Sơn Tây

48

Phỉ tập trung quân ở thôn Yên Nội huyện Yên Lạc

49

Phúc thư về việc cho phép 1 thương nhân khai khẩn vùng đất hoang thuộc huyện Bình Xuyên (Sơn Tây)

50

Quan binh Pháp đánh nhau với phỉ tại xã Xuân Trạch huyện Lập Thạch

51

Quan binh Pháp đi càn quét vùng Lập Thạch

52

Quản cơ và phó quản cơ 2 huyện Phổ Yên và Bình Xuyên bẩm về tình hình quấy nhiễu của phỉ

53

Sao lục: đã cấp phát con dấu đồng cho nha phủ Vĩnh Tường tỉnh Sơn Tây

54

Sổ đinh điền của huyện Yên Lạc

55

Sổ đinh điền của tỉnh Vĩnh Yên

56

Sổ đinh sổ điền của huyện Bình Xuyên

57

Sổ đinh sổ điền của huyện Tam Dương

58

Sổ đinh sổ điền của phủ Vĩnh Tường

59

Sơn Tây báo cáo Thanh phỉ cướp người của xã Phan Dư (thuộc huyện Lập Thạch)

60

Sơn Tây báo cáo việc đánh nhau với phỉ ở Tư Chỉ, Cổ Tích huyện Yên Lạc

61

Sơn Tây báo cáo: phỉ tụ tập tại xã Vân Đài huyện Yên Lạc

62

Sơn Tây trình báo quận Cồ, Đốc Giàng, lãnh Nhu cùng 500 đồ đảng tụ tập tại vùng Tam Dương

63

Sơn Tây tư báo việc tri huyện Lập Thạch bị kẻ trộm lấy mất ấn kiếm

64

Sơn Tây xin đặt bang tá huyện Tam Dương

65

Sơn Tây xin triệt bãi bang tá tại các phủ huyện Vĩnh Tường, Quảng Oai, Quốc Oai, Lập Thạch, Tùng Thiện, Bất Bạt

66

Thái Nguyên báo cáo phỉ đánh phá xã Ngọc Quang huyện Bình Xuyên

67

Tinh giảm thuộc viên của tỉnh Vĩnh Yên

68

Tình hình phỉ cướp phá tại phủ Vĩnh Tường tỉnh Sơn Tây

69

Tình hình phỉ đánh phá xã Phú Mỹ phân phủ Vĩnh Tường

70

Tình hình tiễu phỉ ở Bình Xuyên

71

Tình hình tiễu phỉ ở Lập Thạch

72

Tình hình tiễu phỉ ở Tam Dương

73

Tình hình tiễu phỉ ở Yên Lạc

74

Tình hình tu bổ đê điều tại các huyện: Vĩnh Tường, Bất Bạt, Yên Lạc, Phúc Thọ

75

Tỉnh Sơn Tây xin lập đội quân bảo vệ phủ Vĩnh Tường

76

Tố giác quan huyện tham nhũng

77

Tờ phúc thư việc bệnh dịch ở phủ Vĩnh Tường bị tử vong tới hơn 100 người

78

Tờ thông sức của tri phủ Vĩnh Tường tỉnh Sơn Tây sức các xã kê khai về sự nhiễu hại của tướng phỉ Đại Bạch (kèm theo các tơ khai của các xã)

79

Tờ trình tình hình đắp đê ở một số huyện An Lạc, Vĩnh Tường, Tam Dương, Quốc Oai...

80

Tờ trình về hoạt động của toán phỉ ở huyện Tam Dương và công việc bố phòng, tiễu trừ các toán phỉ đó

81

Tờ trình về kết quả cuộc giao tranh với phỉ ở tổng Tam Lộng huyện Tam Dương

82

Tờ trình về kết quả cuộc giao tranh với phỉ ở xã Phong Doanh phủ Vĩnh Tường

83

Tờ trình việc khai khẩn đất hoang ở huyện Bình Xuyên bị bỏ dở, nay xin tiếp tục khai khẩn

84

Tờ trình việc xin cấp lại một số sắc văn phong thần hiện ở đình thuộc xã Quảng Văn huyện Bình Xuyên bị phỉ đốt cháy

85

Tờ tư việc khẩn trương xác định bệnh dịch ở một số xã phủ Vĩnh Tường và Lập Thạch để có phương chữa trị

