Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Số hiệu: 1201/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Kiên Giang Người ký: Nguyễn Lưu Trung
Ngày ban hành: 17/05/2022 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KIÊN GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1201/QĐ-UBND

Kiên Giang, ngày 17 tháng 5 năm 2022

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT “ĐỀ ÁN BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ NGHỆ THUẬT TRUYỀN THỐNG DÂN TỘC KHMER TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KIÊN GIANG GIAI ĐOẠN 2021-2025”

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH KIÊN GIANG

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Di sản văn hóa số 28/2001/QH10 ngày 29 tháng 6 năm 2001 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa số 32/2009/QH12 ngày 18 tháng 6 năm 2009;

Căn cứ Chỉ thị số 19-CT/TW ngày 10 tháng 01 năm 2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường công tác ở vùng đồng bào dân tộc Khmer trong tình hình mới;

Căn cứ Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 12 tháng 3 năm 2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc; Kết luận của Bộ Chính trị số 65-KL/TW ngày 30 tháng 10 năm 2019 của Ban Chấp hành Trung ương về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới;

Căn cứ Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09 tháng 6 năm 2014, Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước;

Căn cứ Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18 tháng 11 năm 2019 của Quốc hội về phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; Nghị quyết số 12/NQ-CP ngày 15 tháng 02 năm 2020 của Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18 tháng 11 năm 2019 của Quốc hội về phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030;

Căn cứ Nghị định số 05/2011/NĐ-CP ngày 14 tháng 01 năm 2011 của Chính phủ về công tác dân tộc;

Căn cứ Quyết định số 1909/QĐ-TTg ngày 12 tháng 11 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030;

Căn cứ Thông báo số 217/TB-VP ngày 02 tháng 3 năm 2020 của Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh về ý kiến kết luận của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phạm Vũ Hồng tại buổi làm việc với Sở Văn hóa và Thể thao về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển văn hóa, thể thao, gia đình năm 2019, nhiệm vụ trọng tâm năm 2020;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tại Tờ trình số 450/TTr-SVHTT ngày 22 tháng 4 năm 2022 về việc đề nghị phê duyệt Đề cương nhiệm vụ lập “Đề án bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống dân tộc Khmer trên địa bàn tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2021-2025

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Đề án bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống dân tộc Khmer trên địa bàn tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2021-2025”

Điều 2. Giao Sở Văn hóa và Thể thao chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành tỉnh; Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan tổ chức triển khai thực hiện Đề án.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc (Thủ trưởng) các sở, ban, ngành và đơn vị: Văn hóa và Thể thao, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Du lịch, Giáo dục và Đào tạo, Thông tin và Truyền thông, Giáo dục và Đào tạo, Khoa học và Công nghệ, Ban Dân tộc tỉnh, Sở Nội vụ, Đài Phát thanh và Truyền hình Kiên Giang, Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3 của QĐ;
- Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;
- TT. TU, TT. HĐND tỉnh;
- CT và các PCT.UBND tỉnh;
- Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy;
- UBMTTQVN tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh;
- Báo Kiên Giang;
- Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh;
- Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh;
- Sở Văn hóa và Thể thao (05b);
- LĐVP; Phòng: KGVX, TH;
- Lưu: VT, Ittram.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Lưu Trung

 

ĐỀ ÁN

BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ NGHỆ THUẬT TRUYỀN THỐNG DÂN TỘC KHMER TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KIÊN GIANG GIAI ĐOẠN 2021-2025
(Ban hành kèm theo Quyết định: 1201/QĐ-UBND ngày 17 tháng 5 năm 2022 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang)

I. TÍNH CẤP THIẾT XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

Đồng bào dân tộc Khmer Nam bộ ở Kiên Giang có 56.373 hộ với 237.867 người (chiếm 13,02% dân số toàn tỉnh). Người Khmer chủ yếu sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới; điều kiện kinh tế - văn hóa - xã hội còn khó khăn. Đồng bào Khmer chủ yếu sinh sống bằng nghề nông, tập trung ở quanh 75 chùa, 01 tháp Phật giáo Nam tông Khmer và có trên 1.400 vị sư sãi. Hiện tại đã có 07 chùa và 01 tháp Khmer được công nhận là di tích lịch sử văn hóa.

Người Khmer có các loại hình nghệ thuật truyền thống tinh túy, đặc sắc có vai trò rất quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần hàng ngày của người dân. Nghệ thuật âm nhạc truyền thông Khmer có nhiêu loại hình và hình thức biểu diễn như những làn điệu dân ca trữ tình, sâu lắng. Nhạc khí Khmer Nam Bộ (với 48 nhạc cụ) tùy vào điều kiện sử dụng, người ta lại tổ chức thành các dàn nhạc sử dụng trong các hoàn cảnh khác nhau. Rô băm là loại hình sân khấu đi từ cung đình ra ngoài nhân dân, còn Dù Kê thì không phải bắt nguồn từ cung đình mà nó phát tích từ chính mảnh đất Đồng bằng sông Cửu Long màu mỡ. Dù Kê là một loại hình nghệ thuật có tuồng tích, có cốt truyện được xây dựng trên nền nhạc, ca hát đối thoại và các hình thái diễn xuất dân gian. Nghệ thuật múa Khmer vốn có truyền thống lâu đời trong vùng Đông Nam Á. Các chùa, lễ hội, kinh sách lá cổ, trang phục truyền thông... cũng là những loại hình nghệ thuật đặc trưng của người Khmer ở Kiên Giang, rất cần được trân trọng, bảo tồn và phát huy giá trị.

Những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách kịp thời nhằm xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc; trong đó ưu tiên bảo tồn tiếng nói, chữ viết và nền văn hóa nghệ thuật của các dân tộc thiểu số. Đối với đồng bào Khmer Nam bộ, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều văn bản, chính sách nhằm hỗ trợ đồng bào nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, phát triển mọi mặt kinh tế - văn hóa - xã hội, trong đó có việc bảo tồn và phát huy giá trị các loại hình nghệ thuật truyền thống dân tộc Khmer.

Tuy nhiên, thời gian qua, việc bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống Khmer chưa được quan tâm và đầu tư đúng mức nên còn gặp nhiều khó khăn về kinh phí và nguồn nhân lực. Công tác vận động xã hội hóa chưa mang lại hiệu quả cao. Số lượng nghệ nhân, nghệ sỹ Khmer giỏi, tinh thông nghệ thuật còn lại rất ít. Nghệ nhân Khmer do tuổi già sức yếu nên ngày càng ít đi, lớp thanh niên trẻ ít được tiếp cận và quan tâm gìn giữ các loại hình nghệ thuật dân tộc. Công tác truyền dạy các loại hình nghệ thuật truyền thống dân tộc Khmer còn nhiều hạn chế, chủ yếu diễn ra tại cộng đồng, thiếu trường lớp, bài bản. Nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống dân tộc Khmer bị mất dần theo thời gian. Phong trào văn nghệ quần chúng vùng đồng bào dân tộc Khmer đang gặp nhiều khó khăn do thiếu nhạc cụ, thiếu diễn viên, thiếu kinh phí. Nhiều đội, nhóm văn nghệ truyền thống Khmer không còn hoạt động. Công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ và nhân dân vùng đồng bào Khmer vẫn còn nhiều mặt hạn chế. Việc hỗ trợ đầu tư của Nhà nước vẫn còn ít so với nhu cầu thực tế.

Từ thực trạng nêu trên đòi hỏi Nhà nước phải có sự định hướng, quản lý để nghệ thuật truyền thống Khmer được bảo tồn và phát triển tốt, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa nghệ thuật của nhân dân; đồng thời giữ cho được cái “chất”, cái “hồn” tinh túy của nghệ thuật truyền thống Khmer cho các thế hệ mai sau.

Việc thực hiện Đề án bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống dân tộc Khmer trên địa bàn tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2021-2025 là một việc làm hết sức cần thiết, vừa mang tính cấp bách, vừa có tính chất lâu dài nhằm cụ thể hóa các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về công tác dân tộc.

II. CĂN CỨ PHÁP LÝ VÀ THỰC TIỄN CỦA ĐỀ ÁN

1. Căn cứ pháp lý

- Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015 và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương;

- Luật Di sản văn hóa ngày 29 tháng 6 năm 2001; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa ngày 18 tháng 6 năm 2009;

- Chỉ thị số 19-CT/TW ngày 10 tháng 01 năm 2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường công tác ở vùng đồng bào dân tộc Khmer trong tình hình mới;

- Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”;

- Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09 tháng 06 năm 2014 của Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước;

- Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 16 tháng 6 năm 2008 của Bộ Chính trị về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới;

- Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 12 tháng 3 năm 2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc;

- Kết luận của Bộ Chính trị số 65-KL/TW ngày 30 tháng 10 năm 2019 của Ban chấp hành Trung ương về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới;

- Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18 tháng 11 năm 2019 của Quốc hội về phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030;

- Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14 tháng 10 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025;

- Nghị định số 92/2002/NĐ-CP ngày 11 tháng 11 năm 2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Di sản văn hóa;

- Nghị định số 98/2010/NĐ-CP ngày 21 tháng 9 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Di sản văn hóa và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa;

- Nghị định số 05/2011/NĐ-CP ngày 14 tháng 01 năm 2011 của Chính phủ về công tác dân tộc;

- Nghị định số 62/2014/NĐ-CP ngày 25 tháng 6 năm 2014 của Chính phủ quy định về xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể;

- Nghị quyết số 12/NQ-CP ngày 15 tháng 02 năm 2020 của Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18 tháng 11 năm 2019 của Quốc hội về phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030;

- Quyết định số 1909/QĐ-TTg ngày 12 tháng 11 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030;

- Quyết định số 1255/QĐ-TTg ngày 26 tháng 7 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Kiên Giang thời kỳ đến năm 2020. Trong đó quy hoạch ngành, lĩnh vực văn hóa phát triển 6 loại hình nghệ thuật;

- Quyết định số 1230/QĐ-TTg ngày 15 tháng 7 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa Việt Nam, giai đoạn 2021-2025;

- Thông tư số 04/2010/TT-BVHTTDL ngày 30 tháng 6 năm 2010 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định về việc kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể và lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể để đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia;

- Quyết định số 2299/QĐ-BVHTTDL ngày 16 tháng 8 năm 2021 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận số 65- KL/TW ngày 30 tháng 10 năm 2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới;

- Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Kiên Giang lần thứ XI (nhiệm kỳ 2021 - 2026). Trong đó khẳng định chăm lo phát triển văn hóa và xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện;

- Thông báo số 217/TB-VP ngày 02 tháng 3 năm 2020 của Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh về ý kiến kết luận của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phạm Vũ Hồng tại buổi làm việc với Sở Văn hoá và Thể thao về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển văn hóa, thể thao, gia đình năm 2019, nhiệm vụ trọng tâm năm 2020.

2. Căn cứ thực tiễn đề xây dựng Đề án

2.1. Đặc điểm một số loại hình nghệ thuật truyền thống dân tộc Khmer ở Kiên Giang

Các loại hình nghệ thuật truyền thống dân tộc Khmer ở Kiên Giang là sản phẩm văn hóa được hình thành và phát triển trong quá trình đồng bào lao động, sáng tạo, chinh phục thiên nhiên, đấu tranh chống lại những bất công xã hội,... nên đã chứa đựng nhiều giá trị nhân văn sâu sắc. Trải qua thử thách của thời gian và những biến động của lịch sử, các loại hình nghệ thuật này vẫn còn được bảo tồn cho đến ngày nay.

- Nghệ thuật âm nhạc truyền thống Khmer: Gồm nhiều loại hình và hình thức biểu diễn như những làn điệu dân ca trữ tình, sâu lắng thể hiện tình yêu lao động, yêu thiên nhiên, tình yêu đôi lứa. Đó là các dòng nhạc Mahôry, nhạc cưới, nhạc lễ, nhạc tang, các điệu ru, làn điệu Àday đối đáp... được lưu truyền từ đời này sang đời khác, nhưng đa số chỉ bằng con đường truyền khẩu, tồn tại trong trí nhớ của nghệ nhân.

- Nghệ thuật chế tác nhạc cụ truyền thống Khmer: Nhạc khí Khmer Nam bộ có 48 loại nhạc cụ chia làm 3 nhóm (nhạc hơi, nhạc dây và nhạc gõ). Tùy vào điều kiện sử dụng, người ta lại tổ chức thành các dàn nhạc sử dụng trong các hoàn cảnh khác nhau, trong đó nổi tiếng nhất là dàn nhạc ngũ âm. Hiện nay, ở Kiên Giang chỉ còn một vài nghệ nhân có thể chế tác được nhạc cụ truyền thống Khmer, vì vậy rất cần được nhà nước hỗ trợ để nghệ thuật chế tác nhạc cụ truyền thống Khmer không bị thất truyền.

- Nghệ thuật múa truyền thống của người Khmer: Gồm có múa cổ điển và múa dân gian. Múa Khmer đa dạng về hình thức, phong phú về nội dung, có thể chuyên tải được những tích truyện. Thể loại múa hát sinh hoạt cộng đồng dựa trên các làn điệu Rom Vông, Rom K’bach, Lâm thôn, Saravan... với hàng trăm bài hát đặc trưng, rất phong phú và vui nhộn, được sử dụng trong các dịp lễ, tết và trong sinh hoạt cộng đồng; ba điệu múa phổ biến nhất là Râm Vông, Lâm thôn, Saravan hầu như người Khmer nào ở Kiên Giang cũng đều biết đến.

- Nghệ thuật sân khấu Dù kê (L’khon Ba Sắc): Ra đời từ những thập niên đầu thế kỷ XX. Đây là loại hình kịch hát được người Khmer ưa thích nhất. Nó được sáng tạo trên nền tảng của sân khấu Rô băm - một loại kịch múa cổ điển của người Khmer và tiếp nhận một số yếu tố về nội dung, hình thức từ sân khấu Cải lương của người Kinh và sân khấu Hát Tiều của người Hoa. Dù kê có tuồng tích, có cốt truyện được xây dựng trên nền nhạc, ca hát đối thoại và các hình thái diễn xuất dân gian. Các vở sân khấu Dù kê có nhiều diễn viên, bao gồm cả con người và các loài linh thú. Các nhân vật được chia làm hai tuyến “thiện” và “ác” rõ rệt. Dung lượng trung bình của một vở sân khấu Dù kê dài vào khoảng 03 giờ. Các vở diễn thường kết thúc có hậu, cái thiện thắng cái ác, mang tính giáo dục và nhân văn sâu sắc. Sân khấu được trang trí lộng lẫy cùng với sự thay đổi phong cảnh, phục trang, đạo cụ tùy theo lớp lang của vở diễn. Vào những năm của thập niên 70 - 80 của thế kỷ XX, tại Kiên Giang có nhiều đoàn hát Dù kê. Hiện nay, ở Kiên Giang nghệ nhân, diễn viên có thể biểu diễn được loại hình nghệ thuật này rất ít.

- Nghệ thuật sân khấu Rô băm: Là loại hình kịch múa (sân khấu múa) của người Khmer xưa chuyên diễn “tác phẩm Ream Kê và chuyện xưa tích cũ”. Nội dung thường là truyện cổ có nguồn gốc từ Ấn Độ luôn thấm đượm tinh thần Bà la môn giáo, “ở hiền gặp lành”.

Các nghệ sĩ Rô băm phải trải qua nhiều năm rèn luyện. Ngoài động tác múa, họ còn dùng lời nói, lời hát để giải thích các tình tiết, sự kiện, hành động của nhân vật. Trong vở diễn Rô băm thường có hai tuyến nhân vật, một là vua, hoàng tử, công chúa... không mang mặt nạ; hai là những nhân vật mang mặt nạ như vai chằn (Yeak) đại diện cho phái ác. Ngoài ra, còn có vai hề xuất hiện để gây cười làm vui nhộn sân khấu. Thời hoàng kim của đoàn Rô băm vào những năm thập niên 60 của thế kỷ XX. Hiện nay, ở Kiên Giang rất hiếm diễn viên có thể biểu diễn được loại hình nghệ thuật này,

- Nghệ thuật kiến trúc chùa tháp Phật giáo Nam tông Khmer: Tỉnh Kiên Giang hiện có 75 chùa, 01 tháp Phật giáo Nam tông Khmer; trong đó có 07 chùa, 01 tháp Khmer đã được nhà nước công nhận là di tích lịch sử văn hóa. Rất nhiều ngôi chùa có giá trị về lịch sử, văn hóa và kiến trúc. Mỗi ngôi chùa Khmer là một công trình nghệ thuật kiến trúc đặc sắc. Chùa Phật giáo Nam tông Khmer thường có mặt bằng và khuôn viên rộng gồm: cổng chính, chánh điện, giảng đường, tăng xá, các lớp dạy chữ Khmer, vườn tháp để tro cốt; trong đó ngôi chánh điện bao giờ cũng quan trọng nhất, linh thiêng nhất và kiến trúc cao, rộng, đẹp, đặc sắc nhất. Chùa cũng có vai trò đặc biệt quan trọng trong đời sống của đồng bào Khmer, đây là nơi sinh hoạt tôn giáo, bảo tồn kinh sách, tổ chức các lễ hội, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, dạy chữ, dạy nghề.

- Nghệ thuật tổng hợp trong lễ hội truyền thống Khmer:

+ Đồng bào Khmer có nhiều lễ hội, gồm: Lễ hội truyền thống của dân tộc, lễ hội đặc trưng của Phật giáo và lễ tục dân gian. Những nét văn hóa đặc trưng này là cơ sở, là nền tảng, là chất liệu dồi dào hình thành nên các loại hình nghệ thuật truyền thống Khmer. Mỗi lễ hội là một sự trình diễn tổng hợp các loại hình nghệ thuật truyền thống, từ múa hát sinh hoạt văn hóa cộng đồng, đến trình diễn nhạc cụ, thực hành diễn xướng, đọc tụng dân gian, cách bài trí trong nghệ thuật kiến trúc chùa tháp... Có thể nói môi trường lễ hội truyền thống Khmer là nơi bảo tồn và phát huy tốt nhất các loại hình nghệ thuật truyền thống Khmer.

+ Có 03 lễ hội chính rất độc đáo, cần bảo tồn và phát huy giá trị gồm: Lễ Tết cổ truyền ChôlChnămThmây có nghĩa là “Vào năm mới” (còn gọi là lễ chịu tuổi), là ngày Tết lớn nhất trong năm của người Khmer, diễn ra vào tháng 4 dương lịch hàng năm; lễ hội Sen Đonta diễn ra vào tháng 9 âm lịch, đây là lễ hội truyền thống lớn nhất trong năm của người Khmer, còn được gọi là lễ cúng ông bà (Píth-sên đôn- ta), lễ này được tổ chức nhằm tưởng nhớ đến công ơn ông bà, cha mẹ và người thân, tạ ơn những người đã khuất và cầu phước cho những người còn sống, tạo nên sự gắn bó giữa bạn bè, người thân và cả cộng đồng; lễ hội Okombok của người Khmer ở Kiên Giang diễn ra vào tháng 10 âm lịch, từ năm 2007 lễ hội này đã được tổ chức định kỳ hàng năm tại huyện Gò Quao và mở rộng quy mô tổ chức trở thành “Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch đồng bào dân tộc Khmer tỉnh Kiên Giang”.

- Nghệ thuật viết chữ Khmer trên sách lá: Người Khmer có truyền thống viết chữ Pali trên lá và có một nền văn học chữ viết lâu đời, với những tác phẩm được chép trên các tập lá buông (satra), sătra rít (cọ), sătra (thốt nốt). Ở Kiên Giang có một số ngôi chùa còn giữ được những bộ sách lá quý, nhiều bộ kinh đã tồn tại hàng trăm năm. Mỗi trang lá chép kinh Phật có kích thước (0,6 x 0,05 m) ghi 4-5 hàng chữ Pali, mỗi hàng từ 15 đến 20 chữ. Nội dung trong kinh lá là những điều răn dạy, giáo lý nhà Phật dạy con người biết tu tâm, dưỡng tính, sống hiền lành, yêu thương nhau, những câu chuyện ngụ ngôn dạy người đời lòng thương người, cách sống tốt... Nghệ thuật viết chữ trên sách lá vô cùng cầu kỳ, tỷ mỉ. Ngày xưa trong các ngôi chùa cổ Khmer, các vị sư tổ chỉ truyền lại bí quyết viết kinh trên lá cho rất ít đệ tử đủ tài năng, đạo hạnh mà thôi. Hiện nay việc làm kinh sách bằng lá đang dần đi vào quên lãng và số sách lá ở các chùa Khmer do không bảo quản tốt nên bị hư hại nhiều. Số người còn nhớ quy trình làm sách bằng lá rất ít. Vì vậy cần có biện pháp khẩn cấp để sưu tầm, kiểm kê, bảo quản số sách lá hiện có ở các chùa. Đồng thời mở lớp truyền dạy nghệ thuật viết chữ Khmer trên sách lá, để bảo tồn loại hình di sản quý này.

- Nghệ thuật văn học dân gian Khmer: Gồm nhiều thể loại như truyện cổ tích, thần thoại, tục ngữ.... được chia làm hai loại lớn, là văn xuôi (peak sâmrai) và văn vần (kâm nap). Các truyện cổ tích thường nói về thân phận con người, với nhiều đề tài có ý nghĩa, kết thúc có hậu. Truyện thần thoại Khmer ngoài hình thức truyền khẩu thì còn thể hiện qua các tác phẩm điêu khắc, hội họa ở chùa. Nội dung phản ánh sự nhận thức của người xưa về các hiện tượng tự nhiên như giông, bão, gió... Mỗi truyện đều mang một ý nghĩa đặc biệt và phản ánh về các sinh hoạt và tín ngưỡng cổ xưa. Do được truyền khẩu nên nếu không có hình thức sưu tầm và bảo tồn phù hợp, chúng sẽ dần bị lãng quên theo thời gian.

- Trang phục truyền thống Khmer: Người Khmer ở Kiên Giang vẫn còn sử dụng trang phục truyền thống vào các dịp lễ hội và lễ tết, nghi thức vòng đời người theo phong tục. Trang phục của người Khmer khá cầu kỳ với nhiều gam màu sặc sỡ và tinh tế với nét độc đáo riêng. Trong những dịp quan trọng thì phụ nữ thường mặc nhiều loại váy khác nhau. Nam giới mặc xà rông. Điểm nhấn trong trang phục truyền thống của người Khmer là trang phục lộng lẫy của cô dâu và chú rể trong ngày cưới. Trang phục truyền thống Khmer luôn được chú ý bởi sự cầu kỳ, màu sắc rực rỡ, hoa văn trang trí tinh xảo và được tô điểm bằng những hạt cườm, kim sa lấp lánh. Đối với mỗi người phụ nữ Khmer, dù họ có khó khăn, thiếu thốn đến mấy thì cũng cần phải chuẩn bị cho bản thân và gia đình mình những bộ trang phục truyền thống đẹp nhất để mặc trong những dịp quan trọng. Đó còn là việc gìn giữ và bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc.