86

Tổng đốc trình: hoạt động của bọn Thanh phỉ ở huyện Lập Thạch

87

Tổng lý tổng Xuân Lãng huyện Yên Lạc không muốn sáp nhập huyện Yên Lãng

88

Trả lời việc cấp con dấu cho phủ Vĩnh Tường

89

Tri huyện Lập Thạch đi theo quan một Pháp về càn quét các xã Phù Lập,Thụ Phúc kết quả thắng lợi

90

Tri huyện trình: danh sách tú tài và kì thi trúng tú tài

91

Tri huyện trình: danh sách tú tài và kỳ thi trúng tú tài

92

Trích lục sớ văn của Kinh lược đệ tấu triều đình về việc tuyển bổ viên chức cho các tỉnh Hà Nam, Vĩnh Yên

93

Trình tình hình tại Vĩnh Tường, Lập Thạch

94

Trình hoạt động của Phỉ tại huyện Lập Thạch

95

Trình tình hình phối hợp với lính ở đồn Do Khâm tiến hành càn quét phỉ

96

Trình tình hình đã kiểm nhận số đinh, điền, thuế của các phủ huyện sáp nhập vào tỉnh sau khi đã bãi bỏ tỉnh Vĩnh Yên

97

Trình Tình hình giao chiến ở huyện Lập Thạch

98

Trình tình hình hoạt động của Phỉ

99

Trình tình hình hoạt động của phỉ ở huyện Lập Thạch

100

Trình tình hình hoạt động của Phỉ tại phủ Vĩnh Tường

101

Trình tình hình phỉ cướp phá ở xã Tử Du

102

Trình tình hình phỉ tại huyện An Lạc

103

Trình tình hình phỉ cướp tại huyện Lập Thạch

104

Trình tình hình tiễu phỉ tại huyện Lập Thạch

105

Trình về tình hình đê điều ở huyện Vĩnh Lạc và phủ Vĩnh Tường

106

Trình về việc bàn giao sổ đinh, điền, thuế của các phụ huyện trong tỉnh Vĩnh Yên mới được lập cho tỉnh ấy

107

Trình về việc chưa thấy tỉnh Vĩnh Yên trình về tình hình đê điều

108

Trình về việc đánh trả toán phỉ đề Tuyên vào cướp phá xã Vụ Bản huyện Bình Xuyên

109

Trình về việc khắc phục đê vỡ tại huyện Yên Lạc

110

Trình về việc phân ngạch lệ dịch cho các xã Huy Ngạc, Văn Trung và Bồ Điền thuộc phủ Vĩnh Tường

111

Trình về việc tỉnh đã xem xét việc đảng ngụy Thân Văn Luân xin quy thuận được khai khẩn lập nghiệp tại vùng Tam Đảo

112

Trình việc bắt được Sư Xưởng và Thống Tửu

113

Trình việc bọn phỉ giả dạng lính tập, cướp phá tại huyện Lập Thạch tỉnh Sơn Tây

114

Trình việc đắp lại đê ở các phủ huyện: Vĩnh Tường, Yên Lạc đã hoàn thành và số tiền kho cấp cho các huyện để hỗ trợ tình hình khó khăn của nhân dân

115

Trình việc phân chia xã Hoàng Xá (Vĩnh Tường) làm 2 xã

116

Trình việc trưng thu thuế ở xã Nhật Chiêu phủ Vĩnh Tường

117

Trình việc xem xét vụ xã Đại Tự (phủ Vĩnh Tường) cùng 2 xã Phúc Lộc, Phương Kỳ tranh giành bãi đất mới bồi

118

Trình: bọn phỉ cướp phá tại xã Triệu Xá huyện Lập Thạch

119

Trình: đã đổi con dấu cho phủ Vĩnh Tường

120

Trình: hoạt động của phỉ tại huyện An Lạc

121

Trình: hoạt động của Phỉ tại huyện Lập Thạch

122

Trình: Hoạt động của phỉ tại phủ Vĩnh Tường

123

Trình: hoạt động của phỉ tại xã Nhân Mục huyện Lập Thạch

124

Trình: phỉ cướp phá tại xã An Lương huyện Lập Thạch

125

Trình: phỉ vào cướp phá xã Đại Đề huyện Lập Thạch

126

Trình: tình hình cướp phá ở xã Hưng Mục phủ Vĩnh Tường

127

Trình: Tình hình đê điều ở 3 huyện: Vĩnh Tường, Tam Dương và Yên Lạc

128

Trình: Tình hình đê điều ở huyện Yên Lạc

129

Trình: Tình hình đê điều ở phủ Vĩnh Tường

130

Trình: tình hình dịch bệnh tại xã Đại Đề huyện Lập Thạch

131

Trình: tình hình lũ lụt ở phủ Vĩnh Tường, huyện Yên Minh (kết quả kiểm tra tình hình đời sống nhân dân)