2.2. Đánh giá vị trí, vai trò của nghệ thuật truyền thống dân tộc Khmer trong đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân

- Vị trí: Các loại hình nghệ thuật truyền thống có một vị trí đặc biệt quan trọng trong đời sống văn hóa, tinh thần của đồng bào Khmer ở Kiên Giang. Chúng có tần suất sử dụng cao, thời gian diễn ra quanh năm, ở nhiều không gian khác nhau, từ các buổi lễ trang trọng trong chùa đến sinh hoạt đời thường. Nghệ thuật truyền thông dân tộc Khmer thích hợp với nhiều lứa tuổi, không phân biệt nam nữ, ngành nghề, địa vị xã hội. Chúng có tính linh hoạt cao, đồng bào Khmer vừa là chủ thể trình diễn vừa là người thụ hưởng giá trị của nghệ thuật truyền thống.

- Vai trò: Dù trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm nhưng nghệ thuật truyền thông Khmer đã chứng minh được vai trò hết sức quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của người Khmer ở Kiên Giang. Đây là những loại hình nghệ thuật chuyển tải được suy nghĩ, tâm tư, tình cảm của đồng bào; vừa là phương tiện thực hành các nghi lễ, sinh hoạt văn hóa của cộng đồng, vừa là hình thức giải trí quan trọng hàng ngày của người dân Khmer. Đây cũng là phương tiện giao lưu tình cảm, góp phần củng cố tình đoàn kết cộng đồng, có vai trò là hạt nhân xây dựng đời sống văn hóa văn nghệ ở cơ sở. Đó là những loại hình di sản văn hóa vật thể và phi vật thể độc đáo, rất cần được ưu tiên bảo tồn và phát huy giá trị.

2.3. Thực trạng công tác bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật truyền thông dân tộc Khmer trong những năm qua

- Những năm vừa qua, việc bảo tồn nghệ thuật truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer luôn được các cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương ở Kiên Giang quan tâm đầu tư. Hàng năm đều tổ chức Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch đồng bào dân tộc Khmer tỉnh Kiên Giang tại huyện Gò Quao, duy trì hoạt động của Đoàn nghệ thuật Khmer tỉnh và các chương trình phát thanh -truyền hình tiếng Khmer, hỗ trợ xây dựng các thiết chế văn hóa và thể thao, tổ chức nhiều hình thức sinh hoạt văn hóa trong vùng đồng bào dân tộc Khmer.

- Tuy công tác bảo tồn và phát huy nghệ thuật truyền thống Khmer có đạt được một số kết quả đáng kể, nhưng vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế, cả về chủ quan và khách quan như:

+ Nguồn kinh phí và nhân lực còn hạn chế. Các thiết chế văn hóa và thể thao còn thiếu hoặc đầu tư chưa đồng bộ. Công tác xã hội hóa hoạt động bảo tồn nghệ thuật truyền thống Khmer còn gặp nhiều khó khăn. Công tác tuyên truyền quảng bá nghệ thuật truyền thống Khmer chưa được thường xuyên và hiệu quả.

+ Ở một số nơi, cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương chưa quan tâm đầy đủ đến công tác văn hóa dân tộc. Đội ngũ cán bộ văn hóa cơ sở thường kiêm nhiệm, chưa qua đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ nên còn lúng túng trong việc tổ chức các hoạt động bảo tồn nghệ thuật truyền thống Khmer nên chưa thu hút đông đảo nhân dân tham gia.

+ Chưa xây dựng được các sản phẩm du lịch đặc thù gắn với trải nghiệm văn hóa dân tộc Khmer ở Kiên Giang.

+ Nghệ nhân Khmer do tuổi già sức yếu nên ngày càng ít đi. Nhiều thanh niên Khmer đi học, tìm việc và làm ăn ở xa nên họ không có cơ hội được truyền dạy các loại hình nghệ thuật truyền thống Khmer, số lượng khán giả đến xem biểu diễn nghệ thuật truyền thống Khmer cũng ngày càng giảm, từ đó dẫn đến nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống Khmer có nguy cơ bị thất truyền.

+ Dưới tác động của cơ chế thị trường và thời kỳ hội nhập, nếu không được quan tâm bảo tồn và phát huy giá trị thì nghệ truyền thông Khmer sẽ dân phai nhạt, mất đi bản sắc dân tộc.

+ Đa số các ngôi chùa Khmer và các đội văn nghệ quần chúng ở Kiên Giang hiện nay đều thiếu các loại nhạc cụ dân tộc. Hiện nay cả tỉnh chỉ còn một vài đội văn nghệ quần chúng Khmer hoạt động không thường xuyên, chỉ biểu diễn vào các dịp lễ, tết nhưng nội dung nghệ thuật chưa phong phú, chất lượng các chương trình nghệ thuật còn đơn điệu, chưa đáp ứng được nhu cầu thưởng thức của đồng bào. Đội ngũ diễn viên, nhạc công ngày càng ít. Ở Kiên Giang chỉ còn một vài nghệ nhân chế tác được nhạc cụ dân tộc Khmer. Vì vậy rất cần có nguồn lực để mở lớp truyền dạy để làm hồi sinh nghệ thuật chế tác nhạc cụ dân tộc Khmer.

+ Nghệ thuật sân khấu dân gian Dù kê và Rô băm gặp nhiều khó khăn, do thiếu lực lượng diễn viên trẻ kế thừa, thiếu nguồn lực về kinh phí và phương tiện để truyền dạy, biểu diễn. Hiện nay một số đội văn nghệ quần chúng Khmer và các trường dân tộc nội trú trong tỉnh đang có nhu cầu mong muốn nhà nước quan tâm, đầu tư, hỗ trợ kinh phí để tổ chức truyền dạy và thực hiện các biện pháp nhằm bảo tồn và phát huy giá trị của loại hình nghệ thuật sân khấu Dù kê và Rô băm.

+ Nghệ thuật múa truyền thống do thường xuyên được sử dụng trong các dịp giao lưu văn hoá cộng đồng nên loại hình nghệ thuật này vẫn còn được bảo tồn và phát huy tương đối tốt trong sinh hoạt cộng đồng của người Khmer.

+ Những năm qua, nghệ thuật kiến trúc chùa tháp Phật giáo Nam tông Khmer được nhà nước quan tâm đầu tư tôn tạo, với tổng kinh phí đầu tư hàng chục tỷ đồng. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều ngôi chùa Khmer sau một vài năm tu bổ, công trình lại bị xuống cấp. Số nghệ nhân có tay nghề giỏi trong việc xây dựng các ngôi chùa ngày càng ít đi. Việc truyền dạy kỹ thuật, bí quyết trong nghệ thuật kiến trúc chùa tháp Khmer chưa được quan tâm. vẫn còn tồn tại những ngôi chùa mới được xây dựng hoặc tu bổ nhưng chưa đúng yếu tố nghệ thuật kiến trúc truyền thống.

III. MỤC TIÊU CỦA ĐỀ ÁN

1. Mục tiêu chung của Đề án

- Đề án góp phần thực hiện tốt công tác văn hóa dân tộc, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho đồng bào Khmer, phù hợp với mục tiêu phát triển toàn diện của tỉnh Kiên Giang.

- Đề xuất và thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống dân tộc Khmer trên địa bàn tỉnh, khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải thiếu hiệu quả, một số loại hình nghệ thuật truyền thống Khmer bị mất dần theo thời gian.

- Khuyến khích phục hồi các loại hình nghệ thuật truyền thống Khmer tiêu biểu.

- Đẩy mạnh các hoạt động truyền dạy, đào tạo, bồi dưỡng để có đội ngũ nghệ nhân, diễn viên, nhạc công, tác giả Khmer kế thừa, Nâng cao trình độ quản lý của cán bộ văn hóa từ tỉnh đến cơ sở trong việc tổ chức các hoạt động của Đề án.

- Tổ chức các hoạt động biểu diễn, giao lưu nghệ thuật phù hợp với điều kiện thực tiễn ở địa phương.

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, nhằm nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân vùng đồng bào dân tộc Khmer trong việc bảo tồn, phát huy giá trị các loại hình nghệ thuật truyền thống Khmer.

- Thực hiện tốt công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý; tăng cường sự phối hợp giữa các ngành chức năng trong việc huy động các nguồn lực để bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống dân tộc Khmer trên địa bàn tỉnh.

- Tăng cường nguồn lực cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống dân tộc Khmer trên địa bàn tỉnh, thông qua việc tăng cường nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước, kết hợp vận động xã hội hóa một cách hiệu quả.

2. Mục tiêu cụ thể

- Điều tra, khảo sát nắm bắt thực trạng hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc Khmer hiện nay và nhu cầu của công chúng trong việc hưởng thụ giá trị các loại hình nghệ thuật này.

- Sưu tầm các bài bản, kịch bản, thông tin để xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về nghệ thuật truyền thống Khmer ở Kiên Giang.

- Xây dựng các sản phẩm truyền thông để tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá về nghệ thuật truyền thống Khmer ở Kiên Giang bao gồm: Các bài viết, hình ảnh, video clip... đăng tải trên hệ thông báo, đài và biên soạn sách chuyên khảo về 4 loại hình nghệ thuật truyền thống Khmer tiêu biểu tỉnh Kiên Giang gồm: Nghệ thuật âm nhạc và sân khấu dân gian Khmer, Nghệ thuật kiến trúc chùa tháp Khmer, Văn học dân gian Khmer, Lễ hội truyền thống Khmer ở Kiên Giang. Tổ chức trưng bày chuyên đề nghệ thuật truyền thống Khmer tại Bảo tàng tỉnh.

- Tổ chức hội thảo chuyên đề về thực trạng và giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị các loại hình nghệ thuật truyền thống Khmer tiêu biểu tỉnh Kiên Giang.

- Lập hồ sơ khoa học về 4 loại hình nghệ thuật truyền thống dân tộc Khmer tiêu biểu ở Kiên Giang gồm: Nghệ thuật múa truyền thống Khmer, Lễ hội Okombook, Nghệ thuật diễn tấu dàn nhạc ngũ âm Khmer, Văn học dân gian Khmer, đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

- Mở các lớp truyền dạy về nghệ thuật truyền thống Khmer để tạo ra đội ngũ nghệ nhân, diễn viên, nhạc công kế thừa (trong đó ưu tiên mở các lớp cho đối tượng thanh thiếu niên Khmer về các loại hình nghệ thuật: Sân khấu Dù kê, ca múa dân gian Khmer, nhạc ngũ âm).

- Tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ văn hóa cơ sở, cán bộ nghiên cứu, nghệ sỹ sáng tác, dàn dựng, diễn xướng nghệ thuật truyền thống Khmer.

- Xây dựng được 02 đội văn nghệ quần chúng Khmer có thể biểu diễn được dàn nhạc ngũ âm, nghệ thuật sân khấu Dù kê và múa hát dân gian để làm nòng cốt phát triển phong trào luyện tập, biểu diễn nghệ thuật truyền thông Khmer tại những huyện có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống.