132

Trình: Tình hình phỉ cướp tại xã An Mỹ, huyện Bình Xuyên

133

Trình: tình hình phỉ tại 2 huyện Bình Xuyên, Lập Thạch

134

Trình: tình hình tiễu phỉ thắng lợi ở xã An Nghiệp huyện An Lạc

135

Trình: Vây quét phỉ tại xã Vân Ổ phủ Vĩnh Tường

136

Trình: về việc đổi cấp con dấu cho phủ Vĩnh Tường

137

Trong bản đồ của hạt phải cước rõ những núi sông, đường xá

138

Tư cho tỉnh kê khai họ tên những người đề nghị khen thưởng trong trận chiến ở huyện Tam Dương

139

Tư đề nghị cho sáp nhập thêm 1 số xã vào huyện Tam Dương (Sơn Tây)

140

Tư phạt một số thôn thuộc xã Lập Thạch vì không ứng cứu khi xã có cướp

141

Tư về việc lập thêm một số tổng nhập vào huyện Bình Xuyên

142

Tư về việc phạt xã Liễn Sơn huyện Lập Thạch 100 đồng

143

Tư: về việc bãi bỏ tỉnh Vĩnh Yên

144

Tư: về việc cấp dấu ấn cho phủ Vĩnh Tường

145

Tư: về việc chế cấp con dấu cho huyện Tam Dương

146

Tư: về việc thu thuế ở huyện An Lạc

147

Túc trình về tình hình an ninh của huyện Lập Thạch

148

Túc trình về tình hình an ninh trong phủ Vĩnh Tường

149

Về tình hình phỉ đánh phá huyện lỵ huyện Lập Thạch

150

Về việc phỉ đốt phá phủ lị Vĩnh Tường

151

Về việc phiỉ tấn công phủ nha phủ Vĩnh Tường tỉnh Sơn Tây

152

Việc bổ thụ giáo thụ, huấn đạo cho các phủ Vĩnh Tường, Quốc Oai thuộc tỉnh Sơn Tây

153

Việc các phủ huyện Đoan Hùng, Phù Ninh, Lập Thạch, Tam Dương... Xin hoãn binh thuế

154

Việc chế cấp dấu ấn cấp cho huyện Lập Thạch

155

Việc đã nối dây điện ở vùng Yên Lạc, quân Pháp đã đi đánh Bãi Sậy

156

Việc đánh phá sào huyệt của phỉ ở các huyện Kim Huy, Bình Xuyên

157

Việc đốc thuế ở các huyện phân phủ Vĩnh Tường

158

Việc giáng cấp viên tri phủ Vĩnh Tường Tôn Thất Đồng về việc thất thủ phủ thành chưa được quan Toàn quyền trả lời

159

Việc phái binh đi tuần tiễu 2 huyện Yên Lạc, Yên Lãng

160

Việc phát luật cho 2 tỉnh Hà Nam, Vĩnh Yên; Hà Nam hiện đã nhận rồi còn Vĩnh Yên đã nhận được chưa mà chưa thấy có giấy báo nhận

161

Việc phỉ cướp phá ở xã Hải Lựu huyện Lập Thạch tỉnh Sơn Tây

162

Việc sửa đê đạp tại các phủ huyện Vĩnh Tường, Tam Dương, Yên Lạc, Quốc Oai, Thạch Thất

163

Việc tiễu phỉ ở huyện Lập Thạch tỉnh Sơn Tây

164

Việc tiễu phỉ ở phủ Vĩnh Tường tỉnh Sơn Tây

165

Việc tri huyện Lập Thạch bị mất một con dấu

166

Việc xử lý những hành vi nhũng tệ của tri huyện Lập Thạch

167

Vĩnh Tường bẩm có 2000 phỉ từ hạt Bắc kéo vào xã Ny Nỗ đánh phá.

168

Xã Bạch Lưu huyện Lập Thạch và xã Lê Mỹ huyện Phù Ninh cho lệ thuộc vào Tuyên Quang cho dễ làm việc

169

Xã Sáp Mai phủ Vĩnh Tường xin xây cống lấy nước

170

Xin đặt tạm bang tá cho các phủ huyện Vĩnh Tường, Quảng Oai, Quốc Oai...

171

Xin kinh phí văn phòng phẩm, dầu đèn

172

Xin xét bổ huấn đạo huyện An Lạc (Sơn Tây)

 

PHỤ LỤC 05

DỰ TOÁN KINH PHÍ THỰC HIỆN

Đề án: Phiên âm, dịch nghĩa, bảo quản và phát huy nguồn tư liệu Hán, Nôm tại Thư viện tỉnh Vĩnh Phúc

TT

Nội dung

Số tiền dự kiến

(Đồng)

Thời gian thực hiện

1

Phân loại tài liệu trước khi phiên âm, dịch nghĩa

2,000,000,000

Năm 2022

2

Dự án phiên âm dịch nghĩa nguồn tư liệu Hán- Nôm tại Thư viện tỉnh

9,000,000,000

03 năm, Năm 2022 -2024

3

Bảo quản tư liệu Hán - Nôm sau khi phiên âm, dịch nghĩa

1,200,000,000

4 năm, 2022-2025 mỗi năm 300 triệu đồng

4

Biên tập xuất bản sách tư liệu Hán Nôm sau khi phiên âm, dịch nghĩa 03 đầu sách, mỗi đầu sách 10.000 bản

5,700,000,000

 

 

Thần tích, thần sắc: 13.250 trang; 10.000 bản x 180.000

1,800,000,000

Năm 2024

 

Hương ước: 8.750 trang; 10.000 bản x 120.000

1,200,000,000

Năm 2024

 

Thác bản Văn khắc Hán Nôm: 658 trang; 10.000 bản x 95.000

950,000,000

Năm 2024

 

Châu bản Triều Nguyễn: 226 trang; 10.000 bản x 70.000

700,000,000

Năm 2024

 

Kinh lược Bắc Kỳ: 756 trang; 10.000 bản x 105.000

1,050,000,000

Năm 2024

5

Luân chuyển, phát huy giá trị nguồn tư liệu Hán - Nôm đến các Thư viện xã, phường, các Ban QLDT và các trường học trên địa bàn tỉnh: 50.000 bản x 50.000 đồng

2,500,000,000

02 năm, năm 2024 - 2025

6

Số hóa một số một số tài liệu Hán - Nôm

5,000,000,000

Năm 2025

7

Bổ sung trang thiết bị và phương tiện kỹ thuật cho hoạt động bảo quản

2,000,000,000

Năm 2023

8

Cử cán bộ tham gia lớp tập huấn bảo quản các Tài liệu Hán Nôm tại Thư viện Quốc gia: 3 lớp x 10.000.000

30,000,000

3 năm, Năm 2023-2025

9

Mở lớp tập huấn bảo quản tư liệu Hán Nôm trên địa bàn tỉnh: 3 lớp x 300.000.000

900,000,000

3 năm, Năm 2023-2025

10

Trưng bày triển lãm tài liệu Hán Nôm trong và ngoài tỉnh: 8 cuộc x 300.000.000

2,400,000,000

3 năm, Năm 2023-2025

11

Xây dựng phim tài liệu: 5 bộ x 500.000.000

2,500,000,000

3 năm, Năm 2023-2025

12

Tổ chức hội thảo chuyên đề: 5 hội thảo x 70.000.000

350,000,000

3 năm, Năm 2023-2025

 13

Tuyên truyền phát huy giá trị tài liệu Hán Nôm

300,000,000

3 năm, Năm 2023-2025

 

Tổng cộng

33,880,000,000

 

 

 

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Quyết định 1308/QĐ-UBND ngày 24/05/2021 phê duyệt Đề án “Phiên âm, dịch nghĩa, bảo quản và phát huy nguồn tư liệu Hán, Nôm tại Thư viện tỉnh Vĩnh Phúc”

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


1.321

DMCA.com Protection Status
IP: 3.145.108.87
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!