- Thành lập và duy trì 02 câu lạc bộ ghe ngo Nam và Nữ tiêu biểu. Hỗ trợ đóng mới 06 chiếc ghe ngo và 10 bộ dàn nhạc ngũ âm.

- Hướng dẫn Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thanh các huyện, thành phố vùng đồng bào dân tộc Khmer thành lập mô hình Câu lạc bộ văn nghệ truyền thống Khmer.

- Tổ chức phát động phong trào luyện tập, biểu diễn các loại hình nghệ thuật truyền thông Khmer gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

- Tổ chức định kỳ 02 năm một lần Liên hoan nghệ thuật truyền thống Khmer ở cấp huyện và định kỳ 02 năm một lần Liên hoan nghệ thuật truyền thống Khmer ở cấp tỉnh.

- Lựa chọn một số lễ hội tiêu biểu của đồng bào Khmer để tổ chức biểu diễn nghệ thuật sân khấu Dù kê và múa hát dân gian Khmer phục vụ du khách. Từng bước xây dựng nghệ thuật truyền thống Khmer thành sản phẩm du lịch văn hóa đặc trưng, góp phần quảng bá hình ảnh tươi đẹp về đất và người Kiên Giang.

- Phát động cuộc thi viết kịch bản mới cho nghệ thuật sân khấu Dù kê, dân ca Khmer, mời gọi các tác giả trong và ngoài tỉnh tham gia để thúc đẩy phong trào phát triển.

- Tổ chức biểu dương, tôn vinh các tập thể và cá nhân có nhiều đóng góp trong việc bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống Khmer trên địa bàn tỉnh Kiên Giang. Kịp thời đề xuất xét tặng các danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” cho các cá nhân đủ điều kiện theo quy định.

IV. YÊU CẦU, PHƯƠNG PHÁP, ĐỐI TƯỢNG VÀ PHẠM VI CỦA ĐỀ ÁN

1. Yêu cầu của Đề án

- Đánh giá thực trạng, tồn tại, những thuận lợi, khó khăn, nguyên nhân và những bài học kinh nghiệm trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống dân tộc Khmer trên địa bàn tỉnh.

- Đề án phải được đồng bộ hóa và khả thi, trên cơ sở xây dựng các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, xác định rõ nguồn lực để thực hiện, xác định chính xác các loại hình nghệ thuật truyền thống dân tộc Khmer cần được bảo tồn và phát huy giá trị.

- Đề xuất cơ chế chính sách, tài chính, nguồn nhân lực, đầu tư cơ sở vật chất, các phương án huy động nguồn lực xã hội, các tổ chức, cá nhân cùng tham gia đóng góp trí tuệ, vật chất cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống dân tộc Khmer trên địa bàn tỉnh.

- Đề án sẽ được đưa vào mục tiêu phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội để từng bước thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm đã đặt ra của địa phương.

- Việc hình thành Đề án được thực hiện đúng quy trình từ sở, ban, ngành, đoàn thể chính trị - xã hội, đơn vị, địa phương có liên quan trên địa bàn tỉnh Kiên Giang.

2. Đối tượng của Đề án

Nghiên cứu công tác bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống dân tộc Khmer tỉnh Kiên Giang. Các loại hình nghệ thuật truyền thống dân tộc Khmer tiêu biểu trên địa bàn tỉnh Kiên Giang.

3. Phạm vi Đề án

- Phạm vi không gian: Vùng đồng bào dân tộc Khmer tại 15 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Kiên Giang.

- Phạm vi đối tượng khảo sát: Các đối tượng có tham gia công tác bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống dân tộc Khmer tỉnh Kiên Giang. Các loại hình nghệ thuật truyền thống dân tộc Khmer trên địa bàn tỉnh Kiên Giang.

4. Phương pháp tiến hành

- Phương pháp số hóa tài liệu và công cụ điều tra: Tổ thực hiện Đề án thu thập thông tin thứ cấp và sơ cấp (bằng phiếu điều tra) sau đó sử dụng các phần mềm và phương pháp tính toán theo nguyên lý thống kê.

- Phương pháp xã hội học: Phương pháp này được thực hiện bằng cách thu thập thông tin qua phiếu điều tra, phỏng vấn, địa điểm điều tra.

- Phương pháp dự báo: Dựa trên kết quả điều tra dư luận xã hội và các chính sách quản lý của Nhà nước về văn hóa để nêu lên khả năng mất đi hay tồn tại và phát triển của các loại hình nghệ thuật truyền thống Khmer ở Kiên Giang.

- Phương pháp thu thập và tổng hợp tài liệu: Thu thập tài liệu, số liệu liên quan đến đối tượng nghiên cứu trên địa bàn tỉnh như: Điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội. Thu thập tài liệu liên quan đến lĩnh vực nghệ thuật truyền thống Khmer (bao gồm các tài liệu sách báo, bài viết, internet, các công trình nghiên cứu, văn bản của tỉnh Kiên Giang, của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, của Chính phủ và các số liệu thống kê khác).

- Phương pháp điền dã dân tộc học: Phương pháp này được thực hiện bằng cách thu thập thông tin qua việc đi điền dã đến các phum sóc của người Khmer trong tỉnh để quan sát, phỏng vấn. Khi đi sưu tầm cần biết chọn thời điểm vào những dịp người Khmer tổ chức các hoạt động văn nghệ như: Liên hoan, hội thi, hội diễn, lễ hội, đám ma, đám cưới...

- Phương pháp tư liệu hóa: Sử dụng kỹ thuật ghi âm, ghi hình trực tiếp khi người dân thể hiện các loại hình nghệ thuật truyền thống Khmer. Thông tin sưu tầm cần được so sánh, phân loại, thống kê, tổng hợp.... biên soạn lại thành dạng sách chuyên khảo và đĩa CD/DVD minh họa. Mỗi đối tượng sưu tầm cần nêu được đặc điểm thể loại, hoàn cảnh sử dụng, tên tuổi, địa chỉ của đối tượng biểu diễn. Phần văn bản sử dụng song ngữ Việt- Khmer.

- Phương pháp thực nghiệm: Tổ chức một số lớp học truyền dạy nghệ thuật truyền thống Khmer cho đối tượng thanh thiếu niên, diễn viên quần chúng. Khi tổ chức lớp học cần phát huy uy tín và vai trò của ngôi chùa và các vị chức sắc tôn giáo, người uy tín trong cộng đồng, đoàn thể ở địa phương tham gia tổ chức và quản lý lớp học. Giáo viên truyền dạy là nghệ nhân giỏi, có đạo đức và uy tín.

- Phương pháp tham vấn chuyên gia: Tham khảo rộng rãi ý kiến chuyên gia và mở một cuộc hội thảo chuyên đề về nghệ thuật truyền thống dân tộc Khmer ở Kiên Giang. Ngoài ra còn tham quan học tập kinh nghiệm tỉnh bạn... nhằm tìm phương pháp tối ưu đề xuất các giải pháp phù hợp với điều kiện thực tế.

- Phương pháp điều tra, thống kê: Là hình thức thu thập dữ liệu, thông tin, thống kê về đối tượng nghiên cứu bao gồm: Công tác bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống dân tộc Khmer và các loại hình nghệ thuật truyền thống dân tộc Khmer tiêu biểu trên địa bàn tỉnh. Chúng được nghiên cứu cụ thể theo phương pháp khoa học, thống nhất, được xác định trong phương án điều tra thống kê về nghệ thuật truyền thống dân tộc Khmer trên địa bàn tỉnh.

Các phương pháp trên được vận dụng một cách linh hoạt, mang tính trình tự và đan xen lẫn nhau trong quá trình thực hiện Đề án.

V. NỘI DUNG CỦA ĐỀ ÁN

1. Nhiệm vụ chung về bảo tồn nghệ thuật truyền thống dân tộc Khmer ở Kiên Giang

1.1. Tổ chức các hoạt động nghiên cứu, bảo tồn nghệ thuật truyền thống dân tộc Khmer

- Tổ chức Hội thảo thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống Khmer ở Kiên Giang.

- Sưu tầm phân loại, xác minh, hiệu chỉnh, hệ thống hóa các thông tin, bài bản nghệ thuật truyền thông dân tộc Khmer. Xây dựng đầy đủ cơ sở dữ liệu cho các bộ môn nghệ thuật truyền thống Khmer để phục vụ công tác quản lý nhà nước, nghiên cứu khoa học và tuyên truyền.

- Tổ chức điều tra xã hội học, kiểm kê, thống kê dữ liệu về văn hóa truyền thống Khmer. Tiến hành thống kê các đội, nhóm văn nghệ quần chúng Khmer, số lượng, chất lượng và trình độ của các nghệ sỹ, nghệ nhân, diễn viên, nhạc công; nhạc cụ dân tộc, nghệ thuật kiến trúc chùa tháp Phật giáo Khmer.

- Hoàn thành cơ sở dữ liệu về nghệ thuật truyền thống dân tộc Khmer ở Kiên Giang. Nội dung bao gồm các bảng biểu, số liệu thống kê, danh sách, hình ảnh và lý lịch, phim và ảnh tư liệu về nghệ thuật truyền thống Khmer... Cơ sở dữ liệu được định dạng thành các đĩa DVD để lưu trữ và tích hợp trên Trang thông tin điện tử Sở Văn hóa và Thể thao. Từ đó lựa chọn và lập hồ sơ khoa học một số loại hình nghệ thuật truyền thống dân tộc Khmer tiêu biểu ở Kiên Giang đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

- Thực hiện các phim tài liệu, ảnh tư liệu về 10 loại hình nghệ thuật truyền thống Khmer tiêu biểu ở Kiên Giang. Tổ chức in ấn, phát hành sách, đĩa phim tư liệu về nghệ thuật truyền thống Khmer để cấp phát cho cơ sở (gồm các ngôi chùa, nhà văn hoá, thư viện các xã vùng đồng bào Khmer). Các sản phẩm tuyên truyền nêu trên có nội dung phản ánh về lịch sử hình thành và phát triển của các loại hình nghệ thuật truyền thông Khmer ở Kiên Giang, gương sáng nghệ nhân, các bài bản nghệ thuật được sưu tầm, hiệu chỉnh và các bài học kinh nghiệm được rút ra trong hoạt động nghệ thuật truyền thống Khmer.

1.2. Tổ chức các hoạt động truyền dạy, tập huấn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực nghệ thuật truyền thống Khmer

Hàng năm mở các lớp truyền dạy về phương pháp thực hành, trình diễn 10 loại hình nghệ thuật truyền thống Khmer để hình thành lớp nghệ nhân, diễn viên, nhạc công trẻ để kế thừa. Lựa chọn địa điểm mở các lớp trong cộng đồng, nhà chùa Khmer, các trường dân tộc nội trú, Trường Cao đẳng Nghề ở Bến Nhứt (huyện Giồng Riềng) và Trung tâm Văn hóa tỉnh. Trong đó ưu tiên mở các lớp truyền dạy cho đối tượng thanh thiếu niên Khmer có năng khiếu và đam mê hoạt động văn nghệ truyền thống về các loại hình nghệ thuật như: sân khấu Dù kê, múa hát dân gian Khmer, nhạc ngũ âm. Thời gian lớp bồi dưỡng năng khiếu nghệ thuật là từ 20 ngày/lớp.

- Liên kết với các Trường Đại học, nơi có chức năng đào tạo văn hoá nghệ thuật Khmer để tổ chức các lớp tập huấn về nghiệp vụ nghiên cứu, sáng tác, dàn dựng trong nghệ thuật biểu diễn Khmer cho đội ngũ nghệ nhân, diễn viên, các nhà nghiên cứu, sáng tác, dàn dựng, diễn xướng nghệ thuật truyền thống Khmer tại Kiên Giang.

- Tổ chức các lớp tập huấn triển khai các văn bản về văn hóa dân tộc, nghiệp vụ sưu tầm văn hóa Khmer cho công chức văn hóa cấp xã và Phòng Văn hóa và Thông tin cấp huyện.

- Hỗ trợ phương tiện để các chùa Khmer bảo quản hoặc trưng bày các di vật, cổ vật, nhạc cụ, sách lá và các hiện vật liên quan đến các loại hình nghệ thuật truyền thống Khmer. Tổ chức trưng bày chuyên đề nghệ thuật truyền thống Khmer tại Bảo tàng tỉnh.

2. Nhiệm vụ chung về phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống Khmer

- Nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với nghệ thuật truyền thống Khmer. Thực hiện tốt công tác quản lý các nguồn lực nhà nước và xã hội trong công tác bảo tồn, phát huy nghệ thuật truyền thông Khmer. Tăng cường phối hợp giữa các cấp, các ngành và địa phương trong công tác bảo tồn và phát huy nghệ thuật truyền thông Khmer. Hoàn thiện cơ chế chính sách trong công tác bảo tồn và phát huy nghệ thuật truyền thống Khmer. Chỉ đạo huy động các nguồn lực xã hội hóa và phát động phong trào luyện tập, biểu diễn các loại hình nghệ thuật truyền thông Khmer gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

- Hỗ trợ chuyên môn, nghiệp vụ cơ sở thông qua việc biên soạn, in ấn, phát hành tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ sưu tầm, bảo tồn và phát huy nghệ thuật truyền thống Khmer tỉnh Kiên Giang.

- Phát triển các phong trào văn hóa văn nghệ, trình diễn nghệ thuật truyền thông Khmer với nội dung và hình thức đa dạng như:

+ Tiếp tục tăng cường đầu tư kinh phí, biên chế và trang bị phương tiện hoạt động đầy đủ cho Đoàn nghệ thuật Khmer tỉnh Kiên Giang để đơn vị này có đủ khả năng dàn dựng và biểu diễn được các chương trình nghệ thuật có chất lượng cao.

+ Định kỳ tổ chức Liên hoan nghệ thuật truyền thống Khmer ở cấp huyện 2 năm một lần và cấp tỉnh 3 năm một lần. Qua đó tìm kiếm các tài năng trẻ cho nghệ thuật truyền thống Khmer.

+ Phát động phong trào luyện tập, biểu diễn văn nghệ trong đồng bào Khmer gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

+ Khuyến khích mỗi huyện vùng đồng bào Khmer thành lập mới mô hình Câu lạc bộ văn nghệ truyền thống, trong đó thành lập, củng cố và duy trì hoạt động ít nhất 02 đội văn nghệ quần chúng Khmer để làm nòng cốt phát triển phong trào giao lưu biểu diễn nghệ thuật truyền thống Khmer tại cơ sở. Hỗ trợ cấp phát dàn nhạc cụ ngũ âm, dàn âm thanh, trang phục và đạo cụ biểu diễn nghệ thuật, kinh phí luyện tập, biểu diễn và nước uống trong sinh hoạt định kỳ cho một số đội văn nghệ quần chúng Khmer hoạt động tích cực tại các huyện, thành phố có đông đồng bào Khmer sinh sống.

Ở cấp tỉnh thành lập “Câu lạc bộ văn nghệ truyền thống Khmer tỉnh Kiên Giang” trực thuộc Đoàn nghệ thuật Khmer tỉnh Kiên Giang.

- Phát động cuộc thi viết kịch bản mới cho nghệ thuật sân khấu Dù kê, dân ca Khmer. Đây là nguồn kịch bản cần thiết giúp Đoàn Nghệ thuật Khmer Kiên Giang và Đài Phát thanh và Truyền hình Kiên Giang biên tập, chuyển thể, dàn dựng thành chương trình phát thanh, kịch bản truyền hình, kịch bản biểu diễn lưu động ngoài trời, phù hợp với từng hình thức thể hiện với thời lượng và cách thức dàn dựng khác nhau.

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá về nghệ thuật truyền thống dân tộc Khmer trên hệ thống báo, đài của tỉnh. Xây dựng các sản phẩm truyền thông để đẩy mạnh tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá về nghệ thuật truyền thống Khmer Kiên Giang bao gồm các bài viết, hình ảnh, video clip đăng tải trên hệ thống báo, đài và biên soạn chuyên khảo về 4 loại hình nghệ thuật truyền thống Khmer tiêu biểu tỉnh Kiên Giang gồm: Nghệ thuật âm nhạc và sân khấu dân gian Khmer, Nghệ thuật kiến trúc chùa tháp Khmer, Văn học dân gian Khmer, Lễ hội truyền thống Khmer ở Kiên Giang. Từ năm 2022 - 2025, định kỳ hàng tháng đều có bài viết hoặc tiết mục văn nghệ đặc sắc tuyên truyền giới thiệu, quảng bá nghệ thuật truyền thống Khmer trên hệ thống báo, đài của tỉnh để góp phần nâng cao nhận thức của đồng bào Khmer và vận động xã hội hóa phong trào bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống Khmer. Tổ chức trình diễn, giới thiệu, quảng bá nghệ thuật truyền thống Khmer tại các khu du lịch, các lễ hội khu du lịch. Tổ chức trưng bày chuyên đề nghệ thuật truyền thống Khmer tại Bảo tàng tỉnh,

- Từng bước xây dựng nghệ thuật truyền thống Khmer thành sản phẩm văn hóa du lịch đặc trưng của tỉnh. Xây dựng chương trình tuyên truyền, quảng bá rộng rãi giá trị nghệ thuật truyền thống Khmer gắn với chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch của tỉnh, kết hợp với nghiên cứu, khảo sát tiềm năng du lịch, lựa chọn xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng cho các vùng đồng bào dân tộc Khmer ở Kiên Giang.

3. Nhiệm vụ cụ thể bảo tồn và phát huy giá trị 10 loại hình nghệ thuật truyền thống Khmer tiêu biểu ở Kiên Giang

3.1. Bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật múa truyền thống của người Khmer

Tổ chức điều tra, khảo sát về nghệ thuật múa truyền thống Khmer. Viết báo cáo chuyên đề thực trạng và giải pháp việc dàn dựng, luyện tập và biểu diễn nghệ thuật múa truyền thông Khmer tại các đội văn nghệ quần chúng và Đoàn Nghệ thuật Khmer Kiên Giang. Tổ chức đi sưu tầm các loại hình nghệ thuật múa Khmer. Thực hiện phim, ảnh tư liệu về nghệ thuật múa. Dịch thuật tài liệu từ tiếng Khmer sang tiếng Việt và ngược lại. Mở lớp truyền dạy nghệ thuật truyền thống Khmer. Hỗ trợ luyện tập, biểu diễn nghệ thuật múa Khmer tại các lễ hội tiêu biểu của tỉnh như: lễ hội truyền thống kỷ niệm ngày hy sinh của Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực, Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch đồng bào Khmer (Lễ hội Okombok), Lễ hội Tao đàn Chiêu Anh Các... trong 4 năm (từ năm 2022-2025). Tuyên truyền quảng bá về nghệ thuật múa Khmer bằng các bài viết, hình ảnh, chương trình truyền hình.

3.2. Bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật sân khấu Dù kê

Tổ chức điều tra, khảo sát về nghệ thuật sân khấu Dù kê. Viết báo cáo chuyên đề thực trạng và giải pháp việc dàn dựng, luyện tập và biểu diễn nghệ thuật sân khấu Dù kê tại các đội văn nghệ quần chúng và Đoàn Nghệ thuật Khmer Kiên Giang. Tổ chức đi sưu tầm kịch bản, trích đoạn Dù kê. Thực hiện phim, ảnh tư liệu về sân khấu Dù kê. Mở lớp truyền dạy múa sân khấu Dù kê. Tổ chức cuộc thi viết kịch bản mới cho sân khấu Dù kê. Hỗ trợ luyện tập, biểu diễn trích đoạn sân khấu Dù kê tại một số lễ hội.

3.3. Bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật chế tác nhạc cụ truyền thống Khmer

Tổ chức điều tra, khảo sát viết báo cáo chuyên đề về thực trạng số lượng, chủng loại nhạc cụ và tình trạng sử dụng, bảo quản dàn nhạc ngũ âm và các nhạc cụ khác tại các đội, nhóm văn nghệ và các chùa Khmer. Tiến hành ghi chép, phân loại, hiệu chỉnh phần lý thuyết về cách chế tác và sử dụng 48 loại nhạc cụ truyền thống Khmer thuộc 3 nhóm nhạc cụ gõ, nhạc cụ hơi và nhạc cụ dây. Tổ chức phỏng vấn các nghệ nhân chế tác nhạc cụ Khmer. Thực hiện phim, ảnh tư liệu về nhạc cụ ngũ âm Khmer ở Kiên Giang. Mở lớp truyền dạy cho bộ môn nhạc cụ ngũ âm tại chùa Thôn Dôn và chùa Rạch Sỏi (thành phố Rạch Giá). Hỗ trợ bộ đồ nghề cho nghệ nhân chế tác nhạc cụ truyền thống Khmer. Đặt hàng sản xuất bộ dàn nhạc ngũ âm để cấp phát cho các đơn vị và cơ sở gồm: cấp phát cho Bảo tàng tỉnh phục vụ công tác trưng bày, giới thiệu cho khách tham quan; cấp phát dàn nhạc ngũ âm cho một số ngôi chùa Khmer để có phương tiện hoạt động văn nghệ trong chùa; cấp phát dàn nhạc ngũ âm dàn nhạc ngũ âm cho các đội văn nghệ quần chúng hoạt động hiệu quả. Tổ chức tuyên truyền quảng bá về Sự độc đáo của nhạc cụ truyền thống Khmer.

3.4. Bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật âm nhạc truyền thống Khmer

Tổ chức điều tra, khảo sát về âm nhạc dân gian Khmer. Viết các báo cáo chuyên đề thực trạng dân ca Khmer và âm nhạc trong tín ngưỡng, tôn giáo của người Khmer. Việc dàn dựng, luyện tập và biểu diễn âm nhạc dân gian Khmer tại các đội văn nghệ quần chúng và Đoàn Nghệ thuật Khmer Kiên Giang. Khảo sát thực trạng và đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng việc dàn dựng, luyện tập và biểu diễn âm nhạc dân gian tại các đội văn nghệ quần chúng và Đoàn Nghệ thuật Khmer Kiên Giang. Tổ chức sưu tầm các loại hình âm nhạc dân gian Khmer. Thực hiện phim, ảnh tư liệu về nghệ thuật Dân ca Khmer, âm nhạc trong tín ngưỡng, tôn giáo của người Khmer. Mở lớp truyền dạy cho bộ môn nghệ thuật âm nhạc dân gian Khmer. Tổ chức cuộc thi viết lời mới cho dân ca Khmer. Hỗ trợ thành lập mới các Câu lạc bộ văn nghệ truyền thống Khmer ở các huyện và “Câu lạc bộ văn nghệ truyền thống Khmer tỉnh Kiên Giang” trực thuộc Đoàn Nghệ thuật Khmer Kiên Giang. Câu lạc bộ này gồm các nghệ nhân, nghệ sĩ Khmer tiêu biểu hạt nhân phong trào trong tỉnh, có chức năng làm cầu nối mọi hoạt động văn nghệ truyền thống Khmer từ tỉnh đến cơ sở gồm: Tổ chức giao lưu biểu diễn; truyền dạy; trao đổi kinh nghiệm, giao lưu biểu diễn giữa các địa phương trong và ngoài tỉnh; tìm kiếm tài năng để tham gia các cuộc liên hoan, hội thi quốc gia và khu vực và phục vụ những sự kiện văn hóa, chính trị của tỉnh khi có yêu cầu; giới thiệu các nghệ nhân Khmer xứng đáng để làm hồ sơ đề nghị Nhà nước công nhận danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú”. Hỗ trợ phong trào giao lưu, biểu diễn âm nhạc truyền thống Khmer như: Liên hoan nghệ thuật truyền thống Khmer ở cấp huyện và cấp tỉnh định kỳ 02 năm một lần. Tổ chức biểu diễn nghệ thuật truyền thống trong các lễ hội. Tuyên truyền quảng bá về âm nhạc dân gian Khmer.

3.5. Bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật sân khấu Rô băm

Tổ chức điều tra, khảo sát về nghệ thuật sân khấu Rô băm. Viết báo cáo chuyên đề thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng dàn dựng, luyện tập và biểu diễn nghệ thuật sân khấu Rô băm tại các đội văn nghệ quần chúng và Đoàn nghệ thuật Khmer tỉnh. Tổ chức đi sưu tầm kịch bản và trích đoạn sân khấu Rô băm. Thực hiện phim, ảnh tư liệu về sân khấu Rô băm. Tuyên truyền, quảng bá về nghệ thuật sân khấu Rô băm.

3.6. Bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật kiến trúc chùa tháp Phật giáo Nam tông Khmer

Tổ chức điều tra, khảo sát về nghệ thuật kiến trúc chùa Khmer ở Kiên Giang. Viết báo cáo chuyên đề thực trạng kiến trúc và công tác trùng tu, tôn tạo các ngôi chùa Khmer ở Kiên Giang, giải pháp nâng cao hiệu quả công tác tu bổ, tôn tạo các ngôi chùa Khmer ở Kiên Giang. Tổ chức đi sưu tầm bản vẽ, hình ảnh, mẫu vật trưng bày về nghệ thuật kiến trúc chùa Khmer. Thực hiện phim tư liệu “Nét đẹp nghệ thuật kiến trúc chùa tháp Khmer ở Kiên Giang” và Bộ ảnh tư liệu về nghệ thuật kiến trúc chùa Khmer (7 nhóm chủ đề tại 72 ngôi chùa gồm: Cổng và khuôn viên ngoại thất, chánh điện, sala, tranh vẽ tường, tượng Phật, tượng linh thú, vườn tháp). Mở lớp truyền dạy nghệ thuật trang trí kiến trúc chùa Khmer. Khảo sát xây dựng phương án tạo điểm đến du lịch tại một số chùa Khmer ở thành phố Rạch Giá, huyện Kiên Lương và thành phố Hà Tiên. Tổ chức lớp tập huấn bảo tồn và phát huy giá trị di tích cho các vị sư trụ trì chùa Khmer và nhân viên hướng dẫn du lịch. Hỗ trợ tủ kính và sách để nhà chùa xây dựng tủ sách cộng đồng. Hỗ trợ bộ âm thanh trong hoạt động văn nghệ cho 5 chùa Khmer có phong trào hoạt động văn nghệ tốt. Tuyên truyền quảng bá về giá trị nghệ thuật kiến trúc chùa Phật giáo Khmer.

3.7. Bảo tồn và phát huy giá trị lễ hội truyền thống Khmer

Tổ chức điều tra, khảo sát về lễ hội truyền thống Khmer tại các huyện: Gò Quao, Giồng Riềng, Kiên Lương, Hòn Đất. Viết báo cáo chuyên đề thực trạng các lễ hội: ChôlChnămThmây, Sen Đonta, Okombok và giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị các lễ hội truyền thống Khmer tỉnh Kiên Giang. Thực hiện phim tư liệu và bộ ảnh tư liệu về lễ hội truyền thống Khmer. Tuyên truyền quảng bá về lễ hội truyền thống Khmer ở Kiên Giang.

3.8. Bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật viết chữ Khmer trên sách lá

Tổ chức điều tra, khảo sát về các loại sách lá còn lưu giữ tại các ngôi chùa Khmer ở Kiên Giang. Viết báo cáo chuyên đề thực trạng các loại sách lá còn lưu giữ tại các ngôi chùa Khmer và giải pháp bảo quản, khai thác giá trị thông tin các loại sách lá còn lưu giữ tại các ngôi chùa Khmer. Tổ chức đi sưu tầm các loại sách lá Khmer. Thực hiện phim tư liệu và bộ ảnh tư liệu về sách lá còn lưu giữ tại các ngôi chùa Khmer. Hỗ trợ cho các ngôi chùa Khmer phương tiện bảo quản sách lá cổ như: Tủ kính để sách lá chống ẩm, tân trang, gia cố, đóng bìa khoảng 300 cuốn sách lá còn lưu trữ trong các chùa Khmer bị hư hại do thời tiết và côn trùng. Tuyên truyền quảng bá về giá trị nghệ thuật viết chữ Khmer trên sách lá.

3.9. Bảo tồn và phát huy giá trị văn học dân gian Khmer

Tổ chức điều tra, khảo sát về văn học dân gian Khmer. Viết báo cáo chuyên đề thực trạng việc giảng dạy văn học dân gian Khmer trong các trường dân tộc nội trú tỉnh Kiên Giang và giải pháp nâng cao hiệu quả việc đưa văn học dân gian Khmer vào giảng dạy trong các trường dân tộc nội trú tỉnh Kiên Giang. Tổ chức sưu tầm tư liệu hóa các tác phẩm văn học dân gian Khmer còn lưu trữ dạng truyền miệng từ người cao tuổi và nghệ nhân Khmer. Thống kê danh mục các tác phẩm văn học dân gian Khmer còn lưu trữ dạng văn bản tại các ngồi chùa Khmer. Thực hiện phim, ảnh tư liệu về các tác phẩm văn học dân gian Khmer. Tuyên truyền quảng bá về giá trị của văn học dân gian Khmer.

3.10. Bảo tồn và phát huy giá trị trang phục truyền thống Khmer

Tổ chức điều tra, khảo sát về trang phục truyền thống Khmer. Viết báo cáo chuyên đề thực trạng sản xuất, mua bán và sử dụng trang phục truyền thông của người Khmer vào các dịp lễ, tết và giải pháp khuyến khích người Khmer ở Kiên Giang sử dụng trang phục truyền thống. Tổ chức đi sưu tầm các mẫu trang phục truyền thông Khmer phục vụ công tác trưng bày triển lãm tại Bảo tàng tỉnh. Ghi chép, phân loại, hiệu chỉnh phần lý thuyết về cách cắt may và sử dụng các loại trang phục truyền thống Khmer như trang phục cô dâu chú rể ngày cưới, trang phục trong lễ tang của người Khmer, lễ phục mặc vào dịp lễ hội. Thực hiện phim tư liệu và bộ ảnh tư liệu về trang phục truyền thống Khmer. Mở lớp truyền dạy nghệ thuật cắt may trang phục truyền thống Khmer tại ở Chùa Sóc Xoài (huyện Hòn Đất). Tuyên truyền quảng bá về nét đẹp trang phục truyền thống Khmer.

4. Công tác tổ chức, chỉ đạo

- Tổ chức Hội nghị triển khai, sơ kết, tổng kết Đề án. Có sự phân tích, đánh giá và kịp thời rút ra các bài học kinh nghiệm trong công tác bảo tồn và phát huy nghệ thuật truyền thống Khmer. Thường xuyên tổ chức kiểm tra, chỉ đạo phong trào nghệ thuật Khmer tại các huyện có đông đồng bào dân tộc Khmer.

- Khen thưởng các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống Khmer tỉnh Kiên Giang. Kịp thời xét tặng các danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực hoạt động nghệ thuật truyền thống Khmer cho các cá nhân đủ điều kiện theo quy định. Khuyến khích các tập thể và cá nhân tham gia tích cực vào việc bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống dân tộc Khmer.

5. Định hướng và các giải pháp thực hiện Đề án

5.1. Định hướng

Đề án thực hiện theo quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, đồng thời phù hợp với truyền thống văn hóa của đồng bào Khmer ở Kiên Giang. Đây vừa là việc làm vừa có tính cấp bách, vừa có tính lâu dài để góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Để nâng cao hiệu quả nguồn lực đầu tư của Nhà nước đối với việc bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống dân tộc Khmer ở Kiên Giang, sẽ tập trung đầu tư vào một số các loại hình nghệ thuật tiêu biểu. Bên cạnh việc sưu tầm, lưu giữ, truyền dạy cho thế hệ trẻ, có định hướng bảo tồn và kế thừa một cách sáng tạo như tổ chức cuộc thi viết lời mới cho dân ca Khmer; sáng tác kịch bản cho sân khấu Dù Kê... Đẩy mạnh việc tuyên truyền và khuyến khích xã hội hóa để thu hút tối đa nguồn lực cho công tác bảo tồn và phát huy nghệ thuật truyền thống Khmer. Phát huy vai trò của các ngôi chùa, tháp và các vị chức sắc tôn giáo để thực hiện các nội dung của Đề án.

5.2. Giải pháp

5.2.1. Giải pháp về chỉ đạo, điều hành thực hiện Đề án: Thực hiện tốt công tác phối hợp giữa các ngành, các cấp, các địa phương trong việc bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống Khmer. Chỉ đạo thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn lực làm công tác dân tộc và cán bộ văn hóa cơ sở vùng đồng bào Khmer. Chú trọng xã hội hóa, lồng ghép biểu diễn nghệ thuật truyền thống Khmer với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở cơ sở và chương trình xây dựng nông thôn mới vùng đồng bào dân tộc Khmer. Tôn vinh và phát huy vai trò các vị chức sắc tôn giáo, người có uy tín trong cộng đồng Khmer. Trong đó tập trung vào các hoạt động liên hoan, hội thi, trình diễn, quảng bá, hướng dẫn nghiệp vụ cho tuyến cơ sở. Tổ chức hội nghị sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả thực hiện Đề án.

5.2.2. Xây dựng các văn bản quản lý nhà nước về công tác văn hóa vùng đồng bào dân tộc Khmer: Để thực hiện hiệu quả Đề án và nâng cao hiệu quả công tác văn hóa dân tộc, cân bổ sung hoàn thiện các văn bản, chính sách về dân tộc như: ban hành các văn bản quy định, hướng dẫn nghiệp vụ và định mức kinh phí hỗ trợ về công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa nghệ thuật truyền thống trên địa bàn tỉnh; hướng dẫn lồng ghép hoạt động văn hoá dân tộc với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; chính sách và hỗ trợ nghệ nhân Khmer truyền dạy, phổ biến nghệ thuật truyền thống; quy định định mức chi khen thưởng đối với các danh hiệu trong hoạt động nghệ thuật truyền thống. Hướng dẫn các huyện, thành phố xây dựng và ban hành kế hoạch bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật truyền thông Khmer tại địa phương; củng cố, kiện toàn, xây dựng quy chế hoạt động cho các đội, nhóm văn nghệ quần chúng Khmer; tổ chức các hội nghị để triển khai, sơ kết, tổng kết Đề án, kiểm tra giám sát tình hình thực hiện Đề án tại các địa phương; xây dựng báo cáo tổng hợp kết quả thực hiện Đề án, những thuận lợi, khó khăn, đề xuất, kiến nghị và các giải pháp thực hiện.

5.2.3. Giải pháp tăng cường nguồn vốn đầu tư của Nhà nước kết hợp đẩy mạnh công tác xã hội hóa cho các hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống dân tộc Khmer:

- Nâng cao hiệu quả nguồn vốn đầu tư của nhà nước trong việc bảo tồn phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống Khmer. Trong đó có việc xây dựng các mô hình bảo tồn, trình diễn nghệ thuật truyền thống, tu bổ, tôn tạo các ngôi chùa Khmer; tăng thêm kinh phí và phương tiện hoạt động cho các đội văn nghệ quần chúng, đẩy mạnh công tác truyền dạy trong cộng đồng, xây dựng các thiết chế văn hóa và thể thao vùng đồng bào Khmer.

- Đẩy mạnh công tác xã hội hoá, huy động nguồn lực kinh phí, phương tiện và nhân lực từ các đơn vị, cá nhân trong cộng đồng để bảo tồn, phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống Khmer trên địa bàn tỉnh. Khuyến khích các hoạt động biểu diễn, giao lưu, trao đổi kiến thức về nghệ thuật truyền thống Khmer.

- Đưa nghệ thuật truyền thống Khmer vào phục vụ hoạt động du lịch. Khuyến khích các công ty du lịch, các đơn vị kinh doanh lữ hành thiết kế sản phẩm du lịch mang tính trải nghiệm về văn hóa truyền thống Khmer, lấy nghệ thuật truyền thống Khmer làm một điểm nhấn trong hoạt động của các tour du lịch tại Kiên Giang. Hàng năm, tại các điểm du lịch, các lễ hội truyền thống... tổ chức trình nghệ thuật truyền thống Khmer để quảng bá rộng rãi đến nhiều du khách.

5.2.4. Giải pháp đẩy mạnh công tác tuyên truyền quảng bá về nghệ thuật truyền thống Khmer tỉnh Kiên Giang: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, quảng bá việc bảo tồn và phát huy giá trị các loại hình nghệ thuật truyền thống Khmer. Sử dụng các hình thức tuyên truyền thông qua hệ thống Đài Phát thanh và Truyền hình, trang thông tin điện tử, báo in, tạp chí, cổ động trực quan, bảo tàng, triển lãm, các sự kiện văn hóa, du lịch, lễ hội... Qua đó nâng cao nhận thức cộng đồng dân cư về công tác bảo tồn, phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống Khmer trên địa bàn tỉnh.

5.2.5. Giải pháp sưu tầm, tư liệu hóa để bảo tồn nghệ thuật truyền thống dân tộc Khmer: Đẩy mạnh công tác kiểm kê, sưu tầm, nghiên cứu xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu để lưu trữ lâu dài các loại hình nghệ thuật truyền thống Khmer ở Kiên Giang. Thường xuyên sưu tầm các bài bản trong nghệ thuật truyền thống Khmer để cập nhật, bổ sung vào hệ thống dữ liệu, biên soạn, in ấn và phát hành sách chuyên khảo, băng đĩa...để phục vụ công tác nghiên cứu bảo tồn, phát triển nghệ thuật truyền thống Khmer và phổ biến rộng rãi đến công chúng.

5.2.6. Giải pháp nâng cao chất lượng phong trào văn nghệ quần chúng Khmer: Tăng cường tổ chức các hoạt động biểu diễn giao lưu nghệ thuật truyền thống dân tộc Khmer. Quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển phong trào văn nghệ quần chúng vùng đồng bào dân tộc Khmer trong tỉnh. Hàng năm tổ chức các hội thi, liên hoan, hội diễn văn nghệ quần chúng Khmer các cấp, trong đó ưu tiên và khuyến khích các đội văn nghệ quần chúng luyện tập, biểu diễn, giao lưu về nghệ thuật truyền thống Khmer. Hỗ trợ kinh phí, phương tiện để thành lập và duy trì hoạt động của một số đội văn nghệ truyền thống Khmer tiêu biểu trong tỉnh.

5.2.7. Giải pháp phát huy nghệ thuật truyền thống Khmer thông qua các cuộc thi sáng tác lời mới, viết kịch bản mới: Khuyến khích viết kịch bản mới cho nghệ thuật sân khấu Dù kê, viết lời mới cho các làm điệu dân ca Khmer. Qua đó phản ánh đời sống xã hội, ca ngợi thành tựu kinh tế - xã hội của quê hương, đất nước.

5.2.8. Giải pháp phát triển nguồn nhân lực thông qua hoạt động mở các lớp truyền dạy, tập huấn về nghệ thuật truyền thống dân tộc Khmer, nâng cao số lượng và chất lượng đội ngũ văn nghệ sỹ, diễn viên, nghệ nhân Khmer và cán bộ văn hóa cơ sở: Hàng năm, mở các lớp tập huấn, truyền dạy nghệ thuật truyền thống Khmer cho lực lượng diễn viên, nghệ nhân, tác giả, cán bộ làm công tác nghiên cứu, cán bộ văn hóa cơ sở. Đa dạng hóa các hình thức đào tạo từ cơ bản đến nâng cao. Tổ chức lớp đào tạo tại các chùa Khmer, Đoàn Nghệ thuật Khmer Kiên Giang và các trường dân tộc nội trú trong tỉnh. Bên cạnh việc mở lớp đào tạo bằng ngân sách nhà nước cần khuyến khích hoạt động truyền dạy tự nguyện trong cộng đồng dân cư. Tuyên truyền, tập huấn, nâng cao nhận thức cho các vị sư, Ban quản trị chùa và đồng bào Phật tử. Phát huy vai trò của các vị sư, Ban quân trị trong việc bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống Khmer. Tổ chức các đợt tập huấn, tham quan học tập kinh nghiệm cho đội ngũ cán bộ văn hóa để nâng cao năng lực quản lý nhà nước và triển khai có hiệu quả công tác bảo tồn, phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống Khmer.

5.2.9. Giải pháp về thi đua, khen thưởng: Kịp thời biểu dương các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống dân tộc Khmer. Triển khai xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” để vinh danh những nghệ nhân có nhiều cống hiến cho nghệ thuật truyền thống Khmer trên địa bàn tỉnh Kiên Giang.

6. Lộ trình và kinh phí thực hiện Đề án

6.1. Lộ trình thực hiện

6.1.1. Tổ chức các hoạt động nghiên cứu, bảo tồn nghệ thuật truyền thống dân tộc Khmer:

- Tổ chức 02 cuộc hội thảo: Thực trạng công tác bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống Khmer; giải pháp nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống Khmer (năm 2023).

- Tổ chức điều tra, khảo sát, sưu tầm, điều tra thống kê về 10 loại hình nghệ thuật truyền thống Khmer (năm 2022, 2023, 2024, 2025).

- Ghi chép phân loại, xác minh, hiệu chỉnh, hệ thống hóa và phiên dịch từ tiếng Khmer sang tiếng phổ thông các bài bản sưu tầm được từ 10 loại hình nghệ thuật truyền thống Khmer (năm 2022, 2023, 2024, 2025).

- Lập hồ sơ khoa học 04 di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, gồm: Nghệ thuật múa truyền thống Khmer Kiên Giang (năm 2022); nghệ thuật diễn tấu dàn nhạc ngũ âm Khmer (năm 2023); văn học dân gian Khmer (năm 2024); lễ hội Okombook (năm 2025).

- Thực hiện phim các phim, ảnh tư liệu về nghệ thuật truyền thống Khmer; thuê nghệ nhân, diễn viên Khmer luyện tập, biểu diễn phục vụ quá trình quay phim, chụp ảnh, ghi chép thông tin nghiên cứu về 10 loại hình nghệ thuật Khmer (năm 2022, 2023, 2024, 2025).

6.1.2. Tổ chức các hoạt động truyền dạy; tập huấn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực nghệ thuật truyền thống Khmer:

- Mở các lớp truyền dạy nghệ thuật truyền thống Khmer, gồm: Truyền dạy nhạc ngũ âm (năm 2022), múa truyền thống Khmer (năm 2023), truyền dạy nghệ thuật Dù kê (năm 2024);

- Mở các lớp tập huấn về nghệ thuật truyền thống Khmer, gồm: Mở lớp tập huấn nghiệp vụ bảo tồn và phát huy nghệ thuật truyền thông Khmer cho cán bộ văn hóa huyện và xã (năm 2023); mở 02 lớp tập huấn về nghiên cứu, sáng tác, dàn dựng, biểu diễn nghệ thuật truyền thống Khmer (năm 2024).

- Hoạt động hỗ trợ: Hỗ trợ nghệ nhân chế tác nhạc cụ Khmer; hỗ trợ nhạc cụ, bộ âm thanh, nước uống cho 02 Câu lạc bộ nghệ thuật truyền thống Khmer tiêu biểu ở Kiên Giang; hỗ trợ phương tiện hoạt động cho chùa Khmer để bảo tồn nghệ thuật truyền thống (năm 2023).

6.1.3. Nhiệm vụ chung về phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống Khmer:

- Tuyên truyền, quảng bá về nghệ thuật truyền thống Khmer: Thực hiện bài viết và ảnh; thực hiện Clip các tiết mục tọa đàm, giao lưu, biểu diễn nghệ thuật múa truyền thông Khmer; hợp đồng tuyên truyền với Đài Phát thanh và Truyền hình Kiên Giang tuyên truyền chung về các loại hình nghệ thuật truyền thống Khmer ở Kiên Giang (năm 2022, 2023, 2024, 2025).

- Biên soạn Sách chuyên khảo về 04 loại hình nghệ thuật truyền thống Khmer tiêu biểu tỉnh Kiên Giang, gồm: Nghệ thuật âm nhạc và sân khấu dân gian Khmer (năm 2022), nghệ thuật kiến trúc chùa tháp Khmer (năm 2023), văn học dân gian Khmer (năm 2024), lễ hội truyền thống Khmer ở Kiên Giang (năm 2025).

- Tổ chức liên hoan, cuộc thi, hội diễn nghệ thuật truyền thống Khmer: Tổ chức 02 cuộc thi, gồm: Viết lời mới cho dân ca Khmer (năm 2022), viết kịch bản mới cho nghệ thuật sân khấu Dù kê (năm 2024), Liên hoan nghệ thuật truyền thống Khmer cấp tỉnh, hỗ trợ Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thanh 09 huyện, thành phố có đông người Khmer tổ chức Liên hoan nghệ thuật truyền thống Khmer cấp huyện để chuẩn bị cho liên hoan cấp tỉnh (năm 2022 và 2024); hỗ trợ các câu lạc bộ văn nghệ truyền thống Khmer tổ chức giao lưu; hỗ trợ biểu diễn nghệ thuật truyền thống Khmer tại Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch đồng bào Khmer tỉnh Kiên Giang (năm 2022, 2023, 2024, 2025).

6.1.4. Nhiệm vụ cụ thể bảo tồn và phát huy giá trị 10 loại hình nghệ thuật truyền thống Khmer tiêu biểu ở Kiên Giang:

- Viết các báo cáo chuyên đề về thực trạng; Giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị các loại hình nghệ thuật truyền thống Khmer ở Kiên Giang, gồm: Nghệ thuật múa truyền thông của người Khmer, nghệ thuật âm nhạc truyền thông Khmer (năm 2022); nghệ thuật chế tác nhạc cụ truyền thống Khmer, nghệ thuật kiến trúc chùa tháp Phật giáo Nam tông Khmer, nghệ thuật viết chữ Khmer trên sách lá (năm 2023); nghệ thuật sân khấu Dù kê, nghệ thuật sân khấu Rô băm, văn học dân gian Khmer (năm 2024); lễ hội truyền thống Khmer, trang phục truyền thống Khmer (năm 2025).

- Xây dựng kịch bản nâng cấp và mở rộng quy mô tổ chức lễ hội Okombok tại huyện Gò Quao - Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch đồng bào Khmer tỉnh Kiên Giang (năm 2025).

6.1.5. Công tác tổ chức, quản lý, chỉ đạo thực hiện Đề án:

- Tổ chức các hội nghị: Triển khai Đề án (năm 2022), hội nghị sơ kết Đề án (năm 2023), hội nghị tổng kết thực hiện Đề án (năm 2025); kiểm tra giám sát tình hình thực hiện Đề án tại các địa phương và tổng hợp các số liệu, báo cáo về tình hình triển khai thực hiện Đề án (năm 2022,2023, 2024, 2025).

- Khen thưởng: Xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực hoạt động nghệ thuật truyền thống Khmer (năm 2023); khen thưởng vào dịp hội nghị tổng kết thực hiện Đề án (năm 2025).

6.2. Kinh phí thực hiện

Kinh phí thực hiện Đề án do ngân sách nhà nước bảo đảm theo phân cấp ngân sách hiện hành và các nguồn vận động xã hội hóa. Hàng năm, căn cứ nhiệm vụ được giao tại Đề án, các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan có trách nhiệm lập dự toán kinh phí thực hiện Đề án và tổng hợp chung vào dự toán của cơ quan, đơn vị, địa phương mình để trình cấp có thẩm quyền bố trí kinh phí theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành.

VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Văn hóa và Thể thao

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đoàn thể có liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tổ chức triển khai thực hiện các nội dung của Đề án; xây dựng kế hoạch và dự toán kinh phí chi tiết hàng năm để triển khai thực hiện Đề án.

- Tổ chức các hoạt động nghiên cứu, điều tra, khảo sát, sưu tầm, thống kê phân loại, hội thảo, xây dựng cơ sở dữ liệu về các di sản văn hóa thuộc loại hình văn nghệ truyền thống Khmer trên địa bàn tỉnh Kiên Giang.

- Xây dựng các sản phẩm tuyên truyền quảng bá nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, về công tác bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống dân tộc Khmer trên địa bàn tỉnh.

- Chủ trì, phối hợp tổ chức các liên hoan, hội thi, hội diễn nghệ thuật truyền thống dân tộc Khmer cấp tỉnh. Chỉ đạo, hướng dẫn các hoạt động liên hoan, hội thi, giao lưu nghệ thuật truyền thống dân tộc Khmer tại cơ sở và thành lập các đội, nhóm văn nghệ quần chúng Khmer.

- Hàng năm phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, các sở, ngành, địa phương liên quan và các điểm chùa Khmer tổ chức lớp truyền dạy một số bộ môn nghệ thuật truyền thống dân tộc Khmer nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống Khmer trong thời kỳ mới.

- Kịp thời đề xuất biểu dương, khen thưởng các tập thể và cá nhân có nhiều đóng góp xuất sắc cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống dân tộc Khmer. Tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú”, “Nghệ nhân nhân dân” cho các nghệ nhân có nhiều đóng góp trong hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống dân tộc Khmer.

- Kiểm tra, đánh giá kết quả công tác bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống dân tộc Khmer tại các cơ quan, đơn vị, địa phương. Định kỳ tiến hành sơ kết, tổng kết và báo cáo kết quả, tiến độ thực hiện; kịp thời báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh các vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện.

2. Sở Tài chính

Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí kinh phí theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và các quy định có liên quan trong khả năng cân đối nguồn ngân sách.

3. Sở Kế hoạch và Đầu tư

Tổng hợp các mục tiêu bảo tồn, phát huy giá trị nghệ nghệ thuật truyền thống dân tộc Khmer vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh theo từng năm.

4. Sở Du lịch

Phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao xây dựng chương trình tuyên truyền, quảng bá rộng rãi giá trị nghệ thuật truyền thống Khmer; gắn với chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch của tỉnh, kết hợp với nghiên cứu, khảo sát tiềm năng du lịch, lựa chọn xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng cho các vùng đồng bào dân tộc Khmer ở Kiên Giang. Phối hợp tổ chức biểu diễn nghệ thuật truyền thống Khmer để đưa biểu diễn nghệ thuật truyền thống Khmer vào các tour du lịch trên địa bàn tỉnh phục vụ du khách. Từng bước xây dựng nghệ thuật truyền thống Khmer thành sản phẩm văn hóa du lịch, quảng bá hình ảnh về đất và người Kiên Giang.

5. Sở Giáo dục và Đào tạo

Phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao khảo sát thực trạng đề xuất giải pháp thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả công tác giáo dục, truyền dạy nghệ thuật truyền thống Khmer tại các trường dân tộc nội trú tỉnh Kiên Giang (gồm thành phố Rạch Giá và thành phố Hà Tiên), thí điểm truyền dạy ngoại khoá các lớp nghệ thuật truyền thống dân tộc Khmer. Có kế hoạch từng bước đào tạo, bồi dưỡng cho giáo viên, nghệ nhân Khmer có khả năng truyền dạy trong nhà trường.

6. Sở Thông tin và Truyền thông

Chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan thông tin đại chúng của tỉnh tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về các hoạt động bảo tồn phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống dân tộc Khmer của tỉnh, nhằm nâng cao nhận thức và tinh thần trách nhiệm của các tổ chức và cá nhân trong việc giữ gìn và phát huy giá trị của các loại hình nghệ thuật này.

7. Đài Phát thanh và Truyền hình Kiên Giang

Xây dựng chương trình phát thanh, truyền hình tiếng Khmer để tuyên truyền về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống dân tộc Khmer. Phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao tổ chức liên hoan, hội thi, hội diễn nghệ thuật truyền thống dân tộc Khmer định kỳ 3 năm một lần và tổ chức các chương trình liên hoan, hội thi, hội diễn nghệ thuật truyền thống dân tộc Khmer khác trên địa bàn.

8. Báo Kiên Giang và các phương tiện truyền thông khác trong tỉnh

Xây dựng chuyên trang, chuyên mục các bài viết, tin ảnh, phóng sự, tài liệu tuyên truyền, phản ánh các hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống dân tộc Khmer của tỉnh.

9. Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh

Chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao tổ chức các cuộc thi sáng tác lời mới cho dân ca Khmer và sáng tác kịch bản cho sân khấu Dù Kê; đồng thời phối hợp tổ chức các hội thi, liên hoan, trình diễn nghệ thuật truyền thông dân tộc Khmer trên địa bàn tỉnh.

10. Ban Dân tộc tỉnh

Phối hợp điều tra, khảo sát thực trạng hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống Khmer, cung cấp thông tin phục vụ Đề án, phối hợp tổ chức các hội nghị, hội thảo trong khuôn khổ Đề án. Tham gia vận động xã hội hóa để huy động nguồn lực của xã hội hỗ trợ cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống Khmer theo Đề án này.

11. Sở Nội vụ

Phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao và các đơn vị liên quan, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh về công tác khen thưởng, biểu dương các tập thể, cá nhân có nhiều thành tích trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống dân tộc Khmer và đề xuất xét tặng danh hiệu Nhà nước cho các nghệ nhân Khmer trong tỉnh có nhiều đóng góp xuất sắc.

12. Đề nghị Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy

Có kế hoạch, định hướng nội dung tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về mục đích, ý nghĩa, tâm quan trọng và giá trị của nghệ thuật truyền thông dân tộc Khmer nhằm nâng cao nhận thức và tinh thần trách nhiệm của các tổ chức và cá nhân trong việc giữ gìn và phát huy giá trị của các loại hình nghệ thuật độc đáo này.

13. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh và các tổ chức đoàn thể trong tỉnh

Chỉ đạo, hướng dẫn các tổ chức thành viên và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện, thành phố tích cực đưa các hoạt động nghệ thuật truyền thống dân tộc Khmer vào nội dung sinh hoạt thường xuyên hàng năm ở các tổ chức hội đoàn thể và cộng đồng dân cư vùng đồng bào dân tộc Khmer trong tỉnh.

14. Đề nghị Hội đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh

Phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao trong công tác tuyên truyền cho Phật tử về nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống dân tộc Khmer, động viên khuyến khích người dân tập luyện, thực hành, biểu diễn các loại hình nghệ thuật truyền thống dân tộc Khmer. Thống nhất với chính quyền địa phương về cung cấp địa điểm tổ chức giao lưu văn nghệ ở cấp cơ sở. Tham gia mở các lớp tập huấn, truyền dạy, điều tra, kiểm kê về nghệ thuật Khmer. Giới thiệu danh sách đề nghị xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú”, “Nghệ nhân nhân dân” trong lĩnh vực bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống dân tộc Khmer ở địa phương.

15. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố vùng đồng bào Khmer

- Phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao thực hiện các nội dung của Đề án tại địa phương. Chỉ đạo Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn vùng đồng bào Khmer xây dựng chương trình, kế hoạch tổ chức các hoạt động về bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống dân tộc Khmer (như tổ chức giao lưu, liên hoan, hội diễn hàng năm tại cấp xã và cấp huyện).

- Tổ chức tuyên truyền trong cán bộ và nhân dân trên địa bàn về ý nghĩa, giá trị của nghệ thuật truyền thống dân tộc Khmer.

- Xây dựng kế hoạch tổ chức giao lưu, Liên hoan nghệ thuật truyền thống dân tộc Khmer cấp huyện định kỳ 2 năm một lần, tổ chức giao lưu nghệ thuật truyền thống dân tộc Khmer cấp xã mỗi năm một lần

- Hỗ trợ thành lập các đội, nhóm văn nghệ quần chúng Khmer. Tạo điều kiện thuận lợi cho các đội, nhóm văn nghệ Khmer tại địa phương hoạt động và kết nạp thành viên mới và phát triển thêm các các đội, nhóm văn nghệ Khmer.

- Chỉ đạo trình diễn nghệ thuật truyền thống dân tộc Khmer tại hệ thống Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thanh cấp xã và cấp huyện.

- Phối hợp điều tra, kiểm kê, đánh giá kết quả hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống dân tộc Khmer tại địa phương và biểu dương, khen thưởng kịp thời cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc.

- Từ nguồn ngân sách được phân cấp, bố trí hợp lý khoản kinh phí hỗ trợ cho các hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống dân tộc Khmer trên địa bàn./.

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Quyết định 1201/QĐ-UBND ngày 17/05/2022 phê duyệt "Đề án bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống dân tộc Khmer trên địa bàn tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2021-2025"

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


18

DMCA.com Protection Status
IP: 18.191.198.245
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!